Nhà khoa học uyên bác, người thầy khả kính, người thủ trưởng nhân từ – Trịnh Thị Minh Sâm

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế công nghiệp Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), tôi và khoảng hơn 10 người cùng lứa được chọn về làm việc ở Viện Kinh tế học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Kinh tế Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Cảm giác chung của chúng tôi lúc đó là tinh thần vui vẻ, trong lòng phấn chấn vì vừa tốt nghiệp xong đã được nhận công tác ngay, về Viện lại được tiếp nối sự học, được nâng cao kiến thức của mình ở một viện nghiên cứu khoa học; và đặc biệt hơn, thêm tự hào hơn vì đó lại là viện nghiên cứu kinh tế duy nhất ở Việt Nam, do ông Trần Phương – một vị thủ trưởng trẻ nhưng danh tiếng làm Viện trưởng (lúc đó ở nước ta chưa có quy định học hàm Giáo sư, cũng chưa có đào tạo chính quy hệ sau đại học).

Năm đầu tiên mới chập chững bước vào nghề, dù có là sinh viên giỏi thì ai cũng không khỏi hồi hộp, xen lẫn lo lắng. Chúng tôi phải làm quen với môi trường mới, thủ trưởng mới, đồng nghiệp mới, đặc biệt là công việc thì hoàn toàn mới mẻ chứ không giống như ngồi tiếp thu kiến thức trên ghế nhà trường. Cũng may, những ngày đầu nhập cuộc, tôi có hơi bỡ ngỡ nhưng không thấy mình lạc lõng, cũng không có cảm giác sợ sệt, vì ngay từ những ngày đầu tiên chúng tôi đã được nghe Viện trưởng Trần Phương nói chuyện, giới thiệu chung về Viện, hướng dẫn về công việc nghiên cứu, cách tiếp cận, chọn lọc và thực hiện một vấn đề nghiên cứu. Ông dặn dò kỹ và nhấn mạnh: tính tự chủ, tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học là điều quan trọng nhất mà người nghiên cứu phải thể hiện được trong công trình nghiên cứu của mình.

Rồi những ngày tháng tiếp theo, những cảm nhận tốt đẹp của tôi về Thủ trưởng Trần Phương cứ được bồi đắp thêm, chắc chắn thêm và sâu sắc hơn nhiều. Tôi kính nể, khâm phục và ngưỡng mộ ông không chỉ bởi ông là một trong nhưng người đi tiên phong khai sáng cho khoa học kinh tế ở Việt Nam, mà còn bởi ông là một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một người thầy sáng ngời đạo đức.

  1. Một trong những phương pháp học cách nghiên cứu lúc đó của chúng tôi là đọc các bài viết, các công trình nghiên cứu của những người đi trước. Tôi đã tìm đọc loạt bài viết “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa”, đăng tải nhiều kỳ trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, hai cuốn sách “Kinh tế học phổ thông”, cuốn “Cách mạng ruộng đất ở Việt Nam” của GS Trần Phương. Sau này tôi được đọc thêm nhiều công trình khác của ông dưới dạng là các văn bản, kiến nghị, báo cáo chuyên đề, hay các đề xuất phương án… có liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là những báo cáo nội bộ viết cho các cơ quan chức năng hay các vị lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tôi vô cùng ấn tượng bởi những vấn đề được đặt ra là những vấn đề lớn, quan trọng mang tính đột phá trong tư duy và có tính cải cách, đổi mới trong thực tiễn. Các công trình khoa học đó không chỉ thuyết phục tôi bởi nội dung các vấn đề rất sâu sắc, có ý nghĩa lớn, mà còn rất thú vị, hào hứng bởi cái cách mà tác giả phân tích, lý giải thật logic, thấu đáo và sinh động. Ngay cả những vấn đề rất khó và hóc búa qua cách trình bày của ông cũng rất dễ nghe, dễ hiểu, rất hoàn hảo và thấu đáo.

