Lời nói đầu (Bắt đầu viết ngày 1-2-2003 tức Mùng Một Tết Quý Mùi)

Qua tuổi 75 mới ngồi viết hồi ký thì có thể là quá muộn. Ai mà biết được Tạo hóa cho mình sống được đến ngày nào? Công việc này, tôi định tiến hành ngay từ tuổi 65, lúc về hưu (1993), nhưng những hoạt động của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và của Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đã cuốn hút tôi suốt 10 năm. Bây giờ thì dứt khoát phải dành thời gian cho tập hồi ký kẻo quá muộn. Tôi coi đây là công việc quan trọng nhất trong những năm cuối đời của mình. Vì hai lẽ:

1– Sống đến 75 tuổi, vậy mà nhìn lại, vẫn thấy chưa dành được bao nhiêu thời gian để chia sẻ tâm tư tình cảm của mình với các con, các cháu. Dường như đã thành một nếp sống của mọi thế hệ người Việt Nam: các bậc cha mẹ thường chỉ chia sẻ niềm vui với các con, còn những ưu tư thì giữ cho riêng mình. Tôi đã sống với cha mẹ tôi 40-50 năm, và đã sống chừng ấy năm với các con tôi. Những gì mà tôi đã đối xử với các con tôi thì cũng hệt như những gì cha mẹ tôi đã đối xử với tôi. Khi con còn nhỏ thì làm sao chia sẻ được với chúng những ưu tư của mình? Tại sao lại làm khổ những tâm hồn non dại bằng những ưu tư của mình? Khi con lớn khôn thì chính chúng lại có những ưu tư của chúng. Vì vậy, người già đành giữ cho riêng mình những ưu tư riêng, giữ cho đến tận lúc xuống mồ. Cứ như thế, các thế hệ tiếp nối nhau đều chịu sự thiệt thòi: thiếu kiến thức về lịch sử của ông bà cha mẹ mình, cũng tức là thiếu kiến thức về quá khứ của chính mình. Hồi ký là một biện pháp có thể lấp bù vào lỗ hổng ấy.

Con người ta luôn có ước vọng biết về quá khứ của mình, dù là quá khứ cách đây hàng triệu năm, hay là quá khứ cách đây hàng trăm năm. Biết để làm gì? Khó mà trả lời tường tận câu hỏi đó. Biết quá khứ để cắt nghĩa hiện tại. Biết quá khứ để tiếp nối, phát huy. Biết quá khứ để tránh lặp lại những sai lầm. Có thứ biết chỉ để biết, để mọi sự đều sáng tỏ. Chung quy lại, biết quá khứ để trả lời mấy câu hỏi lớn của loài người và của mỗi người: Ta là ai? Ta sinh ra từ đâu? Ta đi về đâu?

Mỗi thế hệ qua đi đều để lại cho thế hệ sau những trải nghiệm của mình. Những trải nghiệm này tích tụ và gạn lọc từ thế hệ này qua thế hệ khác, hình thành nên cái gọi là truyền thống – truyền thống gia đình, truyền thống dòng họ và rộng hơn là truyền thống dân tộc. Các thế hệ con cháu có quyền được hiểu cha ông mình đã sống trong những điều kiện như thế nào, đã suy nghĩ và hành động như thế nào. Biết để thông cảm, để tự hào, để tiếp nối phát huy, để rút kinh nghiệm, để khôn ngoan hơn. Con người ta sinh ra không phải trong một môi trường trống rỗng, mà sinh ra trong một môi trường do các thế hệ trước đã tạo lập sẵn. Sự sáng tạo của thế hệ mới không xuất phát từ hư vô, mà xuất phát từ cái nền đã được tạo lập sẵn. Xét về mặt di truyền học thì mỗi con người, mỗi thế hệ đều mang trong mình ít hay nhiều di sản của quá khứ. Vì vậy, hiểu lịch sử của cha ông cũng tức là đã hiểu khá nhiều về  mình.

Với cách đặt vấn đề như trên, tôi không muốn viết hồi ký như một câu chuyện kể về các sự tích anh hùng của mình. Tôi muốn kể về một thời kỳ lịch sử mà tôi là tác nhân và cũng là nhân chứng, với những cảm nhận, suy nghĩ và tình cảm của mình, để con cháu hiểu được cách đây 100 năm, cha ông họ đã sống như thế nào, đã suy nghĩ và hành động như thế nào để tạo lập ra cái hiện tại mà ngày nay họ đang thừa hưởng.

Cái thời mà tôi đã sống lại chính là một thời hào hùng của dân tộc: Cách mạng tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, Kháng chiến chống Mỹ, Xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi và lớp thanh niên cùng thế hệ đã bị cuốn hút vào dòng thác cách mạng ấy, và đã trưởng thành trong dòng thác cách mạng ấy.

2– Đối với tôi, như trên đã nói, hồi ký trước tiên có ý nghĩa gia đình, gia tộc. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa ấy, nó còn mang một ý nghĩa xã hội nhất định. Nhiều sự kiện mà tôi kể cho con cháu tôi nghe cũng là những sự kiện lịch sử, sự kiện mà xã hội quan tâm, thậm chí được xã hội đánh giá theo những quan điểm rất khác nhau. Trong trường hợp này thì tôi phải đóng vai trò của một người viết sử chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Một người viết sử khác với một nhân chứng lịch sử. Cùng một sự kiện lịch sử, nếu có nhiều nhân chứng thì sự kiện đó sẽ được mỗi nhân chứng tiếp cận dưới những góc độ khác nhau, từ đó có những nhận xét, đánh giá khác nhau. Tôi chỉ là một trong nhiều nhân chứng lịch sử. Những gì mà tôi có thể cung cấp cho nhà viết sử chỉ là những sự kiện mà tôi tiếp cận dưới góc độ của riêng tôi, với những nhận xét đánh giá của riêng tôi.