Cảm xúc về một vị Giáo sư từ tâm
Với triết lý: “Giáo dục làm thay đổi cả thế giới”, GS Trần Phương, một nhà kinh tế thực hành của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ Đổi mới (1986), đã mở ngôi trường đại học nhằm hướng tới một xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam sau nhiều thập kỷ chống thù trong giặc ngoài. Ông thành thực tin đạo ấy. Ấy là chí thiện, chí mỹ. Ông thấy cái vui, cái thú trong đạo ấy, vì đó là cái đạo cho con người lao động Việt Nam. Họ cần, ông suy nghĩ, một quá trình rèn luyện đặc biệt và khắt khe để có thể đạt được mục tiêu trí tuệ và từ bi trong nhân gian. Xem như vậy, về bản chất, con người không tự thu hẹp những mối quan tâm về tri thức của mình. Con người cần tự học thêm nhiều lĩnh vực khác, như toán, lịch sử, khoa học chính trị, xã hội học, triết học, tâm lý học, khoa học máy tính, vật lý,… để trở thành một nhà kinh tế của chính mình và của xã hội. Vì thế, sau khi nghỉ hưu (nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam), Ông mở Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (1996), ngày nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT). Một viễn cảnh lý tưởng và kỳ thú trong mắt ông là: “Tất cả con em người Việt đều được đi học”. Ông nghĩ lớn và làm cụ thể ở một đất nước có nền kinh tế chưa phát triển.
Về quan điểm giáo dục cho mọi người, Ông có cái lý gần như nhà giáo dục Khổng Tử: “Đạo ấy rất hay, nhưng ai theo thì phải thành thực lắm mới được. Nếu không thành thực thì dẫu đạo ấy hay thế nào cũng là vô ích”. Khổng Tử còn nói: “Người có thể mở rộng đạo, đạo không mở rộng người”. Xem thế, giáo dục trở thành quốc sách, quốc sự và quốc dân. Cũng vậy, như Luận ngữ (Thiên 15, Vệ Linh Công): “Người thì có cái biết, mà đạo thể thì vô vi. Nhờ có cái biết, cho nên người mới làm cho đạo rộng lớn ra, chứ đạo tự nó không làm cho người rộng lớn ra được”. Chúng tôi thấm đậm những lời răn bảo của Giáo sư rằng: “Văn chương là cái đức hiển hiện ra ở ngoài, cho nên các thầy cô lấy cái đó để dạy người, còn tính và đạo là phần vi diệu phải dưỡng chí tu tâm mới làm gương sáng cho học trò”. Tiếp xúc, gặp gỡ và giao tiếp với Ông, chúng tôi ngộ ra một điều: cũng phải là hạng người tư chất đủ học mà hiểu được những lẽ cao xa từ nơi Ông như một hiền triết. Đó là: nâng cao kiến văn cho con người; coi trọng người tài; bồi dưỡng nhân tài làm cho dân tộc cường thịnh.
Về quan điểm nhân văn, Ông có cái lý mà giảng viên và cán bộ HUBT trong hơn 25 năm qua đều đồng tâm hiệp lực làm cho xứng tâm, xứng đạo, xứng nghĩa và xứng cái tình để tri ân Ông. Đó là một thái độ tích cực trong tư duy giáo dục và chủ nghĩa nhân văn mà Ông thể hiện đức cao, tâm sáng: “Giáo dục nên người là cái đích cùng cực của người, mà người là cái khí cụ, cái tâm, cái tầm, cái đức của giáo dục, cho nên giáo dục và người (thầy cô giáo) không lìa bỏ nhau. Nhân sinh là thế!”. Và: “Thầy cô trước hết là dạy hành vi xử thế của con người đối với con người; dạy những điều cơ bản làm một con người kính trên, nhường dưới; lấy văn học mà làm rộng kiến thức của ta, lấy lễ nghĩa mà hành đạo. Được như thế, đạo với đời mới gắn kết, mới ôn hòa trang nhã”.
Về quan điểm kinh tế khi mở trường, Ông nói với các cổ đông rằng: “Phải tìm ra quan hệ nhân quả, tìm ra hiện tượng sự việc này dẫn đến hiện tượng sự việc kia thế nào để đưa ra mức học phí cho con em lao động. Đấy là ý nghĩa của việc mở trường” (theo ý của GS Trần Phương trong ngày mở trường, 19-6-1996). Thế là một ngôi trường cho con em người lao động tìm đến để no đủ kiến thức ra đời. Học để biết. Học để hiểu việc làm người. Trong bài phát biểu nhân ngày mở trường, ông nói với các học trò khóa đầu tiên: “Trên đời không gì vĩ đại bằng con người, trong con người không gì vĩ đại bằng trí tuệ. Trường này – Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – một ngôi trường không vì lợi nhuận, mở ra vì con em người lao động. Đến đây, các em sẽ được hai điều: trí tuệ và từ bi để xây dựng đất nước, trước hết là cái hạnh phúc của riêng mỗi người”. Cả phòng họp lớn vỗ tay hoan hỉ về lời “tâm sự, sẻ chia” của một vị Hiệu trưởng rất “đắc nhân tâm”. Ông từ tốn và khiêm nhường, giản dị mà sâu sắc bởi tư duy khúc chiết và thanh cao trong cái thế thái nhân tình của thời kim tiền.
