Nhân đọc cuốn Tư duy kinh tế Việt Nam (Khởi luận viết cho cuốn sách Tư duy kinh tế Việt Nam: 1975-1989 của Đặng Phong, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2014)

Trong lịch sử kinh tế Việt Nam có một thời “rối như canh hẹ” – thời đó, kinh tế Việt Nam sa vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, cũng là thời kỳ khủng hoảng trầm trọng về lý luận và chính sách kinh tế. Đó là khoảng thời gian 15 năm sau ngày giải phóng miền Nam. Tác giả Đặng Phong đã lấy thời kỳ này làm đối tượng nghiên cứu và đặt tên cho công trình của mình là Tư duy kinh tế Việt Nam. Đối với giới nghiên cứu kinh tế, chỉ riêng việc chấp nhận một đối tượng nghiên cứu phức tạp và gai góc như vậy đã là điều “đáng nể”! Và không chỉ như vậy. Với tác phong khoa học nghiêm túc, tác giả đã dày công “đào bới” đến ngọn nguồn của các sự kiện nhằm tái hiện lịch sử một cách trung thực nhất.

Một công trình nghiên cứu lịch sử dù công phu đến mấy cũng không tránh khỏi để lại những “góc khuất”, những “góc mờ”. Có nhiều lý do, trong đó có những lý do liên quan đến các nhân vật lịch sử. Các nhân vật lịch sử bao giờ cũng là những nhân vật “đa diện”. Chúng ta biết một Lê Duẩn với ý tưởng táo bạo về “bước đi ban đầu”, về không gian phát triển cho kinh tế tư nhân ở miền Nam sau ngày giải phóng. Nhưng chúng ta cũng lại biết một Lê Duẩn – nhà cách mạng kiên định của Quốc tế Cộng sản từ những năm 20 của thế kỷ trước, người đã ký vào bản Tuyên ngôn 81 Đảng tại Mát-xcơ-va năm 1960. Nếu ta theo dõi Lê Duẩn qua các quyết sách chiến lược của ông thì càng thấy Lê Duẩn là một nhân vật “đa diện” như thế nào. Không thể đơn giản lấy một Lê Duẩn này để giải thích cho một Lê Duẩn kia, lấy một Lê Duẩn này để đối chọi với một Lê Duẩn kia! Phải chăng những “góc khuất” của lịch sử  có thể tìm hiểu theo hướng như thế?

Chủ đề mà tác giả Đặng Phong nghiên cứu là Cuộc khủng hoảng về lý luận và chính sách kinh tế ở nước ta trong khoảng thời gian 15 năm từ 1975 đến 1989. Thực ra, chủ đề này có tầm không gian và thời gian rộng lớn hơn nhiều. Nó có tầm quốc tế. Đặt Việt Nam trong khung cảnh quốc tế, sẽ thấy Việt Nam càng rõ hơn.

Chủ nghĩa xã hội – với ý nghĩa là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, không có chế độ người áp bức người, một xã hội trong đó mọi người đều sống tự do, bình đẳng, bác ái – một xã hội như thế không chỉ là mục tiêu lý tưởng của những người Cộng sản, mà còn là mơ ước cao đẹp của cả loài người.

Một thế kỷ nay, hàng trăm triệu người đã dấn thân cho mục tiêu cao đẹp đó. Đã có nhiều thử nghiệm thành công. Cũng có nhiều thử nghiệm thất bại. Đã xuất hiện nhiều quan điểm, phe phái: phái Bônsêvich và phái Mensêvich ở Nga, phái “chủ nghĩa xã hội nhân đạo” ở Hung-ga-ri, thuyết “chủ nghĩa xã hội thị trường” ở Tiệp Khắc, Ba Lan, Trung Quốc, Liên Xô, v.v…

Năm 1960, dựa trên kinh nghiệm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (cho đến thời điểm đó), 81 Đảng Cộng sản và công nhân họp tại Mát-xcơ-va đã đi đến kết luận về một Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những điểm chủ yếu của Cương lĩnh đó là:

– Phát triển kinh tế một cách có kế hoạch,

– Thiết lập chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất,

– Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh,

– Tập thể hóa nông nghiệp,

– Thu hẹp, tiến tới xóa bỏ thị trường tự do,

– v.v…

Năm 1960 cũng là năm nước ta bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Xây dựng bằng cách nào? Dường như lịch sử đã chuẩn bị sẵn cho ta một túi “bảo bối”, cứ tuần tự đem ra mà thực thi, ắt đi tới thành công.

