Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một trong những trường đại học ngoài công lập có quy mô người học vào loại lớn nhất trong nước, đã xây dựng và phát triển gần 30 năm. Mô hình “trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận” hoạt động dựa trên tư tưởng của GS Trần Phương – người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng của trường – đã nhận được sự quan tâm và biểu dương của nhiều nhà khoa học, nhà sư phạm, cũng như các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước trung ương và thành phố Hà Nội khi có dịp tới trường.
Năm 2016, đến thăm trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan của Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu mô hình Trường đại học không vì mục tiêu lợi nhuận, người góp vốn hàng năm chỉ được chia lãi bằng tỉ suất tiền lãi gửi ngân hàng; mỗi cổ đông chỉ có một phiếu biểu quyết, không phân biệt vốn góp nhiều hay ít; lợi nhuận hình thành trong quá trình hoạt động được dùng để lập quỹ tích lũy tập trung thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông, tạo cơ sở phát triển lâu dài của trường”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2011), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2016) và Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng (năm 2016) khi đến thăm trường đều tỏ ý khích lệ mô hình hoạt động có hiệu quả của trường.
Trong phát biểu của mình tại Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nói: “Trong cộng đồng các trường đại học ngoài công lập, vấn đề góp vốn, vấn đề sở hữu rất đa dạng. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một mô hình mới, khác biệt về sở hữu, về lợi ích, về lộ trình phát triển, về tổ chức, với cơ chế làm chủ… đều có những khác biệt, mang tính điển hình, đáng được nghiên cứu để rút ra những bài học cho mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận”.
Tại đây, ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Thành Tây, cũng nói rằng mô hình của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội “đã phát huy bản lĩnh năng động và sáng tạo, xây dựng và phát triển trường thành ngọn cờ cho các trường đại học ngoài công lập”.
GS Trần Hữu Nghị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học dân lập Hải Phòng, cũng nói: “Chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm của GS Trần Phương: ‘trường là hợp tác xã của những người lao động trí óc’, ‘mỗi cổ đông một phiếu biểu quyết’,…”.
Vậy mô hình trường đại học của GS Trần Phương có gì đặc biệt?
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những đặc trưng cơ bản của mô hình này gồm có:
Thứ nhất, trường là một tổ chức có chủ: “tập thể các cổ đông là chủ của trường”.
Thứ hai, trường có hai thành phần sở hữu: (i) Sở hữu cá nhân của mỗi cổ đông về số vốn đã góp cho trường và họ (chủ sở hữu) “có quyền hưởng lợi tức từ vốn góp, có quyền rút, chuyển nhượng vốn đã góp” và (ii) Sở hữu tập thể của các cổ đông: đó là quỹ tích lũy tập trung không chia của tập thể các cổ đông (theo GS Trần Phương, quỹ này là cơ sở vật chất cho sự trường tồn của trường).
Thứ ba, trường là một tổ chức phi lợi nhuận: “những người góp tiền làm vốn hoạt động cho trường không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng (từ năm 2013, theo Luật Giáo dục 2012, bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ)”.
Thứ tư, “mọi cổ đông đều bình đẳng về quyền biểu quyết, không phân biệt số vốn góp nhiều hay ít”.