Về tư tưởng, ông coi trọng văn hóa, đạo đức và con người. Trong những lần nói chuyện với giảng viên, sinh viên, cán bộ, nhân viên của trường, Ông đều nhắn nhủ các thế hệ thầy cô giáo điều tâm đắc rằng: “Trường phải là một trường có văn hóa trước đã, vì văn hóa của một trường là tấm gương phản chiếu những hiểu biết, những niềm tin và những tập tục của trường”.
Về luân lý, tư tưởng của Ông là: “Trường và dân (sinh viên) có quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên, có chính thể tự do, dân chủ, sáng tạo, tức là gia thể. Trường có các bậc sư biểu, có các kẻ sĩ, quân tử (thầy cô giáo trí thức), tức là gia hồn; có sự quản lý của lãnh đạo là gia sự; có tinh thần quy tụ trí tuệ, dân chủ, tự do, từ bi bác ái, sáng tạo là gia quyền. Tất cả cùng hành đạo, cùng làm việc, cùng hợp tác và cùng chung sống. Và Ông nói luôn một câu tiếng Anh: “Work together!” (cả hội trường vỗ tay hoan hô cái tinh thần văn hóa nhân văn của vị Giáo sư kính mến).
Một hiền triết và một nhà tư tưởng
Với dáng vẻ tinh anh và tự tin trong tư duy, Ông nói chuyện với giảng viên các thế hệ và các lứa tuổi khác nhau về những vấn đề cốt lõi của sự giáo dục và sự học. Điều Ông nói dễ hiểu, nhưng phải cố suy nghĩ tìm tòi lấy cái tận cùng của vấn đề. Là cái gì? Là thế nào? Và làm sao? Ai mà tự mình không cố sức suy xét cho kỹ cái lẽ thì cũng vô ích. Không gắng sức là không có sự học. Chúng tôi nhận ra cái lý của Ông từ tốn mà thâm thúy. Điều ấy chỉ có ở con người trí sáng, tâm trong.
Một lần nói chuyện với giảng viên dạy ngoại ngữ chúng tôi, Ông nói: “Cái nghề của các thầy cô giáo ngoại ngữ là cái nghề phản ánh ý thức, tư duy phản biện theo một chu trình đồng tâm trong hoạt động ngôn ngữ“ (chúng tôi nhìn nhau: Cụ là nhà kinh tế mà hiểu biết quá sâu về chuyện bếp núc của dân ngoại ngữ!). “Phản ánh ý thức là có trình độ phản ánh cao nhất so với những dạng phản ánh khác. Đó là vì sự phản ánh ý thức là sự phản ánh gián tiếp thế giới hiện thực khách quan thông qua ngôn ngữ. Ở trình độ phản ánh này, tính tích cực của chủ thể phản ánh được thể hiện ở chỗ ý thức của con người phản ánh thế giới hiện thực khách quan thông qua quá trình trừu tượng hóa, khái quát hóa, rút ra những khái niệm, phạm trù, quy luật khách quan, phản ánh bản chất của đối tượng nhận thức” (nghe đến đây, liên tưởng và suy diễn về quá trình tiếp thụ và quá trình sản sinh ngôn ngữ – một chu trình học và giao tiếp, tư duy bằng ngoại ngữ, chúng tôi nhìn nhau mà thán phục cái sự thông tuệ về tri thức, về kiến văn của Ông). Chúng tôi bảo nhau: “Cụ biết hết chuyện dạy của mình. Khó mà bịp được cụ”. Theo dòng suy diễn, Ông tiếp: “Trên cơ sở nhận thức được bản chất, quy luật khách quan của sự vận động, phát triển của đối tượng phản ánh nói riêng (như tiếp thu về một từ, nhóm từ, nhóm động từ, một cấu trúc, hay một ý tưởng, quan điểm nào đó, v.v…) của thế giới hiện thực khách quan nói chung (văn hóa, dân sinh, hoạt động xã hội – chính trị, hay một sự cố nào đó,…), con người có thể làm biến đổi thế giới hiện thực khách quan (ví như sản sinh ra các văn cảnh, cảnh huống nào đó thông qua các cấp độ ngôn ngữ đã tiếp thụ để lý giải một vấn đề vi mô hay vĩ mô nào đó theo hiểu biết hữu hạn nào đó qua lăng kính của ngôn ngữ)”. Thật thấu tình đạt lý! Chúng tôi trong tĩnh lặng nghĩ suy về những điều Ông nhỏ nhẹ với chúng tôi về chuyền nghề, chuyện đời. Bể học thật mênh mông. Càng ra khơi xa càng thấy mình còn phải nỗ lực nhiều, nhiều lắm, để tồn tại và để sống có ý nghĩa. Mà Ông là hình ảnh thu nhỏ của một đại dương lớn.
