Nằm khoèo ở nhà

Nằm khoèo ở nhà, thấy mình vô dụng quá, tôi bèn theo chị tôi ra đồng tát nước. Chỉ tát được mấy gầu, chân tay tôi đã bủn rủn, thở không ra hơi. Biết mình chưa đủ sức kéo gầu nước từ độ sâu 3 mét hất lên cao, tôi quyết định chuyển sang nhổ mạ. Khốn nỗi, nhổ mạ đòi hỏi cánh tay phải chắc khỏe mới bứt được rễ mạ lên. Tôi đánh vật với túm mạ, đến khi bứt được nó lên thì thân cây mạ đã nát nhừ. Vậy là chẳng có công việc gì thích hợp với tôi. Thầy mẹ tôi cũng chẳng có công việc gì để giao cho tôi.

Quanh quẩn ở nhà, tôi phát hiện ra hòm sách mà anh tôi để lại khi đi nhận việc ở Sài Gòn. Toàn là sách thuộc chương trình trung học bằng tiếng Pháp. Vốn tiếng Pháp của tôi hồi học Tiểu học vào loại khá. Với cuốn từ điển Petit Larousse trong tay, tôi bắt đầu khám phá đống sách của anh tôi. Càng đọc càng thấy hứng thú. Tôi làm việc miệt mài từ sáng sớm đến tối mịt. Tôi đặt kế hoạch nâng cao trình độ tiếng Pháp của mình lên để ngốn cho được những cuốn sách hấp dẫn đó. Những cuốn sách về khoa học tự nhiên thì chỉ hiểu được bập bõm nếu không có người giảng giải thêm, đành bỏ qua. Nhưng những cuốn sách về văn học, lịch sử, luận bàn thế sự thì tôi hoàn toàn có thể cảm nhận được nếu tra cứu thêm một số từ chưa biết. Tôi đã học thuộc lòng cả trăm bài thơ tiếng Pháp, cả những vở kịch thơ dài như vở Lơ xit. Tôi đã đọc hàng chục cuốn tiểu thuyết dài và ngắn. Hầu hết đều thuộc dòng văn học của thế kỷ Ánh sáng. Không những trình độ tiếng Pháp của tôi được nâng lên mà đầu óc của chú bé nhà quê cũng được mở mang: lần đầu tiên được tiếp xúc với luồng tư tưởng tiến bộ của cuộc Cách mạng Pháp, lần đầu tiên biết đến và say mê Vichto Huygô, Lamactin, Anphơrêt đơ Vinhi,…[1]

Tôi nằm khoèo ở nhà được một năm thì chú tôi về chơi. Đó là vào kỳ nghỉ hè năm 1940. Chú tôi nói với thầy mẹ tôi: “Có người bạn nói với tôi rằng có một cách cho thằng Dong ăn học ở Hà Nội mà không mất tiền. Cách đó là giành cho được một suất học bổng toàn phần của trường Bưởi. Mỗi năm, Chính phủ Bảo hộ cấp cho trường Bưởi 3 suất học bổng toàn phần, dành cho 3 học sinh đỗ đầu trong số 200 học sinh trúng tuyển. Tôi tin thằng Dong có thể đạt được điều đó. Nhưng để cho chắc ăn, cần phải kèm cặp nó thêm một năm nữa rồi hãy thi. Nếu trúng tuyển mà không thuộc 1 trong 3 đứa đỗ đầu thì cũng vứt đi, chẳng để làm gì!”.

Chú tôi cho biết: từ năm học sắp tới, cả chú tôi lẫn anh Bính – con bác cả tôi – đều được điều lên trường tiểu học Phố Bình Gia (Lạng Sơn). Chú tôi đề nghị thầy mẹ tôi cho tôi theo chú, chú nuôi cơm, còn anh Bính (đỗ Điplôm, dạy lớp Nhất trường tiểu học) thì kèm cặp tôi học thêm. Thầy mẹ tôi còn gì vui hơn? Thế là tôi theo chú tôi lên Phố Bình Gia. Phố Bình Gia là một thị trấn nhỏ nằm lọt thỏm giữa một vùng rừng núi bao la. Tôi không biết hồi đó thị trấn này đã là huyện lỵ chưa, chỉ biết nó có một đồn binh lớn đặt trên đỉnh một quả đồi nhìn xuống thị trấn. Trường tiểu học của tôi nằm ngay dưới chân quả đồi ấy.

Mới chân ướt chân ráo lên Phố Bình Gia được vài tháng thì một tin dữ làm nháo nhác cả thị trấn: quân Nhật tiến vào Đông Dương. Tiếng động cơ ô tô từ phía Lạng Sơn gầm rú suốt ngày đêm. Ban đêm, đèn pha ô tô rực sáng cả một góc trời. Chú tôi, vẻ mặt lo âu, bàn với anh tôi: phen này thì Nhật Pháp đánh nhau đến nơi. Nếu không cho lũ trẻ về quê sớm thì e rằng không có đường mà chạy.

