II. … Đến con đường cách mạng

Sự lựa chọn khó khăn

Trong những năm 1936-1939, Mặt trận Bình dân (liên minh cánh tả) thắng thế ở Pháp, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương buộc phải thi hành một chính sách cởi mở. Sách báo tiến bộ được phép ấn hành. Năm 1940, phái hữu thắng thế ở Pháp, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương chuyển sang chính sách phản động, đàn áp cách mạng, cấm lưu hành sách báo tiến bộ.

Mặc dù bị cấm, sách báo tiến bộ ấn hành trong những năm 1936-1939 vẫn được bí mật lưu hành khá rộng rãi ở Hà Nội, nhất là trong giới học sinh, sinh viên. Vào nội trú chưa được bao lâu, tôi đã thấy bạn bè dúi cho nhau những sách báo cấm. Với cái nết thật thà, hiền lành của tôi, nhất là với cái dáng mộc mạc của anh chàng nhà quê mới ra tỉnh, tôi sớm nhận được sự tin cậy của bạn bè và trở thành một trong những địa chỉ lưu hành sách báo cấm.

Để đọc sách cấm trong giờ tự học, chúng tôi bày la liệt sách vở lên bàn học, sách học trùm lên sách cấm, chỉ để hở nửa trang đủ đọc. Khi thầy giám thị đến gần, chỉ việc đẩy nhẹ cuốn sách học trùm lên là xong.

Đọc những cuốn sách cấm, tôi cảm thấy đầu óc mình tưởng như bừng tỉnh. Lần đầu tiên tôi biết đến Đề Thám – người anh hùng Yên Thế. Lần đầu tiên tôi biết đến Tán Thuật, người hàng xóm của ông nội tôi, dấy binh ngay trên đất làng tôi. Lần đầu tiên tôi biết đến Ba Làng, Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, v.v… Từ bé đến lúc bấy giờ, tôi chỉ biết học để có địa vị trong xã hội, khỏi bị kẻ khác đè đầu cưỡi cổ như lời thầy tôi dạy. Lần đầu tiên tôi biết đến những cuộc nổi dậy chống Pháp suốt 80 năm không ngớt, biết đến khí phách anh hùng của dân tộc mình. Đọc cuốn tiểu sử huyền thoại của Nguyễn Ái Quốc và bức thư của Ông gửi từ hải ngoại về, trái tim tôi rung lên vì xúc động. Tôi nghiến ngấu những bài thơ bốc lửa của Tố Hữu được truyền tay nhau qua những mảnh giấy nhỏ xíu. Bạn bè còn cho tôi mượn xem những mẩu tin tức về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra, những cuốn sách của các tác giả nước ngoài dịch ra tiếng Pháp như “Gót sắt”, “Người mẹ”, v.v… Từ cuộc sống mù tịt ở thôn quê, tôi cảm thấy mình không còn là anh chàng nhà quê choai choai nữa, mà bỗng dưng biến thành một người lớn, hiểu biết cả việc trong nước lẫn việc thế giới.

Một hôm, anh bạn vẫn chuyển cho tôi sách cấm bảo: “Có một anh lớp trên muốn gặp cậu”. Tôi hỏi: “Về việc gì?”. Anh đáp: “Về những cuốn sách mà bọn mình vẫn đọc”.

“Anh lớp trên” là anh Vũ Duy Chương (sau này lấy tên là Vũ Oanh)[1] đang học Tú tài phần một. Anh nắm tay tôi đi bách bộ dọc sân trường, nói với nhau vừa đủ nghe. Anh nói về thực dân Pháp, về phát xít Nhật, về nỗi thống khổ của dân ta, về bổn phận của người con đất Việt là phải đứng lên làm cách mạng đánh đuổi Pháp Nhật, rồi anh hỏi ý kiến tôi. Tôi trả lời: “Tất cả các ý kiến của anh, tôi đồng tình cả. Riêng việc làm cách mạng thì phải suy nghĩ kỹ vì nó là việc hệ trọng”.

Câu trả lời của tôi chỉ là một cách che giấu sự do dự của tôi lúc đó. Làm cách mạng để cứu dân cứu nước là điều mà lâu nay, qua sách báo cấm, tôi đã nhận thức được, chẳng còn gì phải “suy nghĩ kỹ”. Tôi sẵn sàng hiến thân cho cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi sự hy sinh. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ tôi thì tôi lại cảm thấy ngập ngừng, do dự. Chọn con đường cách mạng có nghĩa là quay lưng lại với niềm hy vọng lớn lao mà mẹ tôi gửi gắm vào tôi. Nếu tôi bị tù đày, bị chém giết vì hoạt động cách mạng thì mẹ tôi sẽ khổ biết chừng nào! Từ bé, tôi chưa bao giờ làm điều gì khiến mẹ tôi phải buồn phiền vì mình. Năm lên 9 tuổi, vì thương mẹ nghèo, không nuôi nổi con ăn học, tôi đã gạt nước mắt ra đi theo chú. Bây giờ, vì thương mẹ khổ, phải từ chối bổn phận cứu nước của chàng trai thời loạn hay sao? Ý nghĩ ấy làm tôi bối rối, day dứt, cảm thấy có tội với Tổ quốc. Tôi trao đổi với anh Chương nhiều lần, nhưng câu trả lời dứt khoát thì vẫn cố tình lảng tránh.

