Người thủ trưởng, người thầy tuyệt vời của tôi – Lê Cao Đoàn

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi được gọi vào Trường Đại học Kinh tế – Kế hoạch. Lúc đó Nhà nước phân học ở đâu thì học ở đó (không xét theo nguyện vọng cá nhân như bây giờ), chứ tôi cũng chưa biết là học những cái gì và thành nghề gì. Tôi rất lo, không biết các môn kinh tế có hay ho và gây hứng thú gì không. Bài học kinh tế đầu tiên là bài “Sản xuất vật chất” của môn Kinh tế chính trị. Thú thật, tôi nghe giảng mà chẳng hiểu gì, chẳng lý thú gì. Về nhà tôi đọc đi đọc lại và thử trình bày lại, nhưng không thể trình bày lại được những điều nghe giảng trên lớp. Tôi đâm bi quan.

Song, nếu là số phận thì nhất định phải có những nhân tố dẫn dắt số phận theo hướng mà nó ấn định. Hồi học năm thứ hai, tôi có đọc hai bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế: “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa” và “Sự vùng dậy của vàng” của GS Trần Phương. Hai bài đó với sức mạnh và vẻ đẹp của tư duy lý luận kinh tế đã lay động và khơi dậy trong tôi niềm đam mê hơn về kinh tế học. Nhưng chỉ đến khi về Viện Kinh tế học, sự hiểu biết và đam mê nghiên cứu kinh tế học mới thực sự hình thành. Những ngày đầu mới về viện, GS Trần Phương gặp những anh em mới về, giải thích về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Viện và nói về nghiên cứu khoa học kinh tế. Vì đã đọc bài viết của ông, tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ; khi gặp ông, tôi thấy sức viết và văn của ông cũng như vẻ người ông đều đẹp và xuất chúng. Có hai điều tôi tâm niệm trong cuộc đời nghiên cứu của mình từ những lời ông nói trong buổi gặp mặt đầu tiên đó.

Thứ nhất, nghiên cứu rốt cuộc phải tạo ra được cái mới, phải tiến lên dù một milimét. Nghiên cứu kinh tế là tìm ra những quy luật kinh tế và những hình thái vận động của nó, phát hiện và luận giải những nguyên nhân thúc đẩy cản trở đến sự phát triển, cũng như vận động của kinh tế. “Các anh cần nhớ, nghiên cứu khoa học khác với các hoạt động cụ thể khác, ví như, người lao công quét đường dù quét kém, nhưng cũng có thể quét được một đoạn đường; người đi cày, dù cày kém, cũng cày được một đường cày. Nghiên cứu mà không tiến lên được một milimét  thì coi như không làm được gì!”.

Thứ hai, GS Trần Phương nói với chúng tôi: “Các anh đã về Viện thì nên đặt mộ chí của mình ở đây”. Ghê quá! Tức là sống làm người của Viện, chết làm ma của Viện. Ông luôn truyền cảm hứng cho chúng tôi: nghiên cứu là việc khó khăn nhưng thật vĩ đại, và thật lý thú. Có thể sống vì nó, chết vì nó. Có thể khi ông viết “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa”, “Sự vùng dậy của vàng” và “Cách mạng ruộng đất ở Việt Nam” và các công trình nghiên cứu khác, cũng như trải nghiệm công việc quản lý của một cơ quan nghiên cứu khoa học ông đã nhận ra điều này.

Viện Kinh tế quả là một nơi vun trồng một đội ngũ nghiên cứu mà tôi là một phần được hưởng sự nuôi dưỡng chăm sóc đó. Những người nghiên cứu về cơ bản là tự lớn lên, nhưng định hướng sự phát triển cũng như hình thành năng lực nghiên cứu độc lập của một người nghiên cứu còn được quyết định bởi viện nghiên cứu, nơi người nghiên cứu sống và làm việc. Đối với tôi, sự trưởng thành và mọi thành công trong nghiên cứu của những người trong Viện trở thành những tấm gương cho tôi noi theo. Đây là một nhân tố giúp tôi trưởng thành trên con đường nghiên cứu kinh tế. Quả thực những gương sáng này là cái gây hứng khởi và góp phần nuôi dưỡng sự đam mê nghiên cứu của tôi, cũng như giúp tôi sống suốt những năm tháng tôi làm việc ở Viện.

