Bàn về bước đi của công nghiệp hóa

Sau khi nền chuyên chính của giai cấp vô sản đã được thiết lập (cách mạng về chính trị) và về cơ bản hệ thống quan hệ sản xuất cũ đã được thay thế bằng hệ thống quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa (cách mạng kinh tế), thì vấn đề then chốt đối với việc xây dựng và củng cố phương thức sản xuất mới ở nước ta là tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật nhằm dựng lên cơ sở vật chất – kỹ thuật của chế độ xã hội mới, cũng tức là tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Lênin đã từng chỉ ra rằng: “Trong bất cứ một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào, khi giai cấp vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi và trong chừng mực mà nhiệm vụ tước quyền sở hữu của bọn chiếm đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của chúng đã được hoàn thành trên đại thể thì tất nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác đề lên hàng đầu, đó là: thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động, và do đó (và vì thế) phải tổ chức lao động theo một phương thức cao hơn. Việc nâng cao năng suất lao động đòi hỏi trước hết là cơ sở vật chất của nền đại công nghiệp phải được đảm bảo: việc sản xuất nhiên liệu, sắt, máy móc, sản phẩm hóa học phải được phát triển”.

Đối với bất cứ nước nào quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì việc xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của chế độ xã hội mới đều phải đặt ra như một nhiệm vụ tất yếu. Nội dung cơ bản của nhiệm vụ này không ngoài việc xây dựng hoặc hoàn thiện thêm những ngành công nghiệp then chốt gọi là công nghiệp nặng. Sự khác nhau giữa các nước, chủ yếu chỉ là ở cơ cấu và bước đi. Sở dĩ có sự khác nhau là vì ở mỗi nước, điểm xuất phát về trình độ phát triển kinh tế và về cơ cấu của nền kinh tế quốc giống nhau, nguồn tài nguyên và các điều kiện tự nhiên khác không giống nhau, các điều kiện kinh tế – xã hội cùng các điều kiện quốc tế trong lúc tiến hành xây dựng cũng có chỗ không giống nhau.

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tất phải nắm vững nhiệm vụ then chốt mang tính quy luật phổ biến. Nhưng, mặt khác, lại không thể coi nhẹ những đặc điểm riêng biệt của các nước mình. Kinh nghiệm chỉ ra rằng những sự vấp váp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thường là do chỗ không nhận thấy hoặc không coi trọng đúng mức những đặc điểm này. Với cách nhìn trên đây, chúng tôi thử bàn về bước đi của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hy vọng góp một đôi ý kiến nhỏ mọn vào việc xác định bước đi thích hợp nhất cũng tức là bước đi nhanh nhất.

I.

Một đặc điểm cơ bản của miền Bắc nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ là: chúng ta xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mà tiến lên xây dựng công nghiệp, tiến lên “xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng”. Điểm xuất phát đó nói lên cái gì?

Càng ngày chúng ta càng nhận thức rõ thêm đặc trưng nổi bật nhất của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu ấy là: năng suất lao động và năng suất ruộng đất của nó rất thấp. Vì năng suất thấp cho nên từ bao đời nay, nhân dân ta không thể không tập trung hầu hết lao động và ruộng đất của mình vào việc bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống, những nhu cầu này hầu như chỉ còn là nhu cầu về lương thực. Tình trạng độc canh lúa, cũng tức là trình độ phát triển thấp kém của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, do đó mà ra. Hơn 10 năm nay, chúng ta đã phấn đấu và đã đạt được những thành tích to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Nhưng, ngay với những thành tích đó, chúng ta vẫn chưa bảo đảm được một cơ sở thật sự vững chắc về lương thực. Mà chừng nào lương thực nhu cầu số 1 của sự sống còn chưa được dồi dào thì chừng đó, còn chưa thể nói đến việc chuyển một bộ phận ruộng đất và lao động vào việc trồng những thứ cây khác với quy mô ít nhiều quan trọng. Ở nhiều hợp tác xã, nông dân đã dùng số “ruộng đất để lại” không phải vào việc trồng rau, cũng không phải vào việc phát triển chăn nuôi gia súc, mà vào việc sản xuất lương thực cho người. Một số hợp tác xã được giao nhiệm vụ trồng cây công nghiệp đã đem cây lương thực trồng xen vào, điều này không khỏi làm giảm năng suất của cây công nghiệp. Những hiện tượng loại đó, nếu có thể quy vào sự bảo thủ hay sự bướng bỉnh của người sản xuất thì mặt khác lại không thể không thừa nhận rằng sự bướng bỉnh của người chẳng qua là phản ánh sự bướng bỉnh của vật: sản xuất lương thực đòi hỏi vị trí của nó phải được bảo đảm như là điều kiện tiên quyết của mọi ngành lao động khác trong nông nghiệp.

Thổ nhượng, khí hậu, truyền thống sản xuất của nông dân ta ấp ủ trong lòng nó mầm mống của một nền nông nghiệp đa canh hết sức phong phú. Mầm mống đó chưa thể lớn mạnh lên được chỉ là vì năng suất ruộng đất và năng suất lao động trong khu vực trồng cây lương thực dành cho người còn quá thấp, xét cho cùng, chỉ là vì năng suất lao động của những nguời trồng lúa còn quá thấp.

Mác đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp nông nghiệp xét theo ý nghĩa là ngành sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt thiết yếu nhất của xã hội. Người viết:

“Vì việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt là điều kiện trước nhất của sự sống của những người sản xuất trực tiếp và của mọi việc sản xuất nói chung, cho nên lao động bỏ vào việc sản xuất đó, cũng tức là lao động nông nghiệp hiểu theo ý nghĩa kinh tế rộng nhất của chữ ấy, phải đủ sinh lợi như thế nào để cho việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cho những người sản xuất trực tiếp không thu hút hết toàn bộ thời gian lao động mà họ có được, nghĩa là để cho lao động thặng dư nông nghiệp, và do đó sản phẩm thặng dư nông nghiệp, có thể có được. Suy rộng ra nữa, toàn bộ lao động nông nghiệp kể cả lao động tất yếu và lao động thặng dư của một bộ phận nào đó của xã hội phải có khả năng sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho toàn thể xã hội, nghĩa là cho cả những người lao động phi nông nghiệp; có như thế thì mới có được sự phân công lớn giữa những người làm nông nghiệp và những người làm công nghiệp cũng như sự phân công giữa những người làm nông nghiệp sản xuất ra lương thực và những người làm nông nghiệp sản xuất ra nguyên liệu. Như vậy, mặc dù đối với những người sản xuất trực tiếp ra lương thực, lao động của họ cũng chia ra thành lao động tất yếu và lao động thặng dư, nhưng đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét thì lao động của họ chỉ là thứ lao động tất yếu, cần thiết để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt”.

Vì lẽ lao động nông nghiệp là “thứ lao động tất yếu” bảo đảm những “điều kiện trước nhất của sự sống”, là thứ lao động sản xuất ra những tư liệu dùng để “tái sản xuất ra bản thân người lao động”, cho nên, như Mác khẳng định:

Năng suất của lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của mọi xã hội, và trước hết là cơ sở của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là nền sản xuất đã làm cho bộ phận ngày càng lớn của xã hội thoát ly việc sản xuất các tư liệu sinh hoạt trực tiếp và biến họ, như cách nói của Stiu-át, thành những “cánh tay tự do”, khiến họ có thể sẵn sàng bị bóc lột ở những lĩnh vực khác”.

Cũng với ý nghĩa trên Mác viết:

“Thời gian lao động tất yếu của người lao động cá biệt càng ít bao nhiêu thì anh ta càng có thể cung cấp được nhiều lao động thặng dư bấy nhiêu. Đối với dân cư lao động cũng vậy, bộ phận cần thiết dành vào việc sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt cần thiết càng ít bao nhiêu thì bộ phận có thể sự dụng vào các công việc khác càng nhiều bấy nhiêu”.

Và ở chỗ khác:

“ Rõ ràng là số lượng những người lao động trong ngành công nghiệp chế biến… được quyết định bởi số lượng sản phẩm nông nghiệp mà những người lao động nông nghiệp đã sản xuất thặng ra ngoài sự tiêu dùng cá nhân của họ.

“…Như vậy, lao động nông nghiệp là cái cơ sở tự nhiên… không phải chỉ dành cho lao động thặng dư trong lĩnh vực của bản thân ngành nông nghiệp, mà nó còn là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”

Nhìn vào nền nông nghiệp nước ta, rất dễ nhận thấy rằng: “bộ phận dân cư lao động cần phải dành vào việc sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt cần thiết” nói chung và vào việc sản xuất lương thực nói riêng, còn quá lớn; và “khối lượng sản xuất nông nghiệp mà những người lao động nông nghiệp đã sản xuất thặng dư ra ngoài sự tiêu dùng cá nhân của họ” còn quá nhỏ; do đó, “sự phân công lớn giữa những người làm nông nghiệp và những người làm công nghiệp, cũng như sự phân công giữa những người lao động nông nghiệp sản xuất ra lương thực và những lao động làm nông nghiệp sản xuất ra nguyên liệu” còn rất hạn chế.

Từ năm 1961 trở về trước, cây lương thực (lúa và hoa màu) luôn luôn chiếm 95% diện tích gieo trồng toàn miền Bắc. Cho đến năm 1965, nó vẫn còn chiếm tới 92%, riêng lúa chiếm 72%. Như vậy, các loại cây khác chỉ còm lại có 8% diện tích để chia nhau (cây công nghiệp: 5,7%, còn lại là rau, cây ăn quả chiếm tỷ trọng không đáng kể).

Về lao động, theo số liệu điều tra dân số năm 1960, nông nghiệp chiếm tới 85,6% tổng số nhân khẩu lao động của khu vực sản xuất vật chất và 78,5% tổng số nhân khẩu lao động. Hầu hết lao động nông nghiệp bị hút vào ngành trồng trọt (không riêng gì các ngành phụ nông thôn  đúng như khái niệm đó đã chỉ rõ  mà ngay cả nghề chăn nuôi cũng chỉ chủ yếu dựa vào lao động phụ của từng hộ xã viên) trong đó, về đại thể mỗi loại cây cũng chiếm một tỷ trọng tương ứng với tỷ trọng về diện tích.

Nhìn lại những năm qua, không ai là không thấy rằng chỉ riêng việc thanh toán được nạn đói kinh niên và đẩy lùi được về dĩ vãng hình ảnh của những trận chết đói có sức tàn phá khủng khiếp, đã đủ là một thành tựu có ý nghĩa lịch sử của chế độ mới rồi. Tuy nhiên, điều đó chưa có nghĩa là vấn đề lương thực đã được giải quyết xong xuôi. Xét theo yêu cầu của việc mở rộng sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp là điều kiện cho công nghiệp hóa thì càng chưa thể coi là vấn đề lương thực đã được giải quyết xong xuôi. Mặc dù đã phải bỏ ra trên 90% diện tích và phần rất lớn lao động nông nghiệp, chúng ta vẫn chưa tạo ra được một cơ sở lương thực dồi dào và vững chắc. Sau mấy năm tăng khá nhanh, sản lượng lúa từ năm 1960 trở đi chỉ đạt xấp xỉ bằng một nửa mức tăng tự nhiên của dân số thì công lao đó là quy về cho hoa màu.

Để đạt được ngay mức tăng nói trên của sản lượng lương thực, chúng ta đã phải bỏ ra một số lượng tuyệt đối nhiều hơn trước chứ không phải ít hơn trước, về ruộng đất cũng như về lao động. Trong khoảng thời gian 1958-1963, bình quân hàng năm, sản lượng lương thực (hiện vật quy ra thóc) tăng được 3% thì diện tích gieo trồng đã phải tăng 2,8%, sản lượng lúa tăng được 1,4% thì diện tích gieo trồng đã phải tăng 1,3%, còn sản lượng hoa màu tăng được 10,9% thì diện tích gieo trồng đã phải tăng 10,4%. Điều đó có nghĩa là năng suất của ruộng đất hầu như không tăng, về việc tăng sản lượng chỉ là dựa vào việc mở rộng diện tích gieo trồng. Về mặt lao động thì số ngày công bỏ vào việc canh tác mỗi héc ta gieo trồng lại tăng lên, cũng tức là năng suất của lao động biểu hiện bằng sản phẩm giảm đi. Sự hạn chế từ ba mặt đó  sản lượng tuyệt đối, năng suất ruộng đất và năng suất lao động  của khu vực sản xuất lương thực, đã kìm hãm tất cả.

Vì sản xuất lúa tăng chậm cho nên phần lớn hoa màu (ngô, khoai, sắn) đã bị thu hút làm lương thực bổ sung cho người, phần dành cho gia súc chẳng còn được bao nhiêu. Như vậy, việc tăng sản xuất hoa màu đáng lẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành chăn nuôi thì lại chỉ vừa đủ để lấp lỗ trống về lương thực do sự phát triển chậm của sản xuất lúa gây ra. Đương nhiên, nếu sản lượng lúa đủ để đảm bảo nhu cầu lương thực cho người thì hoa màu sẽ trở thành cơ sở thức ăn thực sự của ngành chăn nuôi gia súc. Lúc đó, sản lượng hoa màu sẽ không còn mang ý nghĩa như nó như nó mang hiện nay nữa: không còn là bộ phận của “lao động tất yếu” như hiện nay, cũng tức là không làm cho tính chất độc canh lương thực của nền nông nghiệp nặng thêm bằng tỷ trọng của nó như hiện nay. Trái lại, với ý nghĩa là cơ sở thức ăn độc lập của ngành chăn nuôi gia súc lớn mạnh, sản xuất hoa màu (cũng với diện tích và lao động dành cho nó) sẽ có nghĩa là một bức phát triển mới của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Bước phát triển này sở dĩ có được là nhờ sản lượng lương thực cho người tăng lên khi diện tích trồng lương thực thu hẹp lại, cũng tức là vì năng suất của ruộng lúa và năng suất lao động của những người trồng lúa đã tăng lên, đủ sức gạt hoa màu ra khỏi nguồn lương thực của con người (hoặc gần như thế) và biến nó thành một ngành độc lập, chuyên sản xuất thức ăn cho gia súc.

Đến một trình độ phát triển cao hơn của năng suất ruộng đất và năng suất lao động thì không những diện tích (và do đó lao động) dành cho việc sản xuất lương thực phải thu hẹp lại bằng diện tích trồng lúa hiện nay (chiếm 72%) để chuyển diện tích trồng hoa màu (chiếm 20%) thành cơ sở thức ăn cho gia súc, mà hơn thế nữa, diện tích tuyệt đối và tỷ trọng của cả hai ngành sản xuất đó đều có thể và cần phải thu hẹp lại. Có thể như thế thì cây công nghiệp và các loại cây khác mới có được chỗ đứng xứng đáng của chúng như tự nhiên cho phép và đời sống đòi hỏi.

Trong tình hình cây lương thực còn chiếm trên 90% diện tích gieo trồng thì quy mô của các khu vực trồng cây công nghiệp và cây ăn quả có thể mở rộng ra một cách hết sức chật vật là điều dễ hiểu. Ai cũng biết trồng cây công nghiệp và cây ăn quả là cần thiết đối với việc mở mang công nghiệp nhẹ và đẩy mạnh xuất khẩu như thế nào. Ai cũng biết trồng cây công nghiệp và cây ăn quả đem lại mối lợi lớn như thế nào. Mà cũng chính vì thế mà hầu như tất cả các thứ cây ăn quả chủ yếu (chuối, cam, quýt) và các thứ cây công nghiệp ngắn ngày (bông, đay, gai, dâu tằm, mía, thuốc lá) đều lăm le tranh lấy không gian sinh tồn của cây lương thực, có cây lại muốn tranh lấy những chỗ tốt nhất nữa. Nhưng, vấp phải vấn đề lương thực thì mọi kế hoạch táo bạo đều cảm thấy thiếu nhuệ khí. Thời gian vừa qua, nếu một số cây nào đó lấn được cây lúa thì ở một số địa phương nào đó thì sự thắng thế ấy còn xa mới đạt tới một ý nghĩa “chiến lược”. Nhìn chung, trận địa của cây lúa vẫn là bất khả xâm phạm. Nó vẫn tiếp tục như thế chừng nào mà năng suất của ruộng lúa và năng suất lao động của những người trồng lúa chưa được nâng lên một cách căn bản.

Ngoài triển vọng lấn đất của cây lương thực thì tiến độ rộng lớn của cây công nghiệp và cây ăn quả là trông vào những vùng khai hoang ở miền núi. Có thể nói không ngoa rằng tự nhiên đã dành riêng cho vùng này làm nơi “đất thánh” cho cây công nghiệp, cây ăn quả và cho các đàn gia súc. Nhưng, cũng vì thế mà cái thiếu thốn ở đây lại chính là lao động và lúa gạo. Chỉ khi nào năng suất lao động của những người trồng lúa được nâng lên một cách căn bản thì con đường thênh thang đi vào những vùng đất mới bao la ấy mới thực sự được mở ra. Đứng về mặt lãnh thổ mà nói thì đồng bằng chính là nơi đang cất giấu trong lòng nó chiếc chìa khóa mở ra con đường đó  con đường phồn vinh của Tổ quốc, có sức thu hút đối với không phải hàng chục vạn mà hàng trăm vạn người.

Ngành chăn nuôi gia súc chưa có được cơ sở thức ăn tương đối độc lập. Quy mô và sự co giãn của nó hiện nay hầu như chỉ tùy thuộc vào những phế liệu mà người ta có khả năng loại ra. Nói cho đúng thì ngành chăn nuôi, với tư cách là một ngành hẳn hoi, mới chỉ bắt đầu hình thành như là kết quả của sự phân công lao động xã hội mới của nền kinh tế tập thể. Trước đó, nó chỉ tồn tại như một nghề phụ hay công việc phụ của mỗi nông hộ lấy việc trồng cây lương thực mang nặng tính chất tự cấp tự túc làm nguồn sống chính. Với sự xuất hiện của chế độ hợp tác xã, nghề chăn nuôi phụ này đã chuyển thành một bộ phận của kinh tế phụ gia đình của xã viên, và cho đến nay, nó vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu của xã hội về gia cầm và gia súc. Những năm qua, dựa vào kinh tế phụ gia đình của xã viên, chúng ta đã ra sức đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, chủ yếu là chăn nuôi lợn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thịt và phân bón. Và chúng ta cũng đã đạt được thành tích quan trọng: trong khoảng thời gian 10 năm, tăng được đàn lợn lên gấp đôi. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của kinh tế phụ gia đình xã viên, trên cơ sở tận dụng nguồn lao động phụ của gia đình xã viên, tận dụng nguồn phế liệu của gia đình xã viên và tận dụng miếng đất để lại cho gia đình xã viên thì đàn gia cầm, gia súc nói chung và đàn lợn nói riêng, khó có thể tăng lên mãi được. Trong thực tế, nó đã vấp phải những giới hạn do chính tính chất của nền kinh tế phụ gia đình đặt ra. Trong khi đó nhu cầu về thịt và phân bón vẫn tiếp tục tăng lên. Vấn đề mà đời sống đặt ra là: phải sớm gây dựng một ngành chăn nuôi lớn mạnh, với tính chất là một ngành lao động độc lập, có cơ sở trồng trọt độc lập của nó, có khả năng cải tiến kỹ thuật không ngừng và vươn lên không ngừng. Ngành chăn nuôi này đã bắt đầu hình thành từ trong lòng của nền kinh tế tập thể. Nhưng sự trưởng thành của nó lại tùy thuộc trước hết ở khối lượng chất dinh dưỡng mà ngành trồng trọt có khả năng trao cho nó.

Người ta cũng có thể nói ngược lại rằng khối lượng chất dinh dưỡng mà ngành trồng trọt có khả năng trao cho ngành chăn nuôi lại tùy thuộc một phần rất lớn ở khối lượng chất dinh dưỡng mà ngành chăn nuôi có khả năng trao cho ngành trồng trọt  dưới hình thái phân bón. Sự thật quả là như vậy. Nếu ngành chăn nuôi có quyền “trách” ngành trồng trọt là đã thâu tóm cả hoa màu vào cái bồ lương thực, lẽ ra phải nhường cho chăn nuôi, thì mặt khác, ngành trồng trọt cũng có quyền “trách” lại ngành chăn nuôi là đã cung cấp phân bón không kịp so với việc mở rộng diện tích gieo trồng và như vậy làm cho năng suất cây trồng khó lòng mà đẩy lên được. Tuy nhiên, vẫn phải phân biệt trong mối quan hệ chế ước lẫn nhau giữa hai ngành này, trong cái vòng tuần hoàn vật chất này khâu nào là khâu có tác dụng quyết định đầu tiên? Rất rõ ràng đó là khâu trồng trọt, nói cụ thể là khâu trồng lương thực cho người. Chừng nào mà trên 90% diện tích là phần lớn lao động nông nghiệp chỉ vừa đủ để bảo đảm lương thực cho người thì chừng đó, chưa thể dành được một bộ phận diện tích và lao động ít nhiều quan trọng vào việc chăn nuôi gia súc, và do đó, sức phát triển của đàn gia súc chưa thể đi xa hơn khối lượng phế liệu mà người thải ra cho nó.

Đối với các nghề phụ nông thôn, sự trói buộc của sản xuất lương thực cũng ngặt nghèo như là đối với các ngành trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc vậy. Chừng nào sản xuất lương thực còn choán hầu hết lao động ở nông thôn, chừng nào “sự phân công giữa những người làm nông nghiệp sản xuất ra lương thực và những người làm nông nghiệp sản xuất ra nguyên liệu” còn bị kìm hãm trong cái thế độc canh cây lương thực thì chừng đó, các nghề phụ nông thôn chưa thể lột xác để trở thành những ngành lao động độc lập của thủ công nghiệp hay tiểu công nghiệp được. Quá trình này thực ra mới ở giai đoạn khởi đầu, mà cũng chưa phải đã phổ biến khắp nông thôn, nếu chúng ta không kể đến số vùng tập trung thợ thủ công mà từ lâu mối quan hệ với nông nghiệp chỉ còn có ý nghĩa tạm thời và rất không ổn định. Về thực chất của các nghề phụ nông thôn, Lênin viết:

“Vì trong thời kỳ trước khi có kinh tế hàng hóa, công nghiệp chế biến gắn liền với công nghiệp khai thác và đứng đầu công nghiệp này là nông nghiệp, cho nên kinh tế hàng hóa phát triển tức là các ngành công nghiệp lần lượt tách ra khỏi nông nghiệp. Dân cư của một nước mà nền kinh tế hàng hóa ít phát triển (hoặc hoàn toàn không phát triển) thì hầu như thuần là dân cư nông nghiệp; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dân cư chỉ chuyên làm nghề nông; điều đó chỉ có nghĩa là dân cư làm nghề nông đã tự mình chế biến lấy nông sản mà thôi, chỉ có nghĩa là trong dân cư đó việc đổi chác và phân công hầu như không có mà thôi”.

Tình trạng đặc biệt phong phú của nghề phụ nông thôn ở nước ta, xét theo ý nghĩa lịch sử của nó, chẳng qua là sự nghèo nàn của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp mà nguồn gốc là năng suất rất thấp của lao động nông nghiệp. Đó là biểu hiện điển hình của tình trạng “công nghiệp chế biến gắn liền với công nghiệp khai thác” trong nông nghiệp, của tình trạng “dân cư làm nghề nông đã tự mình chế biến lấy nông sản” và tự mình chế tạo lấy cả một số tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng không phải từ nguồn gốc nông sản nữa.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm phát triển mà xét thì sự phong phú của nghề phụ nông thôn lại là một miếng đất mầu mỡ đang ươm trong lòng nó rất nhiều loại “hạt giống” của công nghiệp. Chỉ cần năng suất của lao động nông nghiệp đủ bảo đảm được một nguồn lương thực và nguyên liệu dồi dào thì các loại “hạt giống” này sẽ mọc thành những ngành độc lập của thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, trên cơ sở đã được chuẩn bị lâu đời về nhân công thành thạo và kỹ thuật sản xuất, trên cơ sở tập trung vốn liếng và lao động đã được nền kinh tế tập thể chuẩn bị sẵn, và trên cơ sở tư liệu kỹ thuật do nền đại công nghiệp tạo ra mỗi ngày một dồi dào hơn.

Qua những tài liệu trên đây, ta thấy sự chậm chạp đến mức trì trệ của sản xuất lương thực đã và đang là trở lực chủ yếu của việc mở rộng hơn nữa sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Nền nông nghiệp của chúng ta, qua hơn chục năm phấn đấu, vẫn chưa thoát hẳn ra khỏi cái vỏ kén lúa gạo của nó để trở thành một nền nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc, có tỷ suất hàng hóa cao.

Đáng lẽ ra ở thời đại ngày nay, những con người thông minh, dũng cảm và cần cù lao động trên dải đất mầu mỡ này không còn phải băn khoăn về vấn đề lương thực nữa mới phải. Đáng lẽ ra nhân dân Việt Nam, trải qua một lịch sử phát triển sản xuất lâu đời, phải được hoàn toàn yên tâm về vấn đề lương thực để tập trung tài trí và sức lực vào việc chinh phục những đỉnh cao của nền văn minh mới phải. Nhưng, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phong kiến, bằng sự bóc lột tàn khốc của chúng qua hàng thế kỷ  sự bóc lột đã làm kiệt sức cả hai nguồn sáng tạo ra của cải là lao động và đất đai  chúng đã đặt nhân dân ta trước một điểm xuất phát cực kỳ thấp: một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, gần như chỉ sản xuất lương thực, vậy mà không phải lúc nào cũng đủ sức duy trì sự sống cho chính những người sản xuất lương thực.

