I. Từ một làng quê nghèo…

Làng tôi

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo. Ngay các con tôi, chưa nói đến các cháu, cũng không có ý niệm gì về cái làng, càng không hiểu nổi sự gắn bó của tôi đối với cái làng quê của tôi, nơi tôi đã sống những ngày niên thiếu và là nơi đã hình thành nên một phần tính cách của tôi. Vì vậy, tôi thấy cần phải kể cho con cháu tôi biết về cái làng quê của tôi đúng như nó đã tồn tại vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX.

Đó là một làng quê giống như hàng ngàn làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó nằm ven đường số 5, chỉ cách đường số 5 chừng 300 mét và cách Hà Nội 32 cây số. Từ cổng làng ra đường số 5 là một đoạn đường đất, trâu giẫm lâu ngày tạo thành một hình làn sóng, chỗ thì gồ lên như cái sống trâu, chỗ thì thụt xuống đến tận đầu gối, chứa đầy phân trâu và nước đái trâu, mưa xuống thì biến thành một thứ bùn loãng bốc mùi nồng nặc.

Làng tôi có địa hình như một quả trứng vịt, đường kính chiều dài chừng gần một cây số. Vỏ cứng của quả trứng là một lũy tre gai, dày chừng chục mét. Tre trồng hàng trăm năm, không ai được đốn chặt, vì vậy, cây nọ chen khít cây kia, hình thành một hàng rào sống khó bề lách qua. Bên trong và bên ngoài lũy tre là ao, đầm. Lũy tre và ao đầm tạo thành tấm áo giáp chống giặc cướp xâm nhập vào làng. Khu dân cư nằm gọn trong lòng cái vỏ cứng của quả trứng, chỉ thông với bên ngoài bằng hai cái cổng lớn là cổng Đông và cổng Tây. Cổng xây bằng gạch, tầng trên là điếm canh, cánh cổng bằng gỗ lim rất dày. Vào tháng “củ mật” (tháng Chạp ta) là tháng làm ăn của trộm cướp thì cổng làng được đóng lại vào ban đêm, tuần đinh ngủ trên điếm canh.

Tổ tiên ta khi chinh phục vùng đất phù sa châu thổ sông Hồng cách đây hàng ngàn năm đã phải vượt đất làm nền nhà, nền đường và nền lũy tre. Một công đôi việc. Đất đắp lên cao để làm nền nhà, nền đường, nền lũy tre, còn nơi lấy đất thì biến thành ao đầm. Nhìn chung cả làng thì diện tích mặt nước rộng hơn diện tích đất ở. Song song với việc tạo lập đất ở cao ráo giữa vùng sình lầy ngập nước thì phải đồng thời thiết lập hệ thống phòng vệ tập thể cho cư dân. Đó là cái lũy tre gai dày đặc, có ao đầm bao quanh cả bên trong lẫn bên ngoài lũy tre. Ở thời đó, không một hộ dân cư nào có thể sống ngoài hệ thống phòng vệ tập thể, nếu không muốn làm mồi cho giặc cướp. Phải chăng chính nhu cầu phòng vệ đã là nguyên nhân đầu tiên gắn kết nhóm cư dân lại thành làng? Và khi đã thành làng, tức một cộng đồng dân cư, thì xuất hiện một loạt nhu cầu khác:

  • Nhu cầu tự quản (tổ chức làng, xóm, phe giáp, họ tộc, hình thành các hương ước, các lệ làng, các quy ước bất thành văn)
  • Nhu cầu phúc lợi cộng đồng (đường sá, giếng nước ăn, bãi tha ma…)
  • Nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo (đình, chùa…)

Như vậy, cái làng quê Việt Nam không đơn thuần là một tụ điểm dân cư mà là một cấu trúc xã hội ràng buộc dân cư lại với nhau bằng nhiều mối quan hệ bền chặt. Mỗi làng là một tế bào của xã hội Việt Nam thời cổ, nó tồn tại như thế cho mãi tới thời tôi sinh ra và lớn lên.

