Mùa thu năm 1972, với tư cách là khách mời của Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Bun-ga-ri, chúng tôi đã sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri, nhằm tìm hiểu những thành tựu và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của nhân dân Bun-ga-ri anh em.
Chuyến thăm này đã gây cho chúng tôi những ấn tượng mạnh mẽ và để lại trong chúng tôi những tình cảm tốt đẹp. Với cuốn sách nhỏ này, chúng tôi hy vọng nói lên được phần nào những thành tựu và những kinh nghiệm của nhân dân Bun-ga-ri anh em trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng cộng sản Bun-ga-ri mà sự nghiệp gắn liền với tên tuổi của người cộng sản vĩ đại, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế: GIOOC-GIƠ ĐI-MI-TỜ-RỐP.
Trong lúc toàn Đảng toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ hai về phát triển nông nghiệp, chắc chắn rằng những thành tựu và những kinh nghiệm của nhân dân Bun-ga-ri anh em chẳng những sẽ cổ vũ chúng ta mà còn mang lại cho chúng ta những gợi ý bổ ích.
Mặc dầu những điều “mắt thấy tai nghe” của chúng tôi đã được bổ sung bằng những hiểu biết qua tài liệu, sách báo về Bun-ga-ri chủ yếu do công phu sưu tầm của đồng nghiệp Đặng Phong. Song, do thời gian lưu lại ở Bun-ga-ri tương đối ngắn, tài liệu, sách báo về Bun-ga-ri thu thập được không nhiều, cho nên kết quả nghiên cứu không tránh khỏi còn nhiều hạn chế. Rất mong bạn đọc lượng thứ.
Cuốn sách này được biên soạn với sự cộng tác của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Gia Ngọ và Đặng Phong (Viện Kinh tế học).
Từ nghèo nàn đến phồn vinh
Nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri ngày nay là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển cao trên thế giới.
Điều đáng chú ý là: điểm xuất phát của quá trình phát triển đó hết sức thấp. Trước ngày giải phóng, Bun-ga-ri là một nước nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp rất nhỏ bé – một trong những nước lạc hậu nhất châu Âu. Năm 1939, nông nghiệp chiếm tới 75,2%, công nghiệp chỉ chiếm 24,8% tổng giá trị sản lượng công – nông nghiệp. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao hơn nữa trong cơ cấu lao động xã hội. Sự phân công lao động xã hội rất hạn chế. Nông nghiệp chiếm tới hơn 80%, công nghiệp chỉ chiếm có 7,9% lao động xã hội.
Tỷ suất hàng hóa của sản xuất nông nghiệp hết sức thấp. Theo số liệu điều tra năm 1939 của Viện Kinh tế nông thôn thuộc Bộ nông nghiệp, thì 70% nông sản là để tiêu thụ trực tiếp, chỉ có 30% trở thành hàng hóa.
Bi kịch của Bun-ga-ri, cũng như của hầu hết những nước nông nghiệp lạc hậu, là ở chỗ: tuy sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn nhất trong tổng sản phẩm xã hội và lao động nông nghiệp chiếm phần tuyệt đối lớn trong lao động xã hội, song điều đó không có nghĩa là đất nước này có một nền nông nghiệp lớn mạnh, có nông phẩm dồi dào. Trái lại, nó chỉ có nghĩa là nền sản xuất xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng còn lạc hậu tới mức xã hội phải dành gần hết lao động cho việc sản xuất nông nghiệp, tức là cho việc giải quyết nhu cầu ăn, để nuôi sống con người – một vấn đề sơ thủy mà nếu chưa giải quyết được dứt điểm thì bất cứ nước nào cũng chưa thể vươn tới thời đại công nghiệp. Nhưng dành bấy nhiêu lao động cho sản xuất nông nghiệp mà vẫn chưa đủ ăn. Hàng năm Bun-ga-ri vẫn phải nhập khẩu lương thực. Trên một đất nước rộng khoảng 11 vạn km2, trong đó có hơn 5 triệu héc ta canh tác, với số dân trên 6 triệu người, mà gần 5 triệu là nông dân, năm 1935, Bun-ga-ri đã phải nhập khẩu tới 18,5 vạn tấn, năm 1944 nhập khẩu tới 30 vạn tấn. Số lượng lương thực nhập khẩu bằng khoảng 20% số lượng lương thực tiêu dùng.
Chiến tranh thế giới thứ hai lại làm cho sản xuất nông nghiệp giảm sút 30%, riêng sản xuất ngũ cốc giảm 41%, đàn bò giảm 8%, đàn cừu giảm 30%, đàn lợn giảm 21%, đàn gia cầm giảm 41%.
Sự lạc hậu của nông nghiệp thể hiện rõ nét trong cơ sở vật chất – kỹ thuật của sản xuất. Sức kéo chủ yếu dựa vào gia súc: bò, ngựa. Nhưng, ngay gia súc cũng không đủ. Năm 1934, chỉ có 23% số hộ nông dân có bò, ngựa cày. Vì vậy, sản xuất phải tiến hành theo phương thức luân canh, bỏ hóa. 58,4% số hộ nông dân phải canh tác bằng các công cụ bằng gỗ. Chỉ có 30% số hộ có cày bằng sắt và 6,4% số hộ có bừa bằng sắt. Trong cả nước chỉ có gần 3 nghìn máy kéo. Sản xuất gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trong số 4,5 triệu héc ta đất canh tác (không kể đồng cỏ), chỉ có 36,5 nghìn héc ta được tưới nước, bằng chưa đầy 1% tổng diện tích canh tác. Phân khoáng và các chế phẩm hóa học khác như thuốc trừ sâu bệnh… sử dụng rất ít, gần như không đáng kể. Tính bình quân mỗi héc ta canh tác chỉ được bón khoảng 0,5 kg phân khoáng. Toàn bộ phân khoáng sử dụng đều phải nhập khẩu. Các giống cây trồng và gia súc đều là những giống cũ, năng suất kém.
Với trình độ kỹ thuật như trên, sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt được năng suất rất thấp.
Biểu 1: Năng suất trung bình của một số cây trồng và gia súc trong những năm 1940-1944
Lúa mì | 9,5 tạ/ha |
Lúa mạch | 7,6 tạ/ha |
Ngô | 9,3 tạ/ha |
Hướng dương | 6,8 tạ/ha |
Thuốc lá | 7,7 tạ/ha |
Cà chua | 16,6 tạ/ha |
Nho | 37,6 tạ/ha |
Bò | 450 lít sữa/con/năm |
Cừu | 1,5 kg len/con/năm |
Gà đẻ | 75 quả trứng/con/năm |
Tình trạng lạc hậu của sản xuất nông nghiệp có liên quan chặt chẽ với những quan hệ sản xuất lỗi thời. Một bộ phận quan trọng nông dân không có đất hoặc không đủ đất canh tác. Nông dân tá điền chiếm khoảng ¼ tổng số hộ dân. Số hộ tiểu nông có dưới 4 héc ta chiếm 53% tổng số hộ, nhưng chỉ chiếm có 20,5% tổng số ruộng đất. Trong khi đó thì 10% chủ ruộng chiếm tới 33% diện tích ruộng đất. Bóc lột nhân công làm thuê là hình thức bóc lột chủ yếu trong nông thôn. Nó được sử dụng kết hợp với các hình thức bóc lột phong kiến: cho cấy rẽ, cho vay nặng lãi.
Nhìn chung kinh tế nông thôn mang tính chất tiểu nông là chủ yếu. Bản thân nền kinh tế tiểu nông đã mang sẵn tính chất yếu ớt, ngừng trệ. Đứng trước sự chèn ép, bóc lột của phú nông, của địa chủ, của tư sản thương nghiệp (qua việc độc quyền mua nông sản và bán công nghệ phẩm) và của chính quyền tư sản (qua thuế trực thu và gián thu – tổng số thuế phải nộp chiếm khoảng 35% thu nhập của người sản xuất), nó không tránh khỏi bị sa sút ngày càng mạnh. Có thể thấy rõ điều đó qua các hiện tượng: số hộ tiểu nông ngày càng tăng, nhưng ruộng đất sở hữu của mỗi hộ thì ngày càng nhỏ. Ruộng đất ngày càng bị phân chia manh mún hơn. Trong khoảng thời gian 1935-1945, số hộ tiểu nông tăng lên 22,6%, nhưng quy mô diện tích của mỗi hộ thì giảm đi trên 13%, diện tích của mỗi hộ từ 10 thửa biến thành 12 thửa. Cho đến trước cách mạng, toàn nông thôn Bun-ga-ri có khoảng 10 vạn hộ với 120 vạn thửa ruộng, diện tích mỗi thửa từ 0,3 đến 0,4 héc ta. Một bộ phận lớn nông dân rơi vào cảnh bần cùng, phá sản, cuối cùng bổ sung vào đội quân thất nghiệp. Trong khi đó thì công nghiệp lại chưa được phát triển, khả năng thu hút nhân công của nó vô cùng nhỏ bé. Theo điều tra của Viện kinh tế nông thôn Bun-ga-ri, vào năm 1938, trong tổng số người có khả năng lao động ở nông thôn, chỉ có 52% có chỗ làm việc, còn 48% coi như thất nghiệp. Số người thất nghiệp này ở nông thôn ngày càng tăng lên một cách đáng sợ: năm 1926 có 580.000 người, năm 1940 có 1.200.000 người.
Sự nghèo nàn, lạc hậu cuối cùng biểu hiện ở mức sống của nông dân. Theo số liệu điều tra năm 1939 thì 82,7% thu nhập của nông dân là dồn vào ăn và mặc. Trong chỉ tiêu về ăn, chất bột chiếm 36,63%, trứng, bơ, đường chỉ chiếm 3,25%, 60% nhà ở làm bằng đất. Chỉ có 44% gia đình có nhà bếp. Phần lớn nông dân đều nằm dưới đất. Mùa đông toàn thể gia đình ngủ chung một chỗ cho khỏi lạnh.
Thời đó, ở châu Âu người ta thường nói tới người nông dân Bun-ga-ri như một điển hình của tấm gương “tấm thảm kịch nông thôn”. Hàng ngày, không có tờ báo nào ở Bun-ga-ri là không nói tới vấn đề đó. Không có nhà văn và nhà tư tưởng nào của Bun-ga-ri có thể thành nhà văn và nhà tư tưởng, nếu không viết và suy nghĩ về đề tài nông thôn.
Đối với lịch sử thì 30 năm chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian đó, nhân dân Bun-ga-ri, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng tiền phong của mình đã cải biến hoàn toàn nền sản xuất nông nghiệp cũng như toàn bộ đời sống kinh tế của đất nước. Từ một nền sản xuất nhỏ, kỹ thuật thô sơ, lạc hậu, năng suất và sản lượng rất thấp, nông nghiệp Bun-ga-ri đã biến thành một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, cơ giới hóa và hiện đại hóa, có năng suất cao và sản lượng lớn. Chúng ta hãy so sánh những số liệu sau đây:
Biểu 2: Sản lượng bình quân hàng năm của ngành trồng trọt
(Đơn vị: nghìn tấn)
1934 -1939 | 1945-1948 | 1953-1957 | 1961-1965 | 1971-1973 | |
Lúa mì | 1.860,7 | 1.2997 | 2.003,6 | 2.207,9 | 3.311,4 |
Lúa (lúa nước) | 181,7 | 156,8 | 166,3 | 57,9 | 21,5 |
Lúa mạch | 361,4 | 169,4 | 427,6 | 693,5 | 1.349,2 |
Ngô (ngô hạt) | 921,5 | 534,7 | 1.192,0 | 1.601,1 | 2.685,5 |
Hạt hướng dương | 148,7 | 90,8 | 223,6 | 337,6 | 467,8 |
Hạt cải dầu | 25,4 | 29,0 | 58,4 | 48,8 | 43,4 |
Thuốc lá | 33,1 | 34,3 | 58,3 | 101,0 | 122,8 |
Củ cải đường | 137,3 | 266,7 | 880,7 | 1.439,5 | 1.728,7 |
Cà chua | 41,6 | 70,8 | 294,5 | 738,3 | 779,3 |
Khoai tây | 108,2 | 78,6 | 296,3 | 400,3 | 371,1 |
Cỏ linh lăng (luzerne) | 211,0 | 419,6 | 951,0 | 1.518,3 | |
Táo | 26,7 | 130,2 | 160,6 | 315,3 | 348,0 |
Nho | 474,3 | 465,4 | 481,4 | 1.006,2 | 1.097,0 |
Trong đó: Nho ăn tươi | 89,1 | 87,9 | 267,2 | 284,9 |
Biểu 3: Sản lượng ngành chăn nuôi
(Đơn vị: nghìn tấn)
Năm | Thịt bò | Thịt lợn | Thịt cừu, dê | Thịt gia cầm |
Các loại thịt khác | Tổng cộng các loại thịt | Phụ phẩm ăn được | Tổng cộng thịt và phụ phẩm |
1939 | 37,8 | 64,2 | 49,5 | 20,7 | 0,75 | 173,1 | 28,6 | 201,8 |
1948 | 40,8 | 74,2 | 44,9 | 17,2 | 0,94 | 176,3 | 29,2 | 207,5 |
1950 | 39,2 | 73,3 | 41,4 | 16,1 | 0,63 | 170,9 | 27,9 | 198,8 |
1952 | 37,0 | 64,6 | 45,2 | 24,0 | 0,86 | 171,2 | 27,3 | 198,8 |
1956 | 57,7 | 107,7 | 40,6 | 22,8 | 1,77 | 230,6 | 35,2 | 266,1 |
1957 | 58,7 | 105,5 | 44,1 | 22,9 | 2,31 | 233,6 | 36,6 | 270,2 |
1960 | 36,7 | 134,4 | 45,1 | 36,2 | 4,39 | 257,0 | 50,1 | 307,1 |
1965 | 78,1 | 287,6 | 73,8 | 44,2 | 1,52 | 385,3 | 78,4 | 463,7 |
1967 | 95,0 | 177,9 | 85,9 | 62,0 | 1,26 | 422,3 | 67,7 | 490,0 |
1968 | 105,3 | 194,4 | 88,2 | 69,8 | 2,40 | 460,3 | 73,4 | 533,6 |
1969 | 93,7 | 166,9 | 86,6 | 78,3 | 2,18 | 427,8 | 65,2 | 493,0 |
1970 | 90,8 | 147,8 | 81,9 | 92,7 | 2,87 | 415,7 | 59,9 | 457,7 |
1971 | 84,6 | 169,2 | 88,2 | 110,9 | 3,71 | 456,8 | 64,2 | 521,0 |
1972 | 92,1 | 201,3 | 87,5 | 107,8 | 3,83 | 492,7 | 72,1 | 564,9 |
1973 | 105,5 | 183,3 | 86,8 | 113,2 | 3,15 | 494,1 | 71,3 | 565,4 |
Biểu 4: Chỉ số phát triển sản xuất (tính theo giá trị)
1939 | 1948 | 1960 | 1965 | 1970 | 1975 | |
Sản xuất chung
– Trồng trọt – Chăn nuôi |
100
100 100 |
102,5
99,4 108,7 |
152,3
154,2 148,6 |
178,3
173,0 188,9 |
211,1
205,5 222,2 |
243,7
222,7 283,0 |
So với năm 1939 thì năm 1975 sản xuất nông nghiệp tăng 2,4 lần, trong đó riêng trồng trọt tăng 2,22 lần, chăn nuôi tăng 2,83 lần.
Sản phẩm nông nghiệp tính theo đầu người tăng lên mau chóng, đặc biệt là ngũ cốc, thịt, sữa, trứng.
Biểu 5: Sản phẩm nông nghiệp bình quân tính theo đầu người
Tên sản phẩm | Đơn vị | Thời kỳ 1961-1965 | Thời kỳ 1966-1970 | Thời kỳ 1971-1974 |
Lúa mì
Lúa Mạch Ngô Hướng dương Bông Thuốc lá Củ cải đường Cà chua Khoai tây Táo Nho Sữa Trứng Len Thịt |
Kg/người
– – – – – – – – – – Lít/người Quả/người Kg/người – |
273
7 86 198 42 4,8 13,5 178 91 50 39 125 148 167 3 48 |
349
4 118 256 55 5,5 13,0 222 85 45 48 135 183 190 3,3 59 |
372
3 165 283 51 4,8 14,2 197 93 42 38 128 193 227 3,7 65 |
Trong khi sản lượng nông nghiệp tăng lên thì số lượng lao động nông nghiệp lại giảm đi với tốc độ nhanh. Từ chỗ chiếm tỷ lệ 81,9% trong cơ cấu lao động xã hội năm 1948, lao động nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ lệ 31% năm 1973. Trong khoảng thời gian đó, năng suất của lao động nông nghiệp tăng gần 450%. Đó là nhân tố cơ bản tạo nên mức thu nhập cao cho người lao động, đồng thời tạo ra quỹ tích lũy ngày càng lớn cho nền kinh tế quốc dân. Nâng cao năng suất của lao động nông nghiệp cũng là điều kiện cơ bản để giải phóng một bộ phận lớn lao động ra khỏi nông thôn, nhờ đó mà nhanh chóng mở rộng sự phân công lao động xã hội.
Phát triển nông nghiệp chẳng những có ý nghĩa quyết định đối với nâng cao đời sống nhân dân mà còn làm cho nông nghiệp trở thành một nguồn xuất khẩu quan trọng. Nói cho đúng thì nông nghiệp Bun-ga-ri luôn luôn là nguồn xuất khẩu chủ yếu: nó cung cấp phần lớn kim ngạch xuất khẩu. Chỉ mấy năm gần đây thôi nó mới nhường vị trí đó cho công nghiệp.
Năm 1974, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt mức 1.361,7 triệu rúp. Bình quân mỗi lao động nông nghiệp sản xuất ra một lượng hàng xuất khẩu trị giá trên 1.200 rúp. Tính trên đơn vị diện tích đất canh tác thì bình quân mỗi héc ta tạo ra gần 320 rúp hàng xuất khẩu. Trước kia, việc xuất khẩu nông sản (chủ yếu là rau, quả) được tiến hành song song với việc nhập khẩu lương thực và một số nông sản khác, vì vậy, một bộ phận nông sản xuất khẩu về thực chất vẫn đi vào tiêu dùng ở trong nước. Từ giữa những năm 60 lại đây, nông sản xuất khẩu chẳng những đạt giá trị ngày càng lớn, mà về thực chất, hoàn toàn là những nông sản thặng dư được sản xuất ra để đổi lấy máy móc, thiết bị nước ngoài. Chính là nhờ có nguồn tích lũy to lớn từ nông nghiệp mà công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa được triển khai với quy mô ngày càng lớn.
Những thành tựu về phát triển sản xuất nói trên gắn liền với cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất được tiến hành một cách liên tục, theo những bước đi vững chắc. Chỉ 14 năm sau ngày giải phóng, Bun-ga-ri hoàn thành việc cải tạo tiểu nông, xóa bỏ mọi hình thức bóc lột tư sản và phong kiến trên cơ sở tập thể hóa xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp đã chiếm 99,9%. Kinh tế cá thể chỉ còn lại trên những diện tích phân tán ở các vùng núi hẻo lánh. Trải qua nhiều bước phát triển, các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh đã trở thành những xí nghiệp nông nghiệp vững mạnh, hoàn toàn cơ giới hóa, với quy mô bình quân mỗi xí nghiệp 4.000 héc ta. Từ năm 1972 trở đi, các xí nghiệp này lại được hợp nhất lại dưới một hình thức tổ chức mới: xí nghiệp liên hợp công – nông nghiệp, gọi tắt theo tiếng Bun-ga-ri là APK (Agrarnoe-Promuchnoe-Komplex). Cả nước với 6,6 triệu héc ta đất nông nghiệp, được tổ chức thành 170 APK. Trong nông thôn không còn phân biệt hai hình thức sở hữu nữa – sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân – mà đang thống nhất lại thành một hình thức sở hữu duy nhất. Sản xuất được tập trung hóa và chuyên môn hóa với mức độ cao hơn. Sản xuất nông nghiệp được kết hợp chặt chẽ hơn với công nghiệp hiện đại. Từ đó, sản xuất nông nghiệp ngày càng mang tính chất như một quá trình sản xuất công nghiệp, xí nghiệp nông nghiệp mang một hình thái mới – xí nghiệp liên hợp công – nông nghiệp.
Cùng với sự biến đổi về quan hệ sản xuất, cuộc cách mạng kỹ thuật được tiến hành liên tục với quy mô ngày càng rộng lớn. Đến năm 1974, trên mỗi 100 héc ta đất nông nghiệp đã có một năng lực cơ khí là 186 sức ngựa (CV). Máy móc đã đảm nhiệm 97,4% công việc cày, kéo; sức kéo động vật chỉ còn chiếm 2,6%. Sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa gần như hoàn toàn, chỉ trừ một vài khâu lao động trong một số ngành (chủ yếu là khâu thu hoạch) mà kỹ thuật chưa tìm ra được những máy móc thích hợp. Những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật như máy tính điện tử, tự động hóa… cũng đang được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp và vào việc quản lý sản xuất. Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng kỹ thuật. Trong 1.000 người lao động nông nghiệp, đã có trên 13 kỹ sư và 20 cán bộ kỹ thuật trung cấp (số liệu năm 1972), đó là chưa kể cán bộ kinh tế. Bình quân mỗi xí nghiệp nông nghiệp có 250 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật trung cấp. Nếu tính theo diện tích ruộng đất thì cứ 100 héc ta canh tác có gần 4 người.
Sản xuất đời sống phát triển làm cho đời sống nông dân được cải thiện căn bản. Thu nhập bằng tiền của nông dân đã tương đương với thu nhập của công nhân.
Năm 1970, thu nhập trung bình của một hộ nông dân là 3.292 lê-va, của một công nhân là là 3.258 lê-va. Thu nhập bình quân theo đầu người trong sản xuất nông nghiệp là 908 lê-va, trong sản xuất công nghiệp là 911 lê-va.
Ngoài tiền lương là hình thức phân phối trực tiếp cho lao động, nông dân tập thể còn nhận được nhiều khoản thu nhập khác từ quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ phúc lợi tập thể. Giống như trong khu vực ngoài quốc doanh, nông dân cũng được hưởng chế độ nghỉ hè, nghỉ ốm, nghỉ đẻ, lương hưu trí, trợ cấp bảo hiểm lao động, v.v… Đời sống nông dân được xã hội (cả tập thể lẫn Nhà nước) bảo đảm vững chắc.
Nhà ở của nông dân hầu hết là nhà gạch với tiện nghi sinh hoạt khá phong phú: có điện, có nước máy, có máy thu thanh và vô tuyến truyền hình… Phần lớn các làng còn có các cơ sở phục vụ công cộng như cửa hàng bách hóa… Trên thực tế, nông thôn Bun-ga-ri đã và đang được thành thị hóa trên quy mô rộng lớn.
Với những nét phác họa trên đây, chúng ta có thể thấy được phần nào sự biến đổi to lớn của nông nghiệp Bun-ga-ri từ sản xuất nhỏ, lạc hậu lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Sau khi đã có một cái nhìn khái quát như vậy, chúng ta hãy đi sâu vào từng mặt của quá trình, chủ yếu là mấy mặt sau đây:
- Cách mạng về quan hệ sản xuất
- Cách mạng về kỹ thuật
- Cách mạng trong cơ cấu sản xuất
Đây là nội dung chủ yếu của quá trình chuyển biến cách mạng từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa của nông nghiệp Bun-ga-ri, đồng thời cũng là động lực chủ yếu của quá trình đó. Nó giải thích “vì sao” và “như thế nào” nông nghiệp Bun-ga-ri đã vĩnh viễn đẩy lùi được tấn bi kịch của quá khứ và đạt tới những đỉnh cao của phồn vinh ngày nay.
Cách mạng về quan hệ sản xuất
Hợp tác hóa nông nghiệp
Để đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì việc quan trọng đầu tiên là giải phóng nó ra khỏi những quan hệ sản xuất lỗi thời, từng bước xây dựng những quan hệ sản xuất tiên tiến, xã hội chủ nghĩa, có tác dụng mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng tiến hành ngay cải cách ruộng đất.
Như trên đã nói, kinh tế tiểu nông là cơ sở kinh tế chủ yếu của nông thôn Bun-ga-ri. Đặc điểm này có những nguyên nhân lịch sử của nó:
Trong hơn mười thế kỷ, kể từ ngày lập quốc (năm 681) các quan hệ phong kiến đã thống trị ở Bun-ga-ri. Trong khoảng thời gian đó, có 5 thế kỷ đất nước bị đặt dưới ách thống trị của bọn phong kiến Thổ-Nhĩ-Kỳ. Ách áp bức dân tộc kết hợp với sự bóc lột giai cấp. Trong hoàn cảnh đó, giai cấp quý tộc phong kiến Bun-ga-ri không thể có thế lực gì đáng kể về kinh tế cũng như về chính trị. Giai cấp thống trị là bọn phong kiến xâm lược Thổ-Nhĩ-Kỳ.
Cuộc chiến tranh Nga – Thổ năm 1877-1878 kết thúc bằng sự thất bại của bọn xâm lược Thổ-Nhĩ-Kỳ, đã đem đến cho Bun-ga-ri hai kết quả lịch sử to lớn: ách thống trị ngoại quốc bị đập tan và cuốn theo nó cả chế độ phong kiến. Theo đánh giá của các đồng chí Bun-ga-ri thì “một trong những thành quả lớn nhất của sự kiện cách mạng này là làm cho ruộng đất thuộc sở hữu của nông dân. Trong một thời gian ngắn, Bun-ga-ri biến thành xứ sở của những người tiểu nông”.
Trong hơn nửa thế kỷ, từ cuộc chiến tranh Nga-Thổ đến ngày thành lập chính quyền nhân dân (9/9/1944), giai cấp phong kiến trong nước không đủ sự phục hồi, chủ nghĩa tư bản trong nông thôn cũng chưa đủ thời gian để lớn mạnh. Ít có những địa chủ lớn và tư bản kinh doanh ruộng đất tới quy mô trên 100 héc ta. Giai cấp bóc lột chủ yếu trong nông thôn Bun-ga-ri là phú nông. Nhưng số lượng cũng như thế lực kinh tế và chính trị của bọn này không mạnh như ở các nước châu Âu khác. Quá trình tập trung ruộng đất ở Bun-ga-ri diễn ra tương đối chậm chạp. Cho đến trước ngày cải cách ruộng đất, những hộ có diện tích canh tác từ 3 đến 10 héc ta (ở Bun-ga-ri, mức 10 héc ta vẫn là mức phổ biến của tiểu nông) còn chiếm gần 70% tổng diện tích canh tác và 50% tổng số nông hộ.
Như vậy, cơ cấu kinh tế và xã hội ở nông thôn Bun-ga-ri trước cách mạng, về cơ bản không phải là cơ cấu phong kiến. Đó là một thuận lợi cho phong trào hợp tác hóa.
Đảng cộng sản Bun-ga-ri, đứng đầu là đồng chí G. Đi-mi-tơ-rốp nhận định rằng: trong hoàn cảnh lịch sử đó, cách mạng ruộng đất không nhất thiết phải gắn liền với biện pháp quốc hữu hóa ruộng đất. Trong một nước mà tuyệt đại đa số là tiểu nông, thì quốc hữu hóa ruộng đất không chỉ có nghĩa là tước đoạt giai cấp phong kiến và tư sản, mà trước hết là tước đoạt đông đảo nông dân lao động. Vấn đề là làm sao hạn chế, đi tới xóa bỏ sở hữu phong kiến và tư bản chủ nghĩa trong nông thôn cùng với những hình thức bóc lột dựa trên sở hữu đó.
Pháp luật của chính quyền cách mạng quy định: quyền sở hữu ruộng đất bị giới hạn trong phạm vi tối đa là 20 héc ta cho mỗi gia đình. Riêng ở vùng Nam Đô-Bru-Gia là vùng đồng bằng chủ yếu, mức tối đa quy định là 30 héc ta. Người sở hữu ruộng đất phải tự mình canh tác lấy, cấm không được bóc lột. Đối với những hộ không có đủ khả năng lao động để tự canh tác, thì quyển sở hữu đó rút lại ở 3 héc ta, riêng ở vùng Nam Đô-bru-gia là 5 héc ta quyền sở hữu rừng và đồng cỏ cũng bị giới hạn trong phạm vi 5-10 héc ta. Ruộng đất của địa chủ tư sản ngoài phần được giữ lại để tự canh tác như đã nói ở trên, đều bị trưng mua để phân phối cho nông dân. Tiền trưng mua được trả dần trong 15 năm, giá trưng mua do Nhà nước quy định, có phân biệt cao, thấp đối với từng loại địa chủ, tư sản nhỏ hay lớn; nông dân được chia ruộng đất phải trả tiền. Riêng đối với các gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chiến tranh, trẻ mồ côi, người góa bụa, người tàn tật, xã viên hợp tác xã, thì tiền mua ruộng đất được giảm 40-50%. Ngoài ruộng đất, các tư liệu sản xuất khác của giai cấp bóc lột như máy móc nông nghiệp, gia súc cày kéo… cũng bị trưng mua.
Kết quả là đã trưng mua được 227 nghìn héc ta đất, 3.350 máy kéo, 3.750 máy đập lúa và một số máy nông nghiệp khác. 127 nghìn héc ta đã được chia cho 127 nghìn hộ nông dân nghèo. Còn lại 100 nghìn héc ta, chủ yếu là các đồn điền lớn của địa chủ, tư sản thì dành để lập nông trường quốc doanh. Máy móc nông nghiệp cũng dành để trang bị cho các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa đầu tiên: hợp tác xã và nông trường.
Đến năm 1947, luật quốc hữu hóa công nghiệp tư bản chủ nghĩa cho phép tước đoạt nốt những nhà máy xay, những xưởng ép dầu, những xưởng cắt và chải lông cừu cùng nhiều xí nghiệp tư bản chủ nghĩa khác ở nông thôn.
Trong lĩnh vực lưu thông, Nhà nước thiết lập chế độ thu mua nông phẩm theo những định mức bắt buộc, dựa theo nguyên tắc giai cấp, nhằm hạn chế phú nông, nâng đỡ nông dân nghèo và các xã viên hợp tác xã. Trong thời kỳ này, những hộ tiểu nông hầu như không thuộc diện thu mua. Địa chủ, phú nông thì phải bán một phần rất lớn nông phẩm của họ. Chế độ thuế lũy tiến, luật cấm phát canh, luật hạn chế số lượng các tiệm buôn và quán rượu của bọn phú thương ở nông thôn… cũng góp phần hạn chế các giai cấp bóc lột ở nông thôn.
Đi đôi với việc thực hiện cải cách ruộng đất, Đảng chủ trương triển khai ngay cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, không cần chờ cho kinh tế cá thể của nông dân phát huy hết tính tích cực của nó đã rồi mới tiến hành vận động hợp tác hóa. Điều này chẳng những đáp ứng nhiệm vụ cấp bách phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên con đường sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mà còn đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo nông dân nghèo.
Khi nói tới hợp tác hóa nông nghiệp ở Bun-ga-ri, phải kể đến một đặc điểm lịch sử rất quan trọng: phong trào hợp tác hóa đã có một truyền thống lịch sử rất lâu đời, nó phản ánh nguyện vọng của nông dân lao động Bun-ga-ri cùng những nhu cầu khách quan đã xuất hiện từ lâu trong sản xuất nông nghiệp và trong đời sống nông thôn nói chung.
Sản xuất nông nghiệp ở Bun-ga-ri từ lâu vốn là nền sản xuất của những tiểu nông. Nhưng, ngay sự “độc lập” và quyền làm chủ ruộng đất của người tiểu nông cũng không giúp cho tình cảnh của họ khấm khá lên. Phú nông, tư bản thương nghiệp, tư bản cho vay, tư bản kinh doanh trong những ngành gắn bó với nông nghiệp như chế biến nông phẩm, cung cấp tư liệu lao động cho nông nghiệp… đã tạo thành một hệ thống để bóc lột nông dân ở hầu hết các khâu của sản xuất và đời sống: nông dân bán rẻ, mua đắt, vay lãi nặng,… Trước tình hình đó, người nông dân Bun-ga-ri dưới ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới và đặc biệt là ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, đã tổ chức ra các hợp tác xã dưới những hình thức khác nhau để tạo thành một sức mạnh tập thể chống lại sự lũng đoạn và bóc lột của giai cấp tư sản. Từ năm 1918, hợp tác xã đầu tiên đã được thành lập ở làng Mia-ko-vô, sau đó, phong trào lan ra nhiều nơi khác trong nước, do các phần tử cách mạng, trong đó có cán bộ của Đảng Cộng sản, tham gia xây dựng và chỉ đạo. Vì thế, các hợp tác xã ở Bun-ga-ri thời đó đã là tổ chức tiến bộ của quần chúng nông dân lao động, liên minh chặt chẽ với giai cấp vô sản. Đó là điểm khác căn bản so với phong trào hợp tác xã do bọn cải lương, dân túy và tư sản lập ra ở các nước tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ này
Tháng Giêng năm 1923, Ban chấp hành trung tương Đảng Cộng sản Bun-ga-ri ban hành một nghị quyết đặc biệt về phong trào hợp tác xã, trong đó Đảng chủ trương lấy các hợp tác xã làm chỗ dựa của phong trào cách mạng ở nông thôn. Đảng cử nhiều cán bộ tham gia, thúc đẩy phong trào phát triển rộng hơn và mạnh hơn. Nghị quyết cũng chủ trương phải áp dụng nhiều hình thức hợp tác xã, tùy theo khả năng, nhu cầu và nguyện vọng của nông dân, tùy từng nơi, từng việc, từng lĩnh vực của sản xuất và đời sống sao cho mềm dẻo, linh hoạt: có nơi lập các hội làm thủy lợi chung, có nơi lập các hội giúp nhau làm đất, phổ biến nhất là các hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã chế biến nông phẩm, các hội sử dụng chung một số tư liệu sản xuất. Có một số hợp tác xã có tính chất tổng hợp, bao gồm tất cả các mặt tín dụng, cung tiêu, sản xuất, xây dựng các công trình công cộng cho sản xuất và đời sống.
Năm 1925 trong toàn quốc đã có 1.871 hợp tác xã các loại.
Chính quyền tư sản tìm cách bóp chết các hợp tác xã, hoặc chuyển hóa nó sang các màu sắc cải lương tư sản. Bọn tư bản nông thôn cũng dùng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị và pháp luật để lũng đoạn các hợp tác xã.
Năm 1936, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Bun-ga-ri đưa ra quyết định đặc biệt quan trọng về phong trào hợp tác xã, một mặt nhằm đấu tranh chống sự đàn áp của chính quyền tư sản và sự lũng đoạn của giai cấp tư sản, mặt khác nhằm khắc phục những khuynh hướng sai lầm trong nội bộ phong trào muốn hấp tấp áp dụng những hình thức có thể làm giảm sức hấp dẫn của hợp tác xã đối với đông đảo quần chúng.
Sau Hội nghị này, phong trào đạt được một bước phát triển mạnh hơn về chiều rộng cũng như về chiều sâu. Hợp tác xã có nhiều hình thức mới phong phú. Khả năng kinh tế của các hợp tác xã được củng cố hơn trước. Trình độ tổ chức và quản lý, sau nhiều năm rèn luyện trong thực tế, được cải tiến và nâng cao. Lòng tin và sự gắn bó của người nông dân, nhất là nông dân nghèo, đối với hợp tác xã, đối với lối làm ăn tập thể đã được khẳng định. Giữa các hợp tác xã với nhau đã hình thành những quan hệ bước đầu về kinh tế và tổ chức, tạo thành một mạng lưới hợp tác xã, tuy còn thưa thớt, trên phạm vi cả nước.
Cho đến đầu năm 1944, tức là trước ngày giải phóng, trong toàn quốc đã có 3.124 hợp tác xã các loại trong đó có 432 hợp tác xã sản xuất và chế biến nông phẩm. Riêng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì do nhiều biện pháp hạn chế và đàn áp của chính quyền tư sản, chỉ còn lại 28 hợp tác xã với 1.677 nông hộ và 4.032 héc ta đất canh tác. Một số khá lớn hợp tác xã đã có những xưởng chế biến sữa, xưởng làm bánh mì, xưởng làm đồ hộp, xưởng trữ rượu nho… đáp ứng nhu cầu chế biến nông phẩm của các xã viên. Nông phẩm của các thành viên hợp tác xã được bán một cách có tổ chức, tránh được nhiều thiệt thòi do bọn đầu cơ, bọn tư sản thương nghiệp dìm giá, lũng đoạn.
