Từ tư duy kinh tế đến triết lý giáo dục – Đặng Văn Thanh

Ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI mà tôi là một đại biểu, tôi nhận lời nhắn mời của GS Trần Phương đến Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT). Tôi đã biết và may mắn được nhiều lần làm việc với Giáo sư từ những ngày Ông làm ở Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1984, Giáo sư đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Kế toán toàn quốc trước thềm cải cách kinh tế. Tôi cũng đã được HUBT mời làm giảng viên thỉnh giảng của những năm đầu thành lập. Vì vậy, tôi rất vui và với một tâm thế rất thoải mái gặp mặt. Đến nơi, tại phòng tiếp khách, tôi thấy ngoài GS Trần Phương, còn có một số thầy, bậc đàn anh mà tôi đã từng quen biết: GS Phan Văn Tiệm, PGS Lê Văn Toàn, TS Đỗ Quế Lượng, PGS Hà Đức Trụ,…

Sau khi chào hỏi, GS Trần Phương vào thẳng vấn đề: “Anh Thanh à, tôi đã biết Anh từ lâu. Thời gian qua tôi chẳng quan tâm Anh làm những gì, nhưng tôi biết Anh là con người tử tế, đã tham gia và đóng góp cho Trường. Chúng tôi mời Anh về Trường tham gia đào tạo. Chắc Anh đồng ý?”

Tôi không quá bất ngờ về lời đề nghị của Giáo sư, nhưng quả thật cũng hơi đột ngột. Tôi khẽ khàng thưa cùng Giáo sư và lãnh đạo Trường:

– Rất cảm ơn bác (từ khi biết và làm việc với GS Trần Phương, tôi vẫn gọi Giáo sư là bác và xưng em) về lời mời và đề nghị em về làm việc tại trường. Nhưng em vẫn chưa được nghỉ hưu, mới nghỉ làm đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm việc cho Quốc hội một nhiệm kỳ nữa với tư cách chuyên gia.

Giáo sư cười, nói: “Không sao. Anh vẫn có thể về Trường tham gia cùng chúng tôi”.

Về trường, được làm việc dưới sự lãnh đạo của Giáo sư, tôi thực sự khâm phục và bị Giáo sư cảm hóa về những tư duy kinh tế của Ông trong những năm 80 thế kỷ trước và những triết lý về giáo dục uyên thâm.

Tư duy đổi mới của nhà kinh tế

Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có may mắn được tiếp xúc và làm việc với Giáo sư, được tiếp nhận ở Giáo sư nhiều tư duy về kinh tế, tư duy về một nền sản xuất lớn, được học hỏi ở Giáo sư phương pháp làm việc, đặc biệt là phương pháp luận giải các vấn đề mang tính chính sách, chủ trương. Dấu ấn đầu tiên đậm sâu trong tôi là bài phát biểu chỉ đạo của Giáo sư tại Hội nghị Kế toán Toàn quốc năm 1984. Ông đến dự Hội nghị và phát biểu với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông nói ngắn gọn, súc tích, nhưng rất sâu về kế toán, thống kê, về lịch sử kế toán kép, về yêu cầu và nhiệm vụ của hệ thống thông tin kinh tế tài chính trong bối cảnh của một nền kinh tế đang cần đổi mới. Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê, những nhà kinh tế, tài chính, kế toán, thống kê tham dự hội nghị ngỡ ngàng trước trí tuệ uyên bác của Giáo sư về “nghề con số”. Ngay tôi và nhiều anh em như tôi nghe như nuốt từng lời, như những cậu học sinh lần đầu được nghe nói về khoa học kế toán, thống kê, mặc dù chúng tôi cũng mới tốt nghiệp Phó tiến sĩ kinh tế. Đánh giá vai trò kế toán, kế toán trưởng, Giáo sư đã nói một câu mà tôi còn nhớ mãi: “Khi làm Bộ trưởng Nội thương, mỗi khí ký quyết định bổ nhiệm giám đốc một công ty, xí nghiệp mà biết người đó đã từng là kế toán trưởng, tôi rất yên tâm”. Bài nói của Giáo sư đã khích lệ, đòi hỏi và chỉ bảo nhiều điều cho những người làm nghề kế toán, thống kê, để từ đó tạo một không khí hồ hởi, hăng hái và có đủ bản lĩnh để bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, của nghề nghiệp.