Năm thứ nhất Trung học của tôi qua đi với những thành tích mà thầy mẹ tôi rất hài lòng. Về tất cả các môn học, tôi đều đạt điểm cao nhất lớp, hãn hữu mới đứng thứ nhì. Nhận xét của nhà trường về tôi rất tốt.

Qua kỳ nghỉ hè giữa năm 1943, tôi gặp lại nhóm bạn bè vẫn chuyền tay nhau sách báo cấm. Giữa chúng tôi đã hình thành một sự tin cậy đặc biệt khiến chúng tôi trở thành bạn rất thân của nhau từ lúc nào không hay. Tôi gặp lại anh Chương và cho anh biết câu trả lời dứt khoát của tôi đối với việc tham gia hoạt động cách mạng. Tôi thẳng thắn tâm sự với anh vì sao tôi chậm tìm ra câu trả lời ấy. Anh tỏ vẻ thông cảm và nói: “Tôi cũng có mẹ. Tôi cũng rất thương mẹ tôi. Nhưng nếu vì thương mẹ mà ta để cho mẹ mình mãi mãi phải chịu áp bức bóc lột của Pháp – Nhật, thì đó có phải là thương không?”. Lập luận của anh càng làm cho tôi vững tin rằng quyết định của mình là đúng.

Tổ chức cách mạng của chúng tôi hồi đó mới chỉ gồm hơn một chục người do anh Phùng Văn Phúc đứng đầu. Bề ngoài có  tên là Đội Ngô Quyền – một đội trong nhiều đội của Đoàn Rồng[2] – là tổ chức văn nghệ thể thao của học sinh trường Bưởi nói chung. Đội Ngô Quyền tuy bề ngoài là một đội của Đoàn Rồng, nhưng ai được kết nạp vào Đội thì phải là người giác ngộ cách mạng, đã qua một quá trình ham thích đọc sách báo cấm. Người được kết nạp phải tuyên thệ suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng, mặc dù lúc đó tổ chức của chúng tôi mới tìm cách bắt liên lạc với Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Lại một sự lựa chọn khó khăn

[1] Ông Vũ Oanh tên thật là Vũ Duy Chương (Vũ Duy Trương), sinh năm 1924, quê quán tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh, vào Ðảng tháng 9-1944. Tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, ông là Bí thư chi bộ thanh niên cứu quốc của Thành ủy Hà Nội. Cuối tháng 7 năm 1945, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định làm trưởng đoàn đại biểu Hà Nội đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào.

Trong thời gian sau này, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng, Quốc hội,  Chính phủ và các đoàn thể xã hội: Bí thư tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư tỉnh ủy Hà Nam, Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương, Ủy viên Liên khu ủy Khu 3, Phó chính ủy Đại đoàn Đồng bằng, Cục trưởng Cục Địch vận, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam… Ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IV, Ủy viên Trung ương Ðảng các khóa V, VI, VII; Bí thư Trung ương Ðảng khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX.

Ông mất ngày 30-11-2022 tại Hà Nội, hưởng thọ 99 tuổi.

[2]  Đoàn Rồng là một hình thức tổ chức học sinh do các giáo viên người Việt ở Trường Bưởi chủ trì thực hiện nhằm xóa bỏ sự tách rời nhà trường với xã hội, khơi dậy tinh thần dân tộc của học sinh. Đoàn du lịch tham quan đầu tiên của trường do thầy giáo Nguỵ Như Kon Tum tổ chức và trực tiếp làm trưởng đoàn. Đoàn tham quan này được gọi là Đoàn Rồng, tiếng Pháp gọi Đoàn SET (viết tắt của câu Section d’excursion et de tourisme). Đoàn Rồng được tổ chức thành nhiều đội mang tên các danh nhân Việt Nam. Vào các dịp lễ tết, Đoàn Rồng tổ chức cho học sinh đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Kết hợp với các cuộc tham quan là những hoạt động văn nghệ rất sôi nổi gợi nhớ cội nguồn dân tộc, khuyến khích lòng yêu nước. Lúc bấy giờ những học sinh trong trường Bưởi đều học tập bằng tiếng Pháp và nếu nói tiếng Việt thì cũng đệm rất nhiều từ tiếng Pháp. Vì vậy có quy ước trong tất cả các sinh hoạt của Đoàn Rồng mọi người phải nói tiếng Việt, tuyệt đối không được nói tiếng Pháp.