Tấm gương sáng lớn nhất phải kể là GS Trần Phương. Tôi đã khâm phục, hâm mộ ông từ khi đọc các bài viết của ông trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, từ khi còn học năm thứ 2 trong trường đại học. Khi về Viện, sự khâm phục và hâm mộ của tôi tăng lên bội phần qua các bài giảng của ông về bộ Tư bản, qua cách ông lập luận sắc sảo về những vấn đề kinh tế.

Tôi ao ước có được năng lực, tư duy và phong cách viết của ông, và câu hỏi đặt là cần phải học gì ở ông đây? Khi nghe ông giảng về bộ Tư bản, với sự hiểu biết uyên thâm và cách trình bày logic, sáng rõ tôi hiểu rằng ông nghiên cứu bộ Tư bản rất sâu, rất kỹ. Về sau tôi có mấy tập bài giảng về bộ Tư bản của ông, đọc các tập này tôi càng tin như vậy. Tôi cho rằng đây là nguồn năng lượng cực lớn và quan trọng đối với kiến thức và sự tư duy của ông, cả cách lập luận, cách trình bày rất hay, cũng chịu ảnh hưởng của bộ Tư bản.

Khi về Viện dưới sự thúc đẩy của tấm gương của ông Trần Phương, tôi quyết tâm nghiên cứu bộ Tư bản. Có anh trong Viện thấy tôi đọc, khuyên tôi rằng đọc Tư bản rất khó, kết quả không được mấy, không khéo bị tẩu hỏa nhập ma thì khổ. Tôi không tranh luận, cứ lặng lẽ làm theo ý của tôi. Tôi cho rằng nhờ nắm chắc “Tư bản”, nên ông có một thứ tư duy phi thường, cách lập luận, cách trình bày logic, sáng sủa và thuyết phục; ông không những là một nhà nghiên cứu xuất sắc, mà còn là một nhà truyền giảng tài ba. Đương nhiên, vấn đề không chỉ dừng ở việc kiến tạo tri thức, mà còn được quyết định ở việc biến kiến thức thành một lợi thế sắc bén của tư duy và thành một năng lực thực sự trong việc nghiên cứu. Điều này thì tự nhà nghiên cứu tạo ra thôi. Đây là điều thật thật hệ trọng và quý báu đối với tôi. Muốn xây ngôi nhà cao lớn, phải có cái nền, cái móng vững chắc. Muốn vươn cao trong nghiên cứu khoa học cần có một nguồn tri thức cơ bản, vững chắc và tiên tiến. Cái nguồn đó chính là bộ “Tư bản” mà “kim chỉ nam” của ông Viện trưởng đã chỉ dẫn cho tôi.

Một nét nổi bật khác của GS Trần Phương là sức làm việc của ông. Khi tôi về Viện, GS Trần Phương không chỉ là Viện trưởng Viện Kinh tế mà còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và khoảng từ 1974 là trợ lý đắc lực của Tổng Bí thư. Những việc này đòi hỏi ông phải làm việc cật lực, hơn nữa, phải biết làm việc và có sức làm việc cao, nếu không ông không thể hoàn thành một khối lượng công việc mà ông đảm trách. Là Viện trưởng, ông không chỉ cùng các chiến hữu của mình dẫn dắt việc nghiên cứu của Viện, mà còn tổ chức đào tạo cán bộ của Viện. Ông chính là người đã lập ra lớp nghiên cứu sinh đầu tiên của Viện. Ông là người biên soạn tài liệu và trực tiếp giảng dạy. Ông là người chăm lo đặc biệt cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu lâu dài của Viện. Cũng chính ông đã sáng lập Khoa Kinh tế chính trị trong trường Đại học Tổng hợp với mục đích là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Viện. Tới nay, tôi chưa thấy ai làm được như ông.

Việc vận dụng kiến thức lý luận và biến nó thành năng lực nghiên cứu có một ý nghĩa đặc biệt. Ông nói với chúng tôi: “Các cậu phải ra sức mài nanh, rũa vuốt trong nghiên cứu” – ý ông muốn nói phải biến những kiến thức đã có thành những vũ khí sắc bén trong việc khám phá và giải quyết các vấn đề. “Nếu chỉ luẩn quẩn trong lĩnh vực lý luận, thì chỉ là anh mọt sách vô dụng, “ăn ngô… lại thải ra ngô” thôi”. Thật là chí lý!

