Cảm phục và biết ơn Giáo sư Trần Phương – Nguyễn Quang Thái

Người sáng lập và dẫn dắt Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phát triển trong gần nửa thế kỷ

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, do yêu cầu hoạt động đối ngoại trên trường quốc tế, Việt Nam cần tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế nhằm mở rộng quan hệ, làm cho các nước, các tổ chức và nhân dân trên thế giới hiểu biết hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đồng thời trên các diễn đàn quốc tế đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền, các quan điểm sai trái của phương Tây về đất nước ta. Hội Khoa học Kinh tế Quốc tế (IEA) là một tổ chức tạo điều kiện để các nhà kinh tế quốc tế giao lưu, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm. Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho Viện Kinh tế (Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) mà lúc đó GS Trần Phương làm Viện trưởng, chuẩn bị cho việc thành lập một tổ chức xã hội phù hợp để đại diện cho giới kinh tế Việt Nam tham gia các diễn dàn kinh tế quốc tế và gia nhập IEA. Theo sự chỉ đạo đó, năm 1974, một số chuyên gia chủ chốt thuộc các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và quản lý kinh tế ở Hà Nội như Viện Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế – Kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã họp và tuyên bố thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Hội đã được Chính phủ ra quyết định cho phép hoạt động năm 1975. GS Trần Phương giữ chức vụ Chủ tịch Hội.

Từ khi thành lập đến Đại hội lần thứ hai (1993), Hội lấy công tác đối ngoại làm hướng hoạt động chủ yếu. Dưới danh nghĩa Hội, các nhà kinh tế Việt Nam – chủ yếu là các thành viên Ban lãnh đạo Hội và một số chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học – đã tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo của IEA (năm 1974 tham gia họp ở Tiệp Khắc, năm 1976 ở Tây Ban Nha, năm 1978 ở Nhật Bản), gia nhập Hội Kinh tế của các nước thế giới thứ ba, mở rộng quan hệ trao đổi học thuật và hợp tác với các Hội kinh tế và các nhà kinh tế ở nhiều nước. Hội cũng đã trở thành thành viên của Liên hiệp các hội kinh tế các nước ASEAN (FAEA), tham gia tích cực vào hoạt động khoa học hàng năm của tổ chức này.

Tuy nhiên, từ sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ đấu tranh trong lĩnh vực ngoại giao của Hội không còn được đặt ở vị trí quan trọng nữa. Đứng trước tình hình kinh tế – xã hội khó khăn trong những năm 1980, có một số người đề nghị Hội phải thúc đẩy hoạt động ở trong nước. Tuy nhiên, vào thời kỳ đó do các vị lãnh đạo Hội lúc đó đều giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, rất bận bịu với đủ loại nhiệm vụ cấp bách, nên đề xuất này hầu như chưa được thực hiện.

Chủ tịch Hội Trần Phương kể lại: “Ở vào thời điểm đầu những năm 1990, gần như Trung ương Hội không biết làm gì cả. Bản thân tôi cũng vậy. Hồi đó, có lúc tôi đã nghĩ: hay là cứ tổ chức Đại hội, bầu ban chấp hành mới, rồi lấy cớ là mình đã già, xin nhường cho người khác làm. Như thế thì quá đẹp, nhưng thực chất là nhường cho người đi sau khúc xương mà mình không gặm nổi, vì vậy, tôi cảm thấy làm thế là không lương thiện, và điều đó không hợp với tính tôi. Mình không làm thì đùn đẩy việc khó đó cho ai? Cuối cùng tôi nghĩ: Mình phải ráng lên.

Để “vặn dây cót” cho Hội, tôi đã đến gặp Anh Đỗ Mười (lúc đó là Tổng Bí thư Đảng), trình bày: Hội tôi lâu nay nó ngủ, bây giờ anh đến để động viên nó một tý. Anh đáp: “Mình sẵn sàng, nhưng các cậu ngủ lâu quá, mình đến, rồi các cậu lại ngủ thì mình ngượng. Đúng thật, ngủ mười năm còn gì, lịm đi mất mười năm! Tôi nói: Thôi được, chúng tôi sẽ không ngủ nữa đâu”.

