Thời niên thiếu

Về tuổi, tôi muốn mượn câu thơ của Tố Hữu: “Liên Xô nở trước đời tôi 3 tuổi”. Với Tố Hữu là 3 tuổi, còn với tôi là 10 tuổi. Giấy khai sinh của tôi đề ngày 1 tháng 11 năm 1927. Có lần một người bạn muốn xem cho tôi một quẻ tử vi, tôi bèn hỏi thầy tôi: Lấy ngày ghi trên giấy khai sinh được không? Thầy tôi đáp: Đấy chỉ là ngày lão chưởng bạ viết cho mình cái giấy khai sinh. Còn ngày sinh thật thì phải là trước đó ít nhất nửa tháng. Vì muốn lão chưởng bạ viết cho mình cái giấy khai sinh thì phải sửa một bữa rượu mời hắn đến nhà. Sinh con thì có bao nhiêu chuyện phải lo, bữa rượu thịt của lão chưởng bạ đành phải lui lại. Nhiều nhà chẳng lo nổi bữa rượu thịt cho lão, thế là lờ luôn việc khai sinh. Vả chăng, không đi học thì lấy giấy khai sinh làm gì? Con gái thì lấy giấy khai sinh làm gì?

Về cái tên của tôi, cũng có chuyện. Thầy tôi tên Bách – cây tùng, cây bách. Viết chữ Hán thì “Bách” phải có chữ “Mộc” ở bên, nói cách khác, nó thuộc bộ “Mộc”. Các con giai của thầy tôi nhất thiết phải thuộc bộ “Mộc”, thầy tôi ấn định vậy. Mỗi lần đặt tên con trai, thầy tôi phải mất mấy ngày tra cứu Khang Hy từ điển, lục tìm từ đầu chí cuối bộ “Mộc” xem có cái tên nào thích hợp. Đối với tôi, thầy tôi chọn chữ “Dung”.

Có lần tôi hỏi: Cây “Dung” là cây gì?

Thầy tôi đáp: Trong Khang Hy từ điển, chỉ ghi là một loại cây, không biết tiếng Việt gọi là cây gì. Đây không phải là cây Phù dung, tức cây thuốc phiện. Vì “dung” trong “Phù dung” là thuộc bộ “Thảo”, chứ không thuộc bộ “Mộc”.

Tôi lại hỏi: Thầy không biết nó là cây gì, tại sao lại chọn cây ấy?

Thầy tôi đáp: Miễn là chữ ấy thuộc bộ “Mộc”, mà khi đọc ra tiếng Việt không có hàm ý xấu là được[1]. Ra thế! Ý tứ của thầy tôi là vậy.

Tôi sinh ra được ít ngày thì cô tôi ở Hải Dương về chơi. Cô tôi giãy nảy lên: Con em đặt tên là Dung, con anh cũng đặt tên là Dung. Hai anh em trùng tên nhau thì gọi thế nào? Vậy là thầy tôi phải chấp nhận đổi tên tôi vì tôi sinh sau con cô tôi, lại chưa làm giấy khai sinh. Thầy tôi đổi tên tôi là “Giung” – một cách chơi chữ để làm vừa lòng cô tôi. Còn tên bằng chữ Hán thì vẫn giữ nguyên, không đổi. Khi tôi lên một tuổi thì một bà già trong làng đến gặp thầy tôi. Mẹ chồng bà ấy tên húy là Dung, bà ấy yêu cầu không được réo tên mẹ chồng bà ấy ra. Thầy tôi phải chấp nhận đổi tên tôi một lần nữa, mặc dầu mẹ chồng bà ấy đã chết từ đời tám hoánh, mà khi còn sống, người ta chỉ gọi tên bà ấy theo tên chồng rồi theo tên con, chứ có bao giờ biết tên húy của bà ấy đâu! Tôi được đổi tên là Dong từ ngày ấy.

Điều trớ trêu là xã hội không chịu chấp nhận viết tên tôi bắt đầu bằng chữ “Gi”. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), cán bộ tổ chức hoặc cán bộ công an, mỗi lần chép tên tôi vào sổ của họ, đều sửa chữ “Gi” thành chữ “D”. Tôi đành chấp nhận trở lại cái tên ban đầu mà thầy tôi đặt cho tôi.

Nhà tôi ở khoảng giữa làng, thuộc phần cái lòng đỏ của quả trứng. Mảnh đất là của ông nội tôi truyền cho thầy tôi. Đó là một mảnh đất vuông, mỗi chiều hơn chục mét. Thầy tôi làm một cái nhà ba gian hai chái, mỗi đầu hồi còn thừa ra khoảng một mét. Nhà bằng tre, vách đất, lợp rạ, không có cánh cửa. Khi nào mưa gió thì khiêng 3 cái dại bằng tre (hay còn gọi là liếp tre) lắp vào cửa. Những cái dại ấy do chính tay thầy tôi đóng lấy. Chẳng làm gì ra tiền để thuê thợ mộc, chính ông khóa phải kiêm nghề thợ mộc vậy.

