Người định hình phong cách cho tôi – Nguyễn Mạnh Quân

Triết lý Đạo đức Nhân cách (Virtue ethics) – một trong 6 triết lý cơ bản định hình tính cách con người – có khuyên: “Hãy làm những gì mà những người có tư cách đạo đức tốt, có nhân cách, cho rằng đúng đắn và cần phải làm”. Ngay từ lần đầu gặp mặt, tôi nhận ra ngay sức hấp dẫn kỳ lạ ở GS Trần Phương. Ở tuổi 40 chưa nhiều trải nghiệm, tôi mơ hồ tự hỏi: Điều gì tạo nên sức thu hút ở một con người như vậy? Và tôi lặng lẽ quan sát. Những câu chuyện dưới đây chỉ là một vài kỷ niệm đầy ấn tượng mà tôi nhận thấy và học hỏi được từ GS Trần Phương. Chúng đã giúp tôi đúc kết thành bài học kinh nghiệm riêng của mình. Bài viết này nói về những ảnh hưởng quan trọng GS Trần Phương để lại đối với tôi kể từ khi được gặp và làm việc cho Giáo sư. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc như một lời tri ân thắm thiết đến Giáo sư.

  1. Sức hút kỳ lạ –Khúc ngoặt cuộc đời

Tháng 8-1994, tôi vừa đi học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh ở Mỹ về. Bác Nguyễn Mạnh Can – một người bạn học cũ của bố tôi – khi gặp có hỏi: “Cháu đi học ở Mỹ về thấy bên đó có gì, nói thử bác nghe!” Vào những năm đó, còn ít người được sang du học ở Mỹ, nên những câu chuyện “mắt thấy tai nghe” về nước Mỹ cũng rất mới mẻ, lạ lùng một cách thú vị đối với người nghe. Biết bác là người đã có thời gian cống hiến nhiều năm cho Cách mạng, tôi khá thận trọng và kiệm lời; hỏi gì nói nấy, thấy gì kể nấy, theo hiểu biết của mình. Câu chuyện của tôi với bác nhanh chóng kết thúc. Cuối cùng bác Can nói: “Cháu bố trí thời gian hôm nào lên cơ quan bác nói kỹ cho các bác nghe thêm nhé”. Cứ tưởng cái hẹn đó rồi cũng bị lãng quên, bởi tôi biết ở cương vị của bác, rất nhiều việc hệ trọng đang chờ đợi cần giải quyết. Nhưng tôi đã nhầm. Sau đó chừng một tháng, bác gọi điện cho tôi và nói đến phòng làm việc của bác tại số 10 Nguyễn Cảnh Chân, Ba Đình, Hà Nội. Tôi nghe mà giật mình; bác không quên; hơn thế, địa chỉ cần đến là Ban Tổ chức Trung ương – một nơi khá thâm nghiêm đối với tôi. Rất trịnh trọng, tôi đến địa chỉ đã hẹn, vào phòng làm việc của bác Can, tôi thấy một bác nữa đã ngồi chờ sẵn. Tôi được bác Can giới thiệu đó là PGS Dương Minh Thi cũng muốn nghe câu chuyện của tôi. Thoáng một chút e ngại, vì tôi thấy các bác bật chiếc máy ghi âm đã để sẵn trên bàn từ trước. Bác Can trấn an: “Cháu không phải ngại, thấy gì thì nói nấy. Các bác đang định thành lập trường đại học, nên muốn tìm hiểu xem người Mỹ làm thế nào mà họ giỏi thế?” Tôi dường như trút được phần lớn gánh nặng, vì chỉ tập trung nói đến giáo dục của Mỹ (dù rằng tầm nhìn của tôi khi đó chỉ giới hạn trong phạm vi chương trình tôi dự học và những gì quan sát thấy bên ngoài trong môi trường xã hội hạn hẹp của nơi tôi học và những chuyến thăm quan, du lịch ngắn ngủi). Câu chuyện bắt đầu thận trọng, rồi cũng dần trở nên tự nhiên và sôi nổi hơn. Tôi cố tái hiện, bằng cách nhìn khách quan của tôi, những gì được cho đáng quan tâm, có thể tham khảo từ hệ thống đào tạo chuyên nghiệp của Mỹ.

Thông qua một người bạn, tôi quen biết một người con trai của bác Phương (theo cách gọi thân kính bởi Ông cùng thời với bố tôi) từ năm 1978, nhưng tôi chưa lần nào gặp trực tiếp GS Trần Phương. Lần đầu tôi gặp Giáo sư liên quan đến công việc của trường là vào đầu năm 1995. Bác Nguyễn Mạnh Can hẹn tôi đi cùng với bác đến trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam. Bước vào phòng, tôi thấy một người mới bước sang tuổi già, tráng kiện, tóc cắt ngắn, vẻ mặt khá đẹp, trí tuệ, ngồi trên chiếc sa-lon gỗ cạnh cửa bên bàn nước, đang nghe một người trắng trẻo nhỏ bé (sau này được giới thiệu là bác Đào Nguyên Cát) trao đổi câu chuyện gì đó. Sau lời chào hỏi giữa bác Can, bác Phương và bác Cát, câu đầu tiên GS Trần Phương hỏi là: “Cậu Quân đây phải không? Thôi, cậu về Trường nhé. Để mình nói với cậu Quỳ cho cậu về biệt phái ở Trường của Hội (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam)”. Tôi rất bất ngờ vì những gì mình đã chuẩn bị trước để nói với bác Phương coi như phá sản. Không cần giới thiệu, trình bày hay giải thích, dường như bác Phương đã biết trước và đã có chủ định. Mọi việc diễn ra sau đó rất tự nhiên, mà tôi là người thụ động: các bác hỏi gì, tôi biết đến đâu trả lời đến đó, chẳng theo bài bản nào mà tôi đã dự tính. Mặc dù như vậy, tôi vẫn không hề thấy căng thẳng, hay phải cân nhắc điều gì. Sự tự nhiên đến từ sự chân tình và sức thu hút bởi trí tuệ, hay gì đó khác mà tôi chẳng biết nữa.

Tôi có đôi chút tự hào rằng, câu chuyện của tôi (cùng với những lần vấn đáp sau này của bác Phương và các bác khác) đã dẫn đến quyết định thay đổi về mô hình trường: Thay vì chọn mô hình tương tự Đại học Kinh tế Kế hoạch (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội sau này) tập trung vào các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách, những người sáng lập đã quyết định chuyển sang mô hình trường đại học quản lý kinh doanh (tên thời kỳ đầu của Trường ta). Sau này tôi mới hiểu, tại sao ngay trong lần gặp đầu tiên, bác Phương nói: “Cậu Quân đây phải không? Thôi, cậu về Trường nhé.” Đằng sau câu hỏi không phải là dấu hỏi, mà là dấu chấm. Mọi việc dường như đã được quyết định. Té ra, băng ghi âm buổi gặp với bác Nguyễn Mạnh Can, bác Dương Minh Thi đã được GS Trần Phương và các bác sáng lập Trường nghe kỹ và quyết định. Tôi vốn say sưa với công việc giảng dạy và nghiên cứu, và không phải là người “ương bướng”; vì thế, tôi quyết định rất nhanh và nhẹ nhàng dù không đơn giản: Gắn bó phần đời còn lại với sứ mệnh mới. Cuộc đời sự nghiệp của tôi bước sang trang mới.

