Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, một cơ sở giáo dục đại học hoàn chỉnh phải có 3 bậc kiến thức đào tạo: Bậc 6 trình độ cử nhân – tốt nghiệp đại học, Bậc 7 – trình độ thạc sĩ và Bậc 8, cao nhất, – trình độ tiến sĩ.
Sau 10 năm thành lập và hoạt động với kiến thức đào tạo ở Bậc 6, khi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) đã có đủ những điều kiện tối thiểu để đào tạo sau đại học, GS Hiệu trưởng Trần Phương đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép trường được đào tạo trình độ thạc sĩ (từ năm 2005) và trình độ tiến sĩ (từ năm 2014).
Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, cũng là một vinh dự to lớn đối với trường.
Để đảm đương được nhiệm vụ này, GS Hiệu trưởng đã có các quyết định và quy chế cụ thể về chương trình đào tạo, về tổ chức và quản lý, phân vai rõ ràng, hợp lý giữa các đơn vị về chức năng, nhiệm vụ, về nội dung hoạt động và các mối quan hệ giữa các đơn vị tổ chức quản lý và đào tạo sau đại học, như: Khoa đào tạo sau đại học – nay là Viện Đào tạo sau đại học, các phân viện – nay là các khoa trực tiếp hoặc tham gia đào tạo sau đại học và các phòng, ban, đơn vị chức năng trực thuộc Ban Giám hiệu.
Với chức năng là cơ quan đầu mối tổ chức và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến đào tạo sau đại học do một Phó Hiệu trưởng phụ trách và Phó Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ theo dõi hoạt động, Viện đã có các quy định hướng dẫn và trực tiếp tổ chức, quản lý thực hiện các khâu chủ yếu như sau:
1) Xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, điều kiện đầu vào tuyển sinh.
2) Tổ chức quản lý lớp (với các quy định cụ thể: “Ba tự” – tự giác, tự quản và tự học đối với học viên cao học, với nghiên cứu sinh; Sổ quản lý lớp, v.v…).
3) Làm thủ tục tốt nghiệp, trao bằng thạc sĩ, tiến sĩ, tổng kết khóa học,…
4) Phối kết hợp chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả với các khoa – ngành trực tiếp hoặc tham gia đào tạo chuyên môn và các phòng ban, đơn vị chức năng trực thuộc Ban Giám hiệu.
Tất cả những vấn đề nêu trên cùng với những văn bản quan trọng của Nhà nước về quản lý đào tạo sau đại học cho đến nay đã được tập hợp, in thành các tập “Những quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ – tiến sĩ” (7 tập) để nghiên cứu, sử dụng.
Như vậy, cho đến nay, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển của HUBT, sau 18 năm hình thành và không ngừng hoàn thiện về mọi mặt, Hệ đào tạo sau đại học của trường HUBT đã đa dạng hóa về ngành, tăng rõ rệt về lượng và cải thiện về chất lượng đào tạo.
Cụ thể là:
Về ngành đào tạo: từ 01 ngành Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ban đầu nay đã lên tới 10 ngành.
Về số lượng học viên cao học: từ 33 học viên nhập học năm 2006, 31 học viên tốt nghiệp của Khóa 1, đến năm 2023, Khóa 18 đã có 330 học viên nhập học (đợt 1). Có những khóa, số học viên cao học rất đông, cao nhất là Khóa 11 (năm học 2016-2018), với số lượng nhập học là 784 học viên, tốt nghiệp là 656 học viên – so với Khóa 1 số nhập học tăng gấp 23 lần, số tốt nghiệp tăng gấp 21 lần. Mấy năm gần nay tình hình có khó khăn hơn do những nguyên nhân, như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, suy thoái, lạm phát kinh tế, v.v…, nên số học viên nhập học có giảm. Nhưng đây là khó khăn chung, của nhiều trường đại học khác, chứ không riêng HUBT. Tuy nhiên, tình hình đó cũng gây ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các trường. Kết quả tuyển sinh bước đầu đạt được của Khóa 18 là sự có cố gắng lớn đáng ghi nhận của trường và Viện Đào tạo sau đại học.
