Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – HUBT) được thành lập ngày 15 tháng 6 năm 1996, đến nay vừa tròn tuổi 27. Từ con số “0” tròn trĩnh cả về tiền vốn, nhân lực, cơ sở vật chất, sau hơn một phần tư thế kỷ, Trường đã phát triển thành một cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập hàng đầu trong cả nước. Sức vươn lên Phù Đổng cả về quy mô, cả về đa dạng ngành, cấp đào tạo và học hiệu của Trường là niềm tự hào của tập thể hơn nghìn cán bộ, giảng viên, người lao động, hàng trăm ngàn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp cũng như đang học, nhiều tổ chức, cá nhân là cộng tác viên của Trường. Trường cũng xứng đáng là một thành công tiêu biểu của đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới đất nước, mở ra cơ hội to lớn và tạo ra những điều kiện cơ bản, cần thiết cho sự đua nở và phát triển nhanh chóng của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Để có một trường đại học quy mô, đa ngành, đa cấp đào tạo với chương trình và chất lượng cần thiết cho người học như với HUBT hiện nay phải có lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên phục vụ và phải có cơ sở vật chất, công nghệ – kỹ thuật tương ứng theo Quy chế đào tạo đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa kể đến yêu cầu chuẩn hóa theo trình độ quốc tế trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập đang diễn ra dồn dập trên toàn cầu.
Những thành quả đã đạt được, những đánh giá và công nhận của các cơ quan Đảng, Nhà nước và xã hội đối với HUBT trong 27 năm qua đã khẳng định loại hình trường đại học dân lập (tư thục) hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà trường ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn theo quan điểm xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được vận dụng cụ thể hóa và phù hợp với những đặc điểm chung của đất nước và đặc điểm của hệ giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng trong thời kỳ quá độ đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Có thể minh chứng bằng mấy ví dụ thực tiễn dưới đây ở HUBT mà GS Trần Phương đã sáng lập.
- Xin cấp phép thành lập Trường
Người có công đầu với Trường là Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (từ tháng 4-2021 là Chủ tịch danh dự), một lão thành cách mạng (Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng), một nhà kinh tế, quản lý lỗi lạc hàng đầu của Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (Phó Thủ tướng Chính phủ). Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, ông là người sáng lập ra Trường đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng trong suốt 27 năm qua.
Từ giữa năm 1994, GS Trần Phương đã tổ chức Hội đồng sáng lập, gồm 21 người (được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận theo QĐ số 2943/GD-ĐT ngày 13-10-1994), và trực tiếp chỉ đạo triển khai mọi công việc cần thiết cho thủ tục đề nghị Chính phủ cho phép thành lập Trường. Đó là thảo luận và xây dựng Đề án, Điều lệ, cùng các Quy chế tổ chức và hoạt động, các vấn đề cơ bản về mô hình, sứ mạng, tầm nhìn, giá trị văn hóa cốt lõi, mục tiêu, khung chương trình, cơ cấu ngành nghề đào tạo, v.v… để đề nghị Chính phủ cho phép thành lập trường.
Vạn sự khởi đầu nan. Tất cả những công việc mở đầu thường là cơ bản nhất, quan trọng nhất và khó khăn nhất. Với ý tưởng thành lập Trường, tinh thần, nghị lực, quyết tâm sắt đá và khẩn trương cao độ của bản thân GS Trần Phương đã dựa vào lực lượng nhân sự, phần lớn là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Trung ương và Văn phòng Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, một số cán bộ lãnh đạo thuộc các cơ quan ban ngành TW, học viện, trường đại học,…
Ngày 15-6-1996, Hội đồng sáng lập đã nhận được Quyết định số 405/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho phép thành lập Trường đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.
