Phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Autralia [ Thanh Huyền (Báo Đất Việt, ngày 01-12-2015).]

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn của Đại học New South Wales, Australia, đã trả lời phỏng vấn của Đất Việt về việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở đào tạo Y, Dược. Dưới đây là trao đổi của Giáo sư với phóng viên Đất Việt.

PV: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược trình độ đại học, hệ chính quy, đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, bởi đây là một trường chuyên đào tạo về các ngành liên quan đến quản trị kinh doanh, chưa từng đào tạo về Y, Dược? Thưa ông, quan điểm của ông ra sao trước quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Khách quan mà nói, tôi nghĩ không nên quá câu nệ hay thành kiến về sự “lệch” giữa tên trường và chương trình đào tạo. Với giả định rằng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cho đào tạo, cơ sở thực hành (như bệnh viện,…) và ban giảng huấn, thì việc trường có thêm Khoa Y, Khoa Dược chẳng có gì đáng tranh cãi. Trong tình hình đất nước còn thiếu bác sĩ, dược sĩ, thì sự tham gia đào tạo Y khoa của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một tín hiệu tích cực.

Có lẽ vấn đề đặt ra là trường đã và đang làm gì để đảm bảo chất lượng đào tạo. Có dịp đi đó đây và ghé thăm nhiều trường Y ở Việt Nam, tôi thấy phần lớn những trường đại học ngoài công lập rất năng động; họ muốn làm một cuộc cải cách giáo dục với hành động thực tế. Tôi chưa ghé qua Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhưng qua theo dõi trả lời phỏng vấn báo chí của Ban Giám hiệu, tôi đoán rằng bước đi của trường là nằm trong trào lưu mới đó.

Tôi phải nói thêm về kinh nghiệm ở nước ngoài để cho thấy bước đi của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là không có gì phải tranh cãi.

Trong thực tế, có những trường đại học được thành lập lúc ban đầu với sứ mệnh đào tạo về công nghệ và kỹ thuật, nhưng sau một quá trình phát triển, thì lại mở rộng sang lĩnh vực khác. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp tôi vừa nói là Trường Đại học Macquarie (Sydney, Australia). Lúc mới thành lập, trường chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế – tài chính và khoa học xã hội. Nhưng sau 30 năm phát triển, trường mở rộng sang các lĩnh vực khoa học sự sống, kể cả Y khoa. Hay như Trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS), xuất thân là một viện công nghệ, sau này được nâng cấp lên bậc đại học và Ban Giám hiệu quyết định mở rộng sang đào tạo các lĩnh vực về luật khoa, thương mại, y tá và nay là Dược khoa. Tên gọi thì vẫn không thay đổi, nhưng lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu thì tiếp tục mở rộng. Điều đó, tôi thấy rất bình thường trong quá trình phát triển đại học.

PV: Điều đáng nói, trong khi lãnh đạo các Trường Đại học Y, Dược đều cho rằng, đào tạo bác sĩ Y đa khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố, như sinh viên phải có năng lực và tố chất tốt, cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập và thực hành,… Bên cạnh đó, giảng viên, ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý, phải là người yêu nghề. Thế nhưng, lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại cho rằng đầu vào của sinh viên không phải yếu tố quyết định, mà cái quyết định là đội ngũ cán bộ, giảng viên, phương pháp đào tạo và thiết bị ứng dụng trong quá trình giảng dạy, dù đầu vào có yếu, thì vẫn có thể trở thành bác sĩ có chuyên môn giỏi. Ông có đồng tình với quan điểm này? Vì sao, thưa ông?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là ngành Y là một ngành đặc thù. Nhưng tôi nghĩ, cũng có thể nói tương tự như vậy về một ngành đào tạo khác, như kỹ thuật và kinh tế chẳng hạn. Bất cứ ngành nào cũng cần phải có sinh viên có năng lực và tố chất tốt. Bất cứ ngành nào cũng đòi hỏi giảng viên phải có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học và yêu nghề. Dĩ nhiên, chương trình đào tạo ngành Y đòi hỏi nhiều cơ sở vật chất (như labo,…) và liên kết (bệnh viện,…) hơn vài ngành khác. Nếu chiếu theo những chuẩn mực quốc tế, tôi nghĩ chẳng có trường Y nào ở Việt Nam, kể cả những trường lâu đời nhất, đáp ứng đủ tiêu chuẩn về phòng labo cho thực hành, nhân sự khoa học, thậm chí thư viện. Nhưng đất nước còn nghèo, đâu thể nào kỳ vọng phải đạt những tiêu chuẩn tiên tiến đó? Do đó, tôi rất thông cảm với các trường ở trong nước phải cố gắng xoay xở trong điều kiện cho phép. Có nhiều trường hợp, các viện/trường khởi đầu rất khiêm tốn và vất vả, nhưng với đầu tư tốt và theo thời gian, họ có thể vượt qua những trường lâu đời.

