Sự quan tâm hỗ trợ của Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương đối với Khoa Kiến trúc – Nguyễn Hữu Dũng

Tôi nhớ mãi buổi gặp mặt đầu tiên với GS Hiệu trưởng Trần Phương, trước khi tôi được Giáo sư quyết định tiếp nhận về trường. Theo đề nghị của anh Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ của trường, tôi đã đến để ông trao đổi, giao công việc của Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc. Tôi còn giữ mãi ấn tượng về dáng vẻ hiền hậu, nhanh nhẹn và sáng suốt của Giáo sư. Ông hỏi tôi về kinh nghiệm công tác quản lý đào tạo và nghiên cứu phát triển kiến trúc. Ông nói chuyện rất thân tình. Giáo sư không chỉ là nhà kinh tế học, mà còn am hiểu tường tận về lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, về kỹ thuật và công nghệ, vì ông từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nên ông có tầm hiểu biết vĩ mô. Ông nói nhiều về nhu cầu phát triển của ngành kiến trúc – xây dựng ở Việt Nam trong tương lai. Tôi cũng trao đổi với Giáo sư về quá trình tham gia quản lý đào tạo tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và môi trường ngành xây dựng, về các vấn đề cần thiết trong phát triển kiến trúc, đô thị và đào tạo kiến trúc sư.

Ông đã quyết định bổ nhiệm tôi là Chủ nhiệm khoa cùng với quyết định tách Khoa Kiến trúc từ Khoa Kiến trúc – Xây dựng lúc đó thành khoa chuyên ngành đào tạo riêng. Khoa Kiến trúc – Xây dựng của trường được thành lập một năm trước đó. Giáo sư đã nhắc tôi cần tìm hướng đào tạo kiến trúc sư của trường theo định hướng kiến trúc sư thực hành. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Giáo sư. Tôi cũng bắt đầu xây dựng tổ chức quản lý đào tạo của  Khoa Kiến trúc và thực hiện việc hoàn thiện chương trình đào tạo Ngành Kiến trúc.

Cho đến tháng 10 năm 2023 này, Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được thành lập và phát triển đào tạo 15 năm. Trong suốt quá trình phát triển, Khoa luôn nhận được sự quan tâm của GS Hiệu trưởng Trần Phương. Giáo sư đã quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ giải quyết các kiến nghị của Khoa từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức nhân sự, trang thiết bị dạy học,… đến việc kết hợp trao đổi với các cơ sở đào tạo Kiến trúc trong nước và  hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Quan điểm của Giáo sư là cần nâng cao hiệu suất của chương trình đào tạo. Qua khảo sát, nhận thấy các cơ sở đào tạo kiến trúc sư khác trong cả nước đều đào tạo với thời gian 5 năm hay 5 năm rưỡi. Chương trình đào tạo kiến trúc của trường ta cũng đảm bảo thời lượng 187 đơn vị học trình (ĐVHT) rồi sau chuyển đổi sang đào tạo là 157 và 155 tín chỉ, nhưng rút gọn trong thời gian đào tạo là 4,5 năm. Sinh viên sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Giáo sư từng là nhà quản lý nhà nước cấp cao, nhà kinh tế học, nhưng ông cũng là một nhà quản lý đào tạo nhạy bén và sâu sắc. Ông quan niệm người học, sinh viên là khách hàng, là trung tâm của quá trình đào tạo. Trường và các khoa cần cung cấp dịch vụ đào tạo tốt nhất. Khi khoa chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo Kiến trúc sư 187 ĐVHT năm 2012, 2014, là chương trình đặc thù so với các khoa Quản lý kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Ngôn ngữ, Công nghệ thông tin,… của trường lúc bấy giờ, ông đã góp ý từng chi tiết và lắng nghe ý kiến giảng viên và sinh viên của Khoa, rồi mới ra quyết định phê duyệt. Giáo sư là người luôn thúc đẩy đổi mới và cải cách chương trình đào tạo. So với các cơ sở đào tạo công lập, trường HUBT luôn đổi mới và cập nhật chương trình đào tạo, ban hành năm 2016, 2018, 2021 chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Giáo sư hiểu rõ đặc thù của chương trình đào tạo Kiến trúc sư, trên cơ sở tham khảo một số chương trình đào tạo đối sánh của các cơ sở đào tạo kiến trúc công lập lớn, như Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Giáo sư đã đồng ý quyết định số tiết học ngoại ngữ tiếng Anh giảm từ 72 ĐVHT xuống 24 ĐVHT và Tin học từ 24 ĐVHT xuống 12 ĐVHT, để dành thời lượng cho các học phần về chuyên ngành. Giáo sư luôn nhắc nhở lãnh đạo Khoa về việc cần giảm số lượng đồ án thiết kế Kiến trúc, nhưng cần tăng thời lượng mỗi đồ án để đảm bảo thời gian giảng viên truyền thụ cho sinh viên kỹ năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Khoa Kiến trúc, Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo. Trong buổi lễ kỷ niệm có cả đại diện là Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông. Anh Thông đã nói với tôi rằng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam rất ấn tượng với quan điểm rất đúng đắn của GS Trần Phương về đào tạo kiến trúc sư trong giai đoạn xây dựng và phát triển mới của đất nước và chỉ đạo việc gắn chặt giữa đào tạo lý thuyết và thực hành của giảng viên, cũng như  khởi nghiệp đối với sinh viên. Ông đúng là nhà quản lý  kiến trúc – xây dựng.

