“Dạy thế nào, học thế nào mới là quan trọng?”

Thưa các đồng chí!

Các em sinh viên thân mến!

Hôm nay, đối với tôi và các đồng chí lãnh đạo nhà trường có niềm vui rất lớn và bất ngờ khi biết tin sinh viên khoa Cơ – Điện tử đi thi Olympic Quốc gia đoạt Giải khuyến khích. Tôi thật sự ngạc nhiên. Năm ngoái các em đã nhận giải khuyến khích; năm nay lại một giải khuyến khích nữa, thì đúng là ngạc nhiên thật.

Mọi người đều biết, đầu vào, tức điểm tuyển sinh vào khoa Cơ – Điện tử của trường ta thấp lắm, nhiều nhất có lẽ cũng chỉ 20 điểm. Trong khi đó, để vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội học những ngành đó, phải đạt 24 điểm trở lên, tức là những học sinh phổ thông rất giỏi. Chứng tỏ đầu vào chưa chắc đã là cái quan trọng nhất, mà dạy và học mới là quan trọng nhất. Nhận định đó đã được chứng minh suốt 15 năm nay ở trường ta.

Trường ngoài công lập có mức học phí cao hơn trường công lập là đương nhiên. Cho nên các em sinh viên đều muốn vào trường công lập, bởi thứ nhất, “cho nó oai” (chẳng biết có oai hơn thật không, nhưng nghe được vào trường công cũng oai hơn); và thứ hai, học phí được Nhà nước bao gần hết (Nhà nước cấp 5-6 triệu đồng cho một sinh viên, chỉ thu của sinh viên 2-3 triệu đồng). Thế thì, đương nhiên với hai lợi thế đó, sinh viên nào không vào được trường công lập, mới vào trường dân lập. Thực tế hiện nay là như vậy.

Nhưng lập luận của chúng tôi là đầu ra mới quan trọng. Điểm đầu vào trường ta có thể tương đối thấp so với các trường kia, nhưng đầu ra thì khác. Nhiều vị tuyển dụng cấp thứ, bộ trưởng gặp tôi, nói: “Khi chúng tôi tuyển dụng, không biết học trò của trường nào cả, nhưng sau tuyển dụng, thấy sinh viên của trường anh trúng khá đông”. Tôi nghĩ cũng dễ hiểu thôi. Vấn đề là dạy như thế nào và học như thế nào? Cái đó quan trọng lắm. Tôi nói ví dụ: 100 em vào trường công, thì đầu ra cũng 100 em, không loại em nào cả. Bởi vì đã lấy tiền của Nhà nước, không cho học trò ra trường sao được? Nhưng trường ta thì không thế: trong 4-5 năm đầu, chỉ 80% em ra trường, còn 20% em trượt. Trượt dứt khoát. Bởi vì không chịu học thì trượt thôi. Vậy thì, những người đỗ là những người đã được kiểm tra, tôi không nói là kỹ, nhưng mà tương đối kỹ. Tới nay, trường ta cho ra trường khoảng 15 nghìn sinh viên, trong đó tốt nghiệp cử nhân 13 nghìn, còn lại là cao đẳng, trung cấp. Gần như tất cả các em đều có việc làm. Cho nên vấn đề không nhất định là ở điểm đầu vào thấp, mà là ở chỗ các thầy cô dạy như thế nào, thiết kế chương trình cho các em học như thế nào, và cũng phải đôn đốc các em học ra sao. Cái đó mới quyết định thành công. Cho nên, tôi hoàn toàn đồng ý với GS.TSKH Nguyễn Văn Khang là, tuy điểm đầu vào của sinh viên khoa Cơ – Điện tử thấp, nhưng kết quả đi thi đấu với các trường không tồi. Quả thực năm ngoái thì tôi chưa tin. Có lẽ do “xác suất”, nôm na là “ăn may”, nên có em nhận được giải khuyến khích. Bởi vì đi thi toàn quốc phức tạp lắm. Nhưng đến năm nay cũng lại được giải nữa, thì tôi nhận ra rằng, một khoa, dù mới thành lập cách đây 4-5 năm thôi, điểm đầu vào của học trò cũng không cao, vậy mà đã có thành tích khi đi thi đấu với thiên hạ. Điều đó khiến cho tôi rất vui, rất mừng.

