Những ngày đầu thành lập Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội – Nguyễn Mạnh Can

PV: Kính thưa Phó Hiệu trưởng, được biết Phó Hiệu trưởng thuộc lớp những người tham gia chuẩn bị thành lập Trường, xin Phó Hiệu trưởng chia sẻ với bạn đọc BẢN TIN một số kỷ niệm và suy nghĩ của mình.

PHT Nguyễn Mạnh Can:

Khoảng giữa năm 1995, anh Đào Nguyên Cát gặp tôi ở cơ quan Ban Tổ chức Trung ương, đưa cho tôi đọc tập hồ sơ xin thành lập Trường của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Tôi thấy ý tưởng về thành lập Trường rất hay. Tôi và anh Cát quen nhau từ năm 1950 khi học ở Trường Nguyễn Ái Quốc (Việt Bắc). Ít ngày sau, tôi gặp anh Trần Phương, nghe anh giới thiệu kỹ hơn về mục tiêu, phương hướng hoạt động của Trường. Tôi rất tán thành đối tượng đào tạo là các nhà kinh tế thực hành, như Giám đốc và dàn cán bộ cho doanh nghiệp, vì khi công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, tôi phụ trách Vụ Xí nghiệp và có 5 năm trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy Nhà máy cơ khí Hà Nội. Tôi lại biết anh Trần Phương là một nhà lý luận kinh tế của đất nước, có bản lĩnh, có tư duy độc lập và sáng tạo, trong hành động thì quyết đoán. Hơn nữa, tôi đã biết anh Trần Phương từ năm 1948 khi anh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên và tôi là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Văn Lâm, một huyện thuộc vùng địch tạm chiếm sâu của Tỉnh. Tôi lại sắp nghỉ hưu, đang tìm một việc gì có ích đóng góp cho xã hội coi như một kỷ niệm cuối đời. Do đó, tôi vui vẻ nhận lời và tích cực làm những việc mà các anh yêu cầu như tuyển chọn cán bộ, tìm thuê địa điểm lúc ban đầu…

PV: Xin Phó Hiệu trưởng cho biết những ngày đầu tiên, những vấn đề gì được đề cập đến nhiều nhất?

PHT Nguyễn Mạnh Can:

Tôi nhớ lại, có mấy vấn đề dưới đây:

Một là, các vấn đề thuộc ý tưởng thành lập Trường, mục tiêu, nội dung, đối tượng đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn bị giáo trình, giáo viên, mức học phí, mô hình của Trường tổ chức lao động hợp tác của những người lao động trí óc.

Hai là, các vấn đề tìm thuê địa điểm để làm thủ tục xin thành lập Trường, với yêu cầu của Hiệu trưởng là tiết kiệm chi tiêu nhưng không không được “lúi xùi”, các phương án mua sắm; vấn đề mua sắm bàn ghế, thiết bị dạy học, các phòng máy vi tính và học ngoại ngữ để sinh viên có nơi học ngay từ ngày nhập học đầu tiên.

Ba là, các vấn đề tuyển chọn giảng viên, cán bộ, nhân viên, xây dựng tổ chức bộ máy, định thang bậc và mức lương, chế độ chính sách,…Lúc đầu, cán bộ rất hiếm, chỉ có rất ít người, thường là cán bộ về hưu do giới thiệu của Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng. Một số cán bộ về hưu tôi đến tiếp xúc để mời về công tác ở Trường đã không nhận lời vì lúc đó còn sơ khai, nhiều người chưa hình dung được triển vọng phát triển của Trường ra sao. Nhưng cũng có trường hợp tôi đến thăm gia đình một anh bạn là cựu học sinh Trường Bưởi học với nhau từ năm 1942, nay vẫn trong Hội cựu học sinh Trường Bưởi cùng lớp cùng khóa, gặp người con trai là anh Nguyễn Mạnh Quân được giới thiệu mới tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Mỹ về. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy còn đang thiếu cán bộ trẻ nên giới thiệu với anh Trần Phương và Ban giám hiệu. Sau đó, anh Quân đã nhận lời mời về tham gia công tác ở Trường và được cử làm Chủ nhiệm Khoa Quản lý doanh nghiệp đầu tiên. Vui vui một chút là chọn trưởng phòng tài vụ và thủ quỹ. Anh Đỗ Doãn Hải, Phó Hiệu trưởng giới thiệu anh Trịnh Đình Khải, nguyên trưởng phòng tài vụ Đại học Giao thông vận tải và được Ban giám hiệu chấp thuận. Còn thủ quỹ thì Hiệu trưởng giao cho tôi phải chọn một người phải không là người thân của Hiệu trưởng, của Chủ tịch Hội đồng quản trị với điều kiện là đủ tiêu chuẩn và phải “có tóc” tức là có tài sản để Trường nắm chắc không để thất thoát tiền bạc. Người đó là chị Nguyễn Thị Thanh, bây giờ vẫn giữ chức vụ quan trọng đó. Hôm vừa rồi nhân ngồi nói chuyện vui anh Khải nói: Tôi và chị Thanh đang chuẩn bị “vù” đây, rất may đó chỉ là lời nói vui vì hai “vị” này đã ngồi ở vị trí của mình 10 năm rồi và chắc còn ngồi nữa vì những đóng góp tích cực của mình vào ổn định khâu quản lý tài chính của nhà trường. Đại thể cách làm cộng tác nhân sự thời kỳ đầu là như vậy, không có bài bản chính quy gì, nhưng tôi thấy Ban giám hiệu đã có những quyết định đúng và kịp thời tạo được không khí làm việc tốt trong Trường. Còn có một số thiếu sót khó tránh khỏi thì cuộc sống sẽ điều chỉnh.

