Rút vào hoạt động bí mật

Cuối năm 1944 cũng là lúc học sinh về nhà nghỉ Tết Nguyên đán. Trường vắng teo, nhà nội trú vắng teo. Cả tôi và anh Phúc đều ở lại Thanh Hóa, không về nhà ăn Tết. Sáng sớm, tôi vào nhà nội trú tìm anh có việc. Thoáng nhìn anh đã thấy có cái vẻ gì không bình thường. Anh dẫn tôi ra sân, nói nhỏ: “Đêm qua, cậu Châu bị cảnh sát tóm khi đang rải truyền đơn. Người của ta ở sở mật thám mới biết tin đến thế. Chưa rõ cậu ta khai ra những ai, nhưng chắc chắn chúng nó sẽ khám nhà và phát hiện ra nhà in. Khu và Dung phải trốn đi ngay”. Tôi chia tay anh Phúc, không quay lại nhà trọ (đề phòng mật thám phục sẵn ở đó) mà đi thẳng ra đường số 1 để về Hà Nội. Trên đường về Hà Nội, sẽ rẽ vào Phủ Gia Viễn để báo tin cho Khu.

Đường sá trong những ngày giáp Tết vắng teo. Tôi đi một mạch không nghỉ, thỉnh thoảng giả vờ đi giải để quan sát xem có kẻ nào bám đuôi mình không. Đến Gia Viễn, mới vào khoảng nửa buổi chiều. Khu ra đón tôi ở cổng phủ. Sau khi nghe tin, cậu ta bảo: “Chờ mình một lát rồi hãy đi. Để mình kiếm cho Quỹ Đảng một ít tiền. Cậu mang đi trước, còn mình sẽ kiếm cớ đi sau. Trong tủ sách của ông bô mình, ông giấu trong mỗi tờ giấy bản (tờ giấy bản được gấp đôi để in 2 mặt) một tờ bạc con công (tờ bạc 5 đồng Đông Dương), phải mất thì giờ mới rút ra được”. Anh dẫn tôi vào nhà. Thầy mẹ anh niềm nở đón tôi, nhất định giữ tôi ở lại, không cho đi ngay. Tôi chỉ ậm ừ để đợi Khu đi lấy tiền. Chỉ hơn một tiếng sau, cậu ta quay lại, nhét tiền vào túi áo ngực của tôi, mỗi túi một tập dày cộm: “Đây là một vạn đồng Đông Dương, chuyển cho Chương để ủng hộ Quỹ Đảng”. Có tiền rồi, tôi sửa soạn lên đường thì một chiếc xe ô tô đen vọt qua cổng phủ, phanh kít trước công đường. Mươi phút sau, ông tri phủ, khăn xếp áo the chỉnh tề, bước vào trong nhà, chìa cho Khu một tờ giấy và nói như mếu: “Con ơi là con, con làm hại cha rồi!” Khu đỡ lấy tờ giấy, đó là cái trát bắt cậu ta. Mặt hơi biến sắc, Khu trả lại tờ giấy cho bố rồi bình tĩnh nói: “Thầy bảo họ chờ con mấy phút, để con xếp quần áo”. Ông tri phủ vừa bước ra thì Khu quay lại tôi nói: “Đi trốn. Theo mình!” Khu chạy trước, tôi chạy theo, luồn ra cửa sau, qua một cái sân, rồi vọt lên bức tường bao quanh Phủ, lội qua con hào, lên đường đá, chạy mấy chục mét nữa thì đến bến đò, ở đó có mấy chiếc thuyền nan đậu sẵn. Chúng tôi nhảy lên một chiếc mà bác lái đò đang ngồi đón khách. Khu nói: “Đi Ninh Bình”. Bác lái đò chẳng cần biết tại sao hai cậu thanh niên này lại chạy như ma đuổi, đứng phắt dậy, đẩy sào cho thuyền vọt ra giữa sông, rồi cứ thế hối hả chèo đi. Lúc đó đã nhá nhem tối. Chỉ mươi phút sau, con thuyền của chúng tôi đã được bao bọc bởi một màn đêm tối đen như mực của tháng củ mật.

