Phần Thứ Nhất – VỀ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Bàn về dự thảo luật giáo dục đại học 

Thưa các đồng chí!

Tôi có xem Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ, tôi rất đồng ý cách đặt vấn đề như thế, tức là chúng ta phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện nền giáo dục của chúng ta trong đó có giáo dục đại học, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

Trong Tờ trình của đồng chí Bộ trưởng có nói rằng chúng ta phải quản lý theo pháp luật nhưng đồng thời phải thông thoáng, phải đề cao quy tắc tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tôi hoàn toàn đồng tình. Nhưng khi thể hiện vào Dự thảo Luật thì mờ nhạt. Vì thế tôi cho rằng nên tu chỉnh lại một cách cẩn thận hơn, nếu không nói là nên viết lại một số chương.

Trước tiên, tôi xin nói về mục đích của Luật này, đặt ra để làm gì? Chúng ta đã có Luật Giáo dục rồi, bây giờ nếu cần bổ sung một vài điểm thì cũng chỉ theo như cách làm việc lâu nay của Quốc hội là quyết định bổ sung một đôi điểm là được. Nhưng nếu như đã lập ra một cái Luật Giáo dục đại học, coi như là một phần cụ thể hóa hơn của Luật Giáo dục thì mục tiêu phải khác.

Ta thử nhìn xem nền giáo dục đại học của nước ta so với các nước khác thế nào? Ai cũng biết rằng chúng ta rất lạc hậu so với các nước khác, ngay cả những nước mà chúng ta chẳng coi trọng như Thái Lan chẳng hạn. Nếu thống kê số sinh viên trên một vạn dân thì Việt Nam chúng ta bây giờ mới đạt đến 200 sinh viên trên một vạn dân, trong khi Thái Lan là 374, Hàn Quốc là 670, còn những nước tiên tiến họ đã đào tạo đại học lâu rồi, như Nhật là 316, Úc là 500, Mỹ là 570, như vậy tức là dân mình được đi học đại học quá ít. So với Thái Lan chúng ta chỉ bằng một nửa họ thôi. Nếu thống kê tỉ lệ học đại học trong độ tuổi 20 đến 24, đấy là một cách thống kê khác, thì Việt Nam có 10%, Thái Lan là 41%, Trung Quốc là 15% (15% trên 1,3 tỷ dân là lớn lắm), còn Hàn Quốc là 89%. Vậy tỉ lệ dân được học đại học trong độ tuổi có thể học đại học, thì nước ta chỉ bằng ¼ so với Thái Lan.

Còn nếu thống kê theo kiểu tỷ lệ dân số có 13 năm học trở lên (qua 13 năm tức là có trình độ cao hơn trung học rồi) thì Việt Nam mới có 2%, trong khi Thái Lan là 15%, Trung Quốc là 5%, Đài Loan là 26%.

Như vậy tức là xét theo bất cứ tiêu chí nào thì giáo dục đại học ở Việt Nam ta vẫn thấp hơn các nước khác quá nhiều. Chỉ so với Thái Lan thôi, mà Thái Lan GDP bình quân đầu người của họ cao hơn ta khoảng 3 lần, thì giáo dục đại học của họ cũng nhiều hơn ta ít nhất là 2 lần, 4 lần, có khi là 7 lần. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta muốn phát triển đất nước thì giáo dục đại học còn phải vượt lên rất xa.

Theo tôi nghĩ, Luật Giáo dục đại học lần này phải lấy điều đó làm mục tiêu, tức là chúng ta phải tạo ra một bước bứt phá. Nói từ đó có thể là hơi quá. Tất nhiên bứt phá trong giáo dục không thể giống như bứt phá trong sản xuất, vì giáo dục là một quá trình tác động vào con người, phải có thời gian mới đạt được. Nhưng tôi xin tạm dùng cái khái niệm bứt phá. Chúng ta phải tạo ra một sự bứt phá cho ngành giáo dục đại học của nước ta thông qua cái luật này.

Bứt phá cái gì? Tôi nói trước tiên là về quy mô. Quy mô, nếu chỉ dựa vào đại học công lập thôi thì Nhà nước có đủ ngân sách không? Rõ ràng là ngân sách gần như đã đạt đến mức giới hạn rồi. Bây giờ chúng ta đã sử dụng đến 20% ngân sách cho giáo dục, mà có lần tôi phát biểu với Bộ Chính trị: phân bổ ngân sách cho giáo dục như thế này là sai lắm. Không có nước nào trên thế giới bắt trẻ con tiểu học phải nộp học phí cả. Ít nhất người ta cũng phải bảo đảm tiểu học trở xuống là được giáo dục bằng kinh phí của ngân sách. Nếu chúng ta chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì nhà nước phải dùng ngân sách mà bảo đảm điều kiện cho mọi học sinh từ trung học cơ sở trở xuống không phải nộp học phí. Nhà nước phải lập ra đủ trường, và phải trả lương cho giáo viên từ bậc trung học cơ sở trở xuống.

Nhưng bây giờ thực trạng của chúng ta là gì? Là tiểu học và trung học cơ sở cũng phải nộp học phí, thậm chí rất nặng. Tôi cho đó là sai. Nhưng, trong điều kiện ngân sách hạn chế mà đã bảo đảm cho bậc trung học cơ sở trở xuống không phải nộp học phí thì đối với các bậc học trên, không còn bao nhiêu tiền. Vậy giải quyết bằng cách gì? Theo tôi, những lớp như trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sinh viên chỉ học vài, ba năm là có lương rồi, có lương rồi thì có thể nộp học phí. Ai thiếu, Nhà nước cho vay. Chủ trương Nhà nước cho vay là rất đúng. Ngay như Mỹ, giàu như thế mà rất nhiều sinh viên cũng phải vay tiền để đi học, sau khi ra trường thì trả dần. Phát triển giáo dục đại học mà bằng ngân sách nhà nước, theo tôi, là hạn chế, không cao đâu.