Thực hiện lời hứa với Tổng Bí thư Đỗ Mười, GS Trần Phương “đánh thức Hội”, triệu tập Đại hội lần thứ hai của Hội (mà thực ra cũng là Đại hội lần đầu tiên của Hội có triệu tập đại diện của các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học đóng ở Hà Nội). Đứng trước đòi hỏi bức thiết của đất nước đối với việc đổi mới lý luận và thực tiễn hoạt động kinh tế, Chủ tịch Trần Phương đã đề xuất Hội chuyển hướng hoạt động – đẩy mạnh hoạt động ở trong nước và phát triển tổ chức của Hội. Ông đã đặt ra các câu hỏi: Hội là loại tổ chức gì? Gồm những ai? Mục đích ra sao? Làm gì? Làm như thế nào? Và lấy tiền đâu mà mà làm? Rồi ông tìm câu trả lời, thuyết phục các đại biểu.   

Đại hội II của Hội đã nhất trí tán thành bước chuyển hướng hoạt động mà Chủ tịch Trần Phương đề ra, sửa đổi Điều lệ, đề ra các quy chế hoạt động, kiện toàn Ban chấp hành trung ương. Trong một thời gian ngắn, tổ chức của Hội đã mở rộng quy mô. Hội, Chi hội Khoa học Kinh tế của một số trường đại học và viện nghiên cứu, ngành và tỉnh đã được thành lập, theo sau là một mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đào tạo được hình thành. Các tổ chức của Hội đã cố gắng tìm kiếm nguồn lực, thực hiện được nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Một số đơn vị nghiên cứu, đào tạo và tư vấn khoa học do các nhóm nhà kinh tế tự nguyện tập hợp nhau lại đã được Hội hỗ trợ thành lập và bảo trợ về mặt pháp lý và khoa học. Cho đến trước Đại hội III của Hội, Trung ương Hội đã thành lập được một trường đại học (Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội do GS Trần Phương trực tiếp sáng lập và làm Hiệu trưởng), một tờ báo (Thời báo Kinh tế Việt Nam), gần 20 trung tâm nghiên cứu, đào tạo, tư vấn khoa học, câu lạc bộ doanh nghiệp, trường học, v.v… Khoảng 1.000 nhà trí thức khoa học đã được thu hút vào hoạt động của các tổ chức đó. Giáo sư Chủ tịch Hội trực tiếp thẩm định đề án thành lập các đơn vị trong Hội theo các nguyên tắc: một mặt, khuyến khích mọi trí thức phát huy khả năng sáng tạo, dùng “chất xám” của mình đóng góp vào việc xây dựng đất nước và phục vụ nhân dân; mặt khác phải có tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động và hiệu quả, vì thế các tổ chức của Hội phải “lấy chất xám nuôi chất xám”, không trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. 

Theo sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Hội, các đơn vị trực thuộc hoạt động trong các lĩnh vực sau:

– Nghiên cứu khoa học, tư vấn và giám định.

– Phổ biến kiến thức và đào tạo.

– Báo chí và xuất bản.

– Hợp tác quốc tế.       

Những hoạt động đó đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp vào việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở nhiều lĩnh vực và địa bàn đa dạng trong cả nước.