Với điểm xuất phát như thế, chúng ta gần như phải bắt tay làm từ những việc mà nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nếu có ở nước ta, đã phải làm xong xuôi trong tiến trình phát triển của nó: nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, và trên cơ sở đó, mở rộng sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, biến nền nông nghiệp mang nặng tính chất tự nhiên thành nền nông nghiệp có tính chất hàng hóa, có tỷ suất hàng hóa cao. Hơn 10 năm qua (trong đó, chúng ta phải dành ra 3 năm để khôi phục nền nông nghiệp sau 15 năm bị chiến tranh tàn phá), chúng ta đã làm được khá nhiều việc theo hướng đó: tăng được sản lượng lương thực lên gấp rưỡi và đàn lợn lên gấp đôi so với mức trước chiến tranh, xóa được nạn đói, nâng được mức sống của hầu hết nông dân lên ngang mức sống của trung nông, phát triển mạnh sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả, v.v… Những thành tựu này càng nổi bật hơn nữa khi ta nhìn rộng ra các nước thuộc “thế giới thứ ba” mà trước đây cùng cảnh ngộ như ta. Ở phần lớn các nước này, hàng năm vẫn có hàng chục và hàng trăm triệu nông dân bị nạn đói dày vò, bất kể đất đai ở đó mầu mỡ như thế nào, bất kể tài nguyên thiên nhiên phong phú như thế nào và bất kể nông dân cần cù lao động như thế nào. Và chừng nào nhân dân lao động các nước này còn chưa giành được quyền làm chủ đất nước và làm chủ vận mệnh của mình thì tình cảnh đau xót trên đây vẫn cứ kéo dài như nó đã kéo dài hàng thế kỉ. Đối với nhân dân miền Bắc nước ta, con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa đã mở ra một bước ngoặt lịch sử mà bước tiến 10 năm có thể so sánh với bất cứ thế kỷ nào trước đó. Nhưng, mặt khác, chúng ta lại phải thấy rằng từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu như nền kinh tế nước ta mà muốn tạo ra một nền nông nghiệp đủ sức làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp thì khoảng thời gian 10 năm còn quá ngắn.

Đến nay, trình độ thấp kém của năng suất lao động và năng suất ruộng đất trong khu vực sản xuất lương thực vẫn còn gây kìm hãm đối với mọi lĩnh vực nông nghiệp. Muốn phát triển khu vực trồng cây công nghiệp, trồng cây ăn quả, trồng rau đậu cho người, trồng rau mầu cho gia súc và chăn nuôi gia súc, phải có ruộng đất và lao động. Trong tình hình hầu hết ruộng đất trồng trọt đã bị cây lương thực mà chủ yếu là cây lúa chiếm giữ, muốn có ruộng đất trồng các thứ cây khác, chỉ có hai cách: hoặc là thu hẹp diện tích trồng lương thực, điều này đòi hỏi phải nâng cao năng suất của ruộng đất làm tiền đề, hoặc là đưa lao động đi khai phá đất mới, điều này đòi hỏi phải nâng cao năng suất lao động của những người dân hiện đang trồng lương thực làm tiền đề. Còn về lao động, trong tình hình hầu hết lao động nông nghiệp đang bị hút vào việc trồng lương thực mà chủ yếu là trồng lúa, muốn có lao động sản xuất lĩnh vực khác thì chỉ có một cách là nâng cao năng suất lao động của chính lực lượng trồng lương thực. Tựu chung lại, muốn dôi ra được cùng một lúc cả ruộng đất và lao động thì biện pháp quyết định nhất vẫn là nâng cao năng suất lao động của những người hiện đang trồng lương thực.

Giữa việc nâng cao năng suất của ruộng đất và việc nâng cao năng suất của lao động, có thể có sự ăn khớp, mà cũng có thể có sự tách rời, thậm chí có trường hợp tiến triển theo hai chiều đối lập. Trước mắt, trong tình hình kỹ thuật còn chưa có điều kiện cải biến nhiều, nguồn lao động còn chưa được tận dụng đúng mức, thì có thể và cần phải phấn đấu nâng cao năng suất của mỗi đơn vị diện tích (mục tiêu cụ thể là 5 tấn thóc/héc ta) bằng cách tăng cường “đầu tư” lao động sống là chủ yếu, dù cho lao động có thêm chỉ được bù đắp lại bằng một sản lượng không tương xứng (lấy mức năng suất lao động cũ làm chuẩn) và do đó tạm thời có làm cho năng suất lao động chung giảm xuống. Nói cách khác, phải phấn đấu nâng cao sản lượng tuyệt đối trước đã, và dù cho có phải trả bằng một giá tương đối đắt về lao động) cũng vẫn kiên quyết làm.

Tuy nhiên, phương hướng trên đây không thể coi là một kế lâu dài được. Đành rằng đó có thể làm cho sản lượng lương thực tăng lên, và một khi sản lượng tăng lên vượt quá điểm no đủ rồi thì có thể dôi ra một số diện tích không cần phải để dành trồng lương thực nữa, nhưng nếu năng suất lao động của những người trồng lương thực không được nâng cao, thậm chí còn giảm đi, trong khi lượng tuyệt đối của lao động bỏ vào việc trồng lương thực lại phải tăng lên, như vậy thì cũng không có cách gì mà mở mang các ngành lao động khác được. Vả chăng, việc tăng thêm cường độ lao động và kéo dài ngày, lao động sớm muộn cũng sẽ vấp phải những giới hạn tự nhiên. Bản chất của chủ nghĩa xã hội không cho phép duy trì mãi tình hình đó. Vì vậy, nhìn về lâu dài, chỉ có nâng cao năng suất của lao động mới là phương hướng cơ bản. Biện pháp chủ yếu để nâng cao năng suất của lao động là áp dụng kỹ thuật mới. Với kỹ thuật mới, thông thường người ta đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc: vừa nâng cao được năng suất của lao động, vừa nâng cao được năng suất của ruộng đất.

Mỗi bước đi lên của năng suất lao động và năng suất ruộng đất trong khu vực trồng lương thực, do chỗ nó cho phép giải phóng khỏi khu vực này một bộ phận lao động (với số lương thực cần thiết kèm theo) và ruộng đất, cũng đồng thời là một bước phát triển mới của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, khiến cho nền nông nghiệp độc canh cây lương thực trở thành nền nông nghiệp đa canh, nhiều vẻ, có khả năng khai thác hợp lý nhất các nguồn lợi tự nhiên và có tỷ suất nông sản hàng hóa cao. Một nền nông nghiệp như thế sẽ tác động hết sức mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Một nền nông nghiệp như thế chính là cơ sở lý tưởng để phát triển công nghiệp.

Nhìn vào tình hình thực tế nước ta, rất dễ nhận thấy rằng sự phát triển của công nghiệp, tuy mới ở giai đoạn đầu, đã đặt cho nền công nghiệp những “đơn đặt hàng” mà nó không sao thỏa mãn được. Tình trạng thiếu mía như nhà máy đường, thiếu lá thuốc cho nhà máy thuốc lá, thiếu dầu cho nhà máy xà phòng, thiếu thịt và hoa quả cho nhà máy đóng hộp, thiếu thực phẩm cho các khu công nghiệp, thiếu nông sản xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị, v.v… là những tiếng chuông báo động về sự lạc hậu của nông nghiệp với ý nghĩa là cơ sở để phát triển công nghiệp.

Rồi đây, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước giành được thắng lợi, đất nước được thống nhất thì công nghiệp càng phải phát triển mạnh hơn nữa, những đòi hỏi của nó đối với nông nghiệp sẽ càng to lớn và nhiều vẻ hơn nữa.

Muốn đưa hàng chục và hàng trăm vạn lao động đi xây dựng công nghiệp nặng để trong vòng 15-20 năm đạt được mức sản xuất hàng năm (tính cho cả nước) mấy chục triệu tấn than, mấy triệu tấn thép, mấy triệu ki-lô-oát điện, mấy triệu tấn phân hóa học, mấy triệu tấn xi măng, mấy chục vạn tấn máy móc, thiết bị, v.v… thì nền nông nghiệp phải có khả năng giải phóng số lao động đó, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp cho họ số lương thực và thực phẩm cần thiết.

Ngành xây dựng và ngành giao thông vận tải theo sát bước chân của công nghiệp nặng (và không phải chỉ công nghiệp nặng) cũng đòi hỏi ở nông nghiệp hàng chục vạn lao động kèm theo số lương thực và thực phẩm cần thiết.

Ngành công nghiệp nhẹ, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp cũng chỉ có thể phát triển mạnh mẽ với điều kiện thu hút được hàng chục vạn lao động từ trong nông nghiệp mà ra cùng với số lương thực và thực phẩm cần thiết. Nó còn đòi hỏi một sự phân công lao động xã hội thật sự quy mô và sâu sắc trong nông nghiệp làm tiền đề, để từ đó có được hàng triệu tấn mía, hàng chục vạn tấn quả, hàng chục vạn tấn cây có sợi, hàng chục vạn tấn hạt có dầu, hàng chục vạn tấn thịt và cá, hàng vạn tấn chè, cà phê, lá thuốc,v.v…làm nguyên liệu.

Đối với một nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp để tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì nguồn tích luỹ quan trọng nhất (càng vào những năm đầu càng quan trọng) không thể không dựa vào lao động của nông dân, những người chiếm trên 80% tổng số người lao động sản xuất. Vì vậy, quyết định quy mô và tốc độ của tích lũy phần lớn nhất chính là do năng suất lao động của nông dân.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, hình thái hiện vật của tích lũy đặc biệt quan trọng. Phần lớn máy móc thiết bị cần thiết cho sự nghiệp đó (ít nhất cũng là trong những năm đầu) phải trông vào nguồn nhập khẩu. Nông nghiệp nước ta, với vị trí và khả năng của nó, phải gánh phần quan trọng nhất trong việc xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị. Tình trạng nông sản chỉ chiếm trên dưới 1/7 tổng ngạch xuất khẩu trong những năm vừa qua không thể coi là hợp lý. Tình trạng đó đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại sự quan tâm của chúng ta đối với vai trò “cơ sở” của nông nghiệp trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cũng tức là xem xét lại sự cố gắng của chúng ta nhằm khắc phục cái đặc trưng cơ bản của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mà từ đó chúng ta xuất phát.

Trong cái mớ những liên hệ chằng chịt của bản thân nông nghiệp và của nông nghiệp với công nghiệp, cái mối phải gỡ trước mắt là ở chỗ nào? Cái mối phải gỡ, như thực tiễn hơn chục năm qua chứng minh, là ở khâu lương thực, ở năng suất ruộng đất và năng suất lao động trong khu vực trồng lúa, xét cho cùng là ở năng suất lao động của những người trồng lúa. Chính là từ chỗ này sẽ phát ra những phản ứng dây chuyền thúc đẩy nhanh quá trình phân công lao động xã hội trong nông nghiệp và làm thay đổi hẳn bộ mặt của nông nghiệp. Những sự thay đổi này, đến lượt chúng, sẽ kích thích công nghiệp và tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển với quy mô và tốc độ ngày càng lớn.

Từ những điều kiện trên đây, phải chăng chúng ta có thể đi tới kết luận tuyệt đối hóa vai trò của nông nghiệp, mãi mãi đặt nông nghiệp lên trên tất cả và là cơ sở của tất cả? Hoàn toàn không phải như vậy.

Trước hết, nên hiểu thế nào là khái niệm “cơ sở” trong mệnh đề “nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp”?

Với nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp không có nghĩa là nói nông nghiệp là cơ sở duy nhất để phát triển công nghiệp. Nông nghiệp chỉ là một cơ sở để phát triển công nghiệp, dù đó là cơ sở rất quan trọng, thậm chí ở một giai đoạn cụ thể nào đó (thường là giai đoạn đầu) của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nó có thể là cơ sở quan trọng nhất.

Nói nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp là nói với một ý nghĩa nhất định, với một nội dung nhất định. Xta-lin đã chỉ ra rất đúng: “Ở nước ta, người ta thường nói rằng công nghiệp là nền tảng chủ yếu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có cả nông nghiệp, rằng công nghiệp là cái thìa khóa để cải tạo nền nông nghiệp lạc hậu và phân tán trên cơ sở tập thể hóa. Điều đó hoàn toàn đúng. Và chúng ta không nên một phút nào lãng quên điều đó. Nhưng chúng ta lại cũng không nên quên rằng nếu công nghiệp là nền tảng chủ yếu thì chính nông nghiệp lại là cơ sở để phát triển công nghiệp, vì nó vừa là thị trường tiêu thụ những sản phẩm của công nghiệp, vừa cung cấp nguyên liệu và lương thực lại vừa là nguồn dự trữ những vật phẩm đem xuất khẩu để có thể nhập khẩu những vật phẩm cần thiết cho nền kinh tế quốc dân”.

Nông nghiệp cung cấp lương thực và thực phẩm cho công nhân, điều đó quá rõ ràng rồi. Còn nói nông nghiệp là cơ sở nguyên liệu của công nghiệp thì chỉ là nói nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ (kể cả công nghiệp thực phẩm), mà cũng chỉ là nói nguyên liệu nông sản, vì ngoài nguyên liệu nông sản ra, công nghiệp nhẹ còn sử dụng và ngày càng sử dụng nhiều hơn các loại nguyên liệu từ nguồn gốc công nghiệp mà ra. Nhìn chung toàn bộ nền công nghiệp (kể cả công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ) thì chính nó mới là cơ sở nguyên liệu chủ yếu của bản thân nó.

Nói nông nghiệp là thị trường chủ yếu của công nghiệp cũng chỉ là nói trong điều kiện không gian và thời gian nhất định. Sự nghiệp công nghiệp hóa ngày càng phát triển, nước nông nghiệp lạc hậu này càng chuyển biến thành nước công nghiệp tiên tiến, tỷ trọng của dân cư công nghiệp càng lấn dần tỷ trọng của dân cư nông nghiệp thì thị trường của công nghiệp  cả về tư liệu sản xuất lẫn về tư liệu tiêu dùng  càng dựa nhiều hơn vào bản thân công nghiệp, đến mức công nghiệp phải trở thành thị trường chủ yếu của chính nó.

Với ý nghĩa là một nguồn tích lũy để phát triển công nghiệp, kể cả tích lũy dưới hình thái máy móc thiết bị thông qua con đường ngoại thương, nông nghiệp có thể đóng vai trò chủ yếu trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, công nghiệp càng phát triển thì tỷ trọng của nó trong tích lũy xã hội chủ nghĩa càng tăng lên. Sớm hay muộn, nó cũng trở thành nguồn tích lũy chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, nói nông nghiệp là “cơ sở để phát triển công nghiệp” là nói với một nội dung cụ thể: nó cung cấp lương thực và thực phẩn cho công nhân, nó cung cấp nguyên liệu nông sản cho công nghiệp nhẹ, nó là một thị trường quan trọng của công nghiệp và là một nguồn tích lũy quan trọng để công nghiệp hóa, Với ý nghĩa ấy, nó không thể là cơ sở duy nhất để phát triển công nghiệp. Trong điều kiện không gian và thời gian nhất định, nó có thể đóng vai trò chủ yếu trên một số phương diện nào đó. Nhưng, quy mô của công nghiệp càng lớn, nền kinh tế càng chuyển biến từ lạc hậu thành tiên tiến thì vai trò đó càng chuyển dần sang phía công nghiệp. Đến một độ phát triển nhất định, công nghiệp sẽ trở thành cơ sở nguyên liệu chủ yếu của chính nó, thị trường chủ yếu của chính nó và nguồn tích lũy chủ yếu để phát triển bản thân nó.

Vai trò của nông nghiệp vẫn rất quan trọng, nhưng ở hàng thứ yếu. Riêng về lương thực và thực phẩm thì vai trò của nông nghiệp hầu như là tuyệt đối. Chừng nào loài người vẫn phải dựa vào sự sinh trưởng tự nhiên của thực vật và động vật để giải quyết vấn đề ăn thì chừng đó, nông nghiệp còn là cơ sở lương thực và thực phẩm gần như duy nhất của dân cư, bao gồm cả dân cư công nghiệp. Tuy nhiên, nền văn minh càng tiến triển thì nông nghiệp càng phụ thuộc nhiều hơn vào sợ viện trợ của công nghiệp, thậm chí càng có khuynh hướng  dù thế nào cũng chỉ là khuynh hướng  biến thành… một ngành công nghiệp.

Ở đoạn trên, chúng tôi đã dẫn một số câu của Mác nói rằng “năng suất của lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của mọi xã hội”, rằng “lao động nông nghiệp là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”. Trong chúng ta, đã có ý kiến dựa vào ý này của Mác để lập luận rằng nông nghiệp là cơ sở của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, rằng nông nghiệp trước sau như một phải đặt ở vị trí hàng đầu của nền kinh tế quốc dân.

Nhìn vào lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội thì rõ ràng nông nghiệp là “ngành đầu tiên của sản xuất” và “lao động nông nghiệp là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”. Ở một nước nông nghiệp lạc hậu như nước ta, khi mà năng suất lao động trong nông nghiệp còn rất thấp và do đó còn là trở lực chủ yếu của việc mở rộng hơn nữa sự phân công lao động xã hội, cũng tức là trở lực chủ yếu trong việc “biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập” thì việc nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, việc chủ trương “bắt đầu từ nông nghiệp” cũng tức là đặt trọng tâm phát triển kinh tế trước hết vào nông nghiệp là điều hoàn toàn có căn cứ và hoàn toàn có ý nghĩa thực tiễn. Song, lịch sử chỉ đặt lên hàng đầu những vấn đề mà nếu nó không giải quyết thì việc tiếp tục đi lên là không thể được, một khi năng suất của lao động nông nghiệp đã không còn là trở lực chủ yếu cho việc phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân nữa thì việc tiếp tục đặt nông nghiệp ở vị trí hàng đầu của nền kinh tế quốc dân còn có ý nghĩa thực tiễn? Không những thế, cách nói đó còn có thể gây ra sự mơ hồ trong việc nhận thức yêu cầu cơ cấp bách của đời sống kinh tế (yêu cầu này đã chuyển từ mặt nông nghiệp sang mặt công nghiệp hay mặt nào khác rồi) và do đó có thể gây ra sự sai lệch trong việc định đường lối là kế hoạch phát triển kinh tế. Mà một khi đã không còn phản ánh đúng yêu cầu của đời sống thì một luận điểm lý luận còn có ý nghĩa gì nữa với tư cách là một luận điểm lý luận?

Lênin và Xta-lin đã cho chúng ta một mẫu mực trong việc phân tích cụ thể tình hình để xác định vị trí của nông nghiệp và của công nghiệp. Tháng 4 năm 1926, khi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô quyết định chuyển sang “thời kì trực tiếp công nghiệp hóa”, Xta-lin trình bày về quyết định đó như sau:

“Từ ngày Vơ-la-đi-mia I-lít-xơ công bố Chính sách kinh tế mới đến nay đã 5 năm rồi. Lúc đó, nhiệm vụ cơ bản đặt ra trước mắt chúng ta, trước Đảng ta, là phải thiết lập cơ sở xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế quốc dân nước ta, dưới điều kiện Chính sách kinh tế mới, dưới điều kiện lưu thông hàng hóa một cách đại quy mô. Nhiệm vụ chiến lược đó hiện nay vẫn là một nhiệm vụ cơ bản đang đặt ra trước mắt chúng ta. Trong thời kì thứ nhất của Chính sách kinh tế mới, tức là từ năm 1921 trở đi, chúng ta đã nhằm hướng trước hết phát triển nông nghiệp đặng giải quyết nhiệm vụ cơ bản đó. Đồng chí Lênin nói: Nhiệm vụ của chúng ta là phải thiết lập cơ sở xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế quốc dân, nhưng muốn thiết lập được cơ sở ấy thì cần phải có nền công nghiệp phát triển, vì công nghiệp là cơ sở , là an-pha và ô-mê-ga của chủ nghĩa xã hội và của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, và muốn phát triển công nghiệp thì phải bắt đầu từ nông nghiệp.

Vì sao?

“Vì trong tình trạng kinh tế bị phá hoại của nước ta, lúc đó mà muốn mở mang công nghiệp thì trước hết cần phải tạo ra cho công nghiệp có những điều kiện tiên quyết nào đó về thị trường, về nguyên liệu và lương thực”.

“Hiện nay, chúng ta đã bước vào thời kỳ thứ hai của Chính sách kinh tế mới. Hiện nay, một điểm đột xuất nhất và quan trọng nhất trong tình hình kinh tế nước ta là trọng tâm đã chuyển sang mặt công nghiệp. Nếu như trước kia, trong thời kỳ đầu của Chính sách kinh tế mới, vì toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân đều dựa vào nông nghiệp, thì chúng ta cần phải bắt đầu từ nông nghiệp, nhưng hiện nay, muốn tiếp tục thiết lập cơ sở xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế nước ta, muốn thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tiến lên, thì điều cần thiết chính là phải hết sức tập trung chú ý vào công nghiệp. Hiện nay, nếu không kịp thời cung cấp máy móc nông nghiệp, máy kéo và hàng công nghiệp,v.v…. cho nông nghiệp thì chính ngay nông nghiệp cũng không thể tiến triển được. Vì thế, nếu như trước kia, trong thời kỳ đầu của Chính sách kinh tế mới, công cuộc phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân phải dựa vào nông nghiệp, thì hiện nay công cuộc đó lại cần phải dựa và đã dựa vào sự mở mang trực tiếp công nghiệp”.

Qua đoạn văn trên đây, ta thấy Lênin và Xta-lin đã căn cứ vào điều kiện không gian và thời gian cụ thể thế nào để đặt công nghiệp hay công nghiệp làm trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế, cũng tức là đặt nông nghiệp hay công nghiệp lên hàng đầu của kế hoạch phát triển kinh tế. Đặt nông nghiệp hay công nghiệp làm trọng tâm của giai đoạn lịch sử nào, điều đó là do đời sống kinh tế (và không phải chỉ kinh tế) đòi hỏi, là do nông nghiệp hay công nghiệp là ngành có khả năng giải quyết yêu cầu bức thiết nhất của đời sống của đời sống kinh tế lúc đó. Đặt nông nghiệp trước sau như một ở vị trí hàng đầu của nền kinh tế quốc dân, trước sau như như một là cơ sở của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, như vậy thì làm sao phản ánh được và đáp ứng được yêu cầu của đời sống kinh tế (yêu cầu này không phải là một cái gì bất biến)?

Hơn nữa, và điều này càng quan trọng hơn, đặt vấn đề như thế còn gây ra sự mơ hồ đối với vai trò của công nghiệp “là cơ sở, là an-pha và ô-mê-ga của chủ nghĩa xã hội và của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa”. Mọi người đều biết rất rõ luận điểm nổi tiếng đó của Lênin. Dẫn ra đây một số câu của Người, chúng tôi nghĩ rằng đó là một sự nhắc nhở cần thiết. Lênin viết:

_ “Chủ nghĩa xã hội là do đại công nghiệp cơ khí sinh ra”.

_ “Cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo được cả nông nghiệp”.

_ “Đại công nghiệp cơ khí và việc áp dụng đại công nghiệp đó vào nông nghiệp là cơ sở kinh tế duy nhất của chủ nghĩa xã hội”.

_ “Đại công nghiệp là cơ sở của bước quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; nếu đứng về phía tình hình lực lượng sản xuất mà xét, tức là đứng ở chỗ cân nhắc toàn bộ các tiêu chuẩn cơ bản của sự phát triển xã hội mà xét, thì đại công nghiệp là cơ sở tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

_ “Cơ sở thực sự và duy nhất để củng cố nguồn tài nguyên, để xây dựng xã hội chủ nghĩa, chỉ có một cái, đó là đại công nghiệp”.

_ “Bất cứ một người xã hội chủ nghĩa nào cũng đều biết rằng nếu không chấn hưng được cơ sở đại công nghiệp thật sự duy nhất đó thì đừng hòng bàn đến việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

_ “Ngoài đại công nghiệp ra, người ta không có cách nào khác để xây dựng chủ nghĩa xã hội được”.

Từ những sự khẳng định trên đây của Lênin, khó mà hiểu lầm được rằng, theo Lênin, công nghiệp lại không phải là cơ sở hay nền tảng chủ yếu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa, rằng theo Lênin, công nghiệp lại không đáng đặt ở vị trí hàng đầu của nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa.

Mọi người mác-xít Lênin-nít đều hiểu rằng chính là bằng nền đại công nghiệp mà giai cấp công nhân  sản phẩm của nền đại công nghiệp đồng thời là chủ soái của nền đại công nghiệp  có thể cải tạo cả thế giới: nó thiết lập một chế độ xã hội phù hợp với tính chất của nền đại công nghiệp và sử dụng nền đại công nghiệp như một đòn bẩy để cải tổ lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Nền kinh tế quốc dân mà chúng ta nói đây chẳng phải là một nền kinh tế quốc dân trừu tượng, một nền kinh tế quốc dân của bất kỳ thời đại lịch sử nào. Cái mà chúng ta nói đây cụ thể là nền kinh tế quốc dân của chủ nghĩa xã hội, mà chủ nghĩa xã hội, như Mác, Ăng-ghen và Lênin đã từng chứng minh một cách thật khoa học “là do nền đại công nghiệp cơ khí sản sinh ra”. Vì vậy, “cơ sở thật sự và duy nhất” của nền kinh tế quốc dân đó chỉ có thể là “nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo được cả nông nghiệp”, cũng tức là có khả năng cải tạo được toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Nhìn vào lịch sử, ta thấy nông nghiệp đã từng là cơ sở của nền kinh tế quốc dân trong các thời đại phong kiến, chiếm hữu nô lệ và công xã nguyên thủy. Nhưng đến thời đại tư bản chủ nghĩa, nó đã không còn giữ được vai trò đó nữa rồi. Nó càng không thể giữ được vai trò đó trong thời đại xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Vai trò đó, nó đã buộc phải nhường cho nền đại công nghiệp. Đại công nghiệp là gì, nếu không phải là bước nhảy vọt lớn nhất và toàn diện nhất trong lịch sử phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, nếu không phải là sự chế ngự kỳ diệu của con người đối với các lực lượng tự nhiên  kể cả các lực lượng tự nhiên tác động trong nông nghiệp? Giai cấp công nhân nắm được nền đại công nghiệp cũng tức là nắm được cái đòn bẩy của Ác-si-mét để lật đổ thế giới cũ xây dựng trên chế độ người bóc lột người và dựng lên thế giới mới, cộng sản chủ nghĩa.

