Trong tim tôi – có một bậc thông tuệ – Nguyễn Kim Sơn

  1. Không ai cưỡng được nhân duyên. Chẳng ai tránh được cơ duyên. Và cuối cùng, tôi đã có hơn 20 năm làm việc bên Thầy Trần Phương, nhà lão thành cách mạng, chính trị gia bậc cao uyên bác của Nhà nước Việt Nam trải qua những cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nhà kinh tế học lỗi lạc về lý luận, sáng tạo trong thực tiễn, người sáng lập Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (HUMB), tiền thân của Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) ngày nay.

Với cương vị Ủy viên thư ký Hội đồng Quản trị, Chánh Văn phòng, trợ lý đối ngoại của Thầy Trần Phương – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng của trường, tôi có cơ hội được làm việc gần gũi bên Thầy, được Thầy tin yêu qua hiệu quả công việc, đóng góp vào sự thành công trong mỗi chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển của HUBT. Bên Thầy, tôi như được trưởng thành thêm, được Thầy truyền cảm hứng và năng lượng tích cực, được Thầy tin yêu, dành tình cảm thân thiết, gần gũi như người thân. Thầy như một người anh cả trong tôi và tôi như một người em út trong Thầy. Tôi sẽ nhớ mãi, giữ mãi hình ảnh Thầy Trần Phương – người có trí tuệ thông minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng; người có tài năng, đức độ, có lòng nhân ái, bao dung và vị tha. Và tôi thầm nghĩ: “Trong tim tôi có một Bậc Thông Tuệ” – đó là Giáo sư Trần Phương mà tôi thường kính trọng và yêu quý gọi là Thầy Trần Phương.

  1. Nhân duyên và cơ duyên.Người ta thường bảo mọi thứ đều bắt đầu từ nhân duyên, kết thúc cũng lại do duyên. Hầu như trên đời này không có ai chưa một lần thốt lên cái câu quen thuộc: “Thôi thì do cái duyên, cái số”, hoặc là: “Duyên phận trời định rồi”. Trong cuộc sống ta đều gặp những kiểu người cơ bản: người yêu quý ta, mang đến cho ta sự ấm áp và lòng dũng cảm, niềm tin và nghị lực để sáng suốt vượt qua những khó khăn; người ta yêu quý, khiến ta học được thế nào là tình yêu thương và nâng niu, giữ gìn, trân trọng những gì mà ta có; người tuy ta chưa yêu thích, nhưng lại dạy ta lòng khoan dung và biết cách tôn trọng, tha thứ cho họ và cho chính mình; và người không ưa ta, tuy vẫn giúp ta trưởng thành, nhưng dè dặt, để tự xem xét mình.

Nhân duyên đã cho tôi gặp Thầy Trần Phương. Cơ duyên đã đưa tôi đến làm việc bên Thầy Trần Phương. Chuyện là như thế này.

Đầu năm 1980, khi tôi đang nghỉ phép tại nhà sau 3 năm làm nghiên cứu sinh tại Maxkva, Liên Xô, về nước, chờ phân công công tác. Tôi nhận được một công văn do Thầy Trần Phương, Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ký, gửi Hội đồng Phân phối cán bộ xin tôi về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nhận được công văn, tôi vừa mừng, vừa lo và đưa cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi liền bảo: “Con nên về Ủy ban Kế hoạch làm việc cùng anh Kim Hải (anh ruột tôi)”. Tiếp đó, mẹ tôi kể bác Trần Phương là cán bộ Việt minh huyện Mỹ Hào ngày xưa, nay làm to. Bác có tên thật là Dung, cùng hoạt động với anh Lương Văn Thọ, con bác Trưởng nhà ta, bên làng Trảng, cách làng Ngái quê bác Trần Phương, cùng huyện Mỹ Hào nhà mình, một cánh đồng. Tôi chờ đợi ý kiến của Hội đồng Phân phối Cán bộ.

Ngày ấy, ở Việt Nam ta có Hội đồng Phân phối cán bộ tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở nước ngoài về gồm 4 thành viên là đại diện lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Văn phòng Chính phủ, do Đại diện Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước chủ trì. Hội đồng xét duyệt xong, tôi nhận Quyết định về công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước – cơ quan thuộc Chính phủ. Tôi được giải thích, cơ quan cử tôi đi học là chuẩn bị cán bộ về làm việc, hơn nữa đề tài luận văn Phó tiến sĩ kinh tế – khoa học kỹ thuật của tôi là: “Kế hoạch hóa tổ chức và quản lý công tác đo đạc địa hình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đáp ứng nhu cầu hàng đầu cho chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ nhà nước hiện nay.

Về Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước ngót một năm, tháng 6 năm 1981, tôi được Ban Tổ chức Trung ương cử biệt phái làm chuyên gia tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào với nhiệm vụ cụ thể là trực tiếp giúp việc Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Kaysỏn Phômvihẳn. Đây là một nhiệm vụ quá lớn đối với tôi: được giúp việc cho một vĩ nhân, một lãnh đạo cao cấp nhất của Lào.

Nhiệm vụ chính của tôi là giúp Đồng chí Tổng Bí thư trong việc khai thác những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội tại các nước xã hội chủ nghĩa thông qua những tài liệu của của các Đảng gửi tặng. Sau đó, tôi cùng Tiến sĩ khoa học Lê Văn Viện giúp Đồng chí Tổng Bí thư sang Liên Xô nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ của Liên Xô với sự hỗ trợ của các Giáo sư Viện sĩ được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô tuyển chọn.

Hàng ngày, buổi sáng, Đồng chí Kaysỏn Phômvihẳn nghe các Giáo sư Viện sĩ giới thiệu, anh Viện dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, còn tôi ghi chép bài. Buổi chiều, Đồng chí Tổng Bí thư cùng anh Viện và tôi thu hoạch và nêu câu hỏi. Gần như mỗi năm một tháng, suốt từ năm 1982 đến năm 1985, chúng tôi phục vụ Cách mạng Lào như vậy. Rồi sau đó giúp Đồng chí Tổng Bí thư tổ chức các lớp học ngắn hạn của 5 khóa đào tạo tại Lào về nâng cao nhận thức để tiến tới Đại hội lần thứ IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Năm năm công tác tại Lào cho tôi một kho kiến thức, một phương pháp, cách thức tiếp cận với Cách mạng Lào thông qua Đồng chí Tổng Bí thư nước bạn. Và tôi đã trưởng thành lên rất nhiều về kiến thức cũng như kinh nghiệm công tác.

Hết nhiệm kỳ, tôi về nước, được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi về công tác tại Vụ Tổng hợp Ban Đối ngoại Trung ương và làm Ủy viên thư ký Liên hiệp Các tổ chức đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch (sau đó bà Bình trở thành Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thay bà Nguyễn Thị Định). 

Thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, năm 1989 GS Trần Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phân bổ lực lượng sản xuất, được Trung ương Đảng giao chủ trì xây dựng “Gợi ý chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”. GS Trần Phương nhanh chóng tập hợp đội ngũ 11 chuyên gia về kế hoạch dài hạn và phân bổ lực lượng sản xuất để triển khai nhiệm vụ này. Khi đó tôi là chuyên viên Vụ Tổng hợp Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, được mời tham dự Hội thảo giới thiệu các chuyên đề. Tại đây, lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp và làm việc với Giáo sư Trần Phương. Bước vào phòng Hội thảo, Ban Tổ chức giới thiệu tôi với GS Trần Phương. Với một vẻ thân mật, cởi mở, nụ cười tươi, Giáo sư nói: “Được biết chú là một chuyên gia về Lào, tôi mời chú tham dự các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Chú cứ nói, cứ giới thiệu về bạn, khi nào hết thì thôi”. Tôi thật sự cảm động nhận lời đón tiếp của Thầy và tôi đã giới thiệu chuyên đề “Đất nước và con người Lào: Tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội” và “Đội ngũ cán bộ Lào (đặc biệt là Đồng chí Kaysỏn Phômvihẳn – Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào)”. Nhờ có những năm tháng làm chuyên gia tại Lào, tôi đã cung cấp được nhiều thông tin bổ ích. Giờ giải lao là lúc GS Trần Phương thăm hỏi và trao đổi với tôi về những ngày làm việc tại Lào. Chưa gặp nhau bao lâu, nhưng chắc chắn đây chính là nhân duyên, cơ duyên cho tôi với Thầy Trần Phương gặp nhau trong một tình cảm ấm áp, thân thiện và tin yêu.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1990, GS Trần Phương dẫn đầu đoàn công tác mang theo bản “Gợi ý chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” sang làm việc với Bộ Kế hoạch – Tài chính của Lào. Đoàn được Đồng chí Tổng Bí thư Kaysỏn Phômvihẳn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tiếp và nhiều lần mời GS Trần Phương đến trao đổi ý kiến. Và, nước bạn đã không quên sự đóng góp của Thầy: năm 2017, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam đã trao tặng GS Trần Phương Huân chương Hữu nghị của Lào.

  1. Nhân duyên, cơ duyên hay tất cả là do con người tự tạo ra theo thuyết Nhân – Quả.Thực ra, gặp được nhau thì đúng là duyên Trời, còn vui hay buồn, tan hay hợp, gần hay xa, ở hay đi, nắm hay buông, nâng lên hay đặt xuống, đón nhận hay chối bỏ,… phải chăng đều do người trần định đoạt, đều nằm trong lòng người. Bởi vậy, hãy đón nhận nhân duyên, hãy chấp nhận cơ duyên, vì trong cuộc đời, thì nhân duyên, cơ duyên chỉ là một đoạn đường đời mà ta gặp.

Vào năm 1999, khi tôi đang làm Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế tại Tổng cục Địa chính Việt Nam thì nhờ có kiến thức được đào tạo tại Liên Xô, với kinh nghiệm công tác đã qua, tôi được Bộ Ngoại giao cử đi làm Bí thư thứ nhất rồi sẽ tiếp nhận vị trí Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Uzbekistan vào cuối năm 2000, khi đồng chí Tham tán Công sứ hết hạn nhiệm kỳ, về nước.

Tôi nhận nhiệm vụ đi công tác nhiệm kỳ 3 năm ở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Tashken, Uzbekistan, trong hoàn cảnh mẹ đã ngoài 90 tuổi, con út đang học phổ thông cấp 3, vợ mới nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường cấp 2 Vân Hồ, chưa thể cùng tôi đi ra nước ngoài theo tiêu chuẩn phu nhân. Trước khi lên đường, toàn gia đình đã bàn bạc kỹ: mẹ tôi nhất trí động viên, các anh chị em quan tâm giúp tôi yên tâm, chờ một năm sẽ đón vợ sang. Và tôi đã lên đường vui vẻ.

Tháng 9 năm 2000, tôi nhận được thư của gia đình, trong đó có bức thư ngắn của anh Lê Văn Viện, Phó Hiệu trưởng HUMB. Tiếp theo, lại được nói chuyện với anh Viện qua điện thoại với nội dung ngắn gọn như một mệnh lệnh: “Về đi! Về nước làm việc với GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. GS Trần Phương đang cần một người như Kim Sơn đấy”. Đặt ống nghe xuống, tôi lan man suy nghĩ. Nghĩ về anh Viện với “mệnh lệnh” trên đây. Anh là người bạn vong niên của tôi từ những năm cuối thập kỷ 1970, khi cùng nhau làm nghiên cứu sinh tại Maxkva, Liên Xô, rồi cùng anh sát cánh bên nhau trong những ngày công tác tại Lào, trực tiếp giúp việc Đồng chí Kaysỏn Phômvihẳn. Anh là một nhà kinh tế học sắc sảo, có tầm, bình tĩnh và chắc chắn. Trong tôi lúc này cũng hiện lên hình ảnh GS Trần Phương của những buổi hội thảo xây dựng “Gợi ý chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” tại trụ sở cơ quan Viện Chiến lược và Phân vùng kinh tế ở 148 phố Nguyễn Thái Học. Phải chăng nhân duyên, cơ duyên đang gọi tôi đến với GS Trần Phương?

Tôi gửi thông tin của anh Viện về nhà, trao đổi với mẹ và gia đình để xin ý kiến. Thế là tôi quyết định về. Tôi làm đơn gửi Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua đồng chí Đại sứ đề đạt nguyện vọng được về nước vì hoàn cảnh gia đình và được Lãnh đạo Bộ chấp thuận. Tôi nhanh chóng làm các thủ tục bàn giao công việc, tạm biệt tập thể cán bộ Đại sứ quán trong tình cảm lưu luyến,về nước ngày 15 tháng 9 năm 2000.

Ngày 20 tháng 9 năm 2000, anh Viện dẫn tôi đến gặp thường trực Ban Giám hiệu tại phòng họp tầng 2 ngôi biệt thự tại số 1B phố Cảm Hội. GS Trần Phương, GS Lê Văn Toàn và TS Đỗ Quế lượng có mặt. Anh Viện giới thiệu tôi và tôi trân trọng chào các thầy. Buổi tiếp ngắn gọn, nhưng chân thành. GS Trần Phương nở nụ cười trìu mến đón tôi với một câu rất thân mật: “Chào anh bạn! Thế là ta lại gặp nhau. Về trường nhé!”. Sau đó, anh Lê Văn Toàn nhắc lại kỷ niệm công tác của anh với tôi tại Lào, TS Đỗ Quế Lượng kể lại những ngày học tập tại Maxkva và cả ba nhận ra nhau đều là cựu sinh viên và nghiên cứu sinh ở Maxkva, Liên Xô.

