Cái duyên tôi được gặp GS Trần Phương lần đầu
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về tin học ở CHDC Đức về, tôi làm giảng viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào khoảng giữa năm 1995, tôi đến thăm GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục năm 1987-1990) ở gần nhà tôi trong làng Ngọc Hà. Anh Hạc không có nhà. Tôi định ra về thì nghe tiếng xe máy dừng ở cửa. Nhìn ra thấy một người đàn ông to lớn ngồi trên yên xe, ngồi sau là anh Hạc. Tôi ra chào hai người. Anh Hạc giới thiệu: “Đây là anh Dương Minh Thi. Chúng tôi có chút việc giờ mới xong”. Anh Hạc cũng giới thiệu tôi với anh Thi. Tôi mời hai anh sang nhà tôi uống trà. Trong câu chuyện, tôi mới biết anh Thi làm ở Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Anh còn cho biết Hội đã làm thủ tục thành lập trường đại học. Trong cuộc “hàn huyên” hôm đó, biết tôi là Tiến sĩ tin học ở Đức về, anh Thi khuyên tôi đến trường của Hội làm khi trường được phép hoạt động. Tôi nói: “Em bận lắm. Thực ra hôm nay đến gặp anh Hạc là để xin anh tư vấn xem nên đặt Trung tâm Phần mềm định thành lập theo Nghị định 35 của Chính phủ ở đâu”. Anh Thi nói ngay: “Hay đặt ở Hội tôi, do anh Trần Phương làm Chủ tịch”. Tôi e ngại: “Ông ấy là Phó Thủ tướng… Em sợ khó nói chuyện”. Anh Thi bảo: “Yên tâm, tôi sẽ giới thiệu anh với GS Trần Phương! Hay chiều nay mình đến gặp luôn?”.
Tạm biệt anh Hạc, hai chúng tôi đi ngay sang nhà GS Trần Phương ở “Xóm hưu trí “ Bắc Hưng Hải, Xuân Quan, cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km. Đến nơi, tôi dừng xe máy ngoài cổng, thì anh Thi bảo: “Anh Thảo dắt xe vào trong này”. Tôi vội dắt xe qua cổng và lặng lẽ theo anh Thi vào nhà.
GS Trần Phương đang ngồi làm việc bên chiếc bàn đầy sách. Thấy chúng tôi, Giáo sư đứng dậy bắt tay anh Thi và tôi, rót nước chè xanh mời hai người. Chào hỏi xong, trong khi tôi còn hồi hộp chưa kịp nói gì, anh Thi đã nói ngay: “Thưa anh, đây là anh Thảo, Tiến sĩ Tin học Đức, đang dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh Thảo định xin anh đặt một Trung tâm Tin học chuyên về thiết kế phần mềm tại Hội Khoa học Kinh tế của ta”. GS Trần Phương nói ngay: “Sao không đặt ở nơi khác? Hội đã thực sự cần lĩnh vực này chưa nhỉ?”. Tôi mạnh dạn: “Thưa Giáo sư, nghe nói Hội sắp thành lập trường đại học. Phần mềm có ý nghĩa với trường lắm”. Tôi giải thích ngắn gọn về chức năng và tác dụng của Hệ thống mạng. GS Trần Phương bảo: “Ừ, có lý. Thế anh làm dự án đi, tôi ký. Sau này trường ra đời, anh có nhu cầu về trường làm việc, sẽ tính sau”. Chúng tôi chào Giáo sư và ra về. Cuộc gặp không quá 20 phút! Tôi cứ nghĩ một việc như vậy, ở một người khác còn bàn đi tính lại hàng tháng, có khi hàng năm. Nhưng với Ông, thật kỳ lạ: không quá 20 phút! Câu nói “Anh làm dự án đi tôi ký” trong khi Ông chưa hiểu gì về tôi làm tôi hoàn toàn bất ngờ về “cách nhìn nhận con người” và tính “quyết đoán” của Ông. Từ đó về sau, đi đâu, anh Thi luôn gọi tôi đi cùng, nhất là trong công việc “xúc tiến ra đời trường” cùng đề án “thành lập Trung tâm Phần mềm INTECEN” trực thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Không hiểu anh Thi đã nói những gì với GS Trần Phương, chỉ biết rằng sau cuộc gặp đó không lâu, Trung tâm INTECEN có quyết định thành lập do GS Trần Phương ký, đồng thời một thời gian ngắn sau đó, tôi cũng nhận được Giấy phép hoạt động do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp.
