Kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế xã hội đến năm 2005

  I. Thực trạng kinh tế xã hội nước ta cuối những năm 80

Để hiểu được thực trạng kinh tế xã hội nước ta cuối những năm 80, cần ngược trở lại điểm xuất phát, lấy điểm khởi đầu là những năm cuối của thời Pháp thuộc.

Kinh tế Việt Nam thời Pháp thuộc

Trong hơn 80 năm thống trị nước ta, thực dân Pháp đã thi hành chính sách tàn bạo vơ vét tài nguyên và bóc lột sức lao động của dân ta.

Đến trước Đại chiến thế giới thứ hai, khi đạt tới mức phát triển cao nhất dưới thời thuộc Pháp (năm 1939), nền kinh tế nước ta vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp rất lạc hậu. Sản xuất lúa, ngành sản xuất chính của dân ta, chỉ đạt 1,2 tấn/ha/vụ, và một năm chỉ sản xuất được một vụ, vào mùa mưa. Với diện tích canh tác bình quân đầu người 0,25 ha, sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm được mức bình quân đầu người/năm rất thấp: 311 kg ngũ cốc, 1,73 kg đậu lạc vừng, 0,35 kg đường. Cây công nghiệp quan trọng nhất là cây cao su thì diện tích năm 1940 cũng chỉ đạt 101 ngàn ha, với sản lượng 58 ngàn tấn mủ khô, toàn bộ mủ khô được xuất sang Pháp để làm nguyên liệu cho công nghiệp chính quốc.

Công nghiệp chỉ chiếm 16% giá trị sản lượng công nông nghiệp. Sản phẩm công nghiệp tính trên đầu người cực kỳ thấp: điện 4,8 kwh, than 132,6 kg, xi măng 15,6 kg, gỗ 0,03 m3, vải 2,8 m2, giấy 0,3 kg, xà phòng 0,22 kg.

Mạng lưới giao thông vận tải tương đối phát triển do yêu cầu của hệ thống cai trị thực dân và phần nào do yêu cầu của việc khai thác thuộc địa.

Cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), đặc biệt là sự chiếm đóng của quân đội phát xít Nhật, làm cho nền kinh tế sa sút nghiêm trọng. Hậu quả bi thảm là nạn đói đầu năm 1945 làm cho 2 triệu dân ta chết đói.

1945 -1954

Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta chưa kịp hàn gắn những vết thương chiến tranh thì đã phải bắt tay ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 9 năm kháng chiến (1946-1954), nền kinh tế bị chia cắt thành từng vùng nhỏ mang tính chất tự cấp tự túc. Sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải bị phá hoại nặng nề, sản xuất nông nghiệp tuy có cố gắng phát triển nhưng nhịp độ tăng trưởng vẫn chậm hơn nhịp độ tăng của dân số (21% so với 28%). Năm 1955, mức sản xuất bình quân đầu người về nông nghiệp ở miền Bắc chỉ bằng 95%, về công nghiệp chỉ bằng 32% của năm 1939.

Miền Bắc 1954-1975

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhưng đất nước còn tạm thời bị chia làm hai miền.

Trong hoàn cảnh hòa bình và chiến tranh đan xen nhau, miền Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế (1955-1957), tiến hành cải tạo XHCN (1958-1960), phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, đồng thời bắt tay xây dựng một số công trình công nghiệp (1958-1965). Nhờ đó, tiềm lực kinh tế đã được tăng cường, sản xuất lương thực đã đạt 318 kg bình quân đầu người (1961), phần lớn hàng công nghiệp tiêu dùng đã được đáp ứng bằng sản xuất trong nước, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế đã được đưa lên bằng 15% thu nhập quốc dân. Những thành tựu trên đây tuy còn khiêm tốn, nhưng đã bỏ xa thời kỳ trước Đại chiến. Nó đánh dấu một thời kỳ phát triển lành mạnh của nền kinh tế nước ta.

Từ khi đế quốc Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965), nhiều công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi bị phá hoại nghiêm trọng, sản xuất giảm sút, trong khi nhu cầu của cuộc kháng chiến thì ngày càng tăng. Viện trợ của các nước anh em đã được đáp ứng trong tình hình đó. Viện trợ mỗi năm từ mức 200-300 triệu rúp (mỗi rúp bằng 1,5 đô la) đã lên đến 1 tỷ rúp vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Toàn bộ quỹ tích lũy và một phần quan trọng quỹ tiêu dùng phải dựa vào viện trợ. 70-80% ngân sách Nhà nước dựa vào viện trợ. Từ góc độ phát triển kinh tế mà xét thì đây là một bước chuyển theo hướng không lành mạnh mà hậu quả của nó cho đến nay (1989) vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được.

Công cuộc phát triển kinh tế ở miền Bắc để lại những bài học đáng ghi nhớ.

  1. Trong khi đã đạt được thành tựu trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng một số cơ sở công nghiệp nhẹ quy mô vừa và nhỏ, chúng ta đã không thành công trong việc xây dựng một số công trình công nghiệp nặng vượt quá sức của nền kinh tế, tiêu biểu là khu liên hợp gang thép Thái Nguyên và nhà máy phân đạm Hà Bắc. Phần lớn vốn đầu tư của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) và của nhiều năm tiếp theo đã bị chôn vào các công trình đó mà không đem lại sản phẩm. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, chúng ta cũng đã nhập về nhiều máy móc thiết bị để chuẩn bị cho hàng loạt công trình công nghiệp nặng sẽ xây dựng. Ý đồ công nghiệp hóa nhanh, sớm đi vào ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, ham làm nhiều công trình qui mô lớnmà ít cân nhắc đến hiệu quả của đầu tư, ít tính đến các tiền đề kinh tế xã hội cần thiết, đã chi phối chiến lược phát triển của chúng ta ngay từ đầu những năm 1960. Ý đồ chiến lược này càng được tăng cường khi cuộc kháng chiến chống Mĩ thắng lợi, các nước anh em dành cho chúng ta những khoản viện trợ to lớn (trên 4 tỷ rúp) để xây dựng lại đất nước.
  2. Trong công cuộc cải tạo XHCN, chúng ta đã nặng về mục tiêu thiết lập chế độ công hữu XHCN càng sớm càng tốt, xóa bỏ chế độ tư hữu càng sớm càng tốt, trong khi mục tiêu phát triển lực lượng sản xuất – cái đích quan trọng nhất mà mọi sự thay đổi về quan hệ sản xuất phải nhằm đạt tới, thì lại bị coi nhẹ. Do đó đã thúc ép nông dân tổ chức các hợp tác xã bậc cao, quy mô lớn, hạn chế kinh tế cá thể và kinh tế phụ gia đình, hạn chế thị trường tự do về nông sản, hạn chế và xóa bỏ kinh tế tư nhân của tiểu chủ và tư sản, trong khi có thể và cần phải tận dụng các hình thái kinh tế này để phát triển lực lượng sản xuất.

Miền Nam 1954- 1975

Ở miền Nam, sau ngày hòa bình lập lại (1954) kinh tế được khôi phục và phát triển. Tuy nhiên, tình hình này không kéo dài. “Cuộc chiến tranh đặc biệt” và tiếp theo là “Cuộc chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ đã gây ra những đảo lộn lớn trong nền kinh tế. Các vùng nông thôn bị đánh phá ác liệt, sản xuất nông nghiệp giảm sút mạnh. Từ chỗ xuất khẩu gạo (mỗi năm 200-300 ngàn tấn), miền Nam phải nhập khẩu gạo ngày càng nhiều. Một số sản phẩm cây công nghiệp truyền thống như đường, thuốc lá, dầu thực vật cũng phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Trong khi đó thì Sài Gòn và các thị xã thị trấn trở thành căn cứ quân sự và nơi tập trung tiêu xài của đội quân xâm lược và của ngụy quân ngụy quyền. Thương mại và dịch vụ đặc biệt phát triển. Hình thành một số ngành công nghiệp có kỹ thuật tương đối hiện đại, nhưng nguyên liệu thì gần như toàn bộ phải nhập khẩu, xí nghiệp chỉ đảm nhiệm khâu gia công cuối cùng để làm thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa (dệt, dệt kim, may, làm đồ dùng bằng nhôm, bằng chất dẻo, tinh luyện đường, luyện thép từ sắt vụn, làm bột giặt từ hóa chất nhập khẩu, v.v…). Nuôi sống hệ thống công nghiệp này là nguồn viện trợ Mĩ. Chỉ riêng nguyên liệu nhập khẩu, mỗi năm đã cần tới 300-400 triệu đô la. Để đáp ứng yêu cầu triển khai chiến tranh xâm lược, đế quốc Mĩ đã xây dựng ở miền Nam một hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển và sân bay rất phát triển. Tất cả những hoạt động nêu trên đều dựa trên cơ sở một tỷ đô la viện trợ kinh tế mỗi năm (chưa kể chi phí trực tiếp của nửa triệu quân Mĩ). Điều này nói lên thực chất sự phồn vinh giả tạo của kinh tế miền Nam thời Mĩ – ngụy. Nó cũng cho phép ước lượng cái hẫngmà nền kinh tế phải gánh chịu sau ngày miền Nam giải phóng.

1976-1988  Thành tựu

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ mở ra cho nhân dân ta triển vọng xây dựng đất nước trong điều kiện cả nước độc lập và thống nhất. Nhưng chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc và bè lũ Pôn Pốt tay sai của chúng ở Căm-pu-chia đã đặt đất nước ta vào cục diện lại phải đối đầu. Chiến tranh, xung đột, việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Căm-pu-chia và sự bao vây kinh tế của các lực lượng thù địch là những điều kiện hết sức bất lợi cho công cuộc xây dựng kinh tế. Trong hoàn cảnh như vậy, Đảng ta, nhân dân ta đã có những cố gắng rất lớn và đã đạt được một số thành tựu quan trọng:

  1. Trong thời gian 1976-1988, tổng sản phẩm xã hội đã tăng 1,74 lần, thu nhập quốc dân sản xuất tăng 1,55 lần, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 2,64 lần, giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 1,5 lần, khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 1,8 lần, tài sản cố định sản xuất tăng 2,6 lần. Tám triệu lao động đã được thu hút vào các ngành kinh tế quốc dân.
  2. Quan hệ kinh tế đối ngoại phát triển đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 1988 đạt 1 tỷ rúp và đô la, tăng 4,5 lần so với năm 1976. Tỷ lệ của xuất so với nhập năm 1976 là 22%, đã nâng lên 38% năm 1988. Trong thời gian 1976-1988, chúng ta đã tranh thủ được một nguồn vốn bên ngoài quan trọng: 10,3 tỷ rúp (trong đó, 80% do Liên Xô cung cấp) và 4,1 tỉ đô la. Nguồn vốn này bằng khoảng 20% thu nhập quốc dân sản xuất của nước ta trong thời gian đó. Nhờ có nguồn vốn này, chúng ta mới có thể triển khai xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thực hiện tái sản xuất mở rộng trong khi chưa tạo ra được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Cũng nhờ có nguồn vốn này, chúng ta mới bù đắp được khoản thiếu hụt trong quỹ tiêu dùng, hậu quả của chiến tranh và thiên tai.
  3. Sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa tiếp tục được phát triển.