Chưa hết. Trong quá trình mở trường, có biết bao điều phải chu toàn cho việc dưỡng dục con người: từ nơi học tập, sinh hoạt, nghiên cứu, thực hành gắn kết với đơn vị sản xuất và tổ chức xã hội; rồi mở ngành, khai phóng chương trình, giáo trình, nhân sự,… Để làm nên một bản hợp xướng với nhiều âm vực và giai điệu mượt mà, gió bão, mây mưa, trời yên biển lặng, con người và cảnh vật phải hài hòa, xao xuyến, nhớ nhung,… thì người chỉ huy dàn nhạc phải thực sự là một hiền tài. “Một người lo, bằng một kho người làm”. Công việc của Giáo sư Hiệu trưởng cũng vậy. Cái trường, mà Ông hoài bão lớn, là một hợp tác xã của những trí thức về hưu làm công việc dạy trẻ như chở nặng phù sa của một hệ tư tưởng hiện đại và thực tế. Đó là:
- Tính đúng và Khoa học.
- Lý luận và Thực tiễn.
- Lịch sử và Cụ thể.
- Kế thừa và Phát triển.
Tư tưởng này của Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương đã được hiện thực hóa trên 25 năm qua ở một cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận như Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đúng như lời khẳng định của Ban Giám hiệu nhà trường: “Kiểm định chất lượng đào tạo là điều kiện bắt buộc để trường tuyển sinh và đào tạo đúng quy định, đồng thời giúp trường thực hiện được các nội dung trong Chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng đã đề ra” (Bản tin “Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội”, số 08-2022).
Một nhà giáo dục thực thụ
Với hơn 50 năm làm nghề bảo học về ngôn ngữ và cũng nhiều dịp gặp gỡ tiếp xúc với nhiều chính khách và học giả trong và ngoài nước, nhưng chưa ai có sức thuyết phục lớn và lay động tâm hồn sâu kín của chúng tôi về chân giá trị của nhân cách và học thuật như Ông. Ngay từ phút đầu gặp Giáo sư ở văn phòng làm việc của Ông, qua giao tiếp, Ông đã có sức lôi cuốn chúng tôi về con đường học vấn, có hai điều mà kẻ sĩ cần biết: một, người có tư chất đủ học, đủ hiểu những lẽ cao xa; hai, phải chú ý giáo hóa con người cho thành người. Chúng tôi học được cái luân lý tư tưởng trong giáo dục là: văn hóa, đạo đức và con người. Như vậy, theo giáo lý của Ông là phải dựng lòng kính khởi đầu, dạy học trò hòa mục kính thuận là trọng, dạy hiếu (cốt ở sự thành kính) để thờ cha mẹ, dạy thuận là để vâng giới luật. Đem những điều ấy mà ứng xử trong cộng đồng cư dân học đường thì không có điều gì là không làm được.
Gần 30 năm qua, thời gian đủ kiểm chứng cho một triết lý giáo dục Trần Phương ở một ngôi trường vì con em người lao động, vì một xã hội hóa giáo dục và xã hội hóa học tập như HUBT – một trong những trường top đầu ở thủ đô Hà Nội. Các chương trình của những ngành nghề chủ đạo: Kinh tế – Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Công nghệ tin học – Điện tử, Ngoại ngữ (Anh, Nga,Trung, Nhật, Hàn), Y – Dược,… xét về mặt chiến lược từ năm mở trường 1996 đến nay tầm nhìn 2030, vẫn là một triết lý giáo dục bất biến – ứng dụng thực hành – sáng tạo (uy quyền của nhà chuyên môn) và đổi mới; với một sứ mạng của một môi trường hàn lâm học thuật: Khoa học – Đại chúng – Hiện đại – Hội nhập quốc tế.
Dưới sự chỉ đạo của Ông, trường ra trường, lớp ra lớp (với 02 cơ sở giảng dạy khang trang, đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia ở Vĩnh Tuy (Hà Nội) và Từ Sơn (Bắc Ninh), ngay ngắn, trật tự, kỷ cương, đoàn kết, thuận hòa, cùng hợp tác, cùng làm việc và cùng chung sống nhân văn và văn hóa, nêu gương cho các thế hệ sinh viên của trường. Ông luôn căn dặn giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý của trường: “Đem cái thực học vào thực tế, học cho mở mang tri thức, học cho dày dạn năng lực, để thành tài, để ra người, để làm người hữu dụng, nhỏ thì hữu dụng cho xã hội, to thì hữu dụng cho quốc gia, cho nhân quần”. Cái đạo ấy và cái đời ấy mà Ông gìn giữ, chắt chịu cho một ngôi trường không vì mục đích lợi nhuận như có một sức sống bền vững, một ngọn lửa như đang thắp sáng trên mọi ngả đường đi cho những ai coi trọng sự học. Thực học là lối học thực tế. Đây chính là triết lý giáo dục của Ông.
