Bàn về tốc độ công nghiệp hóa nước ta

Phát triển với tốc độ cao là quy luật của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa

Tốc độ phát triển cao là một ưu thế căn bản của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa so với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nó biểu hiện một cách tổng hợp tính ưu việt của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Tốc độ phát triển cao của nền sản xuất chẳng phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là tính quy luật bắt nguồn từ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa “Giải phóng tư liệu sản xuất khỏi xiềng xích (xiềng xích tư bản chủ nghĩa) đó là điều kiện tiên quyết duy nhất để đảm bảo cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, tiến triển theo một tốc độ ngày càng nhanh thêm, và do đó làm cho chính sản xuất trên thực tế ngày càng tăng thêm một cách vô cùng tận”. Một khi chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất bị xóa bỏ và chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa được xác lập thì mọi sự lãng phí và phá hoại của các lực lượng sản xuất và sản phẩm xã hội gắn liền với chủ nghĩa tư bản lập tức bị xóa bỏ, nền kinh tế quốc dân được phát triển một cách có kế hoạch trên cơ sở kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, mọi nguồn nhân lực và vật lực được sử dụng một cách hợp lý nhất vào việc phát triển sản xuất và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, khả năng sáng tạo của quần chúng lao động có đầy đủ điều kiện để nảy nở một cách vô hạn. Tất cả những điều đó làm cho nền sản xuất xã hội phát triển với tốc độ cao chưa từng có trong lịch sử.

Nếu so với thời gian trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, sản lượng công nghiệp của các nước tư bản chỉ tăng được 2 lần rưỡi thì sản lượng công nghiệp của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung tăng gấp 7 lần. Đó là nhân tố quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong cuộc đua kinh tế với chủ nghĩa tư bản.

Tốc độ phát triển cao cũng là đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế miền Bắc nước ta, kể từ khi miền Bắc hoàn toàn thoát khỏi xiềng xích của đế quốc phong kiến và vững bước trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chỉ trong vòng 7 năm, từ năm 1955 đến năm 1961, sản lượng nông nghiệp đã tăng lên gấp rưỡi, và sản lượng công nghiệp tăng lên 5 lần rưỡi. Trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ sản xuất có tốc độ phát triển cao như vậy. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ngày càng hoàn thiện sẽ là nguồn lực để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các ngành kinh tế quốc dân ở miền Bắc nước ta.

Công nghiệp hóa với tốc độ cao là yêu cầu bức thiết của đời sống

“Trong bất cứ một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa nào, khi giai cấp vô sản đã làm xong nhiệm vụ giành được chính quyền rồi và trong chừng mực mà nhiệm vụ tước quyền sở hữu của bọn chiếm đoạt và nhiệm vụ đập tan sự phản kháng của chúng đã được hoàn thành trên đại thể thì tất nhiên có một nhiệm vụ căn bản khác được đặt lên hàng đầu, đó là: Thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động, và do đó (và vị thế) phải tổ chức lao động theo một phương thức cao hơn. Việc nâng cao năng suất lao động đòi hỏi trước hết là cơ sở vật chất của nền đại công nghiệp phải được đảm bảo: Việc sản xuất nhiên liệu, sắt, máy móc, sản phẩm hóa học phải được phát triển”.

Từ sau khi kết thúc thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958-1960), hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa thì việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nhằm tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được đặt thành nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta.

Có ý kiến cho rằng: “Trong điều kiện nếu phe xã hội chủ nghĩa có một nền công nghiệp hùng hậu thì nước ta có thể tiến hành công nghiệp hóa một cách từ từ cũng được. Làm như vậy thì số vốn to lớn đáng lẽ phải bỏ vào xây dựng công nghiệp sẽ được đem sử dụng để phát triển nông nghiệp nhằm mau chóng cải thiện đời sống nhân dân”. Cũng với ý nghĩ tương tự, người ta cho rằng đời sống hiện nay còn khó khăn là do công nghiệp hóa nhanh quá, tích lũy nhiều quá.

Nếu ý kiến trên đây là đúng thì không phải chúng ta sẽ nâng cao tốc độ phát triển công nghiệp lên hơn nữa, mà trái lại phải giảm tốc độ đó đi. Muốn đánh giá ý kiến trên đây là đúng hay không đúng, thì trước hết cần xét xem nó có phù hợp với yêu cầu của đời sống hay không.

1- Mọi người đều biết, muốn cải thiện đời sống nhân dân, cần phải có của cải vật chất dồi dào hơn nữa để đảm bảo cho nhân dân ăn no, mặc ấm, có đủ thuốc men để chống với bệnh tật, có đủ giấy bút và các đồ dùng văn hóa khác và có thêm nhà ở. Để đảm bảo cho nhân dân có dồi dào lương thực, đường mật, thịt cá… chủ yếu phải trông vào sự phát triển nông nghiệp, muốn nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp và mở rộng diện tích trồng trọt lên hơn nữa, chỉ với cơ sở kỹ thuật thô sơ hiện nay thì không sao đạt được mục đích. Thực tế của đời sống đã chỉ ra rằng, muốn phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa thì phải tạo cho nông nghiệp nước ta một cơ sở vật chất kỹ thuật mạnh mẽ, phải cung cấp cho nó ngày càng nhiều những phương tiện kỹ thuật tiên tiến: máy bơm nước, điện lực, xi măng và sắt thép (để xây dựng các công trình thủy lợi), phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nông cụ cải tiến, máy kéo và máy nông nghiệp… Tất cả những cái đó, chủ yếu là do công nghiệp nặng sản xuất ra. Sau nhu cầu về ăn thì vải mặc là nhu cầu bức thiết thứ hai của đời sống. Những năm qua, để đảm bảo mức vải mặc chưa phải là dồi dào gì cho lắm, chúng ta đã phải nhập hàng năm trên 1 vạn tấn bông, tương đương với giá trị sản lượng của toàn bộ khu mỏ Hồng Gai! Trong điều kiện mà nền nông nghiệp miền Bắc nước ta không thể sản xuất bông đủ dùng, với mức nhu cầu vải mặc ngày càng tăng, thì có nên duy trì mãi tình trạng nhập bông như hiện nay không? Rõ ràng đó là một phương hướng không có lợi, một phương hướng “vạn bất đắc dĩ”. Cách giải quyết tốt nhất chỉ có thể là: đi đôi với việc đẩy mạnh trồng bông, tự chúng ta sẽ chế tạo lấy bông tơ nhân tạo từ các thứ cây cỏ vô cùng phong phú trên đất nước chúng ta, và tiến lên sau này chế tạo vi-ni-lông từ cái nguồn vô tận của chúng ta là than đá. Những sản phẩm này, một khi đã sản xuất được thì lại rất rẻ. Nhưng muốn sản xuất được thì trước tiên phải bỏ ra một số vốn rất to lớn để phát triển công nghiệp hóa học, công nghiệp điện lực, và kéo theo đó là công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo máy móc, công nghiệp vật liệu xây dựng… Chung quy lại, muốn thỏa mãn nhu cầu về mặc thì trước hết cũng phải dựng lên một nền công nghiệp nặng mạnh mẽ. Giấy viết, thuốc men, nhà ở cũng thế. Không có công nghiệp hóa học, công nghiệp vật liệu xây dựng, và nói chung là công nghiệp nặng thì cũng không thể có được những tư liệu tiêu dùng thông thường ấy.

