Lời dẫn: Một học giả đã nói: “Bí quyết niềm vui trong công việc gói gọn trong một từ tuyệt vời. Làm một việc tốt là thụ hưởng một niềm vui”. Vâng, tôi may mắn được nhiều lần phiên dịch các cuộc tiếp khách nước ngoài của GS Hiệu trưởng Trần Phương từ những ngày đầu mở trường. Thầy nói: “Lấy tinh thần xuất thế làm việc nhập thế, không vì công danh. Có thế mới tìm ra điều chí lý của cuộc đời”. Theo Ông, tôi học được cái tinh túy trí tuệ đó.
- Vào một ngày xuân ấm áp tháng 2 năm 1998, tại “sảnh đường” tòa nhà 5 tầng, số 2 ngõ Cảm Hội, phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, GSTrần Phương tiếp ngài Vynue, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, đến thăm và thuyết giảng về kỹ thuật giao tiếp kinh doanh quốc tế. Nội dung bài thuyết giảng gồm những vấn đề lớn về kinh doanh quốc tế, như Kỹ thuật giao tiếp cơ bản và nâng cao, Bí quyết thành công của giao tiếp kinh doanh (trong đó có yếu tố tâm lý, tinh thần, xúc cảm, nhân văn,…), Một số giải pháp và bài học rút ra, v.v… Đan xen vào nội dung đó là trao đổi và hướng tới các giá trị học thuật – lý thuyết và các kỹ năng thực hành giao tiếp kinh doanh quốc tế. Khách và ta, hai bên tự do mạn đàm về nội dung diễn trình.
Tôi nhớ, trong mạn đàm, thầy Trần Phương đưa ra một câu hỏi: “Còn có cách nào tuyệt vời hơn để làm cho chúng ta có thể hòa hợp với những người khác?” và “Sự luyện tập đều đặn có thể giúp chúng ta biết cho và biết nhận tình thương không điều kiện, đồng thời dần dần phát triển bản thân về mặt tinh thần, thể chất, tình cảm và tâm lý?” và “Thưa Ông (Vynue), hòa hợp với những người khác làm cho các mối tương tác trở nên suôn sẻ hơn, đem lại sự dễ chịu cho mối quan hệ của chúng ta với thời gian, vì ta không gặp nhiều sự chống cự và đối kháng?”. Trong lời đáp cảm ơn khách, Giáo sư có nói một câu rất nhân tình thế thái và đấy sức tôn vinh tấm thịnh tình của ngài Vynue: “Bản thân tôi đã thấy rằng trải nghiệm đau khổ nhất của cuộc đời thường dẫn đến tăng trưởng nhiều nhất, nếu nhìn bằng trí tuệ minh mẫn và một tinh thần cởi mở, từ bi (như ngài Vynue). Một trong những phẩm hạnh cao quý mà tôi thấy trong mối bang giao – giao tiếp là dũng cảm chấp nhân, nó khiến cho ta đối xử tốt với tất cả mọi khía cạnh của mình và các khía cạnh khác nhau của cuộc đời, cả vui lẫn buồn, cả điều mình muốn và điều mình không muốn”.
Vốn là một khách quốc tế rất cảm tình với nhân dân Việt Nam nói chung và với cá nhân thầy Trần Phương nói riêng, ngài Vynue luôn chia sẻ và tay bắt mặt mừng trong những lần gặp gỡ mạn đàm với thầy Trần Phương. Sự hiện diện của ngài Vynue là một bằng chứng. Riêng với tôi, tôi cảm nhận được sự trân trọng và vị nể của ngài Vynue đối với thầy của chúng ta qua những lần tiếp xúc. Cứ nhìn vào số sách và tài liệu kinh doanh quốc tế mà ngài Vynue nhiều lần đem đến cho trường ta cũng đủ biết một tấm lòng.
- Vào một ngày cuối hè, lập thu năm 2001, sau một hai khóa sinh viên của trường đi Hà Lan học, GSTrần Phương có dịp tiếp ông Hiệu trưởng Đại học Deventer – Saxon, Hà Lan, ngài Pith Mark, tại Tổng hành dinh HUBT lúc ấy cũng vẫn còn ở số 2 ngõ Cảm Hội. Văn phòng nhỏ, nhưng đầy tình hữu hảo, chia sẻ và thân thiện. Ngài Hiệu trưởng Pith Mark, trong dáng vẻ cao ráo, thanh thoát và niềm nở tươi cười, bắt tay Giáo sư của chúng ta. Trong cái bắt tay ngập tràn lòng mến khách, GSTrần Phương hỏi: “Ông đi đường có mệt không? Tôi chắc là không, vì hôm nay ông về nhà mà?”. Ngài Pith Mark vui vẻ đáp: “Vâng, tôi đã và đang ở nhà đây, vì có ông (thầy Trần Phương) ở nhà chờ tôi”. Khách và chủ đề cười hể hả trong không khí bang giao về giáo dục Việt Nam – Hà Lan. Mở đầu câu chuyện, Giáo sư đã đặt ngay vấn đề: “Tấm lòng rộng mở có thể đổi được sự thành ý trong hợp tác. Chúng ta thực sự là hai bạn tâm giao, dù ngăn sông cách núi”.