Về đào tạo tiến sĩ: do có nhiều trở ngại khách quan về điều kiện mở ngành, nên đã gần 10 năm, nhưng HUBT mới chỉ có 1 mã ngành đào tạo tiến sĩ là Quản trị kinh doanh. Mặc dù năng lực đào tạo trình độ tiến sĩ của nhiều đơn vị trong trường, như các ngành Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Quản lý kinh tế, Công nghệ thông tin… khá dồi dào. Tuy nhiên, chỉ với một mã ngành đào tạo tiến sĩ Quản trị kinh doanh, mà hàng năm số nhập học đều bằng hoặc vượt chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho trường, thì chứng tỏ rằng trường và Viện đã có rất nhiều cố gắng.
Tổng hợp lại, có thể đưa ra một số kết quả đào tạo cao học từ năm 2005 đến nay như sau:
– Về đào tạo trình độ thạc sĩ: Nhập học 6.517 học viên; 4.719 học viên đã tốt nghiệp và 80,9% đã nhận bằng thạc sĩ. Còn khoảng gần 20% không hoàn thành chương trình học tập, nguyên nhân chính là do sức ép của công việc tại nơi làm việc hoặc do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, sức khỏe giảm sút.
– Về đào tạo trình độ tiến sĩ: Có 34 trong tổng số 86 nghiên cứu sinh, chiếm 39,5%, đã đủ điều kiện được nhận bằng tiến sĩ.
– Về thực hiện kỷ cương đào tạo và học tập: Tất cả số học viên, nghiên cứu sinh chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế, không để xảy ra vi phạm gì đáng kể.
GS Hiệu trưởng Trần Phương luôn quan tâm đặc biệt đến Hệ đào tạo sau đại học – bậc học và đào tạo trình độ cao nhất của trường. Với trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của trường và với sự uyên bác của một nhà khoa học, nhà sư phạm, sự lão luyện của một nhà quản lý, cũng như phong cách mẫu mực trong làm việc, ngay từ những khóa đào tạo cao học đầu tiên, GS Hiệu trưởng Trần Phương đã trực tiếp soạn thảo, phê duyệt, ra các quyết định về chương trình đào tạo, bài giảng và trực tiếp giảng dạy một số học phần quan trọng, như Khoa học quản lý, Phương pháp nghiên cứu khoa học, có tác dụng làm khuôn mẫu về nội dung và phương pháp sư phạm, cũng như cách thức biên soạn học liệu cho Viện và các khoa, các thầy cô giáo tham gia đào tạo sau đại học.
Mấy khóa cao học gần đây, do sức khỏe không còn được như trước, nên GS Hiệu trưởng không thường xuyên đến trường, đại diện lãnh đạo của Viện đã định kỳ đến báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Giáo sư về các vấn đề quan trọng đào tạo sau đại học. Nhờ vậy, Hệ đào tạo sau đại học đã và đang vượt qua mọi sóng gió, trở lực, đạt được những kết quả khá cơ bản và có nhiều triển vọng đóng góp cho sự thành công chung của toàn trường (chẳng hạn, kết quả các lớp cao học đầu tiên hợp tác đào tạo sau đại học với Trung Quốc, tuyển sinh cao học Khóa 18 đợt 1 và nghiên cứu sinh Khóa 7).
Những thành công gặt hái được trong suốt gần 20 năm qua đã khằng định công lao vun xới của GS Trần Phương. Đây cũng là nguồn động viên to lớn, niềm tự hào, niềm vui, phấn khởi, niềm tin tuyệt đối vững bước đi lên của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, nghiên cứu sinh Hệ đào tạo sau đại học HUBT trong giai đoạn phát triển mới của trường theo sự chỉ đạo, phong cách điều hành của GS Hiệu trưởng Trần Phương – NGỌN HẢI ĐĂNG NGỜI CHIẾU đến thắng lợi cuối cùng./.
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2023