Lòng nhà rất hẹp. Gian giữa kê cái bàn thờ, trước bàn thờ là một cái phản để ngồi uống nước và tiếp khách. Hai gian bên, mỗi gian kê hai cái giường tre khít vào nhau. Còn hai chái thì chái bên phải đặt cái cối xay lúa, chái kia đặt cái cối giã gạo. Nhà không có tủ. Quần áo của cả nhà vắt trên hai sợi dây thừng căng sát vách. Trên xà nhà, thầy tôi treo 4 cái quang đựng sách chữ Nho giống như 4 cái quang gánh mạ. Thỉnh thoảng, thầy tôi hạ mấy cái quang sách ấy xuống, lấy vài quyển tra cứu rồi lại treo lên.

Nhà trông về hướng Nam. Trước nhà là một cái sân gạch vừa đủ để phơi mấy thúng lúa. Ở một góc sân gạch, đặt một cái vại chứa nước ăn mà chị tôi ngày nào cũng ra giếng chùa gánh về. Hết sân gạch thì đến cái nhà ngang dài hết đất, gồm một gian chứa dụng cụ, thóc lúa, một gian làm bếp, một gian làm chuồng lợn.

Nhà tôi có ba sào ruộng, ruộng cấy một vụ. Ruộng cao, phải tát nước hai bậc. Năm nào thu được 4 thúng thóc một sào (mỗi thúng chứa được 20 kg thóc) thì mẹ tôi mừng rỡ lắm. Ruộng ít, thóc không đủ ăn, việc không đủ làm. Ngoài những ngày ít ỏi bận rộn đồng áng, mẹ tôi chạy chợ để kiếm thêm. Gánh hàng tấm của bà chỉ bỏ vừa chiếc tay nải. Khoác tay nải lên vai, bà đi đến các chợ và các làng quanh vùng, ngày nào cũng sẩm tối mới về. Bà lại khéo làm tương (tương Bần), trong sân nhà lúc nào cũng có vài chum tương để bán buôn và bán lẻ.

Còn thầy tôi, lúc còn trẻ đã từng “ngồi dạy học” ở nhiều làng trong vùng. Thầy tôi dạy cả chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Người ta gọi thầy tôi là ông Khóa vì ông đậu Khóa Sinh[2]. Đã một lần lều chõng đi thi, mong kiếm được cái danh ông Cử, ông Tú. Chưa kịp thi thố tài năng lần thứ hai thì chính quyền Pháp bãi bỏ các kỳ thi bằng chữ Hán. Thế là thầy tôi rơi vào tình trạng hẫng hụt. Con đường khoa bảng xem như tắc tị. Ở tuổi 20, thầy tôi chuyển sang học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ nhưng cũng không giành được cái bằng “xec-ti-fi-ca” (tức là  chứng chỉ tiểu học) để đi làm giáo viên lớp Đồng ấu như chú tôi. Suốt đời, thầy tôi ôm cái hận “sinh bất phùng thời”, đành phải gửi gắm hy vọng vào hai thằng con trai là anh tôi và tôi. Sau này tôi mới hiểu được nỗi thất vọng cay đắng của thầy tôi. Ông xuất thân từ một dòng họ trí thức Hán học, lấy trí thức làm nghề sinh sống và con đường tiến thân, từ nhỏ đã lao vào đèn sách, với hy vọng đỗ ông Cử, ông Nghè để ra làm quan. Vậy mà con đường khoa bảng đã bị chặn đứng khi thầy tôi mới kịp bước lên bậc thang đầu tiên là Khóa sinh. Có lần tôi hỏi anh Trần Huy Liệu: Khóa sinh là gì? Anh trả lời: Khóa sinh cũng tương tự như Đip-lôm bây giờ. Bốn cái quang sách mà thầy tôi treo trên xà nhà, mỗi cái quang xếp được hai chồng sách, mỗi chồng cao chừng 1 mét cũng nói lên được phần nào cái vốn chữ nghĩa mà một Khóa sinh phải dùi mài trong 15 năm đèn sách.

Nhân đây, tôi nói về dòng họ của thầy tôi, cũng tức là dòng họ của tôi. Điều này, mãi đến những năm về hưu, tôi mới quan tâm tìm hiểu, còn trước đó, cuộc đời cách mạng giống như một cơn gió lốc cuốn tôi đi. Chỉ đôi lúc được nghe thầy tôi hoặc chú tôi kể một vài mẩu chuyện rời rạc về tổ tiên của mình.

Ông tổ họ Vũ làng Xuân Đào đến sinh cơ lập nghiệp ở làng Xuân Đào cách đây khoảng 300 năm (trước hoặc sau năm 1700). Thời đó, làng Xuân Đào “không có chữ” (không có người biết chữ) phải mời thầy ở nơi khác về dạy. Thầy quê ở làng nào, không sách vở nào ghi chép. Thầy tôi chỉ nghe các cụ truyền lại là thầy quê ở vùng Mộ Trạch. Điều đó có thể hiểu là làng Mộ Trạch hoặc một làng ở gần đó có đông người họ Vũ sinh sống. Làng Mộ Trạch[3] cách làng Xuân Đào chưa đến nửa ngày đường.

Thầy ngồi dạy học ở làng Xuân Đào, rồi lấy vợ người làng, định cư luôn ở đó. Thầy hẳn là người có học thức rộng vì con thầy và là học trò của thầy đã đỗ Hương cống (tức Cử nhân), làm quan đến chức Tả thị lang (Thứ trưởng thứ nhất) được vua ban tước Hầu. Đó là đời thứ hai.