  1. Chân tình –Hãy đối xửvới sự tin tưởng và chu đáo

Đây là hai tính cách tôi cố học được ở GS Trần Phương. Từ sau lần gặp đầu tiên ở trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam đã nói ở trên, tôi được tham gia vào hầu hết tất cả các cuộc họp của Hội đồng Sáng lập, chính thức và không chính thức. Tôi là người ít tuổi nhất (khi đó mới chỉ hơn 40), nên được các bác gọi là “thanh niên”, biệt danh này còn theo tôi nhiều năm sau. Chủ yếu là dự và nghe các bác trao đổi, tranh luận, và trả lời khi được hỏi. Nhận ra rằng, mình chưa đủ trí tuệ để tham vấn và/hoặc ra quyết định, tôi cố gắng “sắm vai” người cung cấp thông tin để ra quyết định và chỉ đưa ra ý kiến riêng khi được hỏi: “Thế theo cậu thì thế nào?”. Tôi mừng vì các câu hỏi kiểu này tăng dần theo thời gian. (Có lần, trong một buổi họp Hội đồng quản trị, GS Phan Văn Tiệm viết và chuyển cho tôi mẩu giấy ghi: “Cậu phát biểu đi, ông Phương chỉ nghe cậu”). Tôi biết rằng có được sự tin tưởng như vậy chẳng phải là nhờ tư duy sắc sảo của tôi (lúc đó còn xa lắm mới so được với những bộ óc giàu kinh nghiệm và từng trải của những người sáng lập lão thành) mà nhờ sự chân chất và thông tin hữu ích mà tôi cung cấp giúp các bác ra quyết định. Cũng nhờ điều đó, tôi được đặc cách: “Lúc nào có thời gian, không phải đi giảng, cậu cứ sang bên mình (khi đó vợ chồng GS Trần Phương ở tại Xuân Quan, cách Hà Nội 18 km). Không cần gọi điện trước; nhưng nếu sang thì bố trí cả ngày, để đỡ công đi lại. Sáng làm việc, trưa “bà lão” (bác Phương vẫn gọi bác Thủy một cách thân mật như vậy) nấu cơm ăn; ngủ một giấc, chiều làm việc tiếp; trời mát cậu hãy về”. Tôi coi đó là một dấu hiệu của sự tin cậy và quý mến; và vẫn giữ thói quen này (không gọi điện xin phép trước) mãi về sau.

Kỷ niệm riêng của tôi với GS Trần Phương và gia đình sâu đậm nhất là quãng thời gian gần một năm (1996) sau lần gặp đầu tiên đó. Tôi thường sang Xuân Quan “thăm bác Phương”. Phần vì biết ơn sự tin tưởng GS Trần Phương dành cho tôi, phần vì muốn hưởng bầu không khí thoáng đãng vùng thôn quê và sự chân tình của bác Phương và bác Thủy. Hình ảnh một mái nhà đơn sơ ven sông với những cây nhãn vừa bói quả; trong cảnh trời nắng nhẹ, một “bà lão nông dân” da trắng hồng, trán thấm mồ hôi đứng cạnh đứa cháu ngoại chưa đầy 10 tuổi hái những chùm nhãn đầu mùa và trái đu đủ chín “để cậu mang về cho vợ” vẫn in đậm trong trí óc của tôi. Có lần bác hỏi tôi: “Hay là cậu về bên này ở với tớ cho vui? Bên cạnh tớ vẫn còn mảnh đất họ định bán đấy”. Tôi cũng biết, quý thì bác nói vậy. Phần vì không đủ tiền, phần vì xa nơi làm việc của cả vợ chồng, lại không tiện việc học hành của con cái; tôi đành lần lữa. Rồi bác nói: “Nói vậy thôi, cậu chẳng thể sang đây “ở ẩn” như tớ được đâu”. Tôi cảm tấm chân tình ấy mà theo về Trường để giúp bác được việc gì đó, dù tôi phải đánh đổi nhiều cơ hội khác ở nơi tôi đang công tác.

Khi Trường có quyết định thành lập chính thức, tôi được cử làm Chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Quản lý Kinh doanh. Chức danh này là danh nghĩa, bởi phải 2 năm cuối mới bắt đầu học các môn chuyên ngành. Ban đầu chủ yếu là xây dựng chương trình của các chuyên ngành. Tôi tự hào là người đầu tiên đưa môn Khởi sự kinh doanh vào chương trình giảng dạy ở bậc đại học, và trường đầu tiên là Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (tên cũ của Trường ĐH KD&CN HN). (Mãi đến sau 2000, tôi mới đưa vào được trong chương trình đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội). Luật Công chức không cho phép người đang có biên chế tại một cơ quan nhà nước làm việc đồng thời cho một tổ chức ngoài nhà nước. Một lần, GS Trần Phương nói: “Có người ý kiến với mình về việc của cậu; Mình đành “rút” cậu khỏi danh sách Chủ nhiệm Khoa, để cho Trịnh Bá Minh thay; nhưng, cậu vẫn là Phó Chủ nhiệm Khoa. Không cần công bố rộng, cứ để Trịnh Bá Minh xuất hiện”. Sau này, do không biết sự tình, có người đã đề nghị chuyển tôi sang “diện” “kiêm giảng” hay “thỉnh giảng”. GS Trần Phương nói: “Tôi ‘giữ chỗ’ cho cậu ấy đấy; nó mà về nghỉ khối chỗ mời; e các ông ‘mất người’”.  Chẳng thiếu gì người muốn về “đầu quân” cho Trường; vậy mà, một người như tôi, GS Trần Phương vẫn chu đáo như vậy. Hãy thử hình dung, bạn sẽ nghĩ gì và cần ứng xử như thế nào trong trường hợp này. Tôi tin, tôi đã hành động đúng và làm cái việc một người hiểu nhân tình cần phải làm.

