Những kinh nghiệm chủ yếu của cuộc cách mạng ruộng đất ở Việt Nam

Cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta là một cuộc đấu tranh giai cấp gay go, lâu dài, luôn luôn gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trải qua nhiều bước đường quanh co, cuối cùng nó đã được hoàn thành thắng lợi ở miền Bắc và giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định ở Việt Nam. Từ thực tiễn đấu tranh phong phú ấy, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm quý báu. Những kinh nghiệm này đã và đang góp phần quyết định vào việc hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong phạm vi cả nước. Nó cũng có thể đóng góp một phần vào sự nghiệp phong phú của kho vũ khí cách mạng của nhân dân thế giới, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà trước mắt hàng trăm triệu nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa (hoặc vốn là thuộc địa và nửa thuộc địa) ở Á, Phi và Mỹ La-tinh, cách mạng ruộng đất đang được đặt ra như là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất.

   I. Về tính tất yếu của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để

Việt Nam ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, quan hệ sản xuất phong kiến chiếm vị trí thống trị. Thực dân Pháp xâm lược nước ta không những không xóa bỏ chế độ phong kiến đã thối nát, mà trái lại còn dựa vào giai cấp địa chủ phong kiến để thống trị nhân dân ta và duy trì chế độ bóc lột phong kiến để tăng cường bóc lột nhân dân ta. Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam không những mang tính chất thuộc địa mà còn mang cả tính chất phong kiến; nhân dân Việt Nam không những phải chịu sự áp bức bóc lột thuộc địa mà còn phải chịu áp bức bóc lột phong kiến.

Tính chất thuộc địa của nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở chỗ bọn tư bản độc quyền Pháp, đứng đầu là tập đoàn tài chính Ngân hàng Đông Dương – một trong những tập đoàn tài chính có thế lực nhất của chủ nghĩa đế quốc Pháp – nắm giữ trong tay hết thảy các vị trí then chốt của nền kinh tế quốc dân: công nghiệp, giao thông vận tải, xuất nhập khẩu, tiền tệ – tín dụng, v.v… Chúng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của chính quốc, thành nơi khai thác nguyên liệu và cung cấp nông sản cho chính quốc. Kinh tế Việt Nam bị kìm hãm trong vòng lạc hậu, nhân dân Việt Nam mà tuyệt đại đa số là nông dân bị bóc lột xơ xác.

Tính chất phong kiến của nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở chỗ phần lớn ruộng đất bị giai cấp địa chủ trong nước cùng bọn thực dân chiếm đoạt dùng làm công cụ bóc lột nông dân dưới hình thức chủ yếu là địa tô.

Chủ nghĩa đế quốc xâm lược và chủ nghĩa phong kiến là hai trở lực chính trên con đường phát triển của nền kinh tế Việt Nam và của xã hội Việt Nam. Vì vậy, cách mạng Việt Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ:

Một là: đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Hai là: đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Hai nhiệm vụ này liên hệ mật thiết với nhau, đúng như bản Luận cương chính trị (hay cương lĩnh) của Đảng cộng sản Đông Dương khởi thảo năm 1930 đã nêu: “Có đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa mới phá được giai cấp địa chủ và làm thổ địa được thắng lợi, mà có phá chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”.

Về sự cần thiết phải làm cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, Đảng ta xuất phát từ những căn cứ sau:

  1. Chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến là một chế độ lỗi thời, phản động, nó kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Giai cấp địa chủ phong kiến là một giai cấp ký sinh trùng. Nó không đóng một vai trò tích cực nào trong nền sản xuất xã hội. Quyền chiếm hữu ruộng đất, bản thân nó, không sáng tạo ra của cải, nhưng, đối với giai cấp địa chủ, nó lại là nguồn của cải không bao giờ cạn.

Địa tô và nợ lãi không những thu hết sản phẩm thặng dư của người sản xuất, mà thông thường còn chiếm cả một bộ phận sản phẩm cần thiết của họ, khiến cho đời sống của họ chỉ có thể duy trì trong tình trạng sống dở chết dở. Trong những năm mất mùa, toàn bộ sản phẩm cũng không đủ để nộp tô cho địa chủ. Đấy là chưa nói đến sưu cao thuế nặng và bao nhiêu đảm phụ khác phải nộp cho bọn thống trị thực dân Pháp. Vì vậy mà tình trạng nghèo nàn, đói rách, bán vợ đợ con, tha phương cầu thực, dốt nát, bệnh tật, chết yểu, chết dịch, chết đói, chết rét là những thảm họa kinh niên ở nông thôn Việt Nam dưới thời thống trị của thực dân Pháp.

Sự kiệt quệ của nông dân và có thể nói, sự thoái hóa của nông dân, đe dọa ngay cả sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Riêng nạn đói đầu năm 1945 đã cướp đi 2 triệu sinh mạng con người, tàn phá cả những vùng nông thôn rộng lớn ở ngay cả vựa lúa của Bắc bộ.

Nông dân là lực lượng trụ cột của ngành sản xuất cơ bản của xã hội Việt Nam. Nông dân bị kiệt quệ như vậy thì nền nông nghiệp Việt Nam tránh sao khỏi tình trạng trì trệ, đình đốn, thoái hóa?

Trong khi hút kiệt sức sống người sản xuất để phục vụ cho sự tiêu dùng xa xỉ của giai cấp địa chủ ăn bám, địa tô và nợ lãi, cộng với sưu cao thuế nặng, đã tước hết mọi khả năng tích lũy để tái sản xuất mở rộng của người tiểu nông. Khả năng này nếu có xuất hiện trong những năm trước thì cũng hết sức hạn chế, vì lẽ những món nợ truyền kiếp lúc nào cũng rình sẵn để cướp đi những khoản dành dụm nhỏ mọn của nông dân. Điều đó giải thích vì sao kỹ thuật sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam hầu như không hề cải biến gì so với trình độ đạt được cách đây hàng thế kỷ. Mặc dù thiên nhiên dành cho nông dân Việt Nam đất đai hết sức màu mỡ, nhưng năng suất ruộng đất mấy chục năm dưới thời thống trị của thực dân Pháp chỉ quanh quẩn ở mức bình quân 12-13 tạ một héc ta, thậm chí còn có chiều hướng hạ thấp. Hiện tượng này không hề bênh vực cho cái lý luận bịp bợm mà bọn học giả thực dân tuyên truyền, cái gọi là “quý ruộng đất”. Ngược lại, nó chính là một bằng chứng hùng hồn lên án sự bóc lột đã hút kiệt sức sống của cả hai nguồn sáng tạo của cải: Lao động và Đất đai.

Bị bòn rút đến tận xương tủy, nông dân nước ta không có ngay cả những phương tiện vật chất đủ để tiến hành tái sản xuất giản đơn, nói gì đến thâm canh và tái sản xuất mở rộng! Sức lao động của hàng triệu nông dân trở nên thừa chỉ vì một lẽ: thiếu phương tiện để thực hiện công việc sản xuất. Trong điều kiện một nước thuộc địa, công nghiệp cực kỳ nhỏ yếu, thì những sức lao động “thừa” ở nông thôn này thật khó mà chuyển hóa được thành hàng hóa. Trừ một số ít buộc phải bán mình và có thể bán mình cho bọn chủ đồn điền và chủ mỏ – bán mình hiểu theo nghĩa bán sức lao động – còn tuyệt đại bộ phận nhân khẩu “thừa” đọng lại ở nông thôn, sống lay lắt bằng mảnh ruộng mướn của địa chủ.

Tình trạng bất công trong sự phân phối ruộng đất và tư liệu sản xuất giữa người với người trên dải đất phì nhiêu này tạo ra cái vẻ bề ngoài dường như có sự cân đối giữa người với thiên nhiên, cái mà bọn học giả thực dân gọi là “nạn nhân mãn” ở nước ta. Với cái lý luận bịp bợm này, cũng như với cái lý luận bịp bợm nói trên về màu mỡ của ruộng đất, bọn chúng định lấp liếm tội ác của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phong kiến – lấp liếm bằng cách đổ tội cho thiên nhiên.

Một chế độ mà sức sống của nó chỉ có thể duy trì được bằng cách hút kiệt sức sống của cả hai nguồn sáng tạo ra của cải, hút kiệt sức sống của lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, chế độ ấy tự nó tàn phá chính ngay cái nền tảng mà trên đó nó tồn tại. Sự bành trướng của nó – bằng cách nuốt chửng những người sản xuất độc lập, những người trung nông – cũng có nghĩa là nguy cơ đẩy cả một dân tộc vào vực thẳm của phá sản, bần cùng và nô lệ.

Tính chất lỗi thời, phản động của chế độ phong kiến biểu hiện ở tác dụng kìm hãm và phá hoại của nó đối với lực lượng sản xuất không những trong nông nghiệp, mà cả trong công nghiệp. Ở một nước mà nông dân chiếm trên 90% dân số thì thị trường của nông nghiệp chủ yếu là nông thôn. Vậy mà, với mức sống của nông dân như thế, với khả năng tích lũy và tái sản xuất của nông dân như thế, với tình trạng nền kỹ thuật nông nghiệp như thế, làm sao công thương nghiệp Việt Nam có thể tìm được một chân trời ít nhiều sáng sủa?

Từ đó thấy rằng chỉ có xóa bỏ chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến, thực hành cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, mới phá bỏ được những xiềng xích trói buộc lực lượng sản xuất, mở đường cho dân tộc ta thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Cách mạng ruộng đất chẳng những là con đường sống còn của nông dân, mà là con đường sống còn của cả dân tộc nữa.

  1. Tính chất bức thiết của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để ở nước ta còn xuất phát từ yêu cầu giải phóng nông dân lao động, đội quân chủ lực của cách mạnggiảiphóng dân tộc.

Nông dân lao động (bao gồm cố, bần, trung nông) chiếm tuyệt đại bộ phận dân số nước ta. Bọn đế quốc áp bức bóc lột dân tộc ta chủ yếu là áp bức bóc lột nông dân. Vì vậy, vấn đề dân tộc về thực chất là vấn đề nông dân; vấn đề nông dân chính là cái trục của vấn đề dân tộc. Nông dân có được giải phóng thì dân tộc mới được giải phóng; giải phóng dân tộc chủ yếu là giải phóng nông dân. Nông dân là lớp người bị bóc lột nhiều nhất, tàn tệ nhất trong xã hội Việt Nam. “Vì vậy, nông dân có ý thức cách mạng rất mạnh mẽ. Ý thức cách mạng của nông dân Việt Nam trước tiên là ý thức dân tộc. Nói đến dân tộc, chủ yếu là nói đến nông dân. Nói phong trào dân tộc Việt Nam tức là nói phong trào nông dân Việt Nam”.

Vấn đề dân tộc ở nước ta lại gắn liền rất mật thiết với vấn đề dân chủ. Muốn làm cách mạng dân tộc thành công thì không thể không đồng thời đấu tranh cho dân chủ, bởi vì nông dân không phải chỉ đòi quyền lợi dân tộc chung chung, mà đòi quyền lợi dân tộc trong đó có quyền lợi giai cấp, tức quyền lợi dân chủ của họ. Dân chủ ở nước ta về thực chất là dân chủ của nông dân, là giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, đưa nông dân lên làm chủ nông thôn làm chủ ruộng đất.

Trong các lực lượng cách mạng của dân tộc, nông dân là lực lượng đông đảo nhất, nó cùng giai cấp công nhân hợp thành quân chủ lực của cách mạng. Không phát động được nông dân thì không thể nói đến một phong trào cách mạng thực sự có tính chất nhân dân, thực sự có tính chất dân tộc. Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa mà không có đông đảo nông dân tham gia thì nhất định không thể thành công được.

