Mục tiêu hợp tác đào tạo với nước ngoài

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 10 năm hợp tác đào tạo với nước ngoài, tôi muốn nói rõ mục tiêu của trường ta trong hoạt động này.

Ngay từ năm 1997, khi trường ta mới thành lập, thì Đại học Saxion, một cơ sở đào tạo công lập rất lớn ở Hà Lan, đến đặt vấn đề với trường ta hợp tác với họ. Họ đề nghị với chúng ta: “Các ông đào tạo một năm, còn chúng tôi đào tạo ba năm tiếp theo”. Tôi không đồng ý, nói rằng: “Học trò Việt Nam không học tiếng Anh, mà các ông lại dạy bằng tiếng Anh. Theo tôi, chúng tôi phải dạy 3 năm tiếng Anh, thì học trò của tôi mới nghe được, viết được bằng tiếng Anh. Cho nên chúng tôi phải đào tạo 3 năm, còn các ông đào tạo 1 năm”. Tôi đưa cho họ xem chương trình đào tạo của trường ta. Sau một thời gian nghiên cứu, họ cũng đưa cho ta chương trình đào tạo của họ về từng ngành học. Bấy giờ, họ đồng ý để chúng ta đào tạo 3 năm, còn họ đào tạo 1 năm. Như vậy, họ thừa nhận kết quả đào tạo của chúng ta trong ba năm và chúng ta đã ký hợp đồng hợp tác đào tạo đầu tiên với Đại học Saxion.

Từ đó, như mọi người đã nghe báo cáo của thầy Lê Khắc Đóa, chúng ta đã tổ chức dạy cho hơn một trăm sinh viên, trong đó có mấy chục sinh viên tốt nghiệp đại học ở trường ta sang Hà Lan học thạc sĩ.

Vậy thì mục tiêu của trường ta là gì?

Mục tiêu trước hết là để kiểm nghiệm xem chương trình đào tạo của trường ta có đáp ứng nhu cầu của họ hay không? Mà Hà Lan là nước phát triển ở châu Âu. Khi họ thừa nhận kết quả đào tạo của chúng ta trong ba năm và đào tạo tiếp một năm nữa, cấp bằng cử nhân, thì có nghĩa là đào tạo của chúng ta đáp ứng yêu cầu của họ và không kém họ. Từ trước đến nay, khi chúng ta hợp tác với khối các nước xã hội chủ nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ký một hiệp định công nhận tương đương với nhau về trình độ đào tạo. Bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo của nước ta có ký hợp đồng tương đương với các nước đâu? Vậy thì từng trường phải làm việc này, tự đưa cho họ chương trình đào tạo của mình và họ đã chấp nhận. Thực ra, mọi người đều biết, để thiết kế chương trình đào tạo của trường ta, chúng ta đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và một số nước trong khu vực.

Thực tình khi đối chiếu chương trình đào tạo của Hà Lan với chương trình của trường ta, tôi thấy họ đào tạo còn ít kiến thức hơn chúng ta. Vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận kết quả đào tạo của chúng ta qua ba năm. Đặc biệt là đối với đào tạo thạc sĩ, chúng ta không có hiệp định công nhận tương đương về đại học với các trường của Hà Lan, nhưng khi tôi đưa chương trình đào tạo đại học cho họ, nói là chúng tôi đào tạo thế này đây, bốn năm đào tạo của trường tôi là thế này đây, các ông có công nhận để đào tạo tiếp thạc sĩ không, họ chấp nhận ngay. Điều đó chứng tỏ là chúng ta đào tạo không kém họ, trong một chừng mực nào đó, chúng ta đào tạo rộng hơn họ. Có tốt hơn họ hay không – không biết, nhưng rõ ràng về mặt kiến thức rộng hơn họ. Và như vậy, họ chấp nhận mấy chục sinh viên tốt nghiệp ở trường ta đi học thạc sĩ ở Hà Lan. Cho nên kết quả mà thầy Đóa đã báo cáo là hơn 100 sinh viên của chúng ta tốt nghiệp đại học ở Hà Lan và hơn 20 sinh viên trường ta tốt nghiệp thạc sĩ ở Hà Lan chứng tỏ rằng, ít nhất chúng ta không phải không bằng họ. Cho dù chưa chắc đã tốt hơn họ, nhưng cũng mong rằng chúng ta đào tạo bằng họ. Đó là kết quả thứ nhất.

