Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Hôm nay, Hiệp hội bàn về trường đại học ngoài công lập. Nhưng trường đại học ngoài công lập phải đặt trong giáo dục đại học nói chung. Giải quyết vấn đề ngoài công lập không tách rời được công lập. Vì vậy, tôi xin nói mấy điều về giáo dục đại học chung với sự nghiệp công nghiệp hóa.

Ai cũng hiểu phát triển giáo dục đại học là để công nghiệp hóa (CNH), nếu không có nhân lực trình độ đại học thì làm gì có công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Trong khi đó thì chiến lược phát triển đất nước đề ra đến năm 2020 phải đạt mức cơ bản CNH. Vậy hiện giờ đội ngũ để chúng ta làm CNH đã đến đâu? Tôi không có con số nhưng rõ ràng là èo uột quá, tất cả những doanh nghiệp nước ngoài cần tuyển kỹ sư thì đều thiếu.

Trường tôi, Tập đoàn Canon, Tập đoàn Hồng Hải tới tìm người, nhưng tôi có bao nhiêu kỹ sư mà giao cho họ? Sinh viên hướng vào ngành kỹ thuật quá ít. Đây là một nguy cơ đối với đất nước.

Nếu như mỗi năm sinh viên thi vào ngành kỹ thuật – công nghệ chỉ đạt khoảng 4-5% thì hỏi lấy nhân lực đâu mà CNH? Nhìn vào các nước ngay cạnh ta như Đài Loan và Hàn Quốc (những nước CNH mới) thì trình độ của họ thế nào? Đài Loan có 160 trường đại học, trong khi họ chỉ có 20 triệu dân. Trường của họ là trường ra trường chứ không như trường của ta. Ở ta có nhiều trường chưa ra trường.

Nếu như Đài Loan có 160 trường cách đây 30 năm, cho tới bây giờ vẫn giữ 160 trường. Ta vẫn nói năm 2020 sẽ cơ bản công nghiệp hóa, nhưng tôi nghĩ, năm 2050 cũng chưa chắc bằng được Đài Loan. Lúc đó chúng ta có khoảng 100 triệu dân, nếu so số dân với số trường ở Đài Loan (có 160 trường/20 triệu dân) thì Việt Nam với số dân gấp 5 lần, số trường đại học cũng phải gấp 5 lần, tức là Việt Nam phải có 800 trường, mà trường phải ra trường. Tôi cho rằng hiện nay nửa số trường của chúng ta, kể cả công lập, cũng chưa ra trường: một vài nghìn sinh viên, một vài trăm giáo viên lèo tèo, làm sao đã thành trường?

Vậy mà ta đã hét toáng lên là nhiều trường quá! Hiện nay chúng ta mới chỉ có 400 trường mà Bộ đã cho rằng nhiều rồi, phải “siết lại”. Cách đây gần 10 năm chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều cơ quan xác định tiến độ phấn đấu tới năm 2020 đạt mức 400 sinh viên trên 1 vạn dân, trong đó có 40% sinh viên học ở trường ngoài công lập. Tôi đề nghị Hiệp hội kiểm điểm xem tại sao tới bây giờ chúng ta chưa đạt? Hình như giờ chúng ta mới có 200 sinh viên trên 1 vạn dân. Trong khi đó, các nước xung quanh, như Thái Lan 500 sinh viên trên 1 vạn dân, Hàn Quốc 700 sinh viên trên 1 vạn dân. Như thế họ mới tiến lên CNH được. Còn mình thì lẹt đẹt như thế này, bò tới bao giờ mới tiến lên được? Lấy đâu ra nhân lực để công nghiệp hóa?

Nếu tính tỉ lệ dân số có từ 13 năm học trở lên, thì Việt Nam chỉ có 2%, Thái Lan 12%, Đài Loan 26%. Như thế, dân trí của ta còn thua cả Thái Lan. Nếu lấy tỉ lệ thanh niên ở độ tuổi 20-24 được học đại học thì Việt Nam chỉ có 10%, Thái Lan có tới 41%, tức là gấp 4 lần Việt Nam, con số của Hàn Quốc là 89%. Con số của tôi đưa ra đây có thể là lạc hậu, vì cách đây mấy năm rồi. Như vậy, tỉ lệ học đại học của Hàn Quốc khoảng 90% thanh niên 20-24 tuổi. Thế mà chúng ta đã kêu toáng lên là quá nhiều trường, phải “siết lại”!

