- Giới thiệu chung
- Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nộilà trường đại học dân lập trực thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-6-1996. Trường chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hệ thống văn bằng của Trường nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia.
Năm 2001, Trường đã cho “ra lò” 1.100 sinh viên Khóa I và Khóa II, hầu hết đã nhận được việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp.
- Mục tiêu đào tạo
Trường lấy việc đào tạo các nhà kinh tế thực hành làm mục tiêu, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một giàn cán bộ chủ chốt cho các doanh nghiệp.
Phương châm đào tạo
Trường lấy chất lượng đào tạo làm trọng.
Đào tạo không chỉ nhằm trau dồi kiến thức, mà rất chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành; không chỉ kiến thức và kỹ năng, mà rất quan tâm bồi dưỡng tư duy phân tích và tinh thần sáng tạo; không chỉ tài năng, mà rất quan tâm nâng cao nhân cách, phát triển thể lực.
- Chương trình đào tạo
Trường đào tạo và cấp bằng Cử nhân theo 3 ngành học: Quản lý kinh doanh, Tiếng Anh, Tin học.
- Chương trình đào tạo tiến hành trong 8 học kỳ, mỗi học kỳ 20 tuần với khối lượng kiến thức bằng 36 đơn vị học trình. (1 đơn vị bằng 15 tiết lên lớp, cộng với thời gian tự học bằng 2 lần thời gian lên lớp. Riêng 2 môn Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất thì 1 đơn vị bằng 30 tiết lên lớp).
- Những sinh viên khá và có khả năng tài chính, sau khi học hết năm thứ ba, có thể được gửi đi học tiếp năm thứ tư ở nước ngoài (học qua tiếng Anh). Đã có 50 sinh viên nhận bằng Cử nhân của nước ngoài theo con đường này.
Cử nhân Quản lý kinh doanh được trang bị 4 công cụ nghề nghiệp
(1) Có kiến thức đa ngành đa nghề về kinh tế, kinh doanh và quản lý, nhờ đó, dễ lựa chọn và chuyển dịch nghề nghiệp, dễ phát triển tài năng quản lý kinh doanh.
Nắm vững một trong 7 chuyên ngành để ra trường làm việc được ngay:
- Tài chính – Kế toán
- Ngoại thương
- Kinh tế đối ngoại
- Tiếp thị (marketing)
- Quản lý doanh nghiệp
- Kế hoạch và nghiệp vụ kinh doanh
- Hành chính doanh nghiệp.
Sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh.
Sử dụng thành thạo máy vi tính.
Cử nhân Tiếng Anh được trang bị 3 công cụ nghề nghiệp
Sử dụng thành thạo tiếng Anh.
Có kiến thức về kinh tế, kinh doanh và quản lý đủ để đảm nhiệm vai trò đối ngoại của doanh nghiệp.
Sử dụng thành thạo máy vi tính.
Cử nhân Tin học được trang bị 3 công cụ nghề nghiệp
Nắm vững kỹ năng sử dụng máy vi tính, kỹ thuật lập trình và kỹ năng điều hành các mạng máy vi tính.
Có kiến thức về kinh tế, kinh doanh và quản lý đủ để ứng dụng Tin học vào các hoạt động của doanh nghiệp.
Sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh.
- Chương trình đào tạo
Đặc điểm của Chương trình đào tạo
(1) Cập nhật với nhu cầu của thời đại:
– Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, nhà quản lý kinh doanh phải sử dụng được tiếng Anh để giao dịch được với các bạn hàng nước ngoài và vươn tới các thị trường nước ngoài.
– Trong thời đại công nghệ thông tin, nhà quản lý kinh doanh phải tận dụng được các lợi thế của mạng thông tin toàn cầu.
(2) Đào tạo theo chuyên môn rộng:
– Là Cử nhân Quản lý kinh doanh có nghĩa là có khả năng thích ứng với bất kỳ chức trách nào trong doanh nghiệp, không bó hẹp trong phạm vi một chuyên môn hẹp hay chuyên ngành.
– Cử nhân tiếng Anh không chỉ thông thạo tiếng Anh, mà còn được đào tạo khá đầy đủ về nghề quản lý kinh doanh, nhờ đó, có thể đảm nhiệm vai trò đối ngoại của doanh nghiệp.
– Cử nhân Tin học không chỉ nắm vững kỹ thuật lập trình, mà thông hiểu cả một số nghiệp vụ kinh doanh và quản lý để ứng dụng Tin học vào các hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời sử dụng được tiếng Anh để triển khai các hoạt động kinh doanh qua mạng thông tin toàn cầu.
(3) Khối lượng kiến thức tương đối lớn, bằng 1,4 lần khối lượng thông thường của một chương trình đào tạo đại học 4 năm (4.500 tiết so với 3.200 tiết). Đây thực chất là chương trình đào tạo đại học 5 năm được thực hiện trong 4 năm. Chương trình này chỉ thích hợp với những bạn có đủ ý chí dành trọn 4 năm để học thành tài. Còn đối với những bạn ham chơi hơn ham học, nhà trường có lời khuyên: các bạn nên tìm chọn các chương trình đào tạo khác, thích hợp hơn.