Bằng uy tín của GS Trần Phương cùng với trên 300 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng,…Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội ngay từ năm học đầu tiên đã thu hút trên 800 sinh viên – một con số mà ngay cả các trường đại học công lập có uy tín cũng mơ ước. Đến nay, sau gần ba thập niên hoạt động, Trường đã đào tạo cho đất nước gần 150 nghìn cử nhân, kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ và cả một số không ít thạc sĩ, tiến sĩ. Trên 1.000 sinh viên các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc đang theo học tại Trường. Với nguyên lý “tất cả vì người học”, “phi lợi nhuận”, “Trường là Hợp tác xã Xã hội chủ nghĩa của những người trí thức”,  “Trường của Giáo sư Trần Phương” trở thành một thương hiệu sáng giá trên thị trường dịch vụ giáo dục đại học, mỗi năm có ba, bốn vạn sinh viên theo học. Với công sức của các thành viên “Hợp tác xã”, cơ sở vật chất của Trường được xây dựng khang trang ở mấy địa điểm trong và ngoài Hà Nội, sinh viên được học với những trang thiết bị dạy học hiện đại, giáo trình liên tục cập nhật kiến thức mới của thế giới. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội – Hiệu trưởng Trần Phương, Trường đã cùng với Hội thành lập nên và đang mở mang xây dựng Khu liên hợp Khoa học – Đào tạo của Hội ở Từ Sơn (Bắc Ninh), với các tòa nhà giảng đường cao rộng, ký túc xá cho hàng nghìn học viên và giảng viên, nhà thi đấu và sân thể thao, công viên cây xanh rộng rãi. Ở Việt Nam, có hợp tác xã nào đã đạt được những thành tựu đáng nể như thế?       

Cũng với sự chỉ đạo, tư vấn của Chủ tịch Hội, tờ tập san “Thông tin kinh tế” của Ban chấp hành Hội do GS Đào Nguyên Cát làm Tổng Biên tập đã có bước phát triển ngoạn mục khi tháng 6 năm 1993 khôn khéo liên doanh với Tập đoàn Ringier AG của Thụy Sĩ – một tập đoàn in ấn xuất bản hùng mạnh ở châu Âu (vào những năm 1990 cứ 100 xuất bản phẩm ở châu lục này thì 75 là do Ringier in ấn và phát hành). Tờ Thời báo Kinh tế với nhiều loại ấn phẩm, chất lượng thông tin tốt, hình thức đẹp nhanh chóng chiếm lĩnh một vị trí hàng đầu trong địa hạt báo chí – truyền thông – kinh tế của cả nước. Trong suốt tiến trình phát triển của tờ báo, Chủ tịch Hội Trần Phương luôn theo sát để hỗ trợ, thậm chí trực tiếp “ra tay can thiệp” trong những “khúc cua ngặt nghèo nhất” mà báo gặp những trở ngại đặc biệt, ảnh hưởng tới sự “tồn vong” của thương hiệu báo và việc làm, đời sống của mấy trăm phóng viên, nhân viên (như “cuộc chia ly” với Ringier, việc sắp xếp lại báo thành tạp chí theo quy hoạch báo chí gần đây…).

Các nhà trí thức của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam không chỉ đóng góp phát triển khoa học kinh tế nước nhà bằng các công trình nghiên cứu, các hoạt động giảng dạy, đào tạo, báo chí – truyền thông, xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học, mà còn trực tiếp góp tiếng nói phản biện cho đường lối, chính sách, luật pháp, quy hoạch, đề án, dự án… ở các cấp khác nhau, với các chủ đề phong phú và trên các diễn đàn đa dạng. Một trong những ví dụ điển hình là: Tháng 9-2010, theo quy định về góp ý kiến với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, dưới sự chủ trì của GS Trần Phương, hơn 20 đại biểu của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã có một ngày thảo luận không nghỉ, nêu nhiều ý kiến tâm huyết về các vấn đề phát triển đất nước và nhu cầu đổi mới Đảng. Những phát biểu với quan điểm lý luận đổi mới, luận cứ sắc sảo của các nhà khoa học Trần Phương, Đào Công Tiến, Trần Việt Phương, Phan Văn Tiệm, Võ Đại Lược, Phạm Chi Lan, Lưu Bích Hồ, Nguyễn Đình Hương,… đã được đánh giá là những quan điểm, ý tưởng, ý kiến đóng góp rất cấp tiến của một Think Tank (“Túi khôn”) hàng đầu Việt Nam và trở nên rất nổi tiếng trong dư luận.

Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam quả thật đã không chỉ “thức tỉnh”, mà còn vươn mình lớn mạnh, trở thành một trong những tổ chức xã hội – nghề nghiệp (mà quốc tế gọi là “tổ chức phi chính phủ”) có số lượng hội viên đông đảo nhất so với các hội chuyên ngành khác, và hoạt động rộng khắp trên nhiều lĩnh vực và địa bàn cả nước.  

Là một cán bộ cấp dưới làm việc trong cơ quan mà GS Trần Phương lãnh đạo, tôi đã được Giáo sư biết về năng lực, tin cậy giao cho thực hiện một số công tác của Hội:

– Tham gia Hội đồng sáng lập Trường đại học Quản lý và Kinh doanh của Hội (1996), từ 1997 đến nay làm Phó Chủ nhiệm Khoa toán của Trường. GS Trần Phương dặn tôi, tham gia Ban Chủ nhiệm Khoa cần điều chỉnh liều lượng học toán lý thuyết ở mức vừa đủ, thuận cho cho tư duy khoa học, nhưng tránh học vẹt các lý thuyết, mô hình, thuật toán. Tôi làm theo và Khoa Toán giữ được truyền thống đoàn kết và giảng dạy có chất lượng.

– Năm 2000, GS Trần Phương cử tôi tham gia Thời báo Kinh tế Việt Nam, với nhiều chức danh khác nhau, trong đó có Phó Tổng biên tập điều hành tờ Vietnam Economic Times và 4 năm làm Kế toán trưởng. Năm 2010 tôi được rút về làm công tác Hội chuyên trách.

– Tháng 5-2001, GS Trần Phương tín nhiệm, giới thiệu tôi làm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ III (2001-2006).

– Tháng 12-2006 tôi được GS Trần Phương đề cử tôi tiếp tục tham gia Ban Chấp hành, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Hội trong Nhiệm kỳ IV (2007-2012). Nhiệm vụ này được Đại hội V của Hội tiếp tục giao cho tôi đảm nhận cho tới năm 2021.

– Năm 2013, GS Trần Phương cử tôi đại diện Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tham gia Hội đồng Phát triển bền vững của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch. Tôi tiếp tục làm đại diện cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong các lần cải tổ Hội đồng tiếp theo.

– Năm 2016, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng chung sức thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam (tên viết tắt là VIDERI) trực thuộc Hội. Tôi được Giáo sư, Chủ tịch Hội cử làm Viện trưởng. Giáo sư đã trực tiếp họp với Ban lãnh đạo, Hội đồng khoa học của Viện, đề ra 17 chủ đề lớn, bao quát các vấn đề trọng yếu trong sự phát triển của đất nước để Viện đưa vào kế hoạch nghiên cứu. Ông cũng dành cho Viện một phần diện tích làm việc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để Viện làm trụ sở, ứng cho Viện một số kinh phí hoạt động ban đầu.

Tháng 4 năm 2021, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ VI. Do tuổi cao, Giáo sư đã đề nghị thôi không giữ chức vụ Chủ tịch Hội nữa. Đại hội tri ân GS Trần Phương và nhất trí đề nghị GS Trần Phương làm Chủ tịch danh dự của Hội. Đại hội thông qua Điều lệ sửa đổi và bầu ra 50 ủy viên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành cử tôi – Nguyễn Quang Thái  làm Chủ tịch Hội, nối tiếp sự nghiệp vinh quang gần nửa thế kỷ (1974-2021) mà GS Trần Phương đã tận lực xây dựng và dìu dắt.

Hiện nay, Hội đang cùng các cơ quan, không ngừng đẩy mạnh xây dựng tổ chức và phát triển nhiều hoạt động đa dạng, tiến tới lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội.

Đối với cá nhân tôi, có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc và những “hồng ân” mà GS Trần Phương đã để lại cho tôi. Sinh năm 1941, tới hôm nay tôi cũng đã tới giới hạn của đời người “xưa nay rất hiếm”, nhưng tôi không thể nào quên. Xin kể ra một số dưới đây.

