Trần Phương – Một hình tượng sắc nét trong tâm thức nhiều người – Đặng Phong

Mỗi lần suy nghĩ về Trần Phương, tôi cứ tự nhiên hình dung: trong khung trời của khoa học kinh tế ở Việt Nam thập kỷ 1960-1970, một khung trời cũng không lấy gì làm cao rộng và quang đãng lắm, Trần Phương là một ngôi sao. Xin không nói về ngôi sao theo ý nghĩa như các vì tinh tú mà người ta thường ví với các vĩ nhân. Ngôi sao ở đây là theo ý nghĩa thông thường, để nói về những con người nổi bật trong lĩnh vực của mình, cũng như ta nói về những ngôi sao trong điện ảnh, âm nhạc, đá bóng… Quả thật rằng những ai đã từng sống và làm việc trong Viện Kinh tế học và cả trong Ủy ban Khoa học Xã hội những năm đó, đều có ấn tượng sâu sắc về con người Trần Phương: Sắc sảo, ham mê, dấn thân, thẳng thắn, tài hoa và có một sức thu hút rất mạnh cả về trí tuệ lẫn phong cách.

Trần Phương tên thật là Vũ Văn Dung, sinh năm 1927, con một nhà nho nghèo ở một làng quê huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông đậu tiểu học khi chưa đầy 12 tuổi, nhưng sau đó phải ở nhà. Thời đó, chỉ ở Hà Nội mới có trường trung học. Nhà nghèo, lấy tiền ở đâu mà ra Hà Nội ăn học? Rồi bỗng có người mách bảo: muốn ra Hà Nội học, chỉ có một cách là thi vào trường Bưởi, mà phải giành lấy vị trí đầu bảng để được Nhà nước bảo hộ cấp học bổng toàn phần, nghĩa là được ăn ở nội trú không mất tiền. Vũ Văn Dung đã đạt được mục tiêu đó lúc 14 tuổi.

Rồi học ở trường Bưởi 2 năm, khi mới 16 tuổi, ông đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Bị mật thám truy nã, ông phải tạm lánh về vùng quê để tiếp tục hoạt động. Hai năm sau đó, năm 1945, ở tuổi 18, ông trở thành một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở huyện tại quê hương ông. Gần như suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở vùng địch hậu đồng bằng sông Hồng, đảm nhiệm nhiều trọng trách khi còn rất trẻ: Bí thư Huyện ủy năm 19 tuổi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên năm 21 tuổi, Giám đốc Sở Thông tin Liên khu III và kiêm Chủ nhiệm báo Cứu quốc Liên khu III năm 22 tuổi, Khu ủy viên Khu Tả ngạn năm 27 tuổi. Thời ấy ai đi làm cách mạng cũng phải dùng bí danh để tránh con mắt của mật thám Pháp và Nhật. Cái tên Trần Phương xuất hiện từ đó, cũng là bí danh cuối cùng của ông trong thời gian hoạt động ở địch hậu, và được giữ lại cho đến tận bây giờ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được Trung ương cử sang Trung Quốc để đào tạo về lý luận ở Học viện Mác – Lênin. Khi trở về, ông đã từng có ý định làm nghề viết văn; nhưng cũng như phần lớn cán bộ cách mạng thời đó, tổ chức của Đảng “đặt đâu ngồi đấy”. Ông được Trung ương cử về Trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Lúc đầu ông là trợ lý Khoa Kinh tế, sau đó là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế. Còn trẻ, thông minh, sắc sảo, hiếu học, chẳng bao lâu ông đã nắm vững những tri thức cơ bản của kinh tế học Mác và trở thành một trong những người nhuần nhuyễn nhất bộ Tư bản. Sự nghiệp kinh tế học của ông bắt đầu từ đó.

Năm 1959, ông được cử về Ủy ban Khoa học Nhà nước với cương vị Phó Viện trưởng Viện Kinh tế học, cùng ông Bùi Công Trừng xây dựng viện này. Đến giữa thập kỷ 1960 ông là Viện trưởng của Viện.

Trong một bài viết nhân kỷ niệm 35 năm Viện Kinh tế học, ông kể lại: “Tôi chỉ vừa mới rời khỏi ghế học trò về kinh tế. Truyền thụ lý thuyết thì tôi làm được, còn nghiên cứu kinh tế Việt Nam thì tôi chưa làm bao giờ. Ngay Viện Kinh tế làm gì tôi cũng chưa hình dung nổi… Ngay bản thân mình, sau 9 năm đánh giặc, cũng chỉ học lý thuyết kinh tế trên sách vở. Đã ai biết nghiên cứu ra sao? Đã ai biết kinh tế Việt Nam như thế nào? Những câu hỏi ấy không những lặp đi lặp lại trong những ngày đầu xây dựng Viện, mà còn theo đuổi tôi nhiều năm sau này nữa!”.