Trên cơ sở phát triển của phong trào hợp tác xã, ngay từ trước ngày giải phóng đã xuất hiện những hình thức liên hiệp giữa các hợp tác xã theo lãnh thổ – gọi là Liên hiệp hợp tác xã khu – và những hình thức liên hiệp giữa các hợp tác xã theo ngành chuyên môn, như các Liên hiệp trung ương hợp tác xã về ngũ cốc, về nghề rừng, về thuốc lá, về nho… Cho đến đầu năm 1944, ở Bun-ga-ri đã có 22 liên hiệp như vậy.
Đúng như các đồng chí Bun-ga-ri nhận xét, sống trong lòng chế độ tư bản chủ nghĩa thì các hợp tác xã tự nó chưa thể tạo ra được chủ nghĩa xã hội và cũng không thể bằng cách đó mà cải biến được chế độ xã hội cũ. Tuy nhiên, bản thân sự tồn tại của các hợp tác xã, sự lan rộng của phong trào hợp tác xã, sức sống bền bỉ của nó, tính ưu việt của nó, sức hấp dẫn của nó đối với người nông dân… tất cả đã nói lên một chân lý: từ rất lâu trước cách mạng, việc xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thay thế lối làm ăn cá thể, phân tán với hàng loạt nhược điểm của nó bằng việc tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo phương thức sản xuất lớn, tập thể, đã là một yêu cầu khách quan, bức thiết đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn nói chung ở Bun-ga-ri.
Đặc điểm lịch sử trên đây có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ở Bun-ga-ri. Nhờ có nó mà “việc đưa sản xuất nhỏ cá thể lên sản xuất lớn tập thể xã hội chủ nghĩa, vốn là một trong những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ở Bun-ga-ri, lại được thực hiện một cách tương đối dễ dàng và nhanh chóng”. “Các hợp tác xã đã trồng cấy ở mỗi nông dân xã viên tinh thần tập thể, cộng đồng – đó là một nhân tố quan trọng không thể không kể đến trong việc thu hút và tổ chức quần chúng nông dân lao động vào các hợp tác xã sau ngày 9 tháng 9 năm 1944”.
Với những thuận lợi trên đây, ngay sau ngày giải phóng, chính quyền nhân dân đã quyết định tiến hành ngay việc hợp tác hóa nông nghiệp, song song với cải cách ruộng đất.
Công cuộc hợp tác hóa được tiến hành dựa trên năm nguyên tắc cơ bản:
- Bảo đảm tính tự nguyện của nông dân khi tham gia hợp tác xã
- Tiến dần từng bước, những hình thức thấp lên những hình thức cao, phù hợp với những điều kiện lịch sử cho phép
- Bảo đảm chế độ dân chủ trong nội bộ các hợp tác xã
- Nhà nước giúp đỡ các hợp tác xã một cách chắc chắn và thường xuyên
- Kết hợp đúng đắn lợi ích cá nhân xã viên với lợi ích tập thể của hợp tác xã và lợi ích của toàn thể xã hội.
Kể từ ngày giải phóng đến nay, lịch sử hình thành nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp Bun-ga-ri đã trải qua ba giai đoạn:
- Từ năm 1944 đến năm 1958 là thời kỳ tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo nền sản xuất tiểu nông thành nền sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa
- Từ năm 1959 đến năm 1970 là thời kỳ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung hóa và chuyên môn hóa ở trình độ cao, trên cơ sở mở rộng quy mô các xí nghiệp nông nghiệp tới mức 4.000 héc ta
- Từ năm 1970 đến nay là thời kỳ tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên hiệp nông – công nghiệp (APK).
Trong những năm đầu, các hợp tác xã đã được xây dựng dưới những hình thức thấp, phần lớn là hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã tiêu thụ. Việc xây dựng các hợp tác xã sản xuất được tiến hành khá thận trọng. Ban đầu các hợp tác xã này được tổ chức như một bộ phận, một ngành nhỏ trong các hợp tác xã tiêu thụ, chỉ sử dụng một phần nhân lực của những người tham gia hợp tác xã tiêu thụ. Qua sự hoạt động của bộ phận này, người nông dân dần dần làm quen với sản xuất tập thể, và chỉ đến khi có đủ những kinh nghiệm cần thiết về tổ chức và quản lý, người ta mới cắt đứt cái cuống nhau nối nó với hợp tác xã tiêu thụ để biến nó thành một hợp tác xã sản xuất hoàn chỉnh mọi mặt. Đó là con đường hình thành các hợp tác xã sản xuất ở Bun-ga-ri từ năm 1944 đến năm 1948. Cho đến cuối năm 1944, trong toàn quốc mới chỉ thành lập 110 hợp tác xã. Đến cuối năm 1945, thành lập được 382 hợp tác xã, chiếm 3,1% tổng số nông hộ và 3% tổng diện tích canh tác. Năm 1946, số hợp tác xã lên đến con số 1.100 hợp tác xã, chiếm 11,2% tổng số nông hộ và 6% diện tích canh tác. Năm 1952 đã có tới 2.793 hợp tác xã, bao gồm 52,3% tổng số nông hộ và 60,5% diện tích canh tác. Đến năm này, riêng với khu vực sản xuất ngũ cốc, việc hợp tác hóa coi như đã hoàn thành.
Nguyên tắc tiến dần từng bước còn thể hiện trong việc lựa chọn các đối tượng tiến hành hợp tác hóa.
Về ngành sản xuất, việc hợp tác hóa được tiến hành trước tiên trong ngành trồng ngũ cốc, đặc biệt là ở những vùng đồng bằng có các cánh đồng lớn. Ở đây không những có sẵn truyền thống làm ăn tập thể lâu đời, mà còn có những điều kiện tự nhiên và xã hội thuận lợi cho việc cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật mới, giao thông lại phát triển, việc mở rộng các quan hệ kinh tế và cho sự giúp đỡ của Nhà nước có nhiều thuận lợi.
Đối với nông dân, trong những năm đầu, các hợp tác xã chủ yếu nhằm thu hút nông dân nghèo. Thiếu ruộng, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn – những khó khăn đó làm cho người nông dân nghèo thấy bức thiết hơn ai hết là phải vào hợp tác xã. Họ cũng là những người trước tiên cần được sự giúp đỡ của Nhà nước (trong khuôn khổ các hợp tác xã) để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tầng lớp trung nông đang chiếm tỷ lệ lớn trong dân số nông thôn, lúc này còn tỏ thái độ do dự. Họ chờ xem hình thức tổ chức kinh tế xã hội mới được thử thách trong thực tế ra sao. Vả lại, máy móc – sức hấp dẫn lớn đối với trung nông – đang còn rất thiếu thốn. Vì vậy, người ta không ép buộc trung nông, mà để cho trung nông có đủ thời gian suy nghĩ trên mảnh ruộng riêng của họ.
Nguyên tắc đi từ thấp lên cao trong quá trình tập thể hóa còn được thể hiện ở tiến trình thực hiện việc xã hội hóa tư liệu sản xuất. Trong thời kỳ đầu, tạm thời còn duy trì quyền sở hữu của nông dân về tư liệu sản xuất. Một phần quan trọng trong thu nhập của hợp tác xã còn được dành để phân phối cho quyền sở hữu ruộng đất, dưới hình thức hoa lợi ruộng đất, mà thực chất là địa tô. Gia súc cày kéo cũng là một tư liệu sản xuất quan trọng, tạm thời chưa tập thể hóa; nông dân vẫn sở hữu, trông nom, khi hợp tác xã sử dụng thì trả công. Trong mấy năm đầu mức hoa lợi ruộng đất khá cao, tới 30-40% tổng thu nhập của hợp tác xã, phương thức phân phối cũng thay đổi từng bước: năng suất lao động dần dần trở thành nhân tố quyết định sản xuất và phân phối. Với sự tăng lên không ngừng của thu nhập, mà nhân tố chủ chốt của sự tăng lên đó là tăng năng suất lao động, thì phần phân phối cho quyền sở hữu ruộng đất ruộng đất chẳng những ngày càng nhỏ đi tương đối, mà còn có thể giảm đi tuyệt đối, đi đến chỗ bị xóa bỏ hẳn một cách êm ả. Đến năm 1952, phần phân phối hoa lợi cho ruộng đất chỉ còn chiếm 19,9% thu nhập của hợp tác xã. Đến năm 1956, chỉ còn 9,3%. Đến năm 1960 thì hầu như nó đã bị xóa bỏ. Việc xóa bỏ này không dựa trên một quyết định hành chính thống nhất nào, mà là do Hội đồng quản trị của các hợp tác xã bàn bạc, quyết định cho hợp tác xã mình. Nói chung, trong năm 1960, các hợp tác xã đều đã đi tới quyết định đó, chỉ còn lác đác ở một số nơi, việc xóa bỏ này được quyết định chậm hơn vào năm 1961, 1962. Sự chuyển biến này đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong các hợp tác xã. Với sự kiện ấy, vấn đề quốc hữu hóa ruộng đất cũng coi như đã được thực hiện trong thực tế.
Nhà nước có những biện pháp thiết thực nhằm giúp đỡ kinh tế tập thể sớm phát huy tính hơn hẳn của nó so với kinh tế cá thể. Các hợp tác xã mới thành lập được hưởng những sự giúp đỡ đặc biệt như: được miễn mọi thứ thuế trong 3 năm đầu, được sử dụng đất công của Nhà nước hay của địa phương không phải trả tiền (ở trên đã nói nông dân được chia ruộng nhưng phải trả tiền), được cung cấp vật liệu xây dựng và các loại giống chọn lọc, được Nhà nước cung cấp tín dụng với những điều kiện thuận lợi, được Nhà nước cử cán bộ nông học, thú y, chăn nuôi về giúp đỡ… Quan trọng hơn nữa là Nhà nước xây dựng các trạm máy kéo và máy móc nông nghiệp phục vụ hợp tác xã. Năm 1950, đã có 5.509 đầu máy kéo (bằng 6.803 máy tiêu chuẩn 15 mã lực) được đưa về nông thôn. Nhờ các biện pháp kinh tế đó, hợp tác xã đã sớm thể hiện được tính hơn hẳn của nó so với sản xuất cá thể. Phong trào hợp tác hóa từ năm 1949 trở đi phát triển nhanh. Đến năm 1950, đã có 50,2 vạn nông hộ với 51,1% tổng số ruộng đất gia nhập hợp tác xã. Từ đây, hợp tác xã trở thành nhân tố chủ yếu trong sự phát triển ở nông thôn.
Trên cơ sở những thành tựu đó, đến lúc này, cần thiết và đã có thể thu hút trung nông vào hợp tác xã. Việc này được hoàn thành vào những năm 1950, 1951, 1952. Từ năm 1956 trở đi thì cả những phần tử vốn là phú nông, mà sau hơn mười năm dưới chính quyền nhân dân đã biến đổi về kinh tế và xã hội, không còn tạo thành một giai cấp nữa, cũng lần lượt được thu nhận vào các hợp tác xã và được đối xử bình đẳng như mọi thành viên khác.
Đến năm 1958, trong toàn quốc đã có 3.290 hợp tác xã, chiếm 97% tổng số hộ và 93,2% tổng số ruộng đất (nếu kể cả số ruộng đất của các nông trường quốc doanh thì chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa đã chiếm tới 95% tổng số ruộng đất).
Như vậy, nhiệm vụ hợp tác hóa nông nghiệp, xóa bỏ nền sản xuất cá thể, xóa bỏ mọi hình thức bóc lột ở nông thôn đã hoàn thành.
Tuy nhiên, đối với sự nghiệp xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, biến nông nghiệp thành một ngành sản xuất hiện đại, có năng suất cao, sản lượng lớn, đáp ứng nhu cầu to lớn của công nghiệp, của đời sống và xuất khẩu… thì đó mới chỉ là bước đầu tuy rất quan trọng, rất quyết định, nhưng cũng chỉ là bước đầu.
Lúc này Nhà nước chưa đủ khả năng giúp đỡ nhiều về vật chất cho các hợp tác xã. Công cuộc công nghiệp hóa còn đang triển khai trên những trận địa hẹp, do đó khả năng công nghiệp giúp đỡ nông nghiệp cũng chưa nhiều. Vốn tích lũy hạn chế và do đó việc đầu tư trong nông nghiệp chưa đủ sức tạo ra những biến đổi lớn về trang bị kỹ thuật, về cơ cấu sản xuất và về năng suất lao động. Các hợp tác cũng chưa có đủ một đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý cần thiết cho việc tổ chức lại sản xuất ở một trình độ cao. Chính những điều kiện đó đã quy định quy mô hạn chế của các hợp tác xã: tính trung bình, trong thời kỳ này mỗi hợp tác xã có khoảng 800 héc ta với gần 200 hộ, gồm khoảng 500 lao động. Cho đến năm 1956, cả khu vực sản xuất nông nghiệp mới chỉ có 24.283 máy kéo, trong số đó chỉ có 1.180 chiếc là thuộc sở hữu của hợp tác xã. Tính trung bình, mỗi hợp tác xã có 7 máy kéo phục vụ. Máy gặt đập còn thiếu thốn hơn: toàn quốc chỉ có 4.118 máy, chỉ đảm bảo được 44% công việc. Máy kéo và máy gặt đập đều nhập khẩu. Lúc này Bun-ga-ri chưa sản xuất được những máy móc đó. Tính trung bình, trên 1.000 héc ta đất canh tác, mới có 270 mã lực, riêng máy kéo có 5,1 chiếc (tiêu chuẩn 15 CV). Công nghiệp phân bón mới sản xuất được 34.200 tấn phân đạm. Bun-ga-ri chưa sản xuất được phân lân. Kể cả nhập khẩu, việc cung cấp phân bón mới chỉ đảm bảo được trên 6% tổng số diện tích canh tác. Đến năm 1956, trong tổng số vốn cố định của toàn bộ nền sản xuất xã hội là 5.962 triệu lê-va, thì phần của nông nghiệp mới có 1.470 triệu. Nếu tính sản lượng nông nghiệp bình quân cho đầu người thì năm 1956 mới chỉ bằng 98,2% mức trước chiến tranh.
Đối với những mặt hạn chế kể trên thì việc hợp tác hóa, tự nó chưa đủ để vượt qua. Điều kiện quyết định để tạo ra một sự thay đổi lớn ở đây là phải có một lực lượng kỹ thuật hùng mạnh trang bị cho nông nghiệp. Như vậy phải có một số vốn đầu tư rất lớn. Đồng thời phải có một cơ sở công nghiệp mạnh. Chỉ có như vậy mới có thể đem đến cho nông nghiệp những đòn bẩy quyết định để nâng cao năng suất lao động, do đó tạo cho nông nghiệp khả năng tích lũy lớn để mở rộng cơ sở vật chất – kỹ thuật hơn nữa.
Thời kỳ này Bun-ga-ri đang ở trong quá trình công nghiệp hóa. Trọng tâm của các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1949-1953) và lần thứ 2 (1953-1958) là công nghiệp hóa. Tuyệt đại bộ phận vốn đầu tư trong hai kế hoạch này là dành để giải quyết những nhiệm vụ đó. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chỉ riêng công nghiệp đã nhận được 50% tổng vốn đầu tư. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2, tỷ lệ đó lên đến 55%. Phần còn lại dành cho giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, văn hóa, y tế… trong đó nông nghiệp chỉ chiếm trên 20%. Tổng số tín dụng cấp cho công nghiệp năm 1951 là 188 triệu lê-va, còn cho nông nghiệp chỉ có 18 triệu. Năm 1957 con số đó là 298 triệu và 32 triệu. Trong số vốn đầu tư cho công nghiệp, phần dành cho khu vực A chiếm 86,2% trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Chính nhờ tập trung cao độ mọi sức lực cho công nghiệp hóa, cho nên trong hai kế hoạch 5 năm này công nghiệp Bun-ga-ri, đặc biệt là công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất, đã đạt được những thành tựu rực rỡ, chuẩn bị điều kiện cho những bước tiến vọt trong các năm sau. So với năm 1939, sản lượng công nghiệp năm 1957 đã tăng lên 7,8 lần, riêng khu vực A tăng 15 lần. Những năm tiếp theo còn đạt được tốc độ cao hơn: năm 1960 so với năm 1937, sản lượng công nghiệp tăng 12 lần, riêng khu vực A tăng 27 lần. Chính trong thời kỳ này Bun-ga-ri đã xây dựng hàng loạt cơ sở công nghiệp lớn, tạo ra hàng loạt ngành công nghiệp mới, trong đó có ngành chế tạo máy móc nông nghiệp, ngành sản xuất phân bón, ngành chế biến nông sản, ngành chế tạo những máy móc chế biến nông sản hiện đại. Tuy nhiên, những cái mà lúc này đối với công nghiệp đã có thể coi là thành tựu rực rỡ, thì đối với nông nghiệp, mới chỉ là tiền đề. Nó chỉ biến thành thành tựu của nông nghiệp trong thời kỳ sau. Còn trong thời kỳ này, để có được những tiền đề đó, để chuẩn bị cho các thành tựu tương lai, nông nghiệp phải tạm thời “nhường nhịn” về nhiều mặt.
Như vậy, nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ trước năm 1958 đối với nông nghiệp là cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa. Nhưng đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân, thì nhiệm vụ cơ bản lại là công nghiệp hóa. Giải quyết nhiệm vụ trung tâm này, tức công nghiệp hóa, cũng là để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng cơ bản trong nông nghiệp, thậm chí là cách tốt nhất để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng cơ bản trong nông nghiệp, nhưng không phải là ngay trong thời kỳ này, mà trong thời kỳ tiếp theo. Chính vì vậy, mà trong nông nghiệp thời kỳ này, ngoài cuộc cách mạng trong quan hệ sản xuất, tức là hợp tác hóa, chưa có những thay đổi căn bản về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và năng suất lao động.
Trong khi sản xuất nông nghiệp chưa có được những trang bị kỹ thuật hiện đại thì quy mô của các hợp tác xã trước năm 1958 vẫn chỉ giữ ở mức 800 héc ta. Về vấn đề này, đồng chí I. Pra-mốp, Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Bun-ga-ri, Trưởng ban nông nghiệp Trung ương Đảng, đã giải thích như sau: “Triệt để tôn trọng nguyên tắc Lê-nin-nít về việc tiến dần từng bước trong hợp tác hóa, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của quá trình này trong toàn quốc. Trong một chừng mực rất lớn, quá trình này phải phù hợp và được quy định bởi sự phát triển của công nghiệp và đặc biệt là của khu vực sản xuất các tư liệu sản xuất-máy móc, phân bón, hóa chất… là những cái mà nếu không có chúng thì sự phát triển của kinh tế nông nghiệp là không sao có thể tưởng tượng được. Đảng Cộng sản Bun-ga-ri và chính quyền nhân dân luôn luôn cảnh giác với những tham vọng muốn hợp tác hóa cưỡng ép, những biện pháp hấp tấp khi chưa có cơ sở hạ tầng cần thiết, khi chưa có đủ những kinh nghiệm về tổ chức và chính trị trong lĩnh vực sản xuất, khi chưa có một nền kinh tế quốc dân đủ vững mạnh. Những sai lầm đó có thể dẫn tới những thiệt hại khó có thể đền bù được”.
Tuy nhiên thận trọng không có nghĩa là đặt nông nghiệp trong một tình thế chờ đợi thụ động. Ngay trong quá trình công nghiệp hóa, song song với công nghiệp hóa, Đảng và chính quyền đã tiến hành những công tác chuẩn bị rất to lớn, nhằm tạo ra những tiền đề trong bản thân nông nghiệp để nông nghiệp có thể tiếp thụ và sử dụng tốt nhất, nhanh nhất những thành quả mà công nghiệp đang và sẽ đem lại cho nó. Công tác chuẩn bị được tiến hành đặc biệt khẩn trương vào cuối kế hoạch 5 năm lần thứ 2, tức là vào những năm 1957, 1958. Công tác chuẩn bị này khá đa dạng, song đều nhằm vào hai mục tiêu chính: 1) Cải tiến bộ máy tổ chức, nhằm tăng cường khả năng quản lý nông nghiệp, 2) Vận dụng các biện pháp kinh tế nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế của các hợp tác xã.
Như đồng chí Tô-đo Gip-cốp đã nói trong báo cáo trước khóa họp thường kỳ lần thứ III của Quốc hội (1959), cho đến những năm 1956-1957, sự phát triển kinh tế đã làm bộc lộ hàng loạt nhược điểm của hệ thống tổ chức cũ. Trong những điều kiện mới và trước những nhiệm vụ mới, “cơ cấu và những hình thức quản lý hiện nay không còn bảo đảm điều khiển cụ thể và sinh động nền sản xuất nữa, nó đã có những tác dụng tiêu cực, nó biến thành một vật kìm hãm đối với sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Những khuyết điểm và nhược điểm của hệ thống quản lý cũ là: 1) Quá phức tạp và có quá nhiều khâu trung gian, bộ máy hành chính ở trung ương và địa phương đều phình lên quá đáng, nạn giấy tờ và quan liêu làm chậm trễ và trở ngại cho việc giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp bách của thực tiễn kinh tế; 2) Mạng lưới thương nghiệp chuyên môn hóa quá đáng, sinh ra hiện tượng nhiều ngành, nhiều cơ quan dẫm chân lên nhau, trong khi hầu như chẳng có sự phối hợp có kế hoạch nào trong việc cung cấp và tiêu thụ sản phẩm. Điều đó dẫn tới một tình trạng lộn xộn rất bất lợi cho sản xuất và đời sống; 3) Tình trạng tập trung quá đáng trong công tác kế hoạch, trong chế độ tài chính và thanh toán.
Trong việc cải tiến hệ thống quản lý, Bun-ga-ri chủ trương lấy quận làm đơn vị mới về hành chính và về kinh tế, dưới quận là các hợp tác xã – đơn vị cơ sở về kinh tế và về sản xuất. Điều đó có nghĩa là phải chuyển giao cho hợp tác xã quản lý thêm một số hoạt động mà trước đó vẫn do các cơ quan chính quyền hay các cơ quan kinh tế của Nhà nước quản lý. Người ta sáp nhập các hệ thống sản xuất với hệ thống mua bán vào một hợp tác xã chung, chấm dứt tình trạng hai hệ thống hợp tác xã (sản xuất và mua bán) cùng song song tồn tại. Cả những hợp tác xã công nghiệp mà hoạt động của nó gắn liền với hợp tác xã nông nghiệp thì cũng nhập vào hợp tác xã nông nghiệp (trừ trường hợp những hợp tác xã, những làng thủ công nghiệp truyền thống, sản xuất những đặc sản có ý nghĩa quan trọng đối với cả vùng hoặc toàn bộ nền kinh tế quốc dân, thì không những vẫn tồn tại độc lập mà còn được giúp đỡ để phát triển thêm). Những xí nghiệp công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương như nhà máy xay, lò nung vôi, xưởng nghiền thức ăn gia súc… cũng dần dần giao cho hợp tác xã quản lý. Nhà nước bắt đầu bán một số máy móc nông nghiệp cho các hợp tác xã. Như vậy, hợp tác xã dần dần mang tính chất một đơn vị sản xuất tổng hợp.
Một khi hợp tác xã được củng cố thành những tế bào của nông thôn xã hội chủ nghĩa thì quan hệ giữa những đơn vị đó với nhau và với toàn xã hội, mà tập trung nhất là quan hệ với Nhà nước, cũng phải được tổ chức lại. Thương nghiệp trở thành công cụ quan trọng nhất để thực hiện những mối liên hệ đó. Đồng chí Tô-đo Gip-cốp nói “Công cuộc cải tổ việc quản lý nhà nước và quản lý kinh tế đặt ra cho Bộ thương nghiệp những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”. Ở Bun-ga-ri lúc này, Bộ thương nghiệp đảm nhiệm cả hai lĩnh vực nội thương và ngoại thương để khắc phục sự phiến diện trong công tác của cả hai lĩnh vực. Ở cấp huyện, bên cạnh Hội đồng nhân dân quận, có xí nghiệp thương nghiệp của quận. Xí nghiệp này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Thương nghiệp và Hội đồng nhân dân quận sở tại. Phạm vi hoạt động của nó rất rộng, hầu như bao quát toàn bộ các hoạt động thương nghiệp trong quận: cung cấp, phân phối hầu hết các tư liệu sản xuất cho nông nghiệp và cho các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các hợp tác xã, cùng các loại hàng tiêu dùng cho nông dân, từ phân bón, máy móc, hóa chất, kim loại, vật liệu xây dựng, xăng dầu, than, gỗ, đến các đồ dùng trong nhà, quần áo, vải vóc, văn hóa phẩm; mua các sản phẩm do hợp tác xã sản xuất ra; điều tra tình hình nhu cầu và khả năng cung ứng để lập ra các kế hoạch cung cấp và tiêu thụ; thi hành các biện pháp cần thiết để giải quyết nạn khan hiếm ở nơi này hay thừa ứ ở nơi kia.
Xí nghiệp thương nghiệp quận không phải là một đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhưng lại gắn bó rất chặt chẽ với các đơn vị này, là chất kết dính các đơn vị này với nhau và với Nhà nước, cho nên xét theo một ý nghĩa nào đấy, cũng có thể coi là bộ máy của sản xuất nông nghiệp. Nó là một khâu cực kỳ quan trọng trong quá trình tái sản xuất của nông nghiệp, chỉ có điều là không nằm trong bản thân các hợp tác xã mà thôi. Chính vì lẽ đó, Đảng và Chính phủ chủ trương khi xây dựng các xí nghiệp thương nghiệp quận, cần phải thu hút những cán bộ của Liên hiệp các hợp tác xã. Đó là những cán bộ hiểu rõ tình hình địa phương, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về mùa vụ, về các loại thổ sản, về tâm lý người tiêu dùng, và nói chung, họ thấu hiểu được lợi ích chân chính của mỗi người xã viên, của mỗi hợp tác xã và của nền sản xuất nông nghiệp nói chung.
Để củng cố các hợp tác xã trở thành những đơn vị độc lập, vững mạnh về kinh tế, cùng với việc thi hành những biện pháp về tổ chức và quản lý, Đảng cộng sản và chính quyền nhân dân còn thi hành nhiều biện pháp nhằm củng cố khả năng kinh tế của các hợp tác xã và cải thiện đời sống nông dân, trong đó các đòn bẩy về tài chính và giá cả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Sắc lệnh ngày 31-1-1955 và tiếp đó, sắc lệnh ngày 21-5-1955 quy định hạ bớt mức giá công phục vụ của các trạm máy kéo đối với các hợp tác xã, đồng thời nâng giá mua hàng loạt nông phẩm, rút bớt một số chỉ tiêu sản xuất thứ yếu trong kế hoạch để các hợp tác xã được chủ động khai thác những khả năng đặc thù của địa phương.
Tháng 8 năm 1955, Hội nghị đại biểu các hợp tác xã toàn quốc đã quyết định cho các xã viên hợp tác xã được vay tiền mặt theo kỳ hạn hàng tháng (một hình thức trả lương trong tháng ổn định), với điều kiện bảo đảm đủ số ngày công tối thiểu cho hợp tác xã. Mức ngày công tối thiểu này do mỗi hợp tác xã tùy tình hình của mình mà quy định cho thích hợp.
Cũng từ năm 1955, mức lợi tức tín dụng dài hạn do Nhà nước cung cấp cho hợp tác xã đã từ 3% giảm xuống còn 2%.
Tháng 4 năm 1956, Nhà nước quyết định xóa nợ cho một loạt hợp tác xã.
Từ 1-1-1957, Ngân hàng đầu tư của Bun-ga-ri mở rộng phạm vi cấp tín dụng dài hạn cho các hợp tác xã với điều kiện ưu tiên. Đặc biệt là tín dụng cấp cho việc cải tạo đất và xây dựng các nhà kính thì hầu như không phải trả lợi tức.
Tháng 4-1956, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng quyết định sửa đổi chính sách thu mua và hệ thống giá cả, nhằm nâng cao mức tích lũy cho hợp tác, cải thiện quan hệ giữa thành thị với nông thôn, giữa công nghiệp với nông nghiệp. Theo nghị quyết của hội nghị này, tất cả các cơ quan thương nghiệp bắt buộc phải ứng trước cho hợp tác xã 50% tổng số tiền mua nông phẩm theo nghĩa vụ mà kế hoạch đã quy định. Kể từ 1-1-1957 bãi bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ đối với những sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi mà nông dân xã viên tự sản xuất ra trong khuôn khổ kinh tế phụ mà điều lệ hợp tác xã đã cho phép. Miền núi và một số địa phương mà sản xuất ngũ cốc không nhiều thì được miễn bán lương thực theo nghĩa vụ. Nhà nước cũng bãi bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ đối với nho, táo, mận, khoai tây, lúa kiều mạch, sữa, hướng dương.
Để khuyến khích các hợp tác xã tận dụng mọi tiềm năng phát triển tổng hợp các ngành nghề, đặc biệt là những nghề phổ biến và đơn giản như nung vôi, làm gạch ngói, chế biến gỗ, chế biến nông phẩm… Nhà nước hạn chế việc bán cho hợp tác xã sản phẩm của các nghề đó nhưng lại tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp tác xã tự sản xuất lấy, chẳng hạn như cung cấp than, điện, máy móc.
Trong việc củng cố tiềm lực kinh tế của các hợp tác xã, “chính sách giá cả của Nhà nước là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất”.
Từ tháng 5-1956, Nhà nước nâng giá mua hàng loạt nông phẩm. Như trên đã nói, hàng loạt nông phẩm quan trọng được đặt ra ngoài diện thu mua nghĩa vụ. Đối với một số nông phẩm, đặc biệt những thứ cần cho xuất khẩu, còn tạm thời duy trì chế độ thu mua bắt buộc, nhưng giá thu mua thì được nâng lên một cách rất mạnh dạn. Một vài thứ nông phẩm đã được nâng giá thu mua lên tới trên dưới 30% như: thuốc lá, kén tằm… Đến tháng 1 và sau đó đến tháng 4 năm 1957, lại có những đợt nâng giá thu mua hàng loạt nông phẩm nữa, đặc biệt là đối với bông, sợi lanh. Sau đó ít lâu, giá cà chua, ớt, tỏi,… cũng được nâng lên.
Cho đến những năm 1958, 1959, Bun-ga-ri đã lần lượt bãi bỏ chế độ thu mua nghĩa vụ đối với hầu hết nông phẩm, tiến tới bãi bỏ chế độ thu mua theo nghĩa vụ nói chung. Chế độ này, trong một giai đoạn lịch sử nào đó, là một việc làm cần thiết, không thể tránh khỏi, nhằm đảm bảo cho Nhà nước nắm được một lượng nông sản hàng hóa nhất định cung ứng cho nhu cầu chung của xã hội, thì nay trở thành không cần thiết nữa. Từ nay việc mua nông phẩm được tiến hành theo hợp đồng từng vụ, từng năm hoặc nhiều năm, tùy loại nông phẩm và tùy nơi. Giá mua xấp xỉ giá thực tế trên thị trường.
Về vấn đề này, đồng chí Tô-đo Gip-cốp nói: “Việc xóa bỏ chế độ cung cấp nông phẩm cho Nhà nước đã đến lúc cần phải được xem xét. Kinh nghiệm đã qua chỉ ra rằng chế độ thu mua hiện hành đối với nông phẩm đã bắt đầu kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển các lực lượng sản xuất ở nông thôn và không đáp ứng nổi những nhiệm vụ mới đặt ra cho nông nghiệp. Rõ ràng là phải hủy bỏ chế độ bắt buộc cung cấp cho Nhà nước đối với tất cả các nông phẩm và thiết lập một hệ thống mua nông phẩm mới, thống nhất về quy chế và giá cả. Chính bằng cách đó mới tạo ra cho các hợp tác xã khả năng lựa chọn trồng những cây gì mà họ có điều kiện tốt nhất, và do đó có thể đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất không những cho hợp tác xã đó, mà cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân”.
Như vậy là các hợp tác xã không những bán được nông phẩm với giá cao hơn trước, mà còn được quyền tự do bán hay không bán, bán bao nhiêu, cũng tức là được quyền tự do lựa chọn sản xuất gì, bao nhiêu, tùy theo điều kiện thực tế của bản thân mình. Tất nhiên, với tính cách là một xí nghiệp nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã phải tính toán làm sao để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, mà việc đó, về cơ bản là có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Cũng cần phải kể đến một số nhân tố mới sau đây: trong điều kiện thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất đã được củng cố vững chắc, thị trường tự do bị thu hẹp đến mức gần như không tồn tại nữa, thì quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và hợp tác xã, giữa công nghiệp và nông nghiệp, hoàn toàn có thể điều hành theo kế hoạch và theo hợp đồng không cần đến bất cứ hình thức cưỡng chế nào.
Khi nâng giá mua nông phẩm, tất nhiên Nhà nước phải chi thêm một số tiền, và những xí nghiệp công nghiệp cũng như toàn xã hội sẽ phải trả giá cao hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp hoặc các nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, không thể từ đó đi đến kết luận rằng hễ hợp tác xã có lợi, nông nghiệp có lợi thì thế tất Nhà nước phải chịu thiệt, công nghiệp và thành phố phải chịu thiệt. Vấn đề là ở chỗ: làm sao củng cố được các hợp tác xã về mặt kinh tế, làm sao phát huy được tiềm lực của các hợp tác xã, để hợp tác xã có sức phát triển sản xuất hơn nữa. Một khi sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh thì chẳng những hợp tác xã có lợi, nông dân có lợi, mà cả nhà nước, cả công nghiệp, cả xã hội đều có lợi. Đồng chí Tô-đo Gip-cốp nói “phương thức mua nông phẩm mới chẳng những bảo đảm lợi ích của hợp tác xã, mà bảo đảm cả lợi ích của Nhà nước nữa”.
Về việc bãi bỏ chế độ thu mua nông phẩm theo nghĩa vụ, Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri cũng có những quan niệm tương tự. Đây không phải là giải phóng cho nông dân khỏi những nghĩa vụ xã hội, cũng không phải là tước bỏ của Nhà nước và của xã hội một nguồn cung cấp nông phẩm cơ bản. Nó chỉ có nghĩa là trong tình hình mới đã có thể và cần thiết thực hiện mối quan hệ đó ở trình độ cao hơn, bảo đảm nông nghiệp thực hiện nghĩa vụ của nó tốt hơn, còn nhà nước thì có một nguồn cung cấp nông phẩm dồi dào và ổn định hơn. Thu mua cưỡng bức không phải là hình thức duy nhất, càng không phải là hình thức tốt nhất để thực hiện mối quan hệ này. Đó chỉ là hình thức thô sơ nhất, thể hiện ít đầy đủ nhất những nguyên tắc cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa về liên minh công nông, về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, về khuyến khích lợi ích vật chất, về phát huy tính chủ động sáng tạo của người sản xuất và của các đơn vị sản xuất. Như đồng chí Tô-đo Gip-cốp đã nói “chế độ đó chỉ là cần thiết và có thể cho phép trong thời kỳ mà nền kinh tế nông nghiệp còn chưa được hợp tác hóa hoàn toàn và sản xuất nông nghiệp còn quá thiếu thốn”. Phương thức mua nông phẩm mới, cũng theo lời đồng chí Tô-đo Gip-cốp “không giải phóng các hợp tác xã khỏi những nhiệm vụ cung cấp cho Nhà nước những nông phẩm cần thiết cho nhân dân và những nguyên liệu cho công nghiệp. Trái lại, nó củng cố hơn nữa những trách nhiệm của các hợp tác xã trong việc thực hiện đúng đắn nghĩa vụ của nó đối với Nhà nước là cái chứa đựng cả những quyền lợi của bản thân nó”. Sự phát triển mạnh mẽ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hoàn toàn chứng minh điều đó. Năm 1948, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mới chiếm 68,8% tổng ngạch hàng hóa lưu chuyển. Đến năm 1957, tỷ lệ đó lên tới 99,6%. Cũng trong thời gian đó, khối lượng giá trị tuyệt đối của hàng hóa do Nhà nước bán cho nông thôn tăng gấp ba lần.
