Lời giới thiệu

Giáo sư Trần Phương là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian gần nửa thế kỷ, từ khi thành lập Hội năm 1975 đến năm 2021. Ông cũng là người sáng lập và đồng hành cùng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Hiệu trưởng của Trường đến nay đã gần ba thập niên (1996-2023). Trong suốt những năm hết lòng cống hiến vì sự nghiệp phát triển của Hội, của Trường, của đất nước, Ông đã để lại biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc, bao nhiêu tình cảm tốt đẹp trong tâm thức đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè và các lớp học trò. Để tỏ lòng tri ân và tình cảm kính trọng sâu sắc đối với Giáo sư Trần Phương, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức biên soạn cuốn sách này như một lẵng hoa tươi thắm, một món quà tinh thần đặc biệt gửi đến Ông nhân dịp lễ mừng đại thọ.  

Cuốn sách có hơn năm mươi người tham gia viết – đó là những đồng chí cùng chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến, những đồng nghiệp và bạn bè của Giáo sư Trần Phương trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước, giáo dục – đào tạo, và những lớp cán bộ trẻ, những người học viên được Ông đào tạo nên – với những cương vị khác nhau, cách nhìn từ những góc độ khác nhau, bày tỏ tình cảm kính mến, quý trọng và thân thương về Ông, xác tín những giá trị và cống hiến của Ông đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, cũng như những đóng góp mang lại lợi ích cho tổ chức, tập thể, và cá nhân mỗi người.

Với khoảng lặng an bình hôm nay, với độ lùi thời gian của tám mươi năm hoạt động cống hiến cho Tổ quốc và nhiều chục năm gắn bó với sự phát triển của Hội, của Trường nói riêng, Giáo sư Trần Phương là một hình tượng mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà khoa học thông tuệ, nhà quản lý năng động, người thầy giáo tận tụy, người đồng nghiệp được tôn trọng và người bạn thân thiện. Trong cuốn sách, bằng những lối tiếp cận đa dạng với những độ sâu khác nhau, cùng chung một tình cảm trân trọng, các bài viết đã hình thành bức họa rõ nét, chân xác về Giáo sư Trần Phương với những giá trị tiêu biểu đã xuyên suốt cuộc đời hoạt động của Ông. Những giá trị đó là:

– Thời trẻ, người thanh niên Trần Phương là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, thuộc lớp thanh niên yêu nước “không sợ tù lao, chấp súng gươm” (thơ Tố Hữu), tham gia vào đội ngũ những chiến sĩ của Cách mạng Tháng Tám, của Kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp. Ông đã trưởng thành từ người cán bộ cấp huyện, đến tỉnh, đến Liên khu với bao khó khăn của vùng địch tạm chiếm châu thổ Bắc Bộ, rồi còn bước tiếp vào cuộc Kháng chiến gian nan lần thứ hai của toàn dân tộc chống quân xâm lược Mỹ, giành độc lập tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước với nhiều trọng trách.

– Giáo sư Trần Phương là nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý chuyên môn. Bằng vốn kiến thức lúc trẻ và khả năng tự học cao, Ông là tấm gương về ý chí và tinh thần tự học hỏi, tự rèn luyện trong thực tế mà trưởng thành. Là nhà kinh tế học thế hệ đầu ở miền Bắc được kính nể, Ông được giao những trách nhiệm quản lý chuyên môn quan trọng: Trưởng Khoa Kinh tế Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Kinh tế học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm đầu tiên Khoa Kinh tế chính trị của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Sáng lập viên và Chủ tich Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Ông cũng là một trong số những Giáo sư kinh tế được Nhà nước phong học hàm đợt I (năm 1980).