Trong tư tưởng của một số cán bộ và nhân dân ta hiện nay, mỗi khi nghĩ đến cải thiện đời sống thì người ta nghĩ ngay đến nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, còn mỗi khi nghĩ đến công nghiệp nặng thì người ta tưởng chừng như là một cái gì đối lập với cải thiện đời sống. Tư liệu tiêu dùng cần cho đời sống hàng ngày của chúng ta, chủ yếu là do nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sản xuất ra; điều đó, không ai phủ nhận. Nhưng, người ta không thể sản xuất ra những thứ đó với hai bàn tay không, mà phải sử dụng tư liệu sản xuất để sản xuất ra. Vậy mà tuyệt đại bộ phận những tư liệu sản xuất ấy, trong xã hội hiện đại là do công nghiệp nặng cung cấp. Đó chính là lẽ vì sao chủ nghĩa Mác – Lênin coi việc ưu tiên phát triển sản xuất tư liệu sản xuất – mà nội dung cơ bản trong xã hội hiện đại là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng – là quy luật kinh tế của tái sản xuất mở rộng. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng không ngoài mục đích cuối cùng là nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, thông qua việc thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất ra tư liệu tiêu dùng. Đối với công nghiệp nặng với mục đích cuối cùng và duy nhất của nó là cải thiện đời sống nhân dân, hoặc tách rời nông nghiệp và công nghiệp nhẹ ra khỏi cơ sở công nghiệp nặng của nó, là thể hiện phương pháp tư tưởng siêu hình, không mác – xít.

Người ta còn viện ra lý lẽ: “Đành rằng công nghiệp nặng là cơ sở không thể thiếu để phát triển các ngành kinh tế quốc dân, nhưng trong thời gian trước mắt (trước mắt là bao lâu nữa không rõ!) chúng ta có thể dựa vào nền công nghiệp nặng của phe xã hội chủ nghĩa để có được những tư liệu sản xuất cần thiết cho việc phát triển thật mạnh mẽ nền nông nghiệp và công nghiệp nhẹ của chúng ta, như vậy chẳng là có lợi hơn hay không?

Sự thật thì chúng ta đã dựa và còn tiếp tục dựa vào nền công nghiệp nặng của phe xã hội chủ nghĩa để phát triển các ngành kinh tế của chúng ta. Nhưng không thể hiểu được việc chúng ta dựa vào nền công nghiệp nặng của các nước anh em chỉ là để phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ của chúng ta, mà chính là – và đây là điều kiện chủ yếu để xây dựng cho ta một nền công nghiệp nặng lớn mạnh đủ bảo đảm thỏa mãn tuyệt đối đại bộ phận nhu cầu về tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế quốc dân của nước ta. Thật là khó hiểu trong khi đất nước ta có dồi dào quặng sắt lại chủ trương không tự mình nấu ra gang thép, trong khi đất nước ta có vô vàn gỗ và nứa lại không tự mình chế tạo ra giấy viết và vải mặc, trong khi biển nước mặn của chúng ta là một nguồn muối vô tận lại đi nhập sút về làm xà phòng! Như vậy thì làm sao có thể biến những tài nguyên thiên nhiên ấy thành ra nguồn giàu có vô tận của nhân dân ta? Nếu chúng ta cứ tiếp tục nhập của các nước anh em mỗi năm hàng chục vạn tấn gang thép, hàng chục vạn tấn phân đạm, hàng chục vạn tấn sút và hóa chất thì chưa nói gì đến tình trạng bị động của nền sản xuất nước ta, chỉ riêng tiền chi phí vận tải trên hàng vạn cây số đã là một sự lãng phí vô cùng to lớn rồi. Một tấn phân đạm chở từ Liên Xô về đến chúng ta thì tiền chuyên chở đã ngang bằng giá mua của nó, chỉ một thí dụ cỏn con đó cũng đủ làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Hơn nữa nước ta tuy không phải là một nước lớn trên thế giới, nhưng cũng không phải là một nước quá bé nhỏ, nhu cầu của chúng ta về mọi mặt cũng khá lớn và ngày càng lớn. Các nước anh em dù có tận tình đến đâu cũng không thể cung cấp mãi cho chúng ta đủ mọi nhu cầu to lớn đó. Lại còn những sản phẩm hầu như hoàn toàn không thể chuyển từ nước ngoài về được như điện lực và axit chẳng hạn. Ngay ở các nước anh em phương hướng phấn đấu thường xuyên cũng vẫn là làm sao phân bố nền công nghiệp đều khắp các vùng trong nước để tận dụng được hợp lý mọi nguồn tài nguyên và giảm được đến mức thấp nhất các chi phí về vận tải, huống chi nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa ở địa đầu của đại lục!

Chúng ta rất nên phát huy mọi khả năng của nền nông nghiệp nhiệt đới của chúng ta để mở rộng sự trao đổi với các nước anh em. Khẳng định điều đó hoàn toàn không có nghĩa là biến nước ta thành một vườn cam, vườn chuối của phe xã hội chủ nghĩa. Nhìn về toàn cục mà nói, cơ sở của sự giàu có của chúng ta, cơ sở của đời sống văn minh của nhân dân ta không phải là cái gì khác ngoài “nền đại công nghiệp cơ khí, có khả năng cải tạo cả nông nghiệp” (Lênin).

Cho rằng có thể trì hoãn công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là thoát ly đời sống thực tế, nhắm mắt trước những mâu thuẫn thực tế tồn tại và đang đòi hỏi phải được giải quyết càng sớm càng tốt.

Trong các mâu thuẫn đó, trước hết phải kể đến mâu thuẫn giữa nền công nghiệp nặng của chúng ta hiện còn hết sức non yếu với yêu cầu trang bị kỹ thuật và cung cấp nguyên liệu ngày càng tăng của các ngành kinh tế quốc dân, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, xây dựng giao thông vận tải… Tình trạng căng thẳng về điện lực, về gang thép, về kim loại màu, về hóa chất cơ bản, về các thứ nguyên liệu công nghiệp khác,… chính là biểu hiện của các mâu thuẫn đó.

Thứ nữa là mâu thuẫn giữa khả năng cung cấp và yêu cầu ngày càng tăng về vật phẩm tiêu dùng do trình độ phát triển thấp kém của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ của chúng ta gây ra. Mâu thuẫn này biểu hiện rõ rệt ở tình trạng căng thẳng thường xảy ra về lương thực, thực phẩm, vải mặc và các hàng công nghiệp khác.