Cuộc “đại điều chỉnh đầu tư” do GS Trần Phương trực tiếp chỉ đạo tại UBKHNN gợi mở cho luận điểm hàng đầu của luận án TSKH của tôi

Năm 1963, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành toán ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được giữ lại làm cán bộ dạy toán kinh tế ở Đại học Tổng hợp, sau đó làm Trưởng Phòng Toán kinh tế ở Bộ Điện và Than. Năm 1975, khi Viện Toán kinh tế được thành lập trực thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN), tôi được điều động về làm Viện phó, phụ trách Viện. Cùng năm đó tôi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ.

Tôi nghe danh GS Trần Phương khi ông là Trợ lý cao cấp của đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam. Tôi càng ngưỡng mộ khi được đọc một số bài tạp chí của ông, đặc biệt là cuốn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” của Bí thư thứ nhất mà ông tham gia chấp bút phần kinh tế. Cuối những năm 1970, khi tôi làm việc ở Viện Toán Kinh tế, tôi được gặp gỡ và nghe các lập luận đầy tính thuyết phục của ông tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN) khi ông mới từ Bộ Nội thương chuyển sang làm Phó Chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban này.

Là lãnh đạo đơn vị cấp Viện, tôi được hằng tuần dự họp về kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch. Lúc đó, Ông Lê Thanh Nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm UBKHNN, nhưng ít khi trực tiếp điều hành mà giao cho Phó Chủ nhiệm thứ nhất (ông Nguyễn Hữu Mai và sau đó là ông Trần Phương).

Những buổi dự thính đó rất bổ ích, và tôi học hỏi được rất nhiều từ việc phân tích, lý giải từ thực tiễn cả các nhà nghiên cứu cũng như kết luận của lãnh đạo. Khi tiến hành đại điều chỉnh đầu tư, GS Trần Phương lập luận sắc bén: Dù đã có đủ thiết bị toàn bộ do Liên Xô và các nước XHCN viện trợ, nhưng nguồn nội lực yếu kém nên không thể cân đối vốn đối ứng cho các công trình đã lên kế hoạch. Hóa ra, các bài toán tối ưu hóa cục bộ tầm xí nghiệp như bài toán vận trù học vận tải, phân bố sản xuất của xí nghiệp trong các ngành… mà những chuyên gia toán – kinh tế chúng tôi đang nghiên cứu có tác động rất hạn chế, không có bao nhiêu ý nghĩa và tác dụng khi đặt trong bối cảnh chung, dưới cách nhìn tổng thể của cân đối kinh tế cả nước, và cả dưới ánh sáng của lý luận tái sản xuất xã hội.

Các lập luận của GS Trần Phương đã làm các nhà nghiên cứu của Viện Toán kinh tế phải làm thêm cả công việc xem xét bài toán cân đối liên ngành cấp toàn quốc. Thì ra, Việt Nam không đủ điều kiện tái sản xuất mở rộng, vì thiếu vốn tích lũy nội bộ nền kinh tế, mất cân đối khu vực I và II. Bài học kinh tế chính trị đã được bản thân chúng tôi lý giải từng bước và “thấm dần”.

Đầu những năm 1980, Ông Võ Văn Kiệt được Trung ương điều ra làm Chủ nhiệm UBKHNN, còn GS Trần Phương lên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực kinh tế tài chính. Ông Võ Văn Kiệt hiểu rõ nhiệt tình tuổi trẻ và cả sự non nớt của tôi và nói: “Lúc này anh Thái nên đi học thêm để chuẩn bị lâu dài“. Khi ấy vừa dịp có đăng ký đi học cho người đã có bằng phó tiến sĩ (bậc 1). UBKHNN chọn được ba người đi học nước ngoài bậc 2 (nghiên cứu sinh Tiến sĩ khoa học), trong đó tôi được cử đi học ở Liên Xô. Năm 1986, tất cả ba người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học (bậc 2) và cùng về UBKHNN làm việc.