Kết quả của hàng loạt biện pháp về tổ chức, quản lý, về tài chính, giá cả và thương nghiệp kể trên, cùng với sự phát triển của bản thân nền sản xuất nông nghiệp hợp tác hóa, là: cho đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ hai, các hợp tác xã đã trở thành các đơn vị kinh tế vững chắc trên mặt trận nông nghiệp. Qua những chỉ số sau đây về mức tăng vốn đầu tư của các hợp tác xã qua hai kế hoạch 5 năm, có thể thấy rõ điều đó:
Biểu 6: Chỉ số tăng vốn đầu tư của các hợp tác xã qua các năm
Đầu tư nhờ tín dụng dài hạn Đầu tư bằng vốn của bản thân hợp tác xã |
1948 | 1950 | 1952 | 1954 | 1956 |
100
100 |
956
1.053 |
1.230
13.579 |
1.994
12.070 |
2.924
11.803 |
Như các chỉ số cho thấy từ năm 1948 đến năm 1956 mức đầu tư nhờ tín dụng tăng hơn 29 lần. Cũng trong thời kỳ đó, mức đầu tư do vốn của bản thân hợp tác xã tăng 118 lần. Điều đó có nghĩa là các hợp tác xã đã trở thành những đơn vị kinh tế không những độc lập về pháp lý, mà còn độc lập thực sự về kinh tế, hiểu theo nghĩa là nó có đủ sức tồn tại và phát triển bằng những của cải do bản thân nó tạo ra. Sự vững mạnh đó là tiền đề có ý nghĩa quyết định để tiếp thụ những thành quả mà công nghiệp đã đạt được sau hai kế hoạch 5 năm và trên cơ sở đó, thực hiện những bước nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng các nông trường quốc doanh
Ngay từ năm 1947, Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri đã có chủ trương xây dựng khu vực kinh tế quốc doanh xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Khu vực này được phát triển tương đối nhanh.
Biểu 7: Quy mô đất đai của khu vực kinh tế quốc doanh qua các năm
(đơn vị: nghìn héc ta)
Đất nông nghiệp Đất trồng trọt Đồng cỏ chăn thả |
1948 | 1950 | 1952 | 1954 | 1956 |
31,8
|
69,4
64,4 5,0 |
376,9
296,1 80,8 |
555,0
415,0 140,0 |
935,8
634,9 300,9 |
Đất đai của nông trường lúc mới xây dựng chủ yếu dựa vào một bộ phận diện tích ruộng đất của giai cấp bóc lột đã bị quốc hữu hóa và một số cơ sở kinh doanh nông nghiệp của nhà nước tư sản. Quy mô của các cơ sở này tương đối nhỏ: khoảng 2 vạn héc ta (gồm 48 vườn giống, 2 trại nuôi ngựa giống và 6 xí nghiệp chăn nuôi). Sau này, đất đai của nông trường được mở rộng nhờ thu hút nông dân ở những nơi ruộng đất xen kẽ với nông trường và nông dân ở những vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn vào nông trường. Đây là nét độc đáo, sáng tạo trong quá trình phát triển nông trường quốc doanh ở Bun-ga-ri. Cho đến năm 1959, tất cả các hợp tác xã ở vùng núi đều đã tự nguyện gia nhập nông trường quốc doanh. Điều này mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội.
Do có điều kiện thống nhất quy hoạch trên từng vùng lãnh thổ, từng cánh đồng lớn, việc tổ chức lại sản xuất, việc tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất được thực hiện một cách thuận lợi.
Những vùng nông dân gia nhập nông trường phần lớn là vùng núi, đất xấu, khả năng đầu tư của nông dân rất hạn chế. Chuyển giao những đất này cho nông trường thì chẳng những nông dân được lợi: đời sống ổn định và có phần được cải thiện hơn trước nhờ chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi xã hội… mà xã hội cũng được lợi: hàng chục vạn héc ta đất xấu dần dần biến thành đất tốt nhờ những khoản đầu tư to lớn của Nhà nước, chính vì vậy mà việc vận động nông dân (cả nông dân cá thểẫn các hợp tác xã) gia nhập nông trường không gặp khó khăn gì. Nguyên tắc tự nguyện được bảo đảm hoàn toàn.
Trước khi có chủ trương chuyển các hợp tác xã ở vùng núi thành nông trường quốc doanh, đã có một thời kỳ thiếu quan tâm thích đáng đến việc phát triển kinh tế ở miền núi. Trong khi đó thì sự phát triển khá nhanh của các đồng bằng, các khu công nghiệp, với sức hấp dẫn nhiều mặt của nó, đã làm cho thanh niên có xu hướng rời bỏ vùng núi về đồng bằng và thành phố. Tình hình này có ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển kinh tế cũng như củng cố an ninh ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Chủ trương sáng suốt của Đảng đã kịp thời chấm dứt được tình hình đó.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, ngay từ đầu, nông trường quốc doanh đã có ưu thế rõ rệt so với kinh tế tập thể. Chúng ta hãy so sánh những số liệu sau đây:
Biểu 8: Quy mô đất đai, lao động và máy kéo của nông trường và hợp tác xã
Đơn vị |
1952 | 1956 | |||
Hợp tác xã | Nông trường | Hợp tác xã | Nông trường | ||
Quy mô ruộng đất | Ha | 844 | 1.106,9 | 1.034 | 1.558,4 |
Số lao động | Người | 414 | 249 | 533 | 698 |
Số máy kéo | Quy ra 15 CV | 4 | 9 | 7 | 31 |
Theo nhiệm vụ được xác định cho nông trường quốc doanh, thì loại hình kinh tế này phải trở thành kiểu mẫu về phương thức kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, về hợp lý hóa sản xuất, về áp dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật, về sử dụng giống cây trồng và gia súc có năng suất cao. Nông trường có nhiệm vụ cung cấp sản phẩm cho Nhà nước ngày càng nhiều, với chi phí ngày càng thấp.
Với tính cách là kiểu mẫu của nền sản xuất tiên tiến, nông trường có nhiệm vụ giúp đỡ, hướng dẫn kinh tế hợp tác xã. Hoạt động của nông trường gắn bó chặt chẽ với hoạt động của các hợp tác xã. Ngay trong những năm 50, tức là trong thời kỳ mới xây dựng, nông trường đã cung cấp cho hợp tác xã một lượng lớn giống cây trồng và gia súc sinh sản: bình quân hàng năm cung cấp cho hợp tác xã 3 triệu cây ăn quả, 3,5 triệu cây nho, riêng trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 cung cấp 18,5 triệu cây ăn quả, 2 triệu gia cầm giống và nhiều ngựa giống. Nông trường được giao nhiệm vụ sản xuất giống gốc (giống cấp I) cung cấp cho hợp tác xã để hợp tác xã đưa giống mới vào sản xuất đại trà. Bằng sức mạnh kỹ thuật to lớn, bằng cách tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến nhất là việc thắt chặt mối quan hệ kinh tế với hợp tác xã, nông trường thể hiện rõ vai trò trung tâm của mình trong kinh tế nông thôn.
Cũng giống như việc xây dựng hợp tác xã, việc xây dựng nông trường cũng đi từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, gắn liền với trình độ phát triển của cơ sở vật chất-kỹ thuật. Điều này đảm bảo cho nông trường phát triển một cách vững chắc. Năm 1957, tức là sau 2 năm thành lập các nông trường quy mô lớn (quy mô bình quân mỗi nông trường từ 1.100 héc ta lên 3.400 héc ta). Nhà nước đã bãi bỏ chế độ trợ cấp bù lỗ đối với nông trường, buộc nông trường phải phấn đấu thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi và có lãi. Trên thực tế, hầu hết nông trường đều kinh doanh có lãi. Kinh tế của nông trường phát triển vững chắc qua các năm:
Biểu 9: Những chỉ tiêu cơ bản của nông trường qua các năm
Số lượng nông trường Mỗi nông trường có: – đất canh tác – vốn cơ bản – cán bộ, công nhân – máy kéo (15 CV) – bò – cừu – lợn – gia cầm |
Đơn vị | 1951 | 1957 | 1962 | 1964 |
Cái
100 ha Nghìn lê-va Người Cái Con Con Con Con |
100
1.106,9 332,6 249 9,4 95,4 731,0 568,9 1.058,1 |
49
3.426,8 2,140,7 698 32,1 502,1 3.070,0 1.803.1 4.811,6 |
70
4.384,1 3.370,4 1.161 52,4 1.571,4 7.670,6 2.062,7 8.431,2 |
92
4.341,7 2.984,7 1333 57 1.311,0 8.160,1 1.484,5 4.196,3 |
Vấn đề kinh tế phụ của nông dân và công nhân nông trường
Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp Bun-ga-ri, cách giải quyết vấn đề kinh tế phụ của nông dân và công nhân nông trường cũng có nhiều nét đáng chú ý. Trong khi kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm thì không phải vì thế mà khu vực kinh tế phụ của nông dân và công nhân nông trường bị xem nhẹ. Bộ phận kinh tế này được giúp đỡ và hướng dẫn phát triển đúng hướng, nhằm tận dụng mọi khả năng lao động của nông dân và công nhân nông trường vào việc phát triển sản xuất. Điều lệ của hợp tác xã dành cho kinh tế phụ một phạm vi hoạt động khá rộng rãi. Theo số liệu năm 1970, diện tích dành cho kinh tế phụ chiếm 9,1% tổng diện tích canh tác. Tính bình quân, mỗi gia đình được sử dụng từ 0,3 đến 0,5 héc ta, không kể đồng cỏ. Trong một số ngành sản xuất, kinh tế phụ còn chiếm vị trí lớn hơn: 26,2% đàn cừu và dê, 12,4% đàn gia súc lớn, 30,6% đàn gia cầm, 28,7% quả, 12,6% rau… Tính chung, thu nhập từ kinh tế phụ chiếm 30% tổng thu nhập của các gia đình nông dân.
Để khắc phục chiều hướng tiêu cực, phát huy tác dụng tích cực của kinh tế phụ, Nhà nước và hợp tác xã đã có những biện pháp sau:
– Hợp tác xã giúp nông dân làm đất dành cho kinh tế phụ, có nơi giúp cả khâu thu hoạch sản phẩm, nếu công việc này cũng phải làm bằng máy. Nông dân chỉ còn đảm nhiệm việc chăm sóc. Như vậy, diện tích dành cho kinh tế phụ vẫn được canh tác bằng kỹ thuật hiện đại, đỡ phải lãng phí lao động xã hội vào những mảnh đất tủn mủn. Hợp tác xã thì quản lý được lao động trong thời vụ chính. Vả chăng, nếu hợp tác xã không “giúp đỡ” như vậy thì nông dân cũng không có cách gì tự canh tác được vì hầu hết công việc đồng áng đều đã được làm bằng máy. Đối với vườn cây ăn quả thì nông dân tự chăm sóc lấy. Công việc này thích hợp với lao động phụ, lao động ngoài thời vụ và ngoài giờ lao động chính thức của các hợp tác xã.
– Thái độ đối với đàn cừu nuôi riêng của xã viên thể hiện rõ chính sách của Nhà nước và hợp tác xã hết sức quan tâm khuyến khích chăn nuôi cừu. Nhu cầu của nền kinh tế quốc dân về loại sản phẩm này rất lớn. Trong khi đó thì đồng cỏ lại phân tán, sản lượng cỏ rất thấp, phải lùa đàn cừu đi ăn lưu động mới tận dụng được đồng cỏ. Do đó, phải có chính sách khuyến khích chăn nuôi theo gia đình: hợp tác xã cho phép nông dân được sử dụng các đồng cỏ phân tán, cho nông dân được tổ chức chung một đàn cừu với quy mô hợp lý và thù lao cho người chăn dắt. Người chăn cừu riêng của các xã viên ấy vẫn được hợp tác xã bảo đảm mọi quyền lợi của một xã viên chính thức, trừ quyền hưởng thu nhập vì họ không lao động cho hợp tác xã.
– Để quản lý lao động của xã viên, hợp tác xã giao mức nghĩa vụ cho từng người: mỗi năm phải hoàn thành một số ngày công nhất định cho kinh tế tập thể, trong đó ấn định bao nhiêu ngày công phải hoàn thành trong lúc thời vụ khẩn trương. Mức nghĩa vụ lao động này khác nhau tùy từng hợp tác xã (nói chung khoảng 200 công), tùy từng năm, tùy từng loại lao động. Kèm theo nghĩa vụ lao động, có các chế độ thưởng, phạt. Do kinh tế tập thể phát triển khá nên thu nhập về thưởng vượt kế hoạch sản xuất hàng năm tương đối cao. Đó là một nhân tố kích thích ý thức trách nhiệm đối với kinh tế tập thể. Mặt khác, chế độ phạt cũng rất nghiêm. Nếu vi phạm nghĩa vụ lao động mà không có lý do chính đáng thì có thể bị rút đất dành cho kinh tế phụ, hoặc không được nhận tiền thưởng, mất chế độ nghỉ hè hay nghỉ dưỡng sức hàng năm, thậm chí có thể bị ảnh hưởng tới thâm niên và do đó ảnh hưởng đến lương hưu trí sau này… Ở Bun-ga-ri, những nguồn thu nhập từ quỹ xã hội này khá lớn: trên 10% thu nhập của hợp tác xã là dành cho quỹ này.
– Đối với sản phẩm của nền kinh tế phụ, xã viên có quyền tự mình tiêu dùng hoặc đem bán, Nhà nước không giao nghĩa vụ thu mua. Tuy vậy, trên thực tế, nông dân vẫn đem bán phần lớn sản phẩm của kinh tế phụ cho Nhà nước. Do sản xuất phát triển, sản phẩm khá dồi dào, nên giá nông phẩm trên thị trường tự do cũng không cao hơn giá mua của nhà nước là bao. Hơn nữa tổ chức thu mua của thương nghiệp quốc doanh lại rộng khắp đến tận hợp tác xã (thương nghiệp định thời gian về hợp tác xã thu mua) – tất cả những nhân tố đó làm cho người nông dân thấy bán sản phẩm cho Nhà nước chẳng những không thiệt thòi mà còn rất thuận tiện. Trong khi đó giá trị ngày công lao động trong hợp tác xã lại cao, mức sống cũng cao, những nhu cầu văn hóa, tinh thần phát triển,… khiến cho người nông dân cảm thấy quý trọng thời gian. Nếu tự mình đem sản phẩm ra chợ (chợ thường chỉ tổ chức ở những trung tâm tiêu thụ: thành phố, khu công nghiệp…) và chờ đợi để bán cho hết thì số thời gian và công sức ấy đối với người nông dân Bun-ga-ri, đã trở thành cái đáng tiếc hơn là món lợi nho nhỏ do sự chênh lệch giữa giá cả thị trường tự do và giá mua của Nhà nước.
– Chủ trương duy trì kinh tế phụ cũng được áp dụng cho cả công nhân các nông trường quốc doanh. Mức ruộng đất dành cho kinh tế phụ của công nhân nông trường cùng mọi chính sách khác cũng tương tự như đối với kinh tế phụ của xã viên hợp tác xã. Tất cả những điều đó không ngoài mục đích: tận dụng mọi khả năng lao động – dù nhỏ – vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Mở rộng quy mô hợp tác xã, xây dựng các xí nghiệp nông nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa
Vào cuối năm 1958, đầu năm 1959, nông nghiệp Bun-ga-ri lại trải qua một sự kiện quan trọng nữa: sáp nhập nhiều hợp tác xã thành những xí nghiệp nông nghiệp lớn, có quy mô gấp 4-5 lần trước.
Ban đầu, đây mới là sáng kiến của một số địa phương. Chẳng bao lâu, nhiều địa phương khác cũng mau chóng tiến hành sự hợp nhất đó. Đảng và chính quyền nhân dân kịp thời nhận thức được tính tất yếu và ý nghĩa quan trọng của phong trào, đã có hàng loạt biện pháp hành chính, tổ chức và kinh tế để ủng hộ và chỉ đạo phong trào. Nhờ đó, phong trào phát triển nhanh. Trong vòng chưa đầy một năm, từ cuối năm 1958 đến khoảng giữa năm 1959, hầu hết các hợp tác xã trong toàn quốc, gồm khoảng trên 3 nghìn hợp tác xã đã được sáp nhập lại thành 975 xí nghiệp nông nghiệp. Tính trung bình, mỗi xí nghiệp này lớn gấp 4 lần hợp tác xã cũ, diện tích canh tác bình quân lên đến trên 4 nghìn héc ta, ngang với quy mô của một nông trường quốc doanh.
Cho đến giữa năm 1959, việc hợp nhất đã hoàn thành về cơ bản. Trong một số năm sau đó, một số hợp tác xã còn lại được hợp nhất nốt, một số xí nghiệp đã hình thành được điều chỉnh lại, chủ yếu là mở rộng thêm bằng cách thu hút một số hợp tác xã nữa hoặc hợp nhất với một xí nghiệp khác. Đến năm 1960 toàn quốc có khoảng 800 xí nghiệp nông nghiệp. Con số xí nghiệp này và quy mô của chúng được duy trì gần như không đổi trong suốt 10 năm tiếp theo.
Quá trình hợp nhất các hợp tác xã, mở rộng hơn nữa quy mô của xí nghiệp nông nghiệp, vốn là một quá trình phát triển tất yếu trên con đường đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn. Quá trình đó bao gồm nhiều mặt rất phức tạp: tổ chức, quản lý, kinh tế, kỹ thuật… Như ta đã thấy, quá trình đó ở Bun-ga-ri được thực hiện nhanh và gọn. Điều đó chứng tỏ rằng những điều kiện để thực hiện đã chín muồi trên phạm vi cả nước và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Qua hai kế hoạch 5 năm, công nghiệp Bun-ga-ri đã có những bước tiến nhảy vọt. Kể từ năm 1957, tức là năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ 2, những thành quả to lớn của công nghiệp hóa đã bắt đầu tạo ra những thay đổi về chất lượng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chỉ xét trong 5 năm từ 1956-1960, ta thấy những sản phẩm công nghiệp quan trọng nhất đều tăng lên với tốc độ nhảy vọt:
Biểu 10: Một số chỉ tiêu của ngành công nghiệp:
Ngành | Đơn vị | 1939 | 1956 | 1960 |
Điện | Triệu kw/h | 266 | 2.393 | 4.657 |
Than | Triệu tấn | 2,2 | 10.817 | 17.147 |
Gang | Nghìn tấn | 0 | 10 | 192 |
Thép | Nghìn tấn | 6 | 130 | 253 |
Thép dát | Nghìn tấn | 4 | 99 | 193 |
Động cơ đốt trong | Nghìn CV | 0 | 24,0 | 154,5 |
Động cơ điện | Nghìn CV | 0 | 105 | 919 |
Phân đạm | Nghìn tấn | 0 | 34,2 | 83,6 |
Phân lân | Nghìn tấn | 0 | 3,2 | 40,9 |
Xi măng | Nghìn tấn | 225 | 859 | 1.586 |
Những sản phẩm kể trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với nông nghiệp, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp. Đó chính là cơ sở vật chất để thực hiện quá trình trang bị lại về kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp. Từ năm 1956 đến năm 1960, số máy kéo trong nông nghiệp tăng từ 24 nghìn chiếc lên hơn 40 nghìn chiếc, tức là gần gấp đôi. Sức kéo của số máy này là 364 nghìn CV và 605 nghìn CV. Cũng trong thời gian đó, số động cơ các loại cung cấp cho nông nghiệp đã tăng từ 2007 nghìn CV lên đến 3.184 nghìn CV, số máy liên hợp các loại tăng từ 4.118 chiếc lên 8.390 chiếc. Tính tổng số năng lực của máy móc trên 100 héc ta đất canh tác thì năm 1956 mới có 27 CV, năm 1960 lên đến 56 CV tức là tăng hơn 2 lần. Tổng sản phẩm nông nghiệp từ năm 1956 đến 1960 tăng tăng 1,4 lần, năng suất lao động trong nông nghiệp tăng 1,95 lần.
Khi công nghiệp đã có thể đem đến cho nông nghiệp những phương tiện kỹ thuật hiện đại mà nông nghiệp đòi hỏi ở nó, thì những phương tiện này đến lượt nó lại buộc nông nghiệp phải có những sự trưởng thành tương ứng về kinh tế và tổ chức để tiếp thu và sử dụng nó. Quy mô dưới một nghìn héc ta theo kinh nghiệm của Bun-ga-ri là quá nhỏ bé so với trình độ kỹ thuật mà nền sản xuất nông nghiệp lúc này đã đạt tới. Quy mô tối ưu đối với lúc này và nhiều năm sau đó được xác định là trên dưới 4 nghìn héc ta.
Điều kiện thứ hai để mở rộng quy mô hợp tác xã là những khả năng và yêu cầu của bản thân các hợp tác xã, lực lượng kinh tế của các hợp tác xã, đặc biệt từ sau những quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ năm 1956, đã được củng cố đáng kể. Trong điều kiện đó, có thể và cần phải xây dựng những đơn vị sản xuất nông nghiệp trở thành những đơn vị sản xuất hoàn chỉnh, nghĩa là để cho nó tự lo liệu lấy các trang bị (mua sắm, quản lý sử dụng), tự lo liệu cả những cơ sở công nghiệp gắn bó trực tiếp với sản xuất của nó (các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến nông phẩm, sửa chữa…), tự lo liệu việc tổ chức sản xuất sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và sau hết, tự lo liệu việc tổ chức đời sống vật chất và văn hóa cho những người lao động nông thôn. Để thực hiện những yêu cầu trên đây thì quy mô dưới 1 nghìn héc ta và dưới 1 nghìn lao động cũng là quá nhỏ bé, không thể nào hoàn chỉnh và độc lập được. Cùng với việc mở rộng quy mô các đơn vị sản xuất nông nghiệp, Nhà nước bắt đầu giải tán dần các trạm máy kéo và bán lại các máy móc đó (với giá rất thấp) cho các xí nghiệp nông nghiệp thực chất là chuyển giao các trạm máy đó cho hợp tác xã tự mình quản lý lấy. Biện pháp này được thi hành từ năm 1959. Chỉ trừ những nơi nào hợp tác xã còn quá yếu về tài chính, về quản lý và doanh lợi thì Nhà nước vẫn tạm thời duy trì các trạm máy kéo để tiếp tục phục vụ. Nhưng giá công phục vụ thì nâng lên, hay nói đúng hơn, không còn để ở mức quá thấp mà Nhà nước phải chịu lỗ như trước đây nữa, nhằm buộc các hợp tác xã này phải sớm cải tiến quản lý để có doanh lợi và sớm tự lo liệu lấy. Cho đến năm 1962 thì toàn bộ các trạm máy kéo đã được “thanh lý” hết.
Tất cả các hợp tác xã đều đã tự mua sắm lấy máy móc thiết bị, tự mình quản lý lấy, và trong thực tế, đã đạt được hiệu quả cao hơn trước. Các trạm máy kéo, với chức năng là pháo đài của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, của kỹ thuật hiện đại, của tổ chức tiên tiến đã từng đóng vai trò vô cùng lớn trong quá trình cải tạo nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, thì nay đã không còn lý do tồn tại như một khâu tiếp nối giữa Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nông dân nữa, giữa công nghiệp và nông nghiệp nữa. Nhiệm vụ lịch sử của nó đã hoàn thành. Cái mà nó giúp đỡ thì nay đã lớn mạnh, đủ sức đảm đương lấy phần việc của nó. Hơn nữa một khi hợp tác xã đã đủ sức và có thể tự mình quản lý lấy máy móc để tiến hành sản xuất nông nghiệp, không phải thông qua một tổ chức trung gian – trạm máy kéo của Nhà nước – mới sử dụng được tư liệu lao động vào quá trình sản xuất, thì chính những phương thức quản lý này lại có ưu điểm rõ rệt và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với phương thức quản lý cũ. Để có được những trang bị thích hợp, từ nay, hợp tác xã đặt hàng thẳng với công nghiệp, hoặc thông qua khâu thương nghiệp (Cục cung cấp vật tư hoặc Trung tâm nhập khẩu kỹ thuật).
Trong số các điều kiện nội tại của hợp tác xã, còn có vấn đề tổ chức cán bộ. Sau hơn mười năm xây dựng, công tác quản lý hợp tác xã dần dần đi vào nền nếp. Các cán bộ hợp tác xã đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú. Đặc biệt cần phải kể đến sự nghiệp đào tạo do Đảng và Nhà nước tiến hành. Năm 1944, toàn Bun-ga-ri chỉ có 1.771 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp mà phần lớn là ở thành phố. Đến năm 1960, Bun-ga-ri đã có 17.624 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp trung và cao cấp.
Nhờ khả năng tài chính đã được tăng cường nên các hợp tác xã bắt đầu cử hàng loạt con em xã viên đi học về các ngành cần thiết cho hợp tác xã: máy móc, nông học, thú y, chế biến thực phẩm, xây dựng, thống kê, kế toán, quản lý… Việc học của các thanh niên này hoàn toàn do hợp tác xã đài thọ. Bun-ga-ri coi đấy là những tế bào mới có khả năng làm đổi mới cả một cơ chế cũ. Chính đội ngũ trẻ này, con em của hợp tác xã, sẽ đưa toàn bộ nền sản xuất và cả đời sống của hợp tác xã, sẽ đưa toàn bộ nền sản xuất và cả đời sống của hợp tác xã vào một nếp sống mới: khoa học, tiến bộ và tươi trẻ.
Các cán bộ lãnh đạo hợp tác xã do Nhà nước chịu trách nhiệm đào tạo. Chủ trương được đồng chí Đi-mi-tờ-rốp đề ra ngay từ năm 1947: “Nhà nước phải tổ chức những lớp đặc biệt cho các chủ nhiệm hợp tác xã, các cán bộ kế toán, các đội trưởng”. Để thích hợp với đặc điểm sinh hoạt và công tác của các cán bộ này, các lớp được tổ chức dưới rất nhiều hình thức linh hoạt: có lớp 6 tháng, có lớp 1 năm, có lớp 3 năm, có lớp đào tạo toàn diện, có lớp chỉ bồi dưỡng một mặt nào đó, có lớp chỉ là để phổ biến những kinh nghiệm và kiến thức mới… Cho đến năm 1959-1960, vấn đề cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, về cơ bản đã được giải quyết. Đó là một trong những điều kiện không thể thiếu để thực hiện việc cải tổ lại nền nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Đánh giá về vai trò của các cán bộ, đồng chí Pra-mốp, Trưởng ban nông nghiệp Trung ương Đảng viết: “nếu như ngày nay Bun-ga-ri có thể tự hào về những thành tựu to lớn của mình trong nông nghiệp, thì trong một chừng mực rất lớn, đó là kết quả lao động của các chuyên gia trong nông nghiệp”.
Nếu thời kỳ năm 1944-1958 là thời kỳ diễn ra những biến đổi cách mạng trong quan hệ sản xuất ở nông thôn, thì thời kỳ năm 1959-1970 là thời kỳ những kết quả của cuộc cách mạng đó được phát huy cao độ, là thời kỳ diễn ra những biến đổi to lớn trong toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật sản xuất, năng suất lao động, tổ chức quản lý, đời sống nông thôn… Có thể nói những năm 60 là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp Bun-ga-ri. Thời kỳ này cũng là thời kỳ mà quy mô sản xuất trên dưới 4 nghìn héc ta phát huy ngày càng rõ sức sống của nó.
Ta hãy so sánh những số liệu sau đây:
Biểu 11: Bình quân diện tích đất canh tác và lao động của mỗi hợp tác xã
Đơn vị | 1960 | 1970 | |
Đất canh tác | Ha | 4.266 | 4.394 |
Lao động | Người | 1.736 | 1.237 |
Như vậy, sau 10 năm để canh tác một diện tích như cũ, người ta đã giảm được gần 1/3 số người lao động hay 500 người cho mỗi xí nghiệp nông nghiệp. Năm 1960 lao động nông nghiệp còn chiếm 54,7% tổng số lao động trong nền kinh tế quốc dân. Đến năm 1970, tỷ lệ đó chỉ còn 35,2%. Tổng số lao động nông nghiệp đã giảm được 27%. Điều này có thể xem như kết quả trực tiếp của việc trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp.
Biểu 12: Trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp
Đơn vị | 1960 | 1970 | |
Tổng số vốn cố định trong nông nghiệp
Số năng lượng cung cấp Tổng số máy kéo Tổng số sức kéo Diện tích được tưới Phân bón hóa học Lượng điện cấp cho sản xuất nông nghiệp |
Nghìn lê-va
Nghìn CV 15CV Nghìn CV Nghìn ha Nghìn tấn Triệu KW/h |
1.940
3.184 40.309 605 695.3 156 164 |
4.353
7.053 93.742 1.406 1.001,1 639 675 |
Trong 10 năm, mức trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp tăng từ 2,5 đến 4 lần.
Năng suất và sản lượng trong nông nghiệp tăng lên vượt bậc:
Biểu 13: Những chỉ tiêu năng suất và sản lượng trong nông nghiệp
(Đơn vị tính: nghìn tấn)
1960 | 1970 | |
Chỉ số tổng sản lượng nông nghiệp so với mức trước chiến tranh (1938=100)
Sản lượng lúa mì Sản lượng ngô Thuốc lá Nho để nấu rượu Thịt các loại Sữa Năng suất lúa mì Năng suất ngô Năng suất thuốc lá Nho làm rượu Một bò sữa Một gà đẻ trứng Sản lượng lương thực bình quân đầu người Sản lượng sữa bình quân đầu người Sản lượng trứng bình quân đầu người Sản lượng thịt bình quân đầu người |
172,3
2.379 1.505 60 482 307 1.081 1.900 2.359 698 3.994 1.402 91 554 148 167 48 |
239.5
3.032 2.375 112 621 476 1.583 2.990 3.727 1.029 5.038 2.147 112 872 194 204 67 |
Qua các số liệu kể trên, có thể nêu lên sơ đồ phát triển của nông nghiệp Bun-ga-ri trong thời gian 10 năm (1960-1970) như sau: trên một tổng diện tích không tăng là bao (từ 5 lên 5,4 triệu héc ta), tổ chức lại sản xuất thành những đơn vị có quy mô 4 nghìn héc ta, tăng mức trang bị kỹ thuật từ 2,5 đến 4 lần (tùy loại) và bằng cách đó tăng năng suất lao động khoảng gấp đôi, tăng sản lượng 1,5 lần, đưa nền nông nghiệp đạt tới trình độ tiên tiến xét về mọi mặt.
Những biến đổi cách mạng trên đây không chỉ có ý nghĩa trong khuôn khổ của nông nghiệp. Nó có ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân và toàn bộ đời sống xã hội.
Việc tăng sản lượng nông nghiệp không những đã thỏa mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và nhu cầu nguyên liệu của công nghiệp, mà còn tạo ra một nguồn hàng xuất khẩu rất lớn, đem lại một khối lượng ngoại tệ đáng kể, nhờ đó, việc nhập nội kỹ thuật và những hàng hóa, vật tư cần thiết đối với Bun-ga-ri ngày càng được cải thiện.
Nếu trong 10 năm kể trên, giá trị sản lượng nông nghiệp đã tăng 1,5 lần thì giá trị nông phẩm xuất khẩu tăng 2,5 lần. Năm 1960, tổng ngạch xuất khẩu của Bun-ga-ri là 668 triệu lê-va, trong đó nông phẩm các loại chiếm 496 triệu, tức 74,9%. Đến năm 1970 tổng ngạch xuất khẩu đạt 2.344 triệu, trong đó nông phẩm các loại chiếm 1.220 triệu, tức 55,2%. Ta thấy vai trò của nông nghiệp trong xuất khẩu cũng biến đổi giống như vai trò của nó trong nền kinh tế quốc dân nói chung: nó lớn lên tuyệt đối, nhưng chiếm một tỷ lệ nhỏ đi tương đối.
Trong vấn đề nông phẩm xuất khẩu, cần lưu ý đến vai trò của công nghiệp: để nông nghiệp có thể phát huy cao độ vai trò của nó trong ngoại thương và thu về nhiều ngoại tệ thì nông nghiệp phải có sự trợ giúp đắc lực của công nghiệp chế biến. Số nông phẩm tươi sống xuất khẩu đã giảm đi tương đối. Số nông phẩm đã qua chế biến đóng vai trò ngày càng lớn trong xuất khẩu. Năm 1960 trong số 496 triệu lê-va nông phẩm xuất khẩu, có 105,8 triệu (tức trên 1/5) là nông phẩm tươi sống, còn 390,2 triệu đã qua chế biến. Đến năm 1970, trong tổng số 1.220 triệu lê-va nông phẩm xuất khẩu, chỉ có 205 triệu (tức 1/6) là nông phẩm tươi sống, còn 1.015 triệu đã qua chế biến.
Ngoài ý nghĩa to lớn là cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, những thay đổi cách mạng trong nông nghiệp còn cho phép giải phóng một khối lượng lao động đáng kể ra khỏi sản xuất nông nghiệp. Như trên đã nói, nhờ trang bị lại cho nông nghiệp và nâng cao vượt bậc năng suất của lao động nông nghiệp cho nên, một mặt vẫn tăng được khối lượng tuyệt đối các sản phẩm nông nghiệp, mặt khác lại giảm bớt được rất nhiều số nhân lực dành cho việc sản xuất đó. Nông nghiệp từ chỗ chiếm quá nửa tổng số lao động xã hội, nay chỉ còn chiếm 1/3 tổng số đó. Việc giải phóng một khối lượng lớn lao động ra khỏi nông nghiệp là cơ sở chủ yếu để tăng thêm lao động cho các ngành kinh tế khác: trong thời kỳ này, tỷ lệ của lao động xã hội trong công nghiệp tăng từ 21,9 lên 30,4%, trong xây dựng từ 5,2 lên 8,4%, trong vận tải từ 3,5 lên 5,2%, trong thương nghiệp từ 4 lên 6,1%… Sự thay đổi về số lượng này đã lớn tới mức làm thay đổi cả tính chất của một nền kinh tế quốc dân: Bun-ga-ri không còn là một nước thuần nông nghiệp nữa, cũng không còn là một nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp, mặc dầu nông nghiệp đã mạnh hơn trước gấp bội. Tấn bi kịch của bao thế kỷ đã vĩnh viễn chấm dứt: từ chỗ hầu hết dân cư tập trung vào làm nông nghiệp mà vẫn đói rách, tới chỗ chỉ cần 1/3 dân cư làm nông nghiệp mà lại phồn vinh, no ấm hơn trước bao lần. Để nông nghiệp có thể chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong lao động xã hội và trong nền sản xuất xã hội, thì bản thân nó phải lớn mạnh gấp bội, nhưng lớn mạnh trong đà lớn mạnh chung của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hay nói cho chính xác hơn: toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là công nghiệp phải lớn mạnh với quy mô và tốc độ cao hơn nhiều. Nông nghiệp lớn lên tuyệt đối, nhưng thu hẹp lại tương đối. Đó là biểu hiện, là nội dung và cũng là tiền đề của văn minh, tiến bộ.
Xây dựng liên hợp nông – công nghiệp
Như trên ta thấy, vào đầu những năm 1970, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp Bun-ga-ri đã giành được thắng lợi rực rỡ. Các xí nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và nông trường quốc doanh đều đạt quy mô 4.000 héc ta. Các khâu lao động chủ yếu đều đã được cơ giới hóa. Các biện pháp kỹ thuật tiên tiến khác như hóa học, thủy lợi hóa, sử dụng giống mới đều được áp dụng ở một trình độ cao. Năng suất của nông nghiệp Bun-ga-ri đã đạt hoặc xấp xỉ mức tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển hơn nữa của sản xuất nông nghiệp đặt ra một loạt vấn đề mới cần giải quyết. Đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu, chuyên môn hóa và tập trung hóa sản xuất ở một trình độ cao hơn nữa với phương thức kinh doanh còn ít nhiều phân tán, mâu thuẫn giữa khả năng tích lũy tương đối thấp của từng xí nghiệp nông nghiệp với yêu cầu hiện đại hóa cao hơn nữa, mâu thuẫn giữa quy mô và hiệu lực lớn của cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại với khả năng có bạn của từng xí nghiệp trong việc phát huy hiệu lực của chúng…
Để giải quyết những mâu thuẫn trên đây, đưa sản xuất nông nghiệp lên một bước phát triển cao hơn, Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri đã quyết định tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dưới một hình thức mới: xí nghiệp liên hợp nông – công nghiệp (APK). Công việc này bắt đầu từ năm 1970 và căn bản hoàn thành vào năm 1972.