Hai nội dung trong mô hình của GS Trần Phương (“người góp vốn chỉ được hưởng lợi tức cổ phần bằng lãi suất trái phiếu chính phủ” và “phần lợi nhuận tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học”) hoàn toàn phù hợp với Khoản 7, Điều 4 của Luật Giáo dục đại học 2012. Như vậy, cho đến nay, GS Trần Phương cùng các đồng chí và đồng nghiệp của ông đã sáng lập và lãnh đạo hoạt động của một mô hình trường đại học tư thục mới ở Việt Nam – trường đại học không vì mục đích lợi nhuận, cụ thể ở đây là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Có thể và cần nói rõ hơn về một số nội dung trong tư tưởng của GS Trần Phương và sự chỉ đạo của Ông đối với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
- Xã hội hóa giáo dục bám sát thực tiễn Việt Nam
Khi Nhà nước chủ trương thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, cho phép thành lập trường dân lập, thì Trường Đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) ra đời. GS Trần Phương luôn khẳng định rằng, tuy là trường dân lập, nhưng trường hoạt động theo hình thức tư thục. Ông kêu gọi mọi người góp vốn (cổ phần) và coi họ là những cổ đông, những nhà đầu tư. Nhưng ông tuyệt đối không đánh đồng trường với doanh nghiệp, tuy thừa nhận giáo dục – đào tạo là một loại hình dịch vụ. Với ông, kể cả khi trường mới thành lập, còn nhiều khó khăn, người làm chưa có lương, nhưng không phải ai muốn góp cổ phần bao nhiêu cho trường cũng được Ông và trường chấp nhận. Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ghi rõ: chỉ có “cán bộ, nhân viên và giảng viên cơ hữu của trường, giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên có đóng góp xây dựng trưởng” mới “được nhận làm cổ đông của trường”. Giấy chứng nhận cổ phần là giấy chứng nhận ghi danh, không được tự do chuyển nhượng, nếu ai có nhu cầu chuyển nhượng cho người khác, “phải được sự chấp nhận của Hội đồng Quản trị”. Trường chủ trương “dựa vào những khoản vốn góp nhỏ bé” của các sáng lập viên, cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên để “góp gió thành bão”, vì họ “đều là các nhà trí thức rất nhiệt tình với sự nghiệp trồng người, nhưng phần đông chẳng có nhiều tiền” và không ít lần đã “từ chối các khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư”.
Vốn góp của cổ đông được GS Trần Phương coi là tiền vay và trường phải có trách nhiệm trả lãi. Ông lập luận rằng số vốn góp này, nếu đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì người gửi được hưởng lãi suất tiết kiệm và “đối với trường thì cũng chẳng khác nào vay tiền tiết kiệm của ngân hàng mà không phải chịu phí của ngân hàng”. Vì thế, trước năm 2013, hàng tháng trường đã trả lãi cho người góp vốn tương ứng với tỉ lệ lãi suất (tiết kiệm) trung bình của bốn ngân hàng lớn (khoảng 1,2%/tháng).
Không những thế, khi tỉ lệ lạm phát đạt mức khoảng 30%, trường có biện pháp bảo đảm giá trị gốc của vốn góp. Vì vậy, có người góp cổ phần 500 triệu đồng trong những ngày đầu thành lập trường, sau 20 năm đã tăng lên 2.260 triệu đồng.
- Bảo đảm quyền bình đẳng chính trị của cổ đông
Người góp vốn “có quyền bàn bạc và biểu quyết mọi công việc của trường”. Tại Đại hội đồng cổ đông (với tư cách là chủ tập thể, là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của trường), mỗi cổ đông “có 01 (một) phiếu biểu quyết, không phân biệt số vốn góp nhiều hay ít”. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội “không chấp nhận nguyên tắc biểu quyết theo trọng lượng của vốn góp”, vì theo GS Trần Phương, “sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài”.
Giáo sư viết: “Có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì có thể chấp nhận như vậy”, nhưng Ông nói thêm: “Lao động là tiêu chí rất khó lượng định”, “rất khó biết sự cống hiến về lao động của một giáo sư so với một kỹ thuật viên thế nào”. Vì thế, trường “đành” yêu cầu mỗi lao động góp tối thiểu số vốn là 10 triệu đồng, tương đương 1.000 USD (1996). Điều đó cho thấy GS Trần Phương luôn đặt người góp “tâm và tài” lên trên người “góp tiền”.
Có điều thú vị cần lưu ý là trong năm đầu tiên thành lập trường, tổng số vốn góp vào trường chỉ khoảng 500 triệu đồng. Sau 5 năm đạt 9 tỉ đồng, sau 10 năm là 20 tỉ đồng và hiện nay là 118 tỉ đồng. Nguồn học phí thu được sau 5 năm đã đủ để trang trải các chi phí thường xuyên và sau 10 năm đã xây dựng được cơ sở khang trang ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đón tiếp hơn 10.000 sinh viên và học viên cao học nhập trường. Hoạt động của trường đã không còn phụ thuộc hoàn toàn vào số vốn góp, nên trong một cuộc họp Hội đồng Quản trị, có người đề xuất động viên những cổ đông không hoặc thôi làm việc ở trường tình nguyện rút vốn. GS Trần Phương đã trả lời: “Không nên. Khi trường còn khó khăn, họ đã góp vốn, không hề nghĩ đến lời lãi, không ngại rủi ro. Nay trường “có của ăn của để” lại khuyên họ rút vốn sao được!”. Có thể thấy tấm lòng và cách hành xử đầy tình nghĩa của Giáo sư. Thiết tưởng, những người góp vốn cho trường, đặc biệt những cổ đông lớn, cũng cần thấy rằng để có một cơ sở giáo dục – đào tạo như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hôm nay là công sức của rất nhiều thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và bao thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã, đang làm việc, học tập, nghiên cứu tại đây, là sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các trường bạn ở trung ương, địa phương và nhân dân Hà Nội, cũng như nhiều tỉnh, thành khác.