Kết thúc buổi gặp, GS Trần Phương giao cho TS Đỗ Quế Lượng thảo Quyết định để Thầy ký tiếp nhận tôi về làm việc tại HUMB với cương vị Phó Chánh văn phòng, Trợ lý đối ngoại của Hiệu trưởng từ ngày mồng 1 tháng 10 năm 2000. Đó là ngày khởi đầu nhân duyên và cơ duyên của tôi với Thầy Trần Phương tại trường, đến nay được trên 20 năm trong tình cảm tin yêu, thân thiết, vừa là Hiệu trưởng, vừa là người anh cả của tôi; còn tôi, vừa là thuộc cấp, vừa là người em của Thầy. Vậy là tôi đã đánh đổi một nhiệm kỳ công tác ba năm ở nước ngoài với phía trước đầy hứa hẹn, kể cả việc đón “bà xã” sang theo tiêu chuẩn phu nhân để về làm việc với Thầy Trần Phương vì cái nhân duyên, cơ duyên như thế đó. Chắc cũng như tôi, nhiều cán bộ chủ chốt của trường đã về với Thầy là do cái nhân duyên, cơ duyên, mà bỏ những cơ hội làm việc ở cơ quan khác có tiền nhiều hơn, quyền nhiều hơn, hoặc bỏ cơ hội đầu tư hàng tỷ đồng vào các lĩnh vực sinh lời nhiều hơn để góp vốn xây dựng trường của Thầy Trần Phương, vì niềm tin và khích lệ ước mơ trồng người của Thầy. Thầy Trần Phương như tiếng gọi quy tụ hiền tài.

  1. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tiền thân là Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội,do GSTrần Phương sáng lập, ra đời ngày 15 tháng 6 năm1996 theo quyết định số 405/TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã qua 27 năm xây dựng và phát triển. Nhưng ở tuổi 20 vào năm 2016, tên của trường đã trở thành danh hiệu nổi tiếng, được xã hội công nhận, được các bậc phụ huynh tin tưởng gửi con em đến học, thế hệ trẻ ngày càng đông tìm đến để trau dồi, rèn luyện, lập nghiệp. Trường đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Về chính trị, toàn bộ thành tựu của trường là một minh chứng cho sự thành công của đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Về xã hội, trường góp phần đào tạo một nguồn nhân lực cho đất nước, đã có gần 150.000 thanh niên được đào tạo và có trên 100.000 cử nhân, kiến trúc sư, kỹ sư và thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ra trường. Về kinh tế, bằng sự góp vốn của cổ đông, bằng chính sách tiết kiệm, trường đã xây dựng được cơ sở đào tạo đại học khang trang, hiện đại với trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng ngàn tỷ đồng, mà không có đầu tư từ ngân sách nhà nước. Về xây dựng và đổi mới giáo dục đại học, trường sớm xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, đảm bảo hài hòa được 4 lợi ích: lợi ích của người góp vốn, lợi ích của người lao động, lợi ích của người học và lợi ích lâu dài của xã hội. Đó là sự thành công của Mô hình trường đại học tư thục được vận dụng đưa vào Luật Giáo dục đại học Việt Nam. Với những đóng góp to lớn trên đây, trường vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2006 (nhân kỷ niệm 10 năm thành lập), Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011 (nhân kỷ niệm 15 năm thành lập) và Huân chương Lao động hạng nhất năm 2016 (nhân kỷ niệm 20 năm thành lập).

Sự nghiệp vẻ vang trên đây là tổng hòa công lao đóng góp về tài chính của các cổ đông – những người chủ của trường, sự đóng góp về trí tuệ truyền thụ kiến thức, tri thức của các nhà khoa học và các nhà giáo, công sức cần mẫn, sáng tạo của người lao động và sự chăm chỉ học tập rèn luyện của người học. Song, nguồn gốc sâu xa của sự thành công này thuộc về người sáng lập trường – GS Trần Phương, người có tri thức uyên bác, thông minh, sáng suốt, tư duy sáng tạo và khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để đạt mục tiêu.

  1. Mái trường vì ngày mai lập nghiệp là ước mơ của người sáng lập.Thầy Trần Phương luôn nung nấu trong mình niềm đam mê khoa học, khát vọng được cống hiến cho đất nước. Thầy hiểu sâu sắc rằng đất nước muốn mạnh giàu, thì phải có nền tảng vững chắc của tri thức, vớitư duy chính nguồn nhân lực trình độ cao là nền tảng bền vững phát triển đất nước. Thầy muốn thổi ngọn lửa trên đây vào lớp lớp các thế hệ sinh viên của trường để hun đúc tinh thần làm việc – một tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và tự chủ.

Thầy Trần Phương là thủ lĩnh của trường, có vai trò sáng tạo nên lịch sử phát triển của trường, quyết định tiến trình phát triển trường gắn với sức mạnh đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của cổ đông, nhà giáo và người lao động. Thầy đem tư duy và kế hoạch thành lập trường đại học tư thục để báo cáo với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lão thành cách mạng thật là tâm đồng ý hợp. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ ý tưởng và kế hoạch thành lập một trường đại học ngoài công lập. Cố Thủ tướng nêu một băn khoăn rất lớn là sẽ lấy nhân lực từ đâu để về làm việc và giảng dạy tại trường. Thầy Trần Phương vốn đã chuẩn bị sẵn nguồn, nên rất nhanh chóng trả lời: “Thưa Anh, lấy những cán bộ nòng cốt trong bộ máy của Chính phủ mà Anh đã khấu hao: những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm được nghỉ hưu ở tuổi 60-65, đang còn rất sung sức”. Thầy Trần Phương kể lại rằng sau câu trả lời ấy, Cố Thủ tướng cười vui vẻ, nói: “Tôi chịu rồi. Chú cứ làm, tôi ủng hộ”. Như được tiếp thêm động lực, GS Trần Phương ra về với niềm vui hân hoan, bắt tay vào việc chuẩn bị thành lập trường.

Trước hết, Thầy tập hợp lực lượng nòng cốt thành lập Hội đồng Sáng lập, gồm 21 thành viên, là những nhà khoa học đầu ngành, đã kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, những người có tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Bên cạnh đó, Thầy tiếp nhận 7 người tự nguyện về với Thầy để chuẩn bị thành lập trường là ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức trung ương, ông Vũ Tất Bội, nguyên Vụ trưởng đối ngoại Văn phòng Chính phủ, PGS Trần Văn Chu, Viện trưởng Viện nghiên cứu ngoại thương, Đại tá Nguyễn Hoàng Xuân, TS Nguyễn Mạnh Quân, hai chuyên viên hành chính là ông Nguyễn Kim Cường và bà Nguyễn Thị Việt.

Thầy Trần Phương trực tiếp soạn thảo Quy chế Tổ chức và Quy chế Tài chính của trường để cùng Hội đồng Sáng lập thông qua, lập hồ sơ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập trường. Hồ sơ được gửi đi, song rất lâu mà vẫn chưa nhận được hồi âm. Thầy Trần Phương đến gặp Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt hỏi chuyện về việc vì sao trường chưa được Thủ tướng cho phép thành lập. Thủ tướng Võ Văn Kiệt liền gọi điện sang Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đề nghị sớm thẩm định để Thủ tướng ký quyết định cho phép thành lập trường. Hóa ra, vào thời kỳ này ở nước ta chưa chấp nhận thành lập trường đại học tư thục, mà chỉ có mô hình trường đại học dân lập (Nhà nước với nhân dân cùng làm) và phải được một tổ chức chính trị – xã hội đứng ra thành lập. Ngay sau đó, với cương vị Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, GS Trần Phương đưa vấn đề ra thảo luận tại Ban chấp hành Hội và nhanh chóng được Hội chấp thuận. Cho tới tận bây giờ, mỗi khi kể lại chuyện này, Thầy Trần Phương luôn vui cười và nói rằng Hội đứng ra thành lập, chứ Hội không có một đồng tiền nào góp vào việc thành lập trường. Mọi việc đã nhanh chóng đi vào hồi kết: Ngày 15 tháng 6 năm 1996 Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã ký Quyết định 405/TTg cho phép thành lập Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (viết tắt tên tiếng Anh là HUBM).