(4) Học phí: 2 triệu đồng/học kỳ. Riêng học kỳ cuối khóa: 2,8 triệu đồng. Đây phải chăng là một mức học phí cao? Cao hay thấp, cần phải tính đến số tiết học, nội dung của chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy, mức độ sử dụng thiết bị hiện đại trong học tập và một số điều kiện khác. Đặc biệt, phải nhìn vào hiệu quả mà các bạn sẽ nhận được từ chương trình đào tạo, cũng tức là so sánh chi phí với hiệu quả.
2.1. Chương trình đào tạo cử nhân Quản lý kinh doanh
Mục tiêu đào tạo
Hệ thống đại học của nước ta mấy chục năm qua chỉ tập trung đào tạo các loại chuyên gia theo chuyên môn hẹp, để lắp ráp vào hệ thống phân công lao động rất tỉ mỉ mà cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã thiết kế sẵn. Nhưng xã hội vẫn còn một nhu cầu khác: loại chuyên gia có chuyên môn rộng, có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp. Nhu cầu này trước đây vẫn có, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường khiến vai trò của doanh nghiệp được đề cao thì càng bộc lộ rõ. Loại chuyên gia này phải có hiểu biết cơ bản về tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp.
Thế nào là loại chuyên gia có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp?
Thông thường, người ta chọn một kỹ sư cơ khí có kinh nghiệm để làm giám đốc một công ty cơ khí, chọn một kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm để làm giám đốc một công ty xây dựng. Điều đó là hợp lý vì nội dung kỹ thuật chiếm vị trí lớn nhất trong các công ty ấy. Tuy nhiên, khi ngồi vào cương vị giám đốc, các kỹ sư này đều cảm thấy lúng túng, hẫng hụt về nhiều mặt. Vì ngoài lĩnh vực kỹ thuật, giám đốc còn phải lo về thương mại, tài chính, quản lý. Riêng về quản lý, giám đốc phải lo vạch chiến lược và kế hoạch kinh doanh, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, điều hành phối hợp, kiểm tra. Để bổ khuyết vào những hẫng hụt này, người ta thiết kế ra chương trình đào tạo về Quản lý kinh doanh (Cử nhân quản lý kinh doanh – BBA, hay Thạc sĩ quản lý kinh doanh – MBA) là một loại chương trình có nhiệm vụ đào tạo ra những chuyên gia có khả năng quản lý cả một doanh nghiệp. ở nhiều nước, có bằng MBA là điều kiện bắt buộc để được nhận làm giám đốc công ty, bất kể đã là kỹ sư ngành gì.
Đối với loại công ty mà nội dung kỹ thuật chiếm địa vị thứ yếu thì giám đốc chỉ cần được đào tạo về Quản lý kinh doanh là đủ.
Đối với loại chuyên gia được đào tạo theo chuyên môn hẹp thì khi được cử làm giám đốc công ty, phải được bổ túc theo chương trình Quản lý kinh doanh.
Không chỉ giám đốc, mà phó giám đốc, trợ lý giám đốc, thư ký giám đốc, các trưởng phó phòng nghiệp vụ kinh doanh và một số chuyên viên ngiệp vụ kinh doanh cũng cần được đào tạo theo chương trình Quản lý kinh doanh.
Nếu xem doanh nghiệp là các cỗ máy làm ra của cải cho xã hội thì Nhà quản lý kinh doanh chính là động cơ của các cỗ máy ấy.
Không chỉ các doanh nghiệp mà cả các xí nghiệp công ích, các bệnh viện, các trường học và tất cả các tổ chức khác hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận cũng cần đến một số chuyên gia được đào tạo theo chương trình Quản lý kinh doanh. Vị trí của họ là ở những bộ phận có trách nhiệm tính toán sao cho với chi phí thấp nhất về nhân tài vật lực mà đạt được hiệu quả phục vụ cao nhất.
Nghề quản lý kinh doanh dạy cho người ta biết huy động và phối hợp tốt nhất các nguồn lực của doanh nghiệp, của tổ chức (bao gồm nhân lực, chất xám, tài sản vô hình, đất đai, nhà cửa, kỹ thuật, công nghệ, nguồn tài chính, lợi thế về địa điểm, lợi thế về thời cơ, v.v…) để làm sao với chi phí thấp nhất mà đạt được hiệu quả cao nhất. Phải phân tích và nhìn toàn cục các nguồn lực mới biết huy động và phối hợp chúng như thế nào để đạt mục tiêu trên. “Quản lý cả một doanh nghiệp” là với ý nghĩa như thế. Nó đối lập với “quản lý một mặt hoạt động của doanh nghiệp”, cũng tức là chuyên môn hẹp. Không chỉ giám đốc mới cần có năng lực quản lý cả một doanh nghiệp. Không chỉ doanh nghiệp mới cần chuyên gia có năng lực quản lý kinh doanh. Xét theo nội dung đó thì Nghề quản lý kinh doanh là một nghề có nhu cầu khá rộng trong xã hội.
Nghề quản lý kinh doanh (trong giáo dục gọi là Ngành) là một nghề bao hàm nhiều nghề, ít nhất cũng bao hàm mấy cụm nghề chính là thương mại, tài chính – kế toán và quản lý. Trên cái nền đa ngành đa nghề ấy, chương trình đào tạo về Quản lý kinh doanh (cả BBA và MBA) thường dành một tỷ lệ thời gian nhất định để đào tạo sâu hơn về một nhánh của nghề quản lý kinh doanh, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường là làm việc được ngay. Nhánh ấy được gọi là chuyên ngành (spécialisation).