  1. Tri thức –Sức học làvô tận; Học để không ngừng phát triển

Tôi còn được khích lệ bởi sự ham học hỏi của GS Trần Phương. Thời điểm tôi đi học chưa có internet và thông tin chưa tràn ngập như này nay; khi đó, cách hầu hết những người Việt Nam ở trong nước nhìn nhận thế giới phương Tây, nhất là lối sống Mỹ, còn khá thận trọng, dè dặt. Vì thế, tôi rất thận trọng khi nói ra những điều mình nhìn thấy, nghe thấy. Cũng vì thế, tôi ngại không dám giới thiệu tài liệu tôi thu thập được cho GS Trần Phương tham khảo vì rất sợ làm một điều vô ích và vô duyên. Tuy nhiên, chính GS Trần Phương đã khích lệ tôi làm điều đó. Giáo sư nói: “Mình biết tiếng Pháp, không đọc được tiếng Anh, nhưng có thể đoán được nội dung. Cậu chọn cho mình vài cuốn xem thử ‘Tây’ nó viết, dạy cái gì”. Tôi kính nể sức đọc của GS Trần Phương. Đầu tiên tôi chuyển cho Giáo sư một cuốn sách tôi đã dịch vài năm trước đó – cuốn “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” – dày gần 700 trang. Chỉ 3 ngày sau, Giáo sư gọi điện cho tôi và nhận xét về cuốn sách. (Sau này, tài liệu được đưa vào sử dụng làm tài liệu giảng dạy cơ bản về nền tảng khoa học quản lý cho sinh viên và giảng viên của Trường). Sau đó, tôi lại chọn lựa đưa cho Giáo sư một vài cuốn sách tiếng Pháp (vốn tiếng Pháp của tôi chỉ tạm đủ để “đoán” nội dung các cuốn sách chuyên môn, nên tôi không có nhiều tài liệu bằng ngôn ngữ này) và sách tiếng Anh. Sau này, khi Trường đã đi vào hoạt động, tôi không đưa thêm tài liệu cho Giáo sư nữa, vì ông bảo: “Mình không còn thời gian để đọc nữa”. Một hôm, vào năm 2014, Giáo sư gọi tôi và nói: “Cậu đưa cuốn sách cậu viết về Đạo đức và Văn hóa doanh nghiệp cho mình xem nhé”. Giống như các cuốn sách trước, chỉ một vài ngày sau, tôi lại nhận được ý kiến bình luận về nội dung và giá trị sử dụng của cuốn sách cho chương trình đào tạo sinh viên của Trường. Tôi khá bất ngờ và tự hỏi, làm thế nào GS Trần Phương có thể đọc nhanh như vậy các tài liệu này. Lặng lẽ tìm hiểu và nhờ đó, tôi học được một cách đọc sách rất khoa học. Nó đã giúp tôi rất nhiều về sau này.

Những người không quen “đọc” có thể cho rằng đọc sách và viết sách là lãng phí (thời gian, sức lực, kinh phí) và vô bổ (chẳng ai đọc). Nhưng viết sách chính là cách để tự mình cố gắng trau dồi, hoàn thiện bản thân. Muốn viết thì phải đọc. Tôi đọc nhanh, viết nhanh cũng nhờ có được những kỹ năng mới rút ra từ cách học và đọc của GS Trần Phương. Tôi tự hào đã truyền được “khả năng” này cho người cùng làm việc với tôi để hằng năm biên soạn ra trên 1.000 trang ấn phẩm (dưới hình thức e-book sẵn sàng để in) thống kê kết quả đánh giá năng lực tài chính của 1.500 doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán.

  1. Công bằng –Dân chủ không phải là “bỏ phiếu” mà là “lắng nghe”

Điều GS Trần Phương để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc là phương pháp làm việc: “Các ông tha hồ tranh luận, đưa ra các ý kiến, nhưng nếu không bác bỏ được ý kiến của tôi thì các ông phải nghe tôi thôi”. Tôi đã được dự rất nhiều phiên họp thời kỳ ban đầu Trường mới thành lập. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, dù rất khác nhau, nhưng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm và sự nhiệt huyết của những người tham gia và muốn đóng góp. Đối với những người có tuổi và đã trải nghiệm nhiều, những kiến thức và kinh nghiệm được nêu ra thường là sự đúc kết, tích lũy, vì thế chúng rất có cơ sở và vững chắc. Câu nói trên thường được nêu ra để mở đầu phần buổi họp hay phần trình bày của GS Trần Phương. Những ý kiến mới, sáng tạo, hợp lý luôn nhận được sự ủng hộ ngay lập tức; với các ý kiến khác, Giáo sư lần lượt tóm tắt quan điểm của từng ý kiến và phản biện, đặt thêm câu hỏi, hoặc bác bỏ. Trong hầu hết tất cả các trường hợp, các ý kiến được phản biện khó lòng đứng vững trước lập luận của Giáo sư. Câu nói hay được nhiều người nói ra vào những lúc như vậy là: “Không nói lại được với ông Phương”, bao hàm nghĩa chân tình, chấp thuận; không mang nghĩa ép uổng, ấm ức. Lắng nghe là điều không dễ dàng, nhất là khi chúng ta đã có chủ kiến được cho là đúng đắn; lắng nghe giúp chúng ta có căn cứ vững chắc hơn để khẳng định quan điểm của mình. Thừa nhận người khác là để củng cố lập luận của bản thân; phản biện ý kiến khác là để giúp cho người khác hiểu quan điểm của mình, không phải để chứng minh họ sai. Lắng nghe việc tranh luận, tôi nhận ra điều đó ở GS Trần Phương. Biết chẳng bao giờ làm được như vậy, nhưng tôi vẫn cố gắng, chỉ là để hoàn thiện mình thêm.

“Cơ chế dân chủ thì bỏ phiếu là đúng. Nhưng phải thận trọng”. Câu chuyện hay được Giáo sư nói tới là lời nhắc nhở của Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong khi nói chuyện với GS Trần Phương: “Bôn-sê-vích với Men-sê-vich, ban đầu đều là cùng một đảng, đồng chí với nhau; khi phải lựa chọn giữa sử dụng ‘bạo lực cách mạng’ và chọn con đường ‘ôn hòa’ hơn, biểu quyết đã chia rẽ họ thành phe phái. Và rồi nhiều người men-sê-vích đã bị đẩy dần theo hướng chống lại cách mạng vô sản khi bị lợi dụng. Nhìn từ bên ngoài nhiều người cho là Đảng ta không thực sự dân chủ vì bỏ phiếu luôn đạt tỷ lệ 100%. Thực chất, Trung ương Đảng sẽ không ra nghị quyết nếu trong kỳ họp còn có ý kiến khác nhau. Hãy dành thời gian để các Ủy viên Trung ương thảo luận, trao đổi, thuyết phục và nghe người khác thuyết phục. Khi nào đồng thuận hãy ra nghị quyết. Thế là dân chủ thật sự chứ, sao bảo là không. Quan trọng là phải biết lắng nghe, trao đổi và công tâm”. Tôi nhận ra rằng, GS Trần Phương rất ít khi dùng cơ chế bỏ phiếu. (Lần duy nhất tôi chứng kiến là khi lấy ý kiến quyết định đổi tên trường từ “Quản lý và Kinh doanh” sang “Kinh doanh và Công nghệ”, Giáo sư muốn một tên gọn hơn vì “nhỡ đâu sau này Trường mở thêm nhiều ngành khác thì các ông làm thế nào? Chẳng lẽ cứ thêm mãi ‘đuôi’ vào?”. Kết cục một mình Giáo sư bỏ phiếu “chống”, còn tất cả các thành viên HĐQT khác đều “thuận”. Sau bỏ phiếu, GS Trần Phương cười và nói: “Vậy là tôi ‘thua’, thế thì xin nghe các ông”).