Bằng lối nói hình tượng, Xta-lin đã diễn đạt về vai trò của công nghiệp như sau:

“Công nghiệp nước ta là nhân tố lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân, nó đang dắt dẫn, đang lãnh đạo nền kinh tế quốc dân nước ta bao gồm cả nông nghiệp, tiến lên. Nó chiếu theo mẫu mực và diện mạo của chính mình để cải tạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân”. Công nghiệp, cụ thể là công nghiệp nặng, là cái kho tư liệu lao động hay tư liệu kỹ thuật của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, vì vậy, nó có thể “chiếu theo mẫu mực và diện mạo của chính mình để cải tổ toàn bộ nền kinh tế quốc dân”. Nói công nghiệp là “cơ sở thật sự và duy nhất để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”, là “nhân tố lãnh đạo”, là “khâu chủ đạo”, hay là “nền tảng chủ yếu” của toàn bộ nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa, đều là cùng một ý nghĩa như thế.

Nếu nói rằng nông nghiệp luôn luôn là cơ sở của nền kinh tế quốc dân, bao giờ cũng phải đặt ở vị trí hàng đầu của nền kinh tế quốc dân thì thật khó mà đánh giá đúng được vai trò của công nghiệp  “cơ sở thật sự và duy nhất để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”, “nền tảng chủ yếu của toàn bộ nền kinh tế quốc dân”.

Phải chăng chúng ta có thể đem nguyên lý của Mác đối lập với nguyên lý của Lênin, và dựa vào Mác để bênh vực cho luận điểm nói rằng nông nghiệp mãi mãi là cơ sở của toàn bộ nền kinh tế quốc dân? Hoàn toàn không thể như vậy! Nguyên lý của Mác nói rằng “năng suất của công nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động là cơ sở của mọi xã hội” và “lao động công nghiệp là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành thành những ngành lao động độc lập”, nguyên lý đó là nói về một cái mốc lịch sử về năng suất lao động, vượt quá cái mốc đó mới có được lao động thặng dư nông nghiệp và sản phẩm thặng dư nông nghiệp (hình thái đầu tiên của lao động thặng dư và sản xuất thặng dư) và như vậy, mới có điều kiện tiền đề cho cho sự hình thành các ngành lao động khác ngoài ngành lao động sản xuất ra tư liệu sinh hoạt. Trong những đoạn văn của Người, Mác không hề nói rằng nông nghiệp là cơ sở của mọi xã hội, mà theo Mác, chính “năng suất của lao động nông nghiệp vượt quá nhu cầu cá nhân của người lao động” mới là cơ sở của mọi xã hội. Sở dĩ như vậy là vì: lao động nông nghiệp là “thứ lao động tất yếu, cần thiết để sản sinh ra tư liệu sinh hoạt”  đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét; và vì nó là lao động tất yếu cho nền năng suất của nó phải đủ sinh lợi đến như thế nào để không thu hút hết toàn bộ lao động xã hội, và do đó khiến cho lao động thặng dư và sản xuất thặng dư có thể có được; mà chỉ có được lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư thì mới có được bất cứ sự phân công lao động xã hội nào và bất cứ nền văn minh nào. Cái được gọi là cơ sở của mọi xã hội rõ ràng không phải là bản thân nông nghiệp, cũng không phải là bản thân lao động nông nghiệp mà đúng là một mức năng suất nào đó của lao động nông nghiệp đủ làm khởi điểm cho sự xuất hiện của lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư.

Có thể nói, những đoạn văn đã dẫn là sự diễn đạt cụ thể nguyên lý của Mác nói rằng: “không có một trình độ nào đó về năng suất lao động thì chẳng có thời giờ thừa ra; không có thời giờ thừa ra thì chẳng có lao động thặng dư và do đó, chẳng có giá trị thặng dư, chẳng có sản phẩm thặng dư, chẳng có nhà tư bản, mà cũng chẳng có chủ nô, chúa phong kiến, tóm lại chẳng có giai cấp tư hữu”. “Một trình độ nào đó về năng suất lao động” được coi là “cơ sở của mọi xã hội” là với ý nghĩa như thế. Nếu như ở đoạn văn vừa dẫn, Mác nói đến “một trình độ nào đó về năng suất lao động” nói chung thì ở các đoạn văn trên kia, Người đã chỉ đích danh rằng đó là một trình độ nào đó về năng suất của lao động nông nghiệp là thứ lao động tất yếu, cần thiết để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cho toàn thể xã hội.

Nếu như nguyên lý của Mác là nói về mốc lịch sử về năng suất của lao động xã hội, cũng tức là nói về khởi điểm của lao động thặng dư  cơ sở và điểm xuất phát của mọi nền văn minh  thì nguyên lý của Lênin là nói về một thời đại kinh tế cụ thể, thời đại trong đó công nghiệp đã trở thành đòn bẩy của nền văn minh, thời đại trực tiếp “sản sinh ra” từ nền đại công nghiệp. Nguyên lý của Lênin thực ra cũng là rút ra từ các công trình nghiên cứu của Mác và Ăng-ghen, trước hết là công trình nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, đem Mác đối lập với Lênin thì cũng phi lý như là đem Mác đối lập với Mác vậy.

Trong điều kiện cụ thể của nước ta  chúng tôi nghĩ  cả nguyên lý trên đây của Mác lẫn nguyên lý trên đây của Lênin đều có ý nghĩa chỉ đạo rất lớn.

Vì năng suất của lao động nông nghiệp của nước ta chưa vượt xa cái mốc lịch sử đủ để cho phép triển khai trên quy mô lớn sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, và do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, cho nền cần phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của nông nghiệp  cơ sở để phát triển công nghiệp. Khâu chính của toàn bộ sợi dây chuyền nông nghiệp hiện nay còn phải tìm ở khu vực trồng lúa, ở năng suất của ruộng lúa, quy cho cùng là ở năng suất lao động của những người trồng lúa.

Nếu như chúng ta cần đặt nông nghiệp làm trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân trong một giai đoạn nhất định nào đó thì hoàn toàn không phải vì nó trước sau như một vẫn là cơ sở của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đặt nông nghiệp lên vị trí ấy chính là để sau này khỏi phải đặt nó lên vị trí ấy nữa. Nắm lấy việc nâng cao năng suất lao động của những người trồng lương thực làm khâu chính, chính là để vượt qua cái mốc lịch sử của “lao động tất yếu” đặng tiến lên với đôi hài ngàn dặm. Tập trung hết sức chú ý vào việc củng cố cái “bàn đạp” nông nghiệp chính là để từ đó mà nhảy được xa hơn. “Bắt đầu từ nông nghiệp” là với ý nghĩa như vậy.

Ở đây, chúng tôi không bàn toàn diện về vai trò của nông nghiệp trong cả quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra chỉ hạn chế trong phạm vi có liên quan đến bước đi của công nghiệp hóa, mà chủ yếu cũng chỉ là bước đi đầu tiên của công nghiệp hóa. Sau khi đã củng cố được cái “bàn đạp” nông nghiệp để từ đó nhảy được những bước thần kỳ vào quỹ đạo công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì vị trí của nông nghiệp trong hệ thống kinh tế quốc dân nước ta sẽ phải đặt như thế nào nữa, đó là cả một vấn đề khoa học đòi hỏi một sự nghiên cứu sâu sắc hơn. Ở đây, chỉ khẳng định một điều là: nói “nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp” chưa phải là nói toàn bộ vai trò của nông nghiệp. Nói “nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp” mới chỉ là đặt nông nghiệp trong mối quan hệ với công nghiệp và công nghiệp hóa mà nói. Là một lĩnh vực sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, nông nghiệp không phải chỉ có quan hệ với công nghiệp, cũng không phải chỉ có ý nghĩa như là cơ sở để phát triển công nghiệp. Điều này, trong khuôn khổ các vấn đề nêu ra ở đây, chúng tôi tạm thời chưa bàn đến. Việc nhấn mạnh vai trò “cơ sở” của nông nghiệp không làm cho chúng ta nhằm chệch nhiệm vụ trung tâm của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, là dựng lên cơ sở vật chất-kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội mà công nghiệp nặng là hạt nhân cơ bản đồng thời là đòn bẩy. Chúng ta không một phút nào quên rằng thời đại chúng ta đang sống là thời đại trong đó nền văn minh chỉ có thể dựa trên cơ sở của nền đại công nghiệp. Để “thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động”  như Lênin nói, để vĩnh viễn thanh toán tình trạng nghèo nàn và lạc hậu của nước ta, để xây dựng lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân nước ta bao gồm cả nông nghiệp trên cơ sở kỹ thuật hiện đại, để củng cố chế độ xã hội mới và cũng cố chuyên chính vô sản, để chiến thắng hoàn toàn và vĩnh viễn mọi kẻ thù giai cấp trong và ngoài nước, giai cấp nông dân và nhân lao động phải giành cho kỳ được chiếc chìa khóa thần là công nghiệp. Đảng ta đặt công nghiệp là ngành “chủ đạo” của nền kinh tế quốc dân, đặt công nghiệp nặng là “nền tảng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại”, và đặt công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ” là với ý nghĩa như thế. Cách đặt vấn đề như thế là xuất phát từ toàn cục của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và toàn cục của nền kinh tế quốc dân xã hội chủ nghĩa. Còn nhấn mạnh vị trí của nông nghiệp trong một giai đoạn cụ thể nào đó là thuộc về cục bộ, thuộc về bước đi cụ thể. Hai loại vấn đề không thể lẫn lộn, giống như chiến lược và sách lược không thể lẫn lộn.       

Ở phần trên, chúng ta đã xem nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu của nước ta như một trình độ phát triển rất thấp của năng suất lao động xã hội, do đó, như một trình độ phát triển rất thấp của phân công lao động xã hội. Từ đó, chúng ta đi đến kết luận: nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, trước hết là nâng cao năng suất lao động của những người trồng lương thực, là cái cơ sở quyết định nhất để từng bước mở rộng sự phân công lao động, xã hội cũng tức là từng bước mở rộng quy mô của công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa, bản thân nó là sự phân công lao động sâu sắc nhất trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội. Chính nó cũng lại đòi hỏi một trình độ phát triển nhất định của phân công lao động xã hội làm tiền đề. Một sự phân công lao động như thế, trong điều kiện cụ thể của nước ta, chỉ có thể lấy năng suất của lao động nông nghiệp là điểm xuất phát.

Để xác định rõ vai trò của nông nghiệp đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, giờ đây, chũng ta sẽ nghiên cứu nó dưới sự một giác độ khác: xem nó như một yếu tố tích lũy nguyên thủy.

Nói đến công nghiệp hóa, tức là nói đến tích lũy. Nói đến tích lũy tức là nói đến lao động thặng dư. Xây dựng và phát triển một hệ thống công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng, làm cái xương sống cho toàn bộ nền sản xuất xã hội, và dựa vào hệ thống đó mà cải tổ lại toàn bộ nền sản xuất xã hội trên cơ sở kỹ thuật hiện đại. Đó là một quá trình “góp nhặt” và “chất đống lại” một khối lượng rất lớn lao động thặng dư, tồn tại dưới hình thái tư liệu lao động. Một sự phác tính dè dặt nhất cũng đưa ta đến một đáp số khổng lồ 30 tỷ đồng Việt Nam, xem như cái giá phải trả cho việc xây dựng những cơ sở vật chất chủ yếu của nền công nghiệp, tính trong phạm vi cả nước. Cần phải thêm vào con số đó ít nhất cũng 10 tỷ đồng nữa để hiện đại hóa về cơ bản nền nông nghiệp và xây dựng một mạng lưới giao thông vận tải hiện đại với mức tối thiểu cần thiết. Một khối lượng giá trị khổng lồ như thế phải được tích lũy lại dưới hình thái hiện vật trong một khoảng thời gian lịch sử tương đối ngắn: 15-20 năm. Trong tổng số giá trị đó, khoảng một nửa sẽ mang hình thái máy móc thiết bị, nửa kia thì dành cho các chi phí xây dựng khác. Những chi phí này có thể và cần phải được thực hiện bằng sức lao động và vật tư lấy ở trong nước, nhưng những máy móc thiết bị thì lại không thể dựa một phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào để từ trong nền kinh tế nước ta tích lũy được một khối lượng lớn lao động thặng dư như thế? Lấy gì đem đi xuất khẩu để đổi về một khối lượng lớn máy móc thiết bị như thế?

Đương nhiên, chúng ta khác về bản chất so với các nước tư bản chủ nghĩa. Để tiến hành công nghiệp hóa, các nước này đã từng thực hiện sự tích lũy nguyên thủy bằng bóc lột và cướp bóc cực kỳ tàn nhẫn nhân dân lao động ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta chỉ có thể tích lũy bằng sự lao động sáng tạo của bản thân nhân dân nước ta, và một phần, bằng sự giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Chúng ta cũng khác rất nhiều so với phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ở các nước này, sự phát triển trong chừng mực nào đó của chủ nghĩa tư bản trước khi giai cấp công nhân giành được chính quyền đã tạo ra một sự tích lũy với quy mô ít nhiều quan trọng. Với những vốn liếng đầu tiên ấy, công cuộc công nghiệp hóa có thể tiến hành tương đối thuận lợi. Nền sản xuất ở các nước này cũng đã có được một khả năng tích lũy ít nhiều quan trọng, với một số cơ sở công nghiệp, một số phương tiện kỹ thuật hiện đại và một trình độ phát triển nhất định của phân công lao động xã hội. Nhìn vào tỷ trọng của công nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm công nông nghiệp khi giai cấp công nhân lên cầm quyền, chúng ta cũng có thể có được một ý niệm về sự so sánh. Ở nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số những nước nói trên, tỷ trọng đó cũng đạt tới 25%. Không có nước nào mà tỷ trọng đó chỉ đạt có 10% (năm 1939) hay 5% (năm 1955) như ở nước ta (chỉ kể riêng miền Bắc)! Nhìn chung, cái di sản mà chúng ta kế thừa của chế độ cũ chỉ là một nền kinh tế nông nghiệp chưa vượt khỏi cửa ải lương thực. Cái đã tích lũy được về mặt tư liệu lao động thì nhỏ bé, tản mạn, hầu như không đáng kể, ngoài một số rất ít cơ sở công nghiệp và mấy tuyến đường sắt. Tình hình này đã được cải biến khá nhiều sau 10 năm xây dựng trong hòa bình. Tuy nhiên, khả năng tích lũy của nền sản xuất nước ta vẫn còn rất hạn chế. Không tăng nhanh được khả năng ấy và nhờ đó, tăng nhanh khối lượng tích lũy, thì không có cách gì thực hiện được công nghiệp hóa trong khoảng thời gian nói trên.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tích lũy và tiêu dùng tuy không có mâu thuẫn đối kháng như dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, tuy có cùng một mục đích là nâng cao không ngừng mức sống của nhân dân lao động, song, hai thứ quỹ đó vẫn là hai bộ phận chế ước lẫn nhau của cùng một đại lượng: thu nhập quốc dân. Mâu thuẫn giữa hai quỹ đó là mẫu thuẫn giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt của nhân dân lao động. Chỉ có căn cứ vào những điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước, về kinh tế – xã hội cũng như về chính trị, người ta mới xác định được hợp lý lượng tương đối của chúng. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, thông thường, tỷ lệ dành cho tích lũy là 20-25%, và dành cho tiêu dùng là 80-75%. Trong một số năm cá biệt của thời kì công nghiệp hóa, tỷ lệ dành cho tích lũy ở một số nước xấp xỉ lên tới 30%. Tuy nhiên, nếu từ những số liệu mang con dấu riêng biệt của những điều kiện lịch sử riêng biệt này mà rút ra một nguyên tắc phố biến nào đó về tỷ lệ của tích lũy thì thật là sai lầm.

Nói chung, khối lượng của tích lũy bị giới hạn bởi khối lượng của sản phẩm thặng dư mà nó là một bộ phận  bộ phận quan trọng nhất. Khối lượng của sản phẩm thặng dư, đến lượt nó, bị giới hạn bởi khối lượng của sản phẩm tất yếu. Cả hai bộ phận này bị giới hạn trong khuôn khổ của sản phẩm ròng mà giá trị của nó tạo thành thu nhập quốc dân. Với một năng suất lao động xã hội nhất định, người ta chỉ có thể tạo ra một khối lượng sản phẩm ròng nhất định. Với một khối lượng sản phẩm ròng nhất định, trước tiên người ta phải dành cho tiêu dùng một bộ phận ít ra cũng bằng sản phẩm tất yếu, ngoài ra, mới tính được đến chuyện tích lũy. Một nền sản xuất lạc hậu, vất vả lắm mới nuôi sống nổi dân cư của mình, vất vả lắm mới bảo đảm nổi khối lượng sản phẩm tất yếu, nền sản xuất ấy không thể cho ta một tỷ lệ tích lũy nào cả, càng không thể cho ta một tỷ lệ tích lũy giống như một nền sản xuất đã đạt đến một năng suất lao động cao hơn.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm tích lũy với mức cao nhất, người ta có thể và buộc phải tạm thời hạn chế mức tiêu dùng cá nhân của nhân dân. Tuy nhiên, sự hạn chế đó không phải là không có giới hạn. Giới hạn của tiêu dùng cá nhân không phải chỉ do những nhu cầu đơn thuần sinh lý  nhu cầu của sự sống  đòi hỏi. Trên một mức độ rất lớn, tiêu dùng cá nhân của người lao động có ý nghĩa sản xuất trực tiếp: nó tái tạo và bồi bổ sức lao động  yếu tố quan trọng nhất của sản xuất. Trong một nền sản xuất phát triển, đỏi hỏi một cường độ lao động cao (về thể lực hay là về thần kinh) thì mức tiêu dùng cao của người lao động là một điều kiện tất yếu của bản thân sản xuất. Việc hạn chế mức tiêu dùng cá nhân, vì vậy, không thể vượt quá giới hạn đó, nếu không muốn làm tổn hại đến sản xuất, trực tiếp là tổn hại đến cường độ lao động và năng suất lao động. Ngoài ra, còn phải tính đến những yếu tố chính trị – xã hội: chế độ xã hội chủ nghĩa, một khi được thiết lập, không thể không đem lại những cải thiện trực tiếp và ngày càng lớn đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Sự trì hoãn việc nâng cao mức sống của nhân dân nếu là cần thiết thì cũng chỉ có thể coi là hoàn toàn có tính chất tạm thời.

Với một mức tiêu dùng cá nhân đã được xác định, người ta có thể hạn chế tốc độ tăng của quỹ tiêu dùng xã hội. Tuy nhiên, sự hạn chế này cũng có giới hạn nhất định. Dù thế nào, nó cũng phải bảo đảm cho quỹ tiêu dùng xã hội một tốc độ tăng hàng năm ít nhất cũng bằng mức tăng của dân số. Nếu không thì mức sống của nhân dân sẽ bị hạ thấp.

Như vậy, tạm thời hạn chế tiêu dùng để bảo đảm tích lũy với mức cao nhất, tuy là biện pháp cấp thiết trong thời kỳ công nghiệp hóa, song, không thể là biện pháp cơ bản được. Sự hạn chế đó vấp phải những giới hạn nghiêm ngặt, vượt quá giới hạn đó sẽ không tránh khỏi những tác hại nghiêm trọng về kinh tế cũng như về chính trị.

Một mặt vấp phải những giới hạn của tiêu dùng, mặt khác lại bị hạn chế trong khuôn khổ của thu nhập quốc dân, tích lũy ở vào cái thế giống như bị kẹp giữa hai gọng kìm vậy. Lối thoát là ở chỗ nào? Làm thế nào tăng nhanh được thích lũy mà vẫn bảo đảm cho tiêu dùng, nếu không thường xuyên tăng lên thì ít nhất cũng giữ nguyên được mức cũ, ít nhất cũng không bị lấn quá những giới hạn tối thiểu do nhu cầu về sinh lý và về sản xuất quy định? Để làm rõ về vấn đề này, chúng ta cần trở lại những luận điểm của Mác về giá trị thặng dư giá trị thặng dư tuyệt đối cũng như giá trị thặng dư tương đối. Gạt bỏ bản chất xã hội  bản chất tư bản chủ nghĩa  của các hiện tượng này ra một bên, chúng ta sẽ thấy được con đường của tích lũy nói chung và của tích lũy xã hội chủ nghĩa nói riêng đã được vạch ra qua học thuyết của Mác như thế nào.

Trước hết, cần nhận rõ ý nghĩa lịch sử của lao động thặng dư: “Không có một trình độ nào đó về năng suất lao động thì chẳng có thời giờ thừa ra; không có thời giờ thừa ra thì chẳng có lao động thặng dư và do đó chẳng có giá trị thặng dư, chẳng có sản phẩm thặng dư, chẳng có nhà tư bản mà cũng chẳng có chủ nô, chúa phong kiến, tóm lại chẳng có giai cấp tư hữu. Hai là, trên cơ sở của lao động thặng dư  bất kể lao động thặng dư đó được thực hiện dưới hình thái nào  mà nền văn minh của loài người đã được dựng lên và ngày càng tiến triển.

Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, lao động thặng dư được thực hiện dưới hình thái giá trị thặng dư. Mác phân biệt hai phương pháp bóp nặn giá trị thặng dư: giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối. Ông viết:

“Tôi gọi là giá trị thặng tuyệt đối, cái giá trị thặng dư do chỉ đơn thuần kéo dài ngày lao động ra mà có được, và gọi là giá trị thặng dư tương đối, cái giá trị thặng dư mà trái lại, có được là do rút ngắn thời gian lao động tất yếu và do sự thay đổi tương xứng trong lượng tương đối của hai phần hợp thành ngày lao động”.

“Giá trị thặng dư tương đối tăng lên theo tỷ lệ thuận với sự phát triển của năng suất lao động”.

“Việc sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối chỉ ảnh hưởng đến thời gian lao động thôi, còn việc sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối thì lại làm biến đổi hoàn toàn các biện pháp kỹ thuật và các kết hợp xã hội của lao động. Như vậy là nó phát triển cùng với phương thức sản xuất thật sự tư bản chủ nghĩa”.

Cả hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư đều có cùng một cơ sở: thời gian lao động tất yếu phải được rút ngắn lại khiến cho nó chỉ còn là một bộ phận của ngày lao động chứ không phải là toàn bộ ngày lao động. Với điều kiện ấy thì chỉ bản thân việc kéo dài ngày lao động ra quá thời hạn tất yếu mới có thể có được.

Thời gian lao động tất yếu là thời gian lao động sản xuất ra những sản phẩm cần thiết để nuôi sống và tái sản xuất ra bản thân người lao động. Chỉ khi nào năng suất của lao động đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định thì thời gian lao động tất yếu mới được rút ngắn lại thành một phần của ngày lao động. Trong điều kiện năng suất lao động cao thấp khác nhau trong những điều kiện thiên nhiên và lịch sử khác nhau, thì thời gian lao động tất yếu cũng dài ngắn khác nhau. Mác viết:

“Số lượng nhu cầu tự nhiên cần phải thỏa mãn càng ít, đất càng tốt một cách tự nhiên và khí hậu càng thuận lợi, do đó mà thời gian lao động tất yếu cần cho việc nuôi sống và tái sản xuất ra người sản xuất lại càng ít, thì lao động của người đó làm cho kẻ khác càng có thể vượt quá lao động của người đó làm cho mình”.

“Với khí hậu ít hay nhiều thuận lợi, với chất màu mỡ của đất ít hay nhiều ngẫu nhiên, v.v…., số lượng những nhu cầu cấp thiết nhất và những cố gắng cần có để thỏa mãn những nhu cầu ấy, cũng sẽ quan trọng ít hay nhiều, thành ra trong những điều kiện tương tự, thời gian lao động tất yếu sẽ khác nhau trong các xứ khác nhau; nhưng lao động thặng dư thì chỉ có thể bắt đầu ở điểm mà lao động tất yếu chấm dứt. Như vậy, các ảnh hưởng vật lý  ảnh hưởng quyết định lượng tương đối của lao động tất yếu – vạch một giới hạn tự nhiên cho lao động thặng dư. Công nghiệp càng tiến triển thì cái giới hạn tự nhiên đó càng lùi lại”.

“Những nhu cầu tự nhiên như thức ăn, quần áo, nhà ở, v.v… thì khác nhau, tùy theo khí hậu và những đặc điểm tự nhiên khác của một nước. Mặt khác, ngay những nhu cầu mà người ta gọi là nhu cầu tự nhiên cũng như phương thức thỏa mãn nhu cầu ấy, là một sản vật lịch sử, và do đó, một phần lớn là tùy theo trình độ văn minh đã đạt được”.

Điều kiện thiên nhiên không những có ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người sản xuất mà cả đến năng suất lao động của họ. Đồng thời với việc làm tăng hay giảm số lượng những nhu cầu tiêu dùng cá nhân của người sản xuất, nó có thể làm tăng hay giảm cả năng suất lao động của họ. Từ hai phía đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến độ dài của thời gian lao động tất yếu. Tuy nhiên, yếu tố quyết định nhất đối với độ dài của thời gian lao động tất yếu vẫn là năng suất lao động. Trong những điều kiện thiên nhiên trước sau không có những biến đổi gì lớn, thời gian lao động tất yếu vẫn có thể không ngừng rút ngắn lại nhờ ở năng suất lao động được nâng cao, nói cụ thể hơn, nhờ ở việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến hơn làm cho năng suất của lao động được nâng cao.

Song, không phải việc nâng cao năng suất của bất cứ thứ lao động nào cũng đều dẫn tới kết quả rút ngắn được thời gian lao động tất yếu. Kết quả đó chỉ xảy ra khi nào việc nâng cao năng suất lao động diễn ra trong những ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho những người lao động. Mác viết:

“Muốn cho việc nâng cao năng suất lên làm cho giá trị sức lao động (giá trị sức lao động là biểu hiện của giá trị sản phẩm tất yếu dưới chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa – T.P.) hạ thấp xuống thì việc đó phải được thực hiện trong những ngành công nghiệp sản xuất ra những sản phẩm quyết địng giá trị sức lao động đó, nghĩa là những ngành công nghiệp cung cấp hoặc những hàng hóa cần thiết cho đời sống công nhân, hoặc những tư liệu để sản xuất ra những hàng hóa đó. Việc tăng năng suất lao động, trong khi làm cho giá cả những hàng hóa đó giảm xuống thì đồng thời cũng làm cho giá trị của sức lao động hạ xuống. Ngược lại, trong những ngành công nghiệp không cung cấp những tư liệu sinh hoạt, cũng không cung cấp những yếu tố vật chất của những tư liệu sinh hoạt đó, thì năng suất tăng lên cũng không làm ảnh hưởng gì tới giá trị của sức lao động cả”.