Cũng từ đó, trong thời gian làm công việc hoạch định chính sách tài chính, kế toán ở Bộ Tài chính, tôi đã có nhiều cơ hội gặp, làm việc và nhận sự chỉ đạo của Giáo sư, kể cả khi Giáo sư đã về làm Viện trưởng Viện Kế hoạch dài hạn (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Với tôi, Giáo sư không chỉ là nhà lãnh đạo cao cấp, mà còn là nhà khoa học, là người thầy đã để lại cho tôi nhiểu kỷ niệm, nhiều điều răn dạy quý báu, trực tiếp là những điều dạy về phương pháp tư duy, phương thức làm việc. Tôi đã học được ở Giáo sư những phương pháp tư duy, nhận thức, phát hiện và giải quyết các vấn đề từ đơn giản đến phức tạp.

Tham gia cách mạng từ thuở thành niên, trải qua một thời hào hùng của đất nước, của dân tộc, với nhiều vị trí và công tác khác nhau, với bao biến động và biến cố, khi tham gia lãnh đạo và điều hành đất nước xây dựng kinh tế, bằng tất cả trí tuệ và tâm huyết, Giáo sư vẫn đau đáu về một nền sản xuất lớn, về sự đổi mới cơ chế kinh tế, cơ chế quản lý. Dù ở cương vị Bộ trưởng hay cương vị lãnh đạo Chính phủ, Giáo sư luôn không bằng lòng với thực trạng của nền kinh tế, của cơ chế đã và đang gây ách tắc trong đời sống kinh tế. Giáo sư luôn trăn trở tìm kiếm những quy luật phát triển thích hợp với trình độ của Việt Nam, những quy luật mới mở đường cho phát triển. Tất nhiên trong bối cảnh lúc đó, không phải tư duy nào, đề xuất nào cũng được chấp nhận. Nhận thức là cả một quá trình. Quan điểm hay cách làm mới không dễ gì đã có sự đồng thuận. Là nhà kế toán, chúng tôi cũng quen với các cơ chế của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, của cơ chế mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh tế, hoạt động nghề nghiệp. Các nhà kế toán đã quá vất vả với cơ chế hai giá (giá phân phối áp đặt của Nhà nước và giá thực tế trên thị trường). Vất vả trong hạch toán, vất vả trong lập báo cáo kế toán, báo cáo tài chính thể hiện giá trị của tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, hơn ai hết, những nhà kế toán vô cùng phấn khởi và hào hứng đón nhận chủ trương bỏ chế độ hai giá, sử dụng giá đảm bảo kinh doanh. Đây cũng là sự khởi đầu cho việc chuyển dần sang giá thị trường, lấy giá thị trường làm cơ sở để tính tiền lương nhằm tiền tệ hóa tiền lương (xóa bỏ chế độ cung cấp hiện vật). Tất nhiên đây chỉ là một nội dung nhỏ trong những ý tưởng lớn lao của sự nghiệp đổi mới của cả nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, đa thành phần, đa sở hữu. Đây cũng là tuyên ngôn của Nhà nước: Nhà nước kiên quyết từ bỏ cơ chế quản lý và điều hành nền kinh tế bằng biện pháp hành chính áp đặt sang quản lý và điều hành nền kinh tế bằng biện pháp kinh tế, bằng luật pháp, bằng công cụ quản lý kinh tế. Đây cũng là cái mốc lịch sử đánh dấu việc từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường. Khởi đầu cho quá trình ấy phải bằng việc chấp nhận giá thị trường, làm cho giá cả gần với giá trị hơn, bằng việc tiền tệ hóa tiền lương, tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc phân phối theo lao động, từng bước đảm bảo sự minh bạch của tài chính, tiền tệ, của nền tài chính quốc gia, của ngân sách nhà nước. Dấu ấn và sự tham góp của GS Trần Phương đã in đậm trong công cuộc cải cách này không nhỏ và đã được khẳng định sau hơn 30 năm cải cách.

