Cơ hội mới

Kỳ nghỉ hè năm 1941, chú tôi lại về chơi. Chú tôi bàn với thầy tôi: “Năm ngoái, tưởng chúng nó đánh nhau đến nơi. Thế rồi lại chẳng thấy gì. Chờ đến lúc yên hàn thì chờ đến bao giờ? Chi bằng cứ cho thằng Dong thi tuyển vào trường Bưởi. Nếu kiếm được suất học bổng toàn phần thì học. Nếu không kiếm được thì ngồi nhà, ai bắt bò được mình?”.

Thầy tôi gật gù khen phải. Chú tôi bàn tiếp: “Lâu nay, thằng Dong tự học một mình, có thể chưa được bài bản. Bác cố cho nó ra Hà Nội học trường tư lấy vài tháng để người ta rèn cặp cho có bài bản. Sang năm thi cũng chưa muộn”.

Thầy mẹ tôi xem lời khuyên của chú tôi là chí lý. Tôi ra Hà Nội, xin vào học năm thứ nhất Trường Trung học tư thục Văn Lang. Học được một tháng, tôi thấy nội dung dễ quá, chẳng học thêm được gì. Tôi đề nghị thôi học cho đỡ phí tiền. Thầy mẹ tôi đồng tình ngay.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào trường Bưởi mùa hè năm sau, tôi tự đặt cho mình một kế hoạch chặt chẽ. Tất cả các môn toán của bậc tiểu học, tôi đều làm bài tập cho đến mức thành thạo. Khó nhất sẽ là bài làm văn, viết bằng tiếng Pháp. Hành văn sao cho chuẩn, không lỗi, ý tứ sao cho phong phú, đặc sắc. Tôi tự đặt cho mình mấy chục đầu đề làm văn. Mỗi ngày viết về một đầu đề, trong một khoảng thời gian quy định, rồi tự mình chấm bài, sửa lỗi.

Sau khi dự kỳ thi tuyển, tôi nói với thầy mẹ tôi: “Tất cả các bài, con đều làm rất tốt. Nhưng không thể biết được mình sẽ xếp thứ bao nhiêu trong số những người trúng tuyển”. Điều tôi không biết cũng chính là điều mà thầy mẹ tôi nóng lòng chờ đợi.

Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, tuy chưa biết số phận học bổng ra sao, thầy mẹ tôi vẫn cho tôi ra Hà Nội trọ học để vào trường. Tôi trọ học ở làng Thuỵ Khuê. Cả làng này, gần như nhà nào cũng chứa học sinh trường Bưởi trọ học. Bà chủ nhà của tôi là một bà già gần 60 tuổi. Bà dọn giường của bà xuống gian xép cạnh bếp. Hai vợ chồng anh con trai thì rút vào gian buồng hẹp, tối om. Còn hai gian nhà ngoài thì nhường cho 4 học sinh trọ học. Mỗi gian kê vừa khít 2 cái giường. Mỗi người một giường, ngủ trên đó, học cũng trên đó, bày biện sách vở, quần áo cũng trên đó. Trong số 4 người trọ học thì tôi là người nhỏ tuổi hơn cả, 3 anh kia đều học ban Tú Tài. Cả 4 người đều học như điên. Suốt ngày chẳng ai nói với ai một câu. Tối đến, bật một ngọn đèn sáng trưng giữa nhà, 1-2 giờ sáng mới tắt. Ai ngủ cứ ngủ, ai học cứ học.

Ngôi nhà của chúng tôi nhìn ra sông Tô Lịch. Nhà và sông chỉ cách nhau một khoảng sân hẹp. Nghe tên con sông thì thơ mộng vậy, nhưng thực ra nó chỉ là một dòng nước cống đen kịt, ngày đêm bốc mùi khó thở. Đặc biệt những buổi trưa hè, mùi nước cống tưởng chừng như nghẹt thở. Một lớp rêu và rác cũng đen kịt, tạo thành một lớp vỏ cứng phủ kín mặt sông. Lớp vỏ cứng hầu như không di chuyển, chỉ thấy nước cống đen kịt trôi lờ đờ dưới lớp vỏ cứng ấy.

Bà chủ nhà nấu cho chúng tôi mỗi ngày hai bữa cơm trưa và tối. Bữa nào cũng chỉ quanh quẩn một món su su, xào hoặc nấu. Tiền trọ thấp thì không thể đòi hỏi hơn, chúng tôi đều hiểu như vậy.

Nhập học được một tháng thì tôi nhận được giấy báo của thầy Hiệu trưởng: tôi được cấp học bổng toàn phần và được nhận vào nội trú. Tôi phi một mạch từ Thuỵ Khuê về nhà. Trên 30 cây số cuốc bộ mà về đến nhà vẫn còn kịp ngồi vào chiếu ăn bữa trưa. Không thể tả hết nỗi vui mừng của thầy mẹ tôi. Thầy tôi ăn vội bát cơm, rồi thay quần áo lên Bần cách nhà 8 cây số để đánh cho chú tôi và anh tôi mỗi người một bức dây thép.

Mẹ tôi sắm cho tôi một đôi guốc mộc mới tinh, còn đôi guốc cũ thì bỏ lại ở nhà cho các em. Tôi được thừa kế của anh tôi chiếc áo dài bằng vải ba ga màu đen (giống như vải xi bây giờ), một đôi giày vải cao cổ chưa cũ lắm, nhưng hơi chật, đi lâu thì tức đầu ngón chân. Hồi đó, chỉ những con nhà giàu mới mặc quần áo Tây, áo sơ mi, quần soóc, hay quần dài, chân đi giày hay đi dép, còn đa số học sinh vẫn mặc quần áo ta với cái áo dài phủ quá đầu gối, chân đi guốc.

Ngôi nhà nội trú của trường Bưởi là một ngôi nhà 2 tầng đồ sộ, nằm sát ven bờ Hồ Tây. Từ căn nhà trọ ven sông Tô Lịch dọn vào ngôi nhà nội trú này, tôi có cảm giác từ địa ngục bước lên thiên đường.

Nhà ăn phục vụ mỗi ngày 3 bữa, bữa nào cũng có thịt. Quần áo bẩn thì gửi xưởng giặt, mỗi tuần hai lần.

Hàng ngày lên lớp 4 tiếng vào buổi sáng, tự học 4 tiếng vào buổi chiều và 2 tiếng vào buổi tối.

Giờ tự học phải mang sách vở đến lớp ngồi nghiêm chỉnh. Ai mất trật tự thì thầy giám thị nhắc nhở ngay.

Phòng ngủ là những phòng rất rộng, mỗi học sinh có một giường đơn, kê cách nhau một mét. Chín giờ rưỡi tối thì dứt khoát phải tắt đèn đi ngủ. Ai còn thì thầm nói chuyện thì thầy giám thị lập tức xuất hiện. Muốn học thêm thì chỉ còn cách ra nhà vệ sinh mà đọc.

Nghe tôi kể về cuộc sống nội trú, thầy mẹ tôi hài lòng lắm. Cứ cung cách này thì thầy mẹ tôi có thể yên tâm cho tôi học đến Tú Tài (hết 6 lớp của trường Bưởi) mà không phải tốn một đồng xu.