Nhiều người cho rằng, “Trường này thiếu dân chủ”. Tôi được dự nhiều cuộc họp, bắt đầu từ trước khi Trường được thành lập, và nhận ra rằng, càng về sau, các ý kiến tranh luận trong cuộc họp càng ít. Tôi cũng nhận ra rằng, những “lớp” người về sau, dường như rất kính trọng “thầy Phương” và cảm thấy mình không đủ “bản lĩnh” và sức thuyết phục, họ hoàn toàn tin tưởng vào kiến thức, kinh nghiệm và sự sâu sắc của Giáo sư Hiệu trưởng. Tôi may mắn hơn các đồng nghiệp là được làm việc từ rất sớm với Giáo sư và được chứng kiến những tranh luận (đôi khi rất quyết liệt, nhưng không căng thẳng) để từ đó rút ra bài học cho riêng mình. Sự khép mình không phải là để giấu mình, mà để tích lũy và học hỏi thêm. Chẳng biết có phải vì sự khiêm tốn và những tiến bộ của tôi hay không mà tôi được Giáo sư ngày càng tin tưởng. Với sự sắc sảo vốn có của Giáo sư, những thay đổi dù nhỏ ở mỗi người cũng dễ dàng được nhận ra. Cho đến nay, tôi vẫn giữ được cho mình tính khiêm nhường và thẳng thắn đã học hỏi được.

  1. Hoàn thiện bản thân –Sâu sắc đến từ “tiên trách kỷ”

Ở thời kỳ đầu, mỗi lần họp liên quan đến kết quả học tập kém của một số sinh viên, chúng tôi đều cảm thấy có phần ấm ức khi bị Giáo sư Hiệu trưởng phê bình: “Trò dốt là do thầy. Các vị làm thế nào thì làm để không còn học trò dốt, phải thi lại nữa”. Dù ấm ức, chúng tôi vẫn phải tìm cách và nỗ lực. Sau này ngẫm lại, chúng tôi mới hiểu tư tưởng ẩn đằng sau câu nói đó là: “Trò không biết, dốt là chuyện bình thường, nhưng không làm cho cho họ giỏi lên, thì rõ ràng là lỗi ở thầy cô. Hãy tự hỏi, liệu các thầy cô đã thực sự cố gắng hay chưa? Đừng cho rằng mình giỏi rồi, mà cho rằng họ dốt là bởi họ, hãy hỏi xem liệu có giỏi thật không nếu không làm cho người dốt giỏi lên?”. Trời ạ, một tư tưởng rất đơn giản như vậy, mà sao không dễ nhận ra nhỉ. Có lẽ chúng ta đã suy nghĩ nông cạn nên không nhận ra ngay điều đơn giản đó. Tôi tự răn mình, phải nghĩ sâu sắc hơn. (May thay, trong Quản trị Chất lượng, có một công cụ tên gọi ‘5 Whys’ – hỏi 5 lần tại sao – có thể giúp tìm ra bản chất vấn đề). Không cần đến 5 lần đặt câu hỏi “Tại sao”, ta đã có thể tìm thấy điều hiển nhiên ấy.

  1. Cống hiến –Sự kính trọng đến từ sự khiêm nhường

Có một số người, do không hiểu về Trường, cho rằng Trường ĐH KD&CN HN là một kiểu “doanh nghiệp gia đình”. Thậm chí có người còn hỏi: “Cổ phần của ông Trần Phương là bao nhiêu? Sẽ chuyển sang cho ai? Cổ tức ông ấy được hưởng là bao nhiêu?”. Tôi giải thích, nhưng dường như, họ không hiểu hoặc không tin vào việc “làm mà chẳng được gì”. Trên thế giới, mô hình “doanh nghiệp gia đình” không phải là không tồn tại. Những nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas hay Puma, là một vài ví dụ về doanh nghiệp gia đình thành công trên thế giới. Ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân thành lập trong thập kỷ 90 đều mang dấu ấn của doanh nghiệp gia đình. Sau 30 năm tồn tại, vấn đề đau đầu đối với họ hiện nay là việc chuyển giao cơ nghiệp và chuyển giao thế hệ. (Thậm chí, một Hội đồng Doanh nhân Gia đình đã được thành lập với trên 200 thành viên để đi tìm giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải). Những nghiên cứu về “doanh nghiệp gia đình” (family business) nêu ra 3 hoặc 4 tiêu chí cơ bản để xác định tính chất “gia đình” đối với một doanh nghiệp, đó là thang đo F-PEC. Cụ thể: (i) Quyền lực (P), thành viên gia đình sở hữu cổ phần chính và tham gia HĐQT; (ii) Kinh nghiệm (E), phương pháp và kinh nghiệm theo truyền thống gia đình được thực hiện qua sự tham gia của thành viên gia đình vào ban quản lý cao cấp; (iii) Văn hóa (C), giá trị, triết lý quản lý, quy tắc ứng xử… chịu ảnh hưởng chi phối bởi giá trị, triết lý và quy tắc của gia đình sở hữu; và (iv) Chiến lược, định hướng tầm nhìn và sứ mệnh mang dấu ấn của thành viên gia đình rõ nét. Nếu xét theo các tiêu chí này, Trường ĐH KD&CN HN, không hề thỏa mãn các tiêu chí của “doanh nghiệp gia đình”.

Đã vài lần, trong các cuộc trò chuyện riêng và chung khi Trường mới thành lập, GS Trần Phương bày tỏ đôi chút tiếc nuối là không thuyết phục được những người con trong gia đình ông “nối nghiệp” tham gia vào các hoạt động Trường. Điều mà Giáo sư nghĩ đến không phải là một công việc hưởng lương, mà là để nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ của ông. Vì lý do nào đó, các con của Giáo sư chỉ tham gia với tư cách một người lao động bình thường như bao người khác. Họ khiêm nhường vật lộn với cuộc sống, không hề lợi dụng ưu thế. Tôi đã sớm nhận ra đức tính này từ sự thân ái nhưng đầy trí tuệ của GS Trần Phương, từ sự ân cần, chân chất và ham làm của bác Thủy (vợ Giáo sư) dành cho một người thuộc hàng con cháu như tôi. Sau này, khi tiếp xúc thêm với các con của hai bác, tôi nhận ra đức tính này đã được truyền cho họ, và nó góp phần tạo nên chỗ đứng đáng trân trọng trong tình cảm những người tiếp xúc với họ.