Triển khai thực hiện Quyết định thành lập trường là một khối công việc khổng lồ. Quy tụ đội ngũ nhân lực thì không khó. Ngoài 21 thành viên sáng lập, những đồng sự cũ không để Thầy Trần Phương đơn độc, đã nhanh chóng về trường, góp sức, góp trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” trong chặng đường đầu tiên của HUBM. Cái khó nhất lúc này là TIỀN – nguồn tài chính cho các hoạt động của trường. Vào đầu thập niên 1990, đất nước ta còn nghèo, cán bộ, công chức và người dân chưa dư giả về đồng tiền, nhất là tầng lớp trí thức. Nhưng phải có nguồn vốn để hoạt động! Thầy Trần Phương đặt vấn đề “góp cổ phần”, mỗi cổ phần là một triệu, người đóng cổ phần ít nhất là 10 triệu đồng, tương đương 1.000 USD. Việc góp vốn ban đầu thành lập trường được 37 người hưởng ứng, được cả thảy 495 triệu đồng, trong đó có 4 thành viên sáng lập là Thầy Trần Phương, ông Chu Hữu Quý, ông Lê Đăng Doanh và ông Hàn Mạnh Tiến được 40 triệu đồng. Ngoài ra, Thầy Trần Phương được ông Lê Tiến, Viện trưởng Viện Thông tin kinh tế ngoại thương cho vay 50 triệu đồng và ông Cheong cùng phu nhân là người bạn Singapore của Thầy Trần Phương cho vay không lấy lãi 30.000 USD, tương đương 300 triệu đồng. Số tiền này tạm đủ để thuê các phòng học, trả thù lao ít ỏi cho 30 giảng viên. Còn cán bộ, nhân viên hầu như không có lương, mà chỉ nhận thù lao, chi phí xăng xe và phương tiện đi lại để phục vụ cho 800 sinh viên Khóa I của trường. Cho tới năm 2000, khi có bảng lương, thì Thầy Hiệu trưởng mới có 1.500.000 đồng/tháng. Tôi là Phó Chánh văn phòng, Trợ lý của Hiệu trưởng, cũng chỉ được nhận 800.000 đồng/tháng, hoàn toàn khác xa với bảng lương hiện nay – bậc thấp nhất: 4.000.000 đồng/tháng, bậc cao nhất: 23.000.000 đồng/tháng. Sự phát triển vốn và cổ đông tăng dần theo năm tháng bằng cách tiết kiệm và góp gió thành bão:

– Năm 1996, có 37 cổ đông, đóng góp được 495 triệu đồng;

– Năm 2000, có 283 cổ đông, đóng góp được 8.975 triệu đồng;

– Năm 2005, có 559 cổ đông, đóng góp được 20.400 triệu đồng;

– Năm 2016, có trên 900 cổ đông, đóng góp được 118.000 triệu đồng.

Cùng với vốn góp của cổ đông và nhờ chi tiêu tiết kiệm và số dư trong hoạt động đào tạo, năm 2003, GS Trần Phương bắt đầu đặt vấn đề xây trường. Thầy đến UBND TP Hà Nội gặp Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên. Sau khi nghe Thầy trình bày, Chủ tịch Hoàng Văn Nghiên cho biết thành phố chỉ được phép cấp đất không quá 3 héc ta. Hiện có khu đất ở Từ Liêm dự định làm khu đại học. Còn nếu theo nguyện vọng của Thầy Trần Phương muốn có trường cách Hồ Hoàn Kiếm từ 3 đến 5 km, thì chỉ có ao rau muống của Hợp tác xã Vĩnh Tuy. Thầy Trần Phương đã chấp thuận phương án sau, vì thấy vùng này hầu như chưa có trường đại học, sẽ hấp dẫn sinh viên đến học. Thầy giao cho Phòng Xây dựng tiếp tục việc lo đất tại Vĩnh Tuy và thủ tục để thành phố ban hành quyết định cấp đất cho trường. Ngày 24 tháng 5 năm 2003, Lễ khởi công xây dựng công trình trường tại Vĩnh Tuy được tổ chức trọng thể trong niềm hân hoan của toàn trường, được đón tiếp các vị khách quý, trong đó có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu là người cùng Thầy Trần Phương xúc xẻng đất đầu tiên động thổ. Ngày 17 tháng 7 năm 2005, Lễ Khánh thành ngôi trường mới gồm hai tòa nhà 6 tầng (nhà A và nhà B) được tổ chức trang trọng trước sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu, cán bộ chủ chốt và đại diện giảng viên, công nhân viên tới dự, chứng kiến gắn biển vàng chữ đỏ ngày khởi công và khánh thành ngôi trường mới khang trang hiện đại đủ chỗ cho 10.000 sinh viên học hai ca và phòng làm việc cho hơn 300 cán bộ, giảng viên các phòng ban, khoa, đơn vị, chấm dứt tình trạng phải thuê trường lớp.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại năm 2005, Ban Giám hiệu, Hội đồng Quản trị họp liên tục, không ngừng nghỉ để thảo luận những vấn đề chiến lược then chốt có tính bước ngoặt trong tiến trình phát triển trường theo ý tưởng của GS Trần Phương. Thầy nêu hàng loạt vấn đề có tính chiến lược để Ban Giám hiệu chuẩn bị đưa ra thảo luận tại Hội đồng Quản trị và trình Đại hội đồng cổ đông quyết định:

– Có cơ sở vật chất khang trang, thì phải phát triển ngành học và cấp học. Kết quả là từ 3 ngành Quản lý kinh doanh, Tin học và tiếng Anh trường được phép mở các ngành Tài chính, Kế toán, Thương mại, Du lịch, Điện – Điện tử, Cơ – Điện tử, Kiến trúc, Xây dựng và phát triển các cấp học từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học theo các hình thức chính quy, liên kết đào tạo và vừa học vừa làm.

– Có nguồn tài chính ổn định, là lúc xây dựng hệ thống bảng lương mới, trả bù lại giá trị lao động của cán bộ, giảng viên và người lao động; bù trượt giá vào vốn góp và trả ơn bằng cách thưởng cho những người có công xây dựng trường. Kết quả là vốn góp của cổ đông được tăng thêm 50%, cán bộ, giảng viên và người lao động được truy lĩnh bù tiền lương từ 1996 đến 2005 thật xứng đáng. Nhiều người nhận bù tiền lương còn hơn cả tích góp suốt quãng đời công tác trước đây. Một làn gió mới thổi bùng niềm tin và nhiệt huyết xây dựng trường.

– Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, từ chỗ không có một đồng vốn góp nào vào trường, nay được trường tặng 300 triệu đồng và bù trượt giá 50%, thành 450 triệu đồng để từ nay trở thành một cổ đông tập thể của trường. Các thành viên Hội đồng Sáng lập và những người có công xây dựng trường được nhận quà thưởng theo phần lao động đóng góp của mình: Thầy Trần Phương 100 triệu, ông Dương Minh Thi 50 triệu, GS Lê Vinh 40 triệu, GS Trần Văn Chu 30 triệu, đại tá Nguyễn Hoàng Xuân 30 triệu, bà Nguyễn Thị Việt – Thư ký hành chính Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam 20 triệu. Các thành viên khác trong Hội đồng Sáng lập, mỗi người 10 triệu. Đúng trường ta có thủ lĩnh là Thầy Trần Phương đã nêu cao nét đẹp cuộc đời là bày tỏ lòng biết ơn, sống có nhân, có nghĩa với những người bên ta từ những buổi hàn vi đến khi khá giả. Đến đây, HUBT như bước sang một trang sử mới.

  1. Tên trường phải nối tiếp truyền thống với tương lai.Từ một trường đơn ngành, đơn cấp, từ năm 2005, cùng với các ngành nghề đào tạo đã có, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm các ngành nghề đào tạo mới, gồm 3khối: Kinh tế – Quản lý (Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Thương mại, Du lịch, Quản lý kinh tế, Luật kinh tế), Kỹ thuật – Công nghệ (Công nghệ thông tin, Cơ – điện tử và kỹ thuật ô tô, Điện – điện tử, Kiến trúc, Xây dựng, Mỹ thuật ứng dụng, Môi trường), Ngôn ngữ – Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Việt). Từ năm 2015 Trường mở thêm Khối Sức khỏe (Y đa khoa, Dược học, Răng hàm mặt, Điều dưỡng). Bộ cũng cho phép trường mở các hệ và các hình thức đào tạo, gồm: Trung cấp, Cao đẳng, Liên thông, Liên kết đào tạo với nước ngoài, chính quy, tại chức (vừa làm vừa học), cao học (thạc sĩ và tiến sĩ), tạo nên một diện mạo mới, đưa trường ta phát triển rực rỡ vào những năm 2009-2012 với quy mô đào tạo đạt hơn 60.000 sinh viên/năm và quy mô ổn định theo quy định của Bộ: 25.000-30.000 sinh viên/năm cho đến tận bây giờ.

Ngày 12 tháng 3 năm 2005, Thầy Trần Phương chủ trì họp Hội đồng Quản trị bàn về việc đổi tên trường cho phù hợp với sự phát triển đa dạng về mọi mặt của Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Ban Giám hiệu trình Hội đồng Quản trị một số phương án:

– Trường Đại học Vạn Xuân (tương tự các trường đại học Thăng Long, Phương Đông, Đông Đô, Hà Nội, Thủ đô);

– Trường Đại học Trần Phương;

– Lấy tên phù hợp với các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo của trường.

Cuộc thảo luận diễn ra thật sôi nổi. Thầy Trần Phương lắng nghe từng ý kiến, rồi đưa ra kết luận: “Lấy tên trường Đại học Trần Phương, thì chẳng nên chút nào; làm sao xứng tầm các danh nhân mà đặt tên. Tên là Vạn Xuân hay Hà Nội, Thủ đô,… thì chung chung quá. Thôi thì lấy tên trường sao cho phản ánh được ngành đào tạo” và Thầy đề nghị đổi tên HUMB thành Trường Đại học Dân lập Quản lý, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội như là mạch nối tiếp quá khứ với tương lai. 100% các thành viên Hội đồng Quản trị nhất trí thông qua tên trường mới theo kết luận của Thầy Trần Phương. Tuy vậy, còn có một chút băn khoăn. Nhìn về phía tôi, Thầy hỏi: “Chú Kim Sơn thấy sao? Tên trường có 14 từ, liệu có khắc được dấu không?”. Tôi liền báo cáo với Thầy và Hội nghị rằng khắc dấu bao nhiêu từ cũng được, nhưng càng ít từ, thì trông con dấu sẽ sáng sủa hơn. Tôi được giao tìm hiểu cụ thể mẫu dấu với tên trường mới gồm 14 từ tại cơ quan chuyên trách của Bộ Công an.

Sau khi tham khảo ý  kiến tư vấn của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Thầy triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị và thông báo kết quả tìm hiểu mẫu khắc dấu. Hội đồng Quản trị quyết định tên mới của Trường là: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (viết tắt tiếng Anh là HUBT), chỉ còn 10 từ, khắc dấu đẹp và tên trường phản ánh được các lĩnh vực đào tạo. Ngày 19 tháng 5 năm 2016, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký Quyết định số 750/QĐ-TTg chấp nhận việc đổi tên trường.

  1. Với vai trò là Thủ lĩnh, Thầy Trần Phương luôn đi đầu và chịu trách nhiệm toàn bộ về tiến trình phát triển của trường. Từ bản Quy chế đầu tiên về tổ chức và hoạt động của trường được Hội đồng Quản trị thông qua năm 1996 đến nay, qua 5 nhiệm kỳ Đại hội đồng cổ đông vào các năm 1999, 2005, 2009 và 2016, mô hình của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được hoàn chỉnh dần, chính thức là mô hình trường đại học tư thụcvới lời tuyên bố rõ ràng:

Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển trường bền vững, vì mục đích đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không vì mục đích lợi nhuận”.

Trường được tổ chức và hoạt động theo Quy chế Trường đại học tư thục phi lợi nhuận: Những người góp vốn cho hoạt động của trường không được chia lợi nhuận, chỉ nhận lợi tức cổ phần bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Từ năm 2013 chuyển sang nhận lợi tức cổ phần bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ. Trường là một tổ chức có chủ. Tập thể các cổ đông là chủ của trường. Mỗi cổ đông đều bình đẳng về quyền biểu quyết, không phân biệt số vốn nhiều hay ít. Trường có hai hình thức sở hữu – sở hữu cá nhân đối với số vốn góp và sở hữu tập thể đối với Quỹ tích lũy tập chung không chia. Trường đảm bảo hài hòa lợi ích của người góp vốn, lợi ích của người lao động, lợi ích của người học (được hưởng dịch vụ đào tạo tương xứng với học phí của mình, được lựa chọn ngành nghề học tập theo nguyện vọng của mình) và lợi ích của xã hội. Mô hình tư thục của HUBT là một đóng góp thiết thực vào việc xây dựng Luật Giáo dục đại học của Việt Nam năm 2012.

Thầy Trần Phương rất coi trọng chất lượng đào tạo, trước hết là nội dung, chương trình đào tạo phải theo hướng người học cần học gì, kiến thức đào tạo phải cập nhật kiến thức hiện đại hai năm một lần, các chương trình đào tạo được bổ sung những kiến thức mới. Thầy coi trọng tập hợp và xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao. Đã có trên 1.100 cán bộ, giảng viên quy tụ về trường, trong đó có 20 giáo sư, 73 phó giáo sư, 127 tiến sĩ, 662 thạc sĩ và 241 cử nhân. Đó là lực lượng hùng hậu tạo lên chất lượng đào tạo của trường

Thầy Trần Phương là người truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người học trong những Lễ khai giảng đầu khóa học, để lại ấn tượng sâu sắc đầu tiên cho sinh viên khi mới bước vào ngưỡng cửa trường đại học. Sau nghi thức khai mạc chào cờ trang nghiêm, các em được nghe bài phát biểu quan trọng của Thầy làm rung động trái tim tuổi trẻ về mục đích, động cơ và phương pháp học tập. Trước hàng nghìn sinh viên lắng nghe ở Hội trường lớn và tại các lớp học, Thầy đưa ra câu hỏi “Các em có thực sự thích học đại học không?” Cả Hội trường ồ lên và đồng thanh trả lời: “Thưa Thầy, có ạ”. Thầy tiếp: “Đó là chủ đề bài nói chuyện của tôi với các em trong ngày Lễ khai giảng đáng nhớ này”.