Khi Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (HUMB) được thành lập, tôi nhận được Quyết định, do GS Trần Phương ký, cử làm Phó Chủ nhiệm Khoa Toán – Tin do GS.TSKH Vũ Thiếu làm Chủ nhiệm. Một thời gian sau, Khoa Toán – Tin tách thành Khoa Toán và Khoa Tin, tôi được cử làm Chủ nhiệm Khoa Tin. Cuộc gặp “định mệnh” đó, như có thần lực, làm thay đổi hướng đi của tôi, từ dạy học và làm “đầu tư bất động sản”, sang dạy học và làm “khoa học về lĩnh vực phần mềm”. Tôi còn động viên con cháu và bạn bè cùng đi theo hướng đó – một hướng đi bền vững và giúp ích cho đời… Mỗi lần nhớ đến cuộc gặp ấy, trong tâm trí tôi lại nhớ đến câu Kiều:
“Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Và tôi đã “nhờ bóng tùng quân” trong cái “sang xuân” ấy đến tận bây giờ, đã gần 28 năm…
Cuộc gặp lần 2 – Một hướng đi mới (hay nói như bây giờ là “chuyển đổi số”) về chấm thi tuyển sinh đại học bằng trắc nghiệm
Khi tuyển sinh Khóa 1 năm học 1996-1997, Trường đại học Quản lý và Kinh doanh tổ chức thi tuyển sinh đại học bằng trắc nghiệm, nghĩa là các em học sinh khi thi, chỉ việc tô kín bằng bút chì vào vòng tròn ứng với vị trí đáp án A, hoặc B, hoặc C, hoặc D, mà các em cho là đúng. Sau khi thi xong, Trường nhờ Đại học Đà Lạt mang máy quét ảnh (họ bảo giá chiếc máy quét đó là 28.000$) quét tất cả các bài thi và thu được một tệp chứa các ảnh về đáp án của người thi. Việc còn lại là phần mềm và nhân viên của Trung tâm INTECEN làm: lọc dữ liệu thi, xử lý các ưu tiên con em thuộc diện chính sách, in giấy báo tập trung cho những em đỗ và giấy báo điểm cho những em không đỗ.
Đến mùa tuyển sinh lần 2, năm học 1997-1998, GS Trần Phương gọi tôi lên gặp. Tôi không biết chuyện gì, nhưng lần này “đỡ run” hơn lần gặp đầu. Đến nơi, Ông tâm sự: “Lần tuyển sinh năm học vừa qua, ta phải trả tiền công và tiền thuê máy quét cho Đại học Đà Lạt. Họ mang chiếc máy cồng kềnh và kéo theo khá đông nhân viên đi cùng. Anh biết đấy, trường mới ra đời, có rất nhiều thứ phải chi. Tuyển sinh Khóa 2 sắp tới, anh có cách gì mới không? Hay lại phải thuê Đại học Đà Lạt? Hay là mua máy quét, tự làm? Nhưng tự làm thì Khoa Tin phải vào Đại học Đà Lạt mà học chứ? Cần chuẩn bị sớm, vì mùa tuyển sinh gần đến nơi rồi”. Tôi lưỡng lự một lát rồi nói: “Thực chất máy quét chỉ làm duy nhất một việc là đưa đáp án mà thí sinh cho là đúng, đã tô tròn bằng bút chì, vào bộ nhớ. Tất cả các phần còn lại hoàn toàn xử lý bằng phần mềm, mà phần mềm thì chúng ta đã có và đã làm tuyển sinh cho trường từ kỳ tuyển sinh Khóa 1. Không có máy quét, thì chúng ta đưa vào qua bàn phím. Em nghĩ làm được!”