Vậy biện pháp là gì? Là phải xã hội hóa, không có cách nào khác. Như nước Nhật có tới 70-75% sinh viên là học ở các trường tư, ở Hoa Kỳ là 25%. Ở nước ta, sinh viên học ở trường tư mới chiếm chưa đầy 15%.

Ngoài sự bứt phá về quy mô, theo tôi, cần tạo ra sự bứt phá về vùng miền. Bây giờ, các dân tộc thiểu số có bao nhiêu người được học đại học? Thấp lắm! Rồi các vùng miền núi, các vùng sông nước ở đồng bằng Sông Cửu Long, thấp lắm. Vậy phải có chính sách như thế nào chứ?

Theo tôi, các chính sách đó ở trong bản Dự thảo này chưa rõ. Chúng ta nói rằng chúng ta tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả các dân tộc và các vùng miền, nhưng trong thực tế chúng ta không làm như thế, tí nữa tôi sẽ nói.

Khi thảo ra Luật Giáo dục đại học, chúng ta phải tính đến khả năng học của con người, có những người không thể học 4 năm được, không thể học 3 năm được, chỉ có thể học 2 năm thôi, năng lực trí tuệ của họ hạn chế như thế, mà khả năng tài chính của họ cũng hạn chế như thế, cho nên theo tôi, cấp đại học nên thấp xuống, không phải 3 năm mà 2 năm thôi, tí nữa tôi sẽ nói.

Như vậy, tôi đặt vấn đề: khi ban hành Luật Giáo dục đại học này, nên nhằm những mục đích gì? Phải xác định cho rõ ràng.

Bây giờ tôi xin phát biểu cụ thể về một số vấn đề:

THỨ NHẤT:
VỀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Tại sao gọi là Luật Giáo dục đại học mà trong đó bao gồm cả sau đại học? Tại sao ta không gọi là Luật Giáo dục đại học và sau đại học? Cả thế giới người ta cho “sau đại học” là một bậc riêng. Ta cũng vậy thôi.

Tôi đề nghị đại học nên có 3 bậc hay trình độ: bậc 2 năm, bậc 3 năm và bậc 4 năm. Châu Âu người ta thống nhất với nhau là: bậc +2, người ta cấp cái bằng gọi là “Brevet de technicien supérieur” tức là cao đẳng kỹ thuật, còn 3 năm thì cấp bằng “Diplome européen d’enseignement superieur” tức là cao đẳng châu Âu. Còn 4 năm hoặc hơn 4 năm thì gọi là “Licence hoặc iIngénieur”, đến bậc +5 thì họ gọi là “Master” rồi. Những ngành đại học 5-6 năm thì khi ra trường, họ trả lương cao cũng không khác gì Master. Cả thế giới cùng một sân chơi như thế. Nước Mỹ có 4.000 trường đại học thì 2.000 trường là trường cao đẳng cộng đồng 2 năm (community two years college). Chúng ta thống kê nước Mỹ có rất nhiều trường đại học, có rất nhiều thanh niên học đại học, nhưng ½ chỉ học 2 năm thôi. Còn ta, học 2 năm chỉ gọi là trung cấp chuyên nghiệp. Trường tôi, chúng tôi đào tạo 2 năm, cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp về kế toán. Vậy mà, nhiều giám đốc đến Trường đòi lấy. Tôi hỏi: tại sao các anh, các chị lại lấy loại này? Trường tôi đầy cử nhân kế toán cơ mà. Họ trả lời: Chúng tôi xem chương trình mà các thầy đã dạy, thì quá thừa đối với nhu cầu của chúng tôi rồi. Công ty chúng tôi chỉ có 10 tỷ doanh thu một năm, chúng tôi chuyên về thương mại thì chúng tôi cần gì đào tạo rộng hơn về kế toán ngân hàng, về kế toán xây dựng? Dùng những em này, chúng tôi chỉ phải trả khoảng 3 triệu thôi, còn nếu tuyển cử nhân của các thầy, chúng tôi phải trả 4-5 triệu đấy.

Còn về quy định thời gian đào tạo, theo tôi không nên quy định thời gian, mà nên quy định khối lượng kiến thức. Hồi anh Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng, thì quy định đại học 4 năm phải có 210 đơn vị học trình kiến thức (ĐVHT). Các anh muốn rút xuống, nhưng chắc không nổi đâu. Tôi đề nghị: 2 năm thì 100 ĐVHT, 3 năm thì 150, 4 năm thì 200, 5 năm thì 250, cứ như thế mà thiết kế. Tất nhiên là có thể cụ thể hóa thêm trong Luật, hoặc trong quy định của Bộ. Trước đây, Bộ hay làm chương trình khung, đã có lần lập ra 200 Hội đồng, mời đến 2.000 vị giáo sư vào đấy, nhưng mà kết quả đi đến đâu? Tuy rằng có 2.000 vị nhưng làm sao thiết kế nổi chương trình khung cho hàng nghìn chương trình? Nói thẳng ra là không đủ kiến thức để làm. Bởi vì như các anh các chị đều biết, muốn thiết kế một chương trình giáo dục đại học, ít nhất phải có 40-50 môn học, mà 40-50 môn học thì phải có bao nhiêu giáo sư, bao nhiêu chuyên gia mới thiết kế nổi. Cho nên theo tôi, Bộ chỉ nên quy định khung chương trình chứ không phải chương trình khung. Ví dụ khung chương trình với 200 ĐVHT, tỷ lệ chuyên ngành là bao nhiêu, tỷ lệ đại cương là bao nhiêu.