Vì lẽ nông dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, cho nên vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện được khi giai cấp này phát động được nông dân đứng lên làm cách mạng, liên minh được với nông dân và lãnh đạo được nông dân. Lịch sử đã chứng minh rằng: “Bất cứ cuộc cách mạng nào từ xưa đến nay, dù cho giai cấp vô sản lãnh đạo, nếu không có nông dân tham gia thì đều thất bại… Do đó, tranh thủ được nông dân là vấn đề căn bản quyết định vị trí của giai cấp tư sản hay giai cấp vô sản, nông dân về ai thì kẻ đó có vị trí, nông dân không đi theo ai thì kẻ đó không có vị trí”. Ở một nước nông dân như nước ta thì vấn đề tranh thủ nông dân càng có tầm quan trọng quyết định đối với vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân.

Vậy mà, muốn giải phóng nông dân, muốn phát động nông dân đứng lên làm cách mạng, muốn lãnh đạo được nông dân, chỉ riêng khẩu hiệu “độc lập dân tộc” chưa đủ. Ngoài ách áp bức dân tộc mà nông dân phải chịu chung số phận cùng với giai cấp khác, nông dân còn bị đè nặng dưới ách áp bức giai cấp, dưới ách phong kiến. Sự áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến đối với nông dân chủ yếu là dựa trên độc quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp ấy. Vì vậy, đấu tranh cho khẩu hiệu “người cày có ruộng” đi liền với khẩu hiệu “độc lập dân tộc” chính là cái chìa khóa để giải quyết vấn đề nông dân. Trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta, chỉ có cương lĩnh cách mạng nào đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản ấy của nông dân thì mới huy động được đông đảo nông dân tham gia, chỉ có chính đảng cách mạng nào đề ra được và kiên quyết đấu tranh cho hai mặt quyền lợi cơ bản ấy của nông dân thì mới lãnh đạo được nông dân. Bỏ rơi hoặc coi nhẹ quyền lợi về ruộng đất của nông dân thì sẽ không tránh khỏi làm cho nông dân kém hăng hái, thậm chí thờ ơ với cách mạng.

Tổng kết kinh nghiệm lịch sử 30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng ta, Đại hội lần thứ III của Đảng đã từng chỉ ra như sau:

“Để thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ, Đảng đã nhận định nông dân là lực lượng cách mạng lớn nhất nước ta, cùng với giai cấp công nhân hợp thành quân chủ lực của cách mạng. Do Đảng ta giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, cho nên giai cấp công nhân đã đoàn kết và lãnh đạo được nông dân, phát huy được lực lượng cách mạng to lớn của nông dân, thực hiện được khối liên minh công nông vững chắc. Đảng ta đã từng chỉ rõ chủ nghĩa đế quốc cướp nước ta, chủ yếu là để áp bức bóc lột nông dân, đồng thời cũng chỉ rõ nội dung chủ yếu của mâu thuẫn giữa nông dân và giai cấp địa chủ. Vì vậy, trong quá trình đấu tranh cách mạng, khi mũi nhọn của cách mạng chĩa vào bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng, thì Đảng ta đã đồng thời tiến hành từng bước nhiệm vụ phản phong kiến kết hợp với nhiệm vụ phản đế, dùng phương thức cải cách từng bước mà tiến dần lên cách mạng ruộng đất xóa bỏ giai cấp địa chủ, thực hiện triệt để khẩu hiệu “người cày có ruộng” làm cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc thắng lợi huy hoàng”.

  1. Tính chất bức thiết của cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta, có thể nói, còn do cả phía kẻ thù của cách mạng quyết định nữa. 

Giai cấp địa chủ phong kiến là giai cấp thống trị lâu đời trong xã hội Việt Nam. Địa vị thống trị của chúng dựa trên chế độ chiếm hữu phong kiến về ruộng đất và một bộ máy quyền lực rộng lớn − hệ thống vua quan và cường hào. Ngoài ra, nó còn được duy trì bởi trăm ngàn sợi dây tư tưởng, đạo đức, triết lý, quan hệ xã hội, tập quán xã hội, v.v… 

Bọn đế quốc xâm lược không thể không tính đến lực lượng của giai cấp thống trị cũ trong xã hội Việt Nam. Vì vậy, ngay sau khi cướp được nước ta, chúng liền lợi dụng bọn này làm tay sai cho chúng. Về phía giai cấp địa chủ phong kiến, chúng cũng tìm thấy ở bọn đế quốc xâm lược một chỗ dựa để duy trì chế độ bóc lột và địa vị thống trị đã lung lay của chúng. Đế quốc và phong kiến câu kết với nhau, nương tựa vào nhau để róc xương nạo tủy nhân dân Việt Nam. Hệ thống vua quan, cường hào của nền thống trị phong kiến trở thành một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước thuộc địa. Những đặc quyền đặc lợi của giai cấp địa chủ phong kiến được chính quyền thuộc địa duy trì và bảo vệ bằng bạo lực. Từ việc cướp đoạt ruộng đất của nông dân, bao chiếm ruộng công, tranh ngôi thứ ở hương thôn, hà hiếp nông dân, đến việc tróc nã, sưu cao thuế nặng, bảo vệ và củng cố nền thống trị thuộc địa, trấn áp các lực lượng cách mạng, nhất nhất đều thể hiện sự câu kết giữa hai thế lực phản động: đế quốc và phong kiến. Sự câu kết ấy, trong nhiều trường hợp, đã biến thành một sự hòa hợp thật sự: một mặt ta thấy những tên đại địa chủ phong kiến Việt Nam nắm giữ những quyền cao chức trọng trong bộ máy nhà nước thuộc địa, mặt khác, ta thấy những tên thực dân của “phương Tây văn minh”, về phương thức bóc lột cũng như về phương thức thống trị, đã thật sự hóa thành những tên bạo chúa phong kiến kiểu phương Đông. 

Nói về mối liên quan khăng khít giữa hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã từng chỉ ra như sau: “Mâu thuẫn giữa nông dân với đế quốc cũng bao hàm mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến, không phải chỉ vì bản thân nông dân đã mâu thuẫn với phong kiến mà còn vì phong kiến đã đầu hàng đế quốc, trở thành vật lệ thuộc vào đế quốc và câu kết với đế quốc để chống lại nông dân”. 

Trong tình hình mà hai kẻ thù chủ yếu của nhân dân Việt Nam nói chung và của nông dân Việt Nam nói riêng câu kết với nhau chặt chẽ như vậy thì rõ ràng là không thể đánh đuổi được bọn đế quốc xâm lược nếu không đồng thời đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, không thể giải phóng được dân tộc nếu không đồng thời giải phóng nông dân. Coi nhẹ nhiệm vụ phản phong kiến hay nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thì không khỏi làm tổn hại đến sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

  1. Một cuộc cách mạng ruộng đất, dù triệt để nhất, vẫn không vượt ra khỏi phạm trù cách mạng dân chủ tư sản: nó không xóa bỏ chế độ tư hữu mà chính là mở rộng đến mức tối đa chế độ tư hữu của tiểu nông, mở rộng nền tiểu sản xuất hàng hóa. Trên ý nghĩa này mà nói, nó mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng, mặt khác, cũng chính cuộc cách mạng ấy đã đập tan xiềng xích phong kiến, giải phóng nông dân, củng cố liên minh công nông, và như vậy, nó dọn đường cho chủ nghĩa xã hội. Không triệt để giải phóng nông dân khỏi ách áp bức bóc lột phong kiến, không xác lập được vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với giai cấp nông dân, thì không thể nói đến chuyện xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Chính là dưới điều kiện vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với giai cấp nông dân được củng cố vững chắc mà những người nông dân đã được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột phong kiến sẽ tự nguyện hợp tác lại để chuyển từ chế độ tiểu tư hữu sang chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa.

Lênin đã từng chỉ ra như sau: “Chế độ sử dụng bình quân ruộng đất là một nhân tố tiến bộ và cách mạng trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản, cuộc cách mạng này không thể vượt qua chỗ đó được. Trong khi tiến đến cùng, cuộc cách mạng đó ngày càng vạch ra rõ ràng hơn, nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn cho quần chúng thấy rằng nếu chỉ có những giải pháp dân chủ tư sản không thôi thì không đủ, thấy cần phải vượt khỏi phạm vi của những giải pháp đó, phải chuyển lên chủ nghĩa xã hội. 

“Nông dân là người đã lật đổ chế độ Nga hoàng và bọn đại địa chủ; họ đang mơ ước được thực hành chế độ bình quân, và bất cứ lực lượng nào trên thế giới cũng không thể ngăn cản được nông dân một khi đã thoát khỏi bọn địa chủ, khỏi nhà nước cộng hòa đại nghị tư sản, thực hiện lý tưởng đó. Người vô sản nói với nông dân rằng: chúng tôi sẽ giúp các bạn đạt đến chủ nghĩa tư bản “lý tưởng”, vì chế độ bình quân trong việc sử dụng ruộng đất là chủ nghĩa tư bản đã được lý tưởng hóa theo quan điểm của người sản xuất nhỏ. Và đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chỉ cho các bạn thấy rằng chỉ có chế độ đó không thôi thì không đủ, và việc chuyển lên canh tác tập thể là tất yếu”.

Như vậy, trong điều kiện giai cấp công nhân nắm quyền lãnh đạo đối với nông dân và đối với cách mạng thì thực hành cuộc cách mạng ruộng đất triệt để không có nghĩa là dọn đường cho chủ nghĩa tư bản mà lại có nghĩa là dọn đường cho chủ nghĩa xã hội. 

Từ đó thấy rằng: tính tất yếu của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để không những xuất phát từ yêu cầu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, mà xét theo quan điểm cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nó xuất phát cả từ yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không những nó đáp ứng lợi ích căn bản của giai cấp nông dân – giai cấp những người mà điều kiện kinh tế của chính họ làm cho họ tự phát hưởng theo chủ nghĩa tư bản – mà còn đáp ứng cả lợi ích căn bản của giai cấp công nhân – giai cấp những người mà sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản cùng hết thảy mọi hình thức người bóc lột người. 