. Tôi vừa nói xong, GS Trần Phương phản biện ngay: “Trên bàn phím có nhiều phím, nếu đáp án đúng là A mà nhỡ ra không may ấn vào một phím khác, thì thí sinh sẽ thiệt một câu. Ngoài ra, tốc độ máy quét lớn như vậy, anh đưa vào bằng tay có khả thi không?”. Tôi biết mình gặp phải một “Ông biết tuốt khổng lồ” rồi, liền nói: “Chúng em sẽ khóa tất cả các phím, chỉ để phím A, B, C, D (các phím ứng với đáp án). Còn tốc độ tất nhiên là chậm, nhưng sẽ huy động nhiều người”. GS Trần Phương hỏi lại: “Ổn không? Hay nhờ Đại học Đà Lạt một năm nữa?”. Giáo sư có vẻ đang lưỡng lự. Tôi đề nghị: “Sau ba hôm nữa, mời Thầy đến Phòng máy. Thầy thử ấn phím và xem chúng em làm. Nếu được thì Thầy quyết”. Ba ngày sau, khi Khoa Tin đang làm thử nghiệm, thì GS Trần Phương đến. Giáo sư gõ vui vào các phím và thấy chỉ có phím A, B, C, D kích hoạt, còn các phím khác, dù ấn vào, vẫn không hoạt động. Trong khi chúng tôi đang gõ thử đáp án, Giáo sư bỗng nói to: “Làm theo cách này!”. Tôi hồi hộp và trả lời: “Cảm ơn Giáo sư. Chúng em sẽ cố gắng”. Một quyết định rất nhanh của GS Trần Phương làm chúng tôi hết sức lo lắng. Thời đó máy quét giá rất đắt, không rẻ như bây giờ. Lúc ấy điện thoại di động mới ra đời, làm gì có “điện thoại thông minh”. Mà giả sử nếu GS Trần Phương có đồng ý mua máy quét, thì chúng tôi cũng phải vào Đại học Đà Lạt để học và tập huấn. Nghĩ đến câu “làm theo cách này” chúng tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đã được Giáo sư quyết định cho làm, lo vì đây là tuyển sinh đại học, nhỡ ra có sơ suất, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra sẽ ảnh hưởng đến trường. Chúng tôi quyết định thử lại bằng cách đưa ra một bộ đề thi như thật, tự thiết kế phiếu trả lời (cũng bằng cách tô kín vào vòng tròn ứng với đáp án mà người thi cho là đúng), lập trình khóa tất cả các phím, trừ các phím A, B, C, D được tô màu trắng để dễ nhận biết khi gõ. Các giảng viên gõ đáp án vào, xong chạy thử và thấy ổn.
Mùa thi tuyển sinh đại học lần hai 1997-1998 đã thành công tốt đẹp với công nghệ mà Khoa Tin đặt cho một cái tên hài hước đó là “công nghệ khóa bàn phím”. Các mùa tuyển sinh gần 10 năm tiếp theo đều theo công nghệ đó, cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi cung cách tuyển sinh. Việc gặp GS Trần Phương lần thứ hai này cũng là cơ sở tạo nên ý tưởng thi trắc nghiệm kết thúc học phần trên máy mà trường đang sử dụng đến tận bây giờ.