Các mâu thuẫn trên đây là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế nước ta mà cũng là kết quả tất nhiên của nền kinh tế lạc hậu của một xứ thuộc địa mới được giải phóng chưa bao lâu. Giải quyết về căn bản các mâu thuẫn ấy có nghĩa là xóa bỏ tình trạng lạc hậu của nền công nghiệp, xóa bỏ tình trạng không cân đối giữa công nghiệp nặng và các ngành kinh tế quốc dân khác, và biện pháp duy nhất chỉ có thể là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà mấu chốt là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

Từ tất cả những điều kiện trên đây, người ta không thể không đi đến kết luận: đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa nước ta, trước hết là đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp nặng, là yêu cầu bức thiết của đời sống ở miền Bắc hiện nay. Tốc độ phát triển của nông nghiệp, của toàn bộ nền kinh tế quốc dân đều phụ thuộc vào vấn đề then chốt đó.

2- Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc, cơ sở của sự giàu có và hùng mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không những chỉ là vì lợi ích của nhân dân miền Bắc, mà còn vì lợi ích của sự nghiệp cách mạng của toàn thể dân tộc, vì lợi ích của sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Miền Bắc công nghiệp hóa thì căn cứ địa chung của cách mạng cả nước sẽ được củng cố hơn bao giờ hết, lực lượng so sánh giữa cách mạng và phản cách mạng trong phạm vi cả nước sẽ càng nghiêng hẳn về phía cách mạng, và do đó càng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam giành được thắng lợi cuối cùng.

Công nghiệp hóa miền Bắc còn có ý nghĩa thiết thực chuẩn bị cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của miền Nam sau này, khi nước nhà được thống nhất. Nhìn vào cơ cấu hiện nay và triển vọng sau này của nền kinh tế miền Nam, chúng ta thấy nổi bật lên mấy đặc điểm:

Thứ nhất, miền Nam thiếu hẳn cơ sở công nghiệp nặng. Hầu như toàn bộ nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu, và thiết bị máy móc của miền Nam hiện nay đều trông vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Tài nguyên khoáng sản cần thiết cho việc xây dựng một nền công nghiệp nặng ở miền Nam cũng không đáng kể.

Thứ hai, khả năng phát triển của nền nông nghiệp nhiệt đới và của nền công nghiệp nhẹ dựa vào nguồn nguyên liệu nông lâm hải sản vô cùng giàu có ở miền Nam thì thật là to lớn. Tình trạng đình đốn hiện nay chỉ là hiện tượng tạm thời do chế độ của Mĩ – Diệm gây ra. Một khi giải phóng khỏi xiềng xích của đế quốc và phong kiến thì nông nghiệp và công nghiệp nhẹ ở miền Nam sẽ phát triển cực kỳ mạnh mẽ.

“Xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam”, phương châm đó của Đảng phải được quán triệt ngay trong đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Quán triệt phương châm đó có nghĩa là miền Bắc, ngay từ bây giờ phải ra sức đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhằm phát triển một nền công nghiệp nặng không những đủ sức cung cấp tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế quốc dân ở miền Bắc, mà còn có lực lượng dự trữ nhất định, đảm bảo cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị máy móc cho các ngành kinh tế quốc dân ở miền Nam sau này. Dựa vào nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của nó, miền Bắc sau này phải trở thành cơ sở công nghiệp nặng của cả nước. Nông nghiệp và công nghiệp nhẹ ở miền Nam chỉ có dựa vào cơ sở công nghiệp nặng ở miền Bắc mới có thể phát huy được mọi tiềm năng cực kỳ to lớn của mình.

Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc trước hết là đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghiệp nặng, chính là yêu cầu trước mắt của sự nghiệp cách mạng của cả nước, đồng thời cũng là sự chuẩn bị thiết thực nhất để phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Nam sau này. Sự nghiệp cách mạng ở miền Nam càng phát triển thì yêu cầu nói trên càng trở nên bức thiết.

3- Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa miền Bắc không những có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nước thuộc địa đầu tiên trên thế giới đã phá bỏ xiềng xích của thực dân phong kiến và vững bước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của chúng ta là tấm gương chói sáng cho các dân tộc thuộc địa đang đấu tranh giành tự do độc lập, phồn vinh kinh tế và hạnh phúc của nhân dân. Thành tựu ấy cũng tạo điều kiện vật chất để mở rộng sự trao đổi và giúp đỡ về kinh tế của chúng ta đối với các nước nhược tiểu đang đấu tranh thoát khỏi sự ràng buộc về kinh tế của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là đối với các nước ở Đông Nam Á. Làm được như vậy chính là góp phần thiết thực của chúng ta vào sự nghiệp tăng cường lực lượng hòa bình, dân chủ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.

 Chúng ta có mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện công nghiệp hóa với tốc độ cao.

Lịch sử đã đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa miền Bắc, lịch sử cũng tạo ra những điều kiện cần thiết để giải quyết thắng lợi nhiệm vụ ấy.

1- Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, ngày càng phát huy tác dụng to lớn đối với việc phát triển sản xuất và đối với công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Chính là trên cơ sở phát triển mạnh mẽ nền sản xuất xã hội chủ nghĩa mà chúng ta có thể đồng thời đạt được cả hai kết quả tưởng chừng như rất khó đạt được đồng thời: cải thiện đời sống nhân dân và tăng tích lũy xã hội chủ nghĩa.

Mức tích lũy của chúng ta trong những năm qua phải chăng là quá cao? Phải chăng đời sống của chúng ta còn gặp khó khăn là do mức tích lũy đó? Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào mức sống tuyệt đối thì, với một nền sản xuất lạc hậu như chúng ta hiện nay, dù cho hoàn toàn không tích lũy được một xu nào cũng vẫn chưa vượt qua được mức sống đó. Nhưng, nếu chúng ta là những người không quên lịch sử thì không thể không thừa nhận rằng mức sống đó vẫn mỗi ngày một nâng cao.

Nguyên nhân của những khó khăn về đời sống hiện nay, nói cho đúng hơn, lại chính là do mức tích lũy trước đây quá thấp, mà kẻ gây ra tình trạng đó là sự bóc lột của đế quốc và phong kiến. Muốn thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và nghèo nàn hiện nay, chỉ có một con đường là tăng thêm tích lũy để mở rộng tái sản xuất xã hội chủ nghĩa mà then chốt là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Mức tích lũy của chúng ta trong mấy năm qua nói chung chưa đạt đến con số 20% so với thu nhập quốc dân. Đối với một nước đang ra sức vươn lên khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu thì mức tích lũy đó không những không cao mà còn cần phải nâng lên hơn nữa. Sự thật là ở một số khu vực hiện nay, mức tích lũy còn xa mới đạt tới mức cần thiết và có thể: thu nhập của nhiều hợp tác xã nông nghiệp tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi nhưng tích lũy của hợp tác xã thì vẫn đứng nguyên ở mức rất thấp; sản lượng nông nghiệp trong mấy năm qua nói chung vẫn tăng lên, vậy mà mức động viên bằng thuế nông nghiệp thì lại ngày càng giảm xuống (do biểu thuế thì cố định mà nhân khẩu nông nghiệp tăng lên).

