Từ một nền kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến tiến lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (Nhân dịp kỉ niệm 16 năm Cách mạng tháng Tám)

I.

Kinh tế Việt Nam, hàng bao nhiêu thế kỉ, vẫn đình đốn trong một tình trạng cực kì lạc hậu, trong đó giai cấp địa chủ phong kiến mà bọn đầu sỏ là vua chúa, quý tộc, quan lại nắm quyền chi phối tuyệt đối về ruộng đất. Sự thống trị lâu đời của quan hệ sản xuất phong kiến đã dẫn đến tình cảnh kiệt quệ của người tiểu nông và sự phát triển vô cùng chậm chạp của lực lượng sản xuất.

Sự xâm lược của thực dân Pháp hồi giữa thế kỉ 19 và chính sách khai thác thuộc địa của chúng đã làm cho nền kinh tế Việt Nam từ chỗ là một nền kinh tế phong kiến, chủ yếu là tự cấp tự túc, dần dần biến thành một nền kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến.

Tính chất thuộc địa ấy thể hiện ở chỗ, hết thảy các mạch máu của nền kinh tế quốc dân đều bị tư bản độc quyền Pháp trực tiếp khống chế. Các xí nghiệp công nghiệp lớn và tương đối lớn, các phương tiện vận tải cơ giới đường thủy và đường bộ, hầu như toàn bộ ngành sản xuất cao su, ngành xuất khẩu lúa gạo, ngành thương nghiệp buôn bán, ngành tín dụng…đều nằm trong tay tư bản độc quyền Pháp.

Ở nông thôn, quan hệ chiếm hữu và bóc lột phong kiến vẫn còn chiếm địa vị thống trị (quan hệ phong kiến bao trùm tới 70% tổng số ruộng đất) mặc dầu cơ cấu tự cấp tự túc của nền kinh tế cũ đã bị phá vỡ và chủ nghĩa tư bản đã phát triển trong chừng mực nhất định.

Sự thống trị của tư bản độc quyền Pháp và của chủ nghĩa phong kiến là những trở lực lớn kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Công nghiệp nhỏ bé và què quặt, chủ yếu chỉ là công nghiệp khai khoáng, làm nhiệm vụ cung cấp nguyên liệu và nhiên liệu cho công nghiệp chính quốc. Cho mãi đến năm 1939, giá trị sản lượng công nghiệp (không kể thủ công nghiệp) chỉ vỏn vẹn độ 10% tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp. Nông nghiệp, ngành sản xuất chủ yếu của đất nước, thì đình đốn ở tình trạng kĩ thuật cực kì thô sơ, năng suất rất thấp. Trong tình hình người nông dân phải cống nộp từ 50 đến 80% tổng số thu hoạch của họ về ruộng đất cho bọn chúa đất, và bao nhiêu đảm phụ khác cho chính quyền thực dân, thì ngay việc duy trì đời sống của bản thân cũng không phải bao giờ cũng thực hiện nổi, nói gì đến mở rộng tái sản xuất và cải tiến kĩ thuật! Do đó, sản lượng lúa tính theo đầu người ngày càng giảm sút: năm 1900 là 331 kg, năm 1913 là 314 kg, năm 1937 là 272 kg. Nếu trừ đi số thóc do thực dân Pháp đem xuất khẩu và nấu rượu thì số thóc thực tế tiêu dùng ở trong nước trong những năm trên, bình quân theo đầu người chỉ được 262 kg, 226 kg, 182 kg (nghĩa là chỉ bằng 2 phần 3 mức tối thiểu cần thiết theo đầu người).