Cả hội trường lắng nghe Thầy kể về sự khao khát học tập của lớp lớp thanh niên ngày xưa không được học. Thầy kể về cuộc đời học tập và sự thành đạt của Thầy. Thầy kể những mẩu chuyện tiếp xúc với phụ huynh các em để thấy cha mẹ các em đặt hy vọng vào các em như thế nào, rồi Thầy chuyển sang mục đích, động cơ, yêu cầu học tập của các em. Thầy kết luận: “Học để có nghề mà lao động kiếm sống, nuôi thân; học để trả ơn cha mẹ; học để trả nghĩa với bao người đã hy sinh tuổi trẻ để thầy trò ta có được bình yên ngày nay; học để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bài phát biểu ngắn gọn, súc tích, có sự lôi cuốn mạnh mẽ. Rồi Thầy kết thúc bằng mấy câu thơ trong bài “Đi!” của nhà thơ Tố Hữu. Đi ở đây là đi trên bước đường học tập:

“Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời

Của ta nào chỉ của ta thôi

Đã vay dòng máu thơm thiên cổ

Phải trả ta cho mạch giống nòi”.

Thầy Trần Phương dẫn dắt toàn trường phát triển theo pháp luật. Thầy luôn nhắc nhở mọi chủ trương và giải pháp của trường phải căn cứ vào pháp luật. Thầy đã cùng Hội đồng Quản trị chuẩn bị Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường được các Đại hội đồng cổ đông thông qua theo hướng nhiệm kỳ sau hoàn chỉnh hơn nhiệm kỳ trước. Thầy tôn trọng và lãnh đạo toàn trường thực hiện Quy chế của trường, mang lại những thành công tốt đẹp.

Thầy đảm bảo duy trì giao ban hàng tuần để chỉ đạo hoạt động thường ngày. Thầy chuẩn bị chu đáo những nội dung mang tính chiến lược, những giải pháp cấp bách đưa ra các cuộc họp của Ban Giám hiệu với vai trò Thường trực của Hội đồng Quản trị.

Những hình ảnh hoạt động của Hội đồng Quản trị – cơ quan có thẩm quyền cao nhất của trường giữa hai kỳ Đại hội cổ đông, là tổ chức đại diện quyền sở hữu của trường, nơi quy tụ tinh hoa, trí tuệ của trường để xây dựng Chiến lược phát triển, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về huy động, sử dụng vốn, phân phối thu nhập và các biện pháp quản lý tài chính. Tôi chứng kiến nơi đây, dưới sự chủ trì của Thầy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thì mọi Nghị quyết được thực thi, thông qua trên cơ sở đồng thuận và đoàn kết nội bộ. Thầy luôn đề cao tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu đơn vị.

Quả nhiên, với phong cách ấy, Thầy Trần Phương đi trước, chúng tôi theo sau trong những cuộc đi khảo sát, tìm địa điểm phát triển trường. Năm 2002, Thầy dẫn đầu chuyến đi khảo sát thành phố Nga – nơi dành cho tập thể chuyên gia Liên Xô và gia đình họ, được xây dựng bên bờ Sông Đà, ngay bên cạnh Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Thầy có ý định mở một cơ sở tại đây để đào tạo cán bộ cho vùng Tây Bắc. Năm 2003, Thầy dẫn đầu đi khảo sát khu đất ở xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, dự kiến xây dựng Làng Văn hóa sinh viên và khu nghỉ dưỡng của trường, nơi sau này xây dựng Trung tâm Đào tạo lái xe. Năm 2005, Thầy dẫn đầu đoàn đi khảo sát khu đất thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, để xây dựng Khu Liên hợp khoa học và đào tạo của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam và Cơ sở 2 của trường (hiện gồm các tòa giảng đường 12 tầng khang trang, hiện đại và hai tòa nhà 6 tầng làm khu ký túc xá sinh viên cùng với quần thể nhà thi đấu thể thao và sân bóng đá). Năm 2006, Thầy đi khảo sát khu Vĩnh Tuy 2 để xây dựng 2 tòa nhà C và D cao 9-10 tầng. Dấu ấn của Thầy Trần Phương thật là quý hóa: đó là những công trình tầm cỡ, xứng đáng với sự phát triển của HUBT, minh chứng cho sự thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sức hấp dẫn của Thầy đã tập hợp quanh Thầy một đội ngũ những con người tạo lên những công trình và thế mạnh của trường.

Một cây làm chẳng nên non,

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao!

Thầy Trần Phương là người truyền cảm hứng, năng lượng tích cực, tình cảm nồng ấm, thân thiết, cởi mở và giản dị đến mọi người. Hình ảnh các kỳ Đại hội cổ đông thường niên hay nhiệm kỳ thực sự là ngày hội lớn làm nức lòng mọi người, ấm áp tình cảm đồng nghiệp, đồng sự tập hợp về đây để vui với những thành công “Năm sau phát triển hơn năm trước” và khẳng định vai trò, vị trí làm chủ của các cổ đông là nêu cao tinh thần trách nhiệm xây dựng, giữ gìn và phát triển sứ mệnh của trường.

Tôi tin chắc rằng chẳng ai trong chúng ta quên xuân thu nhị kỳ vui vẻ, khơi dậy bao tình yêu dưới mái trường này. Đó là ngày đầu xuân mọi người trở lại trường làm việc, mừng nhau thêm tuổi, rồi kéo nhau về phòng lễ tân chúc tết Thầy Trần Phương và Ban Giám hiệu, cùng nhau nâng chén rượu nồng đầu năm, chúc nhau những điều tốt lành. Vui nhất là họp mặt toàn trường tại Hội trường lớn nhà B nghe Thầy Trần Phương chúc tết và nhận lì xì của Thầy mừng tuổi đầu năm. Mừng tuổi là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt từ ngàn xưa được lưu truyền tại trường như là để nhận được niềm vui, may mắn và vạn sự tốt lành, là biểu tượng cho tài lộc đến với người trao và người nhận.

Sang thu, vào tháng 11 hàng năm, là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp họp mặt thân tình, đầm ấm tình cảm đồng sự, đồng nghiệp cùng với đại diện sinh viên được Thầy Trần Phương coi trọng để tôn vinh và tri ân các nhà giáo, là ngày các nhà giáo nguyện tiếp bước vinh quang trên con đường của Thầy. Ngày này ở HUBT kết hợp làm lễ vinh danh, tuyên dương những người có thành tích tiêu biểu trong năm học, ngày mà mọi người đem theo khát vọng:

Trường xưa thắm nghĩa Thầy trò

Ấm tình, bè bạn, hẹn hò hôm nay,

Ra trường tung cánh chim bay

Ơn Thầy, Cô, nhớ về đây họp đoàn.