Từ những luận điểm đã dẫn của Mác về giá trị thặng dư, chúng ta có thể rút ra những kết luận gì có ý nghĩa chỉ đạo đối với vấn đề tích lũy xã hội chủ nghĩa đang bàn ở đây?

1- Điều cần phải khẳng định truớc hết là ý nghĩa của lao động thặng dư. Đương nhiên, một khi chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa đã được thiết lập thì toàn bộ ngày lao động của người công nhân đều là lao động cho mình, đều là lao động tất yếu xét theo bản chất xã hội của nó. Vì vậy, phạm trù lao động thặng dư không còn cơ sở để tồn tại nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà sản phẩm của ngày lao động không chia ra làm hai bộ phận. Vì lợi ích của bản thân người lao động, nó vẫn phải chia ra làm hai bộ phận, căn cứ vào hai mục đích sử dụng khác nhau: một bộ phận dành cho tiêu dùng trước mắt, còn một bộ phận dành cho tích lũy (không kể một tỷ lệ nhỏ dành cho quỹ dự trữ). Hai bộ phận này, về đại thể tương ứng với sản phẩm tất yếu và sản phẩm thặng dư trong những xã hội dựa trên chế độ người bóc lột người. Chúng tôi nói “Về đại thể” là vì: dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quỹ tiêu dùng không chỉ giới hạn ở sản phẩm tất yếu, không chỉ giới hạn ở việc nuôi sống và tái sản xuất ra bản thân người sản xuất. Nó còn có nhiệm vụ cao quý là nâng cao không ngừng đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động, như quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội quy định. Như vậy, sản phẩm tất yếu chỉ có thể là mức tối thiểu, hay là yếu tố cơ bản của quỹ tiêu dùng, chứ không thể là toàn bộ quỹ tiêu dùng của xã hội xã hội chủ nghĩa. Song, dù cho quỹ tiêu dùng có vượt quá giới hạn của sản phẩm tất yếu đến mức nào đi nữa thì nó không bao giờ được phép nuốt hết toàn bộ sản phẩm hay thu nhập quốc dân. Một bộ phận quan trọng ít hay nhiều của sản phẩm lao động phải được dành ra để tích lũy cũng tức là để mở rộng tái sản xuất. Không có bộ phận này thì ngay đến mức tiêu dùng bình thường cho số dân cư mới tăng thêm hàng năm cũng không bảo đảm được, nói gì đến nâng cao mức tiêu dùng của dân cư nói chung. Lao động sản xuất ra bộ phận sản phẩm này, xét theo bản chất xã hội của nó phải được tính là “lao động tất yếu” lao động cho mình. Tuy nhiên, nó không thể là thứ lao động tất yếu hiểu theo nghĩa là bộ phận ngày lao động chỉ đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cần thiết cho ngưới sản xuất, chỉ đủ đảm bảo nuôi sống và tái sản xuất ra bản thân người sản xuất. Nó phải là bộ phận lao động vượt quá mức tất yếu này. Nói cho đúng thì nó phải là bộ phận lao động mà xã hội có khả năng thực hiện thừa ra, ngoài số cần thiết để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trước mắt  bất kể là quỹ tiêu dùng trước mắt chỉ mới hạn chế ở mức tất yếu hay là đã vượt xa mức đó rồi. Theo ý nghĩa đó thì nó phải là lao động thặng dư.

Trong bài này, chúng tôi dùng khái niệm lao động tất yếu và lao động thặng dư, sản phẩm tất yếu và sản phẩm thặng dư khi nói về chủ nghĩa xã hội, là với điều kiện trừu tượng hóa nội dung xã hội cũ của các khái niệm đó. Ở đây, “Tất yếu” và “ Thặng dư” không còn là biểu hiện của mối quan hệ đối kháng giữa kẻ bị bóc lột với kẻ đi bóc lột nữa. Sự phân biệt giữa hai khái niệm chỉ là ở sự khác nhau về phương thức sử dụng và thời gian sử dụng số sản phẩm của mỗi phần ngày lao động. Lao động tất yếu là bộ phận ngày lao động cần thiết để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trước mắt mà mức tối thiểu là đủ để nuôi sống và tái sản xuất ra bản thân người lao động. Lao động thặng dư là bộ phận ngày lao động vượt quá thời gian lao động tất yếu, vượt quá nhu cầu tiêu dùng trước mắt, và do đó có thể tích lũy lại, có thể đem dùng vào các công việc khác ngoài việc nuôi sống người sản xuất. Gạt bỏ nội dung xã hội cũ của các khái niệm này đi thì sự phân chia ngày lao động ra thành hai bộ phận  tất yếu và thặng dư  chỉ còn là sự phân chia mang tính tất yếu khách quan, xuất phát từ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của người sản xuất cũng như của nền sản xuất nói chung. Thật vậy, người ta sẽ không thể mở mang được gì cả và do đó, không thể vươn lên được nếu nền sản xuất, dù là xã hội chủ nghĩa đi nữa (đứng về bản chất xã hội của nó mà nói), vẫn không đủ sức để thừa ra một chút sản phẩm nào ngoài việc đảm bảo một mức sống tối thiểu cần thiết cho dân cư. Hậu quả cũng vẫn như vậy, nếu người ta tiêu dùng ngay toàn bộ số sản phẩm làm ra, cũng tức là biến toàn bộ ngày lao động thành thời gian lao động tất yếu. Có thể nói “không có một trình độ nào đó về năng suất lao động thì chẳng có thời giờ thừa ra; không có thời giờ thừa ra thì chẳng có lao động thặng dư”, do đó chẳng có tích lũy xã hội chủ nghĩa, chẳng có công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, cũng chẳng có chủ nghĩa xã hội. Làm thế nào để cung cấp được một khối lượng lớn và ngày càng lớn lao động thặng dư, đó chính là một vấn đề then chốt của toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

2_ Muốn cung cấp được lao động thặng dư thì người lao động phải có được một năng suất tối thiểu như thế nào khiến cho thời gian lao động tất yếu để nuôi sống anh ta rút lại chỉ còn là một phần ngày lao động thôi. Nhìn vào nền sản xuất tư bản chủ nghĩa – nền sản xuất lấy việc sản xuất ra giá trị thặng dư làm “quy luật tuyệt đối”  ta thấy chính việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu của người công nhân thành một phần của ngày lao động là điều kiện tiền đề của việc sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối  “cơ sở chung cho chế độ tư bản chủ nghĩa và là điểm xuất phát để sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối”. Cũng chính việc thu hẹp hơn nữa thời gian lao động tất yếu của người công nhân đã trở thành mục tiêu của chủ nghĩa tư bản trong việc sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối là hình thái ngày càng “phát triển cùng với phương thức sản xuất thật sự tư bản chủ nghĩa”. Điều đó nói lên việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu của công nhân có ý nghĩa to lớn như thế nào đối với nền văn minh tư bản chủ nghĩa, kể từ khi dựng nền móng đầu tiên của nó được dựng lên cho đến mỗi bước đi lên sau này.

Một nền sản xuất càng lạc hậu thì thời gian lao động tất yếu càng chiếm một khoảng dài hơn trong ngày lao động, do đó, việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu càng có ý nghĩa cấp thiết, càng có ý nghĩa sinh tử. Vươn lên được hay không, vươn lên nhanh hay chậm, trước hết là tùy việc giải quyết vấn đề đó. Chủ nghĩa tư bản đã từng kéo dài ngày lao động của công nhân đến 15-16 tiếng. Bằng cách đó, nó vẫn thu được một lượng lao động thặng dư (và do đó, giá trị thặng dư) tương đối lớn trong điều kịên năng suất lao động tương đối thấp, cũng tức là trong điều kiện lao động tất yếu để nuôi sống người công nhân còn chiếm một thời gian tương đối dài. Việc kéo dài vô độ ngày lao động, cái mà Mác gọi là “sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối, đã từng chiếm ưu thế trong một thời kỳ lịch sử – thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản. Chỉ từ khi phong trào đấu tranh của công nhân buộc giai cấp tư sản phải định một giới hạn cho ngày lao động thì việc sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối mới trở thành hướng phấn đấu chủ yếu của chúng.

Vì bản chất của nó, chủ nghĩa xã hội tuyệt đối không thể đi theo con đường kéo dài vô độ ngày lao động được, ngay cả trong trường hợp năng suất của lao động tương đối thấp. Ngày lao động 8 tiếng đã được pháp luật công nhận ngay sau khi giai cấp công nhân lên cầm quyền. Ngày lao động ấy nếu có được kéo dài ra trong chừng mực nào đó và trong một số trường hợp nào đó do nhiệt tình của những người lao động có ý thức sâu sắc về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thì tình hình ấy cũng không thể kéo dài mãi được.

Như vậy, trong điều kiện ngày lao động đã được giới hạn (và giới hạn này phải tiến tới chỗ thu hẹp lại hơn nữa), muốn có được một khối lượng lớn và ngày càng lớn lao động thặng dư, chỉ có một con đường: phấn đấu để rút ngắn thời gian lao động tất yếu lại. Có thể nói, cái việc mà giai cấp tư sản làm cho lợi ích ích kỷ của chúng trong việc sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối thì xã hội xã hội chủ nghĩa phải dốc sức làm gấp đôi gấp ba lần, vì lợi ích chung của những người lao động. Đối với chủ nghĩa xã hội, phương pháp sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối, có thể nói, là phương pháp thích hợp nhất để tích lũy.

Như ở đoạn trên đã trình bày, quỹ tiêu dùng của xã hội xã hội chủ nghĩa không phải chỉ giới hạn ở sản phẩm của lao động tất yếu. Sản phẩm của lao động tất yếu chỉ là giới hạn tối thiểu hay yếu tố cơ bản của quỹ tiêu dùng. Sản phẩm của lao động thặng dư, vì vậy, có thể không tham gia toàn bộ vào quỹ tích lũy. Một bộ phận của nó có thể bị khấu trừ đi để sáp nhập vào quỹ tiêu dùng. Điều đó không làm thay đổi kết luận nói rằng thời gian lao động tất yếu rút ngắn lại thì thời gian lao động thặng dư càng được kéo dài ra một cách tương ứng và do đó, tỷ lệ của tích lũy càng có thể tăng lên mà vẫn không làm cho mức sống của nhân dân hạ thấp xuống nếu không phải là được nâng lên không ngừng.

Như vậy, bằng con đường mà chủ nghĩa tư bản áp dụng để sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối – rút ngắn thời gian lao động tất yếu để từ đó, kéo dài một cách tương ứng thời gian lao động thặng dư – người ta có thể tăng nhanh được tích lũy cả về khối lượng tuyệt đối lẫn tỷ lệ, mà không phải kéo dài quá mức ngày lao động, thậm chí có thể rút ngắn hơn nữa ngày lao động, đồng thời vẫn bảo đảm được cho nhân dân lao động một mức sống nếu tạm thời chưa được nâng cao nhiều thì ít nhất cũng bằng mức cũ. Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của bản thân những người lao động, vì lợi ích lâu dài và cơ bản của họ mà tiến hành sản xuất ra “giá trị thặng dư tương đối” như thế thì có gì là trái với bản chất của chủ nghĩa xã hội? Chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của bản thân những người lao động, chẳng đã từng áp dụng những hình thức vốn là hình thức bóc lột của chủ nghĩa tư bản như tiền lương tính theo sản phẩm, tín dụng, lợi tức, lợi nhuận… đó sao?

3- Muốn rút ngắn thời gian lao động tất yếu, khiến cho nó không còn thu hút hết ngày lao động nữa, thì năng suất của lao động phải đạt tới một trình độ nhất định. Muốn cho thời gian lao động tất yếu ngày càng rút ngắn lại thì năng suất của lao động phải được nâng lên không ngừng. Tuy nhiên, không phải nâng cao năng suất của bất cứ thứ lao động nào cũng đều có tác dụng rút ngắn thời gian lao động tất yếu (thời gian lao động tất yếu đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét). Chỉ trong những ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho đời sống của nhân dân lao động hoặc trong những ngành sản xuất ra những tư liệu cần thiết để sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt ấy thì việc nâng cao năng suất của lao động mới có được tác dụng đó. Nâng cao năng suất của lao động trong ngành sản xuất vũ khí chẳng hạn, rõ ràng là chẳng có tác dụng gì đối với việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu đã nuôi sống và tái sản xuất ra người lao động. Cũng có thể nói như vậy hoặc gần như vậy, nếu việc nâng cao năng suất của lao động diễn ra trong những ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất để dùng vào việc sản xuất ra tư liệu sản xuất. Các ngành này muốn gây tác dụng đối với thời gian lao động tất yếu thì phải thông qua nhiều khâu trung gian và nói chung phải trải qua một thời gian tương đối dài. Trái lại, ở những ngành sản xuất lương thực và thực phẩm chẳng hạn, nếu năng suất lao động được nâng lên, thì lập tức nó làm cho thời gian lao động tất yếu được rút ngắn lại một cách tương ứng. Giả định thời gian sản xuất lương thực và thực phẩm cần thiết chiếm hết 2/3 thời gian lao động tất yếu xã hội, như vậy, nếu năng suất lao động của những người này mà nâng lên gấp đôi thì thời gian lao động tất yếu xã hội sẽ rút ngắn được 1/3.

Với những sự phân tích trên đây, chúng ta đã lần qua các khâu trung gian để cuối cùng nắm lấy cái khâu chính trong toàn bộ sợi dây chuyền của tích lũy. Muốn tăng nhanh tích lũy để công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì phải tạo ra được một khối lượng rất lớn và ngày càng lớn lao động thặng dư. Muốn tạo ra được một khối lượng ngày càng lớn lao động thặng dư trong điều kiện ngày lao động đã được giới hạn thì phải làm cho thời gian lao động tất yếu – đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét – ngày càng rút ngắn lại. Cuối cùng, muốn làm cho thời gian lao động tất yếu ngày càng rút ngắn lại thì phải không ngừng nâng cao năng suất lao động của những người sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho việc tái sản xuất ra bản thân những người sản xuất. Năng suất lao động của những ngành này phải được nâng cao trước nhất khiến cho xã hội chỉ phải bỏ ra một khối lượng lao động (lao động tất yếu) và một bộ phận dân cư ngày càng nhỏ để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt. Có như thế thì mới dành ra được một bộ phận lao động (lao động thặng dư) và một bộ phận dân cư ngày càng lớn để mở mang công nghiệp.

Nói đến công nghiệp hóa thì trước hết là nói đến mở mang công nghiệp nặng nhưng như thế không có nghĩa là trong bước đi cụ thể, nhất thiết người ta phải lao ngay vào công nghiệp nặng với tất cả vốn liếng của mình. Ở một nước mà thời gian lao động tất yếu còn choán mất gần hết ngày lao động xã hội như ở nước ta, nếu lao ngay vào công nghiệp nặng với tất cả vốn liếng của mình thì lấy gì để ngay trước mắt, nâng cao năng suất lao động của những ngành có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu? Mà nếu không rút ngắn được thời gian lao động tất yếu trong một thời kỳ ngắn nhất thì tuyệt đối không thể tăng nhanh được tích lũy, do đó, không thể thực hiện được công nghiệp hóa với tốc độ cao. Đương nhiên, công nghiệp một khi được xây dựng lên thì nó có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng suất lao động trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Và cũng chính vì ý nghĩa đó mà chúng ta coi nó là nền tảng chủ yếu, là ngành chủ đạo của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nhưng, trước khi xây dựng lên và để có thể xây dựng lên được thì công nghiệp đã đòi hỏi một trình độ nào đó về năng suất lao động trong những ngành quyết định thời gian lao động tất yếu. Vậy là việc nâng cao năng suất lao động ở những ngành này phải đóng vai trò mở đường cho công nghiệp, trước khi công nghiệp phát huy được tác dụng trở lại của nó. Lao động bỏ vào việc xây dựng công nghiệp nói chung và công nghiệp nặng nói riêng cũng như lao động bỏ vào việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồ sộ tương ứng với nó, chỉ có thể là lao động thặng dư, chứ không thể là lao động tất yếu. Vì vậy lao động bỏ vào xây dựng công nghiệp chỉ có thể là kết quả của việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu xã hội, kết quả của việc nâng cao năng suất lao động trong những ngành quyết định thời gian lao động tất yếu xã hội. Để nâng cao năng suất lao động trong những ngành này, chúng ta phải tận dụng khả năng khai thác tiềm lực sẵn có của công nghiệp, chúng ta phải dựa vào công nghiệp. Nhưng, để tạo ra chính cái tiềm lực ấy, để tạo ra chính cái chỗ dựa ấy, để không ngừng tăng cường cái tiềm lực ấy, không ngừng tăng cường cái chỗ dựa ấy, phải tác động trước hết vào cái vương quốc của lao động tất yếu, bắt nó phải thu hẹp lại – và tác động với tất cả sức mạnh đã đạt được của nền công nghiệp.

Hiện nay, ở nước ta, ngành nào là ngành quyết định thời gian lao động tất yếu toàn xã hội? Rõ ràng, đó là nông nghiệp. Quỹ tiêu dùng của nhân dân ta hiện nay phần lớn (ít nhất cũng là 2/3) là do lương thực và thực phẩm cấu thành  những tư liệu sinh hoạt lấy từ nguồn gốc công nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ bé. Tuy vậy, để sản xuất ra khối lượng lương thực và thực phẩm gần như chưa vượt quá mức tối thiểu cần thiết ấy, chúng ta đã phải dành cho nông nghiệp tới 4/5 tổng số nhân khẩu lao động (số liệu năm 1960). Nếu tạm coi lao động nông nghiệp là toàn bộ lao động tất yếu của xã hội thì riêng lao động đó đã hút hết 4/5 tổng số lao động xã hội!

Công nghiệp nhẹ tuy cũng là ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, nhưng lượng lao động mà nó cung cấp (dưới hình thái sản phẩm ròng) chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ bé trong tổng số lao động gọi là tất yếu. Hơn nữa, bản thân sự phát triển của nó cũng còn đang phụ thuộc vào khối lượng lao động thặng dư mà công nghiệp có khả năng cung cấp.

Một số ngành công nghiệp khai thác như đánh cá biển, khai thác rừng, khai thác than … cũng tham gia vào việc quyết định thời gian lao động tất yếu, trong chừng mực mà những sản phẩm do chúng cung cấp trực tiếp tham gia vào quỹ tiêu dùng. Song, cũng giống như công nghiệp nhẹ, những ngành này phụ thuộc vào thời gian lao động thặng dư nhiều hơn là có khả năng đóng góp gì vào việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu.

Nông nghiệp đã là ngành quyết định thời gian lao động tất yếu xét trong phạm vi toàn xã hội thì việc nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp rõ ràng là nguồn đầu tiên của lao động thặng dư, là nguồn đầu tiên của tích lũy. Hơn nữa, nó còn là nguồn tích lũy to lớn nhất, cơ bản nhất. Đối với một nước lấy nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu là điểm xuất phát để tiến hành công nghiệp hóa  và tiến hành công nghiệp hóa bằng lực lượng của bản thân mình là chính  đối với một nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, còn có nguồn tích lũy nguyên thủy nào khác hơn, to lớn hơn và cơ bản hơn?

Hết thảy những người lao động trong công nghiệp, trong giao thông vận tải, trong kiến trúc, một khi đã đạt đến trình độ năng suất lao động nào đó thì đều cung cấp được lao động thặng dư, trên cơ sở thu hẹp thời gian lao động tất yếu của mình thành một phần của ngày lao động. Và lao động thặng dư của họ cũng đều nhập vào nguồn tích lũy chung của xã hội như muôn ngàn dòng suối nhỏ chảy vào dòng sông lớn. Nhưng, như chúng ta đã biết, đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét thì chỉ có thứ lao động nào sản xuất ra tư liệu sinh hoạt mới được coi là lao động tất yếu. Thứ lao động đó ở nước ta hiện nay chủ yếu là lao động nông nghiệp. Các thứ lao động khác, muốn tiến hành được và tiến hành với quy mô như thế nào đều phải dựa vào khối lượng lao động thặng dư nông nghiệp. Chính vì ý nghĩa đó mà nông nghiệp được coi là yếu tố tích lũy nguyên thủy, và việc nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp được coi là nguồn tích lũy nguyên thuỷ. Chỉ trên cơ sở của nguồn tích lũy đó, các ngành lao động khác mới nảy sinh ra được. Và chỉ sau khi đã đứng vững được rồi, các ngành này mới có thể đem dòng nước nguồn của nó góp vào dòng sông lớn của tích lũy do nông nghiệp đã khai sơn phá thạch mà khơi ra.

Nông nghiệp đã từng giành được “chiến công đầu” đó trong lịch sử của nền sản xuất xã hội, khi nó cho phép thủ công nghiệp tung cánh bay ra từ trong lòng nó để sống một cuộc sống độc lập. Cuộc đại phân công lao động xã hội lần thứ hai đã diễn ra như thế, trên cơ sở của lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư nông nghiệp. Ngày nay, ở nước ta, trong cuộc phân công lao động xã hội lớn nhất trong lịch sử này, trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa này, kẻ sẽ giành được “chiến công đầu” đó cũng chẳng phải ai khác ngoài nông nghiệp.

Có một số người khi nghĩ đến tích lũy thì nghĩ ngay đến những ngành sản xuất mà ở đó ngày lao động cung cấp được một tỷ lệ tương đối lớn lao động thặng dư. Trong số những ngành này, công nghiệp nhẹ đứng hàng đầu. Cách nhìn này không phải là không có căn cứ. Song, trong điều kiện mà ngày lao động đã bị giới hạn và thời gian lao động tất yếu đang chiếm hầu hết ngày lao động đó, thì nguồn tích lũy đầu tiên không phải là bất cứ ngành nào cung cấp được nhiều lao động thặng dư mà là ngành nào có tác dụng rút ngắn được lao động tất yếu đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét. Công nghiệp nhẹ cung cấp được nhiều lao động thặng dư (vì kỹ thuật hiện đại, chu chuyển nhanh, vốn đầu tư tương đối ít…), song, bản thân nó lại chỉ có thể ra đời và phát triển trên cơ sở của lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư nông nghiệp  ít nhất là trong tình hình trước mắt. Nếu lao động nông nghiệp được coi là lao động tất yếu của xã hội mà thu hút hết đến 80% ngày lao động xã hội thì công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng, giao thông vận tải, v.v…dù có khả năng sinh lợi đến mức nào, cũng không thể sử dụng quá 20% ngày lao động xã hội còn lại. Lao động thặng dư chỉ có thể bắt đầu ở điểm mà lao động tất yếu chấm dứt. Vì vậy, các ngành sản xuất khác chỉ có thể vận động trong khoảng thời gian lao động mà ngành nông nghiệp có khả năng giải thoát ra khỏi công việc tìm kiếm cái ăn, cái mặc.

Người ta sẽ vặn lại rằng: tại sao lại không thể thông qua ngoại thương để giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm, trên cơ sở đó mà phát triển mạnh những ngành có năng suất lao động cao, kiếm được nhiều lời qua con đường xuất khẩu? Ý kiến này không đúng vì nhiều lẽ:

1- Nó đặt sự phát triển của nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào một thị trường ngoài nước rất bấp bênh. Trong tình hình mà tốc độ tăng của sản xuất lương thực trên thế giới thường xuyên lạc hậu rất xa so với mức tăng của dân số thì ý kiến dựa vào nguồn lương thực nước ngoài chỉ là “bắc nước chờ gạo người”. Phần lớn số “gạo người” này lại nằm trong tay mấy nước đế quốc lớn hoặc phụ thuộc vào đế quốc (Mĩ, Úc, Canada, Pháp, Thái Lan, Miến Điện…). Một khi cái dạ dày của anh đã trao vào tay bọn kẻ cướp rồi thì cả cái đầu của anh cho đến toàn bộ con người của anh cũng không còn là của anh nữa. Ấn Độ chẳng phải đã cho ta một tấm gương phản diện điển hình đó sao?

2- Bản thân việc đặt sự phát triển của nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào thị trường ngoài nước xét riêng về mặt kinh tế, cũng đã là bất hợp lý và bất lợi rồi. Công nghiệp và nông nghiệp là hai ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội. Nói phát triển cân đối, chủ yếu và trước hết là nói cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển chậm chạp, lạc hậu thì làm sao thúc đẩy được công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân phát triển? Ngoại thương nếu tạm thời có giải quyết được nhu cầu về lương thực thì vẫn còn bao nhiều vấn đề trọng yếu khác phải phụ thuộc vào sự phát triển của nông nghiệp: nguyên liệu cho công nghiệp nhẹ, phân công lao động mới, tích lũy từ nông nghiệp, mức sống của nhân dân, rút ngắn thời gian lao động tất yếu xét trong phạm vi toàn xã hội, v.v…

Đối với một nước, dù hoàn cảnh lịch sử phải lấy nền kinh tế nông nghiệp làm điểm xuất phát để vươn lên, mà lại bỏ rơi chính cái điểm xuất phát ấy, bỏ rơi chính cái chỗ dựa ấy để đi tìm chỗ dựa ở người khác, như vậy thì còn gì phiêu lưu bằng? Đó chẳng phải là một thứ chủ nghĩa thất bại trong kinh tế, một đường lối kinh tế bất chấp cả điều kiện kinh tế hay sao?

3- Ở một nước mà thiên nhiên phú cho rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp mà quay lưng lại với nông nghiệp, như vậy là bỏ phí (ít nhất cũng là trong một thời gian mà lại là thời gian có ý nghĩa quyết định nhất) một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất để tạo ra của cải dồi dào, và nhất là để thu hẹp hơn nữa “lượng tương đối của lao động tất yếu”. Ở một nước mà 80% nhân khẩu lao động nằm trong nông nghiệp mà bỏ mặc hoặc tạm thời bỏ mặc nông nghiệp trong tình trạng năng suất lao động rất thấp, thì làm sao tăng nhanh được tích lũy, làm sao thúc đẩy được sự phân công lao động xã hội phát triển, làm sao cải thiện được đời sống nhân dân?