Cuộc gặp lần 3 – Bước ngoặt trong “chuyển đổi số” về cung cách thi kết thúc học phần trên máy và cảm nghĩ về GS Trần Phương qua các sự kiện khác
Trong thời gian tổ chức thi tuyển sinh đại học bằng trắc nghiệm (như tôi đã đề cập lần thứ 2 gặp GS Trần Phương), chúng tôi nảy ra ý tưởng là cần mau chóng thiết kế một phần mềm thi trắc nghiệm trên máy, phục vụ cho thi kết thúc môn học của Khoa Tin. Khi chương trình đã thử nghiệm thành công, chúng tôi im lặng đưa ra thi thử trong nội bộ Khoa. Một hôm tôi đang coi thi trắc nghiệm (lúc đó Khoa Tin đang ở Cảm Hội), bỗng phía sau có bàn tay vỗ nhẹ vào vai. Tôi quay lại, nhận ra GS Trần Phương. Giáo sư hỏi nhỏ: “Thi kiểu gì đây?” Tôi sợ “phạm quy về thi cử”, nên nói tránh: “Em đang thử nghiệm thôi ạ”. GS Trần Phương nắm tay tôi dắt ra chỗ trống phía ngoài lớp học và nói, đại ý: “Tôi thích kiểu thi trắc nghiệm trong tuyển sinh đại học mà trường đang làm, bây giờ lại vận dụng cho thi kết thúc môn học trên máy. Hay đấy”. Tôi thở phào vì tưởng mình phạm quy gì đó (vì thời ấy chưa có trường nào thi kiểu này). Tôi chưa kịp nói gì thì GS Trần Phương hỏi: “Sáng mai anh có bận gì không, ta bàn chuyện này?”. Tôi hỏi lại: “Bàn chuyện gì ạ?” Giáo sư trả lời: “Bàn chuyện đưa kiểu thi trắc nghiệm trên máy, phát triển ra toàn trường”. Tôi bảo: “Vâng ạ”.
Sáng hôm sau tôi đến Khoa sớm, đứng nói chuyện với mấy thầy giáo ở cổng trường. Một lát sau thấy GS Trần Phương đi qua, tôi chào và theo Ông đến phòng làm việc. Hôm ấy thực sự có nhiều vấn đề. Tôi thật bất ngờ trước nhiều câu hỏi chi tiết và sâu sắc của Ông. Vì chưa chuẩn bị trước, nên có những câu hỏi của Ông tôi không trả lời được. Hôm đó chủ yếu GS Trần Phương hỏi và tôi trả lời. Xin lược kê một số câu hỏi, đại loại như: “Ta có hai phòng máy tính, theo anh, có đủ máy để thi cho toàn trường không?” Tôi trả lời: “Còn thiếu nhiều ạ”. Giáo sư lại hỏi: “Thiếu bao nhiêu?”. Tôi không trả lời được, vì chưa biết số sinh viên toàn trường và số môn học là bao nhiêu. Thấy tôi im lặng hơi lâu, Giáo sư nói ngay: “Anh về tính chính xác và trả lời sau vậy”. Giáo sư lại hỏi tiếp: “Tôi thấy khi thi xong, điểm thi và tên người thi hiện lên màn hình, vậy người coi thi phải ghi điểm đó ra giấy à?” – “Đúng ạ. Sau này, nếu trường lắp mạng và có máy chủ, điểm của các em sẽ tự động chuyển về máy chủ và in ra giấy”. Giáo sư hỏi tiếp: “Trong tuyển sinh đại học tôi thấy chỉ có 4 đáp án A, B, C, D, nhưng khi thi kết thúc môn học, có thể có nhiều hơn 4 đáp án, thậm chí có hai đáp án (đúng, sai), các anh có làm được không?” – “Thưa Giáo sư, chúng em làm được”. Giáo sư còn hỏi: “Hai em ngồi gần nhau có thể copy câu trả lời của nhau thì sao?” – “Không ạ, vì trật tự câu đã được đảo và đáp án cũng được đảo. Xác suất để hai em ngồi cạnh nhau có câu hỏi giống nhau là vô cùng thấp”. Ông cười và nói đùa: “Nghĩa là có câu trùng nhau?”