Khủng hoảng thiếu hụt

Những thành tựu trên đây tuy quan trọng, song chưa đủ để tạo ra cuộc sống ổn định và nhịp độ phát triển kinh tế bình thường sau mấy thập kỷ chiến tranh. Đất nước vẫn chưa vượt qua được tình trạng khủng hoảng thiếu hụt, thể hiện ở những mặt sau đây:

  1. Sản xuất tăng chậm, thu nhập quốc dân sử dụng tính trên đầu người liên tục giảm và chỉ vài năm lại đây mới khôi phục được bằng mức của năm 1976.

Từ 1976-1988, thu nhập quốc dân sản xuất chỉ tăng bình quân mỗi năm 3,75% (chỉ số này trong những năm 1976-1980 chỉ là 0,4%) trong khi dân số tăng bình quân mỗi năm 2,25%. Thu nhập quốc dân sản xuất tính trên đầu người chỉ tăng mỗi năm 1,5%.

Trong khi thu nhập quốc dân sản xuất tăng chậm thì nguồn tài trợ từ bên ngoài lại giảm mạnh. Đợt giảm mạnh nhất diễn ra ngay sau ngày giải phóng miền Nam: khoản viện trợ không hoàn lại cho cả miền Bắc lẫn miền Nam, tính chung là 2 tỷ rúp và đô la mỗi năm, về cơ bản không còn nữa. Khoản viện trợ này bằng khoảng 60% thu nhập quốc dân sản xuất của năm 1976. Đối với một nền kinh tế suốt một thập kỷ tồn tại và phát triển nhờ vào viện trợ thì đây là một cái hẫnglàm đảo lộn toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối. Nó gây ra những mất cân đối nghiêm trọng mà hơn chục năm sau vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được. Trong cả thời gian 1976-1988, thu nhập quốc dân sản xuất mới tăng được 55%, cũng tức là, về tổng số, xem như bù được cái “hẫng” đó. Tuy nhiên cũng trong thời gian này, dân số đã tăng 30%. Điều này có nghĩa là tính trên đầu người, năm 1988 vẫn còn một khoảng cách rất xa so với năm 1975 về trước, xét về mức sống cũng như về các khả năng cân đối cho sản xuất. Qua 13 năm phát triển, thu nhập quốc dân sản xuất mới chỉ bắt đầu bù đắp được quỹ tiêu dùng với mức sống rất thấp, hoàn toàn chưa có tích lũy.

Để có được sự tăng trưởng nói trên, trung bình mỗi năm chúng ta đã phải vay vốn bên ngoài 1 tỉ rúp và đô la. Điều này để lại một món nợ lớn, tính đến cuối năm 1988 là 3,84 tỉ đô la và 9,73 tỉ rúp, bằng 13 lần kim ngạch xuất khẩu của năm 1988.

Tiếp theo việc chấm dứt viện trợ không hoàn lại vào năm 1975 là việc bao vây kinh tế của các nước phương Tây kể từ năm 1979 (sau sự kiện quân đội ta giúp nhân dân Căm-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt), việc chấm dứt áp dụng hệ thống giá ưu đãi của các nước Hội đồng tương trợ kinh tế kể từ năm 1981 (hệ quả là giá nhập khẩu tăng lên gấp đôi), việc trả nợ nước ngoài kể từ năm 1978. Mỗi sự kiện trên đều có ý nghĩa làm giảm nguồn ngoại tệ và nguồn vốn ngoài nước.

Do nguồn vốn ngoài nước giảm cho nên thu nhập quốc dân sử dụng tính trên đầu người năm 1988 chỉ tăng không đáng kể so với năm 1976, và nếu tính theo giá quốc tế thì mới chỉ xấp xỉ bằng năm 1976.

Tình hình trên đây là cơ sở của nhiều diễn biến phức tạp trong đời sống kinh tế và xã hội nước ta trong 13 năm qua. Đánh giá và dự báo không đúng tình hình đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong bố trí chiến lược về kinh tế xã hội.

  1. Đi đôi với sản xuất trì trệ, thu nhập quốc dân sử dụng tính trên đầu người giảm sút là hiệu quả rất thấp của sản xuất.

Nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, đặc biệt là về năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng thay thế. Đại bộ phận những thứ này phải nhập khẩu. Do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu, công nghiệp chỉ sử dụng được một nửa công suất. Máy móc thiết bị thiếu phụ tùng thay thế, ngày càng cũ nát, công suất giảm, tỷ lệ không hoạt động ngày càng tăng. Tình trạng thiếu điện kéo dài nhiều năm có liên quan đến chủ trương cùng một lúc xây dựng nhiều nhà máy lớn.

Biên chế của các xí nghiệp nặng nề (vì phải tiếp nhận bộ máy công chức của chế độ cũ, phải tiếp nhận thanh niên xung phong và bộ đội xuất ngũ), ngay trong trường hợp hoạt động hết công suất cũng vẫn thừa lao động. Kỷ luật lao động lỏng lẻo, số giờ lao động hữu ích trong ngày công phổ biến không đạt được 6-7 tiếng (ở Nhật trong thời kỳ sau chiến tranh là 9-10 tiếng).

Tình hình trên đây dẫn đến năng suất lao động giảm, định mức tiêu hao vật tư tăng, so sánh ngay với mức đã đạt được năm 1964 về trước.

Hiệu quả của sản xuất thấp là nguồn gốc của mức sống thấp và nhịp độ tăng trưởng trì trệ.

  1. Lạm phátkéo dài trong những năm kháng chiến chống Mĩ, không những không được khắc phục sau ngày kháng chiến thắng lợi, mà ngày càng trầm trọng hơn. Mãi đến đầu năm 1989, lạm phát mới được chặn lại, chủ yếu bằng biện pháp thắt chặt tiền tệ và tín dụng, thả nổi giá cả và tỷ giá hối đoái (cũng tức là nâng giá vật tư nhập khẩu và hàng công nghiệp), chuyển toàn bộ các xí nghiệp quốc doanh sang tự chủ kinh doanh, lời ăn lỗ chịu. Hiệu ứng phụ của các biện pháp này là những đảo lộn mới trong nền kinh tế, chủ yếu trong khu vực quốc doanh: sản xuất công nghiệp giảm sút, hàng hóa ứ đọng, hệ thống thanh toán tắc nghẽn, một bộ phận quan trọng công nhân viên chức khu vực quốc doanh không có việc làm hoặc thiếu việc làm, sức mua giảm sút.
  2. Những khó khăn kinh tế nêu trên dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội.Đời sống của nhân dân lao động, đặc biệt là của cán bộ công nhân viên chức và lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn. Nạn thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng trầm trọng ở cả thành thị lẫn nông thôn (theo thống kê của tỉnh Hà Nam Ninh, số người không có việc làm và thiếu việc làm từ 6 tháng trở lên chiếm trên 20% tổng số lao động). Tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em và thanh thiếu niên tăng lên. Tỷ lệ bệnh tật tăng, trong khi các bệnh viện không đủ giường bệnh và thiếu thuốc nghiêm trọng. Sự nghiệp giáo dục đào tạo gặp nhiều khó khăn, chất lượng giảm sút rõ rệt, số học sinh bỏ học ngày càng nhiều. Đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn, nhất là ở các vùng nông thôn và miền núi. Những giá trị đạo đức tinh thần trong nhân dân như thương yêu đùm bọc lẫn nhau, nhiệt tình cách mạng, lòng tin vào chủ nghĩa xã hội và vào sự lãnh đạo của Đảng bị xói mòn. Các tệ nạn xã hội và tình trạng phạm tội ngày càng tăng. Trật tự kỷ cương trong lao động, trong đời sống xã hội, trong bộ máy Nhà nước ngày càng lỏng lẻo. Công bằng xã hội suy giảm, tệ tham nhũng, cường hào gây bất bình trong nhân dân và trong cán bộ công nhân viên chức. Việc giải quyết các vấn đề xã hội sau chiến tranh, nhất là việc chăm sóc các đối tượng chính sách, có nhiều thiếu sót.

Giữa các vùng của đất nước, bộc lộ những chênh lệch ngày càng đậm nét về phát triển kinh tế văn hóa và về mức sống, nổi bật là chênh lệch giữa đồng bằng với miền núi và Tây nguyên, giữa Nam bộ với các vùng khác trong nước. Ngay trong tầng lớp những người ăn lương cũng xuất hiện chênh lệch lớn: lao động như nhau nhưng ở vùng này thì thu nhập gấp 4-5 lần, thậm chí 10 lần so với các vùng khác.

Những khó khăn kinh tế nêu trên gắn liền với nền kinh tế lạc hậu, lại bị phá hoại, bị kìm hãm suốt 5 thập kỷ chiến tranh gần như liên tục, trong khi dân số vẫn tăng. Trong mấy thập kỷ ấy, nhân dân ta đã phải hy sinh to lớn để giành lấy và bảo vệ độc lập tự do, chẳng những hy sinh về người và của, mà hy sinh cả về thời gian – thời gian đáng lẽ dùng để xây dựng đất nước, phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Đó là lẽ vì sao kinh tế nước ta đã bị tụt hậu mấy thập kỷ so với những nước cùng trình độ phát triển như ta trước hoặc sau Đại chiến thế giới thứ hai. Từ khi đế quốc Mĩ đưa quân vào xâm lược nước ta, nền kinh tế nước ta lại mang thêm một nhược điểm mới: phụ thuộc nặng nề vào viện trợ bên ngoài. Khi không còn nguồn viện trợ này thì mọi cân đối trong nền kinh tế đều bị rối loạn, đặc biệt trong công nghiệp và trong nền tài chính quốc gia. Muốn lập lại sự cân đối, phải cấu trúc lại nền kinh tế, điều này không thể đạt được trong một thời gian ngắn. Thời gian cần thiết để lập lại sự cân đối càng bị kéo dài do hiện tượng bùng nổ dân số sau chiến tranh.

Sai lầm, khuyết điểm

Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, phải kể đến những sai lầm khuyết điểm chủ quan mà Đại hội V và Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Đảng ta đã phạm một số sai lầm về đường lối, về bố trí và chỉ đạo chiến lược phát triển, bắt nguồn từ những quan niệm không đúng về CNXH, về thời kỳ quá độ cùng các chặng đường cần thiết để xây dựng CNXH, từ sự đánh giá không đầy đủ về điểm xuất phát, về hoàn cảnh quốc tế và về những điều kiện trong nước sau khi chống Mĩ thắng lợi. Thực chất của những sai lầm này là chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, nóng vội muốn đốt cháy giai đoạn. Bên cạnh đó, vẫn có một số mặt bảo thủ trì trệ kéo dài. Biểu hiện cụ thể ở các mặt như sau:

Cơ cấu kinh tế

  1. Trong bố trí cơ cấu kinh tế, đã không tập trung sức ngay từ đầu, và cho đến nay vẫn chưa tập trung đủ mức vào việc phát triển nông nghiệp nhằm giải quyết một cách căn bản vấn đề lương thực thực phẩm.Vốn đầu tư cho nông nghiệp (kể cả thủy lợi) không vượt quá 20% tổng vốn đầu tư. Sản lượng lương thực tính trên đầu người cho đến năm 1988 vẫn chỉ ở mức 300 kg, trong khi mức an toàn về lương thực đòi hỏi phải đạt 350-400 kg. Nhiều tiền đề khác của công nghiệp hóa XHCN như vốn tích lũy trong nước, sự phát triển ổn định của nền sản xuất, cũng chưa được tạo ra. Vậy mà ngay từ năm 1976, chúng ta đã thực thi một chiến lược mà cốt lõi là triển khai công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
  • Chương trình xây dựng công nghệp đề ra cho kế hoạch 5 năm 1976-1980 là một chương trình vượt xa khả năng hiện thực, hầu như chỉ xuất phát từ khả năng cung cấp thiết bị toàn bộ của các nước anh em. Chương trình đó đã phải thực hiện trong 3 kế hoạch 5 năm liền mới hoàn thành được về cơ bản, mặc dù đã điều chỉnh bớt nhiều công trình đã được các nước anh em thỏa thuận giúp đỡ. Trong số những sai lầm cụ thể, có một sai lầm nổi bật là đã bố trí xây dựng cùng một lúc nhiều công trình lớn, làm cho thời gian xây dựng kéo dài, chôn vốn lâu, chậm phát huy hiệu quả, những công trình đã xây dựng thì mức huy động thấp vì thiếu đồng bộ. Tiêu biểu cho tình hình này là 3 công trình điện lực lớn, 3 nhà máy xi măng lớn, 2 nhà máy giấy lớn, 2 cầu lớn qua sông Hồng, các nhà máy dệt với tổng công suất 40 vạn cọc sợi. Trong khi đó, đã không chú ý đúng mức việc khôi phục, cải tạo, đồng bộ hóa và bảo đảm đủ nguyên liệu, năng lượng, phụ tùng cho những năng lực sản xuất sẵn có. Việc tập trung phần lớn vốn đầu tư cho các công trình công nghiệp, đặc biệt là các công trình quy mô lớn, đã hạn chế đầu tư vào các mục tiêu khác về kinh tế văn hóa và gây ra những mất cân đối mới trong nền kinh tế.
  • Trong khi nguồn hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, nặng về thu gom góp nhặt, đã không chú ý tập trung đầu tư và có chính sách khuyến khích mạnh để sớm tạo ra những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là những mặt hàng mà đất nước có nhiều khả năng phát triển, có thị trường tiêu thụ lớn, như cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày, gia công hàng tiêu dùng xuất khẩu. Đó là nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu tăng chậm, khả năng thanh toán quốc tế tăng chậm, việc khắc phục tính chất phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài của nền kinh tế đạt kết quả chậm. Gắn liền với khuyết điểm này là tư tưởng ỷ lại nặng vào bên ngoài, tiếp tục trông chờ vào viện trợ bên ngoài để giải quyết các cân đối của nền kinh tế.
  • Hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc và nói chung kết cấu hạ tầng yếu kém,xuống cấp, do đầu tư thấp. Kết cấu hạ tầng xã hội như nhà ở, hệ thống cấp nước, trường học, bệnh viện,… thường bị coi nhẹ trong bố trí kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, lại thiếu chính sách khuyến khích nhân dân tự mình bỏ vốn xây dựng nhà ở. Việc đầu tư không đúng mức cho trường học, bệnh viện, và nói rộng hơn cho giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, ngoài những hậu quả về mặt đời sống và xã hội, còn có ý nghĩa hạn chế lâu dài đối với việc phát huy yếu tố con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội.

Cơ cấu lãnh thổ của nền kinh tế

  1. Về cơ cấu lãnh thổ của nền kinh tế, còn thiếu những chủ trương chính sách cần thiết đối với Tây nguyên, miền núi, nhằm khắc phục một bước sự chêch lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế văn hóa và về mức sống. Chậm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất chuyên môn hóa quy mô lớn, có năng suất và tỉ suất hàng hóa cao, phù hợp với các điều kiện sinh thái của từng vùng. Chậm hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất và kết cấu hạ tầng của các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả của sản xuất công nghiệp. Nhiều đô thị vẫn đơn thuần là những trung tâm hành chính, hoặc hành chính – văn hóa – thương mại, chưa trở thành những trung tâm công nghiệp gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ. Một số thị xã, thị trấn thậm chí tàn lụi. Ngay một số thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, vẫn chưa có phương hướng phát triển thích hợp.

Cơ cấu thành phần của nền kinh tế

  1. Về cơ cấu thành phần của nền kinh tế, do quan niệm đơn giản cho rằng CNXH có nghĩa là mở rộng tối đa phạm vi của kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, bất kể trình độ phát triển của lực lượng sản xuất như thế nào, cho nên đã đặt ra nhiệm vụ phải cơ bản hoàn thành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh ngay trong những năm đầu của thời kỳ quá độ, không kể đến việc cải tạo này có đem lại hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển hay không. Chỉ đến Đại hội VI, chúng ta mới thực sự nhận ra những sai lầm này và trong mấy năm qua đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong việc phát huy tiềm lực của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh nhằm đẩy mạnh sản xuất.

Cơ chế quản lý

  1. Trong lĩnh vực cơ chế quản lý kinh tế, chúng ta cũng đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Suốt thời gian dài (30 năm) kể từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), cơ chế quản lý kinh tế của ta về cơ bản vẫn là cơ chế quản lý tập trung – hành chính bao cấp, mang nhiều yếu tố tập trung quan liêu. Trong thời gian kháng chiến chống Mĩ, việc duy trì cơ chế quản lý tập trung là điều không tránh khỏi và cũng là cần thiết, vì lợi ích của cuộc chiến đấu. Nhưng khi đã chuyển sang hòa bình xây dựng kinh tế, nhất là khi tác dụng kìm hãm của cơ chế đó đã bộc lộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội thì tiếp tục duy trì cơ chế đó rõ ràng là biểu hiện của tư tưởng bảo thủ, xa rời cuộc sống.

Ngay từ cuối những năm 60, Đảng đã nhiều lần chỉ rõ tác hại của cơ chế hành chính – bao cấp, nhưng thay thế nó bằng một cơ chế có nội dung như thế nào là hợp lý, hiệu quả, thì chúng ta lại vấp phải nhiều quan điểm lý luận cũ kỹ. Điều này cản trở chúng ta tìm tòi xử lý đúng đắn mối quan hệ hàng hóa – tiền tệ trong công tác kế hoạch hóa và quản lý nền kinh tế đang trong bước đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điểm xuất phát về lý luận là những quan niệm cứng nhắc, đơn giản hóa về CNXH và về nền kinh tế XHCN, chưa thấy rõ và chưa thừa nhận nền kinh tế trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế hàng hóa có nhiều thành phần kinh tế tham gia, nền kinh tế này phải phát triển theo hướng kế hoạch hóa, nhưng kế hoạch hóa là một quá trình phát triển từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng, được thực hiện bằng những công cụ trực tiếp và bằng cả những công cụ gián tiếp, thông qua các quan hệ thị trường.

  • Việc chuyển từ hệ thống giá cố định, thoát ly giá trị và mang tính bao cấp, sang hệ thống giá mới tiến hành một cách thiếu nhất quán về quan điểm, thiếu đồng bộ về giải pháp và thiếu một trình tự hợp lý về bước đi. Cuộc cải cách lặp lại nhiều lần, mỗi lần đều lấy mức giá của thị trường làm chuẩn để nâng toàn bộ hệ thống giá lên nhiều lần, làm bùng lên ngọn lửa lạm phát và gây ra những đảo lộn lớn trong kinh tế và đời sống.
  • Từ sau ngày chống Mĩ thắng lợi, tình hình kinh tế tài chính có nhiều biến động lớn gây mất cân đối nghiêm trọng trong sản xuất, trong tiêu dùng và trong nền tài chính quốc gia. Đảng ta đã không đánh giá đúng và dự báo đúng tình hình, không quyết  tâm đề ra và thực hiện một chính sách tài chính quốc gia phù hợp với tình hình mới mà nội dung là phân phối và phân phối lại một cách hợp lý thu nhập quốc dân, kiên quyết không tiêu dùng vượt quá khả năng cho phép, kiên quyết gạt bỏ tư tưởng ỷ lại vào vay nợ bên ngoài để cân đối tiêu dùng, kiên quyết gạt bỏ quan điểm dùng lạm phát để xây dựng cơ bản, kịp thời xóa bỏ những khoản bao cấp thời chiến, bảo đảm nguồn thu thỏa đáng cho ngân sách Nhà nước, tiết chế các khoản chi cho phù hợp với nguồn thu, có chính sách động viên mọi nguồn nhân tài vật lực trong nhân dân vào sự nghiệp phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Thiếu một chính sách tài chính quốc gia đúng đắn đã dẫn đến hậu quả lạm phát kéo dài và ngày càng trầm trọng. Lạm phát làm cho thị trường và giá cả biến động liên tục, đồng tiền mất giá liên tục, đời sống của lớp người ăn lương giảm sút liên tục. Trong số các nguyên nhân gây ra lạm phát thì nguyên nhân chủ yếu là chi tiêu của Nhà nước đã và đang vượt quá nguồn thu. Vì vậy, muốn chống lạm phát mà không thông qua các biện pháp tài chính để điều chỉnh sự phân phối thu nhập quốc dân có lợi cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tiết chế các khoản chi cho phù hợp với nguồn thu, chỉ đơn thuần dựa vào biện pháp giá cả và tiền tệ (phát hành) thì kết quả không thể vững chắc.
  • Nền kinh tế quốc dân là một hệ thống các quan hệ đa dạng, cả chiều dọc lẫn chiều ngang xoắn xuýt lấy nhau, không chia cắt được. Trong khi đó thì việc phân cấp quản lý cho các cấp chính quyền địa phương lại là một tất yếu, nhất là đối với một nước có quy mô lãnh thổ và dân số tương đối lớn như nước ta. Trong những năm qua, chúng ta đã xử lý vấn đề này có phần đơn giản, máy móc, dựa trên quan điểm cho rằng trong cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, tồn tại khách quan một khu vực kinh tế trung ương và một khu vực kinh tế địa phương. Sự phân cấp quản lý theo quan điểm này đã dẫn đến kết quả chia cắt các tổ chức sản xuất và lưu thông theo cấp quản lý hành chính và theo địa giới hành chính, gây trở ngại cho sự hợp tác, liên kết giữa những xí nghiệp vốn có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, làm cho bộ máy sản xuất và lưu thông phình lên với nhiều tầng, nhiều nấc, làm cho chi phí sản xuất và chi phí lưu thông tăng lên một cách giả tạo. Chủ nghĩa địa phương, cục bộ cũng có đất để phát triển.
  • Trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội, bất kỳ cơ chế nào cũng không thể vận hành được nếu thiếu kỷ cương, kỷ luật. Tình trạng lỏng lẻo về kỷ cương, kỷ luật đã trở thành hiện tượng đáng lo ngại. Nó bắt nguồn trực tiếp từ sự thiếu nhất trí trong Đảng trong việc khẳng định những thể chế quản lý mới, dẫn đến duy trì quá lâu cơ chế quản lý cũ, trong khi đó thì cuộc sống lại buộc các ngành, địa phương và cơ sở phải tự mình tìm cách tháo gỡ những vướng mắc của cơ chế quản lý cũ, cũng tức là “phá rào”.

Những thành công cũng như những vấp váp, sai lầm trong thời gian qua là những bài học quý báu đối với việc bố trí chiến lược trong thời gian tới.

   II. Đánh giá các nguồn lực và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển

Để xác định Kế hoạch dài hạn, cần kiểm kê đánh giá các nguồn lực, các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển, cả về mặt thuận lợi cũng như về các mặt hạn chế, trở ngại. Các yếu tố chủ yếu là: dân số, lao động, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vất chất – kỹ thuật và hoàn cảnh quốc tế.

