Sự vùng dậy của vàng

Hơn hai mươi năm nay, đồng tiền giấy của nước Mĩ được cả thế giới tư bản coi như vàng. Tiền giấy chiếm lấy địa vị của vàng, còn vàng thì bị nhốt lại trong các hầm kiên cố ở Pho-Cơ-nốc, bang Ken-tắc-ki, nước Mĩ. Thời gian trôi đi, tưởng chừng như không bao giờ thứ kim loại màu có sức hấp dẫn ma thuật kia còn có dịp trở lại thế giới hàng hóa để đóng vai “hàng hóa chúa” như nó đã từng được tôn sùng hàng thế kỷ.

Sự đắc thắng của đồng đô la trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đã làm nảy nở ra biết bao nhiêu lý luận về tiền tệ, biết bao nhiêu ảo tưởng và sự thông thái rởm! Người ta reo lên:

– “Đồng đô la đã biến thành tiền tệ thế giới tốt hơn vàng!”.

– “Vàng đã bị loại ra khỏi chức năng tiền tệ, chỉ còn là một di vật thiêng liêng của thời dã man!”.

Đùng một cái, tình thế đảo ngược hẳn lại. Cái thất thế thì đứng dậy, muôn phần hùng dũng. Cái đắc thắng thì lao đao, choáng váng, vừa đỡ, vừa lùi. Mở màn là vụ phá giá đồng bảng Anh (ngày 18-11-1967). Vụ phá giá đã châm ngòi cho một trận săn vàng hiếm có trong lịch sử. Khắp thế giới, từ hầu bao của các tư nhân, từ kho dự trữ của các ngân hàng, người ta “tẩy” đồng đô la đi để rước vàng về. Vàng, “cái di vật thiêng liêng của thời đại dã man” ấy, phút chốc đã biến thành đối thủ đáng sợ của nền văn minh. Đứng trước cái thần tượng bằng giấy của nền văn minh, trông nó sao mà oai nghiêm, quắc thước lạ thường! Sau lưng nó là cả một đạo “thập tự quân” khổng lồ, bao gồm từ đám chủ tiệm nhỏ của châu Âu tư sản đến các lãnh chúa phong kiến của vùng dầu lửa Trung Đông, từ những bà nội trợ chỉ có một dúm tiền tiết kiệm trong tay đến các ông chủ ngân hàng có những tồn khoản đồ sộ khắp năm châu, từ nước cáo già ranh mãnh chuyên rình mò ở các thị trường tiền tệ đến những ngài bộ trưởng và tổng thống nắm giữ khuôn vàng thước ngọc của các cường quốc công nghiệp. Họ rất khác nhau, thậm chí thù địch nhau về quyền lợi, về chính kiến, nhưng rất giống nhau ở một điểm: lòng chung thủy đối với bà chúa Vàng. Tất cả đều sẵn sàng vì bà chúa yêu kiều mà lăn xả vào vòng chiến.

Qua bao năm bị giam cầm, đè nén, vàng đã vùng dậy. Nó phản kích lại kẻ đã cướp ngôi báu của nó. Nó đòi lại cái địa vị chính đáng mà nó có quyền được hưởng trong thế giới hàng hóa: là hiện thân duy nhất của giá trị.

Cuộc vật lộn ác liệt mới diễn ra được hơn nửa năm. Đồng đô la đã tỏ ra núng thế, nhưng vẫn nhất quyết cầm cự, không chịu đầu hàng. Vàng tuy giành lại được một phần trận địa nhưng không dễ gì vật ngã được kẻ thù. Hai đạo quân đối địch – đạo quân của vàng và đạo quân của đồng đô la – vẫn lừa miếng cắn xé nhau trong trận hỗn chiến trên quy mô thế giới. Cuộc chiến tranh tiền tệ, khi tạm lắng, ngấm ngầm, lúc đột biến, quyết liệt, chắc chắn sẽ còn gay go, phức tạp. Những chấn động mà nó gây ra cho thế giới tư bản, về mặt tài chính, tiền tệ, cũng như về các mặt kinh tế, chính trị, chắc chắn sẽ còn kịch liệt.

Nguyên nhân gì đã dẫn đến cuộc chiến tranh đó? Nội dung của cuộc chiến tranh là gì? Triển vọng của nó ra sao? Ý nghĩa của nó như thế nào?

Trước khi đi vào những vấn đề cụ thể ấy, để dễ dàng nắm được bản chất của chế độ tiền tệ quốc tế hiện hành của chủ nghĩa tư bản, chúng ta hãy lần qua những mắt khâu lịch sử mà từ đó nó ra đời: chế độ bản vị vàng và chế độ bản vị vàng hối đoái dựa trên đồng bảng Anh.

Quyền lực của vàng, hay là chế độ bản vị vàng

Trước đại chiến thứ nhất, các nước tư bản phát triển đều áp dụng chế độ bản vị vàng.

Chế độ này xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi lưu thông hàng hóa tương đối phát triển đã tách vàng ra khỏi thế giới hàng hóa, đứng đối lập với thế giới hàng hóa như là vật ngang giá chung, như là vật duy nhất thể hiện lao động xã hội. Từ chỗ là một hàng hóa thông thường như muôn nghìn hàng hóa khác, vàng được tôn lên làm “hàng hóa chúa”, một hàng hóa đặc biệt chỉ làm độc một chức năng xã hội là: thể hiện giá trị. Với chức năng này, vàng biến thành tiền tệ. Cái quyền lực siêu tự nhiên của nó, sức hấp dẫn ma thuật của nó đều từ đó mà ra.

Đương nhiên, muốn làm được chức năng xã hội này, bản thân vàng phải có giá trị, bản thân vàng phải là vật kết tinh của lao động con người nói chung, cũng giống như quả cân, bản thân nó phải có trọng lượng thì mới thể hiện và đo lường được trọng lượng. Một vật không có giá trị thì không thể đứng ra làm vật thể hiện và đo lường giá trị, càng không thể trao đổi lấy giá trị.

Trước khi vàng độc chiếm được chức năng tiền tệ thì nhiều thứ hàng hóa khác đã từng đóng vai trò đó, tuy không được hoàn hảo lắm. Chỉ nhờ vào những tính năng tự nhiên của nó – thuần chất, không hỏng, dễ chia nhỏ, khối lượng nhỏ mà có giá trị lớn – mà vàng đã sớm loại bỏ được hầu hết các đối thủ cạnh tranh của nó. Không phải những tính năng tự nhiên này làm cho vàng trở thành tiền tệ. Những tính năng tự nhiên của vàng chỉ làm cho nó thích hợp hơn cả để làm chức năng đó – một chức năng xã hội mà thế giới hàng hóa có thể trao cho bất cứ hàng hóa riêng biệt nào.

Trong các đối thủ cạnh tranh của vàng thì chỉ có bạc, với những tính năng tự nhiên gần giống như vàng là cầm cự được lâu hơn cả. Cho mãi đến cuối thế kỷ trước, theo pháp luật của nhiều nước, bạc còn được dùng làm tiền tệ song song với vàng. Pháp luật ấn định giá trị tương đối của bạc so với vàng (ví dụ: giá trị của 15 nén bạc bằng 1 nén vàng), và mọi người có quyền tùy ý dùng vàng hay dùng bạc để trả. Đó là chế độ song bản vị. Tuy nhiên, “ở những nơi nào pháp luật quy định hai hàng hóa làm chức năng thước đo giá trị, thì trên thực tiễn, bao giờ cũng chỉ có một hàng hóa giữ được địa vị của nó với tư cách ấy mà thôi”. Sở dĩ như vậy là vì giá trị thực tế của vàng cũng như bạc luôn luôn biến đổi, và nhiều khi biến đổi theo chiều hướng đối lập, tùy theo điều kiện khai thác ra mỗi thứ kim loại đó thuận lợi ít hay nhiều. Trong khi đó thì giá trị tương đối của chúng do pháp luật ấn định lại là một tỷ lệ ổn định, cứng nhắc. Sự xung đột giữa hai thứ tỷ lệ này – tỷ lệ thực tế và tỷ lệ pháp định – là nguồn gốc gây ra sự hỗn loạn triền miên của chế độ song bản vị. Khi thì vàng được đánh giá quá cao, khi thì bạc được đánh giá quá cao, so với giá trị thực tế của chúng. Thứ nào được đánh giá quá cao thì được người ta sử dụng làm tiền tệ, còn thứ kia thì trở thành đối tượng đầu cơ, bị rút khỏi lưu thông tiền tệ và đem xuất ra nước ngoài. Bạc thường được đánh giá quá cao, vì giá trị thực tế của nó giảm xuống liên tục (vào giữa thế kỷ trước, bạc so với vàng là 15 so với 1; vài chục năm sau, hạ xuống 22 so với 1; hiện nay là 30 so với 1). Tình hình này làm cho số lượng vàng trong một nước giảm đi mau chóng, trong khi số lượng bạc tăng lên mau chóng. Đứng trước nguy cơ bị rút hết vàng, và thay thế vào đó là thứ tiền tệ “tồi” hơn (bạc), các nước theo chế độ song bản vị đều lần lượt hủy bỏ chế độ này để chuyển sang chế độ bản vị vàng. Vàng trở thành vật liệu duy nhất của tiền tệ và thước đo duy nhất của giá trị.

Trong điều kiện tư bản chủ nghĩa, chế độ bản vị vàng không đơn thuần chỉ là lưu thông tiền vàng. Bên cạnh tiền vàng, còn có tiền giấy, nhưng là tiền giấy tự do chuyển đổi được ra vàng. Đặc trưng của chế độ đó là:

1- Một trọng lượng vàng nhất định, theo pháp luật quy định, được dùng làm đơn vị tiền tệ. Nếu là đồng tiền đúc bằng vàng thì trọng lượng của tiền đúc là phù hợp với hàm lượng vàng danh nghĩa của nó. Nếu là đồng tiền giấy thì khi chuyển đổi ra vàng, nó sẽ thu về một trọng lượng vàng đúng như hàm lượng vàng danh nghĩa của nó.

Điều này khác về căn bản so với chế độ lưu hành tiền giấy bắt buộc hiện nay: tiền giấy tuy vẫn mang một hàm lượng vàng do pháp luật quy định nhưng không thể đem đến ngân hàng phát hành để đổi lấy vàng được. Nếu dùng đồng tiền đó để mua vàng ở thị trường thì trọng lượng vàng mua được thường là chênh lệch khá nhiều so với hàm lượng vàng danh nghĩa của đồng tiền. Mức độ chênh lệch này tùy thuộc vào giá trị thực tế của vàng với tư cách là hàng hóa, quan hệ cung cầu về món hàng hóa này trên thị trường, và nhất là vào mức độ lạm phát của tiền giấy.

Chế độ bản vị vàng, theo nghĩa đen của những chữ ấy, là chế độ trong đó vàng một trọng lượng vàng nhất định được dành làm bản vị (hay tiêu chuẩn) đối với đo lường. Điều này không chỉ trên ý niệm (để dùng làm thước đo giá trị, người ta có thể chỉ cần vàng trên ý niệm) mà là trên thực tế nữa. Trong việc mua bán, giao dịch hàng ngày, vàng – kim loại phải đứng đối diện với hàng, giá trị thật phải đứng đối diện giá trị thật. Đặc trưng này – đặc trưng cơ bản của chế độ bản vị vàng – quy định các đặc trưng sau.

2- Trong lưu thông tiền tệ, tiền giấy được sử dụng, nhưng đó là tiền giấy chuyển đổi được ra vàng (hoặc tiền vàng). Ngân hàng phát hành của Nhà nước bảo đảm chuyển đổi tiền giấy ra vàng cho bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Thực chất, đó là chế độ lưu thông tiền vàng.

Tư nhân có vàng tự do đem vàng đến Sở đúc tiền đã yêu cầu đúc thành tiền (chỉ phải nộp một khoản chi phí rất nhẹ). Như vậy, khối lượng tiền tệ lưu thông trong nước được điều chỉnh một cách tự phát theo nhu cầu lưu thông hàng hóa. Khi nào lưu thông hàng hóa náo nhiệt lên thì nó thu vàng dự trữ của tư nhân ra. Ngược lại khi nào lưu thông uể oải thì một bộ phận tiền tệ tự nó rút khỏi lưu thông để biến thành phương tiện cất trữ. Hiện tượng lạm phát – hậu quả khó tránh khỏi của chế độ lưu hành tiền giấy bắt buộc – hoàn toàn xa lạ đối với chế độ bản vị vàng.

3- Vì chất liệu của tiền tệ là vàng cho nên đồng tiền quốc gia của mỗi nước cũng đồng thời là đồng tiền quốc tế, chế độ bản vị vàng áp dụng trong quốc gia cũng đồng thời là chế độ tiền tệ quốc tế thống nhất. Người ta có thể đem đồng tiền của nước A trả cho nước B mà không gặp khó khăn gì. Tỷ giá giữa các đồng tiền hoàn toàn căn cứ vào hàm lượng vàng đồng thời cũng là trọng lượng vàng thực tế của chúng. Nếu hàm lượng vàng của đồng tiền nước A là 5 gam, trong khi hàm lượng vàng của đồng tiền nước B là 1 gam thì tỷ giá giữa chúng với nhau sẽ là 5 so với 1. Hiện tượng lên xuống bấp bênh của thị giá hối đoái (tức là “giá cả” của đồng tiền này biểu hiện bằng đồng tiền kia, khi chúng trao đổi với nhau trên thị trường) là hoàn toàn xa lạ đối với chế độ bản vị vàng.

Điều này cũng khác về căn bản so với chế độ lưu hành tiền giấy bắt buộc. Dưới chế độ này, tuy đồng tiền của mỗi nước vẫn mang một hàm lượng vàng và có tính cách đặc trưng, nhưng không chuyển đổi ra vàng được. Dù cho lúc đầu, sức mua thực tế của đồng tiền có phù hợp với giá trị – vàng mà nó đại biểu theo pháp luật, thì dần dần, lạm phát cũng sẽ làm cho sức mua ấy tách rời giá trị – vàng danh nghĩa của nó. Như vậy, tỷ giá giữa hai đồng tiền mất hẳn cái trục vàng của nó, cái đơn vị đo lường thống nhất của giá trị, cái mẫu số chung có tính chất quốc tế của giá trị. Trong tình hình như vậy thì chỉ có sức mạnh tự phát của thị trường tiền tệ là có ý nghĩa quyết định. Một người ở nước A cần tiền của nước B (để mua hàng của nước B, trả nợ cho người nước B, hay đi du lịch ở nước B, v.v…), anh ta mang tiền nước A đến ngân hàng hay bất cứ thị trường tiền tệ nào để “mua” tiền của nước B. Nếu nhiều người ở nước A đều làm như vậy và họ chạm trán nhau ở thị trường tiền tệ với mục đích như vậy, trong khi chỉ có ít người nước B cần mua tiền của nước A, cũng tức là cần “bán” tiền của nước B, thì đồng tiền của nước B sẽ trở nên khan hiếm và lên giá (giá cả là biểu hiện bằng tiền của nước A). Sự lên giá của đồng tiền nước B là biểu hiện bề ngoài của một loạt các sự kiện phức tạp: có thể là do hàng hóa nước B rẻ hơn nước A, có thể là do nước A thiếu hàng hóa, có thể là do đồng tiền của nước B vững giá trong khi đồng tiền của nước A giảm giá vì lạm phát, có thể là do một số nhu cầu có tính chất tạm thời nào đó (du lịch chẳng hạn) khiến cho người nước A cần đến nhiều tiền nước B một cách đột xuất và trong cùng một lúc có thể là do tất cả các nhân tố trên cộng lai. Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa thì cái biểu hiện ra trên thị trường hối đoái cũng vẫn là quan hệ cung cầu về hai đồng tiền đó. Quan hệ cung cầu điều chỉnh thị giá hối đoái của các đồng tiền, làm cho thị giá này lên xuống hàng ngày, thậm chí hàng giờ.

Trong chế độ bản vị vàng, nếu gặp trường hợp trên, nghĩa là nếu nước A cần mua nhiều hơn là bán, thì tiền nước A (vàng) sẽ chạy sang nước B, nhưng tỷ giá của đồng tiền nước A so với đồng tiền nước B thì không vì thế mà thay đổi, 5 gam vàng so với 1 gam vàng bao giờ cũng là 5 so với 1. Vấn đề chỉ là ở chỗ: khối lượng tiền tệ (vàng) của nước A giảm xuống. Nó giảm đến một mức nào đó thì người nước A sẽ không còn tiền để mà mua nữa. Tình trạnh mua nhiều hơn là bán sớm muộn cũng phải thu hẹp lại và chấm dứt.

Với những đặc trưng như trên, chế độ bản vị vàng rõ ràng là chế độ tiền tệ nghiêm khắc nhất: nó không cho phép bất kì sự lạm dụng, lừa bịp nào. Nó xuất phát từ bản chất của nền kinh tế hàng hóa – nền kinh tế lấy sự trao đổi ngang giá giữa giá trị và giá trị làm cơ sở và nguyên tắc. Chính vì thế mà nó là chế độ tiền tệ duy nhất thích hợp trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Trong lĩnh vực này, tiền giấy hay bất cứ sự cam kết trịnh trọng nào khác đều không thể tin cậy được, bất cứ sự ép buộc nào đều tỏ ra là không vững chắc hoặc không có hiệu lực. Chỉ có vàng – hiện thân của giá trị – mới có đủ tư cách đứng đối diện với giá trị (hàng hóa) và trao đổi với giá trị. “Chính ở trên thị trường thế giới và chỉ có trên thị trường thế giới thì tiền tệ mới làm chức năng của nó một cách hoàn toàn đầy đủ như một thứ hàng hóa mà hình thái giá trị tự nhiên của nó đồng thời cũng là hiện thân xã hội của lao động con người nói chung. Ở đó, phương thức tồn tại của nó thích hợp với khái niệm của nó”. Dù trong nội bộ các quốc gia, người ta sử dụng loại tiền gì – tiền giấy, tiền kẽm, tiền đồng, tiền kền, tiền nhôm, v.v… thì trong giao dịch quốc tế, tất cả các phương tiện lưu thông có tính chất địa phương đó, các thứ ký hiệu có tính chất địa phương đó của giá trị đều bắt buộc phải lột xác thành “con nhộng vàng” – phương thức tồn tại đặc thù, có tính chất quốc tế, của giá trị.

“Chế độ bản vị vàng hối đoái” dựa trên đồng bảng Anh và sự nổi loạn của vàng

Đại chiến thứ nhất bùng nổ. Vàng không còn là một phương tiện mua thông thường nữa. Nó trở thành một “vũ khí chiến lược” mà nhà nước phải nắm lấy: có vàng thì mới mua được vũ khí, lương thực của nước ngoài. Vì vậy chính phủ các nước đều lần lượt đình chỉ chế độ chuyển đổi tiền giấy ra vàng. Thay thế vào chế độ bản vị vàng là chế độ lưu hành tiền giấy bắt buộc. Điều này không những cho phép các nhà nước tư sản tập trung được vàng vào trong tay để chi phí cho cuộc chiến tranh ăn cướp mà còn mở đường cho chúng lạm phát tiền giấy, cũng nhằm mục đích đó.

Lạm phát làm cho đồng tiền của các nước sụt giá theo tốc độ “nước đại”. Thị giá hối đoái của các đồng tiền – nếu sự hối đoái còn được tiến hành trong một phạm vi nào đó – trở nên hoàn toàn hỗn loạn. Ở một số nước, nó thay đổi nhiều lần trong một ngày, và mỗi lần đều là một sự đột biến.

Đại chiến kết thúc. Tất nhiên người ta không thể phát triển được sự giao dịch giữa các nước trên cơ sở một chế độ tiền tệ quốc tế không ổn định. Nhưng nhiều nước cũng không còn bao nhiêu vàng để khôi phục lại chế độ bản vị vàng. Trong tình hình đó, hội nghị tiền tệ quốc tế họp ở Giê-nơ (Ý) năm 1922 đã chấp nhận chế độ bản vị vàng hối đoái do đế quốc Anh chủ trương.

Thực ra, mầm mống của chế độ này đã xuất hiện và phát triển ngay từ năm 80 của thế kỷ 19. Người ta biết rằng trong gần hết thế kỷ ấy, nước Anh giữ vai trò “công xưởng của thế giới”. Hàng hóa của nó lan tràn khắp các lục địa. Đội tàu buôn của nó bao thầu phần lớn dịch vụ vận tải trên các đại dương. Mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ nước Anh: ách thống trị thuộc địa của nó trùm xuống cả Đông bán cầu lẫn Tây bán cầu, trên 1/4 diện tích thế giới và 1/4 dân số thế giới.

Nước Anh không những là nước công nghiệp lớn nhất, nước thương nghiệp lớn nhất, kẻ xâm lược và cướp bóc thuộc địa lớn nhất mà còn là đế quốc tài chính lớn nhất. Mạng lưới tín dụng và vốn đầu tư của nó bủa vây khắp thế giới. Cả những nước tư bản phát triển cũng là những con nợ của nó. Luân-đôn thủ đô nước Anh – trở thành trung tâm tín dụng và thanh toán quốc tế. Không phải chỉ những nước bao gồm trong đế quốc Anh, mà ngay cả những nước tư bản phát triển cũng kí gửi một phần dự trữ vàng và ngoại tệ của họ ở Luân-đôn.

Trong những điều kiện như trên thì đồng tiền quốc gia của nước Anh nghiễm nhiên biến thành đồng tiền quốc tế, giống như vàng vậy. Điều này còn có cơ sở đáng tin cậy nữa là: đồng bảng Anh có thể chuyển đổi ra vàng bất kì lúc nào (nước Anh áp dụng chế độ bản vị vàng ngay từ đầu thế kỷ 19).

Không những trong quan hệ với nước Anh, người ta dùng đồng bảng làm phương tiện thanh toán, mà ngay trong quan hệ giữa các nước với nhau, người ta cũng dùng đồng bảng. Lý do rất dễ hiểu: có đồng bảng thì người ta có thể mua hàng của nước Anh, thuê tàu của nước Anh, trả nợ cho người Anh, trả lợi tức và lợi nhuận cho người Anh, nộp cống cho nước Anh, và trong trường hợp không có những khoản trên đây phải thanh toán thì người ta có thể gửi vào ngân hàng Anh để lấy lợi tức hoặc yêu cầu ngân hàng Anh chuyển đổi ra vàng.

Sự vững chắc của đồng bảng Anh còn đưa nó đi xa hơn nữa: nó được dùng làm phương tiện lưu trữ quốc tế, giống như vàng vậy. Bên cạnh vàng, người ta dự trữ ngày càng nhiều ngoại tệ, chủ yếu là đồng bảng (trước Đại chiến thứ nhất, đồng đô la Mĩ chưa dự phần gì vào việc này). Phần của ngoại tệ, năm 1880, bằng 6,3% tổng số vàng dự trữ của các nước, đến năm 1903 lên đến 17,3% và năm 1913 lên đến 19,7%.

Như vậy, thế lực kinh tế và tài chính của đế quốc Anh đã đưa đồng tiền quốc gia của nó, đồng tiền giấy (dù chuyển đổi được ra vàng thì cũng vẫn là tiền giấy, vẫn chỉ là đại biểu của vàng chứ chưa phải chính cống là vàng), lên địa vị xưa nay vẫn dành riêng cho vàng, địa vị mà chỉ có vàng mới thực sự đáng tin cậy trong bất cứ tình huống nào. Tuy nhiên, đồng bảng Anh lúc này vẫn chưa chính thức chiếm được địa vị đó. Chế độ bản vị vàng vẫn giữ vững trận địa của nó không những trong lĩnh vực quan hệ quốc tế mà cả trong quan hệ nội bộ của từng quốc gia (chỉ kể riêng những nước tư bản phát triển). Ở đây, chỉ có một điều đáng chú ý là: ngay dưới chế độ bản vị vàng, đã dần dần hình thành một hình thái chuyển hóa của bản thân chế độ đó, một hình thái lấy vàng làm cơ sở nhưng lại có đầy đủ cơ sở để xa rời vàng.

Thật là sai lầm nếu cho rằng sự ích kỷ của người Anh đã gán ghép cho thế giới tư bản cái hình thái xuyên tạc này của chế độ bản vị vàng. Một hiện tượng kinh tế, nhất là một hiện tượng kinh tế vi phạm chính cái cơ sở và nguyên tắc thiêng liêng nhất của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, hiện tượng ấy chỉ có thể là kết quả tất yếu của chính những lực lượng bên trong nền kinh tế đó. Nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, do bản chất của nó, chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cơ sở trao đổi ngang giá giữa giá trị và giá trị, giữa hàng và vàng. Xã hội tư bản coi vàng là “hiện thân chói lọi của chính ngay nguyên tắc của đời sống của nó”. Nhưng, những quan hệ thống trị và thuộc địa, chủ nợ và con nợ giữa các quốc gia – những quan hệ đặc trưng của thời đại đế quốc chủ nghĩa, cũng do bản chất của nền kinh tế đó mà ra – thì lại tất yếu dẫn đến sự xa rời chính cái cơ sở và “nguyên tắc của đời sống” ấy. Dĩ nhiên, người ta chỉ có thể hiểu sự xa rời này ở một phía, ở những quốc gia lép vế. Sự xa rời ở phía này là điều kiện cho sự thực hiện đầy đủ nhất ở phía kia, ở phía những quốc gia có lực lượng chi phối về kinh tế và tài chính. Nước Anh cuối thế kỷ 19 chính là thuộc loại quốc gia đó. Địa vị quốc tế của đồng bảng Anh cuối thế kỷ 19 chính là sản phẩm của những lực lượng kinh tế và tài chính của nước Anh hồi đó. Khi chấp nhận chế độ bản vị vàng hối đoái, hội nghị Giê-nơ chỉ làm cái việc chính thức hóa và tăng cường địa vị đã được xác lập trong thực tế của đồng bảng.

Theo chế độ này thì thế giới được chia làm hai loại tiền: một loại tiền chủ chốt và một loại tiền đàn em, phụ thuộc. Loại tín dụng chủ chốt do những nước “trung tâm vàng” phát hành. Nó có thể chuyển đổi được ra vàng. Nó được các nước khác chấp nhận làm phương tiện lưu trữ và thanh toán quốc tế, coi như vàng. Còn loại tiền đàn em thì không nhất thiết phải có vàng đảm bảo, mà có thể dùng loại tiền trên để đảm bảo. Như vậy, đồng tiền chủ chốt biến thành đồng tiền chúa, giống như vàng và song song với vàng. Còn nước có đồng tiền chủ chốt thì biến thành ngân hàng phát hành của thế giới và trung tâm thanh toán của thế giới. Ai cũng biết đó là những vị trí đầy thế lực và đem lại nhiều mối lợi. Đi sau quan hệ thống trị và phụ thuộc vào kinh tế – tài chính, tất nhiên phải là quan hệ thống trị và phụ thuộc về tiền tệ. Cái sau do cái trước đẻ ra, đồng thời lại bổ sung và tăng cường cho cái trước.

Chiến tranh đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề: lạm phát nghiêm trọng, kho vàng rỗng tuếch, tài chính kiệt quệ, kinh tế đổ nát. Trong những điều kiện như vậy, nhiều nước tư bản không thể không rời xa chế độ bản vị vàng, xa rời cái lẽ sống và huyết mạch tư bản, để nương nhờ vào những đồng tiền mạnh làm “chắc chắn đỡ đầu” cho đồng tiền nước họ, cũng như không thể không tìm đến nước tương đối giàu có, kiếm nơi nương tựa cho nền kinh tế và tài chính nước họ. Tình thế buộc người ta phải tạm thời hy sinh những lợi ích căn bản này hòng cứu lấy những lợi ích căn bản khác.

Kẻ được lợi trong chế độ bản vị vàng hối đoái chỉ là Anh và Mĩ. Nước Mĩ tuy lớn vọt lên nhờ chiến tranh, nhưng sự bành trướng của nó ra nước ngoài, nhất là về mặt tài chính – tiền tệ, mới chỉ bắt đầu. Nước Anh tuy bị suy yếu nhiều trong chiến tranh, nhưng vẫn là nước dẫn đầu trong thế giới tư bản về nhiều mặt. Trận địa quốc tế của đồng bảng Anh vẫn bỏ xa đồng đô la Mĩ. Vì vậy, đồng bảng Anh vẫn là đồng tiền chủ chốt nhất trong chế độ bản vị vàng hối đoái của thế giới tư bản. Về thực chất, đó là chế độ tiền tệ quốc tế lấy đồng bảng Anh làm bản vị, thay cho vàng. Đuổi theo sau đồng bảng Anh là đồng đô la Mĩ. Đồng tiền này tuy hung hăng, nhưng mới rời khỏi cái nôi quốc gia của nó để bước lên vũ đài quốc tế. Chỉ sau Đại chiến thứ hai, nó mới gạt hẳn được kẻ tiền bối để chiếm lấy ngôi bá chủ trên vũ đài này.

Chế độ bản vị vàng hối đoái giả định một (hoặc nhiều) đồng tiền chủ chốt nào đó phải được chuyển đổi ra vàng. Các đồng tiền khác, tuy không trực tiếp chuyển đổi được ra vàng, nhưng vẫn có thể đạt tới vàng thông qua sự hối đoái, nghĩa là thông qua đồng tiền chủ chốt kia. Tính chất chuyển đổi được ra vàng của đồng tiền chủ chốt trở thành cái cuống rốn nối liền cả cái cơ thể tiền tệ quốc tế đồ sộ với mạch sống của nó là vàng. Để đóng được vai trò đồng tiền chủ chốt của thế giới tư bản, đồng bảng Anh không thể không khôi phục lại tính chất chuyển đổi được ra vàng, đã bị đình chỉ khi bước vào chiến tranh. Mặt khác, sự bành trướng nhanh chóng trên thị trường thế giới của đồng đô la Mĩ (đồng tiền này trước sau vẫn chuyển đổi được ra vàng) càng thúc bách đồng bảng Anh phải khôi phục lại tính chất đó. Việc này mãi đến năm 1925, nghĩa là hơn 20 năm sau hội nghị Giê-nơ, mới được thực hiện, và thực hiện trong điều kiện phải đi vay nợ của Mĩ một khoản tiền lớn: 300 triệu đô la vàng, nghĩa là tương đương 2/5 dự trữ vàng của bản thân nước Anh lúc đó. Chỉ riêng điều này cũng đủ nói lên sự suy yếu của đế quốc Anh sau chiến tranh cũng như sự gắng gượng của nó để bám lấy một vai trò đã trở thành quá lớn đối với nó.

Với việc khôi phục tính chất chuyển đổi được ra vàng của đồng bảng Anh, chế độ bản vị vàng được khôi phục trở lại ở nước Anh. Nó được khôi phục lại không phải một cách toàn vẹn mà dưới một hình thức cắt xén, hạn chế chế độ bản vị vàng thỏi. Tiền vàng không lưu hành nữa. Từ nay, tiền giấy chỉ có thể đổi lấy vàng thỏi mà thôi, mỗi thỏi nặng ít nhất 400 ôn-xơ (1 ôn-xơ = 31,1035 gam), tức là trên 12 ki-lô-gam. Người ta viện cớ rằng làm như vậy là để tiết kiệm vàng. Nhưng rất rõ ràng là: với định mức tối thiểu trên đây thì người dân thường của nước Anh, với những khoản tiền nhỏ mọn dành dụm được, thật khó mà chuyển đổi tiền của họ ra vàng.

Với chế độ bản vị vàng thỏi ở nước Anh, quê hương của đồng tiền chủ chốt nhất của thế giới tư bản, cũng như với chế độ bản vị vàng hối đoái được nhận làm chế độ tiền tệ quốc tế, chủ nghĩa tư bản đã rời xa chính ngay cái “nguyên tắc của đời sống” của nó, và do đó, đã dẫn chế độ tiền tệ của nó đi vào con đường đầy mâu thuẫn. Một chế độ tiền tệ trong đó phương thức tồn tại của tiền tệ không còn hoàn toàn phù hợp với khái niệm nữa, chế độ đó không thể có cơ sở ổn định được. Tuy nhiên, cái bất hợp lý đó lại chính là sản phẩm của nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa, một nền kinh tế vận động trong trạng thái mâu thuẫn đối kháng gay gắt.

Thời kì giữa hai cuộc đại chiến là thời kì đầy sóng gió của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vươn lên từ cảnh đổ nát của chiến tranh chưa được bao lâu, nó đã rơi ngay xuống vực thẳm của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử (1929-1933). Thoát khỏi khủng hoảng, chưa kịp leo lên tới điểm phồn vinh, nó đã sa ngay vào một cuộc khủng hoảng mới (1937-1938), để rồi bị cuốn luôn vào cơn lốc của chiến tranh thế giới – một cuộc chiến tranh có sức tàn phá chưa từng thấy. Số phận của chế độ bản vị vàng hối đoái cũng không thoát khỏi sự tàn phá của những biến cố nói trên. Sinh ra đã yếu đuối rồi, nó tắt thở ngay trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933.

Chấp nhận chế độ bản vị vàng hối đoái, các nước đã nhận vào kho dự trữ của họ rất nhiều bảng Anh (và một phần ít hơn là đô la Mĩ). Lạm phát của nước Anh trở thành nguồn cung cấp ngoại tệ cho các nước. Nhiều nước còn dựa vào số ngoại tệ này để phát hành tiền giấy của họ, coi như vàng bảo đảm. Điều này cũng có nghĩa là sự lạm phát đã nhân lên gấp đôi: tiền giấy lạm phát của nước Anh lại được dùng làm cơ sở để lạm phát tiền giấy ở nước khác. Người ta kí gửi ở ngân hàng Anh một phần dự trữ vàng và ngoại tệ của mình. Các nhà tư bản tư nhân cũng đặt ở trung tâm thanh toán quốc tế này một phần vốn lưu động bằng ngoại tệ của họ. Các khoản nói trên đều trở thành những mối lợi lớn đối với nước Anh: kho vàng “của” Anh dồi dào thêm lên, đồng bảng Anh được đảm bảo bằng một số vàng và ngoại tệ lớn hơn là vốn tự có của Anh, ngân hàng Anh có thể dùng những số nợ ngắn hạn đó để đầu tư dài hạn và cho vay dài hạn, v.v… Đương nhiên những điều nói trên chỉ có ý nghĩa trong hoàn cảnh bình thường khi hoạt động tín dụng và kinh doanh trên thị trường thế giới tiến triển thuận chiều, không có vấp váp gì lớn. Lúc đó, nếu có người nào rút vàng và ngoại tệ của họ ra khỏi ngân hàng Anh thì đã có người khác gửi vào. Dự trữ của ngân hàng không phải vì sự lưu thông bình thường của tư bản tiền tệ mà trở nên khô kiệt. Nhưng, tình hình sẽ xoay chuyển đột ngột khi một sự biến nào đó làm cho tất cả các chủ nợ đều rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng. Và lúc này tiền tệ sẽ không còn là đồng bảng Anh nữa. Tiền tệ nhất thiết phải là vàng! Chỉ có vàng mới chính cống là giá trị. Chỉ có vàng mới làm cho người sở hữu tiền tệ chắc dạ. Ngân hàng Anh lấy đâu ra đủ vàng để thanh toán cho tất cả các chủ nợ? Đồng bảng Anh lấy đâu ra đủ vàng để thanh toán cho sự lạm phát của nó? Toàn bộ vấn đề là ở chỗ đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 chính là đã diễn ra như vậy. Trong cuộc khủng hoảng này, cả hai đồng tiền chủ chốt của thế giới đều bị những đòn rất nặng và cuối cùng cả hai đều chịu thất bại. Sự thật lịch sử này đã chứng minh một cách hùng hồn – và trên phạm vị quốc tế – chân lý sau đây:

“Cùng với chế độ tín dụng ngày càng phát triển, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa luôn tìm cách vứt bỏ cái hàng rào kim khí kia đi – tức là cái hàng rào vừa bằng vật chất lại vừa có tính chất tưởng tượng của của cải và của sự vận động của của cải – nhưng rút cục nó luôn luôn vẫn bị bươu đầu sứt trán vì cái hàng rào đó”.

