Giáo sư Trần Phương với sự phát triển hợp tác quốc tế của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – Nguyễn Xuân Đậu

Ngày 01 tháng 3 năm 1999, Giáo sư Trần Phương cùng với Tiến sĩ Peter W. H. DeJong, Hiệu trưởng Trường Đại học Deventer Business School, Hà Lan, ký Bản Thỏa thuận xúc tiến sự hợp tác đào tạo quốc tế về trao đổi sinh viên, giảng viên, trao đổi tài liệu giáo dục và nghiên cứu, các ấn phẩm và thông tin đào tạo, tiếp nhận sinh viên của Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) sang Hà Lan học năm cuối để được cấp bằng cử nhân sau khi hoàn thành khóa học 10 tháng.

Tiếp theo, ngày 28 tháng 11 năm 2000, Giáo sư Trần Phương cùng với Tiến sĩ khoa học Dick J. Wolterink, Giám đốc Đại học Saxion, Hà Lan, ký Bản Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu khoa học.

Trên cơ sở các bản thỏa thuận hợp tác này, từ những năm 1999, ngay sau khi mới thành lập được 3 năm, trường HUBT đã gửi nhiều sinh viên sang Hà Lan đào tạo. Đây là hình thức liên kết đào tạo 3+1 đầu tiên của trường theo hình thức hợp tác đào tạo với một trường đại học hàng đầu ở châu Âu. Sinh viên học hết năm thứ 3, đạt trình độ tiếng Anh, được cử sang Hà Lan học tiếp năm cuối. Điều này thể hiện rằng, với chương trình đào tạo của trường ta, kể cả trình độ tiếng Anh, sinh viên đã tiếp cận được trình độ đào tạo của các trường đại học nước ngoài.

Những bản Thỏa thuận hợp tác đầu tiên được ký vào các năm 1999 và 2000 là dấu mốc cho sự khởi đầu phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế của trường trong suốt 27 năm qua. Điều này thể hiện tầm nhìn của Giáo sư Trần Phương đối với sự phát triển hợp tác quốc tế của trường khi mà trường mới được thành lập chưa lâu, còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, tài chính,… Những năm tiếp theo sau đó, trường đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học từ châu Âu, châu Á, Mỹ, Australia. Đến nay trường đã thiết lập được mạng lưới trên 50 đối tác nước ngoài có quan hệ, hợp tác với trường ta, trong đó có các trường đại học, các tổ chức giáo dục nước ngoài và tổ chức quốc tế.

Thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của phát triển hợp tác quốc tế của trường, tháng 4 năm 2005, Giáo sư Trần Phương đã quyết định thành lập các đơn vị chuyên trách giúp Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu về tổ chức và quản lý các hoạt động này của trường, gồm: Phòng Quan hệ quốc tế và Trung tâm Hợp tác đào tạo với nước ngoài, do một Phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách. Từ đây, các hoạt động về quan hệ, hợp tác quốc tế của trường chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Chúng ta gửi hàng nghìn sinh viên đi đào tạo nước ngoài, cử hàng trăm cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên ra nước ngoài trao đổi hợp tác, tham quan, học tập, đào tạo, thực tập. Hàng năm, trường tiếp nhận và làm việc với khoảng 30-50 đoàn khách quốc tế đến thăm, thảo luận, ký kết hợp tác, dự hội thảo khoa học, tham gia giảng dạy. Tính đến nay đã có 65 văn bản thỏa thuận và chương trình hợp tác đã được ký kết giữa trường ta với các đối tác nước ngoài về hợp tác giáo dục và đào tạo.

Thông qua các thỏa thuận và chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài có khoảng gần 1.700 cán bộ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, thực tập sinh do trường ta gửi ra nước ngoài đào tạo. Số cán bộ này khi về nước có trình độ chuyên môn và giỏi về ngoại ngữ, được rèn luyện tác phong làm việc trong môi trường kinh tế phát triển. Hầu hết số cán bộ này đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giảng viên các trường đại học.

Ngoài việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật, giảng viên và sinh viên với các trường đại học nước ngoài, Giáo sư Trần Phương cũng rất quan tâm đến việc tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh nước ngoài tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong đó đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào và Campuchia.

Năm 2012, Giáo sư Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã ký Nghị quyết về chiến lược xây dựng và phát triển trường giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến năm 2020, trong đó có nêu rõ phát triển đào tạo sinh viên Lào và Campuchia.