Các cụ tổ họ Vũ đều có nhiều con, nhưng gia phả chỉ ghi chép về con trưởng, còn các con thứ thì ngoài cái tên, chẳng ghi chép gì.

Cụ tổ đời thứ ba không đỗ đạt gì, nhưng hẳn là người có học thức cao về y dược nên được vời vào Triều làm quan Ngự y, cai quản cả tả hữu y viện của Triều đình, được vua ban tước Bá và được phong tặng một vùng đất cao làm nơi mộ táng. Vùng đất ấy nay vẫn còn, người làng gọi là “mả quan”. Tôi và lũ bọn trẻ thường chơi thả diều ở đó mà không biết dưới chân mình là nơi tổ tiên của mình an nghỉ.

Cụ tổ đời thứ tư đỗ Hương cống.

Đến đời thứ năm thì chỉ người con thứ đỗ Hương cống.

Đời thứ sáu là ông nội tôi, không đỗ đạt gì, chỉ là một thầy lang.

Như vậy, họ Vũ làng Xuân Đào, đến đời thầy tôi là bảy đời, đã có bốn đời đỗ đạt, làm quan, những người không đỗ đạt thì phần lớn làm thầy đồ, thầy lang. Đó là những nghề được coi là “danh giá”, chỉ những người có học thức mới làm được.

Việc Pháp bãi bỏ các khoa thi chữ Hán có nghĩa là chặn đứng con đường tiến thân bằng thi cử đối với thầy tôi. Ông chuyển sang nghề dạy học. Nhưng cũng chỉ được mấy năm. Nghề này teo tóp dần, vì chẳng còn bao nhiêu học trò góp gạo nuôi thầy để học lấy ít chữ của Thánh hiền. Thầy tôi xoay sang nghề thầy lang. Nhưng ở cái vùng quê nghèo nàn này, có được mấy người bệnh đủ tiền mua thuốc? Thế là dao cầu đành xếp xó. Những năm vỡ đê sông Hồng, thầy mẹ tôi đã phải dắt díu con cái xuống vùng bờ biển Kiến An “làm ấp”, nghĩa là thuê ruộng của địa chủ để cấy lúa. Đất mặn, lúa không lên được, đành phải bồng bế nhau về, sống với cái làng quê nghèo của mình vậy.

Nỗi cay đắng của cái cảnh sức dài vai rộng, chữ nghĩa đầy bồ mà phải bó gối ngồi nhà dày vò thầy tôi, hun đúc trong thầy tôi cả sự bất bình với thời thế, với chế độ, lẫn ý chí, nghị lực phải làm sao vượt lên số phận. Sự bất bình đó và ý chí nghị lực đó có ảnh hưởng rất mạnh đối với tôi.

Năm tôi lên 3 thì thầy tôi ở tuổi 40. Sau khi đã làm đủ thứ nghề mà nghèo vẫn hoàn nghèo, thầy tôi đành chấp nhận phận ở nhà “trông nhà” để mẹ tôi chạy chợ. Nói là “trông nhà”, nhưng thực ra vẫn rất bận rộn.

Về việc đồng áng, thầy tôi giúp mẹ tôi tát nước, nhổ mạ, phơi thóc, phơi rơm, nấu cơm cho thợ cày thợ gặt trong mấy ngày mùa vụ.

Công việc chăm nom, dạy dỗ con cái có lẽ là công việc bận rộn nhất của thầy tôi. Thầy mẹ tôi có 9 người con [4]. Đứa nào cũng chỉ được ngủ với mẹ đến năm lên 2. Khi mẹ sinh em bé thì phải sang ngủ với thầy. Thầy tôi lần lượt đóng vai “vú em” đối với tất cả chúng tôi. Tôi còn nhớ những lần tôi sốt, người nóng như hòn than, thầy tôi bế tôi suốt đêm, ban ngày lại đi kiếm lá nhọ nồi, lá rau má giã ra cho tôi uống. Những lần tôi đau mắt, thầy tôi kiếm lá dành dành, giã ra làm thạch, đắp lên mắt cho tôi. Thi thoảng, thầy tôi cũng lên phố huyện, cắt vài thang thuốc bắc sắc cho tôi uống. Suốt cả thời thơ ấu, tôi không biết đến một viên thuốc Tây, chỉ sống nhờ thuốc Nam, thuốc Bắc do thầy tôi điều trị.

Đối với cả 9 người con, thầy tôi đều đóng vai thầy dạy vỡ lòng. Con gái thì dạy cho đến lúc đọc thông viết thạo, thuộc lòng bảng cửu chương, làm được bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Học nữa cũng chẳng để làm gì, thầy tôi bảo vậy. Con trai thì dạy thêm tiếng Pháp để vừa đủ vào học lớp Đồng ấu trường huyện[5]. Cả huyện chỉ có một trường tiểu học gồm 6 lớp. Học hết lớp 3 thì thi để lấy bằng “Sơ học yếu lược”. Có được cái bằng này thì mới làm được chức chưởng bạ (một chức dịch trong làng, chịu trách nhiệm giữ Sổ sinh tử, giá thú). Học tiếp 3 lớp nữa thì thi để lấy Chứng chỉ tiểu học, gọi là bằng “xéc-ti-fi-ca”.