Dân số và lao động

Dân số và lao động vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể và động lực của phát triển kinh tế – xã hội.

Trong 45 năm qua, dân số nước ta đã tăng 3 lần, từ 22,5 triệu người năm 1944 (năm 1945 giảm 2 triệu người vì nạn đói) lên 64,4 triệu người năm 1989. Đã qua giai đoạn “bùng nổ dân số” (1955-1980) với nhịp độ tăng bình quân hàng năm 3,1% tức là tăng hơn 2 lần trong 25 năm. Hiện đã chuyển sang giai đoạn nhịp độ giảm dần: 2%/năm vào cuối những năm 80.

Về quy mô dân số, nước ta là một nước tương đối lớn: đứng thứ 12 trong số 204 nước trên thế giới, đứng thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á. Quy mô dân số lớn thì nguồn lực lao động lớn, thị trường lớn, cho phép phát triển một nền kinh tế có cơ cấu nhiều ngành nghề, có khả năng tham gia vào nhiều lĩnh vực của hệ thống phân công lao động quốc tế.

Nhưng dân số lớn cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển: những giới hạn về tài nguyên thiên nhiên trở nên chật hẹp hơn, việc nâng cao các chỉ tiêu kinh tế trên đầu người gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện nhịp độ tăng trưởng của thu nhập quốc dân còn chậm thì nhịp độ tăng dân số cao là một trở ngại lớn đối với mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân.

Từ các căn cứ nêu trên, bản Kế hoạch dài hạn coi vấn đề hạn chế nhịp độ tăng dân số là một nhiệm vụ cấp bách. Kết quả đạt được đến đâu phụ thuộc vào hiệu quả của cuộc vận động “sinh đẻ có kế hoạch” theo hướng mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con. Dân số được dự báo theo 3 phương án:

Phương án I: nếu đạt được nhịp độ tăng bình quân hàng năm 1% trong thời gian 2000 – 2005 thì dân số năm 2005 sẽ là 78 triệu người.

Phương án II: nếu nhịp độ tăng bình quân hàng năm chỉ đạt 1,4% thì dân số năm 2005 sẽ là 84 triệu người.

Phương án III: nếu nhịp độ tăng bình quân hàng năm chỉ đạt 1,5% thì dân số năm 2005 sẽ là 86 triệu người.

Ngày nay nhìn lại, rất mừng là cuộc vận động “sinh đẻ có kế hoạch” đã đạt được hiệu quả cao hơn dự báo của Phương án II, tuy chưa đạt được hiệu quả như dự báo của Phương án I. Dân số năm 2005 là 82,4 triệu người.

Tài nguyên thiên nhiên

Đối với một nước chậm phát triển, nền kinh tế đi lên nhanh hay chậm, với cơ cấu như thế nào, một phần quyết định tùy thuộc ở nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Với những hiểu biết đến thời điểm đó (1989), nước ta không giàu về tài nguyên thiên nhiên, nếu xét tài nguyên thiên nhiên trong mối quan hệ với dân số và với nhu cầu phát triển kinh tế trong vài ba mươi năm trước mắt. Tài nguyên thiên nhiên nước ta tương đối đa dạng, nhưng hầu hết có quy mô nhỏ hoặc vừa, chỉ có rất ít có quy mô lớn. Tài nguyên khoáng sản phân bố phân tán, điều kiện khai thác thường là không dễ dàng, chất lượng nhiều thứ đòi hỏi kỹ thuật chế biến phức tạp. 

Đất

Diện tích đất nông nghiệp chia bình quân đầu người chỉ có 0,11 héc ta, bằng 1/3 mức bình quân của thế giới và thuộc loại thấp nhất trong vùng Đông Nam Á. Tính riêng đất canh tác thì bình quân đầu người chỉ xấp xỉ 0,1 héc ta. Trong 15 năm tới hoặc 50 năm tới, dù có tận lực mở thêm đất mới thì cũng chỉ giữ được cho mức bình quân ấy không tụt xuống nữa. Đất quá ít là một khó khăn lớn cho việc giải quyết vấn đề lương thực thực phẩm, mặc dù điều kiện khí hậu cho phép sử dụng đất với hiệu suất tương đối cao.

Về tiềm năng, đất nông nghiệp có thể mở đến 10-11 triệu héc ta, trong đó khoảng 7,6 triệu héc ta có thể dùng để trồng cây hàng năm, khoảng 2-3 triệu héc ta có thể dùng để trồng cây lâu năm. Hiện nay đã sử dụng cho cây hàng năm 5,53 triệu héc ta, cho cây lâu năm 86 vạn héc ta, ngoài ra là 33 vạn héc ta đồng cỏ tự nhiên và 17 vạn héc ta mặt nước nông nghiệp.

Số đất có thể mở thêm phần lớn là đất dốc, thiếu nguồn nước, một phần đã bị xói mòn, thoái hóa, diện tích đất bằng có thể dùng vào việc trồng lúa chỉ có 30 vạn héc ta, mà hầu hết là đất mặn, đất phèn, ngập úng, đòi hỏi đầu tư lớn về thủy lợi. Trong khi việc mở thêm diện tích trồng trọt có nhiều khó khăn và tốn kém (trong 12 năm 1976-1987, khai hoang được 1,1 triệu héc ta, trong đó đưa vào trồng trọt 82 vạn héc ta) thì diện tích đất thuộc bị sử dụng vào các mục đích không phải là trồng trọt lại rất lớn. Chỉ trong 5 năm 1981-1985, 37 vạn héc ta đất lúa đã bị sử dụng vào các mục đích khác (chủ yếu để làm nhà ở và xây dựng các công trình). Dự báo trong 15 năm tới, mỗi năm có thể sẽ mất đi 2,8 vạn héc ta đất nông nghiệp, trong đó có 1 vạn héc ta đất lúa. Xu hướng này nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ dẫn đến thu hẹp hơn nữa diện tích canh tác bình quân đầu người.

Hệ số sử dụng đất trồng cây hàng năm mới đạt 1,4 lần bình quân cả nước; riêng Tây nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu long mới đạt 1,1-1,2 lần. Với điều kiện đầu tư thích đáng vào thủy lợi, hoàn toàn có khả năng đưa hệ số sử dụng bình quân cả nước lên 1,7-1,8 lần trong 15 năm tới.

Tình hình nêu trên cho thấy phương hướng khai thác và sử dụng tài nguyên đất của ta tất yếu phải là tận lực thâm canh, tăng vụ đối với cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, và vừa thâm canh, vừa mở thêm diện tích đối với cây công nghiệp dài ngày, hết sức coi trọng bảo vệ, bồi dưỡng và cải tạo đất, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng đất lúa vào các mục đích khác.

Rừng

Tài nguyên rừng nước ta tương đối phong phú về chủng loại nhưng trữ lượng thì ngày càng giảm và đã trở nên nghèo kiệt.

Trong số 19 triệu ha đất lâm nghiệp, chỉ có 9,3 triệu héc ta còn có rừng. Độ che phủ của rừng năm 1943 là 43% lãnh thổ thì nay còn 28%. Việc trồng và gây lại rừng trong những năm qua không đủ bù lại số bị khai thác và bị phá. Diện tích đất trống đồi trọc lên đến 10 triệu héc ta – gần 1/3 diện tích tự nhiên của đất nước. Rừng bị phá, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái và môi trường.

Trữ lượng gỗ hiện có khoảng 600 triệu m3 và 5,6 tỷ cây tre nứa, trong đó trữ lượng kinh tế chỉ có 75 triệu m3, hầu hết ở Tây nguyên và miền Trung. Với trữ lượng ấy thì mức khai thác hợp lý chỉ có thể đạt mỗi năm không quá 1,5 triệu m3, nghĩa là 40-50 người mới có được 1m3 gỗ. Dự báo sau 15-20 năm, trữ lượng gỗ kinh tế cũng xem như không còn nữa. Chúng ta đang đứng trước một thời kỳ giáp hạt về gỗ, kéo dài 30-40 năm, trước khi trữ lượng gỗ được tái tạo.

Trên diện tích 1 triệu héc ta rừng trồng từ năm 1976 đến nay, có thể khai thác hàng năm 14 vạn m3 gỗ, mới đáp ứng được một phần nhu cầu về gỗ làm nguyên liệu giấy và gỗ chống lò.

Ngoài gỗ củi, tre nứa, mây song, rừng nước ta còn là nguồn đặc sản quý, trong đó đáng kể nhất là quế, hồi, trẩu, nhựa thông, cánh kiến, dược liệu. Những đặc sản này có triển vọng phát triển lớn nếu có chính sách đầu tư và khuyến khích thỏa đáng.

Biển và thủy sản

Với 3.200 km bờ biển, với vùng biển và thềm lục địa lớn gấp 3 lần diện tích đất liền, nhìn về lâu dài, nước ta có thế mạnh về kinh tế biển.

Vùng biển nước ta có trữ lượng khoảng 3 triệu tấn hải sản, trong đó có thể đánh bắt có hiệu quả kinh tế mỗi năm khoảng 70-80 vạn tấn cá, 5-6 vạn tấn tôm, 4-5 vạn tấn mực. Với 1 triệu héc ta mặt nước nội địa, 30 vạn héc ta mặt nước bãi triều, và hàng chục vạn héc ta eo vịnh, có nguồn lợi phong phú đa loài, khả năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặt biệt là nghề nuôi tôm xuất khẩu, còn rất lớn. Trong khi đó thì việc đánh bắt hải sản ở vùng ven bờ đã đạt tới mức giới hạn, thậm chí vượt quá giới hạn mà nguồn lợi thiên nhiên cho phép. Việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thiên nhiên trở thành một vấn đề thời sự cấp bách.

Vùng ven biển còn là vùng sản xuất muối, cói, cung cấp cho cả nước, là địa bàn phát triển vận tải ven biển, vận tải viễn dương, dịch vụ hàng hải, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, du lịch v.v…

Khoáng sản

Khoáng sản nước ta có nhiều loại, nhưng trữ lượng hầu hết thuộc quy mô vừa và nhỏ, trừ bốc-xít, quặng sắt, đất hiếm và khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Chúng ta có nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng là dầu khí, tuy trữ lượng không lớn. Dầu khí tập trung chủ yếu ở vùng thềm lục địa: vùng trũng Cửu Long và vùng trũng Nam Côn Sơn. Trữ lượng công nghiệp khoảng 1 tỉ tấn (dầu 310 triệu tấn, khí 718 triệu tấn quy dầu).

Với trữ lượng trên, có thể đưa sản lượng khai thác lên đến 20 triệu tấn/năm, đáp ứng được nhu cầu trong nước về nhiên liệu lỏng và về nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu trong vài thập kỷ trước mắt.

Nguồn than chủ yếu của nước ta là than antơraxít và nửa antơraxít, tập trung ở vùng Quảng Ninh. Tính đến độ sâu -300 m, vùng này có trữ lượng thăm dò 3,590 tỉ tấn (trong đó mỏ lộ thiên có 195 triệu tấn). Vùng Thái Nguyên có trữ lượng thăm dò 80 triệu tấn.

Than lửa dài không nhiều, chỉ khoảng 100 triệu tấn. Than mỡ hầu như không có.

Than bùn ở đồng bằng sông Cửu Long có trữ lượng 400-500 triệu tấn. Nếu khai thác, phải đề phòng gây nhiễm mặn đất trồng trọt.

