Khi nói về sự hình thành và phát triển của Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn, không thể không kể tới sự quan tâm và ủng hộ của GS Trần Phương, hay nói một cách khác là việc thành lập Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn ở Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gắn liền với tên tuổi của GS Trần Phương.
Thật vậy, Khoa Tiếng Nga (từ năm 2019 đổi tên thành Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn) của HUBT được thành lập ngày 13 tháng 6 năm 2013, cách nay đã 10 năm, đúng vào dịp chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin. Trong khuôn khổ chuyến thăm, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga V. Putin, GS Hiệu trưởng Trần Phương và GS Buyanov, Giám đốc Học viện Kinh tế và Pháp luật Maxkva (MAEP), đã ký Hiệp định hợp tác song phương về giáo dục và đào tạo giữa HUBT và MAEP. Mặc dù, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Hiệp định này đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được, tuy nhiên, xét về mặt chính trị, thì đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của GS Trần Phương; cho thấy sự đóng góp cụ thể quan trọng của HUBT vào sự nghiệp chung là củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, qua đó nâng tầm uy tín quốc tế, và sự lan tỏa ảnh hưởng của HUBT đối với toàn xã hội Việt Nam.
Sau khi thành lập, Khoa Tiếng Nga đã được Ban Giám hiệu, trước hết là GS Trần Phương, dành sự quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất cho hoạt động. Về phần mình, Ban Chủ nhiệm và tập thể giảng viên của Khoa cũng đã không ngừng phấn đấu, đề ra các kế hoạch và lộ trình thực hiện nhằm biến những tư tưởng và mong muốn của Giáo sư Hiệu trưởng trở thành kết quả cụ thể: bước đầu, phải làm sao mở được một số lớp tiếng Nga không chuyên. Mục tiêu đặt ra tưởng chừng đơn giản, nhưng để thực hiện nó thì không hề dễ dàng chút nào. Khó khăn lớn nhất ở đây chính là tìm được người học.
Nhân dân Việt Nam, trong đó có thanh niên và sinh viên, vẫn có nhiều tình cảm với đất nước và con người Nga, yêu tiếng Nga và nền văn hóa Nga. Nhưng để quyết định đăng ký học tiếng Nga lúc này, thì mọi người đều đắn đo, cân nhắc. Bởi lẽ là sau khi Liên Xô tan rã (1991), quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga đã bị suy giảm nhiều và vì vậy, tính hấp dẫn của tiếng Nga cũng không còn như trước đây nữa. Học tiếng Nga để làm gì và liệu khi ra trường có “đất dụng võ” cho tiếng Nga không? Đó là những câu hỏi luôn thường trực trong đầu các thí sinh. Mặc dù vậy, trong 4 năm đầu thành lập, từ năm 2013 đến năm 2017, nhờ có những nỗ lực rất lớn trong tuyển sinh, Khoa vẫn duy trì được một số lượng khoảng 100-150 sinh viên học tiếng Nga không chuyên, trong đó, mỗi năm có khoảng 2-3 sinh viên tham gia thi Olimpic tiếng Nga và nhận được học bổng toàn phần đi du học tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần quan trọng, quyết định tới sự phát triển căn bản và lâu dài của Khoa – đó chính là phấn đấu làm sao để Khoa được phép đào tạo cử nhân ngành ngôn ngữ Nga (tiếng Nga chuyên). Trong quá trình tiến hành làm các thủ tục để mở mã ngành cử nhân tiếng Nga, GS Trần Phương thường xuyên quan tâm và dành thời gian nghe Ban Chủ nhiệm Khoa báo cáo về những thuận lợi và khó khăn cần được tháo gỡ. Giáo sư luôn chỉ đạo và hướng dẫn đường đi, nước bước, đồng thời đáp ứng kịp thời các kiến nghị, kể cả về vật chất, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Khoa hoàn thành nhiệm vụ. Cần nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của Giáo sư Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu là nhân tố quyết định để Khoa Tiếng Nga của HUBT nhận được quyền đào tạo ngôn ngữ Nga.
Và sự kiện hết sức quan trọng thứ hai này đối với sự phát triển của Khoa đã diễn ra vào năm 2017: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở mã ngành Cử nhân tiếng Nga. Đây là dấu mốc lớn khẳng định Khoa tiếng Nga về mặt pháp lý có đầy đủ điều kiện để phát triển như các khoa khác của HUBT. Nếu so sánh với các cơ sở đào tạo tiếng Nga khác trong phạm vi cả nước, thì từ thời điểm này, HUBT đứng ngang hàng với các cơ sở công lập, như Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học sư phạm và Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng,… Cần lưu ý rằng, trong số các trường ngoài công lập, thì HUBT là cơ sở duy nhất có đào tạo cử nhân tiếng Nga.