Tuy mới vào nghề, như ông nói, còn mò mẫm tìm lối đi cho Viện và cho mình, nhưng với một trí nhớ và một sức đọc tuyệt vời của tuổi “ngoại tam thập”, chỉ mấy năm sau ông đã vượt trội lên như một trong những chuyên gia kinh tế xuất sắc lúc đó (trong cái bầu trời lúc đó). Khoảng giữa thập kỷ 1960, ông đã sớm có nhiều ý kiến mới, sắc sảo về kinh tế. Đồng thời ông cũng đủ nhậy bén để chọn những cách, những địa chỉ và những thời điểm thể hiện những quan điểm của mình. Chính nhờ đó, những ý kiến của ông không bị bỏ qua, ngược lại, hầu hết đã được ghi nhận, mặc dầu trong khá nhiều trường hợp nó khá gai góc, trái ngược với suy nghĩ phổ biến đương thời.

Giới kinh tế học thời đó có một đặc điểm khác với nhiều ngành khoa học khác ở một điểm: Các ngành khoa học khác thì chỉ cần nghiên cứu, phát minh, viết sách, giảng dạy, v.v…, tức là đi vào nghiệp vụ chuyên môn, mà thời đó chúng tôi gọi là “việc đạo”. Còn giới kinh tế học thì ngoài “việc đạo” ra, còn có “việc đời”, tức là phải tham gia vào chính đời sống kinh tế. Điều này thì Các Mác cũng đã từng nói: “Kinh tế học không có một phòng thí nghiệm, mà phải ứng dụng ngay vào xã hội”. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Phương cũng có cả “việc đạo” và cả “việc đời”.

Về “việc đạo”, giới kinh tế học thời đó còn có một đặc điểm nữa khác với nhiều ngành khoa học khác: Phần sản phẩm tinh túy và công phu nhất của nó lại không phải là những công trình xuất bản công khai, mà là những kiến nghị, những đề án, những báo cáo… Những thứ đó không thể in và phát hành rộng rãi trong xã hội, mà chỉ có thể trực tiếp gửi cho những cơ quan cao nhất của Đảng và Chính phủ. Bởi vậy, Trần Phương cũng giống như nhiều nhà kinh tế học cỡ lớn thời đó, như Bùi Công Trừng, Đoàn Trọng Truyến… không viết nhiều sách. Điều này ông cũng đã từng giải thích cho những thế hệ sau ông: “Thời đó những ý kiến hay nhất của bọn mình thì lại không thể công bố được. Những ý tưởng kinh tế quan trọng nhất chỉ có thể có vài người đọc thôi. Nhưng vài người đó lại quyết định cả vận mệnh của nền kinh tế quốc gia. Do đó bọn mình không dành nhiều thì giờ để viết sách. Thì giờ nhiều nhất vẫn là phải dành để xử lý những vấn đề mà Trung ương, Bộ Chính trị và Chính phủ đặt ra...”. 

Cũng vì vậy, nếu nói đến những tác phẩm để ghi vào lý lịch khoa học của Trần Phương thì không nhiều: mấy cuốn sách và vài chục bài luận văn. Ông có 4 cuốn sách đã xuất bản, mà cũng không mấy người biết đến: “Chủ nghĩa tư bản ở nông thôn Việt Nam sau cải cách ruộng đất”, “Kinh tế học phổ thông” (2 tập), “Cách mạng ruộng đất ở Việt Nam”, “Kinh tế Bungari từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN”. Như sau này ông thổ lộ, mấy cuốn sách đó cũng còn sơ sài. Cuốn về “Cách mạng ruộng đất”, theo ông, lẽ ra có thể viết sâu sắc và đầy đủ hơn, nhưng trong những điều kiện lúc đó chỉ có thể viết đến thế thôi.

Viết một công trình khoa học kinh tế để công bố, nhất là nói đến những vấn đề đường lối, quan điểm chiến lược, không dễ dàng chút nào. Thường phải gọt đẽo kỹ càng, nhiều khi vì kỹ quá lại thành ra không còn bao nhiêu cái sắc nét nữa. Cũng do đó, những cái thú vị nhất lại là những cái “lưu hành nội bộ“.

Phần “Lưu hành nội bộ” sáng giá nhất trong cuộc đời khoa học của Trần Phương có lẽ là những đóng góp trực tiếp cho Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Từ năm 1965 trở đi, ông bắt đầu được Tổng Bí thư chú ý vì những ý kiến và những bài nghiên cứu của ông. Sau đó, ông trở thành một trong những trợ lý gần gũi nhất của Tổng Bí thư. Trên cương vị đó, ông đã có những ảnh hưởng đáng kể đến những suy nghĩ và quyết định của Tổng Bí thư trong lĩnh vực kinh tế.