Việc thành lập APK nhằm đáp ứng mấy yêu cầu lớn sau đây:
- Chuyên môn hóa và tập trung hóa sản xuất cao hơn trong khuôn khổ một xí nghiệp nông nghiệp có quy mô lớn hơn trước.
- Tạo điều kiện cho việc áp dụng những phương tiện kỹ thuật mới vào sản xuất, những phương tiện này đòi hỏi sản xuất phải được tập trung hóa ở mức độ cao hơn trước.
- Tạo nguồn vốn cần thiết cho việc áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất – điều mà những xí nghiệp nông nghiệp quy mô tương đối nhỏ trước đây (4.000 héc ta) không giải quyết được.
- Tạo điều kiện để kết hợp chặt chẽ hơn công nghiệp với nông nghiệp, áp dụng những phương pháp công nghiệp vào nông nghiệp, tiến tới công nghiệp hóa nông nghiệp.
- Hoàn thiện quan hệ kinh tế – xã hội ở nông thôn theo hướng làm cho hai hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất – toàn dân và tập thể – hòa nhập lại thành một hình thức sở hữu duy nhất: sở hữu toàn dân
- Khắc phục sự chênh lệch về điều kiện lao động, từ đó mà khắc phục sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng lãnh thổ, giữa thành thị và nông thôn.
Về mặt tổ chức APK là sự mở rộng quy mô của xí nghiệp nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất nhiều xí nghiệp – một sự hợp nhất theo chiều ngang. Mục đích trước hết là nhằm tạo ra điều kiện khách quan thuận lợi cho việc chuyên môn hóa và tập trung sản xuất cao hơn, đồng thời phát huy hiệu quả của những máy móc thiết bị hiện đại, trên cơ sở đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển của sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Do sự hợp nhất này, quy mô của xí nghiệp – xét về diện tích đất nông nghiệp – được mở rộng đến mức rất lớn.
Biểu 14: Quy mô của các APK năm 1972
Diện tích đất nông nghiệp của các APK | Số lượng APK | % trong tổng số |
12.000 ha | 27 | 15,9 |
Từ 12.000 đến 20.000 ha | 34 | 20,0 |
Từ 20.000 đến 28.000 ha | 59 | 34,7 |
36.000 ha | 31 | 18,2 |
Trên 36.000 ha | 19 | 11,2 |
Quy mô bình quân của APK là 24.000 héc ta lớn nhất là 50.000 héc ta, nhỏ nhất là 12.000 héc ta. Số lao động bình quân của mỗi APK là 6,5 nghìn người, 6 triệu héc ta đất nông nghiệp trong toàn quốc được phân phối cho 170 APK.
Việc tập trung sản xuất theo hình thức mới tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hóa nông nghiệp. Với những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật trên thế giới, ngày nay người ta đã có khả năng áp dụng những phương pháp công nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nhằm làm cho sản xuất nông nghiệp từng bước biến hành một quá trình sản xuất có tính chất công nghiệp. Trên cơ sở đó mà nâng cao nhanh chóng năng suất lao động nông nghiệp, mở rộng sự phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Thực tiễn của Bun-ga-ri chỉ ra rằng quy mô cũ của hợp tác xã (4.000 héc ta) tỏ ra không thích hợp với cơ sở vật chất-kỹ thuật mới đã và sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Diện tích 4.000 héc ta, nhìn chung không phải là một quy mô nhỏ. Nhưng trên thực tế, do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, diện tích ấy không thể chỉ tập trung vào một đối tượng sản xuất nhất định. Trước đây mỗi hợp tác xã tiến hành sản xuất tới 30-40 đối tượng sản xuất (cả trồng trọt lẫn chăn nuôi). Có những hợp tác xã kinh doanh tới 70-80, thậm chí 150 đối tượng sản xuất. Phương hướng sản xuất đó rõ ràng là quá trình phân tán, cần phải tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất ở mức độ cao hơn. Song sự tập trung hóa và chuyên môn hóa trong nông nghiệp cũng có những giới hạn kinh tế nhất định. Do yêu cầu sử dụng tới mức cao nhất khả năng lao động, ruộng đất và máy móc trong điều kiện bản thân sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ của nó, người ta không thể giao cho mỗi hợp tác xã chỉ chuyên môn hóa vào một đối tượng sản xuất được. Phương hướng hợp lý được xác định là khoảng 10 đối tượng sản xuất cho mỗi xí nghiệp nông nghiệp. Với một cơ cấu sản xuất như vậy, mỗi ngành sản xuất khó có thể đạt được quy mô thích hợp với yêu cầu của kỹ thuật mới, nhất là trong tình hình hiện nay, những nước có nền nông nghiệp hiện đại đang có xu hướng trang bị những hệ thống máy móc có công suất lớn.
Do tập trung lực lượng sản xuất với quy mô lớn trong phạm vi APK cho nên sản xuất bắt đầu được tập trung hóa và chuyên môn cao hơn. Trong ngành trồng trọt, vườn cây lâu năm (như táo, lê) sẽ được xây dựng với quy mô 1.000-2.000 héc ta, vườn trồng nho được mở rộng tới 500 héc ta, khoảnh ruộng trồng ngũ cốc được mở rộng tới 1.000 héc ta. Với quy mô diện tích như vậy, công suất hữu ích của máy móc (máy kéo có công suất lớn, máy gặt đập liên hợp, máy bay…) được phát huy đến mức cao. Những hư phí trong hoạt động của máy như quanh đầu bờ, chạy không trên đường, cũng như những chi phí trong việc phục vụ sản xuất như tiếp tế xăng dầu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ cho máy, đưa đón công nhân trước và sau giờ lao động, phục vụ ăn uống tại đồng cho công nhân… được giảm bớt nhiều. Việc tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất cao như vậy lại tạo điều kiện để tiêu chuẩn hóa các biện pháp kinh tế – kỹ thuật và tiêu chuẩn hóa ngay cả chất lượng của sản phẩm – điều này làm dễ dàng cho việc xuất khẩu cũng như chế biến công nghiệp, nhất là đối với những sản phẩm tươi sống như rau, quả.
Việc mở rộng quy mô xí nghiệp cũng có ý nghĩa như một biện pháp tập trung vốn đầu tư. Do có số lớn nên có thể trang bị kỹ thuật mới, đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghiệp. Trước khi sáp nhập, mỗi hợp tác xã có số vốn tích lũy hàng năm trung bình khoảng 50 vạn lê-va. Nhưng đầu tư vào việc xây dựng một trại nuôi lợn hiện đại với quy mô 3 vạn đầu lợn hết khoảng 4,5 triệu lê-va, đầu tư xây dựng một trại nuôi bò thịt quy mô 1.000 con hết khoảng 1 triệu lê-va, đầu tư xây dựng một công trình tưới nước phun mưa tự động cho một cánh đồng trồng rau mấy trăm héc ta cũng cần một lượng vốn gấp đôi quỹ tích lũy nói trên (bình quân 3.000 lê-va cho một héc ta). Với khả năng tích lũy hạn chế, hợp tác xã khó tranh thủ được được kỹ thuật hiện đại. Hợp nhất mấy hợp tác xã vào một APK thì vốn tích lũy hàng năm có thể đạt tới 2-3 triệu lê-va. Tổng mức vốn cố định của mỗi APK, tính bình quân lên tới 23 triệu lê-va. Chính là bằng con đường này, APK Đi-mi-tơ-rốp có thể trang bị 2 máy bay dùng vào việc bón phân và phun thuốc trừ sâu, một cơ sở máy tính điện tử cho phép rút đi được 200 lao động trong khâu kế toán. APK Côm-đốp xây dựng được một trại lợn hiện đại mỗi ngày xuất chuồng được 100 con lợn (nặng trên 100 kg/con) với năng suất lao động rất cao: mỗi lao động nuôi 1.200 con.
Cùng với mục tiêu phát triển sản xuất, việc xây dựng APK còn nhằm những mục tiêu lớn về mặt kinh tế xã hội, trước tiên là khắc phục sự chênh lệch về thu nhập và mức sống của nông dân ở các vùng khác nhau.
Để thực hiện mục tiêu này cần phải đặc biệt chú trọng nâng cao năng suất lao động ở những nơi còn thấp, làm cho tất cả các hợp tác xã và nông trường đều có một trình độ xấp xỉ như nhau về năng suất lao động và do đó về thu nhập. Nguyên nhân của tình trạng phát triển chênh lệch về mức năng suất lao động giữa các xí nghiệp nông nghiệp trong cùng một vùng lãnh thổ chủ yếu là do sự phát triển không đều về cơ sở vật chất-kỹ thuật. Để từng bước xóa bỏ tình trạng đó, APK dành một phần vốn tích lũy để đầu tư tập trung vào những xí nghiệp (hợp tác xã, nông trường) có mức năng suất lao động thấp, phần vốn tích lũy khác được tập trung vào việc phát triển các cơ sở sản xuất hiện đại của APK. Để xóa dần sự chênh lệch về thu nhập và mức sống của nông dân thuộc những xí nghiệp khác nhau trong APK, người ta còn dùng một phần lợi nhuận của các xí nghiệp chung của APK để phân phối phụ thêm cho nông dân thuộc những xí nghiệp có mức thu nhập thấp. Như vậy việc khắc phục sự chênh lệch về thu nhập của các xí nghiệp chủ yếu dựa vào biện pháp nâng cao đặc biệt nhanh năng suất lao động của xí nghiệp yếu kém, mặt khác dựa vào sự hỗ trợ của quỹ thu nhập chung APK mà không trực tiếp khấu trừ vào thu nhập của xí nghiệp tiên tiến. Người ta hy vọng rằng với những biện pháp trên đây quá trình xóa bỏ sự chênh lệch về thu nhập giữa các xí nghiệp trong phạm vi APK sẽ được thực hiện trong một thời gian tương đối ngắn – vài ba năm. Một thí dụ cụ thể :
Một APK ở tỉnh Xta-ra-đa-gô-ra mà chúng tôi đến thăm, được thành lập từ 5 hợp tác xã, trong đó có 2 hợp tác xã yếu kém, chỉ đạt 3,2 lê-va/ngày công, trong khi mức thu nhập bình quân cả 5 hợp tác xã trước khi hợp nhất là 15 lê-va/ngày công. Muốn nâng mức thu nhập của 2 hợp tác xã kém lên cho bằng các hợp tác xã tiên tiến thì cần phải phụ thêm tới 1 triệu lê-va/năm. APK đã trích 3% quỹ thu nhập ròng của APK và 50% lợi nhuận của các xí nghiệp chung của APK, tổng cộng được 30 vạn lê-va để hỗ trợ cho các hợp tác xã yếu kém. Mặt khác trong việc sử dụng quỹ đầu tư vào mở rộng sản xuất, APK đã dành tới 86% quỹ tích lũy của APK vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất chung của APK vào các hợp tác xã yếu kém. Với những biện pháp như trên, APK dự kiến đến năm 1975 năng suất lao động của 5 hợp tác xã trong APK sẽ ngang nhau và thu nhập cũng sẽ bằng nhau.
Đồng thời với việc khắc phục sự chênh lệch về thu nhập trong phạm vi từng APK, Nhà nước có chính sách nhằm khắc phục dần từng bước sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng lãnh thổ trong nước. Trong thu nhập của các APK, ngoài phần phân phối cho lao động, còn dành tỷ lệ nhất định cho các quỹ mở rộng sản xuất, quỹ phúc lợi, quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm sản xuất (đề phòng mất mùa vì thiên tai). Các quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sản xuất này được tập trung lại trên phạm vi toàn quốc, do Nhà nước quản lý. Tùy theo thu nhập nhiều hay ít, mỗi APK dành cho các quỹ này một tỷ lệ cao thấp khác nhau. Những APK có thu nhập thấp có quyền được đóng góp. Nhưng khi phân phối các quỹ này, những APK có điều kiện sản xuất ít thuận lợi lại được nhận phần quan trọng hơn. Như vậy Nhà nước sử dụng các quỹ đó làm phương tiện để khắc phục một phần sự chênh lệch về thu nhập cũng như trình độ phát triển của sản xuất giữa các vùng lãnh thổ. Năm 1970, quỹ bảo hiểm sản xuất tập trung vào tay Nhà nước chiếm 4,11% tổng thu nhập của các hợp tác xã, quỹ bảo hiểm xã hội chiếm 1,86%.
Cùng với chính sách thuế đánh vào thu nhập nhằm thu hồi “địa tô chênh lệch I” – tức là phần thu nhập do sự thuận lợi đặc biệt của điều kiện tự nhiên sản sinh ra – chính sách đầu tư, cùng nhiều chính sách khác ưu đãi các vùng có điều kiện sản xuất kém thuận lợi, đã góp phần làm cho sự chênh lệch về thu nhập và đời sống giữa các vùng nông thôn từng bước được khắc phục.
Một vấn đề lý luận thực tiễn nữa đáng được chú ý là con đường đi tới thống nhất hai hình thức sở hữu: quốc doanh và tập thể. Khác với việc mở rộng quy mô hợp tác xã trong các giai đoạn trước, việc mở rộng quy mô xí nghiệp nông nghiệp lần này được thực hiện không phải bằng cách hợp nhất nhiều hợp tác xã lại với nhau, mà bằng cách hợp nhất nhiều hợp tác xã và nông trường quốc doanh lại với nhau. Trong số 170 APK thì 90 chỉ bao gồm hợp tác xã, 15 cái chỉ bao gồm nông trường quốc doanh, còn 65 cái bao gồm cả hợp tác xã lẫn nông trường quốc doanh. Sự khác nhau này không xuất phát từ một điều kiện nào khác hơn là sự tồn tại có tính chất tự nhiên của những tổ chức kinh tế này một vùng lãnh thổ nhất định.
Trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, việc thống nhất các hình thức sở hữu khác nhau đối với tư liệu sản xuất thành một hình thức sở hữu duy nhất – sở hữu toàn dân – là một hướng phát triển tất yếu. APK của Bun-ga-ri là một trong những hình thức tạo điều kiện để đi tới sự thống nhất đó.
Việc hợp nhất hợp tác xã và nông trường quốc doanh tiến hành trong điều kiện hai khu vực quốc doanh và tập thể đã đạt tới mức tương đương nhau về mặt phát triển lực lượng sản xuất. Những số liệu sau đây chứng tỏ điều đó :
Biểu 15: HTX và nông trường quốc doanh
Đơn vị | Hợp tác xã | Nông trường quốc doanh | |
Quy mô diện tích của xí nghiệp | Ha | 1.394 | 4.069 |
Lao động | Người | 1.237 | 978 |
Vốn cố định | Nghìn lê-va | 3.370 | 3.679 |
Máy kéo | 15CV | 83 | 66 |
Điều kiện sản xuất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh về đại thể là ngang nhau. Năng suất lao động cũng vậy. Tiền lương của công nhân nông trường và thu nhập của xã viên hợp tác xã (nhiều hợp tác xã đã thực hiện chế độ trả lương) về đại thể cũng không chênh nhau là bao. Các phúc lợi xã hội (trợ cấp bảo hiểm xã hội, lương hưu trí,…) cũng vậy. Tình hình đó cho phép hai hình thức sở hữu hòa hợp với nhau mà không gặp một trở ngại nào không thể vượt qua.
Đương nhiên sự hòa hợp này không thể diễn ra một sớm một chiều. Nó đòi hỏi một thời gian quá độ. Trong bước đầu mới thành lập APK, phần đông các hợp tác xã và nông trường quốc doanh vẫn tạm thời thực hiện hạch toán kinh tế riêng. Điều kiện sản xuất, năng suất lao động và thu nhập của các đơn vị sản xuất này còn có sự chênh lệch nhất định mà chưa thật ngang nhau. Sản xuất càng phát triển thì tính chất độc lập của các đơn vị này cũng bị thu hẹp dần lại. Ở những nơi có điều kiện sản xuất ngang nhau giữa các hợp tác xã và nông trường quốc doanh thì việc duy trì sở hữu riêng và hạch toán riêng của từng hợp tác xã và nông trường không còn cần thiết nữa và APK thật sự trở thành một tổ chức kinh tế thống nhất. Ngay từ đầu, đã có 15 APK thuộc loại này. Đến năm 1974 đã có 43 APK hạch toán theo ngành dọc, quyền “tự trị” của hợp tác xã và nông trường bị xóa bỏ.
Trong cả hai trường hợp trên đây, APK vẫn là một đơn vị kế hoạch thống nhất. APK là cấp kế hoạch cơ sở. Các hợp tác xã và nông trường nhận nhiệm vụ sản xuất trực tiếp với APK. APK sẽ chuyển dần các ngành sản xuất của hợp tác xã và nông trường thành những đơn vị sản xuất chuyên môn hóa trực thuộc APK. Các định mức kinh tế riêng của hợp tác xã và nông trường được thay thế dần bằng các định mức thống nhất trong toàn APK. APK thống nhất sử dụng các quỹ đầu tư, các quỹ phúc lợi xã hội và bảo hiểm xã hội. Về phân phối, sẽ từng bước thực hiện thống nhất phân phối theo nguyên tắc cùng một lượng lao động thì cùng một mức thu nhập. Trong quan hệ kinh tế với bên ngoài, chỉ APK mới có tư cách pháp nhân. Một số APK thậm chí còn có quyền quan hệ kinh tế với nước ngoài trong phạm vi nhà nước quy định. Về mặt tổ chức, APK có cơ quan quản lý thống nhất thông qua bầu cử dân chủ. Ở những APK còn tạm thời duy trì hạch toán riêng của từng hợp tác xã và nông trường vẫn được duy trì, bộ máy quản lý chung của APK bao gồm các chủ nhiệm hợp tác xã và giám đốc nông trường quốc doanh.
Năm 1972, cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý kinh tế với hình thức mới – APK – xem như kết thúc. Từ đó bắt đầu một quá trình củng cố, hoàn thiện tổ chức kinh tế mới trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp.
Cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp
Qua các phần trên, khi nói về cách mạng quan hệ sản xuất, chúng ta đã thấy khá rõ vai trò then chốt của cơ sở vật chất – kỹ thuật đối với trình độ phát triển và trưởng thành của các xí nghiệp nông nghiệp. Nền sản xuất quy mô nhỏ của tiểu nông trước ngày giải phóng, với những mảnh ruộng manh mún, tương ứng với chiếc cày gỗ và sức kéo súc vật. Khi nhà nước xây dựng các trạm máy kéo cho nông thôn thì quy mô của hợp tác xã được mở rộng lên 800 héc ta. Khi lực lượng máy móc được tăng cường mạnh mẽ và hợp tác xã có được những đội máy riêng thì quy mô hợp tác xã được nâng lên 4 nghìn héc ta. Và trong giai đoạn hiện nay với hệ thống máy móc hoàn chỉnh và đồng bộ ở mọi khâu canh tác, quá trình sản xuất gần như được cơ giới hóa hoàn toàn, sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến thì quy mô của xí nghiệp được nâng lên 20-30 nghìn héc ta.
Kỹ thuật mới cũng là nhân tố quyết định đối với việc nâng cao năng suất và sản lượng của nông nghiệp. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1971-1975), nhiều chỉ tiêu kinh tế được hoàn thành trong 3 năm, như năng suất và sản lượng ngũ cốc, thuốc lá, chăn nuôi, sữa,… Giá trị sản lượng so với năm 1970 tăng hơn 1 tỷ lê-va. Năng suất cây trồng đã đạt mức tiên tiến quốc tế. Chẳng hạn, năng suất ngô trên diện tích thí điểm 3 vạn héc ta đạt năng suất bình quân 10 tấn/ha. Năng suất trung bình trong toàn quốc trong thời gian 1971-1975 là: lúa mì 5.220 kg/ha, ngô 5.500 kg/ha, hướng dương 2.400 kg/ha, đậu 2.310 kg/ha, dưa chuột 270 tấn/ha. Năng suất cà chua sớm 45-50 tấn/ha, cà chua trung bình sớm 35-45 tấn/ha và cà chua trồng có giàn 90-100 tấn/ha. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng trung bình hàng năm 7-8% (trong thời kỳ 1971-1975).
Cách mạng kỹ thuật còn có vai trò to lớn trong việc nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và mở rộng phân công lao động xã hội. So với năm 1939, năng suất lao động trong nông nghiệp năm 1972 tăng gần 5 lần. Đến năm 1975 trong nền nông nghiệp đã lớn mạnh gấp bội của Bun-ga-ri, còn có 1,1 triệu người lao động, tức 29,6% tổng số lao động trong nền kinh tế quốc dân, trong đó một nửa (535 nghìn) là công nhân kỹ thuật. Từ năm 1948 đến năm 1970, cách mạng kỹ thuật đã giải phóng ra khỏi nông nghiệp 1.826.000 người lao động để cung cấp cho các ngành khác, trong số đó riêng công nghiệp và xây dựng nhận được 1.630.000 người.
Để thực hiện cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp trước tiên phải phát triển công nghiệp. Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, đóng vai trò then chốt trong việc cải tạo nông nghiệp về mặt kỹ thuật và tổ chức lại nông nghiệp.
Lịch sử 30 năm phát triển nông nghiệp của Bun-ga-ri càng cho thấy rõ một chân lý: toàn bộ sự phát triển của nông nghiệp không tách rời sự phát triển của công nghiệp. Nó kết hợp nhịp nhàng với sự phát triển của của công nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đồng thời lấy sự phát triển của công nghiệp làm điều kiện.
Trước ngày giải phóng, công nghiệp Bun-ga-ri chỉ bao gồm một ít ngành như điện, than, xi măng, dệt, giấy. Sản lượng rất thấp, hầu như không đáng kể. Ngày nay, Bun-ga-ri đã trở thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1975 tăng 55 lần so với 1939, trong đó điện tăng 91 lần, luyện kim tăng 740 lần, cơ khí tăng 787 lần, hóa chất tăng 352 lần, công nghiệp sản xuất tư liệu tiêu dùng tăng 25 lần. Tỷ trọng của khu vực I từ chỗ chỉ chiếm 22,6% giá trị sản lượng công nghiệp đã lên tới 57,4%. Tỷ trọng của khu vực II từ 77,4% giảm xuống còn 42,6%.
Năm 1975, tổng giá trị sản lượng công nghiệp đạt hơn 24 tỷ lê-va, chiếm 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và 52,9% tổng thu nhập quốc dân. Phần đóng góp của công nghiệp vào kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ lê-va (1975) chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu. Nếu kể cả số nông phẩm do công nghiệp chế biến thì con số đó lên tới 4,2 tỷ lê-va, tức 97% kim ngạch xuất khẩu.
Qua những số liệu sau đây chúng ta có thể thấy được bước tiến mạnh mẽ cũng như trình độ phát triển hiện nay của công nghiệp Bun-ga-ri:
Biểu 16: Sản lượng một số ngành công nghiệp chủ yếu
Ngành | Đơn vị | 1939 | 1948 | 1956 | 1960 | 1970 | 1975 |
Điện | Triệu KW/h | 266 | 2.393 | 4.657 | 19.519 | 25.232 | |
Than | Triệu tấn | 2,2 | 10.817 | 17.147 | 31.411 | 28.920 | |
Gang | Nghìn tấn | – | 1 | 10 | 192 | 1.251 | 1.565 |
Thép | Nghìn tấn | 6 | 5 | 130 | 253 | 1.800 | 2.266 |
Thép dát | Nghìn tấn | 4 | 3 | 99 | 193 | 1.420 | 2.498 |
Động cơ đốt trong | Nghìn mã lực | 24 | 154,5 | 172,7 | 365,0 | ||
Động cơ điện máy kéo | Cái | – | – | – | – | 3.493 | 5.059 |
Axit sunfuarich | Nghìn tấn | 28,5 | 122,6 | 502,4 | 853,5 | ||
Phân đạm nguyên chất | Nghìn tấn | 34,2 | 83,6 | 286,8 | 379,9 | ||
Phân lân nguyên chất | Nghìn tấn | 40,9 | 147,6 | 245,9 | |||
Các loại hóa chất bảo vệ cây trồng | Nghìn tấn | 2,0 | 14,6 | 19,7 | |||
Xi măng | Nghìn tấn | 225 | 378 | 859 | 1.586 | 3.668 | 4.478 |
Biểu 17 : Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tính theo đầu người
Ngành | Đơn vị | 1939 | 1948 | 1956 | 1960 | 1970 | 1975 |
Điện | KW/h | 42 | 77 | 316 | 392 | 2.298 | 2.893 |
Than | Kg | 352 | 598 | 1.428 | 2.180 | 3.700 | 3.316 |
Gang, sắt, thép | Kg | – | 0,1 | 13,1 | 24,5 | 167,3 | 286,4 |
Axit sunfuarich | Kg | 3,8 | 15,6 | 59,2 | 97,9 | ||
Xi măng | Kg | 36 | 53 | 113 | 202 | 432 | 500 |
Vải bông | M2 | 5,4 | 8,2 | 18,8 | 27,7 | 37,6 | 42,3 |
Vải len | M2 | 0,8 | 0,8 | 1,7 | 2,4 | 3,2 | 3,8 |
Phân đạm | Kg | 4,5 | 10,6 | 33,8 | 43,6 | ||
Phân lân | Kg | 5,2 | 17,4 | 28,2 |
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, đặc biệt là của công nghiệp nặng đã làm cho vai trò chủ đạo của công nghiệp với nông nghiệp được phát huy ngày càng có hiệu quả.
Năm 1973, công nghiệp đã cung cấp cho nông nghiệp những tư liệu sản xuất chủ yếu sau đây:
– Máy kéo (tính ra máy tiêu chuẩn 15 CV): 121.841 chiếc
– Máy liên hợp là 20.486 chiếc, trong đó : máy gặt đập liên hợp là 10.050 chiếc, cày máy là 45.461 chiếc và máy gieo là 8.415 chiếc
– Phân khoáng (nguyên chất) : 632.911 tấn
– Hóa chất : 16.382 tấn
Ngoài ra còn phải kể đến máy bơm, các thiết bị chế biến nông sản, các xí nghiệp chăn nuôi công nghiệp…
Từ giữa những năm 60 trở lại đây, năng lực sản xuất của công nghiệp phân bón tăng lên vượt bậc thì năng suất của cây trồng trên mỗi đơn vị diện tích và do đó sản lượng của các loại cây trồng cũng tăng lên vượt bậc.
Để thực hiện cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp việc đẩy mạnh xuất khẩu lấy ngoại tệ nhập khẩu kỹ thuật của nước ngoài cũng được coi là biện pháp rất quan trọng. Với lượng nông sản xuất khẩu dồi dào, nông nghiệp Bun-ga-ri có những khả năng to lớn trong việc trang bị kỹ thuật mới bằng con đường nhập khẩu. Trong bước đi ban đầu, khi mà công nghiệp chưa phát triển thì biện pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, không chỉ đối với bản thân nông nghiệp mà với cả công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Dưới đây chúng ta hãy lần lượt xem xét một số mặt chủ yếu của cuộc cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp.
- Cơ giới hóa
Cơ giới hóa nông nghiệp là khâu kỹ thuật được thực hiện sớm và mạnh nhất ở Bun-ga-ri. Cũng như kinh nghiệm của bất kỳ nước nào đi từ nền nông nghiệp cổ truyền lên nền nông nghiệp hiện đại, cơ giới hóa là nhân tố có tính chất quyết định, là đòn bẩy chính để đưa năng suất lao động lên cao một cách nhanh chóng. Từ năm 1952 đến năm 1967 vốn đầu tư vào cơ giới hóa tăng 240%, nếu kể cả vốn đầu tư vào việc bảo dưỡng máy thì tăng 293%. Nhưng năng suất lao động thì tăng 416%.
Trong hơn mười năm đầu sau hợp tác hóa, phần đầu tư chủ yếu trong nông nghiệp là dành để xây dựng các trạm máy kéo. Công suất của máy được sử dụng với hệ số rất cao, máy kéo được dùng tới 1.500 giờ/năm (trong khi mức sử dụng ở Mĩ chỉ 600 giờ/năm và ở Pháp khoảng 1.000 giờ/năm).
Biểu 18: Thống kê các loại năng lực sản xuất trong nông nghiệp
Năm | Tổng cộng các loại năng lực | Tổng cộng các loại máy | Riêng máy kéo |
Máy gặt đập |
Ô tô vận tải | Súc vật cày kéo |
Các loại năng lực (CV) | ||||||
1952 | 1441751 | 639117 | 302967 | 43004 | 105002 | 802634 |
1957 | 2105950 | 1455701 | 634553 | 163043 | 440904 | 650249 |
1961 | 3621233 | 3184626 | 1003350 | 426753 | 909085 | 436607 |
1965 | 5028284 | 4673693 | 1519466 | 461536 | 1373815 | 352591 |
1968 | 6371902 | 6078626 | 1928250 | 648980 | 1819356 | 263279 |
Cơ cấu các loại năng lực (%) | ||||||
1952 | 100 | 44,3 | 21,0 | 3,0 | 7,3 | 55,7 |
1957 | 100 | 69,1 | 30,1 | 7,7 | 20,9 | 30,9 |
1961 | 100 | 87,9 | 27,7 | 11,8 | 25,1 | 12,1 |
1965 | 100 | 93,0 | 30,2 | 9,2 | 27,3 | 7,0 |
1968 | 100 | 95,4 | 31,7 | 10,7 | 29,9 | 4,6 |
Biểu 19 : Các loại sức kéo tính bình quân cho 100 ha
1952 | 1956 | 1965 | 1973 | 1974 | |
Tổng số năng lực máy và súc vật (CV) | 30 | 42 | 104 | 175 | 190 |
Riêng máy (CV) | 13 | 27 | 97 | 170 | 186 |
Như vậy trong 16 năm, tổng số năng lực cày kéo (kể cả máy và súc vật) tăng 4,4 lần, riêng máy tăng gần 10 lần. Số năng lực tăng lên hoàn toàn là do sức máy tăng lên, còn sức kéo động vật thì chẳng những giảm về tỷ lệ mà còn giảm cả về lượng tuyệt đối (giảm đi hơn 3 lần).
Tiến trình cơ giới hóa bắt đầu bằng việc cơ giới hóa khâu làm đất.
Đối với Bun-ga-ri vấn đề cơ giới hóa khâu làm đất có ý nghĩa quan trọng số một. Ở đây, diện tích bình quân đầu người là 0,6 héc ta. Nếu không có máy móc thì không thể khai thác hết ruộng đất, không thể xóa bỏ chế độ luân canh bỏ hóa, càng không thể thực hiện thâm canh.
Sang những năm 60, tiến trình cơ giới hóa có sự phát triển mới. Hệ thống máy móc được trang bị đồng bộ hơn. Đặc biệt là việc trang bị máy gặt đập liên hợp ô tô vận tải… được chú ý giải quyết rất tích cực. Quá trình sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa đa dạng hơn, từ chỗ cơ giới hóa được 8 việc năm 1948 đến năm 1961 cơ giới hóa được 140 việc. Trọng tâm của cơ giới hóa trong những năm 1960 là giải phóng nốt lao động thủ công ở những khâu khó dùng máy móc nhất và hoàn thiện quy trình công nghệ ở những khâu tuy đã dùng máy móc nhưng còn bị đứt đoạn ở nhiều chỗ. Chẳng hạn cơ giới hóa gieo hạt và trồng cây, cơ giới hóa việc thu hoạch toàn bộ cây ngô, từ khâu lấy bắp, tách hạt, đến khâu nghiền cây và làm thức ăn gia súc… trong cùng một lúc và trên cùng một hệ thống máy; thực hiện gặt, đập lúa mì, cân và giao bán ngay từ máy gặt đập đó; dùng máy thay người trong việc hái nho, hái các cây chín, hái lá rau… Tính đến năm 1973, Bun-ga-ri đã thực hiện cơ giới hóa toàn bộ trên diện tích 2.221.924 héc ta tức là trên 1/3 tổng diện tích canh tác. Trong kế hoạch 5 năm lần thức 5 lần thứ 5 (1965-1970) nhờ có những chuyển hướng kể trên, Bun-ga-ri đã giảm được một số rất lớn hao phí lao động trong trong các ngành trồng ngô (giảm ½), trồng đậu (giảm 60%) trồng hướng dương (giảm dần 70%),…
Từ năm 1970, tức là khi xây dựng các APK vấn đề cơ giới hóa lại được đặt ra theo một giác độ mới. Trong báo cáo đọc trước Hội nghị Trung ương tháng 4 năm 1970 về “tập trung và phát triển nông nghiệp trên cơ sở công nghiệp”, đồng chí Tô-đo Gip-cốp đã trình bày quan điểm mới của Đảng Cộng sản Bun-ga-ri về vấn đề cơ giới hóa như sau: “Từ đây, cần phải có một cách nhìn hoàn toàn mới đối với vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp”. Trong khuôn khổ nền sản xuất quy mô rất lớn mà hầu như mọi khâu đều đã dùng máy móc, thì khi xem xét và tính toán các giải pháp cơ giới hóa, vấn đề không chỉ là tính tổng số máy, tổng số mã lực, tổng số loại công việc, hay tổng số vốn trang bị cho cơ giới hóa. Những chỉ tiêu đó đối với các giai đoạn trước, được coi là tiêu biểu cho trình độ cao của cơ giới hóa. Nhưng bây giờ, khi máy móc đã được áp dụng trên quy mô rộng và tiến tới hình thành hàng loạt dây chuyền thì vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế của các tổ chức, phân phối, sử dụng và vận hành các năng lực cơ khí đã có và sẽ có. Nói khác đi cũng với số máy đó, số vốn đó, số năng lực đó, nhưng phải tính toán về mặt kinh tế xem nên phân bố cho các khâu, các ngành theo tỷ lệ như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Đó là vấn đề kinh tế chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Theo đồng chí Tô-đo Gip-cốp, trước đây cách nhìn vấn đề cơ giới hóa thường nặng về khía cạnh kỹ thuật, nặng về số lượng. Bây giờ vấn đề phải được nhìn chủ yếu trên giác độ kinh tế và chủ yếu là về chất lượng. “Nguyên tắc chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề này là : kỹ thuật thì giải quyết, còn kinh tế thì quy định”. Sau đây là một vài ví dụ cụ thể về những yêu cầu mới.
Khi việc cơ giới hóa khâu làm đất đã được giải quyết thì lao động sống lại bị ” ứ đọng” ở các khâu khác: gieo trồng, thu hái, chăm sóc… Nếu không giải quyết các khâu này thì chưa kể cơ giới hóa đồng bộ, năng suất lao động trong nông nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục nâng cao hơn nữa.
Khi ngành sản xuất lương thực đã được cơ giới hóa trước một bước thì các ngành khác lại trở thành trọng tâm của cơ giới hóa, mà đó thường lại là những ngành khó cơ giới hóa hơn. Nếu không giải quyết kịp thời thì không những không thể tiếp tục giải phóng lao động, mà sự cân đối về vật tư, vốn, các phương tiện phục vụ và ngay hệ thống giá cả nông phẩm cũng sẽ bị xáo trộn và gây ra nhiều sự rối loạn phi kinh tế.
Khi các APK đã được trang bị đủ xe vận tải để chuyên chở tư liệu sản xuất ra đồng và chuyên chở sản phẩm về kho, thì khâu bốc dỡ, giao nhận, cân đong lại là những khâu nặng nhọc nhất, và vấn đề trọng tâm lúc này và phải thiết kế lại hệ thống kho, quy hoạch lại vị trí các kho, các trạm giao nhận, các điểm đỗ phân ngoài đồng và những dây chuyền tập trung sản phẩm khi thu hái.
Khi những việc nặng nhọc nhất, thường là của nam giới, đã được cơ giới hóa, thì phần lớn những việc nhẹ, có tính chất thủ công, lại vẫn nằm trong tay phụ nữ. Việc cơ giới hóa các công việc này có ý nghĩa kinh tế và xã hội rất lớn, nó giải phóng và cải thiện lao động của bộ phận lớn nhất trong nông nghiệp (cho đến năm 1970, lao động nữ vẫn chiếm tới gần 80% tổng số lao động nông nghiệp).