- Huy động nhân lực
Đối với bất cứ tổ chức, đơn vị nào yếu tố có vai trò quyết định cho sự thành công là lực lượng lao động có đủ tâm và tầm. Với một Trường đại học, lực lượng lao động quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên có đủ tiêu chuẩn theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
So với Trường đại học công lập, việc huy động nguồn nhân lực của trường đại học dân lập tuy khó, song cũng có lợi thế nhất định. Đó là, theo luật công chức viên chức tuổi nghỉ hưu của cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục công lập là tròn 60 (với nam) và 55 (với nữ). Sau tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nhiều trí thức có sức khỏe, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cái chính là có nhiệt huyết phục vụ nhân dân, đóng góp cho đất nước, đều có ý muốn được tiếp tục làm việc. Trên thực tế ở Trường HUBT, từ ngày thành lập Trường đến nay, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên chủ chốt đại bộ phận là những người độ tuổi 70, không hiếm người độ tuổi 80 trở lên.
Xuất phát từ đặc điểm trên, GS Trần Phương với thời gian, cương vị công tác, uy tín khoa học và chuyên môn nghề nghiệp cùng tình cảm thân mật có sức thuyết phục cao đối với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp và kinh nghiệm đánh giá, vận động con người, GS Trần Phương đã sớm tập hợp được đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên chủ chốt, cần thiết cho Trường ngay từ những khóa học đầu tiên và trong suốt quá trình 27 năm xây dựng, phát triển mà không phải tốn nhiều công sức và kinh phí cho việc đào tạo cán bộ. Đồng thời Trường cũng quan quan tâm trẻ hóa,hiện đại hóa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, giảng viên, bảo đảm cơ cấu hợp lý, kết hợp hài hòa và phát huy thế mạnh cũng như hạn chế do những mặt yếu về tuổi tác, bọc lót, kế thừa, hướng mạnh cho sự phát triển của cả ba thế hệ nhân lực: trẻ, trung niên và cao tuổi. Điều này càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
- Loại hình trường và Huy động vốn (tài chính)
Để có được một trường đại học quy mô đa ngành và đủ cấp bậc đào tạo như HUBT hiện nay cần ít nhất cũng phải tới nghìn tỷ đồng Việt Nam. Thuộc hệ dân lập không được cấp vốn từ ngân sách nhà nước, Trường phải tự huy động vốn là chính. Trong hoàn cảnh chung về kinh tế của đất nước, nhất là cách đây khoảng 30 năm – khi mới xây dựng Trường khó có thể một cá nhân hay một nhóm nhỏ dăm ba người có đủ vốn góp để đầu tư xây dựng và phát triển Trường, mà phải một tập thể lớn hàng trăm, hàng nghìn người, mỗi người một ít vốn “góp gió thành bão” để lập Trường – nơi cho con em học tập. Người góp vốn (cổ đông) nghèo thì cũng khó có thể góp nhiều cổ phần được. Cũng vì vậy mỗi cổ phần cũng không thể lớn được. Đồng thời Trường cũng phải có cơ chế bảo toàn vốn cho các cổ đông để đảm bảo chút lợi ích kinh tế tối thiểu theo mức vốn họ góp. Dân (phụ huynh) nghèo ắt trò cũng nghèo. Vì vậy Trường cũng không thể thu học phí cao được, mà học phí thấp thì cần phải đông người học Trường mới có doanh thu hàng năm cần thiết cho bù đắp các khoản chi phí thường xuyên và có ít tích lũy cho Trường phát triển; mà đã là Trường đại học thì không thể kinh doanh để kiếm lời như doanh nghiệp thông thường được.
Chính vì những lý do nêu trên, việc Trường quyết định lựa chọn loại hình hoạt động “không vì mục tiêu lợi nhuận” với quy chế tài chính về huy động vốn và phân phối lợi ích – kết quả tài chính (kể cả tiền lương, tiền thưởng, v.v…) phù hợp ngay từ những ngày Trường mời ra đời đến nay là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Thực tế diễn gần 3 thập kỷ cho thấy Điều lệ tổ chức và hoạt động nói chung và Quy chế tài chính nói riêng của Trường đều được thảo luận dân chủ và biểu quyết theo nguyên tắc bình đẳng – mỗi cổ dông một phiếu như nhau, không phụ thuộc số vốn góp nhiều hay ít, đều được các cổ đông trong các kỳ Đại hội đồng cổ đông nhất trí thông qua và tự nguyện chấp hành nghiêm chỉnh.