Những gì đọng lại trong trí nhớ của tôi là cái thuở lên 3 trở đi. Với tuổi ấy, tôi không còn được ngủ với mẹ mà phải ngủ với thầy. Mấy anh chị em tôi nằm kín 2 cái giường tre kê sát nhau, thầy tôi nằm ngoài cùng để chặn cho chúng tôi khỏi lăn xuống đất. Một cái màn gian, nhuộm nâu, có nhiều miếng vá, trùm kín cả hai cái giường. Gian bên kia thì mẹ tôi nằm với em và chị tôi.

Sáng sớm, khi tôi thức dậy thì chỉ còn một mình tôi trên giường. Tôi dụi mắt, nhảy xuống đất và lách qua cái ngách ở đầu hồi để sang nhà hàng xóm. Bên ấy có một bãi đất trống là điểm hẹn của mấy đứa bạn cùng xóm. Từ sáng sớm đến sẩm tối, bọn tôi chơi không biết chán đủ các trò: đánh bi, đánh đáo, đánh khăng, ô ăn quan, trốn tìm, rồng rắn, bịt mắt bắt dê, đổ nước bắt dế, bứt cọng lá tre để câu những con sâu đất. Có ngày, cả bọn say sưa câu cá, chui rúc vào lũy tre gai quanh làng để tìm chỗ câu thuận lợi. Với lưỡi câu là những cái kim khâu uốn cong thì chỉ bắt được những con săn sắt, những con rô ron. Nhưng niềm vui của chúng tôi khi câu được những con cá nhỏ này lại là rất lớn.

Dù đang chơi trò gì, khi nghe những tiếng gọi nhau í ới từ cổng làng vọng lại “Tây đoan, chúng mày ơi!”, “Lính huyện, chúng mày ơi!” thì cả bọn cùng lập tức chạy đến bâu quanh như một đàn ruồi. Bọn lính xua đuổi thì dãn ra để rồi lại xúm lại ngay. Trong đầu bọn tôi, có một lý lẽ rất cứng: “Làng tao, tao chơi, chúng mày có quyền gì mà đuổi?”.

Tôi chơi với lũ bạn cho đến khi nào thầy tôi hoặc chị tôi gọi về ăn cơm. Ngồi vào chiếu, và vội mấy bát cơm rồi lại biến, vì lũ bạn vẫn đang chờ. Chơi đến nửa buổi, thấy “kiến bò bụng” thì chạy về hỏi thầy: “Còn cơm nguội không, con ăn nhé?”. Thầy tôi bảo: “Thử vào nồi xem, còn thì ăn”. Vét được bao nhiêu thì vét, rồi mở vại dưa ra, chan một muôi nước dưa, chế thêm mấy giọt nước mắm, và xì xụp, sao mà ngon thế! Cho đến tuổi 70-80, tôi vẫn giữ ấn tượng về món cơm chan nước dưa, và bất cứ khi nào có cơ hội, tôi đều không quên thưởng thức món ăn đó.

Sẩm tối, thầy tôi gọi về. Mấy anh chị em quây quần quanh cái vại nước. Thầy tôi lần lượt gọi từng đứa ngồi xuống, để thầy tôi rửa mặt mũi chân tay bằng một gáo nước múc vào cái chậu thau bé xíu. Rửa chân tay xong, vẫn đi đất, khi nào lên giường ngủ thì chỉ cần xoa hai bàn chân vào nhau cho sạch bụi. Anh chị em tôi không đứa nào có guốc dép gì cả. Chỉ thầy tôi có một đôi guốc mộc, khi nào có việc làng, việc họ thì xỏ vào chốc lát. Thầy tôi còn có một đôi giầy Gia Định, cất cẩn thận ở một chỗ kín, khi nào có việc đi xa mới cắp nách mang đi, đến nơi mới xỏ chân vào. Chẳng hiểu đôi giầy này có phải sản xuất tại Gia Định không, hay là sản xuất tại Hà Nội theo kiểu của Gia Định? Nó gồm một cái đế bằng da cứng và một cái mũi bằng da mềm, bóng láng, che đủ 5 ngón chân. Khi xỏ chân vào giầy thì phải kéo lê mà đi.

Mẹ tôi cũng có một đôi dép. Nó đơn giản hơn, chỉ gồm một cái đế bằng da cứng queo và một cái vòng bằng da xỏ vừa một ngón chân giữa. Đôi dép này, mẹ tôi chỉ dùng khi đi chơi họ hàng những ngày giỗ Tết. Những dịp đó, mẹ tôi còn đội một cái “nón thúng quai thao”, to bằng cái mâm, trông rất là đĩnh đạc, oai vệ. Hàng ngày, đi làm đồng và đi chợ, mẹ tôi chỉ dùng cái nón chóp, nó gọn gàng hơn cái nón thúng.

Nhà tôi chỉ ăn một ngày hai bữa, vào buổi sáng và buổi trưa. Buổi tối thì nhịn đói đi ngủ. Tuy vậy, thỉnh thoảng mẹ tôi cũng kiếm được một chút gì đó cho buổi tối, hoặc là một nắm ngô rang, hoặc là vài củ khoai nước.

