Thưa các vị khách quý,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Năm 2011, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tròn 15 tuổi.
Qua 15 năm hoạt động, Trường đã tiếp nhận gần 60.000 thanh niên nam nữ vào cái “lò đào tạo” của mình. Trong số đó, đã có:
– 18.000 sinh viên ra trường với bằng Cử nhân, Kỹ sư
– 210 học viên ra trường với bằng Thạc sĩ.
Số đang theo học các chương trình đào tạo của Trường là 36.000 sinh viên. Ngoài ra, còn trên 1.000 sinh viên và học viên cao học đang theo học tại 11 trường đại học nước ngoài có quan hệ liên kết đào tạo với Trường.
Từ 3 ngành học trong những năm đầu tiên, Trường đã từng bước đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Hiện tại, Trường đào tạo 13 ngành học, trong đó có 6 ngành kinh tế – kinh doanh, 5 ngành kỹ thuật – công nghệ và 2 ngành ngoại ngữ. Cả 13 ngành học đều đáp ứng nhu cầu cao của thị trường lao động xã hội. Sinh viên được chọn ngành học phù hợp với sở trường của mình.
Ngay từ ngày đầu thành lập Trường, chất lượng đào tạo đã được đặt thành mục tiêu hàng đầu. Các chương trình đào tạo đều được tuyển chọn, chắt lọc từ các chương trình đào tạo trong nước và các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, và cứ 2 năm một lần, lại được bổ sung, sửa đổi, cập nhật. Ngoài mục tiêu chủ yếu là đào tạo năng lực chuyên môn nghề nghiệp, chương trình đào tạo còn dành thời gian cần thiết cho việc đào tạo kỹ năng tin học và kỹ năng ngoại ngữ – đạt mức thành thạo hoặc tương đối thành thạo. Nhằm mục tiêu đó, chương trình đào tạo đại học 4 năm của Trường đã được đưa lên 240 ĐVHT, thay vì 210 ĐVHT như chuẩn kiến thức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các giáo trình được biên soạn theo hướng bảo đảm truyền thụ kiến thức cốt lõi của các môn học, có tác dụng bổ ích thiết thực, đậm đặc, không dàn trải, không trùng lặp, và thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Phương pháp giảng dạy được thường xuyên cải tiến theo hướng gợi mở tích cực, kết hợp lý thuyết với thực hành, tránh cho sinh viên lối học thụ động. Quá trình học tập của sinh viên được hỗ trợ bằng thư viện với trên 100 máy vi tính kết nối Internet. Việc thi kết thúc học phần được tiến hành bằng phương thức trắc nghiệm trên máy vi tính, dưới sự giám sát của giám thị và camera, bảo đảm tính khách quan của điểm thi và loại trừ được hành vi tiêu cực.
Quá trình trau dồi kiến thức gắn liền với quá trình rèn luyện phẩm chất đạo đức, tuân thủ kỷ cương học đường, văn hóa học đường, đấu tranh chống những thói hư tật xấu, nhằm đào tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên. Hàng chục “giáo viên chủ nhiệm” của Trường kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cho sinh viên.
Chất lượng đào tạo được bảo đảm bởi một đội ngũ giảng viên hùng hậu, có trình độ và có kinh nghiệm: trên 1.000 giảng viên, trong đó, trên 30% có trình độ Thạc sĩ, trên 30% có trình độ Tiến sĩ, Phó giáo sư và Giáo sư. Số giảng viên cơ hữu chiếm trên 50% tổng số giảng viên, bảo đảm 80% khối lượng tiết giảng.
Thiết bị dạy và học cũng là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng đào tạo. Trường được trang bị trên 2.000 máy vi tính, đủ bảo đảm cho mỗi sinh viên một máy khi học và thực hành. Tất cả các phòng học 60 sinh viên và 120 sinh viên đều được lắp máy chiếu đa năng, phục vụ cho việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Một nửa số phòng học được lắp máy điều hòa nhiệt độ, tránh cho sinh viên cái nóng nực của mùa hè.
Về trường sở, năm 2005 đã hoàn thành xây dựng 2 ngôi nhà 6 tầng, tổng diện tích sàn 20.000 m2, đủ chỗ học cho 10.000 sinh viên (2 ca/ngày) và chỗ làm việc cho 600 cán bộ nhân viên. Đang xây dựng tiếp 2 ngôi nhà 8 tầng và 9 tầng, tổng diện tích sàn 20.000 m2. Một khu thể dục thể thao xây dựng trên diện tích 3 héc ta, vừa mới được hoàn thành, đủ chỗ cho sinh viên học môn Giáo dục thể chất và chơi các môn thể thao.
Chất lượng đào tạo của trường đại học gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Hàng chục tỷ đồng đã được chi vào việc nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện các chương trình đào tạo, biên soạn các giáo trình, các ngân hàng đề thi, xây dựng các phần mềm nhằm tự động hóa các quá trình quản lý và đào tạo, hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Việc kiểm định chất lượng trường đại học đã được nhà trường tiến hành ngay khi có quy định và hướng dẫn của Bộ. Việc tự kiểm định đã cho phép Trường nhận rõ những gì mình đã làm được và những gì còn phải tiếp tục phấn đấu.
Nhờ những hoạt động nêu trên, chất lượng đào tạo của Trường ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp so với số sinh viên nhập học, từ mức 80% trong những khóa đầu, đã được nâng dần lên 90-95%. Số sinh viên tốt nghiệp loại Khá và Giỏi, từ mức 30% trong những khóa đầu, đã được nâng dần lên, đạt mức 75-80% trong những khóa gần đây.