Thực ra, không phải chờ đến cuộc khủng hoảng nổ ra, người ta mới xa lánh đồng bảng Anh để tìm đến vàng. Ngay từ giữa năm 1928, nghĩa là chưa đầy 2 năm sau khi chính thức gia nhập hệ thống bản vị vàng hối đoái, nước Pháp đã ngang nhiên thi hành chính sách đó. Điều này thật dễ hiểu đối với một nước đế quốc cáo già, khi mà lực lượng cạnh tranh của nó đã được hồi phục ở một mức độ nhất định. Bước theo chân nước Pháp là một loạt nước tư bản khác, giống như Pháp cũng giành được số dư trong cán cân thanh toán quốc tế. Cuộc khủng hoảng 1929-1933 chỉ làm cho cường độ của cuộc săn vàng đạt tới đỉnh cao của sự hỗn loạn mà thôi. Kết quả là: dự trữ ngoại tệ của 24 nước châu Âu (không kể Anh), từ con số 2.520 triệu – tính bằng đô la – vào năm 1928, giảm xuống còn 505 triệu vào năm 1932. Trong khi đó thì dự trữ vàng, từ con số 3.490 triệu – cũng tính bằng đô la, theo giá 20,67 đô la /1 ôn-xơ vàng – tăng lên tới 5.870 triệu. Như vậy là: ngoại tệ, từ chỗ chiếm tới 42% tổng số dự trữ vàng và ngoại tệ năm 1928, tụt xuống còn có 8% năm 1932. Riêng nước Pháp chiếm phần lớn nhất trong tổng số dự trữ vàng và ngoại tệ của các nước nói trên, đồng thời là nước phân phối vàng mạnh nhất. Trong khoảng thời gian ấy, dự trữ ngoại tệ của Pháp từ con số 1.287 triệu – vẫn tính bằng đô la – giảm xuống còn 176 triệu, trong khi dự trữ vàng từ con số 1.254 triệu tăng lên tới 3.257 triệu. Ngoại tệ từ chỗ chiếm tới 51% tổng số dự trữ vàng và ngoại tệ của Pháp năm 1928, tụt xuống còn có 5% năm 1932, còn vàng thì từ mức 1.700 tấn (giữa năm 1928) lên đến ngót 5.000 tấn, nghĩa là bằng 1/4 dự trữ vàng của cả thế giới tư bản lúc đó.

Chịu đựng không nổi những trận săn vàng cuồng loạn của lũ đàn em háu vàng và hỗn xược, ngày 21-9-1931, đế quốc Anh tuyên bố đình chỉ chế độ chuyển đổi đồng bảng Anh ra vàng. Đồng tiền “quốc tế” này thế là lộ nguyên hình là một đồng tiền giấy mà vận mệnh của nó chỉ tùy thuộc vào quyền lực và lợi ích chật hẹp của một quốc gia! Cái trụ vàng sụp đổ thì cả hệ thống bản vị vàng hối đoái của thế giới tư bản cũng sụp đổ luôn.

Đồng đô la Mĩ, sau một thời gian cầm cự lâu hơn, cũng không thoát khỏi số phận đó. Ngày 20-4-1933, chế độ chuyển đổi ra vàng của đồng đô la Mĩ bị đình chỉ. Tiếp đó, ngày 30-1-1934, nước Mĩ tuyên bố phá giá đồng đô la: từ nay 35 đô la mới ăn được 1 ôn-xơ vàng, so với trước đây là 20,67 đô la. Như vậy, cứ mỗi đồng đô la trong tay nước ngoài, nước Mĩ vỡ nợ 41% – một cái giá quá đắt mà thế giới tư bản phải trả cho sự sùng bái của nó đối với một đồng tiền “chủ chốt”!

Việc “định giá lại vàng” (cũng tức là phá giá đồng đô la) không có nghĩa là nước Mĩ khôi phục lại chế độ bản vị vàng. Từ nay, tiền vàng bị rút khỏi lưu thông, mọi việc mua bán vàng ở trong nước đều bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Nước Mĩ chỉ cam kết chuyển đổi đồng đô la ra vàng (theo tỷ giá mới) cho nước ngoài mà thôi.

Sau khi hủy bỏ chế độ bản vị vàng, đế quốc Anh tập hợp những nước thuộc địa và nửa thuộc địa của nó để lập thành “khu vực đồng bảng Anh”. Một số nước bị ràng buộc nhiều với Anh về mặt buôn bán cơ sở như về mặt tài chính cũng gia nhập “khu vực” này. Các nước trong “khu vực đồng bảng” tiếp tục đặt đồng tiền nước họ phụ thuộc vào đồng bảng, lấy đồng bảng làm bản vị, y như thời nó còn chuyển đổi được ra vàng. Họ tiếp tục duy trì một tỷ giá hối đoái cố định của đồng tiền nước họ với đồng bảng, tưởng chừng như đồng bảng là vàng chứ không phải là một đồng tiền giấy cũng chịu tác động trực tiếp của thị trường hối đoái. Cũng như trước đây, họ vẫn nhận đồng bảng vào dự trữ của nước mình, và sử dụng đồng bảng làm phương tiện thanh toán quốc tế trong phạm vi “khu vực đồng bảng”. Nói tóm lại, họ quyết chí “sống theo đồng bảng và chết… cũng theo đồng bảng”.

Về thực chất, “khu vực đồng bảng” chỉ là hệ thống bản vị vàng hối đoái được vớt vát lại dưới một hình thái hạn chế và chuyển hóa. Hạn chế là vì: tham gia hệ thống này chỉ còn lại những nước thuộc địa và phụ thuộc của đế quốc Anh; đứng đầu hệ thống này không còn là hai đồng tiền chủ chốt cùng chia sẻ và tranh giành nhau địa vị thống trị mà chỉ một mình đồng bảng Anh. Chuyển hóa là vì: trụ cột của hệ thống này không phải là đồng tiền chủ chốt có thể chuyển đổi được ra vàng mà chỉ là đồng tiền “chủ chốt” không chuyển đổi được ra vàng.

Nếu chế độ bản vị vàng hối đoái đã là hình thái chuyển hóa (hay xuyên tạc) của chế độ bản vị vàng, thì chế độ tiền tệ quốc tế của “khu vực đồng bảng” lại là hình thái chuyển hóa của chính cái hình thái chuyển hóa ấy. Nó là chế độ bản vị vàng hối đoái mà không thể đạt tới vàng thông qua sự hối đoái. Nó dựa vào một đồng tiền “chủ chốt” mà nội dung của khái niệm này – tính chất chuyển đổi được ra vàng – đã bị vứt bỏ. Qua đó, ta thấy những quan hệ thống trị và phụ thuộc giữa các quốc gia trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đã làm cho nền kinh tế tư bản rời xa vàng – cái “hiện thân chói lọi của chính ngay nguyên tắc của đời sống của nó” – biết nhường nào!

Tuy nhiên, quyền lực của chủ nghĩa đế quốc rút cuộc vẫn thua quyền lực của vàng. Cắt đứt liên hệ vật chất với vàng thì các đồng tiền cũng mất luôn cả cái cơ sở và nội dung của chúng, từ đó số phận của chúng chỉ còn tùy thuộc vào quốc gia cung cầu luôn luôn biến động trên thị trường hối đoái. Nhưng, một đồng tiền bấp bênh thì làm cho người ta xa lánh nó như xa lánh một tên bất lương và do đó, xa lánh luôn cả nền kinh tế đã đẻ ra nó. Đứng trước nguy cơ ấy, các nước Anh, Mĩ, Pháp (rồi sau đó, cả Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ) đã buộc phải ký kết một hiệp nghị (tháng 9-1936) thiết lập lại chế độ chuyển đổi ra vàng của đồng tiền nước họ, dưới mọi hình thức hạn chế: chỉ những ngân hàng trung ương của các nước mới được hưởng sự cam kết này (còn tư nhân thì không). Lạm phát – cái chứng bệnh kinh niên ấy của chủ nghĩa đế quốc – đã làm cho chính ngay những cường quốc đế quốc giàu có nhất, sau khi đã bóp chết hẳn chế độ đảm bảo bằng vàng cho tiền giấy phát hành trong nước cũng không còn đủ sức đảm bảo cho toàn bộ số tiền nước họ phát hành ra nước ngoài!

Tuy nhiên, ngay cả sự đảm bảo hạn chế này cũng không tồn tại được bao lâu. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm đảo lộn tất cả. Chiến tranh nổ ra đã làm cho kinh tế thời chiến thay thế cho kinh tế thời bình, chủ nghĩa bảo hộ thay thế cho mậu dịch tự do, chính sách kiểm soát hối đoái thay thế cho hối đoái tự do, chính sách phong tỏa tư bản thay thế cho sự vận động tự do của tư bản.

Một lần nữa, trên quy mô thế giới, tiền giấy lại thoát ly mọi cơ sở để bay bổng trong không gian vô hạn của lạm phát. Một lần nữa, trên quy mô thế giới, vàng lại trở thành “vũ khí chiến lược” mà các nhà nước tư sản giành lấy độc quyền. Tình thế bất trắc của chiến tranh làm cho quyền lực của vàng biểu thị rõ rệt hơn bao giờ hết: chỉ có vàng mới đóng được vai trò tiền tệ thế giới, chỉ có vàng mới trao đổi được với hàng của nước ngoài. Mọi uy lực của chế độ tín dụng đều co lại vì sợ sệt. Mọi ảo tưởng về một hệ thống tiền tệ quốc tế không cần dựa vào vàng đều tan biến như bọt xà phòng. Mọi quyền lực nhà nước đều ngoan ngoãn khuất phục trước quyền lực của vàng.

Hãy trả lại cho Xê-da cái gì thuộc về Xê-da! Chính là chiến tranh – cũng như khủng hoảng kinh tế – đã trả lại Xê-da của thế giới hàng hóa cái chức năng xã hội mà hàng hóa đã trao cho riêng mình nó: là hiện thân duy nhất của lao động con người nói chung, là phương thức tồn tại duy nhất thích hợp của tiền tệ thế giới.

Sự đắc thắng của đồng đô la và “chế độ bản vị vàng hối đoái” dựa trên đồng đô la

 Sự lớn vọt của đế quốc Mĩ là một trong những sản phẩm điển hình nhất của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc trong nửa đầu thời kì này. Nó là nước đế quốc duy nhất không bị suy yếu qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, hơn nữa, còn nhờ chiến tranh mà trở nên giàu có vượt bậc. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đẩy lùi hẳn đế quốc Anh về phía sau, biến nó thành “con bệnh kinh niên của châu Âu”, và đưa đế quốc Mĩ lên hàng đầu cả về mặt tài chính – tiền tệ.

Ngay trong những năm khói lửa, đế quốc Mĩ đã trù tính mọi nhẽ về mưu đồ bá chủ thế giới, trong đó, dự án về chế độ tiền tệ quốc tế sau chiến tranh là một bộ phận quan trọng. Hội nghị tài chính và tiền tệ quốc tế họp ở Bơ-rit-tơn Ut (Mĩ) tháng 7-1944 dưới sự chi phối của Mĩ, đã cho ra đời hai tổ chức hợp tác quốc tế của chủ nghĩa tư bản về tài chính và tiền tệ: Quỹ tiền tệ quốc tế  Ngân hàng quốc tế về khôi phục và phát triển. Hội nghị này cũng đặt cơ sở cho một chế độ tiền tệ quốc tế thường mang tên là chế độ bản vị vàng hối đoái mới. Chế độ này thực ra không hình thành ngay trong một lúc tại hội nghị Bơ-rit-tơn Ut. Nó nhận lấy ở hội nghị này sự thỏa thuận về những thiết chế đầu tiên để rồi được hoàn chỉnh dần trong đời sống thực tế của thế giới tư bản những năm sau chiến tranh. Nói đúng hơn, nó là kết quả của một quá trình đấu tranh kịch liệt giữa các lực lượng kinh tế đối địch, giữa các quốc gia đối địch mà vũ khí đấu tranh vừa là phương tiện vật chất trên thị trường vừa là những hiệp nghị quốc tế ký kết giữa nước này với nước khác, giữa khối này với khối khác. Cuối cùng, nó đã được xác lập với nội dung như ta biết hiện nay:

1 Đồng đô la Mĩ được thế giới tư bản chấp nhận – chấp nhận trên thực tế – làm phương tiện dự trữ và phương tiện thanh toán quốc tế, coi như vàng và song song với vàng.

2- Hàm lượng vàng của đồng đô la được ấn định ở mức 35 đô la =1 ôn-xơ vàng (cũng tức là 1 đô la =0,888.671 gram vàng). Theo hiệp nghị Bơ-rit-tơn Ut, chính phủ Mĩ cũng như bất cứ chính phủ hội viên nào của Quỹ tiền tệ quốc tế, phải đảm bảo chuyển đổi tiền nước họ ra vàng cho chính phủ các nước ngoài hay ngân hàng trung ương các nước này, nếu yêu cầu chuyển đổi ra vàng thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

a) Số tiền mà nước ngoài nắm được là nhờ những hoạt động kinh doanh thông thường, tức là nhờ những hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (chứ không phải nhờ những sự vận động của tư bản) mà có.

b) Số tiền mà nước ngoài yêu cầu chuyển đổi ra vàng phải được chứng minh là cần thiết để dùng vào việc thanh toán trong phạm vi những hoạt động kinh doanh thông thường.

3- Tư nhân nước ngoài (cũng như tư nhân trong nước Mĩ) không được hưởng quyền chuyển đổi đô la ra vàng. Nhưng để “ổn định giá vàng” cũng tức là ổn định tỷ giá hối đoái của đồng đô la, không cho phép 1 ôn-xơ vàng lên quá 20 xu cũng như xuống giá quá 20 xu so với mức ấn định là 35 đô la, chính phủ Mĩ nhận mua và bán vàng trên thị trường quốc tế (thị trường tự do) theo giá ổn định 35 đô la/1 ôn-xơ vàng. Nói cụ thể hơn: khi nào đồng đô la giảm giá trên thị trường quốc tế quá mức cho phép, cũng tức là thị trường quốc tế thừa đô la, thì chính phủ Mĩ xuất vàng ra để “mua” đô la vào theo giá quy định. Ngược lại, khi nào đồng đô la lên giá trên thị trường quốc tế quá mức cho phép, cũng tức là thị trường quốc tế thiếu đô la, thì chính phủ Mĩ đưa đô la ra “bán”, thu vàng về. Như vậy, vì bảo vệ tỷ giá hối đoái của đồng đô la, Mĩ là nước duy nhất sau đại chiến thứ hai còn bán vàng cho tư nhân nước ngoài giữ tiền của Mĩ, mặc dầu theo quy định chính thức, tư nhân nước ngoài, không được hưởng quyền chuyển đổi đô la ra vàng.

4- Làm phương tiện dự trữ và phương tiện thanh toán quốc tế, ngoài đồng đô la Mĩ, còn có đồng bảng Anh. Đồng tiền này, từ chỗ là đồng tiền chủ chốt số 1 trước và sau Đại chiến thứ nhất, đã tụt xuống hàng thứ 2. Phạm vi lưu hành của nó sau đại chiến thứ hai, chủ yếu vẫn là “khu vực đồng bảng Anh”. Khối lượng lưu hành của nó trên thế giới chỉ bằng khoảng một nửa khối lượng đồng đô la. Giá trị của nó cũng không thể sánh kịp đồng đô la: người ta giữ đồng đô la vì nó có thể đổi lấy vàng của Mĩ, còn đồng bảng Anh, người ta giữ nó chỉ vì nó có thể đổi lấy đô la Mĩ (đồng bảng Anh không chuyển đổi được ra vàng mà chỉ chuyển đổi được ra ngoại tệ).

Từ cuối những năm 50, một số đồng tiền khác (như đồng Phơ-răng Pháp, đồng Mác Tây Đức, đồng Lia Ý) cũng đã vươn lên thành những đồng tiền “mạnh”, nghĩa là có thể chuyển đổi được ra ngoại tệ (chứ không phải ra vàng, như trước Đại chiến) – không khác gì đồng bảng Anh. Nhưng, thế lực kinh tế và tài chính của những nước này chưa cho phép đồng tiền của họ lan tràn trên thị trường thế giới để trở thành những phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế. Rốt cuộc, đóng vai trò này, chỉ có đồng đô la Mĩ – trên thực tế là chuyển đổi được ra vàng – và đồng bảng Anh, tuy không chuyển đổi được ra vàng, nhưng vẫn có thể đạt tới vàng thông qua sự hối đoái với đồng đô la Mĩ.

Với nội dung như trên, chế độ bản vị vàng hối đoái sau đại chiến thứ hai chỉ là sự khôi phục lại chế độ bản vị vàng hối đoái sau đại chiến thứ nhất. Nó chỉ thay đổi chủ mà thôi: trước kia là đồng bảng Anh, ngày nay là đồng đô la Mĩ. Cũng vẫn hai đồng tiền ấy đóng vai trò đồng tiền chủ chốt, nhưng ngôi bậc thì thay đổi: trước kia đóng vai phụ là đồng đô la Mĩ, ngày nay đóng vai phụ – và phụ thuộc – là đồng bảng Anh. Tóm lại, trước kia là chế độ bản vị vàng hối đoái dựa trên đồng bảng Anh và dưới sự thống trị của đồng bảng Anh, còn ngày nay là chế độ bản vị vàng hối đoái dựa trên đồng đô la Mĩ và dưới sự thống trị của đồng đô la Mĩ.

Phải làm sống lại cái đã chết yểu trong cuộc khủng hoảng 1929-1933, điều đó tỏ ra rằng chủ nghĩa đế quốc chẳng tạo ra được một chế độ tiền tệ quốc tế vững bền gì hơn cái mà nó đã tạo ra trước đây với tư cách là chủ nghĩa đế quốc. Cái mới mẻ chỉ là ở chỗ: mối liên hệ vật chất với vàng của chế độ bây giờ còn mỏng manh hơn cả chế độ trước. Trước kia, cả hai đồng tiền chủ chốt đều tự do chuyển đổi được ra vàng. Ngày nay chỉ một mình đồng đô la Mĩ là chuyển đổi được ra vàng, và chuyển đổi với những điều kiện hạn chế. Như lịch sử giữa hai cuộc đại chiến đã chứng minh một chế độ tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản càng xa rời vàng bao nhiêu thì càng bấp bênh, thiếu cơ sở vững chắc bấy nhiêu. Nhưng, người ta sẽ rơi vào ảo tưởng nếu nghĩ rằng chế độ bản vị vàng phải là đạo lý vĩnh cửu của chủ nghĩa tư bản, rằng chỉ cần thuyết giáo về đạo lý đó là có thể đưa thế giới tư bản trở lại con đường êm đẹp. Xa rời vàng là vô cùng nguy hiểm – đối với những nước nhận tiền giấy của nước khác thay cho vàng cũng như đối với những nước có đặc quyền phát hành tiền giấy sang nước khác, nhưng chính sự xa rời vàng lại là khuynh hướng tất yếu của chủ nghĩa đế quốc cũng như của chế độ tín dụng quốc tế hết sức phát triển của nó. Đó là kết quả khách quan của sự bành trướng kinh tế của những cường quốc đế quốc có đồng tiền chủ chốt, đồng thời là điều kiện cho sự bành trướng đó. Đối với các nước khác, khi người ta chấp nhận đồng tiền giấy của các cường quốc nói trên thay cho vàng thì đó không phải là do một quyền lực nhân tạo nào ép buộc. “Tôi (nên hiểu đây là Mĩ) không ép buộc anh mua hàng của tôi, cũng không ép buộc anh vay nợ của tôi. Chỉ có tình thế ép buộc anh!”.

Tình thế sau đại chiến đã đặt chế độ bản vị vàng hối đoái dựa trên đồng đô la Mĩ thành một thực tại khách quan như vậy vì hai lẽ:

1- Sau đại chiến, cả thế giới tư bản – trừ Mĩ – đều đổ nát và kiệt quệ, cả thế giới tư bản đều khao khát hàng của Mĩ – cả thiết bị lẫn hàng tiêu dùng – do đó, đều khao khát tiền của Mĩ. Nước Mĩ trở thành kho hàng của thế giới tư bản và chủ nợ của thế giới tư bản.

Trong thời gian 10 năm sau chiến tranh (1946-1955), thế giới tư bản đã nhập siêu của Mĩ (kể cả hàng hóa và dịch vụ) 38 tỷ đô la. Số tiền này lớn bằng 3 lần dự trữ vàng của thế giới tư bản, không kể Mĩ. Chỉ riêng 4 năm đầu sau chiến tranh là những năm tập trung vàng khôi phục kinh tế (1946-1949), số nhập siêu đã lên tới 29 tỷ đô la, tức là 3/4 tổng số của 10 năm nói trên.

Trong tình hình nhập siêu và dự trữ vàng như trên thì “nạn đói đô la” là điều dễ hiểu. Đói đô la trở thành chứng bệnh cấp tính có tính chất quốc tế. Điều này làm cho đồng tiền quốc gia của Mĩ nghiễm nhiên trở thành đồng tiền quốc tế, giống như vàng, thậm chí còn quí hơn vàng, và quí hơn cả chủ quyền quốc gia nữa. Khắp thế giới, người ta đổ vàng ra để “mua” đô la. Nhưng vẫn không đủ. Người ta chỉ còn trông vào sự “hào phóng” của Mĩ, dù cho có phải trả giá sự hào phóng đó bằng chủ quyền quốc gia của mình. Chỉ riêng nước Anh năm 1946, đã vay dài hạn của Mĩ 3.750 triệu đô la, với điều kiện là phải phá bỏ hàng rào tiền tệ ngăn cách vương quốc của đồng bảng Anh với hàng hóa Mĩ. Nước Pháp, trong năm đó, cũng vay dài hạn của Mĩ 1.200 triệu đô la và trả giá bằng việc thành lập một chính phủ phản động theo đuôi Mĩ. Trong 9 năm kể từ năm 1947, Tây Âu đã nhận “viện trợ” và vay dài hạn của Mĩ một số tiền khổng lồ: 23.500 triệu đô la.

Đồng bảng Anh phải mất một thế kỷ mới chiếm lĩnh được trận địa tiền tệ thế giới. Để làm việc này, đồng đô la Mĩ chỉ cần có 5-10 năm! Chiến tranh đã ủng hộ nó bằng cách gạt phăng tất cả các đối thủ cạnh tranh của Mĩ xuống hàng con nợ và khách mua hàng để đưa đồng tiền của Mĩ lên địa vị độc tôn, bất kể đó là vàng hay tiền giấy.

2- Trong khi cả thế giới nhao lên vì nạn đói đô la thì số vàng đảm bảo cho đồng đô la thực ra chỉ là một thứ đồ trang sức. Giả định lúc này, Mĩ chẳng có một gam vàng nào hết, đồng tiền của nó vẫn không vì thế mà giảm tín nhiệm. Cho dù Mĩ hủy bỏ chính sách “ổn định giá vàng” – lối nói mẽ của việc ổn định tỷ giá hối đoái của đồng tiền giấy của Mĩ – thì đồng tiền này cũng vẫn là đối tượng tranh cướp trên thị trường hối đoái. Tuy nhiên, lịch sử đã ưu đãi nước Mĩ về mặt bán hàng thì cũng đồng thời – và vì thế – ưu đãi nó cả về mặt tích lũy vàng, mặc dù chỉ cần một trong hai nhân tố này cũng đủ để đảm bảo cho giá trị của đồng đô la rồi. Dựa vào một kho vàng khổng lồ, đồng tiền giấy của Mĩ càng tỏa ánh hào quang hệt như vàng vậy.

Năm 1945, sau mấy năm vơ vét vàng của cả 2 phe tham chiến, dự trữ vàng của Mĩ đạt tới 20 tỷ đô la (tính theo giá 35 đô la/1 ôn-xơ vàng) so với năm 1937 chỉ có 12,8 tỷ. Trong khi đó thì số lượng đô la trong tay nước ngoài chỉ có 2,7 tỷ. Đến năm 1949, dự trữ vàng của Mĩ đạt tới 24,5 tỷ đô la, bằng 70% dự trữ vàng của cả thế giới tư bản. Trong khi đó thì số lượng đô la trong tay nước ngoài cũng chỉ có 6,4 tỷ. Được đảm bảo bằng một khối vàng như vậy thì đồng đô la dường như không còn là một đồng tiền giấy giống như bất cứ một đồng tiền giấy nào khác. Cái lo của nước ngoài lúc này không phải ở chỗ đồng đô la có chuyển đổi ra vàng được hay không mà là ngược lai, có vàng để chuyển thành đô la không.

Thật vậy, tất cả những điều khoản về vàng xem ra là rất bình đẳng, “có đi có lại”, của hiệp nghị Bơ-rit-tơn Ut, lúc này chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với những kẻ đói đô la chứ không phải đối với bản thân đồng đô la. Lúc này, không phải chính phủ Mĩ xuất vàng ra để thanh toán cho chính phủ các nước ngoài nắm giữ đô la, mà ngược lại, chính là các chính phủ này phải đưa vàng ra “mua” đô la của Mĩ. Cũng không phải kho vàng của Mĩ tuôn ra thị trường quốc tế để “mua” đô la về theo giá 35 đô la/1 ôn-xơ vàng, mà ngược lại, chính là thị trường quốc tế phải dồn vàng lại để “mua” đô la của Mĩ theo giá đó. Cái giá cố định 35 đô la/1 ôn-xơ vàng, đối với kẻ chuyên mua vàng (cũng tức là chỉ chuyên “bán” đô la), thật là hời biết mấy!

Với hai cơ sở trên đây – hàng và vàng – đồng đô la có đầy đủ cơ sở kinh tế để trở thành đồng tiền quốc tế hệt như vàng và thay cho vàng. Còn nước Mĩ thì biến thành Ngân hàng phát hành của thế giới. Mọi mối lợi của Mĩ đều từ đó mà ra.

Khi trao cho nước Mĩ đặc quyền phát hành giấy bạc cho cả thế giới thì chế độ bản vị vàng hối đoái cũng trao luôn cho nó đặc quyền lạm phát – lạm phát để chi ở nước ngoài.

Các nước khác, nếu thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế thì phải đưa dự trữ ngoại tệ của mình ra để trang trải. Nếu dự trữ ngoại tệ không đủ thì phải dùng đến dự trữ vàng, hoặc là đi vay nợ. Điều này sớm hay muộn cũng buộc phải thu hẹp chi tiêu ở nước ngoài. Nhưng Mĩ (và Anh) thì khác. Nếu Mĩ thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế thì Mĩ chỉ cần đưa đồng tiền quốc gia, đồng tiền giấy của nó ra, vì đồng tiền này được các nước tiếp nhận như vàng. Nhờ thế mà gần 20 năm nay, nước Mĩ ngang nhiên kéo dài được tình trạng thiếu hụt trong cán cân thanh toán quốc tế của nó. Tổng số tiền giấy mà Mĩ “trả” cho nước ngoài, tính đến cuối 1967, lên tới 35 tỷ đô la, nghĩa là vượt khả năng thanh toán bằng vàng của Mĩ quá 3 lần.

Đương nhiên, trường hợp lạm phát ở đây khác về bản chất so với lạm phát ở trong nước:

1- Ở đây, lạm phát hiểu theo nghĩa là: khối lượng đô la của Mĩ phát hành ra nước ngoài vượt quá khả năng thanh toán bằng vàng của Mĩ. Còn ở trong nước, với chế độ tiền giấy lưu hành bắt buộc, nghĩa là với tiền giấy không thể chuyển đổi được ra vàng, thì lạm phát có nghĩa là: khối lượng đô la phát hành ra vượt quá số lượng vàng được tiền giấy đó đại biểu và lẽ ra phải được lưu thông thực sự.

2- Ở trong nước, lạm phát làm cho đồng đô la giảm giá ngay tức khắc, biểu hiện ở giá cả hàng hóa tăng lên. Nhưng ở ngoài nước, đồng đô la lạm phát vẫn giữ nguyên giá trị – vàng và sức mua của nó, nhờ sự cam kết của Mĩ và chính sách “ổn định giá vàng” của Mĩ.

3- Ở trong nước, bằng lạm phát, chính phủ Mĩ có thể trang trải được nợ: nó cướp trắng của nhân dân để trả nợ cho nhân dân. Nhưng ở ngoài nước, chừng nào Mĩ còn giữ lời cam kết về đồng tiền của nó thì “thanh toán” bằng đô la chỉ có nghĩa là tích nợ lại mà thôi. Mỗi đồng đô la trong tay nước ngoài đều là một văn tự nợ đối với kho vàng của Mĩ, hay một khoản nợ ngắn hạn đối với Mĩ. Bất kì lúc nào, chủ nợ, tức là người nước ngoài sở hữu đô la, đều có thể yêu cầu Mĩ thanh toán số tiền giấy đó bằng vàng.

Thông thường thì không phải tất cả các chủ nợ đều đòi Mĩ thanh toán cùng một lúc. Như bất cứ hệ thống tín dụng nào khác, hệ thống tín dụng quốc tế này đứng vững được cũng nhờ đặc điểm đó. Và chừng nào mà Mĩ còn chưa phải thanh toán số tiền giấy của nó bằng vàng thì cái lợi đối với Mĩ thật là vô cùng to lớn! Chỉ bằng những mảnh giấy in đó thôi, Mĩ mua hết nhà máy này đến công ty khác của nước ngoài và từ đó, hàng năm thu hàng nghìn triệu đô la lợi nhuận. Chỉ bằng những mảnh giấy in đó thôi, Mĩ “viện trợ” và cho vay hết nước này đến nước khác, biến họ thành những “thần dân” của Mĩ, đồng thời cũng không quên bắt họ nộp cống mỗi năm hàng trăm triệu đô la lợi tức. Cũng chỉ bằng những mảnh giấy in đó thôi, Mĩ nuôi sống cả triệu lính Mĩ ở nước ngoài, dựng lên cả một mạng lưới đàn áp và gây chiến vòng quanh trái đất. Ngót hai mươi năm nay, bằng tiền “giả” của nó, nước Mĩ chiếm đoạt của thế giới biết bao nhiêu là tiền thật, của cải, tư bản, quyền lực chính trị và ưu thế về kinh tế, tài chính!

Đem so với tổng số vốn đầu tư của Mĩ ở nước ngoài hiện nay là 117 tỷ đô la, người ta có thể nói rằng 1/3 số tư bản này là dựa vào lạm phát tiền giấy, cũng tức là dựa vào vay nợ ngắn hạn của nước ngoài. Tổng thống Pháp Đờ-gôn đã có lần hậm hực vạch ra rằng: số đô la Mĩ lạm phát ở Tây Âu bằng số vốn Mĩ đầu tư ở Tây Âu. Đờ-gôn mới chỉ nói đến số đô la trong tay các chính phủ các nước Tây Âu chứ chưa nói đến số đô la trong tay tư nhân các nước đó. Ông ta cũng mới chỉ nói đến số vốn Mĩ đầu tư trực tiếp, tức là đầu tư vào các xí nghiệp, chứ chưa nói đến số vốn Mĩ đầu tư dưới các hình thức khác. Cả hai số liệu nói trên, năm 1966, đều vào khoảng 16 tỷ đô la.

Dùng tiền giấy mà lấy được cả thiên hạ, hèn nào mà Mĩ chẳng ham! Vì tiền giấy mà nghiêng ngửa cả giang sơn, trách nào mà Pháp (cũng không riêng gì Pháp) chẳng cay cú!

Sự bất bình của vàng hay là mâu thuẫn của chế độ bản vị vàng hối đoái

Như trên đã thấy, chế độ bản vị vàng hối đoái đã đặt nước Mĩ (và nước Anh) vào một địa vị cực kì béo bở. Nhưng cũng chính chế độ đó sẽ đặt nước Mĩ (và nước Anh) trước những tai họa khủng khiếp.

1- Trước hết tai họa nằm ngay trong cái lợi cực kì lớn của Mĩ: đặc quyền phát hành. Cái lợi càng lớn thì tai họa càng khủng khiếp. Mâu thuẫn cơ bản của đồng đô la với tư cách đồng tiền quốc tế là ở chỗ đó. Mâu thuẫn cơ bản của chế độ bản vị vàng hối đoái cũng ở chỗ đó.

Muốn được thế giới tiếp nhận như vàng, đồng tiền giấy của Mĩ phải trải qua một quá trình trong đó hàng hóa Mĩ đóng vai trò xung kích, mở đường cho nó chiếm lĩnh trận địa khắp thế giới, đồng thời thu hút vàng của thế giới về Mĩ. Đồng đô la lúc này thực sự là giá trị, dù đó là giá trị dưới hình thái hàng hóa hay là giá trị dưới hình thái vàng. Nói đúng hơn, người ta tiếp nhận đồng tiền giấy của Mĩ coi như giá trị, coi như vàng là vì người ra cần đến nó để đổi lấy giá trị của Mĩ dưới hình thái hàng hóa.

Nhưng một khi được tiếp nhận như vàng rồi thì tình thế bắt đầu xoay chuyển ngược lại, nghĩa là xoay chuyển theo chiều hướng ngày càng xa rời vàng. Sự lạm dụng bắt đầu. Sự lạm dụng – hay lạm phát – chẳng phải là khuynh hướng bắt nguồn từ bản chất của tiền giấy với tư cách tiền giấy đó sao? Tiền giấy, cho dù gắn bó với vàng thế nào đi nữa, cũng vẫn không phải là vàng. Phương thức tồn tại của nó cho phép nó có một đời sống riêng, độc lập với vàng, do đó cũng cho phép nó ngày càng xa rời vàng, thậm chí thoát ly hẳn sự kiểm soát của vàng. Điều này đúng trong phạm vi quốc gia, cũng đúng cả trong phạm vị quốc tế. Sự vận động của đồng đô la từ năm 1950 trở đi chính là theo chiều hướng đó.

Tuy nhiên, sự lạm dụng đặc quyền phát hành tự nó lại tạo ra những giới hạn cho bản thân nó, tự nó lại tạo ra những nhân tố phủ định bản thân nó.

Bước vào con đường lạm phát, điều đó có nghĩa là sức hấp dẫn của nền kinh tế Mĩ đối với nước ngoài, cũng tức là sức hấp dẫn của hàng hóa Mĩ, đã không còn mạnh như trước nữa. Chính sức hấp dẫn đó trước đây đã buộc thế giới phải kiếm cho ra đồng tiền của Mĩ (bằng cách bán hàng, bán vàng, tiếp nhận vốn đầu tư của Mĩ hoặc đi vay nợ của Mĩ), để rồi lại hút đồng tiền đó trở lại nước Mĩ, làm cho thế giới luôn luôn bị hãm vào tình trạng “đói đô la”. Ngày nay, sức hấp dẫn đó không còn đủ mạnh để cân bằng với khuynh hướng chi đô la ra nước ngoài nữa. Khuynh hướng này, ngược lại, trở nên mạnh mẽ hơn. Sự tích lũy đô la trong tay nước ngoài đạt đến một trình độ nào đó thì sẽ biến thành bệnh “chướng bụng vì đô la”. Đến đây, sự lạm dụng danh nghĩa của vàng đã khiến cho danh nghĩa đó trở thành hoang đường. Trước kia người ta sùng bái đồng đô la bao nhiêu thì bây giờ người ta hoài nghi về giá trị thực của nó bấy nhiêu. Trước kia người ta coi nó hệt như vàng, bây giờ người ta giật mình nhận ra nó chỉ là giấy!