Nhà tôi tuy vậy vẫn là một nhà khá giả trong làng: không bị đứt bữa ngày nào và không phải ăn cơm độn. Thức ăn hàng ngày là rau muống luộc chấm tương, dưa muối hoặc cà muối. Chỉ khi nào có khách thì mẹ tôi mới làm hai món đặc biệt là rau muống xào và đậu rán.

Trừ mấy ngày giỗ Tết, họa hoằn lắm nhà tôi mới ăn thịt, cá. Tôi nhớ mãi món cá thu nướng mà mẹ tôi mua về nhân một chuyến đi bán hàng mãi tận Kiến An. Từ bé đến lớn mới có một lần được nếm món cá ngon thế!

Việc may mặc cho cả nhà do một tay thầy tôi lo. Mẹ tôi mua vải mộc và củ nâu về. Tự tay thầy tôi nhuộm nâu, cắt và khâu thành quần áo cho cả nhà. Mỗi người chỉ có hai bộ để thay đổi. Mùa đông thì mặc hai lần áo cho đỡ rét.

Thầy tôi còn kiêm cả việc dọi nhà, trát vách, đóng dại che mưa, sửa chữa nông cụ.

Trong chuồng nhà tôi bao giờ cũng nuôi một con lợn bột. Mỗi năm cần mổ ba con, vào dịp giỗ ông nội, giỗ bà nội và Tết nguyên đán. Ông nội tôi có 3 người con trai thì bác cả tôi phiêu bạt vào Thanh Hóa làm lang thuốc từ hồi còn trẻ, thầy tôi tuy là con thứ nhưng vẫn phải cáng đáng giỗ tết. Mẹ tôi coi việc lo liệu giỗ tết cho nhà chồng là bổn phận lớn nhất, thiêng liêng nhất của người con dâu trưởng. Vì vậy, mỗi năm bà đều nuôi 3 lứa lợn nhằm vào 3 dịp giỗ tết. Cứ đến ngày giỗ ông nội, bà nội tôi thì tất cả các bác, các cô, các chú tôi cùng các con, các cháu dù ở đâu xa cũng đều tụ họp ở nhà tôi để cúng cụ. Vào mỗi dịp đó, thầy mẹ tôi đều cho mổ một con lợn, làm hơn chục mâm cỗ. Khi các bác, các cô, các chú ra về, mẹ tôi không quên gói cho mỗi người một đùm xôi thịt, gọi là quà đón tay cho các cháu ở nhà.

Vào dịp Tết nguyên đán, tuy họ hàng không tụ tập vào một ngày nhất định, nhưng đều lần lượt đến lễ tổ tiên trong mấy ngày Tết. Vì vậy thầy mẹ tôi cũng phải mổ một con lợn để thết đãi.

Sau này tôi mới biết, chỉ lo 2 cái giỗ và một cái Tết thì thầy mẹ tôi đã tiêu hao hết cả mọi nguồn tích lũy ít ỏi của mình! Tần tảo quanh năm để đủ lo cho đàn con không bị đói, và lo được 3 cái giỗ Tết, mẹ tôi lấy đó làm mãn nguyện lắm rồi.

Trong công việc hàng ngày của thầy tôi, còn phải kể cả việc băm bèo, nấu cám lợn và cho lợn ăn. Với những công việc mà thầy tôi đảm nhiệm thì thật ra phải luôn chân luôn tay suốt cả ngày. Có như vậy thì mẹ tôi mới có thể yên tâm chạy chợ từ sáng sớm tinh mơ đến sẩm tối, hoặc suốt ngày đi cấy, gánh phân ra đồng.

Một hôm, thầy tôi bảo: “Sang năm lên 6 rồi, con phải lên trường huyện học. Từ bây giờ, sau bữa ăn sáng, phải học một lúc rồi mới được đi chơi”.

Thầy tôi đóng cho tôi một cái ghế thấp bằng một viên gạch, ngồi vào ghế thì lấy cái phản làm bàn học. Thầy tôi ngồi trên phản, chỉ vào sách cho tôi học. Mọi sự đều trôi chảy cho đến khi học tiếng Pháp. Thầy tôi viết cho tôi một trang đầy chữ tiếng Pháp, bảo tôi nhìn vào mặt chữ mà đọc to lên cho đến khi thuộc lòng. Sáng nào tôi cũng gào:

  • lơ cốc là con gà trống
  • la pun lơ là con gà mái
  • lơ bớp là con bò
  • la vát sơ là con bò cái
  • la me dông là cái nhà
  • la poóc tơ là cái cửa

Thỉnh thoảng, thầy tôi lại kiểm tra: con gà mái thì gọi là gì?

Khi học sang mẹo luật, thầy tôi giảng: cái gì có chữ “lơ” ở đầu thì là giống đực, cái gì có chữ “la” ở đầu thì là giống cái. Bỗng dưng tôi bật cười ngặt nghẹo. Thầy tôi hỏi: “Sao lại cười?”. Tôi đáp: “La vát sơ là con bò cái, thì đúng là giống cái rồi. Nhưng cái nhà, cái cửa, nó có đẻ ra con đâu mà gọi là giống cái?”. Thầy tôi ngớ người ra một lúc rồi chặc lưỡi: “Tây nó nói thế thì mình học thế”. Tất nhiên là tôi phải học thế, nhưng trong bụng vẫn nghĩ: “Cái mẹo luật của bọn Tây thật ngớ ngẩn!”.