Những người không am hiểu tâm lý học (tính cách) thường cho rằng: “Đời mình gây dựng, đời sau sẽ thay đổi tất cả”. Bằng chứng và kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng: những gì đã thiết lập là đúng đắn sẽ tìm được những người ủng hộ, duy trì và bảo vệ. Những ý tưởng “ngược chiều”, hoặc sẽ phải điều chỉnh hoặc sẽ bị đào thải.. Hiểu biết của tôi về “văn hóa doanh nghiệp” chỉ ra rằng, một tổ chức (như Trường HUBT) cũng có “tính cách” hay “phong cách” riêng, được thiết lập và định hình bởi những bản sắc riêng. Không dễ gì thay đổi, bởi nó định hình thành “khuôn mẫu hành vi tổ chức”. Những băn khoăn, trăn trở, vật lộn khi vắng đi sự điều hành trực tiếp của GS Trần Phương và những người sáng lập rồi cũng sẽ qua đi theo thời gian; nhưng, những gì đã được định hình và thiết lập sẽ tiếp tục được củng cố và bảo vệ, cho dù những người làm điều đó không hề ép mình phải làm như vậy. Điều đó đã là phong cách của họ ngay từ khi họ lựa chọn trở thành “người của Trường”. Điều còn dang dở cần làm rõ là bản sắc của Trường phải mô tả thật rõ ràng dấu ấn về phong cách thể hiện trong văn hóa (C) và chiến lược đã được định hình bởi những người sáng lập, đứng đầu là GS Trần Phương, và tạo nên thành công ngày nay cho Trường đang được những thế hệ kế tiếp bảo vệ và theo đuổi. Bản sắc mang phong cách dân chủ theo quan điểm mới; ý thức tự trọng, tự tôn; tinh thần cống hiến, quan hệ bình đẳng, hợp tác; phương châm tự lực, tự cường; thái độ chân tình, thân ái, trợ giúp.  

  1. Phát triển bền vững –Ý nghĩa của sự trường tồn

Thật khó tìm thấy trên thế giới một doanh nghiệp có tuổi thọ trên 100 năm. Những tổng kết từ những nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học Mỹ, được trích dẫn trong cuốn “Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư” của Klaus Schab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nêu rõ: tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp từ 60 năm (thập kỷ 70-80), đã giảm xuống còn 18 năm (những năm 2000). Thế nhưng, chúng ta lại có thể dễ dàng tìm được các trường đại học có tuổi đời trên 100 năm. Điều gì làm cho một trường đại học có thể tồn tại lâu dài như vậy? Câu trả lời có thể làm nhiều người bất ngờ, khó tin: Trường đại học không thuộc sở hữu của một (vài) cá nhân người sáng lập; sự tồn tại của nó là nhờ việc theo đuổi một mục đích chung, cao cả, và sự đóng góp về trí tuệ của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Tôi chẳng muốn tranh luận về việc này, nhưng Đại học Harvard dù mang tên người sáng lập nhưng chẳng thế hệ kế cận nào của ông có tên trong danh sách những người hưởng lợi từ trường đại học này, hay của những trường con (school) như Trường Kinh doanh Harvard (HBS) của đại học này được thành lập sau những ngày khởi đầu những 300 năm. Tôi chợt nhận ra rằng, những gì mình đang theo đuổi có thể chỉ là phù du, hư danh, rồi sẽ tan biến và trở nên vô nghĩa khi tuổi già sức yếu, nhưng có một thứ càng lâu năm càng giá trị, đó là “sự cống hiến” và “tư cách”. Có những người tự khuyên mình: “Nếu giàu thì đã giàu rồi, đâu phải bây giờ mà cố ‘chiến đấu’ nữa cho mệt”. Đúng! Thế nhưng tôi vẫn đang miệt mài theo đuổi “nghiệp làm giàu” chẳng phải để có thêm của cải (về phương diện này ý kiến trên là đúng), mà chỉ để có động lực tiếp tục cố gắng và chứng minh mình “hữu dụng” (như cách nói của GS Trần Phương), hay để chứng minh các quyết định của mình là đúng đắn (như cách nói của Bill Gates, Chủ tịch hãng Microsoft). Có lẽ con đường tôi đang đi “lạ lẫm” với ai đó chăng, nhưng tôi vẫn tự nhủ rằng, mình đang đi đúng con đường mà GS Trần Phương và những người đi trước đã vạch ra và mong muốn. Những hiểu biết của tôi về hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới càng củng cố thêm niền tin sắt đá về sự đúng đắn về con đường (mô hình) mà những người đi trước đã định hình và những thế hệ kế tục phải tiếp tục củng cố và theo đuổi.

  1. Trí tuệ –Nghiên cứu khoa học là ham mê, trí tuệ và sức mạnh

Dù là bất kỳ ai, sau một lần tiếp xúc với GS Trần Phương, đều thừa nhận là người có trí tuệ mẫn tiệp, sâu sắc, với sự cảm phục chân thật. Tôi tự hỏi, trí tuệ này từ đâu mà có? Phải chăng, do di truyền? Kiến thức của tôi ở các môn học liên quan đến tính cách giải đáp cho tôi rằng, di truyền chỉ giúp hình thành xu thế về động lực và hành vi, thói quen hình thành qua hoạt động hằng ngày mới tạo nên tố chất con người thông qua thước đo kiến thức, trí tuệ. Người cha có thể truyền lại cho con của cải, địa vị (ví dụ, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị), nhưng không thể truyền lại cho con uy tín, danh hiệu (ví dụ chức danh Giáo sư); người kế tục phải tự tạo ra uy tín, tước hiệu cho bản thân, bằng sự nỗ lực và trí tuệ. Con đường học hành, phấn đấu đã “ăn vào máu” của Giáo sư. Trong một lần đến thăm Giáo sư ở Xuân Quan, tôi được Giáo sư nhắc đến mẩu đối thoại ngắn giữa Giáo sư và Tổng Bí thư Lê Duẩn, khi Giáo sư quyết định về nghỉ năm 1986: (Hỏi:) “Về nghỉ thì anh định làm gì? Phải làm gì đó chứ? Chẳng lẽ nghỉ không?”; (Trả lời:) “Tôi cũng chưa biết. Có lẽ sẽ quay lại với nghề đi dạy (học) thưa anh”. Dường như, ngay khi quyết định “gác lại” những công việc điều hành đất nước, Giáo sư lại trở về với “niềm ưa thích bản năng” của mình. “Dạy” không phải chỉ để bảo ban người khác điều mình đã biết, mà là để tiếp tục “học tập”, phấn đấu trau dồi kiến thức, đạo đức của bản thân. Tôi làm công việc giảng dạy đến nay đã 45 năm, nên rất hiểu rằng, “thày càng già” càng có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Tuy nhiên, học trò thì năm nào cũng chỉ ở độ tuổi 18 đến 22, kiến thức chỉ mới “thoát” bậc phổ thông trung học. Có thể nhiều người làm công tác giảng dạy nhiều năm và có tuổi cũng có cảm giác giống tôi rằng, những điều “tưởng chừng rất đơn giản và rõ ràng” sao lại trở nên khó hiểu đến như vậy đối với sinh viên nhỉ? Tâm lý này chắc cũng xuất hiện ở những người có bằng Tiến sĩ toán học khi dạy cho học trò bậc tiểu học. Cách thức duy nhất để những người “dư” kiến thức và trí tuệ là nghiên cứu khoa học. Đó vừa là niềm say mê và mục đích theo đuổi cả đời để tạo nên một hình tượng GS Trần Phương ngày hôm nay. Dưới đây chỉ là hai câu chuyện để minh họa.