Đó cũng là tư duy kinh tế của GS Trần Phương. Tư duy kinh tế hàm chứa trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và niềm khát khao về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, một nền kinh tế thực sự khỏe khoắn và phát triển. Tất nhiên và đáng tiếc là chấp nhận quan điểm và tư duy mới ấy không dễ dàng. Chúng ta đã chung sống quá lâu và quá quen với một nền kinh tế bao cấp, mệnh lệnh. Cải cách và Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy và nhận thức. Không phải ai cũng nhận thức được ngay và đúng về Đổi mới. Không phải ai cũng muốn và cũng dám đổi mới. Trong quá trình triển khai trên thực tế, nếu chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức, tiến hành các biện pháp không đồng bộ, thiếu sự hợp tác, phối hợp trên dưới, ngang dọc sẽ không thành công,  thậm chí còn có những thất bại.

Với chúng tôi, những gì biết được, những gì được chứng kiến trong thời gian đầu của công cuộc cải cách và đổi mới kinh tế ấy là rất đáng trân trọng. Với tôi, GS Trần Phương không chỉ là nhà lãnh đạo, mà là người thầy, là nhà khoa học, nhà cải cách. Giáo sư đã bồi dưỡng cho tôi, một Phó tiến sĩ mới ra trường không chỉ kiến thức, bản lĩnh nghề nghiệp, mà quan trọng hơn, đã dạy cho tôi phương pháp tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế, phong cách làm việc và đối nhân xử thế.

Triết lý giáo dục

Nhận lời về Trường chính là tiếp tục dấn thân cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp mà tôi đã tham gia ngay từ những ngày sau khi nhận bằng Tốt nghiệp đại học. Tôi đã theo đuổi và cống hiến với tất cả sự say mê của tuổi trẻ và vẫn tiếp tục tham góp, kể cả khi đã là nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. GS Trần Phương đã khích lệ tôi và tạo điều kiện tối đa cho tôi được tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến. Từ Giáo sư, tôi đã cảm nhận và thấy được niềm say mê, những ấn tượng sâu sắc với nghề dạy học. Giáo sư không những thừa hưởng truyền thống dạy học với nghề  “Gia sư” từ người cha thân yêu, mà còn đau đáu với sự nghiệp trồng người, khát vọng cháy bỏng được đem những kiến thức, những kinh nghiệm đã tích lũy cả đời người để tiếp tục truyền thụ cho lớp trẻ. Giáo sư đã từng nói với tôi trong một lần trò chuyện: “Nghề dạy học là một nghề cho phép tự nhân mình lên nhiều lần.  Tôi được biết, ngay sau khi rảnh việc Nhà nước, Giáo sư đã suy nghĩ và trăn trở về việc mở trường, về việc thành lập trường đại học của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Tôi không có may mắn được chứng kiến và tham gia, nhưng những gì mà tôi biết, đó là một quá trình không đơn giản. Nhưng Giáo sư đã thành công với tư cách là người khởi xướng, là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Giáo sư đã tập hợp được về Trường nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học tâm huyết, trí tuệ và có uy tín. Tôi đã được Giáo sư giới thiệu về Trường, về vị thế, tính chất và hướng phát triển của Trường trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam trong buổi đầu của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tôi đã từ ngỡ ngàng đến thấu hiểu tư tưởng chỉ đạo và triết lý giáo dục của Giáo sư: Đó là đào tạo các nhà kinh tế thực hành – nhà kinh doanh và nhà quản lý kinh doanh – nguồn lực quan trọng cho đất nước trong cơ chế kinh tế hiện tại và tương lai. Mặc dù là nhà khoa học lớn đã từng là Viện trưởng, đang là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với đội ngũ thành viên có học hàm, học vị, giàu năng lực về lý luận kinh tế, nhưng Giáo sư đã cân nhắc và quyết định Trường đại học của Hội không đào tạo các nhà kinh tế lý luận. Đó là quyết sách và triết lý giáo dục rất sáng suốt và phù hợp với nhu cầu nguồn lực của đất nước đang đổi mới và cải cách.