Ngay từ khi ra đời, Đảng cộng sản Đông Dương, dưới ánh sáng của lí luận Mác – Lênin, đã chỉ ra hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam: mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc xâm lược, và mâu thuẫn giữa nông dân Việt Nam với chủ nghĩa phong kiến. Trên cơ sở nhận định ấy, Đảng vạch ra cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền (hay cách mạng dân tộc dân chủ) với hai nhiệm vụ cơ bản là phản đế và phản phong.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật-Pháp và chính quyền phong kiến tay sai của chúng đã tạo khả năng cho nhân dân Việt Nam tiến hành những cải cách dân chủ nhằm thủ tiêu những quan hệ sản xuất phản động. Tuy nhiên tình hình phức tạp về chính trị lúc bấy giờ chưa cho phép Nhà nước cách mạng thực hiện ngay một lúc toàn bộ cương lĩnh của mình nhằm xóa bỏ triệt để quyền chiếm hữu của thực dân và phong kiến. Tiếp sau đó là cuộc tấn công xâm lược của bè lũ đế quốc đối với nước cộng hòa trẻ tuổi của chúng ta. Vì vậy, chính là trong quá trình kháng chiến và bằng cuộc kháng chiến, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ của Cách mạng tháng Tám. Vừa chống giặc giữ nước, chúng ta vừa tiến hành cải tạo và phát triển kinh tế.

Trải qua hàng loạt cải cách dân chủ (giảm tô, giảm tức, tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, tạm giao ruộng vắng chủ, chia lại công điền, v.v…) thực hiện từng bước ở các vùng tự do và căn cứ du kích, chế độ chiếm hữu phong kiến bị đả kích nặng nề: trên một triệu héc ta ruộng đất của thực dân, địa chủ, ruộng đất công và nửa công nửa tư, đã bị tịch thu, trưng thu, trao về tay nông dân kể từ Cách mạng tháng Tám đến khi hòa bình lập lại. Chỉ riêng ở Nam bộ, chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân trên 56 vạn héc ta.

Nếu như trước đây, nhân dân kiệt sức vì tô cao thuế nặng, thì nay có được “mảnh ruộng của mình”, không còn phải nai lưng ra làm cho bọn bóc lột nữa, họ có lực lượng để mở rộng tái sản xuất. Đời sống của nhân dân nhờ đó mà được cải thiện, lương thực cung cấp cho kháng chiến nhờ đó mà được dồi dào, liên minh công nông nhờ đó mà được củng cố.

Đi đôi với việc thực hiện cải cách dân chủ, mở đường cho sản xuất nông nghiệp phát triển, chính quyền cách mạng đã dựa vào lực lượng của giai cấp công nhân để xây dựng nên một số xí nghiệp công nghiệp cung cấp vũ khí và các tư liệu cần thiết cho kháng chiến. Các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh này cùng với hệ thống mậu dịch quốc doanh và Ngân hàng quốc gia hình thành lên mầm mống của thành phần kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa sau này. Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, lực lượng kinh tế quốc doanh đã góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế kháng chiến và đảm bảo cung cấp cho kháng chiến.

Trải qua quá trình kháng chiến, cơ cấu của nền kinh tế như vậy là đã có những chuyển biến căn bản: những tàn tích thực dân và phong kiến về cơ cấu đã bị xóa bỏ ở vùng tự do, quyền chiếm hữu của nhân dân lao động được xác lập và chiếm địa vị thống trị ở nông thôn, lực lượng sản xuất ở nông thôn được giải phóng, kinh tế quốc doanh xuất hiện và ngày càng lớn mạnh. Từ chỗ là một nền kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến, đã dần dần cải biến thành một nền kinh tế dân chủ mới, phục vụ lợi ích của nhân dân lao động và phục vụ kháng chiến.

Tuy nhiên, tất cả những sự cải biến trên đây mới chỉ được thực hiện ở những vùng tự do và các vùng căn cứ du kích. Trong các thành thị và vùng nông thôn bị giặc chiếm đóng, quyền chiếm hữu của thực dân và phong kiến được phục hồi và duy trì với những mức độ khác nhau. Phải chờ đến khi kháng chiến thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng thì quyền chiếm hữu của thực dân và phong kiến mới hoàn toàn bị quét sạch.

Cuộc vận động cải cách ruộng đất bắt đầu từ trong kháng chiến (1953) được mở rộng ra phạm vi toàn miền Bắc ngay sau khi hòa bình được lập lại. Kết quả là chế độ chiếm hữu phong kiến bị thủ tiêu trên toàn miền Bắc.