Như vậy, về mặt pháp lý, sau năm 2017, Khoa Tiếng Nga của HUBT đã trưởng thành và phát triển với đầy đủ ý nghĩa của những từ này, tức là cùng một lúc tồn tại hai hình thức đào tạo: tiếng Nga chuyên và tiếng Nga không chuyên. Nhưng ở đây có một vấn đề nảy sinh: làm sao có đủ sinh viên để thành lập, cho dù chỉ là một lớp tiếng Nga cử nhân? Tuyển sinh ở đâu và như thế nào là những vấn đề mà tập thể giảng viên của Khoa trăn trở, lo lắng trong nhiều tháng trời. Bởi vì theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu trong vòng 3 năm liên tiếp Khoa không tuyển được người học, thì quyền được đào tạo cử nhân tiếng Nga sẽ bị thu hồi. Thực tế cho thấy, mùa tuyển sinh đầu tiên năm học 2018-2019 đã sắp hết, mà số lượng sinh viên đăng ký học tiếng Nga chỉ tính bằng đầu ngón tay, không đủ để thành lập một lớp tiếng Nga cử nhân. Chả thế mà có người còn nói đùa rằng đến bao giờ thì “sẽ hóa vàng” cho Khoa tiếng Nga đây?
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng như vậy, GS Trần Phương đã động viên Khoa hãy cố gắng tìm mọi cách và bằng mọi biện pháp để tuyển sinh. Thầy gợi ý cho chúng tôi việc tuyển sinh không phải chỉ dừng lại ở Hà Nội và những địa phương quanh Hà Nội, mà phải đi tìm ở những nơi xa hơn, có nhiều khách du lịch nói tiếng Nga, ví dụ, ở các thành phố biển miền Trung, như Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né,… Đồng thời, Khoa phải móc nối liên minh, liên kết với các trung tâm dạy tiếng Nga ở những nơi đó để thành lập các lớp tiếng Nga, rồi cử giảng viên vào đó mà dạy. Sự chỉ đạo của Giáo sư Hiệu trưởng thật kịp thời, sáng suốt và mang ý nghĩa thực tiễn cao. Khi đọc những dòng chữ bút phê của Thầy ở lề một trong những tờ trình của Khoa gửi Thầy và Ban Giám hiệu, thoạt đầu, tôi dường như không tin vào mắt mình rằng đây chính là ý tưởng của GS Trần Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách những vấn đề kinh tế vĩ mô của đất nước và hiện đang điều hành một công việc đặc thù của một cơ sở giáo dục và đào tạo lớn ngoài công lập, hàng ngày phải lo biết bao nhiêu công việc liên quan tới “cơm, áo, gạo, tiền” cho hơn 1.000 giảng viên; lo nâng cao chất lượng đào tạo cho hàng chục nghìn sinh viên đang theo học tại HUBT, lại vẫn có thể dành sự quan tâm cho cả vấn đề không lớn như tuyển sinh cho Khoa Tiếng Nga nữa! Càng suy nghĩ về ý tưởng của Thầy, chúng tôi càng thấm thía, càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tuyển sinh cho Khoa, cũng như thấy rõ tính thực tiễn trong tư duy của Thầy về mục đích dạy tiếng Nga trong tình hình mới.
Tính thực tiễn trong tư duy của GS Trần Phương là ở đâu? Chính là ở việc đào tạo tiếng Nga hiện nay tại HUBT không nên rập khuôn theo lối mòn như trước đây là nặng về giảng lý thuyết, văn chương kinh điển, “tầm chương, trích cú”,… mà là trang bị cho sinh viên các kỹ năng nói, viết thành thạo, am hiểu về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội của cả Liên bang Nga và Việt Nam, để sau khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể đăng ký vào làm việc với tư cách là thư ký văn phòng tại các công ty, doanh nghiệp có sử dụng tiếng Nga, cũng như làm hướng dẫn viên du lịch tại các công ty du lịch lữ hành,… Tư tưởng này của Giáo sư Hiệu trưởng đã được Khoa Tiếng Nga quán triệt trong suốt những năm vừa qua và đã thu được những kết quả quan trọng ban đầu.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tuyển sinh, song với lòng quyết tâm cao, sự kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi của tập thể các thầy, cô giáo trong Khoa, được sự khuyến khích, ủng hộ của GS Hiệu trưởng và của Ban Giám hiệu, Khoa đã cử giảng viên tỏa đi khắp nơi để tuyển sinh. Kết quả là ngay trong mùa tuyển sinh đầu tiên niên khóa 2018-2019 (K-23), Khoa đã thành công trong việc lập được một lớp tiếng Nga cử nhân với sĩ số ban đầu là 15 em. Sau 4 năm học, về tới đích còn 12 em và ngày 26 tháng 6 năm 2023 vừa qua, đã có 6 em đủ điều kiện bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp đợt 1 (đợt 2 dự kiến tổ chức bảo vệ vào năm nay). Tuy ít, song các em lớp đầu tiên cử nhân tiếng Nga đã đóng vai trò quan trọng, là “chim đầu đàn” để các lớp đàn em noi theo. Đáng chú ý là trong niên học 2022-2023 (K-27), Khoa đã tuyển được hơn 80 sinh viên, tức là gần ngang với số lượng sinh viên cử nhân ngành ngôn ngữ Nga tuyển được của các Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, và Trường Đại học Hà Nội, là những cơ sở đã có hơn 60 năm kinh nghiệm đào tạo tiếng Nga ở Việt Nam.
