Vấn đề ruộng đất ở miền Nam từ sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954) và cuộc đấu tranh vì ruộng đất của nông dân miền Nam

Như đã biết, từ tháng 7 năm 1954 trở về trước, tại Việt Nam, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nói chung và cuộc cách mạng ruộng đất nói riêng đều thu được những thắng lợi rực rỡ. Từ sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (tháng 7 năm 1954), nước ta tạm thời bị chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng khỏi bọn đế quốc xâm lược, tiếp tục đẩy mạnh cải cách ruộng đất đến thắng lợi và vững bước tiến lên xã hội chủ nghĩa; miền Nam tạm thời bị đặt dưới sự kiểm soát của quân đội đối phương. Theo quy định của hiệp nghị Giơ-ne-vơ thì đúng 2 năm sau ngày ký kết hiệp nghị, một cuộc tổng tuyển cử tự do phải được tổ chức trong cả nước để thực hiện hòa bình thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mĩ đã trắng trợn phá hoại hiệp nghị. Lợi dụng sự suy yếu của đế quốc Pháp, chúng hất cẳng Pháp ở miền Nam, đưa bọn tay sai của chúng lên nắm chính quyền, cự tuyệt hiệp thương giữa hai miền để tiến tới tổng tuyển cử tự do nhằm hòa bình thống nhất đất nước, ráo riết thực hiện âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng.

Dưới ách thống trị đẫm máu của đế quốc xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai, những thành quả về ruộng đất cũng như những thành quả cách mạng khác mà nhân dân miền Nam giành được sau 9 năm thực hiện của chính quyền dân chủ nhân dân (1945-1954) đã bị đả kích và uy hiếp nghiêm trọng. Cái gọi là cải cách điền địa mà chính quyền tay sai Mĩ tiến hành ở miền Nam đã đặt lại vấn đề ruộng đất ở miền Nam và làm cho nó trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Trong những điều kiện như vậy, cuộc đấu tranh vì ruộng đất của nông dân miền Nam đã diễn ra hết sức gay go và quyết liệt.

Để hiểu vấn đề ruộng đất ở miền Nam và cuộc đấu tranh vì ruộng đất của nông dân miền Nam từ sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ, trước hết chúng ta hãy xem thực chất và ý nghĩa của cái gọi là cải cách điền địa nói trên.

   I. Thực chất và ý nghĩa của cái gọi là cải cách điền địa của chính quyền tay sai Mĩ ở
miền Nam

Ngay sau khi được đế quốc Mĩ dựng lên, chính quyền bù nhìn ở miền Nam liền đưa ra cái gọi là cải cách điền địa và đặt nó lên hàng “quốc sách”. Về phần đế quốc Mĩ, ngoài khoản “viện trợ” dành riêng cho chương trình “cải cách” này, chúng còn đặc cử một phái đoàn cố vấn, đứng đầu là một chuyên gia nổi tiếng của Mĩ về cải cách điền địa – Vonphơ Latdinxky – đến miền Nam giúp bọn bù nhìn thảo ra chính sách.

Tại sao bọn đế quốc xâm lược Mĩ và chính quyền tay sai của chúng lại tỏ ra lo lắng đặc biệt đến vấn đề ruộng đất như vậy?

Trong thời đại ở chính nơi mà cách mạng nông dân, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã và đang làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phong kiến, thì điều đó không có gì là khó hiểu. Qua 9 năm sống dưới chính quyền dân chủ nhân dân, nhờ chính sách tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, tạm giao ruộng đất vắng chủ, chia lại công điền, nông dân miền Nam đã giành lại được từ tay bọn địa chủ và thực dân ít nhất trên 65 vạn héc ta. Mức địa tô trên những ruộng đất lĩnh canh của địa chủ, qua các đợt đấu tranh đòi giảm tô, thực tế chỉ còn chiếm một tỷ lệ nhỏ bé, nhiều khi không quá 10-15%, trong tổng số hoa lợi ruộng đất. Chính quyền nhân dân ở những vùng tự do, vùng căn cứ du kích và vùng du kích, về thực chất là chính quyền của nông dân. Tóm lại, vấn đề nông dân – mà nội dung là vấn đề ruộng đất – trên nửa nước Việt Nam này, cũng như trên toàn cõi Việt Nam, đã từng được đặt ra và giải quyết theo đường lối cách mạng.

Thực tế lịch sử ấy, không một thế lực phản động nào có thể lẩn tránh được. Đối với chúng vấn đề chỉ còn là ở chỗ đối phó như thế nào? Cụ thể là làm thế nào đè bẹp được phong trào cách mạng sôi sục của nông dân miền Nam, thủ tiêu được ảnh hưởng của chính quyền cách mạng trong nông thôn miền Nam, cứu vãn được giai cấp địa chủ phong kiến – cơ sở xã hội của nền thống trị thực dân – đồng thời vẫn lừa gạt được nông dân miền Nam? Mục tiêu và thực chất của cái gọi là “quốc sách cải cách điền địa” không ngoài những điểm đó.

Từ thực dân Pháp và bù nhìn Bảo Đại…

Trước hết, cần phải chỉ ra rằng đế quốc Mĩ và tên tay sai Ngô Đình Diệm tuyệt nhiên không phải là tác giả của cái sáng kiến hay ho về “cải cách điền địa” ở miền Nam. Chính thực dân Pháp và bù nhìn Bảo Đại, trong những ngày hấp hối của chúng, đã khai sinh ra những đạo dụ “cải cách điền địa” mà sau này, những kẻ thừa kế chúng ở miền Nam đem ra thực hiện với đôi chút bổ sung và sửa đổi.

Nội dung của những dụ ấy như sau:

1- Chính phủ sẽ lấy lại những đất đai đã tạm cấp hoặc cấp hẳn cho tư nhân hay pháp nhân ở trong vùng kiểm soát mà từ hơn 2 năm nay bị bỏ hoang hoặc không cho ai thuê mà không có lý do chính đáng. Những đất đai ấy sẽ đem cấp cho những gia đình thiếu ruộng với điều kiện là họ phải tự mình cày cấy lấy. (Dụ số 19).

2- Từ nay, giao kèo mướn ruộng phải làm bằng giấy tờ, thời hạn ngắn nhất là 5 năm. Quyền lĩnh canh được bảo đảm. Nếu chủ điền bán ruộng thì tá điền có quyền mua trước tiên (quyền tiên mãi). Nếu tá điền không mua được thì chủ điền mới vẫn phải tôn trọng giao kèo đã ký kết giữa tá điền và chủ điền cũ (quyền lưu canh). Địa tô ấn định nhất loạt là 15% hoa lợi ruộng đất. Mọi phụ khoản khác đều bị bãi bỏ. (Dụ số 20).

3- Suất lưu trí (tức diện tích tối đa mà một chủ điền có quyền sở hữu và khai thác) ấn định là: từ 12 đến 36 héc ta ở Bắc phần, từ 15 đến 45 héc ta ở Trung phần, từ 30 đến 100 héc ta ở Nam phần. Mức cụ thể sẽ ấn định sau cho từng địa phương ở mỗi Phần, tùy theo mật độ dân số và hạng ruộng ở nơi đó. Chủ điền nào phải nuôi từ 4 con trở lên thì được hưởng thêm 25% suất lưu trí cho mỗi con, kể từ đứa thứ tư. Mỗi chủ điền được quyền có hay không khai thác ở mỗi Phần một suất lưu trí ấn định cho địa phương đó. Suất lưu trí nói đây không áp dụng cho đất trồng cây công nghiệp và tài sản nông nghiệp của các pháp nhân. (Dụ số 21).

4- Trên những ruộng đất mà chủ điền bỏ hoang hoặc không cho mướn mà không có lý do chính đáng từ 3 năm, người nông dân nào cày cấy thì được tạm thời hưởng hoa lợi. Họ được ưu tiên mua hay thuê những ruộng đất ấy khi nào chủ điền muốn bán hoặc cho thuê. (Dụ số 22).

Tạm thời chúng ta chưa vội phê phán những dụ nói trên, vì hai lẽ :

Thứ nhất, chúng ta sẽ làm công việc ấy đồng thời với việc phê phán cái gọi là “cải cách điền địa” của Mĩ – Diệm ở miền Nam cuộc “cải cách” này vẫn thể hiện đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của các dụ Pháp – Bảo Đại.

Thứ hai, những dụ nói trên thực ra mới chỉ là những ý định trên giấy. Chỉ trong những điều kiện lịch sử cụ thể sau này của miền Nam, chúng mới gây được ít nhiều tác động trong đời sống.

Tuy vậy, trước mắt cũng cần nêu lên một vài nhận xét vắn tắt. Tại sao thực dân Pháp bỗng dưng lại tỏ ra quan tâm đến quyền lợi ruộng đất của nông dân như vậy? Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trong tình thế của giặc Pháp khi chúng đưa ra cái gọi là “cải cách điền địa”. Lúc này – một năm trước khi bị tiêu diệt ở Điện Biên Phủ – giặc Pháp đã bị quân dân ta dồn vào thế bị động. Chính quyền bù nhìn của chúng ở nông thôn bị phá vỡ từng mảng lớn. Các vùng căn cứ du kích của ta tiến sát đến các thành phố và các trục giao thông lớn. Cuộc phát động quần chúng giảm tô ở vùng tự do Bắc bộ và Bắc Trung bộ tạo ra một khí thế cách mạng sôi nổi trong nông dân, ở hậu phương cũng như ở tiền tuyến. Làn sóng cách mạng của nông dân, dưới ngọn cờ lãnh đạo của giai cấp công nhân, đang đe dọa lật nhào cả chủ nghĩa thực dân xâm lược và chủ nghĩa phong kiến. Trước tình thế ấy, giặc Pháp và bù nhìn Bảo Đại vội vã cho ra đời một loạt dụ “cải cách điền địa”, tính chuyện dùng mưu chước “chó sói đội lốt cừu” để lừa bịp và lôi kéo nông dân vùng tạm bị chiếm.

Nhưng, nông dân Việt Nam, qua kinh nghiệm xương máu của mình gần một thế kỷ nay, chưa bao giờ đặt lòng tin vào bọn chó sói thực dân và phong kiến. Hơn nữa, lúc này, cuộc kháng chiến chống xâm lược đang bước gần tới giai đoạn toàn thắng, cuộc cách mạng ruộng đất thực hiện từng phần đã thu được thành quả to lớn và đang chuẩn bị chuyển sang đợt tổng công kích cuối cùng (phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất). Trong những điều kiện như vậy mà hy vọng lừa gạt nông dân bằng những lời hứa suông về một vài biện pháp cải lương bủn xỉn nào đó thì thật là ảo tưởng của những kẻ chết đuối vớ lấy bọt!

… đến đế quốc Mĩ và tay sai Ngô Đình Diệm

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp nghị Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Miền Nam còn tạm thời bị đặt dưới sự kiểm soát của đối phương. Lợi dụng sự suy yếu của thực dân Pháp, đế quốc Mĩ nhảy vào miền Nam, hất cẳng Pháp, đưa tên tay sai Ngô Đình Diệm của chúng lên nắm chính quyền và ráo riết thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng. Cả miền Nam bị dìm trong máu lửa.

Trong hàng loạt chính sách phản cách mạng của chính quyền tay sai Mĩ ở miền Nam, “quốc sách cải cách điền địa” giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu trong tay chủ cũ của nó, cái gọi là “cải cách điền địa” kia chỉ là những lời hứa hẹn bủn xỉn tung ra trong một tình hình hoàn toàn tuyệt vọng, thì đối với chính quyền miền Nam bây giờ, nó lại trở thành một thủ đoạn lợi hại để một mặt, xóa bỏ những thành quả của Cách mạng, khôi phục và duy trì chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và thực dân, về mặt khác, tuyên truyền lừa gạt nông dân.

Nội dung của cái gọi là cải cách này được quy định trong ba đạo dụ sau đây của Ngô Đình Diệm:

1- “Dụ số 2 ngày 8-1-1955 sửa đổi dụ số 20 ấn định quy chế tá điền”;

2- “Dụ số 7 ngày 5-2-1955 ấn định điều kiện khai thác lại các ruộng đất bỏ hoang không canh tác (thay thế cho dụ số 22 bị hủy bỏ hẳn)”;

3- “Dụ số 57 ngày 22-10-1956 quy định thể thức cải cách điền địa (thay thế cho dụ số 21 bị hủy bỏ hẳn)”.

Dụ số 2 lắp lại toàn bộ nội dung của dụ số 20, chỉ sửa đổi một số điểm liên quan tới mức địa tô. Về điểm này, trước đây dụ số 20 ấn định nhất loạt là 15% hoa lợi ruộng đất, nay dụ số 2 sửa lại là: mức địa tô tối thiểu bằng 15% hoa lợi ruộng đất, và tối đa bằng 25%.

Dụ số 7 quy định:

– Những ruộng đất bỏ hoang của tư nhân hay pháp nhân, nếu chủ điền không cam kết canh tác lại thì phải giao cho tá điền canh tác theo điều kiện: năm thứ nhất được miễn trả địa tô, năm thứ hai trả 1/2, năm thứ ba trả 3/4. Hết hạn 3 năm ấy sẽ ký khế ước tá điền 5 năm như dụ số 20 và dụ số 2 quy định. Nếu chủ điền vắng mặt thì chủ tịch hội đồng hương chính đứng ra kí khế ước với tá điền và thu địa tô. “Chính phủ chịu trách nhiệm về mặt địa tô đối với chủ điền vắng mặt”.

– Công điền công thổ bỏ hoang cũng phải giao cho tá điền canh tác theo điều kiện như trên. Địa tô nộp vào quỹ của làng, do hội đồng hương chính sử dụng.

Dụ số 57 ấn định diện tích tối đa mà mỗi địa chủ được quyền sở hữu là 100 héc ta, ngoài hạn đó thì bị truất hữu (bằng cách tự mình bán đi hoặc bán cho Nhà nước để Nhà nước bán lại cho những người cần diện tích cày cấy). Trong giới hạn 100 héc ta được giữ lại, địa chủ có thể lựa chọn bất cứ thửa ruộng nào tùy ý. Sự hạn chế nói ở đây chỉ áp dụng với ruộng lúa mà không áp dụng với ruộng đất trồng cây công nghiệp, bãi chăn nuôi, v.v… Ruộng truất hữu được Chính phủ “bồi thường theo hiện giá”, tiền bồi thường sẽ trả 10% bằng tiền mặt, số còn lại sẽ trả bằng trái phiếu hoàn lại dần trong 12 năm.

Ruộng truất hữu sẽ đem bán cho những người thiếu ruộng, mỗi hộ không quá 5 héc ta, “ngoại trừ những nông dân lợi dụng tình thế vừa qua để ngang nhiên chiếm đất của địa chủ, đã trách không làm khế ước hoặc không đóng địa tô hay thuế điền trong năm vừa qua và không chịu truy nạp trước ngày 31-3-1957”. Giá tiền mua ruộng tính theo số tiền mà Chính phủ bồi thường cho người bị “truất hữu”, và phải trả góp trong thời hạn dài nhất là 6 năm. Trong thời gian này, ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Chính phủ.

“Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày nhận ruộng, các sở hữu chủ ruộng mới phải cày cấy hết diện tích số ruộng đã mua. Ngoài ra, các sở hữu chủ mới phải tham gia các chương trình khuếch trương canh nông, phát triển hợp tác xã và công tác ích lợi chung. Nếu không thi hành đầy đủ những nhiệm vụ trên, Chính phủ sẽ lấy đất lại, không kể những trừng phạt ghi ở thiên IV”. “Số ruộng đất, sau khi đã phân chia, trong thời hạn 10 năm, không được cho mướn, cầm cố, bán, hay sai áp”.

Qua các dụ nói trên, có thể tóm tắt nội dung của cái gọi là quốc sách cải cách điền địa trong 2 điểm sau đây:

Một là, xác định bằng hình thức pháp lý mối quan hệ giữa địa chủ và tá điền (dụ số 2 và dụ số 7). Cụ thể là: quy định một loạt mẫu khế ước tá điền cho các loại trường hợp mướn ruộng của địa chủ, ruộng công, hay ruộng bỏ hoang, trong đó, mức địa tô được ấn định.

Giai đoạn thứ nhất của cuộc “cải cách điền địa” lấy việc lập khế ước tá điền theo các dụ nói trên làm nội dung.