Kinh tế không những quy định phương hướng và cách tổ chức cơ giới hóa mà quy định cả phương hướng chế tạo và quy cách chế tạo các máy móc nông nghiệp. Cũng từ năm 1970, Đảng Cộng sản Bun-ga-ri chủ trương “phải cải thiện căn bản hoạt động của các xí nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp và các phụ kiện của những máy móc đó”. Những người thiết kế máy và những xí nghiệp chế tạo máy phải căn cứ vào những nhiệm vụ kinh tế của nông nghiệp mà sản xuất những máy thích hợp với những yêu cầu của từng thời kỳ nhất định, thích hợp với quy mô và điều kiện về thể lực, tinh thần và văn hóa của con người trong giai đoạn mới của chế độ xã hội chủ nghĩa phát triển.
Ngành nhập khẩu máy móc cũng phải tuân theo những nguyên tắc kể trên trong việc lựa chọn và ký kết hợp đồng nhập khẩu thiết bị.
Xu hướng chung của cơ giới hóa nông nghiệp Bun-ga-ri cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa khác là sự tiến lên sử dụng những loại máy ngày càng lớn. Nếu năm 1950, mỗi máy kéo thực tế có công suất bằng 1,3 máy tiêu chuẩn, thì năm 1960 bằng 1,5 và năm 1970 bằng 1,8 máy tiêu chuẩn. Tốc độ di chuyển hữu ích của máy từ 5 km/h tăng lên 9 km/h. Đối với phương tiện vận tải chỉ tiêu tương ứng là 25 và 30 km/h. Tốc độ di chuyển của máy tăng không chỉ tác động đến năng suất lao động mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo thời vụ canh tác.
Gần đây Bun-ga-ri lại có một hướng phát triển mới: sử dụng máy có tính năng tổng hợp. Vấn đề này được đặt ra do yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. Trong nông nghiệp, do các khâu canh tác có tính thời vụ, máy móc thường chỉ được sử dụng một vụ trong một năm. Nếu máy móc được thiết kế theo kiểu chuyên dùng thì khối lượng vốn đầu tư sẽ rất lớn, giá thành sản xuất sẽ cao. Bun-ga-ri chủ trương chế tạo các máy tổng hợp, có nhiều tính năng, nhờ đó có thể sử dụng máy quanh năm. Năm 1950, bình quân mỗi máy làm việc khác nhau, mức tối đa là 15 việc. Đến năm 1968, phần lớn các máy đã làm 35 việc, có máy làm tới 45 việc. Ngay máy kéo cũng được trang bị thêm nhiều bộ phận để có thể làm nhiều việc khác nhau trên cơ sở một máy động lực. Nhờ đó số giờ sử dụng máy được nâng lên rất cao. Cũng nhờ đó, phần chi phí về máy móc trong giá thành sản phẩm giảm tới 50%. Nâng cao công suất của máy còn làm cho thời hạn hoàn vốn đầu tư và đổi mới kỹ thuật được rút ngắn.
Sau khi giải quyết căn bản việc cơ giới hóa các khâu sản xuất nông phẩm, trong những năm gần đây, Bun-ga-ri tăng cường cải tiến, hiện đại hóa khâu chế biến nông phẩm, đưa kỹ thuật chế biến lên trình độ hiện đại của thế giới. Hiện nay giá trị sản lượng của công nghiệp thực phẩm chiếm 24% giá trị sản phẩm nông nghiệp và 35,3% kim ngạch xuất khẩu nói chung. Do đó vấn đề hiện đại hóa công nghiệp thực phẩm có tầm quan trọng to lớn. Việc trang bị kỹ thuật hiện đại cho khâu này cũng đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp mà APK là một hình thức được lựa chọn để giải quyết.
- Thủy lợi hóa
Thủy lợi, là một nhân tố quan trọng của “công thức tổng hợp” để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp “cơ giới hóa – thủy lợi hóa – hóa học hóa”.
Trong nền nông nghiệp của Bun-ga-ri có nhiều ngành sản xuất quan trọng phụ thuộc rất lớn vào thủy lợi, như rau, quả, lúa… nhưng lượng mưa hàng năm ở Bun-ga-ri (kể cả tuyết) tương đối thấp, chỉ vào khoảng 650 mm/năm. Sông ngòi lại ít.
Thực ra, đối với các thời kỳ trước kia, thủy lợi chưa thành vấn đề bức thiết. Với hơn 80% lao động xã hội làm nông nghiệp, mà cũng chỉ làm để tự cấp túc là chính, chủ yếu lại là trồng lúa mì – một giống cây trồng cạn – thì vấn đề nước tưới trên một xứ sở có 650 mm mưa hàng năm không phải là vấn đề nan giải. Phương thức canh tác cơ bản còn là quảng canh. Chế độ luân canh bỏ hóa giúp cho đất trồng, cả màu mỡ và độ ẩm của nó, đủ để nuôi sống các cây trồng với năng suất thấp – điều mà lúc đó là thường tình. Chỉ có một số diện tích trồng rau, trồng hoa, không nhiều lắm, là cần phải được tưới đều đặn. Lao động dư thừa ở nông thôn cho phép giải quyết yêu cầu này bằng mương máng nhỏ, giếng nhỏ, gầu múc tay quay, bình tưới nhỏ xách tay… Nếu cứ duy trì tỷ lệ trên 80% dân số làm nông nghiệp, nếu sản xuất chủ yếu vẫn là tự cấp tự túc, nếu giống cây con và kỹ thuật canh tác vẫn theo nếp cổ truyền, thì chắc hẳn cũng chẳng có yêu cầu gì mới mẻ về thủy lợi. Chính vì vậy, trong các thời kỳ trước, diện tích được tưới chỉ chiếm 1% tổng diện tích canh tác. Số còn lại được “phó cho trời” – Bun-ga-ri cũng có thành ngữ đó.
Khi quy mô sản xuất được mở rộng, kỹ thuật mới được đưa vào nông nghiệp, yêu cầu mới được đặt ra là nhanh chóng giảm bớt số lao động sống nhưng lại tăng sản lượng, đặc biệt là rau quả, tăng tỷ lệ nông phẩm hàng hóa… thì hàng loạt vấn đề mới được đặt ra cho thủy lợi. Tăng vòng quay của đất, tăng năng suất cây trồng, tự nó đã đòi hỏi phải cung cấp cho đất một lượng nước nhiều hơn. Việc tưới nước trên quy mô lớn cũng không thể là việc mà cánh tay con người tự nó làm được. Những giống cây mới, cho năng suất cao càng đòi hỏi lượng nước tưới nhiều hơn và tưới đúng quy cách.
Những yêu cầu đặt ra cho thủy lợi lớn lên và biến đổi từng bước cùng với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Việc giải quyết các yêu cầu đó cũng được thực hiện từng bước, theo đà phát triển của sản xuất. Nhìn lại ba mươi năm ta thấy thành tích trong lĩnh vực thủy lợi của Bun-ga-ri thật là to lớn. Trước cách mạng, từ hơn ba vạn héc ta được tưới, nay đã có trên một triệu héc ta được tưới, tức là khoảng ¼ diện tích canh tác. Đối với một nước ít mưa, ít sông ngòi thì đó là một tỷ lệ rất cao. Trong số những nước trồng lúa mì thì tỷ lệ đó lại là cao nhất. Kỹ thuật tưới nước so với trước thì đã khác một trời một vực. Về mặt này, Bun-ga-ri cũng là một trong những nước đứng hàng đầu thế giới.
Hệ thống thủy lợi bao gồm đủ loại công trình : đập nước (2.000 đập lớn nhỏ), trạm bơm (2.400) trạm, hồ chứa nước, giếng nước ngầm (600 giếng), ống nước ngầm, vòi phun mưa… Tùy theo điều kiện cụ thể ở từng nơi mà có những hình thức thủy lợi thích hợp. Trong thời gian đầu, Bun-ga-ri cũng áp dụng những biện pháp thủy lợi cổ truyền như kênh, mương… Trong mấy năm gần đây, do yêu cầu của việc hiện đại hóa sản xuất, do đã có công nghiệp phát triển, công tác thủy lợi được hiện đại hóa trên cơ sở những máy móc, đường ống và phương tiện điều khiển tự động. Hình thức tưới phun mưa được áp dụng phổ biến – khoảng 1/3 diện tích. Những diện tích trồng rau trong nhà kính còn được tưới phun bằng thiết bị điều khiển tự động. Kênh, mương nổi trước kia được thay thế bằng đường ống kim loại, ống xi măng hoặc ống chất dẻo, chôn sâu dưới tầng đất canh tác. Hệ thống thủy lợi bằng đường ống đem lại những hiệu quả kinh tế rất lớn so với hệ thống kênh mương, nó tránh được những nhược điểm vốn có của kênh mương. Những nhược điểm này là :
- Nước bị mất ở dọc đường rất nhiều (do thẩm thấu và bốc hơi), lượng nước hữu ích cho trồng trọt chỉ được khoảng 50%, điều này có nghĩa là ½ vốn đầu tư vào việc làm hồ chứa và kênh mương không đem lại hiệu quả.
- Do kênh mương lộ thiên nên hạt cỏ ở hai bên bờ rơi xuống nước, nước trở thành phương tiện giúp phổ biến cỏ.
- Hàng năm, tốn rất nhiều công nạo vét.
- Kênh mương chiếm quá nhiều diện tích trồng trọt.
- Trở ngại nhiều cho giao thông vận tải và cho hoạt động của máy móc nông nghiệp.
Hiện nay, Bun-ga-ri vẫn đang tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi. Hàng năm có thêm khoảng 10 vạn héc ta được thủy lợi hóa. Theo dự kiến đến năm 1985 sẽ cải tạo xong hệ thống thủy lợi cũ, đến năm 1980 sẽ thủy lợi hóa xong các vùng đất lầy để mở rộng thêm đất đai nông nghiệp.
Cùng với việc hoàn thiện về mặt kỹ thuật, việc quản lý và tổ chức phân phối nước cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đảm bảo hiệu quả kinh tế của thủy lợi. Nhà nước chủ trương thống nhất mọi việc quản lý và phân phối nước vào một cơ quan, gọi là “Cục khai thác nước”. Đối với những diện tích đã được thủy lợi hóa, Nhà nước cũng có những yêu cầu rất cao về sử dụng và khai thác đất đai, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của thủy lợi đến mức cao nhất. Trên những diện tích này, các biện pháp kỹ thuật khác như phân bón, giống mới, máy móc,… được đầu tư tập trung đồng bộ.
- Hóa học hóa
Trong tiến trình thực hiện cách mạng kỹ thuật ở Bun-ga-ri, hóa học hóa được tiến hành tương đối chậm so với các biện pháp khác. Cho đến giữa những năm 60, máy móc đã được sử dụng phổ biến, nhưng phân bón hóa học vẫn còn sử dụng với số lượng thấp. Tổng số phân bón các loại: N, P, K (nguyên chất) sử dụng trong năm 1956, tuy đã nhiều gấp 11 lần so với năm 1948 nhưng cũng mới chỉ đạt mức 49.209 tấn (năm 1948 là 4.564), trong đó riêng phân đạm mới có 36.756 tấn. Tính trung bình quân mỗi héc ta canh tác (không kể đồng cỏ) mới được bón trên 40 kg phân tiêu chuẩn các loại, tức là khoảng 10 kg phân nguyên chất.
Sự chậm trễ này có những lý do của nó, Bun-ga-ri không có nguyên liệu để chế tạo phân bón. Khả năng nhập khẩu phân bón còn hạn chế, chủ yếu không phải do thiếu ngoại tệ, mà do điều kiện thị trường: quan hệ buôn bán chủ yếu tiến hành với thị trường xã hội chủ nghĩa, mà thị trường này nói chung cũng thiếu phân bón.
Trong lúc vốn đầu tư chưa dồi dào, nguồn phân bón eo hẹp như vậy, diện tích canh tác khá lớn, thì hướng sử dụng vốn có hiệu quả là tập trung vào cơ giới hóa, nhằm khai thác hết đất trồng, tận dụng mọi năng suất tự nhiên của đất đai để mau chóng tăng sản lượng nông nghiệp, làm cơ sở cho các bước phát triển tiếp theo.
Từ năm 1965 và nhất là từ năm 1968 trở đi, cùng với việc chuyển hướng mạnh sang thâm canh trên mọi lĩnh vực thì hóa học hóa trở thành một trong những biện pháp then chốt, được chú ý đặc biệt. Số lượng phân bón được sử dụng trong năm 1968, gấp 180 lần so với năm 1948 và gấp 17 lần so với năm 1956. Năm 1970, số lượng phân sử dụng đã tới 638.814 tấn các loại (nguyên chất), trong đó N: 387.802 tấn, P2O5 : 235.060 tấn, K2O : 24.952 tấn. Bình quân trên mỗi héc ta canh tác có 131 kg phân bón các loại (nguyên chất), trong đó riêng phân đạm nếu quy ra phân tiêu chuẩn vào khoảng 320 kg. Đến năm 1974, mức sử dụng phân đã đã lên tới 200 kg (nguyên chất) trên 1 héc ta, riêng phân đạm, nếu quy ra phân tiêu chuẩn đã lên tới 460 kg/ha. Đây chính là nhân tố chủ yếu đưa năng suất cây trồng tăng với nhịp độ nhảy vọt.
Sự phát triển nhảy vọt đó của hóa học hóa nông nghiệp gắn liền với hàng loạt điều kiện mới: Bun-ga-ri đã xây dựng được một nền công nghiệp hóa chất khá vững mạnh. Từ giữa những năm 60, đã đưa vào hoạt động nhiều nhà máy phân bón với công suất lớn, dựa trên nguyên liệu dầu lửa. Do có kim ngạch xuất khẩu lớn hàng năm, Bun-ga-ri có thể nhập tới 7 triệu tấn dầu thô. Số nguyên liệu khổng lồ này là cơ sở vững mạnh cho các ngành công nghiệp hóa chất, đặc biệt là ngành phân đạm, phát triển với nhịp độ cao. Kể từ năm 1969, 100% số phân đạm và hơn 50% số phân lân cung cấp cho nông nghiệp là do công nghiệp trong nước sản xuất.
Trong thời kỳ năm 1971-1975, sản lượng phân bón trung bình hàng năm là 1,2 triệu tấn, bảo đảm mức bón trung bình hơn 200 kg (nguyên chất) trên 1 héc ta. Bun-ga-ri dự tính đến năm 1980 sẽ bón trên mỗi héc ta 300 kg phân nguyên chất, tức là cao gấp đôi mức của năm 1970.
Phân bón được sử dụng tập trung vào những ngành sản xuất có vị trí quan trọng nhất đối với đời sống và xuất khẩu. Chẳng hạn năm 1970 số lượng phân bón tính bình quân cho diện tích trồng trọt là 131 kg/ha, nhưng riêng trồng lúa mì – ngành sản xuất trọng điểm – sử dụng tới 300 kg, trong đó phân đạm dùng tới 150 kg (nguyên chất), quy ra tiêu chuẩn bằng 750 kg.
Để phát huy cao độ hiệu lực của phân bón, trong các APK đã xây dựng Trung tâm nông hóa để nghiên cứu về đất và về yêu cầu bón phân đối với từng loại đất, từng loại cây trồng. Các trung tâm nông hóa này không chỉ có chức năng nghiên cứu về đất và về yêu cầu phân bón đối với từng loại đất từng loại cây trồng. Các trung tâm nông hóa này không chỉ có chức năng nghiên cứu, mà còn quản lý toàn bộ các kho phân bón, các phương tiện chuyên chở, bốc dỡ, các máy móc thiết bị phục vụ cho việc pha trộn phân và bón phân tới tận đất trồng. ‘‘Đó là hình thức tốt nhất để giải quyết vấn đề hóa học hóa’’. Việc bón phân và dùng thuốc trừ sâu bệnh… đã được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, có công suất lớn, kể cả máy bay, để đạt hiệu quả cao và năng suất lao động cao. Phân bón còn được pha trong nước tưới, dùng đường ống nhỏ, tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây trồng (vườn cây ăn quả).
Với việc mở rộng quy mô sản xuất, chuyên môn hóa sản xuất từng loại cây trồng và gia súc trên quy mô lớn, vấn đề phòng trừ sâu bệnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Từ năm 1970, việc sản xuất và do đó việc sử dụng thuốc trừ sâu tăng lên nhanh chóng. Năm 1960 Bun-ga-ri mới sản xuất được 2 nghìn tấn, đến năm 1970 đã gấp 8 lần so với năm 1965, và gấp 20 lần so với năm 1958.
Trong vấn đề hóa học hóa nông nghiệp, sinh hóa ngày càng có vai trò quan trọng. Bun-ga-ri đặc biệt chú ý phát triển ngành công nghiệp sản xuất vi sinh vật để hỗ trợ cho ngành sản xuất thức ăn gia súc về nhu cầu đạm. Đây là một hướng giải quyết thức ăn đạm cho chăn nuôi rẻ tiền và có hiệu quả nhanh nhất.
- Chọn lọc và gây, tạo giống có năng suất cao
Với những thành tựu rực rỡ của ngành sinh vật học, tạo giống mới đã trở thành một trong những nhân tố quyết định nhịp độ phát triển của nông nghiệp. Những biến đổi to lớn về kỹ thuật, về tổ chức, về phương hướng và cơ cấu của sản xuất, nông nghiệp Bun-ga-ri cũng đặt ra yêu cầu cấp bách phải sử dụng và lựa chọn những giống mới, thích hợp với những điều kiện kinh tế – kỹ thuật mới.
Hiệu quả kinh tế của biện pháp này rất cao. Ở Bun-ga-ri việc gây, tạo giống cây trồng đã làm tăng thêm năng suất cây có hạt khoảng 1 tấn/ha. Trong chăn nuôi, hiệu quả còn cao hơn. Năng suất thịt, trứng của giống mới tăng gấp nhiều so với giống cũ trước ngày giải phóng.
Vấn đề chọn giống được Đảng và Chính phủ đặc biệt coi trọng, ‘‘Đó là một khâu trong quy trình công nghệ của nông nghiệp’’. Giống được coi là đề tài nghiên cứu của tất cả các Viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành như Viện cây lương thực, Viện rau, Viện nho,… Việc sử dụng các loại giống được chỉ đạo rất chặt chẽ, sát với điều kiện sản xuất cụ thể từng nơi.
Hiện nay, trong tất cả các ngành trồng trọt và chăn nuôi ở Bun-ga-ri đều đã sử dụng loại giống mới có năng suất cao. Tiến trình thay đổi giống ở tất cả các ngành đều tiến hành theo một đường lối nhất quán như sau: trước hết, bình tuyển các loại giống của địa phương, chọn những giống tốt nhất, trên cơ sở đó tiến hành lai tạo với các giống tốt nhất của nước ngoài nhằm tạo những giống mới vừa có năng suất cao, phẩm chất tốt, vừa thích hợp với các đặc điểm tự nhiên và kinh tế địa phương. Tiến trình gây tạo như vậy theo kinh nghiệm của Bun-ga-ri tuy đòi hỏi một thời gian tương đối dài, nhưng kết quả được đảm bảo vững chắc. Nếu chỉ đơn thuần nhập khẩu giống tốt của nước ngoài, thì vừa tốn kém, vừa không thể nào mau chóng nhân lên cho phổ biến trên diện rộng, mà kết quả lại thường không đảm bảo vững chắc. Tuy nhiên, đối với một số giống nhập nội đã được thể nghiệm là thích hợp, nhất là trong khu vực chăn nuôi tập trung theo phương pháp công nghiệp, là nơi có thể chủ động tạo ra môi trường sinh sống thích hợp cho con vật nhập nội, thì việc sử dụng trực tiếp giống nhập nội là cần thiết và có lợi.
Trong ngành chăn nuôi, Bun-ga-ri có các loại giống sử dụng trong chăn nuôi gia đình của nông dân và có các loại giống sử dụng trong xí nghiệp chăn nuôi công nghiệp. Trong các xí nghiệp chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn hiện đại, thường sử dụng các loại giống thuần chủng nhập từ nước ngoài như gà đẻ trứng Lơ-go, bò sữa Hà Lan… Trong khu vực kinh tế phụ, sử dụng loại giống lai tạo giữa giống trong nước với giống của nước ngoài, nhưng so với giống cũ của địa phương thì năng suất vẫn cao hơn nhiều, sản xuất lại đơn giản hơn so với giống nhập nội. Ví dụ: trong chăn nuôi gà, giống cũ cho 70 quả trứng/năm, giống lai tạo cho trên 100 quả trứng/năm, gà lai tạo sinh trưởng thuận lợi, dễ nuôi trong các điều kiện đơn giản của gia đình nông dân.
Trong những năm gần đây, Bun-ga-ri đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực lai tạo giống gia súc. Có một số giống mới đã nổi tiếng trên thế giới về năng suất cao, sức chịu đựng tốt và giá thành rẻ như giống “bò nâu Xô-phi-a”, “bò sữa Cun-xka”, “bò đỏ Xa-đô-vô”, “cừu lông mượt”, “gà đen Bun-ga-ri” (đẻ 280 quả trứng/năm).
Trong ngành trồng trọt, giống mới cũng đã bao phủ hầu hết diện tích canh tác. Tất cả các giống lúa mì cũ đều đã được loại trừ, thay thế bằng những giống mới có năng suất cao như giống Bê-dô-sta-ia 1 và 304, Giu-bi-leei-na III, A cơ-man… đến năm 1963, các giống này đã chiếm 97,2% diện tích trồng lúa mì. Các giống ngô mới như Ô-hi-ô G. 92, Vít-cô-sin 641, Via 42… từ năm 1963 đã chiếm 95% diện tích trồng ngô. Trong ngành sản xuất rau, Bun-ga-ri đã gây tạo được những giống cà chua trồng giàn trong nhà kính cao tới 2 m, cho năng suất 90-100 tấn/ha, giống cà chua sớm và sớm trung bình cho năng suất tuy thấp hơn (30-40 tấn/ha) nhưng lại thích hợp với yêu cầu xuất khẩu tươi.
Bun-ga-ri cũng tạo được những giống cây có sợi rất có giá trị, chẳng hạn giống bông Vi-e-ra năng suất cao hơn giống cũ tới 500 kg sợi/ha. Giống thuốc lá không độc, không có ni-cô-tin cũng bắt đầu được trồng ở nhiều khu vực. Trong ngành sản xuất hướng dương phần lớn diện tích điều dùng giống Pê-rê-đô-vích và Smi-a-ri-na của Liên Xô có hàm lượng dầu tới 40-45% cao gấp đôi giống trong nước.
Ngoài những yêu cầu về năng suất cao và chất lượng cao như trên đã nói, công tác gây tạo giống còn có nhiệm vụ đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của việc canh tác, chế biến, xuất khẩu. Đây là những yêu cầu mới nảy sinh trong quá trình đi lên sản xuất lớn. Một khi nông nghiệp đã được cơ giới hóa, hiện đại hóa, chuyên môn hóa, một khi công cụ lao động đã được đổi mới thì đồng thời cũng phải biến cải cả đối tượng mới, với những điều kiện kinh tế và cả điều kiện tự nhiên mới. Chẳng hạn, để có thể cơ giới hóa khâu thu hoạch cà chua, ớt…. Bun-ga-ri đã phải gây tạo những loại giống sinh quả chín đều một lượt. Người ta cũng đã tạo giống cà chua trồng giàn có thân cao 2 m để tận dụng hết không gian trong nhà kính, tạo giống cà chua có thể vận chuyển xa mà không bị giập nát để có thể xuất khẩu tươi. Đối với lê, táo, phải tạo ra giống cây có hình dáng thích hợp với máy móc (thân cây thấp, tán lá không lớn) dễ chăm sóc và thu hái…
Ở Bun-ga-ri, trong thời vụ thu hoạch quả hàng năm phải huy động hàng triệu lao động phi nông nghiệp về nông thôn. Mặc dù vậy có năm vẫn bị thất thu tới 20-30% sản phẩm, do thiếu lao động thu hoạch, quả bị hỏng nhiều. Trong việc hoàn chỉnh cơ giới hóa hóa các quá trình sản xuất, việc cơ giới hóa khâu thu hoạch ngày càng có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với ngành rau, quả… Giống mới là một trong những điều kiện bắt buộc để cơ giới hóa khâu này.
Do vị trí quan trọng của giống, Bun-ga-ri đã xây dựng cả một hệ thống các Viện khoa học, các trại thí nghiệm, làm cơ sở gây, tạo giống và quản lý việc sử dụng giống. Giống là một lĩnh vực nghiên cứu mà rất nhiều Viện và cơ quan khoa học đã và đang dốc sức vào đó. Những cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm, đồng thời cũng là những cơ sở sản xuất giống gốc đầu tiên. Diện tích thí nghiệm đồng thời cũng là diện tích sản xuất. Phối hợp với các Viện và trại thí nghiệm, có một số nông trường và hợp tác xã được giao nhiệm vụ chuyên nhân giống cấp I và cấp II để đưa vào sản xuất đại trà. Chức năng nghiên cứu gắn với chức năng quản lý giống. Các viện và trại nói trên có nhiệm vụ hướng dẫn và quản lý việc phổ biến các loại giống mới ở các cơ sở sản xuất (cả hợp tác xã và nông trường quốc doanh). Nó có trách nhiệm đưa ra ý kiến quyết định về việc lựa chọn các loại giống nào thích hợp với đất nào, vùng nào và về quy trình kỹ thuật phải tuân thủ với mỗi loại giống.
- Nghiên cứu khoa học
Những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, trong việc thực hiện cách mạng kỹ thuật như đã kể trên, tự nó đã nói lên vai trò rất to lớn của khoa học trong nông nghiệp. Trong báo cáo đọc trước Hội nghị Trung ương tháng 7 năm 1970 về phát triển nông nghiệp, đồng chí Tô-đo Gip-cốp đã nhấn mạnh: “Khoa học hiện có ý nghĩa quyết định trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống của chúng ta. Nó cũng đang đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của nông nghiệp”.
Để thực hiện mục tiêu biến khoa học thành lực lượng sản xuất trực tiếp, Bun-ga-ri đã xây dựng cả một hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học về nông nghiệp. Các cơ quan nghiên cứu này đóng vai trò rất đắc lực trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để giúp cho các cơ quan khoa học đảm đương được những nhiệm vụ to lớn đối với đời sống kinh tế, Đảng chỉ thị cho các ngành “phải tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển các ngành khoa học cơ bản, cho việc giải quyết vấn đề lý luận trọng đại, cho việc phát hiện những tính quy luật và những hiện tượng mới trong nông nghiệp”.
Do tầm quan trọng to lớn của khoa học nông nghiệp, bước vào những năm 70, Bun-ga-ri đã thành lập Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp.
Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, có 60 viện và trại nghiên cứu, thí nghiệm trong đó có 28 viện, trại thuộc Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp, 32 viện, trại còn lại trực thuộc các Liên hiệp kinh tế nhà nước, tức các cơ quan quản lý sản xuất chuyên ngành. Hầu hết các loại cây trồng và con gia súc đều có cơ quan nghiên cứu chuyên trách. Các cơ quan nghiên cứu này được chuyên môn hóa rất cao, thường chỉ chuyên nghiên cứu về một hoặc một vài đối tượng sản xuất. Do chuyên môn hóa cao, đối tượng hẹp và sâu, bộ máy của các viện chuyên ngành này rất gọn nhẹ, thường mỗi viện chỉ có vài chục cán bộ nghiên cứu khoa học.
Tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học kể trên, dù trực thuộc ngành nào hoặc địa phương nào đều do Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp quản lý về kế hoạch và nội dung khoa học.
Tư tưởng chỉ đạo trong mọi lĩnh vực nghiên cứu là: gắn liền khoa học với sản xuất, rút ngắn quá trình từ phòng nghiên cứu tới đồng ruộng. Chủ trương này đã được đề ra ngay những năm 60. Trung ương Đảng cộng sản Bun-ga-ri đã nhiều lần phê phán gay gắt lối nghiên cứu tự do, tùy tiện và tùy hứng nhằm vào những đề tài vô bổ. Chủ trương “gắn liền khoa học với sản xuất” được quán triệt từ việc xác định phương hướng và đề tài nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu, đến các thể chế và quy tắc đảm bảo đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Các cơ sở nghiên cứu của Viện hàn lâm chủ yếu nghiên cứu các đề tài về khoa học cơ bản. Các cơ sở nghiên cứu của các Liên hiệp kinh tế chủ yếu nghiên cứu giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành mình. Những năm 1970 trong số 140 đề tài nghiên cứu khoa học nông nghiệp, có 40% số đề tài thuộc loại sau. Các viện chuyên ngành thường tập trung nghiên cứu các đề tài về gây, tạo giống mới, cải lương giống, nghiên cứu các quy trình sản xuất về mặt kỹ thuật cũng như về mặt kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao, nghiên cứu các biện pháp nâng cao chất lượng nông phẩm cho thích hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và của công nghiệp chế biến.
Về mặt tổ chức, để tạo cơ sở thực tiễn cho công tác nghiên cứu, mỗi viện nghiên cứu đều có một cơ sở thí nghiệm và sản xuất tại chỗ, với quy mô đất đai và phương tiện kỹ thuật khá lớn. Quy mô trung bình của mỗi cơ sở thí nghiệm và sản xuất này khoảng trên dưới 3 nghìn héc ta đất canh tác. Một phó giám đốc Viện nghiên cứu khoa học làm giám đốc cơ sở thí nghiệm này. Ngoài cơ sở thí nghiệm của bản thân nó, các viện khoa học còn giúp đỡ các cơ sở sản xuất (hợp tác xã, nông trường) tổ chức thí nghiệm và nghiên cứu ngay ở nơi sản xuất, thường xuyên tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, sinh hoạt khoa học với các cán bộ khoa học kỹ thuật ở các cơ sở sản xuất.
Từ những kết quả thực tế do khoa học mang lại cho sản xuất, Nhà nước đã quy định cho các cơ quan khoa học có vai trò quyết định trong một số vấn đề khoa học, kỹ thuật và kinh tế của các cơ sở sản xuất. Ví dụ một nông trường hay hợp tác xã khi quyết định phát triển một loại cây trồng nào đó, phải hỏi ý kiến của Viện nghiên cứu chuyên ngành. Ý kiến của viện này về chủng loại giống, mật độ vườn cây, quy trình sản xuất… là ý kiến có giá trị quyết định cuối cùng.
Để gắn bó khoa học với sản xuất hơn nữa, Bun-ga-ri bắt đầu áp dụng một chính sách mới về tài chính đối với các Viện nghiên cứu, nhằm vận dụng tốt hơn nữa đòn bẩy kinh tế để ràng buộc khoa học với sản xuất. Theo chính sách mới này, Nhà nước không đài thọ toàn bộ cho các viện, trại mà chỉ đài thọ một phần (nhiều hay ít tùy đặc điểm từng viện, trại). Phần còn lại, Viện phải tự mình trang trải bằng những khoản thu nhập từ diện tích thí nghiệm và sản xuất của mình và tiền thu lao của các tổ chức kinh tế đã sử dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện. Một ví dụ cụ thể: viện nghiên cứu lúa mạch Các-nô-bát mà chúng tôi đến thăm có những nguồn thu tài chính như sau:
- 40% ngân sách do Công ty bia đài thọ (vì lúa mạch được dùng làm nguyên liệu để sản xuất bia);
- 50% ngân sách do Viện hàn lâm đài thọ (tức ngân sách nhà nước);
- 10% ngân sách do thu nhập trên diện tích sản xuất thí nghiệm của Viện.
Trên thực tế, do công tác nghiên cứu khoa học và quản lý sản xuất đều có hiệu quả kinh tế cao, cho nên số thu nhập của Viện rất lớn. Ngoài phần bổ sung vào ngân sách của viện (10%) nói trên, Viện còn dùng một phần thu nhập để thưởng sáng kiến, phát minh cho cán bộ, để đầu tư thêm vào sản xuất. Ngoài ra vẫn còn dư để nộp vào ngân sách nhà nước.
- Đào tạo cán bộ
Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri đánh giá rất cao vai trò của cán bộ kỹ thuật và các cán bộ quản lý trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp. Trong một chừng mực rất lớn, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và ảnh hưởng của nó đối với sản xuất tùy thuộc ở công tác đào tạo cán bộ và phương thức sử dụng lực lượng cán bộ đó trong thực tế.
Tháng 9-1944, cả nước Bun-ga-ri chỉ có 1.230 nhà nông học, 865 thú y sĩ, 2.600 nhân viên kỹ thuật trung cấp. Cán bộ quản lý và cán bộ kinh tế trong sản xuất nông nghiệp có thể coi như chưa có gì.
Theo mỗi bước đi lên của nông nghiệp, đội ngũ cán bộ lớn lên không ngừng. Nói đúng hơn, chính đội ngũ cán bộ ngày càng lớn mạnh trên mọi khâu, mọi lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp đã đưa nông nghiệp đi lên không ngừng.
Biểu 20: Số cán bộ đã đào tạo được cho nông nghiệp đang làm việc, tính đến tháng 11 mỗi năm
Năm | 1960 | 1970 | 1974 |
Cao cấp | 7.493 | 15.709 | 17.589 |
Trung cấp | 10.031 | 23.912 | 26.972 |
Cả hai loại | 17.524 | 39.621 | 44.561 |
Con số hơn bốn mươi ngàn cán bộ này đã tỏa đi khắp các vị trí sản xuất nông nghiệp, từ các viện nghiên cứu, các trại thí nghiệm, các cơ quan kế hoạch và quản lý các cấp, các bộ máy của các APK, đến các đội sản xuất. Đến nay Bun-ga-ri có thể tự hào rằng trong toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp của đất nước, ngành mà xưa nay, như Mác nói vẫn được coi là bộ phận lạc hậu nhất của xã hội tiến hành, thì không còn một khâu nào, một cơ quan quản lý nào hay một đơn vị sản xuất nào mà không có những cán bộ đã được đào tạo tốt về chuyên môn. Tính trung bình, cứ 10 người lao động nông nghiệp thì có 1 người đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp về lĩnh vực chuyên môn mà họ đang phục vụ. Đó quả là một thành tựu đáng tự hào sau ba mươi năm phấn đấu.
Chúng ta biết rằng trong số các nước xã hội chủ nghĩa, Bun-ga-ri chưa phải là nước phát triển nhất và có mức sống cao nhất. Song nếu tính tỷ lệ số sinh viên đại học và cao đẳng trong dân số thì Bun-ga-ri là một trong những nước hàng đầu:
Biểu 21: Số sinh viên đại học và cao đẳng trong 10.000 dân năm 1972-1973
Nước | Số sinh viên đại học
và cao đẳng trong 10.000 dân |
Bun-ga-ri | 122 |
CHDC Đức | 90 |
Tiệp khắc | 88 |
Ba-lan | 110 |
Hung-ga-ri | 88 |
Ru-ma-ni | 69 |
Trong công tác đào tạo, số lượng có tầm quan trọng của nó. Song, chất lượng đào tạo thậm chí còn quan trọng hơn. Về vấn đề này, Nghị quyết đại hội Đảng Cộng sản Bun-ga-ri lần thứ X (1971) đã chỉ rõ: “Phải nâng cao hơn nữa những yêu cầu đối với công tác đào tạo cán bộ. Đồng thời với việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, cán bộ phải có những kiến thức rộng hơn nữa về mặt kinh tế và kỹ thuật cụ thể, phải nắm được những phương pháp quản lý hiện đại, phải có những hiểu biết cần thiết về cả những lĩnh vực xã hội học, tâm lý học, giáo dục học để có thể vạch đường chỉ lối đúng đắn cho các tập thể lao động”.
Từ năm 1970, khi đi vào xây dựng các APK, do những thay đổi về chất của công tác quản lý và tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, Đảng Cộng sản Bun-ga-ri chủ trương đưa những cán bộ xuất sắc nhất vào bộ máy lãnh đạo và quản lý các đơn vị sản xuất.
Tất cả các cán bộ lãnh đạo, ở bất cứ cấp nào, đều bắt buộc phải có đủ những trình độ chuyên môn cần thiết và định kỳ trang bị lại. Qua thực tiễn, Đảng và Nhà nước kịp thời phát hiện những cán bộ xuất sắc, có năng lực và kịp thời có biện pháp sử dụng ở cương vị thích hợp.