Có lần Trần Phương kể với tôi: “Mình bắt đầu “dính líu” với Lê Duẩn chậm hơn nhiều người khác, vào khoảng năm 1965. Mình nhớ hình như bắt đầu từ cuộc trao đổi về bản báo cáo của Cốt-xư-ghin. Sau đó, khoảng năm 1966, mình có viết một bài đăng nhiều kỳ trên tạp chí Nghiên cứu kinh tế, đó là bài “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa”. Trong một cuộc họp khá đông giới kinh tế, có các bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên trung ương, các chuyên gia của nhiều ngành, (mình lúc đó 40 tuổi, giữa đám cử tọa đó thì chỉ là một cậu bé con), bỗng Duẩn giơ tờ tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và nói: “Các anh đã đọc bài báo này chưa? Trong này có một bài của anh Trần Phương. Các anh nên đọc”. Sau đó Lê Duẩn nói tiếp những suy nghĩ về bước đi ban đầu của Việt Nam. Ít lâu sau, mình được mời lên gặp riêng Lê Duẩn để ông ấy tranh luận về những quan điểm của mình. Từ đó, ông ấy hay gặp mình để hỏi, để giao nghiên cứu. Sau đó hầu như khi nào rảnh việc quân sự, là ông thường tập hợp một nhóm nghiên cứu, để viết, để cùng ông trao đổi, có khi chỉ là để ông nói những suy nghĩ của ông, mà chúng mình thì được ông dùng như những người phản biện. Số chuyên gia này thì nhiều. Nhưng thường xuyên nhất thì có mình, Đậu Ngọc Xuân, Hoàng Tùng, thỉnh thoảng có Nguyễn Khánh, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Đức Bình. Cũng có một số trường hợp thì có cả anh Đoàn Trọng Truyến. Thỉnh thoảng có anh Đào Duy Tùng, nhưng anh Tùng ít dính líu đến những vấn đề kinh tế. Anh Trần Quỳnh thì thường xuyên và gần gũi với Lê Duẩn hơn, vì trước hai người đã từng ở tù với nhau và có những kỷ niệm khá sâu sắc. Anh Quỳnh là trợ lý trực tiếp của Lê Duẩn về những vấn đề chính trị đối ngoại. Những vấn đề về kinh tế Lê Duẩn thường trao đổi với mình và Đậu Ngọc Xuân. Có một điều lạ là tuy mình lúc đó còn rất trẻ, nhưng ông không bao giờ gọi mình là “cậu”, như cách xưng hô phổ biến thời đó giữa các vị lão thành đối với thế hệ bọn mình. Ông ấy bao giờ cũng gọi mình là “anh Phương” và xưng “tôi”. Hình như ông ấy không muốn gia đình hóa mối quan hệ với một nhà khoa học”. 

Nói rằng những ý kiến của Trần Phương có một phần ảnh hưởng đáng kể tới những suy nghĩ của Tổng Bí thư, cũng không có nghĩa rằng Trần Phương là cái bóng của Tổng Bí thư. Bằng những hiểu biết và những thực tế mà ông quan sát được, ông đã can ngăn nhiều ý tưởng, góp phần hoàn thiện và có phần ảnh hưởng đến những suy nghĩ của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư trọng dụng ông vì lý do đó và có “sự gắn bó” trong suốt 20 năm, cho tận tới khi Tổng Bí thư qua đời (1986).

Trong số nhiều đóng góp của Trần Phương đối với tư tưởng kinh tế Việt Nam, có thể kể đến một số “công lao” không chỉ là vạch đường, mà là can ngăn và điều chỉnh. Thí dụ:

– Vào tháng 3-1965, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô Cốt-xư-ghin sang thăm Việt Nam, Tổng Bí thư rất muốn đi tới ngọn nguồn và nắm bắt sự thật của vấn đề, đã triệu tập một loạt các “cây lý luận” để nghe đánh giá những cải cách kinh tế ở Liên Xô. Hầu hết những người tham dự buổi gặp mặt đó đều lên án chủ nghĩa xét lại. Trần Phương gần như đơn độc trong việc nhìn nhận mặt hợp lý của những cải cách này. Rất bất ngờ đối với mọi người, và với cả chính ông, Lê Duẩn kết luận rằng những đánh giá của Trần Phương là có lý! Theo ông kể lại, Lê Duẩn bắt đầu chú ý đến ông từ buổi đó.

– Ông cũng từng khác ý với Lê Duẩn trong cách nhìn nhận bước đi ban đầu của công nghiệp hóa. Theo Lê Duẩn thì phải bắt đầu từ các ngành công nghiệp cơ bản, trong nông nghiệp thì phải bắt đầu bằng cơ giới hóa. Trần Phương cho rằng phải bắt đầu công nghiệp hóa từ nông nghiệp, mà muốn đưa năng suất của nông nghiệp lên thì không thể và không nên bắt đầu bằng cơ giới hóa, mà phải từ giống và phân bón (Bài “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa” đã kể trên). Tư tưởng này cuối cùng đã được chấp nhận.

– Lê Duẩn vốn là một người bị ám ảnh rất mạnh bởi ý tưởng Nhà nước phải lo cho toàn dân, xã hội sinh ra Nhà nước để chăm lo cho đời sống mỗi con người. Thiện chí đó gợi ông nghĩ đến mô hình Bắc Triều Tiên. Ông nghe nói ở đó Nhà nước lo cho người dân từ mảnh vườn, từ bộ ấm chén, từ đôi giày, từ quyển vở cho con cái họ đi học. Lê Duẩn đã cử một đoàn đi nghiên cứu Triều Tiên, mà Trần Phương làm trưởng đoàn. Sau khi đi về, Trần Phương trình bày thẳng thắn: “Đối với Việt Nam, nếu áp dụng mô hình đó thì người Việt Nam sẽ không chịu đựng nổi. Người dân Việt Nam, kể cả những người nghèo nhất, đều có một truyền thống sống tự do, đầy cá tính. Truyền thống lịch sử đó không cho phép áp dụng một mô hình “uniforme” (đồng phục) đối với cuộc sống hàng ngày. Nếu mọi mảnh vườn phải trồng cây gì, mọi người uống trà bằng bộ ấm chén nào, có cửa sổ làm theo kiểu nào… đều nhất loạt theo quy định chung của Chính phủ, thì người Việt Nam khó chịu đựng được”. Sau buổi nói chuyện đó, Tổng Bí thư không nói là đồng ý, cũng không phản đối, nhưng im lặng, và không bao giờ trở lại vấn đề này nữa.