Cuộc thăm không còn là nghi thức, mà đúng hơn, là đã chuyển sang mạn đàm về tương lai học vấn của vài chục sinh viên HUBT đang theo học ở Đại học Deventer – Saxon: những thuận lợi và khó khăn, mối quan tâm của cả hai bên, của người đang học và người đã tốt nghiệp, những cái được và chưa được của sinh viên, v.v…
Trong câu chuyện, tôi nhớ Ông nói: “Trường học là một nơi dễ gây ra những vấn đề giữa các đồng sự. Nếu ta muốn cùng các đồng sự hợp tác chân thành với nhau, thì cần có tấm lòng rộng mở. Nhưng nếu vì một chút lợi lộc, không bằng lòng, thì chỉ khiến cho mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Điều này, tôi quả chắc rằng cả hai chúng ta đều không muốn”. Giáo sư nhắc khéo vậy là vì Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội có nhiều lần làm khó dễ sinh viên HUBT xin visa nhập cảnh.
Về học tập và rèn luyện ở Đại học Deventer – Saxon, Ông cũng rào trước đón sau, mở đường cho con trẻ của HUBT, rằng: “Nếu có gì bất cập trong sinh viên chúng tôi, thì xin ngài hãy làm như một nhà văn đã nói: Lấy chân giẫm bẹp một bông lan tử-la, mùi thơm của nó vẫn lưu lại trên gót chân anh – đó chính là sự khoan thứ”.
Vâng, chỗ nào, cho dù cam go, thầy rất tự tại ứng xử và hóm hỉnh. Dịch đàm thoại cho Ông, lúc nào tôi cũng căng đầu mà chuyển ngữ. Sai một ly, đi một dặm. Sau mỗi cuộc làm phiên dịch phục vụ Ông, tôi như bỗng lớn lên, về cả bản lĩnh và thông tuệ, cho dù tôi đã xung trận nhiều lần ở diễn đàn quốc tế.
- Tôi nhớ câu nói của Phillip Brooks: “Đừng cầu mong cuộc đời này dễ dàng với bạn. Hãy nguyện cầu trở thành một con người ý chí trước phong ba bão táp”. Với tinh thần ấy, chúng tôi đã lãnh đảm một trọng trách trước Ông là trong hai năm 2003-2004, 2004-2005 tại cơ sở của trường lúc ấy ở Lạc Trung, phố Minh Khai, Hà Nội, Khoa Tiếng Anh đã tiếp nhận các đoàn học sinh THPT từ Anh – Mỹ – Úc do tổ chức GAP của Hoa Kỳ điều hành đi thực tế hàng năm, trong thời gian hai tháng, ở các nước châu Á, theo sự chấp thuận và giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Lo cho họ “ba cùng” với sinh viên Việt Nam: cùng học, cùng ở một nhà, cùng hoạt động ở trường, lao động, dã ngoại, hoạt động thiện nguyện, v.v… Thật là một thách thức lớn mà Phòng Quản trị của trường (lúc đó ông Nguyễn Kim Cường phụ trách) phải lo sao cho chất lượng phục vụ phù hợp với con trẻ nước ngoài. Một số em ở Guest House (32 phố Bà Triệu), một số thì ở StayHome; một số ở với gia đình người Việt. Có một số em đi học cùng với sinh viên trường ta, một số thì đi xe đạp (trường mua tặng), số khác đi xe máy thuê. Cái khó hơn là các em vào các lớp khác nhau, theo chương trình khác nhau, thời gian khác nhau. Cơ sở vật chất của trường ở Lạc Trung lúc đó còn thiếu đủ thứ. Mọi thứ ở HUBT đều xa lạ với các em. Sinh hoạt như thế là một khó khăn chung cho cả ta và cả các em người nước ngoài. Trung bình một đoàn của GAP gửi có 20-30 học sinh dự bị đại học đến Việt Nam với mục đích “ba cùng” với sinh viên ta để lấy điểm “trải nghiệm thực tế” (Internships). Chúng tôi đặt mục tiêu lớn là “AN TOÀN” và làm cho họ “HIỂU VỀ HÀ NỘI, HIỂU VỀ VIỆT NAM”.