Tích lũy không phải chỉ là vấn đề làm sao kiếm được nhiều tiền, làm sao kiếm được nhiều lời. Đứng trên quan điểm của toàn bộ nền sản xuất xã hội mà nói thì vấn đề là ở chỗ bảo đảm sao cho các ngành sản xuất phát triển cân đối với nhau  không chỉ về mặt giá trị mà cả về mặt hiện vật nữa  làm điều kiện lẫn cho nhau và do đó thúc đẩy nhau cùng phát triển. Vấn đề tích lũy phải được giải quyết trên cơ sở học thuyết Mác về tái sản xuất, trong đó bao gồm sự trao đổi hiện vật giữa các ngành sản xuất trong qúa trình tái sản xuất. Rời bỏ học thuyết đó để đi tìm một con đường kiếm lời theo quan điểm thiển cận của nhà tư bản tư nhân thì sẽ không tránh khỏi những hậu quả tai hại do tình trạng mất cân đối về mặt hiện vật của nền sản xuất gây ra. Một nền sản xuất mất cân đối không thể phát triển thuận lợi được, và tất nhiên không thể bảo đảm tăng nhanh tích lũy được.

Con đường hợp lý nhất, hợp quy luật nhất nhằm tăng nhanh tích lũy trong nền kinh tế công nghiệp lạc hậu của nước ta rõ ràng không phải là con đường dựa vào công nghiệp nhẹ, càng không phải là con đường “trao đổi có lợi” với bên ngoài. Nó phải lấy việc tác động vào năng suất của lao động nông nghiệp làm khâu đầu tiên, làm khâu cơ bản. Nó phải lấy việc rút ngắn lao động tất yếu của toàn xã hội làm thủ đoạn chủ yếu để tăng thêm lao động thặng dư. Nó phải bảo đảm sự phát triển cân đối theo từng bước giữa những ngành sản xuất ra tư liệu sinh hoạt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước mắt của nhân dân lao động với những ngành được dựng lên trên cơ sở của lao động thặng dư.

Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp với ý nghĩa trên đây không giống một chút nào với ý kiến nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp vì mục đích cải thiện đời sống. Nếu ý kiến trước coi nông nghiệp là một thủ đoạn tích lũy thì trái lại, ý kiến sau chỉ coi nông nghiệp như một thủ đoạn tiêu dùng. Nếu ý kiến trước xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa thì trái lại, ý kiến sau lảng tránh hoặc trì hoãn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Nói cho đúng thì ý kiến trước không hề đặt tích lũy đối lập với tiêu dùng, đặt nông nghiệp đối lập với công nghiệp như ý kiến sau đã làm. Nó cho phép rút ngắn thời gian lao động tất yếu của xã hội và do đó tạo ra lao động thặng dư “tương đối” mà không rút bớt quỹ tiêu dùng (xét về mặt hiện vật) của nhân dân lao động, thậm chí còn cho phép quỹ tiêu dùng tăng lên trong chừng mực nào đó. Nó đẩy nhanh sự phát triển của nông nghiệp mà không trì hoãn công nghiệp hóa, cũng như không vì đẩy mạnh công nghiệp hóa mà bỏ mặc nông nghiệp rớt lại đằng sau. Nó chiếu cố được toàn diện như vậy là vì nó phản ánh đúng quy luật phát triển khách quan của nền sản xuất.

Nông nghiệp được coi là yếu tố tích lũy nguyên thủy, to lớn nhất và cơ bản nhất, không chỉ vì tác dụng quyết định của nó đối với lao động tất yếu của toàn xã hội như trên đã trình bày, vì cái “giá trị thặng dư tương đối” mà nó có khả năng tạo ra một cách đại quy mô, vì cái “hích đầu tiên” của nó đối với toàn bộ sự phân công lao động xã hội, và do đó, đối với các mạch tích lũy tuôn ra từ các ngành lao động mới này. Nông nghiệp nước ta, với 4/5 tổng số nhân khẩu lao động mà nó sử dụng, với những điều kiện thiên nhiên nhiệt đới rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây trồng và gia súc, với trên 5 triệu ha đất đai màu mỡ đã được con người “thuần phục” và hàng triệu ha khác đang chờ con người “thuần phục”, tóm lại, với khả năng tiềm tàng to lớn đã và đang thức tỉnh trước những bàn tay lao động có kỹ thuật, nông nghiệp nước ta phải trở thành một nguồn tích lũy trực tiếp của công nghiệp hóa, một cái kho sản xuất thặng dư mà ngoại thương sẽ đem biến thành máy móc thiết bị. Hiện nay, nó chưa đóng được bao nhiêu vai trò đó, nhưng tương lai không xa, nó phải đóng được vai trò đó một cách xứng đáng.

Lao động bỏ vào khu vực sản xuất nông sản xuất khẩu khác về tính chất so với lao động bỏ vào khu vực sản xuất nông sản dành cho tiêu dùng trong nước. Nó không phải là lao động tất yếu như lao động bỏ vào khu vực sau, mà là lao động thặng dư, giống như lao động bỏ vào công nghiệp, giao thông vận tải, v.v… Vì vậy, quy mô của nó cũng phụ thuộc vào khối lượng “thời giờ thừa ra” mà lao động tất yếu cho phép. Chỉ có rút ngắn được lao động tất yếu của xã hội bằng cách nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, chúng ta mới xây dựng được một khu vực sản xuất nông sản dành cho xuất khẩu. Khu vực này, nói đúng ra, chưa hình thành. Nếu từ trước đến nay, chúng ta có xuất khẩu một số nông sản thì điều đó chủ yếu là do “cóp nhặt” mỗi thứ một tý, giống như người tiểu nông góp nhặt quả trứng, mớ rau từ nền kinh tế tự cấp tự túc của mình đem ra chợ bán. Sự xuất khẩu theo cách đó biểu hiện sự túng thiếu nhiều hơn là sự dư thừa, nó lấn vào sản phẩm tất yếu nhiều hơn là sự trao đổi sản phẩm thặng dư. Chính vì tính chất “cóp nhặt” đó mà nó mang nhiều yếu tố bất hợp lý: hàng nông sản xuất khẩu giống như một gánh hàng xén, thứ xuất khẩu có lợi thì chưa sản xuất được nhiều để xuất trong khi vẫn phải chịu thua lỗ để xuất những thứ khác, thứ có khả năng sản xuất dư thừa để xuất thì chưa sản xuất được bao nhiêu trong khi vẫn phải thắt lưng buộc bụng để xuất những thứ rất cần thiết cho sản xuất và đời sống trong nước, v.v…

 Tất nhiên, chúng ta không được phép từ chối bất cứ sự hy sinh nào, nếu sự hy sinh đó là cần thiết để giải thoát đất nước ta ra khỏi tình trạng lạc hậu. Vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chúng ta vui lòng chịu đựng tất cả những sự bất hợp lý nói trên. Song, vấn đề đặt ra là: làm thế nào để sớm giải quyết được những sự bất hợp lý đó? Chỉ khi nào chúng ta rút ngắn được lao động tất yếu bằng cách nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp, từ đó phải tạo ra một khoảnh đất rộng thênh thang cho lao động thặng dư, khi ấy chúng ta mới có quyền lựa chọn những mặt hàng xuất khẩu có lợi, mới dựng lên được một khu vực sản xuất nông sản xuất khẩu lớn mạnh, hợp lý đúng với sở trường của chúng ta và do đó, có lợi nhất.

Nói đến xuất khẩu có lợi người ta nghĩ ngay đến hàng công nghiệp chế biến. Điều đó tất nhiên là đúng. Song, vấn đề không phải chỉ tùy thuộc ở ý muốn mà chủ yếu là ở khả năng. Muốn xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, trước tiên người ta phải có một nền công nghiệp lớn mạnh, gồm không những là những ngành công nghiệp chế biến mà cả những ngành công nghiệp khai thác nữa, tóm lại, phải có một nền công nghiệp hiện đại, tương đối hoàn chỉnh. Ở nước ta, nền công nghiệp như thế mới đang được dựng lên. Và chính vì để dựng lên nó mà chúng ta bàn tới tích lũy nói chung và tích lũy dưới hình thái máy móc thiết bị nói riêng.

Trong khi chưa có được nền công nghiệp như thế chúng ta vẫn có thể dựng lên một số xí nghiệp lẻ tẻ để chế biến, nói đúng hơn là sơ chế hàng nông sản, lâm sản, khoáng sản xuất khẩu. Như vậy vẫn có lợi hơn là xuất khẩu hàng thô. Phấn đấu theo phương hướng đó là điều cần phải khẳng định. Tuy nhiên, phải thấy rằng khả năng thực hiện theo phương hướng đó là tương đối hạn chế. Đối với một số nước đang tiến hành công nghiệp hóa thì vốn liếng tích lũy được không nhiều mà lại phải tập trung cho mục tiêu trung tâm là dựng lên được những ngành công nghiệp then chốt làm thành “hệ thống xương cốt và bắp thịt” cho nền sản xuất hiện đại, mặc dù những ngành này “trong một thời gian khá dài, một năm hay hơn nữa, không cung cấp được tư liệu sản xuất hoặc tư liệu sinh hoạt, cũng không cung cấp được một hiệu quả có ích nào cả, mà lại xén vào tổng sản phẩm hàng năm mất một số lao động, tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt”. Nếu vì ham mối lợi xuất khẩu mà dành quá nhiều vốn cho những xí nghiệp chế biến hàng xuất khẩu thì ắt phải hạn chế bớt số vốn bỏ vào việc xây dựng những ngành công nghiệp có ý nghĩa then chốt đối với toàn bộ nền sản xuất trong nước. Đành rằng sau một thời gian nhất định số vốn bỏ vào ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu sẽ sinh lợi và mang lại một số máy móc thiết bị, nhưng trước mắt, tốc độ xây dựng các ngành công nghiệp then chốt vẫn bị hạn chế trong chừng mực số vốn lẽ ra có thể dành cho chúng lại bị san sẻ cho ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Với sự tính toán như thế, người ta không thể dành nhiều vốn cho ngành công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu được, ít nhất cũng là trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa. Số vốn bỏ vào ngành này nếu có thì cũng chỉ tương đối nhỏ mà lại phải đem lại hiệu quả nhanh.

Đứng trước yêu cầu tăng nhanh để đổi lấy máy móc thiết bị cần cho công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa  một yêu cầu gần như tuyệt đối  người ta phải dựa chủ yếu vào ngành nào? Thông thường, người ta dựa vào ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, hoặc một trong hai ngành đó tùy theo điều kiện tài nguyên của mỗi nước cho phép.

Công nghiệp khai thác khoáng sản tuy đòi hỏi đầu tư lớn nhưng giá trị sản phẩm do nó đem lại cũng lớn, hơn nữa, nó lại là một trong những ngành công nghiệp then chốt mà bất cứ quá trình công nghiệp hóa nào cũng phải xây dựng cho bằng được. Trong khi công nghiệp chế biến còn non yếu, người ta tạm thời đem sản phẩm thô của nó xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị. Như vậy, bỏ vốn sớm vào ngành công nghiệp khai thác khoáng sản vừa đáp ứng được yêu cầu lâu dài, vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt của công cuộc công nghiệp hóa. Cứ xem hiệu quả của ngành công nghiệp khai thác than của nước ta đủ rõ. Trong những năm vừa qua nó đóng góp tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm; chắc chắn trong tương lai, nó càng phải phát huy hơn nữa tác dụng đó, đồng thời vẫn phải bảo đảm thỏa mãn nhu cầu trong nước về nhiên liệu và nguyên liệu. Công nghiệp khai thác khoáng sản được coi là một trong những chiến sỹ xung kích của tích lũy còn vì kỹ thuật mà nó đòi hỏi có thể không cao, và do đó vốn đầu tư có thể không lớn. Với kỹ thuật tương đối thô sơ, với lao động chân tay là chính, tạm thời người ta vẫn có thể móc lên từ lòng đất những sản phẩm dồi dào của thiên nhiên để đem đổi lấy kỹ thuật hiện đại.

Còn nông nghiệp, nó vốn là ngành sản xuất vật chất lớn nhất của những nước đang đi trên con đường công nghiệp hóa, và vì vậy, không thể không trở thành cái bàn đạp đầu tiên  cả về mặt tích lũy  của sự công nghiệp hóa. Tỉ lệ sản phẩm thặng dư trong sản phẩm của mỗi người nông nghiệp không cao, nhưng gộp hàng triệu người nông nghiệp lao động lại, vẫn có được một khối lượng lớn sản phẩm thặng dư. Nhược điểm lớn nhất của nông nghiệp hiện nay là kỹ thuật rất thô sơ, nhưng cũng chính nhược điểm ấy lại có thể chuyển hóa thành một nguồn dự trữ to lớn: chỉ cần có sự tác động của một số biện pháp kỹ thuật không tiên tiến lắm, không tốn kém lắm, nó đã có thể cho ta một năng suất lao động cao gấp rưỡi, gấp đôi, và tăng khối lượng sản phẩm thặng dư lên nhiều lần. Một đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là: thời kỳ sản xuất của nó tương đối ngắn, mỗi năm nó có thể cho ta tới 2, 3 vụ thu hoạch hoặc nhiều hơn nữa. Vì vậy, mà số vốn đầu tư vào nông nghiệp phát huy hiệu quả tương đối nhanh, so với công nghiệp thì rất nhanh. Đặc điểm đó rất thích hợp với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”  đặc biệt quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa. ở nước ta, điều kiện thiên nhiên nhiệt đới lại tạo cho nông nghiệp một số ưu thế so với nhiều nước khác, đứng riêng về mặt xuất khẩu mà xét: trong những điều kiện kỹ thuật tương tự thì giá trị nông phẩm của nước ta tương đối thấp, chúng ta lại có khả năng cung cấp nhiều nông phẩm mà ở nước khác lúc ấy được coi là trái mùa, v.v…

Nếu xét trong phạm vi cả nước thì ưu thế của nền nông nghiệp nước ta càng nổi bật hơn. “Về mặt kinh tế thì điều kiện thiên nhiên bên ngoài phân thành hai loại: loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu sinh hoạt, chẳng hạn như mức độ mầu mỡ của đất đai, sông nước có cá, v.v… Và loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu lao động, chẳng hạn như thác nước, sông ngòi mà thuyền bè có thể qua lại được, gỗ, kim loại, than đá, v.v… Khi thời văn minh bắt đầu thì loại tài nguyên thiên nhiên thứ nhất là quan trọng hơn; về sau, trong một xã hội tiến triển hơn thì chính loại thứ hai lại quan trọng hơn”. Chẳng phải là chúng ta đã được thiên nhiên ưu đãi cả về hai mặt đó sao? Nếu miền Bắc có dồi dào loại tài nguyên thiên nhiên thứ hai thì miền Nam (chủ yếu là Nam bộ) lại chính là nơi tập trung cao nhất của loại tài nguyên thiên nhiên thứ nhất. Nói cho đúng thì cả nước ta đều có dồi dào loại tài nguyên này cho phép chúng ta mở đầu “thời văn minh” bằng cách rút ngắn thời gian lao động tất yếu lại để kéo dài thời gian lao động thặng dư ra với tất cả những hứa hẹn tốt đẹp của nó, bằng cách nghiên cứu hoa thơm quả ngọt mà thiên nhiên hào phóng đã tặng cho chúng ta để đem đổi lấy kỹ thuật hiện đại, trên cơ sở đó mà bước vào “một xã hội tiến triển hơn”, một xã hội mà chúng ta có dồi dào loại tài nguyên thiên nhiên thứ hai để dựng lên.

Với những thuận lợi và ưu thế trên đây, nền nông nghiệp nước ta có thể và phải trở thành một nguồn tích lũy quan trọng dưới hình thái máy móc thiết bị, bên cạnh ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Song, nếu trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, sản phẩm của ngành khai thác khoáng sản ngày càng bị thu hút nhiều hơn vào quá trình tái sản xuất ở trong nước, thì trái lại, sản phẩm thặng dư nông nghiệp lại ngày càng trở thành một nguồn xuất khẩu phong phú, làm cho nước ta không những là một nước công nghiệp tiên tiến, mà còn là một nước có nền nông nghiệp hiện đại, giàu có vào bậc nhất trên thế giới, có năng lực đóng góp dồi dào vào sự hợp tác quốc tế xã hội chủ nghĩa.

Đương nhiên, từ nay đến lúc đó, chúng ta còn phải trải qua một thời kỳ phấn đấu gian khổ và đầy hi sinh. Dựng lên chính cái nền tảng chủ yếu của xã hội xã hội chủ nghĩa, chính cái cơ sở vật chất – kỹ thuật đồ sộ, xứng đáng với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, thì một thời kỳ vài chục năm phấn đấu gian khổ và đầy hy sinh là điều tất yếu. Để vượt qua được sự thử thách đó của lịch sử, chúng ta phải giải quyết bằng được vấn đề tích lũy. Giải pháp chủ yếu của vấn đề này như chúng tôi đã chứng minh là xác định đúng đắn mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, là phát huy thích đáng vai trò của nông nghiệp. Nông nghiệp phải được coi là yếu tố tích lũy nguyên thuỷ, to lớn nhất, cơ bản nhất, và như vậy là vì:

1- Nó có tác dụng quyết định nhất đối với việc rút ngắn thời gian lao động tất yếu (đứng trên quan điểm toàn xã hội mà xét) và bằng cách đó, cho phép chúng ta mở rộng nhanh chóng quy mô của lao động thặng dư  miếng đất duy nhất mà trên đó có thể mọc lên công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến.

2- Nó có đủ những điều kiện thuận lợi để trực tiếp trở thành một nguồn sản phẩm thặng dư phong phú  nếu không phải là nguồn sản phẩm thặng dư phong phú nhất  cung cấp cho xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị.

Làm thế nào để cho nông nghiệp trở thành một nguồn tích lũy như thế, cũng như làm thế nào để cho nó trở thành cái cơ sở quan trọng nhất của phân công lao động xã hội mới? Thìa khóa của vấn đề là ở năng suất của lao động nông nghiệp. Sang phần sau, khi đi trực tiếp vào vấn đề bước đi của công nghiệp hóa, chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn về điều này.

Ở phần I và phần II, chúng tôi đã trình bày về vai trò và thực trạng của nền nông nghiệp nước ta  nông nghiệp xét theo ý nghĩa là cơ sở để phát triển công nghiệp.

Mới bắt tay vào sự nghiệp công nghiệp hóa mấy năm thôi mà chúng ta đã thấy bày ra trước mắt một loạt mâu thuẫn mà nếu không giải quyết thì không thể tiếp tục vươn lên mạnh mẽ được :

Một mặt cần tăng nhanh sản lượng tuyệt đối về lương thực, mặt khác vẫn phải rút bớt lao động cũng như diện tích trồng lương thực để bỏ vào cây công nghiệp và chăn nuôi.

Một mặt cần tăng nhanh khối lượng nông sản hàng hóa cũng tức là sản phẩm thặng dư nông nghiệp cung cấp cho công nghiệp (bao gồm lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, nông sản xuất khẩu), mặt khác vẫn phải rút bớt lao động làm nông nghiệp để đưa đi làm công nghiệp, giao thông vận tải, nghề rừng, nghề muối, nghề cá, v.v…

Một mặt cần cải thiện đời sống nhân dân, mặt khác vẫn phải tăng nhanh tích lũy tức là tăng nhanh khối lượng và tỷ lệ của lao động thặng dư  cái nguyên tố tạo thành máu thịt của bản thân nền công nghiệp.

Khó khăn chủ yếu của chúng ta trong mấy năm qua có thể quy vào mấy mâu thuẫn đó. Cái hạn chế của chúng ta, trói buộc chúng ta, làm cho tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta chậm chạp cũng là ở mấy mâu thuẫn đó. Rõ ràng là chúng ta đã bắt tay vào công cuộc công nghiệp hóa với một cơ sở nông nghiệp quá non yếu. Những mâu thuẫn mà chúng ta gặp phải là biểu hiện của một trạng thái không cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, hay  có thể nói  là phản ứng của một quy luật khách quan bị vi phạm. Quy luật này, như Mác phát hiện ra, quy định rằng “lao động nông nghiệp … là cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác thành những ngành độc lập”. Nó đã từng phát huy tác dụng dưới điều kiện tư bản chủ nghĩa: “Làm cơ sở cho sự phát triển của tư bản (“tư bản” ở đây cũng có nghĩa như là “công nghiệp”, đứng về mặt lực lượng sản xuất mà nói – T.P) là một mức độ phát triển nhất định của nông nghiệp, dù là ở ngay trong nước đó hay lả ở trong nhữnh nước khác”. Đối với một nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, hầu như chưa vượt ra khỏi tình trạng độc canh cây lương thực mà tiến lên con đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thì quy luật đó càng đặt ra những yêu cầu nặng nề hơn, và do đó, càng đòi hỏi ở chúng ta nhiều cố gắng hơn. Chúng ta không thể dựa vào “một mức độ phát triển nhất định của của nông nghiệp ở trong những nước khác” như trường hợp của phần lớn những nước tư bản chủ nghĩa. Chúng ta chỉ có thể dựa vào một mức độ phát triển nhát định của nông nghiệp ở ngay trong nước chúng ta mà thôi. Chúng ta cũng không thể, như trường hợp giai cấp tư sản, tạo ra sản phẩm thặng dư nông nghiệp bằng cách tước đoạt luôn cả phần sản phẩm tất yếu của một số lớn nông dân  nông dân ở trong nước cũng như nông dân ở các nước khác. Trái lại chúng ta phải tạo sản phẩm thặng dư nông nghiệp dồi dào trên cơ sở đảm bảo nâng cao mức sống của nông dân lên ít nhất cũng bằng mức sống của trung nông. Trong khi không có được những “thuận lợi” như trên  những “thuận lợi” hoàn toàn xa lạ với bản chất của chủ nghĩa xã hội  thì công cuộc công nghiệp hóa của chúng ta lại phải hoàn thành, không phải trong vòng một thế kỷ mà trong vòng chỉ trên dưới 1/4 thế kỷ.

Với một cơ sở nông nghiệp thấp kém mà muốn thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với tốc độ cao hình thức thì hiển nhiên là có sự cố gắng của chúng ta trước tiên phải đặt vào mặt trận nông nghiệp và sự cố gắng ấy phải đặc biệt to lớn, nhằm đẩy nhanh quá trình hình thành những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của công nghiệp. Ở đây, nhảy vọt hoàn toàn không có nghĩa là bất chấp cả những điều kiện kinh tế khách quan. Nhảy vọt trong sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung chỉ là kết quả của những cố gắng chủ quan nhằm sớm tạo ra những điều kiện thực tế mở đường cho nền kinh tế đi lên theo quy luật của nó và đẩy nhanh quá trình đi lên theo quy luật ấy. Đúng như Mác đã từng chỉ ra: “Một xã hội, ngay khi phát hiện ra con đường đi của quy luật tự nhiên chi phối sự vận động của mình…thì cũng không thể nào nhảy vọt lên để vượt quá hay dùng sắc lệnh để xóa bỏ các giai đoạn phát triển tự nhiên của nó; nhưng nó có thể rút ngắn thời kỳ thai nghén và giảm bớt đau khổ trong quá trình phát sinh của các giai đoạn ấy”.

Trong trường hợp cụ thể của chúng ta, một khi đã “phát hiện ra con đường đi của quy luật tự nhiên chi phối sự vận động” của công nghiệp, cũng tức là một khi đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn mà khẳng định được rằng chính năng suất của lao động nông nghiệp là “cái cơ sở tự nhiên để biến tất cả các ngành lao động khác”  đặc biệt là để biến ngành công nghiệp  “thành những ngành lao động độc lập”, thì chỉ có tập trung sự cố gắng to lớn của chúng ta trước tiên vào mặt trận nông nghiệp mới là con đường hợp quy luật để “rút ngắn thời kỳ thai nghén” của nền đại công nghiệp.

Đường lối công nghiệp hóa của Đảng ta chính là phản ánh yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan nói trên. Nghị quyết Đại hội lần thứ 3 của Đảng ta ghi rõ:

“Trong nền kinh tế quốc dân, công nghiệp và nông nghiệp là hai bộ phận chủ yếu quan hệ mật thiết với nhau: công nghiệp trước hết là công nghiệp nặng, giữ vai trò chủ đạo, và nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp. Vì vậy, chủ trương của Đảng ta về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại”.

Trong báo cáo trước Đại hội, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh:

“Nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc là cơ sở để phát triển công nghiệp của miền Bắc nước ta. Miền Bắc nước ta, phải dựa vào phát triển nông nghiệp để xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa, cho nên vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với kinh tế nước ta không những trong mấy năm trước đây mà cả về sau này nữa. Công nghiệp càng phát triển thì càng đòi hỏi nông nghiệp phát triển”.

Để thực hiện nghị quyết Đại hội, Trung ương Đảng ta đã dành cuộc hội nghị lần thứ 5 (1961) để định ra kế hoạch phát triển nông nghiệp, và cuộc hội nghị lần thứ 7 (1962) để định ra kế hoạch phát triển công nghiệp. Nghị quyết của hội nghị lần thứ 7 chỉ ra:

“Công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và việc cải thiện đời sống của nhân dân đòi hỏi phải phát triển nhanh sản xuất lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi, phải nâng cao tỷ suất hàng hóa trong sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, mở rộng giao lưu kinh tế giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy, trong quá trình phát triển công nghiệp nặng để trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế quốc dân, chúng ta phải đặc biệt coi trọng công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

“…Chúng ta cần phát huy hết khả năng của những cơ sở công nghiệp nặng hiện có, và tích cực xây dựng, phát triển những cơ sở công nghiệp nặng cần thiết để phục vụ kịp thời cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp về các mặt thủy lợi, phân bón, công cụ sản xuất, v.v… trang bị kỹ thuật và cung cấp vật tư cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”.

Rõ ràng là trong các nghị quyết của Đảng, nông nghiệp với ý nghĩa là cơ sở để phát triển công nghiệp đã được đặt vào vị trí xứng đáng. Tư tưởng kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, lấy việc phát triển mạnh nông nghiệp làm chỗ dựa cho việc mở mang công nghiệp và hướng công nghiệp nặng vào việc phục vụ đắc lực cho nông nghiệp cũng đã được khẳng định một cách hết sức rõ ràng.