Với lũy tre gai bao quanh, chỉ thông với bên ngoài bằng hai cái cổng gạch đồ sộ, làng tôi giống như một pháo đài. Dân cư quây quần bên trong cái lũy tre ấy. Nếu lũy tre là vỏ cứng của quả trứng thì con đường trục của làng là cái vòng tròn bao quanh lòng đỏ của quả trứng với hai con đường nhánh, một nhánh thẳng ra cổng Đông và một nhánh thẳng ra cổng Tây. Duy nhất con đường trục này là được lát gạch nghiêng. Các ngõ đều bám vào con đường trục để tỏa về các xóm. Nhiều ngõ chỉ một con trâu đi vừa, mưa xuống là lầy lội.

Làng tôi tên chữ là Xuân Đào, tên thường gọi là làng Đệu. Đó là một làng quy mô trung bình, có trên trăm nóc nhà, và rất nghèo. Ruộng ít, lại chỉ cấy được một vụ vào mùa mưa. Một số cánh đồng trũng, năm nào mưa nhiều thì mất ăn. Dân cư thuần nông, không có một nghề phụ nào. Cả làng chỉ có một nhà làm đậu phụ, bày ra cái mẹt bán ở sau đình, và thường chỉ bán vào ngày mùa. Dăm nhà có người đi làm thợ ở Hà Nội và Hải Phòng, quanh năm mới về làng một đôi lần. Ngoài đình và chùa, cả làng chỉ có 7 cái nhà gạch lợp ngói: 4 cái của người đi làm ăn ở thành phố (làm viên chức hoặc thương gia) gửi tiền về làng xây nhà thờ, hai cái của hai đời lý trưởng và một cái của một nhà thuộc loại “phú hộ”. Còn lại toàn bộ là nhà tranh vách đất, nhiều nhà chỉ là một cái lều lụp xụp. Cả làng gánh nước ăn từ cái giếng đất trước cửa chùa. Giếng nhỏ, hình tròn, có bờ cao, có bậc gạch đi xuống để múc nước, mặt nước phủ đầy bèo ong mầu nâu sẫm. Chỉ mấy cái nhà gạch lợp ngói là có bể hứng nước mưa, các nhà khác đều phải gánh nước giếng chùa về ăn. Tắm rửa, giặt giũ, mổ lợn mổ gà thì ra ao. Đã có mấy người chết đuối vì trượt chân từ cầu ao rơi xuống. Bọn trẻ chúng tôi thường rất sợ bơi lội ở những cái ao ấy, vì cả làng cho rằng đó là những cái ao có “ma nam”. Ma nam là gì, không ai giải thích, nhưng trong trí tưởng tượng của bọn trẻ chúng tôi thì đó là những con vật đen trũi, cao to, lúc nào cũng núp sẵn ở đáy ao, hễ trẻ con thò chân xuống là nó rút tụt xuống đáy ao. Chỉ những đứa trẻ táo tợn, quen mò cua bắt ốc mới dám ngụp lặn ở những cái ao ấy. Cả làng chỉ có vài cái ao thả cá mè, còn lại đều thả bèo và rau muống nuôi lợn. Thóc đã chẳng đủ cho người ăn thì gà lợn cũng chẳng nuôi được bao nhiêu. Người ta nuôi lợn để tận dụng nước vo gạo và cọng rau, mỗi nhà thường chỉ nuôi một con.

Làng tôi nghèo, nhà cửa tồi tàn chật chội, nhưng vẫn có một số nơi thoáng đãng, to đẹp, gắn bó mọi người với cuộc sống cộng đồng. Đó là cái đình, cái chùa và cái văn chỉ.

Đình làng nằm ở phía Tây con đường vòng tròn. Đó là một dãy nhà bằng gạch to nhất làng, mái cong, có nhiều hàng cột lim người ôm không xuể. Sân đình đủ cho cả làng tụ tập trong những ngày hội. Tiếp nối sân đình là một cái ao to vuông vức, dùng để tổ chức các cuộc thi bơi. Xung quanh đình là những dãy nhãn cổ thụ. Phía sau hậu cung là một bãi rộng, tiếp giáp với con đường vòng tròn. Đây là nơi hóng mát của các cụ già vào các buổi chiều hè, cũng là nơi bọn trẻ chúng tôi tụ tập để chơi trò đuổi bắt. Mấy bà bán kẹo bột, bỏng ngô, bỏng nếp cũng tận dụng làm cái chợ bán quà một chốc một nhát vào lúc chiều tối. Đối với cái làng tẻ nhạt của tôi thì những hoạt động như thế đã được xem là đông vui.