Nội dung của chương trình đào tạo
Nhà quản lý kinh doanh là một loại chuyên gia có chuyên môn rộng, bao quát mọi hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp, từ mua, bán, tiếp thị, thương mại, xuất nhập khẩu, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đến kế toán, tài chính, tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, tiền tệ quốc tế, đến quản lý chiến lược kinh doanh, quản lý dự án, quản lý chất lượng, quản lý tác nghiệp, quản lý hành chính, quản lý nhân lực, tổ chức lao động, tổ chức quản lý, v.v…
Tất cả các hoạt động này đều đã được đặt trong các hành lang pháp lý – quốc gia và quốc tế. Vì vậy, nhà quản lý kinh doanh phải nắm vững pháp luật, để làm theo pháp luật, và để không vi phạm pháp luật.
Tất cả các kiến thức nêu trên không phải chỉ cần biết trên nguyên tắc, trên lý thuyết là đủ, mà phải biết cặn kẽ cả nghiệp vụ tiến hành, cả kỹ năng, kỹ xảo, tức là phải có năng lực thực hành cao.
Trên cái nền kiến thức và kỹ năng đa ngành đa nghề nêu trên, nhà quản lý kinh doanh phải được đào tạo sâu hơn về một nhánh của nghề quản lý kinh doanh gọi là chuyên ngành, để khi ra trường có thể hành nghề được ngay bằng chính chuyên ngành ấy, trước khi có được điều kiện để phát huy toàn năng nghề nghiệp của mình trên những cương vị cao hơn.
Nhà quản lý kinh doanh phải là một chuyên gia thực hành, thành thạo nghiệp vụ. Nhưng thế chưa đủ. Muốn quản lý kinh doanh thì trước tiên phải là một nhà kinh tế, có trình độ lý luận và phương pháp luận, có kiến thức kinh tế đủ rộng để xét đoán và định hướng trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Tổng hòa các kiến thức và kỹ năng nêu trên hình thành nên cái gọi là năng lực nghề nghiệp quản lý kinh doanh. Nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo Cử nhân Quản lý kinh doanh chính là nhằm hình thành nên cái năng lực nghề nghiệp ấy.
Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, nhà quản lý kinh doanh không thể không sử dụng được công cụ giao dịch quốc tế là tiếng Anh. Tối thiểu cũng phải giao dịch được với các bạn hàng nước ngoài, khá hơn thì có thể đàm phán, đi đến ký kết hợp đồng thương mại quốc tế. Đây là năng lực bổ trợ rất quan trọng, nhờ nó mà nhà quản lý kinh doanh vươn tới được các bạn hàng nước ngoài và các thị trường nước ngoài.
Trong thời đại công nghệ thông tin thì kỹ năng sử dụng máy vi tính là một kỹ năng bổ trợ rất quan trọng, làm cho năng lực quản lý kinh doanh tăng thêm hiệu lực và hiệu quả (soạn thảo văn bản, gửi thư điện tử, quản lý dữ liệu, kế toán, tính toán các phương án tài chính, truy cập mạng, tiến hành thương mại điện tử, v.v…).
Ngoài 3 khối kiến thức nêu trên, chương trình đào tạo còn gồm một số kiến thức rất cần thiết khác, gần như bắt buộc đối với bất cứ ngành đào tạo đại học nào, được gộp lại dưới cái tên chung: Kiến thức giáo dục đại cương.
Cơ cấu kiến thức của chương trình đào tạo cử nhân quản lý kinh doanh
(Đơn vị: tiết học)
Khối kiến thức | Đơn vị | Khối kiến thức | Đơn vị |
I. Quản lý kinh doanh | 159 | 5. Luật kinh tế | 12 |
1. Kiến thức kinh tế cơ sở | 6. Chuyên ngành | 20 | |
Học thuyết kinh tế Mác – Lênin | 9 | 7. Thực tập và Luận văn tốt nghiệp | 20 |
Kinh tế học vĩ mô, vi mô | 6 | II. Tin học ứng dụng | 24 |
Thống kê kinh tế | 3 | III. Tiếng Anh | 80 |
Địa lý kinh tế Việt Nam và thế giới | 6 | IV. Giáo dục đại cương | 29 |
2- Thương mại | Toán cao cấp | 6 | |
Thương mại | 12 | Lô-gích | 2 |
Ngoại thương | 6 | Triết học Mác – Lênin | 4 |
Tiếp thị | 6 | CNXH khoa học | 2 |
3- Tài chính – Kế toán | Lịch sử ĐCS VN | 4 | |
Tài chính – Tiền tệ | 9 | Giáo dục thể chất | 5 |
Tài chính doanh nghiệp | 6 | Giáo dục quốc phòng | 6 |
Kế toán doanh nghiệp | 6 | Tổng cộng | 292 |
Toán kinh tế | 6 | ||
4- Quản lý | |||
Khoa học quản lý | 3 | ||
– Tổ chức quản lý | 3 | ||
– Quản lý nhân sự | 3 | ||
– Chiến lược kinh doanh | 3 | ||
– Quản lý dự án | 3 | ||
– Quản lý chất lượng | 3 | ||
– Quản lý tác nghiệp | 3 | ||
– Quản lý hành chính | 6 | ||
– Kỹ năng văn bản, thuyết trình, giao tiếp, đàm phán | 5 |
2.2. Chương trình đào tạo cử nhân Tiếng Anh
Mục tiêu đào tạo
- Chương trình đào tạo Cử nhân Quản lý kinh doanh chỉ dành được 1.200 tiết cho môn tiếng Anh để bảo đảm cho sinh viên đạt được trình độ C về tiếng Anh. Với trình độ này thì có thể sử dụng được tiếng Anh để giao dịch với các bạn hàng nước ngoài.