– Lại đã có lần Tổng Bí thư mời Trần Phương lên gấp để bàn về một ý tưởng mới: Nghiên cứu và áp dụng mô hình công xã nhân dân. Đương nhiên, Lê Duẩn là người rất độc lập trong suy nghĩ, và càng không thích mô hình công xã nhân dân của nước bạn. Nhưng ông thấy trong mô hình công xã nhân dân có một số yếu tố rất có lý: Sản xuất lớn. Lê Duẩn luôn luôn trăn trở một điều: Phải có một quy mô rất lớn của một cộng đồng nông thôn mới có thể giải quyết được những nhu cầu về thủy lợi, phân bón, giao thông vận tải, liên hiệp giữa các lĩnh vực sản xuất… Lê Duẩn luôn luôn day dứt về sự bế tắc và bất lực của nền sản xuất quy mô nhỏ. Ông muốn tìm giải pháp để công nghiệp có thể phục vụ nông nghiệp tốt hơn. Trần Phương đã đặt ra với Lê Duẩn một số bài toán bất khả giải đáp: Phải làm một hệ thống đường sá, một hệ thống điện thoại, những trường học, những bệnh xá, những trại giống, những trạm kiểm nghiệm thực vật, những trại chăn nuôi trong cái công xã đó. Nếu không thì sẽ phá sản như bên nước bạn. Hơn thế nữa, nếu quy mô tới hàng huyện thì ông chủ nhiệm hay chủ tịch của các công xã đó không thể đi bộ thăm các đội sản xuất như trong các hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay, mà phải sắm cho anh ta một chiếc ô tô, kèm theo nó là một người lái xe, ga-ra, trạm sửa chữa, xăng dầu… Tất cả những yêu cầu và hàng trăm thứ khác nữa đều ngoài tầm khả thi của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư trầm ngâm. Buổi gặp đó là buổi duy nhất và cũng là buổi cuối cùng của chương trình nghị sự về công xã nhân dân.

Về “việc đời”, tức những đóng góp cho đời sống kinh tế, thì có thể ghi nhận rằng Trần Phương đã có một số tác động tích cực cho những chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là trong những bước khởi đầu gian nan nhất.   

Nếu ví công cuộc chuyển đổi kinh tế của Việt Nam như việc phá một căn nhà cũ để xây một ngôi nhà mới, thì trong sự nghiệp lớn lao này, Trần Phương có đóng góp nhiều viên gạch (và trước đó nữa thì khá nhiều nhát búa). Những việc đó đến nay không mấy người biết rõ. Vì thế không phải không có những cách nghĩ chưa trọn vẹn về ông. Nhưng nhìn nhận về sự nghiệp tham chính của ông không phải là việc của bài này. Đó sẽ là chuyện của những cuốn sử.

Một trong những đóng góp lớn đó là giải tỏa cho nông dân khỏi cái “ách” của chế độ giá thu mua nông sản. Câu chuyện này thì có thể viết thành cả một “thiên sử”, ở đây tôi chỉ xin kể vắn tắt thôi. Từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, bắt đầu có chế độ nghĩa vụ bán nông sản cho Nhà nước, coi là điều đương nhiên trong chủ nghĩa xã hội. Nhất là trong hoàn cảnh có chiến tranh thì nghĩa vụ đó còn là một nhiệm vụ chính trị, một biểu hiện của lòng yêu nước. Là những người mác xít, những người cộng sản, lúc đó không ai thắc mắc về chuyện này. Vấn đề là nghĩa vụ như thế nào, thì có hai quan điểm. Một bên, mà đại diện là Ủy ban Vật giá Nhà nước, cho rằng giá mua nông sản do họ tính đã đảm bảo có lãi cho nông dân rồi. Công thức tính của họ thì không sai, khó bắt bẻ lắm. Nhưng tại sao nông dân vẫn kêu, đến nỗi có nơi không ai muốn gặt lúa nữa? Trần Phương quyết định cho Viện Kinh tế học tiến hành nghiên cứu độc lập về vấn đề này, giao cho ông Nguyễn Duy Kỷ nghiên cứu giá thóc, ông Lê Đức Tính nghiên cứu giá lợn. Đi vào thực tế của nhiều cơ sở, các nhà nghiên cứu của Viện phát hiện ra rằng: hóa ra cách tính của Ủy ban Vật giá Nhà nước là sai, vì chỉ dựa trên những giả định về những giá đầu vào thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Với giá mua đó, nông dân không thể tái sản xuất được. Những bài nghiên cứu của Viện Kinh tế học đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Sau đó trên tạp chí Học tập có những bài phê phán lại, nhân danh đường lối chính sách của Đảng để phản bác quan điểm giá cả của Viện Kinh tế học. Như vậy thì phải “xuất tướng”. Không còn là sự tranh luận về học thuật nữa, mà là sự đối đầu giữa lãnh đạo Viện Kinh tế học và lãnh đạo Ủy ban Vật giá Nhà nước. Cả hai bên đều phải giải trình trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Chính phủ về những cách tính toán của mình. Phải nói rằng đối với Trần Phương thì đây là một sự lựa chọn vừa có lương tri, vừa dũng cảm, vì vào thời kỳ đó, đụng đến hệ thống giá là húc đầu vào một tảng “bê tông” kiên cố, có thể bị chụp cho vô khối thứ “mũ” oan khiên. Viện trưởng Viện Kinh tế học đã vạch rõ những cái sai của Ủy ban Vật giá Nhà nước trước Bộ Chính trị. Trần Phương kể lại: “Khi mình trình bày, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều ngồi im nghe, không ai nói một câu, dường như quả bom mình cho nổ quá bất ngờ! Riêng ông Trường Chinh thì nhìn mình, mỉm cười.”