Khi học về chia động từ, thầy tôi viết một loạt dòng cho tôi học:

Giơ suy – tôi là

Tuy e – anh là

In le – nó là

Gào một lúc, bỗng dưng tôi dừng lại. Chắc là thầy tôi viết sai, tôi bèn sửa là:

Giơ suy – tôi là

Tuy suy – anh là

In suy – nó là

Vừa mới nghe tôi gào được 3 câu, thầy tôi đã trừng mắt: “Mù hay sao mà không đọc được chữ?”. Tôi đáp: “Con đâu có mù, thầy viết sai thì có. Tôi là, anh là, nó là, vậy thì chỉ có 3 ngôi anh, tôi, nó là đổi thôi. Còn “là” thì vẫn phải giữ nguyên chứ?”. Thầy tôi ngớ người ra một lúc rồi dịu giọng: “Thì Tây nó nói vậy, mình phải học vậy”. Tôi nghĩ bụng “Cái bọn Tây này thật ngớ ngẩn!”.

Năm tôi lên 6 (thật ra mới 5 tuổi rưỡi), thầy tôi dẫn tôi lên trường huyện để xin vào lớp Đồng ấu. Tôi cắp nách một quyển vở, tay cầm một cái bút có ngòi bằng sắt và đeo vào ngón tay một lọ mực tím. Đến nơi thì mực tím vấy đầy tay, phải nhặt lá bàng khô chùi mãi mới sạch. Cô giáo lớp tôi mặc quần áo “tân thời” (quần trắng, áo dài trắng), má đánh phấn, môi bôi son. Đó là mẫu người mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Tuy là lớp Đồng ấu nhưng việc gì cũng phải nói bằng tiếng Tây. “Chúng tôi xếp hàng”, “chúng tôi vào lớp”, “chúng tôi ngồi xuống”, tất cả đều phải nhắc lại đồng thanh bằng tiếng Tây theo nhịp gõ thước kẻ của cô giáo. May mà thầy tôi đã kịp nhồi cho tôi mấy câu tiếng Tây đó, nếu không thì tôi cũng chỉ ê a như mấy thằng bạn bên cạnh.

Trường tiểu học của tôi học ngày hai buổi. Từ nhà tôi đến trường xa hơn 2 cây số. Buổi trưa, tôi phải ở lại trường. Một mình tôi tha thẩn ở sân trường, khi thì gốc bàng này, khi thì gốc me kia. Những hôm có phiên chợ Thứa, mẹ tôi hẹn tôi ra chợ, dúi cho tôi chút gì để ăn trưa, khi thì cái ngô, cái bánh tẻ, lúc thì củ khoai, lá bún. Không có phiên chợ thì nhịn đói cho đến tối về nhà ăn cơm. Khổ nhất là những ngày mưa dầm gió bấc. Từ nhà tôi ra đến đường số 5, đường đất thịt, gồ sống trâu, trơn như đổ mỡ, tôi phải lấy hết sức bình sinh ghì cái ô xuống, chỉ sợ gió bốc cả ô lẫn mình lên trời. Những ngày nắng thì đi đầu trần, không phải mượn ô của thầy tôi.

Ba năm trôi qua lặng lẽ, tôi đậu sơ học yếu lược. Kỳ nghỉ hè năm đó, chú tôi ở Hải Dương về chơi. Chú tôi bảo với thầy mẹ tôi: “Năm học tới, hai bác cho cháu Dong đi với tôi, tôi nuôi đỡ hai bác cho đến khi cháu đỗ “xéc”. Chú thím tôi không có con, làm giáo viên lớp Đồng ấu mà lương cũng khá, nuôi hết mấy anh con bác cả tôi, rồi nuôi đến anh tôi, nay đến lượt tôi. Mỗi người đều được chú tôi nuôi cho đến đậu xéc-ti-fi-ca, nghĩa là hết lớp của trường tiểu học mà chú tôi dạy lớp Đồng ấu ở đó.

Vì tiết kiệm tiền tàu xe, thầy tôi không dẫn tôi đến trường của chú tôi, mà sẽ dẫn tôi ra đường số 5, vẫy xe ô tô khách, gửi tôi đến ga Tiền Trung (quá thị xã Hải Dương), từ đó, tôi phải tự mình tìm đường đến làng Tiên Tảo. Từ ga Tiền Trung đến làng Tiên Tảo phải qua một con đò, rồi đi đường đồng 3-4 cây số nữa. Đi đến đâu, hỏi thăm đến đó. Đường là ở mồm, thầy tôi dặn vậy. Gần đến giờ ra xe, lòng lôi nao nao thổn thức khi nghĩ đến xa mẹ tôi, xa thầy tôi, xa nhà tôi, xa làng tôi, xa lũ bạn tôi. Tôi ôm chầm lấy mẹ tôi mà nói: “Con không đi đâu, con ở nhà với bu cơ”. Tôi khóc nức nở, nước mắt giàn giụa. Mẹ tôi ôm tôi vào lòng, vuốt nhẹ tóc tôi, giọng thì thầm như nghẹn nước mắt: “Thầy bu nghèo, không nuôi nổi con. Con gắng đi với chú mà ăn học cho nên người”. Nghe mẹ tôi nói, tôi càng thương mẹ tôi, lòng tôi càng thổn thức. Rồi bỗng nhiên, trong đầu tôi vụt nảy ra ý nghĩ: “Thương mẹ, sao không theo lời mẹ, làm cho mẹ đỡ khổ?”. Nhận ra bổn phận của mình đối với mẹ, tôi đứng phắt dậy, lau nước mắt: “Con đi, bu nhé!”. Trên khuôn mặt hiền từ của mẹ tôi, thoáng hiện một nụ cười làm tôi phấn chấn.