Sau khi hợp tác, mới đầu Đại học Saxion quy định học phí của người nước ngoài bằng học phí của người trong nước họ. Nhưng rồi dần dần họ chuyển hướng là những người nước ngoài phải nộp học phí cao dần lên, tức là không bao cấp sinh viên nước ngoài nữa: từ 3.000 USD tăng lên 5.000-7.000 USD, rồi 10.000 USD. Tới lúc đó, tôi cảm thấy học phí quá cao đối với người Việt Nam chúng ta. Vì thế tôi đã sang Đài Loan.

Nhiều trường đại học của Đài Loan đặt vấn đề hợp tác đào tạo với trường ta từ năm 2004. Tôi sang Đài Loan thấy Bộ Giáo dục của họ có quy định là họ đào tạo ba năm thì mới cấp bằng cử nhân. Như vậy họ dành cho mình có một năm. Tôi gặp ông Bộ trưởng, nói thẳng với ông ấy là nếu ông quy định như thế thì tôi không cử học trò của tôi sang ông đâu, bởi vì trong một năm làm sao học được tiếng Trung Quốc, làm sao học được tiếng Anh để nghe các ông nói. Ít nhất, các ông phải chấp thuận rằng chúng tôi đào tạo hai năm, còn ông đào tạo hai năm, thì chúng tôi chấp nhận. Cuối cùng, ông Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan sửa đổi quy chế của Bộ là trong hợp tác đào tạo với Việt Nam, thì Việt Nam đào tạo hai năm, Đài Loan đào tạo hai năm. Đó là đào tạo đại học. Còn về đào tạo thạc sĩ, thì tôi nói với ông ấy rằng, chúng tôi đào tạo như thế này đây, nếu ông chấp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng tôi thì tôi sẽ cử họ sang để học tiếp thạc sĩ. Ông ấy chấp nhận.

Như vậy, qua hợp tác đào tạo với Đài Loan, họ đã công nhận chất lượng, chương trình đào tạo của trường ta, kể cả hai năm lẫn bốn năm đào tạo đại học (để cử sang đó đào tạo thạc sĩ). Như thầy Đóa đã nói, chúng ta cử sinh viên sang bên Đài Loan, trên 500 sinh viên đã tốt nghiệp và 300 em đang học ở Đài Loan. Còn thạc sĩ, chúng ta đào tạo nhiều hơn ở Đại học Saxion, Hà Lan. Nhưng học phí ở Hà Lan cao quá, mà chất lượng đào tạo của Đài Loan cũng chẳng kém gì châu Âu và Mỹ. Hầu hết các giảng viên đại học của Đài Loan tốt nghiệp ở Mỹ, ở Anh, hoặc ở Pháp, nên trình độ của họ rất cao. 80% tiến sĩ của họ học ở các nước châu Âu về, nên tôi cho rằng chất lượng đào tạo ở Đài Loan là rất tốt. Sinh viên của chúng ta sang đó học đại học và thạc sĩ đều trưởng thành. Chưa học hết khóa, các doanh nghiệp Đài Loan có đầu tư ở Việt Nam đã tìm đến các em để mời cộng tác với họ. Vì thế, tôi cho rằng kết quả đào tạo của Đài Loan thích hợp với chúng ta.

Tóm lại, mục tiêu lớn nhất của trường khi đặt vấn đề hợp tác đào tạo với nước ngoài là nhằm chứng minh, kiểm nghiệm rằng: ít nhất trường ta đào tạo không kém các nước tiên tiến đó.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích chúng ta thiết kế những chương trình, dạy những chương trình như của các nước tiên tiến. Tôi nói rằng chúng ta không áp dụng, mà chỉ tham khảo các chương trình của họ, đặc biệt là các chương trình của Mỹ, của châu Âu. Họ dạy môn gì, chúng ta dạy môn ấy, thậm chí còn dạy nhiều hơn họ, vì học sinh lớp 12 và sinh viên Việt Nam rất kém ngoại ngữ. Ở các nước như Thái Lan, học đến lớp 12 các em đã thạo tiếng Anh rồi. Còn ở Việt Nam thì có trường dạy tiếng Anh, có trường dạy tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, nên khi học hết lớp 12, học sinh không thạo một ngoại ngữ nào cả. Vì thế, khi vào trường Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chúng ta phải đào tạo lại từ đầu, tức là 1.080 tiết tiếng Anh trong ba năm. Lúc đó các em mới nắm được tiếng Anh để có thể đi học ở nước ngoài. Chính vì thế, tôi đòi Đại học Saxion để trường ta dạy 3 năm, không thì làm sao sinh viên của ta nghe giảng bằng tiếng Anh của họ được. Đương nhiên trong ba năm đó, chúng ta không chỉ đào tạo tiếng Anh, mà đào tạo phần lớn chương trình đại học của họ. Và họ chấp nhận. Mục tiêu duy nhất của chúng ta là điều đó.

