Thưa đồng chí và các bạn!
Hôm nay chúng ta có một vụ thu hoạch quan trọng sau 5 năm mở hệ đào tạo Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Chúng ta đã có trên 100 học viên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh. Đó là niềm vui rất lớn của trường và phải nói rằng, đây là thành tích quan trọng của Khoa Đào tạo Sau đại học qua 5 năm phấn đấu.
Thạc sĩ là gì? Tôi muốn đặt câu hỏi đó để tìm vị trí của các vị đã tốt nghiệp thạc sĩ. Thạc sĩ quản trị kinh doanh là gì? Chúng ta phải tìm hiểu vị trí của họ trong xã hội.
Các đây 20 năm, nước ta theo hệ thống giáo dục của Liên Xô, không có hệ đào tạo thạc sĩ. Người nào học xong đại học thì học thẳng lên phó tiến sĩ – ngày nay đổi tên là tiến sĩ.
Như vậy, theo hệ thống giáo dục của Liên Xô, không có mức trung gian giữa đại học và tiến sĩ. Đó là một quan niệm. Quan niệm đó là gì? Theo hệ thống Liên Xô trước đây, tốt nghiệp đại học ra thì làm việc thôi. Anh nào làm kỹ sư, trưởng thành, sẽ là tổng công trình sư, không cần học lên phó tiến sĩ, tiếng Nga gọi là “canđiđat nauc”, tức là người chuẩn bị để làm khoa học.
Hệ thống giáo dục của Mỹ, mà bây giờ chúng ta áp dụng, có cái hay hơn. Họ có bậc gọi là thạc sĩ trước khi làm tiến sĩ. Bây giờ nước ta, cũng như những nước xã hội chủ nghĩa trước đây, chuyển sang áp dụng hệ thống của Mỹ, thế là hợp lý hơn. Bởi vì từ bậc đại học đưa ngay lên bậc tiến sĩ thì vất vả quá. Phải có một bậc trung gian. Nếu xét về mặt học thuật (academic), thì từ đại học chuyển lên bậc thạc sĩ, thuận tiện hơn cho người học và hữu dụng hơn cho xã hội. Cho nên, người ta có hai cách định nghĩa về thạc sĩ.
Nếu để là học thuật, để làm khoa học, thì thạc sĩ là một bậc thấp thôi, cần tiến lên bậc cao hơn là tiến sĩ. Hệ thống của Mỹ không có bậc tiến sĩ khoa học như Liên Xô. Ở trường ta có năm bảy vị đã từng học tiến sĩ khoa học, như GS.TSKH Vũ Huy Từ, GS.TSKH Phan Văn Tiệm, GS.TSKH Lê Văn Viện hay PGS.TSKH Lê Văn Toàn, v.v… đã từng học tiến sĩ khoa học ở Liên Xô. Không biết bây giờ ở các nước Liên Xô cũ có còn bậc học ấy nữa không? Nhưng bây giờ họ cũng chuyển sang hệ thống sau đại học là thạc sĩ, rồi mới là tiến sĩ.
Như vậy, chúng ta xét thạc sĩ với hai vị trí: nếu đi con đường khoa học, thì bậc thạc sĩ là bậc chuẩn bị để bước lên tiến sĩ; còn nếu anh ra làm kinh doanh, thì không cần học thêm, vì thạc sĩ là cao nhất rồi.
Trường ta đã hợp tác với nhiều trường nước ngoài. Họ giới thiệu với tôi những vị chủ ngân hàng, tổng giám đốc ngân hàng trong đó có những ngân hàng lớn, cũng chỉ có trình độ thạc sĩ thôi. Như vậy tức là đứng về phương diện kinh doanh, người ta coi thạc sĩ – nhất là thạc sĩ quản trị kinh doanh hay thạc sĩ về tài chính, về kế toán là đủ. Còn nếu anh đi vào con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thì còn phải bước thêm một bậc nữa: đó là tiến sĩ. Cho nên hơn 100 vị tốt nghiệp thạc sĩ ở trường ta, tùy theo vị trí mà các bạn muốn đảm nhận cho xã hội, các bạn có thể phải học tiếp hoặc không phải học tiếp. Nếu các bạn muốn trở thành cán bộ giảng dạy hay nghiên cứu khoa học, thì các bạn phải đi một bước nữa là học lên tiến sĩ. Nếu các bạn đi vào nghề kinh doanh, thì các bạn không có nhu cầu học hơn nữa, học thạc sĩ là đủ.