Tôi đã bị thuyết phục bởi quyết định chọn mô hình trường của GS Trần Phương và Hội đồng Sáng lập trường quyết định xây dựng mô hình trường là trường tư thục, mà lại là trường tư thục phi lợi nhuận hay hoạt động không vì lợi nhuận. Tôi thực sự khâm phục và bị thuyết phục về tư duy, triết lý của những người chủ trì sáng lập trường đã quyết định một mô hình trường mà mãi sau này những năm thứ 10 của thế kỷ 21 mới được chế tài trong luật. Vậy mà ngay đến bây giờ, nhận thức và cách giải quyết về trường tư thục không vì lợi nhuận vẫn chưa thật tròn trịa và gặp không ít vướng mắc. Với tầm nhìn, trí tuệ và với cái nhìn thấu đáo, tầm dự báo chiến lược, GS Trần Phương và tập thể những thành viên sáng lập đã tính đến và chuẩn bị các phương án cho mô hình hoạt động, mô hình quản lý trường: Lấy “sự nghiệp trồng người”, không đặt mục đích làm giàu bằng hoạt động giáo dục. Mọi người đến với trường bằng trí tuệ và tâm huyết nghề nghiệp. Nguồn lực tài chính để xây dựng và đảm bảo hoạt động của trường được thực hiện theo chủ trương “góp gió thành bão”, mỗi sáng lập viên, mỗi cán bộ, giảng viên là một cổ đông, có mức góp tối thiểu là 10 cổ phần và có quyền có một phiếu biểu quyết tại Đại hội cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít. Dù không được chia lợi nhuận hay phân chia quyền lợi từ chênh lệch thu chi, nhưng được hưởng lãi trên số vốn góp theo lãi suất của tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại và sau đó là theo lãi suất của trái phiếu Chính phủ. Đó là một giải pháp cực kỳ sáng suốt, mang tính đột phá mà không phải ai cũng hiểu được, với quan điểm thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào người có tiền, có nhiều tiền, mà phụ thuộc vào người có tâm và có tài, có kiến thức và đạo đức cùng niềm đam mê được cống hiến. Quyết sách và chủ trương này đã gạt bỏ những nhà đầu tư bên lề và thực tế đã chứng minh có lúc một số nhà đầu tư, người có nhiều tiền đã gây khó cho trường khi thực hiện chuyển đổi theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Giáo sư cũng đã lường trước và đề ra phương hướng giải quyết nếu có xung đột lợi ích giữa các khoản vốn góp, trên nguyên tắc “đảm bảo sự công bằng về lợi ích giữa các khoản vốn góp thông qua việc điều chỉnh giá trị các khoản vốn góp vào các thời điểm khác nhau. Là một nhà kinh tế, tôi bái phục tầm nhìn rất tổng thể, rất xa và đầy sắc sảo của GS Trần Phương.