Cần phải tôn vinh, ghi công những người góp vốn, đặc biệt là với số lượng lớn. Điều này luôn được GS Trần Phương, Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu và mọi người làm việc, học tập trong trường luôn tri ân, nhưng bản thân các cổ đông cũng phải thấy rằng sự đóng góp của mình rất khiêm tốn. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin đã từng chỉ rõ: “Không có lực lượng lao động thì tư liệu sản xuất chỉ là vật vô dụng”. Đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý, các nhà khoa học, những giáo sư, tiến sĩ,… mới là lực lượng sản xuất chính của trường; sự đóng góp của họ không hề nhỏ!
Nguyên tắc “mỗi người một phiếu biểu quyết” trong mô hình của GS Trần Phương đã đảm bảo được tính dân chủ, tình đoàn kết, sự thống nhất chính trị trong tập thể và đó là cơ sở quan trọng nhất để trường đạt được những thành quả như hôm nay.
- Luôn phấn đấu theo mục đích “không vì lợi nhuận”
GS Trần Phương luôn kiên định xây dựng một trường đại học tư thục theo mô hình “không vì mục đích lợi nhuận”. Ông chưa bao giờ cho rằng dịch vụ giáo dục – đào tạo không sinh lợi. Nhưng ông cũng bảo: những ai đem vốn đầu tư để kinh doanh giáo dục – đào tạo mong kiếm lời là sai lầm, vì lĩnh vực này khó và không thể tạo ra lợi nhuận cao như nhiều lĩnh vực khác.
Điểm mấu chốt cơ bản nhất trong quan điểm của GS Trần Phương về mô hình trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận là phần chênh lệch thu chi (nếu dương) không đem chia cho các cổ đông mà để sử dụng cho các mục tiêu: “(i) nâng cao chất lượng đào tạo; (ii) cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên; (iii) cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho giảng viên, cán bộ và nhân viên; (iv) dành một phần tích lũy từng bước hình thành quỹ phát triển trường”.
Qua hoạt động của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và lãnh đạo thực tế, GS Trần Phương ghi nhận những điểm mạnh yếu của mô hình trường đại học không vì mục đích lợi nhuận so với mô hình trường đại học khác như sau:
3.1. Trường đại học tư thục vì mục đích lợi nhuận
- a) Điểm mạnh:Ngay từ ngày đầu thành lập đã có nguồn vốn lớn cho phép xây dựng trường sở khang trang.
- b) Những điểm yếu:
– Vì quyền quyết định phụ thuộc vào những người có vốn lớn, nên khó tránh khỏi sự tranh chấp quyền lực thông qua việc góp vốn và chuyển nhượng vốn, khiến nội bộ trường thiếu ổn định;
– Vì quyền lực nằm trong tay các nhà đầu tư, nên khó tránh khỏỉ mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư với các nhà giáo dục;
– Vì bảo đảm lợi nhuận cho các nhà đầu tư, nên khó tránh khỏi cắt xén kinh phí đào tạo, ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng đào tạo, quyền lợi của người học và người lao động, vì thế, quỹ tích lũy tập trung của trường khó lớn mạnh.
3.2. Trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận
- a) Điểm yếu:Vốn hoạt động trong những năm đầu tương đối hạn chế. Phải 5-10 năm sau mới đủ vốn xây dựng trường sở khang trang.