Trong giới nghiên cứu kinh tế ai cũng đều biết đến bộ Tư bản của Karl Marx. Không ít người khi thấy sự đồ sộ của bộ sách này đều choáng ngợp. Nhưng khi học, được nghe GS Trần Phương giới thiệu và thuyết giảng thì mọi người đều cảm thấy thú vị và hào hứng. Người ta cảm nhận và thu nhận được những giá trị kiến thức quá lớn, như khám phá ra kho báu kiến thức về kinh tế chính trị học, triết học mác xít, chủ nghĩa xã hội khoa học cần phải được nghiên cứu và soi rọi, đưa nó vào thực tiễn.

Hồi đó, trong chương trình bồi dưỡng kiến thức nghiên cứu khoa học mà Viện dành cho những cán bộ nghiên cứu trẻ, chúng tôi được trực tiếp nghe GS Trần Phương giảng dạy về một số tập trong bộ Tư bản. Tôi thật sự sửng sốt và ngạc nhiên về sự hiểu biết của ông về bộ sách – rất tinh thông, nhuần nhuyễn những kiến thức vừa rộng, vừa chuyên sâu. Cái cách mà ông truyền đạt đến người nghe cũng rất đặc biệt – nó khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng, có lồng ghép thực tiễn, cho nên nghe những vấn đề lý luận phức tạp mà cũng không hề cảm thấy khô khan, trái lại trở nên thú vị, hấp dẫn và thật sự ý nghĩa. Cho mãi tới nhiều năm sau, được dự nhiều khóa học, được nghe nhiều chuyên gia trình bày nhiều chuyên đề, nhưng tôi vẫn cảm thấy chắc chắn rằng khó có người nào truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng học tập nghiên cứu được như GS Trần Phương, người thủ trưởng tuyệt vời của chúng tôi.

  1. Trong lĩnh vực ứng dụng lý luận khoa học vào thực tiễn đời sống, những người am hiểu và quan tâm đến tình hình kinh tế đất nước ta thời điểm những năm 1960-1980 không thể không thấy rằng có nhiều quyết sách lớn trong chính sách kinh tế đều mang dấu ấn của nhà khoa học, nhà quản lý Trần Phương. Đó là quá trình bắt đầu từ sự đổi mới tư duy, quan niệm, quan điểm về thể chế kinh tế đến những giải pháp dẫn đến thay đổi trên thực tiễn như: thay đổi giá thu mua nông sản có lợi cho nông dân, bãi bỏ hệ thống giá cung cấp theo tem phiếu, cải cách ngành thương mại, đổi mới lĩnh vực phân phối – lưu thông, cải tổ phương thức phân bổ vốn đầu tư và cơ chế kế hoạch hóa, từng bước vận dụng cơ chế thị trường thay cho cơ chế kế hoạch hóa quan liêu, bao cấp.
  2. GSTrần Phương không chỉ là một nhà khoa học lớn mà còn là một nhà giáo dục tài ba. Giới trẻ chúng tôi lúc đó, khi bước vào lớp dự chương trình giảng dạy của Thầy ai cũng mang tâm trạng thoải mái và nhập tâm nhanh những kiến thức mà Thầy truyền dạy. Những năm cống hiến cho khoa học với vai trò là Viện trưởng Viện Kinh tế học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, GSTrần Phương đã dày công vun đắp, đào tạo những thế hệ nghiên cứu viên trẻ, cung cấp cho nền khoa học và phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Trong mấy trăm người đã từng làm việc ở Viện Kinh tế học dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn của Ông, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, những người cán bộ lãnh đạo giỏi ở các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, v.v…

Khoa Kinh tế Chính trị tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1974 là sự nhìn xa trông rộng của GS Trần Phương đối với tương lai của đất nước. Tại đây đã đào tạo một lực lượng các nhà nghiên cứu trẻ, phát triển bộ môn khoa học kinh tế – chính trị để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu tổng hợp, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Năm 1996, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội do GS Trần Phương sáng lập và dẫn dắt – đó là mô hình trường đại học ngoài công lập phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam. Sau gần 30 năm Trường đã và đang phát triển vững vàng với thành tựu đáng nể cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Hàng trăm ngàn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được đào tạo với đa ngành nghề học đã cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động giá trị cao. Sự thành công của mô hình trường đại học tư thục không vì mục tiêu lợi nhuận một lần nữa lại làm cho danh tiếng GS Trần Phương tỏa sáng: Ông không chỉ là nhà khoa học, nhà giáo dục mà còn là nhà tổ chức tài ba.