Cái đình có ý nghĩa nhất với dân làng là những ngày “vào đám”. Năm nào cũng vậy, cứ mùng 4 Tết là làng “vào đám”, đến mùng 6 thì “rã đám”. Đó là những ngày cúng tế thành hoàng làng. Thành hoàng làng là người như thế nào, thầy tôi cũng không biết.

Mở đầu hội làng là cuộc “rước nước”. Các cụ già mặc áo thụng xanh đi đầu, con trai con gái được chọn vào đội rước thì quấn khăn xanh khăn đỏ, khiêng kiệu từ đình làng ra giếng chùa. Trước kiệu là hai hàng cờ phướn, tàn lọng rực rỡ, sau kiệu là phường bát âm đàn sáo rộn rã. Cả làng già trẻ lớn bé đổ ra hai bên đường xem rước, cười nói hả hê. Kiệu đến giếng chùa thì dừng lại, cụ chủ tế múc nước giếng đổ vào chóe, sau đó đám rước quay về đình dâng nước lên bàn thờ. Tiếp sau cuộc rước nước là các buổi tế.

Các giáp lần lượt dâng xôi gà ra đình làm lễ. Trong những ngày uy nghiêm này, bọn trẻ chúng tôi không được vào bên trong đình, đành đứng vây kín cửa đình để xem tế. Hơn một chục ông già mặc áo thụng xanh đứng xếp hàng ngang hàng dọc, ông thì hô “hưng”, ông thì hô “bái”, ông thì dẫn rượu, ông thì phủ phục, xem cũng hay hay. Cũng chỉ được một lúc thì chán, bọn trẻ chúng tôi lần lượt bỏ đi, chơi trò đánh khăng, đánh đáo còn vui hơn.

Vui nhất là buổi tối xem hát chèo. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng kèn, tiếng nhị tạo thành một âm thanh làm nô nức lòng người, cuốn hút mọi người kéo về đình làng. Trẻ con, người lớn kín đặc cả mấy gian đình, vây quanh mấy cái chiếu dùng làm sân khấu của đoàn chèo. Tôi và lũ bạn trẻ chỉ chen một lúc là vã mồ hôi, rủ nhau ra sân đình chơi các trò ưa thích của mình.

Buổi tối xem chèo, mẹ tôi thường dúi cho tôi mấy xu để ăn quà. Hơn chục hàng quà ngồi la liệt ở sân đình, mỗi hàng thắp một ngọn đèn dầu nhỏ như con đom đóm. Đủ các mùi thơm nức mũi, nào là ngô rang, ngô nướng, bánh đa nướng, bánh khoai nướng, cháo cá thìa là… Tôi khoái nhất là món cháo cá của một bà già gọi là bà Nhớn Xương. Nhà bà rất nghèo, ông chồng quanh năm mò mẫm ven các ao đầm bắt lươn, bắt cá. Những ngày làng vào đám, bà gánh ra sân đình hai nồi hông cháo cá nóng hổi, mùi thìa là thơm phức. Tôi chỉ vài lần ăn cháo của bà, nhưng vẫn có ấn tượng đó là món cháo cá ngon nhất trên đời.

Chùa làng không nằm trong vòng bảo vệ của lũy tre mà nằm ngoài lũy tre. (Có thể các cụ nghĩ rằng nơi cửa Phật thì bọn giặc cướp phải kiêng nể chăng?). Chùa nằm trên một khu đất rộng, cây cối um tùm. Trước cửa chùa là cái giếng ăn của làng. Xung quanh giếng là những cây đa cổ thụ, mấy người ôm không xuể. Nơi đây, bà con làm đồng thường về nghỉ giải lao, xuống giếng vục nước uống rồi lên gốc đa ngồi nghỉ.

Suốt ngày, chùa im lìm, chỉ đến sẩm tối mới ngân lên một hồi chuông vừa buồn vừa thư thái. Chùa chỉ tấp nập trong những ngày tuần rằm, mùng một. Từ sáng sớm, các bà vãi áo quần tươm tất, lũ lượt kéo nhau ra chùa lễ bái xì xụp, trong khi sư bà thì ngồi im như tượng, gõ mõ tụng kinh. Đối với bọn trẻ chúng tôi, gõ mõ tụng kinh là một trò chán ngắt. Chỉ ngày rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân” là còn đáng xem, ngày đó có hình nhân bày la liệt, có sư chạy đàn, có cướp cháo.