Trong việc đào tạo cán bộ, Bun-ga-ri rất chú trọng cán bộ kinh tế và bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho tất cả các loại cán bộ khác. “Trong những điều kiện mới, vai trò của các cán bộ kinh tế không những lớn hơn trước rất nhiều, mà cũng thay đổi về chất nữa. Để giải quyết những nhiệm vụ mới rất phức tạp, để có được những chuyển biến trong trong bộ máy kinh tế, để theo kịp và chỉ đạo đúng việc thực hiện cách mạng khoa học-kỹ thuật chúng ta cần phải xem xét lại cách làm việc của chúng ta. Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta làm kinh tế mà chưa thành thạo, còn nhiều thiếu sót… Khoa học kinh tế còn chưa đáp ứng đủ những yêu cầu của giai đoạn mới. Trong những điều kiện hiện nay, không có các cán bộ kinh tế thì đời sống kinh tế của xã hội chúng ta sẽ chệch choạc. Chúng ta không thể hình dung được có một tổ chức kinh tế nào mà không có các nhà kinh tế giỏi”.
Phương châm đào tạo cán bộ nông nghiệp ở Bun-ga-ri trong những năm qua là: cán bộ dù làm việc gì đều cần phải có kiến thức kỹ thuật, vừa có kiến thức kinh tế và tổ chức sản xuất. Chẳng hạn, trong Trường đại học nông nghiệp Plop-đíp, cơ cấu chương trình đào tạo được quy định như sau: Đối với cán bộ kỹ thuật thì 70% số giờ học là về kỹ thuật, còn 30% là về kinh tế, đối với cán bộ kinh tế thì tỷ lệ theo chiều ngược lại.
Để cho cán bộ không bị lạc hậu với thời đại, ở Bun-ga-ri còn có chế độ định kỳ bổ túc thêm kiến thức mới. Sau 5 năm công tác ở cơ sở, tất cả các cán bộ tốt nghiệp đại học phải tập trung về trường học bổ túc thêm về những thành tựu khoa học kỹ thuật mới trên thế giới trong thời gian từ 6 đến 12 tháng. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo cho cán bộ luôn luôn đóng được vai trò sứ giả của khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Ngoài việc đào tạo chính quy, Bun-ga-ri còn chú trọng đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm – đào tạo hàm thụ. Trường đại học nông nghiệp Plop-đíp có số lượng sinh viên theo học hàm thụ gần bằng ½ số sinh viên học tập trung. Đối tượng của phương thức đào tạo này là các cán bộ, công nhân đang tham gia sản xuất ở các hợp tác xã, nông trường.
Trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cán bộ trực tiếp ở nơi sản xuất có tầm quan trọng to lớn. Vì vậy, phần lớn cán bộ mới đào tạo được đưa về cơ sở. Theo tài liệu năm 1970, trong tổng số 20.336 kỹ sư nông nghiệp, có tới 12.832 kỹ sư (63%) trực tiếp công tác tại các cơ sở sản xuất, chỉ có 1.112 kỹ sư (5%) làm công tác quản lý. Số còn lại công tác trong các ngành kinh tế khác, trong nghiên cứu khoa học, giáo dục,…
Để thực hiện chủ trương nói trên, không chỉ dựa một chiều vào việc động viên giáo dục về mặt tinh thần, mà còn có các chính sách khuyến khích rõ rệt bằng lợi ích vật chất. Cùng một trình độ, nhưng cán bộ công tác ở cơ sở sản xuất thì được hưởng lương cao hơn cán bộ làm công tác hành chính hoặc công tác ở các cơ quan trung ương. Ví dụ: chủ nhiệm hợp tác xã là một kỹ sư nông nghiệp hưởng lương 270 lê-va (năm nào sản xuất đạt chỉ tiêu kế hoạch thì ngoài tiền thưởng, mức lương được đưa lên 300 lê-va), gần tương đương với mức lương giám đốc một viện nghiên cứu. Một kỹ sư nông nghiệp về làm đội trưởng đội sản xuất được hưởng 200 lê-va trong khi đó nếu công tác ở cơ quan trung ương thì chỉ được 150 lê-va.
Ngoài hình thức đào tạo cán bộ trong các trường lớp, Bun-ga-ri phát triển khá rộng những hình thức bồi dưỡng kiến thức có tính chất đại chúng như báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, các hội nghị… Hiện nay, Bun-ga-ri có 19 tạp chí khác nhau về các vấn đề nông nghiệp, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình được sử dụng như một công cụ đắc lực để phổ biến kịp thời các kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như ngoài nước; Bun-ga-ri có một hãng phim chuyên về khoa học và kinh tế nông nghiệp. Ngoài những hội nghị chuyên đề về nông nghiệp do trung ương và các ngành tổ chức, hàng năm tại các quận thường tổ chức một hội nghị 10 ngày về nông nghiệp. Đó là dịp gặp gỡ hàng năm của các cơ quan lãnh đạo nông nghiệp, các chuyên gia kỹ thuật, các nhà kinh tế, các tổ chức Đảng phụ trách nông nghiệp. Hội nghị bàn về tất cả những vấn đề mới xảy ra trong đời sống – kinh tế, kỹ thuật, sản xuất, tổ chức, quản lý, kế hoạch… Đó là một dịp để mọi người trao đổi kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, thảo luận, đề ra các biện pháp mới và kiểm nghiệm cả chủ trương, đường lối trong nông nghiệp nói chung.
Phát triển sản xuất và từng bước cải biến cơ cấu của sản xuất nông nghiệp
Sản xuất phát triển thì cơ cấu của sản xuất cũng phải biến đổi theo. Trước kia trong điều kiện sản xuất nhỏ, sự biến đổi đó diễn ra một cách tự phát và cực kỳ chậm chạp. Từ ngày nông nghiệp được hợp tác hóa, đặc biệt từ ngày xuất hiện những xí nghiệp nông nghiệp quy mô lớn do hợp nhất nhiều hợp tác xã, thì những biến đổi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp được thực hiện có ý thức, theo đường lối, chủ trương và các kế hoạch kinh tế. Tính toán về cơ cấu sản xuất tối ưu là một trong những vấn đề trọng yếu nhất của kế hoạch hóa nông nghiệp ở Bun-ga-ri. Việc giải quyết đúng đắn vấn đề đó là một trong những nhân tố chủ yếu, đảm bảo tốc độ phát triển và hiệu quả kinh tế cao của sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn ở Bun-ga-ri cho thấy: cùng với một số lượng đất đai, lao động, vật tư, cùng với trình độ trang bị kỹ thuật đã có, nhưng những cơ cấu sản xuất khác nhau đem lại những hiệu quả hết sức khác nhau. Tính quy luật này thể hiện đặc biệt rõ trong nông nghiệp là ngành mà sự kết hợp hài hòa các điều kiện sản xuất, sự phối hợp khéo léo các ngành, các khâu, các đơn vị và các mùa vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Qua 30 năm, cơ cấu của sản xuất nông nghiệp Bun-ga-ri đã có những thay đổi cơ bản. Tính chất và phương hướng của những thay đổi đó cũng biểu hiện tính chất và phương hướng của sản xuất nông nghiệp trên con đường phát triển cách mạng từ tự cấp tự túc lên sự phân công lao động xã hội ngày càng rộng, từ lạc hậu đến hiện đại, từ nhỏ bé, manh mún đến sản xuất lớn tập trung cao độ.
Biểu 22: Cơ cấu của nền nông nghiệp Bun-ga-ri qua các năm (đơn vị: %)
1939 | 1948 | 1956 | 1960 | 1970 | 1975 | |
Tổng số | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Trồng trọt | 66,2 | 64,2 | 64,4 | 67,3 | 64,7 | 57,1 |
Chăn nuôi | 33,8 | 35,8 | 35,6 | 32,7 | 35,3 | 42,9 |
Biểu 23: Cơ cấu của ngành trồng trọt
Tính theo diện tích (nghìn héc ta)
1948 | 1960 | 1970 | 1973 | |
Tổng diện tích | 3.777,1 | 3.991,1 | 3.631,8 | 3.594,4 |
Lương thực, trong đó : | 2.929,4 | 2.536,5 | 2.269,9 | 2.172,5 |
Lúa mì | 1.690,0 | 1.327,2 | 1.035,9 | 949,4 |
Cây công nghiệp | 413,9 | 523,2 | 531,2 | 513,9 |
Rau, quả | 136,1 | 145,3 | 151,0 | 144,6 |
Cây thức ăn gia súc | 297,7 | 786,1 | 679,7 | 763,4 |
Tính theo tỷ lệ (%)
1948 | 1960 | 1970 | 1973 | |
Tổng diện tích | 100 | 100 | 100 | 100 |
Lương thực, trong đó : | 77,6 | 63,6 | 62,5 | 60,4 |
Lúa mì | 44,7 | 33,3 | 28,5 | 26,4 |
Cây công nghiệp | 11,0 | 13,1 | 14,6 | 14,3 |
Rau, quả | 3,6 | 3,6 | 4,2 | 4,0 |
Cây thức ăn gia súc | 7,8 | 19,7 | 18,7 | 21,3 |
Từ những số liệu trên, có thể rút ra một số nhận xét chung về sự biến đổi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp như sau:
- Diện tích sản xuất nông nghiệp nói chung giảm và giảm mạnh. Số diện tích này chủ yếu là ở khu vực sản xuất lương thực cho người (lúa mì). Năm 1973 so với năm 1948, diện tích sản xuất lương thực giảm 756,9 nghìn héc ta (26%), trong đó diện tích trồng lúa mì giảm 743,6 nghìn héc ta (44%). Điều đó có nghĩa là diện tích sản xuất lương thực cho chăn nuôi hầu như không giảm. Nếu ta tính đến một nhân tố mới là: có một số cây lương thực (ngô) trước kia dùng để nuôi cả người lẫn gia súc, ngày nay chỉ dành riêng để nuôi gia súc, thì thấy rằng trên thực tế quy mô diện tích sản xuất lương thực cho gia súc còn lớn hơn trước.
- Diện tích cây công nghiệp, rau quả và cây thức ăn gia súc đều tăng lên. Từ năm 1948 đến năm 1973 số diện tích này tăng thêm 574,2 nghìn héc ta, trong đó diện tích cây công nghiệp tăng 100 nghìn héc ta, diện tích rau quả tăng 8,5 nghìn héc ta, diện tích cây thức ăn gia súc tăng mạnh nhất: 465,7 nghìn héc ta. Đây chính là cơ sở để phát triển mạnh ngành chăn nuôi. Diện tích cây công nghiệp, rau quả và cây thức ăn gia súc sở dĩ tăng lên được, chính là nhờ số diện tích dành cho cây lương thực giảm đi tương ứng.
- Tỷ lệ của ngành chăn nuôi tăng lên, đặc biệt trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1971-1975).
- Những thay đổi về cơ cấu sản xuất bắt đầu thể hiện rõ từ năm 1960, tức là sau khi hoàn thành hợp tác hóa, và chuyển biến mạnh trong những năm 1960, tức là khi nông nghiệp có những bước tiến quyết định về tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất, về trang bị kỹ thuật và thâm canh.
Dưới đây chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu những thay đổi cơ cấu của từng ngành sản xuất cụ thể – không những về mặt diện tích, mà quan trọng hơn về mặt sản lượng nữa – qua đó càng thấy rõ những thay đổi kể trên là sâu sắc đến mức nào.
Sản xuất cây lương thực:
Trước ngày giải phóng, do kỹ thuật lạc hậu, năng suất của ruộng đất và của lao động quá thấp, cho nên sản xuất lương thực buộc phải chiếm vị trí lớn nhất trong cơ cấu của sản xuất nông nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là để giải quyết nhu cầu tối thiểu của con người, xã hội đã phải sử dụng một bộ phận quá lớn đất đai và lao động. Năm 1948, sản xuất lương thực chiếm tới 77,5% diện tích đất đai canh tác. Riêng sản xuất lúa mì – khu vực sản xuất lương thực chủ yếu cho người – chiếm 45% diện tích. Vậy mà sản xuất vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khẩu phần ăn của người, ngô còn chiếm tới 20-30%. Ngoài ra hàng năm Bun-ga-ri vẫn phải nhập khẩu thêm lúa mì. Đến năm 1964 vẫn còn nhập tới 30 vạn tấn. Tình trạng này kéo dài mãi đến năm 1965.
Trong những năm 60, nhất là sau những năm 70, cơ cấu cây lương thực có những thay đổi lớn:
Đơn vị | 1948 | 1960 | 1970 | 1975 | |
Lúa mì:
Diện tích Sản lượng Năng suất |
Nghìn ha Nghìn tấn Tạ/ha |
1.690,0 2.002,9 9,5 |
1.327,2 2.379,2 17,5 |
1.035,9 3.031,7 27,4 |
820 2.742,0 33,5 |
Ngô
Diện tích Sản lượng Năng suất |
Nghìn ha Nghìn tấn Tạ/ha |
732,6 1.076,5 7,3 |
688,9 1.504,6 18,7 |
582,3 2.375,0 36,5 |
664,3 3.025,0 32,5 |
Nhìn vào bảng trên, ta thấy sau 30 năm để sản xuất ra được một lượng lúa mì nhiều gấp rưỡi, Bun-ga-ri chỉ sử dụng một nửa số diện tích trước đây. Năm 1948 diện tích trồng lúa mì chiếm tới 45% tổng diện tích trồng trọt. Đến năm 1970, tỷ lệ đó rút xuống chỉ còn 28%, Bun-ga-ri dự tính đến năm 1985 sẽ chỉ dành khoảng 60 vạn héc ta để trồng lúa mì, tức là 13% diện tích, cũng đủ để thỏa mãn nhu cầu xã hội về sản phẩm này.
Qua bảng trên ta cũng thấy rằng chỉ số tăng năng suất cây trồng cao hơn chỉ số giảm diện tích. Muốn giảm diện tích mà vẫn giữ nguyên tổng sản lượng thì năng suất cây trồng phải tăng đến mức đủ bù vào sản lượng của số diện tích bị giảm. Trong trường hợp ở đây, chẳng những diện tích giảm đi một nửa mà tổng sản lượng còn tăng lên gấp rưỡi.
Trong điều kiện tổng diện tích canh tác hầu như không đổi, cũng tức là không có khả năng khai hoang thêm thì tăng năng suất cây trồng là con đường duy nhất cho phép “giải phóng” đất đai, đồng thời cũng là giải phóng lao động, dành đất đai và lao động dôi ra này cho các ngành sản xuất khác.
Ngược lại với quá trình giảm dần quy mô diện tích và làm điều kiện cho quá trình đó là quá trình tăng lên với nhịp độ cao hơn của năng suất cây trồng. Năng suất lúa mì từ 9,5 tạ/ha, ngô từ 7,3 tạ/ha năm 1948 tăng lên 33,5 tạ/ha và 32,5 tạ/ha năm 1975. Trong mấy năm gần đây, năng suất hai loại cây này đã đạt mức xấp xỉ 4 tấn/ha. Để đạt được kết quả như trên, Bun-ga-ri đã sử dụng tập trung cao độ các biện pháp kỹ thuật như thủy lợi, phân bón, máy móc, giống mới… vào sản xuất lương thực. Sự ưu tiên đặc biệt đó đối với sản xuất lương thực không chỉ có nghĩa là là ưu tiên giải quyết việc sản xuất thứ nhu yếu phẩm số một của toàn xã hội. Thực ra, nó có ý nghĩa và tác động rộng lớn. Như ta đã thấy, ưu tiên cho sản xuất lương thực theo cách đó (thâm canh cao độ nhằm tăng mạnh năng suất của cây trồng) chính là để thu hẹp nó lại, hay nói chính xác hơn là để rút bớt khỏi nó một bộ phận lao động và đất đai “thặng dư” này chính là điều kiện, là điểm xuất phát để phát triển các ngành nông nghiệp khác: cây công nghiệp, rau quả, chăn nuôi… Đó là những ngành không chỉ có ý nghĩa thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu có tính chất sinh học của dân cư, mà đúng hơn là những ngành thể hiện trình độ phồn vinh của sản xuất nông nghiệp và mức sống cao của dân cư.
Ngô là cây lương thực quan trọng thứ hai, sau lúa mì, so sánh năm 1948 và năm 1975, ta thấy diện tích giảm đi gần 7 vạn héc ta, tức là giảm đi gần 10% nhưng do năng suất ngô tăng 4 lần, nên tuy diện tích giảm mà sản lượng vẫn tăng 3 lần. Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất ngô có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển mạnh mẽ của ngành chăn nuôi.
Biểu 25: Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây công nghiệp
Diện tích (nghìn héc ta) | Năng suất (kg/héc ta) | Sản lượng (nghìn tấn) | |||||||
1938 | 1970 | 1975 | 1938 | 1970 | 1975 | 1938 | 1970 | 1975 | |
Hướng dương | 179,3 | 273,7 | 239,1 | 830 | 1.458 | 1.756 | 148,8 | 407,0 | 419,0 |
Bông hạt | 45,6 | 41,9 | 26,5 | 590 | 859 | 1.218 | 33,1 | 36,0 | 32,0 |
Thuốc lá | 35,6 | 108,1 | 106,0 | 930 | 1.089 | 1.268 | 33,1 | 112,0 | 135,0 |
Củ cải đường | 8,7 | 56,6 | 77,7 | 15.720 | 30.951 | 26.356 | 137,3 | 1.714,0 | 2.010,0 |
Lúa mạch khác với lúa mì và ngô, vừa phát triển về năng suất, lại vừa phát triển cả về diện tích. Mạch chẳng những là nguyên liệu để sản xuất bia, mà còn là loại thức ăn gia súc. Diện tích năm 1948 là 278 nghìn héc ta tăng lên 574 nghìn héc ta năm 1975. Trong việc mở rộng diện tích lúa mạch, Bun-ga-ri quan tâm đến hiệu quả kinh tế của việc cơ giới hóa. Đối với lúa mạnh, việc cơ giới hóa đồng bộ có thể thực hiện dễ dàng hơn đối với ngô. Khi còn chưa giải quyết được việc cơ giới hóa khâu thu hoạch ngô – một việc khá phức tạp mà mãi gần đây mới thực hiện được – thì việc trồng lúa mạch để nuôi gia súc vẫn là có lợi.
Cây công nghiệp
Diện tích chung của ngành sản xuất cây công nghiệp tăng không nhiều. Từ năm 1948 đến năm 1975, diện tích mở rộng thêm 11 vạn héc ta. Đi vào từng loại cây cụ thể, ta có những sự khác nhau rất lớn (xem biểu 25, trang 111).
Hướng dương là cây cung cấp dầu ăn chủ yếu của Bun-ga-ri. Nhu cầu tiêu dùng dầu thực vật ở Bun-ga-ri ngày càng tăng. Đó là cũng là xu hướng chung của những nước có mức sống cao. Đối với Bun-ga-ri, việc thỏa mãn nhu cầu này có ý nghĩa lớn hơn, vì khả năng thỏa mãn nhu cầu chất béo động vật ở Bun-ga-ri tương đối thấp so với các nước châu Âu khác. Sản xuất hướng dương phát triển phát triển ngành càng mạnh. Diện tích mở rộng gấp rưỡi so với các nước châu Âu khác. Sản xuất hướng dương phát triển ngày càng mạnh. Diện tích mở rộng gấp rưỡi so với trước ngày giải phóng. Năng suất trên đơn vị diện tích tăng gấp đôi. Từ những năm 70, người ta trồng phổ biến loại giống mới, có hàm lượng dầu trong hạt tăng gần gấp đôi (từ 20-25% lên tới 40-45%). Do đó sản lượng hạt tăng trên hai lần, nhưng nếu quy ra dầu thì sản lượng tăng tới 4 lần. Do hiệu quả kinh tế của nó, hướng dương đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng phục vụ sản xuất. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, Bun-ga-ri là nước có mức sản xuất dầu thảo mộc (chủ yếu là dầu hướng dương cao nhất: năm 1972, đạt 13 kg/người, trong khi đó ở Cộng hòa dân chủ Đức chỉ có 2,3 kg, Ba-Lan 1,6 kg, Liên Xô 7,1 kg, Hung-ga-ri 2 kg.
Củ cải đường là nguyên liệu chính của công nghiệp đường ở Bun-ga-ri. Hiện nay mức tiêu dùng đường ở Bun-ga-ri đã đạt mức cao (33 kg/người/năm). Nhu cầu về đường vẫn căng thẳng. Trong những năm gần đây giá đường trên thị trường thế giới tăng vọt lên nhiều lần. Vì những lẽ đó, quy mô sản xuất củ cải đường trong 10 năm qua được mở rộng rất nhanh. Diện tích trồng củ cải đường năm 1975 so với trước chiến tranh đã tăng 9 lần. Hiện nay Bun-ga-ri đang phấn đấu tích cực để nâng cao năng suất cây trồng và hàm lượng đường trong củ. Về cả hai chỉ tiêu này, Bun-ga-ri còn kém so với nhiều nước trên thế giới.
Thuốc lá là loại cây có diện tích tăng nhiều nhất trong các loại cây công nghiệp. Trong khi toàn bộ khu vực sản xuất cây công nghiệp tăng 11 vạn héc ta thì riêng thuốc lá tăng lên 7 vạn héc ta. Diện tích thuốc lá tăng gấp 3 lần so với trước. Có sự chuyển biến lớn nói trên là do Bun-ga-ri đã phát hiện thấy ở cây này khả năng xuất khẩu to lớn, hiệu quả kinh tế rất cao, điều kiện sản xuất lại tương đối thuận lợi. Thuốc lá đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bun-ga-ri. Kim ngạch xuất khẩu từ 26 triệu lê-va trước ngày giải phóng, nay lên 300 triệu lê-va hàng năm. Tính bình quân mỗi héc ta đem lại một lượng giá trị xuất khẩu khoảng 3.000 lê-va (kể cả giá trị do công nghiệp chế biến tạo ra). Đó là một trong những ngành sản xuất đem lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên có một điều đáng chú ý: sản xuất thuốc lá phát triển chủ yếu bằng cách mở rộng diện tích, năng suất tăng không đáng kể (từ 9,3 tạ lên 10,2 tạ/ha). Các biện pháp thâm canh nói chung khó áp dụng với ngành này. Chẳng hạn, nếu sử dụng nhiều phân bón để tăng sản lượng, thì ảnh hưởng đến phẩm chất thuốc lá.
Ngành trồng thuốc lá còn vấp một khó khăn lớn nữa là sự mất cân đối rất nghiêm trọng về lao động giữa khâu thu hái và các sản phẩm khác. Lao động thu hái (cho đến nay vẫn chưa tìm được cách cơ giới hóa) cần nhiều gấp bội so với lao động làm đất, trồng tỉa, chăm sóc. Vụ thu hái lại tập trung vào một thời gian ngắn.
Ngành trồng thuốc lá vẫn còn là ngành đòi hỏi quá nhiều lao động. Với 10 vạn héc ta thuốc lá, tức trên 4% tổng diện tích canh tác, Bun-ga-ri đã phải sử dụng tới 20-25 vạn lao động, tức 16% tổng số lao động nông nghiệp (năm 1970).
Trước đây khi nông nghiệp còn lạc hậu, lao động nông nghiệp còn dồi dào, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho nông dân còn là một nhiệm vụ bức thiết, thì những ngành sản xuất đòi hỏi nhiều lao động như ngành trồng thuốc lá, trồng rau xuất khẩu… là những ngành thích hợp và có lợi. Ngày nay, khi nông nghiệp đã tiến lên sản xuất lớn, cơ giới hóa, vấn đề lao động trở nên căng thẳng, thì việc sử dụng quá nhiều lao động biến thành một trở ngại cho việc phát triển sản xuất. Vì vậy trong ngành sản xuất thuốc lá hiện nay, Bun-ga-ri đang tập trung cố gắng giải quyết vấn đề cơ giới hóa khâu thu hái, nhằm giảm bớt lao động, đồng thời giải quyết tình trạng mất cân đối về lao động giữa khâu thu hái và các khâu khác.
Cây tinh dầu và hương liệu: Bun-ga-ri từ xưa đã nổi tiếng về sản xuất tinh dầu, nhất là tinh dầu hoa hồng. Sản xuất tinh dầu hoa hồng gần như là một ngành sản xuất độc quyền, giá trị xuất khẩu đặc biệt cao. Tuy nhiên quy mô sản xuất cả tinh dầu lẫn dược liệu lại rất nhỏ – trên 6.000 héc ta. Mức tăng so với trước không đáng kể. Sở dĩ như vậy là vì khối lượng nhu cầu về tinh dầu cả trong và ngoài nước đều không lớn và không tăng nhanh. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của cả hai loại tinh dầu và dược liệu, đạt khoảng 12 triệu lê-va mỗi năm, chưa đầy 1% tổng giá trị nông sản xuất khẩu.
Rau, quả: Sự phát triển mạnh của ngành sản xuất rau, quả đã gây ra những biến đổi to lớn trong cơ cấu của sản xuất nông nghiệp. Diện tích sản xuất ngày càng mở rộng, một phần do nhu cầu của đời sống tăng lên, một phần nữa quan trọng hơn, là do nhu cầu của xuất khẩu. Bun-ga-ri đã phát huy ưu thế về vị trí địa lý (tiếp giáp với các nước công nghiệp phát triển, do đó chi phí vận tải các hàng rau, xuất khẩu tương đối thấp), và ưu thế về lao động (trong nông nghiệp còn một tỷ lệ lao động tương đối lớn) để phát triển ngành sản xuất rau, quả cung ứng cho thị trường thế giới.
Biểu 26: Diện tích sản xuất rau, quả (nghìn ha)
1934-1939 | 1945-1948 | 1960 | 1970 | 1975 | |
Cà chua | 1,8 | 3,9 | 20,4 | 24,0 | 27,2 |
Khoai tây | 17,9 | 20,1 | 42,5 | 30,8 | 30,0 |
Táo | 9,2 | 14,2 | 41,2 | 42,4 | 38,9 |
Nho (ăn tươi) | 22,8 | 19,0 | 39,0 | 49,2 | 36,4 |
Nho (làm rượu) | 106,3 | 122,2 | 141,4 | 146,0 | 159,8 |
Nhìn chung, quy mô sản xuất rau quả tăng mạnh. Một số loại cây được đặc biệt chú ý, do hiệu quả kinh tế cao như cà chua, táo, nho,… Cà chua từ 1,8 nghìn héc ta (năm 1939) 27,2 nghìn héc ta (năm 1975), gấp 15 lần. Táo từ 9,2 nghìn héc ta (năm 1939) lên trên dưới 40 nghìn héc ta… Cũng xuất phát từ hiệu quả kinh tế, sản xuất dưa, vốn là ngành sản xuất có truyền thống, bị giảm mạnh, từ 80 nghìn héc ta (1939) xuống còn 21 nghìn héc ta (năm 1970).
Ngành sản xuất rau, quả được thâm canh cao độ, đặc biệt là sản xuất rau trong nhà kính. Sản xuất rau, quả mà mục đích chủ yếu là xuất khẩu, cũng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên về vốn và vật tư kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất cây trồng đã mau chóng đạt mức tiên tiến trên thế giới. Năng suất cà chua bình quân đạt 30 tấn/ha, cà chua sớm đạt 45-50 tấn/ha, cà chua trồng giàn đạt 90-100 tấn/ha, dưa chuột 270 tấn/ha, ớt ngọt 60-75 tấn/ha…
Các biện pháp thâm canh còn có tác dụng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính nhờ bảo đảm tốt những tiêu chuẩn cao về chất lượng, nên sản lượng xuất khẩu đạt mức rất cao, mỗi thứ rau, quả có tới hàng chục vạn tấn.
Hiện nay ngành sản xuất rau cũng đang gặp một mâu thuẫn lớn, giống như ngành sản xuất thuốc lá: mâu thuẫn giữa diện tích, năng suất và sản lượng quá lớn với kỹ thuật thu hái chưa được cải tiến. Điều này làm cho nhu cầu về lao động thu hái ngày càng trở nên căng thẳng. Để khắc phục mâu thuẫn này, một số ngành (nho, cà chua, ớt ngọt, mận,…) đã buộc phải thay đổi cơ cấu sản xuất: giảm số sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn tươi để chuyển sang chế biến nhiều hơn. Bằng cách đó, chẳng những khâu thu hái, mà cả khâu vận chuyển, bảo quản cũng được giảm nhẹ. Đối với loại sản phẩm ăn tươi cần tới rất nhiều công phu, cả trong khâu thu hái cũng như vận chuyển, bảo quản).
Cũng do thiếu lao động thu hoạch, mức độ lãng phí sản phẩm khá lớn. Riêng về quả, những năm được mùa, số lãng phí chiếm tới 25-30% sản lượng. Để khắc phục khó khăn đó, Bun-ga-ri đang tập trung sức lực vào việc sáng chế các loại máy móc thu hái thích hợp. Đồng thời bằng những biện pháp về sinh học, tìm cách gây tạo những giống mới thích hợp với việc thu hoạch bằng máy. Trước mắt đã giải quyết được phần nào trong thu hoạch cà chua, ớt, nho. Nhưng phần lớn những máy thu hoạch cũng chỉ có khả năng lấy sản phẩm để chế biến, đóng hộp (quả bị dập nát nhiều). Điều này không tránh khỏi làm cho số lượng sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng dưới dạng tươi phải bị thu hẹp lại. Có thể nói đây là một tất yếu của ngành sản xuất rau, quả khi đi vào công nghiệp hóa. Trong những bước đi ban đầu, ngành sản xuất này được coi là một lĩnh vực quan trọng có thể tận dụng khả năng lao động. Nhưng khi công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp nói riêng đã triển khai trên quy mô lớn thì sản xuất rau, quả không tránh khỏi gặp phải những hạn chế nhất định về lao động. Cơ cấu sản xuất của nó phải được thay đổi theo hướng thu hẹp dần những bộ phận cần nhiều lao động thủ công, năng suất thấp.
Chăn nuôi: Nhịp độ phát triển ngành chăn nuôi ở Bun-ga-ri ngày càng mạnh. Tình hình phát triển chăn nuôi tính theo trọng lượng thịt hơi như sau:
Năm 1939: 319.354 tấn
Năm 1956: 401.806 tấn
Năm 1960: 417.285 tấn
Năm 1965: 646.806 tấn
Năm 1970: 683.826 tấn
Năm 1973: 802.052 tấn.
So với trước ngày giải phóng, sản phẩm chăn nuôi năm 1975 tăng 2,8 lần. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn còn thấp so với nhu cầu. Do mức sống của toàn dân nâng cao nhanh chóng, nhu cầu về thịt và về các sản phẩm chăn nuôi cũng tăng lên nhanh chóng.
So với các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, mức cung cấp các sản phẩm chăn nuôi tính theo đầu người ở Bun-ga-ri vẫn còn tương đối thấp. Số liệu thống kê năm 1972 cho thấy như sau:
Biểu 27: Sản phẩm chăn nuôi tính theo đầu người ở một số nước xã hội năm 1972
Thịt (kg) | Trứng (quả) | Bơ (kg) | |
Bun-ga-ri | 51,7 | 126 | 1,6 |
CHDC Đức | 70,8 | 240 | 14,6 |
Ba-Lan | 67,0 | 196 | 4,9 |
Liên xô | 51,0 | 188 | 4,8 |
Hung-ga-ri | 61,7 | 258 | 1,7 |
Khả năng phát triển chăn nuôi phụ thuộc vào sự phát triển của ngành trồng trọt, mà trước nhất là sự phát triển của sản lương thực – cả lương thực cho gia súc lẫn lương thực cho người. Muốn phát triển chăn nuôi, phải tăng khối lượng thức ăn cho gia súc. Việc này đòi hỏi phải thu hẹp diện tích trồng lương thực cho người (trong một nền nông nghiệp lạc hậu thì diện tích này thường chiếm phần lớn, thậm chí gần toàn bộ diện tích trồng trọt) để dành ngày càng nhiều diện tích trồng cây thức ăn gia súc. Ngoài ra, phải có lương thực thặng dư để cung cấp cho số người lao động chuyên về chăn nuôi ngày càng lớn. Vì vậy, không chỉ những ngành chăn nuôi mà thức ăn là lương thực như chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa, mà ngay cả những ngành chăn nuôi các loại gia súc không ăn lương thực như cừu, bò thịt… cũng khó phát triển khi ngành sản xuất lương thực phát triển. Từ giữa những năm 60 trở đi, khi ngành sản xuất lương thực đã phát triển tới mức giải phóng được ngày càng nhiều đất đai và lao động, thì chăn nuôi bắt đầu tăng với tốc độ cao. Biểu sau đây cho thấy rõ mối quan hệ đó:
Biểu 28: Tình hình phát triển gia súc tính theo trọng lượng thịt hơi (đơn vị: tấn)
Năm | Bò | Lợn | Cừu | Gia cầm | Các loại khác |
1939 | 88.547 | 92.090 | 111.892 | 25.970 | 1.354 |
1956 | 127.407 | 149.890 | 92.172 | 28.634 | 3.703 |
1960 | 77.305 | 195.418 | 91.315 | 44.583 | 6.664 |
1965 | 161.074 | 271.800 | 157.405 | 53.726 | 2.801 |
1970 | 171.062 | 213.206 | 163.594 | 130.000 | 5.424 |
1973 | 197.480 | 288.730 | 172.771 | 157.271 | 5.801 |
Đàn gia cầm, lợn, bò có tốc độ phát triển cao hơn các loại gia súc khác. Đặc biệt là đàn gia cầm, trong thời gian từ năm 1939 đến năm 1973 tăng gấp 6 lần. Trong sự thay đổi cơ cấu này, Bun-ga-ri có tính đến hiệu quả kinh tế của mỗi ngành. Những ngành được phát triển mạnh là những ngành áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiệu suất của đơn vị thức ăn cao, thời gian sản xuất ngắn.
Cùng với việc phát triển ngành trồng trọt làm cơ sở vững chắc cho chăn nuôi, phương thức chăn nuôi tập trung theo lối công nghiệp cũng là nhân tố quan trọng dẫn đến tốc độ phát triển cao của ngành chăn nuôi. Thành tựu mới này của thế giới đã được áp dụng nhanh chóng với quy mô lớn, đặc biệt là từ khi thành lập các APK. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1971-1975), Nhà nước dành tới 36,5% tổng số vốn đầu tư vào nông nghiệp để phát triển chăn nuôi công nghiệp. Đến năm 1974, 33 xí nghiệp chăn nuôi gia cầm đã cung cấp 46% tổng số thịt gia cầm, 12 xí nghiệp chăn nuôi bò đã cung cấp 36,4% tổng số thịt bò… Bun-ga-ri dự tính đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1976-1980), chăn nuôi công nghiệp sẽ chiếm 62% sản lượng thịt lợn, 72% sản lượng thịt gia cầm, 25% sản lượng trứng và 90-100% sản lượng thịt bò. Chăn nuôi đang được “công nghiệp hóa”. Sự hấp dẫn của hình thức sản xuất mới này là: năng suất lao động rất cao, hiệu quả kinh tế rất cao. Song nó cũng đòi hỏi những điều kiện vật chất nhất định như chuồng trại quy mô lớn, thiết bị hiện đại, giống mới, cơ sở công nghiệp chế biến thức ăn theo đúng những tiêu chuẩn khoa học… Chính vì vậy chỉ trong những năm gần đây, hình thức chăn nuôi tiên tiến này mới phát triển mạnh được. Hội nghị Trung ương tháng 4/1970 đã nhấn mạnh rằng, biện pháp cơ bản để đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp và hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi là phải phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc kịp thời và vượt tốc độ phát triển của chăn nuôi công nghiệp. Điều này hiện vẫn còn là một trong những vấn đề gay gắt nhất của nền nông nghiệp Bun-ga-ri.
Trong khi chú trọng phát triển mạnh những ngành có điều kiện thâm canh cao như trên đã nói, Bun-ga-ri vẫn không coi nhẹ những ngành chăn nuôi có tính chất quảng canh, nhất là chăn nuôi cừu. Trong bảng trên, ta thấy chăn nuôi cừu vẫn tăng gấp rưỡi. Sản phẩm của ngành chăn nuôi cừu có vị trí quan trọng: riêng thịt chiếm 20% tổng số thịt tiêu dùng hàng năm, chưa kể sữa và lông cừu. Do đặc điểm của đồng cỏ (phân tán, năng suất thấp) ngành sản xuất này phát triển chủ yếu theo phương thức quảng canh. Vì vậy bên cạnh những đàn cừu của hợp tác xã, Bun-ga-ri rất quan tâm khuyến khích nông dân nuôi riêng (đã trình bày ở phần kinh tế phụ). Tư tưởng chỉ đạo chính sách ở đây là: làm sao tận dụng được những đồng cỏ phân tán và những khả năng sản xuất cá nhân còn tiềm tàng.