GS Trần Phương là người sáng lập trường, hình ảnh kiến trúc các tòa nhà của trường tại cơ sở Vĩnh Tuy, Từ Sơn mang đậm nét kiến trúc truyền thống. Phương án kiến trúc đều do Giáo sư lựa chọn và là người quyết định đầu tư xây dựng. Giáo sư đã hiểu rõ bản sắc của một cơ sở đào tạo đại học cần tiếp cận hệ thống kiến thức, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng vẫn phải dựa trên nền tảng của thực tiễn đất nước và kế thừa bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cho đến nay, Khoa Kiến trúc của HUBT đã đào tạo và tổ chức tốt nghiệp ra trường khoảng 1.480 kiến trúc sư trẻ trong tổng số 25.000 kiến trúc sư của cả nước. Hầu như tất cả các em sinh viên tốt nghiệp ra trường đều đã có việc làm. Khoảng 80-82% số kiến trúc sư tốt nghiệp đang hoạt động đúng nghề nghiệp thiết kế kiến trúc, thi công xây dựng, trang thiết bị, vật liệu xây dựng, thiết kế trang trí nội ngoại thất công trình và ngoại thất khu đô thị. Nhiều em hiện đang là các CEO văn phòng tư vấn và giám đốc các công ty kiến trúc – xây dựng thành đạt. Một số em đang tham gia trong các cơ quan quản lý nhà nước tại Bộ Xây dựng và các sở ngành xây dựng tại địa phương.

GS Trần Phương luôn ủng hộ và cổ vũ Khoa Kiến trúc trong hợp tác quốc tế về đào tạo. Khoa đã thành công trong việc hợp tác với Trường thiết kế của Đại học tổng hợp Shwinburne (Liên bang Úc) trong khoảng thời gian 5 năm liền (2012-2016) theo Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học sinh viên hai nước về “Nghiên cứu cải tạo không gian phố cổ Hà Nội”.

Khoa cũng đã ký kết hợp tác đào tạo và tổ chức thành công 3 hội thảo quốc tế với Đại học tổng hợp Cottbus (Cộng hòa Liên bang Đức). Năm 2014 và 2017, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức 2 hội thảo về “Phát triển Chương trình đào tạo Kiến trúc bền vững” và “Xanh hóa chương trình đào tạo Kiến trúc sư”. Một hội thảo về “Xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến về Kiến trúc bền vững” được tổ chức tại Đại học tổng hợp Cottbus năm 2016. Khoa cũng đã thiết lập mạng lưới liên kết đào tạo với một số cơ sở đào tạo kiến trúc sư trên thế giới.

Giáo sư đã quan tâm tạo điều kiện cơ sở vật chất phòng học cho đào tạo ngành đặc thù, như phòng học đồ án thiết kế kiến trúc, phòng học vẽ mỹ thuật và điêu khắc. Đây cũng là những phòng học có đặc trưng nghề nghiệp so với các phòng học lý thuyết và phòng học tin học. Các dịp quan khách đến thăm trường, thường được Giáo sư yêu cầu Khoa và Văn phòng dẫn khách đến thăm khi các phòng học đang hoạt động.

Hiện Khoa Kiến trúc đang phụ trách đào tạo 2 ngành đại học chính quy là Kiến trúc và Quản lý đô thị và công trình, đồng thời đào tạo sau đại học Thạc sĩ Kiến trúc theo định hướng ứng dụng. Giảng viên và sinh viên Khoa Kiến trúc luôn trân trọng cám ơn sự quan tâm quý báu  của Giáo sư  Hiệu trưởng Trần Phương./.