Cái cơ sở hàng hóa của sự tín nhiệm đã không còn bao nhiêu nữa thì sinh mệnh của đồng tiền giấy từ nay tùy thuộc vào cái trụ vàng của nó là chủ yếu. Và trước đây chỉ là một đồ trang sức dường như xa xỉ thì nay đột nhiên nổi bật nên hàng đầu. Chỉ có vàng mới thực sự là hiện thân của lao động con người nói chung. Như vậy, sự xa rời vàng tự nó tạo ra những giới hạn cho nó. Xa rời hình thái nguyên thủy của nó đến một mức nào đó thì tiền tệ bị bắt buộc phải quay về hình thái ấy, nếu không sẽ trở thành hoang đường.

Lúc này, tình thế có thể xảy ra theo hai khả năng:

a) Hoặc là kho vàng của Mĩ đủ sức thỏa mãn mọi yêu cầu đổi đô la ra vàng. Như vậy thì địa vị quốc tế của đồng đô la sẽ được cứu vãn, nhưng lạm phát thì phải giảm (một bộ phận đô la không còn chức năng tiền tệ nữa được đổi ra vàng). Lạm phát giảm cũng có nghĩa là đặc quyền phát hành bị thu hẹp lại, trận địa quốc tế của đồng đô la bị thu hẹp lại.

b) Hoặc là kho vàng của Mĩ tỏ ra bất lực, nước Mĩ phải vỡ nợ bằng cách tuyên bố phá giá đồng đô la. Như vậy thì địa vị quốc tế của đồng đô la sụp đổ. Nếu nó không sụp đổ vĩnh viễn thì cũng chỉ có thể gượng dậy với thế lực sút kém, tín nhiệm sút kém và trận địa co hẹp lại.

Dù tình thế xảy ra theo khả năng nào thì đặc quyền phát hành cũng đã vấp ngã, nếu không phải là sụp đổ hoàn toàn. Đặc quyền phát hành tự mâu thuẫn với bản thân nó. Chính nó phủ định bản thân nó.

2- Ngoài mâu thuẫn cơ bản trên đây, chế độ bản vị vàng hối đoái còn bao hàm mâu thuẫn trong bản thân giá trị của đồng đô la  đồng đô la với hai tư cách: với tư cách là đồng tiền quốc gia và với tư cách là đồng tiền quốc tế.

Với tư cách là đồng tiền quốc gia mà sự đảm bảo bằng vàng chỉ hoàn toàn có tính cách tượng trưng, đồng đô la có đầy đủ đặc trưng của một đồng tiền giấy. Nó cũng liên tục giảm giá do hậu quả của lạm phát. Nếu lấy sức mua của nó năm 1939 là 100 thì các năm sau là:

1946 : 71,2
1947 : 62,2
1950 : 57,8
1954 : 51,7
1957 : 49,4
1960 : 47,3
1964 : 44,0
1966 : 42,2
1967 : 39,2

Tuy nhiên, với tư cách là đồng tiền quốc tế, nó vẫn giữ nguyên tỷ giá so với vàng do pháp luật nước Mĩ ấn định vào năm 1934. Điều đó có nghĩa là: khi chi ra nước ngoài, nó có một sức mua cao hơn nhiều so với sức mua thật sự của nó, sức mua ở trong nước. Nói một cách khác: khi đóng vai trò đồng tiền quốc tế, đồng đô la được người Mĩ gán cho một giá trị – vàng giả tạo.

Chừng nào chính phủ còn cam kết và thực hiện lời cam kết “dùng đến ôn-xơ vàng cuối cùng” để bảo vệ tỷ giá 35 đô la/1 ôn-xơ vàng thì chừng đó, giá trị – vàng giả tạo của đồng đô la còn được duy trì. Nhưng, có gì là đảm bảo rằng chính phủ Mĩ sẽ giữ mãi lời cam kết đó, khi mà kho vàng của Mĩ cứ cạn dần và sắp cạn đến đáy?

Người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao Mĩ lại ngoan cố duy trì giá trị – vàng giả tạo của đồng đô la như vậy?

Thứ nhất, đó là vì địa vị quốc tế của đồng đô la đòi hỏi như vậy. Đồng đô la muốn sánh ngang với vàng và thay mặt cho vàng để đứng ra làm bản vị cho hệ thống tiền tệ thế giới. Nếu nó không giữ một tỷ giá cố định so với vàng cũng tức là không đại diện cho một trọng lượng vàng không thay đổi, thì làm sao có thể tự coi “ngang với vàng” được? Mà nếu không thể tự coi ngang với vàng thì làm sao trở thành đồng tiền chủ chốt của thế giới tư bản, để từ đó nước Mĩ giành lấy cái đặc quyền phát hành đầy thế lực và vô cùng béo bở?

Thứ hai, đó là vì giá trị – vàng giả tạo này rất có lợi cho sự chi tiêu của Mĩ. Đô la Mĩ đầu tư ra nước ngoài hoặc cho nước ngoài vay, nhờ có sức mua cao hơn (biểu hiện bằng tiền của nước ngoài, bằng cổ phiếu hoặc bằng tài sản của nước ngoài) nên kiếm được suất lợi nhuận hay suất lợi tức cao hơn. Chi phí của chính phủ Mĩ ở nước ngoài cần đến ít đô la hơn. Ngay người Mĩ đi du lịch ở nước ngoài cũng vớ bở vì dùng đô la mua hàng ở nước ngoài rẻ hơn là mua ở trong nước. Nói tóm lại, nhờ đại diện cho một trọng lượng vàng lớn hơn thực tế, đồng đô la đổi được một khối lượng của cải (giá trị) lớn hơn khi chi ra nước ngoài.

Đương nhiên, đồng đô la trị giá cao hơn thực tế sẽ làm cho giá hàng xuất khẩu của Mĩ cao hơn giá trị thực tế, do đó, làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mĩ trên thị trường quốc tế yếu đi một cách tương ứng. Đáng lẽ chỉ phải bỏ ra 3/4 hay 1/2 ôn-xơ vàng, người nước ngoài phải bỏ ra cả 1 ôn-xơ – giá trị – vàng trên thị trường quốc tế của 35 đô la để đổi lấy một hàng hóa Mĩ trị giá 35 đô la. Cái giá 35 đô la này, ở nơi sản xuất ra hàng hóa, chỉ đại biểu cho một lượng giá trị tương đương với giá trị của 3/4 hay 1/2 ôn-xơ vàng mà thôi. Nếu không phải là nước có trình độ năng suất lao động cao hơn hẳn các nước khác, lại có ưu thế kĩ thuật về nhiều mặt hàng, nhất là về mặt hàng máy móc thiết bị, thì hàng xuất khẩu của Mĩ đã bị đánh gục từ lâu rồi, và từ lâu, Mĩ đã phải định lại giá trị – vàng của đồng đô la, cũng tức là đánh sụt giá đồng đô la, để cứu vãn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Mĩ. Nhưng, nhờ những ưu thế trên đây (và một phần khác nhờ vào “viện trợ” thương mại hóa), cán cân thương mại của Mĩ hầu như năm nào cũng dư được trên dưới 5 tỷ đô la. Cái hại do giá trị – vàng giả tạo của đồng đô la gây ra cho khả năng cạnh tranh của hàng Mĩ xuất khẩu chưa chắc đã bằng cái lợi do nó đem lại bằng cách nâng cao giá trị – vàng của 5 tỷ đô la xuất siêu này.

Đối với một nước có quyền “bán” đô la ra nhiều hơn là “mua” vào, lại có khả năng bán hàng hóa ra nhiều hơn là mua vào thì rõ ràng, giá trị cao giả tạo của đồng đô la là hết sức có lợi. Đồng đô la với tư cách đồng tiền quốc gia ngày càng giảm giá bao nhiêu thì đồng đô la với tư cách đồng tiền quốc tế càng được khuyến khích bấy nhiêu.

Nhưng, việc chi đô la ra nước ngoài sớm muộn cũng làm cho thế giới “chướng bụng vì đô la”. Hậu quả của bệnh này, như ai nấy đều biết, sẽ là bệnh “chảy máu vàng” ở phía nước Mĩ. Đồng tiền giấy của nước Mĩ thì phải trả về cho nước Mĩ, còn vàng thì trả về cho tiền tệ thế giới! Chẳng phải đơn thuần vì xấu bụng mà đế quốc Pháp năm 1965, đã công khai mở đầu cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách chọc thẳng mũi dao của nó vào mạch máu vàng của nước Mĩ. Sự xấu bụng đó ít ra thì cũng được sự vật ủng hộ, nếu không phải là do chính sự vật ra lệnh.

3- Cuối cùng, mâu thuẫn còn nằm ngay trong tỷ giá của đồng đô la so với vàng.

Vàng là một sản phẩm của lao động, một hàng hóa có giá trị riêng của nó. Giá trị của vàng quyết định bởi thời gian lao động xã hội cần thiết để khai thác vàng. Thứ kim loại này chủ yếu do các mỏ ở Nam Phi cung cấp. Hằng năm, Nam Phi cung cấp tới 3/4 sản lượng vàng của thế giới tư bản.

Do giá các loại hàng (hàng tiêu dùng và thiết bị khai thác mỏ) đều không ngừng tăng lên và do các nguyên nhân kinh tế – kĩ thuật khác, giá thành khai thác vàng không ngừng tăng lên. Trong khi ấy, thì giá cả của vàng tính bằng đô la vẫn bị Mĩ khống chế ở mức quy định của năm 1944. Việc khống chế giá cả của vàng đã đến hai hậu quả:

a) Nhiều mỏ vàng trên thế giới đã phải ngừng hoạt động khiến cho số cung về vàng tăng lên chậm chạp. Những tin tức sau đây nói lên tình trạng đó:

Tạp chí Nước Pháp mới, ngày 20-3-1968, viết:

“ Có nhiều mỏ ở Mĩ, ở Pháp, và nhiều nơi khác đã ngừng hoạt động vì không thể bán với giá 35 đô la/1 ôn-xơ vàng. Chúng chỉ có thể hoạt động trở lại khi nào giá chính thức của vàng tăng lên, ít nhất gấp đôi. Theo các công ty hầm mỏ lớn thì các mỏ ở Nam Phi vẫn còn mang lại doanh lợi, nhưng ngày càng ít đi. Các công ty này xác nhận rằng sở dĩ họ tiếp tục khai thác được là nhờ các kim loại hiếm khác thường tồn tại kết hợp với vàng, mà giá cả của những thứ này thì lại không bị chặn đứng lại.”

Hãng thông tấn AP, phát đi từ Tô-ky-ô, ngày 17-12-1967, đưa tin:

“Chính phủ và Nghị viện Nhật đang đề nghị ra sức đẩy mạnh việc khai thác lại các mỏ vàng ở Nhật để bổ sung cho dự trữ vàng còn ít ỏi của Nhật, vì nhu cầu về vàng trên thị trường quốc tế đang tăng lên.

“Hồi trước chiến tranh thế giới thứ hai, mỗi năm Nhật sản xuất được 27 tấn vàng. Những năm sau chiến tranh, sản lượng vàng giảm xuống chỉ còn 6 tấn. Số mỏ vàng hoạt động cũng bị giảm nhiều: từ 172 mỏ trước chiến tranh, còn 42 mỏ. Sự giảm sút về sản lượng vàng và về số mỏ vàng hoạt động là do chi phí khai thác tăng, so với giá vàng quy định là 35 đô la/1 ôn-xơ. Ngày nay chỉ có một trong số 42 mỏ là hoạt động có lợi về mặt kinh tế mà thôi. Có 8 công ty lớn khai thác vàng bị lỗ mỗi gam là 61 yên, tức là gần 2 xu Mĩ.”

Tạp chí Tin Mĩ và thế giới , ngày 29-4-1968, viết:

“Trong những năm qua, khi giá vàng được ấn định ở mức 35 đô la/1 ôn-xơ, giá cả các hàng hóa khác, kể cả máy móc và các thiết bị khai thác mỏ, đã tăng lên gấp đôi. Chi phí cho lao động cũng tăng lên nữa. Kết quả là chỉ có 4 hay 5 mỏ còn hoạt động ở Mĩ. Sản lượng vàng của Mĩ từ 4,8 triệu ôn-xơ năm 1940, tụt xuống còn có 1,8 triệu ôn-xơ 1967, mà nửa số đó là sản phẩm phụ của các mỏ chì, kẽm và đồng.

… Ông chủ tịch công ty mỏ Hô-mơ-xtếch, một công ty sản xuất lớn nhất nội địa cho rằng dù giá vàng có được nâng lên thì sản xuất vàng ở Mĩ và ở nước ngoài cũng không tăng lên (ông chủ tịch tự lừa dối mình và lừa dối thiên hạ để làm vừa lòng chính sách không phá giá đồng đô la của chính phủ Mĩ đó thôi! – T.P). Năm ngoái công ty này sản xuất được 600.000 ôn-xơ vàng, với chi phí xấp xỉ 35,20 đô la/ 1 ôn-xơ. Còn công ty Niu-mơn, công ty khai thác vàng lớn thứ hai ở Mĩ thì có những mỏ mới lộ thiên, ở Nê-va-đa, giá thành sản xuất có rẻ hơn các mỏ ngầm dưới đất, vì xe ủi đất có thể ủi được phần đất che kín quặng vàng.

“…Người ta đã đề nghị với quốc hội nên trợ cấp để khuyến khích tăng sản lượng vàng ở Mĩ như Ca-na-đa đã làm, nhưng cho tới nay, quốc hội chưa hưởng ứng ý kiến này.

“…Ở Ca-na-đa, nước sản xuất vàng lớn thứ hai trên thế giới tự do, sản lượng gần đây giảm đi nhiều, và ít có dấu hiệu chứng tỏ tình hình sẽ biến chuyển. Từ mức sản xuất cao là 4,6 triệu ôn-xơ năm 1960, trị giá 162 triệu đô la năm 1967 còn có 3 triệu ôn-xơ, trị giá 104 triệu đô la. Khoảng một nửa sản lượng vàng của Ca-na-đa là sản xuất có lãi, không cần trợ cấp. Một số nhà chức trách Ca-na-đa tin rằng giá vàng tăng lên sẽ thúc đẩy mở các mỏ mới và mở rộng sản xuất ở các mỏ hiện nay,

“Theo báo Người khai thác mỏ ở miền Bắc thì hiện bay ở Ca-na-đa có 75 mỏ không khai thác, và nếu giá vàng tăng, các mỏ đó lại bắt đầu hoạt động ngay. Tuy nhiên, các chuyên viên của chính phủ Ca-na-đa tuyên bố rằng muốn thúc đẩy mạnh khai thác vàng ở Ca-na-đa thì phải nâng giá vàng lên tới 100 đô la/1 ôn-xơ”.

b) Mặt khác, giá cả tương đối thấp của vàng sao với giá trị thực tế của nó lại khuyến khích tư nhân mua vàng vì nhu cầu trang sức và cất trữ. Hầu như toàn bộ số vàng khai thác hàng năm của thế giới tư bản chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu công nghiệp và những nhu cầu nói trên của tư nhân. Dự trữ vàng của ngân hàng các nước, cũng tức là vàng dùng làm tiền tệ, chỉ tăng lên rất ít. Riêng số vàng bán ra của Liên Xô (Liên Xô là nước sản xuất vàng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam Phi) đã bằng quá nửa số vàng tăng lên của dự trữ đó.

Những số liệu sau đây (do Ngân hàng thanh toán quốc tế công bố) có thể cho ta một ý niệm cụ thể về những điều đó.

Sản xuất và sử dụng vàng trên thế giới:

(Đơn vị: triệu đô la, tính theo giá 35 đô la = 1 ôn-xơ.
– Quy ra trọng lượng vàng thì 1 triệu đô la = 888,671 kg vàng)

Năm Sản lượng của thế giới tư bản Liên xô bán ra Bổ sung vào dự trữ của ngân hàng Nhà nước Dùng trong công nghiệp Đồ trang sức và cất trữ của tư nhân
1956 975 150 490 165 470
1957 1.015 260 690 195 390
1958 1.050 220 680 200 390
1959 1.125 300 750 220 455
1960 1.175 200 345 265 765
1961 1.215 300 600 285 630
1962 1.295 200 330 330 835
1963 1.355 550 840 325 740
1964 1.405 450 750 430 675
1965 1.440 550 240 465 1.285 (*)
1966 1.440 0 95 500 2.035 (**)
Cộng 13.490 3.180 5.620 3.380 7.670

Chú thích:  (*) trong đó có 150 triệu đô la (vàng) do Trung Quốc mua.

                   (**) trong đó có 75 triệu đô la (vàng) do Trung Quốc mua.

Qua bảng thống kê trên, ta thấy sản lượng vàng của thế giới tư bản năm 1966 chưa tăng được gấp rưỡi so với năm 1956. Nhưng cũng thời gian đó, vàng chuyển vào tay tư bản tư nhân dưới hình thức cất trữ và đồ trang sức lại tăng hơn 2 lần. Tổng cộng trong 11 năm, tư nhân chiếm tới quá một nửa số lượng vàng khai thác được. Vàng dùng vào công nghiệp tuy tăng lên cũng nhanh (hơn 3 lần), nhưng tổng số chưa bằng một nửa số vàng chuyển vào tay tư nhân.

Phải chăng đã đến lúc nhân dân thế giới có thể tự giải thoát khỏi nền kinh tế hàng hóa để biến vàng thành đồ trang sức? Phải chăng nhân dân thế giới ưa thích cất trữ vàng dưới đáy hòm của mình hơn là biến nó thành tiền gửi vào ngân hàng để kiếm lợi tức hàng tháng? – Hoàn toàn không phải như vậy. Người ta chỉ có thể giải thích hiện tượng trên đây bằng sự khủng hoảng tín nhiệm của các đồng tiền giấy – kể cả các đồng tiền “mạnh” – mà lạm phát đã thành một chứng bệnh kinh niên. Trong khi tiền giấy của tất cả các nước tư bản hầu như năm nào cũng giảm giá mất mấy phần trăm, còn giá vàng thì lại cố định ở mức 35 đô la/1 ôn-xơ, thì những khoản tiền dành dụm được của quần chúng thà chịu kết tinh lại dưới hình thái vàng, còn hơn là đi tìm kiếm lợi tức ở các ngân hàng để chịu lấy cái họa giảm giá và phá giá. Điều này càng nổi bật hơn nữa nếu ta nhìn vào tổng số vàng do tư nhân cất trữ (đồ trang sức, về thực chất cũng là một hình thức cất trữ). Con số đó lên tới 18 tỷ đô la (ước tính), trong khi tổng số vàng dự trữ của các Nhà nước tư sản cũng chỉ có 40 tỷ.

Chúng ta trở lại chính sách khống chế giá vàng của Mĩ. Muốn cho đồng đô la đóng được vai trò tiền tệ thế giới, thay mặt cho vàng và thay thế cho vàng, Mĩ không thể không đảm bảo cho nó có một nội dung vàng nhất định, không thể không cột chặt đồng đô la vào vàng theo một tỷ lệ cố định. Nhưng, cột chặt đồng đô la vào vàng theo một tỷ lệ cố định, đứng về phía vàng mà nói, thì lại có nghĩa là cột chặt vàng vào đồng đô la theo một giá cả cố định. Cùng một biện pháp, đối với đồng đô la là ổn định tỷ giá hối đoái, nhưng đối với vàng thì lại khống chế giá cả. Khống chế giá cả vốn là một biện pháp ngược với đời sống của hàng hóa. Vàng, với tư cách là hàng hóa, có đời sống riêng của nó, oái oăm thay, lại hướng theo hai chiều hướng đối lập: vàng thì ngày càng tăng giá, còn đô la thì ngày càng sụt giá. Hai yếu tố khả biến này ghép chung vào một đẳng thức bất biến, sớm hay muộn cũng đi tới chỗ không dung lẫn nhau.

Chừng nào Mĩ còn đủ lực lượng để khống chế thị trường vàng quốc tế thì chừng đó giá cả giả tạo của vàng, cũng tức là giá trị – vàng giả tạo của đồng đô la, còn được duy trì. Nhưng, khi mà vàng của Mĩ không còn là lực lượng áp đảo trên thị trường vàng quốc tế nữa, khi mà bệnh “chảy máu vàng” về phía Mĩ và bệnh “chướng bụng vì đô la” về phía các nước khác đã đạt tới trình độ khiến “con dê vàng” của Mĩ không còn đủ sức chịu đựng trước áp lực của đô la nữa thì lúc đó, vàng sẽ phá tung xiềng xích của đồng đô la để sống cuộc sống tự do của nó. Giá cả của vàng sẽ xoay quanh giá trị của vàng, chứ không phải đạo luật ngày 30-1-1934 của Mĩ nữa. Sự cân đối bên trong đẳng thức giữa vàng và đô la phải được lập lại bằng một hành động bạo lực: phá giá đồng đô la.

Với những mâu thuẫn nội tại trên đây thì chế độ tiền tệ quốc tế hiện hành – chế độ lấy đô la làm bản vị thay cho vàng – không phải là một chế độ có cơ sở vững bền. Nó được thiết lập nhờ sức mạnh kinh tế của đế quốc Mĩ sau Đại chiến. Bản thân sức mạnh kinh tế này lại chỉ là sản phẩm nhất thời của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc. Chính quy luật này đã đưa đế quốc Anh và đồng tiền của nó lên đỉnh cao của sự kiêu ngạo để rồi sau đó, lại đẩy cho chúng ngã nhào dưới gót chân vàng của đế quốc Mĩ. Cũng chính quy luật này đã đặt đế quốc Mĩ và đồng tiền của nó lên ngôi bá chủ thế giới tư bản bằng cách gạt tất cả các đối thủ cạnh tranh của Mĩ xuống hàng con nợ và khách mua hàng. Nhưng, sự vật không dừng lại ở chỗ đó. Từ những năm 50 trở đi, sự phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc không ngừng đục khoét dưới chân đồng đô la Mĩ, làm cho chế độ bản vị vàng hối đoái do nó thống trị, giờ đây, đang lung lay tận gốc.

Một lần nữa, Tư bản lại run lên vì những “cơn sốt rét vàng” hay đúng hơn, vì cơn mê sảng của nỗi nhớ vàng. Sự bất bình của vàng, qua 20 năm nung nấu, giờ đây lại đạt tới điểm bùng nổ mới.

Từ tiệm tiến đến bột phát

Từ những khái luận về lý luận trình bày ở trên, giờ đây chúng ta có thể dễ dàng đi vào nội dung cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay.

Cuộc khủng hoảng đã được tiến trình lịch sử của 18 năm qua chuẩn bị khá chu đáo. Có thể nói, khi đồng đô la xác lập được địa vị bá chủ của nó thì cũng chính là lúc nó bắt tay chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng của nó.

Cuộc đời ngắn ngủi của đồng tiền quốc tế này kể từ lúc nó độc chiếm được địa vị của vàng cho tới lúc nó bị sự vùng dậy của vàng hất ra khỏi địa vị đó, có thể chia làm 3 thời kì rõ rệt.

Thời kì thứ nhất là thời kì cực thịnh của nó. Thời kì này chỉ vẻn vẹn có 4 năm đầu sau đại chiến (1946-1949). Trong thời kì này, tín nhiệm quốc tế của đồng đô la coi như tuyệt đối. Sự tín nhiệm đó dựa trên những cơ sở kinh tế vững chắc sau đây:

1- Số dư của Mĩ trong cán cân thương mại (chỉ kể hàng hóa, không kể dịch vụ) rất lớn:

Đơn vị: tỷ đô la
  Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất siêu
1946 11,7 5,0 6,7
1947 16,0 6,0 10,0
1948 13,1 7,5  5,6
1949 12,1 6,9  5,2
Cộng 27.5

Nước Mĩ đang bội thu trong cán cân thương mại có nghĩa là phần còn lại trong thế giới tư bản đói hàng hóa Mĩ và do đó, đói đô la Mĩ. Địa vị bá chủ của đồng đô la, xét cho cùng, bắt nguồn từ chỗ đó.

2- Số “viện trợ” của chính phủ Mĩ cho nước ngoài cũng rất lớn: năm 1947 là 6,2 tỷ đô la, năm 1948 là 4,9 tỷ, năm 1949 là 5,8 tỷ. Nếu kể cả 5 tỷ cho Anh và Pháp vay năm 1946 thì số tiền Mĩ “cấp” cho nước ngoài trong 4 năm (chủ yếu là để mua hàng hóa Mĩ) lên tới 22 tỷ đô la.

Một nguồn cung cấp đô la quan trọng nữa là số vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta hãy so sánh số vốn đó qua các năm sau đây (số tích lại, đến cuối mỗi năm):

Đơn vị: triệu đô la 
  1940 1945 1950
Vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài: -12.275   -18.818   -31.539  
Vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ: +13.535   +17.022   +17.635  
Chênh lệch: +1.260   +204   -13.904  

 Năm 1945, vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ vẫn còn trội hơn số vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài 204 triệu đô la. Nhưng, đến năm 1950, vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài đã vượt số vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ 13,9 tỷ đô la. Như vậy, mức tăng thuần túy của vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm đó lên đến 14,1 tỷ đô la, bình quân mỗi năm tăng gần 3 tỷ.

 Hai khoản “viện trợ” và đầu tư nói trên là hai dòng kênh chính tưới đô la đi khắp thế giới tư bản, cung cấp cho thế giới này những phương tiện mua hàng của Mĩ, đồng thời cũng là “đôi hia bảy dặm” đưa đồng đô la đi khắp thế giới, với tư cách là kẻ chinh phục.

3- Mặc dù số “viện trợ” và đầu tư ra nước ngoài to lớn như vậy, cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ năm nào cũng vẫn còn dư:

Đơn vị: tỷ đô la

1946 1,2
1947 4,6
1948 1,0
1949 0,2
Cộng: 7,0

Số dư trong cán cân thanh toán của Mĩ có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, nền kinh tế Mĩ trong thời kì này vẫn còn đủ sức gánh vác những kế hoạch bành trướng đầy tham vọng của chủ nghĩa đế quốc Mĩ. Như vậy vì hai lẽ: một mặt, nền ngoại thương của Mĩ chưa vấp phải một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nào trên thị trường thế giới, và mặt khác, chi phí quân sự và chạy đua vũ trang chưa trở thành một nguồn chi ngoại tệ quan trọng của Mĩ.

4- Nhờ bội thu liên tục trong cán cân thanh toán quốc tế, Mĩ đã bòn rút được khá nhiều vàng của thế giới tư bản (riêng Pháp đã mất 1,5 tỷ đô la vàng trong những năm 1945-1948), đưa dự trữ vàng của Mĩ tới con số kỷ lục: 24,5 tỷ đô la, chiếm trên 70% dự trữ vàng của thế giới tư bản. Trong khi đó thì khối lượng đô la Mĩ trong tay nước ngoài, cũng tức là nợ ngắn hạn Mĩ, tương đối nhỏ:

Đơn vị: tỷ đô la 
  Dự trữ vàng Nợ ngắn hạn
1945 20,065 2,7
1946 20,075  
1947 22,866  
1948 24,398 6,1
1949 24,563 6,4

Như vậy, trong cái thế giới kiệt quệ vì chiến tranh này, nước Mĩ nghiễm nhiên biến thành kho hàng hóa của thế giới, chủ nợ của thế giới, nguồn vốn của thế giới và kho vàng của thế giới. Những điều kiện này đã đặt đồng tiền quốc gia của Mĩ lên địa vị đồng tiền chúa của thế giới, sánh ngang với vàng và thay thế cho vàng.

Cho đến năm 1949, Mĩ vẫn liên tục bội thu trong cán cân thanh toán quốc tế và liên tục thu hút vàng về Mĩ. Nhưng, bước sang năm sau, những khuynh hướng hoàn toàn trái ngược bắt đầu xuất hiện và ngày càng trầm trọng. Đó là đặc trưng của thời kì mới – thời kì xuống dốc của đồng đô la.

Thời kì thứ hai này kéo dài suốt những năm 50 (1950-1959). Địa vị quốc tế của đồng đô la còn tương đối vững, nhưng những nhân tố dẫn đến khủng hoảng thì đã xuất hiện và không ngừng tích lũy lại:

1- Cán cân thanh toán của Mĩ liên tục thiếu hụt (trừ năm 1957 bội thu không đáng kể nhờ một nhân tố ngẫu nhiên: vụ kênh Suez). Đặc biệt 2 năm cuối của thời kì này lại càng thiếu hụt nghiêm trọng:

Đơn vị: tỷ đô la

1950 -3,6
1951 -0,3
1952 -0,1
1953 -2,2
1954 -1,6
1955 -1,1
1956 -0,9
1957 +0,5
1958 -3,5
1959 -3,7
Cộng                   -17,4

2- Cán cân thanh toán liên tục thiếu hụt, một mặt làm cho đô la không ngừng chảy ra nước ngoài (trường hợp “thanh toán” bằng đô la), cũng tức là nợ ngắn hạn của Mĩ không ngừng tăng lên, mặt khác làm cho kho vàng của Mĩ giảm dần (trường hợp phải thanh toán thực sự bằng vàng):

Đơn vị: tỷ đô la 
  Dự trữ vàng Nợ ngắn hạn
1949 24,563 6,4
1950 22,819  
1951 22,873  
1952 23,252  
1953 22,091 10,0
1954 21,793 11,1
1955 21,752 11,7
1956 22,058 13,5
1957 22,875 13,6
1958 20,582 14,6
1959 19,570 16,2

Về nguồn gốc sâu xa của tình hình trên đây, phải kể đến hai nhân tố:

1- Lực lượng đối sánh giữa các nước đế quốc đã bắt đầu thay đổi và ngày càng thay đổi bất lợi cho Mĩ. Các nước Tây Âu, sau khi hoàn thành khôi phục kinh tế, chẳng những không đơn phương nhập hàng của Mĩ mà còn cạnh tranh ngày càng dữ dội với Mĩ trên thị trường quốc tế. Vì vậy cán cân thương mại của Mĩ không còn giành được những số dư to lớn và ổn định như trong thời kì trước nữa:

  Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất siêu
1950 10,1 9,1 1,0
1951 14,1 11,2 2,9
1952 13,3 10,8 2,5
1953 12,2 10,9 1,3
1954 12,8 10,3 2,5
1955 14,2 11,5 2,7
1956 17,3 12,8 4,5
1957 19,4 13,3 6,1
1958 16,2 12,9 3,3
1959 16,3 15,3 1,0
    Cộng: 27,8

2- Trong khi số xuất siêu – nguồn lợi thu ngoại tệ chủ yếu của Mĩ – giảm, thì chi của Mĩ ở nước ngoài, do tham vọng làm bá chủ hoàn cầu của Mĩ, lại không ngừng tăng lên.

Cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên (1950-1953), và tiếp sau đó là chính sách chạy đua vũ trang được đẩy mạnh liên tục đã trở thành gánh nặng cho cán cân thanh toán của Mĩ. Chi phí quân sự ở nước ngoài, từ mức nửa tỷ đô la mỗi năm, đã mau chóng đạt mức 3 tỷ: (Đơn vị: triệu đô la).

1946 493 1951 1.270
1467 455 1952 2.054
1948 799 1953 2.615
1949 621 1954 2.642
1950 576 1955 2.901
Cộng:              2.944 1956 2.949
    1957 3.216
    1958 3.345
    1959 3.107
                Cộng:       24.189

“Viện trợ” cho nước ngoài vẫn được duy trì ở mức cao: (tỷ đô la)

1950 3,7
1951 3,6
1952 3,4
1953 6,1
1954 5,5
1955 4,2
1956 4,4
1957 3,7
1958 3,9
1959 4,0
Cộng 42,5

Còn vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài, sau một thời gian bị kìm hãm bởi cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên, lại tiếp tục tăng lên:

Đơn vị: triệu đô la
    1950 1955 1960
– Vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài   – 31.539 – 43.323 -68.927
– Vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ   +17.635 +27.831 +41.190
Chênh lệch:   -13.904 -15.492 -27.737

Trong 5 năm đầu, mức tăng thuần túy chỉ đạt 1,5 tỷ đô la. Nhưng 5 năm sau, đã đạt 12,2 tỷ.

Như trên ta thấy, tham vọng bành trướng của chủ nghĩa đế quốc Mĩ đã vượt xa khả năng gánh vác của nền kinh tế Mĩ. Kết quả là cán cân thanh toán liên tục thiếu hụt (trong 10 năm, hụt 17,4 tỷ đô la), điều này khiến cho dự trữ vàng bị tiêu hao dần (trong 10 năm, tiêu hao 5 tỷ đô la), và khối lượng đô la phát hành ra nước ngoài tăng lên nhanh chóng (trong 10 năm, phát hành thêm 10 tỷ đô la). Từ chỗ có 24,5 tỷ đô la vàng để đối phó với 16,2 tỷ đô la nợ ngắn hạn. Nói cách khác, kho vàng mà Mĩ canh phòng cẩn mật ở Pho Cơ-nôc giờ đây hầu như chỉ còn là vàng của nước ngoài gửi tạm ở đất Mĩ!

Chế độ bản vị vàng hối đoái, với đặc quyền lạm phát mà nó trao cho Mĩ, đã chơi trò hai mặt: một mặt, nó giúp cho Mĩ tạm thời “giải quyết” được khó khăn – bằng cách đùn tiền giấy cho nước ngoài giữ – mặt khác, nó che giấu và tích lũy khó khăn lại để chuẩn bị cho những tai họa khủng khiếp. Những tai họa này là đặc trưng của thời kì thứ ba – thời kì khủng hoảng và sụp đổ của đồng đô la với tư cách là kẻ tiếm đoạt địa vị của vàng.

Xét theo ý nghĩa liên tục của quá trình phát triển thì thời kì thứ hai thực ra chỉ là bước chuẩn bị tiệm tiến cho những biến cố bùng nổ trong thời kì thứ ba. Nó tích lũy những biến đổi về số lượng để sang thời kì sau, chuyển thành những biến đổi về chất lượng.

Thời kì thứ ba bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng của đồng đô la năm 1960 và kết thúc cũng bằng một cuộc khủng hoảng – nghiêm trọng hơn – vào năm 1967-1968.

Những nhân tố dẫn đến cuộc khủng hoảng thì đã được tích lũy lại trong suốt thời kì thứ hai rồi. Từ lâu, khi nhận đồng đô la thay cho vàng, người ta không thể không hoài nghi về giá trị thực của nó. Nhưng, chỉ đến cuối năm 1960, khi cán cân thanh toán của Mĩ xấu đi một cách đặc biệt nghiêm trọng thì sự hoài nghi đó mới đột biến thành một phong trào “lẩn tránh đồng đô la” trên quy mô thế giới.

Nhìn vào số dư trong cán cân thương mại của Mĩ thì năm 1960 vẫn là trội hơn rất nhiều so với năm 1959: 4,7 tỷ đô la so với 1 tỷ. Sở dĩ như vậy là vì: trong khi ở Mĩ đã xuất hiện cuộc khủng hoảng sản xuất thừa thì phần lớn các nước Tây Âu, nền kinh tế vẫn tiếp tục giai đoạn phồn vinh của nó. Kết quả là Mĩ đã tăng được xuất khẩu và giảm được nhập khẩu.

Ngoài khoản xuất siêu, Mĩ còn một nguồn thu ngoại tệ quan trọng nữa: 3,3 tỷ đô la lợi nhuận về đầu tư ở nước ngoài. Trừ đi số lợi nhuận mà Mĩ phải trả cho số vốn nước ngoài đầu tư ở Mĩ, thu nhập thuần túy về lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài của Mĩ cũng còn 2,2 tỷ đô la.