Chú tôi mới bàn vậy, chưa kịp làm gì thì đùng một hôm, súng nổ đì đòm ngay trên đồn binh Pháp. Từng tràng liên thanh bắn ràn rạt trên đầu chúng tôi. Rồi từng tốp lính, súng lăm lăm trên tay, lùng sục vào từng nhà trong thị trấn. Chúng lùng sục vào cả trường tiểu học của chúng tôi. Chú tôi thì thầm với anh tôi: “Chúng nó lùng thầy giáo Xuân, thầy đã đi theo du kích Bắc Sơn rồi”. Thầy giáo Xuân là thầy giáo dạy lớp Ba, gian nhà của thầy liền vách với gian nhà của chú tôi. Thầy là người Thổ (nay gọi là người Tày), thân hình chắc nịch, da ngăm đen, đôi mắt sắc, nhưng tính rất hiền. Chú tôi biết tiếng Thổ, thường trao đổi với thầy bằng tiếng Thổ, coi bộ rất tâm đầu ý hợp.

Mấy ngày sau sự kiện du kích Bắc Sơn đánh đồn binh Phố Bình Gia, chú tôi cho tôi lên xe khách về xuôi. Thời buổi nhiễu nhương, chẳng vội gì mà học hành thi cử, chờ khi nào yên rồi sẽ hay! Chú tôi nói vậy. Về nhà, tôi lại lao vào đống sách tiếng Pháp của anh tôi. Trong cảnh vô công rồi nghề, vớ được những món ăn tinh thần hấp dẫn như thế thì còn gì bằng!

Một hôm, thầy tôi bàn: Thời buổi này, chẳng biết sống chết ra sao. Ruộng cấy lúa thì chúng nó bắt nộp thóc tạ (mỗi mẫu bắt buộc phải bán cho Nhật 2 hoặc 3 tạ với giá rẻ mạt, vì vậy dân gọi là nộp thóc tạ), dân cạn thóc ăn, chết đói như rạ có ngày! Ở mạn cầu Bây (gần Hà Nội) chúng nó còn bắt dân nhổ lúa trồng đay để chúng nó dùng làm thuốc súng. Biết đến lúc nào yên hàn mà học hành thi cử? Chi bằng thủ sẵn cho mình một nghề. Nhỡ ra thất cơ lỡ vận thì có nghề trong tay cũng không đến nỗi chết đói. Nhà mình sẵn có nghề thuốc cha ông để lại, học nhiều, học ít đều dùng được. Cụ Viện nhà ta (cụ tổ đời thứ Ba của dòng họ Vũ làng Xuân Đào) nhờ giỏi nghề thuốc mà được vời vào triều làm quan Ngự y, lúc về già còn được Vua phong tặng khoảnh đất làm mộ táng.

Tôi nghe thầy tôi nói có lý. Bản thân tôi từ bé đến lúc bấy giờ qua được bao nhiêu lần bệnh tật cũng chỉ nhờ mấy nắm lá do thầy tôi kiếm ở bờ bụi quanh làng. Thấy tôi ưng thuận, thầy tôi mừng lắm. Lập tức hai bố con hạ mấy cái quang sách từ xà nhà xuống, lau chùi sạch sẽ. Thầy tôi chọn ra mấy cuốn để dạy tôi học. Sách viết bằng chữ Hán, vì vậy phải vừa học chữ Hán, vừa học nghề thuốc. Thầy tôi vừa giảng theo sách, vừa kể cho tôi nghe những kinh nghiệm chữa bệnh thành công và thất bại. Té ra cái nghề thuốc của cha ông cũng lắm điều lý thú! Tôi học với thầy tôi mỗi ngày vài tiếng vào buổi sáng. Thời gian còn lại thì vẫn không rời được đống sách tiếng Pháp.

[1] Victor-Marie Hugo (1802-1885) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà chính trị Pháp. Ông được thế giới gọi là đại văn hào, nổi tiếng với các bộ tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Pari” và “Những người khốn khổ”, các tập thơ trữ tình và vở kịch theo trường phái chủ nghĩa lãng mạn.

Alphonse de Lamartine (1790-1869) là nhà văn, nhà thơ, chính khách, có công trong việc thành lập nền Cộng hòa thứ hai ở Pháp.

Alfred de Vigny (1797-1863) là nhà thơ lãng mạn, nhà văn Pháp. Ông là người đã dịch một số tác phẩm của Sếch-phia như Romeo và Juliet ra tiếng Pháp.

Le Cid là vở kịch thơ của Pierre Corneille (1606-1684) nhà sáng lập bi kịch cổ điển của Pháp.. Đây là một vở bi hài kịch, dựa trên một câu chuyện cổ thế kỷ 11 của Tây Ban Nha.