Cùng năm đó, một đoàn cán bộ giáo dục và thể thao Lào lần đầu tiên thăm trường. Đoàn gồm Giám đốc các Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Savanakhet, tỉnh Khăm Muộn và tỉnh Bolykhamxay. Đoàn đã được Giáo sư Trần Phương tiếp và nói chuyện hết sức thân mật. Giáo sư đã ôn lại những năm tháng làm chuyên gia giúp Lào xây dựng, phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm về đào tạo cán bộ chuyên môn phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước Lào. Giáo sư lưu ý Đoàn cân nhắc gửi học sinh sang Việt Nam đào tạo những lĩnh vực nào cho phù hợp với tình hình và tiềm năng phát triển kinh tế của Lào trong tương lai. Buổi tiếp của Giáo sư Hiệu trưởng với Đoàn kéo dài gần 3 giờ trong không khí cởi mở, đoàn kết đặc biệt, thân mật, thắm tình hữu nghị. Giáo sư cũng khẳng định Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn sẵn sàng giúp đỡ hết khả năng trong công tác đào tạo lưu học sinh Lào học tập tại trường và dành những ưu đãi tối đa cho lưu học sinh Lào. Cảm động trước tình cảm của Giáo sư Hiệu trưởng dành cho Đoàn, một Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao, thành viên của Đoàn đã nói: “Thưa Giáo sư Hiệu trưởng, xin Giáo sư cho phép chúng em gọi Giáo sư bằng THẦY và rất cảm ơn Thầy đã có buổi tiếp rất thân mật và có nhiều tư vấn bổ ích trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào”.

Những bản Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cho Lào giữa Trường và ba tỉnh của Lào đã được ký kết sau đó với sự chứng kiến của Giáo sư Trần Phương. Theo đó, tháng 9 năm 2012, 33 lưu học sinh Lào đầu tiên đến từ ba tỉnh đã nhập học tại trường, lúc đầu được bố trí ở tại Nhà E, tầng 2. Lưu học sinh Lào tăng lên nhanh chóng và Giáo sư Trần Phương giao nhiệm vụ cho tôi, lúc đó là Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo với nước ngoài, tìm nơi ở ngoài trường cho họ và phải tuyệt đối đảm bảo an toàn về mọi mặt. Rồi ký túc xá Từ Sơn được xây dựng và toàn bộ lưu học sinh Lào và Campuchia được chuyển sang ở đó. Số lượng sinh viên nước ngoài ngày càng tăng. Giai đoạn 2012-2022, trường đã tiếp nhận, đào tạo trên 1.200 cán bộ, lưu học sinh nước ngoài.

Giáo sư Trần Phương đặc biệt quan tâm đến việc tiếp nhận đào tạo lưu học sinh Lào. Giáo sư lưu ý chúng tôi phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của trường, đào tạo cho Lào là đào tạo cho ta, giúp bạn là tự giúp ta, đào tạo cho bạn không phải tính lỗ, lãi; phải đào tạo cho tốt, có chất lượng để khi các em tốt nghiệp về nước, sẽ là những chuyên gia giỏi, góp phần xây dựng đất nước Lào phát triển.

Quá trình phát triển hợp tác quốc tế của trường luôn được Giáo sư Hiệu trưởng quan tâm và có biện pháp củng cố để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ hội nhập quốc tế. Trước hết là sắp xếp lại tổ chức các đơn vị chuyên trách về hợp tác quốc tế cho phù hợp với tình hình phát triển của trường trong giai đoạn mới.

Ngày 24 tháng 01 năm 2018, Giáo sư Hiệu trưởng đã ký Quyết định số 821/QĐ-BGH về việc thành lập Viện Hợp tác quốc tế trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị là Phòng Quan hệ quốc tế và Trung tâm Hợp tác đào tạo với nước ngoài. Tiếp đó là Quyết định số 1511/QĐ-BGH ngày 12 tháng 6 năm 2018 về việc ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Viện Hợp tác quốc tế.

Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội giai đoạn 2018-2022, tầm nhìn đến năm 2030 do Giáo sư Trần Phương thay mặt Hội đồng Quản trị ký ngày 28 tháng 11 năm 2018 có mục Chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo, trong đó đề cập đến hoạt động cụ thể, như mở rộng và phát triển liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến nước ngoài, có kế hoạch mời các nhà khoa học nước ngoài và các nhà khoa học gốc Việt về tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên; gửi sinh viên ra nước ngoài học tập; tiếp nhận, đào tạo lưu học sinh các nước,…

Qua 27 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong bốn lĩnh vực chủ chốt là đào tạo – quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và hợp tác quốc tế.

Về hợp tác quốc tế, đến nay trường đã thu được những thành quả đáng khích lệ và đang không ngừng mở rộng và phát triển. Mỗi giai đoạn phát triển hợp tác quốc tế của trường đều có dấu ấn của Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương, người luôn luôn quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện để không ngừng phát triển lĩnh vực hợp tác quốc tế trong xu thế hội nhập quốc tế và quốc tế hóa giáo dục đại học trong thời đại ngày nay./.