Tuy nhiên, cả hai số dư to lớn đó vẫn không đủ để trang trải những khoản chi ngoại tệ còn to lớn hơn của Mĩ. Chỉ riêng 3 khoản chi chủ yếu – chi phí quân sự (3 tỷ đô la), “viện trợ” (3,6 tỷ đô la), và đầu tư dài hạn của tư nhân (2,1 tỷ đô la) – đã ngốn hết 8,7 tỷ đô la rồi. Thêm vào đó, phải kể đến 2,8 tỷ đô la vốn đầu tư ngắn hạn của người nước ngoài và của cả người Mĩ chảy khỏi nước Mĩ trong năm đó vì lí do tình hình kinh tế và tài chính của Mĩ xấu đi. Kết quả là cán cân thanh toán của Mĩ hụt đi 3,9 tỷ đô la – một con số kỷ lục kể từ sau đại chiến. Cần phải nói thêm rằng đây không phải là năm đầu tiên mà là năm thứ 3 cán cân thanh toán của Mĩ thiếu hụt nghiêm trọng (năm 1958 hụt 3,5 tỷ, năm 1959 hụt 3,7 tỷ, năm 1960 hụt 3,9 tỷ, so với những năm trước chỉ hụt trên dưới 1 tỷ đô la).

Tình hình trên đây không thể không gây ra một tâm lý không tín nhiệm phổ biến đối với đồng đô la. Nói cho đúng thì những nguyên nhân kinh tế của cuộc khủng hoảng đã chín muồi đến mức không biểu hiện thành một cuộc “khủng hoảng tín nhiệm”. Người ta xô nhau đẩy đồng đô la đi và mua vàng về. Tháng 10-1960, giá vàng ở thị trường quốc tế Luân-đôn vọt lên 40,60 đô la/1 ôn-xơ, khi Mĩ hoảng hốt đình chỉ bán vàng ra thị trường (cuối tháng lại tiếp tục bán ra). Chỉ riêng quý IV, thông qua thị trường này, Mĩ đã mất 500 triệu đô la vàng vào tay tư nhân. Đó là chưa kể đến 250 triệu đô la vàng mới khai thác cũng bị thị trường này nuốt chửng. Về phần các chính phủ tư sản, người cũng đã hành động không chút chậm trễ. Thông qua con đường chính thức, và theo đúng thể thức của hiệp nghị Bơ-rit-tơn Ut, 36 nước, chủ yếu là các nước Tây Âu, đã đổi đô la lấy vàng của Mĩ. Số vàng Mĩ bán ra trong năm 1960 tổng cộng lên tới 1.968 triệu đô la.

Từ 1950 đến 1959, suốt 10 năm đó, dự trữ vàng của Mĩ mới hụt mất 5 tỷ đô la. Vậy mà nay, chỉ trong vòng một năm, hay đúng hơn chỉ trong vòng mấy tháng, nó đã hụt mất 2 tỷ. Điều đó đủ nói lên cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến mức nào.

Về phía vàng mà nói thì đây là hiệp giao tranh đầu tiên với đồng đô la, kể từ khi đồng tiền này xác lập được bá quyền của nó qua chế độ bản vị vàng hối đoái mới. Nhưng, chỉ một hiệp giao tranh đầu tiên này đã đủ để chứng minh tính chất bấp bênh của chế độ bản vị vàng hối đoái mới cũng như sự sa sút nhanh chóng của đồng đô la. Từ chỗ dường như chỉ còn là một bóng ma bướng bỉnh của “thời dã man”, phút chốc vàng đã biến thành một lực lượng vật chất đáng sợ. Nó được đế quốc Mĩ phải tự đặt mình vào tình trạng báo động. Một loạt “các biện pháp đặc biệt” đã được đề ra:

– Cố gắng giảm bớt 1 tỷ đô la chi tiêu của chính phủ Mĩ ở nước ngoài bằng cách hạn chế việc chi ngoại tệ của nhân viên quân sự Mĩ và gia đình họ ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh khối quân sự xâm lược Bắc Đại Tây Dương đỡ bớt gánh nặng cho Mĩ.

– Hạn chế ngặt nghèo việc chi ngoại tệ của người Mĩ đi du lịch ở nước ngoài, đồng thời tìm cách thu hút thêm khách du lịch nước ngoài vào Mĩ.

– Hạn chế tư nhân Mĩ xuất khẩu tư bản, đồng thời tìm mọi cách thu hút tư bản nước ngoài vào Mĩ.

– Cố gắng tăng xuất khẩu bằng cách tăng tín dụng của nhà nước đối với xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Mĩ, đấu tranh với Tây Âu đòi bãi bỏ những sự hạn chế đối với hàng hóa Mĩ, v.v…

Những biện pháp trên đây đã có tác dụng xoa dịu nhất định đối với con bệnh cán cân thanh toán, đặc biệt là biện pháp hạn chế vốn đầu tư ngắn hạn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, những nguồn chi ngoại tệ chủ yếu quyết định chiều hướng xấu của cán cân thanh toán thì vẫn được duy trì. Tiếp đến là cuộc “chiến tranh cục bộ” ở Việt Nam, cuộc chiến tranh này đã giáng một đòn chí mạng vào cán cân thanh toán của Mĩ.

Để cải thiện cán cân thanh toán, Mĩ đặt hy vọng lớn nhất vào việc tranh thủ xuất siêu mạnh hơn. Nhưng dễ gì mà đạt được ý đồ đó trong cái thế giới của những năm 60 này! Mặc dù tổng ngạch xuất khẩu của Mĩ đã được nâng lên gấp đôi, ba lần so với 2 thời kì trước, con số xuất siêu của Mĩ vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 5 tỷ đô la:

  Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất siêu
1960 19,4 14,7 4,7
1961 19,9 14,5 5,4
1962 20,6 16,1 4,5
1963 22,0 17,0 5,0
1964 25,3 18,6 6,7
1965 26,2 21,5 4,7
1966 29,1 25,5 3,6
1967 30,9 26,8 4,1
Cộng:              38,7

Trong khi đó thì viện trợ cho nước ngoài vẫn được duy trì ở mức cao (Tỷ đô la):

1960 3,6
1961 3,4
1962 3,9
1963 4,1
1964 3,6
1965 3,3
1966 3,7
1967 3,4
Cộng:     29,0

Đầu tư ra nước ngoài, mặc dù đã “tự nguyện hạn chế”, vẫn tăng lên với tốc độ lớn hơn trước:

Đơn vị: triệu đô la

  1960 1963 1964 1965 1967
– Vốn Mĩ đầu tư ra nước ngoài -68.927 -88.301 -99.119 -106.065 -117 (tỷ)
– Vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ +41.190 +51.486 +56.883 +58.932 +60 (tỷ)
Chênh lệch: -27.737 -36.815 -42.236 -47.133 -51 (tỷ)

Qua 5 năm đầu, mức tăng thuần túy đạt là 19,4 tỷ đô la, bình quân mỗi năm gần 4 tỷ. Sang năm 1966 và 1967, tác dụng kìm hãm của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã bộc lộ rõ: bình quân mỗi năm chưa đầy 2 tỷ. Tuy nhiên nhìn chung trong 7 năm, mức tăng thuần túy vẫn đạt 23,3 tỷ, bình quân mỗi năm 3,3 tỷ.

Chi phí quân sự, ở nước ngoài thì giảm chưa được bao nhiêu (nhờ thu hẹp một số căn cứ và hạn chế chi tiêu của lính Mĩ) đã phải vội tăng lên theo đà leo thang của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam:

 Đơn vị: triệu đô la

1960 3.069
1961 2.981
1962 3.083
1963 2.936
1964 2.861
1965 2.921
1966 3.694
1967 4.500 (dự tính)
Cộng:                           26.045

Kết quả là cán cân thanh toán liên tục thiếu hụt, dự trữ vàng liên tục giảm, khối lượng đô la phát hành ở nước ngoài liên tục tăng:

Đơn vị: triệu đô la

  Cán cân thanh toán Dự trữ vàng Nợ ngắn hạn
1960 -3,9 17,804 17,2
1961 -2,4 16,947 18,8
1962 -2,2 16,507 19,8
1963 -2,6 15,596 21,3
1964 -2,8 15,471 23,8
1965 -1,3 14,065 27,0
1966 -1,5 13,235 31,4
1967 -3,6 12,065 35,0
     Cộng:                     -20,3    

Với những chiều hướng phát triển như trên thì một cuộc khủng hoảng mới, trầm trọng hơn, là không thể tránh khỏi. Thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng – có thể nói – đã được chỉ định vào cuối năm 1967, khi mà cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã phát huy đầy đủ tác dụng của nó và do đó, cán cân thanh toán của Mĩ sau nhiều năm gắng gượng, đã thụt xuống cái hố bội chi nghiêm trọng: 3,6 tỷ đô la. Cũng vào lúc này, toàn bộ dự trữ vàng của Mĩ chỉ còn đủ để trang trải 1/3 khối lượng đô la phát hành ở nước ngoài, khác xa năm 1960 là lúc Mĩ vẫn còn một lượng vàng đủ để trang trải – ít ra là trên lý thuyết – toàn bộ khối lượng đô la phát hành ở nước ngoài.

So với lần trước, mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng lần này, có thể nói, đã được nhân lên gấp đôi, ba lần. Lý do rất dễ hiểu: nếu cuộc khủng hoảng 1960 là sự bùng nổ của những điều kiện tích lũy lại suốt những năm 50 thì cuộc khủng hoảng năm 1967 lại là sự bùng nổ của những điều kiện tích lũy lại suốt những năm 50 và những năm 60 cộng lại. Trong thời gian 18 năm đó, cán cân thanh toán của Mĩ thiếu hụt 38 tỷ đô la, dự trữ vàng của Mĩ giảm đi một nữa (12 tỷ đô la so với 24,5 tỷ), và nợ ngắn hạn của Mĩ tăng lên 5 lần (35 tỷ đô la so với 6,4 tỷ). Tình thế đã hoàn toàn đảo ngược: nước dư thừa nhiều nhất thì nay biến thành nước nợ nần nhiều nhất, nạn đói đô la thì nay chuyển thành bệnh chướng bụng vì đô la, và đồng tiền mạnh nhất thì nay mắc bệnh khó chữa nhất. Sự xói mòn đã hoàn thành nhiệm vụ của nó: toàn bộ nền móng của tòa lâu đài đã sụt lở. Giờ đây, chỉ một dấu hiệu không bình thường của cái phong vũ biểu cán cân thanh toán cũng đủ gây chấn động như một trận động đất.

Nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng

Giữ vai trò là một phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế, bản thân đồng đô la lại không phải – như vàng – là hiện thân của giá trị. Nó mượn giá trị ở nền kinh tế Mĩ. Vì vậy, sức mạnh của nó tùy thuộc vào sức mạnh của cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ. Cán cân này dư thừa có nghĩa là thế giới đói đô la Mĩ, và đồng tiền này trở thành đối tượng tìm kiếm. Ngược lại cán cân này thiếu hụt có nghĩa là lạm phát đô la Mĩ, điều này sớm muộn sẽ dẫn đến sự tranh chấp giữa vàng và đô la. Những nhân tố gì đã gây nên tình trạng thiếu hụt – và thiếu hụt kéo dài – của cán cân thanh toán quốc tế Mĩ? Phân tích vấn đề này tức là vạch rõ những nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng tiền tệ, chỉ rõ căn bệnh của đồng đô la.

Nhìn vào cán cân thanh toán, ta phân biệt hai loại nhân tố đối lập nhau: một loại tạo ra số dư, còn một loại tạo ra số hụt. Loại trên phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mĩ, loại dưới biểu hiện những tham vọng đế quốc chủ nghĩa của Mĩ. Tấn bi kịch của đế quốc Mĩ là ở chỗ: trong khi sức mạnh về kinh tế của nó suy yếu đi tương đối thì tham vọng đế quốc chủ nghĩa của nó vẫn lớn và ngày càng lớn.

Hai nhân tố chủ yếu tạo nên số dư là: xuất siêu và lợi nhuận về đầu tư nước ngoài.

Từ sau đại chiến đến nay, cán cân thương mại (chỉ kể hàng hóa) của Mĩ năm nào cũng dư. Cộng lại trong 22 năm, số dư của Mĩ lên tới 94 tỷ đô la, bình quân mỗi năm dư trên 4 tỷ. Số dư to lớn đó, hiển nhiên, biểu thị ưu thế của nền kinh tế Mĩ, trước nhất là ưu thế về mặt kĩ thuật.

Tuy nhiên, chiếc “mề đay” còn có mặt trái của nó nữa. Chúng ta biết rằng “viện trợ” là một đòn bẩy quan trọng để mở rộng xuất khẩu hàng hóa của các nhà tư bản Mĩ. Bình quân hàng năm, chính phủ Mĩ “viện trợ” cho nước ngoài trên 4 tỷ đô la. Số tiền này cho phép hàng hóa xuất khẩu của Mĩ tăng lên tương ứng. Như vậy, có thể nói, toàn bộ số xuất siêu bằng tiền “viện trợ” của Mĩ mà đạt được. Đạt được xuất siêu bằng tiền của chính mình, hẳn không phải là một ưu thế trong cạnh tranh!

Việc xuất siêu của Mĩ còn dựa vào một nhân tố đặc biệt nữa: xuất khẩu tư bản. Phần lớn số vốn đầu tư ra nước ngoài của tư nhân Mĩ là nhằm thiết lập chi nhánh của các công ty Mĩ ở nước ngoài. Số tiền này trở thành một đòn bẩy quan trọng để mở rộng xuất khẩu thiết bị máy móc của Mĩ. Sự việc khác nào như nước Mĩ chuyển một bộ phận máy móc thiết bị của nó ra nước ngoài để lập chi nhánh ở đó, nhưng, dưới giác độ của ngoại thương (dưới giác độ này, người ta chỉ biết nước Mĩ đã bán một số hàng ra nước ngoài, bất kể là chính người Mĩ, dùng tiền của nước Mĩ, đã mua số hàng đó) thì nó lại biểu hiện thành một khoản xuất khẩu! Khoản xuất khẩu này thường chiếm tới 1/5 tổng ngạch xuất khẩu hàng năm của Mĩ.

Chỉ với hai khoản trên, chúng ta đã thấy sức cạnh tranh của nền ngoại thương Mĩ thực ra chẳng có gì là ghê gớm cả. Cái mà nó thu được dưới hình thức xuất siêu chẳng qua là cái mà nó bỏ ra dưới hình thức “viện trợ” và đầu tư trực tiếp. Thậm chí, cái bỏ ra còn lớn hơn cái thu về nữa!

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng số dư về ngoại thương của Mĩ có chiều hướng giảm đi tương đối và tuyệt đối: nếu những năm đầu sau chiến tranh, Mĩ chỉ cần một tổng ngạch xuất là 10-15 tỷ đô la đã bội thu được 5 tỷ, thậm chí 10 tỷ, thì những năm gần đây, với một tổng ngạch xuất lớn gấp đôi (20-30 tỷ đô la), nó cũng chỉ bội thu được 5 tỷ, thậm chí không đầy 5 tỷ. Tình hình này phản ánh lực lượng đối sánh giữa các nước đế quốc ngày càng thay đổi bất lợi cho Mĩ, và cuộc đấu tranh giành thị trường ngày càng trở nên ác liệt.

Ngoài khoản xuất siêu, Mĩ còn một nguồn thu ngoại tệ quan trọng nữa: lợi nhuận và lợi tức của vốn đầu tư ở nước ngoài. Số vốn đầu tư ở nước ngoài năm 1945 mới có 17 tỷ đô la, năm 1967 đã lên tới 117 tỷ. Lợi nhuận và lợi tức (lợi tức chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ) mà nó thu được hàng năm (không kể số lợi nhuận không chia) cũng tăng lên một cách đều đặn:

Đơn vị : triệu đô la

  Mĩ thu về lợi nhuận và lợi tức (+) Mĩ trả về lợi nhuận và lợi tức (-) Chênh lệch (+)
1946 772 212 560
1947 1.102 245 857
1948 1.340 280 1.060
1949 1.395 333 1.062
1950 1.593 369 1.224
1951 1.882 414 1.468
1952 1.828 412 1.407
1953 1.910 461 1.449
1954 2.227 420 1.807
1955 2.444 489 1.955
1956 2.662 568 2.094
1957 2.817 639 2.178
1958 2.845 669 2.176
1959 3.043 828 2.215
1960 3.350 1.063 2.287
1961 3.941 1.007 2.934
1962 4.419 1.110 3.309
1963 4.649 1.324 3.325
1964 5.389 1.455 3.934
1965 5.888 1.729 4.159
1966 6.245 2.074 4.171
1967 (dự tính) 6.600 2.300 4.300
Cộng: 68.341 -18.410 +49.931

Trong 22 năm, tư bản Mĩ đã bòn rút của nhân dân thế giới gần 70 tỷ đô la lợi nhuận và lợi tức, bằng 70% tổng số vốn nó bỏ ra cũng trong thời gian đó. Trừ đi số lợi tức và lợi nhuận (lợi nhuận chỉ chiếm một tỷ nhỏ) mà Mĩ phải trả cho vốn của nước ngoài đầu tư ở Mĩ thì thu nhập thuần túy của nó cũng còn 50 tỷ đô la.

Nếu khoản thu ngoại tệ của Mĩ nhờ xuất siêu còn mang tính chất không ổn định và có chiều giảm đi tương đối và tuyệt đối thì trái lại, khoản thu nhờ lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài lại hết sức ổn định và hàng năm đều tăng lên. Tầm quan trọng của nó trong cán cân thanh toán của Mĩ, do đó, ngày càng tăng. Từ chỗ chỉ đóng một vai trò rất phụ trong cán cân này, nó đã đuổi kịp khoản xuất siêu vào những năm gần đây với mức thu nhập thuần túy mỗi năm trên 4 tỷ đô la.

Xuất siêu và lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài, đó là hai cái cột trụ của cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ. Dựa vào hai khoản thu này, hàng năm Mĩ chi ra những khoản rất lớn nhằm phục vụ mưu đồ bá chủ thế giới của nó. Ba khoản sau đây là những khoản chi lớn nhất: đầu tư ra nước ngoài, “viện trợ” cho nước ngoài, và chi phí quân sự ở nước ngoài.

Qua 22 năm sau đại chiến, vốn đầu tư của Mĩ ở nước ngoài đã tăng thêm 100 tỷ đô la, bình quân mỗi năm tăng 4,5 tỷ. Đem so với số liệu của năm 1940 (12,2 tỷ đô la) và năm 1945 (16,8 tỷ đô la), người ta dễ dàng nhận thấy rằng gần toàn bộ “cơ nghiệp” của Mĩ ở nước ngoài hiện nay là được gây dựng nên trong những năm sau Đại chiến. Cũng cần chỉ ra rằng nhịp độ tăng của vốn đầu tư càng về sau càng nhanh: từ gần 3 tỷ đô la bình quân hàng năm trong khoảng 1946-1950, lên 3,7 tỷ trong khoảng 1951-1960, rồi 7 tỷ trong khoảng 1961-1967. Đáng chú ý là năm 1964, nó đã đạt mức trên 10 tỷ đô la và sau đó, chỉ vì những biện pháp hạn chế đặc biệt (đưa ra năm 1965), mà nó mới tạm thời tụt xuống. Lòng thèm khát thống trị và tỷ suất lợi nhuận cao đã sai khiến tư bản Mĩ di cư ra nước ngoài luôn luôn vượt quá số tư bản nước ngoài đầu tư vào Mĩ (vốn nước ngoài đầu tư vào Mĩ phần lớn là đầu tư ngắn hạn, còn đầu tư dài hạn thì phần lớn là dưới hình thức cổ phiếu, số đầu tư trực tiếp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ). Cộng chung lại trong 22 năm, chỉ riêng sự vận động của tư bản đã làm cho Mĩ bội chi 51 tỷ đô la.

Một nguồn chi chủ yếu khác nằm trong chính sách “viện trợ” của Mĩ. Chính “viện trợ” đã nuốt hết số xuất siêu của Mĩ. Từ năm 1946 đến năm 1967, tổng số tiền Mĩ “viện trợ” (kinh tế và quân sự) cho nước ngoài lên đến 93 tỷ đô la, trong đó chừng 75 tỷ là cho không, hay đúng hơn là trả giá cho sự lệ thuộc. Con số nói trên chưa bao gồm khoản “viện trợ” trực tiếp bằng vũ khí và khoản “viện trợ lương thực”, hai khoản này cũng lên tới vài chục tỷ đô la.

Cuối cùng, cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ còn chịu gánh nặng của những chi phí quân sự ở nước ngoài. Từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, số chi phí thường xuyên ở mức 3 tỷ đô la mỗi năm, mặc dầu Mĩ đã nhiều lần thu gọn các căn cứ đóng ở nước ngoài, giảm mức chi tiêu của lính Mĩ ở nước ngoài, và thuyết phục các nước “đồng minh” chịu bớt gánh nặng chi phí cho Mĩ. Cái tiết kiệm chỉ đủ bù vào cái phải tăng lên. riêng các nước “đồng minh” thì chẳng chịu buông ra tí nào, vì một lẽ đơn giản: chi phí ngoại tệ của Mĩ lại là nguồn thu ngoại tệ của chính họ. Cộng chung lại trong 22 năm, chi phí quân sự ở nước ngoài đã ngốn hết của Mĩ 53 tỷ đô la.

Ngoài ba khoản chi gắn liền với âm mưu bá chủ toàn cầu của đế quốc Mĩ kể trên, cán cân thanh toán của Mĩ còn chịu gánh nặng của cái thú du lịch của người Mĩ. Cái thú du lịch này, ngoài cơ sở kinh tế của nó là thu nhập và mức sống của người Mĩ, còn có động cơ kinh tế nữa: đồng đô la Mĩ với tư cách là đồng tiền quốc tế được đánh giá cao hơn đồng đô la với tư cách là đồng tiền quốc gia. Điều này cho biết người Mĩ đi du lịch ra nước ngoài mua được khối lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn nhiều so với trường hợp mua ở trong nước. Kết quả là năm nào Mĩ cũng bội chi về du lịch. Trên một ý nghĩa nào đó, khoản nhập siêu về hàng hóa và dịch vụ này cũng bắt nguồn từ địa vị được ưu đãi của đồng đô la Mĩ trên trường quốc tế.

Đơn vị: triệu đô la

Bội chi về du lịch Bội chi về du lịch
1946 191   1958 635  
1947 209   1959 708  
1948 297   1960 857  
1949 308   1961 850  
1950 335   1962 1.007  
1951 284   1963 1.156  
1952 290   1964 1.106  
1953 355   1965 1.188  
1954 414   1966 1.206  
1955 499   1967 2.000  
1956 570   Cộng:            5.052  
1957 587      

Qua 22 năm, riêng về mục “xa xỉ” này, nước Mĩ đã bội chi 15 tỷ đô la. Cái làm cho nó lo lắng hơn cả là: số bội chi về du lịch cứ theo đà giàu có của nước Mĩ mà tăng lên và năm qua đã đạt tới con số 2 tỷ đô la, mặc dầu nhà cầm quyền đã đưa ra khá nhiều biện pháp hạn chế ngặt nghèo. Sự việc quả là không giản đơn, khi mà chính sự giàu có lại là nguyên nhân trực tiếp của thiếu thốn!

Với chiều hướng tác động của những nhân tố kể trên thì tình trạng thiếu hụt kinh niên của cán cân thanh toán là điều không thể tránh khỏi. Chừng nào chế độ bản vị vàng hối đoái mới còn trao cho Mĩ đặc quyền phát hành giấy bạc cho cả thế giới, và chừng nào chủ nghĩa đế quốc Mĩ còn chưa thay đổi bản chất thì chừng ấy, chiếm ưu thế trong cán cân thanh toán của Mĩ vẫn là chiều hướng gây ra nạn thiếu hụt.

Xuất khẩu tư bản vốn là nguồn sống của chủ nghĩa đế quốc. Xuất khẩu tư bản càng nhiều thì nguồn sống của chủ nghĩa đế quốc càng dồi dào. Chính là thông qua con đường này mà nước Mĩ đế quốc chủ nghĩa đã tạo lập được một “nước” Mĩ đế quốc chủ nghĩa khác nằm ngoài lãnh thổ nước Mĩ. “Nước” Mĩ đế quốc chủ nghĩa này có sức cạnh tranh thậm chí còn mạnh hơn cả nước Mĩ chính cống, nhờ kết hợp được ưu thế kĩ thuật của Mĩ với những điều kiện kinh doanh thuận lợi của những nước mà tư bản Mĩ xâm nhập: nhân công rẻ, nguyên liệu sẵn, hàng bán tại chỗ không phải chịu thuế quan, vốn bỏ ra bằng đô la được trị giá cao, v.v… Một nước Mĩ với 117 tỷ đô la vốn, trong đó khoảng một nửa là đầu tư trực tiếp, hàng năm sản xuất ra một khối lượng hàng hóa trị giá trên 100 tỷ đô la – bằng sản lượng của một cường quốc công nghiệp như Anh, Pháp, Tây Đức hay Nhật – và hàng năm đem lại gần 7 tỷ đô la lợi nhuận ròng, lại nằm ngay trong lòng các nước khác, kể cả các cường quốc công nghiệp, khống chế nhiều ngành kinh tế then chốt cùng nhiều tư bản quan trọng của các nước này – đó chẳng phải là một lực lượng đế quốc chủ nghĩa hùng mạnh, một đảm bảo vững chắc nhất cho địa vị bá chủ toàn cầu của Mĩ hay sao? Dùng sự thiếu hụt của cán cân thanh toán để đánh đổi lấy sự tạo lập và không ngừng tăng cường cái “cường quốc” đế quốc chủ nghĩa này – dù cho điều đó có bao hàm những tai họa khủng khiếp đi nữa – đó chẳng phải là đường lối phù hợp nhất với bản chất của chủ nghĩa đế quốc hay sao?

Về “viện trợ” cho nước ngoài, cũng cần phải nói như vậy. “Viện trợ” là công cụ chủ yếu của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mĩ. Bằng vụ khí “viện trợ”, Mĩ hất cẳng được một cách khá êm thấm các đế quốc thực dân già cỗi ra khỏi những vùng đất Thánh của chúng, khống chế được chính quyền và quân đội của các nước nhận “viện trợ”, xâm nhập các nước này về mặt kinh tế, cuối cùng biến các nước này thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ. Chẳng phải riêng gì các nước chậm phát triển, mà ngay cả những cường quốc công nghiệp ở châu Âu cũng đã từng khuất phục trước miếng mồi “viện trợ” của Mĩ: chấp nhận chính sách của Mĩ, mở cửa cho hàng hóa Mĩ và tư bản Mĩ xâm nhập, nhường lại cho Mĩ hàng loạt thuộc địa, v.v…“Viện trợ” còn là một liều thuốc kích thích đối với xuất khẩu hàng hóa của các công ty tư bản độc quyền Mĩ. Chỉ cần thả ra mỗi năm chừng 3 tỷ đô la mà đạt được các mục tiêu như trên, mua được cả mấy chục nước trên thế giới, như vậy chẳng phải là một giá quá hời sao? Lẽ nào chỉ vì cán cân thanh toán thiếu hụt vài tỷ đô la mà Mĩ đành phải từ bỏ những con mồi khổng lồ đã nằm trong nanh vuốt của nó?

Đối với những chi phí quân sự ở nước ngoài, đế quốc Mĩ càng không có cách gì tước bỏ. Trong thời đại ngày nay – thời đại tổng khủng hoảng ngày càng trầm trọng của chủ nghĩa tư bản, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thời đại đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập, thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng giải phóng dân tộc, thời đại các lực lượng cách mạng liên tục ở thế tiến công, liên tục đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc – thì việc giăng ra một màng lưới căn cứ quân sự bao quanh phe xã hội chủ nghĩa đồng thời đối phó với phong trào giải phóng dân tộc là một vấn đề sống còn đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu. Sự có mặt của quân đội Mĩ ở nước ngoài còn được dùng làm chỗ dựa trực tiếp cho các vị trí và quyền lợi đế quốc chủ nghĩa của Mĩ ở các nước và khu vực bị chiếm đóng đó. Như vậy, lẽ nào chỉ vì vài tỷ đô la của cán cân thanh toán mà con thú kia chịu tước bỏ những nanh vuốt của nó?

Hàng hóa Mĩ bành trướng trên các thị trường hải ngoại, tư bản Mĩ lập ra một “nước” Mĩ đế quốc chủ nghĩa ngoài lãnh thổ nước Mĩ, “viện trợ” Mĩ dựng lên một hệ thống thuộc địa kiểu mới, đồng đô la Mĩ giữ địa vị tiền tệ thế giới của vàng, và lực lượng quân sự Mĩ giữ vai trò sen đầm quốc tế, đó là những nhân tố chủ yếu cấu thành sức mạnh và địa vị bá chủ của Mĩ trên thế giới. Khốn thay, các nhân tố này không phải bao giờ cũng hòa hợp với nhau và làm điều kiện cho nhau. Trong khi nhằm mục tiêu và hướng phát triển riêng của chúng thì xuất khẩu tư bản, “viện trợ” và chi phí quân sự hải ngoại đã không ngừng đả kích vào nền móng của đô la. Nói cách khác, tham vọng bành trướng của Mĩ ngày càng trở nên quá lớn đối với thực lực của nó.

Phun-bơ-rai, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện Mĩ, đã diễn đạt khá đúng mâu thuẫn trên đây của đế quốc Mĩ trong cuốn sách nhan đề “Sự kiêu ngạo của sức mạnh”. Đúng là kiêu ngạo (hay tham vọng) bắt nguồn từ sức mạnh. Nhưng cũng rất đúng là: kiêu ngạo và sức mạnh không phải bao giờ cũng đi đôi với nhau. Kiêu ngạo, do bản chất của chủ nghĩa đế quốc, là vô hạn; còn sức mạnh, do quy luật cạnh tranh và phát triển không đồng đều của chủ nghĩa đế quốc, lại là có hạn và không ngừng chuyển hóa theo phía đối lập. Sự kiêu ngạo mà phát huy sức mạnh đến chừng mực nào đó thì ắt phải khủng hoảng và sụp đổ. Trường hợp của đồng đô la chỉ là một trong nhiều ví dụ.

Trên đây, chúng ta mới nói đến những nhân tố thường xuyên, tác động đến cán cân thanh toán của Mĩ trong suốt quá trình 20 năm nay. Những nhân tố đó – trừ khoản chi về du lịch – biểu hiện phương hướng cơ bản của đường lối của Mĩ. Chỉ riêng những nhân tố thường xuyên này đã đủ để quyết định chiều hướng xấu của cán cân thanh toán của Mĩ, và do đó, địa vị quốc tế của đồng đô la. Tuy nhiên, tình hình sẽ không xấu đến mức như hiện nay nếu như không xuất hiện một nhân tố đặc biệt: những chi phí to lớn do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gây ra. Nhân tố này có ảnh hưởng nhiều mặt đến chiều hướng xấu của cán cân thanh toán của Mĩ. Nó đẩy nhanh quá trình sụp đổ của đồng đô la và làm cho các biện pháp cứu chữa của đế quốc Mĩ trở thành vô hiệu.

Khi dấn mình vào cuộc chiến tranh này, kẻ “kiêu ngạo” nhất của thế kỷ chúng ta chắc mẩm rằng chỉ vài tỷ đô la, thậm chí vài chục tỷ đô la, là đủ để khuất phục ý chí của dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng đã lầm. Cuộc chiến tranh “cục bộ” từ giữa năm 1965 đến nay – theo các chuyên gia có thẩm quyền của Mĩ – đã ngốn hết 100 tỷ đô la (công bố chính thức của Mĩ chỉ nhận mức 50 tỷ), vậy mà cái thế sa lầy và thất bại của bọn xâm lược thì cứ mỗi ngày một trầm trọng thêm.

 Với mức chi phí như trên, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã và đang gây ra cho Mĩ – chỉ xét về mặt kinh tế – những khó khăn hết sức nghiêm trọng:

1- Ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng,

2- Lạm phát nghiêm trọng,

3- Khả năng bành trướng về kinh tế giảm sút nghiêm trọng: nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, “viện trợ” và đầu tư nước ngoài đều phải hạn chế,

4- Chi phí quân sự ở nước ngoài tăng vọt,

5- Địa vị quốc tế của đồng đô la sa sút nghiêm trọng,

6- Kinh tế phát triển hết sức bấp bênh: ngành thì “quá nóng”, ngành thì đình đốn hoặc giảm sút nghiêm trọng,

7- Đời sống trong nước bị “siết chặt”: thuế má tăng, lợi tức tăng, giá cả tăng, tiền lương thực tế giảm, các khoản chi về dân sự giảm.

Dù ở bất cứ địa vị nào, người Mĩ bây giờ đều công khai thừa nhận:

“Việt Nam chính là nguồn gốc gây ra mọi bệnh tật ở Mĩ” (theo tờ Thời báo tài chính, ngày 5-4-1968).

“Trong tình hình hiện tại, chiến tranh là cái mấu chốt quyết định tương lai của Mĩ, kể cả ở trong nước và ngoài nước. Vận mệnh chính trị của Giôn-xơn có liên quan chặt chẽ với chiến tranh. Tình trạng bất an (ý nói tình trạng rối loạn trong nội bộ xã hội Mĩ) một phần cũng là sản phẩm của chiến tranh. Ảnh hưởng của Mĩ trên thế giới bị suy mòn dần cũng là vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam” (Tin Mĩ và thế giới, ngày 8-4-1968).

Trong số những khó khăn kể trên thì tác động sâu sắc nhất đến địa vị quốc tế của đồng đô la trước hết là lạm phát, ngoại thương và chi tiêu ngoại tệ cho cuộc chiến tranh.

Mặc dầu đã tập trung vào tay nhà nước quá 1/3 thu nhập quốc dân thực sự của nước Mĩ, giới cầm quyền hiếu chiến Mĩ vẫn luôn luôn cảm thấy túng quẫn. Trong ba tài khóa, kể từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1968, ngân sách liên bang thiếu hụt 41 tỷ đô la, riêng tài khóa 1968 thiếu hụt 25 tỷ.

“Lối thoát” chủ yếu của giới cầm quyền Mĩ là lạm phát: số giấy bạc và công trái tăng lên vùn vụt. Từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1968, số giấy bạc lưu hành tăng thêm 7 tỷ đô la, tức là tăng 17%. Cũng trong thời gian ấy, số công trái tăng thêm trên 30 tỷ đô la, bằng một nửa số công trái phát hành trong 20 năm trước đó.

Lạm phát, ngoài những hậu quả khác, đã làm cho giá cả tăng vọt. Từ mức tăng thông thường hàng năm trước đây là 1,5 %, nó đã vọt lên 3% năm 1966, 4% năm 1967 và hiện nay đang tăng với tốc độ từ 5 đến 6%. Riêng những hàng tiêu dùng thiết yếu thì tốc độ tăng gấp tới 3-4 lần mức tăng chung nói trên. Giá cả tăng là một đòn đả kích hết sức nghiêm trọng vào địa vị quốc tế của đồng đô la. Nó làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa Mĩ trên thị trường thế giới, cũng tức là làm suy yếu chỗ dựa quan trọng nhất của đồng đô la. Giá cả tăng lên cũng có nghĩa là đồng đô la giảm giá thêm, sự chênh lệch về giá trị (hay sức mua) giữa đồng đô la nội địa và đồng đô la hải ngoại càng mở rộng, và do đó, tín nhiệm quốc tế của đồng đô la càng giảm sút.

Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Mĩ cũng rất tai hại. Cuộc chiến tranh đã buộc giới cầm quyền Mĩ phải thu hẹp rất nhiều khoản chi về dân sự trong ngân sách để trút tiền vào các khoản chi quân sự. Điều đó cũng có nghĩa là thu hẹp các ngành công nghiệp không cần phải nhập khẩu nhiều (như xây dựng nhà cửa, đường sá, v.v…) để mở rộng các ngành công nghiệp quân sự là những ngành đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều. Theo sự ước tính của các chuyên gia tài chính Mĩ thì số hàng phải nhập khẩu thêm vì cuộc chiến tranh có thể lên tới 3 tỷ đô la, tức là 10% tổng số chi phí hàng năm cho cuộc chiến tranh. Mặt khác, chiến tranh cũng hạn chế khả năng xuất khẩu của Mĩ vì lạm phát đã làm cho giá cả tăng và vì mức tiêu dùng trong nước đối với nhiều loại hàng cũng tăng. Để tỏ ra thận trọng, các chuyên gia tài chính Mĩ vẫn lấy con số 3 tỷ đô la làm mức thua thiệt nói chung trong cả hai khâu nhập khẩu và xuất khẩu.

