Chuyên ngành quản lý kinh doanh trên nền tri thức đa ngành

A- Mục tiêu đào tạo

Hệ thống đại học của nước ta qua mấy chục năm chỉ tập trung đào tạo các loại chuyên gia theo chuyên ngành hẹp, để lắp ráp vào hệ thống phân công lao động rất tỉ mỉ mà cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã thiết kế sẵn. Nhưng, xã hội vẫn còn một nhu cầu khác: loại chuyên gia có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp. Nhu cầu này trước đây vẫn có, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường (vai trò của doanh nghiệp được đề cao) thì càng bộc lộ rõ. Loại chuyên gia này phải có hiểu biết cơ bản về tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp, và trên cơ sở đó, đi sâu thêm vào một lĩnh vực cụ thể gọi là spécialisation mà ta dịch là chuyên ngành hay chuyên sâu. Nhưng khái niệm chuyên ngành ở đây khác với khái niệm chuyên ngành ta vẫn thường dùng: một sinh viên được đào tạo chuyên về kế toán, ra trường chỉ làm được kế toán, vẫn được gọi là sinh viên chuyên ngành kế toán. Chính vì cách dùng từ không phân biệt này mà trong Trường ta, thỉnh thoảng lại có ý kiến mở thêm “chuyên ngành” nào đó, như tài chính – kế toán chẳng hạn, bên cạnh “chuyên ngành” quản lý kinh doanh. Làm theo ý kiến này có nghĩa là phải xây dựng Trường ta thành một Trường Đại học Tài chính – Kế toán bên cạnh Trường Đại học Kinh doanh hiện có. Muốn thế thì phải có đủ giáo trình và giáo viên để giảng chừng 100 đơn vị học trình về “chuyên ngành” mới này. Có cần và có nên làm như thế không? Trường ta đâu đã thiếu sinh viên để đào tạo mà phải mở thêm ngành? Loại chuyên gia “quản lý kinh doanh” mà Trường ta cho ra lò đâu đã đến nỗi bão hòa? Theo đuổi nhiều mục tiêu đào tạo như thế thì chắc gì chất lượng đào tạo được bảo đảm?

Vì vậy, cần thống nhất khẳng định rằng định hướng của Trường ta là: tập trung vào mục tiêu đào tạo loại chuyên gia có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp. Đào tạo bằng 1, bằng 2, sau đại học hay ngắn hạn đều nhằm theo định hướng đó. Ngay cả đào tạo Cử nhân tiếng Anh và Cử nhân Tin học cũng là nhằm theo định hướng đó, bổ trợ cho định hướng đó. Chỉ một mục tiêu đào tạo mà làm cho tốt, đạt chất lượng cao thì đã quá nhiều việc rồi. Phân tán sức lực ra nhiều mục tiêu thì chẳng mục tiêu nào đạt đến chất lượng cao.

Cái mà Trường ta gọi là chuyên ngành chỉ là một nhánh chuyên sâu trên cái nền đa ngành. Chính cái nội dung đa ngành này mới là đặc trưng cơ bản của nghề quản lý kinh doanh. Nhìn vào cơ cấu kiến thức của chương trình đào tạo BBA và MBA của Mỹ và phương Tây, bao giờ cũng thấy chừng 12-15 học phần tạo thành cái nền đa ngành của nghề quản lý kinh doanh, tiếp sau mới là mấy học phần đi sâu vào một nhánh của cái đa ngành ấy.

B- Cơ cấu kiến thức

Để đào tạo cho sinh viên có được năng lực nghề nghiệp về quản lý kinh doanh thì cơ cấu kiến thức phải gồm những bộ phận gì? Mỗi khối kiến thức có vị trí như thế nào trong cái nội dung tổng thể ấy?

  1. Kiến thức kinh tế học

Nhà quản lý kinh doanh trước tiên phải có kiến thức kinh tế học, được coi là kiến thức cơ sở.

Trong chương trình đào tạo của phương Tây, khối kiến thức này chỉ gồm 3 học phần: kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô và thống kê kinh tế.