Đặc biệt là thạc sĩ quản trị kinh doanh – như hệ thống giáo dục của Mỹ – người Mỹ quan niệm là đào tạo ra để làm giám đốc doanh nghiệp. Có nhiều nước còn yêu cầu là anh tốt nghiệp ngành nào thì tốt nghiệp, nhưng nếu anh muốn làm giám đốc một doanh nghiệp thì phải có thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tức là bằng đó người ta dạy mình để làm giám đốc doanh nghiệp chứ không phải để làm thầy giáo, không phải để làm nhà khoa học và nếu anh làm giám đốc doanh nghiệp thì bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh là đủ Bộ Giáo dục và Đào tạo hơi lẫn lộn. Họ nói rằng anh là kỹ sư thì không thể học thạc sĩ quản trị kinh doanh được. Mãi đến gần đây Bộ mới chuyển hướng lại những người là kỹ sư thì có quyền học thạc sĩ quản trị kinh doanh, với điều kiện anh phải học một số môn chuyển đổi. Đó là hơi dở. Nhưng thôi, Bộ có quyền thì ta chấp nhận. Cho nên từ nay trở đi chúng ta có quyền nhận những người học kỹ thuật, là kỹ sư có thể học thạc sĩ quản trị kinh doanh được.
Ở Mỹ và các nước châu Âu, người ta quan niệm là anh học bất cứ nghề gì, sau khi tốt nghiệp đại học, anh có quyền học thạc sĩ quản trị kinh doanh, không cần phải học chuyển đổi, bởi vì họ coi bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh là một kiến thức, một kỹ năng bổ sung vào để cho anh làm doanh nghiệp.
Ví dụ như nhà văn, tốt nghiệp đại học về văn học, cần bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh để mở nhà xuất bản. Khi anh mở nhà xuất bản, thì anh vừa là nhà văn, vừa là nhà doanh nghiệp. Vậy thì anh phải có thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Một nhạc sĩ, nếu anh muốn kinh doanh các album, cũng phải học thạc sĩ quản trị kinh doanh để điều hành doanh nghiệp của anh, ngoài khả năng của anh là một nhạc sĩ. Nghề họa sĩ và rất nhiều nghề khác cũng như vậy.
Tóm lại, người ta quan niệm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh là một loại kiến thức, kỹ năng bổ sung cho tất cả các nghề khác để trở thành một nhà quản lý doanh nghiệp. Quan niệm đơn thuần là muốn học thạc sĩ quản trị kinh doanh, anh phải có cái gốc là đã học quản trị kinh doanh thì không phải. Ở nước ta, quan niệm hơi dở ở chỗ đó. Tôi có phê bình quan niệm của họ và rất mừng bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp nhận rằng những người thuộc nghề khác có thể học thạc sĩ quản trị kinh doanh, nhưng với điều kiện Bộ quy định là anh phải học một số môn bổ sung. Thôi thì ta chấp nhận vậy, chứ không phải rằng chỉ những người học đại học nghề quản trị kinh doanh mới học lên thạc sĩ quản trị kinh doanh như trước đây Bộ quan niệm. Đó là tôi nói xác định vị trí của thạc sĩ quản trị kinh doanh trong xã hội.
Hơn 100 bạn đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh hôm nay, các bạn sẽ phải theo hai con đường: Nếu coi đó là một bước để đi giảng dạy và nghiên cứu khoa học thì các bạn phải bước thêm một bước nữa là học tiến sĩ; còn nếu các bạn học để làm nhà quản lý kinh doanh, làm giám đốc doanh nghiệp thì. Nhất là đào tạo thạc sĩ như thế là đủ, không phải học nữa.
Khi trường này đặt ra mở ngành đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh thì tôi rất băn khoăn, phải mất hai năm để suy nghĩ có nên mở đào tạo thạc sĩ hay không. Bởi vì đào tạo thạc sĩ có cái khó của nó, có đặc thù của nó. Ở nước ta, ngay quan niệm về đào tạo đại học cũng có những điều hơi dở. Ở các nước, khi bước vào đại học, là anh phải tự nghiên cứu, phải tự đọc sách, có gì khó thì mới hỏi thầy giáo, giảng không quan trọng. Nhưng ở nước ta thì không như vậy. Nếu không giảng nhiều thì sinh viên không chịu học. Cho nên giảng rất quan trọng. Với những người đã từng học đại học, chỉ nghe giảng thôi, không chịu đọc sách thì làm sao mà đào tạo được? Đó là điều tôi rất băn khoăn. Nhất là đào tạo thạc sĩ của nước ta, quy định là học chính quy.
Vậy chính quy là gì?