Điều trớ trêu là ở chỗ: mới chỉ đem ra thực thi vài ba năm đã thấy xuất hiện ngổn ngang những mâu thuẫn không sao xử lý được. Một bảng giá chỉ đạo của Nhà nước được các nhà khoa học thiết kế rất công phu, nhưng đưa ra cho nông dân thì nông dân quay lưng đi! Với bảng giá đó, khi mua thì Nhà nước mua như cướp, mà khi bán thì Nhà nước bán như cho. Cuối cùng, để mua được và bán được, Nhà nước phải giao nghĩa vụ, nghĩa là ra lệnh cho người nào phải bán, và phát phiếu cho người nào được mua. Cả một hệ thống thương nghiệp quốc doanh gồm hàng trăm ngàn người chỉ còn là một đội ngũ những người coi kho: nhiệm vụ của họ chỉ là nhập kho theo lệnh, và xuất kho theo lệnh! Chẳng còn gì là buôn bán, trao đổi.

Đối với công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, theo lý thuyết thì nó phải đem lại trật tự và sự chấn hưng cho công thương nghiệp, nó phải tăng cường lực lượng cho công thương nghiệp quốc doanh. Hậu quả lại là ngược lại: cải tạo đến đâu thì công thương nghiệp tàn lụi đến đó, vốn liếng của các xí nghiệp công tư hợp doanh mau chóng biến thành đống sắt vụn.

Còn hợp tác hóa nông nghiệp? Cùng với hợp tác hóa nông nghiệp, một thứ văn hóa mới lạ (bình quân chủ nghĩa) được đưa vào nông thôn: cả làng xếp hàng ra đồng theo kẻng, rồi lại rồng rắn xếp hàng thu quân theo kẻng, hậu quả là: năng suất lao động của nông dân giảm đi một nửa, giá trị một ngày công lao động chỉ còn tính bằng lạng thóc! Cuối những năm 1960, Tổng cục Thống kê đưa ra một con số làm giới quản lý phải giật mình: 70% thu nhập của hộ nông dân là do mảnh ruộng “5%” làm ra, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã khai thác thì chỉ bảo đảm được phần thu nhập còn lại. Cũng dễ hiểu! Ruộng của hợp tác xã chỉ cho sản lượng 2 tấn/héc ta/ vụ, trong khi đất “5%” của xã viên cho đến 10 tấn/ héc ta/ vụ, mỗi năm lại quay vòng đến 2–3 vụ. Lúa khoai sản xuất được, họ chế biến thành bún bánh, lấy bã nuôi lợn, phân lợn lại đem bón cho lúa, cả một vòng tuần hoàn vật chất hái ra tiền! Khi người nông dân đổ mồ hôi trên mảnh ruộng “5%” của họ thì họ tin chắc rằng mọi hạt lúa làm ra trên mảnh ruộng ấy là thuộc về họ. Đó chính là động lực mãnh liệt nhất của kinh tế tiểu nông mà các nhà lý luận về hợp tác hóa đã phần nào  coi nhẹ.

Như vậy là giữa những giải pháp xã hội chủ nghĩa và thực tế cuộc sống có sự không ăn khớp. Càng đẩy tới các giải pháp xã hội chủ nghĩa thì càng vấp phải những phản ứng tiêu cực của cuộc sống.

Trước khi những xung đột này được đẩy tới cực điểm thì cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, với việc đế quốc Mĩ leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Những vấn đề kinh tế tạm lùi xuống hàng thứ yếu, để rồi lại nổi lên hàng đầu khi chiến tranh kết thúc. Chiến tranh kết thúc cũng có nghĩa là kinh tế miền Nam mất hẳn nguồn viện trợ Mĩ và chiến phí của Mĩ, mỗi năm chừng 2 tỷ đô la, còn kinh tế miền Bắc thì cũng không còn viện trợ của Trung Quốc vào khoảng 400 triệu đô la mỗi năm. Một nền kinh tế kiệt quệ về nhiên liệu và nguyên liệu, lại mất hẳn động lực phát triển do những biện pháp quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa được áp dụng vội vã. Trong bối cảnh ấy thì chính sách kinh tế nào có khả năng gỡ bí?