Theo quan điểm kinh tế học mác xit của chúng ta thì kiến thức cơ sở phải là học thuyết kinh tế Mác – Lênin, đó mới là thìa khóa để hiểu bản chất của các hiện tượng kinh tế và quá trình kinh tế. Kinh tế học phương Tây thuộc dòng kinh tế học tầm thường: nó lẩn tránh đi vào bản chất của các hiện tượng và quá trình kinh tế của xã hội tư bản. Tuy nhiên, nó cũng góp phần phân tích cụ thể một số hiện tượng kinh tế và giải quyết một số vấn đề kinh tế có ý nghĩa thực dụng. Nhà kinh tế mác xit cũng cần biết cách hiểu, cách lập luận của các nhà kinh tế phương Tây là đối tác của mình. Đánh giá vị trí của kinh tế học phương Tây như vậy có nghĩa là: không coi nó là kiến thức cơ sở như kinh tế học mác xit, và vì thế, không coi nó là kiến thức nhất thiết phải dạy cho sinh viên trong bất cứ trường hợp nào (ví dụ trường hợp đào tạo bằng 2, đào tạo ngắn hạn).

Môn địa lý kinh tế có vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo các nhà kinh tế “vĩ mô”. Đưa vào chương trình đào tạo các nhà kinh tế “vi mô” thì có phần “xa xỉ”. Tuy nhiên, trong cái khung chương trình của Bộ thì nó là một môn bắt buộc cho nhóm ngành kinh tế (cái khung này được quy định đã lâu, cần kiến nghị với Bộ bổ sung sửa đổi). Vì là môn bắt buộc cho nên ta phải đưa vào chương trình đào tạo. Đã đưa vào chương trình đào tạo thì phải dạy cho “tử tế” và phải đạt được hiệu quả. Đối với nhà quản lý kinh doanh thì hiệu quả phải đạt là gì? Không phải để trở thành nhà địa lý hay nhà phân vùng. Điều cần cho nhà quản lý kinh doanh là: hiểu được tác động của các yếu tố địa lý đối với các hoạt động kinh tế, trong đó nhấn mạnh các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, môi trường và dân số. Lâu nay các thầy cô giáo dành quá nhiều thời gian cho việc mô tả các vùng địa lý, dường như muốn biến sinh viên thành nhà địa lý như mình, vì thế mà kêu thiếu thời gian, bỏ qua những vấn đề tài nguyên thiên nhiên, môi trường và dân số. Cần xác định lại.

Tóm lại, khối kiến thức kinh tế cơ sở gồm:

Học thuyết kinh tế Mác – Lênin

Thống kê kinh tế

Kinh tế học vĩ mô, vi mô

4) Địa lý kinh tế.

Hai môn sau không nhất thiết phải đưa vào chương trình đào tạo bằng 2.

  1. Kiến thức kinh doanh và quản lý kinh doanh

Đây là cái cốt lõi tạo nên năng lực nghề nghiệp của nhà quản lý kinh doanh. Một doanh nghiệp có những hoạt động chủ yếu gì thì nhà quản lý kinh doanh phải nắm được những điều cơ bản về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ của các hoạt động đó (nói kiến thức là nói gọn, thực ra là gồm cả kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ). Cái nền đa ngành đa nghề này chính là chỗ mạnh chủ yếu của nhà quản lý kinh doanh, mặc dù đa ngành đa nghề thì có nhược điểm là không chuyên sâu bằng một ngành một nghề. Chính vì không nắm vững đặc điểm này mà các thầy cô giáo thường giảng dạy quá rộng, quá sâu về môn học của mình (xét theo mục tiêu cần đạt thì có thể gọi là lan man, chệnh hướng) dường như muốn đào tạo sinh viên thành nhà triết học, thành nhà toán học, thành nhà luật học, v.v… Cần phải chỉnh lại cho đúng hướng đào tạo. Mặt khác, cần khắc phục thói quen “biết gì, dạy nấy”, chuyển sang hướng “trò cần gì, thầy dạy nấy”.

Khối kiến thức kinh doanh và quản lý kinh doanh gồm vài chục học phần mà phân loại theo nhóm thì gồm mấy nhóm sau đây:

  1. Nhóm Thương mại:
  • Thương mại (kiến thức chung)
  • Tiếp thị
  • Ngoại thương
  • Đấu thầu, Chuyển giao công nghệ, Hợp tác đầu tư.
  1. Nhóm Tài chính – Kế toán:
  • Tài chính – Tiền tệ (kiến thức chung)
  • Tài chính doanh nghiệp
  • Kế toán doanh nghiệp.
  1. Nhóm Quản lý doanh nghiệp:
  • Khoa học quản lý
  • Quản lý chiến lược. Quản lý dự án
  • Tổ chức và nhân sự
  • Quản lý chất lượng
  • Quản lý tác nghiệp
  • Quản lý hành chính
  • Các kỹ năng soạn thảo văn bản, thuyết trình, đàm phán, giao tiếp.
  1. Nhóm Luật kinh tế:
  • Luật kinh tế Việt Nam
  • Luật kinh tế quốc tế.
  1. Nhóm Kiến thức chuyên sâu:

Chuyên sâu chỉ là đi sâu thêm vào một nhánh đã bao gồm trong cái nền đa ngành đa nghề rồi, chứ không phải là một chuyên ngành mới so với “chuyên ngành” Quản lý kinh doanh.

