Phỏng vấn ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Minh Lợi,
Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Minh Lợi trả lời VietNamNet xung quanh việc Trường Ðại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép tuyển sinh ngành Y và Dược.

Ông có ý kiến gì sau những giải thích của lãnh đạo Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tại cuộc họp báo hôm thứ 7 vừa qua? Thực tế là trường vừa đào tạo, vừa bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cho việc đào tạo y đa khoa, dược học. Theo ông chất lượng đào tạo sẽ ra sao khi các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa hoàn thiện như vậy?

Chúng tôi cho rằng hiện nay trường chưa tuyển sinh, chưa đào tạo thì chưa có căn cứ để trả lời chất lượng đào tạo sẽ ra sao. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vừa rồi, dư luận đã lên tiếng thì với trách nhiệm xã hội cũng như để giữ thương hiệu của mình, trường không thể không thực hiện các phương án đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, hai Bộ đang trao đổi để có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo của các năm học theo đúng kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành. Điều này đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ trong cuộc họp báo của Chính phủ tuần trước.

Có nên tiếp tục để trường được phép mở ngành và thử nghiệm tuyển sinh trong thời gian tới?

Việc mở ngành của trường là đúng quy định hiện hành theo Thông tư số 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường cũng đã tham khảo đề xuất của Bộ Y tế để chuẩn bị và sẽ phải hoàn thiện theo sự thống nhất về yêu cầu chất lượng của hai Bộ trước khi tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét chặt chẽ vấn đề này.

Trong trường hợp nếu ông vẫn cho rằng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chưa đủ điều kiện để đào tạo Y, Dược, thì trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu, và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là gì?

Ở đây cũng phải khẳng định là nếu chiếu theo Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì trường đã vượt so với yêu cầu. Tuy nhiên, như trên đã nói, nếu trường chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuyên môn, Bộ Y tế có trách nhiệm kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ sở đào tạo cân nhắc việc tuyển sinh. Hai Bộ cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, kể cả tổ chức các đoàn chuyên gia độc lập, đồng thời cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và yêu cầu đặc thù của ngành Y. Đó cũng là một tiến trình tất yếu.

Tới đây, hai Bộ có cần bàn lại với nhau về những tiêu chí mở ngành Y, Dược? Nếu phải thay đổi, thì đó là những thay đổi nào?

Hai Bộ đang phối hợp để bàn về vấn đề trên. Những thay đổi là nâng cao yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên, cơ sở thực hành trong và ngoài trường, nhất là bệnh viện thực hành và các điều kiện cơ sở vất chất đảm bảo cao nhất cho việc dạy, học, thực hành theo hướng đổi mới và hội nhập./.