Bàn về “điểm sàn” trong tuyển sinh đại học

Để tuyển chọn được những học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông vào loại khá nhất để đào tạo tiếp lên trình độ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thống nhất trên phạm vi cả nước và ấn định “điểm sàn” cho mỗi kỳ thi tuyển sinh. Vài năm lại đây, Bộ dự định bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông làm căn cứ để tuyển chọn học sinh vào Đại học (Nhân dân gọi tắt là “3 chung”: chung đợt thi, chung đề thi và dùng chung kết quả để xét tuyển). 

Chừng nào còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học thống nhất trên phạm vi cả nước thì điểm sàn vẫn được xem là tiêu chuẩn tuyển chọn. Cái lợi của điểm sàn là rõ ràng:

– Tuyển chọn được lớp học sinh khá nhất trong số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông để đào tạo tiếp lên trình độ Đại học.

– Trong điều kiện số lượng các trường Đại học của nước ta còn ít, chỉ đủ sức tiếp nhận khoảng 15% trong tổng số học sinh có nguyện vọng học tiếp lên Đại học thì điểm sàn là hình thức tuyển chọn dễ được chấp nhận, xét theo lẽ công bằng.

Tuy nhiên, điểm sàn cũng có những điều bất lợi và bất hợp lý:

  1. Môi trường và điều kiện học tập của thanh thiếu niên nước ta có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng miền

Muốn đến trường, học sinh miền núi phải trèo đèo lội suối, học sinh vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long phải chèo xuồng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của họ. Xét theo cùng một điểm sàn thì tỷ lệ trúng tuyển vào đại học của học sinh các vùng này thấp hơn rất nhiều so với vùng khác, nhất là so với các vùng đô thị. Như vậy, điều tưởng như là bình đẳng (mọi người đều được tuyển chọn theo một tiêu chuẩn duy nhất – điểm sàn) lại bao hàm trong nó sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển: bất bình đẳng giữa các vùng miền, bất bình đẳng giữa dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số. Cái bất hợp lý lớn nhất của điểm sàn là ở chỗ này. Nó làm hạn chế khả năng học lên đại học của thanh niên các dân tộc thiểu số, của thanh niên các vùng miền núi suốt dải chiều dài đất nước, của thanh niên vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

  1. Dù đã được tuyển chọn theo cùng một điểm sàn ở đầu vào, sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học (đầu ra) vẫn phân ra rất nhiều hạng

100 sinh viên tốt nghiệp từ cùng một trường có thể xếp vào 10 bậc thang khác nhau. Nếu so sánh sinh viên tốt nghiệp từ nhiều trường khác nhau thì sự chênh lệch càng lớn. Sự phân tầng về trình độ của sinh viên và sự phân tầng về chất lượng đào tạo của các trường đại học là một sự thật hiển nhiên, không những ở nước ta mà ở tất cả các nước trên thế giới. Nước Mỹ có trên 4.000 trường đại học, nhưng chỉ có 10 trường, 100 trường và 500 trường là được xếp vào hạng chất lượng cao hoặc tương đối cao. Ở Mỹ, sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học này có thể nhận mức lương cao gấp rưỡi, gấp đôi so với sinh viên tốt nghiệp từ một trường đại học khác.

Sự phân tầng trong sinh viên và trong các trường đại học chẳng những không mâu thuẫn mà còn phù hợp với sự phân tầng của thị trường lao động xã hội. Sinh viên đạt trình độ cao thì được sử dụng vào loại công việc đòi hỏi trình độ cao, sinh viên đạt trình độ thấp thì được sử dụng vào loại công việc đòi hỏi trình độ thấp.

Một khi đã thừa nhận thực tế nêu trên thì tại sao lại không chấp nhận sự phân tầng các trường đại học theo vùng miền? Tại sao cứ nhất định phải áp đặt một điểm sàn thống nhất cho tất cả các vùng miền?

  1. Xét về vai trò, vị trí xã hội và sự cống hiến cho đất nước của một sinh viên tốt nghiệp đại học thì một sinh viên người dân tộc Tây Nguyên, một sinh viên xuất thân từ nông thôn đồng bằng sông Cửu Long có đầu vào thấp nhất, thậm chí thấp hơn cả điểm sàn, chưa hẳn sẽ có vai trò thấp hơn các sinh viên giỏi ở các vùng khác, bởi lẽ không ai thay thế được họ trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa xã hội ở chính quê hương họ.

So sánh những cái lợi của điểm sàn với những điều bất lợi của nó, tôi cho rằng “lợi bất cập hại”. Những khuyến nghị sau đây xuất phát từ những nhận định đó.

Khuyến nghị:

  1. Trước mắt, trong điều kiện còn tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung”, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các trường đại học (và cao đẳng) ở các vùng miền có điều kiện học tập kém thuận lợi được tuyển sinh theo những điểm sàn riêng, thấp hơn điểm sàn chung của cả nước. Những điểm sàn riêng này cần được tính toán sao cho những học sinh xuất thân từ các vùng miền này được tiếp nhận tối đa vào các trường đại học (và cao đẳng).
  2. Bộ nên sớm bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung”, chuyển sang việc tuyển sinh đại học dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, có thể kết hợp với việc thi tuyển về một số môn tại từng trường đại học. Điều này cũng có nghĩa là giao việc tuyển sinh cho các trường đại học (và cao đẳng). Mỗi trường sẽ căn cứ vào mục tiêu đào tạo của mình mà định ra các tiêu chuẩn xét tuyển và thi tuyển.

Không nên lấy việc chấn chỉnh các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông làm điều kiện cho việc bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học. Không có chuẩn nào để đánh giá rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức tốt hoặc chưa tốt. Đã chấp nhận sự phân tầng các trường đại học thì cũng phải chấp nhận đầu vào của các trường có độ chênh nhất định. Vả chăng, đầu vào không phải là yếu tố quyết định tất cả. Kiểm soát chặt đầu ra mới là yếu tố quyết định nhất đối với chất lượng đào tạo.

  1. Khi đã giao việc tuyển sinh cho các trường, Bộ cần tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo sự công minh, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh.
  2. Bộ nên sớm bãi bỏ việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngoài công lập, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh hệ B cho các trường công lập. Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ nên giới hạn trong phạm vi số sinh viên được ngân sách Nhà nước trợ cấp./.