Năm nào, GS Trần Phương cũng nhắc chúng tôi thu xếp cho Ông gặp các cháu học sinh nước ngoài, trước là thăm hỏi, sau là căn dặn chuyên cần, mẫn cán học tập, an toàn đi lại, ăn ở, sinh hoạt và tâm giao, thông cảm, cùng chia sẻ chuyện học, chuyện hành, chuyện tu tâm dưỡng chí của các cháu khi xa quê hương bản quán. Ông ân cần thăm hỏi họ qua những buổi họp giao ban hàng tuần của trường. Ông luôn căn dặn tôi là “nhẫn nại để chờ thời vận” và “việc nhỏ mà không nhẫn nhịn, có thể làm hỏng việc lớn” và tạo các điều kiện tốt nhất để các em học sinh ngoại quốc “lấy đức lập thời, lấy thời lập thân” trong thời gian lưu tập tại trường ta.
Một lần, tôi than phiền với Ông về những bất cập mà Khoa Tiếng Anh chúng tôi gặp phải khi sắp xếp việc vào lớp, chuyện ăn ở, đi lại, giao tiếp của các em học sinh GAP, Ông vỗ vai tôi, cười nói vui vẻ: “Hãy bẻ hết những gông cùm, xiềng xích trong lòng anh, anh sẽ có thể tự do bay lượn trong bầu trời của mình”. Đối với học sinh GAP, những lần giao tiếp, Ông căn dặn họ: “Các cháu đừng cầu xin mình có quyền lực mà hãy cầu xin mình có trách nhiệm trước mọi người và xã hội”. Đúng là lời ân cần của một người Ông nói với con cháu rằng: “Cuộc đời sao tránh khỏi được những sự lợi – hại, được – mất. Nhưng nếu ta biết cách đối phó một cách biện chứng, thì những sự vấp váp, trắc trở sẽ ít đi, cuộc đời của ta sẽ nhẹ nhàng và thanh thản biết bao!”.
Đi theo ông, tôi ngộ ra một điều là cuộc sống, kỳ thật, rất đơn giản; mọi người, mọi việc cũng đều như vậy cả và thái độ của ta đối với mọi người cũng là thái độ của mọi người đối với ta, tiếng vang của bản thân ta chính là sự miêu tả cuộc sống.
- Chúng tôi nhớ dạo đó là mùa thu tháng 10 năm 2007, trời se lạnh. Một đoàn khách của Đại học Quốc gia Cao Hùng (National University of Kaohsiung), Đài Loan do ngài Hiệu trưởng làm Trưởng đoàn tới thăm trường ta. Đoàn có 5 thành viên đều là Chủ nhiệm (Dean of the Faculty) các khoa: Tài chính, Quản trị kinh doanh, Kinh tế học ứng dụng, Quản lý thông tin. Qua thông tin của Văn phòng Đài Loan tại Hà Nội, trường được biết họ đều có chức sắc, thân thế và ảnh hưởng ở Ban Nội chính và Viện Hàn lâm Khoa học của thành phố Cao Hùng. Với phong cách nho nhã, khiêm nhường, thân thiện, từng người trong Đoàn bắt tay, chào xã giao GSTrần Phương như muốn gửi gắm niềm tin và sự hợp tác lâu dài với trường ta về giáo dục và đào tạo trong các lĩnh vực hai bên quan tâm.
Sau những thủ tục cần thiết là cuộc trao đổi thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của hai trường. Tiếp đến là tọa đàm và phát biểu tự do về những cảm xúc trong lần gặp gỡ và “những điều mắt thấy tai nghe” của các thành viên hai đoàn. Nói về đại học Cao Hùng, GS Trần Phương bày tỏ ngắn gọn: “Tôi được biết Đại học Quốc gia Cao Hùng là học viện dẫn đầu về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở khu vực phía Nam Đài Loan. Đại học có không gian mở, giữa các khu nhà không cách ngăn bằng những bức tường phân chia ranh giới. Cư dân sống quanh trường thường đi bộ vào đây hoặc sử dụng các thiết bị trong phòng tập thể dục của trường. Đa dạng sinh học cũng là một đặc điểm của trường, có tới 60 loài cá khác nhau trong khu Công viên nước của trường”. Nghe vậy, khách hết sức ngỡ ngàng và thán phục về sự am hiểu của Ông về Đại học Cao Hùng của họ. GS Trần Phương nói tiếp: “Tôi biết mức học phí trung bình các bạn thu từ 1.000 đến 2.000 USD/năm. Các khóa học ở Đài Loan được bố trí xen kẽ thực tập tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp cho người học có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, đồng thời có cơ hội làm thêm để trang trải chi phí học tập và ăn ở. Đó là điểm nhấn khác biệt của trường các bạn mà chúng tôi cần học tập…”.