Chừng hơn một tiếng sau, bốn bề bỗng vang lên tiếng trống ngũ liên và tiếng tù và. Thấp thoáng xuất hiện những đám người cầm đuốc sáng trưng, có đám chạy rậm rịch trên đê. Vừa lúc ấy, thuyền của chúng tôi cập một bến đò, thuyền nan đậu san sát. Khu bảo bác lái đò khoan hãy đi, rồi rỉ tai tôi: “Chia hai ngả mà đi, an toàn hơn”. Nói rồi, cậu ta bò sang thuyền bên cạnh rồi mất hút trong đêm đen. Chờ một lát cho bốn bề im ắng, tôi tính chuyện đánh lạc hướng bác lái đò: “Họ bắt cướp hay sao thế?”. Bác thản nhiên đáp: “Họ kháo nhau truy nã Cộng sản”. Tôi giật mình: “Cộng sản là ai?”.  “Là hai anh thanh niên trèo qua tường bao quanh phủ, lội qua hào, ướt như chuột lột, rồi nhảy ào vào thuyền của lão, chứ còn ai? Bày trò che mắt lão sao nổi?” Nếu lão muốn bắt mình lấy tiền thưởng thì chỉ cần ới một tiếng, đám người cầm đuốc chạy rồng rắn trên đê đã xô xuống trói gô cổ hai thằng rồi. Dẫu sao tôi vẫn phải vờ vĩnh tỏ ra mình chẳng liên quan gì đến chuyện vừa rồi. Tôi bảo: “Đêm tối khó đi, bác chịu khó cho tôi về Ninh Bình, tôi sẽ hậu tạ. Anh bạn tôi thì đã rẽ đường khác rồi”. Bác lái đò chỉ im lặng, lầm lũi chèo thuyền trong đêm tối.

Về đến thị xã Ninh Bình thì đã quá nửa đêm. Đèn đường thưa thớt, chỗ sáng, chỗ tối. Phố sá không một bóng người. Tôi rút một tờ bạc trong túi ra. Đúng là tờ bạc con công. Bản thân tôi chưa bao giờ được cầm tờ bạc này. Bác lái đò chắc cũng vậy. Tôi nói: “Đây là tờ bạc 5 đồng, tặng bác”. Bác lái đò cầm tờ bạc, vẻ ngỡ ngàng. Tôi lặng lẽ lủi vào bóng cây rồi tìm đường về nhà anh tôi[1]. Sau một thời gian làm việc ở Sài Gòn, rồi ra Tour Cham (Phan Rang), anh tôi được điều về Ninh Bình. Tôi và Khu đã có lần rẽ vào nhà anh tôi khi đi lấy bàn in thạch ở Hà Nội về.

Tôi kể cho anh tôi nghe mọi chuyện. Anh lấy bộ com lê của mình cho tôi thay, dúi cho tôi một ít tiền, rồi dọn cơm cho tôi ăn. Từ sớm hôm trước đến lúc bấy giờ, chưa được một hột cơm nào vào bụng, tôi nhai cơm nguội mà vẫn thấy ngon. Vừa ăn vừa tiếc mâm cỗ toàn giò là giò mà bà phủ Gia Viễn đã dọn sẵn. Trời tảng sáng, đường phố rục rịch có người qua lại. Tôi từ biệt anh tôi và lẩn vào đám người đi đường. Mặc dù chân đã mỏi nhừ, túi đã có tiền, tôi vẫn quyết định đi bộ về Nam Định để từ đó đi tàu thủy về Hà Nội. Đi xe lửa hoặc xe ô tô khách, rất dễ chạm trán với mật thám.

Chuyến tàu thủy của tôi ngổn ngang những sọt hoa quả. Chỉ có vài chục hành khách, hầu hết là dân buôn. Tôi thu mình vào một xó, nấp sau mấy cái sọt. Tàu chạy được một lúc thì hành khách chuyện trò râm ran. Từ giữa khoang tàu phát ra một giọng hợm hĩnh: “Nhà em làm ở Sở liêm phóng, công việc bận quá! Đã mấy năm, lần này mới được về Hà Nội ăn Tết với me em…”. Chết cha rồi! Mình đi cùng chuyến tàu với vợ chồng thằng mật thám! May mà mình đã núp kín ngay từ lúc mới lên tàu. Khi tàu dừng ở bến Phà Đen, tôi lẳng lặng chuồn ngay lên bờ, đi thẳng đến điểm hẹn ở phố Hàng Bột. Tôi gặp anh Chương ở đó, anh không sơ tán theo trường mà ở lại Hà Nội để bắt liên lạc với Đảng. Giao tiền cho anh xong, tôi trao đổi với anh về công tác của tôi. Anh sẵn sàng giới thiệu tôi với tổ chức Đảng ở Hà Nội, nhưng khuyên tôi tạm lánh đi một thời gian thì hơn, vì mật thám có thể lùng tôi ở Hà Nội. Anh bảo tôi về nhà anh mà lánh. Nhà anh ở làng Sãi, ngay dưới chân cầu Kẻ Sặt, cách làng tôi 5 cây số.