Về điều kiện vào đại học, tôi đề nghị thống nhất lấy bằng trung học phổ thông làm chuẩn. Bộ Giáo dục và Đào tạo lo rằng việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa được thật tốt. Chờ đến 10 năm nữa cũng chưa thể nói là thật tốt. Tôi đề nghị cũng giống như anh Nguyễn Công Tạn: bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng, bỏ 3 chung, bỏ điểm sàn. Cái tư tưởng 3 chung và điểm sàn là tư tưởng không phải tồi, nhưng không có lợi. Không tồi bởi vì nó muốn “hớt cái lớp váng” của học sinh trung học để đưa vào đại học. Được cái lợi đó, nhưng lại đưa đến nhiều cái bất lợi. Ví dụ như học sinh dân tộc thiểu số, “bò” làm sao nổi đến cái điểm sàn của Bộ, mặc dù cái điểm sàn của Bộ quy định cũng rất thấp, 13 điểm thì có gì là cao? Các cháu ấy chỉ đạt 7-8 điểm thôi, nhưng nếu không cho “chúng nó” vào học đại học thì ai đi làm thay “chúng nó” ở vùng dân tộc thiểu số? Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long các cháu cũng chỉ đạt 7-8 điểm thôi, nhưng có điều được những sinh viên đạt 15-20 điểm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào đồng bằng sông Cửu Long không?

Cái điểm sàn tưởng như là bình đẳng nhưng trong đó lại bao hàm sự bất bình đẳng.

Cho nên tôi đề nghị bãi bỏ cái “ba chung”, bãi bỏ cái điểm sàn và đương nhiên cũng bãi bỏ luôn cái việc mà năm nào Bộ cũng tổ chức tuyển sinh. Việc đó là của các trường, không đáng để Bộ làm. Khi bỏ cái “ba chung” thì phải chấp nhận sự phân tầng. Nước Mỹ có 4.000 trường đại học thì có tốp 5, có tốp 10, có tốp 100, có tốp 500 và có nhiều trường chẳng vào cái trăm nào cả. Khi sinh viên ra trường, tùy trình độ được đào tạo, em ấy sẽ tìm được một công việc thích hợp với bản thân. Ngay như trường tôi, chúng tôi đã cho ra trường đến nay 15 nghìn em rồi, có cô cậu vào thẳng ngân hàng liên doanh, công ty liên doanh, ngày đầu tiên lĩnh lương 500 đô la, 3 tháng sau lĩnh lương 700 đô la, 6 tháng sau lĩnh lương 1.000 đô la, trong khi đó thì nhiều em kiếm được lương 3-4 triệu đồng đã vui vẻ lắm rồi. Tức là ngay trong sinh viên của một trường đã phân tầng rồi, các trường lại phân tầng nữa. Chúng ta phải chấp nhận sự phân tầng đó thì mới yên tâm bỏ cái “ba chung” đi, bỏ cái điểm sàn, điều đó tôi cho là rất có lợi đối với chính sách dân tộc, đối với chính sách vùng miền. 

Tôi đề nghị: nên bỏ cái đại học quốc gia và đại học vùng. Tất cả các trường thành viên của Đại học Quốc gia đều có tư cách pháp nhân, nó ra đời còn sớm hơn Đại học Quốc gia, Hiệu trưởng vẫn cấp bằng, lý gì lại trùm lên nó một Đại học Quốc gia, và có một thời còn phong cho Đại học Quốc gia tư cách ngang Bộ, thế là vô lý.

Tôi thống nhất với anh Nguyễn Công Tạn và anh Bành Tiến Long, nên quy định có 2 loại trường đại học: “đại học nghiên cứu” và “đại học thực hành”. Loại trường đại học hướng về nghề nghiệp thực hành, chiếm tuyệt đại đa số, bởi vì đất nước này cần nhiều sinh viên được đào tạo theo hướng nghề nghiệp thực hành, còn trường đào tạo theo hướng nghiên cứu thì ít thôi, đào tạo theo hướng nghiên cứu nhiều thì không có chỗ làm việc cho sinh viên ra trường. Tôi nói như trường tôi, chúng tôi không đào tạo theo hướng nghiên cứu mặc dù chúng tôi có hơn 100 tiến sĩ, giáo sư, đủ sức đào tạo theo hướng đó, nhưng chúng tôi không đào tạo, bởi vì chúng tôi cho rằng nền kinh tế nước này đang cần loại người thực hành. Chúng tôi đã cho ra trường 15.000 sinh viên tốt nghiệp, chẳng em nào là không có việc làm. Theo chỉ thị của Bộ, chúng tôi lập ra một phòng gọi là Phòng việc làm sinh viên, nhưng chẳng sinh viên nào nhờ đến cái phòng đó cả, cuối cùng cái phòng đó thất nghiệp, phải giải thể.

Ở trong Dự thảo Luật, khái niệm chính quy và không chính quy nên được xác định lại. Hiện nay chúng ta đào tạo hàng vạn thạc sĩ, có học viên nào ngồi 8 tiếng ở trường không? Giỏi lắm hôm nào giảng thì họ đến, khi nào kiểm tra thì họ đến, khi nào seminar thì họ đến, thế thôi. Chuyển sang đào tạo theo tín chỉ thì khái niệm chính quy và không chính quy càng tỏ ra là không thích hợp.

