Giáo sư Trần Phương – Nhà kinh tế uyên bác – Vũ Quốc Tuấn

Tôi quen biết Anh Trần Phương vào những năm 1959 khi Anh là Viện trưởng Viện Kinh tế học (thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam) và là Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, mà thời đó, tôi (đang công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) là cộng tác viên, thường xuyên viết bài đăng Tạp chí và dự các cuộc hội thảo do Viện Kinh tế học tổ chức. Anh sinh năm 1927, cùng năm với tôi, nhưng trước tôi 05 tháng, cùng vào học Trường Bưởi (Trường Chu Văn An, Hà Nội ngày nay) năm 1941, nhưng đến năm 1943, Anh đã về địa phương (Hưng Yên) lãnh đạo phong trào cách mạng; năm 1946 là Bí thư Huyện ủy, năm 1948 là Phó Bí thư Tỉnh ủy khi mới 21 tuổi. Từ đó đến nay, Anh đã trải qua nhiều chức vụ, lên đến cấp cao, Phó Thủ tướng, nhưng tôi vẫn nghĩ Anh là một nhà kinh tế uyên bác tiêu biểu, hàng đầu trong những nhà kinh tế nước ta. Hơn thế nữa, có thể coi Anh là một nhà trí thức đích thực, theo như quan niệm mà Đào Duy Anh từng nêu định nghĩa: “Trí thức có thể hiểu là người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Để làm cho xã hội thức tỉnh, người trí thức phải hội đủ ba yếu tố: có kiến thức, nhiều ý tưởng mới, giá trị và tự nguyện dấn thân” (trong Từ điển tiếng Việt năm 1930).

Từ những năm 1960, khi tham gia những cuộc họp ở Viện Kinh tế học cũng như ở Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, tôi đã được anh thuyết phục, ngưỡng mộ với những ý kiến sâu sắc, cả lý luận và thực tiễn được trình bày mạch lạc, khúc chiết, đúng tư cách một nhà nghiên cứu. Anh được đào tạo bài bản về Chủ nghĩa Mác – Lênin tại Trường Đảng Trung Quốc, nhưng không bị ràng buộc bởi lý thuyết mà luôn tìm tòi, suy nghĩ trong vận dụng tại Việt Nam.

Đến những năm sau, khi Anh làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước  (1980-1981), tôi lại có dịp tiếp xúc với anh nhiều hơn. Đó là thời kỳ đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trong khoảng 10 năm, từ những năm 1977-1978 đến 1987-1988. Kinh tế đình đốn vì thiếu nhiên liệu, nguyên liệu, trang thiết bị và tiền vốn, đời sống nhân dân khó khăn, lạm phát phi mã. Cần gấp những quyết sách của Đảng và Nhà nước để khắc phục tình hình.

Bước đột phá đầu tiên là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (8-1979) với chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất và thành phần kinh tế. Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ tình hình và đề ra những giải pháp. Tiếp theo là Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 13-1-1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, Quyết định 25-CP và 26-CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng và thực hiện “Kế hoạch ba phần”. Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 10 ngày 5-4-1988 của Trung ương Đảng về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã xác định hộ nông dân cá thể là đơn vị sản xuất, trong đó nhấn mạnh: “Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể, tư nhân trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Đây cũng là thời kỳ nảy nở nhiều sáng kiến từ cơ sở và địa phương theo hướng tháo gỡ những rào cản đang hạn chế sức phát triển của lực lượng sản xuất, tiêu biểu như cuộc “Xé rào” ở TP Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt khởi xướng, “Khoán hộ” ở Hải Phòng (tiếp nối “Khoán hộ” trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc do Bí thư Kim Ngọc từ trước đó) v.v… Những sáng kiến này đã nêu lên nhiều kinh nghiệm quý báu được lãnh đạo đúc kết, góp phần tạo cơ sở thực tiễn đi đến cuộc Đổi Mới tại Đại hội VI của Đảng (năm 1986). Thời kỳ này, các cơ quan nghiên cứu, các nhà kinh tế phát biểu mạnh dạn, tổ chức những cuộc hội thảo với những đề tài thiết thực, gắn bó lý luận với thực tiễn nóng bỏng của đất nước và thẳng thắn kiến nghị với Đảng và Nhà nước những cơ chế, chính sách cần áp dụng.

Những năm đó, với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, trong các cuộc họp với các cán bộ chủ chốt, anh Trần Phương đã biểu lộ nhận định sắc sảo của mình về những khiếm khuyết của công tác kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp mà đặc trưng nổi bật là áp đặt các “chỉ tiêu pháp lệnh” được xây dựng một cách quan liêu từ trên xuống, triệt tiêu mọi sáng kiến của người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát biểu của Anh luôn mạch lạc, khúc chiết, có lý luận, có thực tiễn, và đặc biệt là lập luận với phong cách một giáo sư kinh tế có sức thuyết phục. Từ đó, công tác kế hoạch hóa được cải tiến từng bước, trước hết là giảm bớt chỉ tiêu pháp lệnh, cho xí nghiệp quốc doanh được lập “Kế hoạch ba”, tức là cùng với việc thực hiện kế hoạch do cấp trên giao, xí nghiệp được xây dựng thêm các phần kế hoạch dựa trên khả năng của mình hoặc liên kết với đơn vị khác. Tuy quy luật giá trị bị cấm kỵ, kế hoạch thời đó đã bắt đầu tính toán nhu cầu của xã hội dựa trên “sức mua có khả năng thanh toán”, thoát ly dần “kế hoạch hiện vật”.