Bốn là, ngay sau ngày khai giảng năm học đầu tiên của Trường tháng Giêng năm 1997 tại Cung văn hóa hữu nghị, Chi bộ Đảng đầu tiên của Trường đã được thành lập ngay sau đó gồm 3 đồng chí là: đồng chí Nguyễn Mạnh Can (Bí thư), đồng chí Nguyễn Sĩ Cát, đồng chí Nguyễn Thị Thanh. Còn khoảng gần 20 đồng chí nữa thì đang chuẩn bị thủ tục xin chuyển sinh hoạt Đảng về Trường. Đến nay, Đảng bộ đã có 91 đảng viên. Tất cả các đảng viên có mặt ở Trường thời gian đầu đều đã đem hết nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cùng nhau vượt qua khó khăn góp xây dựng và phát triển Trường.

Đoàn thanh niên và sau đó Hội sinh viên của Trường lần lượt được thành lập.

Cuối cùng là vấn đề tài chính những ngày đầu thành lập Trường. Ở giai đoạn chuẩn bị thủ tục xin phép thành lập Trường, thật ra là mọi người chỉ có tấm lòng, sự quyết tâm, vốn trí tuệ. Nhờ có anh Dương Minh Thi là người rất tích cực, lăn lộn, bỏ rất nhiều công sức vào công việc thành lập Trường đã tạm ứng trước 8 triệu đồng để chi trả những khoản chi tối thiểu ban đầu. 8 triệu đồng lúc đó là rất quý đối với chúng tôi. Rất không may là khi Nhà trường đi vào hoạt động, thì anh Thi lại từ giã chúng ta. Anh mất đi để lại niềm thương tiếc lớn đối với cán bộ Nhà trường. Công việc anh phụ trách là Trưởng ban đào tạo – một mảng công việc rất quan trọng được người cộng sự của anh là anh Lê Khắc Đóa tiếp nối.

Lúc đầu rất cần có tiền để mua một số phòng máy dạy tin học và ngoại ngữ. Anh Vũ Tất Bội đã vận động được 2 người bạn thân là người nước ngoài. Ông Choong và ông Viniu với thiện ý và lòng tin vào sự phát triển của Nhà trường đã cho Nhà trường vay 50.000 USD trong 4 năm kể từ cuối năm 1996 với lãi suất ưu đãi và số tiền lãi suất này lại được 2 ông bạn nước ngoài chuyển vào quỹ Hỗ trợ sinh viên vượt khó. Với số tiền này, anh Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ nhiệm Khoa tiếng Anh lúc đó đã có gần đủ tiền để mua 2 phòng máy đã qua sử dụng ở nước ngoài để kịp phục vụ sinh viên những ngày đầu của năm học đầu tiên. Có thể nói, chi tiêu lúc ban đầu là rất eo hẹp, phải tính toán rất chi li làm sao tiết kiệm mà có hiệu quả nhất. Về thu nhập, khi chưa có sinh viên, từ Chủ tịch Hội đồng sáng lập đến tất cả mọi người đều là hoạt động tự nguyện, không có thù lao. Sau khi có sinh viên vào tháng 11-1996, thì bắt đầu có thù lao với mức rất khiêm tốn như bình quân cho mỗi người là 200.000 đ/1 tháng. Sau khi có học phí của sinh viên, thì bắt đầu có lương, với mức lương cao nhất là Hiệu trưởng 800.000 đ/1 tháng, và thấp nhất là 300.000 đ/1 tháng. Đến năm 1997, lương được nâng từ 1.200.000 đ/1 tháng, và 350.000 đ/1 tháng.

