Lại một sự lựa chọn khó khăn

Một tháng sau khi tôi tuyên thệ “hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản” thì một sự kiện bất ngờ xảy đến làm tôi bối rối: thầy mẹ tôi quyết định cưới vợ cho tôi.

Tôi đang chăm chú nghe giảng thì thầy giám thị ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Lên gặp thầy hiệu trưởng”. Vào trường đã hơn một năm mà chẳng có việc gì phải gặp thầy Hiệu trưởng, chỉ thấy thầy qua lại sân trường và đôi khi dừng lại trò chuyện với các thầy giáo. Thầy là một ông Tây già, thân hình chắc nịch, tóc hoa râm, vẻ mặt nghiêm nghị mà hiền từ. Ông ngồi sau một cái bàn rất to, khẽ gật đầu khi tôi chào, rồi đẩy về phía tôi một tờ giấy. Đó là bức điện tín do thầy tôi gửi, xin phép nhà trường cho tôi nghỉ 3 ngày để cưới vợ. Chờ tôi xem xong, ông nói: Anh được phép nghỉ 3 ngày, kể từ hôm nay. Tôi chào ông ra về, chưa hết sửng sốt: Sao lại sớm thế nhỉ?

Vào những năm 30-40 của thế kỷ trước, nghĩa là trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các bậc cha mẹ lo dựng vợ gả chồng cho con cái khi đến tuổi 15-16 là chuyện bình thường. Chỉ trong trường hợp cô dâu hoặc chú rể mới ở tuổi 11-12, người ta mới coi đó là “tảo hôn”. Năm đó, theo tuổi ta, tôi đã ở tuổi 17. Tôi chỉ bị bất ngờ ở chỗ: thầy mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi một câu về chuyện lấy vợ – lấy ai và khi nào thì cưới. Kỳ nghỉ hè vừa rồi, khi về nhà, tôi chỉ biết loáng thoáng qua cô em gái mau miệng: thầy mẹ nhắm cho anh con gái ông Hai Cỏn. Người làm mối là dì Năm Chén (em ruột mẹ tôi) và cô Ba Tròn (bạn thân của mẹ tôi). Nghe dì nói thì chị ấy tên là Thủy[1], con gái đẹp nhất phố huyện, da trắng như trứng gà bóc, làm ruộng cũng đảm mà đan len thêu thùa cũng thạo. Em gái tôi đặc biệt thích thú khi nói: em sẽ nhờ chị ấy dạy đan len – một nghề mà ở thời ấy, chỉ con gái thành phố mới biết. Tôi nghe qua mà không có phản ứng gì, vì nghĩ mình còn đang đi học, chuyện kén vợ cho con thì cha mẹ nào mà chẳng lo xa. Nào ngờ chuyện cưới vợ lại xảy ra sớm thế! Mà mình thì vừa mới tuyên thệ gia nhập hàng ngũ cách mạng. Mai đây bị bắt bớ, tù đầy thì chỉ làm khổ “người ta”! Biết tính sao đây? Nếu phản đối thì không kịp nữa rồi. Ngày mai đã là ngày cưới. Mà phản đối thì vì lẽ gì? Chẳng lẽ lại vì chuyện vừa mới tuyên thệ – có nghĩa là “lạy ông, tôi ở bụi này!”.

Thời ấy, thanh niên nam nữ nông thôn chưa quen với tự do yêu đương, thường phó thác chuyện dựng vợ gả chồng cho cha mẹ, còn mình thì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Chỉ trong trường hợp ngang trái mới xảy ra phản ứng quyết liệt. Trường hợp của tôi thì cả nhà đều cho là “đẹp đôi”, “môn đăng hộ đối”. Giá như thầy mẹ tôi hỏi tôi một câu thì tôi có thể xin thư thư, lấy cớ rằng mình đang đi học, chờ khi nào học xong cái bằng “đíp-lôm” hay “tú tài” rồi hãy tính chuyện cưới.

Bây giờ thì không kịp nữa rồi!