Cũng xin nhớ rằng ông đã giải quyết thỏa đáng công việc quản lý, khiến cho công việc quản lý không ảnh hưởng, càng không thể lấn át công việc nghiên cứu dưới các hình thức khác nhau. Chính thời kỳ ông làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn là thời kì ông tập trung nghiên cứu cao nhất và nghiên cứu phát lộ mạnh nhất. Chính lý luận về sản xuất lớn đã hình thành trong thời kỳ này và ông là người chấp bút phần kinh tế trong tác phẩm lý luận lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”.

Trong cuộc đời của mình, ông Trần Phương có một bước ngoặt kỳ diệu, ấy là việc ông trở thành trợ lý về kinh tế cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cũng phải nói rằng ông Lê Duẩn có một con mắt tinh đời đã nhận ra và sử dụng một nhà khoa học uyên bác về lý luận và có năng lực nghiên cứu tuyệt vời làm trợ lý lý luận đắc lực cho mình. Qua đôi lần nói chuyện với ông Đặng Phong, tôi hiểu rằng nếu như ông Trần Phương không có một trí thức uyên thâm, vượt trội và cách lập luận không logic, không sắc sảo, không thuyết phục thì không thể “lọt mắt xanh” của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và trở thành cây bút xuất sắc để hỗ trợ Tổng Bí thư trong việc xây dựng một lý luận mới của mình – lý luận về sản xuất lớn, về làm chủ tập thể.

Nếu chỉ dừng ở việc học tập và nghiên cứu lý luận rất có thể chỉ là một học giả xuất sắc. Nếu chỉ có vậy, chưa đủ tầm làm trợ lý cho Tổng Bí thư. Thực ra, thuyết phục được Tổng Bí thư – một chính khách xuất sắc, thông tuệ và có uy quyền – thì không chỉ bằng năng lực lý luận vượt trội, mà chính ở năng lực phản ánh sâu sắc và sắc bén thực tiễn, phát hiện những vấn đề và nhất là đưa ra được những giải pháp hợp tình hợp lý. Ông Lê Duẩn cần người không chỉ là nhà lý luận, mà còn là người luôn tìm tòi và đề xuất những quan điểm, đường lối mang tính đột phá. GS Trần Phương không chỉ thực hiện chức năng trợ thủ, mà đôi khi là người phản biện trực tiếp những ý tưởng của Tổng Bí thư. Chẳng hạn, ông Lê Duẩn đưa ra ý kiến về công nghiệp hóa trong công nghiệp và cho rằng đã là sản xuất lớn thì qui mô sản xuất phải lớn, kỹ thuật sản xuất phải là máy móc lớn, vì như thế mới tạo ra năng suất lao động cao. GS Trần Phương lại cho rằng vấn đề là ở chỗ phù hợp: trong trường hợp người lao động dư thừa trên đất ruộng hạn hẹp, thì cơ khí hóa, mà với máy móc lớn, không những không tăng năng suất mà còn lãng phí rất lớn nguồn nhân lực và các nguồn lực kinh tế khác; tăng năng suất trong nông nghiệp lúc này là cần thay đổi trong kỹ thuật – công nghệ sản xuất nông nghiệp – đó là giống mới, phân bón, đó là tưới tiêu khoa học, đó là mùa vụ và chế độ chăm sóc cây trồng khoa học và hợp lý.

Chính trong quá trình làm trợ lý cho Tổng Bí thư, năng lực lý luận vượt trội và năng lực thực tiễn cũng rất mạnh của GS Trần Phương trong việc phát hiện những vấn đề nảy sinh, đồng thời đề xuất những giải pháp giải quyết vấn đề có tính khả thi cao, đã khiến Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa Trần Phương từ vị trí một học giả, hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học sang lĩnh vực hoạt động thực tiễn. Lĩnh vực thương mại lúc đó là lĩnh vực quan trọng và khó khăn nhất. Quả Tổng Bí thư đã có quyết định đúng đắn trong việc dùng người. Ông đã đặt GS Trần Phương đúng vào vị trí thích hợp nhất có lợi cho đất nước.