- Tuy nhiên, doanh nghiệp nào cũng cần đến một loại chuyên gia thành thạo tiếng Anh, thành thạo đến mức có thể đàm phán, đi đến ký kết hợp đồng thương mại quốc tế. Loại chuyên gia này tối thiểu cũng phải đạt trình độ Cử nhân về tiếng Anh.
Nội dung của chương trình đào tạo
- Chương trình đào tạo trước tiên phải bảo đảm cho sinh viên đạt được trình độ Cử nhân về tiếng Anh theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.
- Tuy nhiên, để có thể đàm phán, đi đến ký kết được hợp đồng thương mại quốc tế thì thành thạo tiếng Anh chưa đủ. Phải có thêm một năng lực nghề nghiệp thứ hai nữa – năng lực nghề nghiệp quản lý kinh doanh. Được đào tạo khá đầy đủ về kinh tế, kinh doanh và quản lý, Cử nhân tiếng Anh không chỉ đơn thuần là một chuyên gia về ngoại ngữ, mà trở thành một chuyên gia quản lý kinh doanh sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Chức năng đối ngoại của doanh nghiệp đòi hỏi một loại chuyên gia như thế.
- Ngoài ra, Cử nhân tiếng Anh cũng phải được đào tạo về Tin học để sử dụng được những thành tựu của công nghệ thông tin với tư cách là nhà quản lý kinh doanh.
Cơ cấu kiến thức của chương trình đào tạo cử nhân tiếng Anh (Đơn vị: tiết học)
Khối kiến thức | Đơn vị | Khối kiến thức | Đơn vị |
I- Tiếng Anh | 149 | 4- Quản lý | |
II- Quản lý kinh doanh | 89 | Khoa học quản lý | 3 |
1- Kiến thức kinh tế cơ sở | Chiến lược kinh doanh | 3 | |
Học thuyết kinh tế Mác – Lênin | 9 | Quản lý dự án | 3 |
Kinh tế học vĩ mô, vi mô | 6 | Quản lý chất lượng | 3 |
Thống kê kinh tế | 3 | Quản lý tác nghiệp | 3 |
2- Thương mại | – Kỹ năng văn bản, thuyết trình, giao tiếp, đàm phán | 5 | |
Thương mại | 12 | 5- Luật kinh tế | 12 |
Ngoại thương | 6 | III- Tin học ứng dụng | 24 |
Tiếp thị | 6 | IV. Giáo dục đại cương | 29 |
3- Tài chính – Kế toán | Toán cao cấp | 6 | |
Tài chính – Tiền tệ | 9 | Lô-gích | 2 |
Tài chính DN | 6 | Triết học Mác – Lênin | 4 |
CNXH khoa học | 2 | ||
Lịch sử ĐCS VN | 4 | ||
Giáo dục thể chất | 5 | ||
Giáo dục QP | 6 | ||
Tổng cộng | 291 |
2.3. Chương trình đào tạo cử nhân Tin học
Mục tiêu đào tạo
Mấy năm lại đây, các doanh nghiệp ở nước ta sử dụng máy vi tính ngày càng nhiều, đặt ra yêu cầu phải có loại chuyên gia biết vận hành hệ thống máy vi tính mà nội dung quan trọng nhất là bảo đảm việc lập trình cho hệ thống đó, đáp ứng yêu cầu quản lý và kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm loại chuyên gia này từ Khoa Tin học, hoặc Khoa Toán – Tin của một số trường đại học, nhưng sinh viên tốt nghiệp từ các trường này có nhược điểm là không am hiểu quản lý và kinh doanh. Với thế mạnh của một trường chuyên về quản lý và kinh doanh, Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội có khả năng bổ khuyết vào các nhược điểm này. Mục tiêu là đào tạo ra một loại chuyên gia vừa am hiểu tin học, vừa am hiểu quản lý và kinh doanh, nhờ đó, có khả năng đem tin học phục vụ có hiệu quả cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Nội dung của chương trình đào tạo
- Chương trình đào tạo trước tiên phải bảo đảm cho sinh viên đạt được trình độ Cử nhân về tin học theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế.
- Trong Chương trình đào tạo Cử nhân tin học thì tiếng Anh đóng vai trò bổ trợ đặc biệt quan trọng: không có tiếng Anh thì không học được tin học, không khai thác được mạng thông tin toàn cầu. Tiếng Anh cũng là công cụ giao dịch quốc tế của nhà quản lý kinh doanh. Muốn triển khai các hoạt động kinh doanh qua mạng thông tin toàn cầu, phải sử dụng được tiếng Anh.
- Để ứng dụng tin học vào các hoạt động quản lý và kinh doanh thì Cử nhân tin học phải am hiểu các hoạt động đó, ít nhất là những hoạt động đã và đang được tin học hóa trong phạm vi doanh nghiệp cũng như trên mạng thông tin toàn cầu.