Than nâu ở đồng bằng sông Hồng có trữ lượng lớn, khoảng 128 tỉ tấn, nhưng nằm ở độ sâu từ -200 đến -2.000 m, chưa có điều kiện khai thác trong những thập kỷ trước mắt.

Với nguồn than như trên, nếu tính đến các điều kiện khai thác và hiệu quả kinh tế của việc khai thác thì có thể đưa sản lượng khai thác lên đến 30-40 triệu tấn/năm. Sản lượng này rõ ràng là không đủ khi công nghiệp hóa được triển khai mạnh mẽ.

Về các khoáng sản thuộc nhóm kim loại đen, nước ta có trữ lượng khá về sắt và titan, ngoài ra có mănggan, crômit.

Quặng sắt có trữ lượng đã thăm dò 860 triệu tấn, tập trung nhiều nhất ở mỏ Thạch Khê (580 triệu tấn). Chất lượng quặng Thạch Khê vào loại tốt, nhưng khi khai thác, phải có biện pháp ngăn nước biển xâm nhập và nước ngầm.

Titan có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, phần lớn phân bố ở ven biển từ Móng Cái đến Hà Tiên, dễ khai thác, dễ tuyển.

Mănggan có trữ lượng 1,4 triệu tấn, có thể đáp ứng nhu cầu trong nước

Crômmit tuy có trữ lượng lớn (trữ lượng dự báo 19 triệu tấn) nhưng chất lượng thấp, đòi hỏi kỹ thuật xử lý phức tạp.

Về các khoáng sản thuộc nhóm kim loại mầu, quý và hiếm, nước ta có trữ lượng đặc biệt lớn về bốc-xít và đất hiếm. Các loại khác như thiếc, chì, kẽm, đồng, vônfram, môlipđen, vàng, v.v… chỉ có những mỏ nhỏ hoặc vừa.

Bốc-xít phân bố tập trung ở Tây nguyên, trữ lượng dự báo 12 tỉ tấn. Các mỏ lớn là Đắc Nông (500 triệu tấn), Bảo lộc (220 triệu tấn). Quặng có chất lượng trung bình, dễ khai thác, dễ tuyển. Tuy nhiên, muốn khai thác phải đầu tư lớn để làm đường vận chuyển.

Đất hiếm tập trung ở Lai Châu. Trữ lượng đã thăm dò là 10 triệu tấn ôxít đất hiếm, phần lớn thuộc nhóm “nhẹ”. Đi kèm ôxít đất hiếm, có barít, fluorit. Nguồn tài nguyên này vượt xa nhu cầu sử dụng trong nước.

Thiếc tuy là loại khoáng sản đang giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu, nhưng trữ lượng không lớn. Với trữ lượng đã thăm dò 86 ngàn tấn, có thể đưa mức khai thác lên đến 2.000 tấn/năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có công nghệ luyện tiến bộ hơn để khỏi lãng phí quặng, đồng thời thu hồi thêm các kim loại khác như vàng, ziêccôn, wonfram, titan.

Đồng, chì, kẽm có trữ lượng nhỏ, tạm thời có thể đáp ứng nhu cầu trước mắt.

Vàng không nhiều, lại phân bố rất phân tán, việc khai thác chỉ có thể tiến hành theo quy mô nhỏ.

Trong các khoáng sản làm nguyên liệu để sản xuất phân bón, apatít lâu nay được đánh giá là một nguồn tài nguyên lớn, chẳng những đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Đánh giá này chỉ đơn thuần dựa trên trữ lượng dự báo (trên 2 tỉ tấn), chưa đi sâu vào khả năng khai thác và chế biến công nghiệp, xét về mặt kỹ thuật cũng như về mặt hiệu quả kinh tế. Với những nghiên cứu gần đây, không có căn cứ để khẳng định như vậy. Chỉ khi giải quyết được các vấn đề kỹ thuật và công nghệ khai thác, chế biến, phù hợp với các tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế thì nguồn tài nguyên này mới có được ý nghĩa kinh tế tương xứng với trữ lượng của nó.

Về u huỳnh, trữ lượng không nhiều, hàm lượng lưu huỳnh trong quặng rất thấp, đòi hỏi chi phí tuyển tốn kém.

Nước ta có nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh rất dồi dào, đa dạng. Nguồn đá vôi và sét làm xi măng phân bố tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Cát, sỏi, đá xây dựng và sét làm gạch ngói phân bố đều khắp các vùng trong nước, trừ một số ít nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Đá ốp lát có nhiều chủng loại phong phú, phân bố ở nhiều nơi, nhất là ở miền Trung. Về vật liệu chịu lửa, có sét chứa alumin, cao lanh, quăczit. Riêng các loại chịu nhiệt độ cao thì trữ lượng có hạn. Sét, cao lanh làm gốm sứ và cát làm thủy tinh phân bố rộng khắp trong cả nước. Cát thạch anh làm thủy tinh cao cấp và phalê có trữ lượng lớn ở Vân Hải, Đà Nẵng.

Nhìn chung, nước ta có một số khoáng sản có ý nghĩa chiến lược, nếu không thật dồi dào thì cũng đáp ứng được nhu cầu phát triển trong thời kỳ khởi động nền kinh tế: dầu khí, than, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thiếc, apatít, bô-xít, đất hiếm, sắt, đồng. Chúng ta thiếu một số khoáng sản quan trọng như than mỡ, thạch cao, lưu huỳnh.

Nước và thủy năng

Nguồn nước nói chung rất lớn, kể cả nước mặt và nước ngầm. Tổng lượng dòng chảy 840 tỉ m3/năm, lượng mưa trung bình 2.000 mm/năm, nhưng phân bố rất không đều giữa các mùa và giữa các vùng. 70-80% lượng mưa tập trung vào mùa mưa. Tây nguyên là nơi còn nhiều đất màu mỡ nhưng thiếu nguồn nước, kể cả nước mặt và nước ngầm.

Nguồn nước có đủ để tưới cho 85% diện tích đất cần tưới. Hiện nay mới tưới được 4,8 triệu ha, bằng 55% diện tích gieo trồng.

Vấn đề lớn nhất là trữ nước cho Tây nguyên và giải quyết cân bằng nước ở đồng bằng sông Cửu Long (lũ lụt trong mùa mưa, thiếu nguồn nước trong mùa khô).

Nguồn thủy năng có trữ lượng 270 tỉ kwh, trong đó trữ lượng kinh tế là 50-60 tỉ kwh, ứng với 12-15 triệu KW công suất lắp máy. Quá nửa nguồn thủy năng tập trung ở hệ thống sông Hồng, khoảng 15% thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Nguồn thủy năng ở miền Trung và Tây Nguyên tương đối nhỏ. Với nguồn thủy năng này, cùng với trữ lượng than và dầu khí đã biết, có thể dự báo sau mấy thập kỷ nữa, chúng ta sẽ có khó khăn về năng lượng – nhiên liệu.

Khí hậu

Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, tài nguyên nhiệt ẩm dồi dào, nhưng phân bố rất không đều trong năm và trên các vùng, nói chung thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, ở phía Nam thuận lợi hơn ở phía Bắc. Mặt khác, cũng có nhiều điều bất lợi như bão lụt, xói mòn đất, hạn hán, sâu bệnh, giá rét, sương muối, gió nóng, v.v… Trung bình cứ 3 vụ sản xuất nông nghiệp thì có 1 vụ bị thiên tai nặng hoặc tương đối nặng.

Đặc điểm khí hậu của nước ta đòi hỏi phải cân nhắc kỹ các chủ trương về nông lâm nghiệp trên cơ sở địa sinh thái, bố trí mùa vụ và cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng. Trong công nghiệp, phải coi trọng kỹ thuật nhiệt đới hóa. Trong đời sống, phải coi trọng việc chống rét, chống nóng ẩm, phòng tránh thiên tai, phòng và chống dịch bệnh do khí hậu thời tiết gây ra.

Vị trí địa lý

Vị trí địa lý của nước ta nằm trên đường hàng hải và hàng không quốc tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và giữa khu vực này với các khu vực khác trên thế giới. Đối với một số nước ở gần ta, nước ta có vị trí thuận lợi thông ra biển. Ta có thể khai thác lợi thế này để phát triển vận tải hàng hải và hàng không quốc tế, vận tải quá cảnh cũng như các dịch vụ hàng hải và hàng không.

Môi trường

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi qua nhiều thập kỷ cộng với sự tàn phá của chiến tranh đã dẫn đến hậu quả môi trường tự nhiên bị suy thoái tới mức báo động, các cân bằng sinh thái bị phá vỡ ở nhiều khâu. Rừng bị phá, diện tích đất trống đồi trọc tăng đã ảnh hưởng rõ rệt đến cường độ của lũ lụt, hạn hán, xói mòn đất, đến sự bồi lấp các dòng chảy và cửa sông, sự khắc nghiệt của khí hậu, sự khan hiếm nước ngọt ở nhiều vùng, sự suy giảm các dòng chảy vào mùa khô, sự mai một các nguồn gien thực vật, động vật, nhất là các loại thủy sinh. Việc tập trung đánh bắt ở các vùng ven bờ và cửa sông đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các nguồn thủy sản. Hiện tượng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền có liên quan đến việc khai thác quá mức nguồn nước ngọt trong mùa khô. Nhiều hiện tượng ô nhiễm đất và nước, ô nhiễm lương thực thực phẩm, có liên quan đến việc sử dụng không hợp lý các hóa chất trong nông nghiệp. Hiện tượng sâu bệnh phát triển có liên quan đến việc bố trí mùa vụ quá dầy và không hợp lý. Công nghiệp tuy mới ở bước đầu phát triển cũng đã gây ra không ít hiện tượng ô nhiễm đất, nước và không khí.

Tình hình trên đây cho thấy việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, gắn liền với việc khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên phải được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược phát triển.

Cơ sở vật chất kỹ thuật

Cơ sở vật chất kỹ thuật là yếu tố quyết định nhất của sản xuất.

Nước ta sau hàng chục năm xây dựng, đã có một cơ sở vật chất kỹ thuật ở trình độ nhất định. Tài sản cố định trong khu vực sản xuất vật chất có giá trị 12 tỉ rúp (không tính giá đất và một số công trình như đường sá, đê điều, kênh mương), trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 49%, nông lâm nghiệp chiếm 26%, giao thông vận tải và bưu điện chiếm 21,4%, thương nghiệp và cung ứng vật tư chiếm 3,5%. Tài sản cố định trong khu vực không sản xuất vật chất có giá trị 4 tỉ rúp, trong đó nhà ở và công trình công cộng chiếm gần một nửa.

Trừ một số cơ sở công nghiệp then chốt mới xây dựng được trang bị kỹ thuật hiện đại, nói chung cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhỏ yếu, thiếu đồng bộ, cũ nát, trình độ kỹ thuật và công nghệ lạc hậu (phổ biến là trình độ của những năm 60 trở về trước), chỉ phát huy được 50% công suất là phổ biến.