Song, nhìn lại mấy năm qua, ta thấy các nghị quyết đúng đắn của Đảng đã không được quán triệt đầy đủ trong việc chỉ đạo thực hiện. Nguyên nhân của tình hình đó chủ yếu là thuộc về nhận thức: một số không ít cán bộ và cơ quan có trách nhiệm chưa thấy hết tầm quan trọng của nông nghiệp với ý nghĩa là cơ sở để phát triển công nghiệp, chưa thật thấm nhuần chỉ thị của Đảng: “phải dựa vào phát triển nông nghiệp để xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa”. Mặt khác, đứng về tình hình khách quan mà nói thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội lại bày ra trước mắt chúng ta trăm công nghìn việc, mà việc nào thì cũng cảm thấy cần thiết và cấp bách như việc nào. Nhận thức đã không thật rõ ràng, thì đứng trước cái “mớ bòng bong” ấy , thật khó mà lần ra được cái đầu mối. Vì vậy, tình trạng phân tán vốn và sức lực vào rất nhiều công việc, tình trạng dàn mành mành là điều không ai chủ trương nhưng vẫn cứ xẩy ra.

Có thể nói, chiếu cố toàn diện là ưu điểm của chúng ta mà cũng là khuyết điểm của chúng ta trong nghệ thuật chỉ đạo kinh tế. Kinh tế là một cơ thể sống cấu tạo hết sức tinh vi: sự tê liệt hay thiếu cân đối ở bất kỳ bộ phận nào cũng đều tác động tiêu cực ít hay nhiều đến toàn cục. Vì vậy, chiếu cố toàn diện là một tất yếu khách quan, không thể coi thường được. Nhưng kinh tế cũng lại là một quá trình phát triển lịch sử mà mỗi một thời kỳ cụ thể, mỗi một bước đi lên cụ thể đều đặt ra những vấn đề then chốt cụ thể, những vấn đề này phải được giải quyết thì quá trình tiếp tục đi lên mới diễn ra một cách trôi chảy được. Vì vậy, tập trung vào trọng điểm, nắm chắc khâu chính của từng thời kỳ để mở ra cái nút cho toàn cục cũng lại là một tất yếu khách quan nữa không thể coi thường được. Chiếu cố toàn diện và tập trung vào trọng điểm là hai mặt đối lập của một thể thống nhất. Chúng là thống nhất bởi vì chúng là yêu cầu hai mặt của đời sống kinh tế, và hai mặt này lại phải nương tựa lẫn nhau, làm điều kiện lẫn cho nhau: toàn cục có hoạt động bình thường thì trọng điểm mới giải quyết được mà trọng điểm có giải quyết được thì toàn cục mới vươn lên được. Chúng lại là đối lập bởi vì người ta không thể tập trung vào trọng điểm nếu không dồn vào đấy một lực lượng tương đối lớn tiền vốn, tư liệu sản xuất và sức lao động, do đó, không thể không hạn chế chừng nào sự chiếu cố vật chất đến một số khâu thứ yếu, cũng tức là hạn chế chừng nào tính chất toàn diện của sự chiếu cố. Ngược lại, muốn chiếu cố toàn diện một cách chu đáo thì lại không thể không hạn chế chừng nào việc tập trung vào trọng điểm. Trong điều kiện vốn liếng ban đầu tương đối ít thì sự căng thẳng cao độ giữa “điểm” và “diện” thường là khó tránh khỏi. Lúc ấy, người ta dễ có khuynh hướng buông lơi trọng điểm để chiếu cố toàn diện  nói đúng hơn là dàn mành mành bởi vì cách làm này thoạt mới nhìn thì dường như là biểu hiện của sự “chín chắn”, hay như người ta thường khen là “chậm nhưng mà chắc”. Thực ra thì đó là cách làm ít đòi hỏi phải suy nghĩ nhất, ít đòi hỏi phải cố gắng nhất. Nó không đòi hỏi luôn luôn người chỉ đạo phải nhậy cảm với cuộc sống biến đổi, phải tìm tòi để nắm chắc yêu cầu bức thiết nhất của đời sống kinh tế trong từng thời kỳ, và khi đã nắm được thì phải tập trung cố gắng giải quyết cho bằng được, đồng thời vẫn không vì thế mà bỏ mặc cho toàn cục bị đình đốn, rối loạn.

Chỉ đạo kinh tế là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Nó đòi hỏi người chỉ đạo phải kịp thời “phát hiện ra con đường đi của quy luật tự nhiên chi phối sự vận động” của nền kinh tế, đồng thời lại phải biết khéo tổ chức, khéo lo toan, khéo điều hòa, khéo chèo chống, và phải có dũng khí giải quyết nhữngvấn đề đáng phải giải quyết. Đương nhiên, cái khó trước nhất và lớn nhất vẫn là làm thế nào “phát hiện ra con đường đi của quy luật”. Thông thường thì đó là cả một quá trình lịch sử, quá trình này thường gồm cả thành công lẫn thất bại, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đúng như đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra: “Việc nhận thức quy luật phát triển của nước ta là một quá trình từ cạn đến sâu, từ phiến diện đến toàn diện, cho nên không thể đòi hỏi hôm nay chúng ta thấy hết được tất cả mọi vấn đề một cách đầy đủ”. Đồng chí Lê Duẩn đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc nhận thức quy luật của bước đi ban đầu: “Trong việc quy định bước đi thì bước đi buổi đầu là khó khăn nhất. Khi nào các nước đã có một cơ sở vật chất và kỹ thuật cao đến trình độ nào đó rồi thì quy luật phát triển về sau đại thể có thể giống nhau nhiều. Nhưng vì các nước xuất phát từ những cơ sở đầu tiên khác nhau, nên những bước đi ban đầu mới thật là khác nhau”.

Sự thể nghiệm của chúng ta trong những năm qua hoàn toàn chứng minh những nhận xét sâu sắc đó. Qua thực tiễn, càng ngày chúng ta càng nhận thức được sâu hơn, cụ thể hơn quy luật phát triển của nước ta trong bước đi ban đầu của nó, càng ngày chúng ta càng tự giác và quyết tâm hơn trong việc thực hiện đường lối “dựa vào phát triển nông nghiệp để xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa”. Qua thí dụ: về mức tăng của số vốn đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp, trong đó quá một nửa là đầu tư vào thủy lợi, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến đó:

Số vốn đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp nói chung và vào thủy lợi nói riêng

Đơn vị : triệu đồng

Năm Đầu tư vào nông nghiệp Đầu tư vào thủy lợi
1955-1957 86,7 71,5
1958 47,8 35,2
1959 57 24,5
1960 70,7 29,3
1961 109,1 49,4
1962 149,4 72,4
1963 192,7 79,4
1964 174,7 110,7
1965 164,4 108,4
Tổng cộng 1.022,5 580,8

Như trên ta thấy, sự chuyển biến mạnh mẽ bắt đầu từ năm 1962, sau khi có quyết nghị của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5. Chỉ trong 4 năm sau cùng kể từ năm ấy, chúng ta đã đầu tư vào thủy lợi 370,9 trong tổng số 580,8 triệu đồng, tức là gần 2/3 tổng số, và đầu tư vào nông nghiệp 651,2 trong tổng số 1.022,5 triệu đồng, cũng tức là gần 2/3 tổng số.

Nếu lấy quyết định đúng đắn của Trung ương và những thành tựu to lớn do quyết định đó đem lại để soi rọi lại công việc đã làm của mấy năm trước đó thì chúng ta không thể không nhận rằng sự quan tâm giải quyết vấn đề thủy lợi  “biện pháp hàng đầu để phát triển nông nghiệp” như nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đã khẳng định  lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn và tích cực hơn thế nữa.

Việc cung cấp phân bón cho nông nghiệp hiện vẫn còn lạc hậu rất xa so với nhu cầu, và như vậy không phải là trong tình hình chúng ta đã tận dụng hết mọi khả năng, đứng trên quan điểm tập trung vào trọng điểm mà xét. Phân đạm, trong nhiều năm, chỉ xê xích trong khoảng trên dưới 10 vạn tấn. Phân lân, chỉ vài năm gần đây, mới đạt tới con số đó. Phân chuồng, cho đến nay vẫn là nguồn phân chủ yếu của cây trồng, thì trong nhiều năm gần đây, ì ạch lắm mới theo kịp được tốc độ tăng của diện tích gieo trồng. Tình trạng này chứng tỏ rằng khả năng tự xoay xở của bản thân nông nghiệp để tăng nguồn phân bón, nếu chưa đạt tới những giới hạn cuối cùng của nó, thì cũng đã đạt gần tới những giới hạn đó rồi. Trong những điều kiện như trên thì việc nâng cao năng suất của ruộng đất một cách phổ biến trong vòng mấy năm trước mắt là điều khó có thể thực hiện được. (Số hợp tác xã đạt 5 tấn và trên 5 tấn thóc/1 héc ta cả năm tuy đã lên tới con số trên 1.000, song vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số hợp tác xã  gần 30.000).

Nông cụ đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất lao động, nhưng cho đến nay, nông cụ cải tiến vẫn chưa phải là loại nông cụ phổ biến ở nông thôn. Số nông cụ cải tiến đã cung cấp cho nông dân thì nói chung chất lượng thấp, chóng hỏng. Tính đến cuối năm 1964, bình quân mỗi hợp tác xã ( theo thống kê của 787 hợp tác xã ở trung du và đồng bằng đã qua cải tiến quản lý) mới có: 50 cày bừa cải tiến, 40 cào cỏ cải tiến, 2 máy tuốt lúa, 2 quạt hòm, 4,19 guồng nước, 0,26 máy bơm, 22 xe và thuyền vận tải. Số cụm cơ khí nhỏ (thường là gồm 1 máy phát lực và 1 hoặc mấy máy công tác như máy bơm, máy xay xát, máy tuốt lúa, máy nghiền thức ăn gia súc) đến cuối năm 1965 mới xây dựng được ở trên 3.000 điểm. Diện tích cày bừa bằng máy năm 1966 mới đạt trên 2% tổng số diện tích gieo trồng. Điện lực phục vụ cho nông nghiệp (chủ yếu dùng vào việc bơm nước), năm 1964, mới đạt 22,6 triệu ki-lô-oát/giờ, chiếm 3,8% tổng sản lượng điện phát ra. Trong khi việc trang bị công cụ cải tiến và máy móc cho lao động nông nghiệp tiến triển một cách chậm chạp như vậy thì số lượng lao động sống bỏ vào mỗi một đưn vị diện tích nhằm tăng vụ, tăng năng suất, cải tạo đồng ruộng lại phải tăng lên. Số giảm bớt được nhờ những biện pháp trên còn xa mới bù đắp được số phải tăng lên để thực hiện những biện pháp dưới, vì vậy tổng số lao động sống bỏ vào một đơn vị diện tích không giảm bớt mà tăng lên tuyệt đối.

Tình hình trên đây chứng tỏ rằng trong chỉ đạo thực hiện, chúng ta chưa thật quán triệt tinh thần quyết tâm của Trung ương trong việc đẩy mạnh nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp, và nhất là trong việc phát huy hết khả năng của công nghiệp nặng để phục vụ cho cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhận thức chưa thật rõ nét đã dẫn đến chỉ đạo thiếu tập trung, hoặc tập trung chưa đến mức cần thiết và có thể. Kết quả là: cho đến nay, trên mặt trận nông nghiệp, chưa có một mục tiêu nào đã được giải quyết “dứt điểm” cả, kể từ các mục tiêu bước đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật như thủy lợi, phân bón. Công cụ cải tiến,… cho đến các mục tiêu bước đầu của việc phát triển sản xuất nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, nông sản xuất khẩu, v.v… Cuối cùng là, vấn đề sản phẩm thặng dư nông nghiệp vẫn đặt ra trước mắt chúng ta như là cửa ải đầu tiên phải vượt qua để triển khai lực lượng trên địa bàn rộng lớn của công nghiệp hóa.

Từ tất cả những sự phân tích trên đây, về lý luận cũng như về thực tiễn, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những tư tưởng rất cơ bản, đặc biệt, liên quan đến bước đi ban đầu của công nghiệp hóa, trong các nghị quyết của Đại hội Đảng và Trung ương Đảng ta. Những tư tưởng đó là:

  • “Công nghiệp, trước hết là công nghiệp nặng, giữ vai trò chủ đạo, và nông nghiệp là cơ sởđể phát triển công nghiệp”.

2- “Phải dựa vào phát triển nông nghiệp để xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa”.

  • “Phải đặc biệt coi trọng công nghiệp phục vụ nông nghiệpPhát huy hết khả năngcủa những cơ sở công nghiệp nặng hiện có, và tích cực xây dựng phát triển những cơ sở công nghiệp nặng cần thiết để phục vụ kịp thời cuộc cách ma kỹ thuật trong nông nghiệp về các mặt thủy lợi, phân bón, công cụ sản xuất, v.v…

5-7 năm đã trôi qua, vậy mà những chỉ thị trên đây vẫn còn nóng bỏng tính chất thời sự. Nói cách khác: sự khảo nghiệm của 5-7 năm thực tiễn đã chứng minh một cách rực rỡ sức sống của những chỉ thị đó. Sức sống của chúng là ở chỗ chúng đã phản ánh đúng “con đường đi của quy luật tự nhiên chi phối sự vận động” của nền kinh tế nước ta  một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Một khi đường lối đúng đã được xác định thì vấn đề chỉ còn là ở chỗ tổ chức thực hiện như thế nào. Việc tổ chức thực hiện của chúng ta qua mấy năm qua, như phần III đã trình bày chưa thật kiên quyết tập trung vào trọng điểm để giành thắng lợi “dứt điểm” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp (tất nhiên mới chỉ là dứt điểm xét theo những yêu cầu bước đầu của công cuộc công nghiệp hóa). Rút kinh nghiệm của những năm qua, để kiên quyết tập trung vào trọng điểm nhằm giành thắng lợi dứt điểm trên mặt trận sản xuất nông nghiệp theo những yêu cầu bước đầu của công cuộc công nghiệp hóa, chúng tôi nghĩ rằng cần phải phân quá trình công nghiệp hóa nước ta ra làm 2 bước: bước thứ nhất lấy nông nghiệp làm trọng điểm và nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết nhất để triển khai trên quy mô lớn công cuộc công nghiệp hóa, còn bản thân việc triển khai này lại là nội dung của bước thứ hai.

Trước khi đi vào nội dung của mỗi bước, mà chủ yếu là nội dung của bước thứ nhất, chúng tôi thấy cần phải làm rõ mấy điểm dưới đây:

1- Việc phân chia tiến trình lịch sử ra thành từng bước hay từng thời kỳ bao giờ cũng chỉ mang một ý nghĩa tương đối. Điều này, như Mác đã chỉ ra khi nghiên cứu quá trình chuyển biến của chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn công trường thủ công sang giai đoạn máy móc: “ở đây chúng ta chỉ sẽ chỉ làm nổi bật những đặc điểm thôi: đối với những thời kỳ lịch sử, cũng như đối với những thời kỳ địa chất, thì không có một giới hạn nào thật rành mạch cả”.

Trường hợp cụ thể của húng ta ở đây cũng vậy, không thể có một giới hạn nào thật rành mạch cả. Nếu việc tạo ra những điều kiện cần thiết nhất cho việc triển khai công cuộc công nghiệp hóa là nội dung của bước thứ nhất thì điều này hoàn toàn không có nghĩa là ngay trong bước ấy, người ta không triển khai gì cả bản thân công cuộc công nghiệp hóa. Điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa là sang bước thứ hai, người ta sẽ không còn phải làn gì nữa để tiếp tục tạo ra  trên quy mô lớn hơn  những điều kiện cần thiết cho công nghiệp hóa. Nếu ở bước thứ nhất, người ta chỉ có thể tạo ra những điều kiện cần thiết cho công nghiệp hóa không phải bằng cách chất đống những điều kiện đó lại, mà chính là bằng cách từng bước tận dụng chúng để dần dần triển khai công nghiệp, thì sang bước thứ hai, người ta cũng không thể liên tục triển khai công cuộc công nghiệp hóa mà không liên tục tạo ra những điều kiện đó ngày càng dồi dào hơn, ngày càng vững chắc hơn. Tóm lại, ngay bước thứ nhất đã bao hàm trong chừng mực nhất định nội dung của bước thứ hai, và ngay trong bước thứ hai, vẫn tiếp tục nội dung của bước thứ nhất, và tiếp tục với quy mô lớn hơn. Tình trạng “cài răng lược” này chẳng qua là một tất yếu khách quan bắt nguồn từ bản thân nền kinh tế được xem như một cơ thể sống và một quá trình phát triển liên tục từ thấp đến cao.

Vấn đề ở đây chỉ là ở chỗ “làm nổi bật những đặc điểm” của mỗi bước, cũng tức là làm nổi bật phương hướng chủ yếu hay nội dung chủ yếu của mỗi bước.

Nội dung của mỗi bước đã không thể cắt khúc một cách rành mạch thì thời gian của mỗi bước cũng như vậy. Nếu một cái mốc thời gian nào đó được vạch ra thì cái mốc ấy cũng chỉ có ý nghĩa như một phương tiện dùng để ước lượng trên những nét đại thể mà thôi. Vả chăng, quá trình công nghiệp hóa dài hay ngắn và thời gian của mỗi bước dài hay ngắn, điều đó còn tùy thuộc một phần quan trọng ở nhiều ẩn số mà sự cố gắng chủ quan của chúng ta là một.

2- Vấn đề công nghiệp hóa và bước đi của công nghiệp hóa mà chúng ta bàn ở đây là đặt trong hkung cảnh chúng ta đã trải qua một kế hoạch 5 năm thực hiện bước đầu công nghiệp hóa và một thời gian xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong thời chiến. Quá trình ấy hiển nhiên là đã tạo cho chúng ta một cơ sở nào đó về nông nghiệp cũng như về công nghiệp mà chúng ta có thể và phải tận khả năng phát huy tác dụng để vươn lên. Công việc của bước thứ nhất nhờ đó mà có thể tương đối thuận lợi, thời gian của nó cũng vì vậy mà tương đối ngắn.

Hiện nay, cuộc chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược vẫn đang tiếp diễn ngày càng ác liệt. Chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn thì chừng ấy chúng ta còn chưa thể hoàn toàn dốc sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Song, vẫn có những mục tiêu mà chúng ta có thể đạt được hoặc đạt được một phần ngay trong tình hình có chiến tranh, như mốt số mục tiêu về nông nghiệp chẳng hạn. Vì vậy, một phần nội dung của bước thứ nhất có thể và phải được thực hiện tích cực ngay trong thời chiến. Điều này cho phép chúng ta, ngay sau khi chiến thắng đế quốc Mĩ, có thể chỉ còn phải dành một thời gian tương đối ngắn để hoàn thành nốt những nhiệm vụ cơ bản đề ra cho bước thứ nhất.

Khi nghiên cứu hoàn cảnh cụ thể của bước thứ nhất, còn cần phải tính đến một nhân tố nữa: vấn đề thống nhất đất nước. Vấn đề này rõ ràng là hết sức phức tạp. Tuy nhiên, dù cho tình hình diễn biến phức tạp như thế nào thì sau khi chiến thắng đế quốc Mĩ, miền Bắc cũng vẫn tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã vạch ra, và công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở niền Bắc, đứng về mặt chiến lược mà nói, cũng vẫn gắn bó hữu cơ với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Nam. Nội dung của bước thứ nhất lúc bấy giờ có thể đặt ra nặng hơn hoặc nhẹ hơn, về mặt này hay mặt khác (chủ yếu là về mặt nông nghiệp và về mặt công nghiệp) tùy theo nền kinh tế hai miền được kết hợp lại thành một thể hữu cơ chặt chẽ đến mức nào và tùy theo thời gian thực hiện sự kết hợp ấy diễn ra sớm hay muộn đến nức nào. Song, bản thân bước thứ nhất thì vẫn là một tất yếu khách quan trong bất cứ tình huống nào.

3- Khi nêu ra hai bước như trên, chúng tôi xuất phát từ luận điểm cơ bản: “phải dựa vào phát triển nông nghiệp để xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa” (nói “nông nghiệp là cơ sở để phát triển công nghiệp” thì cũng vậy), đồng thời cũng xuất phát từ luận điểm cơ bản: “công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp nặng, giữ vai trò chủ đạo”. Không thấy vai trò cơ sở hay vai trò mở đường của nông nghiệp, cụ thể là của năng suất lao động nông nghiệp hay sản phẩm thặng dư nông nghiệp, thì không thấy được tính tất yếu của bước thứ nhất trong đó nông nghiệp được coi là trọng điểm. Mặt khác, nếu không thấy vai trò đòn bẩy của công nghiệp, chủ yếu là của công nghiệp nặng, thì lại không thấy được động lực thực sự của bước thứ nhất, cũng không đẩy mạnh được sự nghiệp công nghiệp hóa thông qua việc kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp.

Nếu trong bước thứ nhất, chúng ta lấy nông nghiệp làm trọng điểm thì không phải vì thế mà công nghiệp nặng sẽ không phát triển. Vấn đề chỉ là ở chỗ: hướng phục vụ của công nghiệp nặng trong bước này phải nhằm vào cái gì? Trước hết, phải nhằm thúc đẩy nông nghiệp tiến lên. Còn trong bước thứ hai, chúng ta triển khai trên quy mô lớn công cuộc công nghiệp hóa mà việc xây dựng một nền công nghiệp nặng với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh là nội dung cơ bản đồng thời là đòn bẩy, thì điều đó tự bản thân nó đã bao hàm cả việc cải tổ lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân, kể cả nông nghiệp, trên cơ sở kỹ thuật hiện đại. Như vậy, việc phân ra hai bước không xuất phát từ sự tách rời giữa nông và công nghiệp, mà cũng không dẫn tới sự tách rời đó. “Kết hợp công nghiệp với nông nghiệp” là sợi chỉ đỏ quán xuyến toàn bộ công cuộc công nghiệp hóa, và việc phân ra hai bước chính là để cụ thể hóa sự kết hợp ấy trong thời gian, phù hợp với vị trí tự nhiên và tác dụng của mỗi ngành trong tiến trình lịch sử.

Sau mấy điểm nhận xét mào đầu, đến đây, chúng ta có thể đi thẳng vào nội dung của bước thứ nhất, đối tượng nghiên cứu chủ yếu của chúng ta.

Muốn cho công cuộc công nghiệp hóa tiến triển thuận lợi và tiến triển với quy mô ngày cành mở rộng thì phải tạo ra cho nó một loạt điều kiện tiên quyết, và tạo ra trên quy mô ngày càng lớn.

Như ở phần II đã trình bày, số vốn bỏ vào công nghiệp, giao thông vận tải và các tư liệu lao động khac kể cả các tư liệu lao động trong nông nghiệp, về thực chất là lao động thặng dư. Lao động thặng dư đầu tiên của xã hội là từ năng suất của lao động nông nghiệp mà ra, từ ngành sản xuất đầu tiên của xã hội mà ra. Chỉ trên cơ sở của lao động thặng dư đầu tiên đó các ngành lao động khác mới có thể trở thành những ngành lao động độc lập, và chỉ sau khi đã đứng vững được rồi, các ngành này mới đóng góp được phần của chúng vào dòng sông lớn của tích lũy. Như vậy, điều kiện đầu tiên để phát triển công nghiệp là phải có lao động thặng dư, phải có vốn tích lũy. Lao động thặng dư càng dồi dào thì công cuộc công nghiệp hóa càng tiến triển thuận lợi, và quy mô của nó càng lớn. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, nông nghiệp chính là nguồn lao động thặng dư đầu tiên đó, là nguồn tích lũy đầu tiên, cơ bản nhất và to lớn nhất. Cũng trên cơ sở của lao động thặng dư nông nghiệp, chúng ta có thể phát triển một số ngành công nghiệp có khả năng tích lũy tương đối nhanh, tỷ lệ tích lũy tương đối cao, và khối lượng tíc lũy tương đối nhiều. Xếp vào hàng đầu những ngành công nghiệp này ở nước ta là ngành công nghiệp khai thác, mà chủ yếu là khai thác khoáng sản.

Muốn phát triển công nghiệp, không những cần phải có vốn, mà còn phải có lao động. Lao động làm công nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu nông nghiệp đủ sức nuôi sống họ, cũng tức là đủ sức giải phóng họ ra khỏi công việc sản xuất lương thực và thực phẩm cho nhu cầu của chính họ. Lao động làm công nghiệp vì vậy, về thực chất là lao động thặng dư nông nghiệp, lao động này đồng thời tồn tại dưới hai hình thái: nhân lực và sản phẩm nông nghiệp.

Con người cần lương thực như thế nào thì công nghiệp cũng cần nguyên liệu như thế ấy. Hơn thế nữa, công nghiệp hiện đại lại ngốn nguyên liệu với một khối lượng khổng lồ, ngày càng tăng một cách liên tục. Chính vì thế mà công nghiệp càng phát triển thì đòi hỏi của nó về nguyên liệu càng tăng, khó khăn về nguyên liệu, nhất nguyên liệu từ nguồn gốc nông nghiệp, cũng ắt phải xẩy ra. Mác đã lưu ý chúng ta về tình hình đó, khi Người nghiên cứu xã hội tư bản. Người viết: “Số lượng nguyên liệu về thực vật và động vật  tức là những cái lớn lên và sản sinh ra theo những quy luật hữu cơ nhất định và tùy thuộc vào những thời kỳ tự nhiên nhất định  do bản chất của nó, không thể bỗng chốc mà tăng lên gấp bội theo cùng một mức độ với số lượng máy móc, hay số lượng của các thứ tư bản cố định khác, than, quặng, v.v… là những thứ có thể tăng lên rất nhanh trong một nước công nghiệp phát triển, nếu người ta giả dụ những điều kiện tự nhiên khác không thay đổi. Cho nên rất có thể, và trong một nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển , thì thậm chí không tránh khỏi xẩy ra tình trạng là sự sản xuất và sự tăng lên của bộ phận tư bản bất biến gồm tư bản cố định, máy móc, v.v… vượt rất xa sự sản xuất và sự tăng lên của bộ phận tư bản do những nguyên liệu hữu cơ hợp thành, do đó số cầu về những nguyên liệu này tăng lên nhanh hơn là số cung và do đó, giá cả của chúng cũng tăng lên”. Ở đây, quy luật tự nhiên của các cơ thể sống đã đóng một vai trò không thể phủ nhận được trong một quy luật xã hội, điều mà Mác đã chỉ ra như sau: “Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa càng phát triển và do đó, càng có nhiều những phương tiện để làm cho bộ phận của tư bản bất biến gồm máy móc, v.v… tăng lên một cách nhanh chóng và thường xuyên, sự tích lũy càng nhanh (đặc biệt là trong những thời kỳ phồn vinh) thì sự sản xuất thừa tương đối về máy móc và về tư bản cố định khác sẽ càng lớn, tình trạng sản xuất thiếu tương đối về nguyên liệu động vật và thực vật sẽ càng hay xẩy ra, sự tăng giá cả của những nguyên liệu đó… và sự phản ứng đối với sự tăng giá cả đó cũng sẽ càng rõ ràng hơn và do đó, sẽ càng hay xẩy ra những sự chấn động dữ dội mà cơ sở là sự biến động về giá cả đã nói trên của một trong những yếu tố chủ yếu của quá trình tái sản xuất”.