Cuộc cách mạng ruộng đất triệt để ở một nước nông dân có nghĩa là một cuộc cách mạng mang tính chất nhân dân sâu sắc nhất. Về mặt kinh tế, trong khi quét sạch chế độ chiếm hữu phong kiến về ruộng đất và xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến thì đồng thời nó không thể không động chạm đến các giai cấp bóc lột khác. Chính vì vậy mà chỉ có giai cấp nào không sợ một phong trào cách mạng thật sự có tính chất nhân dân, không sợ xóa bỏ chế độ tư hữu và bóc lột, giai cấp ấy mới có khả năng lãnh đạo tới cùng cuộc cách mạng ruộng đất triệt để. Một giai cấp như thế chỉ có thể là giai cấp vô sản hiện đại, giai cấp này sở dĩ “có khả năng đấu tranh quên mình để chống chế độ phong kiến, chính vì giai cấp đó không hề “nhúng” một tý nào vào chế độ tư hữu, chế độ đã khiến giai cấp tư sản trở thành một kẻ thù do dự và nhiều khi thành bạn đồng minh của bọn phong kiến”. Trong lịch sử Việt Nam, đã có nhiều lúc giai cấp này, tầng lớp nọ, đứng lên lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng chưa có một giai cấp hay tầng lớp nào đề ra được và dám đề ra nhiệm vụ về một cuộc cách mạng ruộng đất. Lý do rất dễ hiểu: từ lớp sĩ phu phong kiến đến giai cấp tư sản dân tộc và giai cấp tiểu tư sản, nếu không có mâu thuẫn đối kháng với nông dân thì cũng không thể cùng hòa hợp với nông dân thành một khối, nếu không gắn bó bằng xương bằng thịt với chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến thì cũng không vượt ra khỏi được tầm mắt tư hữu và bóc lột. Chỉ có giai cấp công nhân mới đề ra nổi nhiệm vụ lịch sử ấy và dẫn dắt được nông dân đấu tranh đến cùng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử ấy. Đó chính là nguyên nhân làm cho giai cấp này, ngay khi mới bước lên vũ đài chính trị, đã thức tỉnh và lôi cuốn được đông đảo nông dân theo mình, dựng lên khối liên minh công nông vững chắc làm nền tảng cho Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho giai cấp này, ngay khi mới bước lên vũ đài chính trị, đã trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn viết: 

“Vị trí của giai cấp vô sản là ở chỗ giai cấp vô sản lúc bấy giờ là giai cấp duy nhất tiêu biểu cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, và là giai cấp đặt đúng vấn đề nông dân”.

“Nó tiêu biểu được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vì nó cương quyết chống đế quốc và có khả năng thắng được đế quốc. Nó tiêu biểu cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, vì nó là giai cấp duy nhất lúc bấy giờ nắm được luận về cách mạng dân tộc, tức là: vấn đề dân tộc căn bản vấn đề nông dân, vấn đề dân tộc không thể tách khỏi vấn đề dân chủ. Do địa vị của nó, giai cấp vô sản là giai cấp duy nhất có khả năng giải quyết vấn đề quyền lợi dân chủ của nông dân là vấn đề ruộng đất. Vì đạt được vấn đề chia ruộng đất cho nông dân mà giai cấp vô sản đã nắm được nông dân, do đó nắm được cách mạng dân tộc”.

Ngày nay, ở một số nước dân tộc chủ nghĩa, dưới áp lực của phong trào đấu tranh của công nông, giai cấp tư sản cầm quyền cũng nêu ra nhiệm vụ về một cuộc cải cách ruộng đất nào đó. Nhưng dưới chính quyền của một giai cấp vốn gắn bó về kinh tế, chính trị và cả về “huyết thống” với giai cấp địa chủ phong kiến lại vốn có mâu thuẫn đối kháng với nhân dân lao động, trên những quyền lợi căn bản nhất, thì thật không có gì là khó hiểu nếu chúng ta không thấy được một cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, một cuộc cách mạng từ dưới lên, quét sạch mọi tàn dư phong kiến và thỏa mãn đông đảo dân cày nghèo. Một cuộc cải cách nửa vời, tiến hành từ trên xuống, và nhiều khi chỉ có trên mặt giấy, đó là mẫu “cải cách ruộng đất” thường thấy ở những nước này. Những cuộc “cải cách” kiểu đó là phản ánh của tính chất hai mặt của giai cấp tư sản cầm quyền ở những nước này và là sản phẩm của hai áp lực đối lập: một của phong trào cách mạng của công nông, và một của thế lực phản động – giai cấp địa chủ phong kiến trong nước và bọn đế quốc bên ngoài. 

Đương nhiên, trong loại hình cải cách ruộng đất nửa vời nói trên, người ta không thể liệt kê cái gọi là “cải cách điền địa” mà chính quyền tay sai của Mỹ tiến hành ở miền Nam nước ta. Thực chất, đó chỉ là một mưu toan phản cách mạng được che đậy dưới cái vẻ bề ngoài tưởng chừng như cải lương chủ nghĩa. Cái gọi là “cải cách” ấy chẳng những không làm cho mâu thuẫn giữa một bên là nông dân với một bên là đế quốc và phong kiến dịu bớt đi, mà hơn nữa, còn làm cho mâu thuẫn đó bị đẩy tới mức độ gay gắt nhất. Đó là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao phong trào đấu tranh của nông dân miền Nam vì “độc lập dân tộc” và “người cày có ruộng” đã phát triển với sức mạnh của thác lũ và ngày nay đã đạt tới quy mô rộng lớn chưa từng thấy. 

   II. Về mối liên hệ khăng khít giữa cuộc cách mạng ruộng đất và cuộc cách mạng giải phóng dân tộc

“Tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam, ta thấy nổi bật lên một đặc điểm như sau: Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của ta, hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến khăng khít với nhau, không thể tách rời nhau, nhưng cũng không thể tiến hành song song nhất loạt ngang nhau; khăng khít với nhau là vấn đề chiến lược, không tiến hành song song nhất loạt ngang nhau là vấn đề sách lược”

Về sự gắn bó khăng khít giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, ở đoạn trên, khi trình bày về tính tất yếu của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, chúng ta đã nói đến sự câu kết chặt chẽ giữa hai kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam; tình hình đó chỉ ra rằng: muốn đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược thì phải đồng thời đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, và ngược lại, muốn đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến thì nhất thiết phải đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược. 

Ở đoạn trên, chúng ta cũng đã nói đến yêu cầu giải phóng giai cấp nông dân, lực lượng cách mạng đông đảo nhất và là quân chủ lực của cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó, chúng ta đã đi đến kết luận: muốn giải phóng nông dân, muốn động viên nông dân tích cực tham gia cách mạng giải phóng dân tộc, muốn xây dựng và củng cố khối liên minh công nông thì, đi đôi với việc nêu cao nhiệm vụ đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, phải đồng thời nêu cao nhiệm vụ đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, thiết thực giải quyết quyền lợi về ruộng đất cho nông dân. 

Sự gắn bó khăng khít giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến còn do đặc điểm sau đây của cuộc cách mạng thuộc địa quyết định. “Cách mạng thuộc địa là một cuộc cách mạng lâu dài, gian khổ, phức tạp, khi đấu tranh chính trị, khi đấu tranh vũ trang để tiêu diệt quân cướp nước, giành lại độc lập tự do. Vì lực lượng đế quốc tập trung ở thành thị, nhưng ở đó giai cấp công nhân lại quá nhỏ bé, cho nên muốn giành được chính quyền, phải dựa vào nông thôn, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở nông thôn, dựa vào nông dân để xây dựng lực lượng vũ trang, đánh chiếm dần từng vùng ở nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị, và khi có điều kiện thì tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giải phóng cả nông thôn và thành thị. Do đó, vấn đề vận động nông dân là một vấn đề sống còn của cách mạng thuộc địa”. Vận động nông dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, củng cố khối liên minh công nông – cơ sở của Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân, nói tóm lại, là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ vận mệnh của cách mạng thuộc địa. Nhìn vào lịch sử của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, ta thấy: “Khởi nghĩa lập chính quyền xô-viết Nghệ An năm 1930 thực chất cũng là khởi nghĩa của nông dân; trong phong trào dân chủ 1936 – 1939, lực lượng tham gia đông đảo nhất cũng là nông dân; khởi nghĩa Nam Kỳ, Bắc Sơn, v.v… căn bản cũng là khởi nghĩa của nông dân; khu giải phóng Việt Bắc và Đội tuyển truyền Việt Nam giải phóng quân thành lập cũng là dựa vào nông dân và nông thôn; Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám 1945 là một cuộc nổi dậy của toàn dân, nhưng lực lượng chủ yếu là nhân dân lao động, là công nông, mà đại bộ phận là nông dân. Cuộc kháng chiến trường kỳ của ta trong 8, 9 năm qua căn bản cũng là chiến tranh du kích của nông dân, dựa vào nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị; nông dân là người đóng góp sức người, sức của nhiều nhất cho kháng chiến”.

Vai trò của nông dân trong cách mạng thuộc địa to lớn như vậy. Do đó, rất dễ thấy rằng sự thành công của cách mạng thuộc địa tùy thuộc một phần rất lớn ở sự giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân. Cách giải quyết đúng đắn chính là chỗ coi hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến không tách rời nhau, gắn bó khăng khít với nhau.

Nhưng mặt khác, chúng ta lại không thể coi hai nhiệm vụ ấy là cân bằng nhau, phải tiến hành song song nhất loạt ngang nhau. Lý lẽ là ở chỗ: nếu đế quốc và phong kiến là hai kẻ thù chủ yếu của nhân dân ta và sự câu kết giữa chúng với nhau là một sự thật hiển nhiên, thì mặt khác, lại không thể không nhận rằng kẻ thù chủ yếu nhất, mạnh nhất và nguy hại nhất chính là bọn để quốc xâm lược. Chính chúng là kẻ nắm giữ chính quyền nhà nước, quân đội, cảnh sát, mật thám, nhà tù. Chính chúng là kẻ nắm giữ những vị trí yết hầu của nền kinh tế quốc dân, và là kẻ bóc lột chủ yếu nhất, nguy hại nhất. Sở dĩ giai cấp địa chủ phong kiến còn duy trì được ách áp bức bóc lột của chúng đối với nông dân Việt Nam, thì điều đó chủ yếu cũng là nhờ ở sự che chở của bọn đế quốc xâm lược. Vì vậy, nếu không đánh đuổi được bọn đế quốc xâm lược thì không sao đập tan được ách áp bức bóc lột phong kiến. Nói cách khác nghĩa là: “Cách mạng giải phóng dân tộc tạo điều kiện căn bản cho sự giải phóng nông dân”. Tình hình trên đây quy định “một đặc điểm của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa là trong một thời kỳ nhất định (thời kỳ đầu của cách mạng) cần phải tập trung mũi nhọn của cách mạng chủ yếu vào bọn để quốc cướp nước; phải để nhiệm vụ phản đế lên hàng đầu và tập trung lực lượng để giải quyết cho bằng được nhiệm vụ ấy. Nhiệm vụ phản phong kiến phải luôn luôn phục tùng nhiệm vụ phản đế”.

Một kinh nghiệm chủ yếu của Đảng ta là: “Đảng ta đã vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tế cụ thể của nước ta, đề ra đường lối phương châm cách mạng kết hợp đúng đắn nhiệm vụ phản đế nhiệm vụ phản phong kiến, coi nhiệm vụ chống đế quốc và bè lũ tay sai của chúng là nhiệm vụ chủ yếu nhất và nhiệm vụ phản phong kiến phải tiến hành từng bước, kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phản đế”. 