Vì Thực tập và Luận văn tốt nghiệp đều nhằm theo hướng chuyên sâu (trừ một số trường hợp cá biệt) cho nên cũng nằm trong thành phần nhóm kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên, xét về mặt tác dụng đào tạo con người thì nó vượt ra ngoài phạm vi chuyên sâu.

III. Những kỹ năng tối cần thiết cho nhà quản lý kinh doanh

Đó là kỹ năng sử dụng máy vi tính và kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Hai kỹ năng này không thuộc lĩnh vực kinh tế hay kinh doanh (bất kỳ người nào, thuộc lĩnh vực hoạt động nào, cũng đều có thể cần đến nó), nhưng nếu nhà quản lý kinh doanh không sử dụng được 2 công cụ này thì cũng khó hoàn thành nhiệm vụ trong xã hội thông tin và hội nhập toàn cầu này, cho dù năng lực kinh tế và kinh doanh giỏi giang đến mấy.

Trong chương trình đào tạo BBA và MBA của Mỹ và phương Tây không có 2 môn học này, vì kỹ năng sử dụng máy vi tính đã được giải quyết ngay từ bậc trung học rồi, còn tiếng Anh thì hoặc là tiếng mẹ đẻ, hoặc là ngoại ngữ phổ thông trong xã hội.

Đối với ta thì 2 môn này chiếm tỷ lệ quá lớn trong thời lượng đào tạo. Dành thời lượng bao nhiêu là vừa?

Kinh nghiệm mấy năm qua chỉ ra rằng: thời lượng và nội dung đào tạo Tin học ứng dụng như hiện nay là vừa đủ để trang bị cho nhà quản lý kinh doanh những kỹ năng tối thiểu cần thiết.

Còn tiếng Anh, với thời lượng trên dưới 90 đơn vị, nếu sinh viên chăm chỉ học tập, thì đạt yêu cầu (khoảng 500 điểm TOEFL), nếu sinh viên học kém thì chỉ có cách là kéo dài thời gian học.

Có nên hạ thấp yêu cầu phải đạt về trình độ tiếng Anh không? Theo tôi, với 4 năm học, có đủ thời lượng để dành cho tiếng Anh, lý gì phải hạ thấp yêu cầu? Có ý kiến cho rằng vì sinh viên học tiếng Anh vất vả quá, nhiều sinh viên không tốt nghiệp được vì không đủ điểm về tiếng Anh. Sự thật chỉ có 1/3 sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp sau 4 năm, còn 2/3 sinh viên Khóa I đã tốt nghiệp đúng hạn. Tỷ lệ 2/3 này cho phép khẳng định rằng chương trình đào tạo của Trường ta là thích hợp. Không nên hạ thấp yêu cầu cho phù hợp với trình độ của thiểu số lười học, hoặc học lực kém. Đối với số này thì hoàn thành chương trình trong 4 năm rưỡi hay 5 năm là điều bình thường, không có gì là khó giải thích.

Đối với sinh viên học bằng 2 thì cách đặt vấn đề có khác. Khi học bằng 1, họ chỉ được học 20-30 đơn vị, có nghĩa là chỉ đạt trình độ A. Nếu buộc họ phải đạt trình độ C như Trường ta quy định cho bằng 1 thì riêng tiếng Anh đã chiếm hết một năm học, trong khi thời gian dành cho đào tạo bằng 2 chỉ là 2 năm. Vì vậy, tôi đề nghị: chỉ đòi hỏi sinh viên học bằng 2 đạt đến trình độ B. Sinh viên nào có trình độ cao hơn mà muốn nâng cao trình độ tiếng Anh thì Trường vẫn sẵn sàng dạy.

Đối với Tin học ứng dụng thì sinh viên học bằng 2 cũng phải đạt đến trình độ quy định của Trường, vì đó đã là mức tối thiểu cần thiết cho nhà quản lý kinh doanh rồi.

  1. Những kiến thức bổ trợ
  2. Toán kinh tế:

Nhà kinh tế thực hành cần đến công cụ toán học trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tài chính kế toán. Ngoài ra, còn có những môn toán được sáng tạo riêng cho các nhà kinh tế như kinh tế lượng, các mô hình toán kinh tế. Vì vậy, Toán giữ vị trí là môn học bổ trợ cho Kinh tế.