Hai là, ấn định một giới hạn cho chế độ đại điền sản và giúp địa chủ bán đi những ruộng đất vượt quá giới hạn đó (dụ số 57). Đây là nội dung của giai đoạn thứ hai – giai đoạn chót – của cuộc “cải cách điền địa”.

Như trên ta thấy, trên những nét cơ bản, các dụ Mĩ – Ngô Đình Diệm không hề đi xa hơn các dụ Pháp – Bảo Đại. Những điều bổ sung và sửa đổi chỉ thuộc về chi tiết.

Cũng trên những nét cơ bản, có thể coi cả hai loại dụ nói trên là bản sao của những đạo luật cải cách điền địa có tính chất cải lương chủ nghĩa đã từng được ban hành ở một số nước (như Phi-luật-tân, Ấn-độ, Miến-điện, Cộng hòa A-rập thống nhất, v.v…). Tuy nhiên, cũng những đạo luật ấy, đặt trong những điều kiện lịch sử cụ thể lúc này hoặc ở nước này thì mang tính chất cải lương chủ nghĩa, nhưng đặt trong những điều kiện lịch sử cụ thể lúc khác hoặc ở nước khác thì lại là một bước thụt lùi trong lịch sử. Trường hợp của cái gọi là cải cách điền địa ở miền Nam, như những tài liệu sau đây sẽ chứng minh, chính là một bước thụt lùi như vậy.

“Khế ước tá điền”

Nếu đem so sánh với những quyền lực vô hạn của địa chủ đã từng được duy trì hàng thế kỷ ở nông thôn nước ta, từ thời Pháp thống trị trở về trước, thì việc xác định bằng hình thức pháp lý mối quan hệ giữa địa chủ và tá điền hẳn là một bước tiến.

Chỉ riêng việc lập giao kèo mướn ruộng bằng giấy tờ đã có thể làm giảm nhẹ phần nào số phận của người tá điền, so với hình thức giao kèo bằng miệng, một hình thức giao kèo trong đó những điều kiện do địa chủ đưa ra vừa có tính chất mệnh lệnh tuyệt đối, vừa có tính chất tùy tiện, có thể thay đổi bất cứ lúc nào theo ý chí của địa chủ. Theo ý nghĩa lịch sử của nó mà nói thì mối quan hệ khế ước, cũng như địa tô bằng tiền, là một bước nhích lại gần chủ nghĩa tư bản, một nấc thang trong quá trình chuyển biến từ quan hệ lệ thuộc của chủ nghĩa phong kiến – mối quan hệ trong đó người tá điền không những chỉ biểu hiện ra như là người thuê ruộng, mà còn biểu hiện ra như là người nông nô hay đầy tớ của chủ ruộng – sang quan hệ có tính chất thuần túy hàng hóa của chủ nghĩa tư bản.

Sự kiểm soát của Nhà nước đối với những điều kiện của khế ước, việc xóa bỏ địa tô phụ – một trong những hình thức biểu hiện đặc trưng của mối quan hệ lệ thuộc nói trên – việc ấn định giới hạn tối đa của địa tô và việc quy định những điều kiện bảo đảm quyền lĩnh canh cũng đều có ý nghĩa hạn chế những sự “quá lạm” của địa chủ phong kiến với tư cách là địa chủ phong kiến.

Như vậy thì phải chăng cái gọi là “cải cách điền địa” của chính quyền miền Nam là có ý nghĩa tiến bộ thật sự, hay ít ra cũng là nhằm đạt tới một sự cải lương nào đó trong những quan hệ kinh tế ở nông thôn? Điều mà các tác giả của nó vẫn gia công chứng minh cũng chính là ở chỗ đó. Họ kể lể nào là “trước đây” địa tô chiếm tới 50-70% hoa lợi, nào là bao nhiêu thứ địa tô phụ bóp nặn người tá điền đến kiệt sức, nào là địa chủ tùy tiện đuổi tá điền ra khỏi ruộng đất, vân vân và vân vân.

Những hiện tượng trên đây quả là có thật. Nhưng, đấy chỉ là sự thật của một thời quá khứ xa xăm – của thời kì trước cách mạng. Từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954, suốt trong thời gian 9 năm mà “mỗi ngày bằng 20 năm” ấy, nhân dân Việt Nam đã chiếm lĩnh được biết bao nhiêu trận địa của đế quốc và phong kiến, trên lĩnh vực kinh tế cũng như trên các lĩnh vực khác! Riêng ở Nam Bộ, qua việc tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, tạm giao ruộng vắng chủ, tạm cấp ruộng hoang, chia lại công điền, chính quyền dân chủ nhân dân đã chia cho nhân dân nghèo, theo thống kê chưa đầy đủ, 564.547 héc ta. ở các tỉnh Trung Bộ từ vĩ tuyến 17 trở vào, số ruộng đã trao cho nhân dân là trên 75.000 héc ta. Những ruộng này đã thực tế thuộc quyền sở hữu của nông dân. Hàng mấy chục vạn nông hộ đã nhờ đó mà thoát khỏi địa vị tá điền, dần dần trở thành trung nông. Việc xóa bỏ địa tô phụ, xóa bỏ chế độ quá điền, đảm bảo quyền lĩnh canh, giảm tô giảm tức, do các sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định từ những năm 1949-1950, đã cải thiện khá nhiều địa vị của người lĩnh canh, những chính sách ấy – biện pháp bước đầu của một cuộc cách mạng ruộng đất triệt để – đã cải biến sâu sắc những quan hệ kinh tế ở nông thôn trong các vùng tự do, vùng căn cứ du kích và vùng du kích (các vùng này bao trùm phần lớn nông thôn Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp).

Đứng trước những biến đổi cách mạng lớn lao ấy, đứng trước thực tế lịch sử ấy, chính quyền tay sai của Mĩ ở miền Nam đã tỏ một thái độ hoàn toàn phản cách mạng.

Sau khi đã lấy địa bạ của thời Pháp thống trị và lời khai của địa chủ làm căn cứ để công nhận trở lại quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, kể cả của địa chủ thực dân Pháp, chúng đặt “ruộng đất của địa chủ” của các loại công điền vào phạm vi chi phối của dụ số 2 và dụ số 7. Ruộng đất của Pháp và Việt gian, ruộng đất của địa chủ bỏ vào vùng tạm bị chiếm, ruộng đất của địa chủ bỏ hoang, ruộng công và nửa công nửa tư, cả 4 loại ruộng mà chính quyền cách mạng đã tạm cấp cho nông dân nghèo (chỉ chờ đến cải cách ruộng đất là tuyên bố chia hẳn), thì nay, theo dụ số 2 và dụ số 7, đều phải “lập khế ước tá điền”!

Trong tình hình mà địa tô trên phần lớn ruộng đất phát canh, qua các phong trào đấu tranh của nhân dân trog thời kì kháng chiến, thông thường không còn đạt tới mức 25% hoa lợi ruộng đất, và trong nhiều trường hợp, không đạt tới ngay cả mức 10-15%, thì việc áp dụng mức địa tô của dụ số 2 chỉ có nghĩa là tăng tô một cách phổ biến.

Như vậy thì việc lập khế ước tá điền – giai đoạn thứ nhất cái gọi là cải cách điền địa ở miền Nam – còn có ý nghĩa gì hơn khác là: đoạt lại cho địa chủ và thực dân trên 65 vạn héc ta mà chính quyền cách mạng đã trao cho cho nông dân, bắt hàng chục vạn hộ nông dân quay trở lại địa vị tá điền, và tăng tô một cách phổ biến?

Cũng những đạo luật ấy về khế ước tá điền, nếu đặt trong một hoàn cảnh nào khác thì rõ ràng là một bước tiến, một biện pháp ít nhiều có tính cách cải lương chủ nghĩa, thậm chí – như trường hợp dưới chính quyền dân chủ nhân dân – có thể là một nấc thang lịch sử tiến đến giải phóng nông dân, thì đây lại chỉ là một mưu toan phản cách mạng. Ở đây, không phải người ta đã đem một mẫu khế ước tá điền do pháp lý tư sản quy định để đối lập với những quan hệ lệ thuộc kiểu trung cổ của chủ nghĩa phong kiến, mà thực chất là đặt trở lại cái ách tá điền lên cổ hàng chục vạn nông dân đã được Cách mạng giải phóng. Ở đây, không phải người ta đã đem một mức địa tô bị pháp luật tư sản giới hạn để đối lập với một mức địa tô mà cơ sở duy nhất chỉ là quyền lực và lòng tham vô tận của chúa đất, mà thực chất là đem một mức địa tô cao hơn do chính quyền phản cách mạng bảo vệ để phủ định một mức địa tô thấp đã được Cách mạng xác lập trong thực tế. Tính chất phản động của cái gọi là cải cách điền địa của Mĩ – Diệm ở miền Nam trước hết là ở chỗ đó.

Chính vì vậy mà việc lập khế ước tá điền đã thực tế diễn ra như một cuộc “nổi loạn” phản cách mạng của bọn chúa đất, và do đó, đã biến thành một cuộc đấu tranh đẫm máu giữa nông dân với bọn chúng trên vấn đề quyền sở hữu ruộng đất. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt mấy năm liền ở nông thôn miền Nam, kể từ khi tên chúa đất và tư sản mại bản đầu sỏ Ngô Đình Diệm được Mĩ đưa lên nắm chính quyền và ở nhiều nơi, đã thu được thắng lợi quan trọng. Nó chỉ tạm thời dịu đi ở từng nơi, từng lúc, khi lực lượng so sánh tỏ ra hoàn toàn bất lợi đối với nông dân. Dựa vào bạo lực của chính quyền phản cách mạng, giai cấp địa chủ đã buộc nông dân miền Nam phải ký kết, tính đến tháng 7-1960, 812.473 khế ước tá điền (khoảng 80% tổng số khế ước mà chính quyền miền Nam dự kiến), liên quan đến 1.469.200 héc ta, tức là một nửa tổng diện tích canh tác ở miền Nam.

Như vậy, thông qua dụ số 2 về “quy chế tá điền” và dụ số 7 về “điều kiện khai thác lại các ruộng đất bỏ hoang” núp dưới chiêu bài “giảm nhẹ số phận của người tá điền” và chiêu bài “đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp”, chính quyền tay sai của Mĩ ở miền Nam đã làm cái công việc kiểm kê toàn bộ ruộng đất của địa chủ và khôi phục lại chế độ chiếm hữu của địa chủ, về cơ bản, như hồi trước Cách mạng.

Tuy nhiên, thời đại ngày nay không còn là thời đại trong đó các thế lực phong kiến có thể duy trì chế độ bóc lột lỗi thời của chúng dưới bất cứ hình thức nào cũng được. Dù muốn hay không muốn, chúng cũng phải thừa nhận sự thật là nông dân miền Nam đã từng làm chủ nông thôn và làm chủ ruộng đất, đã trỗi dậy. Thắng lợi của cuộc cách mạng ruộng đất triệt để và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lại là nguồn cổ vũ to lớn đối với họ. Tình hình đó đặt ra vấn đề: hoặc là chế độ nô lệ phong kiến sẽ bị nông dân đập tan, hoặc là, nếu muốn duy trì chế độ ấy thì ít ra cũng phải nới rộng những dây xiềng nô lệ. Mầu sắc cải lương chủ nghĩa của dụ số 2 và dụ số 7 chính là sản phẩm của những sự tính toán đó. Khi mà báo chí miền Nam hết lời ca ngợi “sự sáng suốt của Ngô tổng thống”, đối lập với “bọn chủ ruộng ngoan cố không có ý thức về hiểm họa, mà chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng trước mắt”, thì chính là nó đã phản ánh được ý thức của giai cấp địa chủ trước tình thế hiểm nghèo của chế độ bóc lột phong kiến cùng sự tính toán gian ngoan của chúng.

Quy định một loạt mẫu khế ước cho các loại trường hợp lĩnh canh, định rõ những điều kiện đảm bảo quyền lĩnh canh, quyền “lưu canh” và quyền “tiên mãi” của tá điền, tuyên bố xóa bỏ địa tô phụ và ấn định giới hạn của địa tô, bấy nhiêu biện pháp mang mầu sắc cải lương chủ nghĩa ấy chẳng qua là nhằm khôi phục lại chế độ bóc lột phong kiến dưới một hình thức “hợp thời trang” hơn trước, gọt bớt những góc cạnh kinh tởm nhất của chiếc dây xiềng phong kiến, và như vậy, để đỡ gây ra những phản ứng kịch liệt của lớp người nô lệ bị trói buộc bởi xiềng xích ấy.

Hiển nhiên, trong chính sách cải cách điền địa của chính quyền miền Nam, việc “giảm nhẹ số phận của người tá điền” chẳng phải là một bước quá độ để đi tới xóa bỏ hẳn số phận ấy, mà chỉ là một thủ đoạn để duy trì vĩnh viễn số phận ấy. Bản thân việc “giảm nhẹ” đã là cái đích cuối cùng của công việc “cải cách”.

Thừa nhận một màu sắc cải lương chủ nghĩa nào đó trong các dụ số 2 và dụ số 7, phải chăng là thừa nhận một ý nghĩa tiến bộ nào đó trong cái gọi là “cải cách điền địa” ở miền Nam? Hoàn toàn không phải như vậy. Nói chung, chủ nghĩa cải lương tư sản chưa hề bao giờ là một lực lượng thúc đẩy sự phát triển lịch sử, mà là một lực lượng kìm hãm sự phát triển lịch sử. Nó đem những cải cách vụn vặt, dựa vào sự bố thí của giai cấp bóc lột, để đối lập với hành động cách mạng của quần chúng nhằm đạt tới những sự cải tạo xã hội căn bản. Trong điều kiện lịch sử cụ thể của miền Nam, chủ nghĩa cải lương tư sản chẳng những là một lực lượng kìm hãm sự phát triển lịch sử, mà còn là một bước thụt lùi trong lịch sử và một thủ đoạn phản cách mạng. Nơi đây, qua 25 năm bão táp cách mạng, đặc biệt là qua 9 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược Pháp và bè lũ tay sai, chiếc dây xiềng phong kiến đã bị đập nát từng khúc rồi. Vấn đề mà lịch sử đặt ra là giáng cho nó một chiếc búa cuối cùng, chứ không phải là hàn gắn lại hay sửa sang lại bằng một thứ chủ nghĩa cải lương nào đó. Nối lại chiếc dây xiềng phong kiến đã bị Cách mạng đập nát từng khúc, và trên cơ sở đó, sửa sang lại cho nó đỡ nặng nề và kinh tởm, dụ số 2 và dụ số 7 là lộ nguyên của một mưu toan phản cách mạng. Ở đây, chủ nghĩa cải lương tư sản đã đóng một vai trò hai mặt: một mặt, nó được sử dụng làm tấm bình phong cho cuộc “nổi loạn” phản cách mạng của bọn chúa đất; mặt khác, nó là công cụ sửa sang lại chiếc dây xiềng phong kiến đã được hàn gắn lại. Nếu các chuyên gia tư sản của chủ nghĩa đế quốc Mĩ có đem lại một cái gì cho cuộc “cải cách” phản cách mạng của các thế lực phong kiến ở miền Nam, thì nhiều nhất cũng chỉ là cái vẻ bề ngoài lừa bịp, mang màu sắc cải lương chủ nghĩa đó.

“Truất hữu” địa chủ

Nếu dụ số 2 và dụ số 7 có cái vẻ bề ngoài cải lương chủ nghĩa, thì dụ số 57 lại có vẻ như là cách mạng thực sự. Nội dung của nó, như người ta công bố, là “hạn chế các đại điền sản” ở mức 100 héc ta, và “truất hữu” số diện tích vượt ngoài giới hạn đó, nhằm mục đích “phân chia ruộng đất cho công bằng, giúp các tá điền trở thành tiểu địa chủ, phát triển sản xuất nông nghiệp, và hướng dẫn các địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ”.

Phải chăng bọn chúa đất ở miền Nam, sau khi đã đoạt lại trên nửa triệu héc ta và tăng tô một cách phổ biến nhờ công cuộc “cải cách điền địa kỳ lạ”, liền trở thành đối tượng “truất hữu” của chính công cuộc “cải cách” ấy?

