Hai người bạn cùng tên Phương – Vũ Tuấn Việt

Việt Phương được biết như một nhà tư tưởng kinh tế sắc sảo, một nhà thơ tài hoa. Ông đã từng làm trợ lý cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong suốt 53 năm, là cố vấn kinh tế cho Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ trong những năm gần đây. Ông cũng là nhà thơ nổi tiếng với tập thơ “Cửa mở” được xuất bản vào năm 1973 và ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn cho đến ngày nay, phần đông người yêu thơ đều biết đến nó và thuộc lòng nhiều câu triết lý sâu sắc về thời cuộc. Mãi tới 16 năm sau (1989) ông mới cho tái bản “Cửa mở”, và kể từ năm 2008, sau tập thơ “Cửa đã mở”, nhiều thi phẩm theo dòng thơ suy tưởng sâu sắc và thâm thúy của ông tiếp tục ra mắt bạn đọc yêu thơ.

Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh, từng làm người lính, rồi cán bộ ở nhiều cơ quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng; nhưng xuyên suốt cuộc đời của Việt Phương là tinh thần cộng sản, hết lòng phụng sự sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Như ông đã từng tâm sự:

            Cứ đêm đêm, ta lại xét kết nạp ta vào Đảng

            Thời gian nâng đòi hỏi mãi cao thêm

            Đến trọn đời, từng giờ là cộng sản

            Những nỗi đau ta cũng sáng búa liềm. 

                                            (Việt Phương. Cửa mở.Bài thơ Tâm sự đảng viên, 1963)

Trần Phương nổi tiếng như là nhà lý luận kinh tế hàng đầu của đất nước trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, là nhà cải cách kinh tế mạnh mẽ và kiên quyết trong những năm Đổi mới. Ông là một trong những người “đập những nhát búa đầu tiên” phá vỡ bức tường kiên cố của cơ chế kinh tế hành chính, quan liêu, bao cấp và đặt những viên gạch xây nên nền móng cho cơ chế kinh tế mới thích hợp với bối cảnh của đất nước thời hòa bình. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Ông là người sáng lập ra hai cơ sở đại học kinh tế – một theo hướng đại học nghiên cứu (Khoa Kinh tế chính trị học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay trở thành Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), một theo hướng đại học thực hành (Trường Đại học Dân lập  Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Ông cũng là một trong những người sáng lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và là Chủ tịch Hội từ 1975 đến 2021.

Hai ông Phương xưa kia cùng học ở Trường Bưởi (Hà Nội), cùng tham gia cách mạng từ khi còn đang học, cùng đi kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi sau đó cùng về làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý kinh tế, cùng tham gia các công việc tư vấn về lý luận, chủ trương, chính sách và quản lý Nhà nước ở cấp cao. Hai ông không cùng họ tên nhưng cùng lấy bí danh là Phương từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Việt Phương (tên thật là Trần Quang Huy) sinh năm 1928, mất ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội. Ông Trần Phương (tên thật là Vũ Văn Dung) sinh năm 1927.

Tháng 9 năm 2006, đến làm việc với Thời báo Kinh tế Việt Nam, tình cờ gặp con trai của Trần Phương tại đó, Việt Phương xé sổ tay, rút bút viết và gửi cho Trần Phương một bức thư tâm sự bằng thơ như sau:

Phương gửi Phương

(Phương tên thật không phải Phương gửi Phương tên thật không phải Phương)

          Chuyện buồn đổ cả cuộc sông

          Chuyện vui giữ lấy trong lòng mà vui

          Quên cay đắng, nhớ ngọt bùi

          Bỏ qua hận mới, chôn vùi thù xưa.

          Nợ đời trả mấy cho vừa

          Bao nhiêu tận tụy cũng chưa đủ đầy

          Một đời còn mấy năm đây

         Xin mang tâm huyết đêm ngày đền ơn.

                                                 19-9-2006

Nhận được thư của Việt Phương, Trần Phương gửi bài thơ đáp như sau:

        Phương (Trần) gửi Phương (Việt )

        (không phải Phương mà vẫn Phương)

        Cảm ơn bạn đã tặng thơ

        Xưa không Phương thật, bây giờ thật Phương

        Dẫu chiến trường, dẫu thương trường

        Thênh thênh chí lớn, một đường cùng đi.

        Gian lao nào có quản gì

        Trải thăng trầm, mới quý khi đủ đầy

        Lòng bền, trí sáng, tâm ngay

        Cuộc đời còn chẳng bao ngày, vẫn vui.

                                                    21-9-2006