Chùa là nơi thờ Phật, nhưng cánh đàn ông dường như không bao giờ lui tới đó. Còn các bà vãi thì lại gắn bó với chùa, ít nhất cũng một tháng đôi lần. Nếu giải thích hiện tượng này bằng tín ngưỡng tôn giáo thì hẳn là không có sức thuyết phục. Mẹ tôi không có hiểu biết gì về Phật hơn thầy tôi, cũng không có tín ngưỡng gì về Phật hơn thầy tôi. Khi đến tuổi 49, bà được rủ vào hội “các già” – tức hội các bà vãi, bà vui vẻ nhận lời. Giải thích với chúng tôi, bà nói: vào hội “các già” cho vui. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi đã nói đúng. Đây không có chuyện tín ngưỡng tôn giáo mà chỉ là vào hội cho vui. Nhìn mẹ tôi mỗi lần ra chùa, áo quần tươm tất, tay cầm cái quạt nan, í ới rủ mấy bà bạn cùng đi, tôi thấy mẹ tôi có cái vẻ thư thái khác hẳn mọi ngày. Chính cái chùa đã tạo cơ hội cho mẹ tôi thoát khỏi cái cảnh đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến khuya, dù chỉ mỗi tháng hai lần.

Trong khi chùa là của các bà thì đình lại là của các ông. Đình là nơi bàn việc làng, mà việc làng thì chỉ đàn ông mới có quyền dự bàn. Việc tế thần và sau đó, chia phần xôi thịt cũng thuộc về các ông. Như vậy, ngoài chức năng thờ thần thờ Phật, đình và chùa còn là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng của hai giới riêng biệt – giới các ông và giới các bà.

Công trình công cộng thứ ba của làng tôi là cái văn chỉ. Nó chiếm một khu đất rộng gần đình. Giữa khu đất là một bàn thờ xây bằng gạch hình chữ nhật, cao to, không có mái che. Trên bàn thờ chơ chỏng một cái bát hương to bằng đá xanh. Xung quanh bàn thờ là những cây quéo cổ thụ, phủ bóng mát quanh năm xuống khu đất. Văn chỉ là nơi thờ đức thánh Khổng. Chỉ những người biết chữ Thánh hiền (tức chữ Nho) và những người đỗ ông nghè, ông cống (tức đỗ Tiến sĩ và Cử nhân) mới đến đó làm lễ. Nhưng, theo thầy tôi nói, vài chục năm nay, Pháp bãi bỏ các kỳ thi bằng chữ Nho, chẳng còn ai đỗ đạt, vì vậy cũng chẳng còn môn đồ nào đến lễ đức thánh nữa. Văn chỉ quanh năm vắng vẻ, mát rượi, biến thành nơi chạy nhảy đùa nghịch của bọn trẻ chúng tôi.

Cuộc sống của làng tôi yên bình, tẻ nhạt, mỗi năm chỉ rộn lên niềm vui được mấy ngày. Đó là những ngày làng vào đám, có rước nước, có hát chèo. Đó là ngày xá tội vong nhân, chùa làm đàn, cúng cháo. Tuy nhiên, cũng có một số sự kiện nữa khuấy động cuộc sống của làng tôi. Đó là những ngày lý trưởng đốc thuế, những lần Tây đoan về khám rượu lậu và những lần mật thám về truy nã cách mạng.

Mùa gặt hàng năm là thời điểm thu thuế. Đàn ông từ 18 tuổi trở lên, hàng năm phải nộp một suất “thuế thân”, bằng tiền hơn một tạ gạo. Lính lệ về làng tấp nập. Phó lý, trương tuần và tuần đinh sục sạo khắp làng như bắt giặc. Từ nhà lý trưởng suốt ngày phát ra những hồi trống ngũ liên nghe như trời sập. Lão thúc giục dân làng mang thóc, mang tiền đến nộp thuế. Bọn trẻ chúng tôi đương nhiên không thể vắng mặt trước sự kiện này, kéo nhau đến cổng nhà lão lý trưởng. Lão đội khăn xếp, mặc áo the, đứng trên bậc thềm, quát nạt: “Chúng mày không chạy đủ suất sưu thì ông cho tù mọt gông”. Dưới chân lão là 4-5 anh nông dân đen nhẻm, lấm lét ngồi bệt xuống sân gạch, một bàn tay rớm máu kẹp vào giữa một cây tre tươi bổ đôi. Một anh van xin: “Cụ bá thương tình cho, nhà con nghèo đói, chạy ăn còn không xong…”. Bọn trẻ con chúng tôi xem cảnh tượng ấy rất tức, đứa nào đứa ấy mặt hầm hầm, có đứa không kìm được tiếng chửi: “Đ. mẹ lão Bá Đặng”.