- b) Những điểm mạnh:
– Không có tranh giành quyền lực giữa các nhà đầu tư. Quan hệ giữa các cổ đông là quan hệ dân chủ và tập trung dân chủ, nhờ đó, đảm bảo được sự đoàn kết thống nhất giữa các cổ đông, giữa các cơ quan lãnh đạo của trường với các cổ đông, với người lao động, đảm bảo được quyền lực và kỷ cương trong quản lý;
– Đảm bảo được sự hài hòa của các lợi ích: lợi ích của người góp vốn, lợi ích của người học, lợi ích của người lao động và lợi ích lâu dài của trường;
– Vì không phải nộp lợi nhuận cho ai và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Nhà nước, nên quỹ tích lũy không chia của trường ngày càng lớn mạnh, cho phép tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho người lao động.
Phải nói rằng, dưới sự chỉ đạo của GS Trần Phương, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn theo đuổi mục tiêu không vì lợi nhuận trong hoạt động của mình. Chẳng hạn, học phí/năm khi trường mới thành lập tương đương 400$, rất cao so với các trường đại học khác lúc đó. Nhưng những năm sau tăng rất chậm so với nhiều trường. Trước mỗi lần dự định tăng mức học phí, trường thường căn cứ vào mức lạm phát của đồng tiền và cho người đi khảo sát mức học phí của các trường bạn, cả công lập và ngoài công lập. Có lần trường đề ra mức tăng học phí lên 9,6 triệu đồng/năm, có thành viên Hội đồng Quản trị đề nghị “làm tròn” 10 triệu đồng, nhưng GS Trần Phương nói: “Không nên. Phần lớn các em vào trường đều xuất thân từ những gia đình làm nông nghiệp, còn lắm khó khăn”.
Ngoài ra, có phần khác với nhiều trường công lập và ngoài công lập, trong nhiều năm, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội quy định một mức học phí chung cho tất cả các ngành nghề đào tạo. Chỉ 15 năm sau, trường mới quy định mức học phí khác nhau cho các khối kinh tế – quản lý, kỹ thuật – công nghệ, bảo vệ sức khỏe và ngôn ngữ – ngoại ngữ, không phải căn cứ vào nhu cầu của trường, mà vào chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất – kỹ thuật của ngành nghề đào tạo. Ngay trong khối kinh tế – quản lý có 8 ngành đào tạo khác nhau, nhưng mức học phí vẫn là một, cho đến nay là 12 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với các trường khác, kể cả một số trường công.
- Chủ thực sự của trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận
GS Trần Phương luôn phê phán tính vô chủ trong quản lý của nhiều doanh nghiệp nhà nước. Là một nhà lãnh đạo kinh tế dạn dày kinh nghiệm, Giáo sư không muốn ngôi trường của mình vô chủ. Ông nói: dù không còn nhu cầu kêu gọi góp vốn, nhưng trường vẫn tiếp tục khuyến khích người lao động mới vào làm việc ở trường đóng cổ phần, nhất là các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trẻ, vì chính họ sẽ là chủ tương lai của trường, bảo đảm cho sự phát triển trường tồn của trường.
Như trên đã nói, chủ nhân thật sự của trường là tập thể các cổ đông. Họ có quyền sở hữu về tài sản do họ đóng góp và những tài sản do họ làm ra. Không ai có thể tước bỏ được quyền sở hữu đó của họ, ngay cả khi trường hoạt động theo mô hình không vì mục đích lợi nhuận. GS Trần Phương viết: “Có ý kiến cho rằng quỹ tích lũy không chia là tài sản xã hội. Không đúng. Không có xã hội nào tạo ra nó cả. Nó do hoạt động của tập thể các cổ đông tạo ra”. Ông đưa ra giả thiết: “Khi trường giải thể (điều này có thể không bao giờ xảy ra), quỹ tập trung này là nguồn vốn để trang trải các khoản nợ nần của trường, giải quyết quyền lợi của người học, của cán bộ, nhân viên và giảng viên, thanh toán các chi phí phát sinh, hoàn trả các khoản vốn góp của cổ đông và cuối cùng, nếu còn dư, sẽ được phân chia cho cổ đông theo tỉ lệ vốn góp”.
- Thực hiện ý tưởng của GSTrần Phương trong điều kiện mới
Từ khi thành lập (năm 1996), trong hơn mười năm phải đi thuê cơ sở dạy và học trong khắp thành phố Hà Nội, với số sinh viên ban đầu gần 800 em, ngày nay Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã có ba cơ sở đào tạo ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hòa Bình tổng diện tích gàn 70.000 m2, với số cán bộ, nhân viên, giảng viên 1.274 người và 31.634 sinh viên, học viên cao học (năm học 2016-2017). Qua 20 năm, trường đã cấp bằng tốt nghiệp đại học cho 62.248 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, 1.875 thạc sĩ. Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3 và nhiều bằng khen. Thành tựu đó đã minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận và tư tưởng, quan điểm giáo dục đại học của GS Trần Phương.