Trong công nghiệp, nổi bật là sự yếu kém của cơ sở nhiên liệu  năng lượng và nguyên liệu. Đó là nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của các ngành kinh tế khác, đồng thời làm cho nền kinh tế nước ta phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng vật tư kỹ thuật từ bên ngoài. Tình trạng lạc hậu về kỹ thuật của ngành cơ khí cũng là nét nổi bật trong công nghiệp. Cho đến nay, chưa một sản phẩm cơ khí nào của nước ta đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của phần lớn các cơ sở công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, của toàn bộ tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp càng thấp kém hơn. Hệ quả là chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, ngay tiêu thụ trong nước cũng đã gặp khó khăn.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành sản xuất hàng xuất khẩu còn nhỏ bé, phân tán, trình độ kỹ thuật và công nghệ thấp, thua nhiều so với các nước, do đó chưa tạo ra được những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khối lượng lớn, có vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Hàng xuất khẩu chủ yếu của ta cho đến nay vẫn là những nông lâm thủy sản nguyên dạng và hàng thủ công Mĩ nghệ truyền thống được góp nhặt từ nhiều nguồn sản xuất phân tán. Những diện tích lớn trồng cao su, cà phê, chè mới đang trong quá trình hình thành. Nếu không có cố gắng đặc biệt nhằm phát triển và chuyển đổi cơ cấu hàng xuất khẩu thì không dễ gì tận dụng được những cơ hội mới, đồng thời đáp ứng được những thách thức mới do hoàn cảnh quốc tế đem lại.

Tình trạng yếu kém, lạc hậu của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và thông tin liên lạc đang là trở ngại cho sự phát triển, càng trở nên đậm nét hơn trước những cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Trong nông nghiệp, mùa màng còn bấp bênh, năng suất thấp, do hệ thống thủy lợi còn hạn hẹp, các cơ sở dịch vụ kỹ thuật chưa phát triển, các ngành công nghiệp bảo đảm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp còn rất non yếu.

Việc bảo quản, chế biến nông sản còn thô sơ, gây lãng phí lớn. Ở nhiều vùng núi cao và Tây Nguyên, sản xuất vẫn được tiến hành trên cơ sở kỹ thuật nguyên thủy.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của nền sản xuất nước ta là biểu hiện tập trung của tình trạng chậm phát triển. Những thành tựu đạt được những năm vừa qua chưa làm thay đổi căn bản tình trạng đó mà mới chỉ có ý nghĩa cục bộ trên một số lĩnh vực nhất định.

Hoàn cảnh quốc tế

Trong thời đại ngày nay, môi trường quốc tế và các mối quan hệ quốc tế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển của bất cứ nước nào.

Hoàn cảnh quốc tế trong những năm trước mắt có nhiều thuận lợi đối với nước ta: quan hệ hợp tác tương trợ với Liên Xô và các nước khác trong Hội đồng Tương trợ kinh tế (HĐTTKT), với Lào và Căm-pu-chia tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, tăng cường liên kết kinh tế trên cơ sở dài hạn; quan hệ với các nước tư bản phát triển, các nước trong khu vực, Trung Quốc, các tổ chức quốc tế, đang đi vào chiều hướng bình thường hóa, mở ra triển vọng giao lưu và hợp tác kinh tế ngày càng tăng; cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang tiến triển mạnh mẽ trên thế giới, mở ra khả năng đạt được những tiến bộ nhanh về kỹ thuật và công nghệ, nếu chúng ta có chính sách và biện pháp thích hợp.

Bên cạnh mặt thuận lợi, vẫn có những khó khăn, phức tạp. Tuy cục diện thế giới đang có chiều hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại, nhưng các thế lực đế quốc chủ nghĩa chưa bao giờ từ bỏ ý đồ kiềm chế, đẩy lùi và xóa bỏ CNXH. Việc mở mang giao lưu và hợp tác kinh tế với các nước tư bản phát triển, với các công ty siêu quốc gia, không thể không diễn ra trong những điều kiện đấu tranh rất phức tạp. Về phía các nước XHCN, những khó khăn thử thách lớn đang phải vượt qua trong quá trình cải tổ không khỏi làm cho việc tăng cường giúp đỡ về vật chất đối với nước ta bị hạn chế.

Trong những năm qua, quan hệ kinh tế giữa nước ta với Liên Xô và các nước anh em khác trong HĐTTKT chủ yếu là quan hệ giúp đỡ một chiều. So với kim ngạch nhập khẩu từ các nước anh em, kim ngạch xuất khẩu của ta mới bằng 30%, riêng với Liên Xô mới bằng 25%. Kể từ kế hoạch 5 năm 1986-1990, khả năng nhập siêu hầu như chỉ còn trong quan hệ với Liên Xô. Từ nay trở đi, mối quan hệ này phải chuyển sang có đi có lại ngày càng nhiều hơn.

 Do những nguyên nhân địa lý và lịch sử, nước ta với hai nước láng giềng anh em Lào, Căm-pu-chia gắn bó mật thiết với nhau, về kinh tế cũng như về các mặt khác, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Hai nước có dồi dào một số tài nguyên thiên nhiên mà nước ta không có hoặc không có đủ như nguồn thủy năng, gỗ (cả Lào và Căm-pu-chia), thạch cao, kali (Lào), một số loại lâm sản và nông sản, v.v… Về phía ta, nước ta cũng có nhiều tài nguyên có thể bổ sung cho bạn. Hai nước còn có nhu cầu về một số sản phẩm của nền công nghiệp nước ta, về sử dụng một số đường giao thông và cảng biển, một số lao động kỹ thuật và năng lực khoa học kỹ thuật của ta. Đó là cơ sở khách quan để phát triển hợp tác, tương trợ và liên kết kinh tế ngày càng phong phú giữa ba nước.

Trong khu vực Đông Nam Á đang diễn ra những chuyển biến của thời kỳ “sau Căm-pu-chia”, mở ra triển vọng phát triển giao lưu và hợp tác kinh tế giữa 3 nước Đông Dương với các nước khác trong khu vực. Sự giao lưu và hợp tác này có thuận lợi là chi phí vận tải thấp. Giữa các nước có thể bổ sung cho nhau về một số tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ (nhất là du lịch), kỹ thuật, công nghệ, thị trường, vốn. Tuy nhiên, sự giao lưu cũng có mặt hạn chế do tính đồng dạng khá cao của cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khu vực.

  III. Lựa chọn chiến lược phát triển

Thực trạng kinh tế xã hội, các nguồn lực cũng như bối cảnh quốc tế có tác động rất lớn đến việc lựa chọn chiến lược phát triển của đất nước.

  1. Cho đến nay, điểm xuất phát của chúng ta về kinh tế xã hội vẫn rất thấp.

Nền kinh tế, sau khi không còn nguồn viện trợ không hoàn lại to lớn từ bên ngoài, đã lâm vào tình trạng mất cân đối trầm trọng, kéo dài. Cho đến nay, thu nhập quốc dân sản xuất mới bảo đảm được quỹ tiêu dùng, chưa có tích lũy. Thu nhập quốc dân sử dụng tính bình quân đầu người mới khôi phục được bằng mức của năm 1976. Một phần quan trọng khấu hao tài sản cố định vẫn phải bổ sung vào quỹ tiêu dùng. Ngân sách Nhà nước vẫn bội chi lớn. Kết quả chống lạm phát chưa vững chắc. Vì không có vốn tích lũy trong nước cho nên khó sử dụng được vốn bên ngoài, phần đã sử dụng thì hiệu quả thấp vì thiếu đồng bộ.

Với điểm xuất phát như trên, rõ ràng chúng ta chưa có được những tiền đề kinh tế xã hội cần thiết để triển khai chiến lược công nghiệp hóa.

Những tiền đề đó là:

  • Một mức sống tối thiểu cần thiết cho nhân dân, trong đó, nhu cầu về lương thực thực phẩm phải được đảm bảo vững chắc.
  • Tích lũy từ thu nhập quốc dân sản xuất trong nước phải đạt ít nhất 15 – 20%

Vì chưa tạo ra được 2 tiền đề này cho nên cả 2 lần triển khai công nghiệp hóa trước đây (1961-1965 và 1976-1985) đều vấp váp, ách tắc.

  1. Nước ta không giàu về tài nguyên thiên nhiên, vì vậy, không thuộc loại nước có thể tạo ra vốn ban đầu lớn và bật lên nhanh bằng con đường xuất khẩu tài nguyên (chủ yếu là dầu khí).

Tính đa dạng, gắn với quy mô tương đối nhỏ và sự phân bố phân tán của tài nguyên thiên nhiên, cộng với nguồn lao động lớn quy định tính đa dạng của phân công lao động xã hội. Phù hợp với tình hình đó là chiến lược phát triển một nền kinh tế đa ngành trên khắp các vùng đất nước. Nó cho phép khai thác mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên dù nhỏ, đi đôi với phát huy mọi khả năng lao động của nhân dân.

  1. Với dân số 65 triệu người và sẽ lên 85 triệu người vào đầu thế kỷ tới, nước ta thuộc loại nước tương đối lớn trên thế giới. Đối với loại nước lớn và tương đối lớn, thị trường trong nước luôn là đối tượng quan trọng nhất của sản xuất, là cơ sở chủ yếu của sự phát triển. Thị trường trong nước rộng lớn chính là lợi thế của hai loại nước này trên con đường phát triển, so với loại nước vừa và nhỏ. Điều này không loại trừ việc mở rộng các quan hệ kinh tế với bên ngoài, mở rộng xuất khẩu và nhập khẩu một cách có lợi.

Mặt khác, tiềm năng lao động, cộng với tài nguyên của nước ta, cho phép mở ra một nền kinh tế đa ngành, trong đó có một số ngành tương đối lớn. Tiềm năng lao động dồi dào với những đức tính cần cù lao động của con người Việt Nam chính là nguồn lực lớn nhất của nước ta. Phát huy đầy đủ tiềm năng ấy phải là cái trục của chiến lược phát triển. Với tiềm năng lao động ấy, sẽ không có mâu thuẫn giữa việc đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại với việc phát triển nền kinh tế đa ngành đáp ứng nhu cầu trong nước. Nói cho đúng thì chính tiềm năng lao động ấy đòi hỏi phải mở ra mọi hướng với tinh thần tích cực nhất, cả hướng nội lẫn hướng ngoại, cả những ngành nghề sử dụng kỹ thuật tiên tiến lẫn những ngành nghề sử dụng kỹ thuật chưa tiên tiến và kỹ thuật thủ công, miễn là sớm đạt được mục tiêu toàn dụng lao động. 

  1. Bối cảnh quốc tế ngày càng thuận lợi cho việcmở rộng các quan hệ kinh tế đối ngoại, kể cả với các nước tư bản phát triển. Nhiệm vụ trọng yếu của chiến lược là phải tận dụng điều kiện đó để tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở phát huy các thế mạnh của đất nước, tranh thủ những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, kể cả bằng con đường nhập khẩu kỹ thuật và công nghệ. Thị trường nước ngoài phải trở thành đối tượng quan trọng của các hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, không có căn cứ để xác định chiến lược phát triển của nước ta là chiến lược hướng ngoại, (chiến lược hướng về xuất khẩu). Một số nước chậm phát triển ở châu Á (Đài loan, Nam Triều Tiên) nhờ áp dụng thành công chiến lược hướng ngoại, đã trở thành những “nước công nghiệp hóa mới”. Sự thành công này gắn liền với một số điều kiện đặc thù, trong đó có sự đỡ đầu của tư bản Mĩ – Nhật về vốn đầu tư, về kỹ thuật công nghệ, và về thị trường tiêu thụ. Nước ta không có những điều kiện đó.