Phải đến năm 1979, giá thu mua lúa mới được điều chỉnh từ 53 xu lên 2,5 đồng một kilogram, tức gấp 5 lần.

Còn đối với chế độ thu mua nghĩa vụ về thịt lợn, định mức mỗi lao động nông nghiệp phải bán cho Nhà nước 8 kg/người/năm, theo giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Khổ nhất là những hộ nông dân không nuôi lợn. Khoảng 20% số hộ nông dân thuộc loại đó. Họ phải mua lợn của hàng xóm theo giá thị trường, để bán cho Nhà nước theo giá nghĩa vụ! Trần Phương lúc đó đã có lần dám gọi nghĩa vụ bán lợn cho Nhà nước là một thứ “cống vật” – một khái niệm của thời phong kiến. Ông đã nhiều lần phản ánh với Tổng Bí thư, và Tổng Bí thư đã phê phán Chính phủ gay gắt. Nhưng sự cải thiện chỉ diễn ra rất dè dặt. Nguyên nhân vì Bộ Tài chính không sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn cho việc nâng giá thu mua lợn. Nhờ việc điều chỉnh giá thóc mà giá lợn được nâng lên tương ứng, theo tỷ lệ 1 kg lợn bằng 7 kg thóc. Chỉ khi Trần Phương được cử giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách phân phối lưu thông năm 1982, ông mới đặt ra trước Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng kiến nghị bãi bỏ nghĩa vụ thịt lợn đối với nông dân.

Chỉ với riêng hai việc “tày đình” đó cũng đáng ghi nhận rằng Trần Phương có công lao lớn đối với nông dân, mặc dầu sau này chẳng có người nông dân nào biết được rằng đã có những ai “cởi trói” cho họ (chữ “cởi trói” là danh từ được dùng chính thức trong văn kiện của Hội nghị trung ương 6, khóa IV, tháng 9 năm 1979).

Năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Trần Phương trúng cử Ban Chấp hành Trung ương. Đến năm 1977, Trần Phương được điều ra khỏi “nghề” nghiên cứu khoa học kinh tế để đi vào điều hành kinh tế. Trước hết, ông được cử giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội thương. Vào năm 1979, ông chuyển sang làm Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ở đây, ông đã làm một việc tày đình nữa là dám cắt bỏ hàng mấy chục dự án đầu tư của các ngành và các địa phương, vì ông thấy đó là sự phân tán vốn đầu tư vào những việc không có hiệu quả, trong khi những lĩnh vực “nước sôi lửa bỏng” thì không có vốn. Ông muốn chấm dứt tình trạng đã kéo dài nhiều thập kỷ: cái gì cũng muốn làm một tý, rút cục không có gì đến nơi đến chốn cả.

Đến năm 1981, ông được tái cử làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Ở đây ông đã thực thi nhiều tư tưởng kinh tế mà ông nung nấu từ thời ở Viện Kinh tế học. Trong đó có một việc “tày đình” nữa là dẹp bỏ các cửa hàng cung cấp đặc biệt ở Nhà Thờ, Tôn Đản, Vân Hồ, Đặng Dung, điều mà cũng phải dũng cảm lắm mới dám làm. Nhậm chức Bộ trưởng chưa đầy một tháng, ông đã trình Bộ Chính trị một bản kiến nghị nổi tiếng: “Kiến nghị về cải tiến quản lý thương nghiệp”. Trong đó ông vạch rõ: Với cơ chế “mua như cướp, bán như cho” hiện hành thì ngành thương nghiệp hoàn toàn bị tê liệt. Để cởi trói cho ngành thương nghiệp, ông kiến nghị: bãi bỏ chế độ tem phiếu, bãi bỏ hệ thống giá cung cấp và hệ thống giá thu mua, cho phép ngành thương nghiệp mua theo giá thỏa thuận, bán theo giá tự do. Thời đó thì bản kiến nghị này là “phát súng thần công” bắn vào cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mở đường cho cơ chế thị trường. Nó gây ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Cuối cùng, nó chỉ được chấp nhận một cách dè dặt: chế độ cung cấp bị thu hẹp một phần, ngành thương nghiệp có thêm một số quyền tự do hành động. Phải 5 năm sau, khi ông giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách phân phối lưu thông thì bản kiến nghị của ông mới giành được sự đồng tình ủng hộ của các bộ có liên quan, dẫn tới cuộc cải cách giá và lương năm 1985. Kết quả là: hệ thống giá được tự do hóa, tiền lương được tiền tệ hóa, mọi hoạt động mua và bán đều theo giá thị trường. Nhưng cuộc cải cách đã dẫn đến một đợt lạm phát phi mã và vì thế, ông được miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng, trở lại làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, phụ trách Viện Kế hoạch dài hạn và Phân bố lực lượng sản xuất cho đến khi nghỉ hưu..