Các xí nghiệp của thực dân Pháp, bằng hình thức này hay hình thức khác được thu hồi về tay nhân dân: một số bị tịch thu, trưng thu, một số do Nhà nước trưng mua. Quyền chiếm hữu của tư bản thực dân Pháp bị xóa bỏ hoàn toàn trên lãnh thổ miền Bắc. Lực lượng kinh tế quốc doanh nhờ đó mà lớn lên mau chóng, thâu tóm các vị trí yết hầu của nền kinh tế quốc dân: đại công nghiệp, giao thông vận tải, ngân hàng, ngoại thương, v.v.

Việc giải phóng hoàn toàn miền Bắc, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, đánh dấu bước chuyển biến của cách mạng từ giai đoạn dân tộc dân chủ sang giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, mặc dầu là hai giai đoạn chiến lược khác nhau nhưng có mối liên hệ khăng khít với nhau. Cách mạng dân tộc dân chủ chuẩn bị điều kiện cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu tiến tới của cách mạng dân tộc dân chủ.

Ngay từ khi thành lập Đảng của giai cấp công nhân (1930), Cương lĩnh của Đảng, thấm nhuần tư tưởng “cách mạng không ngừng” của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã ghi rõ: “Nhân dân Việt Nam làm cách mạng dân chủ tư sản rồi phải tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội lần thứ ba của Đảng một lần nữa khẳng định: “Sau khi đã hoàn thành hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, miền Bắc đương nhiên không thể dừng lại ở đó, mà phải tiến lên nữa. Phương hướng tiến lên của cách mạng ở miền Bắc chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội”.

Nhằm mục tiêu vĩ đại xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng chủ trương một mặt ra sức hoàn thành nốt cải cách ruộng đất – nhiệm vụ của cách mạng dân chủ còn sót lại – mặt khác bắt tay ngay vào việc khôi phục kinh tế, tiến lên thực hiện kế hoạch cải tạo và phát triển kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957), không những chúng ta đã hàn gắn được những vết thương chiến tranh, đưa sản xuất công nông nghiệp lên ngang mức năm 1939, mà cơ cấu của nền kinh tế cũng đã bước đầu có sự thay đổi quan trọng. Lực lượng và vai trò lãnh đạo của kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa tăng lên rõ rệt, phong trào đổi công và hợp tác bắt đầu dẫn người tiểu nông đi dần lên con đường xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư bản chủ nghĩa bắt đầu được cải tạo bằng những hình thức thấp của tư bản Nhà nước.

Tiếp tục ba năm khôi phục kinh tế là sự thực hiện một cách thắng lợi kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và văn hóa (1958-1960). Ba năm qua là thời gian thắng lợi về mọi mặt của nhân dân ta, thắng lợi này đã đưa đến những chuyển biến lớn lao, có ý nghĩa căn bản trong cuộc sống kinh tế và chính trị của miền Bắc.

Trước hết phải kể đến việc hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ trọng tâm của 3 năm.

Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và bắt đầu nhận ra những ưu thế của nền kinh tế tập thể, từ cuối năm 1958, hàng loạt nông dân bao gồm cả bần và trung nông đã hăng hái xin gia nhập hợp tác xã. Do đó, chỉ trong vòng hai năm, công cuộc hợp tác xã nông nghiệp đã được hoàn thành căn bản, với hình thức hợp tác xã bậc thấp. 85,5% tổng số nông hộ đã gia nhập hợp tác xã.

Trên cơ sở phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và kết hợp với nhiều biện pháp khác của Nhà nước nhằn hạn chế các phương thức bóc lột ở nông thôn, nền kinh tế phú nông bị hạn chế dần và đến nay đã bị xóa bỏ hẳn ở nhiều nơi. Nhiều phần tử phú nông, sau khi bỏ bóc lột và cải tạo trở thành người lao động, đã được nhận làm xã viên hợp tác xã. Như vậy đến nay, chế độ người bóc lột người, bao gồm chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa tư bản, căn bản đã bị xóa bỏ ở nông thôn miền Bắc Việt Nam.

