Trường Đại học Kinh doanh Công Nghệ Hà Nội được thành lập, xây dựng và phát triển đến nay đã trên 27 năm. Khóa đầu tiên 1996-1997 chỉ có 800 sinh viên cho ba ngành đào tạo: Quản lý kinh doanh, tiếng Anh, Tin học. Đến nay đã có trên 26 ngàn sinh viên với 27 khoa đào tạo được chia thành bốn khối: Kinh tế – Quản lý, Kỹ thuật – Công nghệ, Y – Dược và Ngôn ngữ – Ngoại ngữ với nhiều hình thức và cấp đào tạo: chính quy, tại chức, liên thông, cao đẳng, đại học và sau đại học. Năm 2021, trường đã được kiểm định và công nhận là trường đảm bảo chất lượng đào tạo tốt.
Trong quá trình đào tạo, trường đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất. Đó là kết quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu của nhiều thế hệ thầy trò và của cán bộ, công nhân viên toàn trường qua nhiều năm liên tục.
Để có được Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội đa ngành, rộng lớn, đa dạng và phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay công đầu thuộc về Giáo sư Trần Phương.
Giáo sư Trần Phương là người sáng lập trường, là Chủ tịch Hội đồng sáng lập và tiếp đó làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng từ ngày trường thành lập cho đến nay. Giáo sư Trần Phương là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, đã có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Riêng với Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội, Giáo sư cũng là người lãnh đạo mẫu mực, trí tuệ uyên bác, toàn tâm, toàn ý, hết lòng cống hiến cho sự phát triển của trường.
Tôi đã làm việc trên 23 năm tại Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giáo sư Trần Phương, được sự chỉ bảo và giúp đỡ rất nhiều của Giáo sư. Tôi có ấn tượng và nhiều kỷ niệm tốt đẹp về Giáo sư. Đó là một người thẳng thắn, trung thực và quyết đoán; ứng xử linh hoạt, độ lượng và sáng tạo; làm việc có nguyên tắc, không vụ lợi và luôn luôn coi trọng lợi ích chung của trường, quyền lợi của sinh viên, học viên, cũng như của cán bộ, giảng viên và người lao động.
Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội rất vinh dự và may mắn có người đứng đầu là Giáo sư Trần Phương. Cũng có ý kiến nhận xét rằng Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương hơi độc đoán và bảo thủ. Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Theo tôi, Giáo sư không độc đoán, mà là rất quyết đoán. Trong thời kỳ thành lập trường, trong bối cảnh “ba không” – không nhà cửa, không nhân lực, không tiền vốn – nếu không có một người thủ trưởng đứng đầu có chủ kiến, kiên tâm thực hiện ý tưởng, có đủ uy tín để thuyết phục, thu hút nhiều người vào cùng tham gia, biết tổ chức và quản lý giỏi, đồng thời dám chịu trách nhiệm về những quyết định, thậm chí dám chịu rủi ro, thì khó có thể “dựng lên” một cơ sở giáo dục đại học với hàng mấy trăm nhà trí thức làm cán bộ giảng dạy và nhân viên phòng ban chức năng, hàng nhiều nghìn sinh viên. Trong hoạt động của một trường đại học dân lập hằng năm thường phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Nếu Hiệu trưởng không lắng nghe, không quyết đoán, thì hoạt động của trường sẽ bị trì trệ, ách tắc, khó phát triển. Trong công tác lãnh đạo, Hiệu trưởng thường là người đưa ra chủ trương và đề xuất các biện pháp thực hiện. Tuy nhiên, có việc Hiệu trưởng đề xuất, nhưng có ý kiến phản biện. Nếu đề xuất đó không hợp lý, Giáo sư vẫn lắng nghe, trao đổi dân chủ, để rồi đi đến quyết định không thực hiện.
Vì tuổi cao sức yếu, tôi đã đề nghị và được Giáo sư Hiệu trưởng Trần Phương chấp nhận cho nghỉ việc ở trường. Tôi rất mong muốn Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội của chúng ta, từ cán bộ, giảng viên, sinh viên và người lao động luôn luôn tăng cường đoàn kết, tích cực công tác để tiếp tục phát triển trường lên một tầm cao mới. Đó chính là việc làm thật sự rất thiết thực, cụ thể để thể hiện sự tin yêu và kính trọng đối với Giáo sư Trần Phương.
Sau này, khi không còn đủ sức khỏe để lãnh đạo công việc của trường thì Giáo sư Trần Phương vẫn mãi mãi để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm trong trái tim của mọi người chúng ta./.
Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2023