Ở vị trí Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, GS Trần Phương đã gắn kết được sức mạnh và trí thức của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với sức mạnh và trí thức của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để làm nên sức mạnh tổng hợp, mang lại sự thành công giúp cho cả Hội và Trường cùng phát triển trong xã hội gần 30 năm qua.

  1. Sâu đậm trong tâm thức của tôi (và chắc chắn cũng không ít những người khác nữa cũng có ấn tượng như tôi): GS Trần Phương là người thủ trưởng, nhà lãnh đạo, nhà quản lý mẫu mực, sắc sảo, nhân từ và bao dung. Là một nhà khoa học, lãnh đạo một cơ quan khoa học, nên cách quản lý bộ máy, quản lý cán bộ dưới quyền mang đậm chất khoa học và phong cách khoa học. Viện trưởng Trần Phương quản lý cán bộ khoa học của mình thiên về kết quả công việc, lấy hiệu quả công việc làm tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ chứ không khiên cưỡng bắt các nhà nghiên cứu phải gắn chặt vào bàn làm việc suốt 8 giờ lao động, vì ông quan niệm lao động trí óc có đặc thù riêng của nó, cần tạo ra sự thoải mái, bầu không khí xung quanh dễ chịu thì mới có sự thăng hoa trong tư tưởng và đó là điều kiện để nảy sinh ý tưởng mới, sự sáng tạo trong tư duy và được cụ thể hóa thành công trình khoa học.

Tôi nhớ rất rõ hồi đó là năm 1973, trong xã hội nói chung và Viện Kinh tế nói riêng có một số người quan niệm về kỷ luật lao động còn rất hẹp hòi, cực đoan và ấu trĩ. Họ đánh đồng lao động trí óc và lao động chân tay, họ cho rằng một ngày làm việc phải đúng 8 tiếng ngồi trên ghế. Họ nhân danh tổ công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chức theo dõi giám sát và ghi chép lại những lỗi nhỏ nhặt như: đi làm muộn 5-10 phút, trong giờ hành chính thì làm việc riêng, nghỉ giải lao quá giờ…. để đưa ra những cuộc họp cho mọi người phân tích, phê bình, mổ xẻ, kiểm điểm, rồi làm báo cáo lên cấp trên để kỷ luật. Có một lần GS Trần Phương nhận được một báo cáo về tôi như thế! Ông rất không hài lòng về cách mà cấp dưới làm. Nó đi ngược lại tinh thần khoa học trong mối quan hệ giữa người với người trong cơ quan khoa học mà ông vẫn truyền dạy và nhắc nhở. Ông đã bút phê vào bản báo cáo đó như sau: “Các anh bỏ cái lối hồng vệ binh này đi nhé”! Vẫn là cách thể hiện sự không đồng tình, sự phản đối và sự phê bình riêng của Giáo sư, vừa độc đáo, hài hước, ví von sinh động, nhưng cũng rất sâu sắc và kiên quyết. Đấy là cách mà Thủ trưởng Trần Phương uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, lối suy nghĩ lạc hậu, cách cư xử thiếu tính nhân văn – một hệ quả của thời ấu trĩ. Quan điểm và phương thức quản lý con người, điều hành công việc trong một cơ quan khoa học mang tính giáo dục rất cao, nó góp phần hình thành nhân cách của con người khoa học, tạo nên lối suy nghĩ, nếp sống khoa học lành mạnh trong giới trẻ. Điều đó thật là lớn lao! Vì quan điểm và phong cách lãnh đạo như thế mà lớp cán bộ trẻ chúng tôi thời ấy, tuy nể trọng thủ trưởng, luôn luôn tuân thủ những nguyên tắc làm việc, nhất là chất lượng của kết quả nghiên cứu mà ông yêu cầu; song mặt khác rất quý mến ông như chú, bác trong gia đình. Chúng tôi gọi ông là “Chú Phương” với tình cảm trân trọng và quý mến chân thành.