Cơ cấu kiến thức của chương trình đào tạo Cử nhân tin học (Đơn vị: tiết học)
Khối kiến thức | Đơn vị | Khối kiến thức | Đơn vị |
I. Tin học | 128 | 4- Quản lý | |
II. Tiếng Anh | 80 | Quản lý dự án | 3 |
III. Quản lý KD | 54 | Quản lý nhân sự | 3 |
1. Kiến thức kinh tế cơ sở | Kỹ năng văn bản, thuyết trình, giao tiếp, đàm phán | 3 | |
Học thuyết kinh tế Mác – Lênin | 9 | IV. Giáo dục đại cương | 29 |
Thống kê kinh tế | 3 | Toán cao cấp | 6 |
2- Thương mại | Lô-gích | 2 | |
Ngoại thương | 6 | Triết học Mác – Lênin | 4 |
Tiếp thị | 6 | CNXH khoa học | 2 |
3. Tài chính – Kế toán | Lịch sử ĐCSVN | 4 | |
Tài chính – Tiền tệ | 9 | Giáo dục thể chất | 5 |
Tài chính doanh nghiệp | 6 | Giáo dục quốc phòng | 6 |
Kế toán doanh nghiệp | 6 | Tổng cộng | 291 |
2.4. Chương trình đào tạo cử nhân văn bằng 2
- Nhiều người đã tốt nghiệp đại học, nhưng nghề nghiệp được đào tạo lại không đáp ứng đúng hoặc đáp ứng chưa đủ nhu cầu của việc làm. Nảy sinh sự cần thiết phải học thêm một nghề nữa để chuyển nghề hoặc bổ sung nghề. Cũng có người muốn nắm vững vài ba nghề để nghề nọ bổ sung cho nghề kia thêm thành thạo. Văn bằng Cử nhân thứ hai – gọi tắt là bằng 2 – là văn bằng cấp cho những người đã có ít nhất một bằng Cử nhân.
- Đại học Quản lý – Kinh doanh Hà Nội đào tạo bằng 2 theo hệ chính quy(học tập trung liên tục tại trường). Thời gian lên lớp có thể bố trí vào ca sáng, ca chiều hoặc ca tối, tùy điều kiện thuận tiện cho sinh viên. Dù học ca nào, quy trình đào tạo vẫn theo đúng Quy chế của hệ chính quy. Sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân hệ chính quy.
- Trường đào tạo bằng 2 theo 3 ngành học:
- Quản lý kinh doanh
- Tiếng Anh
- Tin học
- Để được cấp bằng 2, cần hoàn thành các học phần thuộc khối kiến thức cốt lõi của ngành học, tức là khối kiến thức hình thành nên năng lực nghề nghiệp đặc thù của ngành học. Cụ thể là:
- Khối kiến thức Quản lý kinh doanh (159 đơn vị) nếu học bằng 2 Cử nhân Quản lý kinh doanh.
- Khối kiến thức Tiếng Anh (149 đơn vị) nếu học bằng 2 Cử nhân Tiếng Anh.
- Khối kiến thức Tin học (128 đơn vị) nếu học bằng 2 Cử nhân Tin học.
- Sinh viên được bảo lưu kết quả học tập (đạt từ 5 điểm trở lên) đối với những học phần trong chương trình đào tạo ngành thứ nhất có số đơn vị học trình tương đương hoặc lớn hơn so với chương trình đào tạo của ngành mới.
- Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp một ngành của Đại học Quản lý – Kinh doanh Hà Nội thì khi học bằng 2, có thuận lợi là: số lượng đơn vị học trình phải hoàn thành tương đối nhỏ. Sở dĩ như vậy vì: các chương trình đào tạo của Trường được thiết kế liên thông với nhau, dựa trên 3 khối kiến thức – Quản lý kinh doanh, Tiếng Anh và Tin học. Mỗi khối kiến thức giữ vị trí cốt lõi trong một ngành học. Khi khối kiến thức này giữ vị trí cốt lõi thì 2 khối kiến thức kia giữ vị trí bổ trợ. Vì vậy, hoàn thành một ngành học có nghĩa là đã hoàn thành một bộ phận, lớn hoặc nhỏ, của 2 ngành kia. Để được cấp bằng 2, chỉ cần hoàn thành nốt những học phần còn thiếu thuộc khối kiến thức cốt lõi của ngành thứ hai. Cụ thể là:
Đã có bằng Cử nhân | Muốn có thêm bằng 2 | Cần học thêm |
Quản lý KD | Tiếng Anh | 69 đơn vị Tiếng Anh |
Tin học | 104 đơn vị Tin học | |
Tiếng Anh | Quản lý kinh doanh | 70 đơn vị Quản lý KD |
– Tin học | 104 đơn vị Tin học | |
Tin học | – Quản lý KD | 105 đơn vị Quản lý KD |
– Tiếng Anh | 69 đơn vị Tiếng Anh |
- Sinh viên học bằng 2 là những người đã qua một chương trình đào tạo đại học, vì vậy, trình độ kiến thức, năng lực tư duy và khả năng tự nghiên cứu nói chung cao hơn sinh viên học bằng 1. Đó là điều kiện thuận lợi để giảng xúc tích hơn, dành nhiều thời gian hơn cho việc tự nghiên cứu giáo trình và các tài liệu tham khảo, đối thoại trên lớp, thảo luận tình huống.