Câu chuyện thứ nhất là việc thành lập Viện INBUS (Viện Phát triển Doanh nghiệp). Tôi vẫn đến thăm GS Trần Phương hằng năm, tuy không nhiều nhưng khá đều, và chọn những dịp Giáo sư không bận công việc điều hành. Câu hỏi thường được nhắc lại là: “Bao giờ cậu nghỉ?” hay “Còn mấy năm nữa cậu về hưu?” và “Sao lâu thế?”. Chúng không mang nghĩa một sự lơ đãng ở người cao tuổi, mà là một sự thúc giục, mong chờ. Cuối tháng 9-2013, tôi tới thăm Giáo sư và gia đình tại nhà riêng trên đường Nguyễn Khoái, không báo trước như thường lệ. Anh con trai thứ của Giáo sư ngại ngần mở cửa, lo bị Giáo sư trách mắng cả tôi và anh. Đón chúng tôi với nụ cười và câu hỏi có vẻ ngạc nhiên, GS Trần Phương hỏi ngay: “Lâu mới thấy cậu đến chơi? Có việc gì không?” Không rào đón, tôi nói ngay: “Cháu đến thăm hai bác, và báo cáo bác, cháu còn 1 năm nữa là hết tuổi quản lý (60 tuổi), nên có thể dành nhiều thời gian cho Trường rồi ạ”. “Thôi, cống hiến cho Nhà nước như vậy là đủ rồi. Cậu về Trường luôn đi. Thế cậu đã có ý định gì chưa? Về Khoa hay về đâu?” Đã giảng dạy nhiều năm, tôi trình bày mong muốn được dành thời gian làm nghiên cứu. GS Trần Phương nói ngay: “Mình có thành lập một vài Viện nghiên cứu. Nhưng không hoạt động được. Cậu về đó nhé. Làm Phó thôi, vì mình có Trưởng rồi.” Sợ mình không làm nổi (các viện này định hướng về các vấn đề chính sách và kinh tế vĩ mô, lĩnh vực mà tôi không thạo), tôi từ chối và chỉ xin thành lập một trung tâm nghiên cứu về doanh nghiệp. Giáo sư đồng ý ngay, và chỉ đạo: “Mình sẽ cho thành lập Viện. Các cậu tập trung nghiên cứu về doanh nghiệp là quản lý kinh doanh. Nhớ là chú trọng thực hành. Mình không có tiền cho các cậu nghiên cứu những thứ viển vông. Thành công của các cậu đo lường bằng các hợp đồng. Người ta cần đến cậu, và việc các cậu làm hữu ích đối với họ thì họ mới trả tiền. Hãy dùng tiền của Trường cho đúng”. 

Chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị đề án thành lập Viện. Sau 2 tuần chỉnh sửa, hoàn thiện, chúng tôi mang trình cho GS Trần Phương. Chỉ cần 10 phút đọc bản đề án, Giáo sư đã làm chúng tôi ngớ ra về những điều chưa tính tới. Nhớ lại, năm 1996, trong khuôn khổ một dự án của UNDP cho Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Giáo sư đã cử tôi dẫn một đoàn công tác sang làm việc với các đối tác tại Thái Lan. Một trong những điều chúng tôi hiểu được qua chuyến công tác là: Tư vấn giống như bác sĩ khám bệnh để chữa trị cho doanh nghiệp. Nếu không có kết quả “xét nghiệm” (đánh giá, khảo sát), thì bác sĩ không thể có cách chữa trị bệnh. Đề án được hoàn thiện lại theo chỉ dẫn của Giáo sư và Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp được thành lập (Quyết định số 386/QĐ-BGH). Về tên gọi, Giáo sư nói: “Nên gọi tên ngắn lại; gọi là Viện Phát triển Doanh nghiệp thôi. Viện nào chẳng làm nghiên cứu. Nhưng thôi tùy các cậu”. Tên viết tắt tiếng Anh là INBUS cũng do Giáo sư đặt cho lấy ý tứ từ tên Học viện nổi tiếng về quản lý INSEAD. Ngày thành lập Viện, các anh lãnh đạo Trường dự định sẽ tổ chức một buổi ra mắt trân trọng cho INBUS; tôi rất vui mừng và cảm ơn các anh trong Ban Giám hiệu về điều đó. Lịch tuần đã thông báo. Tôi định báo cáo kế hoạch dự kiến, nhưng chưa kịp mở lời, Giáo sư đã nói: “Cậu bỏ ‘thói’ quan liêu phù phiếm đó đi nhé. Đã làm được gì đâu mà khoa trương. Hãy làm đi đã, kết quả tự khắc nó ‘quảng cáo’ cho các cậu”. Tôi chưng hửng, nhưng từ đó tôi hiểu rằng, hãy hành động và phải thực chất. (Chẳng biết có phải vì thế hay không mà tôi dễ dàng “kết bạn” được với người Nhật, những người được mệnh danh là “chỉ làm, không nói”). Đã có lần, Giáo sư chất vấn: “Tại sao phải trả tiền (bồi dưỡng) cho các ông đi họp? Đó là quyền lợi và trách nhiệm đấy chứ?”. Khi tôi giải thích và dẫn chứng đó là từ kinh nghiệm mà cộng đồng quốc tế áp dụng và đã thành “lệ”. Giáo sư nói: “Tây nó sinh ra cái ‘lệ’ kiểu ‘tệ nạn’ này à? Không hay thì tại sao ta phải học theo? Bỏ đi các ông ạ”. Vì thế, trong “thời” GS Trần Phương điều hành trực tiếp, đi họp “được mời” và không có thù lao.

Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể làm được những điều vĩ đại như GS Trần Phương và những vị sáng lập lão thành đã làm được là gây dựng được một cơ đồ lớn lao và thành công như Trường ĐH KD&CN HN. Nhưng, theo đuổi những lời chỉ đạo của Giáo sư ngày đó, tôi dành tâm huyết để gây dựng một cơ đồ nhỏ hơn ở Viện Phát triển Doanh nghiệp INBUS. Sau 10 năm hoạt động, đến nay INBUS có thể tự hào là đã tạo được một danh tiếng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cộng đồng quốc tế. Từ những kết quả nghiên cứu của chúng tôi, VCCI đã thành lập Chương trình Năng lực Quản trị Doanh nghiệp Quốc gia, gọi tắt là BCI (Business Capacity Indexing), với INBUS là thành viên Ban tổ chức (Quyết định 0417/PTM-DĐDN). Sau một số lần làm việc với một bộ lớn, vị giáo sư, nguyên bộ trưởng, muốn tới thăm và làm việc với INBUS tại Trường. Tôi nói tên đầy đủ của Trường và cung cấp địa chỉ. Vị giáo sư bộ trưởng mơ hồ không rõ trường nào, ở đâu. Sau vài tiếng, như chợt nhớ, vị giáo sư bộ trưởng gọi điện hỏi: “Viện của cậu nằm trong Trường của ông Trần Phương à?”. Trong lần tới làm việc tại Trường, nhắc đến GS Trần Phương, vị giáo sư bộ trưởng nhận xét: “Ông Trần Phương là người có tầm nhìn xa”. Tôi nhận thấy ra sự trân trọng đối với INBUS ẩn trong lời nhận xét đó. Theo lời giới thiệu của các đồng nghiệp người Nhật, đại diện tổ chức JICA, JETRO  đã đến thăm và trao đổi về khả năng hợp tác với INBUS, Công ty tư vấn Nomura (Nhật Bản) đã đến làm việc và hỏi về cách xử lý khi đánh giá số lượng lớn các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ một dự án của Ngân hàng Thế giới (NHTG), Nhóm chuyên gia tư vấn đã tự hỏi: “Tại sao NHTG không sử dụng kết quả nghiên cứu của INBUS?”. Sau khi tham khảo cách làm của INBUS (thành viên APEN), những người thiết kế Bộ chỉ số CIS của Mạng lưới giáo dục chuyên nghiệp châu Á APEN đã bổ sung và điều chỉnh Bộ chỉ số tới 30%. Qua các hoạt động hợp tác, trao đổi của INBUS, Trường ĐH KD&CN HN có tên là đối tác (partner) của một số trường đại học và tổ chức lớn ở Nhật Bản, Cộng đồng châu Âu, Úc. Gần đây, trước những thách thức thời kỳ Hậu Covid, những khó khăn của nền kinh tế thế giới do bất ổn chính trị và xung đột ở châu Âu, tình trạng bất cập của nền tài chính trong nước, cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp (gồm cơ quan truyền thông, các tổ chức tư vấn, ngân hàng, công ty chứng khoán, hội nghề nghiệp …) đưa ra một sáng kiến thiết lập một mạng lưới cung cấp sự trợ giúp toàn diện theo nhu cầu cho doanh nghiệp, Spring Leap (“Bước nhảy Mùa Xuân”) và INBUS là cái tên đầu tiên được mời với tư cách tổ chức sáng lập. Ở nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu công lập ở nước ta cũng thành lập các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, đóng góp của chúng là không rõ ràng và sự tồn tại cũng chúng khá mong manh, bấp bênh. Tôi tự hào vì ở một trường ngoài công lập như Trường HUBT có một INBUS có thể đứng vững. Ước mơ và hy vọng của GS Trần Phương đặt vào Viện INBUS đã từng bước trở thành hiện thực.

Câu chuyện thứ hai là việc thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam VIDERI. Năm 2016, ở tuổi 90, GS Trần Phương quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam VIDERI. Tôi không rõ liệu có ai khác làm điều tương tự ở độ tuổi này hay không? Việc thành lập VIDERI thể hiện niềm say mê đối với nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học chính sách nói riêng của Giáo sư. Đó cũng là mong muốn từ nhiều năm của vị Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Trước khi thành lập, Giáo sư nhiều lần gọi tôi đến làm việc để nghe trình bày về ý đồ, mong muốn và kỳ vọng. Tôi được giao soạn thảo bản định hướng chiến lược, điều lệ hoạt động, mô hình tổ chức của VIDERI. Trong khi chọn người đứng đầu, Giáo sư quy hoạch tôi làm chức danh Phó Viện trưởng, thuyết phục tôi vào cương vị Tổng Thư ký VIDERI và viết sẵn quyết định để tôi đánh máy. Nửa muốn vâng lời, nửa biết mình không thế gánh nổi trách nhiệm này (tôi không nghiên cứu về các chính sách vĩ mô) cùng với trách nhiệm ở Viện INBUS, lần lữa mãi rồi cuối cùng, tôi cũng phải báo cáo thật với Giáo sư. Một thoáng bâng khuâng, rồi Giáo sư cũng chấp thuận. Tuy nhiên, Giáo sư vẫn giao nhiệm vụ Phó viện trưởng VIDERI: “Trường cấp cho VIDERI 500 triệu để các cậu huy động, khích lệ giảng viên của Trường tham gia các hoạt động nghiên cứu của VIDERI. Cậu đại diện cho nó nhé. Phần đóng góp của Hội (500 triệu) là để sử dụng cho các hội viên, cậu không cần quan tâm”. Giáo sư mong muốn khích lệ các giảng viên và các nhà khoa học trong và ngoài Trường tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành để trau dồi kiến thức và hoàn thiện bản thân. Cộng với niềm say mê, có lẽ, sau 90 năm cuộc đời Giáo sư hiểu rằng, chỉ có tiếp tục tiến lên không ngừng nghỉ, con người mới tồn tại một cách có ích và không bị lãng quên. Trong một vài lần, khi có dịp nói về một vài nhà khoa học đã thành danh của Hội Khoa học Kinh tế và của Trường, Giáo sư đã từng than thở: “Các ông ấy bây giờ có nghiên cứu gì nữa đâu, không viết bài báo nào, không viết được cuốn sách nào. Mà có đọc được để xem thế giới họ viết gì đâu mà viết. Chỉ “mài” kiến thức, kinh nghiệm và danh tiếng để thuyết trình, hội nghị mà thôi!”. Nghe những lời nhận xét trên, tôi biết mình chẳng có gì để “mài” cả, chỉ có tiếp tục tiến lên về khoa học mới thấy mình tồn tại hữu ích. Không biết khi vượt qua tuổi 80, tôi sẽ thế nào, nhưng vẫn say sưa với khoa học và trách nhiệm cao với đất nước như GS Trần Phương khi ở tuổi 90 thì chắc tôi khó lòng làm được. Hẳn đó không thể là người thường.