Trước khi được đưa sang làm quản lý lĩnh vực thương mại, GS Trần Phương đã có một đóng góp đặc biệt chính trong lĩnh vực này. Đó là việc giải tỏa cho nông dân khỏi cái trói buộc của chế độ thua mua nông sản. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà nước áp dụng chế độ bán nông sản theo nghĩa vụ đối với nông dân và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Vấn đề là “Nông dân và các HTX bán nông sản theo nghĩa vụ cho nhà nước với giá nào?”. Lúc đó có hai quan điểm. Ủy ban Vật giá Nhà nước cho rằng giá thu mua nông sản do họ xác định là đúng, đã đảm bảo có lãi cho nông dân. Nhưng thực tế là nông dân sản xuất không có lãi. Đây chính là nguyên nhân làm cho nông dân và các HTX nông nghiệp kêu ca, chán nản, thậm chí lúa chín trên cánh đồng cũng không muốn gặt nữa. Viện trưởng Trần Phương đã cho Viện Kinh tế học tiến hành nghiên cứu độc lập vấn đề này. Nghiên cứu  của Viện kinh tế học kết luận rằng cách tính giá của Ủy ban Vật giá Nhà nước không đúng, nông dân sản xuất không có lãi và không thể phát triển sản xuất được. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Nhưng quan điểm chính thống vẫn thuộc về Ủy ban Vật giá Nhà nước. Chẳng đành chịu, Viện trưởng Viện kinh tế học đã phải “xuất tướng”. Ông đã đối đầu với Nhà nước. Hai bên Viện Kinh tế học và Ủy ban Vật giá Nhà nước phải giải trình trước Bộ chính trị và Ban Bí thư về cách tính của mình. Viện Kinh tế học đã vạch ra những cái sai của Ủy ban Vật giá Nhà nước trong cách tính giá thu mua nông sản. Với giá thu mua này, người sản xuất không thể tái sản xuất. Qua việc nghiên cứu về giá này đã hình thành quan điểm về quan hệ mua bán của nền kinh tế: “Mua như cướp, bán như cho” nổi tiếng mang tên Trần Phương.

Về quan điểm, ông đã thắng, đã ghi điểm. Nhưng vấn đề không chỉ là thắng – bại trong học thuật mà điều quan trọng, nó nói lên phẩm chất cốt lõi của một nhà khoa học: Đó là sự trung thực, là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của khoa học, của chân lý và là dũng khí bảo vệ cái đúng. Thực ra, khi đó vấn đề giá rất nhạy cảm, húc đầu vào đó “mất mạng như chơi”.

Một điểm nhấn trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội thương là GS Trần Phương đã trình “Kiến nghị về cải tiến quản lý thương nghiệp”, trong đó có kiến nghị dẹp bỏ các cửa hàng cung cấp đặc biệt dành cho cán bộ cao cấp. Bao cấp ưu tiên là một nét thuộc căn cốt của hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Các cửa hàng cung cấp thực chất là thực hiện chính sách bao cấp cho tầng lớp lãnh đạo những nhu yếu phẩm cao cấp. Ngoài việc nó đảm bảo thu nhập cho tầng lớp cán bộ cao cấp qua giá hàng rẻ hơn so với giá thị trường, nó còn cung cấp những mặt hàng mà khi đó dù có tiền cũng không mua được. Người ta đồn rằng, khi thiếu những mặt hàng loại này, các cửa hàng phải mua với giá đắt trên thị trường tự do, rồi bán với giá bao cấp cho cán bộ có tiêu chuẩn mua hàng ở các cửa hàng cung cấp đặc biệt này. Đúng là một ưu đãi đặc biệt, nó tạo ra sự phân ly đẳng cấp rõ rệt. Ai cũng biết nhưng không ai dám nói ra, lại càng không dám đụng tới. Đó là tổ ong vò vẽ, chọc vào đó sẽ “lãnh đủ”. Ở đây, nghiên cứu là hiểu biết vấn đề  đúng – sai, nhưng điều quyết định là thái độ và có dũng khí dám phá bỏ những cái sai trái. Không có thái độ phản đối và có hành động xóa bỏ thì cái sai vẫn còn đó. Cuối cùng kiến nghị của Bộ trưởng Trần Phương cũng được chấp nhận, và các cửa hàng bao cấp đặc biệt cũng bị dẹp bỏ. Thực ra đây chưa phải một việc quá to tát, nhưng ý nghĩa thì thật ghê gớm. Nó tuyên chiến với một chế độ phân phối và động vào cái yếu huyệt của cơ chế. Động vào lợi ích cũng giống như đụng vào cái kíp nổ của một quả bom.