Khi Trần Phương thôi giữ chức Phó Thủ tướng sau cuộc tổng điều chỉnh giá năm 1985, tôi có viết và cho đăng một bài về số phận và con đường của Vương An Thạch, một nhà cải cách lớn của Trung Quốc thời nhà Tống. Tôi muốn nhân đó thử cùng nhau suy ngẫm về thân phận của những nhà cải cách nói chung: đã dấn thân đi đầu trong một cuộc chuyển đổi lớn, thì chuyện nửa đường đứt gánh là thường tình. Rồi cái gánh đó sẽ được người sau gánh tiếp vào lịch sử. Sau khi đăng, tôi có đưa cho Trần Phương xem. Đọc xong, ông trầm tư và nói ngắn gọn: “Ừ, nó như thế đấy cậu ạ! Nhưng đem so cái thiệt của một cá nhân với cái được của cả xã hội thì chẳng có gì đáng tiếc!“.

Tôi vẫn nhớ, có lần, vào khoảng 1983-1984, ngay từ khi ở đỉnh cao của quyền lực, Trần Phương đã nói với tôi: “Kể ra làm Phó Thủ tướng vài năm để thi thố những tài năng của mình cũng là điều thú vị chứ cậu? Sau đó tớ sẽ trở về làm nghề gõ đầu trẻ. Đó cũng là một trong những nghề tớ thích nhất trên đời”. Điều ông nói hôm đó sau này đã trở thành lời tiên tri.

Thực tế thì ông đã bắt đầu sự nghiệp đào tạo cán bộ (mà nay gọi là “đào tạo nguồn nhân lực”) ngay từ buổi đầu đảm nhiệm chức năng lãnh đạo Viện Kinh tế học – một trong những viện được thành lập đầu tiên trong Ủy ban Khoa học Nhà nước những năm đầu 1960, khi mà đất nước vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp và bước vào khôi phục và phát triển kinh tế.

Nền kinh tế cũng như các cơ quan quản lý và nghiên cứu kinh tế thời đó là những nơi “chiêu hiền đãi sĩ”. Bất cứ ai có khả năng nghiên cứu đều được Viện trưởng “vời”. Nhưng như ông nói sau này, ông đã vời về đó hơn 400 con người, rồi lại phải ký quyết định chuyển công tác cho khoảng trên 300 vị. Tại sao vậy? Hầu hết những cán bộ nghiên cứu đều không từ một nguồn đào tạo đầy đủ nào cả, mà lấy ngang lấy tắt: một số từ trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, một số từ các ban nghiên cứu của Phủ Thủ tướng, một số từ các cơ quan tham mưu của quân đội, một số từ các bộ, các ty, sở… Những người này đã mất phần lớn thời gian cho cuộc cách mạng và kháng chiến. Tri thức nghiên cứu không đủ, cái đà nghiên cứu khoa học cũng không có, nên hiệu quả nghiên cứu rất hạn chế. Thực tế đó làm nảy sinh trong đầu Viện trưởng Trần Phương một ý tưởng: Phải đào tạo những nhà kinh tế. Ông đã từng mở một lớp bồi dưỡng cho các cán bộ đầu đàn của Viện Kinh tế học, do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Nhưng thế hệ này còn làm việc được bao lâu nữa? Về lâu dài, phải bắt đầu đào tạo lớp trẻ, tức là tuyển những học sinh tốt nghiệp phổ thông để đào tạo chính quy. Muốn thế, phải mở ra ở bậc đại học một khoa chuyên về Lý luận kinh tế. Khoa đó không thể để trong Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là nơi có mục tiêu đào tạo cán bộ thực hành. Thế là Khoa Kinh tế Chính trị thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập vào tháng 11-1974 với nhiệm vụ là đào tạo cán bộ kinh tế chính trị có khả năng phân tích, hoạch định chính sách, khả năng nghiên cứu kinh tế chính trị. Trần Phương là người sáng lập và cũng là Chủ nhiệm khoa đầu tiên.

Thầy Trần Phương đã huy động hầu hết cán bộ của Viện Kinh tế sang làm cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý, thậm chí cả cán bộ hành chính cho khoa này. Hệ thống thư viện, phòng tư liệu của Viện Kinh tế cũng được ông giao nhiệm vụ phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy của khoa.

Khi khoa mới được thành lập, Trần Phương đã dành thời gian trực tiếp lên lớp giảng bài và báo cáo ngoại khóa cho sinh viên. Những ai đã được nghe ông giảng bài, hoặc nghe ông nói chuyện đều có ấn tượng rất sâu sắc về kiến thức uyên thâm, về phương pháp dạy, hình thành ở người học bản lĩnh, phương pháp tư duy và đặc biệt là niềm say mê khám phá khoa học.