Khi mà một hiện tượng xã hội lại gắn liền với một quy luật của tự nhiên như trên thì hiển nhiên, không phải chỉ có chủ nghĩa tư bản mới có khả năng (và tất yếu) vấp phải tình trạng thiếu tương đối về nguyên liệu, động vật và thực vật. Ngay ở các nước xã hội chủ nghĩa, với một nền kinh tế kế hoạch hóa nghiêm ngặt, tình trạng này vẫn thường hay xẩy ra. Ở nước ta, ngay khi mà nền công nghiệp hiện đại mới bắt đầu chiếm lấy một phần công việc chế biến nông sản cổ truyền của nông dân thì hiện tượng thừa tương đối về máy móc và thiếu tương đối về nguyên liệu cũng đã xuất hiện, thay thế cho tình trạng thiếu tương đối về máy móc và thừa tương đối về nguyên liệu đã từng tồn tại trong những năm trước đó. Với tốc độ phát triển ngày càng cao và trận địa ngày càng mở rộng của công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nhẹ) thì làn sao tránh khỏi tình trạng căng thẳng nói trên ngày càng nghiêm trọng, nếu chúng ta không dốc sức đẩy nông nghiệp tiến lên, ngay từ bây giờ và liên tục trong nhiều năm?

Đối với chúng ta, tình trạng căng thẳng không phải chỉ xuất hiện ở khu vực nguyên liệu nông sản, mà ở cả khu vực nguyên liệu do công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến cung cấp nữa. Điều đó nói lên rằng chúng ta chưa có được một cơ sở nguyên liệu ở mức tối thiểu cần thiết để mở mang công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Vậy mà, muốn phát triển mạnh công nghiệp thì một trong những điều kiện tiên quyết phải có là: một cơ sở nguyên liệu nào đó, nếu chưa được dồi dào thì ít nhất cũng phải đủ đáp ứng cho mỗi bước tăng lên của tư liệu lao động  máy móc. Không những thế, muốn phát triển mạnh công nghiệp, còn cần phải có nguyên liệu với giá rẻ nữa, bởi lẽ giá trị của nguyên liệu thông thường chiếm phần lớn nhất trong giá trị của sản phẩm công nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng: nó quy định phương hướng lựa chọn những biện pháp kinh tế  kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong khi xây dựng những cơ sở sản xuất nguyên liệu.

Cuối cùng, muốn phát triển mạnh công nghiệp phải có điều kiện tiên quyết nữa là: những tư liệu lao động (chủ yếu là máy móc, thiết bị) và một khả năng nào đó về sản xuất tư liệu lao động. Một phần quan trọng tư liệu lao động (chủ yếu là những loại đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao), chúng ta có thể và phải dựa vào sự giúp đỡ về kỹ thuật của các nước anh em mà có được. Nhưng không thể phát triển mạnh được công nghiệp nếu ỷ lại vào các nước anh em về tất cả các loại tư liệu lao động. Vì vậy, ngay trong bước thứ nhất, đã phải cố gắng tạo ra một số cơ sở để sang bước thứ hai có khả năng tự mình chế tạo lấy một phần quan trọng tư liệu lao động. Điều đó cũng có nghĩa là công nghiệp chế tạo cơ khí phải được phát triển đến một mức nào đó ngay trước khi triển khai trên quy mô lớn công cuộc công nghiệp hóa, để làm điều kiện cho chính việc triển khai đó.

Từ những điều trên đây, có thể thấy rằng, muốn triển khai trên quy mô lớn công cuộc công nghiệp hóa, muốn bảo đảm cho quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp có được một tốc độ cao liên tục, không vấp phải trở ngại gì nghiêm trọng, thì trước hết phải tạo ra cho nó đến chừng mực nhất định một loạt điều kiện tiên quyết. Việc tạo ra những điều kiện này, về nhiều mặt và trên một mức độ rất lớn, gắn liền với việc phát triển mạnh nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp và năng suất của ruộng đất (hay năng suất của cây trồng trên mỗi đơn vị diện tích), tạo ra lao động thặng dư và sản phẩm thặng dư nông nghiệp dồi dào. Chính vì thế mà nông nghiệp phải được coi là trọng điểm của bước thứ nhất, và hướng phát triển của công nghiệp nặng trước hết phải nhằm vào việc phục vụ đắc lực cho nông nghiệp.

Việc tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc triển khai công nghiệp hóa còn gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác (khoáng sản, gỗ, muối, cá biển…) mà chủ yéu là ngành khai thác khoáng sản  cơ sở nguyên liệu chủ yếu của nền đại công nghiệp, đồng thời là một nguồn vật tư xuất khẩu quan trọng lúc ban đầu để đổi lấy máy móc thiết bị. Một số cơ sở công nghiệp chế biến khoáng sản nhằn tạo ra những nguyên liệu quan trọng nhất như kim loại đen, kim loại màu, xi măng… cũng là những điều kiện không thể thiếu cho việc phát triển công nghiệp một cách toàn diện ở bước sau.

Những điều kiện này còn bao gồm một ngành công nghiệp chế tạo cơ khí phát triển đến chừng mực nhất định, có khả năng cung cấp một phần quan trọng tư liệu lao động cho công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và kiến trúc. Cuối cùng, gắn liền với sự phát triển của các ngành nói trên, phải nói đến một ngành công nghiệp điện lực phát triển. Nó phải luôn luôn đủ sức thỏa mãn nhu cầu của các ngành về nguồn động lực, bảo đảm cho ngọn lửa sống của các ngành không bao giờ tắt.

Với những phương hướng chủ yếu trên đây, rõ ràng bước thứ nhất không phải chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho việc triển khai công nghiệp hóa ở bước sau, mà trên một ý nghĩa nào đó, bản thân nó đã là một sự triển khai rồi, bản thân nó đã là một bước phát triển của công nghiệp nặng rồi. Điều phân biệt ở đây là: sự “triển khai” ở bước thứ nhất chưa được toàn diện bằng ở bước thứ hai. Nó mới thu hẹp trên một số lĩnh vực công nghiệp then chốt có tác dụng trực tiếp đưa nông nghiệp tiến lên và trực tiếp làm bàn đạp cho việc triển khai công nghiệp ở bước sau. Và đương nhiên, ngay những lĩnh vực công nghiệp then chốt này cũng mới được phát triển bước đầu mà thôi. Vì thế, chưa thể gọi đây là một sự triển khai thật sự được. Nội dung chủ yếu của nó vẫn mang tính chất chuẩn bị.

Để thực hiện sự phát triển có trọng điểm này, một sự tiết chế tạm thời nào đó ở các khâu thứ yếu và ngành thứ yếu, như công nghiệp nhẹ chẳng hạn, là cần thiết. Một số công trình tuy có ý nghĩa rất cơ bản đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng lâu, chậm phát huy hiệu quả, như những công trình trị thủy kết hợp với phát điện chẳng hạn, cũng chưa thể đặt ra ngay trong bước thứ nhất. Như vậy, việc lựa chọn các mục tiêu cụ thể có tầm quan trọng hàng đầu. Đạt tiêu chuẩn lựa chọn là những cơ sở công nghiệp nào có tác dụng trực tiếp nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp và năng suất của ruộng đất và trực tiếp làm cơ sở cho bước phát triển tiếp theo của công nghiệp, tóm lại là những cơ sở có tác dụng trực tiếp gây ra những phản ứng dây chuyền đầu tiên, mạnh mẽ nhất, trong quá trình tái sản xuất xã hội lúc ban đầu. Đó cũng chính là nguyên tắc lớn nhất để xét phương hướng và hiệu quả của vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong bước này.

Để hiểu rõ hơn nội dung của bước thứ nhất, sau khi phác ra những nét đại thể của nó, chúng ta cần đi sâu hơn vào trọng điểm của nó. Vấn đề đạt ra ở đây là: làm thế nào nhanh chóng nâng cao được năng suất của ruộng đất và năng suất của lao động nông nghiệp để từ đó mở rộng sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm thặng dư nông nghiệp dồi dào, mở ra cái nguồn tích lũy nguyên thủy to lớn nhất, và biến nền nông nghiệp độc canh cây lương thực thành một kho vật tư xuất khẩu phong phú? Nhiệm vụ thật là nặng nề. Song, lịch sử đã trao cho nông nghiệp vai trò “làm cơ sở cho công nghiệp phát triển” thì dù muốn hay không muốn chúng ta cũng phải vượt qua cái cửa ải ấy mới bước dược lên con đường thênh thang của công nghiệp hóa.

Hơn 10 năm qua, chế độ xã hội tốt đẹp của miền Bắc nước ta đã phát huy cao độ nhiệt tình lao động của nông dân để lập nên những chiến công hiển hách trên mặt trận sản xuất nông nghiệp: xóa bỏ được nạn đói kinh niên, tăng được sản lượng lúa và đàn lợn lên gấp đôi so với thời Pháp thống trị, xây dựng được một mạng lưới thủy lợi rộng lớn làm cho diện tích được tưới nước tăng lên 5 lần (1 triệu héc ta so với 20 vạn héc ta thời Pháp thống trị), v.v… Tuy nhiên, để chuyển mạnh sang thời đại của công nghiệp thì những thành tựu trên đây hoàn toàn chưa đủ. Nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn còn mang tính chất độc canh cây lương thực, và như vậy là vì năng suất của ruộng lúa và năng suất của những người trồng lúa còn quá thấp. Chỉ có gỡ được cái đầu mối ấy thì mới cởi trói được cho sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp, mở đường cho một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, đủ sức làm cơ sở cho công nghiệp phát triển.

Làm thế nào để nâng cao năng suất của ruộng lúa và năng suất của những người trồng lúa? Những biện pháp kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề này không phải là điều xa lạ đối với bất cứ ai. Từ lâu, tổ tiên chúng ta đã tìm được câu trả lời có căn cứ khoa học: “nước, phân, cần, giống”. Công thức này đã được các nhà nông học của chúng ta bổ sung, hoàn thiện để dựng thành một hệ thống biện pháp kỹ thuật liên hoàn. Vấn dề chỉ là ở chỗ làm thế nào để thực hiện được những biện pháp kỹ thuật ấy. Về cơ bản đó là vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật.

Lâu nay, trong điều kiện kỹ thuật lạc hậu, chúng ta không thể không dùng sức người là chủ yếu để dựng lên mạng lưới thủy lợi đồ sộ, để cải tạo đồng ruộng, để tận thu mọi nguồn phân bón, để vận chuyển, tát nước và làm mọi công việc đồng áng khác. Khi mà vấn đề cấp bách trước mắt chưa phải là vấn đề năng cao năng suất của lao động, mà là sản lượng tuyệt đối về nông phẩm, là năng suất của cây trồng trên mỗi đơn vị diện tích, thì phương hướng trên đây là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, đã đến lúc (mấy năm nay rồi) mà sức người vấp phải những giới hạn tự nhiên của chính nó cũng như những giới hạn do chính tự nhiên đặt ra. Tình trạng dẫm chân tại chỗ của năng suất hầu hết các loại cây trồng trong mấy năm lại đây là một bằng chứng tổng hợp. Cố nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi khả năng tận dụng sức người để nâng cao năng suất của cây trồng đều đã khô cạn và chúng ta đành phải chịu bó tay ngồi chờ kỹ thụât mới. Khả năng đó vẫn còn, ở một mức độ nào đó, ở một số địa phương cụ thể nào đó, ở một số khâu cụ thể nào đó, và việc tận dụng những khả năng ấy vẫn còn phải coi là một phương hướng quan trọng. Song, điều đáng chú ý ở đây là những điều kiện chung, phổ biến, chứ không phải là những khả năng lẻ tẻ. Đáng chú ý hơn nữa là: vấn đề phải được xem xét theo yêu cầu của nền đại công nghiệp chứ không phải theo yêu cầu của nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc.

Để tạo ra một bước nhảy vọt  nói đúng hơn là: những bước nhảy vọt kế tiếp nhau  trong năng suất của ruộng lúa cũng như trong năng suất lao động của những người trồng lúa, và tạo ra trong một thời gian ngắn nhất  mấy năm thôi  thì sự viện trợ của công nghiệp nặng là có ý nghĩa quyết định. Chúng ta biết rằng trong bước thứ nhất, khả năng của bản thân công nghiệp nặng còn rất hạn chế, mà số vốn đầu tư vào công nghiệp nặng cũng có hạn. Vì vậy, việc lựa chọn mục tiêu không thể tràn lan được. Nó phải đáp ứng đúng yêu cầu của bước thứ nhất là bước có tính chất chuẩn bị, lại tương đối ngắn. Theo quan điểm đó thì công nghiệp nặng phải tác động tập trung và trước hết vào những khâu nào giảm được lao động sống nhất, nâng cao được năng suất ruộng đất nhiều nhất, và làm cho nông nghiệp phát huy tác dụng nhanh nhất. Những khâu đó theo chúng tôi nghĩ, xếp theo trật tự ưu tiên trước sau là: phân bón, nước, vận chuyển và công cụ.

Về phân bón, lâu nay phân chuồng vẫn là nguồn phân chủ yếu của nông nghiệp nước ta. Việc tăng nguồn phân chuồng phụ thuộc chủ yếu vào mức tăng của đàn lợn, nhưng muốn tăng đàn lợn thì phải có thức ăn cho nó, chủ yếu là hoa màu. Mà hoa màu thì như chúng ta đã biết, phần lớn lại phải dùng làm lương thực bổ sung cho người, vì mức tăng của lúa lâu nay không theo kịp mức tăng của dân số. Như vậy, chúng ta đứng trước một cái vòng luẩn quẩn: lúa không tăng lên được vì thiếu phân, mà phân thì lại không tăng lên được vì thiếu lúa.

Có ý kiến cho rằng: có thể tăng được đàn lợn, do đó tăng được nguồn phân, mà không đụng chạm gì đến lúa hay lương thực của người nói chung. Chỉ cần làm thêm một vụ thứ ba nữa  vụ màu  là có đủ hoa màu phát triển chăn nuôi. Mà một khi chăn nuôi đã phát triển mạnh thì sẽ tăng được nguồn phân bón cho lúa và năng suất lúa sẽ tăng lên. Như vậy, cái vòng khép kín lâu nay giam hãm chúng ta sẽ được mở ra.

Phương án trên đây thoạt nhìn thì tưởng như không đụng chạm gì đến tổng sản lượng lương thực vốn có, vì việc tăng thêm vụ màu dành để chăn nuôi không lấn gì đến diện tích vốn vẫn trồng lương thực. Nhưng, có một câu hỏi đạt ra: trong tình hình lượng phân bón bỏ vào ruộng đất vẫn như cũ và mọi điều kiện khác không thay đổi thì có thật là có khả năng rút từ ruộng đất ra nhiều nông phẩm hơn cũng tức là nhiều chất dinh dưỡng hơn hay không? Chúng tôi nghĩ rằng: không. Nếu lượng phân bón bỏ vào ruộng đất không tăng lên thì cùng một khối lượng chất dinh dưỡng như thế trước đây phân phối cho 2 vụ, nay sẽ phân phối cho 3 vụ mà thôi. Nói theo lối nhà nông là: “2 bát chia 3”. Chung quy lại cái vòng tuần hoàn vật chất giữa sinh vật (cây trồng, gia súc, con người) và đất đai vẫn y nguyên là cái vòng khép kín: sinh vật không trao đổi thêm một nguyên tố nào cho đất thì đất cũng không có gì để trao đổi thêm cho sinh vật cả (cố nhiên nói như vậy là với điều kiện trừu tượng hóa các nhân tố phụ và không ổn định như thời tiết thuận lợi chẳng hạn). Tình trạng dẫm chân tại chỗ trong nhiều năm lại đây của năng suất cây trồng trên mỗi đơn vị diện tích gieo trồng, tương ứng với tình trạng dẫm chân tại chỗ của lượng phân bón bỏ vào mỗi đơn vị diện tích gieo trồng (cả hai tình hình này đều đã dẫn trong phần I) chẳng đủ để chứng minh cái quy luật thép của tự nhiên đó sao?

Như vậy, muốn mở tung cái vòng khép kín này ra, muốn làm cho cái vòng tuần hoàn vật chất giữa sinh vật và đất đai lắp đi lắp lại không phải với một lượng nguyên tố như cũ, mà với một lượng nguyên tố luôn luôn tăng lên, nhất thiết phải có sự can thiệp của con người. Con người không thể can thiệp theo hướng vắt kiệt màu mỡ của đất đai  làm như vậy thì sớm hay muộn cũng sẽ gặp phải sức phản kháng hay sự trừng phạt của tự nhiên  mà phải theo hướng bồi bổ màu mỡ cho đất đai. Lâu nay, chúng ta đã dùng sức người là chủ yếu để tác động theo hướng đó: tận thu các nguồn phân xanh, phân bùn, phân rác, gánh đất phù sa đổ vào ruộng, v.v… Cách làm này tuy đem lại hiệu quả không thể xem thường, song không đủ sức để tạo ra một bước nhảy vọt phổ biến trong năng suất của ruộng đất. Hơn nữa, cũng đã đến lúc nó mâu thuẫn gay gắt với yêu cầu giảm tuyệt đối số lượng lao động nông nghiệp cũng tức là yêu cầu nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp. Chính là trong tình hình như vậy mà kỹ thuật, cụ thể là công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng nói chung phải xuất hiện như là đòn xeo của lịch sử. Chỉ có công nghiệp mới đủ sức, bằng một “cái hích đầu tiên” kỳ diệu, mở tung cái vòng khép kín hiện nay giữa sinh vật và đất đai để rồi tiếp đó, không ngừng cung cấp thêm nguyên tố mới cho sự tuần hoàn vật chất giữa chúng với nhau, khiến cho sự tuần hoàn này luôn luôn diễn ra trên cơ sở đổi mới.

Ruộng đất ở miền Bắc nước ta, do tác dụng xói mòn của thiên nhiên (mưa mhiều, nắng gắt…) và nhất là do chế độ canh tác lạc hậu kéo dài từ đời nọ sang đời kia, nói chung lâm vào tình trạng bạc màu nghiêm trọng, đặc biệt thiếu nghiêm trọng lượng đạm. Nếu hàng năm bón cho ruộng đất miền Bắc 1 triệu tấn phân đạm và một lượng phân lân tương ứng (theo tỷ lệ gần như 1 lân, 1 đạm) thì đó vẫn chưa phải là mức cần thiết cao nhất (ở một số nước công nghiệp phát triển, người ta bón trên dưới 1 tấn phân hóa học cho 1 héc ta làm 1 vụ. Theo sự tính toán và thí nghiệm của các nhà nông học nước ta, nếu bón đúng cách thì 1 ki-lô-gam phân đạm có thể cho thêm 3-4 ki-lô-gam lúa. Mà giá cả (giá cả trên thị trường quốc tế) của 1 ki-lô-gam phân đạm thì xấp xỉ bằng giá cả của 1 ki-lô-gam lúa (1 so với 1,3). Như vậy, ta thấy phân bón đem lại hiệu quả kinh tế to lớn mà bất cứ số vốn đầu tư nào vào nông nghiệp cũng không sánh kịp. Đất đang đòi phân, và phân có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, hiệu quả kinh tế đó lại trực tiếp biểu hiện dưới hình thái nông phẩm là cái mà chúng ta đang cần có ngay trước mắt để mở rộng sự phân công lao động xã hội, vì vậy, phân đáng được đặt lên hàng đầu các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp nước ta hiện nay.

Có phân bón thì chúng ta có thể chỉ trong vài năm  một khoảng thời gian lý tưởng  thực hiện được việc rút hẹp diện tích trồng lương thực (rút hẹp từng bước) để mở rộng một cách tương ứng diện tích trồng cây công nghiệp và diện tích làm cơ sở thức ăn cho gia súc. Miền Bắc nước ta có ngót 2 triệu héc ta đất canh tác, trong đó 1 triệu rưởi héc ta là trồng lúa (88 vạn héc ta ruộng 2 vụ và 65 vạn héc ta ruộng một vụ). Giả dụ chúng ta có được nửa triệu tấn phân đạm và một lượng phân lân tương ứng để bón cho lúa thì lúc ấy, chỉ cần dành ra 1 triệu héc ta thích hợp nhất để trồng lúa cũng đã đủ hoặc thừa nuôi sống 20 triệu dân miền Bắc. Năng suất lúa trên mỗi héc ta lúc ấy, theo sự tính toán dè dặt nhất, cũng phải đạt bình quân 6-7 tấn cả năm. Với nửa triệu héc ta dôi ra kia, chúng ta đủ sức đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp, vật tư cho xuất khẩu và tăng mạnh đàn gia súc  nguồn thực phẩm đồng thời là nguồn phân bón to lớn. Như vậy, tác động vào nông nghiệp qua khâu phân bón, chúng ta sẽ đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc: vừa nâng cao được năng suất của ruộng lúa, vừa nâng cao được năng suất của những người trồng lúa. Kết quả là: chẳng những dôi ra được nửa triệu héc ta trước đây phải dành để trồng lúa, mà còn dôi ra được toàn bộ số lao động nông nghiệp gắn liền với nửa triệu héc ta đó nữa. Số ruộng đất và lao động này, từ nay được giải phóng ra khỏi lĩnh vực sản xuất lương thực cho người để trở thành một địa bàn rộng lớn cho việc mở mang sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Như vậy, mặc dù chưa có một cuộc cách mạng trong những phương tiện cơ giới của người lao động, mặc dù số lượng lao động sống bỏ vào việc canh tác mỗi một đơn vị diện tích vẫn như cũ, nhưng năng suất của lao động nông nghiệp thì đã được nâng lên đáng kể và lao động thặng dư nông nghiệp cũng đã được tạo ra chung trên quy mô đáng kể. Cố nhiên, chúng ta chưa thể sử dụng số lao động thặng dư này vào ngành công nghiệp vì lẽ việc canh tác nửa triệu héc ta dôi ra kia  chủ yếu vì yêu cầu của công nghiệp  vẫn là hết sức cần thiết. Trên ý nghĩa này mà nói, số lao động nông nghiệp được giải phóng ra khỏi khu vực trồng lúa vẫn chưa thể được coi là lao động thặng dư nông nghiệp thật sự, nghĩa là lao động được giải phóng hẳn ra khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung. Vấn đề này sẽ được giải quyết bằng cuộc cách mạng trong những phương tiện cơ giới của người lao động, cuộc cách mạng này cho phép chúng ta giảm tuyệt đối số lượng lao động sống dùng để tác động vào đối tượng lao động trên mỗi một đơn vị diện tích.

Ngoài những điều đã nói trên, việc hóa học hóa nông nghiệp còn có cái lợi nữa là: thời gian cần thiết để cho vốn đầu tư phát huy hiệu quả đặc biệt nhanh và thời kỳ chu chuyển của vốn đặc biệt ngắn. Chỉ cần qua thời gian một vài vụ nông nghiệp là số vốn bỏ vào phân hóa học đã trở về tay chúng ta dưới hình thái nông phẩm rồi. Lấy số vốn bỏ vào máy kéo và máy móc nông nghiệp để so sánh, chúng ta càng thấy rõ hơn điều đó. Trung bình, máy móc phải 10 năm mới khấu hao hết, nghĩa là phải 10 năm, giá trị của máy móc mới được hoàn lại toàn bộ cho chúng ta dưới hình thái nông phẩm. Giả định rằng hai khoản vốn nói trên có một lượng như nhau, và do bản chất của chúng đều là tư bản bất biến cả (chúng tôi tạm dùng khái niệm của chủ nghĩa tư bản với điều kiện lột bỏ đi cái vỏ chủ nghĩa tư bản của nó) nghĩa là không sinh sôi nảy nở thêm lên về mặt giá trị trong quá trình phục vụ, thì kết quả do chúng đem lại cũng khác nhau rất xa: trong cùng một thời gian (10 năm), số vốn bỏ vào phân bón đem lại cho chúng ta một lượng nông phẩm nhiều hơn 10 lần so với lượng nông phẩm do số vốn bỏ vào máy móc đem lại (ở đây, chúng ta tạm gác các mặt khác sang một bên, chẳng hạn như tác dụng của máy móc trong việc giảm nhẹ lao động và giảm tuyệt đối lao động sống bỏ vào việc canh tác mỗi một đơn vị diện tích, v.v…). Có tình hình như vậy là vì số vốn bỏ vào phân bón, nhờ chu chuyển 10 lần, nghĩa là lắp đi lắp lại 10 lần sự phục vụ của nó trong quá trình tái sản xuất, nên đã có tác dụng giống như một số vốn 10 lần lớn hơn. Điều này quyết không thể xem thường được, nhất là trong tình hình vốn liếng lúc ban đầu của chúng ta còn rất có hạn.