Tôi chưa kịp đi Kẻ Sặt thì cậu Khu đã lù lù dẫn xác đến địa điểm hẹn. Vẫn cái cười hài hước lạc quan, cậu ta kể: “Cậu vừa ra khỏi nhà anh Nhung thì mình mò tới. Ông ấy phải cấp nốt cho mình bộ com lê cuối cùng và cả cái thẻ thuế thân của ông ấy nữa. Cậu thì còn cái vẻ nhóc con, chứ mình cao lớn thế này, không có thẻ thuế thân, thoát sao nổi lưới cảnh sát?”. Tôi không kịp hỏi cậu ta làm sao mà mò được đường đi trong cái đêm tối đen như mực ấy, chỉ kịp trao đổi với nhau về việc cậu Châu bị bắt. Chúng tôi thống nhất nhận định: Khi chúng tôi in xong mẻ truyền đơn cuối cùng thì nét mực trên bàn in thạch vẫn còn đậm. Đã dặn cậu Châu phải đổ mẻ thạch ấy đi, chắc cậu ta tiếc rẻ lại in tiếp. In rồi thì một mình mang truyền đơn đi rải, đó là một việc làm sai nguyên tắc. Khi mật thám khám nhà, bắt được bàn in, cậu ta không dám nhận một mình làm. Thế là khai ra. Đáng trách nhất là khai ra quá nhanh. Mới bị bắt đêm hôm trước mà chiều hôm sau, mật thám Ninh Bình đã có lệnh truy nã. Chắc hẳn cậu ta khai ra không chỉ một mình Khu mà cả tôi nữa.

Cầm mấy chữ giới thiệu của anh Chương, tôi về Sãi, tìm đến nhà anh. Chỉ cần biết tôi là bạn học của anh Chương, cả nhà đã tiếp tôi như người thân. Sau khi biết tôi đang bị mật thám truy nã, cả nhà bố trí kế hoạch bảo vệ tôi rất chu đáo.

Mẹ anh Chương mà sau này tôi đặt bí danh là cụ Hiệu – dựa vào tên người con trai lớn của cụ – già hơn mẹ tôi mấy tuổi, nhưng cái vẻ đôn hậu thì giống hệt mẹ tôi. Cụ có 6 người con. Người con trai cả mất sớm, để lại cho cụ một thằng cháu đích tôn lúc đó đã hơn 10 tuổi. Cháu đóng vai người canh gác rất đắc lực giúp tôi. Người con trai thứ hai là anh Vũ Duy Hiệu, làm viên chức ở Hải Phòng, sau này tôi mới biết anh đã tham gia cách mạng từ rất sớm. Người con trai út, anh Quất, bằng tuổi tôi. Sau khi đậu bằng Tiểu học thì nằm khoèo ở nhà, không có nơi học tiếp, cũng chẳng có bao nhiêu ruộng để cày cấy.

Tôi chờ cho qua ba ngày Tết, qua cả ngày mùng 6 là ngày làng tôi rã đám. Sang ngày mùng 7 Tết, tôi nhờ anh Quất cải trang về làng tôi thăm dò tình hình. Khi trở về, anh cho biết: sáng ngày mùng 3 Tết, mật thám Pháp ở tỉnh về tìm tôi, cùng đi có tri huyện, lý trưởng và lính huyện. Chúng lục soát một hồi rồi bỏ đi. Từ đó không thấy động tĩnh gì nữa. Biết được tin tức, tôi quyết định tranh thủ thế bất ngờ, về thăm nhà ngay tối hôm đó. Tôi đến bãi tha ma đầu làng khi trời đã tối mịt, chiếc nón chóp vẫn che kín mặt. Chờ một lúc lâu, thấy trong làng không còn tiếng chó sủa nữa, tôi mới mò vào làng. Hồi nhỏ tôi có tính sợ ma. Nhưng bây giờ thì phải dỏng tai nghe tiếng động, căng mắt soi rọi vào bóng đêm, đề phòng ai đó bất chợt xuất hiện, chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ đến ma quỷ nữa.