. Ông còn bảo: “Người ta nói thi trắc nghiệm ở tuyển sinh đại học của ta vừa qua là may rủi, có em lực học yếu vẫn đỗ, thậm chí điểm cao. Ý anh thế nào?”. Tôi nói: “Họ nói theo cảm tính thôi. Cả thế giới đều thi trắc nghiệm, chẳng lẽ họ không biết điều đó? Nếu không hiểu mà học sinh cứ chọn đáp án ngẫu nhiêu, thì xác suất để chọn được một câu có đáp án đúng là ¼=0,25 (vì có 4 đáp án). Giả sử chỉ thi 4 câu, thì xác suất để đạt cả 4 câu đều đúng là ¼ mũ 4= 0,25 x 0,25 x 0,25 x 0,25 = 0.004, nghĩa là xác suất chỉ bằng 4 phần nghìn. Còn nếu thi 50 câu như chúng ta đã thi tuyển sinh đại học vừa qua, thì xác suất là 0,25 mũ 50; em vừa gõ vào bảng tính Excel trong máy laptop, kết quả là: 7.88861E-31 (30 chữ số 0 sau dấu phẩy), nghĩa là xác suất vô cùng bé, tiệm cận 0. Tóm lại, không bao giờ đạt được!”. Giáo sư cười và bảo: “Tôi hiểu…”. Sau đó Ông còn hỏi tôi về gia đình, vợ, con,… Cuối cùng, Ông kết luận: “Trước mắt anh cứ thi kiểu này ở Khoa Tin, đồng thời anh chuẩn bị cho tôi biết ba vấn đề: Một là, phần mềm ổn chưa?; Hai là, các mẫu câu hỏi trắc nghiệm; và Ba là, số lượng máy tính đủ thi cho toàn trường. Tôi sẽ đưa vấn đề này ra Ban Giám hiệu bàn tiếp”.
Bẵng đi một thời gian dài không thấy GS Trần Phương nói gì, rồi một hôm Ông mời tôi ngày mai cùng họp với Ban Giám hiệu. Tôi đoán chắc là vấn đề “thi trắc nghiệm trên máy”. Khi đến phòng họp, tôi còn thấy có cả Chủ nhiệm các khoa. Vào cuộc họp, Ông mở đầu: “Khoa Tin đã tổ chức thi trắc nghiệm trên máy. Tôi đã đến xem cách thi và muốn đưa công nghệ đó ra toàn trường. Mời anh Thảo phát biểu trước rồi chúng ta cùng bàn”. Tôi phát biểu ngắn gọn về 3 vấn đề mà Giáo sư đã bảo tôi chuẩn bị ở lần gặp trước, đồng thời phát cho mỗi người một trang A4 có nội dung như thế. Sau đó GS Trần Phương bảo: “Đề nghị các anh cho ý kiến!”. Tôi không nhớ hết các nội dung phát biểu của từng người hôm đó, nhưng đại ý phần lớn “chê” phương pháp thi kiểu này không phản ánh đúng chất lượng, ăn may, copy của nhau, v.v… Giáo sư nhìn tôi và bảo: “Anh Thảo có ý kiến gì không?” Tôi nhắc lại nội dung như tôi đã trả lời hôm gặp Giáo sư. Thật may, Ông đã dự đoán trước, nên đã hỏi tôi, để tôi chuẩn bị. Tôi trình bày xong, không thấy ai tranh luận gì nữa. Cuối cùng, Giáo sư nói: “Thôi cứ làm. Thế giới người ta đã thi trắc nghiệm kiểu này lâu rồi, họ đâu có dại. Các khoa về thiết kế các câu hỏi thi trắc nghiệm theo mẫu đã đưa, học kỳ sau triển khai”.