Hiện nay, trong số các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu, Bun-ga-ri là nước có đàn cừu lớn thứ 3, sau Liên Xô và Ru-ma-ni. Nếu tính số đầu cừu trên đơn vị diện tích thì Bun-ga-ri là nước đứng đầu châu Âu và đứng thứ nhì thế giới (sau Tân-tây-lan).
Biểu 29: Tình hình chăn nuôi cừu năm 1972 của một số nước xã hội chủ nghĩa
Tổng số cừu (nghìn con) | Số đầu cừu trên 100 ha (con) | |
Bun-ga-ri | 9.92 | 165 |
CHDC Đức | 1.657 | 25 |
Ba-lan | 2.627 | 14 |
Ru-ma-ni | 14.455 | 97 |
Tiệp khắc | 899 | 13 |
Liên xô | 139.086 | 25 |
Hung-ga-ri | 1.936 | 28 |
Tuy nhiên, khả năng mở rộng sản xuất cừu theo lối quảng canh vẫn có những giới hạn của nó: đồng cỏ, năng suất cỏ tự nhiên, công chăn dắt, sức sinh sản của cừu nuôi theo lối cổ truyền, những hạn chế của giống cừu cũ… Vì lẽ đó, hiện nay Bun-ga-ri đang nghiên cứu những biện pháp để đưa dần ngành nuôi cừu đi vào con đường thâm canh “công nghiệp hóa” giống như các ngành nuôi bò, lợn, gia cầm.
Ở Bun-ga-ri, ngành chăn nuôi trâu đã từng có vị trí đáng kể. Trước ngày giải phóng, đàn trâu có tới 326.720 con. Xu hướng giảm dần này vẫn tiếp diễn. Trước đây, trâu cung cấp trên 11% tổng số sữa, số sữa trâu bằng 30% số sữa bò, chưa kể hàm lượng chất béo trong sữa trâu cao hơn sữa bò. Đến nay sữa trâu chỉ còn bằng 1,7% tổng số sữa và bằng 2,3 số sữa bò. Nguyên nhân cơ bản của sự giảm sút này là: hiệu quả kinh tế của chăn nuôi trâu thấp hơn chăn nuôi bò. Nói cho đúng hơn thì ngành nuôi trâu trở thành lạc hậu không phải vì năng suất của nó giảm sút mà vì năng suất của nó không có khả năng tăng nhanh như năng suất của ngành nuôi bò. Trước ngày giải phóng, năng suất sữa bình quân của một con trâu gần tương đương với năng suất sữa một con bò: 439 lít và 450 lít. Nhưng đến nay do tác động của khoa học kỹ thuật, năng suất sữa bò đã tăng lên rất nhanh và đã cao hơn năng suất của trâu gấp nhiều lần. Năm 1970, năng suất sữa bình quân của một con bò đã đạt tới 2.730 lít ở hợp tác xã và 2.647 lít ở nông trường quốc doanh. Trong những trại chăn nuôi thí nghiệm, năng suất sữa của bò đã có thể đạt tới 9 nghìn lít. Trong khi đó năng suất sữa bình quân của một con trâu mới đạt được 726 lít. Năng suất đó, mặc dầu đã tăng lên gấp rưỡi so với trước, song vẫn chỉ bằng gần 1/3 năng suất sữa của bò. Ngoài ra nếu kể cả hiệu quả kinh tế về các mặt khác như giá trị của thịt, da… thì chăn nuôi bò cũng có ưu thế hơn.
Trước đây khi cơ sở vật chất-kỹ thuật của nông nghiệp còn lạc hậu, sức kéo chủ yếu là động vật, mà năng suất sữa của trâu lại tương đương với bò thì trâu có ưu thế hơn bò. Ngày nay tình hình đã thay đổi, gia súc đã mất chức năng làm động lực cày kéo. Sản xuất thịt, sữa trở thành chức năng chủ yếu của chúng. Hiệu quả kinh tế của chăn nuôi cũng biểu hiện ở các chỉ tiêu đó. Con bò trở thành con vật có ưu thế hơn.
Sở dĩ đàn trâu vẫn chưa bị loại trừ hẳn chỉ vì con trâu phàm ăn hơn, chịu lạnh tốt hơn, do đó dễ nuôi theo lối tự nhiên. Chăn nuôi trâu vẫn được duy trì trong một phạm vi nhất định để tận dụng những đồng cỏ nhỏ, phân tán. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi trâu, Bun-ga-ri đã nhập giống trâu sữa Mu-ra (Ấn Độ) vào để cải lương giống. Tuy nhiên biện pháp này cũng có ý nghĩa hạn chế. Trong khu vực chăn nuôi tập trung, con bò đã hoàn toàn thay thế con trâu.
Để phát triển chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi, thì tiền đề đầu tiên phải có là thức ăn gia súc. Việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất thức ăn gia súc phải “đi trước” việc tăng đàn gia súc. Nguồn thức ăn gia súc chẳng những phải phong phú, vững chắc, đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn phải đảm bảo về chất lượng nữa. Chất lượng của thức ăn (trước hết là giá trị dinh dưỡng của nó) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với ngành chăn nuôi tập trung theo lối công nghiệp. Vì vậy, từ khi chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, công nghiệp hóa thì sản xuất thức ăn gia súc cũng dần dần trở thành một ngành sản xuất hoàn chỉnh, quy mô lớn. Diện tích dành để sản xuất thức ăn gia súc ngày càng lớn: năm 1970 đã đạt tới 679,7 nghìn héc ta (chưa kể đồng cỏ tự nhiên khoảng 2 triệu héc ta). Trong số đó, những diện tích đã có điều kiện thâm canh (như thủy lợi hóa) được tận dụng để phát huy tới mức cao nhất năng suất của đất đai. Trên những diện tích này thường trồng ngô, đỗ tương, cỏ linh lăng (luzerne).
Cây ngô được xem là cây thức ăn gia súc quan trọng số một. Năng suất ngô đã đạt mức bình quân gần 4 tấn/ha và còn có triển vọng cao hơn nữa. Nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật đang được tập trung cho cây này. Trên quy mô thí nghiệm (3 vạn héc ta), ngô đã đạt năng suất 10 tấn hạt/ha. Bun-ga-ri đang phấn đấu để đưa năng suất cao này trở thành phổ biến trên toàn bộ diện tích đã có hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới nước chủ động.
Giữ vị trí quan trọng sau ngô là cỏ linh lăng. Năm 1970, riêng diện tích trồng cỏ linh lăng đã lên tới 343,4 nghìn héc ta, với năng suất 10 tấn cỏ khô/ha.
Các loại phụ phẩm của ngành trồng trọt như rạ, thân cây ngô đều được tận dụng thông qua công nghiệp chế biến.
Trong chăn nuôi hiện đại, thức ăn gia súc không chỉ gồm phế phẩm của người (như cám, bã…) và phụ phẩm của ngành trồng trọt. Thức ăn tinh, thức ăn giàu đạm và các chất dinh dưỡng khác có vị trí ngày càng quan trọng. Ngoài việc trồng các loại cỏ tốt, ngô cây, ngô hạt, Bun-ga-ri còn phát triển mạnh đậu tương. Ngoài ra để xây dựng một số ngành công nghiệp mới: công nghiệp sản xuất vi sinh vật và công nghiệp chế biến bột cá. Gần đây Bun-ga-ri chủ trương không xuất khẩu khô dầu hay hạt có dầu nữa mà dành khô dầu để làm thức ăn giàu đạm cho chăn nuôi.
Biện pháp quan trọng thứ hai để phát triển chăn nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế của chăn nuôi là cải tạo giống gia súc (trong phần cách mạng kỹ thuật đã nói). Thức ăn tốt và giống tốt đã đưa năng suất của ngành chăn nuôi tiến vọt, đạt mức tiên tiến của thế giới.
Mức sống của nhân dân càng được nâng cao thì càng đặt ra những yêu cầu to lớn đối với ngành chăn nuôi. Một mục tiêu có ý nghĩa quan trọng về kinh tế cũng như chính trị đã được đề ra : nâng cao mức tiêu dùng thịt, sữa, trứng cho phù hợp với chế độ ăn uống có căn cứ khoa học. Từ tỷ trọng 33% trong cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp năm 1960, 35,3% năm 1970, 42,9% năm 1974, chăn nuôi sẽ chiếm tỷ trọng 45% năm 1980. Tốc độ phát triển của chăn nuôi cao hơn tốc độ phát triển của trồng trọt chẳng những làm thay đổi cơ cấu của sản xuất nông nghiệp, mà còn làm thay đổi cả cơ cấu của bản thân chăn nuôi và cơ cấu của bản thân trồng trọt nữa.
Nông sản xuất khẩu: Thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu là hai nhiệm vụ chủ yếu của sản xuất nông nghiệp. Vì vậy không phải chỉ có phần sản phẩm “thừa” ngoài mức tiêu dùng trong nước mới được xuất khẩu. Ngay trong những thời kỳ sản xuất nông nghiệp còn chưa phát triển mạnh, xuất khẩu nông sản đã được coi là cơ sở để tích lũy vốn cho công nghiệp hóa và để trao đổi với thị trường ngoài nước lấy máy móc thiết bị cho nông nghiệp và nhiều sản phẩm cần thiết khác (trong đó có lương thực).
Biểu 30: Kim ngạch xuất khẩu qua các thời kỳ (đơn vị: triệu lê-va)
1939 | 1960 | 1970 | 1975 | |
Tổng kim ngạch xuất khẩu | 63,4 | 668,6 | 2.344,5 | 4.466,5 |
Sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong đó :
– Đã qua chế biến – Không qua chế biến |
63,2
41,9 21,5 |
496,0
390,2 105,8 |
1.219,9
1.015,0 204,9 |
1.769,9
1.554,1 215,5 |
Sản phẩm công nghiệp (không dùng nguyên liệu nông nghiệp) | 0,2 | 172,6 | 1.124,6 | 2.696,9 |
Năm 1970 nông sản xuất khẩu chiếm gần 29% giá trị sản lượng nông nghiệp và khoảng 35% lao động nông nghiệp. Một số ngành sản xuất chủ yếu là để xuất khẩu, như thuốc lá xuất khẩu tới 90% sản lượng, cà chua tới 60%. Riêng cà chua sớm thì gần như toàn bộ sản lượng là để xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng với tốc độ hơn 10 lần cao hơn tốc độ phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp: năm 1975 so với năm 1939, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng 27 lần, trong khi sản xuất nông nghiệp chỉ tăng 2,4 lần.
Trong những bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, khi nông nghiệp còn chiếm phần lớn nhất trong tổng sản phẩm xã hội, thì nông sản là nguồn xuất khẩu chủ yếu.
Tỷ lệ của nông sản trong kim ngạch xuất khẩu qua một số năm như sau: năm 1939: 99,6%; năm 1956: 72%; năm 1960: 74,9%; năm 1975: 35,1%.
Tỷ lệ của nông sản trong kim ngạch xuất khẩu ngày càng giảm đi tương đối. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp trong việc tích lũy vốn để công nghiệp hóa đã giảm đi. Trái lại nông sản xuất khẩu vẫn không ngừng tăng lên về lượng tuyệt đối.
Trong quan hệ với thị trường thế giới, những sản phẩm xuất khẩu dưới dạng tươi được trả giá cao hơn sản phẩm chế biến. Trong thời kỳ đầu, Bun-ga-ri đã tranh thủ khả năng này. Khi lao động nông nghiệp còn dồi dào, sản phẩm chưa nhiều lắm, thì thà hao phí nhiều lao động hơn một chút để giành lấy bán giá cao, đó là điều nên làm. Nhưng rồi, với quá trình phát triển toàn diện của nền kinh tế, sản phẩm nhiều lên, lao động thì ngày càng khan hiếm, năng suất lao động trở thành đòn bẩy chủ yếu để phát triển sản xuất, thì sản phẩm xuất khẩu dưới dạng tươi ngày càng giảm, trước tiên giảm về tỷ lệ, rồi sau giảm cả về lượng tuyệt đối nữa. Sản phẩm tươi từ chỗ chiếm 15,6% trong kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1960, giảm xuống còn 12,4% năm 1965, 7,9% năm 1970, 7,8% năm 1972, 5,4% năm 1973, 4,2% năm 1974 và 3% năm 1975. Về lượng tuyệt đối, năm 1972 loại hàng này đạt mức cao nhất: 240,3 triệu lê-va, sau đó thì giảm dần, năm 1975 còn 215,5 triệu lê-va.
Biểu 31: Cơ cấu hàng xuất khẩu
(Giá trị: Triệu lê-va)
1939 | 1956 | 1960 | 1970 | 1973 | |
Tổng số | 63,4 | 353,4 | 668,6 | 2344,5 | 3200,7 |
Hàng công nghiệp nói chung | 42,1 | 299,0 | 562,8 | 2139,6 | 2983,6 |
Riêng hàng công nghiệp chế biến từ nông sản.
Trong đó: – thịt lợn – thịt gia cầm – rau, đậu hộp – quả hộp – rượu và đồ uống – thuốc lá sợi – thuốc điếu |
41,9
0,3 0,8 0,0 0,0 1,4 26,0 0,1 |
199,9
10,6 1,5 4,0 1,4 11,1 51,3 9,2 |
139,5
8,2 4,0 14,5 10,4 27,8 82,7 17,8 |
432,3
8,3 19,6 47,3 29,5 150,1 100,3 204,5 |
460,7
10,5 17,2 72,4 25,6 152,1 119,2 269,5 |
Nông phẩm tươi sống | 21,3 | 54,4 | 105,8 | 204,9 | 217,1 |
(Tỷ lệ %)
1939 | 1956 | 1960 | 1970 | 1973 | |
Tổng số | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Hàng công nghiệp nói chung | 62,6 | 85,3 | 84,4 | 92,1 | 95,5 |
Riêng hàng công nghiệp chế biến từ nông sản | 62,2 | 58,7 | 59,3 | 47,3 | 35,6 |
Nông phẩm tươi sống | 37,4 | 14,7 | 15,6 | 7,9 | 4,5 |
Trong việc sản xuất nông sản để xuất khẩu, Bun-ga-ri đã tập trung cao độ vào một số mặt hàng chủ lực. Những mặt hàng này là những thứ có giá trị kinh tế cao, có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường quốc tế, mà điều kiện sản xuất trong nước lại thuận lợi. Đó là những mặt hàng sau đây:
Biểu 32: Một số nông sản xuất khẩu chủ yếu
1939 | 1956 | 1960 | 1970 | 1973 | |
Thuốc lá sợi (tấn) | 34.761 | 42.492 | 69.388 | 56.360 | 63.626 |
Thuốc lá điếu (tấn) | 35 | 2.539 | 5.081 | 45.038 | 56.278 |
Rượu nho (nghìn lít) | 19.334 | 10.459 | 34.750 | 102.907 | 110.462 |
Rượu mùi (nghìn lít) | 19.673 | 36.872 | 84.789 | 73.329 | |
Rau, đậu hộp (tấn) | 11.467 | 63.718 | 310.128 | 225.696 | 204.328 |
Cà chua hộp (tấn).
Trong đó: – Táo hộp (tấn) – Anh đào (tấn) – Mứt (tấn) |
71.541
14.995 142 – |
85.820
26.616 1.377 4.129 |
132.219
35.828 2.345 33.583 |
255.623
59.989 14.227 37.698 |
244.709
35.476 9.280 41.089 |
Thịt gia cầm (tấn) | 2.181 | 1.862 | 5.203 | 25.709 | 20.383 |
Thịt lợn (tấn) | 1.231 | 16.137 | 14.142 | 7.881 | 7.452 |
Thịt bò (tấn) | – | – | 28 | 6.410 | 6.994 |
Hướng chính của xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu nông sản, là thị trường xã hội chủ nghĩa. Đó là do yêu cầu của phân công lao động quốc tế xã hội chủ nghĩa. Thị trường này vốn có nhu cầu lớn và ổn định về các loại nông sản kể trên. Điều kiện trao đổi trên thị trường này có nhiều thuận lợi cho nước xuất khẩu. Đối với các nước đang phát triển, Bun-ga-ri ngày càng phát triển quan hệ trao đổi, một mặt để có được nguyên liệu và những nông phẩm nhiệt đới, mặt khác cũng là để tăng cường quan hệ với các nước đó. Thị trường tư bản chủ nghĩa cũng được quan tâm song khối lượng hàng hóa trao đổi chỉ tăng lên một cách chậm chạp.
Biểu 33: Cơ cấu thị trường xuất khẩu
1960 | 1970 | 1975 | |
Triệu lê-va | |||
Thị trường XHCN | 561,7 | 1.858,9 | 3.581,6 |
Thị trường DTCN | 23,4 | 152,0 | 464,1 |
Thị trường TBCN | 83,5 | 333,6 | 420,8 |
Tỷ lệ % | |||
Thị trường XHCN | 84,0 | 79,3 | 80,2 |
Thị trường DTCN | 3,5 | 6,5 | 10,4 |
Thị trường TBCN | 12,5 | 14,2 | 9,4 |
Biểu 34: Thị trường xuất khẩu một số nông phẩm chủ yếu
1960 | 1970 | |
Thuốc lá sợi (tấn)
Trong đó: – Liên Xô – Pháp – Tây Đức |
69.388
34.261 1.560 4.706 |
63.626
37.655 4.100 3.763 |
Thuốc lá điếu (tấn)
Trong đó: – Liên Xô – Tiệp khắc |
5.081
3.821 859 |
45.481
3.941 110.462 |
Rượu vang (nghìn lít)
Trong đó: – Liên Xô – CHDC Đức – Áo |
34.750
3.032 9.141 |
110.462
50.236 22.800 10.263 |
Rượu mùi (nghìn lít)
Trong đó: – Liên Xô – Ba-lan – CHDC Đức |
36.872
30.897 1.142 4.713 |
73.329
65.453 5.120 2.713 |
Rau đậu hộp (tấn)
Trong đó: – Liên Xô – CHDC Đức – Tiệp Khắc |
310.128
120.695 71.324 84.927 |
204.328
83.229 30.803 28.090 |
Quả hộp (tấn)
Trong đó: – Liên Xô – CHDC Đức – Tiệp Khắc |
13.219
55.711 26.760 22.413 |
244.709
92.182 52.959 45.457 |
Thịt gia cầm (tấn)
Trong đó: – Liên Xô – CHDC Đức |
5.203
230 1.027 |
20.383
13.793 115 |
Thịt lợn (tấn)
Trong đó: – Ý – Pháp |
14.142
2.791 265 |
7.452
4.648 1.312 |
Thịt bò (tấn)
Trong đó: – Ý – Hy Lạp |
28
– – |
6.994
6.760 103 |
Thịt cừu (tấn)
Trong đó: – Ý |
15
– |
2.541
2.393 |
Trứng (triệu quả)
Trong đó: – Liên Xô – I Rắc – Ru-ma-ni |
436,5
81,2 – 17,0 |
455,2
268,6 110,6 30,3 |
Hoàn thiện cơ chế quản lý nông nghiệp
Những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cải tạo và phát triển nông nghiệp không chỉ là thành quả của những người lao động trong nông nghiệp, mà là thành quả chung của giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, là sự nghiệp chung của toàn xã hội, trong đó nổi bật lên vai trò lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước. Ở đây việc nhận thức đúng đắn những yêu cầu khách quan và những điều kiện thực tế, phát hiện kịp thời những khả năng tiềm tàng và tổ chức để phát huy những khả năng đó, vạch con đường đi đúng và điều khiển những bước đi sao cho thích hợp nhất – đó là tài năng của Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri trong việc lãnh đạo và quản lý nông nghiệp.
Đưa nông nghiệp – một ngành sản xuất to lớn, phức tạp và lạc hậu nhất của xã hội – trải qua một cuộc cách mạng về nhiều mặt, hay nói đúng hơn một loạt cuộc cách mạng, để thay da đổi thịt, trở thành một nền sản xuất lớn, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, đó không thể chỉ là việc xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật, không thể chỉ là tăng thêm vốn đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề quan trọng bao trùm lên hết thảy, và ngày càng quan trọng hơn, do bản thân cơ sở vật chất và quy mô tổ chức đòi hỏi– đó là cơ chế quản lý kinh tế nói chung và quản lý nông nghiệp nói riêng, là những động lực và đòn bẩy của nó, là kịp thời tìm được những hình thức tổ chức và phương thức quản lý phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của nó. Đó cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri.
Khi tổng kết 30 năm lãnh đạo nông nghiệp, đồng chí I. Pra-mốp viết: “Cần phải nhấn mạnh rằng Ban chấp hành trung ương Đảng và Chính phủ nhân dân đã sử dụng một cách tài tình cơ chế quản lý kinh tế trong việc giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan đến sự phát triển nông nghiệp”.
Trong phạm vi nhỏ hẹp mà chúng tôi tìm hiểu được, dưới đây xin trình bày một số nét chủ yếu của cơ chế đó:
- Kế hoạch hóa
Công tác kế hoạch hóa nông nghiệp được thực hiện khi nông nghiệp đã được tập thể hóa. Nhưng những kế hoạch đầu tiên về nông nghiệp thường nặng về nguyện vọng chủ quan mà ít tính đến những điều kiện thực tế khách quan. Các kế hoạch được lập ra với những chỉ tiêu rất chi tiết: mỗi loại cây trồng đều có đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch về diện tích, năng suất, sản lượng, chi phí vật tư, lao động, thời vụ sản xuất…. Tính chất pháp lệnh của kế hoạch được nhấn mạnh quá sớm khi chưa có cơ sở vững chắc. Hầu như không có sự phân biệt nào giữa chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu hướng dẫn. Các cơ quan quản lý muốn nắm chặt ngay sản xuất nông nghiệp thông qua công tác kế hoạch hóa, giống như trong công nghiệp. Tất nhiên, kết quả thực tế không như những điều mong muốn. Sản xuất nông nghiệp lúc đó còn rất phân tán. Tuy lao động và ruộng đất đã được tập thể hóa, nhưng trình độ tổ chức, trình độ hợp tác và phân công lao động vẫn còn rất thấp. Trong nông nghiệp vẫn còn hàng nghìn xí nghiệp sản xuất có tính chất độc lập với nhau và cũng độc lập với nhà nước xét về nhiều phương diện. Trình độ kỹ thuật còn rất thấp, sản xuất còn bị phụ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên. Các hợp tác xã chưa được chuyên môn hóa, tính chất tự cấp tự túc của kinh tế tiểu nông còn nặng. Về phía nhà nước thì cũng chưa có bao nhiêu phương tiện vật chất để tác động vào nông nghiệp. Trong những điều kiện như vậy mà đã sớm thực hiện việc quản lý chặt chẽ, tập trung thì chẳng những ít có tác dụng thiết thực mà hơn nữa còn tạo ra nhiều trở ngại, hạn chế tính chủ động của các cơ sở sản xuất.
Rút kinh nghiệm trên đây, vào cuối những năm 50, công tác kế hoạch hóa đã được sửa đổi lại, nhằm phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người sản xuất. Theo sự sửa đổi này, Nhà nước chỉ còn nắm một chỉ tiêu kế hoạch là giá trị sản phẩm hàng hóa, và chỉ quản lý một số đối tượng sản xuất quan trọng nhất mà thôi. Xí nghiệp có quyền hạn rất rộng rãi. Sự sửa đổi này sớm bộc lộ ra tính chất lỏng lẻo của nó. Do các xí nghiệp chịu tác động khá mạnh của thị trường, kế hoạch nhà nước không được thực hiện đầy đủ, nhiều quan hệ cân đối của nền kinh tế quốc dân không bảo đảm được. Việc thu hẹp quá mức phạm vi chi phối của kế hoạch và mở rộng quá mức quyền chủ động kinh doanh của xí nghiệp cũng có nghĩa là thu hẹp chức năng tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước chuyên chính vô sản. Những khuyết điểm này đã được kịp thời sửa chữa vào đầu những năm 1960.
Từ khi nông nghiệp được tổ chức lại theo hình thức APK thì việc kế hoạch hóa có nhiều cải tiến quan trọng. Những hướng cải tiến chủ yếu là:
- Kế hoạch hóa và quản lý theo ngành kinh tế-kỹ thuật
- Kế hoạch hóa và quản lý tập trung ở mức độ cao hơn
- Tăng cường sử dụng các đòn bẩy kinh tế
Các chỉ tiêu của kế hoạch được xác định theo hướng làm cho xí nghiệp (APK) có quyền chủ động cao hơn trong việc lựa chọn sản xuất cái gì, bao nhiêu, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch là: giá trị sản lượng tính trên 100 héc ta đất canh tác, năng suất lao động của toàn xí nghiệp và của từng ngành sản xuất cụ thế, giá thành sản xuất, đời sống xã viên (thu nhập ngày công và thu nhập hàng năm), doanh lợi của xí nghiệp, của từng ngành và của các loại cây trồng chính, mức thu nhập thuần túy tính trên 100 lê-va vốn đầu tư.
Tháng 7 năm 1972, Chính phủ ban hành một Nghị định đặc biệt về việc áp dụng dần từng bước cơ chế quản lý kinh tế mới vào sản xuất nông nghiệp. Nguyên tắc làm cơ sở cho Nghị định này là: đồng nhất hệ thống hóa của tất cả các ngành kinh tế quốc dân khác, trong đó có tính đến một số nét đặc thù của sản xuất và tổ chức trong nông nghiệp. Đối với lịch sử nông nghiệp và lịch sử kinh tế nói chung của Bun-ga-ri, Nghị định này đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng: nông nghiệp đã được cải tạo về mọi phương diện thành một nền sản xuất lớn, hiện đại, xã hội chủ nghĩa và do đó có thể điều khiển trực tiếp thông qua kế hoạch, giống như công nghiệp.
Việc xây dựng kế hoạch dài hạn cho nông nghiệp được chú trọng. Thời gian của kế hoạch dài hạn là 5 năm, phù hợp với thời gian của kế hoạch Nhà nước nói chung. Kế hoạch 5 năm chẳng những xác định được những nhiệm vụ cơ bản của APK mà còn xác định cả những điều kiện vật chất để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ngoài kế hoạch dài hạn, các APK còn xây dựng kế hoạch triển vọng, với thời gian từ 10-15 năm. Kinh nghiệm cho thấy rằng nếu không có kế hoạch này thì việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung hóa, chuyên môn hóa sẽ không có cơ sở vững chắc. Trên thực tế, có nhiều vườn cây ăn quả do các hợp tác xã xây dựng trước đây, theo tính toán thiển cận của bản thân hợp tác xã đó, nay đã trở thành vật chướng ngại cho việc tập trung hóa và chuyên môn hóa sản xuất ở trình độ cao của các APK.
Sau khi đã xác định các chỉ tiêu của kế hoạch nông nghiệp “có giá trị bắt buộc với cả trung ương lẫn các APK”. Còn các xí nghiệp bao gồm trong APK (hợp tác xã và nông trường) cũng có quan hệ ràng buộc như thế đối với các APK.
Việc đưa các APK vào khuôn khổ hệ thống kế hoạch hóa thống nhất được thực hiện dần từng bước. Năm 1972 mới có hơn 70 APK đi vào quy chế trên. Trong các năm 1973, 1974 số APK còn lại lần lượt được đưa nốt vào hệ thống này.
Năm 1974, Nhà nước ban hành một quy chế bổ sung cho Nghị định tháng 7 năm 1972 nhằm sửa đổi một vài chỗ chưa hợp lý và xác định thêm một số điểm trước đây chưa rõ. Trong quy chế này có mấy điểm mới so với trước.
– Giao cho Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm phối hợp với Ủy ban kế hoạch hóa nhà nước xác định những chỉ tiêu cụ thể về tiến bộ kỹ thuật và về giá thành trong sản xuất nông nghiệp, phân bổ về các tỉnh. Các chỉ tiêu khác trong kế hoạch của các APK và những điều kiện chủ yếu để thực hiện các chỉ tiêu đó thì do Hội đồng nhân dân tỉnh trực tiếp phê chuẩn. Như vậy là quyền quyết định được phân chia bớt cho địa phương và bộ chủ quản.
– Kế hoạch về cơ giới hóa và tự động hóa, về những biện pháp nông học mới có liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ của APK được đưa vào kế hoạch của các liên hợp công nghiệp cụ thể, và lên thành bảng cân đối, do Nhà nước phê chuẩn.
– Các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm được phân bổ cho từng năm và chỉ được phép sửa đổi trong những trường hợp ngoại lệ. Khi xét thấy sự sửa đổi đó là không thể không chấp nhận, thì Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm cùng với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quyết định cho phép sửa đổi. Sự sửa đổi này cũng thực hiện theo nguyên tắc cân đối.
- Quản lý theo ngành
Cùng với việc thành lập các APK là hình thức tổ chức và quản lý kinh tế theo chiều ngang, Bun-ga-ri còn tăng cường những hình thức tổ chức và quản lý theo ngành kinh tế – kỹ thuật, cũng tức là quản lý theo chiều dọc.
Sản xuất càng tập trung hóa và chuyên môn hóa cao thì quản lý theo ngành kinh tế – kỹ thuật cũng tất yếu trở thành hình thức quản lý chủ yếu. Nội dung của chế độ quản lý này là: thống nhất toàn bộ quá trình sản xuất mỗi loại hoặc mỗi nhóm sản phẩm vào một hệ thống tổ chức chuyên trách. Việc tăng cường quản lý theo ngành cho phép tránh bớt sự chồng chéo trong hoạt động của các khâu, các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, kể từ khâu đầu tiên của sản xuất nông nghiệp cho đến khi thành phẩm hoàn chỉnh thông qua công nghiệp chế biến. Theo nguyên tắc gọi là: “đất – thành phẩm”, người ta đặt toàn bộ quá trình hình thành một sản phẩm từ đất qua các khâu sản xuất (nông nghiệp và công nghiệp) cho tới khi thành sản phẩm hoàn chỉnh, nằm trong một hệ thống quản lý thống nhất. Tất nhiên không phải mọi sản phẩm nông nghiệp đều được quản lý theo chiều dọc như thế, mà chỉ những sản phẩm nào đã đạt đến một quy mô sản xuất to lớn, trong đó sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp gắn với nhau đến mức chỉ còn là những khâu khác nhau của một chu trình duy nhất.
Ở trung ương có một cơ quan quản lý chung cả sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp thực phẩm, đó là Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Bộ có trách nhiệm quản lý cả sản xuất nông nghiệp lẫn việc cung cấp vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp.
Đối với từng ngành kinh tế – kỹ thuật, có các Liên hiệp kinh tế (ta gọi là Tổng công ty). Nhiệm vụ của Liên hiệp là quản lý toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm – từ đất trồng và bãi chăn nuôi cho tới thành phẩm. Chính các liên hiệp này là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc: “đất – thành phẩm”.
Riêng đối với ngành sản xuất rau, quả do sản phẩm có đặc điểm là dễ bị hỏng cho nên liên hiệp kinh tế còn phải đảm nhiệm cả khâu lưu thông (bán lẻ trong nước và xuất khẩu). Đó là cách tốt nhất để giảm bớt khâu trung gian, nhờ đó mà giảm được tỷ lệ sản phẩm bị hao phí. Rau quả ngay sau khi thu hái tại vườn, đã được phân loại thứ nào xuất khẩu, thứ nào ăn tươi, thứ nào chế biến, rồi từ vườn chuyển thẳng tới nơi tiêu thụ (cửa hàng bán lẻ trong nước và nước ngoài). Cuối ngày, những sản phẩm không còn đủ tiêu chuẩn ăn tươi được chuyển thẳng về nhà máy chế biến, không cần phải qua thủ tục mua bán rườm rà. Chỉ có một tổ chức quản lý thống nhất mới tạo được những điều kiện như vậy.
Các liên hiệp kinh tế còn được giao nhiệm vụ tổ chức việc xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của ngành mình, và nhập khẩu một số vật tư, thiết bị cần thiết, dưới sự hướng dẫn và chỉ đạo thống nhất của Bộ Ngoại thương.
Liên hiệp kinh tế thống nhất quản lý vốn đầu tư của Nhà nước trong ngành mình và có nhiệm vụ sử dụng vốn đó sao cho có hiệu quả nhất.
Trong tổ chức của các liên hiệp kinh tế, còn có cả các cơ sở nghiên cứu khoa học như các viện nghiên cứu chuyên ngành, các trạm, trại thí nghiệm,… Ví dụ: Viện lúa mạch được đặt trực thuộc Liên hiệp kinh tế bia, Viện rau trực thuộc Liên hiệp kinh tế rau, quả.
Năm 1972, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, có 11 ngành kinh tế – kỹ thuật do 11 liên hiệp kinh tế sau đây phụ trách:
- Liên hiệp kinh tế rau, quả (Bulgarplod)
- Liên hiệp kinh tế thịt (Rodopa)
- Liên hiệp kinh tế rượu và nước ngọt (Vinprom)
- Liên hiệp kinh tế thuốc lá (Bulgarlabak)
- Liên hiệp kinh tế ngũ cốc (Liên hiệp này quản lý cả công nghiệp dầu hướng dương và công nghiệp làm xà phòng)
- Liên hiệp kinh tế bia
- Liên hiệp kinh tế đường
- Liên hiệp kinh tế thức ăn gia súc
- Liên hiệp kinh tế cá (cả cá nước ngọt và cá biển)
- Liên hiệp kinh tế cơ khí nông nghiệp
- Liên hiệp kinh tế thủy lợi.
Liên hiệp kinh tế với tính cách là một cơ quan quản lý kinh tế theo ngành dọc, là một hình thức tổ chức mới trong hệ thống quản lý của Bun-ga-ri. Liên hiệp kinh tế ra đời vào năm 1965, chủ yếu là trong công nghiệp. Qua mấy năm hoạt động, do có nhiều ưu điểm, nó mau chóng được áp dụng cho các ngành kinh tế khác. Sang những năm 70, liên hiệp kinh tế được áp dụng cho cả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, vai trò của nó không hoàn toàn giống như trong các ngành khác. Đơn vị sản xuất nông nghiệp là các APK. Đó là những xí nghiệp độc lập trực thuộc bộ. Hơn nữa, mỗi APK lại sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, tuy vẫn chuyên môn hóa trên một hoặc một số sản phẩm chủ yếu. Đó là những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp mà việc tổ chức quản lý theo ngành dọc cần phải tính đến.
Trong thực tế, các Liên hiệp kinh tế chỉ trực tiếp nắm các khâu chế biến, vận tải, bảo quản và lưu thông nông phẩm. Còn khâu đầu tiên tức là khâu bắt đầu từ đất đai, nhằm sản xuất ra nguyên liệu đầu tiên, là việc của bản thân các APK, dựa theo kế hoạch Nhà nước. Đối với các khâu này các Liên hiệp kinh tế không trực tiếp nắm, mà chỉ tác động vào thông qua hợp đồng 2 chiều, trên nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm. Nội dung cơ bản của các hợp đồng này là việc cung cấp vật tư và sản phẩm: các APK bán nông phẩm cho Liên hiệp kinh tế với số lượng và giá quy định, Liên hiệp kinh tế cung cấp cho APK những phương tiện vật chất cần thiết để thực hiện hợp đồng đó. Hợp đồng được ký theo kỳ hạn một năm. Nếu tình hình không có gì thay đổi thì năm sau chỉ ký kết để xác nhận quan hệ như cũ, có sửa đổi chút ít về các định mức nếu cần. Sau 5 năm thì buộc phải làm lại hợp đồng mới.
Hiện nay, vấn đề quan hệ giữa các APK và Liên hiệp kinh tế, cũng tức là quản lý theo chiều ngang và quản lý theo chiều dọc trong sản xuất nông nghiệp, vẫn là vấn đề được đặt ra nghiên cứu để hoàn thiện thêm.
- Quản lý tập trung
Cùng với việc thành lập các APK, việc quản lý nông nghiệp cũng được cải tiến theo hướng tập trung hơn, các khâu trung gian giảm bớt rất nhiều. Trung ương trực tiếp nắm các APK và Liên hiệp kinh tế.