Đối với một dân tộc đã mất nước vào tay bọn để quốc bên ngoài thì nhiệm vụ chủ yếu nhất rõ ràng phải là việc đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược. Để đạt tới mục đích ấy một cách thuận lợi nhất, chính đảng lãnh đạo cách mạng phải làm thế nào để tập hợp được hết thảy mọi lực lượng dân tộc chống đế quốc, đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được, tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, trung lập bất cứ người nào không tranh thủ được nhưng có thể trung lập được, nói tóm lại, phải ra sức tranh thủ thêm bạn bớt thù đặng triệt để cô lập kẻ thù chủ yếu nhất và tập trung những ngọn đòn của cách mạng chĩa vào kẻ thù chủ yếu nhất. “Chính vì hiểu rằng nhiệm vụ phản đế là nhiệm vụ chính phải được ưu tiên, vì hiểu rằng có thể và cần phải tập hợp tất cả những giai cấp không phải công nông xung quanh công nông thành mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để cùng nhau đấu tranh cho nước nhà độc lập, nên Đảng đã tạm rút khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Mặt trận dân tộc thống nhất thành lập thì vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản càng được vững vàng: vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản vững vàng thì cách mạng phản đế mới thành công, chính quyền nhân dân mới được giữ vững, vấn đề ruộng đất mới được giải quyết một cách triệt để”

Ở nước ta, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn đế quốc xâm lược, ngay cả giai cấp địa chủ phong kiến cũng bị phân hóa. “Sự phân hóa đó là do một bộ phận của giai cấp địa chủ không thỏa mãn với chính sách độc quyền quá khắt khe của đế quốc và cũng do sức mạnh của phong trào công nông làm cho số trí thức tư sản con cái địa chủ từ thái độ cải lương chạy qua hàng ngũ cách mạng và lôi kéo một số địa chủ thân thích cũng chạy theo. Và chính bản thân những người địa chủ đó cũng thấy rằng không chịu phục tùng cách mạng thì cũng chỉ chết chìm với đế quốc, không có con đường nào khác”. Sự phân hóa chủ yếu diễn ra trong tầng lớp địa chủ nhỏ. Tầng lớp này bị lép vế, bị chèn ép, quyền lợi của họ bị bọn đế quốc xâm phạm. Tình hình này đặc biệt nổi bật trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, dưới ách thống trị của phát xít Nhật – Pháp. Rõ ràng là những địa chủ này có khả năng tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, khi mà mũi nhọn của cách mạng tập trung chĩa vào bọn đế quốc xâm lược và bọn địa chủ Việt gian. Ngay cả trong tầng lớp địa chủ cỡ trung và chừng mực nào đó trong tầng lớp đại địa chủ, cũng vẫn có những phần tử có mâu thuẫn nhất định với bọn đế quốc, phát xít. Trong những điều kiện nhất định, họ có khả năng tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc hoặc ít ra cũng có khả năng giữ thái độ trung lập có lợi cho cách mạng. Ở các nước thuộc địa, giới trí thức và học sinh xuất thân từ giai cấp địa chủ nhưng không trực tiếp tham gia bóc lột thường có khả năng đứng hẳn về phía nhân dân, làm cách mạng chống bọn đế quốc cướp nước và bọn tay sai phản nước.

Tình hình trên đây đòi hỏi đồng thời cho phép phân hóa đến cao độ hàng ngũ địa chủ, triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa một số địa chủ với bọn đế quốc cướp nước, đặng tranh thủ một bộ phận địa chủ và những phần tử trí thức, học sinh con em địa chủ tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, đồng thời thúc đẩy một bộ phận khác của giai cấp địa chủ ít ra cũng giữ thái độ trung lập có lợi cho cách mạng. Để đạt mục tiêu sách lược này, chính đảng lãnh đạo cách mạng phải “rải nhiệm vụ phản phong kiến ra mà làm, hoặc nói một cách khác, phải tiến hành nhiệm vụ phản phong kiến, cụ thể là nhiệm vụ ruộng đất, từng bước một. Lúc đầu, nhiệm vụ phản phong kiến có thể đề ra nhẹ một chút, sau nâng dần lên, cuối cùng, đến một lúc nào đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc nhập làm một với cách mạng ruộng đất”.

Như đã trình bày ở các phần trên, nhiệm vụ cách mạng ruộng đất ở nước ta đã được “rải ra” làm ba bước: 

Bước thứ nhất (1945-1949): tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và bọn Việt gian, đem chia cho nông dân; chia lại ruộng công một cách công bằng hơn (chia cho cả nam cả nữ, xóa bỏ hoặc tước bớt những đặc quyền đặc lợi của bọn cường hào), ra thông tư giảm tô 25% so với mức trước ngày Cách mạng tháng Tám. Trong những năm đầu kháng chiến, chính quyền cách mạng còn đem những ruộng đất vắng chủ tạm giao cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. 

Về mặt thực hiện và chỉ đạo thực hiện chính sách ruộng đất trong thời kỳ này, vì đánh giá quá cao vai trò của những địa chủ yêu nước và kháng chiến, nhiều địa phương đã quá nặng về mặt thuyết phục địa chủ mà nhẹ về mặt phát động nông dân đấu tranh kết hợp với việc chính quyền ra lệnh để buộc địa chủ phải thi hành đầy đủ chính sách giảm tô. Như vậy là trong chừng mực nhất định đã không coi trọng đúng mức nhiệm vụ chống phong kiến, nhận thức không đầy đủ về mối liên hệ khăng khít giữa nhiệm vụ chống phong kiến và nhiệm vụ chống đế quốc cũng như về tầm quan trọng của vấn đề nông dân trong cách mạng thuộc địa. 

Bước thứ hai (1949-1953): trong bước này, chính sách ruộng đất của Đảng được đẩy lên một mức cao hơn, trước yêu cầu bồi dưỡng lực lượng cho nông dân và động viên nông dân dốc sức vào cuộc kháng chiến cứu nước ngày càng trở nên gay go quyết liệt. Việc giảm tô giảm tức, hoãn nợ, xóa nợ, tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian và tạm giao ruộng đất vắng chủ được thực hiện ráo riết hơn. Trong việc chia công điền, chúng ta đã áp dụng nguyên tắc chiếu cố đến lợi ích của những nông dân thiếu ruộng mà không hoàn toàn theo nguyên tắc chia bình quân cho mọi công dân như trước nữa. Qua việc thực hiện những chính sách nói trên cũng như qua việc thực hành chính sách thuế nông nghiệp (với biểu thuế lũy tiến), quyền lợi về ruộng đất của nông dân được thỏa mãn với mức cao hơn trước, còn thế lực phong kiến và sự bóc lột phong kiến thì bị những đòn đả kích mạnh hơn trước.

Về tinh thần sách lược của chính sách ruộng đất trong thời kỳ này, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh:

“Đối với địa chủ yêu nước, chính sách của ta là không tịch thu ruộng đất của họ. Nhưng đối với địa chủ phản quốc, chúng ta tịch thu ruộng đất. Đứng về giai cấp, chính sách này không phải chỉ nhằm lôi kéo các phần tử địa chủ tích cực kháng chiến, nói chung là để trung lập địa chủ. Việc tịch thu ruộng đất của địa chủ phản quốc, về mặt tinh thần, cũng đã đụng chạm đến quyền sở hữu của giai cấp địa chủ. Hơn nữa, chính sách tịch thu đất đai của Việt gian và Pháp chia cho nông dân, chính sách cho nông dân khai khẩn hay cho nông dân mượn đất đai, nói chung, cũng làm lay chuyển nền kinh tế của địa chủ, vì những chính sách này đã chặt đứt nguồn nhân công, nguồn bóc lột của địa chủ. Nói chung, địa chủ không bao giờ thỏa mãn với những chính sách ấy… 

“Cố nhiên, không phải vì một số địa chủ không thỏa mãn mà chúng ta không thực hành chính sách ruộng đất – chính sách lớn lao căn bản của Mặt trận dân tộc thống nhất. Nhưng chúng ta cũng không làm quá mạnh để đẩy họ qua hàng ngũ của giặc”.

Trong thời kỳ này, chúng ta vẫn chưa thanh toán được về căn bản những nhận thức không đầy đủ về nhiệm vụ chống phong kiến cũng như về mối liên hệ khăng khít giữa nhiệm vụ chống phong kiến với nhiệm vụ chống đế quốc. Tư tưởng sợ “vỡ đoàn kết” với địa chủ kháng chiến vẫn còn là một trở lực đối với việc thực hiện đầy đủ chính sách ruộng đất ở một số địa phương.

Bước thứ ba (1953-1957): phát động quần chúng thực hiện giảm tô (bao gồm thoái tô) và cải cách ruộng đất, xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến, đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ phong kiến, chia ruộng đất cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng.

Tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Nhờ đó, tinh thần kháng chiến của hàng chục triệu nông dân được cổ vũ mạnh mẽ, khối liên minh công nông được củng cố, mặt trận dân tộc thống nhất thêm vững mạnh, chính quyền dân chủ nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân được tăng cường, mọi mặt hoạt động kháng chiến được đẩy mạnh rõ rệt”. 

Chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến phản ánh sự trưởng thành của Đảng ta trong việc nhận thức mối liên hệ khăng khít giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, nếu việc tiến hành cải cách ruộng đất (ở vùng tự do) ngay trong thời kỳ kháng chiến đòi hỏi những điều kiện tiền đề như tình hình chính trị ổn định, quần chúng nông dân thật sự yêu cầu, có cán bộ để lãnh đạo, thì như vậy, cuộc vận động này bắt đầu có phần hơi muộn, trong khi tình hình cho phép chúng ta có thể tiến hành sớm hơn một chút (khoảng năm 1952, sau khi đã phá tan âm mưu của giặc đánh chiếm vùng tự do của ta). 

Cuộc vận động cải cách ruộng đất đang tiến hành thì hòa bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng khỏi ách đế quốc. Lúc này, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc là tất yếu. Nhưng, trong khi tiến hành, chúng ta đã không chú ý đầy đủ đến tình hình nước nhà còn bị chia làm hai miền và do đó vẫn cần phải thực hành một chính sách mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, vẫn cần phải chiếu cố những địa chủ đã ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến hoặc có con em đi bộ đội, làm cán bộ. Những khuyết điểm, sai lầm phạm phải trong khi thực hiện cải cách ruộng đất đã ảnh hưởng không tốt đến chính sách mặt trận dân tộc thống nhất và đến vấn đề chiếu cố miền Nam. Ở đây, sai lầm lệch lạc cũng bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ về mối liên hệ khăng khít giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, nhưng không phải theo hướng hữu khuynh như trong hai thời kỳ trước mà theo hướng tả khuynh, không phải ở chỗ đánh giá không đầy đủ nhiệm vụ chống phong kiến mà ở chỗ đánh giá không đầy đủ nhiệm vụ chống đế quốc. Trong chừng mực nào đó, những sai lầm lệch lạc này đã bắt đầu xuất hiện ngay từ những đợt đầu của cải cách ruộng đất (tiến hành trong kháng chiến) nhưng đã không được chú ý sửa chữa một cách đúng mức, kịp thời. Năm 1956, khi phát hiện ra sai lầm, Đảng ta đã công khai vạch rõ sai lầm và kiên quyết sửa chữa, cuối cùng đã kết thúc thắng lợi cải cách ruộng đất ở miền Bắc.

Qua những bước nói trên, ta thấy nhiệm vụ của một cuộc cách mạng ruộng đất triệt để đã được hoàn thành thắng lợi không phải ngay trong một lúc, không phải dồn vào một lúc, mà là qua từng bước từ thấp đến cao, qua nhiều cuộc cải lương (hay cải cách) thực hiện dưới điều kiện công nông nắm chính quyền và dựa vào lực lượng cách mạng của công nông. Chính trong những điều kiện như vậy mà nhiều cuộc cải lương gộp chung lại đã có được ý nghĩa của một cuộc cách mạng triệt để nhất.