Sự thành công của loại hình Trường nói chung và của Quy chế huy động vốn nói riêng đã cho thấy, chỉ sau 1 năm có Quyết định thành lập Trường (năm 1997) tổng số cổ đông, bao gồm cả 21 thành viên sáng lập, đã lên tới 97 người với tổng số vốn góp 2.617 triệu VNĐ và đến tháng 7 năm 2005 chưa đầy sau 10 năm đã tới 559 cổ đông với 20.400 triệu VNĐ. Sau 22 năm, Trường đi vào hoạt động và phát triển khá ổn định, vững vàng với 1.130 cán bộ, nhân viên và giảng viên cơ hữu. Lúc này, số cổ đông (kể cả ngoài trường) có tới 952 người với tổng số vốn góp tính tròn là 118 tỷ VNĐ và tổng quỹ không chia của Trường là 737 tỷ đồng (gấp trên 6 lần vốn góp).
Về nhân lực: Trong số 1.130 giảng viên cơ hữu thì số có học hàm học vị cao, tới 211 người (chiếm 19%). Trong đó: 26 Giáo sư, 56 Phó Giáo sư, 7 Tiến sĩ khoa học, 122 Tiến sĩ. Số còn là 670 người (chiếm 77%) hầu hết là thạc sĩ trở lên. Trong đó có một số đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.
Trong 27 năm qua, Trường đã tiếp nhận 150 nghìn học viên và sinh viên; trong đó 6.400 học viên cao học và nghiên cứu sinh (NCS). Hàng năm giảng dạy, quản lý và phục vụ 25.000-30.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Đã tốt nghiệp đến nay 110 nghìn cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, 4.800 thạc sĩ và 20/43 NCS 3 khóa đầu (từ 2014) đã bảo vệ luận án tiến sĩ – trong đó 17 NCS đã nhận bằng tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên, học viên, NCS đã thành đạt trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các cơ quan đơn vị các cấp Trung ương, địa phương và doanh nghiệp – nơi cử đi học. Những con số thực tế nói trên chắc là ít Trường đại học ngoài công lập nước ta đến nay đã có được.
- Với sinh viên
Sinh viên gia nhập Trường được toàn quyền lựa chọn ngành đào tạo ngay từ khi nộp hồ sơ tuyển sinh, cho đến khi đã trúng tuyển vào học trong các năm thứ nhất, thứ hai, khi đang học các môn kiến thức chung, trước khi chuyển sang học các môn chuyên ngành; Trong khóa học, sinh viên được Nhà trường hướng dẫn học thêm các môn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, được hỗ trợ tìm việc làm từ trong những năm cuối Khóa và sau khi tốt nghiệp. Sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được nhận xét góp ý kiến với giảng viên, giáo viên chủ nhiệm lớp về nội dung, phương pháp giảng dạy và tham gia quản lý lớp, v.v… Trường có quy chế bảo đảm dân chủ, bình đẳng, trung thực và công bằng, công khai kết quả và chất lượng trong mọi hoạt động của Nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học.
- Quan hệ giữa Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với Trường
Một yếu tố đảm bảo cho sự thành công của Trường gần 30 năm qua là quan hệ gắn bó hữu cơ của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với Trường. Quan hệ đó thể hiện ở mấy nội dung chủ yếu:
– Về tổ chức quản lý và nhân sự
Hội, mà Chủ tịch Hội chính là GS Trần Phương, đứng ra tổ chức thành lập Trường. Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cùng với Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) là hai hội viên tập thể lớn nhất của Hội. Cũng như 3.000 hội viên (cá nhân và tập thể), Trường luôn tán thành và thực hiện tôn chỉ mục đích và các Quy chế của Hội.