Đi đôi với việc hợp tác hóa kinh tế tiểu nông, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công và những người buôn bán nhỏ cũng được hoàn thành tốt đẹp.

Thắng lợi của việc cải tạo hòa bình đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa là một thành tích quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của các thành thị. “Kinh tế tư bản chủ nghĩa tư doanh và giai cấp tư sản dân tộc là đối tượng của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong điều kiện cụ thể của nước ta, do chúng ta có Nhà nước dân chủ nhân dân vững mạnh, có khối công nông liên minh bền chặt, có kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa giữ địa vị lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân; do giai cấp tư sản dân tộc ở miền Bắc lực lượng nhỏ yếu, lại đã từng là bạn đồng minh của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, từ ngày hòa bình lập lại nói chung vẫn tán thành cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc, có khả năng tiếp thu cải tạo xã hội chủ nghĩa; do nước ta bị chia làm hai miền, phương châm chính sách của Đảng ta là “xây dựng miền Bắc, chiếu cố miền Nam”, nhằm tăng cường lực lượng của cả nước trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho nên chúng ta chủ trương cải tạo hòa bình công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh theo chủ nghĩa xã hội.” Việc xóa bỏ thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa và giai cấp tư sản được thực hiện không bằng hình thức cướp đoạt, mà bằng hình thức chuộc lại và trả dần với tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản.

Qua nhiều đợt công tác, đến cuối năm 1960, toàn bộ các xí nghiệp công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa đều đã được cải tạo, đại bộ phận trở thành những xí nghiệp công tư hợp doanh “3/4 xã hội chủ nghĩa”, phần còn lại – thường là những xí nghiệp hoặc những ngành không quan trọng thì được cải tạo thành “xí nghiệp hợp tác”, do tập thể công dân quản lý. Lực lượng sản xuất sau khi được giải phóng khỏi quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã và đang phát triển với những tốc độ chưa từng thấy.

Thắng lợi có tính chất quyết định trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa là thắng lợi to lớn nhất của nhân dân miền Bắc chúng ta trong 3 năm qua. Nhờ những thắng lợi đó mà nền kinh tế gồm nhiều thành phần trước đây đã trở thành một nền kinh tế căn bản thuần nhất, mang tính chất xã hội chủ nghĩa và nửa xã hội chủ nghĩa, và chế độ người bóc lột người căn bản đã bị xóa bỏ ở thành thị và nông thôn. Điều đó đã và đang ảnh hưởng sâu sắc đến cấu tạo giai cấp của xã hội miền Bắc, và là nguồn gốc của cao trào thi đua xã hội chủ nghĩa đang lôi cuốn hàng triệu quần chúng lao động.

Đi đôi với việc cải tạo xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế quốc doanh không ngừng lớn mạnh. Đến cuối năm 1960, công nghiệp quốc doanh đã chiếm 89,9% giá trị sản lượng công nghiệp (không kể thủ công nghiệp); vận tải quốc doanh đã chiếm 79,7% tổng khối lượng vận tải hàng hóa (tính theo tấn/cây số); thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã và thương nghiệp tư bản Nhà nước cộng lại đã chiếm 91% tổng mức hàng hóa bán lẻ. Sự lớn mạnh mau chóng của kinh tế quốc doanh đã làm gia tăng sức mạnh lãnh đạo của nó đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hướng các ngành kinh tế phát triển theo kế hoạch Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa.

Gắn liền với những thắng lợi của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là sự phát triển với nhịp độ nhanh của công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác.

Trong 3 năm qua, sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp tăng 80,3%, bình quân hàng năm tăng 21,7%. Riêng nhóm A (tư liệu sản xuất) trong 3 năm tăng 145%, bình quân hàng năm tăng 34,8%, nhóm B (tư liệu tiêu dùng) tăng 60,4%, bình quân hàng năm tăng 17,1%. Những ngành chủ chốt của công nghiệp nặng bắt đầu xuất hiện và phát triển, đó là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ và là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế của nước ta.