Còn đại học do các doanh nghiệp lập ra mà các anh chị ghi là tư thục, tôi nghĩ là không đúng. Nếu là doanh nghiệp Nhà nước thì nó lấy tiền Nhà nước ra lập trường, có phải tiền của nó đâu? Ví như Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Dầu khí lập ra trường đại học để đào tạo cán bộ cho nó, nó lấy tiền của doanh nghiệp để lập trường, mà tiền của doanh nghiệp tức là vốn Nhà nước, anh ghi nó là trường tư thục là không đúng. Chỉ có các doanh nghiệp tư nhân mà mở trường thì mới gọi là tư thục được thôi.

Còn đại học do nước ngoài đầu tư thì Dự thảo Luật ghi mơ hồ quá. Hiện nay chúng ta chẳng quản gì nó, bởi vì nó cấp bằng theo Luật của nước nó. Vậy phải xác định ta chi phối nó ở điểm nào, ghi cho rõ.

Về hệ thống trường, tôi chỉ xin góp mấy ý đó thôi. Tôi muốn chuẩn hóa hệ thống giáo dục đại học của chúng ta để chúng ta “chơi” với thế giới cho thuận tiện.

THỨ HAI:
VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Tôi cho rằng Dự thảo Luật này nói về Quản lý Nhà nước đối với giáo dục vẫn bị chi phối bởi cái tư tưởng là quản cho chặt, nói đến quản lý Nhà nước là muốn quản cho chặt, nhưng còn có mặt “bung ra” nữa chứ?

Tôi đã làm kinh tế trong những năm trước đổi mới, lúc đó tư tưởng của tất cả các cấp, kể cả Trung ương Đảng là quản cho chặt. Quản cho chặt thì cuối cùng đói, anh Nguyễn Công Tạn đã kể rồi, đói như thế nào tất cả mọi người đã biết cả rồi; đấy là hậu quả của tư tưởng quản cho chặt. Cho nên khẩu hiệu năm 1979 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa IV, mà tôi được dự là “bung ra”, bung ra có nghĩa là xóa bỏ một loạt các quy định về quản. Tôi nói ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, đến anh Võ Văn Kiệt, chị Ba Thi cũng phải “mua chui” lúa gạo về bán cho dân Thành phố. Vì đói quá, Thành phố phải cho cán bộ đến đồng bằng sông Cửu Long mua vét gạo theo giá thị trường, bất chấp giá chỉ đạo của Chính phủ. Sau này, người ta định phong Anh hùng cho chị Ba Thi, tôi phát biểu như thế này (lúc đó tôi là Phó Thủ tướng): “Nếu theo đúng luật thì phải bỏ tù bà này, vì phá rào; nhưng tôi ủng hộ đưa lên làm Anh hùng, bởi vì trong tình hình khó khăn như thế mà dám chấp nhận như thế thì đáng là Anh hùng”.

Cho nên tôi cho rằng cái tư tưởng quản của ngành giáo dục đại học quá cũ kỹ, giữ cái tư tưởng quản chặt quá nhiều. Lập trường đại học tại sao lại cần đến Thủ tướng và Bộ trưởng cho phép? Ở tất cả các nước, ai muốn mở trường đại học thì đến đăng ký, giống như đăng ký một công ty thôi. Một công ty có vốn hàng tỷ đô la cũng chỉ đăng ký thôi, có phải xin phép đâu? Nhà nước chỉ cần có quy chế, quy định thế nào thì trường đại học được mở, cứ thế mà làm, nếu đủ thủ tục thì đến đăng ký thôi, trước mắt có thể đăng ký với Bộ. Tôi đề nghị bỏ cái sự cho phép đi, các đồng chí ngồi đây đều biết là cho phép như thế là phải qua nhiều cầu, qua nhiều cầu thì cái văn hóa phong bì phát triển, nó lấn chiếm cả ngành giáo dục rồi đấy.

Cho nên tôi đề nghị: bỏ cái thủ tục cho phép một cách hành chính đi, ai muốn lập Trường thì cứ theo đúng yêu cầu của Nhà nước mà đăng ký, có thể đăng ký với Bộ cũng được. Nhưng đấy không phải là cho phép, càng không nên cho phép lập Trường rồi, lại đòi phải có giấy phép hoạt động thì mới được hoạt động. Đây giống như là giấy phép con của các ngành kinh tế. Đẻ ra lắm giấy phép con để làm gì? Chẳng qua cũng chỉ là tăng thêm tầng nấc quan liêu mà thôi.

Vừa rồi Chính phủ lại cho ra cái quy định “Phân cấp quản lý cho Tỉnh”. Tỉnh là ai? UBND Tỉnh ư? Họ có thì giờ đâu mà nghĩ tới những trường đại học nằm ở trên đất của họ. UBND lại giao cho Sở Giáo dục thôi. Hồi vừa rồi, chúng tôi xây dựng Trường, họ bắt tôi phải lấy đủ 8 chữ ký của 8 Sở, trước khi UBND Thành phố Hà Nội ký. Đưa đến Sở Giáo dục thì Sở Giáo dục nói: “Trời đất ơi, cái trường của ông Phương này, tôi chưa biết nó nằm ở đâu đâu, vậy mà bắt tôi ký vào đây à?” Thế đấy, chúng ta bầy ra lắm cái trò quan liêu, vô vị như thế đấy!