Chính quy thì các nước gọi là “full time”, tức là cả 8-10 giờ dành cho học tập. Nhưng ở nước ta, xin hỏi các bạn thạc sĩ có mặt ở đây: các bạn có được như thế không? Chắc không có. Trường chỉ bố trí là các bạn học vào ngày thứ bảy và chủ nhật thôi, nghĩa là những ngày mà các bạn không phải đi làm. Như thế thì có phải “full time” không? Khó mà gọi đó là “full time” được. Nhưng mà gọi là “part time” hay “quarter time” thì cũng rất khó. Cái bí của Bộ là như vậy.
Vừa rồi tôi mới phát biểu với Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng khái niệm “chính quy” và “vừa làm vừa học” của anh nó lủng củng quá rồi đấy. Bây giờ anh nói chúng tôi đào tạo thạc sĩ chỉ học thứ bảy và chủ nhật thôi là “vừa làm vừa học” à? Chưa chắc! Nếu như người ta dành 5 ngày khác trong một tuần để đọc sách và học hết chương trình của anh thì anh gọi đó là gì? Cũng có thể gọi là “full time” chứ? Cho nên, khái niệm “full time” hoặc “part time”, “quarter time” là rất lủng củng.
Nhưng sự thật ở đây là các bạn đã qua lớp học thạc sĩ ở trường này. Tôi phải nói thật với các bạn là các bạn chỉ theo “quarter time” thôi. Có thật là các bạn học theo kiểu “full time” không? không có! Tôi đã có cháu học thạc sĩ ở trường RMIT. Mỗi tuần cháu mang về một cuốn sách dầy 500-700 trang, nói phải đọc hết và phải thuyết trình với thầy giáo. Ở trường ta làm gì có thời giờ mà học như thế? Có lần Khoa Đào tạo Sau đại học phản ánh với tôi rằng giáo trình về triết học dài quá, học viên kêu dài quá. Giáo trình đó tôi duyệt rồi và tôi xem lại thì nó có 500 trang, đâu có dài cho môn triết học – một môn học rất cơ bản để tạo ra phương pháp luận trong cái đầu của mỗi con người. Chỉ có 500 trang mà kêu là dài quá! Tôi đánh giá rằng học viên rất kém trong việc tự học. Còn tất cả các giáo trình, các tài liệu bắt đọc tập hợp vào mỗi môn học, thực ra mà nói, cũng chỉ là những bản tóm tắt thôi, chưa đủ. Chính ra học thạc sĩ thì phải đọc nhiều hơn. Tôi nói cho các bạn biết, tuy rằng trường đã chấp nhận cho các bạn tốt nghiệp, nhưng tôi vẫn đánh giá là các bạn chưa đủ kiến thức. Học đại học mỗi một khóa học ít nhất phải có 50 môn học, trải ra rất nhiều môn. Nhưng học thạc sĩ thì người ta thu gọn lại còn một số môn thôi.
Như ở Mỹ, phổ biến một khóa đào tạo thạc sĩ có 20 môn học. Có những nước chỉ có 12 môn học. Có những trường kiếm tiền là chính, nên chỉ có 8 môn thôi. Trường ta theo quan điểm giống như chương trình đào tạo thạc sĩ của Mỹ, tức là các bạn học 18 môn, gần giống chương trình đào tạo thạc sĩ của Mỹ. Nhưng phải nói thẳng ra rằng, ở Mỹ họ bắt học viên đọc rất nhiều; môn học thì thu hẹp lại, nhưng đọc mỗi một môn học nhiều tài liệu hơn, như vậy để chuyên sâu hơn.
Tôi đánh giá rằng, trường ta tuy là học đầy đủ 18 môn thật, nhưng mà học viên đọc quá ít, cho nên kiến thức chưa chuyên sâu, môn học thì ít đi so với đại học. Nhưng lẽ ra mỗi môn học các bạn phải đọc nhiều sách hơn, nhiều tài liệu tham khảo hơn, chứ thầy giáo làm sao truyền đạt hết những kiến thức chuyên sâu! Không truyền đạt nổi đâu! Thực ra thầy giáo cố tìm những gì mới, những gì quan trọng để trình bày với các bạn nhưng không đủ. Phải nhờ sách người ta trình bày mới kỹ được và các bạn phải đọc nhiều sách mới có thể làm cho kiến thức của các bạn phong phú lên được. Ví dụ, các bạn đi sâu vào Tài chính – Ngân hàng trong khi học thạc sĩ mà chỉ học 3 hoặc 6 đơn vị học trình thì quá nghèo nàn. Các nước họ quy định thế thôi, nhưng phải đọc thật nhiều.