Trần Phương rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, bởi chính ông là một nhà nghiên cứu. Trong 4 năm học, sinh viên Khoa Kinh tế được 3 lần đi thực tập để khảo sát thực tế và viết báo cáo khoa học. Trần Phương đã nhiều lần trực tiếp đưa sinh viên xuống địa bàn thực tập, trực tiếp đọc, góp ý cho các luận văn. Về viết, ông rất nghiêm khắc và đòi hỏi cao. Ông đặc biệt chú trọng đến tính độc lập, sự sắc sảo và cả những gai góc trong nghiên cứu. Nhờ vậy, sinh viên của ông trưởng thành nhanh về năng lực và bản lĩnh nghiên cứu khoa học.

Nhưng Trần Phương chỉ trực tiếp làm Chủ nhiệm Khoa trong 4 năm (1974-1978). Vào những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ XX, việc “truyền đạo” chỉ là một phần trong các hoạt động của ông. Việc đời còn ngổn ngang bao cuốn hút: nhiều vấn đề đại sự của quốc gia đang đòi hỏi ông phải tham gia giải quyết. Sau khi đã thành lập Khoa Kinh tế và vực nó cho có đà, ông đã trao chức Chủ nhiệm khoa cho một Viện trưởng mới lên thay ông, để ông rảnh tay lo “việc đời”.

Khi về nghỉ hưu ở tuổi 65, ông bắt tay vào thực hiện mơ ước “làm nghề gõ đầu trẻ”. Và khác với cái mơ ước viết văn 40 năm trước, lần này ông đã toại nguyện. Từ năm 1996, ông đứng ra thành lập trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Đây cũng là một trong những nơi quy tụ nhiều nhân tài nhất trong lĩnh vực kinh tế của đất nước: hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, trong đó có một chục vị đã từng giữ chức Bộ trưởng, Thứ trưởng, đã về đây làm việc cùng ông, đào tạo nên hàng chục nghìn trí thức trẻ cho đất nước.

Có câu hát quan họ “Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình“. Ông quả là đã thôi quyền lực, thôi khả năng ban phát chức tước và lợi ích cho người khác rồi. Nhưng nhân tài vẫn về với ông. Những người đồng sự cũ vẫn không để ông “một mình”. Hẳn là trong thời gian ông cầm quyền, từ Viện trưởng Viện Kinh tế học cho tới Phó Thủ tướng, ông đã để lại những dấu ấn và những cảm tình không phai mờ nơi những người quanh ông. Bởi lẽ đó, và có lẽ cũng chỉ bởi lẽ đó thôi, mà đến khi cả quyền, cả chức đã hết, thì tình nghĩa vẫn đầy. Hóa ra ông vẫn còn “duyên”.

Cuối cùng tôi cũng xin bày tỏ tình cảm và kỷ niệm riêng với ông.

Lần đầu tiên tôi gặp con người này vào tháng 9 năm 1960. Khi đó tôi mới 21 tuổi. Vừa tốt nghiệp Khoa Sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi lại được phân công về Viện Kinh tế học. Khi đó Trần Phương là Phó Viện trưởng. Ngay từ những ngày đầu, ông đã gây cho tôi nhiều ngạc nhiên.

Thứ nhất, ông có những cách giải thích về các vấn đề khoa học rất độc đáo, rất độc lập. Có khá nhiều vấn đề mà người ta đã nói đi nói lại mãi rồi theo lối mòn thời đó, thì khi ông đặt lại vấn đề, thấy nó khác hẳn đi. Thí dụ: thời đó cả nước đang xưng tụng một cuốn sách do một bậc cao đạo viết về lịch sử. Trong đó, lịch sử Việt Nam được trình bày 90% là đánh giặc và chiến thắng. Trần Phương nói: “Không có lịch sử nước nào mà chỉ có toàn chuyện đánh nhau. Người Việt Nam sống bằng cách nào để đánh giặc? Điều đó thì ở đây chẳng thấy nói gì cả. Thế chưa phải là sử”. Vào lúc đó, nhìn nhận như thế là táo bạo lắm. Là một cậu bé con, tôi đi từ ngạc nhiên đến kính nể. Một lần khác, ông lại nói về chế độ thực dân Pháp. Xu hướng chung của thời đó là cứ một chiều đả kích chế độ bóc lột của bọn “Tây”. Ông nói: “Để có thể bóc lột thì phải có cái gì để bóc lột đã chứ! Do đó, nnước nào cũng phải lo cho dân, lo cho xã hội. Pháp cũng thế. Đừng nên nói một chiều rằng nhà nước Pháp chỉ là nhà nước bóc lột. Cũng phải khách quan ghi nhận những gì nó đem lại chứ”. Cứ như thế, nhiều lần, tôi đã “nhiễm” cả cách suy nghĩ, cách lý giải, cách nhìn các vấn đề kinh tế, xã hội và cả cách nhìn cuộc đời.  

Thứ hai là cách diễn tả. Tôi thật khoái những buổi Trần Phương bình văn của người khác. Tôi chưa thấy ai “thô bạo” như ông khi bình văn. Cái con người mà trong đời thường rất vui tính, hay bông đùa và rất hóm hỉnh ấy, lại rất hay nổi cáu khi đọc phải thứ văn luộm thuộm, lủng củng, tối nghĩa. Người ta thường nói trong nghề bình văn có chuyện “văn mình, vợ người”. Trần Phương thì khác. Quả là văn ông “đẹp” thật, nên ông có quyền khắt khe với “vợ người”. Ông luôn viết bằng một thứ chữ nắn nót và rất rõ ràng (chữ viết của ông cũng giống như tính cách của ông). Khi nói cũng như khi viết, ông có một thứ văn trong sáng, bóng bẩy, trí tuệ và rất quyến rũ, dù là về những vấn đề khô khan nhất.