Đúng như GS Trần Phương đã quyết, học kỳ tiếp, công nghệ này được triển khai ra hầu hết các khoa. Sau đó, dần dần trường lắp mạng và máy chủ, đồng thời chuyển cho Trung tâm Tin học quản lý. Rõ ràng phương thức thi trắc nghiệm có nhiều ưu điểm. Nó là “ứng dụng công nghệ thông tin trong thi cử (bây giờ người ta gọi là “chuyển đổi số”). Dần dần, GS Trần Phương đưa ra các quy định để kiện toàn tiếp, như: câu hỏi phải đáp ứng được các nhóm “khó, trung bình, dễ…” (Giáo sư hay gọi vui là các “rổ”) và việc chọn số câu ở mỗi rổ tùy theo người dạy môn đó đưa ra; sau khi thi xong, Trung tâm Tin học phải in điểm thành 3 bản, một bản Trung tâm Tin học lưu, một bản gửi phòng Giáo vụ và một bản gửi Trung tâm Khảo thí, mục đích là để kiểm tra chéo; quy định số câu hỏi tối thiểu trong một lần thi phải có. Cho đến hôm nay (23-05-2023), khi tôi đang viết bài này, hệ thống máy chủ đưa ra tổng số bài thi trắc nghiệm trên máy từ trước đến nay (cả thi chính và thi lại) là 5.872.673 bài thi. Đơn giá chấm thi tự luận mỗi bài là 7.000 đ. Việc GS Trần Phương quyết định chuyển sang thi trắc nghiệm trên máy, ngoài những ưu điểm khác, riêng về tài chính, đã làm lợi cho trường hơn bốn mốt tỉ đồng (5.872.673 x 7.000 = 41.108.711.000).
Giáo sư Trần Phương là người quyết đoán, Ông quyết định nhanh chóng, dứt khoát, không do dự trên nền trí tuệ của mình, khi đã hội đủ thông tin qua phản biện. Ông có khả năng xem xét nhiều lựa chọn, hiểu và lượng định được kết quả có thể xảy ra, nên các quyết định lớn, nhỏ của Ông đều dẫn đến thành công. Tôi nghĩ quyết đoán là phẩm chất lãnh đạo cực kỳ quan trọng của người đứng đầu. Nhiều khi do dự có thể cản trở quá trình ra quyết định. Một người thiếu quyết đoán sẽ phân vân giữa các lựa chọn, kéo theo sự thiếu kiên nhẫn của đồng đội dưới quyền. Một người quyết đoán có thể đưa ra quyết định, ngay cả khi bị hạn chế về thời gian. GS Trần Phương còn có khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, điều đó làm cho các quyết định của Ông gây được niềm tin ngay, giúp người dưới quyền hiểu được điều mình cần làm, tạo nên bầu không khí thoải mái. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) có được những kết quả như ngày nay, ngoài công sức của tập thể cán bộ và giảng viên, thì công lao lớn nhất là ở người đứng đầu – GS Trần Phương, bởi Ông hội tụ được những đức tính: sáng suốt, dân chủ (qua phản biện), quyết đoán,… Để chứng minh thêm cho nhận xét đó, ngoài ba lần gặp trên, tôi còn được gặp Ông khá nhiều trong những ngữ cảnh khác nhau, đều thấy Ông đưa ra những lời nói gợi ý, những câu hỏi và sau đó, cục diện thay đổi một cách hợp lý theo hướng có lợi cho trường. Xin đơn cử một vài câu chuyện:
Khi mua máy tính cho sinh viên thực hành, thì bản quyền phần mềm (chủ yếu là bộ phần mềm Microsoft Office) phải được đặt ra. Ở ngoài đời nó đắt tương đương mua máy tính. GS Trần Phương biết thế và đã tổ chức gặp ông Chủ tịch Microsoft khu vực châu Á Thái Bình Dương, hôm đó, có cả Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị TS Đỗ Quế Lượng, tôi và lãnh đạo Trung tâm Tin học cùng dự. Nội dung cuộc gặp là “nấp dưới bóng” xin phép Microsoft cho dùng khuyến mại hệ thống Mail phục vụ cho cộng đồng sinh viên. Về chuyện này thì họ đồng ý ngay. Sau khi cuộc họp kết thúc, GS Trần Phương đến bắt tay chào tạm biệt ông Chủ tịch và nói: “Tôi biết Ông rất quan tâm đến bản quyền phần mềm. Điều đó là đúng. Nhưng Ông thư thư cho, vì trường mới thành lập. Chúng tôi sẽ quảng cáo phần mềm cho các ông thông qua sinh viên”. Đứng trước một ông nguyên Phó Thủ tướng, nói có lý có tình, thời gian lại không còn nữa để “phân trần”, nên ông Chủ tịch Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương gật đầu đồng ý.