2- Sự chuyển biến bước đầu trong cơ cấu của nền kinh tế quốc dân miền Bắc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Trước hết phải kể đến những thành tựu bước đầu trong việc phát triển một cách toàn diện và mạnh mẽ nền nông nghiệp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bậc nhất như thế nào đã được đồng chí Xta-lin phân tích một cách đặc biệt sáng sủa: “Đồng chí Lênin nói: Nhiệm vụ của chúng ta là phải thiết lập cơ sở xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế quốc dân, nhưng muốn thiết lập được cơ sở ấy thì cần phải có nền công nghiệp phát triển, vì công nghiệp là cơ sở, là anpha và ômêga của chủ nghĩa xã hội và của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa, và muốn phát triển công nghiệp thì phải bắt đầu từ nông nghiệp. Vì sao? Vì trong tình trạng kinh tế bị phá hoại của nước ta, lúc đó mà muốn mở mang công nghiệp thì trước hết cần phải tạo ra cho công nghiệp có những điều kiện tiên quyết nào đó về thị trường, về nguyên liệu và lương thực. Không thể phát triển công nghiệp nếu trong nước không có nguyên liệu, nếu không có lương thực cung cấp cho công nhân, nếu không có một nền nông nghiệp phát triển ít nhiều đến mức có thể làm thị trường chủ yếu cho công nghiệp nước ta”. Một nền nông nghiệp như thế, một nền nông nghiệp có thể tạo ra những điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp, chúng ta đã bắt đầu có, nhờ chính sách đúng đắn của Đảng trong những năm qua.

Những cơ sở đầu tiên của nền công nghiệp nặng mà chúng ta đã xây dựng được trong những năm qua là vốn quý báu để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế quốc dân. Với khu gang thép Thái Nguyên sắp xây dựng xong, với một số nhà máy cơ khí hiện đại, một số nhà máy điện, một số nhà máy hóa chất và phân bón, một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, một số mỏ khai thác quy mô lớn v.v… chúng ta đã có khả năng tự mình cung cấp một phần thiết bị và nguyên vật liệu cho nhu cầu công nghiệp hóa, và khả năng đó mỗi ngày một to lớn hơn.

Về mặt công nghiệp nhẹ, chúng ta đã đạt được thành tích quan trọng. Trong những năm qua, khá nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ đã được xây dựng. Những xí nghiệp này cùng với lực lượng trên 50 vạn thợ thủ công đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu hàng tiêu dùng của nhân dân. Nếu công nghiệp nặng và nông nghiệp cung cấp được nhiều nguyên liệu hơn thì công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp còn phát triển mạnh hơn nữa, và tình trạng căng thẳng về một số mặt hàng tiêu dùng công nghiệp không phải là không giải quyết được. Tình hình đó cho phép chúng ta giờ đây có thể tập trung lực lượng hơn nữa vào việc phát triển công nghiệp nặng, nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

3- Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền Bắc nước ta cũng là điều kiện quan trọng bậc nhất để thực hiện công nghiệp hóa với tốc độ cao. “Về mặt kinh tế thì điều kiện thiên nhiên bên ngoài phân thành hai loại: loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu sinh hoạt, chẳng hạn như đất đai màu mỡ, sông nước có cá, v.v… và loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu lao động, chẳng hạn như thác nước, sông ngòi mà thuyền bè có thể qua lại được, gỗ, kim loại, than đá… Khi thời văn minh bắt đầu thì loại tài nguyên thiên nhiên thứ nhất là quan trọng hơn; về sau, trong một xã hội tiến triển hơn thì chính loại thứ hai lại quan trọng hơn”. Mặc dầu nếu đem so sánh miền Bắc với miền Nam, thì miền Nam có dồi dào hơn miền Bắc loại tài nguyên thiên nhiên thứ nhất, nhưng chính miền Bắc lại là nơi mà thiên nhiên phong phú cho sự dồi dào cả về hai mặt: về loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu sinh hoạt cũng như loại tài nguyên thiên nhiên dùng làm tư liệu lao động.

Công tác thăm dò địa chất trong những năm qua đã xác minh miền Bắc nước ta có đầy đủ, hoặc gần như đầy đủ mọi tài nguyên khoáng sản cần thiết cho việc xây dựng các ngành chủ yếu của công nghiệp nặng: than, sắt, kim loại màu, kim loại hiếm… Trữ lượng ít ỏi về một vài loại khoáng sản nào đó (như than mỡ, pirít) không phải là trở lực không thể vượt qua trong điều kiện kỹ thuật hiện nay và trong điều kiện có sự hợp tác tương trợ trong phe xã hội chủ nghĩa. Nguồn tài nguyên phong phú về nông, lâm, hải sản cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ của chúng ta. Tính chất nhiều vẻ ấy của nguồn tài nguyên thiên nhiên không những sẽ cung cấp cho chúng ta những tư liệu sinh hoạt dồi dào mà còn cung cấp cho chúng ta những tư liệu lao động quan trọng nhất, chỉ cần chúng ta cố gắng phấn đấu để khai thác và tận dụng lấy. “Không phải là màu mỡ tuyệt đối của đất đai, mà nói cho đúng hơn, chính là tính nhiều vẻ của đất đai về mặt phẩm chất hóa học, về mặt cấu tạo địa chất, về mặt hình thể vật chất, về tính nhiều vẻ của sản phẩm tự nhiên của đất đai đó mới hợp thành cơ sở tự nhiên của việc phân công lao động trong xã hội, và mới kích thích con người, do các điều kiện thiên nhiên muôn hình vạn trạng trong đó họ sinh sống, tăng nhu cầu, năng khiếu, tư liệu lao động và phương thức lao động của mình lên.

“Chính sự cần thiết phải làm cho xã hội khống chế lực lượng tự nhiên, phải sử dụng lực lượng đó, phải tiết chế nó, phải thuần phục nó một cách quy mô bằng những công việc của bàn tay con người, nói tóm lại là phải chế ngự nó, chính sự cần thiết ấy có một tác dụng quyết định trong lịch sử của công nghiệp”.

Có thể nói, sự phân tích trên đây của Mác là hoàn toàn phù hợp với tình hình miền Bắc nước ta. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, không những chúng ta có chế độ chính trị và chế độ kinh tế tiên tiến làm nguồn sức mạnh, có một nền nông nghiệp và một nền công nghiệp đang trên đà phát triển làm cơ sở tiến tới mà chúng ta còn có sự ủng hộ và đón tiếp hết sức niềm nở của thiên nhiên.