2.5. Chương trình đào tạo hướng nghiệp
Nhu cầu đào tạo
- Nhiều trường đại học lớn trên thế giới thường tổ chức khóa học chuẩn bị(ở Pháp gọi là cours préparatoire) dành cho những người đã tốt nghiệp Trung học phổ thông muốn củng cố và nâng cao kiến thức để được tuyển chọn vào các trường ấy. Những người đã qua khóa học chuẩn bị thường được tuyển chọn với tỷ lệ cao hơn nhiều so với những người không qua khóa học chuẩn bị.
- Ở nước ta, nhiều người tốt nghiệp Trung học phổ thông muốn học lên đại học, nhưng học lực chưa đủ để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học. Họ sẵn sàng dành thêm một năm học nữa.
Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội tổ chức Khóa học chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của những người muốn củng cố và nâng cao kiến thức để thi tuyển vào Trường, xem đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đầu vào cho Trường. Kinh nghiệm nhiều năm chứng tỏ rằng những người đã qua Khóa học chuẩn bị thường đạt tỷ lệ trúng tuyển vào Trường rất cao – khoảng 60%. Nếu kể cả số người trúng tuyển vào các trường đại học khác thì tỷ lệ trúng tuyển đạt 70%, trong khi tỷ lệ trúng tuyển vào đại học, tính chung cho thí sinh cả nước, chỉ khoảng 10%.
- Phần lớn những người dự Khóa học chuẩn bị đã chọn nghề quản lý kinh doanh và đã trúng tuyển vào Trường Quản lý – Kinh doanh. Vì vậy, khóa học được gọi là Khóa học Hướng nghiệp.
- Học sinh Khóa học chuẩn bị sẵn sàng dành cả một năm học để củng cố và nâng cao kiến thức phổ thông. Nhưng củng cố và nâng cao kiến thức phổ thông (bao quát kiến thức cả 3 năm Trung học phổ thông) chỉ đòi hỏi một học kỳ hoặc hơn một học kỳ là đủ. Thời gian còn lại dùng vào việc gì? Cách dùng thời gian hiệu quả nhất là chọn học thêm một số học phần thuộc chương trình đào tạo đại học của Trường như: Tiếng Anh, Tin học, Toán cao cấp, v.v… Những học phần này nếu đạt kết quả tốt thì khi trúng tuyển vào Trường, sẽ được miễn học lại, xem như những “tín chỉ” đã được tích lũy. Trong trường hợp không trúng tuyển vào Trường thì tiếng Anh và kỹ năng sử dụng máy vi tính vẫn là những công cụ nghề nghiệp quan trọng. Cả điều này nữa cũng mang ý nghĩa hướng nghiệp.
Chương trình đào tạo
- Trình độ học lực của những người dự khóa học rất không đồng đều: có người trình độ khá, có người trình độ trung bình, có người trình độ yếu.
Nhu cầu về kiến thức cũng không giống nhau: có người muốn thi vào đại học theo Khối A (Toán, Lý, Hóa), có người muốn thi vào đại học theo Khối D (Toán, Văn, Tiếng Anh).
Để phù hợp với trình độ học lực và nhu cầu kiến thức của người học, nhà trường thiết kế 3 loại chương trình ứng với 3 trình độ học lực. Mỗi chương trình đều gồm có 2 thành phần:
- Thành phần A: củng cố và nâng cao kiến thức Trung học phổ thông. Thành phần này phân theo 2 Khối – Khối A và Khối D.
- Thành phần B gồm một số học phần thuộc chương trình đào tạo đại học.
- Chương trình Idành cho những người trình độ khá:
- Thành phần A chiếm 1/2 thời lượng của khóa học
- Thành phần B chiếm 1/2 thời lượng, có nghĩa là học đủ 36 đơn vị thuộc học kỳ I của chương trình đào tạo đại học.
- Chương trình IIdành cho những người trình độ trung bình:
- Thành phần A chiếm 2/3 thời lượng của khóa học
- Thành phần B chiếm 1/3 thời lượng, có nghĩa là chỉ học 24 đơn vị của chương trình đào tạo đại học (gồm 12 đơn vị tiếng Anh và 12 đơn vị Tin học).
- Chương trình IIIdành cho những người trình độ yếu:
- Thành phần A chiếm 5/6 thời lượng của khóa học
- Thành phần B chiếm 1/6 thời lượng, có nghĩa là chỉ học 12 đơn vị của chương trình đào tạo đại học (hoặc tiếng Anh, hoặc Tin học).
- Nhà trường có lời khuyên: mỗi bạn hãy lượng sức mình để chọn chương trình học. Hãy tập trung cố gắng cho mục tiêu số 1 là vượt qua được kỳ thi tuyển sinh đại học. Nếu còn dư sức mới chọn học thêm một số học phần của chương trình đại học.
- Khóa học tiến hành trong 2 học kỳ, mỗi học kỳ 18 tuần, mỗi tuần lên lớp 6 ngày (nghỉ chủ nhật), mỗi ngày 5 tiết.
2.6. Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý đương chức
Đối tượng đào tạo
- Vị trí vai trò của các doanh nghiệp đã thay đổi căn bảnkể từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường và chính sách kinh tế nhiều thành phần. Trước đây, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mỗi xí nghiệp quốc doanh hay tập thể chỉ là một bộ phận của một cỗ máy lớn, vận hành bởi một động cơ trung tâm. Ngày nay, mỗi xí nghiệp trở thành một cỗ máy độc lập, vận hành bởi chính động cơ của mình. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã hình thành với tư cách là những tổ chức độc lập tự chủ.