Nguyên lý trên đây càng thể hiện nổi bật ở miền núi nước ta, nơi mà một loạt chế độ áp bức bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa cực kỳ hà khắc đã bị xóa bỏ dần từng bước trải qua một quá trình cải cách dân chủ kéo dài nhiều năm và cuối cùng được hoàn thành kết hợp với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Cũng qua những bước nói trên, ta thấy hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến phải được tiến hành trong mối liên hệ khăng khít với nhau, không thể tách rời nhau, nhưng cũng không thể tiến hành song song nhất loạt ngang nhau, mà nhiệm vụ chống phong kiến phải luôn luôn phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ cơ bản ấy của cách mạng là một vấn đề thuộc về phương châm chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở nước ta, một nước thuộc địa còn mang nặng những tàn dư phong kiến. Lịch sử của cuộc cách mạng ruộng đất, và nói chung, của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng ta lãnh đạo đã chỉ ra rằng: “Kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến là một vấn đề cần thiết để đảm bảo thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; tách rời hai nhiệm vụ ấy, cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể thất bại, kết hợp không đúng mức hai nhiệm vụ ấy sẽ phạm sai lầm hoặc hữu khuynh, hoặc tả khuynh”.

Kinh nghiệm trên đây, một lần nữa, đang được thực tiễn cách mạng ở miền Nam nước ta chứng minh. Nơi đây, chính là trong quá trình đấu tranh kiên cường chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai mà một lần nữa, nông dân ta đã và đang giành lại được quyền lợi về ruộng đất. Ngược trở lại, cũng chính cuộc cách mạng ruộng đất, một lần nữa, đã và đang đẩy lên khí thế hùng vĩ của đội quân nông dân dốc vào cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh.

III. Về phương pháp tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất

Tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất triệt để có nghĩa là thủ tiêu giai cấp thống trị lâu đời nhất trong xã hội Việt Nam – giai cấp địa chủ phong kiến. Vì vậy, sự phản kháng quyết liệt của giai cấp này là điều dễ hiểu. “Trong bất cứ cuộc cách mạng sâu sắc nào cũng thế, theo lệ thì bọn bóc lột trong bao nhiêu năm đã giữ được nhiều ưu thế thực tế to lớn hơn những người bị bóc lột, nên chúng phải phản kháng lại, phản kháng lâu dài, dai dẳng, liều mạng”. Trong điều kiện giai cấp địa chủ phong kiến còn được bọn đế quốc xâm lược che chở trực tiếp bằng chính quyền và quân đội của chúng (ở vùng tạm bị chiếm), hoặc ủng hộ bằng những cuộc tấn công của chúng vào các lực lượng cách mạng (ở vùng du kích, vùng căn cứ du kích và vùng tự do), thì quyết tâm phản kháng của giai cấp này càng tăng lên.

Đứng trước sự phản kháng ấy, các lực lượng cách mạng, nếu không muốn từ bỏ chính sách cơ bản của mình, còn có biện pháp nào khác hơn là trấn áp bằng bạo lực?

Tuy nhiên, không phải ngay một lúc mà hết thảy những người cán bộ cách mạng Việt Nam đã nắm thật chắc chân lý đó. Phải qua một quá trình thực tiễn với khá nhiều vấp váp, chúng ta mới hoàn toàn vứt bỏ được ảo tưởng về giai cấp địa chủ cùng cái xu hướng nặng về thuyết phục địa chủ. Thực tế ngày càng tỏ rõ rằng giai cấp địa chủ phong kiến, kể cả những địa chủ tham gia kháng chiến hoặc có con em hoạt động cho cách mạng, không bao giờ sẵn sàng hy sinh quyền lợi giai cấp của họ vì quyền lợi của Tổ quốc. Nếu một bộ phận của giai cấp này có ủng hộ kháng chiến, tỏ thái độ cảm tình với cách mạng, thì điều đó trước hết cũng là vì họ muốn bảo vệ quyền lợi giai cấp của họ. Một khi mà cách mạng động chạm đến quyền lợi ấy thì sự phản ứng giai cấp của họ, như một bản năng tự nhiên, lập tức nổi dậy.

Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận có một số người trong giai cấp địa chủ, qua quá trình tham gia kháng chiến, đã thật giác ngộ về quyền lợi dân tộc, và vì thế, thật tâm tuân theo pháp luật của chính quyền cách mạng, kể cả việc thi hành đầy đủ chính sách ruộng đất. Nhưng rất rõ ràng là không thể lấy thái độ của những nhân sĩ dân chủ này làm thái độ chung của cả giai cấp địa chủ phong kiến.

Khi vạch ra sự phản kháng của giai cấp địa chủ đối với chính sách ruộng đất của chính quyền cách mạng, thì đồng thời cũng cần chỉ ra rằng sự phản kháng ấy không thể không mang những hình thức khác nhau và ở những mức độ khác nhau, tùy theo chúng ta xét bộ phận nào của giai cấp địa chủ và xét trong những điều kiện lịch sử cụ thể nào. Sự phản kháng ấy khi thì biểu hiện ra dưới những hình thức chống đối trắng trợn, khi thì biểu hiện ra dưới những hình thức lẩn tránh khôn khéo, khi thì lợi dụng những hình thức hợp pháp, khi thì bất chấp cả luật pháp. Sự phản kháng biểu hiện ra dưới hình thức nào và ở mức độ nào là tùy theo yêu cầu của chính sách ruộng đất lúc đó cao hay thấp, tùy theo thái độ chính trị của mỗi bộ phận khác nhau của giai cấp địa chủ, tùy theo lực lượng đối sánh giữa địa chủ và nông dân ở mỗi thời kỳ và mỗi địa phương cụ thể, ở vùng tự do ổn định hay ở vùng chính quyền cách mạng còn bấp bênh, ở vùng có cơ sở cách mạng vững vàng hay ở vùng mà các giai cấp bóc lột và các thế lực phản động còn khống chế được quần chúng, ở vùng mà cán bộ lãnh đạo kiên quyết đi theo đường lối quần chúng, kiên quyết phát động quần chúng nông dân đấu tranh, hay ở vùng mà cán bộ bị sa lầy vào vũng bùn hữu khuynh, thỏa hiệp với giai cấp địa chủ. Các lực lượng cách mạng và chính đảng lãnh đạo cách mạng không thể không tính đến những mức độ khác nhau và những hình thức khác nhau ấy của sự phản kháng để quyết định biện pháp và hình thức đấu tranh thích hợp nhằm thực hiện được chính sách ruộng đất, đồng thời vẫn đạt được mục tiêu sách lược là phân hóa đến cao độ hàng ngũ địa chủ. Đánh giá thấp sự phản kháng đó là nguồn gốc của sai lầm hữu khuynh thỏa hiệp, mất cảnh giác. Ngược lại, đánh giá quá cao sự phản kháng đó, hoặc không phân biệt những mức độ và hình thức khác nhau của sự phản kháng đó là nguồn gốc của sai lầm tả khuynh. Cả hai loại sai lầm này đều cần phải chú ý phòng ngừa.

Dù cho những biện pháp và hình thức trấn áp có nhiều vẻ và nhiều mức độ thể nào chăng nữa thì bản thân sự trấn áp bằng bạo lực cách mạng vẫn là một tất yếu khách quan. Bạo lực cách mạng được thực hiện, một mặt, bằng những phương tiện của chính quyền cách mạng, và mặt khác  mặt chủ yếu  bằng lực lượng của quần chúng cách mạng.

Chính quyền dân chủ nhân dân do cuộc Cách mạng tháng Tám dựng lên và được củng cố không ngừng trong quá trình kháng chiến, về thực chất là nền chuyên chính cách mạng của công nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân có thể và cần phải sử dụng nền chuyên chính của mình làm công cụ đắc lực để thực hiện những mục tiêu của mình và trấn áp các lực lượng thù địch. Và thực tế, những nguyện vọng về ruộng đất của nông dân đã được thể hiện từng bước dưới hình thức pháp lệnh nhà nước. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa địa chủ với nông dân, nói đúng hơn là xảy ra sự phản kháng của địa chủ, thì nói chung chính quyền dân chủ nhân dân đã đứng hẳn về phía nông dân và bênh vực quyền lợi của nông dân – trong những giới hạn mà chính sách ruộng đất lúc bấy giờ cho phép. Tuy nhiên, không phải bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, chính quyền dân chủ nhân dân cũng đều thực hiện đúng vai trò và chức năng của nó. Do tư tưởng hữu khuynh, “đoàn kết một chiều” như đã nói ở trên, nên đã có lúc, có nơi, nền chuyên chính cách mạng của công nông đã đóng vai gần giống như người trọng tài đứng trên các giai cấp, có nhiệm vụ ở giữa“điều hòa” sự tranh chấp giữa các giai cấp. Điều này gây tác dụng kìm hãm nhất định đối với phong trào đấu tranh của quần chúng nông dân và làm cho địa chủ càng ngoan cố, ỳ ra không chịu thi hành chính sách ruộng đất.

Tuy nhiên, nếu chỉ có những biện pháp của chính quyền không thôi, dù cho chính quyền này thực hiện rất đúng vai trò và chức năng của nền chuyên chính cách mạng của công nông đi nữa, thì cũng vẫn chưa đủ để đập tan sự phản kháng của giai cấp địa chủ, làm cho chính sách ruộng đất được thi hành nghiêm chỉnh. Kinh nghiệm chỉ ra rằng chừng nào quần chúng nông dân còn chưa vùng dậy đấu tranh thì giai cấp địa chủ vẫn còn tìm được chỗ lẩn tránh để khỏi phải thi hành chính sách ruộng đất. Ngược lại, khi mà quần chúng nông dân đã giác ngộ về quyền lợi giai cấp và đã đứng lên đấu tranh thì những pháp lệnh của nhà nước liền trở thành những vũ khí rất sắc bén trong tay họ. Trước dòng thác cách mạng của quần chúng, bất cứ thái độ ngoan cố nào của địa chủ cũng đều bị đập tan, bất cứ thủ đoạn lừa gạt nào của bọn chúng cũng đều bị vạch trần.

Nhưng làm thế nào để có được dòng thác cách mạng ấy của quần chúng nông dân?

Nông dân nước ta rất hăng hái cách mạng, đó là một sự thật. Nhưng trong điều kiện cuộc đấu tranh dân tộc luôn luôn nổi lên hàng đầu, trong điều kiện sự tuyên truyền giáo dục của Đảng ta trong một thời gian lịch sử tương đối dài không thể không chú trọng nhiều về ý thức dân tộc, trong điều kiện nông dân chưa trải qua nhiều cuộc vận động đấu tranh giai cấp, thì sự giác ngộ về giai cấp của nông dân nói chung còn thấp cũng là một điều dễ hiểu. Bị giam hãm lâu đời trong vòng dốt nát, lạc hậu, và bị ràng buộc về nhiều mặt vào giai cấp địa chủ phong kiến, không khỏi có một số nông dân còn chịu ảnh hưởng của địa chủ, nhất là của những địa chủ có quan hệ họ hàng, làng xóm, tôn giáo, chủng tộc, hoặc bị cầm tù bởi những tư tưởng phong kiến, những nếp nghĩ mê tín tiêu cực, coi giàu nghèo là vấn đề “số mệnh”. Tâm lý nể sợ những địa chủ có địa vị trong chính quyền và Mặt trận dân tộc thống nhất cũng phần nào hạn chế tinh thần đấu tranh của nông dân. Muốn cho nông dân dám đứng lên đấu tranh với địa chủ, phải giải phóng tư tưởng của họ khỏi những xiềng xích đó, phải làm cho họ có được ý thức về quyền lợi giai cấp của họ, về sự cần thiết phải đứng lên đấu tranh với giai cấp địa chủ, về lực lượng giai cấp của họ và về sức mạnh vô địch của khối liên minh công nông; tóm lại, phải phát động tư tưởng của họ, đồng thời qua từng bước vận động mà đoàn kết và tổ chức lực lượng giai cấp của họ, dẫn dắt họ tiến hành đấu tranh.