Nhờ phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế tạo hàng tiêu dùng mà chúng ta từ chỗ phải nhập khẩu phần lớn hàng tiêu dùng công nghiệp thì nay đã tự cung cấp được đại bộ phận.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 3 năm qua đã tiến thêm một bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, di sản của chế độ thuộc địa. Tỉ trọng của công nghiệp hiện đại trong tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp đã từ 3,4% (năm 1955) lên 23,7% (năm 1960).

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, chúng ta vượt qua được nhiều khó khăn do thiên tai liên tiếp gây ra và đạt được thành tích to lớn. Trong 3 năm, sản lượng nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 5,6%. Nếu không tính năm 1960, là năm gặp thiên tai lớn, thì từ năm 1955 đến 1959, sản lượng nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm 11,2%. Trong điều kiện kĩ thuật còn thô sơ, lạc hậu, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, đạt được tốc độ phát triển nhanh như vậy không phải là ngẫu nhiên. Việc giải phóng lực lượng sản xuất ở nông thôn ra khỏi sự trói buộc của quan hệ sản xuất phong kiến và tiếp sau đó là sự liên hợp các cơ sở kinh tế cá thể lại, tạo thành một lực lượng sản xuất mới, lực lượng sản xuất tập thể, đã có tác dụng quyết định.

Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân mỗi ngày một nâng cao. Tiền lương thực tế của công nhân, viên chức năm 1960 tăng 28,1% so với năm 1957, và tăng 35,2% so với năm 1955. Thu nhập thực tế của của một nhân khẩu bần nông ở vùng đồng bằng Bắc bộ năm 1959 gấp hai lần thời Pháp thuộc và bằng 90% thu nhập của trung nông. Ngoài ra, việc cải thiện đời sống nhân dân về mặt văn hóa – xã hội cũng rất rõ rệt.

Tất nhiên, thắng lợi có ý nghĩa quyết định của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng xong. Mọi người đều biết, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được dựng lên trên cơ sở một nền sản xuất phát triển đến trình độ cao. Vì vậy, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp công nghiệp hóa xứ sở là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ trung tâm của cả thời kì quá độ ở nước ta. Thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã mở ra khả năng rộng lớn phát triển lực lượng sản xuất, và cho phép chúng ta “chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng, nhân dân miền Bắc sẽ phấn đấu trong kế hoạch 5 năm tới, tiến thêm một bước trong việc công nghiệp hóa xứ sở, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian kế hoạch 5 năm, giá trị sản lượng công nghiệp dự tính tăng 148% so với năm 1960, bình quân mỗi năm tăng khoảng 20%, trong đó nhóm A tăng 25,8%, nhóm B tăng 16%. Giá trị sản lượng nông nghiệp sẽ tăng khoảng 10%. Trên cơ sở hoàn thành kế hoạch phát triển sản xuất, thu nhập thực tế của công nhân và nông dân dự tính sẽ tăng khoảng 30% so với năm 1960.

Mở đầu cho việc thực hiện thuận lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhân dân miền Bắc đã giành được vụ thu hoạch đầu tiên thắng lợi. Riêng về sản lượng lúa, vụ Đông Xuân năm 1960-1961 đạt 1.719.000 tấn, với năng suất bình quân 19 tạ một héc ta. Việc thực hiện kế hoạch công nghiệp 6 tháng đầu năm 1961 cũng thu được nhiều thành tích. Sản lượng công nghiệp quốc doanh trung ương tăng 29,4% so với 6 tháng đầu năm 1960, trong nhóm A tăng 53,5%, nhóm B tăng 12,5%. Năng suất lao động trong công nghiệp quốc doanh trung ương tăng 19,9% so với 6 tháng đầu năm 1960.