Thỉnh thoảng, Tây đoan về làng bắt rượu lậu. Tôi hỏi rượu lậu là rượu gì? Thày tôi bảo: “Rượu thì dân mình nấu bằng gạo của mình, để mình uống với nhau; nhưng bọn Pháp cai trị, nó tự giành cho nó cái độc quyền nấu rượu, bắt dân mình mua, giá đắt gấp mấy lần rượu của mình, còn rượu mình nấu thì nó bảo là rượu lậu, bắt được là bỏ tù”. Tên Tây đoan người cao lớn, quần áo trắng bốp, đội mũ cát rộng vành, tay cầm ba toong, theo sau là lão phó lý và lão trương tuần. Hắn xăm xăm vào nhà anh Bản cạnh nhà tôi mà cả làng ai cũng biết là anh nấu rượu. Sục vào cái lều bẹp của anh hồi lâu, lấy cái ba toong thọc vào chĩnh nước ăn của anh rồi chưng hửng bỏ đi. Cũng dễ hiểu là chẳng lần nào hắn bắt được rượu lậu. Hễ hắn xuất hiện ở cổng làng thì lũ trẻ ở gần cổng làng đã chạy tíu tít, gọi nhau í ới: “Tây đoan, chúng mày ơi”. Ai nấu rượu thì chỉ việc liệng mấy cái vò xuống ao là xong.

Nhà tôi ở cạnh nhà cụ Hai Kế mà thầy tôi vẫn gọi bằng bác. Tôi hỏi tại sao thầy lại gọi bằng bác, thầy tôi bảo: Một bà họ Vũ lấy chồng bên họ Nguyễn, đẻ ra bác Hai Kế, bác ấy bằng vai với ông nội, mà lại là vai trên.Thầy tôi phải gọi bằng bác thì tôi phải gọi bằng ông. Nhưng vì là họ xa, cho nên tôi được phép gọi là cụ giống như bất cứ cụ già nào khác. Nhà cụ rất tồi tàn, chỉ là một gian lều, người lớn vào phải cúi đầu. Giữa lều kê một cái giường tre, cuối giường là bếp đun, chơ chỏng ba ông đầu rau, mấy cái nồi đất và mấy cái bát sành. Một mớ quần áo rách tươm vắt trên sợi dây thừng căng sát vách. Hàng ngày tôi sang nhà cụ chỉ thấy có thế. Người cụ gầy guộc, xương vai nhô lên, trên đầu chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc bạc. Nhưng đôi mắt quắc lên thì lại toát ra một cái gì ghê gớm. Cụ ngồi suốt ngày trên cái giường tre, thỉnh thoảng chống gậy ra ngoài lều. Mỗi ngày cụ uống rượu hai bữa, lúc nào thấy tiếng cụ oang oang chửi Tây là bọn tôi chạy đến vây quanh cái lều của cụ. Nghe cụ kể tội bọn Pháp xâm lược dã man, tàn bạo, bọn tôi không hiểu gì nhiều, nhưng nghe rất sướng tai. Cứ mấy tháng lại thấy mật thám Pháp ở tỉnh về “thăm” cụ, theo sau có cả tri huyện đeo bài ngà, lý trưởng và một lũ lính lệ. Mỗi lần như thế, cụ vẫn ngồi trên cái giường tre, chén rượu đặt trước mặt, cái gậy gác cạnh giường, mặt đỏ gay, đôi mắt nảy lửa chĩa thẳng vào bọn chúng, cụ càng chửi Pháp hăng hơn. Bọn mật thám và tri huyện chẳng nói chẳng rằng đứng quanh cái lều của cụ một hồi rồi cút.