Đến hôm nay, qua hơn 10 năm hợp tác đào tạo với các trường nước ngoài, gần một nghìn sinh viên và mấy chục thạc sĩ đã và sắp tốt nghiệp. Tôi cho rằng chúng ta cũng đạt được mục tiêu thứ hai là tạo cho thanh niên nước ta cơ hội đi nước ngoài học đại học hoặc thạc sĩ. Ở trong nước, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc học sinh thi vào đại học phải đạt mức điểm nhất định, ví dụ như 13, 14 điểm. Qua một kỳ thi tuyển đại học, có nhiều em chỉ thiếu một vài điểm, không được học đại học. Tôi cho rằng, thiếu một vài điểm trong đợt thi tuyển sinh đại học, không nhất định là kém. Có thể trong thời gian học phổ thông, các em đó hơi lơ là, khiến không đạt được 13,14 điểm. Nhưng các em đó hoàn toàn có khả năng học lên đại học. Làm sao mà không học được! Nếu bốn năm không xong, thì bốn năm rưỡi, hoặc năm năm. Trong khi đó, tất cả các trường đại học ở nước ngoài không đòi hỏi phải qua một kỳ thi tuyển sinh đại học. Đó là vấn đề. Phải nói rằng ngành giáo dục đại học của chúng ta dở, vì hạn chế khả năng học lên đại học của rất nhiều em, bắt buộc họ phải thi tuyển sinh, mà mỗi một kỳ thi chỉ lấy vào đại học 15-20% em tốt nghiệp phổ thông. Lý gì chúng ta lại cấm các em đó học lên đại học? Cho nên trường ta mở một con đường cho thanh niên học lên đại học, mặc dù họ không qua được kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng các trường nước ngoài vẫn chấp nhận họ.

Đây là khe hở, đúng hơn, là “cái hớ” của ngành đào tạo Việt Nam. Do khống chế qua những kỳ thi tuyển sinh, nên hiện nay người ta báo cáo là ở Mỹ có 15 nghìn, ở Úc có 15 nghìn, ở nhiều nước khác có mấy nghìn sinh viên Việt Nam học đại học. Như vậy, mỗi năm chúng ta cho sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học, tiêu hàng tỷ USD, trong khi đó thì ở trong nước lại không cho trường mở ra. Đó là điều rất dở của những người chịu trách nhiệm về giáo dục ở nước ta.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở đường cho sinh viên ra nước ngoài học, thực ra, có tốn tiền. Học ở trong nước, mỗi năm nộp 8 triệu đồng học phí, có nghĩa là hơn 400 USD. Sang Đài Loan mất 2.000 USD, có trường lấy 2.500 USD. Nhưng họ cấp ký túc xá cho sinh viên, tức là học phí đó không cao lắm. Vì thế, nhiều vị phụ huynh sẵn sàng cấp tiền cho con đi học nước ngoài thông qua trường ta.

Để chuẩn bị cho các em đi học nước ngoài, quan trọng nhất là ngoại ngữ. Làm sao các em phải nghe được, nói được, viết được bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Chúng ta chuẩn bị khoảng hơn một năm thì các em đạt được điều đó. Đây là đối với những em học trung bình. Với những em học giỏi, thực ra chỉ cần một năm thôi. Nhưng để tiết kiệm kinh phí cho sinh viên, chúng ta vẫn dạy hai năm. Hai năm để dạy rất nhiều môn mà bên kia họ cũng dạy, bên này mình cũng dạy. Sau hai năm mới cử các em đi học nước ngoài, có nghĩa là tiết kiệm kinh phí cho các em. Nhưng phải nói rằng họ kiểm tra ngoại ngữ rất ngặt nghèo. Cho nên các em phải rất cố gắng học, mới đạt được trình độ theo yêu cầu của họ. Họ bắt buộc phải thi như quốc tế thi. Tôi nói ví dụ như học ở Đại học Saxion, mỗi lần kiểm tra, họ lấy 500 điểm TOEFL, sau đó lấy 550 điểm TOEFL. Không đạt được là không đi được. Như vậy, đi học ở nước ngoài, không những có bằng cử nhân mà còn thêm bằng ngoại ngữ nữa.