Người thầy – người thủ trưởng giữ biết bao trọng trách quốc gia (Giáo sư, Viện trưởng, Thủ trưởng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng, Chủ tịch….) nhưng lĩnh vực nào Giáo sư Trần Phương cũng là tấm gương, cũng tỏa sáng. Ở cương vị lãnh đạo nào ông cũng thể hiện sự nhân từ, lòng bao dung, ân cần và chu đáo đối với tập thể và từng cá nhân cán bộ dưới quyền. Ông luôn luôn tạo cơ hội cho cấp dưới của mình phát triển. Tôi có một kỷ niệm vô cùng quý giá với Thủ trưởng Trần Phương. Kỷ niệm đó đã biến thành lòng biết ơn sâu sắc, và trong cả cuộc đời mình tôi gìn giữ như một tài sản tinh thần đặc biệt mà tôi không cho phép mình sao nhãng. Vào một ngày đẹp trời năm 1982, khi ấy tôi đã chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh làm việc ở Viện Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, (nay là Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ) được sáu năm sau khi đất nước thống nhất. Đang ở nhà, tôi nhận được cuộc gọi của Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội tại TP Hồ Chí Minh bảo tôi đến ngay Viện để gặp GS Trần Phương. Tôi hồi hộp quá không biết là có chuyện gì. Tôi tức tốc đến ngay! Khi tôi đến đã thấy GS Trần Phương và Viện trưởng ngồi đợi tôi ở phòng viện trưởng. Sáu năm mới gặp lại Chú mà tôi thấy Chú không hề thay đổi, vẫn phong thái khoan thai, đĩnh đạc, gương mặt tỏa sáng và nụ cười hiền hậu. Chú thân mật bảo: “Cháu ngồi đi”, rồi Chú ân cần hỏi thăm công việc và cuộc sống của tôi ở trong Nam. Sau đó, Chú nói với tôi rằng: Chú có một người bạn làm lãnh đạo ở Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, người bạn đó nhờ chú tìm cho một người có đủ khả năng và tin cậy để về làm quản lý một doanh nghiệp của Sở Công nghiệp. Chú đã chọn tôi và cho tôi ba ngày suy nghĩ. Ba ngày sau, tôi lại đến viện gặp chú: “Thưa Chú, cháu cảm ơn sự quan tâm của Chú và cháu cũng xin lỗi không nghe theo lời gửi gắm của Chú… Đơn giản vì cháu yêu nghề nghiên cứu – cái nghề mà do chính Chú truyền cảm hứng khi cháu mới đặt những bước chân đầu tiên vào Viện Kinh tế học”. Điều đó chắc cũng là do duyên phận!

Cho đến nay, tôi vẫn tiếp tục nghề nghiên cứu mà GS Trần Phương đã truyền dạy. Tôi nghỉ công tác ở Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, tiếp tục làm việc trong Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP Hồ Chí Minh (Thành viên của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam do GS Trần Phương làm Chủ tịch 47 năm liền; đến năm 2021 Hội nhất trí bầu Ông là Chủ tịch danh dự). Tôi vô cùng vinh dự và tự hào được làm việc dưới quyền của Giáo sư – Thủ trưởng Trần Phương, được Ông đào tạo, dẫn dắt, chỉ dạy từ những ngày đầu bước chân vào nghề nghiên cứu, nay vẫn được sinh hoạt trong tổ chức Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam do Ông là người sáng lập.

Một ít dòng viết này chưa thể nói hết sự tôn kính, trân trọng, cảm phục, ngưỡng mộ và biết ơn của tôi đối với Giáo sư Trần Phương – Nhà khoa học lớn, người Thầy, Nhà giáo dục lớn, người Thủ trưởng mẫu mực, nhân từ. Trong tâm khảm của tôi, GS Trần Phương – Thủ trưởng Trần Phương – Chú Trần Phương luôn luôn là một hình mẫu, một tượng đài về tài năng – đạo đức – nhân cách – nghĩa khí – tình người.

Mãi mãi và luôn luôn nhớ ơn Ông, tại buổi họp mặt kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ 12-09-2022, tôi đã kết thúc lời phát biểu của mình như sau: “Trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học và làm việc của mình, có hai người thủ trưởng mà tôi kính trọng và ấn tượng nhất, một trong hai người đó là GS Trần Phương – Nhà khoa học, người Thầy, người Thủ trưởng toàn tài, toàn đức, là tấm gương chói sáng, soi rọi cho cả cuộc đời tôi…”

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 08 năm 2023