Gần như toàn bộ sinh viên tốt nghiệp đều được tuyển dụng sau khi ra trường. Một tỷ lệ khá lớn được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty liên doanh. Một số khá đông được trả lương cao gấp 2-3 lần mức lương trung bình của xã hội. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo của Trường được xã hội đánh giá cao. “Thương hiệu” của Trường nhờ đó được khẳng định. Số thí sinh đạt điểm chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng ký nhập học vào Trường mỗi năm một tăng, những năm gần đây đều vượt con số 5.000, cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Nhiều phụ huynh đã gửi đến người con thứ hai, thứ ba của mình đến “lò đào tạo” của Trường.
Căn cứ đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Trường nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường, và mới đây, đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Trường nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Trường.
Những thành tựu nêu trên là minh chứng cho đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Nó cũng nói lên sức sống của một mô hình trường đại học tư thục phi lợi nhuận.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường đã xác định các nguyên tắc tổ chức sau đây:
1. Trường phải có chủ. Chủ của Trường là những người góp sức, góp vốn xây dựng Trường. Mức vốn góp thấp nhất là 10 triệu đồng – một mức góp vừa sức với tuyệt đại đa số cán bộ nhân viên và giảng viên của Trường. Không hạn định mức góp tối đa. Người góp vốn không được chia lợi nhuận, chỉ được nhận một lãi suất cố định, bằng hoặc nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.Lãi suất này không phải là lợi nhuận.
2. Trường là một tổ chức hợp tác của những người lao động, mà nòng cốt là những người lao động trí óc, tự nguyện góp sức, góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì mục đích trồng người, không vì mục đích lợi nhuận.
3. Những người chủ của Trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ. Điều này cho phép bảo đảm được tính dân chủ rộng rãi, đồng thời bảo đảm được quyền lực và kỷ cương trong quản lý. Sự đoàn kết thống nhất của các cổ đông, của cán bộ nhân viên và giảng viên toàn trường nhờ đó mà được bảo đảm.
Là một tổ chức phi lợi nhuận, Trường chúng tôi không có nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư thì lấy vốn ở đâu? Mở trường thì phải có một số vốn ứng trước để mua sắm thiết bị dạy và học, thuê mướn và sửa sang phòng học, chưa nói đến xây mới trường học. Trong điều kiện không có nhà đầu tư thì cách duy nhất là “góp gió thành bão”. Hàng trăm cán bộ nhân viên và giảng viên của Trường, mỗi người một vài chục triệu đồng góp lại, cũng tạo ra được một nguồn vốn đủ trang trải những nhu cầu đầu tư ban đầu. Chỉ sau 4 năm, số vốn góp đã đạt 9 tỷ đồng, sau 10 năm đạt 20 tỷ đồng, sau 15 năm đạt 85 tỷ đồng. Số vốn này được dùng vào việc xây dựng cơ ngơi của Trường ngày càng khang trang.
Một trường đại học phi lợi nhuận, tuy có gặp hạn hẹp về vốn đầu tư lúc ban đầu, nhưng về lâu dài, lại có những thuận lợi rất cơ bản:
Một là, nhà trường không bị thúc ép phải kiếm lợi nhuận để chia cho các nhà đầu tư sau mỗi năm hoạt động. Số dư trong cán cân thu chi mỗi năm được tích cóp lại làm quỹ dự phòng và quỹ tích lũy của Trường.
Hai là, nhà trường không phải đưa các nhà đầu tư lên địa vị quyết định đối với mọi công việc của trường. Sự thành bại của một trường đại học phụ thuộc vào năng lực trí tuệ của đội ngũ quản lý và giảng dạy của nó. Với nguyên tắc “mỗi cổ đông một phiếu biểu quyết”, Trường chúng tôi có thể bầu vào Hội đồng Quản trị – kiêm chức năng của Hội đồng trường – những nhà trí thức có tâm và có tài, không kể vốn góp của họ nhiều hay ít. Đội ngũ này là nòng cốt vững chắc của một trường đại học.
Quỹ dự phòng và quỹ tích lũy đối với một trường đại học tư thục là một bài toán khó. Với mặt bằng học phí rất thấp của nước ta, hầu như chỉ vừa đủ để bảo đảm kinh phí đào tạo, nếu cắt xén kinh phí đào tạo để tạo lập quỹ dự phòng và quỹ tích lũy thì chất lượng đào tạo nhất định bị ảnh hưởng. Để tạo lập các quỹ trên mà vẫn bảo đảm được chất lượng đào tạo, chỉ có một con đường là sử dụng hợp lý nhất các nguồn lực, triệt để thực hành tiết kiệm. Các phòng học, các giảng đường, các phòng máy vi tính, các phòng máy luyện âm của Trường chúng tôi đều được sử dụng đến 100% công suất. Mọi cán bộ nhân viên đều được phân công đẫy việc, không có người thừa. Nguyên tắc phân phối theo lao động là động lực thúc đẩy mọi người nâng cao năng suất lao động, dốc sức phục vụ sự nghiệp đào tạo của Trường.
Thưa các đồng chí và các bạn,
15 năm chưa phải là thời gian đủ cho sự trưởng thành của một trường đại học. Chúng tôi nhận thức đầy đủ những thách thức đang đặt ra trước mắt. Chất lượng đào tạo đòi hỏi một sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Thị trường lao động của một nước đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, luôn đặt ra những đòi hỏi mới về đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo.
Với những thành tựu bước đầu, chúng tôi tin tưởng rằng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ vững bước đi lên để người Việt Nam chúng ta, trong tương lai không xa, có được những trường đại học sánh vai cùng các trường đại học tiên tiến trên thế giới, góp phần đắc lực vào việc đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước./.