Thầy Trần Phương như linh hồn của những buổi lễ tân đặc biệt quan trọng của trường đón các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo Thành phố Hà Nội đến thăm như tiếp thêm nguồn năng lượng bước tiếp trên chặng đường mới:

– Tháng 1 năm 2006, đón Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu;

– Tháng 2 năm 2006, đón Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân;

– Tháng 11 năm 2011, đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và trao tặng trường Huân chương Lao động hạng Nhì, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập trường;

– Tháng 11 năm 2016, đón Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng;

– Ngày 5 tháng 3 năm 2016, đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang;

– Ngày 13 tháng 12 năm 2016 đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào trao tặng trường Huân chương Lao động hạng Nhất nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường.

  1. Thầy Trần Phương đề cao sự biết ơn là một trong những nét văn hóa truyền thống Việt Nam.Thầy kể rằng, Thầy ghét cay, ghét đắng tệ hối lộ, biếu xén. Thầy nói cả đời tôi không bao giờ làm việc đó. Song đề cao lòng biết ơn một cách thành tâm là một nét văn hóa đẹp, Thầy đã làm việc cụ thể với tôi về những cá nhân và tổ chức có công đóng góp cho HUBT, không sót một ai. Biết ơn phải đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ mới thực sự đem lại niềm vui. Thế là, vào mỗi dịp tết Nguyên đán, anh chị em Văn phòng và các đơn vị liên quan đi chúc tết cá nhân và đơn vị bằng một món quà của Thầy gồm bánh chưng, cây giò, cành hoa tết. Chỉ chừng đó cũng làm ấm lòng người nhận.

Ở HUBT có Quỹ Giải thưởng và học bổng Kawai để khích lệ sinh viên có ý tưởng lập nghiệp và sinh viên nghèo vượt khó. Quỹ này được Thầy Trần Phương cùng đại diện Công ty Kỹ thuật tổng hợp của Nhật Bản (Công ty GE) ký ngày 12 tháng 6 năm 2002 với mỗi năm tặng trường ta 1 triệu yên để làm giải thưởng với học bổng. Đến nay, Quỹ này đã duy trì liên tục được 21 năm, là nguồn khích lệ sinh viên lập nghiệp và vượt khó trong học tập. Để tỏ lòng biết ơn với Ngài Misumasa Kawai, Chủ tịch Công ty GE và các đồng sự, Thầy Trần Phương đã có Quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho Ngài Misumasa Kawai và các cộng sự là Nghị sĩ, đại diện Đảng KOMAY của Nhật Bản, Ngài Otohiko Endo, TS. Tatsuo Kyribayasi, TS. Hasegawa và hai cộng sự khác.

Ngày 24 tháng 10 năm 2022, tôi đến thăm Thầy Trần Phương tại nhà riêng, báo cáo để Thầy biết ông Kee Cheok Cheong năm nay 80 tuổi và TS Vinyuc Vichit Vadacan, trợ lý của ông Cheong, đang ốm nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Bangkok. Ông Cheong và phu nhân là những người cảm mến, kính trọng và tin cẩn GS Trần Phương, đã không ngại ngần cho trường ta vay 30.000 USD không lấy lãi, ngay từ ngày đầu thành lập trường. Thầy Trần Phương lúc này đã yếu, song Thầy ký ngay thư thăm hỏi và giao cho tôi báo cáo Ban Giám hiệu chuẩn bị Quyết định cho Thầy ký phong tặng ông Kee Cheok Ceong và TS Vinyuc Vichit Vadacan danh hiệu “Giáo sư danh dự” của HUBT. Thật may mắn, khi thư thăm hỏi và Quyết định đến nơi, ông Cheong đã kịp nghe đọc, tiếp nhận thông tin và nhìn tấm bằng. Chỉ một giờ sau ông đã ra đi. Lễ tang ông Cheong được tổ chức trọng thể, trong đó thư thăm hỏi và tấm bằng “Giáo sư danh dự” của trường do Thầy Trần Phương ký được giới thiệu tại Lễ tang như lòng thành kính và lời vĩnh biệt của Thầy Trần Phương và tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên của trường ta.

  1. Thử thách, niềm tin và tình thân –đó là quá trình gắn kết nên duyên giữa Thầy Trần Phương và tôi trong quan hệ vừa là lãnh đạo và thuộc cấp, vừa là nghĩa tình của người anh và người em.Hơn hai mươi năm tôi đã làm việc bên Thầy Trần Phương là ngần ấy thời gian ghi lại những kỷ niệm thử thách, niềm tin và tình thân.

Ngày mới về trường với cương vị là Phó Chánh văn phòng kiêm Trợ lý đối ngoại của Hiệu trưởng được hai tháng, Thầy Trần Phương gọi tôi đến trao đổi nhiệm vụ mới. Thầy nói muốn cử tôi làm Phó Chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh. Tôi băn khoăn nói với Thầy rằng, tôi không chuyên tiếng Anh, sợ không tiện. Nghe xong, Thầy nói một cách nhẹ nhàng đầy thuyết phục: “Kim Sơn thành thạo tiếng Nga, có trình độ C tiếng Anh, đủ để cùng các giảng viên chuyên tiếng Anh xây dựng Khoa về mặt tổ chức”. Thế là cuối tháng 12 năm 2000, tôi nhận nhiệm vụ mới: Phó Chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh. Thầy Nguyễn Trọng Đàn, Chủ nhiệm khoa cùng các Phó Chủ nhiệm Trần Anh Thơ, Khúc Lễ và Nguyễn Minh Phương trân trọng đón tôi. Thầy Trần Anh Thơ dành cho tôi một tình cảm đặc biệt thân ái và chia sẻ chân tình trong những ngày đầu tôi về Khoa.

Ngày ấy, Khoa Tiếng Anh có chừng 60 giảng viên, phải đảm nhiệm một khối lượng lớn học trình dành cho môn tiếng Anh. Thù lao giờ giảng rất thấp, chỉ chừng 18-20 ngàn một tiết giảng. Mặt bằng trình độ tiếng Anh của sinh viên thấp và rất chênh lệch giữa các học sinh tốt nghiệp phổ thông ở thành phố và ở các tỉnh vào trường. Ngoài Ban Chủ nhiệm là những người có kinh nghiệm dạy tiếng Anh, Khoa còn có một đội ngũ giảng viên từ nhiều trường và cơ quan đến, như thầy Tự Minh và các cô Thành, Phương Anh, Thanh Hà, Lụa, Chi, Thanh Vân, Trúc Linh, Hồng Tứ, Thúy, Bảo Thanh, Bùi Hà, Thanh Bình, Ngọc Bích là những giảng viên có năng lực, còn lại số đông là giảng viên mới rời mái trường đại học sư phạm về đây. Chúng tôi bắt tay vào công việc, xây dựng đề án đổi mới Khoa Tiếng Anh trên chặng đường mới. Bản đề án nhanh chóng được Ban Chủ nhiệm khoa thông qua, trình Ban Giám hiệu cho phép triển khai thực hiện: Thống nhất lịch họp giao ban hàng tuần vào tối thứ 5, cho phép mỗi người mua một cassette mới, giao cho các thầy, cô tự quản thay vì sáng đua nhau đến sớm để nhận cassette ở Phòng Quản trị. Thầy Lê Xuân An, Trưởng phòng Quản trị, nhanh chóng sắp xếp thêm phòng làm việc, phòng Hội đồng khoa, đóng tủ nhiều ngăn, mỗi thầy cô có một ngăn để tự quản tư trang và cassette, đi khóa về mở, sắm những gương soi để các thầy cô trang điểm trước giờ lên lớp.