Chủ đề Luận án tiến sĩ khoa học của tôi về kế hoạch hóa đầu tư, còn ý tưởng mang tính đột phá để có “CÁI MỚI” chính là bắt nguồn từ bài toán “đại điều chỉnh đầu tư” mà GS Trần Phương khởi xướng tại UBKHNN.

Tôi diễn đạt thành một luận đề quan trọng: Bên cạnh hai điều kiện tiền đề “cần”, quan trọng về chính trị là sự lãnh đạo của đảng cộng sản và có sự giúp đỡ vật chất đủ lớn của các nước tiên tiến như Liên Xô, tôi bổ sung một điều kiện “đủ” nữa và vận dụng trong ví dụ Việt Nam là: Một đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo, nhận được nhận viện trợ to lớn của Liên Xô và các nước XHCN như Việt Nam, còn cần điều kiện đủ là “sử dụng viện trợ quốc tế có hiệu quả, tạo ra tích lũy nội bộ nền kinh tế đủ lớn để có thể thực hiện được tái sản xuất mở rộng”. 

Ngay tuần đầu tiên sang học ở Maxcơva, các giáo sư Liên Xô đã tán thành toàn bộ đề cương làm luận án của tôi, nhất là quan điểm về vai trò của tích lũy nội bộ, không ỷ lại vào viện trợ nước ngoài. Sau hai năm, tôi đã hoàn thành luận án đúng thời hạn và làm thủ tục bảo vệ thành công, với Hội đồng Khoa học 21 thành viên là các nhà kinh tế hàng đầu của Liên Xô.

Rèn luyện tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước dưới sự chỉ đạo khoa học của GS Trần Phương

Bảo vệ xong luận án tiến sĩ khoa học vào tháng 5-1986, tôi được tổ chức phân công làm việc tại Viện Kế hoạch dài hạn. Sau “Sự cố cải cách Giá – Lương – Tiền” đầy tranh cãi, GS Trần Phương được giao nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm UBKHNN, trực tiếp làm Viện trưởng Viện Kế hoạch dài hạn và Phân bố Lực lượng sản xuất. Tôi được cử làm Phó Ban các vấn đề chung của Viện và từ 1988-1992 làm Trưởng Ban, sau đó làm Thư ký Khoa học của Viện.

Trong thời gian làm việc tại Viện dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của GS Trần Phương, tôi được tham gia các buổi trao đổi khoa học hằng tuần, cũng như được giao phụ trách một số đề tài nghiên cứu khoa học. GS Trần Phương đã nhiều năm làm việc ở Viện Kinh tế học và có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế chính trị học rất uyên thâm; không những thế ông có kiến thức cập nhật cả về những phương pháp nghiên cứu kinh tế hiện đại. Biết tôi có chuyên môn sâu về toán – kinh tế, ông giao đề tài cho tôi, kèm theo yêu cầu “nâng cấp” nhiều hơn các suy luận nghiên cứu bằng cả các phương pháp toán kinh tế và phân tích bằng thu thập các dữ liệu quốc tế, phải biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp nghiên cứu khác nhau để giải quyết vấn đề.