4- Nếu những điều kiện trong nước có ý nghĩa quyết định đối với tốc độ công nghiệp hóa nước ta thì điều kiện quốc tế cũng không kém phần quan trọng. Nói cho đúng thì sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa hùng cường không những có ý nghĩa quyết định với tốc độ công nghiệp hóa nước ta mà có ý nghĩa quyết định đối với ngay bản thân sự tồn tại của chính quyền dân chủ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Một nước mà trình độ phát triển kinh tế hết sức lạc hậu như nước ta, nếu không có sự giúp đỡ về kỹ thuật của các nước anh em có nền công nghiệp tiên tiến thì thực tế không thể thực hiện được công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Chúng ta được sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em về thiết bị máy móc, chuyên gia kỹ thuật, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật, v.v… Chúng ta có thể sử dụng sở trường về kỹ thuật của mỗi nước anh em để xây dựng một nền công nghiệp hiện đại nhất với tốc độ nhanh nhất. Trong điều kiện mà lực lượng quốc phòng và nền an ninh của mỗi nước là dựa vào nền công nghiệp lớn mạnh của toàn phe xã hội chủ nghĩa thì nước ta không nhất thiết phải xây dựng tất cả các ngành công nghiệp quốc phòng, điều đó cho phép chúng ta lợi dụng hợp lý một phần vốn rất lớn vào việc phát triển nền công nghiệp trực tiếp phục vụ dân sinh. Cũng nhờ có phân công và hợp tác quốc tế trong phe xã hội chủ nghĩa mà trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta không nhất thiết phải xây dựng hết thảy các ngành công nghiệp, do đó có thể tập trung vốn và sức lực vào việc xây dựng những ngành công nghiệp chủ yếu, đặc biệt là những ngành công nghiệp mà nước ta có điều kiện thiên nhiên kinh tế thuận lợi hơn cả để phát triển. Tất nhiên như thế không có nghĩa là chúng ta không cần xây dựng một nền công nghiệp nặng tương đối hoàn chỉnh đủ bảo đảm cung cấp đại bộ phận tư liệu sản xuất cần thiết cho miền Bắc và sau này cho cả miền Nam.

Một số người, sau khi nghiên cứu điều kiện lịch sử và tốc độ của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trước đây, bèn đi đến kết luận cho rằng: do sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa hùng cường cho nên một tốc độ chậm chạp trong công cuộc công nghiệp hóa ở các nước mới bước lên con đường xã hội chủ nghĩa ngày nay là thích hợp và tất yếu.

Đương nhiên nếu đem so sánh điều kiện quốc tế của chúng ta ngày nay với điều kiện quốc tế của Liên Xô trước đây thì có một sự biến đổi căn bản. Trong điều kiện nằm giữa vòng vây tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện công nghiệp và kỹ thuật lạc hậu hơn rất nhiều so với các nước đế quốc thù địch, Liên Xô trước đây đã buộc phải tiến hành công nghiệp hóa với tốc độ rất gấp. Vấn đề đặt ra trước mắt nhân dân Liên Xô lúc bấy giờ là như sau: “hoặc là chịu diệt vong, hoặc là phải đuổi kịp những nước tiên tiến và vượt những nước đó cả về mặt kinh tế nữa”. Vì thế mà nhân dân Liên Xô phải “tiết kiệm về mọi mặt, tiết kiệm đến cả những trường học” để mau chóng xây dựng cho mình một nền công nghiệp nặng hoàn chỉnh.

“Ngày nay, không những ở Liên Xô mà cả ở các nước xã hội chủ nghĩa khác, những khả năng xã hội và kinh tế phục hồi chủ nghĩa tư bản đã bị xóa bỏ. Lực lượng liên hợp của phe xã hội chủ nghĩa bảo đảm vững chắc cho mỗi nước xã hội chủ nghĩa chống lại các cuộc xâm phạm của thế lực phản động đế quốc chủ nghĩa”. Trong điều kiện lịch sử như vậy, đương nhiên không có một áp lực nào của đế quốc bên ngoài bắt buộc chúng ta phải “tiết kiệm đến cả những trường học” để xây dựng gấp một nền công nghiệp nặng hoàn chỉnh. Tuy nhiên nếu từ đó mà rút ra kết luận về tính tất yếu của một tốc độ chậm chạp thì lại là hoàn toàn sai lầm. Lịch sử ngày nay không bắt buộc chúng ta, nhưng lịch sử đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng ta tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với tốc độ cao. Chính nhờ có những điều kiện thuận lợi đó mà không những chúng ta có thể xây dựng một nền công nghiệp nặng mạnh mẽ trong một thời gian tương đối ngắn, mà đồng thời, chúng ta vẫn có thể phát triển mạnh mẽ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, vẫn có thể mau chóng nâng cao đời sống nhân dân.

Làm thế nào để bảo đảm công nghiệp hóa với tốc độ cao?

Khả năng thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với tốc độ cao tuy có tồn tại trong thực tế, nhưng vẫn chưa phải là hiện thực. Chỉ có thông qua sự cố gắng chủ quan của chúng ta, thông qua hành động sáng suốt của chúng ta thì khả năng đó mới biến thành hiện thực.

Những điểm sau đây, tuy chưa đầy đủ, nhưng theo ý chúng tôi, là những phương hướng hành động quan trọng nhất của chúng ta, nhằm bảo đảm tốc độ cao của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

1- Tập trung vốn cho công nghiệp nặng

Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa không có nghĩa gì khác hơn là xây dựng và phát triển nền đại công nghiệp xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là nền công nghiệp nặng, đủ sức bảo đảm việc xây dựng lại về căn bản toàn bộ nền kinh tế quốc dân trên cơ sở kỹ thuật cơ giới hiện đại. Vì vậy, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng là nội dung cơ bản của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng có nghĩa là bảo đảm công nghiệp nặng đạt được một tốc độ phát triển cao hơn công nghiệp nhẹ (về sản lượng) và nói rộng ra cao hơn các ngành sản xuất khác. Muốn đạt được mục tiêu đó thì biện pháp quan trọng nhất là tập trung thích đáng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp nặng.

Nếu trong ba năm khôi phục kinh tế, công nghiệp mới chiếm 27,7% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thì sang kế hoạch 3 năm 1958-1960, phần của công nghiệp đã lên 36,4%. Đem so sánh hai thời kỳ kế hoạch 3 năm đó thì số vốn đầu tư xây dựng cơ bản về công nghiệp trong thời kỳ sau lớn hơn thời kỳ trước 3 lần. Đó là bước đầu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Nếu trong 3 năm khôi phục kinh tế, Đảng ta chủ trương “chú ý phục hồi và xây dựng ngay một số công xưởng chế tạo hàng cần thiết cho đời sống nhân dân” thì bước sang kế hoạch 3 năm 1958-1960, trước yêu cầu ngày càng tăng về tư liệu sản xuất của các ngành kinh tế quốc dân đang trên đà phát triển, Đảng ta chủ trương “ra sức phát triển công nghiệp sản xuất các tư liệu sản xuất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.” Chủ trương trên đây là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu và khả năng của chúng ta trong mỗi thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, theo ý chúng tôi, kế hoạch phân phối vốn đầu tư xây dựng cơ bản vào các ngành công nghiệp chưa thật quán triệt được chủ trương của Đảng: nếu trong 3 năm trước, công nghiệp nặng chiếm 65,6% số vốn bỏ vào công nghiệp thì 3 năm sau, tỉ lệ đó hầu như vẫn đứng nguyên một chỗ: 66,2%. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rằng có một số xí nghiệp công nghiệp nhẹ đáng lẽ có thể tạm hoãn xây dựng hoặc xây dựng theo quy mô nhỏ hơn, mặt khác có một số xí nghiệp công nghiệp nặng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân (như gang thép, điện lực, phân bón, v.v…) đáng lẽ nên tập trung xây dựng sớm hơn.