Thực ra, câu chuyện kén rể không phải bây giờ mới xảy ra đối với tôi. Đối với cái làng quê bùn lầy nước đọng của tôi thì một cậu thiếu niên mới 12 tuổi mà đã đỗ “xéc-ti-fi-ca” quả là một hiện tượng, được cả làng bàn tán. Bà Thơ X. – vợ ông chưởng bạ – bắn tin: “Cô M. nhà tôi mà làm bạn với anh Dong thì đẹp đôi quá!”. Hồi đó, tôi chưa có ý niệm gì về yêu đương, nhưng nghe thế cũng thích: người ta sẵn sàng gả cô con gái xinh nhất làng, có đôi mắt sắc như dao cau cho mình! Chuyện ấy chìm trong im lặng vì thầy mẹ tôi vốn không ưa cánh lý dịch, đã dốt nát lại hống hách. Thầy mẹ tôi tự coi mình thuộc một dòng dõi cao sang hơn, từng có nhiều đời đỗ đạt làm quan.

Hai năm sau, khi thầy tôi tính chuyện truyền cho tôi cái nghề “lương y” của tổ tiên để làm kế phòng thân thì một bà bạn của mẹ tôi, bà Ký D., dẫn con gái đến gặp. Bà nói rất khéo: “Cháu Mỹ nhà tôi đã đỗ Xéc năm rồi, nhưng còn nhỏ tuổi, chẳng biết làm nghề gì. Nghe nói Cụ cất công dạy chữ Hán cho cậu Hai, tôi mạo muội nhờ Cụ kèm cặp luôn cho cháu Mỹ”. Thầy tôi đã bỏ xó cái vốn chữ Hán ba chục năm nay, tưởng chừng như vô dụng, nay lại có người cầu cạnh đến thì như mở cờ trong bụng. Thầy tôi hết sức phấn khởi dạy chữ cho hai trò, mỗi buổi sáng vài tiếng.

Cô Mỹ ở làng Ngọc Lập cách làng tôi gần hai cây số, ngày ngày đều đi bộ đến học rất chăm. Cô mặc quần trắng, áo dài trắng, đi guốc cao gót, đội nón bài thơ, đúng điệu một cô gái thành phố (cô đã từng sống nhiều năm ở Hải Phòng). Cô có khuôn mặt trái xoan, da trắng và đôi mắt rất hiền. Học được hai tháng thì không thấy cô đến nữa. Sau này tôi mới biết mẹ cô có ý định gả cô cho tôi, sau một thời gian thấy tôi và thầy mẹ tôi không tỏ thái độ vồ vập gì nên đã rút cô về để gả chồng nơi khác. Có lần tôi nghe thấy mẹ tôi tâm sự với thầy tôi: con bé hiền lành ngoan ngoãn đấy, nhưng người mảnh dẻ quá, không chắc có đẻ nổi một đứa con, bố nó thì lại chết yểu. Thì ra thế! Mẹ tôi đã kén vợ cho tôi theo đúng nguyên tắc truyền thống “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”.

Đã hai lần từ chối nhà gái, chắc hẳn thầy mẹ tôi phải ưng ý lắm với nàng dâu mà thầy mẹ tôi lựa chọn, vì vậy đã quyết định làm lễ cưới ngay, đúng như lời cổ xưa đã dạy: “Lấy vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. Thầy mẹ tôi đã bàn tính mọi nhẽ: cưới thì cứ cưới cho yên bề gia thất, còn học thì cứ học cho đến khi đỗ đạt mới đón vợ về chung sống. Như vậy thì tôi chẳng có cớ gì để cự nự.

Khi tôi về đến nhà thì không khí ngày lễ cưới đã tưng bừng rộn rịp lắm rồi. Cỗ bàn la liệt. Họ hàng xa gần tề tựu đông đủ, chỉ thiếu mặt anh tôi đang làm thư ký dây thép ở Ninh Bình. Chú tôi rất mê nghệ thuật ca trù, đã đón một gánh hát “ả đào” về hát. Khi tôi về đến nhà thì chú tôi đang cầm trống chầu, vẻ mặt mãn nguyện. Chú tôi kéo tôi lại gần và giới thiệu với cả họ.

Ngày hôm sau là ngày “rước dâu”. Lần đầu tiên tôi thấy mặt vợ tôi khi nàng bước ra khỏi buồng cô dâu để cùng tôi làm lễ gia tiên. Nàng thẹn thùng e lệ chẳng dám nhìn tôi, chỉ ngước nhìn lên bàn thờ tổ tiên, mặt đỏ bừng. Ông bố vợ tôi mà lần đầu tiên tôi giáp mặt thì hỉ hả cười nói: “Thế mà đã lớn tồng ngồng cả rồi!”. Cả nhà cùng cười trong khi hai đứa chúng tôi xì xụp lễ trước bàn thờ.