Sau khi duyệt chương trình đào tạo cho Khoa Công nghệ thông tin, GS Trần Phương ghi mực đỏ vào phần dưới của trang cuối, với nội dung dòng 1: “Nếu cộng thêm khấu hao máy tính thì chi phí là bao nhiêu?”; dòng 2: “Đào tạo Công nghệ thông tin chi phí lớn!”. GS Trần Phương gọi tôi lên phòng làm việc của Ông và chỉ cho tôi đọc lời nhận xét đó. Đọc xong, tôi trả lời: “Thế thì chỉ có cách tăng học phí sinh viên Khoa Công nghệ thông tin cho vừa đủ với tiền trang bị máy tính”. Giáo sư hỏi tiếp: “Tăng bao nhiêu?” – “Khoảng 12 triệu một em trong 4 năm, bằng giá 1 máy Laptop trung bình”. GS Trần Phương bảo: “Đúng!” Sau đó, thấy Giáo sư nhẩm tính, rồi nói ngay: “Học phí sinh viên Khoa Công nghệ thông tin là 1.500.000 đ/tháng, các khoa khác 1.200.000 đ/tháng, chênh nhau 300.000 đ/tháng” (300.000đ x 40 tháng/4 năm học = 12 triệu). Ông bảo tôi: “Xong, anh về đi”. Tôi chào Ông, đứng dậy ra về. Ông còn nói một câu như “an ủi” tôi: “Dùng nhiều thì phải đóng nhiều chứ!”. Tôi trả lời: “Vâng ạ”.
Cách đây mấy hôm, nhân lúc gặp Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Hà Đức Trụ, lại sẵn có bút tích của GS Trần Phương trong cặp về vấn đề trên, tôi đưa cho PGS.TS Hà Đức Trụ xem. Với sự nhạy cảm, PGS.TS Hà Đức Trụ hỏi tôi: “Thế GS Trần Phương ghi ngày nào?”. Nhìn kỹ là ngày 11-01-2016. PGS.TS Hà Đức Trụ nói: “Đúng!”. Tôi đưa cái ngày ấy ra để chúng ta biết ở thời điểm đó (cách đây 7 năm) Giáo sư tuổi cũng đã cao, sức khỏe cũng đã giảm, nhưng nhìn vào “nét mực đỏ” Ông gạch chân, ghi dấu hỏi (?) vào những chỗ mà Ông còn thấy chưa ổn và chữa lại số tín chỉ rải khắp trên nhiều trang A4, đủ thấy Ông làm việc cẩn thận, chi tiết và trách nhiệm đến nhường nào!
Mỗi lần được gặp GS Trần Phương, tôi càng thấm những câu nhận xét của các đồng nghiệp về tầm nhìn xa, tổng hợp, hiện đại, về phong cách cẩn thận, sâu sát, nhưng rất quyết đoán của Ông trong công việc. Còn bây giờ, khi tiếp xúc với GS Trần Phương, tôi còn nhận ra ở Ông có những đức tính nhân văn “gạn đục khơi trong” và “quân tử khác lòng người ta” như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều bất hủ:
“Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ Quân tử khác lòng người ta”.
(Thúy Kiều cảm xúc sau 15 năm lưu lạc, nàng vẫn được Kim Trọng chấp nhận).
Nếu không thế, tôi đã không được làm những việc thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin mà GS Trần Phương giao phó! Tôi cảm ơn và luôn nhớ điều đó. Tôi nguyện cùng Ban Chủ nhiệm khoa và các giảng viên đưa Khoa Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, đáp ứng lòng mong đợi của Ông!