Từ nhà ra đến đường số 5, tôi cố kìm nén mà lòng vẫn nao nao thổn thức. Khi bước chân lên chiếc xe khách, tôi không khóc mà nước mắt vẫn giàn giụa. Một ông già trên xe an ủi tôi: “Cậu bé xinh trai ơi, chẳng việc gì mà phải khóc! Đi một lát thì đến ga Tiền Trung thôi!”. Câu nói của ông già làm tôi sực nhớ đến đoạn đường từ ga Tiền Trung đến Tiên Tảo. Lúc đó mà không tỉnh táo thì chỉ có lạc đường, chẳng ai giúp mình được đâu. Tôi lập tức im bặt, dường như cảm thấy mình chẳng còn bé bỏng gì nữa. Tôi bước vào đời như một con người tự lập kể từ giờ phút đó.

Sau 3 năm học ở trường Tiên Tảo, tôi thi đậu xéc-ti-fi-ca. Hôm đi thi, chú tôi thết một nửa chiếc bánh mì kẹp trứng tráng và một cốc cà phê loãng. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức những thứ đó. Chú tôi rất hãnh diện về thằng cháu mới 11 tuổi rưỡi mà đã đỗ “Xéc”!

Đậu xong xéc-ti-fi-ca, tôi trở về nhà. Năm ấy cũng là năm anh tôi đậu Điplôm (tốt nghiệp Trung học cơ sở) và được tuyển dụng làm thư ký Sở Dây Thép [6]. Anh tôi cũng do chú tôi nuôi cho ăn học 3 năm đến khi đậu xéc-ti-fi-ca. Sau đó, anh tôi dự kỳ thi tuyển vào trường Bưởi và trúng tuyển. Cái khó là ở chỗ làm sao có tiền để trọ học ở Hà Nội. Tiền trọ học một tháng ở Hà Nội xoàng ra cũng phải bằng một tạ gạo. Mà 3 sào ruộng của mẹ tôi cả năm cũng chỉ cho thu hoạch một tạ rưỡi gạo! Nếu không có sự giúp đỡ của cụ Cả Ngoạn (cụ thân sinh của họa sĩ Lương Xuân Nhị) thì anh tôi cũng không có khả năng trọ học ở Hà Nội. Cụ Cả Ngoạn là người làng tôi, hồi trẻ rất nghèo, phải ra Hà Nội làm thuê, sau nhờ kinh doanh mà trở nên giàu có. Cụ là người họ Lương. Bà nội của thầy tôi cũng là người họ Lương mà cụ gọi bằng bà cô. Quan hệ họ hàng tuy xa, nhưng cụ và thầy tôi là bạn thân của nhau từ hồi còn trẻ. Do quan hệ như vậy, cụ sẵn sàng nhận anh tôi “trọ học” ở nhà cụ. Nói là trọ học, nhưng thực ra, thầy mẹ tôi chỉ lo nổi suất gạo ăn cho anh tôi, còn thức ăn và chỗ ở thì hoàn toàn dựa vào sự giúp đỡ của Cụ.

Sau khi tôi đậu xéc-ti-fi-ca, thầy mẹ tôi và chú tôi rất muốn cho tôi dự kỳ thi tuyển vào trường Bưởi như anh tôi. “Với sức học của nó thì chắc trúng thôi” – chú tôi khẳng định như vậy. Nhưng tiền đâu để trọ học ở Hà Nội? Đã thằng anh nhờ vả người ta, nay lại đùn thằng em cho người ta, coi sao tiện? Như vậy là câu chuyện học tiếp lên Trung học của tôi xem như tắc tị. Tôi không lấy điều đó làm buồn phiền vì biết phận mình con nhà nghèo, làm gì có tiền mà ra Hà Nội học? Bạn cùng lứa tuổi với tôi nói chung đều chỉ học đến sơ học yếu lược rồi nằm khoèo ở nhà, muốn chăn trâu cắt cỏ thì cũng chẳng có trâu mà chăn.

[1] Theo từ điển từ Hán Việt, thì từ cây Dung (hay dong) được viết 榕, đọc tiếng Trung là rong. Từ điển Trung – Anh giải nghĩa là “banyan tree” – tên một loại cây cực lớn, tàn cây rất rộng, bóng cây che được cả ngàn người. Từ điển Thiều Chửu viết: Cây “dong”, một loài cây như cây si. Trong một bài dịch thơ Trần Nhân Tông, Ngô Tất Tố dịch 榕 dong là cây đa: “Lão dong ảnh lí tăng quan bế” nghĩa là “Dưới bóng cây đa già cửa nhà sư đóng”.