Chúng ta hãy xem bọn địa chủ bị truất hữu và các đại điền sản bị hạn chế như thế nào.

Sau khi đã loại trừ các điền chủ có dưới 100 héc ta cũng như các đồn điền và đất đai trồng cây công nghiệp ra khỏi diện “truất hữu”, dụ số 57 chỉ còn động chạm đến 2.035 địa chủ, trong đó, có 12 địa chủ ở Trung bộ. Số ruộng có thể bị “truất hữu” là 43 vạn héc ta. Cộng vào đấy là 22 vạn héc ta ruộng lúa của trên 200 địa chủ Pháp. Như vậy, tổng số diện tích bị “truất hữu” – nói đúng hơn, có thể bị “truất hữu” – là 65 vạn héc ta, “xấp xỉ 1/3 toàn bộ ruộng đất phát canh ở Nam Việt Nam”.

Địa chủ phong kiến là lớp người chiếm hữu nhiều ruộng đất và sử dụng ruộng đất ấy làm công cụ bóc lột nông dân. Địa tô là hình thức bóc lột chủ yếu đồng thời là nguồn sống chính của chúng. Xét theo quan điểm ấy thì địa chủ hoặc đại địa chủ, không thể chỉ hạn ở mức trên 100 héc ta. Ở Nam bộ là nơi mà so với toàn quốc, mức bình quân sử dụng ruộng đất cao hơn cả (mỗi nhân khẩu trên 1/4 héc ta), thì ngay những điền chủ chiếm hữu vài chục héc ta đã thuộc loại chiếm hữu nhiều ruộng đất, và trên thực tế, chúng đã lấy địa tô làm nguồn sống chính. Ở Trung bộ, loại người này bao gồm cả những chủ ruộng chỉ chiếm hữu dăm mười héc ta. Với mức chiếm hữu này, trong điều kiện đất ít người đông ở Trung bộ (bình quân mỗi nhân khẩu khoảng 1/10 héc ta) mỗi hộ địa chủ đã có thể nô dịch được một vài chục hộ nông dân và bám trên lưng họ mà sống. Con số trên 2 triệu héc ta ruộng phát canh, theo ước lượng của Latdinxky, và một triệu rưởi héc ta theo kết quả đã kiểm kê được qua việc lập khế ước tá điền, đã nói lên lực lượng to lớn của giai cấp địa chủ phong kiến ở miền Nam.

Như vậy, loại trừ các chủ ruộng có dưới 100 héc ta ra khỏi diện “truất hữu”, Mĩ – Diệm đã loại trừ ra khỏi diện “truất hữu” tuyệt đại bộ phận giai cấp địa chủ phong kiến cùng 2/3 số diện tích mà chúng chiếm giữ và khai thác theo lối phong kiến. Riêng ở Trung bộ (từ vĩ tuyến 17 trở vào) thì giai cấp này, chiếm giữ gần một nửa diện tích đất trồng trọt, coi như không bị đụng chạm đến.

Cần phải nói thêm rằng không phải bất cứ chủ ruộng nào có trên 100 héc ta cũng đều bị “truất hữu” cả, vì lẽ luật “truất hữu” của chính quyền miền Nam không áp dụng đối với đất đai trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, bãi chăn nuôi, rừng rú, cùng những đất đai mà trên đó xây dựng nhà cửa và xưởng công nghệ thuộc các đồn điền. Hơn nữa, mỗi địa chủ còn được quyền giữ lại 15 héc ta “ruộng hương hỏa” ngoài số 100 héc ta kia. Kết quả của những điều miễn trừ trên đây là: khoảng 1/6 số chủ ruộng có trên 100 héc ta được loại ra khỏi diện “truất hữu”, không kể các chủ đồn điền cao su, chè, cà phê, v.v.

Đáng chú ý hơn cả vẫn là việc loại trừ ra khỏi diện “truất hữu” các đồn điền trồng cây công nghiệp. Chỉ tính những cây quan trọng nhất – phần lớn được trồng thành đồn điền – đất đai trồng cây công nghiệp (và cây ăn quả) ở miền Nam đã trên tới trên 30 vạn héc ta. Số đồn điền là 755 cái, sử dụng 62.000 công nhân nông nghiệp và chiếm một diện tích khoảng 25 vạn héc ta. Những đồn điền quan trọng nhất đều nằm trong tay thực dân Pháp. Riêng đồn điền cao su của chúng đã chiếm một diện tích rộng tới 10 vạn héc ta. Xem vậy thì thấy việc loại trừ những đất đai trồng cây công nghiệp ra khỏi diện “truất hữu” có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ quyền lợi của bọn chủ đồn điền, đặc biệt là bọn chủ đồn điền Pháp!

Rút cục, sau khi áp dụng một loạt điều khoản miễn trừ trên đây rồi, còn lại chỉ có 43 vạn héc ta của địa chủ Việt Nam và 22 vạn héc ta ruộng lúa của thực dân Pháp là bị đặt vào diện “truất hữu”.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng của cái gọi là “tái phân ruộng đất”. Tính đến tháng 7 năm 1963, nghĩa là ba năm sau khi “công cuộc cải cách điền địa kể như đã hoàn tất” – trong số 43 vạn héc ta của địa chủ Việt Nam, chỉ mới có 34 vạn héc ta là “đã được bồi thường”. Như vậy nghĩa là vẫn còn tới 9 vạn héc ta chưa rời khỏi quyền chiếm hữu của giai cấp địa chủ.

Ruộng đất dù đã rời khỏi quyền chiếm hữu của giai cấp địa chủ vẫn chưa phải là đã thoát khỏi cái vỏ phong kiến của nó. Nếu về danh nghĩa, nó có bị chuyển từ tay bọn địa chủ sang tay chính quyền miền Nam nhờ một nghị định “truất hữu” hay một khoản bồi thường nào đó, thì trên thực tế, giống như trường hợp các loại công điền, nó vẫn giữ nguyên tư cách là một công cụ bóc lột phong kiến: ở trong tay tên địa chủ tư nhân hay là ở trong tay tên địa chủ tập thể – chính quyền miền Nam – thì quyền chiếm hữu ruộng đất vẫn biểu hiện ra như một thứ quyền tuyệt đối chiếm đoạt cống vật của nông dân tá điền dưới hình thức địa tô.

Trong công việc gọi là “tái phân ruộng đất” này, vai trò của chính quyền miền Nam thực ra chỉ là vai trò của kẻ trung gian bán ruộng của địa chủ cho nông dân. Nghị định “truất hữu” của nó, vì vậy, chỉ có ý nghĩa như một bản giao kèo trong đó nó nhận bán hộ địa chủ một số ruộng đất, với điều kiện là: mọi bất trắc xảy ra trong quá trình mua bán đều do phần nó chịu. Bản giao kèo này phải được bổ sung bằng một bản gieo kèo thứ hai, ký giữa nó và người nông dân mua ruộng, tức là bản giao kèo mua ruộng mà từ ngữ bịp bợm của chính quyền miền Nam gọi là “bằng chứng khoán nhận ruộng”. Chỉ sau khi có bản giao kèo thứ hai này rồi thì vai trò trung gian bán ruộng của chính quyền miền Nam mới tạm coi như đã được thực hiện: nó đã tìm được cả người bán lẫn người mua, nghĩa là đủ cả hai vế đối lập của một hành vi trao đổi. Cũng chỉ đến lúc này, ruộng đất mới tạm coi như “bị truất hữu”, nghĩa là bắt đầu rời khỏi quyền chiếm hữu của địa chủ – địa chủ tư nhân hay địa chủ tập thể – để bước vào quá trình chuyển hóa thành sở hữu của nông dân, một quá trình kéo dài 6 năm như chúng ta đã biết. Số ruộng đất thuộc trường hợp này, tính đến tháng 7-1963, mới chỉ là 245.851 héc ta. Nếu kể cả 6.362 héc ta mà địa chủ bán trực tiếp cho tá điền không qua chính quyền miền Nam làm trung gian thì tổng số ruộng của địa chủ bị “truất hữu” trong toàn bộ cuộc “cải cách” này cũng mới chỉ là 25 vạn héc ta.

Còn lại 9 vạn héc ta, tuy đã được chính quyền miền Nam bồi thường, nghĩa là đã rời khỏi quyền chiếm hữu của bọn địa chủ tư nhân, nhưng lại không có được điều kiện để chuyển thành sở hữu của nông dân. Số ruộng này đọng lại trong tay chính quyền miền Nam, tiếp tục đóng vai trò là một công cụ bóc lột phong kiến. Với số ruộng đó, chính quyền miền Nam từ chỗ là kẻ môi giới bán ruộng cho địa chủ, nghiễm nhiên biến thành (nói đúng hơn là: lộ nguyên hình) một tên địa chủ phong kiến tập thể. Nó sẽ tiếp tục giữ lấy vai trò đó chừng nào nó còn trực tiếp quản lý số ruộng này – và cả số ruộng công và ruộng của địa chủ vắng mặt nữa – bằng cách phát canh cho nông dân.

Còn 22 vạn héc ta “đã mua” của chủ điền Pháp? Năm 1961, người ta vẫn còn đang “bàn cãi về việc sử dụng cuối cùng số ruộng kể trên”. Cho đến cuối năm 1963, khi công bố “thành tích 9 năm hoạt động của Bộ cải tiến nông thôn”, người ta vẫn chưa bán một héc ta nào trong số ruộng này cho nông dân. Chỉ biết chắc một điều là: các điền chủ Pháp, về phía họ, đã nắm gọn trong tay số tiền 1.350 triệu phờ-răng (cũ) trả ở bên Pháp. Kẻ bán thì đã cầm tiền, còn người tá điền đương canh thì chưa mua, trong khoảng thời gian ấy, ruộng đất đương nhiên vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quyền miền Nam – kẻ trung gian bán ruộng đồng thời là tên địa chủ tập thể.

Rút cục, trong tổng số 2 triệu héc ta mà chúng chiếm giữ, bọn địa chủ phong kiến ở miền Nam chỉ mất đi có 25 vạn héc ta, tức một phần tám, điều đó có nghĩa lý gì với địa vị thống trị của chúng! Dù cho có mất đi cả 65 vạn héc ta bị liệt vào diện “truất hữu” đi chăng nữa thì cuối cùng, chúng vẫn còn chiếm giữ được một nửa tổng diện tích canh tác ở miền Nam, và do đó, vẫn nô dịch được ít ra là một nửa tổng số nông dân miền Nam.

Trên đây, chúng ta đã giả định là địa chủ “bị truất hữu”, và chúng đã “mất đi” 25 vạn héc ta. Nhưng có thật là địa chủ “bị truất hữu” hay không? Có thật là chúng bị “mất đi” 25 vạn héc ta hay không?

Nếu nói rằng chính sự “truất hữu” ấy lại là xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của những kẻ “bị truất hữu” thì điều đó, mới xem qua, tưởng như là một mâu thuẫn tự trong bản thân nó. Nhưng, sự việc sẽ trở nên hoàn toàn hợp lô-gích, một khi người ta đặt nó vào hoàn cảch cụ thể của nó.

Trên dải đất miền Nam này, sự kiện nổi bật nhất của tình hình là làn sóng cách mạng không gì dập tắt nổi của nông dân. Làn sóng cách mạng ấy đã và đang uy hiếp chế độ chiếm hữu phong kiến về ruộng đất nói chung cũng như đã và đang uy hiếp bộ phận ruộng đất này hay bộ phận ruộng đất khác của từng tên chúa đất cá biệt. Vậy thì, đâu là lối thoát? Đối với giai cấp địa chủ, vấn đề đặt ra là như vậy.

Đứng về toàn cục mà xét thì lối thoát là ở chỗ sửa sang lại chế độ đại điền sản, gọt bớt những góc cạnh “gai mắt” nhất của chế độ này bằng điều luật hạn chế các đại điền sản ở mức 100 héc ta. Việc “hạn chế các đại điền sản” đã được thực hiện dưới tiền đề duy trì và bảo vệ các đại điền sản: nó không thủ tiêu bất cứ một đại điền sản nào – kể cả 2.035 cái nằm trong diện “truất hữu”. Nó bảo tồn nguyên vẹn các đồn điền trồng cây công nghiệp. Kết quả là: chế độ đại điền sản vẫn giữ nguyên được cả nền móng lẫn cấu trúc đồ sộ của nó, đồng thời lại có được một hình dáng “hợp thời trang” hơn, và như vậy, để có thể duy trì được. Điều đó chẳng phải là phù hợp với lợi ích căn bản của chính giai cấp địa chủ, đứng về toàn cục mà xét, hay sao?

Đứng trên quan điểm của từng tên địa chủ cá biệt “bị truất hữu” mà xét thì tình hình cũng hoàn toàn như vậy. Việc “truất hữu” theo lối bán lại cho nhà nước một bộ phận ruộng đất – bộ phận đang bị phong trào nông dân uy hiếp nghiêm trọng – đối với chúng, còn có nghĩa gì khác hơn là một kế thoát thân đúng lúc và có lợi nhất?

Latdinxky đã phản ánh khá đúng sự tính toán “khôn ngoan” của bọn chúa đất ở miền Nam khi đưa ra những nhận xét sau đây:

“Thoạt mới nhìn thì có vẻ kỳ lạ, nhưng rõ ràng là người tá điền đã tìm thấy một đồng minh – chắc chắn là một đồng minh rất miễn cưỡng – ở nơi các đại địa chủ. Sự thật là địa chủ phản đối địa tô thấp, nhưng sự thật cũng là những kinh nghiệm của họ trong 10 năm qua đã làm cho họ bớt găng hơn. Họ muốn bán ruộng đi. Điều khẳng định của họ rằng đã chỉ có rất ít hoặc không có một sự thay đổi nào chẳng qua là lời nói mẽ bề ngoài. Một vài đại địa chủ trong thời gian ấy không chịu thừa nhận rằng chế độ chiếm hữu ruộng đất cổ truyền đã rơi vào những ngày đen tối nhất. Nhưng địa chủ biết rằng sớm hay muộn, họ sẽ phải mất một phần lớn ruộng đất nếu không phải là tất cả, và vấn đề của họ là làm như thế nào cứu vãn được một cách tốt nhất những cái gì có thể cứu vãn được trong tình thế khó khăn này.

“Điều đó cắt nghĩa tại sao, ngay khi cộng sản bỏ đi và an ninh đã vãn hồi, người ta đã thấy nhiều cuộc tranh luận kịch liệt giữa những người địa chủ về cách tốt nhất để từ bỏ ruộng đất”.

“Làm thế nào cứu vãn một cách tốt nhất những cái gì có thể cứu vãn được trong tình thế khó khăn này”? Đâu là “cách tốt nhất để từ bỏ ruộng đất”? Chính các chuyên gia Mĩ và chính quyền tay sai của Mĩ, với đạo dụ 57, đã tìm được câu trả lời “thỏa đáng”.

Trước nhất, với đạo dụ ấy, sự “từ bỏ ruộng đất” có thể thực hiện được mà không làm cho chế độ đại điền sản bị xóa bỏ. Kết quả là: tất cả “những cái gì có thể cứu vãn được” thì đã được cứu vãn “một cách tốt nhất”. Đấy là phần việc của cái lưới “truất hữu” với những mắt lưới khá rộng và khá co dãn, như chúng ta đã biết.

Thứ nữa là quyền được lựa chọn giữ lại bất cứ thửa ruộng nào tùy ý, nói cách khác là quyền được từ bỏ những cái gì đáng phải từ bỏ. Giữ lại những ruộng tốt và “đẩy” đi những ruộng xấu, điều đó vốn xưa nay là mánh lới thường tình của địa chủ. Mánh lới ấy, trong tình thế hiểm nghèo hiện nay của chế độ đại điền sản ở miền Nam, quả là đáng được nâng lên hàng “quốc sách”. Nó có tác dụng không những đối phó với những khoảnh ruộng mà quyền chiếm hữu không đem lại một khối lượng cống vật đáng kể, mà quan trọng hơn nữa, còn là để đối phó với những khoảnh ruộng đang tranh chấp với nông dân được chia hồi Kháng chiến, hoặc những khoảnh ruộng mà vị trí của chúng nằm tại những vùng nông thôn “không có an ninh”. Trao những khoảnh ruộng sắp bị mất trắng ấy cho nhà nước để đổi lấy những khoản bồi thường chắc chắn, thực chất của việc “từ bỏ ruộng đất” là như vậy.