Quản lý và điều hành hoạt động của một trường đại học là một việc hoàn toàn không đơn giản, không thuần túy theo cung cách quản lý nhà nước hay quản lý điều hành một tổ chức kinh doanh. Với quy mô của trường có hàng trăm, hàng ngàn các nhà khoa học, người lao động, có hàng vạn sinh viên, học viên, từ kinh nghiệm thực tế, Giáo sư đã xác định nguyên tắc: Trường phải có chủ. Vốn góp là tiêu chí xác lập vị thế người chủ của trường, nhưng không quên công sức của những người đã đặt những viên đá đầu tiên thành lập trường: đó là các sáng lập viên. Giáo sư đã nói với tôi rằng cái khó nhất là phương thức quản lý trường . Tổ chức quản lý thế nào để mọi người thấy được vị thế làm chủ của mình, vì vậy cần thực thi nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ. Quan điểm của Giáo sư là quyền quyết định công việc của trường không thể và không hoàn toàn phụ thuộc vào những người có vốn góp lớn, mà phụ thuộc vào trí tuệ. Đấy cũng là điều được ghi trong Điều lệ Tổ chức và hoạt động của trường: “Mỗi cổ đông một lá phiếu”. Vậy mà, sau hơn 20 năm thành lập và hoạt động đã có lúc có người dám đòi quyền của người có vốn, có vốn lớn. Tôi có cảm giác, bằng chiêm nghiệm từ thực tế cuộc sống và hoạt động, đã từng va chạm và ứng xử với nhiều người, nhiều hoàn cảnh, ngay từ khi thành lập trường, GS Trần Phương đã nghĩ đến sự chi phối của đồng tiền có thể trở thành quyền lực lấn át những người có năng lực trí tuệ, nhưng có vốn góp ở mức tối thiểu. Giáo sư đã sáng suốt cho rằng, đây mới là những người có thể đóng góp nhiều vào sự thành công của một trường đại học.

Trong điều hành, Giáo sư luôn tâm niệm, mọi vấn đề phải được bàn bạc dân chủ trước khi đi đến quyết định. Giáo sư cho rằng, quyết định trên cơ sở đồng thuận bao giờ cũng là những quyết định tốt nhất. Trong nhiều buổi làm việc với Giáo sư, đặc biệt là những buổi làm việc về chương trình đào tạo, về nội dung môn học hay thẩm định về giáo trình bài giảng, Giáo sư luôn gợi mở và lắng nghe, nghe rất chăm chú, đặt ngược vấn đề để chúng tôi giải trình, lập luận, lý giải. Giáo sư luôn nêu những câu hỏi để chúng tôi tìm hoặc đề xuất những phương án khác, giải pháp khác phù hợp, hiệu quả hơn.

Trong buổi làm việc về rà soát, điều chỉnh, thiết kế lại chương trình đào tạo cử nhân kế toán sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) và thông qua Luật Kế toán (2015), Khoa Kế toán đã bổ sung một số môn học mới phù hợp yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường, hội nhập và mở cửa, khi dịch vụ kế toán, kiểm toán được luật pháp thừa nhận, như các môn: Pháp luật và chuẩn mực kế toán, kiểm toán, Hành nghề kế toán và kiểm toán,… có một số người không đồng ý và cho là không cần thiết. Giáo sư đã yêu cầu trả lời hai câu hỏi mà tôi cứ nhớ mãi:

– Hành nghề kế toán khác gì với làm kế toán? Sinh viên trường ta sau tốt nghiệp đã hành nghề được chưa? Vì sao?

– Pháp luật kế toán, Luật Kế toán và chuẩn mực kế toán khác nhau thế nào? Nội dung môn học Pháp luật kế toán, kiểm toán có thể để trong môn học Pháp luật kinh tế được không? Có cần tách riêng ra một học phần không?

Chúng tôi đã trả lời, đã giải thích, Giáo sư lắng nghe rất chăm chú và sau một lúc suy nghĩ, Giáo sư đã đồng ý và yêu cầu chúng tôi soạn đề cương môn học để Giáo sư phê duyêt. Quả thực sau gần 10 năm đưa môn học này vào giảng dạy đã cung cấp những kiến thức rất hữu ích để sinh viên kế toán, kiểm toán sau khi tốt nghiệp, với tư cách kỹ sư thực hành, đã bắt nhịp rất nhanh vào hoạt động thực tế. Đó cũng là một quyết sách phù hợp mục tiêu đào tạo cử nhân kế toán thực hành của trường.