Tôi cho suy nghĩ đó là sai. Tôi đề nghị Hiệp hội cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra lại xem chúng ta đã có bao nhiêu sinh viên tính trên 1 vạn dân. Số sinh viên ngoài công lập đã đạt được bao nhiêu? Tôi không có con số nhưng qua Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân báo cáo mới chỉ có hơn 10%. Sao lại có con số thảm hại tới vậy? Tôi đề nghị kiểm điểm xem ai chịu trách nhiệm vấn đề này. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm tới đâu, Hiệp hội chịu trách nhiệm tới đâu?

Có một khuynh hướng rất rõ của các chính quyền địa phương, các cấp ủy địa phương là vị nào cũng muốn tỉnh mình có một trường đại học. Vậy là mở tung ra. Bộ cứ phải tiếp nhận. Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh đề nghị thì Bộ gạt đi à? Thế là cho thành lập ào ào. Nhưng xin hỏi rằng tỉnh có đủ trình độ để xây dựng trường đại học không? Tôi cho rằng phần lớn các tỉnh không có đủ trình độ. Vì sao? Thống kê những người tốt nghiệp đại học và những người tốt nghiệp thạc sĩ trở lên thì Hà Nội chiếm xấp xỉ 40%, TP. HCM chiếm 25%, 60 tỉnh chiếm phần còn lại, như thế thì làm gì có thầy giáo?

Tôi thấy nhiều tỉnh mở trường đại học ra rất khốn khổ tìm thầy giáo. Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) có gặp tôi. Sau khi nghe ông ấy trình bày, tôi thấy trường mới mở ra mà thành lập tới 20 ngành học, có cả ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Hải sản, Chăn nuôi. Tôi bảo trường mới mở, lấy đâu ra thầy giáo mà dạy nhiều thế? Ông đề nghị tôi cho mượn một số thầy giáo. Tôi đồng ý. Nhưng mấy ông đứng tên để “làm cảnh” thôi. Bộ cứ thấy tên trưởng khoa là Tiến sĩ thì cho phép nhưng mấy ông Tiến sĩ đó ngồi ở Hà Nội dạy trường tôi đã hết hơi rồi, làm sao có sức để đi 100 km về Nam Định được?

Gần đây trường Đại học Thành Đông ở Hải Dương cũng lên cầu cứu, xin trường tôi 50 học trò. Tôi bảo: năm nào trường tôi cũng tuyển được 5.000 sinh viên, lấy đi 50 sinh viên thì có đáng bao nhiêu? Nhưng ông phải thuyết phục sinh viên, chứ tôi không bảo sinh viên đi về trường ông được. Tốt nhất là thuyết phục ngay sinh viên người Hải Dương. Nhưng cuối cùng chẳng thuyết phục được ai, vì từ Hải Dương lên Hà Nội có 60 km, đến học ở một trường đào tạo đàng hoàng, ra đời còn có việc làm; chứ học ở trường tỉnh, đội ngũ giáo viên gần như chưa có gì, như thế thì sinh viên nào dám nghĩ rằng trường sẽ dạy họ thành tài được.

Rất nhiều tỉnh không đủ năng lực để mở một trường đại học. Bây giờ gần như tỉnh nào cũng có trường đại học, nhưng tôi nói thật, 10-20 năm nữa những tỉnh đó vẫn chưa hình thành được trường đại học, vì thiếu đội ngũ giáo viên, trong khi xây cơ sở vật chất thì tỉnh nào cũng thừa sức.

Chúng ta ham mở trường công lập theo kiểu như vậy thì toàn là hình thức. Đề nghị Bộ kiểm điểm xem mình có hình thức không, có chịu áp lực từ cấp tỉnh không?

Tôi cũng đề nghị xét lại trường công có đáng phải bao cấp 70% học phí không?

Hiện nay Nhà nước dành 20% ngân sách cho giáo dục là hết mức rồi, chỉ tới đó thôi. Vấn đề là chúng ta phải tiêu vào những việc gì? Nếu cứ dùng như hiện nay, theo tôi nghĩ, giáo dục nước ta không tiến lên được. Hai lần Đại hội Đảng (Đại hội X và XI), Bộ Chính trị có mời tôi phát biểu. Tôi nói rằng không có một nước nào mà bắt trẻ con tiểu học phải nộp học phí cả. Vậy mà ở ta, trẻ từ mầm non trở lên đã phải đóng học phí, như vậy là nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình. Thu thuế của dân thì ít nhất cũng phải bảo đảm cho trẻ con từ mẫu giáo tới tiểu học được đi học miễn phí.

Nếu tỉnh, thành phố nào phổ cập Trung học cơ sở thì hãy bảo đảm cho tất cả các trường Trung học cơ sở không phải nộp học phí. Với 20% ngân sách đó, chỉ dùng cho trẻ con để trẻ con không phải nộp học phí thì chúng ta còn bao nhiêu tiền?