Chẳng hạn, có lần GS Trần Phương nghe tôi báo cáo về cách tính GDP và quy ra USD theo cách: Từ danh mục các sản phẩm chủ yếu về nông lâm nghiệp và công nghiệp, có “tỷ lệ quét” khoảng 60-65% giá trị sản phẩm, phân tích giá xuất khẩu các sản phẩm này và dùng cách tính gia quyền để tính ra thành phần thu nhập quốc dân (TNQD) của nông nghiệp và công nghiệp theo USD (giá xuất khẩu). Từ đó ngoại suy thành GDP theo hàm hồi quy tương quan của cả nước (Gọi tắt là tính GDP theo giá xuất khẩu). GS Trần Phương tán thành phương pháp đó và cho tôi ứng dụng trong các báo cáo khoa học của Viện Kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, khi tôi vận dụng phương pháp này để so sánh TNQD của Việt Nam và Cuba, cũng như sự viện trợ của Liên Xô với hai nước này, thì lại không được chấp nhận. Bộ trưởng Chủ nhiệm UBKHNN lúc đó gọi tôi đến để giải thích. Theo ông, nếu báo cáo kết quả này được trình lên lãnh đạo cấp cao thì hóa ra Cuba được Liên Xô ưu ái hơn Việt Nam! Ông nói thẳng: “Anh Thái phải bỏ báo cáo so sánh Việt Nam và Cuba này đi vì nhạy cảm về mặt chính trị – ngoại giao”. Qua việc này, tôi cũng rút ra được một bài học rất sơ đẳng về nghiên cứu chính sách: Hóa ra không phải số liệu và toán học là công cụ “vạn năng” trong nghiên cứu kinh tế; mà khi vận dụng các công cụ nghiên cứu, luôn luôn phải nhớ mục tiêu nghiên cứu để làm gì và cho ai; đó là khía cạnh chính trị của nghiên cứu kinh tế học. “Làm chính trị” phức tạp và khác hơn nhiều so với “làm toán” và “làm khoa học” kinh tế thuần túy!

Năm 1988, GS Trần Phương chọn tôi tham gia đoàn đi nghiên cứu và giúp hai nước Lào và Campuchia. Với Lào, GS Trần Phương trực tiếp tổng hợp tài liệu thành Chiến lược cho Lào, còn anh em trong Viện là những thành viên góp ý. Chính cách làm này cũng để lại ấn tượng sâu sắc và là bài học cho bản thân tôi về phương thức tổ chức một nhóm, một tập thể nghiên cứu. Tôi đã làm theo cách đó hơn 30 năm (từ 1988 đến 2020) khi tôi trực tiếp làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học: anh em tham gia là người cấp tư liệu bổ sung và góp ý sau khi tôi đã viết xong bản sơ thảo. Cách làm này vừa tập trung trí tuệ tập thể, vừa nâng cao vai trò của nhà khoa học đứng đầu đơn vị.

Tại Campuchia, với tài liệu ít ỏi, tôi đã dùng phương pháp chuyển tuổi để xác định rằng, chính sách diệt chủng chỉ trực tiếp giết chết hơn 1 triệu, mà không phải ba triệu người, còn số khác thì chết do nhiều nguyên nhân trong 15 năm trước và sau diệt chủng (1970-1985). Tôi làm được kết quả phân tích nội ngoại suy và xác suất chuyển tuổi là do GS Trần Phương cung cấp cho tôi khá đủ các tài liệu của Liên hợp quốc còn lưu trữ được từ nhiều nguồn. Đó là cách hướng dẫn khoa học chu đáo. Ông đã xem xét kỹ, đồng ý đưa nội dung đó vào báo cáo chung của Đoàn chuyên gia và sau đó, kiểm nghiệm thực tế đã chứng minh lập luận của tôi là đúng. Sau này, lúc làm với Ủy ban dân số và Tổng cục Thống kê về các vấn đề liên quan tới dân số, kinh nghiệm này giúp tôi xử lý dễ dàng hơn rất nhiều.

GS Trần Phương – Người lãnh đạo đắc nhân tâm

Tôi thật sự cảm phục tài lãnh đạo của GS Trần Phương đối với các “viện sỹ” đủ loại của Viện. Họ được đào tạo từ nhiều nguồn và trong số họ cũng có không ít “kiêu binh”, song trước những lập luận sắc bén và tư duy logic rõ ràng của Viện trưởng, tất cả đều bị thuyết phục.   