Một sự kiện có tầm quan trọng lịch sử là: Một cao trào thi đua xã hội chủ nghĩa đang dâng lên khắp thành thị và nông thôn, quyết thực hiện vượt mức những chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Tại các xí nghiệp, công trường, cuộc vận động thi đua hợp lí của sản xuất, cải tiến kĩ thuật, được giai cấp công nhân nhiệt liệt hưởng ứng, dưới khẩu hiệu “Học tập Duyên Hải, đuổi kịp và vượt Duyên Hải”. Đến nay, không chỉ có một nhà máy cơ khí Duyên Hải mà đã xuất hiện hàng loạt Duyên Hải, ở đó việc thi đua phát huy sáng kiến nhằm hợp lí hóa sản xuất và cải tiến kĩ thuật đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn.

Dưới khẩu hiệu “Học tập Đại Phong, đuổi kịp và vượt Đại Phong”, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đang nô nức noi theo gương sáng của Hợp tác xã Đại Phong, lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa. Đến nay đã có trên 6.000 hợp tác xã đặt giao ước thi đua với Hợp tác xã Đại Phong. Trong hàng loạt hợp tác xã tiên tiến mới nảy nở, hầu hết các tỉnh đã chọn được “Đại Phong” của mình.

Chỉ có một chế độ đã xóa bỏ mọi sự bóc lột, một chế độ lấy việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân làm mục đích duy nhất mới có thể có sức mạnh lớn lao như vậy đối với hai triệu quần chúng lao động. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chính là nguồn gốc sâu xa của của cao trào thi đua xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nó đang mở ra một chân trời rộng lớn cho việc phát triển lực lượng sản xuất và phát huy mọi khả năng sáng tạo của người dân lao động miền Bắc.

II.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới 16 tuổi. Mười sáu năm không thể là một thời gian đủ dài để thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Tuy vậy, chặng đường khó khăn nhất, chúng ta đã vượt qua. Từ một nền kinh tế thuộc địa và nửa phong kiến, sau khi đập tan chế độ chiếm hữu và bóc lột thực dân, phong kiến và tư bản chủ nghĩa, chúng ta đang vươn lên với nhịp độ nhanh trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Thực tế phát triển kinh tế của nước ta hoàn toàn chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng, trong khi coi nhiệm vụ chống đế quốc và bè lũ tay sai là nhiệm vụ chủ yếu nhất, vẫn không một phút buông lỏng nhiệm vụ phản phong, tiến hành từng bước nhiệm vụ phản phong kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phản đế. Ngay từ khi thành lập Đảng, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định rõ mối quan hệ khăng khít giữa hai mặt nhiệm vụ đó: “Hai mặt tranh đấu có liên quan với nhau, vì có đánh đổ chủ nghĩa đế quốc mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi, mà có phá tan chế độ phong kiến mới mới đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc”. Thực ra, không phải ngay một lúc mà toàn thể đảng viên của Đảng đều nhận rõ ngay được chân lí đó. Phải qua đấu tranh lâu dài mới khắc phục được tư tưởng hữu khuynh trong một số đảng viên cho rằng trong khi chĩa mũi nhọn vào kẻ thù đế quốc thì không nên đụng chạm đến quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến, sợ “tổn hại đến mặt trận đoàn kết kháng chiến”. Người ta sẽ không hiểu được những kì công của cuộc kháng chiến nếu không đánh giá đúng tác dụng của những cải cách dân chủ được thực hiện từng bước trong kháng chiến, tiến lên thực hiện cải cách ruộng đất, triệt để xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến. Ai cũng biết cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc ta dựa vào nông thôn, lấy nông thôn làm căn cứ địa, để rồi từ nông thôn tiến về giải phóng thành thị. Kinh tế kháng chiến chủ yếu là nông nghiệp, lực lượng kháng chiến đông đảo nhất là lực lượng nông dân. Với một nền kinh tế cực kì lạc hậu, bị đè nặng dưới ách của địa chủ phong kiến, dân tộc ta đã không thể có một cơ sở vật chất – kinh tế tương đối vững vàng đã theo đuổi cuộc kháng chiến khốc liệt kéo dài 8-9 năm trời, nếu Đảng ta không luôn luôn quan tâm bồi dưỡng lực lượng cho nông dân, giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, từng bước giải phóng và tiến lên giải phóng hoàn toàn lực lượng sản xuất ở nông thôn ra khỏi sự kìm hãm của quan hệ sản xuất phong kiến.