Với số tiền còn lại đó, Nhà nước bỏ tiền ra để xây trường, lại phải bao cấp cho tất cả sinh viên trường công lập 70%. Với suất đầu tư cho mỗi sinh viên như thế, liệu có thể nâng cao chất lượng đào tạo được không? Nếu còn giữ bao cấp kiểu này thì thử hỏi giáo dục đại học Việt Nam tiến lên bằng cách gì?

Trong bản Báo cáo tóm tắt mà Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lên Trung ương có bày ra đủ thứ mục tiêu cao xa, nhưng mà tiền đâu? Nếu chỉ dựa vào 20% ngân sách mà không sửa cách chi tiêu thì tiến lên làm sao được?

Tôi cho rằng, một giải pháp quan trọng nhất là tất cả các trường công lập cũng đều phải yêu cầu phụ huynh đóng tiền chi phí đào tạo cho con em mình, trừ một số ngành đặc biệt. Các trường công lập không được bao cấp nữa, kể cả các Đại học Quốc gia cũng vậy. Đề nghị Trung ương kỳ này cần xem xét, chỉ cấp học bổng cho những sinh viên có vai trò quan trọng về nghiên cứu cho đất nước, hoặc những ngành đặc biệt quan trọng.

Tôi được biết nhiều trường thuộc ngành quốc phòng đào tạo cả những ngành kinh doanh, cả công nghệ thông tin, đủ thứ cho dân sự thì hà cớ gì lại lấy tiền từ ngân sách quốc phòng? Các trường quốc phòng đào tạo cả cho dân sự thì khác gì trường tôi? Tôi đề nghị, để cho giáo dục đại học tiến lên thì phải xã hội hóa ngay cả các trường công lập. Tất cả các trường công như Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương phải thu học phí như trường đại học ngoài công lập.

Cần xác định lại nội hàm của xã hội hóa. Xã hội hóa là gì? Xã hội hóa đâu phải chỉ là lập ra 80 trường ngoài công lập? Xã hội hóa trước tiên là phải áp dụng trong hệ thống trường công lập. Con em của dân muốn có được cái nghề thì cha mẹ phải trả chi phí đào tạo. Ai nghèo không có tiền thì Nhà nước có chính sách cho vay để đi học.

Việc xã hội hóa này cần gì phải đặt ra lộ trình? Nói lộ trình là muốn giữ lại cái cũ, không làm gì cả. Trường tôi thu học phí 9 triệu đồng/năm học nhưng sinh viên vẫn vào ào ào. Tôi cho rằng tư tưởng bao cấp còn quá nặng nề ở lãnh đạo nên không dám chuyển hướng. Vì thế, nếu cứ với 20% ngân sách cho giáo dục, mà không thực hiện xã hội hóa, thì giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng sẽ không phát triển được. Tôi nhắc lại, nếu lãnh đạo không chuyển hướng thì đại học không phát triển được.

Chúng ta định phấn đấu đến năm 2020 nước ta sẽ đạt được Công nghiệp hóa về cơ bản, trong khi đó thì Chiến lược phát triển giáo dục chỉ xác định đại học phát triển ở mức mấy phần trăm/năm. Nếu đại học chỉ phát triển mấy phần trăm/năm thì làm gì có công nghiệp hóa?

Ngoài việc xóa bao cấp đối với sinh viên trường công, thì phải phát triển mạnh trường ngoài công lập. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã đề ra mục tiêu đạt 400 sinh viên/vạn dân và 40% sinh viên học trong các trường ngoài công lập, nay không thấy được nhắc lại?

Lý gì Nhật Bản giàu có như thế mà 80% sinh viên học ở các trường đại học cao đẳng ngoài công lập? Vì ngân sách không thể đủ để bao cấp được. Tôi kiến nghị Hội nghị Trung ương lần này dứt khoát phải khẳng định rằng con đường xã hội hóa giáo dục đại học là con đường cơ bản. Phải áp dụng xã hội hóa ngay cả với đa số các trường công lập. Có như vậy, giáo dục đại học mới có thể phát triển.

Phần lớn trường đại học của chúng ta mới chỉ có một vài trăm giáo viên. Theo tôi, những trường đó chỉ là đang hình thành chứ chưa thực sự hình thành. Ít nhất phải sau 10-15 năm nữa mới thành trường.

Văn bản của Bộ ghi là “siết chặt số lượng để nâng cao chất lượng”, tôi cho điều đó là sai. Một trường đại học phải có 1 vạn sinh viên, và năm trăm giáo viên đủ các nghề mới dạy được. Phải có số lượng mới có được chất lượng, hai cái đó phải gắn bó với nhau.