Còn khoa Công nghệ thông tin thì đi thi Olympic gần chục năm rồi. Từ 2002 đến nay là 9 năm, năm nào cũng có giải. Nhưng tôi vẫn lấy làm lạ. Bởi vì khoa Công nghệ thông tin không phải là khoa đông nhất và lớn nhất ở trường ta, thế mà năm nào đi thi cũng đạt được giải. Đặc biệt năm nay là tôi thực sự bất ngờ: 300 trường đi thi cũng suýt soát 300 đội, vậy mà đội trường mình lại đứng đầu. Thật hết sức bất ngờ. Không phải chỉ riêng tôi bất ngờ đâu, mà tất cả các đồng chí lãnh đạo trường đều hết sức bất ngờ. Đó là niềm vinh dự rất lớn. Vì thế, mọi năm nhà trường vẫn thưởng cho các em đi thi đoạt giải, cũng chỉ một vài em thôi; nhưng năm nay nhà trường tổ chức tuyên dương các em để cho tất cả sinh viên đều thấy tấm gương đó mà phấn đấu.

Phải nói thêm là trường ta không hướng vào đào tạo sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Chủ yếu chúng ta đào tạo các nhà kinh tế thực hành, các nhà kỹ thuật thực hành. Tuy hướng đào tạo không phải là nghiên cứu, vậy mà vẫn xuất hiện những sinh viên có khả năng nghiên cứu.

Tại sao trường ta không chủ trương đào tạo sinh viên nghiên cứu? Không phải vì trường này không có khả năng đào tạo. Trường ta có một tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ rất cao, có thể đào tạo được. Nhưng chúng tôi cho rằng, đất nước này, nền kinh tế này đang cần các nhà thực hành. Hãy đào tạo những nhà thực hành, rồi mười năm, hai mươi năm nữa, chúng ta sẽ đào tạo những nhà nghiên cứu. Chính là để phục vụ nền kinh tế của đất nước này, nên hướng đào tạo là như thế. Nhưng không ngăn cản một số sinh viên có khả năng nghiên cứu, tức là những em đã đi thi, đã đoạt giải đấy. Họ là những sinh viên được học chủ yếu để ra làm thực hành, nhưng vẫn có khả năng phát huy tư duy nghiên cứu. Tuy nhà trường chủ trương tất cả sinh viên ở trường này ra đều góp phần ngay vào thực tế của đất nước, nhưng vẫn có những nhà nghiên cứu xuất sắc, chính là các em đã đoạt giải đó. Cho nên tôi rất mừng là hướng đi của chúng ta vẫn cho phép có những sinh viên có tư duy xuất sắc, tư duy nghiên cứu.

Đương nhiên, được giải thưởng là niềm vinh dự của các em; nhưng những người dạy học mà có được học trò giỏi, cũng phấn khởi lắm chứ! Cho nên, hôm nay hai luồng phấn khởi đó gặp nhau: nhà trường phấn khởi vì có những học trò giỏi và đương nhiên những người học giỏi rất phấn khởi. Hôm nay là một ngày rất vui. Tôi nói thật, nhiều buổi tôi cũng không vui vì hành vi của sinh viên lắm đâu, nhưng hôm nay nhìn thấy các em đạt thành tích thi đấu với người khác, thi đấu với 300 trường khác, mà mình là người đứng đầu, thì quả là vinh dự.

Tôi mong các em và các khoa đạt thành tích hôm nay phát huy cái phấn khởi của mình để mọi người trong khoa theo dõi, theo đuổi, để mở rộng ảnh hưởng ra. Tôi đặc biệt phải nói đến Khoa Cơ – Điện tử là khoa rất mới, thầy cô rất giỏi, nhưng học trò thì “tương đối” thôi, vì hiện nay sinh viên của cả nước hướng vào kỹ thuật, công nghệ. Đó là cái yếu của nước mình. Nhưng với thành tích này, chúng ta chúng ta cho thanh niên cả nước thấy rằng, chúng ta dạy không tồi, nói đúng hơn, học trò có điểm đầu vào thấp thôi, nhưng có thầy cô dạy tốt, thì ra đời vẫn rất tốt.

Cuối cùng, một lần nữa, xin chúc mừng các em đã thành công, chúc mừng các khoa, các thầy cô đã giúp cho các em thành công!