Động cơ của các cỗ máy doanh nghiệp chính là các nhà quản lý doanh nghiệp.
- Để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, Đại học Quản lý – Kinh doanh Hà Nội xác định mục tiêu của mình là đào tạo sinh viên thành các nhà quản lý kinh doanh, cung cấp nhân tài quản lý cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên không phải là đối tượng đào tạo duy nhất của Trường. Ngoài đối tượng ấy, còn một đối tượng quan trọng nữa: các nhà quản lý doanh nghiệp đương chức(gọi tắt là cán bộ quản lý đương chức).
Nhu cầu đào tạo
Với đối tượng này, nhu cầu đào tạo vừa rộng lớn, vừa đa dạng.
- Phần lớn cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nướcxuất thân là các chuyên gia kỹ thuật hoặc chuyên gia kinh tế chuyên ngành hẹp. Qua thực tiễn công tác, họ được đề bạt làm giám đốc, tổng giám đốc công ty. Khi được đặt vào cương vị này, họ mới nhận thấy còn nhiều lỗ hổng về kiến thức kinh doanh, quản lý kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Không ít giám đốc đã bị vấp váp, thất bại vì không thông thạo quản lý tài chính, không biết đọc và phân tích các báo cáo kế toán, không thông thạo các nghiệp vụ xuất nhập khẩu, không nắm vững các nguyên tắc và kỹ năng quản lý doanh nghiệp.
Các cấp quản lý thấp hơn trong doanh nghiệp như xưởng trưởng, trưởng phó phòng, quản đốc phân xưởng, tổ trưởng sản xuất càng ít được quan tâm bồi dưỡng về quản lý. Trình độ quản lý yếu kém trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và năng suất lao động của doanh nghiệp.
- Các nhà doanh nghiệp tư nhânthì hầu hết chưa được đào tạo bài bản về kinh doanh, quản lý kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Họ lớn lên từ thương trường, nhưng khi đã thành doanh nghiệp thì không dễ gì quản lý và phát triển chỉ bằng một số bí quyết, mánh khóe hoặc kinh nghiệm.
- Các cơ sở sản xuất cá thể trong nông nghiệp và nông thôn, khi còn là sản xuất cá thể mang tính tự cấp tự túc thì chưa thấy có gì vướng mắc với những kinh nghiệm quản lý cổ truyền. Nhưng khi đã phát triển thành những cơ sở sản xuất hàng hóa quy mô tương đối lớn, thành trang trại và hợp tác xã nông lâm ngư nghiệpthì một loạt vấn đề được đặt ra: mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu, tiếp thị, nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến, v.v… Giải quyết các vấn đề này phải trên cơ sở kiến thức hiện đại về quản lý kinh doanh.
- Hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầuđang đặt ra trước các doanh nghiệp nước ta nhiều vấn đề mới mẻ và cấp bách: nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao hiệu quả của kinh doanh, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Những vấn đề này chỉ có thể giải quyết trên cơ sở kiến thức hiện đại về quản lý kinh doanh.
- Trong nhiều thập kỷ, hệ thống nghiên cứu và đào tạo của các nước xã hội chủ nghĩa ít quan tâm đến khoa học quản lý doanh nghiệpkhiến cho về mặt này, các nước xã hội chủ nghĩa lạc hậu nhiều so với các nước phương Tây. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã hạ thấp vai trò của các nhà quản lý doanh nghiệp, do đó, cũng hạ thấp vai trò của khoa học quản lý doanh nghiệp.
Ngày nay, khi vị trí vai trò của các nhà quản lý doanh nghiệp được đề cao thì việc bồi dưỡng năng lực quản lý cho họ phải được đặt ra như một nhiệm vụ then chốt, cấp bách. Như Lênin đã từng chỉ ra cho những người Cộng sản Nga, phải giảng dạy và ứng dụng một cách có hệ thống phương pháp Taylo, phải học tập và ứng dụng kỷ luật ngành đường sắt của nước Phổ, phải học tập chủ nghĩa xã hội ở phần lớn những người lãnh đạo các tờ-rơt, những nhà tổ chức lớn nhất của chủ nghĩa tư bản.
Phương thức đào tạo
Các nhà quản lý doanh nghiệp đương chức không thể dành một thời gian dài cho nhu cầu đào tạo. Với họ, chỉ phương thức đào tạo ngắn hạn là thích hợp.
Họ cũng không có nhu cầu về một chương trình đào tạo hoàn chỉnh. Ngay dù xuất thân là một chuyên gia kỹ thuật thì qua thực tiễn, họ cũng đã nắm được khá nhiều kiến thức về kinh tế, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Nhược điểm chỉ là ở chỗ nắm không đầy đủ, không hệ thống, có khi biết cái ngọn mà không biết cái gốc. Đối với họ, nhu cầu đào tạo chỉ có nghĩa là bổ túc và nâng cao – bổ túc về những điều hiểu biết chưa đầy đủ, chưa hệ thống, nâng cao về những điều hiểu biết chưa sâu, chưa cập nhật.
Chương trình đào tạo
- Các nhà quản lý doanh nghiệp không phải là một đối tượng đào tạo đồng nhất về mặt kiến thức. Nhu cầu về kiến thức cũng rất khác nhau. Vì vậy, không thể có một chương trình đào tạo chung cho tất cả, mà phải có nhiều chương trình cho nhiều đối tượng khác nhau. Ngay trong một chương trình, cũng có người cần chuyên đề này mà không cần chuyên đề kia. Nguyên tắc “tự chọn món ăn”là nguyên tắc thích hợp hơn cả.