Về đến nhà, em gái tôi ra mở cổng. Vợ tôi cũng đã được đón về nhà ăn Tết. Mọi người nói năng khẽ khàng, tưởng chừng như mật thám còn lẩn khuất đâu đây. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, tôi ngồi nói chuyện với thầy mẹ tôi trong nhà, còn em gái tôi và vợ tôi thì thập thò ngoài cửa. Tôi vào đề ngay:

Từ hôm con bị mật thám truy nã, con vẫn sống quanh đây, được nhân dân che chở an toàn, hôm nay tranh thủ về thăm nhà một lát để thầy mẹ và cả nhà yên lòng.

Tôi trình bày tiếp về tình thế cách mạng trong nước đang sôi sục. Phát xít Đức đang thua trận dồn dập ở châu Âu, phát xít Nhật đang bị nguy khốn ở châu Á. Nhân dân ta đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa để quét sạch quân xâm lược. Thầy mẹ tôi mừng rỡ ra mặt. Nhưng mẹ tôi thì vẫn canh cánh lo cho tôi. Bà hỏi: “Con đi lại thế này, nhỡ chúng tóm được thì sao?”. Tôi cười cho bà yên lòng: “Con đi đâu mà chẳng có anh em đồng chí bảo vệ. Hàng ngũ cách mạng của chúng con bây giờ đông lắm, mẹ khỏi lo”.

Sau khi trấn an thầy mẹ tôi, tôi chuyển sang chủ đề thứ hai: “Cách mạng đang cần tiền để mua súng ống. Thầy mẹ cho con số nữ trang của chị Cả để con ủng hộ vào quỹ mua súng của Đoàn thể” (chị dâu tôi là con gái cụ Cả Ngoạn, khi cưới có nhiều đồ nữ trang). Thầy tôi nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp: “Số nữ trang của chị ấy, thầy vẫn giữ đây, nhưng nếu giao cho anh, khi chị ấy đòi thì thầy biết nói sao?”. Tôi đáp: “Chính anh con cũng đã tham gia cách mạng ở Ninh Bình rồi. Nếu anh con ở nhà thì chắc là anh con đã làm cái điều mà con đề nghị với thầy mẹ”. Mẹ tôi sốt ruột chêm vào: “Thôi ông ơi, con còn chẳng tiếc, tiếc gì mấy cái vẩy vàng?”. Thầy tôi đứng dậy, vần cái chum thóc sang một bên, cậy một hòn gạch lên rồi đưa cho tôi một bọc nặng gồm số vàng nữ trang của chị tôi (hơn 3 lạng vàng) và cả một túi bạc “hoa xòe” mà thầy mẹ tôi dành dụm được (khoảng một cân). Tôi nhét đầy hai túi áo rồi cùng vợ tôi xuống nhà ngang, đề phòng có động thì dễ có đường thoát. Chúng tôi thủ thỉ với nhau đến tận khuya.

Tôi hỏi: “Hôm mật thám về tìm anh, em có sợ lắm không?”.

Nàng đáp: “Mới đầu thì cũng sợ. Nhưng anh không có nhà thì còn gì mà sợ? Chúng lục soát một hồi rồi cút. Cả làng Thứa nghe tin anh bị mật thám về tìm, ai cũng kính phục anh”.

Tôi nhắc lại lý tưởng của mình hôm cưới: “Giá như thầy mẹ chậm làm lễ cưới cho chúng mình thì đỡ khổ cho em biết bao!”. Nàng gạt đi: “Anh nhắc lại chuyện ấy làm gì! Đã thành vợ thành chồng thì no đói có nhau, sống chết có nhau”. Ôi! cái triết lý mới giản dị làm sao! Lúc này, tôi mới hiểu ý câu nói của vợ tôi hôm cưới: “Em chả nghĩ thế nào cả”. Đã dứt khoát rằng sống chết có nhau thì còn gì mà phải nghĩ thế nào nữa nhỉ?

Tôi dặn dò vợ tôi về địa điểm liên lạc ở làng Sãi, dấu hiệu thế nào là báo yên, dấu hiệu thế nào là báo động. Kể từ hôm đó, vợ tôi và em gái tôi[2] trở thành giao liên bí mật của tôi giữa làng Đệu và làng Sãi, với vai những cô gái mua dâu về nuôi tằm.

Chúng tôi dậy vào lúc gà gáy canh ba. Trời tối đen như mực. Vợ tôi ra mở cổng và đi trước, cảnh giới, tôi theo sau vài chục mét. Ra khỏi cổng Đông, tôi đi thẳng về Sãi.