Giờ đây, trước yêu cầu trang bị kỹ thuật và cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu ngày càng tăng của các ngành kinh tế quốc dân, đẩy mạnh tốc độ phát triển của công nghiệp nặng đã trở thành một nhu cầu bức thiết và ngày càng trở nên bức thiết. Không giải quyết vấn đề mấu chốt đó thì sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân sẽ bị hạn chế. Vì vậy tăng tỉ lệ vốn đầu tư vào công nghiệp nói chung và tăng tỉ lệ vốn đầu tư vào công nghiệp nặng nói riêng là hoàn toàn cần thiết. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng của chúng ta như đã phân tích trên kia, căn cứ vào kinh nghiệm của các nước anh em trong thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chúng tôi cho rằng trong kế hoạch 5 năm này, dành cho công nghiệp trên dưới 50% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản và cho công nghiệp nặng khoảng 85-90% số vốn bỏ vào công nghiệp là hoàn toàn hợp lý. Mọi nhu cầu “xa xỉ” (xa xỉ trong điều kiện hiện nay của chúng ta) về hành chính và văn hóa (như xây dựng trụ sở quy mô lớn, xây dựng xưởng phim quy mô lớn, v.v…) và ngay cả những công trình về kinh tế không trực tiếp sản xuất hoặc chưa thật bức thiết, đều nên tạm hoãn để tập trung vốn cho công nghiệp nặng, nhằm mau chóng dựng nên “hệ thống xương cốt và bắp thịt” của nền sản xuất nước ta.

Tạm thời gạt bỏ mọi món chi có tính chất phi sản xuất và chưa thật bức thiết để tập trung vốn cho việc phát triển sản xuất, tập trung vốn cho việc xây dựng công nghiệp nặng – cơ sở của sự giàu có và đời sống văn minh của chúng ta – đó là thể hiện sự tính toán khôn ngoan nhất của người lao động giác ngộ đã làm chủ vận mệnh của mình. Tất nhiên trong điều kiện của chúng ta không cần thiết phải “tiết kiệm đến cả những trường học” để tập trung xây dựng công nghiệp nặng, nhưng thật là ngây thơ và sai lầm nếu tưởng rằng có thể mau chóng thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu mà không cần đòi hỏi một sự hy sinh thiếu thốn tạm thời nào cả.

Tập trung vốn cho công nghiệp nặng như vậy thì làm thế nào đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về hàng tiêu dùng công nghiệp? Chúng tôi cho rằng trong điều kiện cụ thể của nước ta, với một số vốn tương đối ít bỏ vào công nghiệp nhẹ, vẫn có thể giải quyết thỏa đáng vấn đề đó. Một trong những đặc điểm quan trọng của nền kinh tế nước ta, một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, là lực lượng thủ công nghiệp rất to lớn. Lực lượng đó bao gồm một nửa triệu lao động, và sản xuất ra trên 40% tổng sản phẩm công nghiệp. Lực lượng của công nghiệp địa phương cũng ngày càng trở nên quan trọng. Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp năm 1960, sản xuất ra ngót 60% tổng sản phẩm công nghiệp. Riêng về hàng tiêu dùng, hai ngành đó chiếm tới trên 80%.

Dưới điều kiện tư bản chủ nghĩa, sự phát triển của nền đại công nghiệp thế tất phải dẫn đến kết quả là phá sản và bần cùng hóa những người lao động thủ công. Sự phá sản và bần cùng hóa này không những là kết quả mà còn là điều kiện của sự phát triển đó. Bản chất của chủ nghĩa xã hội không cho phép tình hình diễn ra như vậy. Hơn nữa, trong điều kiện cụ thể của nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thì việc tận dụng khả năng to lớn của thủ công nghiệp lại là cần thiết và có lợi. Tận dụng khả năng của thủ công nghiệp thì không những huy động được nguồn vốn to lớn của nhân dân vào việc phát triển công nghiệp, phát huy được truyền thống sản xuất lâu đời của nhân dân, khai thác và tận dụng được những nguồn nguyên liệu phân tán khắp nước, đáp ứng được một phần rất lớn nhu cầu về hàng tiêu dùng công nghiệp của nhân dân, bảo đảm công ăn việc làm và nâng cao mức sống của một bộ phận nhân khẩu to lớn, mà hơn nữa còn cho phép Nhà nước tương đối rảnh tay để tập trung sức lực vào việc phát triển công nghiệp nặng. Ra sức phát triển công nghiệp địa phương nhằm vào những công trình loại vừa và nhỏ, nhằm vào nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ở địa phương là chủ yếu, cũng là một phương hướng đem lại hiệu quả kinh tế to lớn với một số vốn đầu tư tương đối ít. Chúng ta hoàn toàn có thể và cần phải tận dụng khả năng của thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương để bảo đảm cung cấp cho đại bộ phận nhu cầu về hàng tiêu dùng công nghiệp của nhân dân và một số phần nhu cầu về hàng công nghiệp xuất khẩu (năm 1960 thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương chiếm một phần ba tổng giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu). Điều đó không những phù hợp với điều kiện của nền sản xuất nước ta mà còn phù hợp với cả nhu cầu của thị trường nước ta nữa: rất nhiều hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân ta, mà tuyệt đại bộ phận là nông dân, chưa đòi hỏi phải được sản xuất ra với chất lượng thật cao trong những xí nghiệp hiện đại, mà hoàn toàn có thể do thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương sản xuất ra. Về các mặt hàng đó chúng ta có thể kể ra rất nhiều: May mặc, giày dép, chiếu cói, đồ sành, đồ sứ, đồ gỗ, tương mắm, đường mật, v.v… Tất nhiên có một số mặt hàng đòi hỏi vệ sinh với trình độ cao, hoặc đòi hỏi chất lượng rất lớn, hoặc quá trình chế biến phức tạp, vẫn phải do các xí nghiệp trang bị hiện đại sản xuất ra, một bộ phận hoặc toàn bộ. Vì vậy, Nhà nước vẫn cần dành một số vốn nhất định (khoảng 10% số vốn bỏ vào công nghiệp) để xây dựng một số xí nghiệp công nghiệp nhẹ, quy mô lớn hoặc vừa, trang bị hiện đại. Những xí nghiệp này, cùng với những xí nghiệp công nghiệp nhẹ sẵn có hiện nay, hình thành nên nòng cốt của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng mà lực lượng bổ trợ là một mạng lưới thủ công nghiệp và công nghiệp địa phương ngày càng mở rộng và hiện đại hóa.