Về quy định Bộ trưởng phải công nhận các vị Hiệu trưởng, tôi xin hỏi: Bộ biết gì về các vị Hiệu trưởng mà công nhận và không công nhận? Chẳng qua nên quy định thế này: ông nào có bằng tiến sĩ, hay là có trình độ thế nào đó thì mới được làm Hiệu trưởng, thế thôi. Chứ người ta bầu nhau lên, nay bầu người này, mai bầu người khác, việc gì phải xin phép Bộ?

Một điều khoản nữa về quản lý Nhà nước: quy định điều kiện thành lập trường phải có 50 tỷ đồng vốn, phải có giáo viên cơ hữu là bao nhiêu, đất là bao nhiêu mét vuông. Tôi cho đây là “đặt con trâu trước cái cày”. Ông đã cho phép người ta đâu mà đòi người ta phải có 50 tỷ đồng vốn? Ông biết thừa đi là người ta sẽ bịp ông mà ông vẫn quy định. Nếu tôi cần 50 tỷ, tôi nói với bạn bè ghi đủ 50 tỷ, nhưng đã ai góp đồng nào? Bởi vì đã được phép lập trường đâu mà góp? Đất, muốn có bao nhiêu mét vuông đất lại phải đến cái địa phương dự định lập Trường. Chủ tịch Ủy ban tỉnh đó sẵn sàng ký, bởi vì họ muốn anh thành lập cái trường ở đó, nhưng đã có đất đâu? Rồi bao nhiêu giáo viên, cũng thế thôi. Các giáo viên đều hứa rằng khi lập trường thì tôi sẽ dạy, nhưng đã chắc họ đến dạy thật đấy à? Cho nên chúng ta bày ra cái trò để người ta bịp mình, mà vẫn bày! Tôi cho là không nên quy định như thế. Cứ cái quy định vừa rồi: cho ông cái giấy phép mà sau 4 năm ông không hoạt động thì coi cái giấy phép ấy là vô nghĩa. Thế là được. Còn khi ông hoạt động, tôi sẽ cử người xuống kiểm tra: chương trình thế nào, giáo viên thế nào, điều kiện vật chất thế nào. Quốc tế người ta làm như thế, ta cũng không thể làm theo cách khác. Nước Mỹ có 4.000 trường đại học mà họ có Bộ đâu? Chỉ có cái Vụ Giáo dục liên bang thôi.

Điểm thứ hai tôi nói về việc quản lý Nhà nước: Hiện nay Bộ làm việc giống như tranh công việc của Trường. Hồi anh Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng, Bộ chỉ có mấy trường đại học thôi, Bộ quản lý các trường giống như một Cục. Bây giờ chúng ta có 414 trường đại học và cao đẳng, nếu cũng theo cái cung cách quản lý như trước thì sa vào cái tệ bao biện, làm thay trường. Bộ đứng ra tổ chức việc tuyển sinh cho các trường, Bộ theo dõi từng khâu trong quá trình các trường tuyển sinh, Bộ làm cả việc in phôi bằng nữa. Cái thời có rất ít trường đại học thì Bộ in phôi bằng là hợp lý. Nhưng bây giờ, ngay việc in hóa đơn liên quan đến tiền, Bộ Tài chính cũng phải buông ra, thế thì việc gì Bộ phải in bằng cho các trường?

Rồi chỉ tiêu tuyển sinh, đây là cái phanh hãm. Lâu nay tôi được nghe cán bộ của Bộ nói rằng: khống chế chỉ tiêu tuyển sinh thì mới bảo đảm được chất lượng đào tạo. Cả thế giới này không ở đâu có cái lý luận đó cả. Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều cái, đâu chỉ phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh? Tôi đồng ý với anh Nguyễn Công Tạn: muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì học trò phải có ký túc xá. Nhà nước này đã lo được cho bao nhiêu phần trăm sinh viên có được ký túc xá? Không có ký túc xá, sinh viên sống chui rúc, một ngày chẳng học được vài ba tiếng. Thư viện của các trường thì không có, cũng chẳng có tiền mua sách, máy tính để truy cập cũng chẳng có, đấy là chất lượng cả đấy. Bộ chỉ lo mỗi việc là khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Cái thời anh Nguyễn Minh Hiển làm Bộ trưởng, dường như anh ấy thấy cái chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ không “thiêng”, anh ấy đã đưa Thủ tướng ký cái Quyết định phạt các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Tôi đã viết một bài báo (bài báo đó tôi đã gửi cho anh Nguyễn Thiện Nhân và anh Nguyễn Tấn Dũng) trong đó tôi đã dùng giọng hài hước: “Không hiểu ông Thủ tướng nghĩ thế nào mà cũng đặt bút ký vào cái bản quy định đó”. Vâng, tôi chê ông ấy về cái quyết định ấy. Hôm nọ, gửi thư cho anh Nguyễn Tấn Dũng, tôi nói: Nhân danh Thủ tướng, anh phải ký bãi bỏ cái quy định vớ vẩn ấy đi. Nếu trường vượt chỉ tiêu thì bị phạt, nhưng nếu Bộ không đạt chỉ tiêu của Chính phủ do Quốc hội thông qua thì Bộ có chịu phạt không? Tôi nghĩ Bộ phải chịu phạt 10 lần hơn. Hôm vừa rồi tôi đọc Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội: trong 21 chỉ tiêu của năm 2010 thì có 5 chỉ tiêu không đạt, trong đó có một chỉ tiêu thuộc về ngành giáo dục. Kế hoạch Nhà nước ghi chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng tăng 12%, ngành giáo dục mới chỉ đạt 6,8%. Vậy, Bộ nhận mức phạt là bao nhiêu? Hay là áp dụng “tiêu chuẩn kép”: đối với người khác vi phạm thì anh phạt, còn đối với anh thì anh cho qua? Trong trường hợp này, các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh lẽ ra phải được thưởng mới đúng, vì họ đã góp phần làm cho chỉ tiêu của toàn ngành đạt được 6,8%, nếu không thì còn thấp hơn.