  1. Tự lực –Điểm khởi đầu để đứng lên và phát triển

Khi thành lập Viện Phát triển Doanh nghiệp INBUS, GS Trần Phương đã phác họa chặng đường trước mắt cho chúng tôi: “Viện sẽ có bộ máy dưới 10 người thôi. Sử dụng cộng tác viên là các nhà khoa học trong Trường (ở các khoa) và ngoài Trường thì mới luôn có người giỏi và hiệu quả. Mình không cho các cậu tuyển người về mà không có việc cho họ. Mình sẽ cấp cho các cậu hằng năm khoảng 800 triệu đến 1 tỷ để hoạt động, nhưng không phải bây giờ. Trường hiện nay đang còn nghèo, tài chính chưa vững, các cậu cứ tự lập đã. Bằng lương”. Đó là thời điểm số lượng tuyển sinh của Trường chỉ đạt mức dưới 2.500 sinh viên/khóa. Có lần, tôi thông báo với Giáo sư con số về tài chính của Trường đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra trong một báo cáo ở đại hội công nhân viên chức của họ, Giáo sư cười và nói: “Trường ta chỉ có ngân quỹ bằng hơn 1/3 của họ mà vẫn hoạt động được. Cũng đáng mừng các ông nhỉ”. Tôi biết ngân sách của Trường những năm INBUS mới thành lập là chưa vững, nên không bao giờ nhắc đến lời hứa của Giáo sư Hiệu trưởng. Nhưng ông không quên. Nhiều lần gặp, trong những năm cuối thời gian điều hành trực tiếp Trường, Giáo sư vẫn nhắc: “Mình chưa cấp tiền cho cậu được đâu. Cứ tiếp tục tự lập đi, sau hẵng hay”. Tôi biết, việc Giáo sư Hiệu trưởng cấp vốn cho Viện INBUS là có chủ định và kèm theo đó là những nhiệm vụ mới. Chúng tôi chờ đợi, hồi hộp, và chuẩn bị sẵn sàng để bước tiếp một bước xa hơn. Tuổi tác, bệnh tật và sức khỏe không cho phép Giáo sư tiếp tục điều hành Trường. Ông cũng rất xứng đáng được nghỉ ngơi. Chỉ có sự ích kỷ của những “kẻ hay dựa dẫm” như chúng tôi mới mong “bóc lột” ông lâu hơn nữa. May thay, sự tâm huyết, trí tuệ, sự bao dung, chân tình, ý trí phấn đấu suốt đời – những tố chất làm nên con người ông – đã giúp ông vượt qua tuổi tác để đóng góp và gây dựng sự nghiệp của Trường. Đó có lẽ cũng là tâm huyết ông muốn để lại cho đời sau. Tâm nguyện này cần phải trân trọng với lòng biết ơn sâu sắc và cần được giữ gìn.

Lời kết

Dù không muốn, nhưng tôi cũng phải dừng bài viết. Kỷ niệm về những ngày đầu thành lập Trường đầy gian khó nhưng cũng đầy mơ ước vẫn dâng trào trong tôi. Tôi cảm phục những người dù đã ở tuổi nghỉ ngơi những vẫn đầy tâm huyết hết lòng, hết sức với một mong muốn để lại cho tương lai một thứ gì đó có ý nghĩa. GS Trần Phương là hình ảnh trọn vẹn nhất về những ngày và những con người thời đó. Năm nay tôi bằng với tuổi Giáo sư khi ông thành lập Trường (1996). Khi giao nhiệm vụ ở Viện INBUS cho tôi, Giáo sư nói: “Mình thành lập Trường HUBM lúc 69 tuổi. Vậy, cậu phải cống hiến cho Trường ít nhất 20 năm đấy.” Giờ đây, tôi đã hoàn thành được một nửa của “thời gian 20 năm” này rồi. Sứ mệnh được Giáo sư trao cho đã hoàn thành, dù chưa trọn vẹn và đầy khó khăn. Tôi vẫn tự hào về những gì đã đạt được; và tôi biết, dù không được thông tin đầy đủ, thường xuyên, Giáo sư vẫn dành sự tin tưởng và hài lòng với những gì chúng tôi đã đạt được. Tôi cũng biết, Giáo sư mong muốn chúng tôi làm được nhiều hơn nữa, vì sự tiến bộ của chính bản thân và để đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục. Chúng tôi sẽ thay đổi. Và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mong ước của Giáo sư và những nhà sáng lập lão thành sẽ trở thành hiện thực. Một tương lai tốt đẹp hơn nữa đang chờ đợi Trường ở phía trước.

Sau gần 30 năm làm việc cho Trường ĐH KD&CN HN và với GS Trần Phương, những kỷ niệm với Giáo sư vẫn để lại trong tôi nguyên vẹn dấu ấn đầy tình cảm và sự ngưỡng mộ về một người đại điện ưu tú cho thế hệ những người đi trước – thế hệ những con người dũng cảm, tận tâm, cống hiến, nhiệt huyết theo đuổi trọn đời cho sự nghiệp đã chọn. Gạt bỏ những vụn vặt của cuộc sống thường ngày, những con người đó là tấm gương sáng về ý nghĩa của sự hy sinh cao quý rất đáng ngưỡng mộ và học tập. Nhiều người trong số họ nay đã rời xa sự nghiệp vì lý do sức khỏe, thậm chí đã khuất. Mọi danh lợi đối với họ đều đã lùi xa. Nhưng họ đã để lại một di sản đồ sộ đáng để những thế hệ sau này trân trọng và gìn giữ.

Biết rằng rồi mọi thứ cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa, nhưng những tấm gương của thế hệ trước chính là nguồn động lực thôi thúc để tôi bước tiếp theo con đường đã định, vượt lên những khó khăn, nhọc nhằn của công việc, của đời sống hôm nay và ngày mai. Trong số những tấm gương đáng kính đó, GS Trần Phương là người xuất sắc nhất. Dù không còn được thấy những bước chân rắn rỏi, mạnh mẽ của ông vào sáng thứ Ba hằng tuần trong Trường, tôi vẫn cảm nhận được phảng phất đâu đó “vóc dáng Trần Phương” trong đời sống hằng ngày của Trường. Với tôi, Ông mãi mãi là tấm gương để tôi theo đuổi và cố gắng./.

Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2023