Một nhà chủ nghĩa nhân văn
Từ quan, mở trường, dạy người, dạy chữ. Lấy cái đức sáng, tâm trong, nghĩa tình thấu đáo mà hành xử như một gia phong. Chúng tôi nhận ra ở ông – một sư biểu như vậy trong suốt thời gian ở HUBT.
Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, Ông đã nóí với toàn thể giảng viên rằng: “Chúng ta sống để làm gì, nếu như không phải để giúp đỡ lẫn nhau cho cuộc sống bớt khó khăn?”. Đủ hiểu Ông là một con người của chủ nghĩa nhân văn. Nó chất chứa ở một tấm lòng: lý tưởng nhân văn sinh sôi mà hài hòa, lý tưởng nhân cách của người có học vấn, vì nhân nghĩa, tinh thần thực tiễn.
Trăm nghe không bằng mắt thấy. HUBT như một cái bánh to, mà Ông chia mỗi người một miếng. Bố, mẹ, rồi con, rồi cháu, rồi anh, chị, em, cả người thân,… cũng về nương tựa cái ao làng này, cái giếng làng này, cái bồ thóc làng này và cánh đồng quê mộc mạc của hợp tác xã HUBT này, mà có bát ăn, bát để, dư giả nhà cao cửa rộng, xe này xe nọ hào nhoáng đỗ khắp sân trường. Đứng tầng cao nhìn xuống mà mát mắt, mà: “Ơn Người, tôi được như giờ!”. Hẳn, giây phút này, nếu ai có cầm tới bài viết này, cũng không thể không nói nên lời “Cám ơn” và “Biết ơn” vị Giáo sư Trần Phương của chúng ta – một biểu tượng của lòng nhân ái. Bất giác tôi nhớ có lần ngồi nói chuyện, Ông có nhắc lại lời của Khổng Tử: “Đôn hậu phong tụ, thuần hóa nhân tâm, cố kết dân tộc, mở rộng văn hóa”. Có lẽ vì lĩnh hội tư tưởng nhân ái đó mà gần ba mươi năm qua Ông đã gây được cái đức trị, cái tâm sáng, cái tình thân, cái nghĩa nặng ở vùng đất địa linh nhân kiệt HUBT này. Rõ ràng, miền đất này là miền đất lành, hưng phát nhân tâm, người người hòa thuận, tương kính tương ái. Bất giác, ở đâu đấy, trên các số báo hay Bản tin “Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội”, chúng tôi có được đọc bài viết về “HUBT của tôi” và “HUBT – Xao xuyến nỗi nhớ”. Thế đấy, nhân duyên phát khởi. Ai đi xa cũng nhớ về cội nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây. Uống nước nhớ nguồn. Cốt cách gia phong ấy của dân tộc Việt sáng soi. Ở đây – HUBT này, có nhiều thế hệ và lứa tuổi hợp tụ làm nên bản sắc một HUBT sống hài hòa, vị tha, khoan dung. Yêu con người và vì con người. Luôn có tinh thần tự cường. Quý trọng nghĩa tình. Lấy tương thân tương ái là lẽ sống của một hợp tác xã trí thức về hưu mà hành xử, dung dưỡng tuổi già trong phản tỉnh, luôn đổi mới để hài hòa với lớp “tre già, măng mọc”.
Vâng, với tinh thần của chủ nghĩa nhân văn của GS Trần Phương, mọi người trên dưới ở HUBT cùng cất lên một tiếng nói: “Lấy lễ nghĩa mà cư xử; có hoạn nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau; khó khăn ta liệu, ta làm ta ăn” để miền đất địa linh này thoảng thơm hương hoa trái ngọt, là cái giếng nhỏ để mọi người đỡ khát.
Lời kết bài viết
Tôi xin mượn câu nói “Tinh túy trí tuệ” trong tác phẩm Nhẫn của tác giả Vương Mộng Bửu (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2013) để kết bài viết của mình: “Lấy tinh thần xuất thế làm việc nhập thế, không để cho công danh, lợi lộc thế tục che lấp được tâm hồn của ta. Hãy mặc nhiên đối mặt với sự được mất, thản nhiên tiếp thu thành bại! Có thế mới tìm ra điều chí lý của cuộc đời!”./.
Hà Nội, Mùa Hè 2023