Sau khi đã tập trung vốn rồi thì phải đặt ra yêu cầu làm thế nào để sử dụng số vốn đó một cách hợp lý nhất, nghĩa là đạt được hiệu quả kinh tế lớn nhất, hết sức tránh khuynh hướng phân tán vốn, tập trung vốn trước hết cho công trình trọng điểm có ý nghĩa đòn bẩy đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân, làm cho những xí nghiệp này có thể bước vào sản xuất và phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn nhất, giảm bớt đến mức thấp nhất việc đầu tư vào những công trình phụ không trực tiếp sản xuất, đó là những biện pháp quan trọng nhằm đạt được hiệu quả kinh tế lớn nhất. Một sự thật ai cũng phải thừa nhận là: các nhà máy của chúng ta hiện nay đẹp quá! Nếu không phải chi phí tốn kém mà vẫn đẹp thì rất tốt, nhưng phải bỏ ra rất nhiều tiền của và sức lực để mua lấy cái đẹp ấy, giống như một cô gái nghèo phung phí tiền vào việc mua sắm phấn son trang điểm, sẽ là lãng phí! Theo tính toán sơ bộ, nếu tiết kiệm những công trình phụ không thật cần thiết, chúng ta cũng có thể rút được một số vốn khá lớn đủ để xây dựng thêm một số nhà máy nữa! Xem vậy đủ thấy ý thức tiết kiệm trong việc sử dụng vốn và sự kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với tốc độ công nghiệp hóa.

2- Làm cho công nghiệp trở thành đòn bẩy thực sự mạnh mẽ đối với sự phát triển của nông nghiệp

Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, đương nhiên không phải lấy bản thân nó làm mục đích cuối cùng. Chính là xuất phát từ lợi ích phát triển toàn bộ nền kinh tế quốc dân, xuất phát từ yêu cầu cải tạo lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân trên cơ sở kỹ thuật hiện đại, nhằm mục đích cuối cùng là thỏa mãn đầy đủ nhất nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân, mà chúng ta cần phải ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Công nghiệp lớn mạnh phải trở thành đòn bẩy thực sự mạnh mẽ đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, và trước hết, đối với sự phát triển của nông nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì nông nghiệp hiện nay là ngành sản xuất vật chất lớn nhất nước ta (chiếm trên dưới 60% tổng sản lượng công nông nghiệp và trên một nửa tổng thu nhập quốc dân) và là nguồn thu nhập chủ yếu của 90% dân số nước ta. Đối với công nghiệp, nông nghiệp là thị trường rộng lớn nhất, là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, là nguồn cung cấp bộ phận quan trọng hàng xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị cần thiết cho công nghiệp hóa. Sự phát triển của nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao mức sống của nhân dân cũng như đối với sự phát triển của các ngành kinh tế khác, kể cả bản thân công nghiệp. Nhưng làm thế nào để phát triển nông nghiệp?

Ngày nay, đã đến lúc mà sự phát triển hơn nữa của nền nông nghiệp nước ta tùy thuộc rất nhiều vào sự viện trợ của công nghiệp chủ yếu là sự viện trợ công nghiệp nặng. Việc chế ngự các lực lượng thiên nhiên, việc nâng cao hơn nữa năng suất lao động trong nông nghiệp, việc mở rộng diện tích nông nghiệp đòi hỏi ngày càng nhiều xi măng, sắt thép, điện lực, máy bơm, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nông cụ cải tiến, máy kéo, các loại máy nông nghiệp, v.v… Việc chế biến các loại nông sản cũng đòi hỏi ngày càng nhiều máy móc thiết bị. Về hàng tiêu dùng công nghiệp nhu cầu của nông dân ta cũng ngày càng lớn, đặc biệt là về các hàng may mặc, đồ dùng trong nhà, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.

Vì vậy, một trong những phương châm cơ bản của chúng ta phải là làm thế nào kết hợp chặt chẽ công nghiệp với nông nghiệp, phát huy tác dụng chủ đạo của công nghiệp đối với nông nghiệp, làm cho công nghiệp trở thành đòn bẩy thực sự mạnh mẽ đối với sự phát triển của nông nghiệp. “Đại công nghiệp cơ khí hóa và việc áp dụng đại công nghiệp đó vào nông nghiệp, là cơ sở kinh tế duy nhất của chủ nghĩa xã hội”. Nông nghiệp phát triển lại tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ công nghiệp. Tác dụng biện chứng đó của hai ngành sản xuất vật chất chủ yếu chính là động lực mạnh mẽ nhất của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

3- Quy hoạch toàn diện, phân bố hợp lý

Công nghiệp hóa đất nước là một sự nghiệp vĩ đại, tiến hành trong một khoảng thời gian lịch sử khá dài và trên phạm vi rộng lớn. Nếu không quy hoạch toàn diện và phân bố hợp lý nền công nghiệp thì không tránh khỏi lãng phí hoặc tạo ra tình trạng mất cân đối trong từng lúc, từng nơi, ảnh hưởng bất lợi đến tốc độ công nghiệp hóa.

Thời gian 5 năm đối với việc xây dựng công nghiệp, nhất là đối với việc xây dựng công nghiệp nặng, là một thời gian rất ngắn, thậm chí không đủ để hoàn thành xây dựng một công trình nào đó. Hơn nữa, việc xây dựng nhiều xí nghiệp công nghiệp đòi hỏi một số điều kiện tiên quyết nào đó để được chuẩn bị đầy đủ từ trước chẳng hạn như chuẩn bị về điện lực, về thăm dò địa chất và các tài nguyên thiên nhiên khác, về thiết kế, về thiết bị, về cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, v.v… Vì vậy, để tránh khỏi bị động, để đảm bảo tốc độ cao và liên tục trong công cuộc công nghiệp hóa, đi đôi với việc xây dựng kế hoạch 5 năm, chúng ta cần tiến lên xây dựng kế hoạch dài hạn hơn nữa (có thể là 15 năm) để làm cơ sở và phương hướng cho các kế hoạch 5 năm. Trong công việc này, chúng ta còn gặp một số khó khăn, nhưng nắm vững đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa mà đại hội Đảng đề ra làm bó đuốc soi đường, phát huy trí tuệ tập thể của Đảng và nhân dân ta, nhất định chúng ta có thể vạch ra được, ít nhất là trên những nét cơ bản, mục tiêu và bước đi của chúng ta trong toàn bộ sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Lênin ngay từ những năm nội chiến gay go nhất, đã trực tiếp chỉ đạo việc vạch ra kế hoạch vĩ đại “điện khí hóa nước Nga”. Sự sáng suốt của Lênin phải trở thành tài sản và bài học quý báu của chúng ta.

Trên cơ sở của kế hoạch dài hạn phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế, và kết hợp với kế hoạch đó, chúng ta cần nghiên cứu một cách toàn diện các nguồn tài nguyên thiên nhiên và mọi khả năng tiềm tàng của nền kinh tế nước ta để tiến hành phân bố hợp lý nền công nghiệp đi đôi với phân vùng kinh tế tổng hợp. Công nghiệp là ngành chủ đạo của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, công nghiệp phân bố đúng sẽ có tác dụng rất lớn đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Các xí nghiệp công nghiệp nếu được phân bố gần với nguồn nguyên liệu, điện lực và nhiên liệu, gần với nơi tiêu thụ sản phẩm, và phân bố một cách cân đối giữa các vùng kinh tế trong nước thì sẽ lợi dụng được tốt nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm được chi phí vận tải đến mức thấp nhất, phát huy được tác dụng của công nghiệp đối với nông nghiệp và các ngành kinh tế khác thuộc các vùng trong nước, làm cho công nghiệp càng gần gũi với nông nghiệp, làm cho miền núi càng chóng tiến kịp miền xuôi.