Còn về “đầu vào” của sinh viên? Vấn đề quan trọng hơn là “đầu vào” nào? Nếu nói đầu vào là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), thì tôi e rằng ông Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS Trần Phương, có lý khi nói như trên. Tôi không biết ở Việt Nam đã có ai nghiên cứu chưa, chứ ở Australia và Mỹ, người ta đã nghiên cứu và kết luận rằng điểm thi THPT không có liên quan đáng kể với thành tích lúc học ở trường Y. Nếu dùng thang đo tương quan từ 0 đến 1, thì mối tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học trong thời gian theo học ở trường Y chỉ 0,15! Nói cách khác, điểm thi THPT không phải là yếu tố tốt để đánh giá khả năng của một bác sĩ tương lai.

Sự thật trên đây dẫn tôi đến một đề nghị quan trọng: tôi nghĩ các trường Y ở Việt Nam cần phải cải cách quy trình tuyển chọn sinh viên. Theo tôi, tuyển chọn sinh viên Y khoa phải đáp ứng hai mục tiêu: một là, chọn người học thích hợp với ngành nghề, và hai là, chọn người có khả năng thành một bác sĩ có tài và có tâm trong tương lai. Để đáp ứng hai mục tiêu đó, việc tuyển chọn sinh viên phải dựa trên hai nhóm tiêu chuẩn liên quan đến học thuật và ngoài học thuật. Do đó, xu hướng mới của tuyển sinh ngành Y là, ngoài điểm thi THPT và điểm thi tuyển chuyên ngành Y, ứng viên còn phải trải qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp và phải vượt qua các kiểm tra (test) về tâm lý và đạo đức. Đó là quy trình tuyển chọn mà nhiều đại học trên thế giới áp dụng. Tôi đề nghị các trường Y nghiêm chỉnh của Việt Nam cũng nên theo mô hình này. Nói gì thì nói, cần phải khẳng định rằng, sinh viên được tuyển chọn theo học Y khoa phải là những học sinh xuất sắc nhất trong nhóm học sinh xuất sắc.

PV: Việc quản lý chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ của một trường ngoài công lập không chuyên về Y, Dược đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo ông, có gặp khó khăn gì hay không? Việc này có tạo ra tiền lệ cho các trường ngoài công lập khác tiếp tục xin được đào tạo hai ngành học được coi là đặc thù này?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Chúng ta không thể đánh giá chất lượng đào tạo khi Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn chưa tuyển sinh. Chúng ta chỉ có thể đánh giá những yếu tố có liên quan đến chất lượng đào tạo, như giảng viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm khoa học, bệnh viện, v.v…). Tôi nghĩ những thẩm định về những yếu tố trên nên để cho các hiệp hội Y khoa hay một hội đồng độc lập thực hiện.

PV: Theo ông, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải làm gì để đảm bảo được chuẩn đầu ra cho đội ngũ y, bác sĩ làm công tác khám, chữa bệnh trong tương lai?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ, có lẽ nhiều người ở Việt Nam quen với tư duy đại học chuyên ngành nên mới thấy ngạc nhiên, thậm chí khó chịu, khi một trường có cái tên chẳng dính dáng gì đến Y khoa, mà lại mở chương trình đào tạo Y khoa. Nhưng như tôi giải thích ở trên, điều này rất bình thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Ở đại đa số các đại học đa ngành ở nước ngoài, Khoa Y chỉ là một trong nhiều khoa mà thôi. Vấn đề là làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin dẫn ra đây câu trả lời của ông Khoa trưởng Y khoa UNSW (Australia): “Các bác sĩ tương lai phải có kỹ năng lâm sàng tốt, phải có kiến thức về khoa học hiện đại và kỹ năng truyền đạt thông tin”.

Xuất phát từ ba kỹ năng đó, chương trình đào tạo Y khoa chẳng những phải đảm bảo sinh viên có cơ hội thực hành lâm sàng, mà còn phải có cơ hội tiếp xúc và thực hành khoa học thực nghiệm và truyền đạt thông tin y học, hay nói thẳng là bác sĩ tương lai phải học đọc, học nói và học viết. Nói ngắn gọn hơn, trường đại học phải nhắm đến đào tạo các bác sĩ tương lai có thực tài, có kiến thức và phán xét tốt, dám dấn thân vì sức khoẻ cộng đồng và sẵn sàng chấp nhận một khế ước đạo đức với xã hội.

PV: Xin cảm ơn Gíáo sư đã chia sẻ với Đất Việt!