Ở trường ta không bắt đọc được. Chúng tôi quy định ngày các bạn lên lớp là thứ bảy và chủ nhật. Vậy mỗi ngày trong tuần, các bạn phải dành ít nhất 3 giờ để đọc tài liệu. Nhưng tôi tin rằng các bạn không đọc được như thế. Thậm chí Khoa Đào tạo Sau đại học còn nói với tôi rằng nhiều bạn cũng không đủ thời giờ để lên lớp dự seminar. Thế thì phải nói rằng các bạn học không sâu. Đành rằng khi thi cũng qua thôi, vì thực ra người ta chỉ kiểm tra cái quan trọng nhất thôi. Mà cái quan trọng nhất thì làm gì không qua? Tôi nói điều này để lưu ý với các bạn rằng các bạn đã tốt nghiệp rồi, trường bắt buộc phải cấp bằng cho các bạn, thậm chí lại tốt nghiệp bằng khá nữa. Nhưng tôi xin lỗi, trong đầu các bạn còn chưa sâu lắm về lĩnh vực chuyên môn đâu. Có thật như vậy không? Tôi chắc không người nào phản đối, bởi vì các bạn không học 3 giờ mỗi ngày trong tuần như nhà trường dự kiến, ngoài 20 giờ đồng hồ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Và kiến thức thì phải nói là vô vàn, đặc biệt đào tạo thạc sĩ nặng về thực hành – đó là hướng của Mỹ. Hướng của Mỹ khác của Liên Xô. Liên Xô đào tạo phó tiến sĩ chủ yếu nặng về lý thuyết, lý thuyết rất rộng. Khi tôi học lớp phó tiến sĩ của Liên Xô, họ sang đây dạy chúng tôi năm 1957-1958, thì phó tiến sĩ kinh tế phải đọc toàn bộ bộ Tư bản dày 3.000 trang, từ tập 1 đến tập 3, từng chương một, kèm theo đó là hơn 10 quyển sách nữa. Như vậy về lý thuyết thì rất kỹ, nhưng chưa quan tâm đến thực hành. Đào tạo phó tiến sĩ của Liên Xô nặng về kiến thức lý thuyết. Lý thuyết về tiền tệ, lý thuyết về tài chính, lý thuyết về thương mại, v.v… đủ hết, nhưng về thực hành thì chưa quan tâm lắm. Còn đào tạo thạc sĩ của Mỹ thì quan tâm đến thực hành nhiều hơn; những người dạy thạc sĩ phải là những người thực hành, phải bày cho học viên những tình huống để trả lời, để thảo luận. Tôi sợ rằng các thầy giáo ở trường này cũng đỗ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cả đấy, nhưng có phải ai cũng thực hành đâu, cho nên thường nặng về lý thuyết.
Nói lên điều này để các bạn biết rằng các bạn đã qua một lớp học nhưng về thực hành của trường này, khả năng truyền thụ cho các bạn còn hạn hẹp lắm.
Đó là hai nhược điểm tôi muốn nhấn mạnh cho các bạn khi ra trường.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, vị thế của các bạn đã khác hẳn rồi đấy. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, ở các trường đại học, lên bục giảng phải có bằng thạc sĩ. Bây giờ các bạn có bằng thạc sĩ, các bạn có thể lên bục giảng ở các trường đại học được. Nhưng nên nhớ là kiến thức của mình còn hạn hẹp, kinh nghiệm thực tế của mình còn chưa nhiều, cho nên các bạn cần bồi dưỡng thêm, chứ nếu tự cho mình đã có bằng thạc sĩ rồi, đủ rồi thì sai lắm đấy. Còn nếu các bạn ra đời làm giám đốc doanh nghiệp thì kiến thức như vậy là đủ rồi, cả thế giới người ta không đòi hỏi các nhà quản lý doanh nghiệp, thậm chí là CEO của những ngân hàng rất lớn, cũng không đòi hỏi cao hơn trình độ thạc sĩ đâu. Thạc sĩ là đủ rồi. Nhưng nếu nhận biết rằng kiến thức của mình chưa sâu, kinh nghiệm của mình chưa nhiều thì nên theo hướng đó mà tự bổ túc thêm kiến thức và kỹ năng của mình.
Đây là những điều mà tôi muốn nhấn mạnh hôm nay khi các bạn nhận bằng thạc sĩ. Phải nói rằng các bạn đã trải qua hai năm học, thực tế là vừa làm vừa học, thì quá là vất vả. Và đây là kết quả đáng chúc mừng rồi. Tôi thay mặt nhà trường chúc mừng các bạn đã đạt được thành công đó, tuy chưa phải là mãn nguyện lắm./.