Hồi đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1981-1986) tôi không có thông tin gì về ông Trần Phương, chỉ nghe nói sau cuộc cải cách giá – lương – tiền năm 1985 ông đã rời Chính phủ, trở về công tác nghiên cứu ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi nghỉ hưu, đến năm 1996, ông lại xuất hiện, lần này là khác hoàn toàn: ông thành lập Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Thực ra nghiên cứu khoa học hay làm công tác lãnh đạo không phải là mơ ước của ông. Ngay khi ông ở đỉnh cao quyền lực vào khoảng năm 1983-1984, ông đã thổ lộ với bạn bè rằng về sau ông sẽ trở về với nghề gõ đầu trẻ: “Đó cũng là một trong những nghề tôi thích nhất trên đời”.

Ông đã thu hút nhiều chục vị giáo sư, tiến sĩ, bộ trưởng, thứ trưởng v.v… về cùng ông xây dựng đội ngũ giảng dạy cho trường. Phải có một niềm tin và một quyết tâm cao mới có thể thu hút được đội ngũ trí thức cao cấp như vậy để xây dựng một trường đại học dân lập “không vì lợi nhuận” (Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh Hà Nội, sau này phát triển và đổi tên thành Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội). Ông đã tạo ra một sân chơi cho mình. Đúng ra ông thực hiện được một ước vọng của đời mình.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trường dân lập thành công. Là nhà kinh tế, dĩ nhiên ông phải lập ra trường kinh tế, nhưng kinh tế có một loạt trường kinh tế ứng dụng, vì sao ông lập ra Trường Kinh doanh và Công nghệ? Tôi cho rằng, chuyển sang kinh tế thị trường, thì kinh doanh là thực chất của hoạt động trong nền kinh tế, hoạt động sản xuất ra giá trị và làm cho giá trị tăng lên, đặt kinh tế vào quá trình phát triển. Có thể nói năng lực kinh doanh là năng lực đặc thù của nền kinh tế thị trường

Việc lập Đại học Kinh doanh là đào tạo ra nguồn nhân lực cho hoạt động kinh doanh và bản thân các nhà kinh doanh. Có thể nói lập ra Đại học Kinh doanh, GS Trần Phương lại một lần nữa tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường và góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đối với ông, ngay cả tuổi tác cũng không cản được sức làm việc và sự đam mê của ông. Ở lĩnh vực nào ông cũng ở đỉnh cao, và là một tài năng.

Raxun Gamzatop viết trong cuốn “Daghextan của tôi”: “Tài năng không cần đẩy đằng sau và không cần kéo đằng trước. Nó tự mình tìm đường đi và tự nó vượt lên phía trước. Tài năng là sự vượt lên không gì cản được, tài năng còn là sự tỏa sáng, là sự thúc đẩy sự phát triển”. GS Trần Phương là ngọn đèn cháy lên để mà tỏa sáng. Đối với riêng tôi, chính tài năng của ông đã truyền cảm hứng và đam mê công việc nghiên cứu kinh tế của tôi.

Tôi làm việc ở Viện Kinh tế học cho đến khi về hưu là tầm 42 năm. Viện với nhiều con người tuyệt vời, đã gây cảm hứng cho tôi cũng như thúc đẩy sự đam mê và nỗ lực trở thành một người nghiên cứu kinh tế. Theo như lời của Viện trưởng Trần Phương dạy bảo, tôi đã cố gắng “cắm được cái mộ chí” ở Viện Kinh tế Việt Nam. Đương nhiên, đối tượng của bản thân khoa học kinh tế với những quan hệ kinh tế và và quy luật kinh tế là cả một thế giới kỳ diệu và lý thú tạo ra sự đam mê cho những ai đi vào nghiên cứu kinh tế học. Nhưng phải nói rằng, chính những người như GS Trần Phương đã nêu tấm gương sáng về nghiên cứu, về chí khí và nhân cách đã giúp tôi bước vào và đi trên con đường nghiên cứu kinh tế. Tôi đã, đang và vẫn thực sự thấy thêm đam mê ở công việc nghiên cứu kinh tế học./.