Điều đáng nói là: toán là môn khoa học rất phát triển, phải chọn lọc cái gì thiết yếu cho nhà kinh tế thực hành? Không nên bê nguyên xi từng phần của môn khoa học đó với hệ thống phức tạp của nó để dạy cho sinh viên quản lý kinh doanh. Càng không nên có tham vọng biến họ thành các nhà toán học như chính các thầy cô giáo.

Tôi đề nghị: Khoa Toán soát xét lại nội dung dạy toán cho sinh viên theo hướng thiết thực, thiết yếu, đừng để môn toán biến thành nỗi sợ hãi đối với sinh viên như hiện nay. Cũng nên điều chỉnh thời lượng dạy toán từ 15 đơn vị xuống còn 12 đơn vị. Thời lượng này là quá đủ để đạt hiệu quả mong muốn, nếu nội dung môn học được điều chỉnh theo hướng thiết thực, thiết yếu.

  1. Lô-gích học và triết học Mác – Lênin:

Triết học Mác – Lênin được coi là môn học bắt buộc đối với tất cả các ngành học ở nước ta. Nhưng dạy để đạt mục đích gì? Để biến chủ nghĩa Mác – Lênin thành hệ tư tưởng chủ đạo ư? Thực tiễn mấy chục năm qua không cho phép khẳng định điều này. Vả chăng, mấy chục tiết học làm sao đạt được mục đích đầy tham vọng đó?

Tuy nhiên, đã dạy thì phải dạy cho “tử tế” và phải đạt được hiệu quả. Dạy cho nhà kinh tế thực hành thì nên nhằm đạt đến hiệu quả gì? Theo tôi, nên hướng vào mục tiêu bồi dưỡng phương pháp tư duy (phương pháp luận), qua các môn lô-gích, duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và lý luận về nhận thức. Đừng sa đà vào chuyện duy tâm – duy vật, nhất nguyên luận – nhị nguyên luận, tức là những vấn đề thuần túy triết học.

  1. Những môn học bắt buộc

Phần lớn các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ cho nhóm ngành Kinh tế đã được đưa vào chương trình đào tạo của Trường như những môn học thiết yếu hoặc bổ trợ. Đó là các môn:

  • Triết học Mác – Lênin
  • Lô-gích
  • Học thuyết kinh tế Mác – Lênin
  • Kinh tế học vĩ mô, vi mô
  • Địa lý kinh tế
  • Thống kê kinh tế
  • Toán cao cấp (ghép vào Toán kinh tế)
  • Luật đại cương (ghép vào Luật kinh tế)
  • Tin học
  • Ngoại ngữ
  • Tiếng Việt thực hành (ghép vào Các kỹ năng viết, nói, đàm phán, giao tiếp).

Chỉ còn lại mấy môn phục vụ cho mục tiêu đào tạo toàn diện:

  • Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh (sẽ có quy định chính thức)
  • Chủ nghĩa xã hội khoa học
  • Giáo dục Thể chất
  • Giáo dục Quốc phòng.

Nội dung dạy Lịch sử Đảng ở bậc đại học về cơ bản không khác nội dung dạy ở bậc phổ thông. Vì vậy, Trường ta đã đưa các chính sách của Đảng vào học phần này, làm cho nội dung giảng dạy thiết thực, sinh động, tránh được tình trạng lặp lại nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông. Khi nào có quy định giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh thì cũng ghép vào học phần này vì Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với Lịch sử Đảng.

Về chủ nghĩa xã hội khoa học, nội dung giảng dạy đã nghèo đi rất nhiều kể từ khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Vì vậy không cần đến thời lượng lớn như Bộ quy định.

Về giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng, cũng không cần đến thời lượng (số tiết lên lớp) như Bộ quy định mà vẫn bảo đảm được nội dung quy định.

Dựa vào những quan niệm nêu trên, tôi đưa ra dự kiến điều chỉnh Chương trình đào tạo Cử nhân Quản lý kinh doanh (kèm theo) để các đồng chí trong Ban Giám hiệu, các Khoa, các Phòng thảo luận. Cũng dựa vào những quan niệm nêu trên, tôi sẽ đưa tiếp dự kiến về Chương trình đào tạo bằng 2 Quản lý kinh doanh, Chương trình đào tạo Cử nhân Tiếng Anh kinh doanh và Chương trình đào tạo Cử nhân Tin học quản lý.