Cho nên tôi đề nghị lần này bỏ cái chỉ tiêu tuyển sinh đi thì đương nhiên cái Quyết định do Thủ tướng Phan Văn Khải ký cũng vô hiệu.

Việc tách, nhập, giải thể của các trường, đó là việc của các trường, giống như các công ty vậy. Chính phủ, Bộ trưởng chỉ xác nhận thôi, không việc gì phải cho phép. Nếu như cái trường đó bất lực, không có học trò thì ông chẳng cho phép, nó cũng tự giải thể.

Còn một loạt nội dung bắt buộc cũng cần phải xem xét lại. Đào tạo kế toán, kỹ sư điện thì cần gì phải biết triết học Mác – Lênin? Tôi phát biểu đây là với tư cách một người đã giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin từ năm 1957 cho cán bộ cao cấp, với tư cách một người cộng sản đã có 65 năm tuổi Đảng, chứ không phải là một “tên bạch vệ”. Tôi đề nghị quy định thế này thôi: giáo dục toàn diện trong đó có những môn học Mác – Lênin, tùy ngành mà chọn. Ví như đào tạo cử nhân về khoa học xã hội thì không phải học 6 ĐVHT đâu, gấp đôi, thậm chí gấp 3 mới đúng, nhưng còn về khoa học kỹ thuật, thì tùy từng ngành mà bố trí.

Trong Luật Giáo dục có ghi là cấm thương mại hóa giáo dục, bây giờ sửa lại là cấm hành vi giáo dục vì mục đích vụ lợi. Thế nào là vụ lợi? Là kiếm lợi nhuận chứ gì? Thế các trường đại học nước ngoài, như trường RMIT, ta cho phép nó vào đây, nó có kiếm lợi nhuận không? Tất nhiên là có. Hay là, đối với các trường tư thục của ta, Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ có quy định: nếu kiếm lợi nhuận thì phải đóng thuế. Tức là trong Luật, đã thừa nhận vụ lợi rồi. Các anh đều biết rằng nước Mỹ một năm kiếm 20 tỷ USD nhờ có sinh viên nước ngoài đến học ở Mỹ, nước Úc công bố hẳn là ngành giáo dục là ngành xuất khẩu đứng thứ 3 trong nước, rõ ràng vì mục đích vụ lợi chứ còn sao nữa?

Vậy thì Nhà nước làm gì? Nhà nước có quá nhiều việc phải làm, nào là quy định thể chế, quy chế mà các trường phải tuân theo, nào là quy định khối lượng kiến thức phải bảo đảm để trường đại học cho đáng trường đại học. Nhưng mà những quy định quản lý hành chính mang tính quan liêu, không cho phép “bung ra” thì cần loại bỏ.

Tôi cho rằng Luật Đại học lần này phải theo cái tư tưởng “bung ra”, để cho nước ta không lạc hậu về đại học nữa. Lý gì chúng ta kém Thái Lan? Người Việt Nam không thể kém Thái Lan được. Luật Giáo dục đại học lần này ra đời thì bao nhiêu năm nữa ta bằng Thái Lan, tôi xin hỏi các vị soạn thảo.

THỨ BA:
VỀ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Tôi đề nghị viết hẳn một chương trình bày về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Điều này, châu Âu đã đạt được hàng trăm năm rồi, nhưng mà ở ta, Bộ vẫn coi các trường đại học như những đứa con nhỏ đang còn phải bú mớm, cái đó không đúng. Ai là cơ sở giáo dục đại học? Đó là những giáo sư, phó giáo sư, những người bạc đầu trong cái nghề dạy học, có phải ba đứa nhóc con đâu?

Tôi đề nghị nội dung của chương nói về cơ sở giáo dục đại học, ghi hẳn là quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, cả công lập lẫn tư thục, trong đó quyền tự chủ đầu tiên là quyền thiết kế các ngành đào tạo và các chương trình đào tạo.

Ở tất cả các nước trên thế giới, các chương trình đào tạo, các ngành đào tạo đều do các trường sáng chế ra; họ bổ sung, họ sửa đổi, rồi họ đưa ra các ngành mới phù hợp với nhu cầu lao động. Bộ giữ lấy cái quyền cho phép mở ngành là quá bảo thủ. Nên bãi bỏ cái quyền ấy đi, ghi hẳn vào Luật là trường có quyền mở các ngành đào tạo, thiết kế chương trình đào tạo cho các ngành mà mình muốn mở. Điều này tôi đã viết và đưa lên báo rồi, ở đây tôi chỉ nói vắn tắt. Trường tôi đào tạo chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp, cho nên tôi muốn mở một ngành đào tạo về Luật kinh doanh để sinh viên ra trường làm cố vấn cho các doanh nghiệp về Luật kinh doanh. Nhưng Bộ trả lời là Bộ còn hỏi Bộ Tư pháp. Tôi thấy buồn cười. Bộ Tư pháp trả lời là ủng hộ, nhưng đến nay cả năm trời mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ngồi im đấy. Vì lý gì mà Bộ cho rằng các trường dân lập không được phép mở ngành báo chí, ngành luật, và ngành sư phạm? Trường tôi có hai chục vị tiến sĩ Luật, làm sao không đào tạo được cho sinh viên về Luật kinh doanh? Cho nên tôi cho rằng cái quyền tự chủ thứ nhất phải là quyền được mở các ngành đào tạo và thiết kế các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động theo biến động của thị trường. Tất cả các trường trên thế giới họ văn minh lên, họ đào tạo ra được những con người phù hợp với nhu cầu của đất nước họ, chính là nhờ cái điều này. Điều này là thiết yếu để “bung ra”, không nên để Bộ giữ cái quyền ấy.