Việc phát động quần chúng nông dân thường vấp phải chủ nghĩa mệnh lệnh và chủ nghĩa bao biện làm thay của một số cán bộ. Sự đánh giá quá thấp tinh thần cách mạng và lực lượng của quần chúng, tâm trạng chủ quan sốt ruột, không biết chờ đợi quần chúng, là nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa mệnh lệnh và chủ nghĩa bao biện. Nếu không kiên quyết khắc phục những tư tưởng và tác phong xa rời quần chúng này thì không thể phát động được quần chúng, nhất là không thể thức tỉnh và lôi cuốn được bộ phận quần chúng lạc hậu, lâu nay bị dìm sâu dưới vực thẳm của bần cùng đến nỗi gần như u mê về chính trị.

Như mọi người đều biết, chỉ có dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân – giai cấp cách mạng nhất, và là đại biểu của phương thức sản xuất tiên tiến nhất thì nông dân mới có thể giành được thắng lợi triệt để trong cuộc đấu tranh để thoát khỏi ách đế quốc, phong kiến và mọi ách áp bức bóc lột khác. Chỉ có dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thì những người tiểu nông rời rạc, tản mạn mới thành được một lực lượng giai cấp thống nhất, vững mạnh. Cũng chỉ có dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thì cuộc cách mạng ruộng đất mới có được đường lối và chính sách đúng đắn. Vì vậy, việc phát động quần chúng nông dân đấu tranh với địa chủ phải được tiến hành dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của giai cấp công nhân, thông qua đảng Mácxít – Lêninnít của nó. Điều đáng tiếc là trong thời gian tiến hành cải cách ruộng đất, nguyên lý trên đây đã không được triệt để tôn trọng ở một số địa phương. Do nhận thức mơ hồ về lập trường của giai cấp công nhân, không phân biệt được chỗ khác nhau giữa lập trường, quan điểm của giai cấp nông dân với lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, một số không ít cán bộ đã thoát ly đường lối chính sách đúng đắn của giai cấp công nhân để chạy theo bất cứ quyền lợi thiển cận nào của nông dân. Chủ nghĩa theo đuôi thể hiện ở chỗ: đối xử một cách không phân biệt với các hạng địa chủ, vạch thành phần địa chủ một cách tràn lan, tiến hành một cách tràn lan việc tịch thu, trưng mua ruộng đất và tài sản của các hạng địa chủ và của cả một số người không phải là địa chủ. Trong khí thế sôi sục của phong trào nông dân lúc ấy, người ta nhận lầm rằng chỉ có thỏa mãn hết thảy mọi yêu cầu của nông dân thì mới tỏ ra là có lập trường giai cấp vững vàng! Thật ra, làm như vậy người ta chỉ biết có quyền lợi của nông dân mà không quan tâm đúng mức đến quyền lợi của dân tộc, chỉ nhìn thấy có nhiệm vụ chống phong kiến mà không đặt nhiệm vụ này trong mối liên hệ khăng khít với nhiệm vụ chống đế quốc, chỉ nhìn thấy quyền lợi trước mắt và cục bộ của nông dân mà không tính đến quyền lợi lâu dài và toàn cục của họ.

Chỉ có đường lối chính sách của giai cấp công nhân mới là sự thể hiện đúng đắn nhất quyền lợi của nông dân cũng như quyền lợi của toàn dân tộc, mới là sự kết hợp đúng đắn nhất lợi ích thiết thực và trước mắt của nông dân với lợi ích lâu dài của họ. Vì vậy, chỉ có quán triệt đường lối chính sách ấy trong cuộc phát động quần chúng đấu tranh cho quyền lợi ruộng đất, giáo dục cho quần chúng nắm vững đường lối chính sách ấy, kiên quyết chống chủ nghĩa theo đuôi và mọi thiên hướng đi chệch ra khỏi đường lối chính sách ấy thì cuộc đấu tranh của quần chúng mới đạt được thành công tốt đẹp. Trong công tác thực tiễn, cần phải thấy trước điều sau đây: quần chúng nông dân khi chưa được phát động về tư tưởng thì thường có thái độ tiêu cực, thiếu tin tưởng ở lực lượng của mình, thậm chí phó thác cuộc đời cho “số mệnh”, nhưng khi tư tưởng đã được phát động, khi đã vùng lên đấu tranh thì dễ có khuynh hướng bảo thủ, dễ hành động theo những lợi ích thiển cận, thậm chí đi đến manh động. Đối với lớp người hàng bao đời nay bị chà đạp, bị sỉ nhục, bị đối xử tàn tệ, và hàng bao đời nay sống tản mạn rời rạc, ít được rèn luyện trong cuộc đấu tranh có tổ chức và có quy mô giai cấp, thì sự diễn biến của tư tưởng theo quy luật ấy là điều dễ hiểu. Không thấy trước điều đó, thì khó mà lãnh đạo được nông dân đấu tranh một cách có tổ chức, theo đúng đường lối chính sách của giai cấp công nhân, và dễ nhận lấy những lợi ích thiển cận, cục bộ của một số nông dân làm lợi ích chung của toàn bộ phong trào.

   IV. Về đường lối giai cấp trong cuộc cách mạng ruộng đất

Là cuộc đấu tranh giai cấp của nông dân chống phong kiến, cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta không thể không trực tiếp liên quan đến hết thảy các giai cấp trong xã hội. Vì vậy, vấn đề thù, bạn của cách mạng cũng như thái độ đối với thù và đối với bạn phải được xác định thật rõ ràng: có như thế thì mới đoàn kết được những người bạn thực sự để đánh vào những kẻ thù thực sự. Giải quyết vấn đề này có đúng đắn thì thắng lợi của cách mạng mới được bảo đảm.

Cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta lại tiến hành trong điều kiện phải tập trung mũi nhọn của cách mạng chủ yếu chĩa vào bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng trong điều kiện phải giữ vững và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, vì vậy, vấn đề sách lược đối với kẻ thù cũng là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt.

Trên vấn đề xác định đường lối giai cấp và quán triệt đường lối ấy trong cuộc cách mạng ruộng đất cũng như trên vấn đề sách lược đối với kẻ thù, chúng ta có những kinh nghiệm rất quý báu.

Giai cấp công nhân, thông qua đảng Mácxít – Lêninnít của nó, là giai cấp lãnh đạo cuộc cách mạng. Một giai cấp mà mục tiêu đấu tranh cuối cùng là xóa bỏ mọi sự phân biệt giai cấp, cũng tức là xóa bỏ mọi sự áp bức bóc lột, lẽ tự nhiên phải là giai cấp triệt để nhất, kiên quyết nhất trong việc xóa bỏ sự áp bức bóc lột phong kiến. Là người thể hiện những nguyện vọng sâu xa nhất của quần chúng lao động bị bóc lột, đồng thời thể hiện những nguyện vọng chung của cả dân tộc, lại được vũ trang bằng lý luận Mác – Lênin, giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp duy nhất đề ra được đường lối đúng đắn cho cuộc cách mạng ruộng đất cũng như nói chung, cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam. Giai cấp công nhân vốn có sự thông cảm sâu sắc nhất và tình anh em ruột thịt thân thiết nhất với giai cấp nông dân. Những mối liên hệ giữa hai giai cấp này là những mối liên hệ đã được thử thách trong ngọn lửa chiến đấu. Vì vậy, giai cấp công nhân đã thực tế trở thành người bạn chiến đấu và người lãnh đạo tin cậy của nông dân. Sự lãnh đạo của giai cấp công nhân…và chỉ của giai cấp ấy là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm thắng lợi của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để. Toàn bộ lịch sử của cách mạng Việt Nam đã chứng minh điều đó. Lịch sử cũng chứng minh rằng bất cứ một sự lệch lạc nào đi chệch ra khỏi đường lối chính sách Mácxit -Lêninnít của giai cấp công nhân, xa rời lập trường của giai cấp công nhân, đều gây ra những khó khăn vấp váp cho cuộc cách mạng ruộng đất, và nói chung cho cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Trong cuộc cách mạng ruộng đất, giai cấp công nhân có thể và phải lấy cố nông và bần nông, tức tầng lớp vô sản và nửa vô sản ở nông thôn, làm chỗ dựa. Chính lớp người này – đối tượng chủ yếu của sự áp bức bóc lột phong kiến là lớp người có mối thù sâu nhất với chế độ phong kiến, có nguyện vọng thiết tha nhất về ruộng đất, và do đó, là lực lượng cách mạng chống phong kiến kiên quyết nhất ở nông thôn. Xóa bỏ chế độ phong kiến, họ không mất gì hết ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Ngoài ra, họ cũng là lớp người chiếm số đông (gần 60%) trong dân cư ở nông thôn nước ta. Chỉ có thức tỉnh và tổ chức được lớp người này thì giai cấp công nhân mới có được đội quân chủ lực chống phong kiến kiên định và mạnh mẽ. Cũng chỉ có thức tỉnh và tổ chức được lớp người này thì cuộc cách mạng ruộng đất mới trở thành một cuộc cách mạng thật sự có tính chất quần chúng và mới đủ sức bẻ gãy sự phản kháng của giai cấp địa chủ, triệt để đập tan được mọi xiềng xích phong kiến. Thực tiễn chứng minh rằng khi nào chúng ta chưa thức tỉnh và tổ chức được đông đảo quần chúng vô sản và nửa vô sản ở nông thôn thì giai cấp địa chủ còn tìm được chỗ ẩn náu để lẩn tránh thi hành chính sách ruộng đất. Ngược lại, ở bất cứ nơi nào, khi mà lớp người “cùng đinh” này đã vùng dậy thì tình hình lập tức thay đổi căn bản: bọn “chủ nô” bị ngay đám “nô lệ” của chúng vạch mặt và quật ngã, bầu không khí trì trệ ở nông thôn bị khí thế cách mạng xua tan.

Đối với những đầu óc tiểu tư sản thì sự thật trên đây thật không phải là điều dễ hiểu. Vì chịu ảnh hưởng tư tưởng của các giai cấp bóc lột, kể cả tư tưởng đẳng cấp phong kiến, những người này không thể quan niệm được rằng “đám dân đen”, dốt nát kia lại có thể làm chủ được nông thôn, lại có thể là chỗ dựa của Đảng ở nông thôn. Họ không tin như vậy, không muốn như vậy, mà cũng không chịu thừa nhận như vậy. Luồng tư tưởng phi vô sản này ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên. Không đập tan được những tư tưởng ấy ở trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thì không thể củng cố được lòng tin sắt đá ở quần chúng, không thể có được nhiệt tình trong công tác phát động quần chúng, không thể thật sự quán triệt được đường lối “dựa hẳn vào bần cố nông”.

Đội quân chống phong kiến phải lấy bần cố nông làm nòng cốt, nhưng không phải chỉ gồm có bần cố nông. Tham gia đội quân này còn có trung nông, tuy không kiên quyết bằng bần cố nông, nhưng cũng rất hăng hái cách mạng. Trung nông nước ta là lớp người lao động có đủ hoặc tương đối đủ ruộng đất và nông cụ, song không phải vì thế mà họ bàng quan trước cuộc đấu tranh chống phong kiến. Ngoài sự áp bức bóc lột tàn bạo của bọn thực dân, trung nông còn phải chịu sự chèn ép của bọn địa chủ và sự đè nén của bọn cường hào. Sự tồn tại của chế độ phong kiến là một nguy cơ thường xuyên đe dọa địa vị kinh tế không lấy gì làm vững vàng của họ. Mảnh ruộng của họ lúc nào cũng bị bọn địa chủ dòm ngó và kiếm cách cướp đoạt. Một bộ phận trung nông còn bị địa chủ bóc lột bằng địa tô, nợ lãi. Bộ phận trung nông thiếu ruộng này được hưởng quyền lợi về ruộng đất do việc xóa bỏ chế độ phong kiến. Vì những lẽ đó, trung nông thiết tha với việc xóa bỏ chế độ phong kiến.