Mãi nửa đêm, tiếng trống chầu và đàn hát mới chấm dứt. Tôi rủ vợ tôi vào màn và bắt đầu bài thuyết trình mà tôi đã chuẩn bị sẵn:

“Chúng ta sống trong một thời loạn lạc. Hai kẻ xâm lược đang giày xéo đất nước ta. Là trai thời loạn, anh có bổn phận phải xông pha cứu nước. Chuyện bắt bớ, tù đày, thậm chí hy sinh, là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, anh không muốn biến em thành một người vợ góa mà muốn giữ cho em vẹn toàn trinh tiết nếu như anh chẳng may bị hy sinh. Trong trường hợp cách mạng thành công, anh lành lặn trở về thì lúc đó, vợ chồng mình sẽ an hưởng hạnh phúc lứa đôi cũng không muộn”.

Bài thuyết trình của tôi nửa úp nửa mở, kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ, chẳng biết vợ tôi có hiểu hết không. Nói xong, tôi hỏi: Ý anh như thế, em nghĩ thế nào? Vợ tôi chỉ trả lời ngắn gọn: Em chả nghĩ thế nào cả. (Ô hay! Sao lại “chả nghĩ thế nào cả”?). Hai đứa nằm sóng đôi như hai khúc gỗ. Tôi giữ đúng lời hứa: không một cái hôn, không một vòng tay ôm ấp.

Sớm hôm sau, tôi đưa vợ tôi về Thứa rồi vẫy xe khách ra Hà Nội đi học tiếp, trong lòng vấn vương một nỗi nhớ thương man mác, nhưng rất đỗi tự hào về hành vi “nghĩa hiệp” của mình.

Hai tháng sau, tôi về nhà nghỉ Tết nguyên đán. Cô em gái tôi đã kịp đón chị dâu về ăn Tết cùng gia đình. Cái vẻ thẹn thùng e lệ của vợ tôi đã biến mất. Thay vào đó là một nàng dâu hoạt bát, đảm đang mọi việc trong nhà. Chúng tôi ngồi cạnh nhau canh nồi bánh chưng. Ánh lửa hồng trùm lên làn da “trắng như trứng gà bóc”. Từ ánh mắt của vợ tôi toát lên niềm hạnh phúc mãn nguyện. Đêm ba mươi Tết năm đó đã thành đêm tân hôn của chúng tôi.

12  Bà là Nguyễn Thị Thủy, sinh ngày 17/9/1927 tại làng Thứa, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Cụ ông thân sinh là thầy lang giàu lòng nhân ái, cả cuộc đời sẵn lòng cấp thuốc cứu người. Cụ bà thân sinh mất từ hồi còn trẻ.

Bà theo chồng tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944. Đóng vai một cô gái hái dâu, bà len lỏi khắp các thôn xóm, để chắp nối liên lạc giữa chồng và các cơ sở cách mạng. Bản thân bà cũng trở thành một cán bộ vận động quần chúng tham gia cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, bà được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc huyện Mỹ Hào, tích cực tham gia mở rộng phong trào của Hội. Trong kháng chiến chống Pháp, bà thoát ly gia đình, là cán bộ Hội phụ nữ Cứu quốc ở Hưng Yên, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ sau 1954, bà làm cán bộ ở các cơ quan nhà nước: Sở Thông tin Liên khu III, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp Công đoàn các cơ quan trung ương, Bộ Nội thương. Ở vị trí công tác nào, bà cũng tận tâm tận lực phục vụ cách mạng. Bà được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Sau khi về hưu để chữa bệnh ở tuổi 53, bà nhiệt tình góp công, góp của vào sự nghiệp trồng người ở Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; bà là một trong những cổ đông lớn của Trường. 

Bà sinh hạ được 5 người con, 2 gái 3 trai. Trong khi chồng bận bịu công việc chung của đất nước, bà vất vả chăm lo nuôi dạy các con trải qua thời kì khó khăn gian khổ của hai cuộc chiến tranh, để tất cả đều thành đạt. Cả cuộc đời, bà sống vẹn nghĩa, trọn tình với gia đình, dòng tộc, với cộng đồng và đất nước.

  Bà mất ngày 30-5-2016 tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.