Ngày nay, APK là một cấp kế hoạch không phải cấp quận mà là Hội đồng chính phủ trực tiếp xét duyệt những chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của các APK (32 loại nông sản chủ yếu). Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm cùng với Ủy ban kế hoạch Nhà nước ở trung ương trực tiếp hướng dẫn và giúp đỡ các APK xây dựng kế hoạch, với sự giúp sức của cấp quận (cơ quan quy hoạch của quận). Như vậy, việc điều hòa phối hợp các hoạt động kinh tế – kỹ thuật của các đơn vị sản xuất với hoạt động của các ngành được thực hiện ngay khi xây dựng kế hoạch của cơ sở sản xuất. Kế hoạch được thực hiện rất chi tiết, chu đáo – giống như kế hoạch của các xí nghiệp công nghiệp, nhằm đảm bảo cơ sở khoa học cho việc thực hiện. Có tới 900 chỉ tiêu lớn, nhỏ được ghi vào kế hoạch sản xuất của các APK. Kế hoạch này thể hiện đầy đủ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân cùng các khả năng thực hiện – cả các khả năng của các bản thân APK lẫn sự tham gia của các ngành kinh tế có liên quan. Sau khi được thông qua, kế hoạch sản xuất của APK mang tính chất pháp lệnh không chỉ riêng đối với APK mà cả với các ngành phục vụ cho việc sản xuất đó.
Đối với các Liên hiệp kinh tế cũng vậy. Kế hoạch của Liên hiệp kinh tế do Hội đồng Chính phủ trực tiếp xét duyệt, Liên hiệp kinh tế chịu trách nhiệm về kế hoạch ngành mình trước Hội đồng chính phủ. Tổng giám đốc Liên hiệp kinh tế là một thành viên trong tập thể lãnh đạo của Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Đối với những ngành kinh tế kỹ thuật có vị trí quan trọng trong việc xuất khẩu thì Tổng giám đốc Liên hiệp kinh tế còn là thành viên của cả tập thể lãnh đạo Bộ Ngoại thương nữa, cách tổ chức này tạo thuận lợi cho việc điều hòa, phối hợp hoạt động của các ngành kinh tế, kỹ thuật trong phạm vi nông nghiệp, trong khi vẫn đảm bảo tính độc lập và quyền chủ động cao của các ngành này.
Như trên ta thấy, sản xuất nông nghiệp đã được quản lý tập trung cao độ. Việc quản lý tập trung lần này so với việc quản lý tập trung trong giai đoạn đầu của nền nông nghiệp tập thể hóa, có một điểm khác căn bản: lần này, nó đã có đủ những điều kiện vật chất để thực hiện. Những điều kiện đó là:
- Lực lượng sản xuất đã phát triển khá mạnh. Sản xuất đã được tập trung hóa, chuyên môn hóa và cơ giới hóa. Nói tóm lại, sản xuất nông nghiệp đã được công nghiệp hóa và ngày càng được công nghiệp hóa với trình độ cao hơn. Đó chính là điều kiện cơ bản để áp dụng lối quản lý công nghiệp vào nông nghiệp.
- Do sản xuất đã được tập trung hóa, số lượng các đơn vị sản xuất thu nhỏ lại, chỉ còn 170 APK và 11 liên hiệp kinh tế. Những đơn vị này lại có khả năng hoạt động độc lập rất cao. Việc quản lý tập trung thực ra chỉ nhằm vào những cân đối lớn, những biện pháp lớn.
- Sử dụng các đòn bẩy kinh tế
Quá trình đưa nông nghiệp đi lên sản xuất lớn cũng chính là quá trình tổ chức lại nền sản xuất một cách chủ động, sáng tạo, trong đó việc vận dụng một cách tự giác các quy luật kinh tế có vai trò hết sức quan trọng. Tất nhiên, ở Bun-ga-ri cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, việc nhận thức các quy luật và tìm ra những biện pháp thích hợp để vận dụng các quy luật (trong đó có các đòn bẩy kinh tế) là việc mà phải qua nhiều năm, qua nhiều thử thách và thể nghiệm mới dần dần hoàn chỉnh được.
Trong quá trình chỉ đạo nông nghiệp, Đảng và Nhà nước Bun-ga-ri có nhiều chính sách làm đòn bẩy kinh tế, trong đó đáng chú ý là chính sách giá cả và chính sách đầu tư.
Chính sách giá cả là một đòn bẩy kinh tế quan trọng hàng đầu, đồng thời là một vấn đề chính trị cực kỳ trọng yếu.
Trong vô vàn các mối quan hệ kinh tế của nền sản xuất xã hội, thì mối quan hệ cơ bản nhất, rộng lớn nhất là quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tức quan hệ giữa hai bộ phận sản xuất xã hội lớn nhất. Do đó, quan hệ giữa giá cả nông sản với giá cả công nghệ phẩm có tầm quan trọng cực kỳ to lớn. Chính sách giá cả phải đảm bảo được mối tương quan hợp lý giữa hai ngày này, nhằm mục đích cao nhất là đẩy mạnh sản xuất của cả hai ngành phát triển, cũng có nghĩa là bảo đảm sự phát triển tốt nhất của nền sản xuất xã hội. Nói riêng về nông nghiệp, giá mua nông sản và giá bán công nghệ phẩm cho nông nghiệp phải tính đến, hay nói đúng hơn, phải bảo đảm được sự tái sản xuất mở rộng của nông nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là chính sách giá cả phải bảo đảm cho người nông dân bù đắp được chi phí sản xuất cần thiết và có tích lũy. Bun-ga-ri cho đó là quan điểm có tính nguyên tắc. Vả chăng, tầm quan trọng của nguyên tắc này cũng đã được thể nghiệm trực tiếp trong thực tiễn ở Bun-ga-ri.
Sau ngày giải phóng, như trên đã nói, việc quản lý kinh tế nặng về sử dụng các biện pháp hành chính. Nhà nước buộc phải nắm toàn bộ nông sản hàng hóa mới cân đối được nhu cầu về nông sản trên phạm vi toàn quốc. Hình thức trao đổi tự do, tức thị trường tự do bị xóa bỏ. Trong khi đó chính sách giá cả lại chưa được hợp lý. Nói chung, giá mua nông phẩm quá thấp so với giá trị thực tế. Hậu quả là: những sản phẩm nằm trong diện thu mua bị thu hẹp sản xuất một cách tự phát.
Năm 1948, chính sách giá cả và quản lý nông sản có được sửa lại chút ít. Giá thu mua các loại nông sản chủ yếu như lương thực, thuốc lá, lanh, gai… được nhích lên. Riêng giá mua khuyến khích được nâng lên cao hơn từ 50-100% so với giá mua theo nghĩa vụ. Đối với một số loại nông sản quý như hướng dương, bông, thuốc lá, len… thì người bán được ưu tiên cung cấp những tư liệu sản xuất, giống, thức ăn gia súc. Đi đôi với việc tăng giá mua nông sản. Nhà nước có chính sách hạ giá bán tư liệu sản xuất cho nông nghiệp, vừa nhằm hạ chi phí sản xuất, tăng tích lũy của hợp tác xã, vừa nhằm khuyến khích việc áp dụng kỹ thuật mới trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, những sự sửa đổi đó chỉ là những biện pháp chống đỡ phần nào những khó khăn do bản thân các quan niệm về giá cả nông sản và thái độ đối với nông dân gây ra. Lúc này, ở Bun-ga-ri có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này. Song, ý kiến quyết định là: không có gì sai về quan niệm, chỉ cần điều chỉnh các biện pháp. Chính vì lẽ đó nên qua nhiều lần sửa đổi, ban hành khá nhiều luật lệ mới, song nguyên tắc cơ bản nhất của chính sách giá cả là phải bảo đảm bù đắp được chi phí sản xuất và có tích lũy cho người sản xuất thì vẫn không thực hiện được. Nhiều ngành sản xuất vẫn không có lãi, thậm chí bị lỗ vốn. Vấn đề chính là ở khâu hạch toán giá thành. Mà cách tính toán giá thành trong một chừng mực rất lớn, lại tùy thuộc ở quan điểm của người tính toán. Vì xác định giá thành thiếu chính xác, hệ thống giá cả không hợp lý, cho nên phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần.
Năm 1956 đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong chính sách giá cả và thu mua nông sản. Trong phần hợp tác hóa đã trình bày cụ thể cách nhìn mới của Đảng Cộng sản Bun-ga-ri và những luận điểm cơ bản của đồng chí Tô-đo Gip-cốp giải thích về sự biến chuyển này.
Chính sách giá cả được sửa đổi và hoàn thiện trong nhiều đợt cải cách, song năm 1956, với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng Tư năm đó, vẫn là cái mốc mở đầu cho cả một loạt sửa đổi quan trọng trong lĩnh vực này. Ý nghĩa to lớn của Nghị quyết đó là ở chỗ: nó là sự chuyển biến trong quan điểm đối với vấn đề giá cả nông sản và vấn đề nông dân. Chính sự chuyển biến này là điều kiện để dẫn tới hàng loạt chuyển biến thực sự trong chính sách, biện pháp và hành động cụ thể. Vì lẽ đó mà cho đến nay, các đồng chí Bun-ga-ri vẫn đánh giá rất cao ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Trung ương tháng Tư năm 1956.
Đồng chí Pra-mốp, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Bí thư trung ương Đảng trong cuốn tổng kết về lịch sử phát triển nông nghiệp của Bun-ga-ri trong 30 năm, viết: “Hội nghị Trung ương tháng Tư năm 1956 có một tầm quan trọng lớn đối với bước nhảy vọt của phong trào hợp tác hóa ở Bun-ga-ri. Hội nghị đã xác nhận những sai lầm nghiêm trọng trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời kỳ trước đó. Trong thời kỳ này, đã tồn tại một số thứ lý luận chủ quan chủ nghĩa về vai trò và sự đóng góp của nông dân vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo những lý luận này, người ta cho rằng việc nông dân hợp tác xã bán nông sản cho Nhà nước với giá thành thấp hơn giá thực tế lại là việc đúng đắn và cần thiết, viện cớ rằng có thể coi đó là sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thứ quan điểm sai lầm này đã vi phạm nguyên tắc lợi ích vật chất, không động viên nông dân phấn đấu để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nó đã kìm hãm sự phát triển bình thường của các hợp tác xã. Hội nghị Trung ương tháng Tư, mà nay đã đi vào lịch sử, không chỉ góp phần quyết định vào việc xóa bỏ những quan điểm sai lầm đó, mà còn mở ra một tiền đồ rộng lớn và xán lạn cho sự phát triển của đất nước cả về chính trị, kinh tế và văn hóa. Những quyết định của Hội nghị tạo ra một sức đẩy đặc biệt mạnh mẽ đối với sự phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung… Việc thực hiện những quyết định đó đã mau chóng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Những kết quả này biểu hiện trước hết ở việc tăng số vốn đầu tư dành cho việc mở rộng và củng cố cơ sở vật chất của sản xuất trong các hợp tác xã, ở việc vận dụng những phương pháp mới để kế hoạch hóa sản xuất nông nghiệp, ở chế độ hợp đồng trong việc mua nông phẩm và ở việc tăng thu nhập của hộ nông dân xã viên… Tất cả những điều đó đã tạo ra một sức đẩy mới đối với sự phát triển nông nghiệp…”
Trong một bài tổng kết về các giai đoạn thực hiện cải tạo nông nghiệp, đồng chí G. Crat-chép, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm viết: “Những quyết định lịch sử của Hội nghị trung ương tháng Tư năm 1956 đã mở rộng đường cho những lực lượng sáng tạo, và có một tầm quan trọng cực kỳ to lớn đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Chúng ta thực sự khó có thể thấy được những thành tựu ngày nay (1974) của nông nghiệp nếu không có những quyết định của Hội nghị này. Chính Hội nghị đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong cách quan niệm về vai trò của nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhờ những quyết định đó, nguyên tắc lợi ích vật chất đã được thiết lập. Cũng từ đây đã có một sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển và củng cố cơ sở vật chất của các hợp tác xã và nâng cao mức sống của nông dân”.
“Hội nghị tháng Tư năm 1956 của Trung ương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với nông nghiệp. Hội nghị xác nhận rằng kinh tế nông nghiệp không phải trong điều kiện nào cũng đáp ứng được những nhu cầu của công nghiệp và kinh tế quốc dân nói chung… Những sửa đổi trong chế độ mua nông phẩm có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với tình hình tài chính của các hợp tác xã mà đối với cả việc cải thiện quan hệ kinh tế giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp”.
Năm 1976 vừa qua, Bun-ga-ri tổ chức kỷ niệm 20 năm Hội nghị tháng Tư năm 1956, với mục đích là nhân dịp này, nhìn lại 20 năm thực hiện những quan điểm đã được xác định từ Hội nghị trên và trên cơ sở những kết quả thực tế của 20 năm đó, kiểm nghiệm tính đúng đắn và ý nghĩa lịch sử của những quyết định mới mẻ mà Đảng đề ra. Một tập sách lớn đã được phát hành trong dịp kỷ niệm này, với đầu đề: “Đại thắng trên hướng đi tháng Tư của Đảng”. Ta có thể thấy được sự đánh giá của các đồng chí Bun-ga-ri về Hội nghị này qua một số đoạn sau đây:
“Cuộc sống đã xác nhận tính đúng đắn hoàn toàn của những quyết định của Hội nghị Trung ương tháng Tư lịch sử. Đường lối tháng Tư trong thực tiễn – đó không phải là cái gì khác mà là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác Lê-nin vào những điều kiện ngày nay của đất nước ta, đó là sự tôn trọng đầy đủ những quy luật kinh tế khách quan đã được phát hiện”.
“Chính nhờ có đường lối tháng Tư mà đã có thể giành được thắng lợi rực rỡ trong việc công nghiệp hóa đất nước và cải tạo căn bản nền sản xuất nông nghiệp”.
“Hội nghị tháng Tư đã vạch ra những biện pháp cụ thể để cải tiến chế độ đãi ngộ đối với người lao động, nâng cao đáng kể quỹ tiêu dùng xã hội, tạo những điều kiện hiện thực để ổn định vật giá”.
Nhìn vào những kết quả cụ thể của 20 năm qua, chúng ta thấy rằng những quyết định mạnh dạn của Đảng Cộng sản Bun-ga-ri trong việc nâng giá mua nông phẩm, xóa bỏ dần chế độ thu mua theo nghĩa vụ, áp dụng triệt để chế độ mua theo hợp đồng hai chiều…. đã có tác dụng rõ rệt trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng, năng suất, tăng tích lũy cho các đơn vị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ cải tiến kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất trong nông nghiệp, nâng cao mức sống của những người lao động nông nghiệp, đồng thời lại bảo đảm cho xã hội một nguồn nông sản dồi dào hơn trước gấp bội.
Cùng với chính sách giá cả, Nhà nước sử dụng chính sách đầu tư như một đòn bẩy mạnh mẽ đối với sản xuất, đặc biệt đối với việc xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của sản xuất.
Trong giai đoạn đầu, Nhà nước đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho nông nghiệp: đầu tư vào thủy lợi, vào trạm máy kéo và máy móc nông nghiệp. Để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước còn có chính sách bù lỗ cho việc sử dụng máy kéo; tỷ lệ của khoản bù lỗ này chiếm tới 30% chi phí thực tế. Đến khi các hợp tác xã phát triển khá vững vàng, quy mô của hợp tác xã khá lớn, Nhà nước có chủ trương bán máy cho hợp tác xã, thì lại có chính sách bán máy với giá rẻ và cho trả dần trong thời gian 20 năm – thực chất là trao máy cho hợp tác xã quản lý nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nhà nước chú trọng đầu tư vốn và thiết bị kỹ thuật vào những ngành mà tỷ lệ lãi còn thấp hoặc chưa có lãi, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Ngành chăn nuôi thuộc trường hợp đó.
Bun-ga-ri còn cải tiến chính sách phân phối thu nhập của hợp tác xã, sử dụng chính sách phân phối như một trong những công cụ để xóa bỏ dần sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau. Thông qua chính sách phân phối, một bộ phận thu nhập của hợp tác xã cũng biến thành quỹ đầu tư tập trung dành cho những nơi mà sản xuất gặp khó khăn do thiên tai gây ra. Chính sách phân phối này có một số điểm đáng chú ý như sau:
- Vì thuế nông nghiệp đánh vào ruộng đất đã bị xóa bỏ, cho nên để thu hồi một phần “địa tô chênh lệch” và đảm bảo nghĩa vụ công bằng của nông dân đối với xã hội, Nhà nước ban hành chính sách thuế thu nhập đánh vào thu nhập ròng của hợp tác xã. Theo chính sách này, nơi có thu nhập ròng cao thì tỷ lệ thuế cao và ngược lại. Nơi sản xuất trong điều kiện khó khăn thì được miễn thuế. Tính trung bình, thuế thu nhập chiếm khoảng 4,5% thu nhập ròng của xí nghiệp và bằng 12% quỹ tiền lương của xí nghiệp.
- Các xí nghiệp nông nghiệp còn phải trích một phần lợi nhuận để lập quỹ bảo hiểm sản xuất. Khác với quỹ xã hội của xí nghiệp, quỹ bảo hiểm sản xuất này được tập trung lên trung ương, do trung ương quản lý. Trung ương sử dụng quỹ này để trợ cấp cho những nơi sản xuất gặp khó khăn do thiên tai gây ra. Về thực chất, đó cũng là một quỹ đầu tư vào sản xuất. Tính trung bình, quỹ bảo hiểm sản xuất chiếm khoảng 4% thu nhập của xí nghiệp.
Nâng cao mức sống của nông dân và nhân dân
Phát triển sản xuất xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kỹ thuật ngày càng cao nhằm thỏa mãn ngày càng đầy đủ nhu cầu vật chất và văn hóa của nhân dân, đó là mục đích cao nhất của chủ nghĩa xã hội. Tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, từng bước biến đổi cơ cấu sản xuất, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm đưa nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, cũng không ngoài mục đích đó. Mọi thành quả của công cuộc cải tạo và phát triển nông nghiệp ở Bun-ga-ri, vì vậy đều phản ánh vào mức sống của nông dân Bun-ga-ri, hay nói rộng hơn: vào mức sống của nhân dân nông thôn Bun-ga-ri (bao gồm cả công nhân và trí thức hoạt động ở nông thôn).
Sáng tạo ra những thành tựu ấy và hưởng thụ những thành quả ấy đương nhiên không phải chỉ riêng nông dân, mà là nhân dân lao động nói chung, bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất của nông nghiệp, vẫn là nông dân. Qua nghiên cứu mức sống của nông dân, chúng ta càng thấy rõ sự chuyển biến cách mạng của nông nghiệp Bun-ga-ri từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa là to lớn và sâu sắc nhường nào.
Những số liệu sau đây cho chúng ta một cái nhìn khái quát về mức sống của nhân dân Bun-ga-ri nói chung.
Biểu 35: Quỹ tiêu dùng tính theo đầu người
1952 | 1956 | 1960 | 1965 | 1970 | 1973 | |
Quỹ tiêu dùng tính theo đầu người (lê-va) |
279 | 308 | 412 | 589 | 874 | 1.054 |
Tiêu dùng cá nhân tính theo đầu người (lê-va) | 256 | 290 | 394 | 569 | 839 | 1.001 |
Tốc độ tăng (%) | 100 | 139 | 186 | 230 | 339 | 400 |
Biểu 36: Sản phẩm tiêu dùng tính theo đầu người
Sản phẩm | Đơn vị | 1956 | 1960 | 1970 | 1975 |
Bánh mì và các loại bánh | Kg | 257,0 | 261,4 | 238,8 | 220,0 |
Thịt và sản phẩm từ thịt | Kg | 26,6 | 29,1 | 41,4 | 56,6 |
Dầu và mỡ | Kg | 11,2 | 14,0 | 16,2 | 18,0 |
Sữa | Lít | 81,0 | 92,3 | 116,6 | 142,0 |
Trứng | Quả | 69 | 84 | 122 | 145 |
Đường | Kg | 11,6 | 17,7 | 32,9 | 34,0 |
Rau | Kg | 73,3 | 97,2 | 88,9 | 94,0 |
Quả | Kg | 83,5 | 95,3 | 148,2 | 118,0 |
Vải bông | M2 | 13,4 | 16,4 | 22,2 | 26,5 |
Vải len | M2 | 2,3 | 3,0 | 3,8 | 4,9 |
Giầy da | Đôi | 0,7 | 0,9 | 1,7 | 2,1 |
Tính bình quân, mỗi người dân có thu nhập trên 1.000 lê-va. Đây chỉ là phần thu nhập dành riêng cho tiêu dùng, sau khi đã trừ đi phần tích lũy để mở rộng sản xuất. So sánh năm 1973 với năm 1952 (không có số liệu thời kỳ trước giải phóng), quỹ tiêu dùng tăng gấp 4 lần.
Nhìn chung những sản phẩm tiêu dùng tính theo đầu người, ta thấy những thực phẩm cao cấp (thịt, sữa, trứng,…) tăng lên với tốc độ nhanh nhất. Này nay với những chỉ tiêu đã đạt được, Bun-ga-ri có thể xếp vào loại nước có mức sống tương đối cao trên thế giới.
Trong điều kiện thu nhập của nông dân đã vươn lên ngang mức thu nhập của công nhân, viên chức, thì mức sống chung của nhân dân cũng là mức sống của nông dân.
Biểu 37: Thu nhập của các tầng lớp dân cư tính theo đầu người (Đơn vị: lê-va)
1956 | 1960 | 1970 | 1975 | |
Mức bình quân chung | 347 | 514 | 938 | 1.246 |
Công nhân | 409 | 545 | 911 | 1.200 |
Viên chức | 466 | 594 | 1.065 | 1.345 |
Nông dân | 273 | 463 | 908 | 1.240 |
Từ mức sống thấp nhất trong xã hội, ngày nay mức sống của nông dân đã đạt mức bình quân chung của xã hội, nhờ tốc độ cải thiện đời sống của nông dân nhanh hơn tốc độ chung. Trong 20 năm, thu nhập của nông dân tăng 4,5 lần, trong khi thu nhập bình quân toàn xã hội chỉ tăng 3,5 lần. Rõ ràng đây là một bước tiến rất lớn, không những về mặt kinh tế mà cả về mặt chính trị, văn hóa và xã hội nữa.
Nhờ nâng cao năng suất lao động (và một phần nhờ có chính sách giá cả đúng đắn), giá trị ngày công trong nông nghiệp được nâng lên nhanh chóng: từ 0,98 lê-va trong thời kỳ 1951-1955 lên 4,53 lê-va trong thời kỳ năm 1971-1972.
Cần nói thêm là quá trình cải thiện đời sống nói trên diễn ra đồng thời với việc nâng cao tỷ lệ tích lũy để mở rộng sản xuất. Trong những năm gần đây, quỹ tích lũy thường chiếm tỷ lệ trên dưới 30% thu nhập quốc dân.
Trong tiêu dùng của nông dân, những vật phẩm cao cấp tăng tốc với tốc độ nhanh nhất. Thức ăn có chất dinh dưỡng cao như thịt, sữa, trứng tăng 2 lần trong 20 năm. Phần bánh và chất bột, sau một quá trình tăng lên để đạt và vượt yêu cầu của sự “no đủ”, đã có chiều hướng giảm đi, để thay thế bằng những thức ăn có chất lượng cao hơn. Cũng trong thời gian trên, mức chi dùng của nông dân về quần áo tăng 3 lần, về nhà ở và tiện nghi trong nhà tăng 4 lần. Trong cơ cấu tiêu dùng của một gia đình nông thôn, phần chi về ăn từ 52,6% năm 1962 giảm xuống còn 45,6% năm 1972 trong khi đó, phần mua sắm đồ dùng trong nhà từ 4% tăng lên 6%.
Bên cạnh những phần thu nhập được phân phối trực tiếp qua tiền lương, nông dân còn nhận được một phần thu nhập quan trọng thông qua quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ phúc lợi công cộng. Theo quyết định của Hội nghị Trung ương tháng Tư năm 1956, các hợp tác xã phải dành một phần thu nhập để lập các quỹ xã hội, nhằm bảo hiểm cho người già, người tàn tật, người mất sức lao động, trợ cấp cho phụ nữ sinh đẻ và giải quyết các nhu cầu xã hội khác ở nông thôn. Chỉ riêng các khoản trợ cấp xã hội đã chiếm 12,5% thu nhập bằng tiền của nông dân. Nếu kể cả thu nhập từ những quỹ phúc lợi công cộng thì tỷ lệ còn cao hơn nhiều. Đảng Cộng sản Bun-ga-ri chủ trương tăng cường các quỹ xã hội và quỹ phúc lợi công cộng, nhằm phát huy đến mức cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng là để tăng cường sự gắn bó của nông dân với kinh tế tập thể. Cũng vì vậy, Bun-ga-ri được đánh giá là nước có chế độ phúc lợi xã hội tiến tiến nhất thế giới.
Quỹ xã hội trong nông nghiệp vừa có khối lượng lớn, vừa tăng với tốc độ đặc biệt nhanh, theo đường lối chiến lược là sớm khắc phục sự chênh lệch giữa mức sống của nhân dân thành thị và mức sống của nhân dân nông thôn.
Biểu 38: Quỹ xã hội tính theo đầu người
1952 | 1956 | 1960 | 1965 | 1970 | 1973 | |
Mức chung (lê-va).
Trong đó: – Công nhân, viên chức – Nông dân tập thể |
34
46 27 |
48
66 36 |
80
111 70 |
132
143 117 |
251
265 226 |
314
317 312 |
Tốc độ phát triển chung (%)
– Công nhân, viên chức – Nông dân tập thể |
100
100 100 |
140,2
142,5 133,2 |
261,0
236,6 259,3 |
386,5
307,1 434,2 |
736,3
569,0 837,3 |
922,1
681,8 1154,1 |
Tính chung cả nước trong 21 năm (1952-1973) quỹ xã hội theo đầu người tăng 9,2 lần, trong khi quỹ tiêu dùng trực tiếp tăng trên 4 lần. Riêng trong nông dân quỹ xã hội tăng 11,5 lần. Nếu xét về lượng tuyệt đối, thì quỹ đó (tính theo đầu người) đạt xấp xỉ mức của công nhân, viên chức.
Bun-ga-ri là một trong những nước đầu tiên trên thế giới mà ở đó, nông dân được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. Theo quyết định của Hội nghị Trung ương tháng Tư năm 1956, Chính phủ ban hành một đạo luật có hiệu lực từ 1-1-1957 quy định rằng mọi nông dân xã viên – nữ tuổi 55, nam từ 60 tuổi được hưởng lương hưu trí. Từ 1-1-1976 chế độ hưu trí đối với nông dân được nâng lên ngang chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức. Những người chưa đến tuổi hưu trí nhưng mất sức lao động cũng được hưởng chế độ đó. Hiện nay, toàn nông thôn Bun-ga-ri có khoảng 1 triệu người được hưởng lương hưu trí vì già hoặc mất sức lao động (so với dân cư nông thôn hiện nay là trên 3 triệu người). Đây là một bước tiến lớn trên con đường xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Mức lương hưu trí tối thiểu là 50 lê-va/tháng. Từ năm 1973, những lão nông trên 70 tuổi và những người tàn tật được phụ cấp 10 lê-va thêm vào mức lương hưu đã có. 430.000 người thuộc diện này. Ngoài ra, nông dân còn nhận được nhiều khoản trợ cấp xã hội khác như trợ cấp thương tật, trợ cấp bệnh nghề nghiệp…
Một phần của quỹ xã hội được sử dụng vào việc chăm sóc trẻ em và trợ cấp cho phụ nữ khi sinh đẻ. Khi sinh đứa con đầu tiên, người mẹ được nghỉ 4 tháng, hưởng lương toàn phần. Nếu muốn nghỉ thêm nữa thì được thỉ 6 tháng tiếp sau đó, hưởng lương tối thiểu. Đối với đứa con thứ 2 thì 5 tháng đầu hưởng toàn phần và 7 tháng sau hưởng lương tối thiểu. Đối với đứa thứ 3, thời gian tương ứng là 6 tháng và 8 tháng. Để chăm sóc con, nếu cần nghỉ thêm nhiều hơn số tháng đã quy định ở trên, người mẹ có quyền nghỉ không lương cho tới khi con lên 3 tuổi. Thời gian nghỉ đó vẫn được tính vào thâm niên công tác. Khi sinh đẻ, phụ nữ được nhận trợ cấp như sau: đối với đứa con đầu từ 20 đến 100 lê-va, con thứ 2 từ 200 đến 250 lê-va, con thứ 3 là 500 lê-va.
Quỹ xã hội còn được sử dụng để bảo hiểm cho các trường hợp bị mất sức lao động, để cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm việc nghỉ ngơi cho quần chúng lao động. Năm 1975 có 40 vạn người, tức khoảng 1/3 số lao động nông nghiệp đã được hưởng chế độ này. Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp giảm bớt rõ rệt. Chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, nhờ cải thiện điều kiện lao động nên đã tiết kiệm được 5 triệu lê-va tiền trợ cấp vì mất sức. Số tiền đó được sử dụng để mở rộng cơ sở vệ sinh phòng bệnh và khuyến khích vật chất trong sản xuất.
Ngoài các khoản trợ cấp bằng tiền, nông dân còn được phân phối bằng hiện vật qua các quỹ phúc lợi công cộng. Trong những năm còn tuổi lao động, nông dân được hưởng các chế độ nghỉ mát, nghỉ dưỡng sức. Các hợp tác xã đã xây dựng nhiều nhà nghỉ mát và nhà nghỉ dưỡng sức ở ven biển, hàng năm thu hút hàng chục vạn người. Khi ốm đau, nông dân được chữa bệnh không mất tiền. Cơ sở y tế phát triển rất mạnh ở nông thôn. Năm 1970, tính bình quân, cứ 1.000 dân ở nông thôn đã có 69 giường bệnh – gần bằng nửa ở thành phố (80 giường/1.000 dân). Phụ nữ và trẻ em được quan tâm đặc biệt. Trong nông thôn, có tới 2.056 cơ sở y tế chuyên phục vụ đối tượng này. Tuy chưa phải là nước có mức sống vào loại cao nhất thế giới, song Bun-ga-ri lại là nước đứng hàng đầu về số cơ sở y tế và số cán bộ y tế tính theo đầu người: 105 giường chữa bệnh và an dưỡng cho 1 vạn dân, 1 thày thuốc cho 464 người (1975). Ngoài ra, các nhà trẻ và các công trình phục vụ sinh hoạt, được xây dựng phổ biến ở nông thôn, cũng có tác dụng rất to lớn trong việc cải thiện đời sống của người lao động.
Dưới chế độ cũ, 25% dân số bị mù chữ. Ngày nay, tất cả thanh niên đều đã qua giáo dục bậc trung học, một số khá lớn đã qua giáo dục bậc đại học. Thư viện và phòng đọc sách, rạp chiếu bóng, nhà hát, các đoàn nghệ thuật múa, hát kịch,… rất phát triển ở nông thôn. Năm 1944, toàn nông thôn Bun-ga-ri chỉ có 32 rạp chiếu bóng. Năm 1974, con số đó đã lên tới 3.159. Trung bình cứ 1 vạn dân có 9 rạp chiếu bóng. Hiện nay ở nông thôn Bun-ga-ri có 7.000 thư viện. Vô tuyến truyền thanh và truyền hình là phương tiện sinh hoạt tinh thần có tính chất phổ biến. Tính riêng trong nông thôn, cứ 1.000 dân có 269 máy thu thanh và 121 máy thu hình (số liệu năm 1970). Năm 1976, nông thôn Bun-ga-ri với hơn 3 triệu người đã có 58 vạn máy thu hình.
Nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa thì chẳng những đời sống của người nông dân được cải thiện một cách căn bản, mà bộ mặt của nông thôn, quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn cũng được thay đổi căn bản. Thôn xóm được tập trung lại vừa để phù hợp với yêu cầu của sản xuất tập trung, quy mô lớn, với kỹ thuật hiện đại, vừa để thuận tiện cho việc tổ chức cuộc sống văn minh với tiện nghi đầy đủ. Đại đa số làng đã được cấu trúc như các thị trấn, thị xã. Nhà cửa đều bằng gạch, lợp ngói, nhiều nhà có hai tầng. Xung quanh là vườn cây trĩu quả và những bồn hoa rực rỡ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người ở nông thôn năm 1974 là 14,6 m2, cao gấp rưỡi thành thị (10,2 m2). Đường xá ở nông thôn rất phát triển phần lớn là rải nhựa, rải đá. 99,8% dân số nông thôn (chỉ trừ một số vùng núi cao, dân cư phân tán) đã có điện thắp sáng và đun nấu. 93,9% số dân nông thôn đã có nước máy (số liệu năm 1970). Mặc dù hệ thống giao thông công cộng đã rất phát triển, nhiều nông dân vẫn sắm ô-tô du lịch riêng. Những phương tiện sinh hoạt công cộng như cửa hàng ăn và giải khát, rạp chiếu bóng, hiệu giặt là, hiệu cắt tóc, phòng tắm nước nóng, cửa hàng bách hóa, cửa hàng thực phẩm (trong đó bán cả thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn…) hầu như làng nào cũng có.
Trong việc thành thị hóa nông thôn, công nghiệp đóng vai trò quyết định. Qua việc tổ chức lại nông nghiệp và công nghiệp hóa nông nghiệp, nhiều cơ sở công nghiệp phục vụ nông nghiệp phát triển ngay tại nông thôn. Các xí nghiệp chế biến thực phẩm, kho lạnh, xí nghiệp chăn nuôi công nghiệp, xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc, hệ thống trạm máy kéo và các máy móc nông nghiệp, hệ thống cơ khí sửa chữa, các xí nghiệp vận tải chuyên dùng,… đã làm cho đời sống nông thôn và bộ mặt nông thôn được thành thị hóa. Phần lớn lao động nông nghiệp đã có đặc điểm của người công nhân công nghiệp. Đó là chưa kể hàng loạt vùng nông thôn đã biến thành đô thị và khu công nghiệp. Năm 1956, cả nước có 112 thành phố. Năm 1974 có 214 thành phố.
Tất cả thành tựu kể trên về đời sống vật chất và tinh thần thể hiện một cách sinh động thành quả to lớn của công cuộc cải tạo và phát triển nông nghiệp đồng thời là điều kiện và động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp vươn lên những đỉnh cao mới.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 7, Đảng Cộng sản và Nhà nước Bun-ga-ri dự tính sẽ nâng mức sống của nhân dân lao động lên gấp rưỡi năm 1975. Những chỉ tiêu kế hoạch về mức sống của nhân dân lao động lên gấp rưỡi năm 1975. Những chỉ tiêu kế hoạch về mức sống năm 1980 đã được ghi trong Cương lĩnh của Đảng như sau :
Biểu 39: Sản phẩm tiêu dùng bình quân đầu người năm 1980
Sản phẩm | Số lượng |
Thịt và sản phẩm thịt | 70 kg |
Cá tươi và cá hộp | 8 kg |
Sữa, bơ có 35% chất béo | 220 lít |
Trứng | 200 quả |
Chất bột | 150 kg |
Dầu thực vật | 14 kg |
Đường | 36 kg |
Rau | 150 kg |
Quả tươi | 190 kg |
Khoai tây | 30 kg |
Đậu | 4,5 kg |
Đồ uống không có chất rượu | 109 lít |
Vải bông | 32 m2 |
Vải len | 6 m2 |
Lụa | 5 m2 |
Đồ dệt kim và đồ đan | 15 m2 |
Giầy | 2,2 đôi |
Máy thu thanh (tính cho 100 gia đình) | 130 chiếc |
Máy thu hình (tính cho 100 gia đình) | 80 chiếc |
Máy giặt (tính cho 100 gia đình) | 65 chiếc |
Tủ lạnh (tính cho 100 gia đình) | 90 chiếc |
Xe hơi (tính cho 100 gia đình) | 26 chiếc |
Kết luận
Với những điều tai nghe mắt thấy trong mấy tuần viếng thăm đất nước Bun-ga-ri và một số tư liệu ít ỏi thu thập được qua sách báo, hiển nhiên chưa thể đưa ra những kết luận xác đáng về những thành tựu và kinh nghiệm của nhân dân Bun-ga-ri anh em qua 30 năm phấn đấu để đưa nền nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Những điều trình bày dưới đây chỉ là một đôi điểm thu hoạch và suy nghĩ của người nghiên cứu – những thu hoạch và suy nghĩ này cũng không khỏi mang tính hạn chế như bản thân sự hiểu biết của chúng tôi về thực tiễn của nhân dân Bun-ga-ri anh em vậy.