Do địa vị kinh tế và chính trị như trên, trung nông tất nhiên phải trở thành bạn đồng minh tin cậy của giai cấp công nhân cũng như của bần cố nông trong cuộc đấu tranh chống phong kiến, phải trở thành một thành viên tích cực trong đội quân chống phong kiến. Để thu hút trung nông vào đội quân ấy, giai cấp công nhân phải thực hành đường lối “đoàn kết chặt chẽ với trung nông”, bảo đảm quyền lợi thích đáng của trung nông về kinh tế và chính trị. Không bảo đảm được sự đoàn kết chặt chẽ với trung nông thì đội quân chủ lực chống phong kiến – bần cố nông – sẽ bị cô lập, lực lượng chống phong kiến sẽ bị suy yếu. Đoàn kết chặt chẽ với trung nông còn là một yêu cầu tuyệt đối của cuộc đấu tranh chống đế quốc, và xa hơn, của công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.

Nhấn mạnh vai trò của trung nông không có nghĩa là đặt trung nông ngang với bần cố nông trong sự sắp xếp lực lượng cách mạng. Do địa vị kinh tế của họ là những người tiểu chủ, tiểu tư hữu, trung nông không có được tính kiên định cách mạng như lớp người vô sản và bán vô sản. Vì vậy, chỉ có dưới điều kiện “dựa hẳn vào bần cố nông”, xác lập vững chắc địa vị cốt cán của bần cố nông ở nông thôn thì việc “đoàn kết chặt chẽ với trung nông” mới thực hiện được.

Trong khi đả phá thiên hướng sai lầm của một số cán bộ chỉ nhìn thấy có trung nông mà xao lãng việc củng cố chỗ dựa của Đảng ở nông thôn, chỉ nhìn thấy mặt hăng hái cách mạng của trung nông mà không nhìn thấy nhược điểm nhất định của họ, thì đồng thời Đảng phải đề phòng thiên hướng hẹp hòi, biệt phái, chỉ biết có bần cố nông mà bỏ rơi trung nông, thậm chí làm thiệt đến cả quyền lợi của họ, hoặc là quá nhấn mạnh tính chất do dự của trung nông, đi tới xa lánh họ. Khi chỉ ra nhược điểm nhất định của trung nông, chúng ta không được quên điều sau đây: ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta thì tính chất do dự chưa bao giờ trở thành mặt chủ yếu của trung nông như trường hợp thường thấy ở các nước tư bản.

Nếu đánh giá phiến diện về trung nông, chỉ thấy tính chất hăng hái cách mạng của họ (nhất là khi thời cơ cách mạng thuận lợi) mà không thấy nhược điểm nhất định của họ thì trong thực tiễn, rất dễ đề cao một cách không thích đáng vị trí của trung nông, kết quả là tính chất vững chắc của phong trào quần chúng không được bảo đảm. Ngược lại, nếu đánh giá quá cao tính chất do dự của trung nông, đánh giá quá thấp tính chất hăng hái cách mạng của họ, thì trong thực tiễn, rất dễ coi nhẹ việc đoàn kết chặt chẽ với trung nông, đi tới hẹp hòi, biệt phái, hạn chế sự phát triển sâu rộng của phong trào quần chúng. Vì vậy, để xây dựng lực lượng vững mạnh chống phong kiến (và chống đế quốc), chính đảng của giai cấp công nhân vừa phải nắm vững nguyên tắc “dựa hẳn vào bần cố nông”, coi đó là khâu then chốt của đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, vừa phải nắm vững nguyên tắc “đoàn kết chặt chẽ với trung nông” – một khâu rất quan trọng của đường lối đó. Coi nhẹ một trong hai khâu này ắt phạm sai lầm, hoặc hữu khuynh hoặc tả khuynh.

Đối tượng của cuộc cách mạng ruộng đất là giai cấp địa chủ phong kiến, một giai cấp bóc lột đã bị lịch sử lên án. Trong tình hình cụ thể của nước ta, để triệt để cô lập bọn đế quốc cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, làm mỏng cơ sở xã hội của chúng và để phân hóa hàng ngũ giai cấp địa chủ đến cao độ, tranh thủ cả một bộ phận địa chủ và những trí thức, học sinh xuất thân từ giai cấp này tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc, Đảng ta đã chủ trương “rải nhiệm vụ phản phong kiến ra”, cụ thể là: trong một thời kỳ tương đối dài, thực hành chính sách thu hẹp dần từng bước chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến, cuối cùng mới qua phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất mà hoàn toàn xóa bỏ chế độ đó. “Sự nhân nhượng ấy – tức tiến hành cải cách từng bước – của nông dân đối với những địa chủ không theo đế quốc, là cốt để phân hóa địa chủ, phân hóa kẻ địch, làm yếu thế địch, để dễ tiêu diệt dịch. Sự nhân nhượng ấy là một hình thức đấu tranh giữa nông dân với địa chủ trong phong trào giải phóng dân tộc, chứ không phải là một hình thức liên minh thỏa hiệp giữa nông dân với địa chủ. Và làm như vậy cũng có nghĩa là mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, lôi kéo những phần tử có khuynh hướng dân chủ nằm trong giai cấp địa chủ, những người trí thức con cái địa chủ hay những thân sĩ yêu nước đứng hẳn về Mặt trận dân tộc dân chủ để chống đế quốc”.

Trong các chính sách cụ thể của cải cách ruộng đất, Đảng ta cũng rất chú ý đến sách lược phân hóa địa chủ. Điều này thể hiện ở việc chia địa chủ ra làm ba loại căn cứ vào thái độ chính trị của họ, chứ không căn cứ vào mức chiếm hữu ruộng đất của họ và tùy từng loại mà áp dụng biện pháp tịch thu, trưng thu, trưng mua và cho hiến ruộng. Nó còn thể hiện ở chính sách đối với các tổ chức tôn giáo và những người làm nghề tôn giáo chiếm hữu ruộng đất theo lối phong kiến, chính sách đối với các nhà công thương kiêm địa chủ, chính sách đối với những phần tử thuộc tầng lớp trên ở những vùng dân tộc thiểu số, v.v… Sự mềm dẻo về sách lược này không hề làm giảm tính chất triệt để của cuộc cách mạng ruộng đất. Nó được thực hiện dưới tiền đề xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến và thủ tiêu hoàn toàn giai cấp địa chủ phong kiến. Ý nghĩa của nó là ở chỗ phân hóa hàng ngũ địa chủ, làm cho cuộc cách mạng ruộng đất tiến hành được thuận lợi, giữ vững và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc và cô lập bọn đế quốc.

Vì đánh giá không đầy đủ ý nghĩa của sách lược này cho nên đã có lúc, một số cán bộ đã đả kích địa chủ một cách không phân biệt, gây khó khăn nhất định cho cuộc cách mạng ruộng đất cũng như cho cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược. Như kinh nghiệm của Đảng ta đã chứng minh, đấu tranh chống những lệch lạc tả khuynh cũng như đấu tranh chống những lệch lạc hữu khuynh trên vấn đề sách lược đối với giai cấp địa chủ đều là những vấn đề không thể coi nhẹ. Động viên và tổ chức một đội quân chống phong kiến vững mạnh bao gồm cố bần trung nông, và lấy cố bần nông làm nòng cốt, tiến hành đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến từng bước và có phân biệt, đó là nội dung cơ bản của đường lối giai cấp của Đảng ta trong cuộc cách mạng ruộng đất. Tuy nhiên, vấn đề xóa bỏ chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến không phải chỉ liên quan đến các giai cấp nói trên. Nó liên quan và động chạm đến hết thảy các giai cấp, các tầng lớp, ở nông thôn cũng như ở thành thị.

Trước hết, nó liên quan và động chạm đến giai cấp phú nông. Giai cấp này cũng là một giai cấp bóc lột có cội rễ sâu rộng ở nông thôn nước ta. Ngoài hình thức bóc lột nhân công là chủ yếu, nó cũng tiến hành bóc lột theo lối phong kiến như phát canh thu tô, cho vay lãi nặng. Trong điều kiện một xứ thuộc địa mang nặng những tàn dư phong kiến thì phú nông, trên bước đường đi lên của nó, thật khó mà biến thành nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp theo nghĩa hiện đại của chữ ấy, mà thông thường chỉ có thể biến thành địa chủ phong kiến. Khi mà diện tích ruộng đất chiếm đoạt được đã vượt quá một giới hạn nào đó thì việc trực tiếp kinh doanh ruộng đất bằng nhân công làm thuê trên cơ sở kỹ thuật thô sơ, tự bản thân nó trở thành không thể thực hiện được nữa và cũng không có lợi nữa. Lúc đó, phú nông đem ruộng đất của họ phát canh, hoặc phát canh một phần lớn và sống bằng địa tô. Họ biến thành địa chủ. Trong hàng ngũ phú nông, cũng có một số không ít vốn là địa chủ, những phần tử này bắt buộc phải chuyển sang trực tiếp kinh doanh ruộng đất của chúng bằng nhân công làm thuê và có khi, cả bằng nhân lực của gia đình chúng, khi mà diện tích ruộng đất chiếm hữu đã giảm sút đến mức không còn đủ bảo đảm cho chúng một cuộc sống hoàn toàn dựa vào địa tô nữa. Như vậy là giữa phú nông và địa chủ vốn có quan hệ “huyết thống”, cũng như giữa phú nông và nông dân lao động vốn có mâu thuẫn đổi kháng sâu sắc.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà coi phú nông cũng là đối tượng của cuộc cách mạng ruộng đất như giai cấp địa chủ. Sở dĩ như vậy, trước hết là vì trong giai đoạn đầu của sự nghiệp cách mạng, giai cấp công nhân phải tập trung lực lượng đánh đổ hai kẻ thù nguy hại nhất của nhân dân là chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, và vì vậy, cách mạng không thể không giới hạn ở tính chất dân tộc và dân chủ. Giai cấp phú nông tuy cũng là giai cấp bóc lột, tuy có mang cái “đuôi phong kiến”, hoặc có quan hệ “huyết thống” với giai cấp địa chủ phong kiến, nhưng nó vẫn không phải là giai cấp địa chủ phong kiến. Xét theo những nét đặc trưng cơ bản của một giai cấp thì phú nông là thuộc loại hình giai cấp tư sản, mặc dầu con đường phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa của nó tạm thời còn bị chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến ngăn trở. Vậy mà công việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản lại là nhiệm vụ của giai đoạn thứ hai của cách mạng – giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nếu nóng vội, muốn giải quyết nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ngay trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, thì chỉ làm cho cuộc đấu tranh thêm khó khăn phức tạp: chúng ta sẽ không triệt để cô lập được hai kẻ thù chủ yếu là đế quốc và phong kiến, không tranh thủ được những người đáng lẽ có thể trở thành bạn đồng minh của chúng ta trong cuộc đấu tranh đánh đổ hai kẻ thù chủ yếu đó. Giai cấp phú nông không những không phải là đối tượng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, mà còn có thể trở thành bạn đồng minh – tuy do dự, bấp bênh, tạm thời – của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng đó. Bị bọn đế quốc áp bức và bọn địa chủ phong kiến chèn ép, phú nông có mâu thuẫn nhất định với đế quốc và phong kiến, vì vậy, nó có khả năng cách mạng nhất định trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ. Về mặt kinh tế thì kinh tế phú nông có ý nghĩa tích cực nhất định đối với việc phát triển sản xuất, phục vụ công cuộc kháng chiến. Cuộc cách mạng ruộng đất tuy có động chạm đến cái “đuôi phong kiến” của phú nông nhưng bản thân kinh tế phủ nông thì vẫn được bảo tồn. Vì những lẽ nói trên, giai cấp phú nông không những có khả năng tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà còn có khả năng ủng hộ trong chừng mực nào đó cuộc cách mạng ruộng đất. Đường lối “liên hiệp phú nông” của Đảng ta trong cải cách ruộng đất đã được xác định trên cơ sở đó.