Thứ ba, Trần Phương có một đức tính, và cũng là một biệt tài, đó là khả năng tổng hợp các sự kiện và phát hiện vấn đề rất sắc sảo. Để có được khả năng đó, trước hết phải có một trí nhớ rất tốt. Về trí nhớ của Trần Phương, có một chuyện làm tôi kinh ngạc. Đó là khi ông mới về nhậm chức ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN). Có một đồng nghiệp trong hàng ngũ lãnh đạo lâu năm của UBKHNN, nổi tiếng là thông minh và có trí nhớ tốt, khi thấy anh lính mới về mà đã ngồi ở cương vị lãnh đạo, đã nhắc khéo: “Ai về UBKHNN này thì ít nhất cũng cần phải độ dăm năm mới thuộc nổi những số liệu tối thiểu, sau đó mới làm được kế hoạch”. Quả là ở cái trung tâm tổng hợp tối cao này, muốn điều hành nó thì phải thuộc hàng nhiều nghìn con số, phải nhớ từng vùng đất, từng loại cây, từng bến cảng, từng con sông, từng chỉ tiêu và từng định mức kinh tế – kỹ thuật của hàng ngàn, hàng vạn thứ sản phẩm. Vậy mà chân ướt chân ráo sang UBKHNN, chỉ ba tháng sau, Trần Phương đã thuộc tất cả những con số cần thiết để trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm. Ông đã đủ tự tin để có thể ngồi điều hành các cuộc họp với các bộ trưởng kỳ cựu, bắt bẻ họ về từng con tính, chẳng hạn một loại vải nào đó có bao nhiêu sợi trên 1 cm2, một loại giấy nào đó là bao nhiêu gam trên một cm2, một con tàu nào đó thì cần một lòng lạch sâu bao nhiêu, một viên than chạy đầu máy xe lửa phải dùng loại than gì, phải pha chất kết dính gì, mua ở đâu, một kilomet tàu chạy tốn bao nhiêu than,…, tóm lại là “trăm thứ bà giằn”. Đáng sợ nhất là đối diện với những cuộc chất vấn của Tổng Bí thư. Những người cùng dự nhiều khi “xanh mắt” trước những cơn thịnh nộ của Tổng Bí thư, nhưng thấy Trần Phương cứ thản nhiên nghe, rồi trả lời rành rọt từng điểm, giải trình từng chi tiết, đôi khi bác bẻ từng ý kiến kiện cáo, trên cơ sở những con số, những chỉ tiêu, những tính toán mà khó ai bài bác nổi. Tất nhiên thuộc làu con số chỉ là một điều kiện. Cái quan trọng hơn nữa là phải có khả năng phát hiện ra trong cái rừng bạt ngàn những con số đó, cái gì là quan trọng, cái gì là chính yếu, cái gì là thiếu sót, cái gì là vô lý trong một chiến lược, một sách lược hay một dự án kinh tế. Về điều đó thì hầu như ai đã làm việc với ông, dù yêu hay ghét, cũng đều cảm phục cái biệt tài ấy. Tôi chỉ là một trong số đó (mặc dầu nếu tôi là ông thì tôi chọn con đường khác – ngồi viết sách – như tôi đã và đang làm; và với tài năng như của ông thì chắc ông sẽ có nhiều cuốn sách để đời).

 Có một tình tiết nhỏ, nhưng lại là một sự tình cờ lớn của đời tôi: Thời đó ra trường thì Nhà nước bố trí về đâu là sinh viên phải về đó, không có quyền lựa chọn. Tôi đang ham mê làm khảo cổ. Cái ham mê này cũng là nhiễm từ một người thầy khác: Nhà khảo cổ nổi tiếng thế giới lúc đó là Boriskovsky đã giảng cho chúng tôi một số buổi trong trường đại học. Tôi mê luôn, và quyết định đi theo hướng ấy. Khi tốt nghiệp, được nghe tin về Viện Kinh tế học, tôi buồn thiu. Những ngày đầu, tôi nhiều lần nói với Trần Phương cho tôi chuyển công tác để đi làm khảo cổ. Ông không nài ép, mà chỉ nhẹ nhàng nói: “Cậu cứ làm ở đây một thời gian đã, trước mắt cứ đọc sách đi. Biết đâu rồi cũng như tớ, cậu sẽ thấy kinh tế học cũng thú vị chẳng kém gì môn khảo cổ học của cậu!”. Sau một thời gian thì tôi mê ông Viện trưởng Viện Kinh tế còn hơn cả ông giáo sư khảo cổ học. Và tôi ở lại Viện Kinh tế học cho đến bây giờ.

Thế là trên đường đi tìm khảo cổ học, tôi đã trở thành nhà kinh tế học, chẳng qua là do đã “vấp” phải cái con người “định mệnh” ấy!

Hà Nội, ngày 14 tháng tư năm 2003