Học tập và làm theo nguyên tắc quản lý, phương thức quản lý và phong cách lãnh đạo của GS Trần Phương, tôi đã điều hành hoạt động của Khoa và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ một bộ phận trong Khoa Tài chính – Ngân hàng, Kế toán được tách ra và thành lập Khoa Kế toán với 15-16 người, cả lãnh đạo và giảng viên cơ hữu. Đã từng có vụ việc một trợ lý Khoa gian lận và nợ tiền của giảng viên cả trăm triệu; tình trạng cán bộ, giảng viên rời rạc, thiếu gắn kết. Dưới sự chỉ đạo của Giáo sư, Khoa đã phát triển, có lúc đã tăng lên 60, rồi 70 cán bộ quản lý, giảng viên cơ hữu; trong đó có đủ cả ba, bốn thế hệ: trẻ trên dưới 20 tuổi, 30-50 tuổi và không ít người đã trên 60, thậm chí trên 70 tuổi. Giáo sư đã chỉ bảo và khuyên chúng tôi cần phải tạo sự đồng thuận, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhiều người, như phân công giờ giảng, coi thi, chấm bài, hướng dẫn luận văn, khóa luận tốt nghiệp. Giáo sư đã chỉ ra rằng mọi sự vội vàng hấp tấp, không thấu hiểu, không biết lắng nghe lẫn nhau sẽ dẫn đến chia rẽ, bè phái. Ở một khoa có đến ba, bốn thế hệ khác nhau về tuổi tác, trình độ, năng lực, thì phải biết phân chia công việc hợp lý, quan tâm nguyện vọng của mọi người, dù là nhỏ nhất. Giáo sư từng dặn muốn đạt đến sự đồng thuận, phải biết chờ đợi nhau, thuyết phục nhau cho đến lúc chín muồi. Chỉ nên áp dụng quyết định bằng đa số hay bằng thẩm quyền của Chủ nhiệm khoa trong những trường hợp sự vụ hoặc trong những trường hợp thật cấp bách. Giáo sư đã dặn rằng: Quyết định trên cơ sở đồng thuận bao giờ cũng là những quyết định tốt nhất. Khoa Kế toán có cố GS Lương Trọng Yêm, một trong những sáng lập viên của trường, một nhà khoa học kinh tế. Khi tôi về Khoa, ông đang là Chủ nhiệm khoa. Tôi được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm. GS Trần Phương đã chuẩn bị phương án xếp ông làm trưởng phòng, nhưng ông  tự nguyện ở lại Khoa làm Phó Chủ nhiệm. Nghe lời căn dặn của GS Trần Phương, chúng tôi luôn tôn trọng, nghe theo ý nguyện của ông và tạo điều kiện để ông đảm nhiệm những công việc phù hợp. Cố GS Lương Trọng Yêm thực sự là người thầy, là trung tâm và là tấm gương để lớp lớp giảng viên trẻ noi theo, học hỏi. Qua 15 năm hoạt động của Khoa cũng đã vấp không ít xóc nảy, GS Trần Phương đã buộc phải ký miễn nhiệm một lãnh đạo Khoa. Nhưng cũng rất nhân văn, khi người có lỗi nhận ra và khắc phục, đã được Giáo sư cho khôi phục lại cương vị đã từng đảm nhiệm. Đấy cũng là tấm lòng là cách ứng xử của một nhà lãnh đạo, một nhà giáo, một nhà khoa học như GS Trần Phương.

Trong hoạt động đào tạo, Giáo sư luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo. Giáo sư cho rằng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là tổ chức phi lợi nhuận, theo đuổi một sứ mệnh duy nhất là “trồng người”, ngoài ra, không có một lợi ích nào khác. Giáo sư đã khẳng định tư tưởng chủ đạo của trường phải là “hết lòng vì sinh viên”, nói cụ thể hơn, là hết lòng vì “sự nghiệp thành đạt của sinh viên”. Giáo sư đã yêu cầu chúng tôi phải quán triệt tư tưởng này đến từng cán bộ, giảng viên trong Khoa, quán triệt trong quy chế hoạt động của Khoa. Thấm nhuần và thực hiện chỉ đạo của Giáo sư, Khoa đã sớm xây dựng Quy chế hoạt động với tôn chỉ: Mô phạm – Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm. Khoa đã trình và được Giáo sư phê bằng bút đỏ: “Tôi hoan nghênh, Chúc thành công!”.