Muốn có sản phẩm hàng hóa cho xã hội thì phải trả lại tự do cho kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân. Muốn mua được, bán được thì phải chấp nhận cơ chế thị trường. Nhưng, nếu chấp nhận những biện pháp ấy thì còn gì là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa, còn gì là cơ chế kế hoạch hóa tập trung, còn gì là mục tiêu chủ nghĩa xã hội? Những xung đột này không biểu hiện ra dưới dạng các phe phái (nếu có thì cũng chỉ lẻ tẻ) mà chủ yếu biểu hiện ra dưới dạng cuộc đấu tranh nội bộ (và nội tâm) của tầng lớp quyết sách. Những xung đột này gay gắt đến mức không có lý lẽ nào điều hòa nổi. Cuối cùng, chỉ có sức ép của cuộc sống mới từng bước hé mở ra những lối thoát. Trong nông nghiệp thì bắt đầu bằng “khoán chui”, rồi “khoán 100”, rồi “khoán 10”. Trong công nghiệp thì bắt đầu bằng “xé rào”, rồi “3 kế hoạch”, rồi xuất nhập khẩu tiểu ngạch địa phương. Trong thương nghiệp thì bắt đầu bằng “bán thưởng hàng công nghiệp”, hợp đồng 2 chiều (hàng đổi hàng), rồi giá thỏa thuận, rồi giá thị trường. Mỗi sức ép của cuộc sống là một bước lùi đối với những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Những gì mà chúng ta gọi là “đổi mới” đã diễn ra như thế. Đổi mới đã khơi thông dòng chảy cho các hoạt động kinh tế. Nó khơi thông dòng chảy bằng cách gạt bỏ những nguyên tắc mà một thời chúng ta tôn sùng như những khuôn vàng thước ngọc. Nó khơi thông dòng chảy bằng một bước lùi lịch sử: quay lại với kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân; quay lại với cơ chế thị trường; tạm thời từ bỏ các biện pháp quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa, tạm thời xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ ở Việt Nam, cuộc sống đã buộc những người cộng sản phải thực hiện một bước lùi lịch sử, mà ở Liên Xô và Đông Âu cũng vậy. Sau 70 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và 40 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, người ta nhận ra rằng quá trình đó là gượng ép (duy ý chí), trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa đạt đến độ chín muồi cho phép thiết lập hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa. Lùi lại thì thuận hơn cho sự phát triển.

Chính sách “đổi mới” được xem là lối thoát cho cuộc khủng hoảng về chính sách kinh tế ở nước ta kéo dài mấy thập kỷ. Nó khơi thông dòng chảy cho các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nó không phải là lời giải cho những vấn đề cơ bản của kinh tế Việt Nam, của xã hội Việt Nam.

– Với sự phát triển của kinh tế cá thể, tư nhân, kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu?  Sẽ trở thành một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ư? Làm thế nào hòa hợp được với định hướng xã hội chủ nghĩa?

– Với kinh tế thị trường thì tránh sao được phân hóa giầu nghèo trong lớp người tiểu sản xuất, tránh sao được “hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”? Ai đó đã gắn chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường, nhưng chưa có ai chứng minh được chúng gắn với nhau như thế nào!

– Với chính sách “đổi mới”, chúng ta đang ở vào thời điểm nào của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Những chính sách kinh tế đặc trưng của thời điểm ấy là gì? Đến lúc nào thì chính sách “đổi mới” hết tác dụng và phải thay bằng chính sách khác?

– Với sự phá sản của mô hình xã hội chủ nghĩa Liên Xô, từ nay người ta phải hiểu chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào, theo những đặc trưng nào? Phải hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa theo những định hướng nào, đặc trưng nào?

– Đạt đến trình độ phát triển của lực lượng sản xuất như Liên Xô, như Đông Âu, mà vẫn thấy chưa đủ chín muồi để thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, vậy thì Việt Nam sẽ phải rút ra kết luận như thế nào cho con đường phát triển hướng tới chủ nghĩa xã hội của mình? Việt Nam sẽ phải trải qua những “bước quá độ nhỏ” như thế nào để hướng tới mục tiêu đó?

– Cuối cùng thì cũng vẫn phải quay về với những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Những phát hiện của Mác – Lênin về chủ nghĩa tư bản có còn đúng nữa không? Những dự đoán của các ông về xã hội tương lai có còn đúng nữa không? Điểm nào còn đúng, điểm nào là sai?

– Chỉ điểm sơ đầu việc đã thấy ngổn ngang những vấn đề, những cuộc tranh luận đang chờ đón chúng ta. Nếu tiếp tục tìm tòi, tranh luận theo kiểu ấp úng, né tránh, kiêng kỵ, như mấy thập kỷ vừa qua thì không biết đến bao giờ chúng ta mới tiếp cận được chân lý. Phải có những nhóm nghiên cứu, những diễn đàn, những câu lạc bộ, những “think tank” với tinh thần cởi mở, chỉ lấy chân lý làm trọng, không kiêng kỵ, không cho phép bất cứ ai lên giọng dạy đời, chụp mũ. Lại phải có những người, hoặc nhóm người, đủ khả năng gạn lọc những gì là chân lý để hình thành nên những quan điểm, những chương trình, những chính sách sẵn sàng đưa vào  cuộc sống.

Con đường của tư duy kinh tế Việt Nam xem ra còn dài và lắm chông gai!