Một số nước Bắc Âu cũng đã từng mở đường đi lên công nghiệp hóa bằng cách tập trung vào một số ít sản phẩm xuất khẩu (được gọi là chiến lược chọn lựa) trong khi nhiều nhu cầu trong nước phải đáp ứng bằng nhập khẩu. Đây là những nước tương đối nhỏ, nguồn lao động không cho phép phát triển có hiệu quả một nền kinh tế đa ngành, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên lại đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển một số ngành nhất định (khai thác và chế biến gỗ, chăn nuôi…)

  1. Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay, chiến lược phải lấy khoa học kỹ thuật làm đòn bẩy cho sự phát triển, phải bằng mọi cách nắm bắt được những thành tựu của cuộc cách mạng ấy để đi lên theo “đường tắt”.

Đi đôi với việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại nhằm tranh thủ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của nước ngoài, kể cả bằng con đường nhập khẩu, phải đặc biệt chăm lo tăng cường tiềm lực khoa học và kỹ thuật của đất nước cùng cái nền của tiềm lực ấy là sự nghiệp giáo dục đào tạo con người. Chiến lược con người phải trở thành một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư vào con người phải được tăng cường đúng với ý nghĩa của nó là thứ đầu tư cơ bản nhất.

  1. Chúng ta hoạch định và thực hiện chiến lược trong tình hình Khoa học xã hội Mác  Lê-nin có nhiều phát hiện mới rút ra từ thực tiễn xây dựng CNXH tại nhiều nước trên thế giới trong hơn 70 năm qua, và qua thực tiễn xây dựng CNXH của bản thân nước ta trong hơn 30 năm.

Những thành tựu mới của khoa học xã hội chủ yếu liên quan đến mô hình chủ nghĩa xã hội và các hình thức, phương pháp xây dựng xã hội đó, đến hệ thống kinh tế và các thể chế kinh tế của xã hội mới. Những thành tựu ấy làm cho những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng hơn, thoát khỏi những quan niệm cứng nhắc, đơn giản hóa, đã từng thịnh hành trong nhiều thập kỷ.

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm xây dựng CNXH ở nước ta và tham khảo kinh nghiệm của các nước anh em, Đảng ta đã đề ra một số chủ trương “đổi mới” nhằm sửa chữa những sai lầm cũ: điều chỉnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư phù hợp với chặng đầu của thời kỳ quá độ; thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần; bãi bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường; tranh thủ mở rộng quan hệ kinh tế với bên ngoài, tham gia ngày càng sâu vào phân công lao động quốc tế.

   IV. Nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế xã hội đến năm 2005

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2005 chỉ là một giai đoạn ngắn trên con đường phát triển nhằm biến nước ta thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ vào điểm xuất phát rất thấp của nước ta ở thời điểm cuối những năm 80, kế hoạch này phải dành khoảng một thập kỷ để tạo ra những tiền đề cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa, và chỉ sau khi đã tạo ra được những tiền đề này mới có thể từng bước triển khai công nghiệp hóa.

Quan điểm thịnh hành suốt mấy thập kỷ qua cho rằng có thể tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội chỉ trong vòng vài ba thập kỷ, đã bị thực tiễn bác bỏ. Những tiêu chí của một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào thời điểm của thế kỷ XXI đòi hỏi một thời gian phấn đấu dài hơn nhiều mới đạt được. Trên con đường dài phấn đấu cho mục tiêu ấy, kế hoạch 1990-2005 chỉ là một giai đoạn ngắn, rất ngắn. Nhiệm vụ của nó là phải san bằng được những thiếu hụt lớn đã và đang là nguồn gốc của tình trạng khủng hoảng về kinh tế xã hội hiện nay, phải bảo đảm ổn định được nhu cầu về lương thực thực phẩm cho nhân dân, phải tạo ra được tích lũy và tích lũy ngày càng lớn từ thu nhập quốc dân sản xuất trong nước. Nhìn tổng thể, kế hoạch 1990 – 2005 chưa phải là kế hoạch triển khai công nghiệp hóa, mà chỉ là kế hoạch chuẩn bị những tiền đề kinh tế xã hội cần thiết cho việc triển khai công nghiệp hóa.

   Nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 19902005 là:

  1. Ổn định tình hình kinh tế xã hội và đời sống, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Giảm dần, tiến tới khắc phục lạm phát, bằng một chính sách tài chính quốc gia chủ động và tích cực.

Ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đưa sản lượng lương thực bình quân đầu người hàng năm lên 350-400 kg. Phát triển mạnh cây thực phẩm, cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày trồng trên đất dốc, phát triển mạnh chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bảo vệ và phát triển vốn rừng.

Bảo đảm đủ quỹ tiêu dùng với mức sống tối thiểu cần thiết: có đủ dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động (2.400 cal/người/ngày), có đủ hàng tiêu dùng thiết yếu. Trên cơ sở đó, nâng dần mức tích lũy từ thu nhập quốc dân lên 15-20%.

Thực hiện chương trình sản xuất hàng xuất khẩu đến mức tích cực nhất, nâng dần khả năng thanh toán quốc tế lên đến mức đủ sức thanh toán các khoản nợ đến hạn trả, thu hẹp dần chênh lệch xuất nhập khẩu, đi đến cân bằng xuất nhập khẩu.

 Sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp quốc doanh, liên kết các vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, cung cấp đủ vật tư kỹ thuật, nhằm bảo đảm cho sản xuất tiến hành ổn định và phát triển. Cải tạo trang bị và đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất của từng xí nghiệp, tạo điều kiện cho mỗi xí nghiệp sử dụng hết công suất và có thể tự tích lũy để phát triển.

  1. Triển khai một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Để phát triển và hiện đại hóa sản xuất trong điều kiện vốn trong nước có hạn, cần thực hiện đầy đủ và đúng hạn các chương trình hợp tác sản xuất, hợp tác đầu tư và hỗ trợ về thiết bị toàn bộ mà các nước anh em dành cho chúng ta. Mặt khác, ra sức tranh thủ vốn đầu tư của tư bản nước ngoài và của Việt kiều để đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên và nguồn lao động. Trong số vốn đầu tư hoặc tín dụng của nước ngoài, cần hướng một bộ phận vào việc đồng bộ hóa, hiện đại hóa và mở rộng một số nhà máy nhằm nâng cao công suất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước. Dành một phần vốn ngoại tệ để nhập khẩu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhằm hiện đại hóa một số dây chuyền sản xuất quan trọng, nâng cao hiệu quả của những cơ sở sẵn có.

Trên cơ sở ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư nêu trên, tùy khả năng nguồn vốn trong nước và nguồn vốn huy động được từ bên ngoài mà bố trí đầu tư xây dựng một số công trình mới nhằm từng bước cân đối cơ cấu kinh tế. Chú trọng trước tiên những công trình về hạ tầng giao thông vận tải và thông tin liên lạc, về năng lượng nhiên liệu, phân bón, nguyên liệu, hóa chất cơ bản, vật liệu xây dựng, một số nhà máy cơ khí, điện tử.

  1. Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần,phát huy tiềm năng của mọi thành phần kinh tế nhằm phát triển sản xuất.
  2. Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế: xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mang tính quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, kết hợp kế hoạch với thị trường.
  3. Phát triển xã hội gắn với phát triển kinh tế, từng bướccải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

5.1 Triển khai mạnh mẽ Chương trình kế hoạch hóa dân số để giảm dần tỉ lệ phát triển dân số.

5.2 Tiến hành một cách có hệ thống và theo từng bước vững chắc việc phân bố hợp lý lao động và dân cư, chú trọng những vùng còn nhiều tiềm năng về nông lâm ngư nghiệp, đặc biệt là các vùng đất dốc còn nhiều tiềm năng về đất canh tác.

5.3 Từng bước giải quyết vấn đề đô thị hóa (mạng lưới điện, cấp thoát nước, vận tải công cộng, nhà ở, v.v…), từng bước xây dựng nông thôn mới, điện khí hóa những vùng có nguồn điện, cung cấp vật liệu để xây nhà kiên cố ở những vùng thường bị gió bão, ngói hóa nông thôn, mở mang đường sá, đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

5.4 Đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục, văn hóa và y tế.

Nhận xét chung

Các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên đáp ứng yêu cầu của cách mạng XHCN ở nước ta trong giai đoạn trước mắt, có tính đến việc sử dụng tối ưu các nguồn lực của đất nước và tận dụng các thuận lợi do hoàn cảnh quốc tế đem lại. Với các nhiệm vụ, mục tiêu ấy, chiến lược phát triển 1990-2005 trước tiên là “một chiến lược tình thế”: nó đặt ưu tiên cao nhất vào việc san bằng những thiếu hụt lớn đã và đang là nguồn gốc của tình trạng khủng hoảng về kinh tế xã hội hiện nay. Nhìn toàn cục, đó là chiến lược tạo việc làm đầy đủ cho mọi người lao động, là chiến lược khai thác và sử dụng hợp lý mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, là chiến lược đáp ứng tối đa nhu cầu thiết yếu của nhân dân lao động, đồng thời cũng là chiến lược tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài  để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước, là chiến lược phát huy đến mức cao nhất các thế mạnh của đất nước để đẩy mạnh xuất khẩu, là chiến lược tham gia ngày càng sâu vào hợp tác và phân công lao động quốc tế. Ở đây, hướng nội và hướng ngoại không mâu thuẫn nhau mà hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, cùng hướng vào mục tiêu chung là phát huy nhanh nhất, có hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước, đặc biệt là nguồn lực lao động. Tổng quát lại, đó là chiến lược phát huy mọi khả năng, tận dụng mọi con đường để đi lên – một chiến lược “hỗn hợp”, hay “tổng hợp”. Trong điều kiện hiện nay của nước ta, với những thuận lợi và hạn chế như đã nêu ở trên, không có một con đường thênh thang duy nhất.

Chiến lược phát triển 1990-2005 bao quát những năm còn lại của chặng đầu thời kỳ quá độ và một số năm của chặng tiếp theo. Nhiệm vụ mục tiêu của mỗi chặng không giống nhau, vì vậy cơ cấu ngành của nền kinh tế quốc dân ở mỗi chặng không thể như nhau. Nếu nhiệm vụ mục tiêu của chặng đầu đòi hỏi phải đưa những ngành sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu lên vị trí quan trọng nhất, thì sang chặng tiếp theo, vị trí ấy phải từng bước thuộc về các ngành công nghiệp.

Sau khi xác định Nhiệm vụ, mục tiêu của thời kỳ 1990-2005, bản Kế hoạch dài hạn đi sâu vào kế hoạch phát triển từng ngành kinh tế, từng vùng kinh tế, cùng các chính sách, biện pháp thực hiện kế hoạch.

Thời điểm những năm 2010, 20 năm sau khi bản Kế hoạch dài hạn đã được hoạch định, chúng ta hãy thử nhìn lại xem những gì đã đạt và những gì chưa đạt.