Hơn một phần tư thế kỷ, trường vừa xây dựng, vừa phát triển trong bối cảnh nền luật pháp của nước ta, trong đó có Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, dần dần hoàn thiện, quy định thêm khá nhiều điểm mới, khác với các quy định trước kia.
Chẳng hạn, trước đây Nhà nước chỉ cho phép có trường công lập, trường dân lập và bán công. Từ năm 2005, loại hình trường tư thục được phép ra đời. Hoặc, trước đây, trường đại học phi lợi nhuận là cơ sở, ở đó người góp vốn chỉ cần cam kết “không vì lợi nhuận”, không lấy lãi hoặc lấy lãi từ vốn góp theo tỉ lệ bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ và có thể chuyển nhượng hoặc rút vốn góp, v.v… Nhưng nay, theo Luật Giáo dục đại học 2018, thì trường đại học phi lợi nhuận là cơ sở, ở đó nhà đầu tư cam kết “hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển trường”; “nếu có phải giải thể, thì toàn bộ vốn đầu tư và tài sản được tạo ra thuộc phần không chia sẻ chuyển cho Nhà nước” để sử dụng cho mục đích phát triển giáo dục,…
Hoặc Luật Giáo dục đại học 2018 rất coi trọng vai trò của nhà đầu tư với nguyên tắc giải quyết mọi vấn đề hoạt động của trường đại học tư thục, trong đó có các vấn đề về tổ chức – nhân sự, theo tỷ lệ vốn góp.
Mô hình trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận mà GS Trần Phương đề ra dựa trên một trong những hình thức tổ chức nền tảng của xã hội xã hội chủ nghĩa – đó là chế độ sở hữu tập thể, là quyền và lợi ích hợp pháp của “một tổ chức hợp tác (hợp tác xã) của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn hoạt động vì sự nghiệp “trồng người” không vì mục đích lợi nhuận”. Bản chất của loại hình “hợp tác xã” trong lĩnh vực giáo dục này đã được khẳng định trong sứ mạng, điều lệ, chiến lược phát triển dài hạn của Trường. Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của “hợp tác xã” Trường HUBT hoàn toàn phù hợp với những điều quy định trong Luật Hợp tác xã mà Quốc hội mới ban hành ngày 20-6-2023 (Luật số 17/2023/QH15).
Song, Luật Giáo dục đại học 2018 đã không hàm chứa được những ý tưởng tốt đẹp mà mô hình trường tư thục không vì mục đích lợi nhuận của GS Trần Phương đã chứng tỏ cả về mặt lý thuyết và thành tựu hiện thực mà tập thể Trường HUBT đã cùng nhau đạt được trong gần 30 năm xây dựng và phát triển vừa qua.
Thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học 2018 trên nền tảng gìn giữ những yếu tố tốt đẹp nhất trong Mô hình trường đại học tư thục không vì mục đích lợi nhuận của GS Trần Phương như thế nào để, một mặt, tuân thủ các quy định của Nhà nước, mặt khác, “không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của trường, không gây khó khăn cho người học, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các cá nhân và tổ chức có liên quan” như Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 5-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu? Đây là thách thức lớn đang được đặt ra trước lãnh đạo và tập thể Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Nhưng có lẽ không phải chỉ có vậy. Lịch sử của quá trình Đổi mới ở nước ta những năm vừa qua cho thấy những sáng kiến mới, những mô hình mới do “tuyến cơ sở” tạo ra mang lại lợi ích cho nhân dân và hiệu quả chung cho xã hội thì phải được “thể chế hóa” để trở thành những đòn bẩy mạnh mẽ, tiên phong thúc đẩy tiến bộ xã hội. Những thể chế, chính sách của Nhà nước phải phản ánh được và nhân rộng tính sáng tạo hiệu quả của những mô hình mới đó. Phải chăng mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận của HUBT là một đòn bẩy như thế đối với lĩnh vực giáo dục đại học ngoài công lập ở nước ta trong Thời kỳ Đổi mới lần thứ hai này?