Tuy nhiên, ở đây không nên lẫn lộn giá trị và giá trị sử dụng. Nếu một lượng nông phẩm có giá trị bằng 10 lần số vốn đầu tư dành cho phân bón đã được rút ra từ ruộng đất thì điều đó chỉ là nhờ ở chỗ: một lượng phân bón có giá trị tương đương với giá trị của số nông phẩm ấy đã được bỏ vào ruộng đất. Nếu nông phẩm được rút ra 10 lần thì phân bón cũng đã được bỏ vào 10 lần như thế. Qua sự đổi chỗ đơn thuần ấy của giá trị, chúng ta không lời thêm một nguyên tử giá trị nào cả. Cái lợi ở đây chỉ là ở chỗ tiết kiệm được vốn đầu tư: chúng ta bỏ ra một số vốn bằng 1 nhưng lại nhận được sự phục vụ của một số vốn bằng 10. Số vốn này không đẻ ra giá trị nhưng nó giúp cho một lượng giá trị 10 lần lớn hơn nó có thể vận động được trong quá trình tái sản xuất, cũng giống như một tư bản thương nghiệp chu chuyển 10 lần đã giúp cho một lượng hàng hóa 10 lần lớn hơn nó đi vào lưu thông.

Như trên ta thấy, với tính chất là vốn cố định hay “tư bản bất biến”, số vốn đầu tư vào phân bón dù có chu chuyển bao nhiêu lần cũng không sáng tạo ra giá trị. Song, đứng về mặt giá trị sử dụng mà xét, thì tình hình lại khác: mỗi một lần chu chuyển của nó là một lần sáng tạo thật sự. 10 lần nó chu chuyển là 10 lần nó biến những nguyên tố không thể ăn được thành những nguyên tố ăn được, nói đúng hơn là: 10 lần nó bắt Tự nhiên phải phục vụ cho chúng ta bằng công việc chế biến kỳ diệu ấy  và phục vụ như một nô lệ không công. Đem số vốn chu chuyển được 10 lần so sánh với số vốn chỉ chu chuyển được 1 lần thì ngoài cái lợi về tiết kiệm vốn như đã nói trên kia, còn có cái lợi nữa là: trong khi cái sau chỉ ném được 1 đơn vị giá trị sử dụng  cụ thể ở đây là lúa  vào quá trình tái sản xuất thì cái trước đã ném được 10 đơn vị. Tronh tình hình chúng ta đang cần lúa để gây ra một loạt “phản ứng hóa học” trong quá trình tái sản xuất thì con số 10 so với con số 1 quả là có một ý nghĩa không thể xem thường được.

Trên đây chúng ta giả định rằng số vốn cố định bỏ vào phân hóa học về bản chất là “tư bản bất biến”: nó không sáng tạo ra giá trị trong quá trình phục vụ. Cố nhiên, nói như thế là đúng, về mặt lý luận. Song, trong đời sống thực tế ở nước ta, 1 đơn vị phân bón hóa học có giá trị gần bằng 1 đơn vị lúa lại có khả năng giúp cho cây trồng sản sinh ra 3-4 đơn vị lúa. Phân có khả năng giúp cho cây trồng sản sinh ra bao nhiêu lúa, điều đó thuộc về giá trị sử dụng hay công dụng của vật thể, công dụng này do các quy luật của tự nhiên (quy luật của vật lý, hóa học, sinh vật học…) chi phối. Còn giá cả của phân và giá cả của lúa cao thấp như thế nào điều này lại là do các quy luật của xã hội (quy luật giá trị, quan hệ cung cầu… ) chi phối. Chỉ biết rằng trong điều kiện cụ thể của ruộng đất nước ta, nếu biết bón phân đúng quy cách khoa học thì 1 đơn vị phân sẽ cho ta 3-4 đơn vị lúa. Điều này về mặt giá trị, có nghĩa là: chúng ta sẽ được lời theo tỷ lệ “một vốn ba bốn lời”, và như vậy chính là nhờ ở sự giúp đỡ đặc biệt của Tự nhiên đối với lao động xã hội. Những điều mà Mác phân tích về địa tô chênh lệch  cả địa tô chênh lệch I lẫn địa tô chênh lệch II  đều đúng với trường hợp của chúng ta ở đây. Với khả năng đem lại một tỷ lệ địa tô chênh lệch cao như vậy, việc đầu tư vào phân bón hóa học thật xứng đáng được coi là phương hướng thâm canh chủ yếu của chúng ta hiện nay.

Từ những điều trên đây, cố nhiên không thể đi tới tuyệt đối hóa ý nghĩa của vốn đầu tư vào hóa học hóa nông nghiệp. Các biện pháp như thủy lợi hóa, cơ giới hóa, mỗi cái đều có vị trí và tác dụng riêng của nó mà bất cứ biện pháp nào khác đều không thể thay thế được. Một sự lựa chọn giữa các biện pháp ấy nếu là cần thiết thì đó chỉ là căn cứ vào tác dụng của mỗi cái đối chiếu với yêu cầu và khả năng của bước thứ nhất.

Nước đối nới cây trồng bao giờ cũng là một trong những điều kiện đầu tiên của sự sống, giống như đất, ánh sáng và khí trời vậy. Thiếu những điều kiện đầu tiên ấy thì phân bón không thể có tác dụng gì hết. Vì vậy, khi mà cây trồng còn thiếu nước để duy trì sự sống bình thường của nó thì thủy lợi ắt phải coi là biện pháp hàng đầu trong nông nghiệp. Nhưng một khi cây trồng đã có đủ nước hoặc tạm đủ nước để sống rồi, nếu cứ tiếp tục đặt thủy lợi lên vị trí hàng đầu như cũ thì không thể đưa nông nghiệp vươn lên mạnh mẽ được, Lúc này phân bón trở thành vấn đề then chốt để đưa năng suất cây trồng tăng lên. Tình hình của chúng ta hiện nay, theo chúng tôi nghĩ, về cơ bản là như vậy.

Việc cơ giới hóa các khâu lao động là một yêu cầu tuyệt đối của nền đại công nghiệp xã hội chủ nghĩa. Không cơ giới hóa thì không thể giảm tuyệt đối số lượng lao động nông nghiệp và giảm nhẹ lao động. Song, đó không phải là lý do khiến ta nhất thiết phải đặt cơ giới hóa lên hàng đầu các biện pháp kỹ thuật ngay trong bước thứ nhất. Mà dù chúng ta có muốn làm như vậy chăng nữa thì điều kiện thực tế cũng chưa cho phép: việc sản xuất và sử dụng máy kéo phổ biến trong nông nghiệp đòi hỏi một trình độ phát triển cao của công nghiệp chế tạo và sửa chữa cơ khí là cái mà chúng ta chưa có thể có ngay trong bước thứ nhất. Nếu dựa vào nhập khẩu để cơ giới hóa nông nghiệp thì trong mấy năm của bước thứ nhất, cũng không thể tiến được bao xa, ngay cả với sự cố gắng gấp đôi ba lần những năm trước đây. Không những thế, theo chúng tôi nghĩ, cũng không nên dành cho máy kéo ngay cả một số vốn tương đối lớn trước khi bảo đảm đủ yêu cầu về phân bón hóa học (chủ yếu là phân đạm) nhằm đạt mục tiêu rút bớt nửa triệu héc ta trồng lúa. Lý lẽ, như chúng tôi đã trình bày ở trên là: đứng về mặt tăng nhanh nông sản hàng hóa phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu cũng như đứng về mặt rút bớt diện tích và lao động trồng lúa để mở rộng sự phân công lao động xã hội trong một thời hạn ngắn nhất, về mặt tiết kiệm vốn đầu tư cũng như tăng nhanh tích lũy, tóm lại là xét theo mọi yêu cầu của bước thứ nhất, số vốn đầu tư vầo phân bón hóa học đều có ưu thế tuyệt đối. Việc tăng cường trang bị máy kéo và các máy khác cho nông nghiệp có tính tất yếu riêng của nó và không thể không tiến hành ngay trong bước thứ nhất để tiến lên hoàn thành trong bước thứ hai. Song, nếu vì máy kéo mà phải giảm sự tập trung của chúng ta vào khâu phân bón và do đó, không thể giành được thắng lợi dứt điểm trong khâu này, thì sự tiết chế tạm thời nhất thiết phải đặt ra ở khâu máy kéo.

Từ những sự phân tích trên đây, có thể đi đến kết luận: đã đến lúc phải đặt vấn đề phân bón lên hàng đầu các biện pháp kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm tạo ra bước nhảy vọt quan trọng đầu tiên trong năng suất của ruộng đất và năng suất của lao động. Nhiệm vụ này lại phải được giải quyết dứt điểm ngay trong bước thứ nhất, và ngay trong những năm đầu tiên của bước thứ nhất, để tạo điều kiện giải quyết một loạt vấn đề khác. Vì vậy, công nghiệp phân bón cũng như công nghiệp hóa chất nói chung, vốn là ngành phát triển muộn trong lịch sử của công nghiệp, lại phải trở thành một trong những “điểm cao” mà công cuộc công nghiệp hóa ở nước ta phải chiếm lĩnh đầu tiên.

Về phân lân, chúng ta có dồi dào tài nguyên thiên nhiên nằm sẵn trong lòng đất. Việc khai thác quặng a-pa-tít phải được mở rộng và những nhà máy chế biến phải được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu của cây trồng về phân lân, điều mà chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được.

Về phân đạm, chúng ta cần tranh thủ kỹ thuật hiện đại nhất để sản xuất bằng những nguyên liệu sẵn có, dù rằng theo hướng này, giá thành của phân có cao hơn là sản xuất bằng những nguyên liệu lấy từ dầu lửa và than mỡ. Nếu phụ thuộc vào nước ngoài về những nguyên liệu này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu của nông nghiệp (cố nhiên, khi nào có điều kiện, chúng ta không bỏ lỡ cơ hội để mở rộng ngành công nghiệp phân đạm trên cơ sở tận dụng những nguyên liệu nhập khẩu). Những cái lợi mà nền nông nghiệp có đủ phân đạm đem lại cho chúng ta (như địa tô chênh lệch, v.v…) sẽ thừa để bù vào những lỗ hổng do giá thành cao của phân gây ra. Quy mô của công nghiệp phân đạm ngay trong bước thứ nhất phải có sức cung cấp không phải 5-10 vạn tấn, mà 40-50 vạn tấn, để sang bước thứ hai tiến lên cung cấp được 1 triệu hoặc hơn 1 triệu tấn. Con số này đứng riêng về ruộng đất miền Bắc mà nói chưa phải là cao,

Trong khi công nghiệp còn đang xây dựng thì nhu cầu bước đầu về phân đạm (nửa triệu tấn) phải được giải quyết bằng con đường nhập khẩu. Nếu gặp sự căng thẳng về vốn, chúng ta có thể sẵn sàng tạm hoãn ngay cả việc xây dựng một số xí nghiệp công nghiệp để tập trung vốn cho việc nhập khẩu phân đạm. Chỉ cần một vài năm thôi, số vốn này sẽ sinh con đẻ cái, và con cái của nó có thể còn lớn hơn cả bản thân nó. Lúc ấy, con sẽ thay mẹ để làm phương tiện nhập khẩu.

Ngoài lân và đạm ra, công nghiệp còn phải viện trợ cho nông nghiệp đủ số lượng vôi cần thiết (mỗi năm khoảng 1 triệu tấn). Công nghiệp khai thác than và đá vôi phải phát triển. Việc cung cấp than và gạch ngói cho nhu cầu tiêu dùng của nông dân cũng phải được giải quyết từng bước để có thể tận dụng số rạ (vẫn dùng để lợp nhà và đun nấu) làm mùn cho đất. Điều này còn có lợi nữa là: giảm được công vận chuyển mỗi năm mấy triệu tấn rạ từ đồng về nhà và sau đó lại chuyển tro từ nhà ra ruộng (bình quân mỗi héc ta gieo trồng cho khoảng 2 tấn rạ, với mức sinh trưởng của cây lúa hiện nay).

Đương nhiên, vấn đề cung cấp phân bón cho nông nghiệp không phải chỉ liên quan đến phát triển công nghiệp phân bón. Công nghiệp hóa chất cơ bản, công nghiệp điện lực, công nghiệp khai thác than và các khoáng sản khác, công nghiệp chế tạo cơ khí, ngành giao thông vận tải,v.v… cũng phải phát triển tương ứng.

Nói đến công nghiệp cung cấp phân bón không phải là giảm nhẹ vai trò của nông nghiệp trong việc tận dụng khả năng của bản thân nông nghiệp để tăng thêm phân bón. Nông nghiệp, với ý nghĩa là cái vòng tuần hoàn vật chất giữa sinh vật và đất đai, bao giờ cũng là một nguồn phân bón to lớn cho bản thân nó. Với sự viện trợ của công nghiệp thì nguồn phân bón này càng có khả năng tăng lên mạnh mẽ: số rơm rạ sẽ tăng lên, đàn gia súc sẽ tăng lên, các chất thải của người cũng tăng lên, v.v… Chỉ cần một “cái hích đầu tiên” của công nghiệp  một liều lượng phân hóa học đủ sức gây tác dụng hưng phấn cho năng suất của cây trồng  là lập tức sự sinh trưởng của các sinh vật và trao đổi thể chất của các sinh vật sẽ hoạt bát hẳn lên, và nguồn phân bón do bản thân nông nghiệp tạo ra sẽ phong phú thêm lên.

Sau vấn đề phân bón là vấn đề nước. Vấn đề này tuy đã được giải quyết về cơ bản qua hơn 10 năm phấn đấu gian khổ, song không phải không còn là vấn đề quan trọng nữa. Trước mắt nó đặt ra hai nhiệm vụ: một là, tiếp tục tiêu diệt nốt nạn úng và hạn; và hai là, giảm tuyệt đối số lao động nông nghiệp bỏ vào khâu tưới tiêu. Đó là chưa nói đến một nhiện vụ lâu dài: việc thuần phục các dòng sông, vì lợi ích của nông nghiệp, giao thông vận tải và đời sống.

Nếu đối với miền Bắc nói chung, vấn đề nước tạm coi là đã được giải quyết về cơ bản thì đối với riêng một số vùng, nó vẫn còn là một mối đe dọa nghiêm trọng, do đó vẫn còn phải được đặt thành một nhiệm vụ hàng đầu. Ngay những năm gần đây, diện tích bị úng có khi còn lên tới trên 10 vạn héc ta và diện tích bị hạn có khi còn lên tới trên 40 vạn héc ta. Giải quyết nốt tình trạng này là một nhiệm vụ cấp bách. Ngoài ra, việc hoàn thiện các hệ thống thủy lợi đã xây dựng cũng phải được đặt ra. Và những nhiệm vụ này phải được hoàn thành tốt trong bước thứ nhất để cho số diện tích canh tác có hạn của chúng ta, nếu chưa có điều kiện lấn vào thiên nhiên thì ít ra cũng được bảo đảm khỏi bị thiên nhiên xâm lấn.

Khi vấn đề hạn và úng đã được giải quyết về cơ bản rồi thì một nhiệm vụ khác nổi lên: giảm tuyệt đối số lao động nông nghiệp bỏ vào khâu tưới tiêu. Khâu này thường chiếm một bộ phận quan trọng trong tổng số lao động nông nghiệp hàng năm. Chính ở khâu này  một khâu lao động tĩnh tại  việc cơ giới hóa và điện khí hóa có điều kiện thực hiện thuận lợi hơn cả về mặt kỹ thuật. Nó cũng giảm được một bộ phận quan trọng lao động nông nghiệp, và như vậy không đòi hỏi phải có nhiều máy móc hoặc máy móc phức tạp. Nó thừa hưởng và tận dụng được cả hệ thống mương máng sẵn có, hệ thống này một khi được xây dựng, sẽ mãi mãi phục vụ không công cho chúng ta như những lực lượng tự nhiên. Vì những lẽ trên đây, việc cơ giới hóa và điện khí hóa nền nông nghiệp nước ta có thể và phải nắm lấy khâu tưới tiêu trước nhất và sớm nhất , nhằm nâng cao một bước năng suất của lao động nông nghiệp. Đó chính là một phương hướng quan trọng của công nghiệp nặng trong bước thứ nhất. Theo phương hướng này, công nghiệp cơ khí chế tạo động cơ điện và máy bơm, công nghiệp điện lực và thiết bị điện, công nghiệp sản xuất xi măng, gỗ, sắt thép, v.v… cung cấp cho các công trình trạm bơm và cầu cống phải phát triển mạnh. Việc cơ khí hóa và điện khí hóa khâu tưới tiêu nếu không kịp thời hoàn thành trong bước thứ nhất thì cũng phải được hoàn thành trên đại thể, vì nó chính là cái lò chế tạo ra lao động thặng dư nông nghiệp (để chuyển thành lao động công nghiệp) quan trọng nhất trong bước này.

Để nâng cao một mức đáng kể năng suất của lao động nông nghiệp, khi chưa có điều kiện cơ giới hóa trên quy mô lớn các công việc đồng áng, ngoài công việc tưới tiêu vừa nói ra, ít nhất chúng ta cũng phải phấn đấu trang bị phổ biến cho lao động nông nghiệp các phương tiện vận tải cải tiến và các loại nông cụ cải tiến. Tính chất cấp thiết của nhiệm vụ này là điều đã được khẳng định từ lâu. Nó phải được giải quyết dứt điểm ngay trong bước thứ nhất. Việc cung cấp số nguyên liệu cần thiết (chủ yếu là gỗ và sắt thép) để chế tạo phương tiện vận tải (thuyền và xe cải tiến) và nông cụ cải tiến phải được đặt vào địa vị ưu tiên. Hệ thống cơ khí chế tạo và sửa chữa phải được nâng cao về mặt kỹ thuật và mở rộng khắp các địa phương. Nguyên tắc chuyên môn hóa và hợp tác trong sản xuất phải được áp dụng rộng rãi trong hệ thống này, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.

Nếu trong bước đi thứ nhất, chúng ta giành được thắng lợi dứt điểm ở mấy khâu chủ yếu trên đây (phân bón, thủy lợi, vận chuyển và công cụ cải tiến) thì năng suất của ruộng đất cũng như năng suất của lao động nông nghiệp sẽ đạt được một bước nhảy vọt, sản phẩm thặng dư nông nghiệp và lao động thặng dư nông nghiệp sẽ được tạo ra trên quy mô lớn, và nông nghiệp sẽ đóng được một cách xứng đáng vai trò làm cơ sở cho công nghiệp phát triển.

Mặt khác công nghiệp cũng phát triển một bước dài. Chỉ riêng mấy khâu nói trên đã mở ra cho nhiều ngành của công nghiệp nặng một tiền đồ phát triển rộng lớn. Các khâu khác của sản xuất nông nghiệp (như trừ sâu, phòng và chữa bệnh gia súc, chế biến thức ăn cho gia súc, sơ chế nhiều loại cây công nghiệp, v.v…) cũng đặt ra cho công nghiệp nặng nhiều “đơn đặt hàng” khác nữa. Một nền nông nghiệp phát triển toàn diện sẽ là cơ sở cho một nền công nghiệp nhẹ phát triển và một nền công nghiệp thực phẩm phát triển. Tương ứng với sự phát triển của công nghiệp và của nông nghiệp ngành giao thông vận tải và ngành kiến trúc cũng phát triển. Và sự phát triển của tất cả các ngành trên đây đòi hỏi ở công nghiệp nặng một sự phát triển tương ứng.

Như vậy, lấy nông nghiệp làm trọng điểm cho bước thứ nhất, chúng ta sẽ đặt được cả hai mục tiêu cùng một lúc: vừa phát triển mạnh được nông nghiệp, lại vừa đẩy được sự nghiệp công nghiệp hóa tiến lên một bước lớn.

Khi nói “lấy nông nghiệp làm trọng điểm”, có người nghĩ ngay đến việc giành phần lớn vốn đầu tư cho nông nghiệp. Cũng có người còn đi xa hơn nữa; họ tưởng rằng làm như vậy là tạm thời từ bỏ công nghiệp hóa. Những ý nghĩ như trên xuất phát từ chỗ đặt vấn đề không đúng về mối quan hệ hữu cơ giữa công nghiệp và nông nghiệp. Thử hỏi nếu giành phần lớn vốn đầu tư cho nông nghiệp thì vốn đầu tư ấy sẽ dùng vào việc gì? Tách rời công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp nặng) thì dù có nhiều vốn đầu tư, nông nghiệp cũng không thể vươn lên mạnh được. Đứng trên quan điểm tái sản xuất của toàn xã hội mà xét thì không phải cứ có nhiều tiền là đẩy được sản xuất tiến lên (ở đây, tạm gác ngoại thương vì ngoại thương không thể giải quyết được mọi vấn đề của sản xuất mà chỉ có thể hỗ trợ về một số mặt nào đó). Mấu chốt là ở chỗ: làm sao có được chính những yếu tố của sản xuất  lao động và tư liệu sản xuất. Lao động nông nghiệp, chúng ta không thiếu. Cái thiếu của chúng ta chỉ là tư liệu sản xuất, mà lại là những tư liệu sản xuất kết tinh của khoa học và kỹ thuật hiện đại. Những thứ này chỉ có đại công nghiệp mới cung cấp được. Chính vì thế mà “lấy nông nghiệp làm trọng điểm” lại là đi vào phát triển công nghiệp, cụ thể là đi vào phát triển công nghiệp nặng, để rồi dùng nền công nghiệp đó làm đòn bẩy đưa nông nghiệp tiến lên. Thoát ly nguyên tắc ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, thoát ly sự nghiệp công nghiệp hóa, thì không thể có được quan niện đúng đắn về việc lấy nông nghiệp làm trọng điểm mà cũng không có cách gì làm cho trọng điểm trở thành trọng điểm cả. Như vậy, “lấy nông nghiệp làm trọng điểm” chỉ có thể có nghĩa là: trên cơ sở ưu tiên phát triển công nghiệp nặng mà phát triển mạnh nông nghiệp, làm cho nông nghiệp thật sự trở thành cơ sở vững chắc để phát triển công nghiệp. Đó cũng chính là nội dung chủ yếu của bước đi đầu tiên của công nghiệp hóa ở nước ta.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày về trọng điểm. Đương nhiên, trọng điểm bao giờ cũng là cái mấu chốt nhất, nhưng không bao giờ lại là tất cả. Nhiệm vụ cơ bản của bước đi thứ nhất là: tạo ra những điều kiện cần thiết nhất để triển khai trên quy mô lớn công cuộc công nghiệp hóa. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, ngoài trọng điểm nông nghiệp và những ngành công nghiệp nặng trực tiếp làm đòn bẩy cho nông nghiệp, chúng ta còn phải tạo ra trên chừng mực nhất định một cơ sở nguyên liệu (than và các khoáng sản khác, gang thép, đồng, nhôm, xi-măng, gỗ, v.v…) và một năng lực chế tạo cơ khí, tuy chưa đủ sức đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản, song cũng đã có thể dùng làm bàn đạp khá vững chắc cho bước phát triển tiếp theo. Gắn liền với sự phát triển của các ngành nói trên là một sự phát triển tương ứng của giao thông vận tải, kiến trúc, và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Cuối cùng, cơ sở điện lực của tất cả các ngành phải được bảo đảm.

Với nội dung như trên, người ta sẽ đặt câu hỏi: như vậy thì anh đã chủ trương triển khai công nghiệp hóa rồi còn gì? Đúng thế. Song, đây chưa phải là sự triển khai trên quy mô lớn, diện rộng, một sự triển khai thật sự. Đây mới chỉ là một sự “triển khai” có trọng điểm, một sự “triển khai” hạn chế. Hơn nữa, xét theo tính chất các yếu tố vật chất mà nó tạo ra (lao động thặng dư nông nghiệp, nguyên liệu tư liệu lao động, vật tư xuất khẩu, vốn tích lũy…) thì sự “triển khai” này về cơ bản vẫn mang tính chất chuẩn bị: tích lũy những yếu tố của sản xuất để chuẩn bị cho một quá trình tái sản xuất mở rộng trên quy mô lớn.

Với nhiệm vụ và nội dung như trên, bước thứ nhất đòi hỏi một thời gian bao lâu? Điều này tùy thuộc ở nhiều nhân tố có tính chất chế ước lẫn nhau: cơ sở nông nghiệp và công nghiệp mà chúng ta sẽ đạt được ngay sau khi chiến thắng đế quốc Mĩ, mức độ và thời gian kết hợp kinh tế miền Bắc và kinh tế miền Nam, khối lượng vốn đầu tư huy động được ở trong nước, quy mô và sự viện trợ quốc tế, sự cố gắng chủ quan và chủ quan chỉ đạo, v.v… Với những ẩn số trên đây thì việc đưa ra một thời hạn, dù có tính chất thuần túy ước lượng, cũng là điều khó khăn. Vì vậy, trừu tượng hóa các nhân tố nói trên là phương pháp thích hợp hơn cả. Theo phương pháp đó, chúng ta sẽ trở lại tình trạng của nền kinh tế miền Bắc nước ta vào quãng cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (năm 1965), và cũng chỉ đóng khung trong phạm vi nền kinh tế miền Bắc. Như vây, một khoảng thời gian 5-7 năm là cần thiết để hoàn thành về cơ bản những nhiệm vụ đề cho bước đi thứ nhất.

Đến đây, chúng ta có thể chuyển sang nội dung của bước thứ hai trong đó công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của nước ta sẽ được triển khai trên quy mô lớn cho đến lúc nhiệm vụ của nó được hoàn thành. Song, nói đến nội dung của bước thứ hai thì không thể không nói đến nhiệm vụ và nội dung của toàn bộ công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của nước ta, nói đến cơ cấu và quy mô của toàn bộ nền công nghiệp nước ta, nói đến cuộc cách mạng kỹ thuật trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân nước ta. Đề tài rộng lớn này chỉ có thể đề cập đến trong một công trình nghiên cứu riêng biệt.

Ở đây, chúng tôi chỉ đặt ra cho mình một mục tiêu hạn chế: chứng minh tính tất yếu khách quan của bước thứ nhất trong đó nông nghiệp được coi là trọng điểm. Bước thứ nhất một khi được thừa nhận thì bản thân nó đã bao hàm tính tất yếu của bước thứ hai, và như vậy, vấn đề bước đi của công nghiệp hóa đã được giải quyết trên đại thể.

Đương nhiên, ngay với mục tiêu hạn chế đề ra, cũng không thể đề cập đầy đủ các mặt trong phạm vi một bài báo được. Vì vậy, những ý kiến nêu ra chỉ có thể xem như những nét bút đầu tiên của một bức tranh phác họa. Nếu nó gợi lên được một đôi sự suy nghĩ trong giới kinh tế chúng ta thì đó là điều người trình bày mong mỏi./.