Về phía nhà nước của địa chủ, nó sẵn sàng nhận lấy gánh nặng ấy – vì lợi ích của giai cấp địa chủ. Đến đây, ta thấy vai trò trung gian môi giới của nó trong việc bán ruộng cho địa chủ mờ hắn đi để nhường chỗ cho một loạt vai trò mới, trọng yếu hơn nhiều. Trước hết, đó là vai trò dùng bạo lực nhà nước để xác nhận quyền sở hữu của địa chủ trên những ruộng đất vốn đã bị Cách mạng “truất hữu” từ lâu rồi; thứ đến, vai trò dùng bộ máy nhà nước để đòi nợ (tiền mua ruộng) cho địa chủ; cuối cùng là vai trò dùng ngân quỹ nhà nước – mà nông dân là những người đóng góp chủ yếu – để đảm bảo cho địa chủ được bồi thường đầy đủ trong mọi trường hợp, kể cả những trường hợp mà ruộng “truất hữu” chỉ có trên mặt giấy hay là ruộng “truất hữu” không kiếm được người mua.

Cuối cùng, “cách tốt nhất để từ bỏ ruộng đất” là từ bỏ mà không quên lấy lại một khoản “bồi thường theo hiện giá”.

Chẳng phải là một nhà kinh tế học, người ta cũng hiểu rằng khi đã nhận của đối phương một “hiện giá”, thì người trao giá trị sử dụng không bị truất hữu gì hết. Nếu anh bị truất mất quyền sở hữu về giá trị sử dụng ấy, thì ngược trở lại, anh đã được đền bù lại bằng một quyền sở hữu khác, quyền sở hữu về một “hiện giá” hay một lượng giá trị tương xứng với giá trị của cái mà anh bị truất hữu. Giá trị sử dụng ở đây là ruộng đất. Ruộng đất có giá trị hay không, và do đó, mua bán ruộng đất “theo hiện giá” có phải là một sự trao đổi ngang giá hay không, vấn đề đó tạm thời chúng ta hãy gác sang một bên. Một vấn đề khác: người bán ở đây có thật là đã trao cho người mua một giá trị sử dụng hiện thực hay chỉ là một giá trị sử dụng trên mặt giấy, có thật là đã trao cho người mua một giá trị sử dụng mà chính anh ta có quyền sở hữu hay chỉ là một giá trị sử dụng mà trên thực tế anh ta đã mất quyền sở hữu? Cả vấn đề này nữa, chúng ta cũng tạm gác ra một bên. Chỉ biết rằng khi nó từ bỏ ruộng đất thì địa chủ đã được bồi thường theo hiện giá. Theo ngôn ngữ thông thường thì điều đó có nghĩa là nó đã bán hàng “được giá”. Lẫn lộn “bán” – và bán được giá – với “bị truất hữu”, đây phải chăng là sự đần độn của chính trị kinh tế học hay là bản năng bịp bợm của luật học theo kiểu Mĩ?

Tóm lại, “cách tốt nhất để từ bỏ ruộng đất”, giai cấp địa chủ quả là đã tìm thấy ở đạo luật “truất hữu”.

Điều ngược đời thật sự đồng thời lại là sự thật ở đây là: kẻ “bị truất hữu” chính là kẻ thu hồi được quyền sở hữu. Chính là nhờ “bị truất hữu” mà địa chủ chuyển hóa được quyền sở hữu bấp bênh, không hiện thực, về những ruộng đất bị uy hiếp, thành quyền sở hữu hiện thực, chắc chắn, mang hình thái tiền tệ. Đó là đứng về từng tên địa chủ cá biệt mà nói.

Còn đối với toàn bộ giai cấp của bọn địa chủ thì thì việc “truất hữu” chẳng có nghĩa gì khác hơn là bảo vệ chế độ chiếm hữu của chúng một cách tốt nhất. “Truất hữu” một bộ phận ruộng đất của một bộ phận đại địa chủ chẳng những mở ra cho những địa chủ cá biệt ấy một con đường thoát thân có lợi, chẳng những không thủ tiêu tư cách đại địa chủ của những địa chủ cá biệt ấy, mà xét theo lợi ích của cả giai cấp địa chủ, còn là thủ đoạn thích hợp nhất với tình thế nhằm duy trì, về cơ bản, chế độ chiếm hữu ruộng đất của chúng.

Đối với đế quốc xâm lược Mĩ và chính quyền tay sai của nó thì việc “truất hữu“ địa chủ là một mũi tên nhằm hai đích: một mặt, trang sức cho nền thống trị của chúng một chiêu bài “cách mạng” hay cải lương chủ nghĩa, hòng xoa dịu và lừa gạt nông dân; mặt khác, vẫn duy trì được nguyên vẹn cơ sở xã hội của nền thống trị ấy – giai cấp địa chủ phong kiến.

Ý nghĩa thực của cái gọi là “truất hữu” địa chủ và hạn chế các đại điền sản – giai đoạn chót của công cuộc “cải cách điền địa” – là như vậy. Cái linh hồn phong kiến của nó là như vậy. Dù cho các chuyên gia của đế quốc Mĩ có cố công tô vẽ cho nó một lớp son tư sản – cách mạng hay cải lương gì đó – thì “sợi chỉ đen” xuyên qua toàn bộ đạo luật “truất hữu” cũng vẫn là cái linh hồn phong kiến mà tính chất phản động, đặt trong khung cảnh cách mạng của miền Nam và đối lập với những thành quả cách mạng của nông dân miền Nam, cũng nổi bật lên hơn bao giờ hết.

“Tiểu điền chủ hóa tá điền”

Trong thời đại mà ngay bọn xâm lược cũng phải thừa nhận rằng “sự thức tỉnh của người nông dân là một bộ phận không thể tách rời của chất men cách mạng đang tràn ngập châu Á” thì việc các thế lực đế quốc và phong kiến tìm cách ngụy trang bằng một bộ áo nông dân là điều cũng dễ hiểu như là việc chúng cố công che giấu cái linh hồn phong kiến phản động của chúng dưới chiêu bài “truất hữu địa chủ”. Dụng mưu của chúng là giành lấy sự ủng hộ của nông dân bằng cách làm ra vẻ bênh vực quyền lợi của nông dân.  

“Truất hữu địa chủ”, lấy ruộng đất “cấp phát” cho tá điền, “nhằm mục đích phân chia ruộng đất cho công bằng, giúp các tá điền trở nên tiểu địa chủ”, hay là “tiểu điền chủ hóa tá điền”, đó chẳng phải là một chương trình cách mạng vì lợi ích của nông dân hay sao?

Tá điền là người đi mướn ruộng đất, nghĩa là không có hoặc không có đủ ruộng đất. Muốn làm cho họ trở nên tiểu điền chủ thì điều kiện tiên quyết phải là làm cho họ trở thành chủ sở hữu một đám ruộng đất đủ cày cấy, và muốn thế, phải có ruộng đất cấp cho họ. Ruộng đất lấy ở đâu? Trong tình hình mà bề mặt của trái đất đã hoàn toàn bị chiếm cứ, không còn kiếm đâu ra một khoảng trống nữa thì chỉ có một giải pháp: bắt những kẻ chiếm cứ nhiều diện tích phải nhả ra một phần hay toàn bộ diện tích mà chúng đã chiếm cứ. Giải pháp ấy, theo dụ 57, là “truất hữu” địa chủ. Cho đến đây, cách đặt vấn đề có thể xem là cách mạng, nếu đứng về bề ngoài mà xét. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề lại chỉ bắt đầu từ chỗ này. Cụ thể là: truất hữu ai, truất hữu bao nhiêu, và truất hữu bằng cách nào? Có giải quyết vấn đề này theo lối cách mạng thì mới có được ruộng đất để chia cho tá điền, cũng tức là có được cái cơ sở vật chất để “tiểu điền chủ hóa tá điền”. Giải quyết được vấn đề này rồi thì một vấn đề khác lại được đặt ra  vấn đề chia ruộng. Cụ thể là: chia ruộng cho ai, chia bao nhiêu, và chia theo cách nào? Cách giải quyết vấn đề này cũng lại là một hòn đá thử vàng nữa để phân biệt đâu là cách mạng thật, đâu là cách mạng giả.

Về vấn đề thứ nhất, chúng ta đã biết cách xử lý của dụ 57 như thế nào rồi. Dù cho đạo luật “truất hữu” này có được thi hành triệt để đi chăng nữa thì rút cục, cũng chỉ có một số ít đại địa chủ (địa chủ người Việt Nam và địa chủ thực dân Pháp) bị “truất” đi một phần ruộng đất của chúng, tổng cộng chừng 65 vạn héc ta.

Đem số ruộng này chia cho tá điền thì kết quả đạt được về mặt “tiểu điền chủ hóa tá điền” sẽ là như thế nào?

Chúng ta biết rằng trong tổng số hai triệu rưởi nông hộ ở miền Nam, có tới một triệu rưởi nông hộ là tá điền. Đã là tá điền thì nói chung đều có yêu cầu về ruộng đất. Tuy nhiên, không phải chỉ những người tá điền mới có yêu cầu về ruộng đất. Có rất nhiều nông dân không có đất nhưng vì lý do này hay lý do khác, họ đã không trở thành hoặc không thể trở thành tá điền. Họ đi làm thuê cho phú nông, địa chủ, hoặc là sống lay lắt ở nông thôn bằng một kế sinh nhai bấp bênh nào đó không phải là nghề nông. Đối với họ, ruộng đất cũng là một nhu cầu cấp bách không kém người nông dân tá điền. Cũng như người nông dân tá điền, họ rất thiết tha mong muốn trở thành “tiểu điền chủ”.

Với 65 vạn héc ta ruộng “truất hữu”, người ta có thể mặt “tiểu điền chủ hóa” được bao nhiêu trong số hàng chục vạn nông dân loại này và một triệu rưởi tá điền kia? Câu trả lời còn tùy thuộc ở một nhân tố nữa: tiêu chuẩn về mức sở hữu ruộng đất của một hộ gọi là “tiểu điền chủ”. Theo quy định của dụ 57, người “tiểu điền chủ” hay “tiểu địa chủ” mà nó dự định tạo ra không được phép “hưởng” quá 5 héc ta, ngay cả trong trường hợp đông con và kể cả những ruộng cũ của họ, nếu có. Số ruộng thực tế đã “chia” là: bình quân mỗi hộ 2 héc ta. Số ruộng này, người nông dân không được phép cho mướn, mà chỉ có thể tự mình cày cấy lấy. Như vậy, với 2 héc ta ruộng tự canh, và trong điều kiện ruộng đất của Nam bộ, người “tiểu điền chủ” hay “tiểu địa chủ”, về thực chất, chỉ là người trung nông. Ở đây, giả định hợp lý nhất chỉ có thể là giả định xây dựng trên cơ sở gạt bỏ người tá điền ở Trung bộ ra một bên, vì lẽ ở Trung bộ  nơi mà ruộng đất của giai cấp địa chủ hầu như không bị động chạm tới  khẩu hiệu “tiểu điền chủ hóa” chỉ hoàn toàn là một chiếc bánh vẽ đối với người tá điền.

Theo cách tính toán của chúng ta, với số ruộng “truất hữu” trên lý thuyết nói trên, nhiều nhất người ta cũng chỉ có thể “tiểu điền chủ hóa” được chừng 30 vạn tá điền ở Nam bộ, nghĩa là một phần năm tổng số hộ nông dân nghèo chính thức được gọi là tá điền ở miền Nam. Như vậy, trên dải đất bao la và màu mỡ này, sau khi chương trình “phân chia ruộng đất cho công bằng” đã được thực hiện triệt để, vẫn còn lại bốn phần năm tổng số hộ tá điền phải cam chịu số phận nô lệ của chế độ phong kiến! Cả một chương trình “cách mạng” nhằm “dân chủ hóa nền kinh tế trên tinh thần tôn trọng nhân vị” mà kết cục chỉ có thế thôi ư?

Tuy nhiên, tất cả những thành tựu chẳng có gì là cách mạng trên đây chỉ là đáp số của một bài toán mà những điều kiện cho trước (dữ kiện) thuần túy là giả định. Pháp lý trên giấy của chính quyền miền Nam là một chuyện, còn thực tiễn lại là một chuyện khác. Như mọi người đều biết, trải qua 9 năm trời khua chiêng gõ mõ về cái gọi là cải cách điền địa, số ruộng thực tế chuyển qua tay nông dân (tạm coi là như vậy) chỉ có 25 vạn héc ta, còn số tá điền được “hưởng” ruộng “truất hữu”, kể cả những người mua ruộng trực tiếp với địa chủ, chỉ là 126.050 người. Điều này, nếu tạm coi là một sự chuyển biến trong quan hệ kinh tế ở nông thôn miền Nam, thì đó chẳng qua là một sự chuyển biến nhỏ nhặt về lượng, chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đối với thân phận tá điền của nông dân miền Nam, càng không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với địa vị thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến miền Nam. Kết quả đầu tiên của cuộc kiểm tra canh nông của Sở thống kê và kinh tế nông nghiệp miền Nam đủ cho chúng ta những bằng chứng khá rõ.

Căn cứ vào thời gian công bố “kết quả đầu tiên” của cuộc điều tra này (tháng 7 năm 1962), người ta có thể khẳng định rằng cuộc điều tra đã được tiến hành sau khi “công cuộc cải cách điền địa kể như đã hoàn tất” được gần 2 năm. Vậy mà, trong tổng số 1.893.000 “nông trại”, còn có tới 31,8% hoàn toàn cày cấy đất mướn, và 39,4% cày cấy vừa đất nhà vừa đất mướn. Tính chung lại, số “nông trại” phải đi mướn đất, nghĩa là “nông trại” tá điền, chiếm 71,2% tổng số, hay 135 vạn “nông trại”. Trong tổng diện tích các “nông trại” (2.511.783 héc ta) thì 58,2% hay 146 vạn héc ta là đất mướn trong đó đất mướn của tư nhân chiếm 87,7% hay 128 vạn héc ta.

Riêng ở Nam bộ, nơi mà Thượng đế dành cho cái may mắn là được độc chiếm những thành quả của công cuộc “cải cách điền địa”, thì đất mướn còn chiếm tới 62,5% tổng diện tích các “nông trại’, hay 128 vạn héc ta. Ngay cơ quan thống kê của chính quyền miền Nam cũng phải kết luận: “Phần đông nông dân Nam phần phải mướn đất để canh tác”.

Cần phải nói thêm rằng 116 vạn héc ta đất mướn nói đây chưa phải là toàn bộ số ruộng đất mà bọn địa chủ (kể cả địa chủ thực dân) chiếm giữ. Ngoài con số ấy, còn phải kể đến khoảng nửa triệu héc ta nữa do chúng trực tiếp khai thác dưới hình thức đồn điền và “nông trại cày cấy đất nhà”. Con số 135 vạn “nông trại” tá điền cũng chưa phải là toàn bộ số hộ nông dân thiếu đất và không có đất. Ngoài con số ấy, còn phải kể đến hàng chục vạn nông hộ không có đất khác, họ không thông qua con đường tá điền mà lập nên một “nông trại” nào đó, nhưng không phải vì thế mà họ đã thoát ra khỏi cái ách nô dịch của các giai cấp chiếm hữu nhiều ruộng đất, và cũng không phải vì thế mà họ không khao khát ruộng đất.

146 vạn héc ta đất mướn cộng với khoảng nửa triệu héc ta đồn điền và “nông trại” của địa chủ, và 135 vạn “nông trại” tá điền cộng với hàng chục vạn nông hộ khác hoàn toàn không có đất và chuyên đi ở đợ cho địa chủ; những con số đó nói lên cái gì, nếu không phải là sự tồn tại hầu như nguyên vẹn của chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và cái thân phận nô lệ của tuyệt đại đa số nông dân miền Nam?

Lô-gích của sự việc rất rõ. Khi mà 2 triệu héc ta ruộng đất vẫn còn nằm trong tay giai cấp địa chủ và bọn thực dân thì trừ phi có phép lạ của Thượng đế, người ta mới có thể tiểu điền chủ hóa được lớp người tá điền! Địa chủ và tá điền là hai cực đối lập của một quan hệ kinh tế, cái nọ lấy cái kia làm điều kiện. Vì vậy, một khi người ta đã không muốn thủ tiêu chế độ chiếm hữu phong kiến và do đó, thủ tiêu tư cách địa chủ phong kiến của lớp người chiếm hữu, thì tất nhiên cũng không thể thủ tiêu được tư cách tá điền của lớp người không chiếm hữu.