Chiến tranh còn buộc phải tăng số chi phí trực tiếp bằng tiền mặt ở nước ngoài (thuê tàu bè của nước ngoài, mua bao cát, áo quan bằng ni-lông và một số hàng quân dụng khác ở những nước gần chiến trường Việt Nam, chi tiền tiêu vặt cho sĩ quan và binh lính Mĩ phục vụ cuộc chiến tranh ở nước ngoài, v.v…). Năm 1966, số chi phí đó còn ở mức 1 tỷ đô la, theo sự thú nhận của giới cầm quyền Mĩ. Từ năm 1967, nó đã đạt mức từ 1,5 đến 2 tỷ đô la.

Tờ Thời báo tài chính (Anh) ngày 5-4-1968 viết:

“Hầu hết mọi hết dự đoán đều cho rằng chi phí trực tiếp bằng ngoại tệ cho cuộc chiến tranh Việt Nam mỗi năm là 2 tỷ đô la. Nếu ta kể cả những ảnh hưởng gián tiếp tới cán cân thanh toán do cuộc chiến tranh này gây ra thì tác động toàn bộ còn lớn hơn nhiều. Không phải chỉ riêng nhà kinh tế học Rô-bớc Tơ-ríp-phin mới dự đoán là tổng số chi phí tác động tới cán cân thanh toán của Mĩ mỗi năm là 5 tỷ đô la. Con số này đã vượt xa con số bội chi trong cán cân thanh toán năm ngoái của Mĩ là 3,6 tỷ đô la”.

Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã khoét một lỗ hổng lớn và ngày càng lớn trong ngân sách cũng như trong cán cân thanh toán của Mĩ, một lỗ hổng mà Mĩ càng “hàn gắn” – bằng cách lạm phát ở trong nước đồng thời lạm phát ở ngoài nước – thì càng trút tai họa lên đồng tiền của Mĩ. Chẳng phải ai khác mà chính là Mác-tin, chủ tịch Sở dự trữ liên bang Mĩ (tức Ngân hàng Trung ương của Mĩ) đã cay cú lên án chính sách chiến tranh của giới cầm quyền Mĩ: “Chúng ta đang đứng trước một sự bội chi về ngân sách không thể tha thứ được, và cả về cán cân thanh toán nữa…Tôi cho rằng trách nhiệm của Sở dự trữ liên bang là phải vạch rõ hậu quả tai hại của tình hình bội chi liên tục này về ngân sách cũng như về cán cân thanh toán, mà tội phạm là chính sách “súng và bơ” (Tin Mĩ và thế giới, ngày 29-4-1968).

Cái oái oăm của lịch sử chính là ở chỗ: nó đặt đế quốc Mĩ dưới sức nặng của một cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử vào lúc mà nước Mĩ quẫn bách nhất sau 20 năm thi hành chính sách bành trướng đế quốc chủ nghĩa  một chính sách vừa căng lực lượng của nó ra khắp các trận địa, vừa liên tục xói mòn cái nền tảng sức mạnh đã đẻ ra chính sách ấy và vượt quá cả sức chịu đựng của cái nền tảng ấy.

Người Mĩ, vốn quen với lối tính của máy, thường tự lừa dối mình bằng những con số: “Để tiến hành cuộc chiến tranh Triều Tiên, nước Mĩ đã phải huy động tới 13% tổng sản phẩm xã hội cho ngân sách quốc phòng (năm 1953), còn đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, tỷ lệ đó chưa vượt quá 10% (năm 1967)”. Con số thì quả là như vậy. Song, then chốt của vấn đề này lại không phải là sự giàu có tuyệt đối của nước Mĩ, mà là sức mạnh tương đối của nó trên thế giới. Chỉ trên quan điểm này, người ta mới hiểu được tại sao nước giàu có nhất thế giới ngày nay lại chính là nước quẫn bách nhất thế giới.

Năm 1950, nước Mĩ từ đỉnh cao của sức mạnh mà lao vào cuộc chiến tranh. Nguồn dự trữ của nó rất dồi dào: ngoại thương mạnh tuyệt đối, đồng đô la mạnh tuyệt đối, cán cân thanh toán dư thừa, dự trữ vàng rất lớn, nguồn tài chính dồi dào, v.v… Còn bây giờ, qua 18 năm liên tục xuống dốc, nó đã và đang bị dặt trước một loạt vấn đề kinh tế nghiêm trọng: ngoại thương suy yếu, cán cân thanh toán thiếu hụt, đồng đô la lâm nguy, dự trữ vàng ít ỏi, tài chính căng thẳng, lạm phát nghiêm trọng, v.v… Đúng là sự giàu có tuyệt đối của nước Mĩ đã tăng lên 2 lần rưỡi (năm 1950, tổng sản phẩm xã hội của Mĩ là 290 tỷ đô la, năm 1967: 780 tỷ), nhưng cũng rất đúng là chưa bao giờ nước Mĩ quẫn bách như ngày nay!

Mặt khác, chính sách chạy đua vũ trang và “chiến lược toàn cầu” của đế quốc Mĩ qua 18 năm đó đã căng lực lượng của nó ra khắp các lĩnh vực và khắp các vùng trên thế giới khiến cho sự “rút lui” ở bất cứ lĩnh vực nào hay bất cứ khu vực nào cũng đều có ý nghĩa như một cuộc giải phẫu đau đớn. Đình chỉ chạy đua vũ trang ư? Đình chỉ xuất khẩu tư bản ư? Đình chỉ “viện trợ” ư? Rút bớt quân đội Mĩ về nước ư? Móng vuốt của con ác thú càng vươn xa bao nhiêu thì khả năng ứng phó của nó càng kém linh hoạt đi bấy nhiêu.

Chính trong điều kiện lịch sử trên đây đã làm cho sức phá hoại của cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành bất ngờ đối với Mĩ. Nói “Việt Nam là nguồn gốc của mọi bệnh tật ở Mĩ” – như giới tài chính Mĩ – thì quả là có phần quá đáng. Nhưng Việt Nam đúng là nguồn gốc làm cho mọi bệnh tật vốn có của Mĩ trở nên nguy kịch và không thể cứu chữa nổi.

Đứng bên cạnh con số 780 tỷ thì con số 5 tỷ (chi ngoại tệ) hay con số 30 tỷ (tổng số chiến phí) – dưới con mắt thuần túy số học – đều gần như là vô nghĩa. Nhưng, ác thay, đó lại là những “đòn điểm huyệt” bồi vào con thú khổng lồ đã bị căng ra và đang đuối sức.

Như trên ta đã thấy, nền móng của đô la đã bị xói mòn suốt 18 năm, do hậu quả của chính sách bành trướng đế quốc chủ nghĩa của Mĩ. Những trận lũ chi phí chiến tranh từ năm 1965 càng làm cho nó sụt lở nghiêm trọng thêm. Điều kiện quả là đã chín muồi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ bùng nổ. Và thời cơ bùng nổ đã đến: vụ phá giá đồng bảng Anh.

Giữ vai trò là một “đồng tiền mạnh” của thế giới tư bản, từ lâu đồng bảng Anh đã không còn mạnh nữa rồi. Nếu Đại chiến thứ nhất mở đầu cho thời kì suy sụp của đế quốc Anh thì Đại chiến thứ hai, trong khi xác lập ưu thế tuyệt đối của Mĩ, đã biến Anh thành “con bệnh kinh niên của châu Âu”. Trong hệ thống tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản sau Đại chiến thế giới thứ hai, sở dĩ đồng bảng Anh còn giữ được địa vị “đồng tiền mạnh” thứ hai sau đồng đô la (khoảng 1/3 khối lượng mậu dịch thế giới còn được tiến hành bằng bảng Anh), đó là một phần nhờ vào những tàn dư còn giữ được của thời oanh liệt đã qua, nhưng một phần cũng là nhờ nương tựa vào thế lực của đồng đô la Mĩ. Đồng bảng Anh không trực tiếp chuyển đổi được với vàng mà chỉ trực tiếp chuyển đổi được với đô la. Khi tỷ giá đồng bảng đe dọa tụt xuống dưới mức cho phép (1 bảng ăn 2,78 đô la) thì ngân hàng Anh phải tung đô la ra mua bảng Anh vào. Ngược lại, nó sẽ tung bảng Anh ra mua đô la nếu tỷ giá đồng bảng đe dọa vượt quá mức cho phép (1 bảng ăn 2,82 đô la). Như vậy, sự ổn định của đồng bảng tùy thuộc vào khối lượng của đô la (và một chừng nào, vào khối lượng các ngoại tệ khác) mà Anh nắm được để điều chỉnh cung cầu trên thị trường hối đoái. Vì thế mà mỗi lần đồng bảng Anh lâm nguy là một lần nó phải cầu cứu đến đồng đô la Mĩ: dự trữ ngoại tệ của Anh, nhờ được bơm thêm đô la vào, lại gắng gượng chống đỡ được một thời gian. Về phía đế quốc Mĩ, đương nhiên, nó chẳng hào hiệp gì khi cứu nguy cho đồng bảng Anh bằng những khoản tiền cho vay khá lớn. Một mặt, nó sợ những phản ứng dây chuyền tác động lên đồng đô la một khi đồng bảng Anh lâm nguy, mặt khác, nó lợi dụng sự “giúp đỡ” để lấn át thêm quyền lực của đối phương.

Kể từ lần phá giá năm 1949 (mức phá giá: 30,5%), đồng bảng Anh đã nhiều lần bị lao đao; chỉ nhờ vào vay nợ, chủ yếu là vay nợ Mĩ, nó mới tránh khỏi tai họa phá giá. Nguyên nhân căn bản là ở chỗ: nền kinh tế Anh suy yếu quá không còn đủ sức gánh vác những tham vọng của đế quốc chủ nghĩa (đầu tư ra nước ngoài và chạy đua vũ trang) mà nước Anh vẫn cố sức theo đuổi. Tình hình này làm cho cán cân thanh toán của Anh luôn luôn bệnh hoạn, dự trữ vàng và ngoại tệ của Anh luôn luôn căng thẳng. Số nợ ngắn hạn của Anh thường xuyên ở mức trên 4 tỷ đồng bảng. Số tiền này – chủ yếu là tiền dự trữ của các nước trong khối liên hiệp Anh, ngoài ra là vốn của tư nhân kí gửi ở Luân-đôn – bất cứ lúc nào cũng có thể bị rút ra vì mục đích mậu dịch, đầu tư, v.v… hoặc chuyển sang các ngoại tệ khác. Cuối năm 1967, số nợ ngắn hạn đó đã lên tới 5 tỷ đồng bảng (bằng 14 tỷ đô la), trong khi dự trữ vàng và ngoại tệ của Anh chưa đầy 1 tỷ. Giống như một cây cao đã thối gốc, chỉ cần một cơn gió nhẹ là đổ, đồng bảng Anh không còn đủ sức gắng gượng lâu hơn nữa khi mà số hụt của cán cân thanh toán trong tháng 10-1967 vọt lên quá mức bình thường (cả năm 1967, hụt tới 1,4 tỷ đô la). Trước tình hình đồng bảng Anh bị tuôn ra ào ạt trên thị trường tiền tệ, giới cầm quyền Anh buộc phải tuyên bố phá giá đồng bảng hòng cứu vãn tình thế. Đây là lần phá giá thứ ba (hai lần trước vào năm 1931 và năm 1949) trong lịch sử xuống dốc của đồng bảng. Tỷ giá chính thức từ chỗ 1 đồng bảng ăn 2,8 đô la, nay sụt xuống còn: 1 đồng bảng ăn 2,4 đô la. Mức phá giá là 14,3%.

Việc phá giá đồng bảng không phải chỉ liên quan đến thực lực kinh tế và tài chính của đế quốc Anh. Ý nghĩa của nó còn sâu xa hơn:

1- Nó nói lên cả sự bất lực của Mĩ nữa. Giả sử đồng đô la còn vững vàng, chắc chắn chỉ mấy tỷ đô la là sự khủng hoảng tín nhiệm của đồng bảng đã được đẩy lùi. Nhưng, lúc này, thực lực của đồng đô la đã quá mỏng manh rồi. Nợ ngắn hạn của Mĩ lên tới 35 tỷ đô la, trong khi dự trữ vàng chưa đầy 13 tỷ. Cán cân thanh toán lại đạt mức bội chi nghiêm trọng nhất. Như vậy, chính nước Mĩ cũng đang run sợ trước nguy cơ hiện thực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ốc đã không mang nổi mình ốc, Mĩ đành phải bỏ rơi đồng bảng Anh – chỉ yêu cầu đồng tiền này phá giá ở mức tương đối thấp để khỏi ảnh hưởng quá nặng đến đồng đô la.

2- Trong hệ thống tiền tệ quốc tế hiện hành, đồng bảng Anh tuy đóng vai “đồng tiền chủ chốt”, nhưng là đồng tiền chủ chốt đàn em, luôn luôn phải nương tựa vào đồng tiền chủ chốt kia và luôn luôn hứng lấy trước nhất những cơn sóng gió của thị trường tiền tệ. Vì vậy, đồng bảng Anh bị phá giá cũng có nghĩa là “phòng tuyến ngoài” của đồng đô la bị chọc thủng. “Phòng tuyến ngoài” bị chọc thủng thì đương nhiên đến lượt đồng đô la phải chìa lưng ra chịu đòn.

Với ý nghĩa như trên, việc phá giá đồng bảng Anh đã trở thành cái ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tín nhiệm đã chín muồi của đồng đô la. Tờ Tin Mĩ và thế giới, ngày 1-1-1968, nhận xét rất đúng: “Bụi phóng xạ của vụ phá giá đồng bảng Anh còn lớn hơn nhiều so với kích thước trái bom đã được thả xuống”.

“Khủng hoảng tín nhiệm”, đương nhiên, không phải là một vấn đề tâm lý. Nó chỉ là biểu hiện tâm lý của một trạng thái kinh tế, trạng thái này đã khiến cho đồng tiền giấy đứng trước nguy cơ bị cắt xén đi một phần giá trị mà nó đại biểu.

Trước đây người ta tín nhiệm đồng đô la ngang với vàng, vì thực tế nó có thể đổi lấy vàng của Mĩ, nếu người ta không cần đổi lấy hàng của Mĩ. Nhưng ngày nay, thị trường tiền tệ đã đầy ứ đô la, mà kho vàng của Mĩ thì rõ ràng là không đủ sức thanh toán tất cả. Tâm trạng bi quan, hoài nghi từ lâu đã đè nặng lên vận mệnh của đồng đô la. Những tin đồn dai dẳng về khả năng phá giá đồng đô la càng làm cho bầu không khí thêm xao xuyến. Thế rồi, đùng một cái, đồng bảng Anh lảo đảo và lăn kềnh ra. Sự lo âu biến thành hoảng hốt: mạnh ai nấy thoát. Người ta xô nhau “tẩy” đồng bảng Anh mất giá đi, đổi lấy vàng hoặc chuyển đổi lấy đô la rồi chuyển thành vàng, mặc dầu tỷ suất chiết khấu đã được chính phủ Anh nâng từ 6,5% lên 8% – mức cao nhất trong 50 năm lại đây. Lúc này, chỉ có vàng mới thật sự là tiền tệ, chỉ có vàng mới chắc chắn là giá trị. Tiền giấy dù được đảm bảo bằng bao nhiêu lời cam kết trịnh trọng, dù được trả lợi tức rất cao, vẫn có nguy cơ bị phá giá bất kì lúc nào. Sự hoảng hốt lan nhanh sang lĩnh vực đồng đô la và phút chốc đồng tiền này đã biến thành đối tượng chủ yếu của cuộc tấn công. Người ta tung đô la ra, mua vàng về. Khối lượng vàng buộc phải bán ra ở các thị trường quốc tế (Luân-đôn, Pa-ri, Duy-rich) tăng lên vùn vụt. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ sau khi tuyên bố phá giá đồng bảng Anh, những người săn vàng đã ngốn hết trên 200 tấn vàng, riêng ở thị trường Luân-đôn. Ngay các ngân hàng trung ương của nhiều nước cũng tung đô la và bảng Anh ra mua vàng – cho chắc dạ. Riêng An-giê-ri trong tháng 12, đã đổi 150 triệu đô la lấy vàng của Mĩ. Giá vàng sở dĩ không vọt lên quá mức 35,20 đô la/ôn-xơ, chỉ là vì Mĩ vẫn giữ lời cam kết bán vàng ra thị trường tự do, cũng tức là thu đô la về, theo giá cố định. Giới cầm quyền Mĩ nhiều lần tuyên bố cứng cựa rằng: Mĩ quyết dùng đến ôn-xơ vàng cuối cùng để đánh bại những người săn vàng. Và để hỗ trợ cho lời thách đố đó, Bộ Tài chính Mĩ cho chuyển mỗi đợt hàng trăm tấn vàng sang thị trường Luân-đôn cho thiên hạ cứng bụng ra vì thứ kim loại không sinh lời này! Sẽ đến lúc các người phải nhả ra mà nhận lấy đô la – đồng đô la tuy là bệnh hoạn nhưng có sức đẻ ra vàng!

Kẻ bảo vệ đồng đô la thì quyết đem cả một vạn tấn vàng của nước Mĩ để hăm dọa lũ người háu vàng. Lũ người này cũng chẳng vừa. Dùng đô la làm vũ khí, họ xông lên, người người lớp lớp, người nào cũng quyết giành kỳ được một mảnh vụn của bức thành vàng khổng lồ của nước Mĩ, lấy đó làm nguồn vui và an ủi.

Cuộc vật lộn ác liệt nhất trong lịch sử giữa vàng và đồng đô la biểu hiện thành cuộc đọ sức giữa châu Âu tư sản – cái kho chứa chủ yếu của tiền giấy, và nước Mĩ – dinh lũy chủ yếu của nền thống trị bằng tiền giấy. Rõ là: “phen này kẻ cắp bà già gặp nhau!”

Phòng tuyến vàng bị chọc thủng. Đồng đô la trở lại nguyên hình là một đồng tiền giấy

 Cuộc khủng hoảng của đồng đô la, với những nguồn gốc sâu xa của nó như chúng ta đã biết, chỉ có thể căn bản giải quyết, nếu – lý thuyết mà nói – Mĩ lần lượt thực hiện được 3 mục tiêu sau đây:

1- Kiếm đủ số vàng để thỏa mãn mọi yêu cầu đổi đô la ra vàng của tư nhân và chính phủ các nước ngoài.

2- Tiếp đó, phải chấm dứt được chiều hướng bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế.

3- Tiến lên một bước nữa, phải giành được bội thu – và bội thu liên tục – trong cán cân thanh toán quốc tế, đặng thu hút cả vàng lẫn đô la về Mĩ, làm cho dự trữ vàng tăng lên, đủ sức bảo đảm vững chắc cho số đô la phát hành ở nước ngoài.

Về mục tiêu thứ nhất, Mĩ có dám dùng tới ôn-xơ vàng cuối cùng để thanh toán nợ nần như nó vẫn từng nói cứng không? Không có gì để tin vào điều đó cả. Một nước Mĩ xưa nay vẫn ỷ vào kho vàng của nó để làm cho tiền giấy của nó cũng tỏa ánh hào quang như vàng, một nước Mĩ luôn ấp ủ những mưu đồ chiến tranh và bá chủ, nước Mĩ đó không khi nào chịu trao cho thiên hạ cái dự trữ chiến lược bằng vàng của nó! Mà giả sử có dùng tới ôn-xơ vàng cuối cùng đi nữa thì cũng mới thanh toán được 1/3 số tiền giấy mà nó phát hành ở nước ngoài. Còn lại 2/3 kia thì sao?

Về mục tiêu thứ hai, nếu muốn thực hiện, Mĩ phải thu hẹp khá nhiều các khoản chi về “viện trợ”, về đầu tư ở nước ngoài, chi phí quân sự ở nước ngoài và đặc biệt là chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đặt vấn đề như vậy cũng có nghĩa là đòi hỏi đế quốc Mĩ phải tiết chế xu hướng bành trướng của nó về chính trị, quân sự cũng như về kinh tế.

Còn mục tiêu thứ ba, Mĩ chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành nghiêm ngặt hơn nữa đường lối “tiết chế” kể trên, đồng thời tranh thủ xuất siêu mạnh hơn.

Rõ ràng là Mĩ không thể thực hiện và không muốn thực hiện những biện pháp trên đây, vì làm như vậy tức là đi ngược hẳn lại những tham vọng và quyền lợi đế quốc chủ nghĩa của nó. Lịch sử đặt vấn đề thật là mâu thuẫn: muốn cứu nguy cho đồng đô la, củng cố địa vị chúa tể của nó trong hệ thống tiền tệ quốc tế thì không thể hi sinh phần lớn hay toàn bộ kho vàng “dự trữ chiến lược” của Mĩ, cũng không thể hi sinh phần lớn hay toàn bộ đường lối bành trướng đế quốc chủ nghĩa của Mĩ. Hi sinh một loạt quyền lợi đế quốc chủ nghĩa này để cứu lấy cái quyền lợi đế quốc chủ nghĩa kia, như vậy thì đâu có phải là một lối thoát? Một sự trừng phạt thì đúng hơn! Duy có một điểm – tranh thủ xuất siêu – là điều mà Mĩ thích thú hơn cả, nhưng khốn thay, đó cũng là điều mà thế giới tư bản của những năm 60 này tranh chấp gay go hơn cả.

Cứu nguy cho đồng đô la theo phương hướng trên thì không ổn, nhưng dùng đến hạ sách phá giá đồng đô la thì lại càng không ổn.

Đương nhiên, bằng hạ sách này, Mĩ có thể vỗ nợ được một phần. Nếu mức độ phá giá là 50%, cũng tức là tăng giá vàng lên gấp đôi – như gợi ý của Pháp – thì Mĩ có thể giảm được một nửa áp lực của lạm phát đối với kho vàng của Mĩ. Cũng có thể hy vọng rằng sau khi phá giá đồng đô la, hàng hóa Mĩ sẽ tăng được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhờ đó, xuất khẩu của Mĩ đẩy mạnh. Hy vọng này thực ra rất là mong manh: các nước sẽ phá giá theo đồng tiền của họ, do đó, tỷ giá các loại hàng trên thị trường quốc tế sẽ được điều chỉnh lại như cũ hoặc gần như cũ.

Cái lợi thế nhìn thấy thì ít, nhưng tai họa do sự phá giá thì không sao lường hết được. Chắc chắn rằng địa vị tiền tệ thế giới của đồng đô la cùng những đặc quyền đặc lợi to lớn mà địa vị đó đưa lại cho Mĩ, nếu không sụp đổ hoàn toàn thì cũng bị thu hẹp lai rất nhiều. Sự hỗn loạn trong nền tài chính, ngoại thương, sản xuất, và đời sống của thế giới tư bản do sự phá giá đồng tiền chủ chốt nhất của thế giới này gây ra cũng không phải là không quật lại nền kinh tế và tài chính của Mĩ. Quan hệ chính trị trong nước và ngoài nước của Mĩ cũng sẽ phải chịu những hậu quả hết sức tai hại. Vả chăng, phá giá đồng đô la chưa chắc chắn đã ngăn chặn được cuộc săn vàng, mà trái lại – như vụ phá giá đồng bảng Anh đã chỉ rõ – có thể làm cho cuộc săn đó kịch liệt hơn, vì tín nhiệm của đồng đô la sa sút hơn. Một lẽ nữa: nếu Mĩ vỗ nợ được thiên hạ qua việc phá giá đồng đô la thì việc phá giá này cũng cho phép thiên hạ vỗ nợ Mĩ không kém. Nước Mĩ nợ thiên hạ 35 tỷ đô la, nhưng thiên hạ nợ Mĩ cũng hàng mấy chục tỷ!

Như vậy, phá giá là một hành động tuyệt vọng hơn là một lối thoát.

Giải quyết căn bản thì không nổi mà dùng tới hạ sách phá giá thì càng nguy hiểm hơn, trong tình hình đó, giới cầm quyền Mĩ hy vọng làm dịu “cuộc săn vàng” bằng những đòn cân não kết hợp với một số biện pháp kinh tế nửa vời.

Vài giờ sau khi chính phủ Anh quyết định công bố phá giá đồng bảng, tổng thống Mĩ liền mở ngay một chiến dịch tuyên truyền nhằm trấn an dư luận về đồng đô la. Y tuyên bố: Sức mạnh kinh tế của chúng ta và sự tốt lành của đồng đô la chúng ta không ai có thể hoài nghi được. Tôi xin xác định lại một lần nữa rằng nước Mĩ cam kết mua và bán vàng theo giá hiện nay là 35 đô la/1 ôn-xơ”. Lời cam kết tiếp đó được các quan chức tài chính Mĩ lặp đi lặp lại như một câu thần chú, tưởng chừng làm như thế thì có thể xua đuổi được các loại tà ma đang ám ảnh đồng đô la. Ngày 6-12, Giôn-xơn lại đăng đàn kêu gọi thế giới “hãy nhìn ra ngoài phạm vi của vàng mà tăng phương tiện thanh toán trong lĩnh vực mậu dịch quốc tế, phương tiện thanh toán này không cần phải phụ thuộc vào tình hình không chắc chắn trong khâu sản xuất, tiêu thụ và đầu cơ vàng”. Nói cách khác: thế giới chớ có mù quáng tin vào vàng, vì vàng chẳng có gì là chắc chắn đâu, vàng chỉ là một di vật thiêng liêng của thời dã man mà thôi! Viên giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế cũng phụ họa với Giôn-xơn bằng một khúc nhạc lạc quan: “Sự đổ xô đi mua vàng hiện nay ở các thị trường trên thế giới chỉ là một sự náo nhiệt tạm thời. Tôi không tin rằng việc phá giá đồng bảng Anh sẽ có thể có một tác động nào làm yếu đồng đô la. Tôi cho rằng đồng đô la có một sức mạnh ở tất cả các thị trường trên thế giới”. (AFP, 24-11-1967).

Khốn thay, cuộc khủng hoảng tín nhiệm của đồng đô la lại không phải là một vấn đề tâm lý để có thể ngăn chặn bằng những lời thề thốt hoặc những luận điệu lạc quan!

Ngày 18-11, Anh quyết định tăng tỷ suất chiết khấu từ 6,5% lên 8% thì ngày hôm sau, Mĩ cũng công bố quyết định tăng từ 4% lên 4,5%. Không phải riêng gì Mĩ, mà tất cả các nước công nghiệp đều lôi cuốn ngay tức khắc vào cuộc “chiến tranh tỷ suất chiết khấu”. Ngày 14-3-1968, Mĩ lại một lần nữa nâng tỷ suất chiết khấu: từ 4,5% lên 5%. Rồi lần thứ ba trong vòng 5 tháng, ngày 18-4-1968, từ 5% lên 5,5%.

Bằng cách đó, Mĩ hy vọng giữ chân được tư bản (đầu tư ngắn hạn) khỏi chạy ra nước ngoài đồng thời thu hút thêm tư bản vào đất Mĩ. Với một nền kinh tế và tài chính lành mạnh thì hy vọng như trên là có căn cứ. Song, giữa lúc đồng đô la đứng trước nguy cơ bị phá giá thì lợi tức cao không thể là một lực hút đối với tư bản nhảy vào đất Mĩ, tư bản ắt phải khoác lấy cái lốt đô la – cái lốt mà thiên hạ đang tìm cách giãy ra. Với cái lốt này thì trước mắt kiếm được lợi tức cao thật đấy, nhưng biết đâu chẳng có phen mất cả chì lẫn chài? Vả chăng, nếu nước Mĩ biết trả giá cao để lôi kéo tư bản về phía mình thì các nước khác đâu chịu bó tay? Họ cũng trả giá cao. Hai lực hút đối lập cùng tác động vào một vật thì rút cục, chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau.

Chung quy lại, chỉ có nền sản xuất của nước Mĩ là chịu thiệt: tỷ suất chiết khấu tăng thì lợi tức ngân hàng cũng tăng, “giá cả” của tư bản tiền tệ trở nên đắt đỏ, việc đầu tư vào kinh doanh công thương nghiệp do đó mà bị kìm hãm.

Với việc nâng tỷ suất chiết khấu, Mĩ đã hy sinh cả lợi ích của nền sản xuất vì lợi ích của cán cân thanh toán. Song, đối với cán cân thanh toán thì tác dụng của biện pháp này, nếu có, cũng rất hạn chế. Thủ đoạn đối phó chủ yếu vẫn là đưa dự trữ vàng ra chịu đòn. Đã đến lúc Mĩ phải chứng minh cho lời cam kết “thiêng liêng” của nó đối với đồng đô la, và như vậy mới mong giữ được đồng tiền này ở địa vị độc tôn của vàng. Cũng chỉ còn có cách thi gan chịu đòn, Mĩ mới còn đôi chút hy vọng làm nản lòng những người săn vàng: trông chờ đến một lúc nào đó, bọn người này sẽ bỏ cuộc nửa chừng vì thế kho vàng của Mĩ là không thể đánh quỵ được, không thể buộc được Mĩ phải nâng giá vàng (cũng tức là phá giá đồng đô la), trong khi chính họ lại chịu không nổi sự thiệt thòi vì tích trữ thứ kim loại không sinh lợi này.

Thực ra thì kho vàng của Mĩ cũng chẳng dồi dào gì. Tiếng là có 12,9 tỷ đô la (vào lúc đồng bảng Anh phá giá), nhưng thực sự huy động được vào việc chống đỡ cho địa vị quốc tế của đồng đô la thì chỉ có chưa đầy 3 tỷ. Như vậy là vì: theo luật pháp nước Mĩ, luôn luôn phải dành riêng một khối lượng vàng để bảo đảm cho tiền giấy lưu hành ở trong nước, khối lượng vàng này phải bằng 25% khối lượng tiền giấy đang lưu hành.

Bước vào cuộc đọ sức với chưa đầy 3 tỷ đô la vàng, nước Mĩ đã cảm thấy nóng thế rồi. Vậy mà chỉ một tháng sau, lực lượng của nó lại bị tiêu hao 900 triệu đô la. Để tỏ ra rằng nó chưa bị dồn đến chân tường, rằng nó quyết tâm chiến đấu đến ôn-xơ vàng cuối cùng, nước Mĩ không còn cách nào khác là hủy bỏ điều luật dành vàng đảm bảo cho tiền giấy. Điều này đã trở thành quyết nghị của Quốc hội Mĩ vào ngày 14-3-1966, khi mà dự trữ vàng của Mĩ chỉ còn 11,4 tỷ đô la, trong đó vàng dành để đảm bảo cho tiền giấy đã chiếm hết 10,7 tỷ.

Cho đến lúc này, Mĩ là nước tư bản cuối cùng còn giữ được cái tàn dư của chế độ bản vị vàng, mặc dầu cái tàn dư này có còn thì đồng tiền quốc gia của Mĩ cũng không vì thế mà chuyển đổi được ra vàng, mà nạn lạm phát thì cũng không vì thế mà thiếu đất hoạt động. Thủ tiêu nốt cái tàn dư này, nước Mĩ tự hạ mình xuống ngang bằng các nước đàn em: cũng như họ, nước Mĩ không còn đủ sức đảm bảo bằng vàng dù chỉ một phần tư số tiền giấy mà nó phát hành! Và rồi ra, vận mệnh của đồng đô la sẽ ra sao, một khi sợi dây cương cuối cùng của con ngựa lạm phát đã bị quẳng đi nốt.

Người ta còn nhớ tháng Giêng năm 1965, nước Mĩ đã bị dồn vào một tình thế rút lui tương tự, trước đợt tấn công của Pháp. Lúc đó, dự trữ vàng của Mĩ còn 15,4 tỷ đô la, mà nợ ngắn hạn của nước ngoài thì lên tới 24 tỷ. Trong số 15,4 tỷ đô la này, theo luật pháp nước Mĩ, phải dành riêng ra 8,6 tỷ để đảm bảo cho 25% khối lượng tiền giấy lưu hành lúc đó. Ngoài ra, cũng theo luật pháp nước Mĩ, còn phải dành riêng ra 5 tỷ nữa để đảm bảo cho 25% tồn khoản ở Ngân hàng dự trữ liên bang lúc đó. Như vậy, Mĩ chỉ còn 1,8 tỷ đô la vàng để đối phó với 24 tỷ đô la nợ ngắn hạn của nước ngoài. Nhằm vào đúng lúc này, Pháp mở đợt tấn công vào kho vàng của Mĩ (năm 1965, Mĩ mất tất cả 1.665 triệu đô la vàng, riêng Pháp đã đổi 844 triệu) nhằm buộc Mĩ phải chấp nhận việc sửa đổi chế độ tiền tệ quốc tế hiện hành mà theo Pháp, không còn phù hợp với tình hình thực tế nữa, cũng tức là không còn phù hợp với lực lượng đối sánh giữa các nước đế quốc nữa. Để sẵn sàng nghênh chiến với Pháp, Mĩ buộc phải hủy bỏ điều luật dành vàng bảo đảm cho tồn khoản ở Ngân hàng dự trữ liên bang, và như vậy, giải phóng được 5 tỷ đô la vàng để huy động vào việc chống đỡ địa vị quốc tế của đồng đô la.

Lần này, hủy bỏ điều luật dành vàng bảo đảm tiền giấy, nước Mĩ lại một lần nữa ở vào cái thế chạy dài trước đạo quân của Vàng. Số vàng mà nó giải phóng được lần này lại là lực lượng “dự bị chiến lược” cuối cùng mà nó có thể huy động được.

Ngoài số “quân bản bộ” của nó, đế quốc Mĩ còn tính kế lợi dụng lực lượng vàng dự trữ của các nước tư bản khác vào mục đích giữ giá đồng đô la. “Hội vàng” quốc tế chính là sản phẩm của mưu mô đó.

Từ ngày khởi đầu chế độ bản vị vàng hối đoái mới, Mĩ vẫn mua và bán vàng ở thị trường tự do quốc tế theo giá cố định 35 đô la/1 ôn-xơ. Điều này chỉ có lợi cho Mĩ, vì nó mua vào nhiều hơn là bán ra, cũng tức là tung tiền giấy ra mua vàng vào nhiều hơn là bỏ vàng ra để thu hồi tiền giấy về. Nhưng, một khi tình hình đảo ngược lại thì Mĩ tìm cách trút bớt gánh nặng cho các nước “đồng minh”. Sau cuộc khủng hoảng của đô la năm 1960 – cuộc khủng hoảng đã làm cho Mĩ mất 2 tỷ đô la vàng – Mĩ lập ra (năm 1961) Hội vàng quốc tế gồm 8 nước: Mĩ, Anh, Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ. Các nước trong Hội cam kết đưa vàng dự trữ của mình ra bán ở thị trường tự do quốc tế Luân-đôn theo giá ổn định 35 đô la/1 ôn-xơ nhằm điều hòa cung cầu về vàng ở thị trường này, trên cơ sở đó mà bình ổn giá vàng, cũng tức là ổn định tỷ giá vàng của đồng đô la.

Chẳng phải vì tình nghĩa anh em gì mà 7 nước kia nhận gánh vác lấy một phần trách nhiệm trong việc ổn định tỷ giá của đồng đô la Mĩ. Họ nhận làm điều đó bởi vì chế độ bản vị vàng hối đoái buộc họ phải làm điều đó. Chính chế độ này đã cột chặt đồng tiền nước họ vào đồng tiền chúa, làm cho việc ổn định đồng tiền nước họ phụ thuộc vào sự ổn định của đồng tiền chúa.

Tất nhiên, xuất vàng của mình ra để “mua” đô la vào, họ có quyền đòi hỏi Mĩ phải thanh toán số đô la ấy bằng vàng – nhưng không phải ngay lúc đó mà vào một lúc “thích hợp”.