Một luồng không khí mới, một bộ mặt mới của Khoa Tiếng Anh ở Lạc Trung được lan tỏa ra cả trường đưa hoạt động của Khoa vào nề nếp. Công tác mới trọng tâm trước mắt lúc này là cùng thầy Trần Anh Thơ tổ chức các lớp học nâng cao tiếng Anh cho các sinh viên được cử đi học theo chế độ liên kết 3+2 tại Hà Lan và các học viên được cử đi làm thạc sĩ tại Đài Loan. Đặc biệt Khoa đã cùng Phó Hiệu trưởng Lê Khắc Đóa phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo được mở rộng vào các năm 2003-2005, khi hàng loạt các cơ sở đại học từ Anh Quốc, Đức, Mỹ, Hà Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan tìm đến trường. Mở đầu sự phát triển hợp tác quốc tế về chất là tháng 9 năm 2003, tôi được tháp tùng thầy Lê Khắc Đóa đi Đài Loan dự Lễ khai giảng khóa đào tạo 20 thạc sĩ của trường ta tại Đại học Khoa học – Kỹ thuật Cao Hùng.

Qua 9 tháng “lăn lộn chiến trường” ở Khoa Tiếng Anh, tôi trở lại vị trí cũ làm Phó Chánh văn phòng và Trợ lý đối ngoại của Hiệu trưởng, cùng với Chánh văn phòng Đàm Quốc Trụ thực thi nhiệm vụ xây dựng Văn phòng là “tai, mắt” của Ban Giám hiệu, tổng hợp, truyền đạt ý kiến lãnh đạo, tiếp nhận thông tin, quản lý văn thư hành chính và lưu trữ, Thư ký của Ban Giám hiệu và Hội đồng Quản trị.

Tháng 12 năm 2003, Thầy Trần Phương có chuyến đi Đài Loan dự Hội thảo lần thứ nhất “Hợp tác Đài Loan – Việt Nam về đào tạo nhân lực và dạy nghề” theo lời mời của Ngài Hoàng Nam Huy, Trưởng Văn phòng Đại diện kinh tế – văn hóa của Đài Bắc tại Hà Nội, và lời mời của Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan. Thầy đã có chuyến đi Đài Loan thật bổ ích: thấy được một hòn đảo nhỏ phát triển hiện đại, tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục đại học tầm cỡ quốc tế. Thầy đã hội kiến cùng Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan, thăm các cơ sở giáo dục quốc lập và tư thục tại Đài Bắc và Cao Hùng. Những người cùng Thầy Trần Phương trong chuyến đi này là các Phó Hiệu trưởng Phan Văn Tiệm, Nguyễn Mạnh Can, Lê Khắc Đóa và tôi thật sự vui về sự thành công.

Với cương vị là Chánh văn phòng, từ năm 2005, tôi có nhiều cơ hội được làm việc với Thầy Trần Phương trong các cuộc họp giao ban hàng tuần của Ban Giám hiệu và trong các cuộc họp của Hội đồng Quản trị. Với cương vị là Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn trường, tôi có nhiều dịp báo cáo với Thầy Trần Phương về những hoạt động chủ yếu nhằm kết nối nhà giáo, người lao động vào các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của trường. Tôi thực vui mừng được Thầy hết sức ủng hộ, cho phép phát động các cuộc vận động mang tính xã hội, như quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước và nhân dân một số nước trong khu vực bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt, động đất, sóng thần; hỗ trợ các thầy, cô giáo, học sinh các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt của đất nước. Thầy đặc biệt khuyến khích các cuộc du xuân đầu năm mới, đem lại nguồn cảm hứng và năng lượng tích cực cho tập thể cán bộ công nhân viên nhà trường.

Thời gian trôi đi quá nhanh và khẩn trương cùng với biết bao công việc và nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong năm 2016 kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Đó là những trải nghiệm của thử thách, niềm tin và tình thân và năm 2017 ập đến với bao bất ngờ. Hôm ấy là thứ Sáu, ngày 24 tháng 2 năm 2017, sau cuộc họp Ban Giám hiệu, tôi xin phép Thầy Trần Phương cho nghỉ để đi chữa bệnh. Thầy thật sự ngạc nhiên khi biết tôi cần phải nhanh chóng nhập viện để điều trị bệnh tim mạch. Thầy vừa ái ngại, vừa lo lắng.

Tôi gấp rút nhập viện để phẫu thuật tim mạch, khó lường trước được điều gì. May mắn thay, ngày 7 tháng 3 năm 2017, ca phẫu thuật của tôi tại Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) đã thành công tốt đẹp. Trong những ngày đó, tôi luôn nhận được sự động viên, thăm hỏi, tình cảm cao quý của Thầy Trần Phương, của Ban Giám hiệu, của Công đoàn của lãnh đạo các đơn vị và bạn bè trong toàn trường. Tôi và gia đình mãi mãi nhớ công ơn cao quý của Thầy cùng sự chia sẻ đầy tình nghĩa của các tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp trong Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

  1. Chắc chắn sẽ có nhiều bài viết về Thầy Trần Phương để ngợi ca tài năng, đức độ và công lao của Thầy gây dựng và phát triển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để tri ân Thầy – người mang đến công ăn việc làm và hạnh phúc cho mỗi người chúng ta và gia đình chúng ta, những người đã lao động không mệt mỏi, gắn bó với những thành công, những chặng đường vinh quang của HUBT. Còn tôi, tôi ghi lại đây những câu chuyện thường nhật về Thầy với ngôi trường mà tôi đã có nhân duyên hơn 20 năm gặp gỡ, làm việc bên Thầy, nghe Thầy nói, đọc bài Thầy viết về học thuật, về khoa học, về những ước mơ chắp cánh bay xa vì ngày mai lập nghiệp cho lớp lớp thanh niên, về sự trường tồn của mái trường này với đạo đức, nhân cách và danh dự mà Thầy đã trải nghiệm bằng suốt cuộc đời một thời hào hùng của Thầy.

Để làm vơi đi nỗi nhớ và không cảm nhận xa Thầy, tôi và vợ tôi vẫn dành những thời gian vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và đón Tết Nguyên Đán đến thăm và chúc sức khỏe cầu mong vạn sự an lành luôn ở bên Thầy. Mỗi lần đến thăm Thầy, tôi vui vì thấy Thầy đã sống xứng danh với Tổ quốc, với Nhân dân. Nghĩ đến Thầy tôi luôn thấy một người tài năng, anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa, trông rộng, có đức độ, có lòng nhân ái, bao dung và vị tha. Thực sự Trong trái tim tôi có một Bậc Thông tuệ” – Đó là Giáo sư Trần Phương mà tôi thường gọi với cái danh thân thiết – Thầy Trần Phương./.