Việc duy trì tư cách tá điền của lớp người này không những là hệ quả lô-gích, mà còn là điều kiện tiền đề của việc duy trì tư cách địa chủ của lớp người chiếm hữu. Giả sử đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai của nó có thể nhờ vào những khoảng đất hoang vô tận nào đó để “tiểu điền chủ hóa” được những người tá điền mà không cần đến những ruộng đất hiện nằm trong tay giai cấp địa chủ, thì trong trường hợp này, lấy gì để cho địa chủ thành được địa chủ? Vua sở dĩ là vua chính bởi vì có những người tự nhận mình  hay đúng hơn, buộc phải tự nhận mình  là bầy tôi. Địa chủ cũng vậy, sở dĩ thành được địa chủ, chính bởi vì có những người buộc phải tự nhận mình là tá điền. Còn ruộng đất, bản thân nó không đẻ ra địa chủ, mà chỉ là điều kiện vật chất để hình thành nên mối quan hệ kinh tế trong đó kẻ chiếm hữu thì mang lấy tư cách địa chủ, còn kẻ không chiếm hữu thì mang lấy tư cách tá điền. Nếu loại người không chiếm hữu có thể nhờ đất hoang – hay không khí  mà trở nên tiểu điền chủ, và vì thế, không phải mang lấy tư cách tá điền, thì loại người chiếm hữu cũng đành phải từ bỏ khát vọng trở thành địa chủ, và những khoảng diện tích nhất định của hành tinh bao la của chúng ta chắc chắn sẽ không còn tác dụng làm điều kiện vật chất để hình thành nên những mối quan hệ lệ thuộc giữa người với người nữa.

Sự thật thì đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai của nó không hề có ý định dại dột là thủ tiêu cái cơ sở xã hội của chúng – giai cấp địa chủ phong kiến – bằng chương trình “tiểu điền chủ hóa tá điền”, dù cho công việc này có đòi hỏi hay không đòi hỏi phải truất hữu địa chủ. Chương trình “tiểu điền chủ hóa tá điền” và điều luật “truất hữu địa chủ” hoàn toàn ăn khớp với nhau, không phải ở chỗ truất hữu người này để lấy ruộng tiểu điền chủ hóa người kia, mà ở nội dung rỗng tuếch và ý nghĩa tuyên truyền lừa bịp núp dưới cái vẻ bề ngoài cải lương chủ nghĩa của cả hai cái đó.

Tuy vậy, khi xem xét cái gọi là cải cách điền địa ở miền Nam, vẫn có những người ngây thơ tin vào thiện ý của bọn chó sói. Họ suy luận như sau: đế quốc Mĩ và bọn tay sai cần tạo ra một cơ sở xã hội mới cho chính quyền phản cách mạng của chúng, một cơ sở xã hội có thể tin cậy được hơn là giai cấp địa chủ phong kiến là giai cấp đã tỏ ra lỗi thời và lung lay một cách quá ư rõ rệt. Cơ sở xã hội mới ấy, theo họ, là tầng lớp tư sản mới ở nông thôn. Về mặt kinh tế thì, cũng theo suy luận của các nhà suy luận thuần túy trên đây, tầng lớp tư sản mới ở nông thôn đáp ứng đúng yêu cầu mở rộng thị trường của tư bản Mĩ hơn là giai cấp địa chủ ký sinh trùng – chướng ngại vật của sự phát triển kỹ thuật trong nông nghiệp. Suy luận như vậy, họ tự cho là có căn cứ để đặt lòng tin vào tính hiện thực của chương trình “truất hữu địa chủ” nhằm tiểu điền chủ hóa tá điền của các chuyên gia Mĩ và chính quyền tay sai của Mĩ.

Nhưng, như mọi người đều biết, chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn cuối cùng của chân lý. Một khoảnh đất 2 héc ta tự canh sẽ là cơ sở kinh doanh tư bản chủ nghĩa của những phần tử tư sản mới ở nông thôn miền Nam ư? Thế lực kinh tế của một tầng lớp tư sản mới ở nông thôn miền Nam sẽ được xây dựng trên cơ sở 25 vạn héc ta ruộng “truất hữu” ư? Nông thôn miền Nam sẽ chuyển mình lên con đường tư bản chủ nghĩa với 135 vạn nông tại tá điền và 146 vạn héc ta đất mướn của địa chủ phong kiến ư? Chỉ có những người giàu trí tưởng tượng nhất mới có thể tin được những câu chuyện hoang đường đó.

Dù cho có tạm giả định rằng các chuyên gia của đế quốc Mĩ thật quả có gửi gắm vào các đạo dụ “cải cách điền địa” một tinh thần cải lương tư sản nào đó, thì thực tiễn đã chẳng chứng tỏ rằng thế lực phong kiến ở miền Nam vẫn mạnh hơn tất cả các đạo dụ và mọi thứ chủ nghĩa cải lương tư sản đó sao? Tuy nhiên, đặt vấn đề như thế cũng chỉ là giả thuyết thuần túy. Sự thật hiển nhiên là: đế quốc Mĩ  thành lũy chủ yếu của chủ nghĩa thực dân thời nay  đã và đang ra sức tập hợp và nuôi dưỡng hết thảy các thế lực phản động ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, hòng duy trì một cách tuyệt vọng ách thống trị thực dân của chúng. Sự câu kết giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến là một sự câu kết xuất phát từ bản chất của chúng, và là một sự thật lịch sử có quy mô thế giới. Bởi vậy, đi tìm kiếm một xu hướng tư sản ít nhiều có tính chất chống phong kiến nào đó trong chính sách của chủ nghĩa đế quốc xâm lược Mĩ  tìm kiếm trong thời đại giãy chết của chủ nghĩa tư bản một hiện tượng lịch sử đã từng xuất hiện trong thời trai trẻ của nó  chỉ là ảo tưởng của những đầu óc nhiễm nặng thiên kiến tư sản.

Toàn bộ sự phân tích trên đây về chương trình “tiểu điền chủ hóa tá điền” đều đặt trên một cơ sở giả định: 12 vạn rưởi tá điền đã được tiểu điền chủ hóa. Nhưng, có thật là 12 vạn rưởi tá điền đã được tiểu điền chủ hóa hay không? Chúng ta hãy bước lại gần những người tá điền này, xem địa vị kinh tế của họ ra sao, và khi ấy, sự thật sẽ bị bóc trần ra khỏi tấm màn dối trá của nó.

Việc chuyển quyền sở hữu ruộng “truất hữu” cho nông dân, ngôn ngữ của Dụ 57 gọi là “chia ruộng đất” hay “cấp phát” ruộng đất. Nhưng, sự thật thì người tá điền không hề nhận được ruộng cấp phát nào cả. Không ai cho không anh ta ruộng đất cả, mà đúng là anh ta phải bỏ tiền ra mua, và mua “theo hiện giá”. (lẫn lộn “mua”  và mua theo hiện giá  với “cấp phát” ruộng đất, chính trị kinh tế học và luật học kiểu Mĩ lại một lần nữa bộc lộ tính chất gian trá của nó!).

Mua “theo hiện giá” là bao nhiêu? Theo biểu giá ruộng đất “truất hữu” do chính quyền miền Nam công bố, người ta được biết giá cả ấy, tùy theo địa phương và tùy theo hạng ruộng, thông thường xê dịch trong khoảng từ 2 đến 3 lần, nhiều khi tới 4 lần trị giá sản lượng hàng năm của ruộng đất.

Giá cả đó cao hay thấp? Muốn xét xem giá cả của một món hàng nào đó là cao hay thấp, người ta phải lấy giá trị của nó – mà yếu tố cơ bản là giá thành – làm căn cứ so sánh. Nhưng ở đây, phương pháp ấy hoàn toàn không áp dụng được, vì lẽ ruộng đất, với ý nghĩa là một khoảng diện tích nhất định của hành tinh chúng ta đang sống, mặc dầu vẫn được đem ra mua bán như mọi thứ hàng hóa trên thị trường, song bản thân nó không phải do lao động sáng tạo ra, do đó không có giá trị. Ruộng đất không có giá trị, vì vậy, giá cả ruộng đất không thể hiện bất cứ một lượng giá trị nào. Giá cả đã không thể hiện bất cứ một lượng giá trị nào thì việc trả cho ruộng đất một giá cả thực ra chỉ là nộp cho quyền chiếm hữu ruộng đất một khoản cống vật. Đối với người tá điền sắp trở nên tiểu điền chủ thì việc trích một phần thu hoạch để trả địa tô trước đây hay là trích một phần thu hoạch để trả tiền mua ruộng bây giờ, cả hai sự việc chỉ là cùng một ý nghĩa: nộp cống vật cho quyền chiếm hữu ruộng đất. Sự khác nhau ở đây chỉ thuộc về mặt số lượng: trước đây, việc nộp cống vật diễn ra thường kỳ, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, còn bây giờ thì chỉ một lần là xong. Nhưng cũng chính vì thế mà khối lượng cống vật bây giờ không thể không trở thành một bội số nhất định của khối lượng cống vật hàng năm trước đây. Bội số ấy được quy định là bao nhiêu? Chúng ta hãy xem xét cụ thể hơn.

Như mọi người đều biết, trước đây, khi còn là tá điền, hằng năm người nông dân phải nộp tô, theo luật định, bằng từ 15 đến 25% hoa lợi ruộng đất. Bây giờ, khi anh ta bước vào thời kỳ chuyển hóa từ con nhộng tá điền thành con ngài “tiểu điền chủ” – thời kỳ chuyển hóa kéo dài 6 năm – thì hằng năm, anh ta phải nộp tiền mua ruộng:

(1) bằng (200% : 6) = 33%, hay 1/3 hoa lợi ruộng đất, nếu là trường hợp giá cả ruộng đất được ấn định ở mức thấp – bằng 2 lần hay 200% trị giá hoa lợi ruộng đất.

(2) bằng (300% : 6) = 50%, hay 1/2 hoa lợi ruộng đất, nếu là trường hợp giá cả ruộng đất được ấn định ở mức cao – bằng 3 lần hay 300% trị giá hoa lợi ruộng đất.

Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với địa vị tá điền của người nông dân?

Trong trường hợp thứ nhất (giá cả ruộng đất bằng 2 lần trị giá hoa lợi ruộng đất), có thể dự kiến hai khả năng điển hình như sau:

     (1). Nếu trước đây anh ta phải nộp tô ở mức cao nhất theo luật định, nghĩa là bằng 25% trị giá hoa lợi ruộng đất, thì bây giờ anh ta phải “ráng lên chút nữa” để có thể làm tròn được dịch vụ tá điền của 8 năm (200% : 25% một năm = 8 năm) trong vòng 6 năm.

     (2). Nhưng nếu trước đây anh ta chỉ phải nộp tô ở mức thấp nhất theo luật định, nghĩa là bằng 15% trị giá hoa lợi ruộng đất, thì bây giờ anh ta phải ráng lên quá gấp đôi để có thể làm tròn được dịch vụ tá điền của 13 năm (200% : 15% một năm = 13 năm) trong vòng 6 năm.

Trong trường hợp thứ hai (giá cả ruộng đất bằng 3 lần trị giá hoa lợi ruộng đất), cũng có thể dự kiến hai khả năng điển hình:

  1. Nếu trước đây anh ta phải nộp tô ở mức cao nhất theo luật định, nghĩa là bằng 25% trị giá hoa lợi ruộng đất, thì bây giờ anh ta phải ráng lên gấp đôi để có thể làm tròn được dịch vụ tá điền của 12 năm (300% : 25% một năm = 12 năm) trong vòng 6 năm.
  2. Nhưng nếu trước đây anh ta chỉ phải nộp tô ở mức thấp nhất theo luật định, nghĩa là bằng 15% trị giá hoa lợi ruộng đất, thì bây giờ anh ta phải ráng lên quá 3 lần để có thể làm tròn được dịch vụ tá điền của 20 năm (300% : 15% một năm = 20 năm) trong vòng 6 năm.

Như vậy, nếu xem giá cả ruộng đất như một bội số nhất định của địa tô thì bội số ấy thông thường xê dịch trong khoảng từ 8 đến 20 lần. Trong những trường hợp cá biệt – giá cả ruộng đất bằng 4 lần trị giá hoa lợi ruộng đất – thì bội số ấy xê dịch trong khoảng từ 16 đến 26 lần.

Từ những điều phân tích trên đây, người ta có thể rút ra nhận xét: nếu người nông dân tá điền miền Nam muốn chuộc cái “tội tổ tông” của mình – “tội” của giai cấp bị cướp đoạt –thì anh ta phải tiếp tục nộp cống vật cho quyền chiếm hữu ruộng đất trong vòng từ 8 đến 26 năm nữa. Để trang trải khối lượng cống vật của tổng số năm nói trên, theo luật định, anh ta chỉ được hưởng một thời gian dài nhất là 6 năm. “Muốn bước lên cái thiên đàng Tiểu điền chủ thì, các bạn tá điền ơi, các bạn hãy ráng sức chịu đựng gấp đôi ba lần cái thân phận tá điền mà Thượng đế đã dành cho các bạn, và như vậy trong vòng 6 năm thôi!”. Đó là tiếng nói đường mật của bảng giá ruộng đất “truất hữu”, cũng là tiếng nói của giai cấp địa chủ phong kiến miền Nam với lớp nô lệ của chúng.

Với mức giá cả ruộng đất như vậy, chắc chắn là trong 6 năm trả góp tiền mua ruộng, người nông dân tá điền chưa thể nếm được một chút mùi vị gì của cái địa vị “tiểu điền chủ” cả. Thực ra, anh ta vẫn là tá điền. Hơn nữa, cái thân phận tá điền bây giờ của anh ta còn khốn nạn hơn cả cái thân phận tá điền trước kia của anh ta nữa.

Nhưng như thế chưa hết. Trên đầu anh ta còn có cả một loạt điều luật đầy tính hăm dọa. Điều 14 (dụ 57) quy định: “Trong khoảng thời gian 6 năm này, ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Chánh phủ”. Tiếp theo, điều 15: “Trong thời hạn là một năm kể từ ngày nhận ruộng, các sở hữu chủ mới phải tham gia các chương trình khuếch trương canh nông, phát triển hợp tác xã và các công tác ích lợi chung. Nếu không thi hành đầy đủ những nhiệm vụ trên, Chánh phủ sẽ lấy đất lại, không kể những trừng phạt ghi ở Thiên IV”. Và tiếp sau, điều 16: “Số ruộng đất, sau khi đã phân chia, trong thời hạn 10 năm, sẽ không được cho mướn, cầm cố, bán hay sai áp”.

Những trừng phạt ghi ở “thiên IV” là gì? – Điều 30, thiên IV, quy định: “Trong trường hợp chủ đất mới đã biếng nhác rõ rệt trong việc khai thác mà chưa trả đủ tiền ruộng đất hay không thể trả nổi số tiền này, Chánh phủ có thể lấy lại ruộng đất đã chia cho họ mà không phải trả lại số tiền họ đã góp, không kể những trừng phạt khác, định ở điều 27”. Và đây, điều 27: “Mọi hành động có mục đích ngăn cản hay làm chậm trễ công việc thi hành Dụ này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm và phạt tiền từ 15.000 đồng đến 120.000 đồng, hay một trong hai hình phạt ấy”.

Như mọi người đều thấy, với những điều luật trên đây, quá trình chuyển hóa từ con nhộng tá điền thành con ngài “tiểu điền chủ” quả là vô cùng gian truân, trắc trở. Rất có thể, khi nhộng đã gần biến thành ngài rồi thì bỗng dưng, một điều luật nào đó lại bắt ngài phải lập tức quay về thân nhộng! “Không tham gia các chương trình khuếch trương canh nông, phát triển hợp tác xã và các công tác ích lợi chung”, “biếng nhác rõ rệt trong việc khai thác”, “ngăn cản hay làm chậm trễ công việc thi hành Dụ này”, v.v… – trong cái không gian mênh mông bất định ấy, thiếu gì cớ để cho pháp luật và các chuyên gia luật pháp của giai cấp địa chủ phong kiến lột da những người tá điền – tiểu điền chủ không vừa ý chúng!