Tư tưởng chỉ đạo và quan điểm của Giáo sư là sinh viên vào trường đại học để được đào tạo thành tài và thành người. Vì vậy, Giáo sư đã yêu cầu các chương trình đào tạo phải chọn lọc những kiến thức thực sự bổ ích, kiến thức phải gắn kết với thực hành và phải cập nhật với thời đại. Giáo sư rất vui khi một số môn học, một số kiến thức mới đã được đưa vào chương trình đào tạo cử nhân kế toán, như chuẩn mực kế toán, chuẩn mực báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán tập đoàn và báo cáo tài chính hợp nhất, kế toán số,… Giáo sư cũng đòi hỏi giảng viên phải luôn năng động, đổi mới và sáng tạo, phải tự nâng cao trình độ cả kiến thức và kỹ năng, không được bằng lòng, tự thỏa mãn và trì trệ. Giảng viên Khoa Kế toán đã thực hiện nghiệm những chỉ dạy của Giáo sư, đã có sự trưởng thành rõ rệt. Trong hơn 10 năm qua, đã có hơn 40 giảng viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 3 giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 1 giảng viên được phong hàm Phó Giáo sư. Biết được điều này, chắc Giáo sư rất vui.

Là người luôn trăn trở với chất lượng đào tạo, với mong mỏi đào tạo sinh viên thành tài, thành người, ngay từ những năm học 2011-2012, Giáo sư đã gợi ý và yêu cầu xây dựng Chương trình và tổ chức đào tạo sinh viên xuất sắc – hiện nay ở một số trường gọi là Chương trình đào tạo sinh viên chất lượng cao. Khoa đã bắt tay vào tìm hiểu và liên hệ với Học viện Kế toán công chứng Anh và Xứ Walles (ICAEW), một tổ chức nghề nghiệp kế toán mang tính quốc tế, đã có hàng trăm năm hoạt động cung cấp các chương trình đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. ICAEW có văn phòng đại diện ở Việt Nam. Khoa đã mời ngài Blington, Chủ tịch Học viện vào thăm trường và mời các chuyên gia của ICAEW xem xét đánh giá chương trình đào tạo cử nhân kế toán của trường. Họ đã kết luận phần lớn nội dung chương trình đào tạo kế toán của trường là có thể chấp nhận, cần bổ sung thêm 6 môn học theo chương trình ICAEW là sinh viên có thể tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán quốc tế do ICAEW tổ chức trên toàn cầu. Họ đồng ý liên kết với trường để tổ chức các khóa đào tạo tại trường. Theo chương trình đào tạo liên kết với ICAEW, sinh viên phải học 6 môn học trong Chương trình ICAEW thay thế 6 môn học trong chương trình đào tạo cử nhân kế toán của Trường. Tài liệu học tập do ICAEW cung cấp. Sinh viên nghe giảng và làm bài thi bằng tiếng Anh. Đây cũng là hướng quan trọng để sinh viên tiếp thu những kiến thức hiện đại về tài chính, kế toán, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về kế toán và cũng là cơ hội để sinh viên tham dự các kỳ thi chứng chỉ kế toán quốc tế.