Những điều Giáo sư đưa ra đều gây ấn tượng sâu đậm với vị khách, làm cho họ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thật đáng khâm phục, vì dù bận trăm công nghìn việc của HUBT, nhưng thầy vẫn lưu giữ những thông tin của bạn một cách chính xác, làm họ không giấu nổi lời khen ngợi. Chính nhờ có sự hiểu biết tường tận về Đại học Cao Hùng và lòng mến khách chân tình của Ông, nên HUBT đã khai trương sự hợp tác với trường bạn hàng chục năm sau này.
Cuộc gặp mặt đã đi vào thời khắc lý thú nhất: các thành viên hai đoàn trao đổi thông tin cá nhân và lĩnh vực hoạt động của mình cùng với những hứa hẹn nỗ lực hết sức của mỗi người thông qua các tặng phẩm lưu niệm. Chúng tôi còn nhớ khi chia tay các vị khách Đài Loan, Giáo sư nói một câu thật ấn tượng: “Chúng ta có một niềm tin ở chính nghĩa và hãy cùng làm cho nó chính trực hơn… Đó là sức mạnh và là mái nhà của ta”.
Những câu nói của thầy Trần Phương lúc nào cũng là nốt nhấn sâu đậm khiến cho cõi lòng mỗi người đều mở ra đón nhận.
- Đúng 2h45 chiều một ngày tháng 5 năm 2015, tại phòng họp A.205 của trường, tôi được tháp tùng GSHiệu trưởng Trần Phương tiếp Đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ do bà Phó Ngoại trưởng làm Trưởng đoàn tới thăm trường. Cùng tiếp khách với GS Hiệu trưởng còn có các Phó Hiệu trưởng và đại diện một số khoa. Tháp tùng bà Phó Ngoại trưởng và thành viên trong Đoàn có một số nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ngoài ra, cùng đi với Đoàn còn có một số cán bộ ở Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngay sau cái bắt tay chào hỏi thân thiện và giới thiệu các vị có mặt, GS Trần Phương tươi cười, rạng rỡ và tự tin nói: “Chúng ta gặp nhau hôm nay không nói về quá khứ, mà chỉ nói niềm vui gặp gỡ để thêm hiểu và tin yêu nhau hơn. Tôi chắc bà và cán bộ của bà cùng suy nghĩ như tôi”. Rồi như một lời tâm sự, giọng thầy trầm lắng: “Quá nhiều điều diễn ra nhanh chóng quá. Chính chúng ta không tiên liệu được về sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lại nhiều hoa thơm, trái ngọt đến vậy. Ngay tại góc sân nhỏ HUBT này, trường chúng tôi cũng đã tiễn chân vài chục sinh viên đi du học tại Hoa Kỳ”. Cả phòng họp đầy ắp tiếng cười nói, vỗ tay hoan hỷ. Trong không khí thân thiện, bà Phó Ngoại trưởng nói: “Tất cả chúng ta đều chiến thắng và có lý do để viết tiếp các chương tươi đẹp hơn (more beautiful), thưa Ngài”. Trong trao đổi mạn đàm, bà Phó Ngoại trưởng nhận xét: “Trường của các Ngài là một trường ngoài công lập, phi lợi nhuận. Sau hai mươi năm, các Ngài đã thành công. Đó là vì giáo dục cho con em lao động. Chính giá trị đó khiến cho trường của Ngài trở thành một trong những trường điểm ở thủ đô Hà Nội”.
Tiễn khách, Giáo sư vui vẻ nói: “Chúng ta đừng để buổi gặp gỡ hôm nay chìm vào quá khứ. Hãy biến cuộc trao đổi thiện chí về hợp tác giáo dục của đôi bên hôm nay thành hiện thực”.
Ra về, chúng tôi nói với nhau rằng lúc nào thầy cũng nghĩ đến sự thăng tiến của HUBT đủ sức vóc ngang tầm với các đại học khác trong nước, khu vực và thế giới. Trong sự phấn khích, tôi bất giác nghĩ tới một câu trong Kinh Thánh: “Hãy tin rằng chính bạn là người mỗi ngày khoác lên bạn một cái Áo mầu Chiến thắng”.
Mùa Hè, 2021