Một chặng đường lịch sử (1990-2010)

Trước tiên, hãy điểm qua các chỉ số tăng trưởng (xem Biểu số 1 và Biểu số 2)

Biểu số 1. Sản xuất lương thực

Năm Sản lượng lương thực (triệu tấn) Lương thực bình quân
đầu người (kg)
Xuất khẩu gạo (Ngàn tấn)
1985 18,2 304  
1986 18,3 299  
1987 17,6 282  
1988 19,6 307  
1989 21,5 332,2 1.420,4
1990 21,5 324,4 1.624,4
1991 22,0 324,9 1.033,0
1992 24,2 348,9 1.946
1993 25,5 360,0 1.700
1994      
1995 26,2 364,0 2.000
1996 27,9 381,7 3.000
1997 29,2 393,0 3.600
1998 30,8 408,2 3.700
1999 33,1 432,1 4.600
2000 34,5 444,9 3.476,7
2001 34,3 436,0 3700
2002 37 464,1 3.200
2003 37,7 466,0  
2004 39,6 482,5 4.063,1
2005 39,6 476,8 5.254,8
2006 39,7 471,2 4.642,0
2007 40,2 472,2 4.580,0
2008 43,3 508,8 4.744,9
2009 43,3 503,6 5.969,0
2010 44,6 513,4 6.893,0
2011 47,2 537,7 7.116,3
2012 48,5 546,0 8.015,3

Chú thích: Từ năm 1995, Lương thực chỉ bao gồm thóc và ngô, không bao gồm khoai, sắn nữa.

Biểu số 2. Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Năm Dân số (nghìn người) GDP
(tỷ USD)
Tốc độ tăng GDP (%) GDP bình quân đầu người (USD) Tích lũy nội bộ
(% GDP)
Đầu tư của Nhà nước (%GDP) Đầu tư của khu vực
dân doanh (%GDP)
Đầu tư của FDI (% GDP) CPI
(% so
năm trước)
1985 59.872 9,6   161          
1986 61.109 9,9 2,23 162   6 4   874,7
1987 62.452 10,2 3,64 164   5 4   323,1
1988 63.727 10,9 5,98 170   5 4 0,2 449,4
1989 64.774 11,4 4,69 176   8 7 2,3 136,
1990 66.016,7 11,9 5,10 181 3 7 8 2,4 167,1
1991 67.242,0 12,6 5,96 188 10 7 8 2,5 167,5
1992 68.450,0 13,7 8,65 201 14 8 10 4,7 117,5
1993 69.645,0 14,9 8,07 213 17 13 9 7,6 105,2
1994 70.825,0 16,2 8,84 228 17 12 10 9,2 114,4
1995 71.955,5 17,7 9,54 246 18 13 9 10 112,7
1996 73.456,7 19,4 9,34 265 17 16 8 8 104,5
1997 74.306,9 20,9 8,15 282 20 17 8 10 103,6
1998 75.456,3 22,1 5,76 293 21 18 8 7 109,2
1999 76.596,7 23,2 4,77 303 25 19 8 6 100
2000 77.635,4 24,8 6,79 319 27 20 8 6 97,4
2001 78.685,6 32,7 6,89 415 29 21 8 6 100,3
2002 79.727,4 35,1 7,08 440 29 21 9 6 104,3
2003 80.902,4 39,8 7,35 492 27 21 12 6 103,
2004 82.031,7 45,4 7,79 553 29 20 15 6 109,5
2005 82.392,1 57,6 8,44 700 29 18 14 6 108,4
2006 83.311,2 60,2 8,23 723 36 17 15 6 106,6
2007 84,218,5 71,0 8,46 844 29 17 18 11 112,6
2008 85.118,7 97,5 6,31 1052 32 13 13 12 119,89
2009 86.025,0 99,8 5,32 1169 26 16 13 10 106,52
2010 86.932,5 110,7 6,42 1273 27 15 14 10 117,75

Từ các số liệu nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau:

1. Sản xuất nông nghiệp của nước ta đã phải trải qua một quá trình phấn đấu kéo dài 3 thập kỷ (1975-2005) mới khắc phục được tình trạng thiếu hụt về lương thực.

Qua 30 năm chiến tranh liên tục (1945-1975), nhân dân ta không có điều kiện khai phá thêm đất canh tác, cũng không có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất trên mỗi đơn vị diện tích, trong khi dân số tăng lên 2,4 lần, từ 20 triệu lên 48 triệu người, vì vậy, kể từ ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta đã phải chịu cảnh thiếu hụt lương thực triền miên. Chỉ đến năm 1989, sản xuất lương thực bình quân đầu người mới bắt đầu vượt qua 300 kg là cái ngưỡng của sự thiếu đói, và 10 năm tiếp sau (năm 2000) mới đạt đến 400 kg là cái ngưỡng của sự an toàn về lương thực.

Kế hoạch dài hạn dự tính phải mất 2 kế hoạch 5 năm để giải quyết vấn đề lương thực, với điều kiện sản xuất mỗi năm phải tăng được 1 triệu tấn. Dự tính đó đã được thực hiện.

Tuy nhiên, giải thích như thế nào về hiện tượng xuất khẩu gạo? Từ năm 1989, nước ta đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, rồi tăng lên 3,5 triệu tấn vào năm 2000, 5 triệu tấn vào năm 2005. Phải chăng nước ta đã sản xuất dư thừa lương thực? Thực chất không phải như vậy. Để đạt được 300 kg/đầu người, rồi 400 kg, chúng ta đã phải nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn phân bón, hàng vạn tấn thuốc trừ sâu. Lấy tiền đâu để nhập khẩu? Chúng ta buộc phải xuất khẩu gạo để mua về số vật tư đó. Chỉ tính riêng năm 2000, chúng ta xuất khẩu được 3,5 triệu tấn gạo, thu về được 668 triệu USD. Cũng năm đó, chúng ta đã phải chi ra 508 triệu USD để nhập khẩu 4 triệu tấn phân bón. Ngoài ra, còn phải nhập khẩu thuốc trừ sâu, xăng dầu và nhiều thứ khác cho sản xuất lương thực. Như vậy, nhìn vào bảng cân đối ngoại tệ, chưa thể nói rằng nước ta đang xuất khẩu số gạo “dư thừa”. Số gạo xuất khẩu ấy chỉ đủ để đổi lấy số vật tư cần thiết để sản xuất ra số gạo bảo đảm đủ ăn cho dân ta.

Một hiện tượng nữa cũng cần lưu ý: trong khi chúng ta xuất khẩu mấy triệu tấn gạo thì đồng thời chúng ta lại phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn ngô, mấy chục vạn tấn bột mì, như vậy thì một phần số gạo xuất khẩu chỉ mang ý nghĩa “đổi hạt”.

Phải đợi đến những năm sau 2005 thì số gạo xuất khẩu cũng như số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu (nông nghiệp theo nghĩa rộng, bao gồm cả nông, lâm, thủy sản) mới có được một bộ phận nhỏ là sản phẩm “dư thừa” được đem xuất khẩu, cũng tức là “xuất khẩu ròng”. Khối lượng “xuất khẩu ròng” này chỉ chiếm 10-15% tổng số nông sản xuất khẩu của nước ta.

Phải qua 3 thập kỷ (1975-2005), sản xuất nông nghiệp mới khắc phục được nạn thiếu hụt lương thực do 30 năm chiến tranh để lại. Cần đến 3 thập kỷ, bởi lẽ: trong khi sản lượng lương thực tăng lên thì số miệng ăn cũng tăng lên. Trong 3 thập kỷ đó, dân số đã tăng từ 48 triệu người lên 82 triệu người, tức là tăng 34 triệu người.

2. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhất là từ khi Mĩ đưa chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, nền kinh tế miền Bắc phụ thuộc ngày càng nhiều vào viện trợ của các nước anh em. Ở miền Nam, chiến tranh càng ác liệt thì Mĩ phải viện trợ ngày càng nhiều cho ngụy quyền ngụy quân. Những năm cuối của cuộc chiến tranh, tổng số viện trợ nước ngoài cho cả 2 miền đã đạt trên 2 tỷ đô la mỗi năm, bằng 60% thu nhập quốc dân sản xuất trong nước. Sau ngày giải phóng miền Nam, viện trợ nước ngoài chấm dứt. Nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng hẫng hụt – nguồn gốc của mọi sự mất cân đối. Mặc dù Nhà nước đã phải đi vay nước ngoài 1 tỷ rúp và đô la/mỗi năm, vẫn không đủ để bù lấp vào khoản viện trợ nước ngoài quá lớn đã bị chấm dứt đột ngột. Tình trạng khủng hoảng thiếu hụt kéo dài suốt từ năm 1976 cho đến năm 1990. Trong khoảng thời gian đó, thu nhập quốc dân sản xuất trong nước chưa bảo đảm đủ quỹ tiêu dùng, nói gì đến tích lũy. Mãi đến năm 1990, sản xuất trong nước mới bắt đầu tạo được tích lũy nội bộbằng 3% GDP. Phải qua 10 năm tiếp theo, đến năm 2000, tích lũy nội bộ mới đạt đến 20-25% GDP. Như vậy, nền kinh tế nước ta đã phải trải qua 2,5 thập kỷ (1976-2000) mới khắc phục được tình trạng phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài do 20 năm chiến tranh xâm lược của Mĩ gây ra.

Phải qua 15 năm kể từ 1976, tốc độ tăng của GDP từ mức dưới 4%, mới vươn lên được mức 5%. Những năm tiếp sau, giữ được tốc độ 6-7% là tốc độ tương đối cao đối với một nước nông nghiệp.

Tốc độ tăng của GDP phụ thuộc vào vốn đầu tư. Đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp vốn đầu tư là khu vực Nhà nước (đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ các doanh nghiệp Nhà nước). Vai trò quan trọng thứ hai thuộc về khu vực dân doanh. Vai trò quan trọng thứ ba thuộc về khu vực FDI.

Từ năm 1995 đến năm 2010, vốn đầu tư do khu vực Nhà nước cung cấp bằng 15-20% GDP, do khu vực dân doanh cung cấp bằng 8-9%, rồi lên 12-15%, do khu vực FDI cung cấp bằng 6-7% rồi lên 10-12%. Những con số nêu trên nói lên vai trò quan trọng của Chính sách kinh tế nhiều thành phần và Chính sách mời gọi đầu tư nước ngoài.

3. Cuộc đấu tranh chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một cuộc đấu tranh lâu dài, vô cùng gian khổ.

Suốt 25 năm kể từ năm 1960, Nhà nước ta theo đuổi cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Một trong những sản phẩm của cơ chế đó là một hệ thống giá cả cứng nhắc, xa rời giá trị, xa rời sức mua của đồng tiền. Mãi đến năm 1985 mới chuyển sang cơ chế thị trường. Cuộc cải cách giá cả theo hướng thị trường năm 1985 đã gây ra một cuộc đảo lộn lớn về giá cả khiến cho chỉ số giá cả biến động ở mức 3 con số suốt 3 năm, sau đó mới hạ dần xuống mức 2 con số. Lạm phát ở mức 1 con số chỉ giữ được trong một số năm, thỉnh thoảng lại bùng lên ở mức 2 con số.

Vì sao lạm phát lại khó khắc phục như vậy? Có nhiều nguyên nhân:

– Nhiều loại giá do Nhà nước ấn định mang tính bao cấp vẫn phải được điều chỉnh tiếp theo hướng thị trường (than, điện, dịch vụ công…)

– Nhiều khoản đầu tư công, nhất là đầu tư cho kết cấu hạ tầng, vượt quá khả năng của ngân sách Nhà nước, dẫn đến bội chi ngân sách Nhà nước gần như liên tục.

– Tín dụng cũng là một nguồn gây ra lạm phát, đặc biệt là nợ xấu.

– Thị trường quốc tế có nhiều biến động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả trong nước.

Chỉ tính đến những nguyên nhân chủ yếu nêu trên thì cuộc đấu tranh chống lạm phát ở nước ta vẫn còn là một nhiệm vụ cấp bách trong nhiều năm tới./.