Mốc phát triển quan trọng tiếp theo của Khoa là năm 2019, Khoa đã được lãnh đạo HUBT cho phép mở Bộ môn tiếng Hàn không chuyên. Một trang mới đã mở ra đối với Khoa và bắt đầu từ đó Khoa tiếng Nga được đổi tên thành Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và hoạt động với phương châm “Giữ lửa cho tiếng Nga và nổi lửa cho tiếng Hàn”, phản ánh đúng tình hình hiện nay. Hiện nay sĩ số sinh viên đang theo học tại Khoa như sau: Tiếng Nga có hơn 80 em còn tiếng Hàn gần 400 em. Trong “Chiến lược phát triển của Khoa từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Khoa đặt mục tiêu phấn đấu để trong thời gian sớm nhất mở được mã ngành Cử nhân tiếng Hàn. Nếu đạt được như vậy, Khoa hy vọng sẽ có đóng góp thiết thực cho Trường.
Sẽ là không đầy đủ khi nói về các thành tích của Khoa, nếu không nói tới các em sinh viên của Khoa đoạt giải trong các kỳ thi Olympic tiếng Nga do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức. Trong tổng số khoảng hơn 25 em đã đoạt giải Olympic tiếng Nga từ trước đến nay, riêng trong năm 2023 này đã có 5 em có giấy báo trúng tuyển chuẩn bị sang du học tại Liên bang Nga. Ngoài ra, sinh viên của Khoa còn tham gia nhiều cuộc thi tiếng Nga về các chủ đề đất nước và con người cũng đã đoạt giải. Chúng tôi cho rằng việc sinh viên tiếng Nga HUBT đoạt các giải nói trên không thua kém các cơ sở đào tạo tiếng Nga trên cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng đã góp phần làm tăng uy tín của HUBT, đồng thời, sau khi các em tốt nghiệp các cơ sở đào tạo ở Liên bang Nga về làm việc trong nước sẽ khẳng định sự đóng góp của trường ta vào việc cung cấp nguồn nhân nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.
Có thể khẳng định rằng sở dĩ Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn có được thành tích nêu trên trong suốt 10 năm qua là nhờ có sự chỉ đạo, ủng hộ, động viên to lớn của Ban Giám hiệu, trước hết là của GS Hiệu trưởng Trần Phương; sự giúp đỡ và cộng tác của các phòng ban chức năng, các khoa trong trường và của các đồng nghiệp ngành ngôn ngữ Nga và ngôn ngữ Hàn ở các cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Đồng thời, đây cũng là nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi trong giảng dạy và học tập của tập thể giảng viên và sinh viên của Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn.
Hiện nay, do tuổi cao GS Hiệu trưởng Trần Phương không đến làm việc trực tiếp ở trường được, nhưng thông qua nhiều kênh khác nhau, Thầy vẫn chỉ đạo từng đường đi, nước bước trong hoạt động của trường. Là những giảng viên có nhiều năm làm việc bên cạnh Giáo sư, Khoa Ngôn ngữ Nga – Hàn luôn cảm nhận được sự quan tâm lớn và tình cảm thân thương mà GS Hiệu trưởng Trần Phương dành cho chúng tôi.
Chúng tôi nguyện nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong hoạt động chuyên môn cũng như trong các mặt công tác khác, để góp phần khiêm tốn của mình vào việc xây dựng HUBT ngày càng phát triển vững mạnh hơn. Chúng tôi cho rằng đó chính là sự thể hiện tốt nhất lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với GS Trần Phương và trung thành với sự nghiệp “trồng người” cao quý mà Giáo sư đã khởi xướng cách đây gần 30 năm./.