Tiếp theo lời khích lệ đường mật của bảng giá ruộng đất “truất hữu” thì nay đến lượt mệnh lệnh của luật pháp: “Muốn ngoi lên địa vị tiểu điền chủ, chúng mày phải ngoan ngoãn, nghe!”.

Chẳng cần phải là một nhà luật học hay kinh tế học người ta mới hiểu được rằng khi người mua đã trao đủ tiền cho người bán thì hàng hóa tức khắc trở thành vật sở hữu của người mua, và người mua có toàn quyền sử dụng nó. Vậy mà, sau 6 năm thắt lưng buộc bụng, người tá điền đã trả đủ tiền mua ruộng, song anh ta vẫn chưa được toàn quyền sử dụng đám ruộng đã mua. Anh ta chỉ được phép tự mình canh tác, chứ ” không được cho mướn, cầm cố, bán hay sai áp”, và như vậy, thêm 4 năm nữa. Trong khoảng thời gian này, rất có thể anh ta gặp phải tai ương gì đó, và phương tiện cứu sống cuối cùng chỉ còn trông vào việc chuyển hóa đám ruộng kia thành tiền. Nhưng theo luật, anh ta chỉ được phép chết trên đám ruộng “của anh ta”! Cũng rất có thể, tình trạng mang công mắc nợ buộc anh ta phải hy sinh cái tự do thân thể của mình để bảo vệ lấy tính bất khả xâm phạm của đám ruộng! Lại cũng có thể, sự may mắn nào đó sẵn sàng cho phép anh ta rút chân ra khỏi đám ruộng bùn lầy kia để vươn lên một địa vị khá giả. Nhưng, đáng tiếc, số phận của anh ta đã bị pháp luật cột chặt vào đám ruộng mất rồi!

Việc cột chặt người tá điền “tiểu điền chủ hóa” vào đám ruộng “của anh ta” hiển nhiên không phải là thứ tự do tư sản vốn rất cần thiết cho sự ra đời tầng lớp tư sản mới ở nông thôn, cũng không phải là tấm áo giáp bảo vệ người tiểu điền chủ. Vậy thì ý nghĩa của nó là gì? Ở đây, mọi bóng dáng tư sản đều hoàn toàn biến mất. Còn trơ lại chỉ là một mẩu xiềng xích của chế độ nông nô mà chính quyền của giai cấp địa chủ bắt người tá điền “tiểu điền chủ hóa” phải đeo đẳng thêm một thời gian nữa trước khi được phóng thích hẳn. Với mẩu xiềng xích ấy, đám “tiểu điền chủ” kia hẳn là phải giữ một thái độ phục tùng nào đó!

Giả sử người tá điền đã vượt qua được 6 năm “chuộc tội” một cách trơn tru thì tình cảnh của anh ta sẽ như thế nào? Chắc chắn là sang năm thứ bảy, anh ta chưa thể leo ngay lên địa vị “tiểu điền chủ” được. Suốt 6 năm giữ trọn cái thân phận chín phần mười tá điền và một phần mười chủ ruộng – chủ ruộng trên danh nghĩa – còn điêu đứng hơn cả cái thân phận thuần túy tá điền, chỉ đến bây giờ anh ta mới có thể tính đến chuyện lợi dụng địa vị của người nông dân không phải nộp cống cho địa chủ nữa, để vươn lên. Xét về mức sở hữu ruộng đất và phương thức khai thác ruộng đất ấy, người tiểu điền chủ chỉ là người trung nông. Tuy nhiên, có được quyền sở hữu đối với đám ruộng mà mình canh tác chưa phải đã là trung nông. Ruộng đất là tư liệu sản xuất cơ bản của nông dân, nhưng chưa phải là tất cả. Muốn canh tác được ruộng đất ấy, người nông dân còn cần phải có nông cụ, súc vật, phân, giống, v.v… và phải có đủ số lượng cần thiết. Vừa thoát thai khỏi cái thân phận tá điền trần như nhộng hoặc gần như vậy, người nông dân chủ ruộng, muốn trở thành trung nông, không thể không cần đến một thời gian tích lũy để sắm lấy những tư liệu sản xuất cần thiết đó. Sống dưới nanh vuốt của bầy hùm sói đế quốc, phong kiến và tư sản mại bản, thì ngay việc bảo vệ quyền sở hữu đám ruộng mua được đã là điều khó khăn chật vật đối với đại đa số trong bọn họ, nói gì đến khả năng tích lũy và vươn lên một địa vị khá giả!

Cuối cùng, con đường khúc khuỷu dồn từ ngục tù phong kiến đến đám ruộng bùn lầy của người “tiểu điền chủ” tuy lát bằng chông gai như vậy, nhưng thực tế, đã mấy người tá điền có được cái may mắn đặt chân vào! Theo công bố chính thức thì số người có được cái may mắn ấy nhiều nhất cũng chỉ là một phần mười hai của tổng số tá điền miền Nam. Trong tay đế quốc xâm lược Mĩ và chính quyền tay sai của nó thì ngay cả thứ chủ nghĩa cải lương bỉ ổi nhất cũng không được phép vượt quá giới hạn của sự tuyên truyền lừa bịp, điều đó chẳng phải là đã hết sức rõ ràng rồi sao?

Đến đây, ta thấy chính quyền tay sai của Mĩ ở miền Nam đã tỏ ra vô liêm sỉ đến mức nào khi la lối lên rằng 12 vạn rưởi tá điền “đã trở thành điền chủ”, hay “đã được tiểu điền chủ hóa”. Không, sau khi nhận được “bằng chứng khoán nhận ruộng”, những người tá điền mua ruộng kia chưa phải đã được “tiểu điền chủ hóa”. Họ vẫn còn phải đeo đẳng cái thân phận tá điền trong 6 năm nữa, và với những xiềng xích nặng nề hơn trước. Cũng chưa có gì bảo đảm rằng tất cả số 12 vạn rưởi tá điền ấy đều sẽ vượt qua được 6 lần cửa ải để khỏi rơi trở lại cái thân phận tá điền. Mà dù cho có vượt qua được thì họ cũng không thể tức khắc trở thành “tiểu điền chủ” được. Một thời kỳ tích lũy đang chờ sẵn họ để hút nốt những sức lực còn lại của một kiếp tá điền đầy thiếu thốn, nợ nần và cực nhục. Thời kỳ này dài ngắn bao nhiêu, điều đó còn tùy ở sức chịu đựng của mỗi người, và thêm nữa, ở những sự may rủi của số phận. Cuối cùng, chỉ những người nào chứng minh được nghị lực và cả sự ngoan ngoãn của mình qua mấy lần ngục thất ấy mới ngoi lên được cái thiên đàng “tiểu điền chủ” mà các ngài chúa đất, theo đúng tinh thần “cần lao – nhân vị”, đã rủ lòng từ thiện bán lại cho họ theo hiện giá.

Chẳng lẽ bằng cái chương trình như vậy, đế quốc xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai có thể – và có dụng ý – mở khóa cho nông dân miền Nam bước ra khỏi ngục tù phong kiến để lột xác thành “một tầng lớp tư sản mới ở nông thôn” hay sao?

“Hướng địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ”

Ngoài mục tiêu “tiểu điền chủ hóa tá điền” trên cơ sở “truất hữu địa chủ”  cả hai mệnh đề đều rỗng tuếch và bịp bợm như nhau  cái gọi là cải cách điền địa ở miền Nam còn mang một mục tiêu quan trọng nữa” “hướng dẫn các địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ”. Dụ 57 quy định: các địa chủ bị truất hữu có thể dùng trái phiếu trả cho họ để mua cổ phần của các xí nghiệp do Chánh phủ sẽ thiết lập trong khuôn khổ chương trình khuếch trương kỹ nghệ. Theo các giới chính quyền miền Nam thì đây là một nét đặc sắc của cuộc cải cách của họ  “một cuộc cách mạng trong hòa bình, đem ruộng cho dân cày mà không loại bỏ chủ điền ra ngoài xã hội, trái lại còn giúp họ chuyển hướng hoạt động, thích ứng với sở năng tài lực”.

Đối với những nhà suy luận thuần túy thì đây lại là một bằng chứng nữa dùng làm căn cứ cho cái thuyết của họ về khuynh hướng tư sản của cuộc cải cách điền địa ở miền Nam. Một mặt, tiểu điền chủ hóa tá điền, tạo ra một tầng lớp tư sản mới ở nông thôn; mặt khác, chuyển bọn địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ , góp phần thúc đẩy công cuộc kỹ nghệ hóa xứ sở  đó chẳng phải là một khuynh hướng tư sản, một đường lối cách mạng ôn hòa nhưng chống phong kiến rõ rệt hay sao? Với cái “lô-gích” như vậy, họ còn liên tưởng đến một cái gì na ná như con đường phát triển tư bản chủ nghĩa kiểu Phổ mà biết đâu chương trình cải cách điền địa do các chuyên gia tư sản Mĩ vạch ra sẽ chẳng đưa lại cho miền Nam Việt Nam?

Dĩ nhiên, bấy nhiêu lời khoa trương sáo mép về cách mạng của lũ tay sai Mĩ ở miền Nam cũng như bấy nhiêu lý lẽ rút ra từ những đầu óc suy diễn bông lông đều không giúp cho chúng ta nhích lại gần sự thật một chút nào.

Qua “thành tích 7 năm hoạt động kinh tế” của chính quyền miền Nam, chúng ta được biết: ngay khi chính quyền này đã trả cho các địa chủ “bị truất hữu” 119 triệu đồng bằng chi phiếu (tức là tiền mặt) và hơn 10 lần số đó bằng trái phiếu, thì chỉ có “571 trái phiếu cải cách điền địa của 18 vị điền chủ, với giá khoán 7.080.000 đồng, đã được đổi lấy 7.080 cổ phần kỹ nghệ của một công ty hỗn hợp”. Bảy triệu đồng miền Nam có ý nghĩa như thế nào đối với việc kỹ nghệ hóa xứ sở? Khỏi cần phải bình luận gì khi người ta biết rằng số tiền này nếu bỏ vào ngành dệt, chỉ đủ để trang trải một phần bốn mươi (1/40) số vốn xây dựng một nhà máy loại vừa như nhà máy Hòa Vang chẳng hạn.

Tình hình đó nói lên cái gì? Sự phá sản của đường lối “hướng dẫn các địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ”, hay đúng hơn, nội dung rỗng tuếch và ý nghĩa bịp bợm của cái gọi là đường lối ấy?

Tuy nhiên, vẫn không hiếm những kẻ đặt lòng tin vào những lời bịp bợm. Tờ Chấn hưng kinh tế, trong một số ra sau ngày đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, viết: “Đối với địa chủ bị truất hữu, nhà cầm quyền thời trước đã cố khuyến khích để họ dùng những trái phiếu đầu tư vào các ngành kỹ nghệ. Ý kiến chuyển dần cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu kỹ nghệ theo phương thức trên là một ý kiến có thể thực hiện được, nhưng chúng ta đã chứng kiến rất ít sự chuyển hướng như thế vì nhiều lẽ: thứ nhất, người địa chủ không quen với tổ chức các hội kinh doanh lớn; thứ nhì, trái phiếu trả trong một thời hạn quá dài, không hấp dẫn đối với các xí nghiệp tư nhân; và thứ ba là tâm lý của địa chủ không thiết làm ăn trước tình trạng chung không được an ninh”.

 Trong điều kiện của miền Nam bị đặt dưới ách thống trị của đế quốc Mĩ mà có thể nói đến chuyện “chuyển dần cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu kỹ nghệ” theo phương thức “hướng dẫn các địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ” ư? Như mọi người đều biết, hiện tượng đó đã từng xuất hiện vào buổi bình minh của chủ nghĩa tư bản, ở một số nước độc lập như Anh, Đức, Nhật, v.v… Song, đứng trên cái đất thuộc địa của đế quốc Mĩ mà chờ mong hiện tượng đó là “có thể thực hiện được” thì thật là ngây thơ hết chỗ nói, nếu không phải là manh tâm tô son vẽ phấn cho chủ nghĩa đế quốc xâm lược! Chỉ những kẻ này mới cố tình quên rằng: chủ nghĩa đế quốc xâm lược, vì quyền lợi ích kỷ của chúng, không khi nào cho phép các nước thuộc địa mon men bước lên con đường kỹ nghệ hóa.

Mười năm qua, thông qua cái cầu “viện trợ” của giới cầm quyền Mĩ, các công ty tư bản độc quyền Mĩ đã biến miền Nam Việt Nam thành một thị trường tràn ngập hàng ngoại hóa đến mức mà như giới tư sản miền Nam từng kêu lên – “thị trường nội hóa bị phủ vây tứ phía, trong khi kỹ nghệ gia cứ đạp lên nhau mà chết”. Trong nền công nghiệp yếu ớt và què quặt của miền Nam thì tư bản độc quyền Pháp vốn có gốc rễ lâu đời chiếm giữ phần lớn những vị trí quan trọng. Còn lại một số thì tư bản độc quyền Mĩ thâu tóm, bám vào thế lực của tư bản độc quyền Pháp và tư bản độc quyền Mĩ là bọn tư sản mại bản – công cụ thống trị của tư bản độc quyền nước ngoài.

Đứng giữa hai gọng kìm ghê gớm ấy – một là sự cạnh tranh khốc liệt của hàng ngoại hóa, và một là sự chèn ép ở ngay trên đất Việt Nam của tư bản độc quyền nước ngoài và tư sản mại bản – giai cấp tư sản dân tộc nếu tạm thời có len chân được vào một số ngành thứ yếu nào đó thì chỗ đất đứng ấy cũng thật là chật hẹp, lép vế, phụ thuộc, và hết sức bấp bênh. Đấy là chưa nói đến những ngọn đòn thuế khóa mà chính quyền tay sai của Mĩ nhằm thẳng vào đầu họ. Trong những điều kiện như vậy thì chỉ có những phần tử trí thức giàu óc nô lệ nhất mới có được ảo tưởng về câu chuyện “kỹ nghệ hóa xứ sở”, hay “chuyển dần cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu kỹ nghệ”!

Còn việc cho phép bọn địa chủ dùng trái phiếu cải cách điền địa để mua cổ phần kỹ nghệ, đó chẳng qua là một trong nhiều cách sử dụng trái phiếu có lợi cho bọn địa chủ. Nếu bọn này không muốn dùng trái phiếu để thay thế tiền mặt trong việc trả nợ quỹ Tín dụng nông nghiệp (“Nông tín cuộc”), trang trải thuế điền thổ hay thuế thừa kế các điền sản, thì chúng có thể dùng trái phiếu để sinh lợi: đem mua cổ phần các xí nghiệp do chính quyền miền Nam thiết lập theo “chương trình khuếch trương kỹ nghệ”. Những xí nghiệp nói đây là những xí nghiệp mà chính quyền miền Nam với tư cách là tên tư sản mại bản tập thể, dùng tiền “viện trợ” Mĩ (tất nhiên là dưới sự kiểm soát của Mĩ) hùn vốn cùng các nhà tư bản độc quyền Mĩ, Pháp thiết lập nên. Trong những xí nghiệp khoác áo Việt – Mĩ, Việt – Pháp, phụ thuộc về mọi mặt (về vốn, về thiết bị, về nguyên vật liệu, về chuyên gia kỹ thuật, v.v.) vào tư bản độc quyền Mĩ – Pháp này, chính quyền miền Nam giữ một vai trò đặc biệt quan trọng: một mặt, mượn danh nghĩa dân tộc, nó tình nguyện làm chiếc lá nho che đậy cho sự xâm nhập và ách thống trị của tư bản độc quyền nước ngoài; mặt khác, với bộ máy bạo lực phát xít, nó trắng trợn đứng ra làm tên sen đầm bảo vệ cho tư bản độc quyền nước ngoài. Thật không phải là không có ý tứ khi chính quyền miền Nam và các ngài cố vấn Mĩ dành sẵn cho bọn đại địa chủ một vị trí chắc chắn trong các công ty hút máu “hỗn hợp” này, bên cạnh giai cấp tư sản mại bản miền Nam và dưới nách của bọn tư bản độc quyền nước ngoài. Đứng vào vị trí ấy, số đại địa chủ kia sẽ tự gắn thêm cho chúng cái đuôi tư sản mại bản, và như vậy, khối liên minh giữa ba thế lực phản động  đế quốc xâm lược, tư sản mại bản và địa chủ phong kiến – trước sau vẫn không hề suy suyển. Trong khi ấy thì chính quyền tay sai của Mĩ lại có cớ để trưng lên cái chiêu bài cải lương tư sản: “hướng dẫn các địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ” nhằm “chuyển dần cơ cấu nông nghiệp sang cơ cấu kỹ nghệ”! Chính cái chiêu bài này, lọc qua trí tưởng tượng của một số người nhẹ dạ, đã nghiễm nhiên biến thành “con đường phát triển tư bản chủ nghĩa kiểu Phổ” hay “khuynh hướng tư sản của cuộc cải cách điền địa ở miền Nam”.