- Đặc điểm chung của các chương trình đào tạo ngắn hạn của Đại học Quản lý – Kinh doanh là: nó không nhằm vào những nhu cầu có tính nhất thời (giải thích một chính sách, huấn luyện một nghiệp vụ, v.v…) mà nhằm hướng đào tạo cơ bản hơn: bổ sung cho người học những hệ thống kiến thức còn thiếu hoặc hiểu biết chưa đầy đủ, lấy đó làm nền tảng kiến thức cho những hoạt động lâu dài, nâng cao trình độ kiến thức của người học cập nhật với thời đại, hướng các nhà quản lý vào những kinh nghiệm mới, chiến lược mới, thị trường mới, biện pháp quản lý mới.
- Trường đã thiết kế và triển khai một số chương trình đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng như sau:
Chương trình đào tạo về quản lý kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Chương trình bồi dưỡng về quản lý cho các Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.
Chương trình bồi dưỡng về quản lý cho các chủ trang trại, chủ doanh nghiệp nghề cá.
Chương trình bổ túc về quản lý cho Tổ trưởng sản xuất của các xí nghiệp công nghiệp.
Chương trình đào tạo thư ký giám đốc.
Chương trình bổ túc nâng cao về quản lý và kinh doanh dành cho Giám đốc doanh nghiệp và cán bộ quản lý kế cận.
Chương trình này gồm nhiều chuyên đề hay môn học có vai trò chỉ đạo thực tiễn quản lý và kinh doanh như:
- Khoa học quản lý
- Tổ chức quản lý
- Chiến lược kinh doanh
- Xây dựng và quản lý dự án
- Tiếp thị
- Kinh doanh xuất nhập khẩu
- Quản lý tài chính
- Quản lý nhân lực
- Quản lý hành chính
- Tâm lý học ứng dụng trong quản lý và kinh doanh
- Nghề giám đốc.
III. Đội ngũ giảng dạy
Đội ngũ giảng dạy của Trường gồm có 160 giảng viên cơ hữu, trong đó, nòng cốt là những cán bộ sau đây:
Trần Phương – GS Kinh tế, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV và V.
Phạm Như Cương – GS Triết học, nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Chủ nhiệm Khoa Triết học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội, ủy viên Trung ương Đảng khóa VI.
Phan Văn Tiệm – GS.TSKH Kinh tế, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, ủy viên Trung ương Đảng khóa VI và VII.
Lê Văn Toàn – PGS.TSKH Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Kế hoạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Vũ Huy Từ – GS.TSKH Kinh tế, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia.
Lê Văn Châu – TS Kinh tế, nguyên Giám đốc điều hành Phụ quyết Ngân hàng thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Đỗ Quế Lượng – TS Kinh tế, nguyên Quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Nguyễn Mạnh Can – Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Trần Công Bảy – TS Kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Trần Văn Chu – PGS.TS Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế đối ngoại Bộ Thương mại.
Lê Khắc Đóa – TS Kinh tế, nguyên Vụ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lê Văn Viện – GS.TSKH Kinh tế, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại Hà Nội.
Lương Trọng Yêm – GS.TS Kinh tế, nguyên Vụ trưởng Học viện Hành chính quốc gia.
Nguyễn Quang Thái – PGS.TS Toán học, TSKH Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển.
Trần Ngọc Chương – PGS.TS Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng Đại học Huế.
Đặng Phong – Nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế.
Nguyễn Văn Thảo – Luật sư, nguyên Viện trưởng Viện Pháp chế Bộ Tư pháp.
Nguyễn Đăng Quang – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục lý luận Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng.
Đỗ Bội Toàn – ThS Kinh tế, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục lý luận Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng.
Lê Thế Tường – PGS Kinh tế.
Nguyễn Thị Minh Trang – PGS.TS Kinh tế.
Phạm Văn Duyên – PGS Triết học.
Phạm Quang Huấn – PGS.TS Kinh tế.
Trần Anh Bảo – PGS.TS Tin học.
Vũ Quang Anh – TS. Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại.
Nguyễn Ngọc Minh – TS Kinh tế, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương.
Trịnh Bá Minh – KS, nguyên Tổng Giám đốc Công ty giấy Bãi Bằng.
Nguyễn Võ Ngoạn – TS Kinh tế, nguyên Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước.
Trần Trọng Khoái – TS Kinh tế, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Tài chính.
Đào Nguyên Vịnh – TS Kinh tế.
Đoàn Hữu Xuân – TS Kinh tế.
Hoàng Xuân Thảo – TS Tin học.
Nguyễn Trọng Đàn – TS Ngữ Văn (Anh văn).
Đoàn Hữu Vượng – ThS Tin học.
Trần Quang Nhạ – ThS Anh Văn.
Trần Anh Thơ – GVC Anh Văn.
Khúc Lễ – GVC Anh Văn.
Nguyễn Tất Thịnh – ThS Quản lý kinh doanh.
Đỗ Thanh Hà – ThS Quản lý kinh doanh.
Đỗ Thị Phương – ThS Quản lý kinh doanh.
Ngoài giảng viên cơ hữu, Trường còn mời nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ làm giảng viên thỉnh giảng./.