Khoảng năm 1988, tôi được giao là Chủ nhiệm đề tài “Phân tích sự phát triển kinh tế qua các thời kỳ và dự báo kinh tế đến 2005“. Khi hoàn thành đề tài, được đánh giá ở mức “Khá”. GS Trần Phương phê bình một cách thân ái rằng: “Tôi nghĩ anh nên làm đề tài này 400 trang mới thỏa đáng, nhưng anh chỉ viết 40 trang báo cáo cuối cùng là quá cô đọng. Không sai, nhưng lãng phí cơ hội! “Làm toán” thì chỉ cần viết ngắn các công thức, phương pháp giải và đáp số; nhưng “làm chính sách” thì phải kết hợp cả lập luận, giải thích tính quy luật, kinh nghiệm trong ngoài, dự báo bối cảnh, so sánh rồi phân tích tính hợp lý của các phương án, v.v…”. Ông còn căn dặn: “Phải biết cách đào sâu các nghiên cứu của hai miền, kể cả tài liệu của học giả Vũ Quốc Thúc, cũng như phân tích kinh tế sâu hơn bằng số liệu có minh chứng và so sánh quốc tế đáng tin cậy”. GS Trần Phương giảng giải cho chúng tôi phương thức “làm nghiên cứu” về phân tích sự phát triển kinh tế qua các thời kỳ; chúng tôi phải học nghệ thuật viết ngắn (thu gọn) và viết dài (triển khai). Qua những ví dụ thực tế, mỗi người chúng tôi rút kinh nghiệm cho nghề nghiệp nghiên cứu trong cả đời mình.

Câu chuyện sau đây lại là một ví dụ khác về sự cẩn thận, nhưng chặt chẽ của Giáo sư khi hướng dẫn cán bộ nghiên cứu viết báo cáo khoa học. Có một đề tài về xã hội của một nhà nghiên cứu trẻ trong Viện nộp lên dày 400 trang. Khi nhận xét về báo cáo này, GS Trần Phương nhận xét rằng, đề tài 400 trang viết còn nhiều “sạn”, vì đưa tư liệu lẫn vào phần tìm kiếm, phân tích nên không rõ đóng góp của tác giả. Khi đó, ông nhắc rằng, nên rút về chỉ khoảng 40 trang cho cô đọng.

Các Vụ trưởng “lão làng” ở UBKHNN như các anh Phạm Quang Hàm, Nguyễn Đình Hỗ, Lưu Bích Hồ, Nguyễn Phi Hùng, Hoàng Ước, Lê Vinh, Nguyễn Hiền, Chu Văn Thỉnh, … đều được GS Trần Phương cho nhận xét cặn kẽ, ân cần, có lý có tình về những công việc do các anh phụ trách.

Dưới sự lãnh đạo của GS Trần Phương, trong mấy năm Viện Kế hoạch Dài hạn đã thực hiện được một số công việc mà Nhà nước giao cho như soạn thảo Kế hoạch dài hạn đến năm 2005 (Kế hoạch dài hạn đầu tiên, từ đây rút ra quy trình, bố cục, phương pháp triển khai soạn thảo Kế hoạch dài hạn và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho những năm về sau),  soạn thảo Chiến lược hợp tác kinh tế với các nước XHCN, tư vấn giúp cho Lào và Campuchia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, v.v…

Những năm sau này, sau khi về hưu, GS Trần Phương sáng lập Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, với uy tín cao về trình độ kiến thức, tính sáng tạo khoa học, phong cách làm việc cởi mở nhưng rất đức độ, ông đã thu hút được hàng trăm trí thức cùng chung tay góp sức, góp tiền của xây dựng nên một trường đại học tư thục thành công theo một mô hình mới do ông đề ra – mô hình đại học dân lập không vì lợi nhuận mà chủ sở hữu của nó không phải những đại gia nhiều tiền, mà là “tập thể những người trí thức góp trí tuệ của mình” để sáng lập, điều hành và phát triển.     

Về Giáo sư Trần Phương, tôi  xin có lời cảm phục về trí tuệ uyên bác, rèn luyện suốt đời, thu phục nhân tâm bằng cả tấm lòng bao dung.

Xin Cám ơn Giáo sư vì sự đào tạo, bồi dưỡng cặn kẽ, giảng giải ân cần và đánh giá khách quan với bản thân tôi và các thế hệ đi sau.

Xin chân thành cảm ơn và trân trọng ghi ơn./.