Nếu chúng ta dừng lại ở 2 triệu sinh viên đại học thì sự nghiệp công nghiệp hóa của chúng ta sẽ như thế nào đây? Ai làm công nghiệp hóa?

Vấn đề lớn nhất là: chúng ta cần phát triển giáo dục đại học theo hướng “đại chúng” để công nghiệp hóa. Chúng ta phải làm gì cho giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, trong điều kiện ngân sách không thêm được?

Theo tôi, có hai giải pháp:

Một là, sinh viên tất cả các trường công đều phải nộp học phí. Nhà nước chỉ cấp học phí cho những ngành nghề mà Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn như đào tạo kỹ sư nguyên tử.

Hai là, phải mở thêm trường ngoài công lập. Hiện có 80 trường, còn quá ít!

Malaysia có 600 trường ngoài công lập. Hàn Quốc, Nhật Bản 80% sinh viên là ngoài công lập mà chất lượng đào tạo của họ vẫn tốt. Giáo dục đại học của họ vẫn phát triển, vẫn phục vụ tốt cho công nghiệp hóa. Ở ta, tại sao không?

Giảng viên trường ngoài công lập, họ là những ai? Toàn là những giáo sư đã bạc đầu dạy trường công lập, về hưu, còn sức khỏe vào làm ở trường ngoài công lập. Các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục khi về hưu, theo tôi nên mở trường ngoài công lập để cho dân tận dụng được trí tuệ của các vị.

Hệ thống các trường đại học cũng cần phải được sắp xếp lại. Tôi thấy hệ thống đại học còn lộn xộn. Ví dụ như Trường Đại học Kinh tế là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, vốn là Khoa Kinh tế chính trị mà tôi lập ra năm 1974, nay cũng đang đào tạo Quản lý kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán. Đại học Quốc gia có cần đào tạo những ngành ấy không? Đó là điều cần phải bàn.

Về phân tầng đại học, tôi đề nghị chia thành ba loại đại học:

Loại thứ nhất là đại học nghiên cứu, tuyển những người tinh hoa vào đào tạo. Hiện nay không phải tất cả các trường của Đại học Quốc gia là định hướng nghiên cứu cả. Nếu là đại học nghiên cứu, thì đầu tháng 7 tổ chức thi để tuyển chọn những lớp tinh hoa của thanh niên vào.

Loại hai là đại học ứng dụng như các trường đại học Thương mại, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,… Loại này gần như bao trùm 90% số sinh viên của cả nước. Tôi đề nghị loại này tuyển sinh đợt hai, vào cuối tháng 7, từng trường tự tuyển, không cần Bộ đứng ra tuyển.

Loại ba là trường địa phương gồm tất cả các trường của các tỉnh. Tôi đề nghị loại này không cần tuyển sinh, ai tốt nghiệp THPT muốn học thì đều có thể học. Việc gì phải điểm sàn, như vậy nhẹ đi bao nhiêu. Đâu có cần tới “ba chung”.

Xóa bao cấp đi sẽ tự khắc có sự bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Nếu còn bao cấp thì còn bất bình đẳng.

Tôi cũng đề nghị tất cả các trường ngoài công lập nên chuyển sang phi lợi nhuận, người góp vốn chỉ cần lấy lãi bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ (11%); không nên chia lợi nhuận. Tất cả những phức tạp, lủng củng của trường ngoài công lập thường khởi nguồn từ sự ăn chia.

Hiện có nhiều trường, chỉ có mấy cá nhân tham gia góp vốn. Ở những trường đó, các giáo sư trở thành người đi làm thuê. Do đó cần mở rộng số người góp vốn lên. 

Đề nghị sửa lại Quy chế trường đại học tư thục. Nếu quy định: “Biểu quyết theo vốn”, thì những vị giáo sư làm việc tại đây, sẽ bị gạt ra ngoài, còn vai trò, vị trí gì? Đây là điểm sai mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình để Thủ tướng ký.

Quy chế trường đại học tư thục quy định: “Trường đại học tư thục có Hội đồng Quản trị mà số lượng ủy viên không quá 11 người”. Thử hỏi: nếu không quá 11 người thì làm sao có đủ chỗ cho các nhà khoa học?

Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh là: Hội nghị Trung ương lần này hãy giải phóng các trường công lập khỏi sự bao cấp của Nhà nước về học phí, để thực sự xã hội hóa giáo dục Đại học, mở ra con đường rộng thênh thang cho giáo dục Đại học phát triển theo hướng “đại chúng hóa”. Đó là điều kiện tối cần thiết để thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.