Đến nay, tôi rất mừng là sau 10 năm hợp tác với họ, chúng ta đã đào tạo gần 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học. Nếu ở trong nước, thì các em này không đủ điều kiện đi học đại học, vậy mà khi ra nước ngoài, họ lại tốt nghiệp đại học và thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Trung. So sánh thì chi phí đi học nước ngoài đó không cao hơn trong nước nhiều lắm. Tốn một tí, nhưng rõ ràng là các em có lợi, vì sau khi học bốn năm, các em có bằng cử nhân chuyên môn và tuy không có bằng cử nhân tiếng Anh hay tiếng Trung, nhưng trình độ ngoại ngữ tương đương trình độ cử nhân ngoại ngữ trong nước. Điều đó tạo ra cơ hội tốt cho việc làm của các em. Đó là mục tiêu thứ hai của trường này khi đặt vấn đề hợp tác đào tạo với nước ngoài.

Nhân hôm nay, tôi phải nhắc các em sắp đi học ở nước ngoài là cẩn thận một chút. Thông thường các em thi tuyển vào đại học ở trong nước không đạt. Điều đó chứng tỏ khi học phổ thông, các em có phần lơ là. Phải nói rằng đa số sinh viên du học, khi vào học ở trường này, bị thầy cô giáo chê đấy. Các thầy cô giáo phản ảnh với chúng tôi là sinh viên học lớp này không chăm chỉ. Đúng thế thật. Để có được một năm học ngoại ngữ, trường bố trí cho sinh viên học hai buổi mỗi ngày. Một buổi chỉ có 5 tiết thôi. Nhưng ở trường này, sinh viên nào đi du học, thì phải học ít nhất là 7 tiết rưỡi ở trường và tất nhiên về nhà phải học tiếp. Thế mà phần nhiều các em quá lơ là. Tôi lưu ý các em: nếu không cố gắng bổ khuyết các điểm yếu của mình trong thời kỳ học phổ thông thì các em không đi học nước ngoài được đâu!

Năm nào cũng vậy, trong 100 em học để đi nước ngoài, thế nào cũng rớt lại mấy em. Điều đó chứng tỏ các em học quá tồi. Tôi mong rằng những em hôm nay ngồi ở đây phải rút kinh nghiệm về khiếm khuyết của mình để mà bổ khuyết. Bổ khuyết không khó. Học ngoại ngữ là không khó. Có phải tư duy như toán học đâu? Chẳng qua chăm chỉ là học được. Vậy nên các em phải chăm. Không có cách nào khác.

Tôi cũng lưu ý các em là nhiều trường nước ngoài nhận xét sinh viên Việt Nam học thì không tồi, nhưng không có kỷ luật học tập. Ví dụ như thầy Đóa báo cáo ở đây, dưới kia các em cứ nói chuyện ào ào. Đó là vô kỷ luật, không có kỷ cương, rất tồi, rất tệ. Hay là khi lên máy bay, người ta báo cáo lại với trường là các đoàn sinh viên Việt Nam của trường ta lộn xộn quá. Đừng để người ta chê mình, chê trường mình.

Cho nên tôi lưu ý các em hai điều: Một là, phải học chăm hơn, phải bổ khuyết những nhược điểm của mình khi học phổ thông. Đó là mục tiêu của các em. Hai là, phải có kỷ cương, kỷ luật. Các em tốt nghiệp cử nhân đâu có phải người dân bình thường, mà sẽ đảm nhiệm những vị trí quản lý chủ chốt ở các cơ quan, doanh nghiệp. Thế nên mình phải có kỷ cương, kỷ luật mới đóng được vai trò đó. Bốn năm ở trường đại học chính là bốn năm để rèn luyện cho mình tính kỷ luật, kỷ cương đó. Hãy bắt đầu từ bây giờ.

Đó là hai điều tôi mong mỏi ở sinh viên du học. Về phía trường, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các em học tập cho tốt, rèn luyện cho tốt.

Hôm nay, một số em sắp sửa lên đường. Tôi chúc các em học tập có kết quả và thành công./.