Trước khi lập Hội vàng, Mĩ phải gánh 100% số vàng bán ra thị trường tự do nhằm mục đích giữ giá đồng đô la. Lập Hội rồi, Mĩ chỉ phải gánh 50% thôi, phần còn lại do 7 nước kia chia nhau gánh. Tháng 7-1967, Pháp rút khỏi Hội vàng (đã công khai tuyên chiến với bá quyền của đồng đô la thì cớ gì lại góp vàng để mà ổn định nó?), Mĩ phải gánh thêm 9% nữa là phần của Pháp. Với việc thành lập Hội vàng, Mĩ đạt được hai mục tiêu cùng một lúc: một là, Mĩ có thể yên tâm rằng chính phủ các nước kia sẽ không sử dụng số đô la dự trữ trong tay họ để “oanh tạc” vào kho vàng của Mĩ lúc lâm nguy; và hai là, Mĩ có thể tạm thời lợi dụng được kho vàng của các nước ấy, đưa nó ra chịu đòn thay cho Mĩ một phần.

Tuy nhiên, tất cả còn tùy thuộc ở sự diễn biến của tình hình. Một khi tình hình thay đổi làm đảo lộn cả những quan hệ về lực lượng và quyền lợi thì có gì đảm bảo rằng bản chất con buôn của họ sẽ không xui khiến các nước kia tìm cách kiếm chác trên sự bấp bênh của đồng đô la? Cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ nhẫn nại chịu đòn mãi thay cho Mĩ, rằng đến lúc lâm trận và nhất là đến lúc lâm nguy, họ sẽ không chạy tháo thân trước, bằng cách giữ chặt lấy kho vàng của mình hơn là hi sinh nó cho sự vững chắc chưa chắc gì đã giữ được của đồng đô la? Nước Pháp của Đờ-gôn hẳn không phải là một ngoại lệ. Nó chỉ là một tiền lệ.

Với lực lượng như trên và với những bạn đồng minh như trên, nước Mĩ bước vào cuộc đọ sức hệt như một anh chàng đi đêm sợ ma, càng run sợ hoảng hốt bao nhiêu thì càng làm ra bộ ta đây bạo dạn bấy nhiêu. Cuộc đọ sức diễn ra hết sức kịch liệt. Chúng ta hãy điểm qua đôi dòng thời sự:

Tối thứ 7 ngày 18 tháng 11-1967, khi thị trường tiền tệ đã đóng cửa sau một tuần hoạt động căng thẳng, Chính phủ Anh công bố quyết định phá giá đồng bảng. Các ngân hàng và Sở giao dịch cũng được lệnh đóng cửa luôn cả ngày thứ 2 tuần tới.

Ngày 21, khi thị trường Luân-đôn hoạt động trở lại, nhu cầu mua vàng rất lớn và cứ thế tăng lên mãi. Giá vàng tăng vọt tới mức “giới hạn” (35,20 đô la/1 ôn-xơ). Ở các nước châu Âu khác, “cơn sốt rét vàng” nổ ra sớm hơn, khi thị trường tiền tệ mở cửa bình thường vào ngày thứ 2. Không những tư nhân mà ngay cả các ngân hàng trung ương của nhiều nước nhỏ (các nước “lớn” thì đều bị trói chân trong Hội vàng rồi – trừ Pháp) cũng tung bảng Anh và đô la ra mua vàng. Người ta sợ đồng bảng Anh còn phá giá một lần nữa – vì mức phá giá lần này “chưa đủ” – và sợ luôn cả đồng đô la.

Ngày 24, Luân-đôn tràn ngập đơn yêu cầu mua vàng dồn dập từ khắp các nơi trên thế giới đổ về. Số lượng vàng bán ra hôm đó lên tới hơn 100 tấn, một con số khủng khiếp! Bình thường, thị trường vàng lớn nhất thế giới này (vàng Nam Phi đều đưa đến đây bán) chỉ tiêu thụ ngày 5 tấn.

Ngày 25, “cơn sốt rét” lại tăng thêm nhiệt độ. Luân-đôn đạt tới mức hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử. Số vàng bán ra lên tới 200 tấn.

Tại thị trường Pa-ri, ngày 27 số vàng bán ra cũng đạt tới mức kỷ lục: trên 10 tấn. Ngày thường mức tiêu thụ ở thị trường này chỉ vào khoảng nửa tấn.

Sau khi đã đạt tới những đỉnh cao trên đây, nhiệt độ của cơn sốt từ từ giảm xuống. Nhưng đến giữa tháng12, nhu cầu mua vàng lại tăng lên đến mức hỗn loạn: mức tiêu thụ tại thị trường Luân-đôn lên đến 100-150 tấn/ngày, tại thị trường Pa-ri có ngày lên đến 14 tấn. Chẳng riêng gì đồng bảng Anh và đồng đô la Mĩ, mà hầu hết các đồng tiền “mạnh” của châu Âu đều bị xua đuổi. Dự trữ vàng của Pháp, Ý, Bỉ, v.v… đều bị tiêu hao vì chống đỡ cho tiền giấy. Người ta tranh cướp nhau mua vàng vì có tin đồn rằng đến cuối tuần, các nước trong Hội vàng sẽ buộc phải đình chỉ bán ra để cứu lấy kho vàng của họ. Lại cũng có tin đồn một số đồng tiền lớn sẽ phá giá vào cuối tuần.

Không những người ta săn vàng ở thị trường, mà săn vàng cả ở nguồn sản xuất ra nó nữa: giá cổ phần khai thác vàng ở thị trường chứng khoán Luân-đôn tăng lên vùn vụt, kéo theo cả giá cổ phần khai thác ngọc và các kim loại quý khác.

Vào những ngày cuối tháng 12, đợt săn vàng kéo dài một tháng kể từ ngày đồng bảng Anh phá giá, đã dần dần dịu xuống. Tuy vậy, số vàng bán ra vẫn cao gấp mấy lần mức bình thường: 30-40 tấn/ngày ở thị trường Luân-đôn, và 7-8 tấn/ngày, rồi 2-3 tấn/ngày ở thị trường Pa-ri.

Trong cả đợt săn vàng này, tính đến hết tháng 12, dự trữ vàng của Mĩ bị tiêu hao trên 900 triệu đô la, đưa mức tiêu hao trong cả năm 1967 lên con số 1,2 tỷ đô la. Riêng thị trường Luân-đôn trong 1 tháng kể từ ngày phá giá đồng bảng đã bán ra 1.000 tấn vàng.

Sang tháng giêng và cả tháng 2-1968 , thị trường vàng tạm lắng xuống trước thái độ kiên quyết “chiến đấu tới ôn-xơ vàng cuối cùng” của Mĩ và các nước trong Hội vàng. Tuy nhiên nhu cầu mua vàng vẫn chưa hạ tới mức bình thường và lẻ tẻ vẫn dội lên như đồ biểu nhiệt độ của một con bệnh chưa dứt cơn sốt. Hoạt động của thị trường vàng quốc tế vẫn là hoạt động một chiều: nhu cầu mua vẫn cao, nhưng không ai bán ra cả, trừ các ngân hàng quốc gia.

Trong tháng 1-1968, dự trữ vàng của Mĩ mất thêm 62 triệu đô la, dự trữ vàng của Anh mất thêm 182,3 triệu bảng so với 287,3 triệu bảng tháng 12-1967 và 74,5 triệu bảng những ngày cuối tháng 11-1967.

Rồi đột nhiên, ngày 28-2, cả châu Âu lại bị cuốn vào một cơn mê sảng mới, mức tiêu thụ vàng ở thị trường Luân-đôn vọt lên 20 tấn/ngày, rồi 40, 50, 60, 80 tấn. Thị trường Pa-ri cũng vọt lên 3 tấn, rồi 5 tấn, 10 tấn.

Người ta cho rằng tác động trực tiếp đến cơn mê sảng này là những tin đồn Mĩ sắp thay đổi chính sách về vàng (mặc dầu không ngày nào là Mĩ không thề thốt trung thành với lời cam kết 35 đô la/1 ôn-xơ!) và Nam Phi sắp chuyển địa điểm bán vàng từ Luân-đôn sang Pa-ri để được trả giá cao hơn.

Sự điên loạn cứ mỗi ngày một tăng. Nó lên tới tột đỉnh vào ngày 14-3, khi mức tiêu thụ vàng lên tới 200 tấn ở thị trường Luân-đôn, 45 tấn ở thị trường Pa-ri và 100 tấn ở thị trường Duy-rich (Thụy Sĩ).

Tại Duy-rich, người ta ngừng mua bảng Anh vào, đề phòng đồng tiền này phá giá một lần nữa. Ở Pa-ri, các khách sạn không nhận đô la và bảng Anh của khách hàng nữa. Ngân hàng ở các sân bay cũng hạn chế đổi tiền Anh, Mĩ ở mức 50 đô la thôi.

Tình hình ở Anh cũng như vậy. Phóng viên tờ Thời báo Nữu-ước Luân-đôn, ngày 15, đưa tin:

“Khách du lịch người Mĩ đến Luân-đôn hôm nay đột nhiên thấy đồng đô la bị lép vế như thế nào. Các cơ quan du lịch và hàng không đều từ chối không nhận đồng đô la trả tiền chi tiêu hoặc mua vé máy bay và đề nghị khách hàng đến Ngân hàng Bớc-cơ-lây đổi lấy tiền khác với mức tối đa là 20 đô la”.

“…Tại cơ quan đổi tiền, một khách du lịch Mĩ hỏi một nhân viên ngân hàng rằng thế thì hôm nay nên giữ loại tiền nào cho chắc dạ, người nhân viên đó trả lời “có thể là đồng rúp Liên Xô”. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Tây-ban-nha, Ý, Tây Đức”.

Trước tình thế nguy ngập, tổng thống Mĩ cấp tốc gọi dây nói cho thủ tướng Anh, yêu cầu đóng cửa ngay thị trường vàng và chứng khoán Luân-đôn, chờ quyết định mới của Hội vàng. Lệnh đóng cửa do Nữ hoàng Anh kí được thi hành ngay ngày hôm sau, 15 tháng Ba. Các thị trường châu Âu đều đóng cửa theo, trừ Pa-ri, vì Pháp tự cho mình là không bị ràng buộc gì bởi quyết định của Hội vàng. Ngày 15, mức tiêu thụ vàng tại Pa-ri lên đến 100 tấn. Đây cũng là ngày đầu tiên giá vàng vượt ra khỏi vòng cương tỏa của Hội vàng để sống cuộc sống tự do của nó. Từ mức “giới hạn” 35,20 đô la, nó vọt ngay lên 44,36 đô la/1 ôn-xơ.

Cũng trong ngày 14, Thượng nghị viện Mĩ vội vã thông qua quyết định hủy bỏ điều luật dùng vàng đảm bảo tiền giấy. Quyết định này đã được Hạ nghị viện thông qua ngày 21-2-1968. Ngân hàng dự trữ liên bang Mĩ cũng ra lệnh nâng tỷ suất chiết khấu một lần nữa, từ 4,5% lên 5%.

Ngày 16, các giám đốc ngân hàng trung ương của 7 nước Hội vàng họp hội nghị khẩn cấp tại Hoa-thịnh-đốn. Dự hội nghị còn có giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế và giám đốc Ngân hàng thanh toán quốc tế. Hội nghị tiến hành trong điều kiện giới nghiêm: không ai được ra vào, chụp ảnh, quay phim khu vực hội nghị.

Ngày 17, hội nghị ra thông cáo:

1- Từ nay, Hội vàng sẽ không đưa vàng ra bán ở thị trường Luân-đôn hay bất cứ thị trường nào khác nữa.

2- Cũng không bán vàng (tức là chuyển đổi đô la ra vàng) cho các nhà đương cục về tiền tệ để bổ sung vào số vàng mà họ đã bán ra thị trường tự do nữa.

3- Vàng sẽ chỉ được dùng trong khâu chuyển đổi tiền tệ giữa các nhà đương cục và, trong trường hợp này vẫn theo giá 35 đô la/1 ôn-xơ.

Nói cách khác là:

– Hội vàng tuyên bố tự giải tán vì bất lực.

– Mĩ tuyên bố từ nay không chịu trách nhiệm về tỷ giá vàng của đồng đô la trên thị trường tự do nữa, không đưa vàng ra thị trường tự do để giữ giá đồng đô la nữa, mặc cho giá vàng và thị giá hối đoái của đồng đô la lên xuống tùy theo cung cầu của thị trường. Mĩ chỉ chịu trách nhiệm chuyển đổi đô la ra vàng cho chính phủ các nước mà thôi. Mà việc chuyển đổi này, như mọi người đều biết, là có điều kiện và do đó rất có hạn. Tóm lại, từ nay đồng đô la sẽ có 2 giá: giá chính thức 35 đô la/1 ôn-xơ và giá tự do tùy theo thị trường.

Tiếp theo thông cáo của Hội vàng, chính phủ Anh công bố quyết định đóng cửa thị trường vàng Luân-đôn liền 2 tuần. Thị trường này chỉ mở cửa trở lại vào ngày 1-4-1968.

Riêng thị trường Pa-ri thì vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng mức tiêu thụ vàng thì có xu hướng hạ dần: 25 tấn ngày 18 và 19, 15 tấn ngày 20, rồi trên dưới 10 tấn những ngày tiếp theo. Giá vàng cũng hạ xuống chỉ còn 39-40 đô la/1 ôn-xơ.

Bước sang tháng tư, khi thị trường Luân-đôn mở cửa trở lại, giá vàng còn 38 đô la/1 ôn-xơ, nhu cầu về vàng cũng giảm.

Nói rằng “giá vàng hạ xuống” là so với sự hoảng hốt của ngày 15-3 và mấy ngày tiếp theo mà thôi. Thực ra thì vàng đã lên giá: từ mức cố định 35 đô la/1 ôn-xơ cộng thêm chi phí vận chuyển và các chi phí khác 0,20 đô la nữa (cho đến hết ngày 14-3-1968), bây giờ hạ nhất cũng là 38 đô la, hoặc xấp xỉ 38 đô la. Còn nhu cầu về vàng trên thị trường, đúng là tình hình có dịu xuống. Tung đô la và bảng Anh ra vét vàng, giới đầu cơ vàng chờ đợi sự phá giá của hai đồng tiền này để tung vàng ra bán với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi. Quyết định của Hội vàng đã làm cho họ phải dừng lại. Tiếp tục vét vàng, tiếp tục gây sức ép với đồng đô la ư? Với chính sách hai giá vàng hiện giờ, không dễ gì ép được đồng đô la phải phá giá ngay. Mà nếu mục tiêu này không chắc đạt được thì việc đầu cơ vàng với giá mua vào đã tới 38-40 đô la/1 ôn-xơ, rõ ràng là phiêu lưu. Nhưng, đã đến lúc tung vàng ra bán chưa? Hãy nghe ngóng xem sao đã! Với sự tan vỡ của Hội vàng, rồi đây giá vàng có thể còn lên nữa.

Sự hoạt động đầu cơ tuy giảm, nhưng thị trường tiền tệ vẫn hết sức không ổn định, người tung vàng ra bán thì ít mà người lẩn tránh tiền giấy thì vẫn nhiều.

Giữa tháng 5, nhu cầu lại đột nhiên trỗi dậy. Giá vàng ở tất cả các thị trường quốc tế vọt lên 40, 41 rồi 42 đô la/1 ôn-xơ.

Tạm lắng xuống một thời gian, đến giữa tháng 6, giá vàng lại vọt lên 42-45 đô la ở Luân-đôn, và có ngày lên tới 46, 50 đô la ở Pa-ri.

Sang tháng 7, giá tuy xuống, nhưng vẫn ở mức 39-43 đô la.

Từ nay, bất cứ một tin đồn đại nào, một sự kiện kinh tế hay chính trị nào đều có thể tác động đến giá vàng cũng tức là tác động đến tỷ giá vàng của tiền tệ.

Nhìn chung từ khi áp dụng chế độ hai giá vàng, cũng tức là chế độ hai giá của đồng đô la, tỷ giá của đồng đô la luôn luôn biến động. Phạm vi biến động từ 38-46 đô la/1 ôn-xơ, bình thường là 40-41 đô la. Giá vàng do Nam Phi bán ra cũng là ở mức đó. Tháng 5 và tháng 6, sau mấy tháng ngừng cung cấp vàng ra thị trường, Nam Phi đã bán ra 70 tấn với giá 40,88 đô la/1 ôn-xơ. Thời đại mà đồng đô la được coi hệt như vàng đã thuộc về quá khứ. Quyết định “lịch sử” ngày 17-3 của Hội vàng đã chẳng đem lại cho nó điều gì tốt lành.

Bằng quyết định đó, rõ ràng Mĩ đã cứu được kho vàng, nhưng cũng rất rõ ràng là: nó đã tự phơi bày trước thế giới cả sự bất lực lẫn sự lật lọng.

Đợt săn vàng thứ nhất, Mĩ mất 900 triệu đô la. Đợt săn vàng thứ hai, Mĩ đã mất thêm 1.500 triệu đô la nữa. Số vàng này chủ yếu là thông qua thị trường tự do Luân-đôn mà vào tay tư nhân (số vàng mua qua con đường chính thức tương đối ít). Tính đến ngày 17-3, dự trữ vàng của Mĩ từ 12,9 tỷ đô la rút xuống còn 10,4 tỷ. Các nước khác có chân trong Hội vàng, gánh vác 41% số vàng cung cấp ra thị trường Luân-đôn cũng bị một đòn nặng. Theo công bố của ngân hàng Anh thì qua 4 tháng “săn vàng”, 7 nước trong Hội vàng kể cả Mĩ đã mất 2.650 tấn, trị giá 3 tỷ đô la. Chịu đựng đến mức đó, Mĩ cùng các bạn vàng của Mĩ đành phải tuyên bố bất lực. Cùng với việc giải tán Hội vàng, Mĩ cũng nuốt chửng luôn cả những lời thề thốt “chiến đấu tới ôn-xơ vàng cuối cùng”. Chẳng lẽ vì những lời thề thốt có tính cách chiến tranh tâm lý mà tiêu luôn cả cái dự trữ chiến lược hay sao?

Nhưng, muốn cứu lấy kho vàng thì Mĩ không thể không hy sinh đồng tiền của mình. Đồng đô la được coi như vàng bởi vì người nào có đô la thì người ấy có được vàng với mức giá cố định 35 đô la/1 ôn-xơ. Bây giờ, có đô la không nhất định có được vàng với mức như thế. Trên thực tế, người ta chỉ mua được vàng với mức từ 38-46 đô la /1 ôn-xơ, trong phần lớn trường hợp là 40 đô la. Điều đó có nghĩa là đồng đô la đã bị phá giá trên thực tế, từ 10 đến 30%, thông thường là 14 %. Và có gì là đảm bảo rằng giá trị của đồng đô la sẽ không xuống thấp hơn nữa, khi mà nước Mĩ đã giũ trách nhiệm về nội dung vàng của đồng tiền do nó phát hành rồi? Cái nguy lớn nhất của đồng đô la là ở chỗ đó. Trước đây, nó đứng trên tất cả các đồng tiền “mạnh” của thế giới tư bản vì chỉ một mình nó là có thể đổi lấy vàng theo giá cố định trên thị trường hối đoái, còn các đồng tiền kia tuy gọi là “mạnh” nhưng chỉ có thể đổi lấy tiền giấy của nước khác mà thôi. Ngày nay, sự khác biệt đó đã bị xóa bỏ. Giá trị và sức mạnh của nó trên thị trường từ nay cũng chỉ là giá trị và sức mạnh của một đồng tiền giấy không chuyển đổi được ra vàng. Cuộc sống của nó sẽ là cuộc sống bấp bênh, ba chìm bảy nổi của một đồng tiền giấy lạm phát. Tỷ giá của nó so với vàng cũng như so với các đồng tiền khác sẽ do quan hệ cung cầu lên xuống hàng ngày trên thị trường hối đoái quyết định.

Đành rằng chính phủ Mĩ vẫn cam kết chuyển đổi đồng đô la ra vàng cho chính phủ các nước ngoài theo giá cố định (các chính phủ khác cũng đều cam kết như vậy đối với đồng tiền nước họ), nhưng sự chuyển đổi này – theo hiệp nghị Bơ-rit-tơn Ut và theo những điều luật mới của Quốc hội Mĩ – là rất có hạn. Do đó, đồng đô la giao dịch trên thị trường quốc tế thực ra chỉ là đồng đô la mất giá, bấp bênh, không chuyển đổi được ra vàng. Hơn nữa, giữa hai tỷ giá – tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do – không phải cái trước lãnh đạo hay khống chế cái sau, mà ngược lại, chính cái sau sẽ bao vây và tấn công cái trước, làm cho cái trước ngày càng lung lay, yếu ớt và đến một mức nào đó phải sụp đổ. Trong công việc này, tỷ giá tự do luôn luôn được sự tiếp viện của lạm phát. Giả sử đồng đô la tự do cứ tiếp tục giảm giá mãi – điều này không còn là giả định nữa mà là thực tiễn, tất yếu – thử hỏi đế quốc Mĩ có đủ sức duy trì mãi cái tỷ giá chính thức giả tạo kia để chịu lấy mọi sự thua thiệt, hay là đành phải, đến một lúc nào đó, chính thức thay luôn cả cái tỷ giá chính thức?

Ngày 17 tháng 3 quả là một ngày lịch sử bi thảm đối với đồng đô la. Đó là ngày phòng tuyến vàng của Mĩ bị chọc thủng, nước Mĩ khiếp sợ trước đạo quân ô hợp của Vàng, đã bỏ cuộc nửa chừng, bỏ mặc đồng tiền của nó cho thị trường định đoạt. Kết quả là đồng đô la đã bị phá giá trên thực tế, mà hậu quả của việc phá giá không tuyên bố và không có hạn định này, đối với đồng đô la mà nói, lại còn tồi tệ hơn cả việc phá giá có tuyên bố và có hạn định trong điều kiện vẫn được đảm bảo bằng vàng.

Đó cũng là ngày chấm cái “thời đại vàng” kéo dài 1/4 thế kỷ của đồng đô la, thời đại mà đồng đô la cướp được địa vị độc tôn của vàng và nhân danh vàng mà thống trị hệ thống tiền tệ thế giới. Từ nay, nó lại nguyên hình là một đồng tiền giấy, với đầy đủ đặc điểm và bệnh hoạn của một đồng tiền giấy. Nó vẫn còn thống trị hệ thống tiền tệ thế giới, nhưng không còn nhân danh vàng mà thống trị được nữa. Một thời đại mới bắt đầu: thời đại bấp bênh, bệnh hoạn và đầy rẫy những biến cố.

Sự thay đổi căn bản trong giá trị và sức mạnh của đồng đô la dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống tiền tệ thế giới của chủ nghĩa tư bản. Trước mắt, đó là sự phá giá đồng loạt của tất cả các đồng tiền khác. Bị cột chặt vào đồng đô la theo một tỷ giá cố định, trở thành một phân số hay bội số nhất định của đồng đô la, các đồng tiền này đều nhất loạt thay đổi tỷ giá so với vàng trên thị trường, tương ứng với sự thay đổi tỷ giá của đồng đô la so với vàng. Điều này làm cho những kẻ nắm giữ nhiều vàng trong tay bỗng dưng trở nên giàu có hơn lên, trong khi những kẻ nắm giữ nhiều ngoại tệ trong tay bỗng dưng thấy mình nghèo hơn trước.

Tuy nhiên, hậu quả tai hại không dừng lại ở chỗ đó. Việc từ bỏ chính sách ổn định tỷ giá vàng của đồng đô la trên thị trường tự do đả kích ngay vào nền móng sức mạnh của đồng đô la và do đó, vào nền móng sức mạnh của hệ thống bản vị vàng hối đoái mới. Đồng đô la vẫn được dùng làm cái trục cho hệ thống này. Nhưng, trước đây nó giữ vai trò đó thay cho vàng và nhân danh vàng, các đồng tiền khác đặt quan hệ tỷ giá với nó cũng có ý nghĩa như dặt quan hệ tỷ giá với vàng vậy. Còn bây giờ thì khác: cái trục đó không có tư cách của vàng nữa, bản thân nó cũng chỉ là giấy, giá trị – vàng của nó cũng lên xuống bấp bênh như các đồng tiền khác mà thôi. Bám vào cái trục đó thì hệ thống tiền tệ thế giới càng bấp bênh, không ổn định và rất có thể một ngày nào đó sẽ co kéo nhau mà lao xuống vực thẳm. Một hệ thống bản vị vàng hối đoái mà không thể đạt tới vàng thông qua sự hối đoái! Một đồng tiền “chủ chốt”mà không còn chuyển đổi được ra vàng theo đúng nghĩa của khái niệm đó! Như vậy thì khác gì đồng bảng Anh trong cái gọi là khu vực đồng bảng Anh?

Rõ ràng, từ việc xuyên tạc chế độ bản vị vàng đến việc xuyên tạc chế độ bản vị hối đoái, con đường tất yếu mà nước Mĩ bước vào cũng chính là con đường tất yếu mà Anh đã qua. Cứ vết xe cũ ấy mà đi, nước Mĩ sẽ tìm thấy cái mà nước Anh tìm thấy!

Về phía vàng mà nói thì ngày 17 tháng 3 cũng quả là một ngày lịch sử! Với việc hạ bệ đồng đô la, cuộc nổi dậy lần thứ hai của nó đã thành công rực rỡ. Vàng tuy chưa hoàn toàn giành lại được địa vị chúa tể – dưới hình thức thuần túy là chế độ bản vị vàng – nhưng qua cuộc nổi dậy, nó đã khẳng định lại sự tồn tại của nó với tư cách đó: cả thế giới tư bản đều phải tìm đến nó như tìm Đấng cứu thế, mọi đồng tiền đều phải căn cứ vào nó mà điều chỉnh lại bước đầu. Cuộc nổi dậy thắng lợi của vàng đã tạo ra những điều kiện mới cho cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị thế giới của đồng đô la. Từ nay, vàng không còn bị cột chặt vào đồng đô la theo tỷ giá 35 đô la/1 ôn-xơ nữa – ít nhất cũng trên thị trường tự do là thị trường chủ yếu của tư bản – mà trái lại, chính đồng đô la phải xoay quanh vàng, phải tôn trọng luật lệ của vàng và chịu sự trừng phạt rất nhạy bén của vàng. Trong những điều kiện như vậy, đồng đô la càng sớm bộc lộ những chỗ yếu và những sự lạm dụng của nó, do đó, càng sớm bộc lộ những mâu thuẫn nội tại của hệ thống bản vị vàng hối đoái do nó thống trị.

Hơn 20 năm trước đây, khi đồng đô la được đặt lên địa vị độc tôn của vàng nhờ sức mạnh của nền kinh tế Mĩ, chủ yếu là của hàng hóa Mĩ, thì lúc đó, dự trữ vàng khổng lồ của nước Mĩ chỉ đóng một vai trò hỗ trợ ở hậu trường. Bây giờ, khi mà nước Mĩ phải đưa dự trữ vàng của nó ra chiến trường để bảo vệ đồng đô la thì dự trữ đó đã cạn đến mức mà Lầu năm góc cũng phải lo ngại. Vấn đề mà lịch sử đặt ra thật nghiêm khắc: hoặc là cứu lấy trái tim vàng; hoặc là cứu lấy cái cơ thể tiền giấy đang thiếu máu, trong hai cái đó nước Mĩ chỉ có quyền chọn lấy một. Cứu lấy cơ thể thì nguồn máu vào ắt phải khô kiệt, trái tim ắt phải tiêu tan. Mà cứu lấy trái tim thì cơ thể thiếu máu kia tránh sao khỏi rối loạn, héo hon? Giải quyết vấn đề này cũng tức là nhận lấy sự trừng phạt của lịch sử. Ý nghĩa tổng quát của ngày 17-3 là ở chỗ đó.

Những liều thuốc giảm đau cho một con bệnh ung thư

Như chúng tôi đã giả định, muốn căn bản giải quyết cuộc khủng hoảng của đồng đô la thì trước hết, Mĩ phải kiếm cho đủ số vàng để thỏa mãn mọi yêu cầu đổi đô la ra vàng. Biện pháp này, Mĩ đã thử làm, nhưng chỉ sau 4 tháng, nó đã công khai thú nhận bất lực. Biện pháp thứ hai, cũng theo giả định, là phải chấm dứt được chiều hướng bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ. Biện pháp này có ỹ nghĩa rất căn bản – khác với biện pháp trước chỉ có tính cách đối phó cấp thời – nhưng cũng lại là biện pháp khó thực hiện nhất. Ngày 1-1-1968, tổng thống Mĩ công bố một chương trình khẩn cấp gồm 5 điểm nhằm giảm chi 3 tỷ đô la trong cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ năm 1968. Năm điểm đó là:

1- Cắt giảm 1 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Hướng cắt giảm chủ yếu là nhằm những khoản đầu tư vào châu Âu.

2- Cắt giảm 500 triệu đô la tiền cho vay ngắn hạn. Chủ yếu cũng nhằm vào Tây Âu.

3- Hạn chế du lịch ra ngoài khu vực châu Mĩ nhằm tiết kiệm 500 triệu đô la. Cũng nhằm vào Tây Âu.

4- Hạn chế chi tiêu của chính phủ ở nước ngoài nhằm tiết kiệm 500 triệu đô la. Chủ yếu bằng cách trút bớt gánh nặng chi tiêu quân sự của Mĩ cho Tây Đức và Nhật.

5- Tăng xuất siêu thêm 500 triệu đô la.

Rõ ràng, ý đồ của đế quốc Mĩ là cắt xén mỗi khoản một ít – và cũng mới biết đến năm 1968 – hy vọng đưa đồng đô la ra khỏi cơn nguy biến mà vẫn duy trì về căn bản đường lối bành trướng của Mĩ. Tuy nhiên ngay cả việc cắt xén này cũng không phải dễ thực hiện. Nó vấp phải những mâu thuẫn hết sức gay gắt.

Cắt giảm đầu tư ra nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp lẫn cho vay ngắn hạn), đó là một việc mà nhà nước của bọn tư bản độc quyền, trong lúc cùng đường bí kế, và bằng những biện pháp hành chính, tạm thời có thể thực hiện được. Nhưng, đó cũng lại là điều mà bọn tư bản độc quyền hết sức cay cú, vì nó đả kích ngay vào sức mạnh và sức sống của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đối với yêu cầu giảm chi trong cán cân thanh toán quốc, một mặt, nó hạn chế nguồn lợi nhuận đưa về Mĩ – điều này chỉ sau một thời gian mới thấy rõ – mặt khác, nó thu hẹp xuất khẩu của Mĩ; cả hai đều là nguồn thu ngoại tệ chủ lực của Mĩ. Về phương án này, dư luận của giới kinh doanh Mĩ, tờ Tin Mĩ và thế giới, ngày 5-2-1968, viết:

“Ngày càng có nhiều ý kiến hoài nghi: những biện pháp hạn chế gần đây nhất đối với các công ty Mĩ ở nước ngoài thực sự có khả năng hỗ trợ cho việc cứu đồng đô la hay không?

“Theo ý kiến của nhiều nhà kinh doanh và ngân hàng thì những biện pháp kiểm soát đô la của công ty Mĩ chạy ra nước ngoài sẽ làm cho đồng đô la yếu đi chứ không làm cho nó mạnh lên. Theo họ, tổng thống Mĩ đã chọn sai mục tiêu tấn công.

“W.Ken-ne, giám đốc công ty B. F. Gu-đơ-rích phát biểu: “chính phủ đang giết đi con ngỗng đẻ ra trứng vàng và thường xuyên làm cho cơ cấu công nghiệp của Mĩ yếu đi”.

“Theo ý kiến của một công ty có một phần nào kinh doanh hàng xuất khẩu ra nước ngoài thì chủ trương trên là một điều thiển cận và vô nghĩa lý. Chúng ta sẽ mất mối hàng xuất khẩu và chúng ta sẽ bị đẩy lùi lại phía sau cuộc chạy đua cạnh tranh trên thế giới.

“Cái gây nên mọi nỗi kinh hoàng trong giới kinh doanh – đó là sự kiểm soát có tính chất pháp lệnh của chính phủ đối với việc đầu tư kinh doanh ra nước ngoài… Những biện pháp hạn chế như thế, trong lịch sử nước Mĩ chưa hề có.

“Việc thu hẹp vốn đầu tư của các công ty tư nhân ra nước ngoài sẽ làm giảm sự thiếu hụt về đô la của Mĩ. Trong một thời gian, cán cân thanh toán của Mĩ sẽ được cân bằng hơn, nhưng như các thương gia cảnh cáo, những thành quả ấy sẽ không sống được lâu”.

Tiếp đó bài báo nêu lên mối hại thứ nhất của việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài:

“Mĩ đang ép buộc cắt giảm đối với một khu vực chính nó là nguồn thu nhập đô la phát triển nhanh nhất của Mĩ. Số đô la mà các công ty Mĩ đầu tư kinh doanh ra nước ngoài thu về lớn bằng mấy lần số vốn bỏ ra khi đầu. Lấy năm 1967 làm thí dụ: Số đô la đưa ra nước ngoài đầu tư vào các xí nghiệp ở nước ngoài, vào các phương tiện bán hàng ở nước ngoài, vào chứng khoán và cổ phiếu nước ngoài đã lên tới khoảng 4,4 tỷ đô la. Nhưng số đô la thu hồi về Mĩ từ các nguồn ấy và từ các vốn đầu tư trước đây ra nước ngoài, năm 1967, đã lên đến khoảng 6 tỷ đô la. Như vậy là Mĩ đã thu hồi dôi ra 1,6 tỷ đô la so với số vốn bỏ ra đầu tư ở nước ngoài. Tiền thu nhập ấy đã củng cố thêm cho đồng đô la. Nó còn lớn hơn nhiều so với nguồn thu nhập của Mĩ qua khâu ngoại thương to lớn của nước này.

“Lại lấy một thí dụ nữa. Trong năm 1967, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mĩ đã vượt kim ngạch nhập khẩu chừng 4,3 tỷ đô la. Trên lý thuyết, Mĩ đã có một khoản bội thu to lớn về mặt buôn bán. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào các con số buôn bán, người ta thấy rằng xuất khẩu thu được như vậy là do được sự hỗ trợ của khoản viện trợ kinh tế và quân sự đối với nước ngoài. Trừ khoản “xuất khẩu viện trợ” này đi thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mà Mĩ thực sự bán ra trên thế giới – cái mà người ta gọi là khâu buôn bán – chỉ bội thu được chừng 1,1 tỷ đô la mà thôi. Nói cách khác, cái mà Mĩ thu được trong khâu buôn bán nhỏ hơn khoản thu nhập nhờ vốn đầu tư ra nước ngoài chừng một nửa tỷ đô la.

“…Theo quan điểm của G.Mo-rơ, giám đốc ngân hàng First National City bank ở Nữu ước thì các biện pháp kiểm soát vốn đầu tư ra nước ngoài đã gây ra một nguy cơ phá hoại nghiêm trọng nền móng cơ bản của đồng đô la. Nền móng đó là nguồn thu hồi đô la với mức có thể lên tới 10 tỷ đô la một năm vào đầu những năm 70”.

Về mối hại thứ hai, bài báo viết:

“Các nhà kinh doanh cũng đang kêu ca là các biện pháp kiểm soát còn làm phương hại đến đồng đô la bằng một cách khác nữa. Đó là: vì các công ty phải giảm bớt vốn đầu tư của mình ra nước ngoài, cho nên số thiết bị, phụ tùng và hàng hóa đủ các loại của Mĩ cung cấp cho các cơ sở hoạt động ở nước ngoài hiện nay cũng sẽ giảm đi.