Xí nghiệp công nghiệp của chúng ta hiện nay tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng (gần một nửa tổng số xí nghiệp do Trung ương quản lý), trong khi các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như miền núi và miền trung du thì còn rất thưa thớt. Vì vậy hướng phân bố công nghiệp của chúng ta trong thời gian tới chủ yếu là những vùng này, đồng thời có quan tâm thích đáng đến vùng đồng bằng nhằm phục vụ đắc lực hơn cho nhu cầu phát triển nông nghiệp. Đi đôi với việc phân bố hợp lý các xí nghiệp công nghiệp hạng lớn và hạng vừa, chúng ta còn cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng mạng lưới công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp ở khắp các vùng trong nước nhằm tận dụng mọi nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên rải rác ở các địa phương.

4- Đẩy mạnh cuộc cách mạng văn hóa, ra sức đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề

Xây dựng công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp, cải tạo kỹ thuật của toàn bộ nền kinh tế quốc dân mà không có con người tinh thông kỹ thuật thì một bước cũng không thể tiến lên được, nói gì đến tốc độ cao! Vì vậy, sau khi vấn đề kỹ thuật và thiết bị đã được giải quyết thì vấn đề quyết định nhất trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của chúng ta chính là đào tạo cán bộ và công nhân lành nghề. Đứng trước yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội với quy mô ngày càng lớn, chỉ có cố gắng gấp bội trong sự nghiệp cách mạng văn hóa mới làm cho chúng ta thoát khỏi tình trạng bị động và lạc hậu với tình thế như hiện nay. “Nếu giai cấp công nhân không thoát được tình trạng dốt văn hóa, nếu không đào tạo được những phần tử tri thức của chính giai cấp mình, nếu không nắm được khoa học, không biết khéo dựa vào nguyên tắc khoa học để quản lý kinh tế, thì không thể thực sự trở thành chủ nhân của đất nước được”. Cần phải nhìn nhận rằng, trong hàng ngũ cán bộ của chúng ta, không phải ai nấy đều đã nhận thức được chân lý đó. “Chúng ta còn có những người cứ một mực ca tụng cái dốt văn hóa của chúng ta. Nếu một người không biết chữ hoặc thường viết sai chữ, tự khoe khoang về cái lạc hậu của mình, thì người đó lại được coi là công nhân “chính cống” và nhận được vinh dự và sự tôn kính. Nếu một người thoát khỏi tình trạng dốt văn hóa, biết chữ, nắm được khoa học, thì lại không được coi là người của mình nữa, đã “thoát ly” quần chúng rồi, không còn là công nhân nữa”. Phải chăng cái “thái độ dã man đối với khoa học” mà đồng chí Xta-lin chế giễu đó vẫn còn tìm được chốn nương thân ở nơi một số đồng chí của chúng ta?

“Hiện nay, chúng ta đã từ mặt trận nội chiến chuyển sang mặt trận công nghiệp rồi. Để thích ứng với tình hình đó, chúng ta cần những cán bộ chỉ huy mới cho công nghiệp, cần những cán bộ ưu tú để lo liệu cho các nhà máy, để lãnh đạo các tờ-rớt, cần những nhân viên công tác mậu dịch có khả năng, cần những cán bộ thông minh cho kế hoạch kiến thiết công nghiệp. Hiện nay chúng ta cần phải đào tạo ra được những sư đoàn trưởng, lữ đoàn trưởng và quân đoàn trưởng trong kinh tế và công nghiệp. Không có những nhân tài đó thì đến một bước chúng ta cũng không tiến lên được”. Vấn đề của nhân dân Liên Xô trước đây cũng là vấn đề nóng hổi đang đặt ra trước mắt nhân dân ta hiện nay. Giải quyết được vấn đề đó tức là gỡ được cái đầu mối của sự trưởng thành.

Chính căn cứ vào nhu cầu bức thiết của công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta mà Đại hội Đảng đã giao nhiệm vụ cho cuộc cách mạng văn hóa là “làm sao nhân dân lao động có trình độ văn hóa ngày càng cao, nắm được những hiểu biết cần thiết về khoa học kỹ thuật, và áp dụng những hiểu biết đó vào việc xây dựng một nền văn hóa, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”. Chỉ có ra sức thực hiện nhiệm vụ đó, bằng nhiều biện pháp và dưới nhiều hình thức đào tạo và bồi dưỡng một đội ngũ đông đảo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế và công nhân lành nghề, không những đủ đáp ứng cho nhu cầu trước mắt mà cho cả nhu cầu các kế hoạch 5 năm sau này; thì chúng ta mới thoát ra khỏi tình trạng bị động và lạc hậu hiện nay, mới bảo đảm được một tốc độ cao và vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

5- Phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực cánh sinh

Mọi người đều biết sự hợp tác tương trợ trong phe xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với tiến trình công nghiệp hóa nói riêng cũng như đối với tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung của nước ta. Dựa vào sự hợp tác tương trợ đó, tranh thủ và sử dụng tốt hơn nữa sự giúp đỡ của các nước anh em về vốn, về thiết bị, về chuyên gia kỹ thuật, v.v… chúng ta có rất nhiều thuận lợi để đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa nước ta. Tuy nhiên, không thể coi hiển nhiên sự hợp tác tương trợ trong phe xã hội chủ nghĩa vĩnh viễn là sự giúp đỡ một chiều của các nước anh em đối với nước ta. Cần phải cố gắng hơn nữa để mở rộng sự hợp tác hai bên đều có lợi thông qua con đường ngoại thương, thông qua các kế hoạch chung phát triển kinh tế, điều đó không những đem lại lợi ích to lớn cho chúng ta mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế chung của toàn phe xã hội chủ nghĩa.

Việc đánh giá cao sự giúp đỡ của các nước anh em hoàn toàn không có nghĩa là hạ thấp vai trò của sự cố gắng của chúng ta. Trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước không có và cũng không thể có bất cứ lực lượng nào có thể thay thế lực lượng nhân dân của nước đó. Chân lý ấy của chủ nghĩa Mác – Lênin cần phải được thể hiện đầy đủ hơn nữa trong tinh thần tự lực cánh sinh của cán bộ và nhân dân ta. Nếu chúng ta trừ bỏ được tư tưởng tự ti, ỷ lại, nếu chúng ta mạnh bạo hơn nữa trong việc phát huy tính sáng tạo của cán bộ công nhân ta thì chúng ta còn tận dụng được hợp lý hơn nữa sự giúp đỡ của các nước anh em, có thể sẽ có nhiều việc chúng ta tự làm được, có nhiều máy móc thiết bị không cần phải nhập khẩu từ bên ngoài vào nữa. Điều đó rất có lợi cho sự trưởng thành của chúng ta, mà cũng rất có lợi cho sự phát triển chung của toàn phe xã hội chủ nghĩa.