Tuy nhiên, dù cho ý đồ của dụ 57 là hoàn toàn vì lợi ích của địa chủ đi chăng nữa, nó vẫn vấp phải thái độ hết sức thờ ơ lạnh nhạt của bọn này. Điều đó quyết không phải vì “địa chủ không quen với các hội kinh doanh lớn” (sống bằng lợi tức cổ phiếu thì có gì mà phải quen với không quen!), càng không phải vì “trái phiếu trả trong một thời hạn quá dài” (dù trái phiếu có trả trong một thời hạn kéo dài 12 năm đi nữa thì hằng năm, địa chủ vẫn nhận được 100 triệu đồng – một số tiền không nhỏ!). Cũng không thể giải thích thái độ ấy bằng một nguyên nhân tâm lý nào đó, chẳng hạn như “tâm lý không thiết làm ăn”. Nguyên nhân chính là ở những điều kiện khách quan làm nảy sinh ra tâm lý ấy. Như mọi người đều biết, từ khi đế quốc xâm lược Mĩ đặt ách thống trị của chúng lên dải đất miền Nam nước ta thì tình hình miền Nam chưa bao giờ ổn định. Cái không ổn định nhất lại là ách thống trị của bè lũ cướp nước và bán nước. Trong tình thế như vậy thì ngay bầy sói tư bản độc quyền Mĩ cũng còn tỏ ra “dè dặt” trong việc đầu tư, huống hồ là đám ký sinh trùng phong kiến!

“Quốc gia hóa nền kinh tế”

Đề cập đến vấn đề ruộng đất ở miền Nam, chính quyền tay sai của Mĩ không thể nào làm lơ trước những diện tích mênh mông do thực dân Pháp chiếm đoạt. Vả chăng, chúng cũng muốn lợi dụng cơ hội này để kiếm chác một chút vốn chính trị: quét lên bộ mặt bán nước của chúng một lớp sơn “đả thực”.

Nói cho đúng thì tấn tuồng “đả thực” này chỉ là một sản phẩm cụ thể của chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mĩ ở miền Nam Việt Nam, đồng thời là một biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn Mĩ – Pháp ở miền Nam Việt Nam. Nó nằm trong toàn bộ âm mưu của Mĩ nhằm hất cẳng Pháp và thay chân Pháp ở miền Nam Việt Nam.

Cái gọi là “thu hồi về tay quốc gia những ruộng đất bị thực dân chiếm đoạt” hay “quốc gia hóa nền kinh tế” chính là được đưa ra trong khung cảnh như vậy.

Nội dung và thực chất của nó là gì? Chúng ta hãy xem chính quyền tay sai của Mĩ ở miền Nam Việt Nam thu hồi từ tay thực dân Pháp những loại ruộng nào, bao nhiêu, và thu hồi bằng cách nào.

Trước hết, cần xem qua tình hình chiếm hữu ruộng đất của Pháp ở miền Nam.

Theo số liệu năm 1930 thì tổng số ruộng đất mà thực dân Pháp chiếm đoạt ở Việt Nam lên tới 909.300 héc ta (bằng 1/5 tổng số ruộng đất của Việt Nam), chia ra như sau (xem biểu dưới đây).

Địa phương Tổng số ruộng đất đã chiếm Ruộng lúa Đất trồng

cao su

Đất trồng
cà phê
Đất trồng chè
Bắc bộ 134.400 30.000   4.150 200
Trung bộ 168.400 2.500 1.874 5.900 3.510
Nam bộ 606.500 253.400 97.804 650  
Toàn Việt Nam 909.300 285.900 99.678 10.700 3.710

Nguồn: Ivơ Hăngri. Kinh tế nông nghiệp Đông Dương, trang 225.

Như vậy, riêng ở Nam bộ, thực dân Pháp đã chiếm 606.500 héc ta (bằng cả tổng số ruộng đất của Nam bộ) trong đó có 253.400 héc ta là ruộng lúa và 97.804 héc ta là đồn điền cao su. Nếu tính từ vĩ tuyến 17 trở vào thì số ruộng đất bị chúng chiếm đoạt ước khoảng 70 vạn héc ta.

Hầu hết những điền chủ thực dân là những điền chủ kếch sù: chỉ kể riêng ruộng lúa, bình quân mỗi tên chiếm ngót 1.000 héc ta, có tên chiếm tới 2 vạn héc ta. Nói về loại chủ ruộng chiếm hữu trên 100 héc ta ở Nam bộ, tờ “Thông tin kinh tế và tài chính Việt Nam” đưa ra những số liệu sau đây:

“Số 2.693 điền sản này chiếm hơn 1% tổng số chủ ruộng, nhưng về mặt diện tích thì lại chiếm 733.800 héc ta trong tổng số 2.049.928 héc ta, hay là 355.

Trong tổng số điền sản nói trên thì 255 cái, với diện tích 240.000 héc ta là thuộc về người Pháp. Trong số 255 cái này thì 222 cái thuộc loại mà diện tích vượt quá 100 héc ta”. 

Theo tài liệu công bố của chính quyền miền Nam thì tổng số ruộng của điền chủ Pháp đã kê khai là 273.844 héc ta, thuộc 433 chủ. Hầu hết số ruộng này được khai thác theo lối phong kiến, nghĩa là đem phát canh thu tô.

Số ruộng của điền chủ Pháp chủ yếu nằm trong mấy tỉnh vùng Hậu Giang: Rạch Giá (62.515 héc ta), Bạc Liêu (49.086 héc ta), Cần Thơ (21.421 héc ta), Sóc Trăng (21.394 héc ta), Long Xuyên (19.691 héc ta) là những nơi đất đai vô cùng màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên. Riêng trong 5 tỉnh này, số ruộng do chúng chiếm đoạt đã lên tới 17 vạn rưởi héc ta.

Cần phải vạch ra rằng tất cả những tình hình dẫn ra trên đây chỉ là tình hình của một thời dĩ vãng đen tối trong lịch sử Việt Nam – thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Nếu nó được coi là hiện tình của miền Nam Việt Nam thì đó chỉ là nhờ ở tác dụng khôi phục của dụ số 2 của chính quyền miền Nam.

Chính trên cơ sở của dụ này mà tấn tuồng “quốc gia hóa nền kinh tế” được đem ra trình diễn.

Như mọi người đều biết, luật “truất hữu” của chính quyền miền Nam chỉ động chạm đến 27 vạn trong tổng số 70 vạn héc ta nói trên. Việc “truất hữu” những ruộng này được giải quyết bằng một thỏa ước ký ngày 10-9-1958 giữa chính quyền miền Nam và Chính phủ Pháp.

Theo thỏa ước này, “các chủ điền Pháp được quyền lựa chọn giữa hai công thức. Hoặc là họ nhận sự chi phối của dụ 57, và như vậy, họ bị truất hữu số diện tích vượt quá 100 héc ta và được bồi thường bằng tiền Việt Nam, giống như địa chủ Việt Nam. Hoặc là họ nhận thể thức của thỏa ước Pháp – Việt ký ngày 10-9-1958, và như vậy, ruộng đất của họ bị truất hữu toàn bộ và họ được bồi thường bằng đồng phơ-răng trả ở nước Pháp”.

Cũng theo thỏa ước nói trên, Chính phủ Pháp nhận bỏ ra 1.400 triệu phơ-răng (cũ) để bồi thường cho các điền chủ Pháp. Trong trường hợp bọn này chọn lấy thể thức của dụ 57 thì số tiền trên đây sẽ trao tặng cho chính quyền miền Nam dưới hình thức hàng hóa.

Trong thực tế, hầu hết bọn địa chủ thực dân đều chọn lấy thể thức của thỏa ước Pháp – Việt. Tính đến tháng 7 năm 1963, chính quyền miền Nam đã mua của chúng 220.842 héc ta, với giá tiền là 1.350.121.632 phơ-răng. Điều đó cũng dễ hiểu: trong tình hình mà chỗ đất đứng của chúng – đồng bằng Nam bộ – lại chính là cái miệng của quả núi lửa cách mạng, thì còn có lối thóat nào lý tưởng hơn là được “truất hữu” toàn bộ và được bồi thường bằng đồng phơ-răng trả ở nước Pháp? Vả lại, đối với những tên thực dân chiếm hữu hàng ngàn héc ta thì thà bị “truất hữu” toàn bộ nhưng được bồi thường bằng đồng phơ-răng trả ở nước Pháp, còn hơn là được giữ lại 100 héc ta mà được bồi thường về số 900 héc ta kia bằng tiền miền Nam trả trong 13 năm. Đưa ra những điều kiện của thỏa ước Pháp – Việt, các nhà chính khách thực dân quả là đã không phụ lòng tin cậy của các nhà điền chủ thực dân! (Chỉ những người dân thường của nước Pháp nai lưng ra đóng thuế là phải chịu phần thiệt trong trận rút lui này mà thôi).

Nói cho đúng thì thể thức của dụ 57 không phải là không có hiệu lực đối với một số điền chủ thực dân. Số này là những con cá mập mà lưới truất hữu của dụ 57 cố ý loại bỏ – những điền chủ chưa vượt quá giới hạn 100 héc ta. Đối với chúng thì thể thức của dụ 57 cũng có nghĩa là quyền bất khả xâm phạm.

Từ hai thể thức nói trên – thể thức của dụ 57 và thể thức của thỏa ước Pháp – Việt, người ta có thể rút ra kết luận gì? Theo thể thức thứ nhất, bọn thực dân xâm lược được đối đãi như là người Việt Nam: chúng được quyền tư hữu về ruộng đất như là địa chủ Việt Nam, và được phép bán lại “theo hiện giá” những của ăn cướp vượt quá giới hạn pháp định, như là địa chủ Việt Nam. Theo thể thức thứ hai, không những chúng được quyền bán lại những của ăn cướp, mà còn được Nhà nước bảo đảm chuyển những giá trị ấy về Pháp. Như vậy là: trong cả hai trường hợp, người ta đều đối đãi với của ăn cướp như là đối với quyền tư hữu “thiêng liêng”; trong cả hai trường hợp, người ta đều chuộc tội mất nước “theo hiện giá”. Đó là thực chất, đồng thời là giới hạn của cái gọi là tinh thần “đả thực” của chính quyền tai sai của Mĩ ở miền Nam. Giới hạn ấy được quy định, một mặt, bởi những sự ràng buộc của chính quyền miền Nam đối với chủ nghĩa thực dân Pháp; mặt khác, bởi chính những quyền lợi thực dân của Mĩ mà nền tảng là sự tôn trọng quyền chiếm hữu “thiêng liêng” của bọn cướp nước nói chung.

Tuy nhiên, ruộng lúa chưa phải là điền sản quan trọng nhất của thực dân Pháp ở miền Nam. Chính những đồn điền trồng cây công nghiệp, trước nhất là 10 vạn héc ta trồng cao su, mới là điền sản quan trọng nhất của chúng. Cao su là nguồn lợi đứng hàng đầu trong các loại hàng xuất khẩu hiện nay của miền Nam, hàng năm chiếm khoảng 60% tổng ngạch xuất khẩu. Chín phần mười tổng số cao su sản xuất ở miền Nam là thuộc các đồn điền của thực dân Pháp. Theo ước lượng của giới tài chính Pháp thì ngành sản xuất cao su của chúng ở miền Nam Việt Nam chiếm tới 70% giá trị tư bản của chúng tại xứ này (140 tỷ phờ-răng cũ trong tổng số 200 tỷ), và hàng năm, làm giàu cho chúng 10 tỷ phờ-răng lãi. Một điều rất đáng chú ý nữa là: sự nhúng tay của tư bản độc quyền Mĩ vào ngành sản xuất quan trọng này. Tờ Tin điện (Ấn Độ) số ra ngày 9-2-1956 cho biết: tướng Ô-đa-ni-en – bố đẻ của quân đội miền Nam – đã chiếm được đa số cổ phần của công ty cao su Đất đỏ. Ở một số công ty khác, người ta đã thấy cả bàn tay của nhóm tài phiệt Mooc-găng. Xem vậy thì thấy, việc loại trừ các đất đai trồng cây công nghiệp ra khỏi diện “truất hữu” có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo vệ quyền lợi thực dân của Pháp (và một phần của Mĩ) ở xứ này. Cái được bảo vệ ở đây chính là cái cốt yếu nhất, căn bản nhất, của quyền lợi thực dân, là bộ xương sống của chế độ đại điền trang của bọn thực dân, là địa vị hàng đầu của chúng trong ngành sản xuất cây công nghiệp và trong ngành xuất khẩu của miền Nam, là 70% tổng giá trị tư bản của giới tài phiệt Pháp tại miền Nam và 10 tỷ phơ-răng siêu lợi nhuận thuộc địa hàng năm của chúng. Để đáp lại nhã ý này của dụ 57, hẹp gì mà chính phủ Pháp chẳng vui lòng bỏ ra một tỷ rưỡi phơ-răng làm “tặng phẩm” cho chính quyền miền Nam?

Tuy nhiên, xét theo lợi ích của bọn thực dân thì nhã ý của dụ 57 còn xa mới sánh được với nhã ý của dụ số 2. Nếu qua dụ 57, người ta còn cả gan truất hữu đi 22 vạn héc ta ruộng lúa – dù chỉ là truất hữu theo lối mua lại và đó chẳng qua là cách tốt nhất giúp cho địa chủ “từ bỏ ruộng đất” – thì qua dụ số 2, người ta đã cướp lại cho bọn thực dân toàn bộ những ruộng đất mà Cách mạng đã lấy đi của chúng. Nếu qua dụ 57, người ta còn dám động chạm đến một số đại điền sản – dù chỉ là những đại điền sản có tầm quan trọng thứ yếu, và như vậy, không ngoài mục đích che đậy cho việc giữ lại cái cốt yếu nhất của quyền lợi thực dân – thì qua dụ số 2, người ta đã khôi phục lại toàn bộ chế độ đại điền sản của bọn thực dân.

Nói cho đúng thì dụ 57 cũng chẳng “đả thực” gì hơn dụ số 2. Cả hai đều lấy việc tôn trọng quyền chiếm hữu ruộng đất của bọn cướp nước làm tiền đề. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ cái này thì khôi phục quyền chiếm hữu ấy một cách trắng trợn, còn cái kia thì bảo vệ quyền chiếm hữu ấy bằng thủ đoạn xảo trá hơn – “truất” đi một bộ phận không quan trọng để giữ lại chính cái hạt nhân của quyền chiếm hữu thực dân. Ngay trong cái bộ phận gọi là bị truất hữu kia, thật cũng khó mà xác định được đâu là cái bị truất hữu. Chẳng qua là người ta đem trao đi một thứ quyền chiếm hữu dựa trên luật pháp ăn cướp đã lỗi thời, và trên thực tế, trước làn sóng cách mạng của nông dân, đã và đang biến thành ảo tưởng, để đổi lấy một thứ quyền chiếm hữu hiện thực: Những con chim vàng có thể nhốt vào lồng sắt được, và ở ngay trên đất Pháp. Xét kỹ hơn một chút thì ngay cả sự “trao đổi” thuần túy nói đây cũng hoàn toàn biến mất, vì lẽ: cái mà bọn thực dân trao đi – 22 vạn héc ta ruộng – đã từ lâu không còn thuộc quyền chiếm hữu của chúng nữa rồi. Vì vậy, đối với chúng, 1.350 triệu phờ-răng chẳng phải là vật ngang giá của một món hàng nào cả, mà chỉ hoàn toàn là một thứ của bắt được, đúng hơn, là tặng phẩm của dụ số 2.