GS Trần Phương đã theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị, đồng thời giao cho Phó Hiệu trưởng Lê Khắc Đóa trực tiếp làm việc và ký văn bản hợp tác. Ngổn ngang bao công việc, từ chuẩn bị chương trình đào tạo, xây dựng quy chế, lựa chọn sinh viên, mời và phân công giảng viên,… Giáo sư đã trực tiếp đọc và phê duyệt từng văn bản, từng chủ trương, từng quy định, quy chế, không chỉ những vấn đề lớn, như nội dung hợp tác, nội dung chương trình đào tạo,… mà cả mức thù lao cho từng giờ giảng, mức tính số giờ giảng cho giảng viên tham gia đào tạo, cách ghi trên bằng tốt nghiệp, v.v… Được sự  chỉ đạo chặt chẽ và khích lệ của Giáo sư, đã có 4 khóa sinh viên xuất sắc, với gần 400 sinh viên được đào tạo. Rất tiếc vì nhiều lý do khác nhau mà từ năm 2019 các khóa đào tạo không được tiếp tục. Đến hôm nay nhìn lại mới thấy tầm nhìn và trí tuệ của GS Trần Phương thật lớn lao và đáng quý. Giáo sư đã nghĩ tới và yêu cầu tổ chức chương trình đào tạo này từ những năm đầu 2010, chương trình mà hiện nay một số trường bắt đầu triển khai rất mạnh với tên gọi Chương trình đào tạo chất lượng cao, hoặc gọi là Chương trình đào tạo tích hợp ICAEW quốc tế. Chương trình đào tạo không chỉ nâng cao uy tín và giá trị của Trường, mà còn là nguồn thu quan trọng đáng kể. Sinh viên các khóa đào tạo sinh viên xuất sắc của trường ta sau khi ra trường đã được tuyển vào các tập đoàn, các công ty nước ngoài, đảm nhận vị trí công việc có thu nhập cao. Một số em tiếp tục học lên bậc cao hơn, đi du học bậc thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều em đã thi được chứng chỉ ICAEW quốc tế. Vừa qua có một sinh viên thông báo về đã trúng tuyển là nhân viên của ICAEW tại London, Vương quốc Anh.

Cùng với đòi hỏi đào tạo sinh viên thành tài, GS Trần Phương luôn quan tâm việc đào tạo sinh viên thành người. Đã không ít lần nói trước sinh viên trong Lễ khai giảng, Giáo sư  đã nói: “Học để làm gì, học để thành người, tức là thành những công dân có trách nhiệm, thành những trí thức có đức, có tài, biết đối nhân xử thế”. Giáo sư yêu cầu trường phải là nơi mà mọi quy tắc ứng xử phải có tác dụng giáo dục con người, uốn nắn con người,… Trong nhiều lần trò chuyện và chỉ đạo công việc, Giáo sư luôn nhắc nhở vấn đề văn hóa giáo dục, văn hóa tinh thần và kỷ cương về mặt tổ chức. Mặc dù đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác chuyên môn cũng như trong bộ máy quản lý nhà nước, nhưng với tôi, những gì Giáo sư chỉ đạo, đòi hỏi và hành động, đều rất thấm thía, đặc biệt trong công việc điều hành Khoa với tư cách là Chủ nhiệm. Không gì thấm thía bằng điều Giáo sư nói: “Một tổ chức được gắn kết bằng một nền tảng tinh thần, một bản sắc văn hóa – không những thế, còn được gắn kết về mặt tổ chức bằng một hệ thống thể chế, kỷ cương, kỷ luật. Tổ chức ấy nhất định có sức mạnh”.

Hiểu được quan điểm và răn dạy của Giáo sư là đã quý và nếu làm được một phần nhỏ tư duy, hành động và răn dạy của Giáo sư, thì quý biết bao!

Tôi không được làm việc nhiều với GS Trần Phương, hiểu biết về Giáo sư không nhiều. Bằng bài viết này, chỉ xin nêu một số cảm nhận từ góc độ tư duy kinh tế mà Giáo sư đã thể hiện qua việc làm trong thời gian Giáo sư làm việc nhà nước, từ góc độ triết lý giáo dục mà Giáo sư thể hiện trong thời gian thành lập và điều hành hoạt động của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Xin được bày tỏ một lần nữa sự kính trọng và lòng mến yêu đến GS Trần Phương, nhà lãnh đạo, nhà khoa học và người Thầy của nhiều thế hệ, trong đó có tôi./.