Tôi hỏi thầy tôi tại sao bọn Pháp và lính tráng không dám làm gì cụ? Thầy tôi kể: bác Hai Kế là em trai bác Tán Thuật[1], gọi là Tán vì bác giữ chức Tán tương quân vụ, là một chức quan binh của triều đình. Khi triều đình đầu hàng Pháp, bác không chịu, mộ quân chống Pháp, chiếm giữ cả một vùng phía Bắc tỉnh Hưng Yên gọi là vùng Bãi Sậy. Chống cự được mấy năm thì nghĩa quân bị đánh bại. Bác Tán Thuật đi sang Tàu tìm cách khác đánh giặc, trao lại quyền chỉ huy nghĩa quân cho bác Hai Kế[2]. Con trai bác Tán Thuật là Cả Tuyển bị Pháp bắt đưa ra chém ở đồn Bần. Còn bác Hai Kế sau mấy năm cũng bị giặc bắt, bị kết án tù chung thân, đầy đi Côn Đảo. Nay bác đã già yếu, bọn Pháp cho về làng để chết ở làng.

Một hôm đi học về, tôi được tin cụ Hai Kế đã mất. Trong tôi giữ mãi ấn tượng về một ông già chống Pháp đến cùng, khí phách hiên ngang, đôi mắt nảy lửa.

Khi tôi hỏi thầy tôi về cụ Hai Kế, tôi nhận thấy thầy tôi có một vẻ gì là e dè, sợ sệt. Sau này tôi mới hiểu. Chú tôi kể rằng: số phận ông nội tôi cũng hệt như số phận cụ Hai Kế. Ông cũng theo cụ Tán Thuật khởi binh chống Pháp. Khi nghĩa quân thất bại, cũng bị Pháp kết án tù chung thân, đầy ra đảo Cái Bầu, thuộc vùng biển Quảng Yên. Sau 6 năm lao động khổ sai khuân đá, xe đá làm đường, ông nội tôi bị thương nặng, bọn Pháp cho về nhà, nói là để phục thuốc, thực ra là để chết. Ông tôi về nhà được mấy năm thì chết, lúc đó mới ngoài 50 tuổi. Thầy tôi giấu kín sự kiện này không những với chúng tôi mà với tất cả mọi người vì sợ mật thám biết tung tích, theo dõi.

Trên đây tôi đã kể tóm lược về cái làng quê của tôi, một cái làng quê nghèo – nghèo về đất ở, về nhà ở, về ruộng đồng, về nghề nghiệp, nghèo cả về văn hoá. Người dân quanh năm lam lũ, đầu tắt mặt tối, lo sao cho khỏi đói. Mỗi năm chỉ được mấy ngày vui, mà cái vui có gì là to tát đâu, chỉ là một cuộc rước nước, một tối xem chèo. Vậy mà vẫn không được yên. Bọn lý dịch, bọn Tây đoan, bọn mật thám luôn luôn rình rập, đe dọa. Đó là cảnh tượng cái làng của tôi, mới chỉ cách đây 60 năm thôi.

So sánh với hiện tại mà ta đang sống mới biết quý cái mà ta đang có, cái mà chúng ta đã giành được sau mấy chục năm chiến đấu và xây dựng đất nước rất gian khổ và hào hùng.

[1] Tán Thuật tức Nguyễn Thiện Thuật, ông sinh năm 1844, quê làng Xuân Dục, huyện Đường Hào (nay là làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), là con cả của một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1874, ông đỗ Tú tài và năm 1876 đỗ cử nhân, ông được triều đình cử giữ chức quan ở mấy tỉnh phía Bắc. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai năm 1882-1883, Nguyễn Thiện Thuật đã kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn, quyết tâm đánh Pháp. Ông chiêu mộ nghĩa quân và liên kết với Đinh Gia Quế (người huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) lập căn cứ ở Bãi Sậy để chống Pháp. Bãi Sậy là một vùng rộng lớn ở  Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Dưới thời Tự Đức, đê Văn Giang vỡ 18 năm liên tiếp, nước ngập mênh mông. Nhân dân trong vùng ly tán đi nơi khác, làng xóm, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, có chỗ cao tới ba thước. Do đó, mới có tên gọi là Bãi Sậy.

Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân chống bọn xâm lược Pháp; vua phong cho Nguyễn Thiện Thuật chức Bắc kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, nhằm làm hạt nhân tập hợp quan lại tiến bộ và dân chúng ở Bắc kỳ để kháng Pháp. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lan rộng ra khắp tỉnh Hưng Yên và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, liên kết được với một số lãnh tụ Cần Vương khác tạo thành cả một phong trào sâu rộng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, suốt những năm (1885-1889). Năm 1888, Pháp cho Hoàng Cao Khải đem quân đàn áp, gây nhiều tổn thất cho nghĩa quân. Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Kế (cụ Hai Kế kể ở trên) và tùy tướng, sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết bàn cách tăng viện, nhưng việc không thành. Ông mất vì bệnh năm 1926 tại Nam Ninh (Trung Quốc), thọ 82 tuổi. Năm 2005 hài cốt của ông được đưa về Việt Nam, cải táng tại quê hương. Ngày nay, khu mộ và đền tưởng niệm ông tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên là di lích lịch sử, một địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam.

[2] Nguyễn Thiện Kế (1849-1937), em trai của Nguyễn Thiện Thuật. Sau khi đậu cử nhân, ông được triều đình Nguyễn bổ nhiệm làm tri phủ, nên còn được gọi là Huyện Nẻ hay Huyện Móm. Ông tham gia và là một chỉ huy của quân khởi nghĩa Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Kế được Nguyễn Thiện Thuật giao trực tiếp phụ trách phía Nam Bắc Ninh, Bắc Hưng Yên, Tây bắc Hải Dương. Với tài thao lược của mình, Nguyễn Thiện Kế lập được nhiều chiến công, có uy tín rất lớn với các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân. Khoảng cuối năm 1885, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi phong ông chức Hồng Lô tự khanh, sung Bắc Kỳ Tán lý quân vụ, ông dâng sớ cáo từ, nhận lấy chữ Đường Dân làm hiệu.

Để đối phó với nghĩa quân, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã điều động một lực lượng lớn bao vây, đánh phá căn cứ Bãi Sậy, khiến nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Sau khi được Nguyễn Thiện Thuật  giao quyền tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Thiện Kế chia quân thành các toán nhỏ từ 20 người đến 25 người hoạt động lưu động từ làng này qua làng khác. Các toán quân nhỏ này đã liên tục tập kích vào các đồn địch ở nhiều nơi tại Hưng Yên, Hải Dương, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Giặc Pháp tập trung quân điên cuồng khủng bố phong trào Bãi Sậy, nhưng nghĩa quân vẫn được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và của các hào lý khắp vùng nên hoạt động rất mạnh mẽ. Năm 1892, sau khi khởi nghĩa bị thiệt hại nặng và tan rã, Nguyễn Thiện Kế bị Pháp bắt ở Bắc Ninh. Giặc biết ông là người có tài và uy tín với nghĩa quân và nhân dân nên đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ ông cộng tác với chúng. Ông khảng khái chống lại. Biết không thể thuyết phục được, giặc đã đày ông ra Côn Đảo, đến khi tuổi ngoài 70 mới tha về quản thúc tại quê Xuân Đào. Trước khi đưa ông về quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều vẫn dụ dỗ và nói: “Ông không thức thời, ruột còn tối tăm”. Căm giận và khinh ghét thái độ của chúng, ông tự tay cấu rốn rút ruột cho chúng xem, miệng quát lớn: “Chúng bay xem, ruột ta trắng như ngó cần đây!”. Bọn chúng kinh hoàng bỏ chạy. Con cháu kể lại, rốn ông có cái sẹo to bằng cái bát ăn cơm. Nhà cửa, gia đình ông bị triệt hạ, con cháu, họ hàng phiêu bạt, gia tài khánh kiệt. Bị quản thúc ở quê, ông sống cảnh bần hàn nhưng rất khẳng khái. Thủ hạ của ông lui tới thăm nom. Ông thường cởi trần, mặc quần lá tọa, giao du trong làng, kể chuyện đánh giặc và vẫn dõng dạc: “Nếu ta còn sức khỏe ta sẽ tiếp tục đánh Tây đến cùng!“.  Ngày 25 tháng 10 năm 1937, Nguyễn Thiện Kế qua đời ở quê nhà, thọ 88 tuổi.

Ngoài việc là chỉ huy quân Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Kế còn làm nhiều văn thơ. Trong dòng thơ trào phúng cận đại tại Việt Nam, tên tuổi ông chỉ đứng sau Tú Xương. Tuy nhiên số tác phẩm còn được lưu giữ và phổ biến không nhiều.