Ở một số địa phương, đường lối này đã không được quán triệt đầy đủ trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất. Điều đó là do đánh giá không đúng tính chất của giai cấp phú nông: chỉ nhìn thấy mặt bóc lột của giai cấp ấy và mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp ấy với nông dân lao động mà không nhìn thấy hoặc đánh giá quá thấp khả năng và vai trò của giai cấp ấy trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, chỉ nhìn thấy mặt giống nhau mà không nhìn thấy mặt khác nhau giữa giai cấp ấy với giai cấp địa chủ phong kiến.

Thái độ của cuộc cách mạng ruộng đất đối với giai cấp tư sản dân tộc cũng là một vấn đề đáng được hết sức coi trọng.

Là một giai cấp bóc lột, giai cấp tư sản dân tộc vốn có mâu thuẫn đối kháng với công nhân và nhân dân lao động. Tuy nhiên, việc xóa bỏ chế độ bóc lột tư sản và giai cấp tư sản không thuộc phạm trù cách mạng dân tộc dân chủ (ở đây không nói đến giai cấp tư sản mại bản, chúng là tay sai tích cực của bọn đế quốc xâm lược), mà là thuộc phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, “nói chung giai cấp tư sản lừng chừng và trong những điều kiện nhất định, một phần nào họ có cảm tình với cách mạng giải phóng dân tộc, vì đế quốc cũng áp bức chèn ép họ và vì cách mạng còn để cho giai cấp tư sản dân tộc tồn tại và phát triển trong một chừng mực nào đó”. Đứng trước vấn đề ruộng đất, giai cấp tư sản một mặt có quan tâm chừng nào đến việc xóa bỏ hệ thống sản xuất phong kiến – là những xiềng xích đang trói buộc lực lượng sản xuất và kìm hãm bước tiến của công thương nghiệp; nhưng mặt khác họ lại lo sợ trước cuộc cách mạng đó vì lẽ chính bản thân họ cũng mang cái đuôi phong kiến”. Trong điều kiện một nước thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta, các nhà tư sản cảm thấy – và thực tế là như vậy – quyền chiếm hữu ruộng đất là một nguồn của cải nếu không được dồi dào như quyền chiếm hữu tư bản thì ít ra cũng ổn định hơn quyền chiếm hữu tư bản, nếu không phải là thủ đoạn làm giàu theo kiểu “nhất bản vạn lợi” thì ít ra cũng là chốn dung thân chắc chắn phòng khi việc kinh doanh công thương gặp điều gì trắc trở. Vì vậy mà không hiếm nhà tư sản đã bỏ tiền ra tậu đồn điền, ấp trại, hoặc gom góp lấy một vài chục mẫu ruộng tốt, coi như một ngành kinh doanh kiếm lời song song với kinh doanh công thương nghiệp, hay ít ra cũng coi như một thủ đoạn bóc lột dự bị. Cái “đuôi phong kiến” của giai cấp tư sản còn có nguồn gốc lịch sử sâu xa hơn nữa. Một phần không nhỏ của nó là những địa chủ chuyển sang kinh doanh công thương nghiệp, bọn này còn gắn bó hoặc ít hoặc nhiều với chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến. Đương nhiên, đối với cái “đuôi phong kiến” của giai cấp tư sản, chúng ta phải kiên quyết cắt: các nhà tư sản có ruộng đất phát canh thu tô phải nhất luật thi hành chính sách ruộng đất của nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta không coi giai cấp này là đối tượng của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ: chúng ta không đụng chạm đến những tài sản của họ – kể cả ruộng đất – dùng trong kinh doanh công thương nghiệp. Nhân nhượng với các nhà tư sản trên vấn đề bóc lột phong kiến hay là đả kích kinh tế tư sản ngay trong giai đoạn cách mang dân tộc dân chủ, cả hai khuynh hướng đó đều là không phù hợp với lợi ích của cách mạng.

Trong điều kiện mà quyền chiếm hữu ruộng đất là một nguồn lợi béo bở, thường xuyên và vững chắc, khác nào như một dòng suối mà nước nguồn tuôn ra không bao giờ cạn, thì chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến quả là có một sức hấp dẫn ma quỷ. Nó như một bệnh dịch không những lan ra và ăn sâu vào các giai cấp có của như phú nông và tư sản, mà còn ít nhiều xâm nhập cả vào tầng lớp tiểu tư sản (viên chức, tiểu thương, tiểu chủ, v.v…). Tuy nhiên, giữa hai trường hợp nói đây vẫn có một sự khác nhau căn bản. Đối với lớp người sau, sự bóc lột theo lối phong kiến không phải là nguồn sống chính của họ, do đó không làm cho họ từ chỗ là nhân dân lao động biến chất thành giai cấp bóc lột. Việc cóp nhặt dăm ba mẫu ruộng trong tay họ chủ yếu là nhằm chuẩn bị sẵn những điều kiện lao động cho chính họ, phòng khi mà tính chất bấp bênh của nghề nghiệp hoặc một bất trắc nào khác đánh bật họ ra khỏi cái kế sống hiện thời. Vì vậy mà giai cấp công nhân không thể lẫn lộn họ với các giai cấp bóc lột. Việc xóa bỏ những tàn dư phong kiến trong lớp người có ít ruộng đất phát canh này phải được thực hiện trên tinh thần giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân lao động.

Trên vấn đề đường lối giai cấp và sách lược đối với kẻ thù trong cuộc cách mạng ruộng đất, chúng ta không thể không tính đến những đặc điểm tôn giáo và dân tộc ở một số địa phương. Ở những vùng có đông đồng bào tôn giáo như những vùng có đông đồng bào Thiên chúa giáo, và ở những vùng dân tộc thiểu số, thông thường những phần tử địa chủ lại là những kẻ lâu nay nắm được uy thế về mặt tinh thần và tín ngưỡng. Lợi dụng uy thế đó, chúng có thể khơi lên những thành kiến tôn giáo và dân tộc, đặt điều xuyên tạc làm cho quần chúng hiểu lầm chính sách ruộng đất của Đảng. Để cho cuộc cách mạng ruộng đất tiến hành được thuận lợi, để tranh thủ đông đảo quần chúng lao động đi theo đường lối cách mạng của Đảng, một mặt chúng ta phải ra sức nâng cao giác ngộ giai cấp cho quần chúng, mặt khác phải chiếu cố đến tín ngưỡng và những tập quán dân tộc của họ; sự chiếu cố này thể hiện ngay cả trong những hình thức đối xử cụ thể với các phần tử bóc lột (lang đạo, phìa tạo, địa chủ Nhà Chung…). Điều này không làm giảm tính chất triệt để của cuộc cách mạng ruộng đất, cũng không hạn chế tinh thần đấu tranh giai cấp của quần chúng; trái lại, nó góp phần tăng cường sự đoàn kết của quần chúng lao động xung quanh giai cấp công nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh của quần chúng nhằm đánh đổ hoàn toàn bọn bóc lột phong kiến, bất kể chúng thuộc tôn giáo nào hay dân tộc nào.

Như trên ta thấy, vấn đề đường lối giai cấp trong cuộc cách mạng ruộng đất là một vấn đề cực kỳ quan trọng đồng thời lại rất phức tạp. Phạm sai lầm hữu khuynh hay tả khuynh trên vấn đề này đều làm cho hàng ngũ của cách mạng bị rối loạn, suy yếu, và làm cho kẻ thù thêm vây cánh. Chỉ có đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, trải qua điều tra nghiên cứu một cách khách quan, chúng ta mới đánh giá được đầy đủ tính chất và đặc điểm của mỗi giai cấp, trên cơ sở đó mà định ra đường lối giai cấp đúng đắn. Cũng chỉ có đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh chống những lệch lạc hữu khuynh và tả khuynh, chúng ta mới thực sự quán triệt được đường lối ấy trong thực tiễn đấu tranh của quần chúng, qua đó mà đưa cuộc cách mạng ruộng đất đến thắng lợi.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của nông dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đã hoàn toàn chứng minh nguyên lý Mácxit-Lêninnít sau đây: ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, cách mạng ruộng đất triệt để, cùng với cách mạng giải phóng dân tộc là động lực phát triển của lịch sử. Muốn đẩy lịch sử tiến lên, giai cấp công nhân phải đồng thời nắm lấy cả hai cuộc cách mạng đó làm đòn bẩy.

Hai cuộc cách mạng này có mặt “khăng khít với nhau”, lại có mặt “không thể tiến hành song song nhất loạt ngang nhau” – “khăng khít với nhau là vấn đề chiến lược, không tiến hành song song nhất loạt ngang nhau là vấn đề sách lược”. Đó chính là đặc điểm của cuộc cách mạng ruộng đất ở một nước còn đang bị bọn đế quốc bên ngoài xâm chiếm. Không nắm vững đặc điểm này thì trên vấn đề đường lối cách mạng hay phương châm chiến lược, khó tránh khỏi sai lầm hữu khuynh hoặc tả khuynh.

Cách mạng ruộng đất là cuộc đấu tranh giai cấp sâu sắc nhất ở nông thôn, là sự nghiệp cách mạng của quần chúng nông dân đông đảo. Vì vậy, muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, phải mạnh dạn phát động quần chúng nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ, đồng thời kết hợp việc phát động quần chúng đấu tranh với việc nhà nước ra lệnh. Nếu không phát động quần chúng đấu tranh thì ngay những pháp lệnh triệt để nhất của chính quyền cách mạng cũng sẽ trở thành vô hiệu hoặc rất ít có hiệu lực.

Bất cứ cuộc cách mạng nào muốn thành công đều phải phân biệt rõ bạn, thù, và phải có thái độ đối xử thích đáng với bạn, với thù. Cuộc cách mạng ruộng đất ở nước ta lại tiến hành trong điều kiện phải tập trung mũi nhọn của cách mạng chủ yếu chĩa vào bọn để quốc cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, vì vậy vấn đề đường lối giai cấp và vấn đề sách lược đối với kẻ thù càng có tầm quan trọng đặc biệt. Đường lối và sách lược này phải nhằm động viên và tổ chức nông dân lao động thành một đội quân chống phong kiến mạnh mẽ, lấy bần cố nông làm nòng cốt và do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, đồng thời lại phải bảo đảm giữ vững và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc và mặt trận chống phong kiến. Phạm sai lầm hữu khuynh hay tả khuynh trên vấn đề này đều trực tiếp tổn hại đến cách mạng ruộng đất và cách mạng giải phóng dân tộc.

Đó là những kinh nghiệm chủ yếu rút ra từ thực tiễn cách mạng ruộng đất ở nước ta – một cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, tiến hành ở một nước thuộc địa và nửa phong kiến, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.

Viết xong mùa Thu năm 1965