Rút cục, kẻ bị đả trong tấn tuồng “đả thực” này chẳng phải là một tên thực dân nào cả. Còn cái mà ngườita “quốc gia hóa” được, chẳng qua chỉ là cái mà nông dân miền Nam bị cướp mất.

Điều đặc biệt đáng chú ý là: trong khi những vai hề của Dinh Gia Long say sưa một cách đặc biệt vô liêm sỉ với chiến công tưởng tượng của chúng thì mồ hôi và máu của hàng vạn công nhân nông nghiệp nửa nô lệ trong những vương quốc của chủ nghĩa thực dân – hàng trăm đồn điền cao su, chè và cà phê bao la ở miền Nam – vẫn cứ cuồn cuộn tuôn thành một dòng suối vàng chảy vào két của bọn tư bản độc quyền nước ngoài!

Một cuộc “cải cách” phản cách mạng

Trên đây, chúng ta đã lần lượt xem xét thực chất của những chương trình gọi là “giảm nhẹ số phận của người tá điền”, “truất hữu địa chủ”, “tiểu điền chủ hóa tá điền”, “hướng địa chủ qua hoạt động kỹ nghệ”, và “thu hồi về tay Quốc gia những ruộng đất bị thực dân chiếm đoạt”. Xé toang những tấm màn dối trá ấy tức là phơi trần chân tướng của cái gọi là cải cách điền địa ở miền Nam.

Thật là sai lầm nếu chỉ dựa vào giọng lưỡi bịp bợm của kẻ địch để kết luận rằng cuộc “cải cách” này là một mưu toan cải lương chủ nghĩa xuất phát từ dụng ý xoa dịu và lừa bịp nông dân. Thực chất, nó là một mưu toan phản cách mạng, một cuộc “nổi loạn” của bọn chúa đất nhằm đoạt lại những ruộng đất mà Cách mạng đã chia cho nông dân trong thời kỳ kháng chiến. Đó là một bộ phận trong cuộc phản công toàn diện của các thế lực phản cách mạng tay sai cả Mĩ ở miền Nam nhằm thiết lập ách thống trị của chúng tại những vùng kháng chiến cũ và trấn áp phong trào cách mạng của nông dân. Việc lập khế ước tá điền (dụ số 2 và dụ số 7) dưới sự kiểm soát của Nhà nước và bằng bạo lực Nhà nước, như chúng ta đã biết, chỉ là một cuộc tổng kiểm kê ruộng đất của địa chủ và thực dân nhằm khôi phục lại chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và thực dân. Nó phủ định quyền sở hữu của nông dân đối với trên nửa triệu héc ta ruộng đất thành quả của Cách mạng và phủ định mức địa tô thấp mà nông dân đã giành được qua đấu tranh cách mạng. Một sự đối lập trắng trợn như vậy đối với trật tự cách mạng như vậy không thể nào hiểu thành một chương trình cải lương chủ nghĩa. Một cuộc tấn công điên cuồng như vậy đối với lợi ích căn bản của nông dân không thể nào xuất phát từ dụng ý xoa dịu và lừa bịp nông dân.

Còn dụ 57? Dẫu sao thì đó cũng là một chương trình cải lương chủ nghĩa! Người ta sẽ đặt vấn đề như vậy.

Ý kiến trên đây chỉ có thể đứng vững được nếu xem xét dụ 57 một cách cô lập, hoặc nếu đặt nó vào những điều kiện lịch sử khác hẳn, điều kiện của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám chẳng hạn. Tuy nhiên, chân lý bao giờ cũng cụ thể. Hãy đặt nó vào những điều kiện cụ thể của nó, với ý nghĩa là bước kế tiếp của dụ số 2 và dụ số 7, chúng ta sẽ thấy ngay cái được mệnh danh là cải lương kia lộ rõ nguyên hình là một trò bịp. Đó chỉ là một mưu toan gọt rũa về chi tiết cái ách phong kiến mà cuộc “nổi loạn” phản cách mạng của bọn chúa đất vừa dựng lại. Như mọi người đều biết, sau khi đã khôi phục lại chế độ đại chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và thực dân, bắt trên nửa triệu nông dân quay trở lại thân phận tá điền, chính quyền tay sai của Mĩ ở miền Nam mới chuyển sang cái gọi là truất hữu địa chủ mà thực chất chỉ là giúp bọn địa chủ và thực dân bán bớt đi một số ruộng mà chính bọn này đang muốn “từ bỏ”. Giả sử công việc truất hữu có được thực hiện triệt để theo lời văn của dụ 57 đi nữa thì kết quả do nó tạo ra vẫn còn là một bước thụt lùi so với chế độ ruộng đất ở miền Nam trước khi bước vào cái gọi là cải cách điền địa. Đối với việc “tiểu điền chủ hóa tá điền” cũng cần phải nói như vậy. Đã là một bước thụt lùi trong lịch sử thì sao gọi được là chủ nghĩa cải lương – dù chỉ là một thứ chủ nghĩa cải lương bủn xỉn nhất do chính các thế lực thực dân và phong kiến đưa ra nhằm che đậy bản chất của chúng?

Cùng với loại ý kiến sai lầm trên đây là quan điểm cho rằng việc cho ra đời dụ 57 là một sự chuyển hướng của đế quốc xâm lược Mĩ và tay sai từ đường lối phản cách mạng sang đường lối cải lương chủ nghĩa, mà nguyên nhân chuyển hướng là sự thất bại của đường lối phản cách mạng trước sức phản kháng quyết liệt của nông dân.

Nhận định như vậy trước hết là không phù hợp với sự thật lịch sử. Chẳng phải là đợi đến khi dụ số 2 và dụ số 7 vấp phải sức phản kháng quyết liệt của nông dân, chính quyền miền Nam mới đưa ra dụ số 57. Nó đã tính đến việc “bắt buộc chỉ phân chia đại điền sản để bán cho tá điền” ngay sau khi công bố dụ số 2. Hơn nữa, cũng chẳng phải đợi đến đế quốc Mĩ và bù nhìn Ngô Đình Diệm thì việc “truất hữu địa chủ” mới được đặt ra. Chủ trương bịp bợm này đã được thực dân Pháp và bù nhìn Bảo Đại tính đến trước đó 3 năm, cụ thể là trong dụ số 21 ngày 4-6-1953. Đem dụ số 57 đối lập với dụ số 2 và dụ số 7, coi đó là một sự chuyển hướng từ đường lối phản cách mạng sang đường lối cải lương chủ nghĩa, người ta đã tỏ ra mất phương hướng và ngây thơ biết bao trước cái vẻ bề ngoài bịp bợm của nó!

Với âm mưu gom dân lập “ấp chiến lược” và đưa dân đi các “khu trù mật” và “dinh điền” – thực chất là nhằm biến nông thôn miền Nam thành một cái trại tập trung khổng lồ – chính sách ruộng đất phản động của đế quốc xâm lược Mĩ và tay sai đã mất luôn cả cái vẻ bề ngoài bịp bợm của nó. Thay thế vào những lời tuyên truyền mị dân và những chương trình giả danh cách mạng thì nay là những chiến dịch cướp của đốt nhà nhằm xua đuổi hàng triệu nông dân ra khỏi ruộng vườn làng mạc của họ. Đó là hành động của những kẻ bấy lâu vẫn tự vỗ ngực là bênh vực quyền lợi cho nông dân và đưa lại ruộng đất cho nông dân!

Bằng cuộc ”cải cách điền địa” phản cách mạng của chúng, đế quốc xâm lược Mĩ và tay sai đã dựng lại cái ách phong kiến, về đại thể, đúng theo mẫu của thời Pháp thống trị. Vấn đề ruộng đất ở miền Nam chẳng những không được tiếp tục giải quyết theo phương thức cách mạng mà cũng không hề được xoa dịu – dù chỉ là tạm thời – do một đường lối cải lương chủ nghĩa nào đó. Cuộc phản công về ruộng đất và tiếp sau, cuộc tấn công vào các làng mạc nhằm dồn làng tập trung dân đã làm cho vấn đề ruộng đất trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Trước mắt nông dân miền Nam, vấn đề đặt ra như sau:

Một là, phải bảo vệ những quyền lợi ruộng đất mà Cách mạng đem lại, ngăn chặn và đánh lui từng bộ phận cuộc phản công điên cuồng của bọn chúa đất.

Hai là, phải đấu tranh chống âm mưu dồn làng tập trung dân của địch, bảo vệ lấy ruộng vườn và cơ sở sản xuất.

Ba là, phải tiếp tục tiến lên hoàn thành nốt nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ và thực dân, thực hiện triệt để “người cày có ruộng”.

Đi đôi với tính chất gay gắt của vấn đề ruộng đất là tính chất gay gắt của đối kháng giai cấp. Kẻ thù giai cấp của nông dân cũng chính là kẻ thù của cả dân tộc: đế quốc xâm lược Mĩ cùng bè lũ tay sai – giai cấp tư sản mại bản và thế lực phong kiến phản động. Cuộc đấu tranh bảo vệ và giành quyền lợi ruộng đất của nông dân, vì vậy, gắn chặt với cuộc đấu tranh của toàn dân nhằm giải phóng dân tộc.

   II. Cuộc đấu tranh vì ruộng đất của nông dân miền Nam      

Nhận thức đầy đủ tính chất cấp bách của vấn đề ruộng đất cùng vị trí trọng yếu của nó trong toàn bộ cuộc cách mạng ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngay khi ra đời (20-12-1960), đã nêu trong Cương lĩnh của mình:

IV- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân làm cho người cày có ruộng.

1- Thực hiện giảm tô. Đảm bảo nguyên canh. Đảm bảo quyền sở hữu đất khai hoang cho người có công khai phá. Đảm bảo quyền sở hữu chính đáng về ruộng đất đã được chia của nông dân.

2- Bãi bỏ các “khu trù mật”, chế độ bắt dân đi “dinh điền”. Đồng bào đã bị cưỡng bức vào “khu trù mật” và “dinh điền” được tự do trở về sinh sống, làm ăn trên ruộng vườn của mình.

3- Tịch thu ruộng đất của đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai để chia cho dân cày nghèo không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Chia lại công điền cho công bằng hợp lý.

4- Bằng thương lượng và giá cả công bằng hợp lý, Nhà nước mua lại ruộng đất của điền chủ có từ mức độ nào trở lên tùy tình hình ruộng đất của mỗi địa phương, đem chia cho nông dân không đất hoặc thiếu đất. Nông dân được chia ruộng đất không phải trả tiền và không bị ràng buộc bởi một điều kiện nào.”

Điểm IV của cương lĩnh Mặt trận trên đây là biểu hiện tập trung nguyện vọng của nông dân miền Nam về vấn đề ruộng đất, vì vậy, nó được nông dân hưởng ứng nhiệt liệt. Cuộc đấu tranh của nông dân nếu trong giai đoạn trước đây chủ yếu là nhằm bảo vệ những thành quả của Cách mạng, ngăn chặn và đánh lùi từng bộ phận cuộc phản công điên cuồng của bọn chúa đất, thì trong ba năm lại đây – kể từ khi đế quốc Mĩ và tay sai công nhiên tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn, buộc nhân dân miền Nam phải đứng lên cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ hai – nó đã chuyển sang một giai đoạn mới. Đi đôi với những thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến và trên cơ sở những thắng lợi ấy, cuộc đấu tranh của nông dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày càng phát triển theo phương hướng của một cuộc cách mạng ruộng đất triệt để, theo hướng từng bước giải quyết triệt để vấn đề ruộng đất bằng phương thức cách mạng.

Cũng như trong cuộc kháng chiến toàn quốc trước đây, trong cuộc kháng chiến hiện nay của nhân dân miền Nam, nông dân vẫn đóng vai trò chủ lực. Quân giải phóng cùng các chiến sĩ du kích chủ yếu là nông dân. Nông dân là nguồn cung cấp sức người, sức của nhiều nhất cho kháng chiến. Căn cứ địa của kháng chiến chính là nông thôn. Vì vậy, muốn kháng chiến lâu dài và kháng chiến thắng lợi, phải nuôi dưỡng lực lượng của nông dân. Muốn thế, phải giải phóng nông dân ra khỏi những xiềng xích phong kiến và đem lại ruộng đất cho nông dân.

Mặt khác, kẻ thù của kháng chiến và của dân tộc cũng chính là kẻ thù giai cấp của nông dân, cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai, giành giải phóng dân tộc, cũng đồng thời là cuộc đấu tranh giành và bảo vệ quyền lợi ruộng đất của nông dân. Kháng chiến càng tiến triển thắng lợi thì cuộc cách mạng ruộng đất càng có điều kiện thuận lợi để thực hiện. Ngược trở lại, thắng lợi của cách mạng ruộng đất càng làm cho lực lượng của kháng chiến thêm lớn mạnh.

Cuối năm 1962, khi mà ba phần năm đất đai và gần một nửa số dân trong toàn miền Nam đã nằm trong khu vực kiểm soát của mặt trận Dân tộc Giải phóng thì trên 65 vạn héc ta ruộng đất bị Mĩ – Diệm chiếm đoạt trước đây đã được trao lại về tay nông dân. Gần hai phần ba số “ấp chiến lược” của Mĩ – Diệm bị phá. Trong vùng giải phóng rộng lớn, ruộng đất của đế quốc và Việt gian bị tịch thu đem chia cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Ruộng đất của các hạng địa chủ khác phải giảm tô (những người địa chủ yêu nước được chiếu cố thích đáng). Nông dân làm chủ nông thôn và làm chủ ruộng đất đã ra công khai phá hàng chục vạn héc ta đất hoang. Tính đến cuối năm 1963 – lúc này hơn hai phần ba đất đai và quá nửa dân số miền Nam đã nằm trong vùng giải phóng – mặt trận đã cấp cho nông dân trên 1 triệu rưỡi héc ta ruộng đất các loại (kể cả 65 vạn héc ta nói trên). Ngoài ra, nông dân đã nhờ giảm tô mà có thêm được hàng vạn tấn lúa.

Một thắng lợi cực kỳ quan trọng của quân dân miền Nam là đã đánh bại về căn bản “quốc sách” ấp chiến lược của địch. Tính đến cuối năm 1963, trong khoảng 8.000 ấp do địch dựng lên, có tới trên 80% bị phá. Số còn lại chỉ là hình thức: Các bộ máy kìm kẹp bên trong hoàn toàn bị phá vỡ. Ấp chiến lược là “chương trình xương sống”của kế hoạch Xta-lây-Taylo, kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng. “Phá vỡ ấp chiến lược tức là phá vỡ nội dung chủ yếu của kế hoạch Xta-lây-Taylo, là phá vỡ cái xương sống của cuộc chiến tranh xâm lược hiện nay, đánh bại âm mưu của địch hòng tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng, bao vây khu căn cứ của ta”. Sau khi phá tan những trại tập trung trá hình mang tên “ấp chiến lược” hay “khu trù mật” và “khu dinh điền”, hàng triệu nông dân đã trở về làm ăn sinh sống trên ruộng vườn của mình.

Từ cuối năm 1963 lại đây, cuộc kháng chiến cứu nước của đồng bào miền Nam lại thu thêm được nhiều thắng lợi hết sức to lớn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 1964, quân dân miền Nam đã loại ngoài vòng chiến đấu hơn 14 vạn tên địch, phá trên 3.000 “ấp chiến lược”, giải phóng thêm gần 2 triệu đồng bào khỏi ách kìm kẹp của địch. Vùng giải phóng ngày càng mở rộng tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cuộc cách mạng ruộng đất đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bằng cuộc cách mạng triệt để ấy, nông dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đã chôn vùi cuộc “cách mạng điền địa” giả hiệu và phản cách mạng của đế quốc xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai, bảo vệ những thành quả về ruộng đất đã giành được trong cuộc kháng chiến toàn quốc, và tiếp tục hoàn thành nốt nhiệm vụ cách mạng dân chủ ở miền Nam. Cũng như trong cuộc kháng chiến toàn quốc trước đây, nông dân miền Nam ngày nay đã bảo vệ và giành được ruộng đất trong quá trình đấu tranh vũ trang kiên cường chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Cũng như trước đây, cuộc cải cách ruộng đất triệt để cùng đội quân nông dân đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến cứu nước của đồng bào miền Nam./.