Thứ hai là tuyển sinh bao nhiêu, ngành nào, thì để các trường quy định, bỏ cái chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ quy định. Cách đây 30 năm tôi đã ngồi ở cơ quan quy định các chỉ tiêu. Lúc đó tôi là Bộ trưởng – Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kế hoạch Nhà nước – một cơ quan chỉ có 600 người mà bày ra hàng triệu chỉ tiêu cho tất cả các ngành, các địa phương và các xí nghiệp; điều đó vô lý, quan liêu, hành chính, phải mất bao nhiêu công phu mới bãi bỏ được. Nhưng cho đến nay, Bộ Giáo dục vẫn thích cái cơ chế đó! Bộ Giáo dục là ngành duy trì cái cơ chế xin – cho lâu nhất!

Trong các quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, tôi cho rằng 2 cái quyền đó là quan trọng nhất, còn các quyền khác ghi thế nào thì tùy.

Riêng về trường công, tôi cho là không nên khống chế trường công như bây giờ. Tôi đề nghị: trường công chỉ phụ thuộc vào phần ngân sách Nhà nước cấp, được cấp bao nhiêu thì lấy sinh viên theo cái tiêu chuẩn được cấp bấy nhiêu; ngoài ra, phải giải phóng cho trường công. Năng lực của các trường công hiện nay rất lớn, đa số các thầy giáo thỉnh giảng của trường tôi là từ các trường công đến, vì ngồi ở trường công không có việc, và tất nhiên không việc thì không có thu nhập. Không nên khống chế trường công ở cái chỉ tiêu tuyển sinh. Rồi bây giờ lại bày ra cái hệ B. Hệ B là gì? Là một trường dân lập trong một trường công lập. Tại sao lại phải quy định chỉ tiêu tuyển sinh hệ B cho nó? Phải cho phép nó bung ra, như vậy mới tận dụng được năng lực của các trường công. Hiện nay trường công sử dụng công suất rất lãng phí, trường sở rất lãng phí, thiết bị rất lãng phí, thầy giáo cũng rất lãng phí. Hãy thử cho nó bung ra, xem đại học của ta có tốt hơn không? Tôi cho là chỉ có tốt hơn lên thôi, chả có gì xấu cả.

THỨ TƯ:
VỀ ĐẠI HỌC TƯ THỤC

Trong Luật, cần có một chương riêng về đại học tư thục. Chúng ta đều hiểu là ai làm tư thục. Đó là những người đã bạc đầu với nghề giáo dục của Nhà nước, bây giờ ra làm tư thục. Tôi làm tư thục, anh Nguyễn Công Tạn làm tư thục, anh Trần Hồng Quân cũng làm tư thục. Các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Hiệu trưởng của ngành giáo dục sau khi hết tuổi, về hưu rồi, ông ngồi chơi à? Ông cũng phải làm một cái trường nào chứ, để tận dụng trí tuệ của ông chứ? Cho nên phải quan niệm tư thục là cái gì đây?

Nhưng phải phân biệt 2 loại tư thục, Chính phủ đã có nghị quyết từ năm 2005 gọi là Nghị quyết 05/2005 quy định 2 loại trường: một là loại trường lợi nhuận và hai là loại trường phi lợi nhuận. Thế nào là lợi nhuận, thế nào là phi lợi nhuận, trong Nghị quyết đó đã quy định rõ. Tôi đề nghị phải ghi 2 loại trường đó vào Luật Giáo dục đại học lần này.

Tôi có lời khen Anh Phan Văn Khải hồi làm Thủ tướng đã ra được cái Nghị quyết này. Nhưng mà ghi rồi, lại chẳng thấy thi hành. Tôi nói ví dụ như Nghị quyết 05 ghi rằng nếu là trường phi lợi nhuận thì không phải đánh thuế. Vậy mà, Sở Thuế Hà Nội đến trường tôi. Tôi chất vấn ông Bộ trưởng Bộ Tài chính: ông không thi hành Nghị quyết của Chính phủ à? Ông trả lời: chưa có Thông tư hướng dẫn. Tôi bảo: Thông tư hướng dẫn là trong tay ông chứ? Vậy thì ông đáng phê bình lắm đấy. Ông mà biết điều thì ông gọi điện cho Sở Thuế Hà Nội đừng đến trường tôi nữa, nếu không tôi kiện ông lên báo đấy. Thế là ông Bộ trưởng phải lệnh cho Sở Thuế không đến trường tôi nữa.

Còn chuyện Nhà nước quy định cấp đất cho các trường xã hội hóa thì không thu tiền sử dụng đất. Năm 2006, anh Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch Thành phố, cấp cho trường tôi 1 héc ta đất. Sau 5 năm tôi mới được nhận cái giấy đất. Sở Thuế Hà Nội đòi tôi phải nộp tiền sử dụng đất. Tôi bảo: Nghị quyết của Chính phủ quy định miễn cho trường tôi rồi. Họ bảo phải có Giấy chứng nhận của Bộ. Tôi đưa lên Bộ, lúc đó anh Nguyễn Thiện Nhân là Bộ trưởng, không dám ký, vì chưa có Thông tư hướng dẫn. Tôi lại phải hỏi đến ông Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời là quả thật chưa có hướng dẫn, nhưng ông sẽ nói với anh em trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng: tạm hoãn thu tiền sử dụng đất đối với trường tôi. Bấy giờ Bộ Giáo dục mới ký được cái giấy gọi là tạm hoãn thu tiền sử dụng đất.