Thực tế phát triển kinh tế của nước ta trong những năm qua chỉ ra rằng, chỉ có triệt để tiêu diệt những quan hệ sản xuất thực dân và phong kiến, giải phóng lực lượng sản xuất ra khỏi những trở lực đó, mới là con đường cứu vãn nền kinh tế dân tộc ra khỏi tình trạng bị nô dịch, nghèo nàn và lạc hậu. Chỉ 5-6 năm sau hòa bình lập lại, miền Bắc chúng ta đã đưa sản lượng lúa lên hơn gấp đôi lúc cao nhất trước chiến tranh, và đưa sản lượng công nghiệp lên gấp vài lần. Trong khi cùng khoảng thời gian đó, nền sản xuất miền Nam, về nông nghiệp cũng như công nghiệp, vẫn còn nằm ở dưới mức trước chiến tranh rất xa, mặc dù thiên nhiên phú cho miền Nam những điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với miền Bắc. Gây ra tình trạng đình đốn, suy sụp của nền sản xuất miền Nam, chẳng phải là những nguyên nhân gì xa lạ, mà chính là do địa vị thống trị của tư bản độc quyền Mĩ – Pháp đang nắm giữ những vị trí yết hầu của nền kinh tế miền Nam, là liều thuốc độc “viện trợ” mà đế quốc Mĩ tiêm vào các mạch máu của nền kinh tế miền Nam, và sự phục hồi chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến trong nông thôn miền Nam. Chính vì vậy mà mục tiêu trước mắt của phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam là giải phóng nền sản xuất miền Nam ra khỏi những lực lượng đen tối đó.

Sau khi giải phóng nền sản xuất miền Bắc ra khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phong kiến, đã có vấn đề đặt ra là tiến lên theo hướng nào, theo hướng tư bản chủ nghĩa hay là theo hướng xã hội chủ nghĩa?

Đại diện tư tưởng của giai cấp tư sản quả quyết rằng chỉ có đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa thì mới có được phồn vinh kinh tế. Họ dựa vào những khó khăn tạm thời của nền kinh tế trong những năm 1956-1957 (những khó khăn này phần lớn lại do hoạt động đầu cơ tích trữ của giai cấp tư sản gây ra) để mưu mô chứng minh rằng vì lẽ chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội “quá sớm” cho nên đời sống nhân dân mới gặp khó khăn. Theo họ thì sau khi cách mạng dân tộc dân chủ hoàn thành, nên có một thời gian để cho chủ nghĩa tư bản tự do phát triển; nói trắng ra nghĩa là: nên đi theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.

Đương nhiên, điều đó hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân lao động, hoàn toàn không phù hợp với những điều kiện khách quan và quy luật phát triển khách quan của xã hội miền Bắc Việt Nam. Ai cũng biết cách mạng dân tộc dân chủ kết thúc ở miền Bắc đã xây dựng lên chính quyền dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo trên cơ sở liên minh công nông vững chắc, đã trao về tay nhân dân các vị trí yết hầu của nền kinh tế, hình thành nên lực lượng kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo đã chuẩn bị điều kiện cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đã biến cách mạng xã hội chủ nghĩa trở thành tất yếu khách quan. Muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, tất phải thủ tiêu chuyên chính vô sản, thủ tiêu lực lượng kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa, và như vậy là xóa bỏ những thành quả của cách mạng và đưa cách mạng đi thụt lùi, kéo ngược bánh xe lịch sử trở lại – điều đó giai cấp công nhân và nhân dân lao động quyết không bao giờ chấp nhận.

“Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ, chúng ta sẽ chiếu đúng vào lực lượng của chúng ta, theo lực lượng của giai cấp vô sản giác ngộ và có tổ chức, mà tiến ngay lên con đường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chủ trương làm cách mạng không ngừng. Chúng ta quyết không dừng lại nửa chừng”. Dưới ánh sáng của lí luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng ta đã đập tan mưu đồ của những kẻ muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Sự tồn tại của chuyên chính vô sản ở trong nước và sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa hùng cường đứng đầu là Liên Xô vĩ đại, là tất cả những điều kiện cơ bản cần thiết bảo đảm cho miền Bắc nước ta có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội.

“Do tình hình cụ thể của miền Bắc nước ta, trong thời kì đầu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta lấy cải cách xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm, đồng thời tiến hành bước một việc xây dựng chủ nghĩa xã hội… Trong nền kinh tế quốc dân miền Bắc, nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng; nông dân lao động là một lực lượng sản xuất to lớn. Muốn đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải đi từ nông nghiệp, phải dựa vững vào lực lượng của nông dân lao động và phát huy tính tích cực của họ. Vì thế, cải tạo nông nghiệp là khâu chính của toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa”. Đường lối đúng đắn của Đảng đã đem lại thắng lợi rực rỡ: chỉ trong vòng 6 năm sau hòa bình lập lại, nền kinh tế nhiều thành phần của miền Bắc đã được cải tạo thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa căn bản thuần nhất, trong đó, mọi sự bóc lột và nguồn gốc đẻ ra sự bóc lột đều bị xóa bỏ. Dưới sự thúc đẩy của quan hệ sản xuất mới, lực lượng sản xuất đã và đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Bản thân tình hình đó đã là câu trả lời sắc bén nhất cho những tư tưởng rụt rè, do dự của một số người trước phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, những người này cho rằng chừng nào chưa xuất hiện nền đại sản xuất cơ giới hóa trong nông nghiệp thì chưa có cơ sở vật chất để dựng lên những quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Phải chăng chúng ta cứ phải ngồi chờ nền đại sản xuất cơ giới hóa tự nó đến thì mới tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, hay là có thể chủ động, tích cực dựa vào lực lượng hợp tác của nông dân để thúc đẩy dựng lên nền đại sản xuất ấy? Nhìn vào lịch sử phát triển của các phương thức sản xuất xã hội, chúng ta chẳng thấy chủ nghĩa tư bản trong buổi đầu sơ sinh của nó, đã từng dựa vào kĩ thuật thủ công của thời trung cổ để dựng lên những xí nghiệp hiệp tác giản đơn, những công trường thủ công tư bản chủ nghĩa đó sao? Và như vậy thì tại sao chủ nghĩa xã hội trong buổi đầu sơ sinh của nó, không thể có những xí nghiệp hợp tác giản đơn hay những công trường thủ công theo lối của nó? Tất nhiên cơ sở vật chất-kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp không thể là con trâu và cái cày “chìa vôi”, mà phải là nền đại sản xuất cơ giới hóa. Chính quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và nửa xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp hiện hay đang mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển với tốc độ chưa từng thấy, và tương ứng với sự phát triển ấy của lực lượng sản xuất là sự củng cố và hoàn thiện không ngừng của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Kết quả tất nhiên của sự phát triển ấy của lực lượng sản xuất, kết hợp với những thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, sẽ là sự xuất hiện của nền đại sản xuất cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa mà đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội, muốn “đưa nước ta từ chế độ sản xuất nhỏ là chủ yếu lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kì quá độ ở nước ta… Điểm mấu chốt trong công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”. Dưới ánh sáng của đường lối đổi mới Mácxít – Lêninnít của Đảng, nền nông nghiệp trẻ tuổi của chúng ta đang vươn lên như măng mùa xuân, và chính nó là “ngọn đũa thần” sẽ cải biến nước ta từ một nước nông nghiệp, nghèo nàn và lạc hậu thành một nước công nghiệp xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.