– Về nhân sự, đào tạo và quản lý Trường
Ngay từ ngày trường thành lập đến nay, GS Trần Phương, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, luôn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nhiều cán bộ lãnh đạo Trung ương Hội trực tiếp tham gia giảng dạy và quản lý Trường. Đó là 21 thành viên Hội đồng sáng lập Trường đã và đang tham gia bộ máy lãnh đạo quản lý của Trường như Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Khoa, Viện trưởng, … Ngoài ra nhiều hội viên cá nhân là cán bộ thuộc các tổ chức đơn vị khác cũng tham gia thỉnh giảng với Trường.
– Hội là tổ chức bảo trợ đồng thời cũng là một cổ đông tập thể lớn duy nhất của Trường.
Từ năm 2014 Hội là Chủ dự án 20 héc ta đất do Nhà nước cấp quyền sử dụng để xây Khu Liên hợp Khoa học – Đào tạo tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong đó Hội dành cho Trường 10 héc ta. Đây là một điều kiện rất cần thiết và cơ bản nhất cho sự phát triển bền vững và trường tồn của Trường. Hội cũng là một cổ đông tập thể duy nhất của Trường với số vốn góp 640 triệu đồng, luôn chấp hành nghiêm Điều lệ và các Quy chế của Trường về nghĩa vụ và quyền lợi như các cổ đông khác của Trường. Ngược lại Trường với tư cách là một Hội viên tập thể lớn nhất cũng đã và đang nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội. Trường, trực tiếp là Ban Giám hiệu, Văn phòng Trường đặc biệt quan tâm hỗ trợ những phương tiện, điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội như đóng lệ phí hàng quý, bố trí địa điểm làm việc khang trang cho Văn phòng Hội, phối hợp, hỗ trợ hàng ngày Ban Quản lý Dự án Từ Sơn (bảo vệ trật tự, trị an, giải quyết những khó khăn, trở ngại phát sinh đối với Dự án, …).
Nhìn chung, kể từ khi Trường thành lập cho đến nay, giữa Hội và Trường luôn gắn bó mật thiết với nhau về tất cả các mặt tổ chức quản lý, nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính,… Mọi hoạt động của Hội và của Trường đều được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi theo hướng chung cho sự phát triển trường tồn, hiệu quả cả của Hội và Trường. Với tư cách là một thành viên của Hội, của Trường, tôi hi vọng trong và sau quá trình chuyển đổi loại hình Trường, quan hệ đó càng được duy trì và phát triển tốt đẹp.
Lời kết
Là một thành viên đến nay đã gắn bó 32 năm với Hội, 29 năm với Trường (bao gồm số năm trong Hội đồng sáng lập), tôi rất đỗi tự hào vì đã được chia ngọt sẻ bùi, có chút ít đóng góp công sức với Hội và Trường.
Tôi cũng rất đỗi tự hào về Trường – Đại gia đình HUBT đa số là các nhà trí thức đã ở tuổi hưu như tôi mà GS Trần Phương là “NGƯỜI ANH CẢ” rất đáng khâm phục và kính trọng của Trường. Đại gia đình ấy từ hai bàn tay trắng đã tạo nên ngôi trường thuộc tốp đầu của Hệ giáo dục đại học ngoài công lập của Việt Nam. Đây là một thành tựu không chỉ đối với những “người con” của HUBT mà còn xứng đáng là một thành tựu chung của cả nước trong công cuộc Đổi mới, cần được trân trọng gìn giữ và phát huy.
Mục tiêu chung của cả Trường hiện nay là tập trung sức thực hiện thành công quá trình chuyển đổi thành loại hình “trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” theo quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội hóa giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “đồng thuận, đều lợi” giữa các đối tượng cổ đông, người lao động cơ hữu, người học, cộng tác viên của Trường.
Ở tuổi 96, GS Trần Phương cùng toàn thể đội ngũ lao động tận tụy của Trường và lãnh đạo Hội do Giáo sư dày công vun đắp cũng hài lòng với thành quả đáng ghi nhận mà Trường đã đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành quả này càng làm lấp lánh thêm những ngôi sao trên các tấm Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba, Huân chương Hồ Chí Minh và Huy hiệu 75 năm tuổi đảng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng Trường và GS Trần Phương./.