– Là một nhà quản lý trưởng thành từ quá trình tổ chức hoạt động cách mạng, kinh qua thực tế và không ngừng tự đào tạo, Giáo sư Trần Phương đã từng bước nâng cao trình độ và năng lực làm việc, đóng góp ngày càng nhiều trong hệ thống quản lý của Đảng và Nhà nước. Được giao nắm giữ những chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Nội thương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trong những thời khắc khó khăn của công cuộc tái thiết đất nước thời hậu chiến, đồng thời đương đầu với thù trong, giặc ngoài gây ra hai cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc, Ông đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế, hoạch định chính sách và quản lý nhà nước theo mô hình mới thích ứng với thời đại.

– Giáo sư Trần Phương là một trong số các nhà giáo dục đi tiên phong trong việc tìm kiếm mô hình đào tạo mới cho giáo dục đại học Việt Nam sau khi Đại hội Đảng lần thứ sáu mở ra công cuộc Đổi mới. Sự “mở rộng cửa” cho thành phần tư nhân tham gia vào quá trình phát triển giáo dục ở ta trong hoàn cảnh mới là một thuận lớn nhưng cũng đi kèm theo đầy khó khăn và thách thức. Bằng tầm nhìn, bằng kinh nghiệm, ý chí và nhiệt tình, Giáo sư Trần Phương đã sớm nhận thấy cơ hội mới cho đại học ngoài công lập. Ông đã ấp ủ ý tưởng về loại hình đại học tư thục phi lợi nhuận và kiên định thực hiện ý tưởng mà Ông cho là tốt đẹp đó. Tư tưởng cốt lõi của Trường gói gọn trong mấy chữ đơn giản, nhưng để thực hiện lại đòi hỏi cả ý chí, năng lực và đạo đức thiện tâm: “Phi lợi nhuận”, “Vì sự nghiệp nâng cao dân trí”. Đó là một quan niệm có tâm và có tầm đáng quý. Ông đã tập hợp được nhiều đồng chí, đồng nghiệp để cùng với mình biến ý tưởng và ước mơ cao đẹp đó thành hiện thực. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sau hơn một phần tư thế kỷ hoạt động, như một mầm cây non đi qua mùa đông đã ấm áp đâm chồi và phát triển mạnh mẽ. Là người sáng lập, lãnh đạo và đồng hành cùng Trường, Giáo sư Trần Phương đã không tiếc công sức, nhiệt thành và sáng tạo để cùng với đồng đội đưa Trường vượt bao gian khó đi lên.

– Trong tâm thức đồng nghiệp và bè bạn, Giáo sư Trần Phương là một người lãnh đạo giàu ý chí, nghị lực tâm huyết và cũng rất giàu tình cảm, luôn trăn trở cho cái chung và cho công cuộc phát triển nhà trường. Tất cả nằm trong chữ TÂM của Người Thầy. Tuy đứng đầu và chịu trách nhiệm ở một trường đại học lớn, thầy Trần Phương luôn có một đời sống riêng giản dị, trong sáng và thân ái với đồng nghiệp, bạn bè, đặc biệt với lớp thế hệ trẻ.

Cuốn sách này, với năm chục bài viết – dài có, ngắn có, chứa đựng tư duy minh triết sâu xa có, hay chỉ là những sự việc, kỷ niệm thể hiện tình cảm mộc mạc, chân thành cũng có – tuy chưa phải là tất cả, nhưng tiêu biểu cho tấm lòng trân trọng, kính quý, ngưỡng mộ của các đồng chí, đồng nghiệp, cán bộ công nhân viên và người học dành cho Thầy; đồng thời cũng là lời hứa tiếp bước sự nghiệp của Thầy, tích cực đóng góp cho sự phát triển của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đó thật sự là những gì đọng lại trong tâm thức của đồng nghiệp và bạn bè của Thầy Trần Phương.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trân trọng biết ơn, ghi nhớ công lao của Giáo sư Trần Phương. Kính chúc Thầy bình an, vui mạnh, trường thọ để cùng tiến bước với Trường và Hội trên chặng đường phát triển mới.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách với Quý bạn đọc!