Trận đòn cuối năm học

Đầu năm 1944, để đề phòng những trận ném bom dữ dội của không quân đồng minh nhằm vào quân đội Nhật, trường Bưởi được sơ tán về 2 trường dòng, một ở Phúc Nhạc (Ninh Bình), một ở thị xã Thanh Hóa. Tôi và anh Phùng Văn Phúc thuộc bộ phận sơ tán về Thanh Hóa. Năm 1944 là năm mà phong trào cách mạng trong nước dâng cao, tổ chức cách mạng của chúng tôi sau khi bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương, được chỉ thị gia tăng hoạt động tuyên truyền và mở rộng các tổ chức cứu quốc trong học sinh trường Bưởi. Chúng tôi bí mật viết khẩu hiệu lên bảng các phòng học, đặt truyền đơn vào ngăn bàn của từng học sinh nội trú. Chúng tôi vận động học sinh nội trú phản kháng thái độ lục lọi của một giám thị mới mà chúng tôi phán đoán là mật thám (sau này phát hiện đúng là như vậy). Số lượng học sinh tham gia các tổ chức cứu quốc tăng rõ rệt.

Chúng tôi không bị bắt quả tang lần nào, nhưng hết năm học, khi tôi về nhà nghỉ hè thì thầy tôi hầm hầm chìa cho tôi một tờ giấy. Tờ giấy có đóng dấu và chữ ký của Hiệu trưởng. Nội dung: thông báo tôi bị cắt học bổng toàn phần và đưa ra khỏi nội trú kể từ đầu năm học 1944-1945. Lý do: tôi là một học trò quấy phá (élève turbulent). Liếc qua, tôi mừng thầm vì họ chưa biết gì về những hoạt động cách mạng của mình, chỉ đánh giá mình là thằng quấy phá. Tuy nhiên, vẫn phải dè chừng cẩn thận hơn với lão giám thị mật thám. Hắn đã đánh hơi biết mình là ai. Chờ tôi đọc xong, thầy tôi quát: “Nuôi cho mày ăn học, để mày phá hại thế này à? Nằm xuống!”. Tôi lẳng lặng nằm úp mặt xuống phản. Thầy tôi quất roi mây tới tấp vào mông tôi. Bị đánh đòn mà không thể xin lỗi, không thể hứa từ này xin chừa. Có lỗi gì đâu mà xin lỗi? Cũng không thể hứa xin chừa, vì còn làm cách mạng thì còn bị chính quyền thuộc địa trừng phạt.

Quất roi một hồi mà vẫn thấy tôi nằm im như khúc gỗ, thầy tôi chuyển từ giận dữ sang ngạc nhiên. Thầy tôi quẳng roi xuống đất, ngồi thở. Tôi lổm ngổm bò dậy, miệng vẫn câm như thóc, chưa tìm được lý lẽ gì làm cho thầy tôi nguôi giận.

Buổi tối, mẹ tôi đi chợ về. Biết tin tôi bị cắt học bổng, mẹ tôi thở dài ngao ngán. Tôi bèn tìm lời an ủi: “Con không hư đâu, mẹ ạ. Con có va chạm với một lão giám thị, lão ấy trù con, báo cáo sai lên Hiệu trưởng. Nhưng mẹ khỏi lo. Với sức học của con bây giờ, con có thể tự mình kiếm sống bằng cách làm gia sư cho con nhà giàu, đủ tiền cho con ăn học đến nơi đến chốn”.

Hết kỳ nghỉ hè, tôi lại vào Thanh Hóa học tiếp năm thứ ba mà không xin tiền của thầy mẹ tôi. Cùng tổ hoạt động với tôi có Lã Triều Khu (sau này lấy tên là Lê Khánh). Khu học trên tôi 2 lớp. Nghe tôi kể về trận đòn, cậu ta cười híp mắt. Cười xong, cậu ta phán: “Cậu khỏi phải lo kiếm việc gia sư làm gì. Bà bô mình cho mình đủ tiền, có thể “bao” cậu trọ học cùng với mình”. Bố của Khu là ông Lã Xuân Mai, cử nhân Hán học, được cử làm tri phủ Gia Viễn, vì vậy khả năng tài chính của cậu ta là có thật. Tôi dọn đến trọ cùng với Khu. Điều này cũng tạo thuận lợi cho hoạt động cách mạng của chúng tôi. Kể từ mùa thu năm 1944, cả Khu và tôi đều dành hầu hết thời gian cho hoạt động cách mạng, chỉ láng cháng đến lớp. Tuy vậy, kết quả học tập của cả hai thằng đều không tồi.

Ngay từ đầu năm 1944, Khu và tôi đã được lệnh đạp xe về Hà Nội để nhận một bàn in thạch đưa về Thanh Hóa. Chúng tôi đã thiết lập xong nhà in trước khi nghỉ hè. Nhà in được đặt ngay trong ngôi biệt thự của quan Huấn đạo tỉnh Thanh Hóa. Anh Châu, con ông này, là tổ viên cùng tổ với Khu và tôi. Anh được dành hẳn một phòng rộng ở tầng trệt, còn bố mẹ anh thì ở tầng 2. Hàng ngày, 3 thằng làm việc miệt mài ở “nhà in”. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng học sinh trường Bưởi thật là chăm ngoan. Chúng tôi in truyền đơn và áp phích theo nội dung được chuyển từ Hà Nội vào. In xong mẻ nào, 3 thằng lại phân công nhau giao tài liệu cho các tổ khác, chỉ giữ lại một phần cho tổ mình để tự mình tán phát. Khi đi tán phát thì một thằng dán áp phích và rải truyền đơn, còn 2 thằng canh gác 2 đầu. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Cả trường Bưởi, cả thị xã Thanh Hóa sôi sục lên vì truyền đơn, áp phích, hết đợt này đến đợt khác.