Những năm đó, với tư cách Tổng Biên tập Tạp chí Kế hoạch hóa (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), tôi dược trực tiếp làm việc với Phó Chủ nhiệm Trần Phương, được Anh khuyến khích Tạp chí đi sâu nghiên cứu cải tiến công tác kế hoạch hóa, biểu dương các điển hình cải cách từ cơ sở, hướng dẫn tổ chức nhiều cuộc hội thảo về cải tiến công tác kế hoạch hóa, mở đầu cho những cuộc hội thảo “khoa học – thực tiễn” trên báo chí. Tạp chí Kế hoạch hóa đã quy tụ được những chuyên gia như Đào Xuân Sâm, Phan Văn Tiệm, Nguyễn Quang Thái… với những bài nghiên cứu có giá trị lý luận và thực tiễn được giới nghiên cứu hoan nghênh.

Viết cảm nhận của tôi về Giáo sư Trần Phương, xin được nói rằng ông là một nhà trí thức đích thực, luôn nêu gương “dấn thân”, “thức tỉnh xã hội”. Như chúng ta đều biết, nhu cầu tự thân của người trí thức vốn là trăn trở, suy nghĩ, luôn tìm tòi, không chịu dừng bước trước những lý luận được cho là chân lý; họ luôn tìm người, tìm nơi để nói ra, để thảo luận, tìm giải pháp, để biến lý thuyết thành hiện thực, coi đó là sứ mệnh mà người trí thức luôn tự nguyện gánh lấy. Như nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: trí thức Việt Nam lại có phẩm chất đặc biệt là không bị gò bó về ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi; đội ngũ trí thức ấy nếu được trân trọng, lắng nghe và phát huy, chắc chắn sẽ có những đóng góp giá trị cho công cuộc phát triến đất nước.

Tại cuộc hội thảo một số cán bộ cao cấp góp ý cho Văn kiện Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011), GS Trần Phương đã nêu lên những câu hỏi đại ý như sau: Chủ nghĩa Mác – Lênin là gì; Chủ nghĩa xã hội là gì; Chúng ta đang vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội như thế nào; Phát triển thị trường theo chủ nghĩa xã hội là gì; “Công nghiệp hiện đại trong chủ nghĩa xã hội” là gì; “Dân chủ trong chủ nghĩa xã hội” là gì; “Mục tiêu” xây dựng nước ta là gì, v.v… Có thể nói: trăn trở của Anh về những vấn đề trọng đại của đất nước ấy không chỉ của riêng Anh mà cũng là trăn trở, suy tư của giới trí thức, những chuyên gia, học giả tâm huyết của nước ta từ thời đó cho đến bây giờ. Những trăn trở này, về thực chất là thuộc về vấn đề thể chế, tức là đường lối, chủ trương phát triển đất nước.  

Đây cũng là một vấn đề cốt lõi trong nghiên cứu của học giả thế giới. Cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” (xuất bản ở Mỹ năm 1912, nước ta đã dịch và xuất bản đến lần thứ bẩy) của hai tác giả Daron Acemoglu (Giáo sư kinh tế học MIT) và James A. Robinson (Giáo sư Đại học Harvard) đã khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa quyết định của thể chế đối với sự phát triển của một quốc gia, giải đáp câu hỏi: tại sao một số nước giàu có, còn nhiều nước khác lại nghèo khó, bị chia rẽ giữa phồn vinh và nghèo khó, mạnh khỏe và bệnh tật, no đủ và đói kém? Cuốn sách đã trả lời: mấu chốt vẫn là vấn đề con người. Bằng công phu nghiên cứu lịch sử của nhiều quốc gia Đông – Tây, kim – cổ, hai giáo sư đưa ra câu trả lời và chứng minh dứt khoát rằng các nước nghèo không phải vì yếu tố địa lý hay văn hóa, mà chính những thể chế chính trị và kinh tế do con người tạo ra là nguyên nhân của sự thành công hay không thành công về phát triển của một đất nước.

Cho đến nay, vấn đề hoàn thiện thể chế vẫn tiếp tục là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII đã viết: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Chính vì vậy, hoàn thiện thể chế vẫn là một trong “ba đột phá chiến lược” đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định lại (hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) mà các kỳ Đại hội Đảng khóa XI, XII đều đã khẳng định từ nhiều năm trước.

Vấn đề được đặt ra ngày nay chính là tạo môi trường lành mạnh để giới trí thức nước ta noi gương Giáo sư Trần Phương thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của trí thức góp phần trong việc hoàn thiện thể chế  vấn đề then chốt trong quá trình phát triển của đất nước./.