Những ngày đầu chưa có nhà ăn, mọi người từ Hiệu trưởng, Ban giám hiệu đều phải đi ăn cơm bụi bữa trưa trong mấy năm. Sau này phát hiện ra cơm bụi cực kỳ mất vệ sinh, nghĩ lại mà rùng mình. Buổi trưa, tôi và anh Phương thường nằm nghỉ cùng nhau trong một phòng, trải chiếu xuống nền nhà vừa nằm vừa nói chuyện, có khi trao đổi công việc giống như cách làm việc ngày xa xưa, những ngày đầu cách mạng.

Ngoài ra, còn những việc quan trọng khác như định chương trình học, biên soạn đề cương bài giảng, biên soạn giáo trình…Việc này do anh Trần Phương phụ trách cùng với số người cộng sự khác. Chỉ có một lần đến thăm nhà anh Trần Văn Chu, tôi thấy anh đang bò ra sàn nhà để chắp nối, sắp xếp chương trình giáo trình với tinh thần rất say sưa và sôi nổi.

Trên đây là xuất phát điểm và cung cách đi lên của Trường ta buổi ban đầu. Điều kiện lúc đó buộc chúng ta phải có bước đi ban đầu như thế. Không biết có cách nào hay hơn.

PV: Xin cảm ơn Phó Hiệu trưởng đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong những ngày Trường mới được thành lập. Các bạn đọc của BẢN TIN chắc sẽ thấy được những khó khăn của Trường thời đó, kính phục tinh thần tận tụy của các thầy, cô và những cán bộ, công nhân viên Nhà trường lúc ấy, đã vượt qua nhiều gian khổ, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp của Trường ta và biết ơn lớp người đi trước, trong đó có những người đã khuất.

Điều cuối cùng muốn hỏi Phó Hiệu trưởng là: Xin Phó Hiệu trưởng cho biết những nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả hoạt động của Trường trong những ngày đầu ấy.

PHT Nguyễn Mạnh Can:

Theo tôi có mấy nguyên nhân chính:

Một là, trong bước đi ban đầu đã có những chủ trương đúng, định hướng đúng và có quyết tâm triển khai công việc.

Hai là, ngay từ đầu đã xây dựng được một nền tài chính của Trường lành mạnh, được quản lý tốt. Có một số thiếu sót đã có sự điều chỉnh.

Ba là, có đội ngũ cán bộ cốt cán ban đầu, có tâm, có trí, có tài và có sức khỏe. Có người đứng đầu nhà trường có bản lĩnh, năng động, quyết đoán, dành trọn vẹn công sức, trí tuệ cho công việc của trường. Đó là GS Trần Phương. Ông cũng sớm đề ra mô hình của Trường là Tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc với nhiều cổ đông.

Bốn là, ngay từ đầu đã xây dựng được sự đồng tâm nhất trí nội bộ cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.

Trên đây là những hồi tưởng và cảm nghĩ của tôi về những ngày đầu thành lập Trường. Nay Trường đã có 10 năm tuổi. Tôi rất phấn khởi và tự hào về sự phát triển của Trường mà hình tượng là ngôi trường mới xây dựng ở Vĩnh Tuy. Tôi thật sự cảm ơn Nhà trường từ Giáo sư Hiệu trưởng, Ban giám hiệu, Hội đồng quản trị đến mọi cán bộ nhân viên trong Trường đã tạo điều kiện cho tôi có được hơn 10 năm làm việc hữu ích tại Trường sau khi nghỉ hưu. Trong 10 năm này, sự đóng góp của tôi còn nhỏ bé nhưng tôi học được rất nhiều điều, có được nhiều bạn mới thuộc các lứa tuổi, được tiếp xúc với nhiều em sinh viên có nhiều tiềm năng và hoài bão, có thêm nhiều mối quan hệ xã hội mới, được có thêm phần thu nhập, được các con cháu động viên và xác nhận hiệu quả công việc của mình. Tôi thấy càng làm việc thì mình càng khỏe thêm ra và hình như làm chậm được quá trình lão hóa. Như vậy, thì tôi phải cảm ơn mọi người nhiều lắm, phải không thưa các bạn.

PV: Xin cảm ơn Phó Hiệu trưởng./.