“Chính chính phủ Mĩ đã từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các công ty Mĩ ở nước ngoài đối với việc bán hàng của Mĩ. Trong bản báo cáo nghiên cứu điều tra năm 1965, Bộ Thương mại Mĩ đã nhận ra rằng trong những năm 1962, 1963 và 1964, đã có khoảng 22% tổng số hàng xuất khẩu của Mĩ – trị giá từ 5 đến 6 tỷ đô la – đã được đem tới các chi nhánh ở nước ngoài của các công ty Mĩ. Khoảng 40% tổng số hàng xuất sang Ca-na-đa là được đem sang các chi nhánh của các công ty Mĩ nắm ở đó. Ở khu vực châu Mĩ La tinh, tỷ lệ đó vào khoảng 1/3, còn ở châu Âu khoảng 1/5. Theo lời một nhà kinh tế của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mĩ thì “những biện pháp kiểm soát đầu tư này sớm muộn sẽ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta bởi vì có một sự liên quan trực tiếp giữa việc đặt một nhà máy ở nước ngoài và việc cung cấp hàng cho nhà máy đó, mà một phần là từ Mĩ sang”.

Còn một mối hại thứ ba nữa, cũng rất cơ bản:

“Các quan chức trong các công ty cho rằng những biện pháp kiểm soát mới đây nhất có chiều hướng làm ngăn cản việc các công ty Mĩ ra sức đánh bại cuộc cạnh tranh ở các thị trường tiêu thụ nước ngoài. Một người trong một công ty bán hàng của Mĩ nói: “Với chiều hướng ngày càng phổ biến tiến tới chủ nghĩa dân tộc và đường lối bảo hộ ở khắp mọi nơi trên thế giới, người ta sẽ phải đứng dẫm chân ở trong phạm vi một nước. Còn nếu không thì người ta sẽ phải húc đầu vào một hàng rào hạn ngạch và các hàng rào khác mà khó có thể buôn bán làm ăn được. Nếu Mĩ muốn làm cho các nhà kinh doanh phải lụn bại đi trong nền mậu dịch quốc tế thì Mĩ hãy đi theo con đường hạn chế hoạt động kinh doanh của chúng ta ở nước ngoài.”

“Thực tế, nhờ trào lưu mạnh mẽ đầu tư vốn ra nước ngoài trong những năm gần đây, Mĩ đã bỏ vào sự nghiệp kinh doanh ở ngoài nước một món “tiền cược” khổng lồ. Các công ty của Mĩ đã có khoảng 57,5 tỷ đô la đầu tư vào các nhà máy ở nước ngoài, gấp đôi số vốn cách đây 10 năm. Trị giá sản lượng của các cơ sở kinh doanh của Mĩ ở nước ngoài hiện nay đã lên tới khoảng 100 tỷ đô la một năm, nghĩa là cao hơn trị giá sản lượng của 4 hoặc 5 nước trên thế giới cộng lại. Với tốc độ phát triển gần đây, theo một số nhà kinh tế Pháp, thì trong 15 năm nữa, trên thế giới sẽ có ba lực lượng lớn về kinh tế: Mĩ đứng đầu, Liên Xô đứng thứ hai, và các công ty của Mĩ ở nước ngoài đứng thứ ba.

“Các biện pháp hạn chế của Chính phủ Mĩ đối với các công ty cũng đòi hỏi các chi nhánh ở nước ngoài của các công ty Mĩ phải đưa về Mĩ những tiền thu được ở nước ngoài theo các thủ tục thực hiện, lấy thời gian 1964-1966 làm cơ sở. Các công ty kêu ca rằng việc bắt buộc phải gửi tiền lợi nhuận kiếm được về nước đã cắt giảm mất số vốn mà các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài có thể sử dụng để mở rộng và cải thiện công việc kinh doanh nhằm đương đầu với các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài”.

Bài báo nói trên còn bộc lộ sự đau xót của giới kinh doanh Mĩ đối với việc hạn chế đầu tư vào Tây Âu là “khu vực mà Mĩ ưa thích nhất”. Tây Âu, đặc biệt là những nước trong khối “Thị trường chung”, quả là có sức hấp dẫn ghê gớm đối với tư bản Mĩ, vì đó là một thị trường rộng lớn, gần như không còn hàng rào thuế quan nữa. Tây Âu lại có dồi dào nhân công lành nghề, giá rẻ. Ngoài ra, các điều kiện cần thiết khác cho việc đầu tư cũng rất thuận lợi. Nhưng, chính Tây Âu lại là kẻ giành được bội thu trong quan hệ với Mĩ. Vì vậy mà giới cầm quyền Mĩ không thể không hướng đòn “hạn chế” của nó chủ yếu nhằm vào Tây Âu.

Sau khi nêu ra những mối hại như trên, bài báo kết luận: “Nhiều công ty Mĩ cho rằng những biện pháp kiểm soát trực tiếp sẽ làm thiệt hại đến đồng đô la và gọi kế hoạch của Giôn-xơn là một sự lầm lẫn hàng tỷ đô la của Giôn-xơn”.

Thiết tưởng khỏi cần phải bình luận gì thêm về những ý kiến quả là xác đáng của các nhà tư bản Mĩ. Duy có một điểm: kết tội chính quyền Giôn-xơn là “sai lầm hàng tỷ đô la” và “chọn sai mục tiêu tấn công” thì có phần oan uổng. Sự thống trị của đồng đô la, bản thân nó là một kết cấu đầy mâu thuẫn, như vậy thì tránh sao khỏi mâu thuẫn nếu muốn cứu nguy cho nó?

Khác với biện pháp hạn chế đầu tư ra nước ngoài, việc hạn chế chi tiêu về du lịch ra nước ngoài chẳng hề động chạm đến sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc Mĩ mà chỉ động chạm đến sự xa xỉ của nước Mĩ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà nó dễ thực hiện hơn biện pháp trên. Từ đầu năm 1968, chính phủ Mĩ đã trình quốc hội một dự luật đánh thuế vào những người đi du lịch ra ngoài phạm vi châu Mĩ dưới các hình thức sau đây:

– Đánh thuế hàng hóa 5% vào các vé máy bay.

– Đánh thuế lũy tiến vào tổng số tiền chi tiêu ở nước ngoài. Chỉ mỗi ngày dưới 7 đô la thì không phải chịu thuế. Từ 8-15 đô la thì phải chịu 15% thuế. Trên 15 đô la thì phải chịu 30% thuế. Một nghị sĩ quốc hội hay một nhà kinh doanh lớn cũng chỉ được phép chi tối đa 50 đô la một ngày mà thôi. Về mua hàng, trước đây mỗi người được phép chi 100 đô la không phải chịu thuế thì nay chỉ được chi 10 đô la. Ngoài hạn mức này, mọi hàng hóa mua ở nước ngoài đem về đều phải tính vào khoản chi tiêu để chịu thuế.

Như vậy, một người thông thường đi du lịch 17 ngày theo cách thông dụng nhất sẽ phải chịu gần 200 đô la thuế. Nếu là 30 ngày – mức tối đa – thì sẽ phải chịu 350 đô la thuế.

Bộ Tài chính Mĩ dự tính, bằng cách đánh thuế như trên, có thể giảm bớt được từ 250 đến 300 triệu đô la bội chi về du lịch.

Qua nội dung của dự luật nói trên, người ta dễ dàng hình dung được sự phản ứng của các lớp người Mĩ. Quốc hội Mĩ cho biết, hàng ngày họ nhận được từ 100-150 bức thư phản đối việc đánh thuế đó. Chẳng riêng gì du khách, sinh viên, giáo viên, nhà văn hóa, văn nghệ, mà cả các công ty hàng không, điện tín điện thoại, ngân hàng, v.v… cũng phản đối. Sự phản đối nổi lên ngay cả trong Quốc hội Mĩ. Vì vậy, người ta cho rằng quốc hội không thể thông qua một biện pháp “không hay ho” như thế trong năm tuyển cử.

Dù Quốc hội Mĩ có thông qua hay không, chỉ riêng việc đưa ra dự luật như trên cũng đủ nói lên rằng:

1- Sự quẫn bách đã đến lúc khiến cho một nước kiêu căng nhất về sự giàu có cũng hóa thành bủn xỉn.

2- Dù có chấp nhận sự bủn xỉn đó làm luật pháp đi chăng nữa thì thực ra, 300 triệu đô la tiết kiệm được cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với sự hoang phí tiết ra từ mọi lỗ chân lông của chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến Mĩ.

Nếu ba khoản trên còn thuộc thẩm quyền của giới cầm quyền Mĩ thì hai khoản dưới lại không phải như vậy.

Để tiết kiệm 500 triệu đô la chi tiêu của Chính phủ, Mĩ đặt hy vọng vào “thiện chí” của hai người “bạn” vốn là hai kẻ tử thù: Tây Đức và Nhật.

Chẳng phải đến bây giờ Mĩ mới thuyết phục Tây Đức “hợp tác” để giảm cho Mĩ một phần gánh nặng chi phí cho 25 vạn quân Mĩ đóng ở Tây Đức; số chi phí này – chỉ kể tiền mặt – hàng năm lên tới 750 triệu đô la. Vì mục tiêu đó, mấy năm nay, các nhà ngoại giao Mĩ liên tiếp “viếng thăm” Tây Đức. Theo đề nghị của Mĩ thì Tây Đức nên dùng một phần số đô la bội thu nói trên để mua thiết bị quân sự của Mĩ. Kèm theo đề nghị nhã nhặn đó là những lời đe dọa rút dần quân Mĩ ở Tây Đức về, nhưng đáp lại, Tây Đức vẫn một mực kiên trì… từ chối. Kẻ từ chối chẳng phải không có lý để từ chối: đã cho mượn đất đóng quân, và cho mượn cả chủ quyền, lẽ nào lại không có quyền kiếm chút ngoại tệ sao? Còn rút dần quân Mĩ về ư? Bọn quân phiệt Tây Đức biết tỏng ruột gan của tên sen đầm quốc tế rồi!

Về phía Nhật, Mĩ cũng chẳng nhận được dấu hiệu gì đáng phấn khởi. Mĩ nhiều lần gợi ý với Nhật nên đóng góp vào việc bảo vệ đồng đô la – lấy cớ Nhật kiếm được của Mĩ tới 2.000 triệu đô la hàng năm, riêng về khoản cung cấp quân sự đặc biệt cho cuộc chiến tranh Việt Nam – bằng cách bỏ ra từ 500 đến 700 triệu đô la để mua thiết bị quân sự của Mĩ hoặc mua trái phiếu ngắn hạn của Mĩ (cũng tức là “gửi tiết kiệm” ở Mĩ). Sự gợi ý đó, gần đây, đã được Bộ trưởng tài chính Mĩ đưa ra thẳng thắn đến mức mà “người Nhật cảm thấy rằng trừ phi Nhật giúp Mĩ bảo vệ đồng đô la theo kiểu đó thì yêu cầu của Nhật đòi trả lại đảo Ô-ki-na-oa mới không bị đối xử lạnh nhạt”. Mặc dầu vậy, cho đến nay, Nhật vẫn một mực khước từ một cách rất lịch sự: thiết bị quân sự thì Nhật “không thể mua nhiều” vì Nhật cũng đang ra sức phát triển ngành công nghiệp vũ khí của mình, còn trái phiếu ngắn hạn thì Nhật sẽ mua vào lúc nào dự trữ ngoại tệ của Nhật bớt căng thẳng hơn”. Người ta biết rằng dự trữ vàng và ngoại tệ của Nhật từ năm 1960 tới nay lúc nào cũng chỉ quanh quẩn ở mức 2 tỷ đô la, trong đó chỉ có chừng 15% là vàng. Như vậy thì biết đến lúc nào dự trữ ngoại tệ của Nhật sẽ bớt căng thẳng hơn?

Trong khi những cuộc mặc cả về mấy trăm triệu đô la kéo lê hết năm này sang năm khác thì cuộc chiến tranh Việt Nam cứ ngốn hết nghìn triệu đô la này đến nghìn triệu đô la khác!

Về khoản xuất siêu thì ngay việc giữ cho được mức của năm ngoái (4,1 tỷ đô la) đã là khó rồi, nói gì đến tăng thêm 500 triệu đô la!

Chưa bao giờ cuộc chiến tranh Việt Nam lại tác hại đến chiều hướng xuất nhập khẩu rõ ràng, như năm nay. Một mặt, lạm phát đã làm cho hàng nhập tăng thêm sức hấp dẫn ở thị trường nước Mĩ, đồng thời, làm cho sức cạnh tranh của hàng Mĩ ở thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Tây Âu, thêm suy yếu. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng ở nội địa tăng lên vì chiến tranh cũng làm cho nhập khẩu tăng lên nhanh hơn xuất khẩu.

Tình hình chung của mấy năm “leo thang chiến tranh” ở Việt Nam là như vậy. Tình hình riêng của năm 1968 lại càng như vậy. Chúng ta hãy so sánh những số liệu sau đây:

  Xuất khẩu

(Tỷ đô la)

Tăng

(%)

Nhập khẩu

(Tỷ đô la)

Tăng giảm

(%)

1960 19,4 19,0 14,7 – 4,0
1961 19,9 2,5 14,5 – 1,4
1962 20,6 3,5 16,1 +11,0
1963 22,0 6,8 17,0 +5,5
1964 25,3 15,0 18,6 +9,4
1965 26,2 3,5 21,5 +15,5
1966 29,1 11,0 25,5 +18,6
1967 30,9 6,1 26,8 +10,2
1968

(ước tính)

34,0 10,0 33,0 +23,1

Trong những năm 1960-1964, tốc độ tăng của xuất khẩu luôn luôn cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu. Chỉ riêng năm 1962 mới xảy ra tình hình ngược lại, nhưng số lượng tuyệt đối của xuất khẩu vẫn trội hơn số lượng tuyệt đối của nhập khẩu tới 4,5 tỷ đô la. Còn từ năm 1965 trở đi, nhập khẩu luôn luôn tăng nhanh hơn xuất khẩu. Kết quả là: sang năm 1968, số lượng tuyệt đối của nhập khẩu đã đạt tới mức xấp xỉ số lượng tuyệt đối của xuất khẩu!

Hoảng hốt trước chiều hướng phát triển của tình hình, từ cuối năm ngoái, quốc hội Mĩ đã nhiều phen lăm le sử dụng đến vũ khí “bảo hộ”: trợ cấp xuất khẩu, định hạn ngạch nhập khẩu, đánh thuế phụ thu nhập khẩu, v.v… Chính cái nước đề xướng ra cuộc vận động hạ thấp từng bước hàng rào thuế quan nổi tiếng với cái tên rất Mĩ: “hiệp ước Ken-nơ-đi”, thì nay lại cuống quýt tìm đường quay về chính sách bảo hộ! Song, không dễ gì mà các nước đế quốc khác để cho Mĩ tự do chơi cái trò khôn lỏi ấy. Cả khối 6 nước lẫn Nhật Bản đều đã sẵn sàng trả đũa Mĩ bằng chính những biện pháp mà Mĩ định dùng để làm hại họ.

Bị kẹp chặt giữa hai gọng kìm – cuộc chiến tranh thương mại và cuộc chiến tranh Việt Nam – cán cân thương mại của Mĩ đang phải trải qua những ngày đen tối nhất: trong 8 tháng đầu năm thì 3 tháng bội chi, còn các tháng kia chỉ đạt mức bội thu rất thấp:

Đơn vị: triệu đô la
Tháng 1   + 169
2   + 171
3   157
4   + 248
5   32
6   87
7   + 138
8   + 88

Tính chung lại qua 8 tháng, Mĩ chỉ đạt có 538 triệu đô la xuất siêu – một con số mới nhỏ bé làm sao so với mục tiêu đề ra là: 4.600 triệu đô la! Trừ phi có phép lạ của Thượng đế, ngoài ra, Mĩ không có cách gì vượt nốt được khoảng cách còn lại giữa hai con số nói trên trong vòng 4 tháng.

Điểm qua 5 biện pháp cứu nguy đồng đô la của chính quyền Giôn-xơn, ta thấy đế quốc Mĩ bối rối biết chừng nào! Vì cứu nguy đồng đô la cho nên phải giảm bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế. Nhưng giảm bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế lại có nghĩa là hạn chế đặc quyền lạm phát của Mĩ, hạn chế sử dụng một công cụ thống trị và bành trướng hết sức lợi hại của chủ nghĩa đế quốc Mĩ. Vì thế mà nó là một biện pháp khó khăn, đau đớn. Chắc chắn rằng đế quốc Mĩ không thể hy sinh đặc quyền lạm phát và sự bành trướng liên tục trong nhiều năm nữa chỉ vì mục tiêu củng cố địa vị quốc tế của đồng đô la. Củng cố địa vị quốc tế của đồng đô la để làm gì, nếu không phải là để lạm phát và bành trướng? Củng cố địa vị quốc tế của đồng đô la còn có ý nghĩa gì nữa, nếu phải hy sinh cả đặc quyền lạm phát và sự bành trướng? Nhưng, nếu chỉ hạn chế trong năm 1968 thôi thì việc giảm bội chi chẳng có tác dụng gì hơn là xoa dịu cơn đau trong chốc lát!

Việc Mĩ giảm bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế còn có ý nghĩa như một cuộc đấu tranh trên trường quốc tế. Vì mức bội thu đô la của Tây Âu vẫn tương ứng với mức bội chi đô la của Mĩ cho nên muốn giảm bội chi, Mĩ không thể không chọn Tây Âu làm đối tượng chính. Hạn chế đầu tư trực tiếp vào Tây Âu, hạn chế tiền vay đưa vào Tây Âu, hạn chế du lịch vào Tây Âu, tăng cường cạnh tranh thương mại với Tây Âu, bấy nhiêu biện pháp ấy không thể không đe dọa nguồn thu ngoại tệ của Tây Âu, do đó, không thể không làm kịch liệt thêm cuộc đấu tranh vốn đã hết sức kịch liệt giữa các cường quốc đế quốc chủ nghĩa hai bên bờ Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, ngay cả với những biện pháp khá nguy hiểm như trên, đế quốc Mĩ vẫn chỉ đạt được “tiến bộ” một cách hết sức chật vật: cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ đã hụt 600 triệu đô la trong quý I, 160 triệu đô la trong quý II và chỉ sang quý III mới dư được 35 triệu. Cơn đau có chiều hướng giảm xuống. Nhưng, chỉ bằng những liều thuốc giảm đau, người ta không thể chữa được một con bệnh mắc chứng ung thư đã 20 năm nay!

Cứu nguy đồng đô la giấy bằng “ảo ảnh” của đồng đô la giấy

Với chương trình 5 điểm trên đây, dù đạt được kết quả mong muốn cho năm 1968 đi nữa thì cán cân thanh toán của Mĩ cũng vẫn không sao đoạn tuyệt được với khuynh hướng bội chi. Bội chi vốn là đặc quyền của Mĩ trong chế độ bản vị vàng hối đoái mới. Nó trở thành một công cụ thống trị, bành trướng và bóc lột trên phạm vi quốc tế hết sức lợi hại trong tay đế quốc Mĩ. Nhưng, làm thế nào để tiếp tục bám lấy đặc quyền ấy mà vẫn bảo vệ được đồng đô la? Làm thế nào tiếp tục bội chi được mà vẫn tránh được lạm phát thêm đô la đồng thời tránh được cả việc xuất vàng ra để thanh toán bội chi? Đế quốc Mĩ gửi gắm mưu đồ nham hiểm ấy vào cái gọi là “quyền vay đặc biệt” mà người Pháp đã đặt cho cái tên vừa rành rọt vừa hài hước: “vàng giấy”.

Cơ sở lý luận của cái gọi là “quyền vay đặc biệt” này đã được tổng thống Mĩ trình bày – với tất cả sự hồ đồ của nó – trong bản báo cáo kinh tế đầu năm ngày 1-2-1968, như sau:

“Khi cán cân thanh toán của ta đã được cân đối thì thế giới sẽ không còn trông cậy vào đô la để bổ sung thêm cho dự trữ của mình nữa, mà thế giới cũng chẳng phải phụ thuộc vào vàng nữa. Sản xuất vàng không đáp ứng được nhu cầu vàng công nghiệp ngày càng tăng và vàng chạy vào tay tư nhân đầu cơ. Điều cần thiết là phải có một loại phương tiện dự trữ được mọi người chấp thuận, coi như phụ thêm vào vàng và đô la, và được tạo ra với một khối lượng cần thiết để đáp ứng ý muốn phát triển dự trữ của thế giới.

“Kế hoạch về “quyền vay đặc biệt” được chấp thuận tại Ri-ô Đơ Gia-ne-rô, tháng 11-1967, đã tạo ra khối lượng đó. Kế hoạch này sẽ củng cố về căn bản và xoay chuyển kịp thời hệ thống tiền tệ thế giới trong những năm tới. Thỏa ước đó cần được phê chuẩn nhanh và hoạt động ngay trên một phạm vi thích hợp và cần được Quốc hội Mĩ phê chuẩn cho Mĩ tham gia”.

Như vậy, theo Giôn-xơn, “quyền vay đặc biệt” là một thứ tiền tệ quốc tế, một phương tiện dự trữ quốc tế chỉ thuần túy dựa trên “sự chấp thuận của mọi người”. Nó bổ sung vào dự trữ tiền tệ của thế giới tư bản hiện gồm có vàng và đô la (ngoài ra là đồng bảng Anh và một số đồng tiền “mạnh” khác). Cũng theo Giôn-xơn, sở dĩ phải sáng tạo ra loại tiền mới này là vì: một là, khi Mĩ đã thăng bằng được cán cân thanh toán quốc tế của nó rồi (khi nào thì Mĩ thăng bằng được?) thì thế giới sẽ mất nguồn đô la lạm phát làm phương tiện dự trữ; và hai là, sản lượng vàng ngày nay không còn đủ sức cung cấp vật liệu cho dự trữ tiền tệ của thế giới tư bản nữa. Trước tình hình đó, nếu không sớm lo toan, nếu không sớm tạo ra một thứ tiền tệ quốc tế mới nhằm “củng cố về căn bản và xoay chuyển kịp thời hệ thống tiền tệ thế giới” thì nạn thiếu phương tiện thanh toán sẽ trút tai họa lên nền mậu dịch quốc tế!

Trước khi đưa ra nhận xét về cái mớ lý luận bịp bợm trên đây của chủ nghĩa tư bản độc quyền Mĩ, chúng ta hãy tìm hiểu rõ hơn cái gọi là “quyền vay đặc biệt” là cái gì?

Theo sáng kiến của những người đẻ ra nó thì “quyền vay đặc biệt” chẳng phải là tiền vàng, cũng chẳng phải là tiền giấy. Nó là một thứ tiền tệ chỉ tồn tại dưới hình thức ghi sổ tài khoản ở Quỹ tiền tệ quốc tế mà thôi. Các nước hội viên của Quỹ này (gồm 107 nước) trước đây vẫn có quyền vay tiền (và hoặc một thứ ngoại tệ nào đó) của Quỹ tiền tệ quốc tế để trang trải mỗi khi bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế. Số tiền mà mỗi nước được quyền vay tùy thuộc vào tỷ lệ số vốn mà nước đó góp vào Quỹ. Ngoài quyền vay thông thương này, bây giờ mỗi nước hội viên có một “quyền vay đặc biệt” nữa. Tiền vay theo lối này không được trao cho nước vay nợ, mà cũng chẳng được trao cho nước được trả nợ dưới bất cứ một hình thức tiền mặt nào. Quỹ tiền tệ quốc tế chỉ làm thủ tục ghi vào sổ tài khoản của Quỹ: nước A đi vay thì coi như mắc nợ của Quỹ và hàng năm phải trả lãi cho Quỹ, còn nước B được trả nợ thì coi như có một số tiền kí gửi ở Quỹ, góp vốn cho Quỹ. Số tiền gửi này, nước B không được phép rút ra dưới bất cứ một hình thức tiền mặt nào (vàng hay ngoại tệ), mà chỉ có thể dùng để thanh toán – cũng trên sổ sách – khi chính nó mắc nợ một nước C nào đó. Trong tường hợp bày, khi nước B cần thanh toán với nước C thì không phải là nó sẽ đòi nước A phải trả nợ cho nó mà chính là Quỹ tiền tệ quốc tế phải trả bằng cách chuyển số tiền mà Quỹ nợ của nước B thành món nợ đối với nước C. Còn nước A, nó sẽ trả nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế khi một nước D nào đó thiếu hụt trong quan hệ với nó, buộc phải “vay” tiền của Quỹ để trả nợ cho nó. Cách vay và trả cũng hoàn toàn theo lối ghi sổ: số tiền mà nước A nợ của Quỹ thì nay chuyển sang cho nước D gánh lấy. Đến lượt nước D, nếu muốn trả nợ cho Quỹ thì cũng lại phải tìm cho được một nước E nào đó thế chân làm con nợ. Cứ như thế, người ta thanh toán nợ nần với nhau thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế, không dùng đến một đồng tiền mặt nào cả. Còn Quỹ tiền tệ quốc tế, ngoài vai trò làm trung tâm thanh toán quốc tế, nó còn tự biến mình thành một trung tâm tín dụng quốc tế bằng cách nhận làm con nợ của những nước bội thu để trở thành chủ nợ của những nước bội chi. Qua đó ta thấy “quyền vay đặc biệt” chỉ là một phương thức thanh toán quốc tế theo lối ghi sổ, không cần tiền mặt. Cái gọi là tiền tệ ở đây chỉ là tiền tệ trong ý niệm, tiền tệ trên giấy. Chính vì thế mà Pháp đã gọi thẳng đó là “vàng – giấy”, tức là vàng trên giấy.

Mỗi đối vị tiền tệ này trị giá bằng một đồng đô la Mĩ. Nói cho đúng thì đó chính là đồng đô la Mĩ, nhưng là đồng đô la Mĩ không phải do Mĩ phát hành, không phải do Mĩ chịu trách nhiệm đảm bảo, mà là do Quỹ tiền tệ quốc tế “tạo ra” trên ý niệm, đồng đô la này vì là hình ảnh của đồng đô la Mĩ cho nên nó ắt phải mang trong mình nó tất cả những mâu thuẫn nội tại của đồng đô la, trước hết là mâu thuẫn giữa đồng đô la nội địa và đồng đô la hải ngoại, giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do, và giữa bản thân đồng đô la với vàng mà nó đại biểu. Nói rằng nó được đảm bảo bằng số vốn của Quỹ tiền tệ quốc tế thì không đúng, bởi vì vốn của Quỹ này đã dùng làm quỹ cho vay theo lối thông thường rồi. Tiền cho vay theo lối “đặc biệt” chẳng có vàng mà cũng chẳng có ngoại tệ nào bảo đảm. Cái duy nhất đảm bảo cho nó chỉ là “sự cam kết quốc tế”! Như vậy, nó hoàn toàn là một đồng tiền giấy – một đồng tiền giấy quốc tế, không có vàng đảm bảo mà cũng chẳng bao giờ bước ra khỏi lĩnh vực sổ sách kế toán. Chính ở điểm này đã nổ ra sự tranh chấp gay go giữa Mĩ và Pháp. Mĩ thì đòi gán cho “quyền vay đặc biệt” tư cách của tiền tệ – một loại tiền riêng biệt do Quỹ tiền tệ quốc tế tạo ra, đứng độc lập bên cạnh vàng và đồng đô la và tiến tới thay thế cả vàng lẫn đồng đô la. Còn Pháp thì nhất định không chịu. Lập trường của Pháp là không thể chấp nhận và cũng không thể tưởng tượng được một đồng tiền giấy quốc tế không có vàng đảm bảo hay là không “chấp hành kỷ luật” đối với vàng. Pháp chỉ chấp nhận “quyền vay đặc biệt” như một thứ tiền vay, một thứ tiền tín dụng: thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế làm trung gian và theo một số thủ tục đặc biệt, nước A được phép nợ nước B một số đô la nào đó. Và như vậy thì việc thanh toán số nợ này không thể vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ tiền tệ quốc tế hiện hành được, nghĩa là không thể không “chấp hành kỷ luật” đối với vàng.

Một khi “quyền vay đặc biệt” được chấp nhận thì, theo dự kiến của Mĩ, khối lượng của nó phát hành trong 5 năm đầu sẽ là từ 5 đến 10 tỷ đô la. Trong số này Mĩ có quyền vay 25%, Anh 11%, 6 nước khối “Thị trường chung” 18%, còn 99 nước khác thì chia nhau phần còn lại (“quyền vay đặc biệt” cũng như quyền vay thông thường đều tính theo tỷ lệ số vốn ban đầu mà mỗi nước góp vào Quỹ tiền tệ quốc tế). Nếu một nước nào đó không cần vay số tiền mà mình được quyền vay thì nó có thể “tự nguyện chuyển nhượng” quyền đó cho một nước khác dưới hình thức cho nước này vay.

Kế hoạch chi tiết về “quyền vay đặc biệt” cho đến nay vẫn chưa được công bố, và có thể còn chưa được xác định dứt khoát. Một khi được xác định dứt khoát, nó còn phải được sự phê chuẩn của chính phủ các nước hội viên – ít nhất phải có 64% các nước hội viên của Quỹ tiền tệ quốc tế, chiếm 80% quyền bỏ phiếu, thông qua – mới có hiệu lực. Tuy nhiên, với những nét đại thể như trên, người ta đã có thể xác định được bản chất và ý nghĩa của nó.

Phải chăng “quyền vay đặc biệt” là một thứ tiền tệ quốc tế mới, độc lập với vàng, có khả năng “củng cố về căn bản và xoay chuyển kịp thời hệ thống tiền tệ thế giới” của chủ nghĩa tư bản? Khẳng định như vậy tức là hoàn toàn không hiểu gì hết về bản chất của tiền tệ.

Thông thường trong xã hội sản xuất hàng hóa, không có một nước nào chỉ bán mà không mua, và do đó, chỉ là chủ nợ mà không đồng thời là con nợ. Việc thanh toán theo lối ghi sổ giữa các nước, vì vậy, là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở để thực hiện. Nhưng, chỉ bằng lối ghi sổ, người ta không bao giờ thực hiện được dứt điểm việc thanh toán cả. Qua một năm hay qua một số năm, thế nào cũng có một số nước bội thu và một số nước bội chi. Vậy thì lấy gì để thỏa mãn nước nước bội thu, nhất là những nước bội thu liên tục năm này qua năm khác? Họ trao giá trị – giá trị hiểu theo nghĩa kinh tế học – cho các nước khác chẳng lẽ chỉ để cuối cùng có được một tài khoản kí gửi vĩnh viễn trên sổ sách của Quỹ tiền tệ quốc tế hay sao? Họ trao giá trị cho nước khác chỉ nhằm mỗi một mục đích cho vay lấy lãi hay sao? Thời bình đã như vậy. Lúc chiến tranh và khủng hoảng thì thế nào? Một chế độ tiền tệ quốc tế mà không bảo đảm hoàn lại giá trị (dưới hình thái tiền tệ) cho kẻ đã trao giá trị cho kẻ khác (dưới hình thái hàng hóa), như vậy thì sao gọi được là một chế độ tiền tệ quốc tế? Một đồng tiền quốc tế mà bản thân nó không phải là một vật ngang giá chung, không phải là hiện thân của giá trị, thậm chí không bao giờ xuất hiện dưới bất cứ một hình thái vật thể nào cả, một đồng tiền chỉ tồn tại thuần túy trên ý niệm, trên sổ sách, như vậy thì gọi sao được là một đồng tiền quốc tế? Nói rằng nó được bảo đảm bởi một sự cam kết quốc tế thì đó chỉ là một sự lừa bịp. Không bảo đảm hoàn lại giá trị những nước liên tục trao giá trị của mình cho nước khác, nhất là khi chiến tranh và khủng hoảng kinh tế nổ ra, như vậy thì sự cam kết có ý nghĩa gì?

Ở đây, chỉ riêng về mặt lý luận, chúng ta có thể thấy sự đần độn tư sản có thể sáng tạo ra những vật quái đản như thế nào. Song, vấn đề không phải chỉ ở chỗ đó. Vấn đề còn là ở chỗ: một khi những vật quái đản ấy được đưa vào cuộc sống – do sức mạnh của những quan hệ thống trị và lệ thuộc giữa các quốc gia trong điều kiện đế quốc chủ nghĩa – thì chúng sẽ dẫn hệ thống tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản đi tới đâu? Một hệ thống tiền tệ quốc tế cắt đứt hẳn quan hệ với vàng và với mọi hình thái giá trị nói chung, một hệ thống tiền tệ quốc tế không bảo đảm hoàn lại giá trị cho những nước đã trao giá trị của nó cho nước khác, hệ thống đó chỉ là một kết cấu giả tạo, đầy rẫy mâu thuẫn đối kháng và thế nào cũng chết yểu.

Chấp nhận tiền giấy của một nước làm tiền tệ thế giới đã là một sự phiêu lưu. Chấp nhận đồng tiền giấy vô hình của một tổ chức quốc tế không có một chút giá trị nào bảo đảm làm tiền tệ thế giới, lại càng phiêu lưu. Sự tính toán gian xảo của kẻ đề xướng ra kế hoạch phiêu lưu này cũng như của những kẻ ủng hộ kế hoạch đó là ở chỗ: gánh lấy hậu quả của sự phiêu lưu này chắc chắn sẽ không phải là họ mà là kẻ khác: những nước liên tục giành được bội thu trong cán cân thanh toán quốc tế. Về phía họ – những nước liên tục bội chi hoặc thường thường là bội chi – thì “quyền vay đặc biệt”, nói cụ thể hơn là quyền được vay mà không cần phải xuất vàng hay ngoại tệ ra để thanh toán, rõ ràng là một lối thoát dễ chịu.

Chẳng phải vì lo cho thế giới cạn nguồn đô la một khi Mĩ thăng bằng được cán cân thanh toán quốc tế của họ, cũng chẳng phải vì sản lượng vàng của thế giới không còn đủ sức cung cấp vật liệu chi tiền tệ thế giới nữa mà Mĩ đã khởi xướng ra kế hoạch phiêu lưu này. Nó muốn tìm ra một lối thoát cho nạn bội chi kinh niên của bản thân nó. Trong tình hình nạn bội chi kinh niên thì chưa có cách gì chấm dứt, mà đồng đô la lạm phát thì đã tới mức nguy kịch, dự trữ vàng thì cạn tới mức báo động rồi, như vậy, có được “quyền vay đặc biệt” chẳng phải là dễ thở hơn đối với Mĩ hay sao? Nói cho đúng thì đó là cách tốt nhất để Mĩ tiếp tục bội chi: bội chi mà không phải lạm phát thêm đô la, cũng không phải thanh toán bằng vàng, hơn nữa, mang nợ trực tiếp với những nước bội thu mà có thể lợi dụng Quỹ tiền tệ quốc tế làm cái bình phong của Mĩ. Đây chính là lý do thật sự đã khiến cho Pháp chống đối kế hoạch “vàng giấy” của Mĩ. Lập trường chống đối của Pháp có thể tóm tắt trong những điểm sau đây:

1- Pháp cho rằng “quyền vay đặc biệt” chỉ là cách giải thoát dễ dàng cho Mĩ và Anh trong vấn đề bội chi mà thôi. Vì vậy, Pháp đòi Mĩ và Anh phải chấm dứt được bội chi trước khi mà “quyền vay đặc biệt” có hiệu lực.

2- Pháp đồng ý trên nguyên tắc việc thiết lập quyền vay này, nhưng không coi nó như một thứ tiền tệ quốc tế mới, độc lập với vàng, chỉ coi nó như một nguồn dự trữ để giải quyết các món nợ với nước ngoài, như “một loại tiền vay”. Mà tất cả các loại tiền – theo Pháp – đều phải “chấp hành kỷ luật” đối với vàng.

3- Pháp đòi phải thêm một điều khoản gọi là “điều khoản chọn lựa”, theo đó thì Pháp hoặc một nước hội viên nào khác của Quỹ tiền tệ quốc tế có quyền từ chối hoặc chấp nhận việc thanh toán bằng “quyền vay đặc biệt”.