Vì vậy, tôi đề nghị ghi hẳn vào Luật: 2 loại trường tư thục đó được hỗ trợ gì của Nhà nước?

Tôi đồng ý với anh Nguyễn Công Tạn: hỗ trợ thứ nhất của Nhà nước là không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây trường. Các anh có biết không, tiền sử dụng đất bây giờ cao vô cùng, vì đất được tính theo giá thị trường. Chỉ riêng đền bù đất trồng rau muống cho dân thôi, trường tôi đã mất trên 2 triệu/1m2, có nghĩa là 1 héc ta phải chi trên 20 tỷ, nếu nộp tiền sử dụng đất nữa thì ít nhất phải mất thêm 150 tỷ nữa cho 1 héc ta. Như thế thì học trò chịu sao nổi? Như thế tức là phá hoại nền giáo dục đại học của nước này, chứ không phải là ủng hộ nó đâu!

Cho nên tôi đề nghị ghi dứt khoát vào trong Luật: đối với các trường tư thục, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, kể cả trường lợi nhuận và trường phi lợi nhuận. Nếu đánh vào trường lợi nhuận thì cuối cùng, thông qua học phí người hưởng đủ cũng là học trò thôi.

Hỗ trợ thứ hai của Nhà nước đối với đại học tư thục là cho vay vốn ưu đãi. Nếu không cho vay vốn ưu đãi thì quá trình xây trường chậm lắm. Trường tôi, phải huy động 800 người góp vốn, góp qua nhiều thời kỳ mới được 80 tỷ đồng, nhờ đó, xây dựng được một cái trường cho 1 vạn học trò. Như vậy phải mất 10 năm. Muốn xây dựng được trường đầy đủ cho 2 vạn học trò phải mất 20 năm. Trong khi đó thì Nhà nước mỗi năm tiêu hàng trăm nghìn tỷ, sao không ủng hộ con em chúng ta học đại học? Tôi cho rằng Bộ Giáo dục có quyền đòi cái quyền đó.

Đối với sinh viên, hiện nay Nhà nước đã làm được một việc rất tốt là cho sinh viên vay tiền đi học. Nhưng còn ký túc xá, thì mới bắt đầu. Nhà nước phải bảo đảm ký túc xá cho toàn thể sinh viên. Ta cứ nói đến chất lượng đào tạo, tôi đồng ý với anh Nguyễn Công Tạn, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều thứ, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào nội dung giảng dạy của các thầy. Sống như ổ chuột thì học được mấy giờ mỗi một ngày? Hiện nay học trò không học được 3 tiếng mỗi ngày đâu, học đại học mà không học được 3 tiếng một ngày thì học cái gì? Thư viện thì chẳng có, máy tính thì chẳng có, chất lượng thấp là phải, chất lượng thấp không phải do thiếu các giáo sư đâu, cũng có thiếu nhưng không nhiều.

Còn một điều quan trọng hơn: tôi cho rằng giữa dân lập và công lập có một sự bất bình đẳng quá lớn. Ta cứ rao giảng: bình đẳng cho học sinh về cơ hội học tập. Có thật không? Một em thi được 21 điểm thì vào trường công, nộp học phí bằng 30% chi phí đào tạo thôi, còn Nhà nước cấp 5-7 triệu/1 năm, còn một em thi được 20 điểm phải vào trường tư theo nguyện vọng 2, phải nộp 8 triệu đồng/1năm học. Đấy là bình đẳng đấy à? Chừng nào ta còn để học phí của trường công thấp như hiện nay, thì rõ ràng trường tư là lép vế. Nhưng hỏi rằng trường tư đào tạo cho ai đây? Cho xã hội chứ, cho đất nước phát triển chứ? Học trò trường tôi, 20% tốt nghiệp vào làm ở các cơ quan Nhà nước, kể cả An ninh quốc phòng. Thế thì trường tư cũng đào tạo cho Nhà nước chứ, đào tạo cho đất nước này chứ? Thế nhưng học trò phải chịu chi phí hết, trong khi đó thì học trò trường công chỉ hơn nó có một điểm thôi. Theo tôi phải hướng tới học phí ngang nhau. Bằng cách gì? Bằng cách nâng dần học phí của trường công lên, và san sẻ bớt khoản chi của Nhà nước cho trường tư, để trường tư giảm học phí xuống. Đó là khuynh hướng mà các nước châu Âu đã đạt được. Những anh em giáo sư ở châu Âu về, nói với tôi: sau chiến tranh thế giới thứ II, cử tri ở các nước châu Âu chất vấn Quốc hội thế này: tôi cũng đóng thuế cho Nhà nước, lý gì con tôi học ở trường tư thì phải nộp học phí cao như thế, còn ở trường công thấp như thế? Cuối cùng, Quốc hội nhiều nước châu Âu phải trợ cấp chi phí thường xuyên cho các trường tư. Ở Bỉ, anh Tôn Thất Nguyễn Thiêm cho biết: ngân sách Nhà nước trợ cấp cho trường tư đến 90% chi phí thường xuyên, mấy năm gần đây, do ngân sách bí quá mới giảm xuống còn 50%. Thế mới gọi là bình đẳng chứ!

Sẽ đến lúc người Việt Nam chất vấn trước Quốc hội rằng các ông thực hiện bình đẳng như thế à?

Xin cám ơn./.