[2] Thời phong kiến, triều đình tổ chức các kỳ thi (thi hương, thi hội, thi đình) để tuyển chọn người bổ nhiệm làm quan. Thi hương là một khoa thi về nho học liên tỉnh, 3 năm tổ chức một lần. Một người thường dân muốn dự thi Hương ngoài việc phải được chức sắc địa phương xác nhận về lý lịch, đạo đức, còn phải qua khảo hạch – tức là kiểm tra trình độ học lực bằng kỳ thi khả năng ghi nhớ Tứ thư và Ngũ kinh. Những người qua được khảo hạch thì gọi là Khóa sinh. Nếu tiếp tục đi thi hương gồm 4 kỳ thi, đỗ qua 3 kỳ thì được gọi là Tú tài, qua 4 kỳ là Cử nhân. Đỗ Tú tài thì không được triều đình bổ dụng; còn đỗ Cử nhân thì được ban chức quan cửu phẩm (hạng thấp nhất), được tiếp tục đi thi hội. Thi hội được tổ chức ở kinh đô 3 năm một lần, cũng gồm 4 kỳ thi. Trước năm 1442, đỗ cả 4 kỳ thi hội thì được gọi là Cống sĩ; từ năm 1442 trở đi được gọi là Tiến sĩ Nho học. Thi đình là kỳ thi cao nhất, những người đỗ các cấp độ khác nhau theo điểm (Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Hoàng giáp, Đồng tiến sĩ, Phó bảng) được bổ nhiệm các chức quan trong triều.

[3] Làng Mộ Trạch là một ngôi làng cổ, nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng nằm cách Hà Nội khoảng 50 km ven quốc lộ 5 (đường Hà Nội – Hải Phòng), cách làng Xuân Đào khoảng gần 20 km. Làng có nhiều dòng họ khác nhau, trong đó, họ Vũ chiếm tỷ lệ cao nhất 87,3%.

Làng Mộ Trạch nổi danh là ngôi làng khoa bảng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, với số lượng Tiến sĩ Nho học nhiều nhất cả nước: 36 người đỗ Tiến sĩ Nho học, trong đó có 1 Trạng nguyên và 11 Hoàng giáp. Trong danh sách đại khoa, họ Vũ chiếm đa số tuyệt đối với 29 vị, những vị đại khoa không phải họ Vũ còn lại đều có mẹ là họ Vũ.

[4]  Thầy tôi là cụ Vũ Văn Bách (sinh năm 1889, mất năm 1981) và mẹ tôi là cụ Phạm Thị Nhân (sinh năm 1891, mất năm 1971), cả hai cụ quê quán ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Thầy mẹ tôi có 9 người con, 6 gái, 3 trai. Tôi là con thứ 5. Các anh chị em đều tham gia cách mạng và  làm việc ở các cơ quan Nhà nước. Anh trai và em gái của tôi là liệt sĩ thời chống Pháp: anh Vũ Văn Nhung (bộ đội, hy sinh năm 1951) và em Vũ Thị Kính (du kích, hy sinh năm 1950).  

[5]  Hệ thống giáo dục thời Pháp thuộc những năm 1920-1030 chia làm ba cấp: cấp một là tiểu học, cấp hai là cao đẳng tiểu học, cấp ba là bậc trung học (tú tài), với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường bản xứ. Chương trình tiểu học bản xứ chia thành sáu lớp:

– Lớp Đồng ấu (Cours Enfantin)

– Lớp Dự bị (Cours Préparatoire)

– Lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire)

– Lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année)

– Lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) (9)

– Lớp Nhất (Cours Supérieur)

Ba lớp đầu còn được gọi là bậc sơ học. Học sinh học xong lớp Sơ đẳng thì thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Primaire élémentaire). Học hết lớp Nhất thì thi lấy bằng Tiểu học yếu lược hay Sơ đẳng tiểu học (Certificat d’etudes primaire franco-indigène), người dân gọi tắt là “xéc-ti-fi-ca” hay “xéc”; phải có bằng này mới được dự tuyển học lên lớp trên.

Bậc Cao đẳng tiểu học (Primaire) 4 năm, học hết thì thi lấy bằng Cao đẳng tiểu học (Diplôme d’étude primaire supérieurs franco-indigène) còn gọi là bằng Thành chung, người dân gọi tắt là “đíp-lôm”.

Bậc Trung học (Enseignement secondaire) còn được gọi là bậc Tú tài Pháp-Việt, gồm 3 năm. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu bằng này được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển. Học xong năm thứ ba thi lấy bằng Tú tài toàn phần (Certificat de fin d’études secondaire franco-indigènes).

Hễ có bằng Tú tài toàn phần thì đương nhiên được vào học trường đại học (Université), nhưng muốn vào các trường cao đẳng thì phải qua một kỳ thi tuyển rất khó. Trước 1945, Việt Nam chỉ có một trường đại học và vài trường cao đẳng chuyên nghiệp ở Hà Nội như sư  phạm, canh nông, thú y, công chánh và mỹ thuật.

[6] “Sở dây thép”, “nhà dây thép” là từ dùng để gọi trụ sở bưu điện, bưu cục thời Pháp thuộc. Gửi điện tín thì gọi là “đánh dây thép” (từ này có viết ở đoạn sau).