Tôi về Sãi được vài hôm thì anh Hiệu từ Hải Dương về. Anh rẽ vào nhà, trên đường ra Hà Nội có việc. May quá, tôi gửi anh mang hộ số vàng và bạc vì anh có giấy tờ tùy thân. Hai anh em cuốc bộ ra Hà Nội, không dám đi xe khách, đề phòng chạm trán với mật thám. Tôi trao cho anh Chương số vàng và bạc để nộp cho quỹ Đảng.

Thành ủy Hà Nội phân công tôi về cơ quan in báo Hồn nước – tờ báo của Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội. Cơ quan in đặt tại một gian nhà lá lụp xụp đầu phố Cầu Giấy, có cửa sau thông vào làng Dịch Vọng Tiền. Ba anh em đều từ Đội Ngô Quyền của trường Bưởi tụ tập về đây, vừa viết bài, vừa viết bản in bằng mực tím đặc quánh, vừa nấu thạch làm bàn in, in xong có người đến lấy đi phân phối.

Chúng tôi được Thành ủy cấp tiền đủ mua gạo và lá bắp cải già làm thức ăn. Lá bắp cải già là thứ người ta loại ra để nuôi ngỗng, nuôi lợn, nhưng trong cái thời buổi chết đói như rạ từ nông thôn đến thành thị này thì có được lá bắp cải già mà ăn đã là tươm lắm rồi. Ngày nào cũng hai món thay đổi, hôm thì luộc, hôm thì muối dưa. Ba thằng lầm lũi làm việc từ sáng sớm tinh mơ đến lúc không còn ánh sáng mặt trời. Ánh sáng điện đâu đến lượt cái phố Cầu Giấy tồi tàn, lụp xụp này!

[1] Anh trai tôi tên là Vũ Văn Nhung, sinh năm 1924. Cũng như tôi, anh tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn đi học trước năm 1945. Anh đã làm Bí thư huyện ủy huyện Mỹ Hào thời kỳ tháng 8/1946 đến tháng 11/1947. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, anh tham gia quân đội. Anh lấy bí danh là Vũ Sơn. Năm 1951, anh hy sinh tại mặt trận ở Ninh Bình trong Chiến dịch Hà – Nam – Ninh. Khi đó anh là Trưởng ban Tuyên giáo Đại đoàn 320 (sau này gọi là Sư đoàn Đồng Bằng). Đây là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mà Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên (1951-1953) là Thiếu tướng Văn Tiến Dũng.

Chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là Chiến dịch Quang Trung) tiến hành từ 28 tháng 5 đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, là chiến dịch lớn đầu tiên ở vùng đồng bằng, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy (Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Chiến dịch), nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của thực dân Pháp ở mặt trận 3 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

[2]  Em tôi tên là Vũ Thị Kính sinh năm 1929. Năm 1945, khi mới 16 tuổi, em Kính đã theo hai anh tham gia hoạt động cách mạng, lấy bí danh là Trần Thị Khang.

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, tỉnh Hưng Yên thành lập Đội nữ du kích Hoàng Ngân (mang tên người nữ anh hùng, bí thư đầu tiên của Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam). Đội nữ du kích Hoàng Ngân có 7.365 chị em tham gia, trong tổng số 11.024 du kích của toàn tỉnh, đã đánh địch trên 1.000 trận, lập nhiều chiến công.

Ở tuổi 20, Trần Thị Khang được giao nhiệm vụ làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc huyện Phù Cừ đồng thời là Đội trưởng Đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện Phù Cừ. Ngày 8 tháng 6 năm 1950, Trần Thị Khang về công tác tại xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, thì gặp địch càn quét. Chúng bắt được em dưới hầm bí mật, tìm mọi cách dụ dỗ rồi dùng cực hình tra tấn hết sức dã man hòng bắt em khai báo cơ sở cách mạng. Không khuất phục được ý chí của em, chúng giết và vứt xác em xuống dòng sông Luộc. Lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân toàn tỉnh Hưng Yên đã phát động tuần lễ giết giặc trả thù cho em.

Ngày 8 tháng 11 năm 2000, liệt sỹ Trần Thị Khang được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2018, Tỉnh ủy Hưng Yên và Hội Phụ nữ tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh công trình Nhà lưu niệm Lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân và AHLLVTND Trần Thị Khang tại thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào. Tên của Liệt sĩ Trần Thị Khang đã được đặt cho tuyến đường trục của xã, nơi có Nhà lưu niệm.