 4- Pháp chống lại “quyền tự nguyện chuyển nhượng” nghĩa là nước nào không sử dụng đến “quyền vay đặc biệt” của mình thì thôi, không được chuyển nhượng cho nước khác.

Qua hai điểm đầu, ta thấy lập trường của Pháp về căn bản khác so với lập trường của Mĩ. Điểm 3, Pháp dùng để lẩn tránh tác hại của “quyền vay đặc biệt” đối với mình. Còn điểm 4, rõ ràng là nhằm hạn chế sự lạm dụng của Mĩ. Trước sau, Pháp đều chống lại bá quyền đã lỗi thời của đồng đô la và kiên trì quan điểm trở lại lấy vàng làm cơ sở cho hệ thống tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản, trong đó bao gồm cả việc làm cho “quyền vay đặc biệt”gắn chặt với vàng.

Một đằng thì cố níu lấy vàng làm cơ sở cho hệ thống tiền tệ quốc tế, một đằng thì cố đẩy hệ thống tiền tệ quốc tế xa rời vàng hơn nữa, thậm chí cắt đứt liên hệ với vàng, hai lập trường đó khác nào như nước với lửa! Mặc dầu Mĩ đã lôi kéo và ép buộc được phần lớn các nước hội viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (các nước này ít nhiều đều lo ngại rằng nếu không sớm cứu nguy được đồng đô la thì đồng tiền nước họ cũng sẽ có ngày chết chìm theo đồng đô la mà thôi), nhưng thật không dễ gì vượt qua được đầu Pháp. vì vậy mà cho tới nay, sau gần một năm “thỏa thuận” tại hội nghị Ri-ô Đờ Gia-nê-rô, kế hoạch “vàng – giấy” vẫn hoàn toàn kế hoạch trên giấy. Mĩ hy vọng rằng đến cuối năm 1969 nó sẽ được các nước chấp thuận và đem ra thực hiện. Nhưng, chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng hy vọng đó là hiện thực. Và dù cho kế hoạch của Mĩ về “quyền vay đặc biệt” có được chấp thuận và đem ra thực hiện đi chăng nữa thì ý nghĩa của nó đối với việc cứu nguy đồng đô la cũng rất hạn chế: nếu tổng số “quyền vay đặc biệt” đạt tới hy vọng cao nhất của Mĩ là 10 tỷ đô la thì trong 5 năm, Mĩ cũng chỉ được vay 2,5 tỷ đô la, tức là bình quân mỗi năm 500 triệu. Đương nhiên, sức ép đối với đồng đô la sẽ giảm đi tương ứng, nhưng, đối với những con số bội chi mỗi năm hàng nghìn triệu đô la thì con số 500 triệu nhiều nhất cũng chỉ có tác dụng làm cho thời gian nổ ra khủng hoảng chậm lại mà thôi.

Dùng vàng để chống thì nửa chừng phải thú nhận bất lực. Chấm dứt chiều hướng bội chi bằng cách hy sinh một loạt quyền lợi đế quốc chủ nghĩa thì không đành, chỉ những biện pháp nửa vời là được áp dụng. Còn kế hoạch lạm phát “vàng – giấy” thì chưa có gì hứa hẹn cả, mà nếu có thực hiện được cũng chẳng có ý nghĩa gì căn bản đối với việc cứu nguy đồng đô la. Một chính khách Pháp đã nhận xét rất đúng là: “đối với căn bệnh của đồng đô la, đáng lẽ phải giải phẫu thì người chỉ giới hạn ở những liều thuốc giảm đau!”.

Nỗi bí của đế quốc Mĩ là ở chỗ: cái gây ra tai họa cho đồng tiền của nó lại chính là công cụ thống trị và bóc lột mạnh mẽ nhất của nó. Vì vậy, cắt bỏ cái ung thư ấy trên mình nó cũng có nghĩa là cắt bỏ những móng vuốt lợi hại nhất của nó.

Nhưng, chừng nào chưa cắt bỏ cái ung thư ấy đi thì chừng ấy, đồng tiền của Mĩ vẫn hết sức bấp bênh và luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng trong mình nó.

Những dấu hiệu mệt mỏi của thần Át-lát

“Nước Mĩ hiện nay giống như thần Át-lát đã mệt mỏi vì đã mang quả đất trên lưng nó quá lâu rồi”.

Đưa ra nhận xét trên đây, chẳng phải là một người nào có dụng ý bài Mĩ mà chính là một tờ báo lớn ở Mĩ. Tờ Tin Mĩ và thế giới, ngày 27-5-1968, trong một bài báo nhan đề “Nước Mĩ từ giàu đến nghèo trong 20 năm qua”, viết:

“Trước đây không lâu, nước Mĩ đã từng đứng đầu các cường quốc trên thế giới. Vàng của Mĩ chất đống cao, đồng đô la rất mạnh. Hiện nay, đồng đô la đang bị tấn công, một nửa số vàng đó đã bị mất, và nước Mĩ không còn được thế giới kính nể nữa.

“Chỉ 20 năm trước đây, điều lo lắng là ở chỗ nước Mĩ đã trở nên quá giàu;…vấn đề lớn lúc bấy giờ là: làm sao thế giới có thể phục hồi được? Liệu Mĩ có còn tiếp tục hút hết tài nguyên của thế giới hay không?

“Và hiện nay, sau 20 năm, nước Mĩ thấy đồng đô la bị tấn công. Trừ vài trường hợp, còn thì mọi nước đều không muốn đồng đô la này nữa. Trước đây không lâu, thế giới lo lắng vì thiếu đô la thì nay rất lo sợ vì quá thừa đô la. Nước Mĩ trước đây có thể bán được nhiều hàng hơn đối thủ của mình thì nay, trong thế giới cạnh tranh này, Mĩ thấy mình không còn có thể kiếm được bằng cách đó nữa.

“Những nước bị đánh bại, hoàn toàn bất lực 20 năm trước đây, lại trở thành những nước mạnh nhất. Tây Đức và Nhật trở thành nước công nghiệp hùng mạnh. Đồng mác Tây Đức sau năm 1945 hoàn toàn bị quét sạch thì nay được liệt vào đồng tiền mạnh hơn đồng đô la. Ngay cả đồng phơ-răng Pháp, trước khi Đờ-gôn lên cầm quyền thường bị coi rẻ trong thế giới tiền tệ, hiện nay cũng khỏe hơn đồng đô la và là một đồng tiền có thể làm cho Pháp khinh miệt được Mĩ.

“Trước đây Mĩ là nước cho vay lớn nhất, hiện nay lại nợ thế giới tới 34 tỷ đô la, mà các nước chủ nợ của Mĩ, bằng cách này hay cách khác, có thể đổi số đô la đó lấy vàng. Do đó, việc cung ứng vàng của Mĩ để đáp ứng đòi hỏi của các chủ nợ đã làm cho kho vàng của Mĩ từ 25 tỷ đô la giảm xuống còn 10,7 tỷ.

“Tại sao Mĩ lại bị tụt từ địa vị cao mà có lúc nó đã từng chiếm được xuống địa vị như hiện nay?

“Câu trả lời do các nhà ngân hàng và các nhà kinh tế đưa ra rất đơn giản: Mĩ đã làm quá nhiều và quá nhanh”.

Mĩ đã làm gì quá nhiều và quá nhanh?  Tờ báo dẫn ra hai việc sau đây:

“Trong nhiều năm từ 1945, Mĩ đã cho các nước hoặc cho các nước vay hơn 132 tỷ đô la, trong số đó 91 tỷ là cho không và 41 tỷ là cho vay. Các nước đã trả nợ Mĩ khoảng 16 tỷ đô la.

“Không những Mĩ cho không và cho vay hàng tỷ đô la mà Mĩ còn phải chịu một phần rất lớn gánh nặng phòng thủ của thế giới không cộng sản. Gánh nặng này bao gồm 2 cuộc chiến tranh, chiến đấu bằng tiền của Mĩ và bằng người của Mĩ, ở Triều Tiên và ở Việt Nam. Nó cũng bao gồm cả việc Mĩ rải những lực lượng lớn về lục quân, hải quân, và không quân gần 1 triệu người ở các căn cứ trên thế giới. Cung cấp vũ khí cho các lực lượng đó cùng với việc đảm nhiệm phòng thủ bằng tên lửa cho phương Tây đã ngốn mất một số tiền lớn, khoảng 915 tỷ đô la trong 20 năm qua.”

Chính những hoạt động bành trướng đế quốc chủ nghĩa “quá nhiều và quá nhanh” trên đây đã làm cho đồng tiền Mĩ sa sút. Bài báo viết tiếp:

“Trong suốt những năm Mĩ giúp thế giới thì đồng đô la đã dần dần mất giá trị. Hiện nay nạn lạm phát, chủ yếu do chiến tranh gây ra, đã ngoạm sâu vào phần giá trị còn lại của đồng đô la. Kết quả là hàng triệu người Mĩ đã phải chịu một hình thức “thuế” vượt quá mức mà họ kiếm thêm được trong khoản thu nhập của họ. Nạn lạm phát này là một biện pháp tốt làm cho quyền lực tài chính bị suy giảm và khả năng của Mĩ đáp ứng được sự cạnh tranh về công nghiệp của các nước đang đẩy mạnh kinh doanh bị suy yếu đi.

“Một điều cho thấy rõ sự suy tàn của đồng đô la là: gần đây, các khách du lịch Mĩ đi ra nước ngoài thấy các khách sạn không chịu nhận đồng đô la. Đồng tiền này đã có thời làm mưa làm gió, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã phải trải qua thời kì điêu đứng mà người ta không thể tưởng tượng được.

“Tuần này qua tuần khác, các ngân hàng châu Âu đã báo cho Mĩ rằng họ không muốn tích thêm đô la nữa, cái mà họ thích là các ngoại tệ khác hay vàng.

“Các quan chức Mĩ tham dự các cuộc hội nghị quốc tế bây giờ rất quen với việc các nước châu Âu lên lớp Mĩ về “kỷ luật tài chính”. Trước đây 20 năm, chính là các quan chức Mĩ đã lên lớp các nước châu Âu. Đồng đô la được xếp vào loại tiền “yếu” cùng với đồng bảng Anh.

“Uy tín của đồng đô la xuống dốc đã khiến cho nhiều nhà ngân hàng trong và ngoài nước nước công khai đòi Mĩ phá giá đồng đô la hay là đánh sụt giá trị của đồng đô la so với vàng – một sự việc mà suốt 179 năm lịch sử của mình, nước Mĩ chỉ mới làm có một lần!”

Cuối cùng, bài báo kết luận:

“Một chuyên gia nói rằng nước Mĩ hiện nay giống như thần Át-lát đã mỏi mệt vì đã mang quả đất trên lưng nó quá lâu rồi.

“Nước Mĩ từ chỗ giàu nhất sẽ trở thành một nước rách rưới. Những dấu hiệu nguy hiểm đã thấy rõ”.

Thực vậy, chỉ nhìn vào sự sa sút của đồng đô la, người ta cũng thấy được sự “mỏi mệt” của nước Mĩ qua 20 năm “mang quả đất trên lưng nó”, hay nói đúng hơn: qua 20 năm thực hiện mưu đồ nuốt chửng quả đất. Sự “mỏi mệt” đó bắt nguồn từ hai nguyên nhân sau đây:

Một mặt, tham vọng bành trướng của Mĩ quá lớn so với thực lực của nó. Mĩ “đã làm quá nhiều và quá nhanh”.

Mặt khác, do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, sức mạnh tương đối của Mĩ trên trường quốc tế ngày càng suy yếu.

Tất cả các số liệu đã dẫn về 3 thời kì phát triển của đồng đô la đều đã nói lên tham vọng và thực lực của Mĩ. Còn sức mạnh tương đối của nó, chỉ cần so sánh tỷ trọng (tính bằng %) của mỗi nước trong thế giới tư bản về mấy mặt sau đây cũng đủ rõ:

Nước Sản lượng

công nghiệp

Kim ngạch

xuất khẩu

Dự trữ vàng

và ngoại tệ

1948 1958 1967 1948 1958 1967 1948 1958 1967
55.8 46.6 45.2 24.1 18.3 16.7 56.0 36.1 20.5
Anh 11.9 9.8 7.5 12.1 9.4 7.4 4.3 5.4 3.7
Pháp 4.5 5.0 4.5 3.9 5.8 6.1 0.9 2.0 9.7
Tây Đức 4.2 9.5 8.7 1.3 9.8 11.6 0.5 10.2 11.3
Ý 2.2 3.1 3.8 2.1 2.7 4.6 0.9 3.9 7.5
Cả khối 6 13.0 19.9 18.8 12.2 24.9 29.9 4.9 21.4 35.5
Nhật 1.3 3.5 7.0 0.4 3.0 5.6 0.1 2.8

Chính những nguyên nhân trên đây đã làm cho địa vị tiền tệ thế giới của đồng đô la thiếu cơ sở. Vì vậy, cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay tuy không phải là một bộ phận hay hệ quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng cũng không phải là một hiện tượng thuần túy tiền tệ. Nó phản ánh một thực trạng kinh tế rất sâu xa, một sự thay đổi rất cơ bản trong sức mạnh tương đối của chủ nghĩa đế quốc Mĩ  tương đối xét về hai mặt: một mặt là so với những tham vọng và vị trí của đế quốc chủ nghĩa của Mĩ, kể cả những tham vọng và vị trí trên lĩnh vực tài chính – tiền tệ quốc tế, mặt khác là so với các nước đế quốc chủ nghĩa khác. Chính vì nó phản ánh một sự thay đổi rất cơ bản, một sự sa sút rất cơ bản trong sức mạnh tương đối của chủ nghĩa đế quốc Mĩ, cho nên khủng hoảng của đồng đô la là một chứng bệnh rất khó chữa. Khủng hoảng đã nổ ra năm 1960. Khủng hoảng lại nổ ra năm 1967-1968, nguy kịch hơn. Và chắc chắn đây chưa phải là lần chót. Những biện pháp cứu chữa nửa vời của đế quốc Mĩ chỉ làm cho cơn đau dịu xuống để một lúc không lâu sau lại nổi lên dữ dội. Chừng nào đế quốc Mĩ còn đeo đuổi mưu đồ bá chủ toàn cầu của nó và chế độ bản vị vàng hối đoái còn trao cho Mĩ cái đặc quyền lạm phát thì chừng ấy, căn bệnh của khủng hoảng tiền tệ vẫn còn nguyên vẹn.

Trong thời đại tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ngày càng sâu sắc, trong điều kiện Tây Âu và Nhật đã trở thành đối thủ cạnh tranh ngày càng nguy hiểm của Mĩ thì mọi mưu đồ của Mĩ nhằm khôi phục lại địa vị quốc tế trước đây của chúng về mặt tiền tệ cũng như về các mặt kinh tế tài chính khác, rõ ràng chỉ là ảo tưởng. Nếu đế quốc Mĩ có hết sức gắng gượng chống đỡ thì trước mắt, nhiều lắm nó cũng chỉ duy trì được địa vị ấy trong tình trạng lung lay, bấp bênh, với quy mô ngày càng bị thu hẹp lại và với những sự chấn động ngày càng nguy kịch.

Sự bế tắc của nền văn minh tiền giấy

Ý nghĩa của cuộc khủng hoảng đồng đô la không phải chỉ ở chỗ nó nói lên sự “mệt mỏi” của nước Mĩ hay sự sa sút rất căn bản trong sức mạnh tương đối của Mĩ trên trường quốc tế. Cuộc khủng hoảng ấy cũng là cuộc khủng hoảng của cả chế độ tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chế độ này đang đứng trước những mâu thuẫn gần như không có lối thoát.

Khi xa rời chế độ bản vị vàng, thế giới tư bản đặt lòng tin vào một “đồng tiền chủ chốt” được coi như hiện thân của giá trị tuyệt đối, ngang với vàng và thay thế cho vàng. Lòng tin lúc ấy là có cơ sở kinh tế thực sự. Nhưng bây giờ, do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, cơ sở kinh tế của lòng tin ấy đã lung lay quá mức rồi. Dự trữ mãi đồng tiền giấy kia để hàng năm đều chịu thiệt thòi vì sức mua giảm xuống và bị đe dọa bởi nguy cơ phá giá ư? Chấp nhận mãi đặc quyền của đồng tiền giấy kia để cho thứ của giả ấy chinh phục và bóc lột toàn thế giới ư? Bám mãi vào cái trụ đã lung lay kia để một ngày nào đó cùng sụp đổ một cách thảm hại theo nó ư? Lịch sử đặt ra những vấn đề thật gay gắt!

Nhưng, nếu quay lại với chế độ bản vị vàng? Điều này ngược với quyền lợi của Mĩ (và Anh) và do đó vấp phải sức phản kháng quyết liệt của Mĩ (và Anh) là nước vẫn còn khống chế được rất nhiều lĩnh vực trong thế giới tư bản. Điều này cũng ngược với quyền lợi và vượt quá khả năng của nhiều nước: dự trữ của họ chẳng có bao nhiêu vàng mà phần lớn chỉ có đô la – đô la do Mĩ lạm phát.

Quay lại chế độ bản vị vàng thì nguồn lạm phát kia ắt phải ngừng chảy, và như vậy thì ai sẽ cấp tín dụng cho họ, và lấy gì để bảo đảm cho những khối lượng tiền giấy khổng lồ do chính họ phát hành? Khối lượng mậu dịch quốc tế sẽ ra sao nếu phần lớn các nước đều lâm vào tình trạng thiếu “phương tiện thanh toán quốc tế”? Người ta còn run sợ trước những tai họa ghê gớm do giá vàng tăng vọt và tiền giấy mất giá trên quy mô thế giới. Bị sạt nghiệp nặng hơn cả sẽ là những nước mà ngoại tệ chiếm đại bộ phận trong dự trữ vàng và ngoại tệ. Hơn nữa, muốn quay lại chế độ bản vị vàng thì phải hạ bệ đồng đô la, mà muốn hạ bệ đồng đô la thì phải đối lập hẳn với Mĩ. Điều này, đối với phần lớn các nước trong thế giới tư bản khác nào “đem chuông mà buộc cổ mèo” vậy. Chính vì những lẽ trên đây mà hiện nay không có nước nào ngoài nước Pháp là công khai và quyết liệt đòi quay lại lấy vàng làm cơ sở cho chế độ tiền tệ quốc tế, mặc dầu ít hay nhiều, nước nào cũng đều lo ngại hoặc bất mãn với chế độ hiện hành.

Trong tình trạng bế tắc trên đây, không ít chính khách và nhà kinh tế tư sản đã gửi gắm hy vọng vào một thứ tiền tệ quốc tế do một tổ chức “siêu quốc gia” tạo ra và kiểm soát: “quyền vay đặc biệt” hay “vàng – giấy”. Bằng giải pháp này, họ tưởng rằng sẽ tránh được cả hai con đường – vàng và đô la – đầy nguy hiểm. Chưa nói rằng “quyền vay đặc biệt” là xuất phát từ quyền lợi của nước đế quốc mạnh nhất mà cũng là nước bội chi nhiều nhất, còn tổ chức siêu quốc gia phát hành ra nó thì chỉ là công cụ của nước đế quốc ấy mà thôi, chỉ xem xét vấn đề dưới giác độ lý luận cũng đủ thấy đó là ảo tưởng biết nhường nào! Hỏi rằng: những nước liên tục giành được bội thu trong cán cân thanh toán quốc tế có chịu thỏa mãn với bất cứ thứ tiền giấy quốc tế nào, hay chỉ có vàng – là hiện thân của giá trị – mới làm cho họ yên tâm? Làm thế nào bảo đảm cho những nước bội thu này nắm chắc được trong tay cái giá trị chân chính, giá trị tuyệt đối, chứ không phải bất cứ ảo ảnh nào của giá trị, bất cứ thứ ký hiệu nào của giá trị? Xét cho cùng, cái mà đồng đô la giấy của nước Mĩ không đáp ứng được thì đồng đô la giấy của Quỹ tiền tệ quốc tế cũng không thể nào đáp ứng được.

Lịch sử của một nửa thế kỷ lại đây, qua kinh nghiệm chua xót của đồng bảng Anh và nhất là của đồng đô la Mĩ, đã chứng minh hết sức hùng hồn rằng một đồng tiền giấy là hoàn toàn không thích hợp với bản chất và chức năng của tiền tệ thế giới. Nó mâu thuẫn gay gắt với bản chất và chức năng của tiền tệ thế giới.

Là một đồng tiền giấy, và đồng tiền quốc gia, sức mạnh của đồng đô la gắn chặt với sức mạnh của nền kinh tế Mĩ. Càng xa rời nền kinh tế Mĩ bao nhiêu, nghĩa là càng lạm phát bao nhiêu thì đồng đô la càng suy yếu đi bấy nhiêu. nhưng nó chỉ có xa rời nền kinh tế Mĩ thì nó mới thật sự trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế được! Khi mà nó làm chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế một cách đầy đủ nhất (nghĩa là với phạm vi rộng nhất) thì cũng chính là lúc nó suy yếu nhất và mâu thuẫn với bản chất của tiền tệ thế giới nhất. Đó cũng là lúc nó bị thế giới hoài nghi nhất, ghét bỏ nhất, nghĩa là ít uy tín nhất để làm chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế!

Ngược lại, khi mà nó vững vàng nhất, có đủ tư cách nhất để làm chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế thì chính là lúc mà nó rời bỏ cái nôi quốc gia của nó ít nhất, nghĩa là làm chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế một cách tồi tệ nhất (với phạm vi hẹp nhất).

Còn về giá trị thì bản thân nó chỉ là giấy. Giá trị “của nó” chỉ là cái mà nó mượn của hàng hóa Mĩ và của vàng Mĩ, hay là bóng dáng của hai thứ đó. Vì vậy, khi mà nó làm chức năng đồng tiền dự trữ quốc tế một cách tồi nhất thì chính là lúc mà hàng hóa Mĩ có sức chinh phục mạnh nhất và chính là lúc nó được bảo đảm bằng một kho vàng khổng lồ nhất. Nhưng, khi mà nó làm chức năng kia một cách đầy đủ nhất thì lại chính là lúc hàng hóa Mĩ, ít sức hấp dẫn nhất và kho vàng của Mĩ cạn đến mức thấp nhất!

Một đồng tiền dự trữ quốc tế mà bản thân nó không phải là vật kết tinh của giá trị, bản thân nó lại không phải là hiện thân của giá trị, toàn bộ tấn bi kịch là ở chỗ đó!

Thay thế đồng đô la giấy ít nhiều còn dựa được vào sức mạnh của nền kinh tế Mĩ, bằng đồng đô la giấy (dù không in ra cũng vẫn là giấy) chỉ thuần túy dựa vào “sự chấp thuận của mọi người”, như vậy thì đâu phải là “củng cố về căn bản” hệ thống tiền tệ quốc tế? Đó chỉ là một mưu đồ làm cho hệ thống này càng xa rời bản chất của tiền tệ hơn nữa, và do đó, càng lung lay và phiêu lưu hơn nữa. Đúng như Mác đã nhận định:

“Cùng với chế độ tín dụng ngày càng phát triển, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa luôn luôn tìm cách vứt bỏ cái hàng rào kim khí kia đi – tức là cái hàng rào vừa bằng vật chất lại vừa có tính chất tưởng tượng của của cải và của sự vận động của của cải – nhưng rút cục nó vẫn bị bươu đầu sứt trán vì cái hàng rào đó”.

Nếu như trước mắt “vàng – giấy” một khi được chấp thuận có làm cho áp lực đối với đồng đô la giảm đi đôi chút thì về lâu dài, nó càng làm cho những con kênh tiền giấy – tiền giấy thật và tiền giấy ảo ảnh – của chủ nghĩa tư bản đầy ứ lên gấp bội, sớm muộn cũng dẫn đến những trận lụt có sức tàn phá còn khủng khiếp hơn cả những trận lụt hiện do đồng đô la gây ra. Và những trận lụt tiền giấy càng khủng khiếp bao nhiêu thì người ta càng cầu cứu đến vàng điên loạn bấy nhiêu. Vàng! Vàng! Lúc đó chỉ có vàng mới thật là đấng cứu thế của nền văn minh tiền giấy!

Bản chất của nền kinh tế hàng hóa, kể cả nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa, đòi hỏi sự trao đổi giá trị (hàng) lấy giá trị (vàng) làm nguyên tắc tối cao. Đó là cái lẽ công bằng duy nhất có thể quan niệm được trong điều kiện tư sản. Đó là điều kiện cơ bản nhất để tiến hành bình thường mọi sự trao đổi trong điều kiện tư sản. Nhưng quan hệ thống trị và bị trị, ưu thế và lép vế, con nợ và chủ nợ, bóc lột và bị bóc lột giữa các quốc gia – cũng do bản chất của nền kinh tế đó trong thời đại đế quốc chủ nghĩa mà ra – lại đặt ra vô vàn trở ngại cho sự ứng dụng nguyên tắc đó trong thực tiễn. Cái mâu thuẫn căn bản đồng thời là bế tắc căn bản của chế độ tiền tệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại là ở chỗ đó.

Mâu thuẫn trên đây không thể không phản ánh vào trong quan hệ giữa các quốc gia, nhất là trong quan hệ giữa các cường quốc đế quốc chủ nghĩa mà tiêu biểu là mâu thuẫn giữa Pháp và Mĩ.

Chẳng phải là không có căn cứ khi lịch sử trao cho nước Pháp cái vai trò xung kích chống lại đồng đô la cũng như 40 năm trước đây, nó đã từng trao cho nước Pháp cũng cái vai trò ấy chống lại đồng bảng Anh.

Nhờ liên tục giành được bội thu trong cán cân thanh toán quốc tế cho nên dự trữ vàng và ngoại tệ của Pháp liên tục tăng (tính đến tháng Chạp mỗi năm):  

Đơn vị: triệu đô la

  Dự trữ vàng và ngoại tệ Riêng vàng
1960 2.272 1.641
1961 3.365 2.121
1962 4.049 2.587
1963 4.908 3.175
1964 5.724 3.729
1965 6.343 4.706
1966 6.733 5.238
1967 6.994 5.234

Về tổng dự trữ vàng và ngoại tệ mà nói, Pháp đứng hàng thứ 3 sau Mĩ và Tây Đức. Nhưng riêng về vàng mà nói thì từ năm 1965 trở đi nó đã vượt lên trên Tây Đức và chỉ đứng sau Mĩ. Ngoại tệ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng dự trữ của nó, khác với Tây Đức: ngoại tệ thường chiếm tới một nửa tổng dự trữ. Đó là nói dự trữ chính thức. Còn ở trong tay tư nhân, khối lượng vàng của Pháp cũng rất lớn: chừng 5 tỷ đô la trong tổng số 18 tỷ đô la vàng trong tay tư nhân khắp thế giới tư bản (về con số sau có tài liệu ước lượng 20 tỷ, có tài liệu ước lượng 22 tỷ). Với một khối lượng vàng trên 10 tỷ đô la, ngoại tệ lại rất ít và với cán cân thanh toán quốc tế gần như năm nào cũng bội thu (tính đến trước cuộc khủng hoảng chính ở Pháp tháng 5 và tháng 6-1968), Pháp nghiễm nhiên biến thành hiện thân của vàng. Nó có đủ tư cách để nhân danh vàng mà tuyên chiến với sự thống trị của đồng đô la. Nó dẫn đầu đạo quân ô hợp của vàng để mở những đợt công kích ác hiểm vào đồng đô la.

Lập trường vàng của Pháp tuy không được các cường quốc công nghiệp khác hoàn toàn ủng hộ, nhưng ít nhiều thì vẫn được nhiều nước đồng tình. Các nước này, một mặt vẫn tích cực ủng hộ việc “bảo vệ đồng đô la” (tích cực ủng hộ thôi chứ tham gia thì thoái thác), duy trì địa vị tiền tệ thế giới của đồng đô la, mặt khác vẫn ngấm ngầm noi gương Pháp đổi đô la lấy vàng (thậm chí đem đô la mua vàng theo giá tự do) và đồng tình có mức độ lập trường của Pháp: đồng đô la phải duy trì mối liên hệ vững chắc với vàng. Hiệp đồng công kích vào đô la, khiến cho đồng tiền này phải sụp đổ trong nháy mắt thì họ không dám (mặc dầu họ có thừa khả năng để làm), vì trong tay họ hiện đang giữ một khối lượng đô la quá lớn (Tây Đức, Ý, Nhật, Ca-na-đa đều như vậy), vì đồng tiền nước họ đã cột chặt vào đồng đô la, và vì nhiều sợi dây kinh tế, chính trị và quân sự đang ràng buộc họ với Mĩ. Nhưng đứng trước tình trạng bội chi của Mĩ và sự thống trị của đồng đô la, nhất là đứng sự lung lay của đồng đô la và việc cắt xén tính chất chuyển đổi của đồng đô la thì họ lại chẳng yên tâm chút nào.

Thái độ mâu thuẫn trên đây của nhiều nước trước mắt còn có lợi cho Mĩ: Lực lượng săn vàng từ trước tới nay vẫn chỉ chủ yếu gồm có tư nhân và giới đầu cơ vàng, còn về phía chính phủ thì trừ Pháp ra, chưa có nước nào thực sự nhảy vào vòng chiến cả. Tuy nhiên, không có căn cứ gì để tin rằng các Nhà nước tư sản này lại nhẫn nhục chịu đựng mãi gánh nặng bội chi của Mĩ hoặc không biết lo thân họ bằng cách tìm đường chuyển dần dự trữ đô la của họ thành vàng. Càng không có căn cứ gì để tin rằng họ sẽ không hành động quyết liệt để thoát thân một khi tình thế của đồng đô la diễn biến nguy kịch hơn hoặc khi lực lượng của bản thân họ trở nên hùng hậu hơn.

Mâu thuẫn giữa vàng và đồng đô la rút cục sẽ được giải quyết như thế nào? Chỉ có sức mạnh hay lực lượng đối sánh giữa các quyền lợi đối lập mới nói lên được tiếng nói cuối cùng, hay nói đúng hơn, mới quyết định được hình thức thích hợp của chế độ tiền tệ quốc tế, trong đó các quyền lợi đối lập đều dành được vị trí tương xứng với sức mạnh của chúng để tiếp tục vận động và đấu tranh với nhau.

Sự vùng dậy của vàng và cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam

Cuộc khủng hoảng của đồng đô la nổ ra trong mối liên quan chặt chẽ với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính cuộc chiến tranh này đã làm cho cuộc khủng hoảng sớm bị đẩy tới độ chín muồi. Ngược trở lại, cuộc khủng hoảng nổ ra đã đặt đế quốc Mĩ trước những khó khăn rất lớn khiến chúng không thể suy tính đến việc sớm chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của, phi nghĩa và tuyệt vọng.

Như trên đã trình bày, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã gây cho đế quốc Mĩ một loạt khó khăn nghiêm trọng về kinh tế (chưa nói đến những khó khăn nghiêm trọng về chính trị, quân sự và tinh thần), ở trong nước cũng như trên trường quốc tế, trong số đó có cuộc khủng hoảng của đồng đô la.

Năm 1967, chỉ riêng số chi bằng ngoại tệ cho cuộc chiến tranh đã lớn hơn số hụt trong cán cân thanh toán quốc tế của Mĩ rồi.

Tất cả các biện pháp cứu chữa đồng đô la, mặc dù đã hy sinh khá nhiều lợi ích của Mĩ, vẫn không đủ bù vào cái lỗ hổng ngoại tệ do cuộc chiến tranh gây ra.

Tiếp tục cuộc chiến tranh và cứu vãn địa vị quốc tế của đồng đô la, đó là hai việc trái ngược nhau như nước với lửa. Vì vậy, đế quốc Mĩ bị đặt trước một sự lựa chọn nghiêm trọng:

Một là, nếu muốn tiếp tục cuộc chiến tranh đồng thời lại muốn cứu vãn cả địa vị quốc tế của đồng đô la, Mĩ chỉ còn một cách: cắt bỏ về căn bản các khoản chi có tính cách đế quốc chủ nghĩa ở nước ngoài như viện trợ, đầu tư, nhờ đó mà chấm dứt chiều hướng bội chi trong cán cân thanh toán quốc tế. Cũng có thể phải bán bớt một phần tài sản của Mĩ ở nước ngoài (chứng khoán, cổ phiếu, v.v…) để thu bớt đô la về Mĩ, làm giảm bớt áp lực quốc tế đối với đồng đô la. Cả hai biện pháp này đều là những đòn nặng giáng vào những quyền lợi căn bản của Mĩ ở nước ngoài.

Hai là, nếu muốn tiếp tục cuộc chiến tranh mà không hy sinh những quyền lợi căn bản nói trên của Mĩ ở nước ngoài, thì nhất thiết phải hy sinh địa vị quốc tế của đồng đô la.

Ba là, nếu muốn cứu vãn địa vị quốc tế của đồng đô la đồng thời vẫn duy trì những quyền lợi căn bản của Mĩ ở nước ngoài thì không thể không tìm cách sớm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trong ba công thức kể trên, đế quốc Mĩ chỉ có quyền chọn lấy một. Đương nhiên, đó là một lựa chọn vô cùng khó khăn, đau đớn. Kẻ phải tiến hành việc lựa chọn này lại là kẻ kiêu ngạo nhất, ngoan cố nhất trong thời đại của chúng ta. Nhưng, toàn bộ vấn đề là ở chỗ: tình thế không cho phép nó chần chừ, do dự nữa. Nó đã và đang bị kẹp giữa hai gọng kìm: sự vùng dậy của vàng và cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam. Nhìn rộng ra hơn nữa, còn phải kể đến cuộc nổi dậy của người Mĩ da đen chống phân biệt chủng tộc và chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuộc nổi dậy này đã có lúc làm náo động cả 100 thành phố và thị trấn khắp nước Mĩ. Lại còn phải kể đến sự vùng dậy của lương tri hàng trăm triệu nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mĩ, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mĩ xâm lược rộng lớn chưa từng thấy. Tình thế buộc đế quốc Mĩ phải chọn lựa và chọn lựa sớm. Nhưng, lựa chọn con đường nào?

Địa vị quốc tế của đồng đô la là cái mà đế quốc Mĩ tuyệt đối không thể hy sinh được. Đó là một trong mấy trụ cột của địa vị bá chủ hoàn cầu của Mĩ.

Viện trợ của Mĩ cho nước ngoài và đầu tư của Mĩ ra nước ngoài cũng vậy. Việc cắt xén một phần viện trợ và đầu tư ra nước ngoài hiện nay có thể coi là một biện pháp cấp thời, cực chẳng đã, chứ không thể trở thành quốc sách của Mĩ.

Còn Việt Nam? Việt Nam tuy không phải là quyền lợi sinh tử của đế quốc Mĩ, nhưng – như nhiều chính khách Mĩ đã công khai thú nhận – do những sai lầm liên tục trong chính sách “leo thang chiến tranh” của Mĩ, nó đã trở thành tượng trưng cho cuộc đấu tranh một mất một còn giữa Mĩ và phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới. Chấp nhận thất bại trong cuộc đấu tranh này có nghĩa là nhận lấy những hậu quả cực kì nghiêm trọng, ở khu vực này và ở khắp thế giới. Vì vậy mà đế quốc Mĩ không dễ gì từ bỏ dã tâm xâm lược của nó. Song, nếu tiếp tục cuộc chiến tranh? Chắn chắn sẽ là thất bại nặng hơn và địa vị quốc tế của đồng đô la thì càng khó cứu vãn.

Giữa lúc tên đế quốc hiếu chiến, tham lam và ngoan cố chưa biết lựa chọn con đường thất bại nào là có lợi nhất và “danh dự” nhất thì chính là nhân dân Việt Nam, bằng những đòn sấm sét giáng vào đầu quân xâm lược và lũ tay sai bán nước, sẽ chỉ cho đế quốc Mĩ con đường phải lựa chọn và lựa chọn sớm.